Saturday, January 4, 2025

Hume – Lịch Sử Tự Nhiên Của Tôn Giáo (02)

 Lịch Sử Tự Nhiên Của Tôn Giáo

(The Natural History of Religion)

David Hume

 

( ← ... tiếp theo )

 


 

Tiết III.

Tiếp tục cùng đề tài

 

N 3.1, Bea 40

Chúng ta được đặt vào thế giới này, như trong một “đại hý trường”, ở đó những nguồn gốc và những nguyên nhân thực của mọi biến cố  đều hoàn toàn bị che giấu khỏi chúng ta; chúng ta cũng không có đủ trí khôn để thấy trước hay đủ sức mạnh để ngăn chặn những bất hạnh này vốn chúng ta liên tục bị chúng đe dọa. Chúng ta luôn bị treo lơ lửng giữa sự sống và cái chết, sức khỏe và bệnh tật, dư thừa và thiếu thốn; vốn đã phân phối giữa những loài người bởi những nguyên nhân bí mật và chưa biết, hoạt động của chúng thường bất ngờ và luôn không thể giải thích được. Khi đó, nguyên nhân chưa biết này trở thành đối tượng thường trực của hy vọng và hãi của chúng ta; và trong khi những đam mê được giữ trong tình trạng báo động liên tục bởi một chờ đợi lo lắng về những biến cố, thì trí tưởng tượng cũng được dùng một cách tương tự trong việc hình thành những ý tưởng về những sức mạnh đó mà chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào. Liệu con người có thể mổ xẻ thiên nhiên, theo triết lý có thể xảy ra nhất, ít nhất là dễ hiểu nhất, rằng những nguyên nhân này không gì khác ngoài sự đan dệt và cấu trúc cụ thể của chính những bộ phận nhỏ bé của cơ thể họ và của những vật thể bên ngoài; và rằng, bằng một guồng máy đều đặn và liên tục, tất cả những biến cố được tạo ra, vốn họ rất quan tâm về chúng. Nhưng triết lý này vượt quá sự thấu hiểu của đám đông ngu muội, những người chỉ có thể hình dung những nguyên nhân chưa biết trong một cách tổng quát và mù mờ; dù trí tưởng tượng của họ, thường xuyên được cùng một chủ thể đem dùng , phải vất vả để hình thành một số ý tưởng cụ thể và khác biệt về chúng. Họ càng xem xét bản thân những nguyên nhân này và sự bất trắc trong hoạt động của chúng, thì họ càng ít hài lòng với những tìm kiếm của họ; và, dù không sẵn lòng, cuối cùng họ cũng phải từ bỏ một nỗ lực gian nan như vậy, nếu không phải vì một khuynh hướng trong bản chất con người, dẫn đến một hệ thống, mang lại cho họ một số sự hài lòng nào đó.

Wednesday, January 1, 2025

Hume – Lịch Sử Tự Nhiên Của Tôn Giáo (01)

Lịch Sử Tự Nhiên Của Tôn Giáo

The Natural History of Religion (1757-1777)

David Hume

(1711-1776)

 

 


 

Thay lời dẫn nhập

 

1.

Nhìn chung, Lịch Sử Tự Nhiên Của Tôn Giáo (1757) và Những Đàm Thoại Về Tôn Giáo Tự Nhiên (1779) của David Hume là những tấn công liên tục vào những khái niệm đương thời về Gót và vị trí của tôn giáo trong lịch sử. Lịch Sử Tự Nhiên Của Tôn Giáo là một phân tích trực tiếp về những nguyên nhân của tôn giáo, những động lực tâm lý đằng sau một tin tưởng vào Gót và sự tiến hóa tự nhiên tiếp theo của tôn giáo trong những kinh nghiệm sinh hoạt của con người theo thời gian. Xuất bản sau khi ông đã qua đời, Những Đàm Thoại Về Tôn Giáo Tự Nhiên kể lại một thảo luận dài giữa ba người đại diện cho ba quan điểm: Demea biện luận rằng sự tồn tại của Gót có thể được chứng minh a priori qua luận chứng hợp lý, Cleanthes tin rằng sự tồn tại của Gót có thể được chứng minh a posteriori qua một phiên bản của luận chứng thiết kế và Philo hoài nghi cả hai dòng luận chứng. Trong khi The Natural History of Religion là một luận văn về tâm lý và lịch sử về tôn giáo, Dialogues Concerning Natural Religion là một luận văn triết học về bản chất của tôn giáo.