Wednesday, May 28, 2025

Hume – Những Đàm Thoại Về Tôn Giáo Tự Nhiên (08)

Những Đàm thoại về Tôn giáo Tự nhiên

(Dialogues concerning Natural Religion)

David Hume

( ← ... tiếp theo )

 





PHẦN X

 

Tóm Tắt

 

1.

Lập Luận từ Bản năng: Bây giờ, khi Cleanthes và Philo đã tấn công lập luận về bản thể của Demea, Demea đưa ra nhữngcó thể được gọi là “Lập Luận từ Bản năng “ [1]. Cho thấy hiện sinh con người đau khổ khốn nạn như thế nào, ông nói, chúng ta chỉ phải tin vào Gót. Tất cả chúng ta đều cảm nhận được sự hiện diện nhân từ của Gót qua sự khốn khổ của kiếp sống, và cảm nhận này là những gì khiến đời sống đau thương thành chịu đựng được.

 

Philo đồng tình với lập luận bi quan của Demea về Gót, và hai người bàn luận về một bức tranh vô cùng ảm đạm và vô vọng của vũ trụ. Trái ngược với cỗ máy hoàn toàn hài hòa Cleanthes vốn tưởng tượng, họ thấy thế giới như một chốn rất đen tối thống khổ. Đời sống của mọi sinh vật là một cuộc đấu tranh. Chỉ con người mới có thể chế ngự được những thù địch của họ, nhưng con người cũng chẳng khá hơn vì chính họ lại tự tạo những kẻ thù bên ngoài, tự tạo những xiềng xích vô hình của đau khổ bên trong. Con người là kẻ thù lớn nhất của chính con người, không ngưng nghỉ bị cuốn vào mọi hình thức của áp bức, bất công, chiến tranh, nô lệ, diệt chủng, lừa đảo gian trá. Lối thoát duy nhất của chúng ta là cái chết và chúng ta vô cùng sợ hãi điều đó. Nếu thế giới thực sự là một cỗ máy vĩ đại như Cleanthes tuyên bố, thì nó như chỉ được thiết kế để truyền giống sinh sôi cho mọi loài sinh sôi nảy nở, nhưng không phải để làm ra cho bất kỳ một loài nào được hạnh phúc.

 

Cuối cùng, sau tất cả những bàn luận vào đầu này, Philo hé lộ cho thấy tại sao ông háo hức cùng Demea hùng biện về sự thống khổ của thế gian: ông có một lập luận trong tay, lập luận cuối cùng và hay nhất của ông. Cleanthes muốn tuyên bố rằng bằng việc nhìn vào thế giới tự nhiên, chúng ta có thể rút ra những kết luận về bản chất của Gót. Thế nhưng, xét đến việc có vô vàn những xấu xa khổ đau trong thế giới, chúng ta thực sự có thể kết luận được gì về Gót bằng việc trông vào như bằng chứng này? Chúng ta chắc chắn không thể kết luận rằng ngài vô cùng tốt lành và vô cùng quyền năng. Cũng giống như bằng chứng có sẵn trong tự nhiên không đủ để thiết lập những thuộc tính tự nhiên của Gót (tức là sự vô hạn, sự toàn hảo, sự thống nhất, sự vô hình của ngài), Philo tuyên bố rằng bằng chứng có sẵn cho chúng ta trong tự nhiên thì cũng không thể nào là đủ để thiết lập được những thuộc tính đạo đức của Gót (tức là lòng tốt và ý chí của ngài).

 

2.

Vấn đề của cái Ác là một trong những câu hỏi lâu đời nhất và khó giải quyết nhất trong triết học tôn giáo. Theo truyền thống, nó được trình bày dưới một dạng thách thức với quan niệm của đạo Kitô về thần thánh. Trong suốt chiều dài lịch sử, con người đặt câu hỏi – làm thế nào để có thể dung hòa lòng tốt, thông thái và quyền năng vô hạn của Gót với sự hiện diện của cái Ác thấy trong mọi thời và mọi nơi trong thế giới. Với sự hiện diện của cái Ác, chúng ta – hoặc phải kết luận rằng Gót muốn ngăn chặn những đau khổ không cần thiết này, nhưng đã không thể, trong trường hợp đó Ngài không phải là toàn năng, – hoặc chúng ta có thể nhìn nhận rằng Ngài không muốn ngăn chặn cái Ác, trong trường hợp đó, chúng ta có thể kết luận rằng Ngài không phải là vô cùng tốt, toàn thiện (hoặc, theo cách khác, chúng ta có thể kết luận rằng Ngài vừa muốn vừa có thể ngăn chặn cái Ác, nhưng Ngài không đủ khôn ngoan để biết cách sắp xếp thế giới sao cho không có cái Ác, trong trường hợp đó, Ngài không phải là vô cùng khôn ngoan, toàn trí). Nhiều nhà tư tưởng đạo Kitô đã tuyên bố, biện luận bào chữa rằng Gót có thể ngăn chặn cái Ác nhưng đã không muốn làm vậy vì đó không phải là nhữngtốt nhất (cho con người) để thực hiện.

 

Philo không đặc biệt bận tâm đến Vấn đề của cái Ác, trong cách nó thường được đóng khung, hay khuôn khổ thảo luận trong gót học hay triết học truyền thống, vốn đã như một thách thức của quan điểm không tin có gót với quan niệm tin có gót của đạo Kitô về thần linh. Thay vào đó, ông trình bày nó như một thách thức với nỗ lực của những người tin có gót thực nghiệm, nhằm suy ra bản chất của Gót từ vũ trụ. Nhưng trong tiến trình bàn luận giữa ba người, Hume đã giải quyết thách thức đầu tiên, nổi tiếng hơn do vấn đề cái Ác đặt ra. Demea, tất nhiên, trả lời vấn đề bằng câu trả lời chính thống tiêu chuẩn: chúng ta chỉ nghĩ rằng có cái Ác trên thế giới, bởi vì chúng ta không hiểu mọi sự vật việc được cân bằng như thế nào để đạt được sự tốt lành cuối cùng. Tuy nhiên, Cleanthes cho thấy rằng hoàn toàn không có cơ sở nào cho tuyên bố này. Chúng ta không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy tất cả cái Ác cân bằng để đạt được sự tốt đẹp cuối cùng. Tuy nhiên, Demea có lẽ sẽ không nao núng trước sự phản đối này: ông không quan tâm đến việc cần có bằng chứng cho tin tưởng tôn giáo vững chắc của ông, rằng “tất cả đều vì sự tốt lành nhất “ hay không, vì Demea không quan tâm đến việc chứng minh Gót từ bằng chứng. Demea giữ vững tin tưởng tôn giáo của ông dù không có bất kỳ bằng chứng hỗ trợ thực nghiệm nào. Những gì là quan trọng nhất đối với ông không phải là cơ sở logic hay lý trí của tin tưởng tôn giáo của ông, nhưng là khả năng của ông để hòa giải sự hiện diện không thể phủ nhận của cái Ác trong thế giới với sự hiểu biết của ông có riêng về bản chất của Gót. Demea chủ yếu quan tâm với việc duy trì một thế giới quan nhất quán có thể giải thích cho cả sự hiện hữu của đau khổ và sự hiện hữu của một vị thần linh nhân từ và toàn năng.

 

Philo cũng đưa ra một trả lời cho vấn đề truyền thống về cái Ác. Ông dựa trên lập trường vốn ông đã nhấn mạnh trong suốt lập luận của ông: rằng con người đơn giản là không thể thấu hiểu được bản chất của Gót hay kế hoạch thiêng liêng của ngài. Theo Philo, miễn là chúng ta tránh so sánh Gót với con người, thì vấn đề cái Ác thực sự không phát sinh. Nếu chúng ta đánh giá Gót dựa trên những tiêu chuẩn đạo đức của con người, thì có vẻ như Gót đã thất bại theo một cách nào đó – đặc biệt là khi cho phép cái Ác tồn tại. Nhưng, Philo lập luận, không có lý do gì để cho rằng những tiêu chuẩn đạo đức của Gót hoàn toàn giống với tiêu chuẩn của chúng ta. Khi chúng ta nhìn nhận rằng bản chất và khuôn khổ đạo đức của Gót nằm ngoài tầm hiểu biết của chúng ta, thì có thể hòa giải được mâu thuẫn rõ ràng giữa sự toàn hảo vô hạn của Gót và sự tồn tại của cái Ác trên thế giới – ngay cả khi chúng ta không thể tháu hiểu được cách thức hòa giải này có thể xảy ra như thế nào.

 

3.

Vấn đề lớn rộng hơn về cái Ác: Điều này dẫn đến một vấn đề lớn rộng hơn – một trong những câu hỏi lâu đời nhất và khó nhất trong triết học tôn giáo: Vấn Đề Cái Ác. Vấn đề này thường được nêu ra để phản lại ý tưởng của đạo Kitô về Gót, Hiện Hữu Tối Cao được cho là toàn Thiện, toàn Trí và toàn Năng. Nhưng nếu điều đó đúng, thì làm sao Tà Ác có thể hiện hữu?

Nội dung vấn đề thách thức có thể diễn tả bình dị như sau:

– Nếu Gót muốn chấm dứt đau khổ nhưng không thể, thì Ngài không là Toàn Năng.

– Nếu Gót có thể chấm dứt đau khổ nhưng không muốn, thì Ngài không là Toàn Thiện.

– Và nếu Gót vừa muốn chấm dứt đau khổ vừa có thể chấm dứt cái Ác nhưng vẫn không làm được, thì có lẽ Ngài không là Toàn Trí để tạo một thế giới trong đó không có cái Ác.

 

Những nhà biện hộ đạo Kitô giải thích rằng cái Ác tồn tại vì con người có ý chí tự do. Sự lạm dụng ý chí tự do này của con người đã dẫn đến cái Ác và đau khổ. Gót cho phép cái Ác xảy ra không phải vì Ngài bất lực hay tàn nhẫn, nhưng vì nó có thể dẫn đến những điều tốt lành lớn hơn như lòng can đảm, lòng trắc ẩn hoặc sự phát triển đạo đức. Đau khổ được coi là có ý nghĩa, đặc biệt khi đối mặt với tình yêu hoặc sự hy sinh, như được thể hiện trong đời sống và cái chết của chúa Jesus. Người Kitô cũng tin rằng những bất công trong đời sống này sẽ được giải quyết ở đời sau. Một số lý do Gót cho phép cái Ác xảy ra có thể khó hiểu và vượt quá sự hiểu biết của con người, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không có mục đích.

 

 

Phần X

 

D 10.1, KS 193

Đó là ý kiến của tôi, Demea trả lời, tôi nhận rằng mỗi người trong một cách nào đó, cảm nhận được chân lý của tôn giáo trong buồng ngực chính họ. Không qua lý luận, nhưng đúng hơn qua một nhận thức về sự ngu dại và khốn khổ của mỗi người, dẫn dắt đến việc tìm kiếm sự che chở bảo bọc từ Hữu Thể đó – vốn chúng ta và tất cả thiên nhiên – đều phụ thuộc vào. Ngay cả những khoảnh khắc vui vẻ nhất trong đời sống cũng đầy những lo lắng hoặc nhàm chán, nên chúng ta luôn hướng về tương lai – đặt những hy vọng và sợ hãi vào nhữngsắp xảy ra. Chúng ta luôn nhìn về phía trước, cố gắng – qua cầu nguyện, thờ phụng và những hy sinh, tận hiến hay khổ hạnh và tự hạ mình – mong xoa dịu, dỗ dành và nhận được ưu ái của những thế lực vô hình, qua kinh nghiệm cho thấy chúng có thể dễ dàng gây thống khổ và áp đặt bất hạnh xuống chúng ta. Chúng ta thật là một loài khốn khổ! Chúng ta có thể trông mong vào đâu giữa không ngớt những bất hạnh trong đời sống, nếu như tôn giáo đã không đưa ra một số những phương cách để chuộc tội và làm khuây khỏa những kinh hoàng vốn không ngừng khuấy động và hành hạ chúng ta?

 

D 10.2, KS 193

Tôi thực sự tin rằng, Philo nói, cách hiệu quả nhất – có lẽ là cách duy nhất – để đưa mọi người đến với sự hiểu biết đúng đắn về tôn giáo là mô tả một cách sống động sự khốn khổ và những khiếm khuyết về mặt đạo đức của đời sống con người. Và vì mục đích này, người ta không cần quá nhiều lập luận logic hay lý luận, vốn là sức mạnh của sự hùng biện và hình ảnh sống động, đầy cảm xúc. Rốt cuộc, chúng ta có thực sự cần phải chứng minh điều vốn mọi người đều cảm thấy sâu xa bên trong không? Nhiệm vụ thực sự là giúp mọi người cảm nhận điều đó mạnh mẽ và rõ ràng hơn – sâu xa hơn và với sức mạnh cảm xúc lớn hơn.

 

D 10.3, KS 193

Quả thật, Demea trả lời, mọi người đã đủ tin chắc vào sự thực lớn lao và buồn thảm này. Những đau khổ trong đời sống, bất hạnh của con người, những tha hóa đạo đức lan rộng trong bản chất chúng ta, và phù du , bất lực của lạc thú, tài sản, danh vọng, trong việc mang lại hạnh phúc trọn vẹn lâu dài; những cảm thán này đã những câu nói phổ biến trong hầu hết mọi ngôn ngữ. Và ai có thể nghi ngờ về những gì tất cả mọi người tuyên bố từ cảm xúc trực tiếp và kinh nghiệm cá nhân của họ?

 

D 10.4, KS 193-4

Về điểm này, Philo nói, những người học thức và những người tầm thường hoàn toàn đồng ý; và trong mọi tác phẩm văn học, tôn giáo thế tục, đề tài về sự khốn khổ của con người đã được diễn đạt bằng sự hùng biện cảm động nhất vốn thương đau và u sầu có thể truyền hứng cảm. Những nhà thơ, những người nói từ cảm xúc chân thành chứ không phải hệ thống cứng nhắc, và do đó lời chứng của họ đáng tin cậy hơn – đặc biệt giàu hình ảnh như vậy. Từ Homer đến Tiến sĩ Young, toàn bộ truyền thống cảm hứng của những nhà thơ luôn hiểu rằng không có bức chân dung nào khác về đời sống phù hợp chặt chẽ với kinh nghiệm và quan sát của từng cá nhân như vậy.[2]

 

D 10.5, KS 194

Về phần những nhà văn hay nhà tư tưởng có uy tín, bạn không cần phải tìm kiếm chúng. Hãy xem quanh thư viện Cleanthes này. Tôi sẽ mạo muội khẳng định rằng, ngoại trừ những tác giả của những ngành khoa học cụ thể, chẳng hạn như hóa học hay thực vật học, những người không có cơ hội để nói về đời sống con người, hầu như không có một ai trong vô số những tác giả này, trong một đoạn văn nào đó, ở một thời điểm nào đó, lại chưa từng buộc họ phải nhìn nhận và bày tỏ thực tại đau khổ của con người, dù là miễn cưỡng hay vô tình. đã không khiến họ phàn nàn và thú nhận về nó. Sự đồng thuận áp đảo rõ ràng là ủng hộ quan điểm đó; và tôi không thể nghĩ ra một nhà văn nào từng vô lý đến mức phủ nhận hoàn toàn thực tế về sự đau khổ của con người.

 

D 10.6, KS 194

Về điểm đó, bạn sẽ phải tha thứ cho tôi, Philo nói. Leibniz đã phủ nhận điều đó – và có lẽ là người đầu tiên [9] , người có một lập trường táo bạo và nghịch lý như vậy, hay ít nhất là người đầu tiên coi đó là trọng tâm trong toàn bộ hệ thống triết học của ông. [3]

 

D 10.7, KS 194

Và vì ông là người đầu tiên phủ nhận điều đó,Demea trả lời, phải chăng Leibniz đã không thể thấy rằng mình đã sai hay sao? Đây có thực sự là loại đề tài trong đó những triết gia có thể mong đợi tìm những câu trả lời mới không? đặc biệt là vào một giai đoạn muộn như vậy trong lịch sử? Và liệu một ai có thể hy vọng rằng chỉ bằng một phủ nhận đơn giản (vì đề tài khó hầu như không mở ra cho lý luận lôgic) – có thể vượt qua được kinh nghiệm và nhận thức chung của toàn thể nhân loại không?

 

D 10.8, KS 194

Và tại sao, ông nói thêm, con người làm như được miễn trừ khỏi số phận của tất cả những loài sinh vật khác? Tin tôi đi, Philo, toàn bộ trái đất thì bị nguyền rủa và tha hóa, tràn ngập bất công và đau khổ. Một chiến tranh liên tục đang bùng nổ giữa tất cả những loài sinh vật. Động lực để sinh tồn – những nhu cầu cấp thiết như đói khát và thiếu thốn – thúc đẩy những người mạnh mẽ và dũng cảm vào hành động không ngừng nghỉ; trong khi những người yếu đuối và dễ bị tổn thương bị dày vò bởi sợ hãi, lo lắng và khiếp đảm. Bước đầu tiên đưa vào sự sống đã quằn quại trong đau đớn cho cả đứa bé sơ sinh lẫn cha mẹ khốn khổ của nó. Sự yếu đuối, bất lực và tai họa khốn cùng đi kèm với mọi giai đoạn của đời sống – và cho đến hấp hối cuối cùng, đời sống kết thúc trong thống khổ và kinh hoàng.

 

D 10.9, KS 194-5

Philo nói, cũng hãy quan sát những thủ đoạn kỳ lạ của Thiên nhiên, như quyết tâm làm đời sống của mọi sinh vật thành ra cay đắng. Con mạnh hơn săn mồi con yếu hơn, và khiến chúng trong thường trực sợ hãi và lo lắng. Con mạnh ăn thịt con yếu, và giữ chúng trong sợ hãi và kinh hoàng liên tục. Nhưng con yếu, đến lượt nó, lại hành hạ con mạnh – gặm nhấm, châm chích, quấy rối không ngừng. Hãy nghĩ đến vô số loài côn trùng sống trên cơ thể những con vật hoặc bay xung quanh chúng, không ngừng cắn, đốt và hành hạ chúng. Ngay cả những côn trùng này cũng bị những loài ký sinh trùng nhỏ hơn hành hạ chúng. Vì vậy, ở mọi phía – trước và sau, trên và dưới – mọi loài sinh vật đều có những kẻ thù bao quanh, không ngừng tìm gây khốn khổ và hủy diệt.

 

D 10.10, KS 195

Chỉ có con người, Demea nói, có vẻ như là một phần ngoại lệ của quy luật tàn bạo này của tự nhiên. Bằng khả năng kết hợp trong xã hội,, con người có thể dễ dàng chế ngự sư tử, hổ và gấu, mặc dù những loài động vật này khỏe hơn và nhanh hơn và thông thường có thể săn bắt con người.

 

D 10.11, KS 195

Ngược lại, Philo kêu lên, ở đây chủ yếu là nơi vốn những quy luật đồng nhất và bất biến của Thiên nhiên là rõ ràng nhất. Đúng là con người, bằng kết hợp, có thể đánh bại mọi kẻ thù thực sự của nó và trở thành chủ nhân của toàn bộ vương quốc động vật. Nhưng không phải con người ngay lập tức dựng lên cho chính nó những kẻ thù tưởng tượng, những quỷ thần của hoang tưởng, ám ảnh con người với những mê tín kinh hoàng, và phá hủy mọi lạc thú của đời sống hay sao? Những thế lực tiinh thần vốn họ tin rằng đang theo dõi, phán xét và lên án họ vì những vui sướng của họ. Vui sướng trở thành sự nghi ngờ; sự nghỉ ngơi đơn thuần, thành một lý do để hổ thẹn. Ngay cả những giấc ngủ và giấc mơ của con người cũng trở thành nguồn gốc của kinh hoàng lo lắng. Và ngay cả cái chết, nơi ẩn náu của mọi khổ đau bất hạnh khác, chỉ mang đến sợ hãi và vô số những tai ương bất tận. Con sói cũng không quấy rối đàn cừu nhút nhát nhiều hơn mê tín dị đoan làm phiền lòng những người phàm khốn khổ.

 

D 10.12, KS 195

Và hãy nghĩ về sự việc này nữa, Demea, Philo nói, chính xã hội này qua đó chúng ta chiến thắng những dã thú đó, những kẻ thù tự nhiên của chúng ta, nó cũng mang đến những kẻ thù mới của riêng nó. Biết bao đau đớn và khốn khổ đến từ bàn tay con người! Con người thực sự là kẻ thù lớn nhất của con người. Áp bức, bất công, khinh miệt, lăng mạ, bạo lực, nổi loạn, chiến tranh, vu khống, phản bội và lừa dối, qua những điều này, con người không ngừng hành hạ lẫn nhau. Họ sẽ nhanh chóng phá hủy chính xã hội vốn họ đã xây dựng, nếu không vì sự khiếp sợ về những gì cón xấu xa thê thảm hơn vốn sẽ phải xảy ra khi tan vỡ.

 

D 10.13, KS 195-6

Nhưng cho dù có những tấn công từ bên ngoài này, Demea nói, từ thú hoang, từ những người khác, gồm bạo lực của những quốc gia và bộ lạc, và từ những thế lực khắc nghiệt của thiên nhiên, khủng khiếp như chúng vốn có, vẫn chẳng là gì so với đau khổ đến từ bên trong, từ trạng thái bất ổn của chính não thức và cơ thể bệnh tật của chúng ta. Có bao nhiêu người sống trong đau đớn liên tục vì những căn bệnh kéo dài, chậm chạp? Hãy nghe lời kể lể động lòng của nhà thơ vĩ đại.

 

Sỏi thận, loét dạ dày, quặn bụng dữ dội, tàn khốc.

Điên loạn như bị quỉ ám, trầm cảm dai dẳng dìm con người vào vô vọng.

Những cơn động kinh kỳ lạ đổ lỗi cho mặt trăng, Cơ thể dần héo mòn, ngày một suy kiệt

Trẻ em thiếu dinh dưỡng, và suy nhược mãn tính làn truyền như dịch.

Người bệnh trở mình trằn trọc, vật vã đau đớn và kêu khóc,

TUYỆT VỌNG di chuyển bận rộn giữa họ, chăm sóc từng người,

THẦN CHẾT lơ lửng bên trên họ, giơ vũ khí chiến thắng sẵn sàng,

Vung phi tiêu nhưng không phóng, mặc dù những người bệnh thường kêu gọi ông.

Vói khấn nguyện, như sự tốt đẹp duy nhất và và hy vọng cuối cùng của họ. [4]

 

D 10.14, KS 196

Những đau khổ hay rối loạn về tâm lý, Demea nói tiếp, dù thường được giấu kín và ít ai biết đến, có lẽ đều không kém phần tối tăm và đau đớn. Hối hận, xấu hổ, buồn bã, tức giận, thất vọng, lo lắng, sợ hãi, chán nản, tuyệt vọng… Ai trong đời không từng bị những dằn vặt bên trong này hành hạ tàn nhẫn? Có mấy người may mắn cảm nhận được bất kỳ một gì tốt đẹp hơn những cảm giác khốn khổ này? Vất vả kiếm ăn vả nghèo đói, vốn tất cả mọi người đều ghê tởm, chắc chắn là số phận của đông đảo nhiều người hơn: và một số ít người được hưởng đặc quyền, những người dù sống trong xa hoa, được sống trong giàu sang, xa hoa, nhưng họ cũng không bao giờ thực sự cảm thấy thỏa mãn hay hạnh phúc trọn vẹn. Tất cả những tốt đẹp của đời sống cộng lại cũng không đủ để làm một người hạnh phúc; nhưng chỉ cần một chút đau khổ hay thiếu vắng điều tốt lành cũng đủ khiến người ta cảm thấy đời sống thật khó chịu và nặng nề. Vì không ai có thể tránh khỏi đau khổ hay đạt được mọi điều may mắn, nên đời sống dường như trở nên khó sống và mất đi ý nghĩa.

 

D 10.15, KS 196

Nếu một người lạ ngoài trần gian bất ngờ rơi xuống thế giới này, tôi sẽ cho người này thấy, như một mẫu hình tiêu biểu của những tệ hại của nó, một bệnh viện đầy người bệnh, một nhà tù chật ních tội phạm và con nợ, một chiến trường ngập tràn xác chết, một hạm đội chìm nghỉm giữa đại dương, một quốc gia đang kiệt quệ dưới chế độ độc tài, hay cảnh đói nghèo và dịch bệnh hoành hành. Còn nếu tôi muốn dẫn người này đến những nơi vui tươi của đời sống, và cho người này một khái niệm về những lạc thú của nó; thì tôi nên đưa người đó đi đâu? Một buổi dạ tiệc khiêu vũ? Một buổi opera? Hay một cung điện hoàng gia tráng lệ? Dù thế nào đi nữa, người này cũng có thể nghĩ rằng tôi chỉ đang cho người này thấy những hình thức khốn khổ khác nhau của đau khổ và phiền muộn.

 

D 10.16, KS 196

Philo nói rằng không có cách nào tránh khỏi những trường hợp nổi bật như vậy, ngoại trừ đưa ra những lời bào chữa, vốn lại làm lời buộc tội thêm trầm trọng. Tại sao tất cả mọi người, tôi hỏi, trong mọi thời đại, đều liên tục phàn nàn về những đau khổ của đời sống? Có người có thể trả lời rằng họ không có lý do chính đáng, rằng những lời than phiền đó chỉ xuất phát từ tính khí bất mãn, buồn rầu, lo lắng của họ. Nhưng tôi đáp lại rằng, liệu có nguyên nhân nào vững chắc hơn cho sự khốn khổ đó ngoài chính tính khí khốn khổ đó hay không?

 

D 10.17, KS 196-7

Nhưng nếu mọi người thực sự bất hạnh như họ tuyên bố, người đối lập của tôi nói, thì tại sao họ vẫn tiếp tục sống?

Tôi trả lời rằng, họ không hài lòng với đời sống – nhưng họ còn sợ cái chết hơn.

Đây là sợi dây xích bí mật, tôi nói, trói chặt chúng ta. Chúng ta không phải vì được khích lệ hay ban thưởng để tiếp tục sống nhưng đơn giản là vì quá sợ hãi để từ bỏ nó.

 

D 10.18, KS 197

Người đối lập của tôi có thể lập luận rằng đó chỉ là một sự tinh tế giả tạo, vốn chỉ một số ít người quá tinh tế mới cảm nhận được, và đã lan truyền những phàn nàn này trong toàn thể loài người. Nhưng tôi hỏi, sự tinh tế này bạn đang chỉ trích là gì? Chẳng phải nó chỉ đơn giản là một sự nhạy cảm sâu xa hơn với tất cả những vui và khổ của đời sống hay sao? Và nếu một người có một tính khí tinh tế, thanh nhã – vì họ cảm nhận mọi sự vật việc mãnh liệt hơn – thì chỉ là bất hạnh hơn nhiều; chúng ta phải đưa ra phán đoán nào về đời sống con người nói chung?

 

D 10.19, KS 197

Đối lập của chúng ta nói, hãy để mọi người không làm gì cảnghỉ ngơi; và họ sẽ thấy thoải mái nhẹ nhõm. Họ là những người tự nguyện tạo ra sự khốn khổ của chính họ. – – – Không! Tôi trả lời; một sự uể oải lo lắng theo sau sự nghỉ ngơi của họ: sự thất vọng, bực bội, rắc rối, theo sau hoạt động và tham vọng của họ.

 

D 10.20, KS 197

Tôi có thể nhận thấy một gì đó giống như những gì bạn nhắc đến trong một số người khác, Cleanthes trả lời: nhưng tôi thú nhận rằng tôi cảm thấy ít hay không gì cả của nó trong chính tôi; và hy vọng rằng nó thì không quá phổ biến như bạn trình bày nó.

 

D 10.21, KS 197

Nếu chính bạn không cảm nhận được sự khốn khổ con người, Demea kêu lên, tôi chúc mừng bạn về một hạnh phúc hiếm hoi khác thường như vậy. Ngay cả những người có vẻ rất thành công, may mắn giàu sang nhất, đã từng không hổ thẹn khi trút những lời phàn nàn của họ bằng những giọng điệu buồn bã nhất. Chúng ta hãy chú ý đến vị Hoàng đế vĩ đại, may mắn, Charles V, khi, mệt mỏi với sự vĩ đại của con người, ông đã từ bỏ mọi lãnh địa rộng lớn của mình vào tay con trai ông. Trong bài diễn thuyết cuối cùng, vốn ông đã thực hiện vào dịp đáng nhớ đó, ông đã công khai nhìn nhận rằng những sự thịnh vượng lớn nhất vốn ông từng được hưởng đã pha trộn với rất nhiều nghịch cảnh, đến nỗi ông có thể thực sự nói rằng ông chưa bao giờ được hưởng bất kỳ sự hài lòng hay mãn nguyện nào. Nhưng đời sống ẩn dật, nơi ông tìm kiếm nơi trú ẩn, có mang lại cho ông hạnh phúc lớn hơn không? Nếu chúng ta có thể tin vào lời kể của con trai ông, thì sự ăn năn của ông bắt đầu ngay từ ngày ông từ chức. [5]

 

D 10.22, KS 197

Cicero, từ những khởi đầu khiêm tốn, đã đạt đến vinh quang và danh tiếng cao nhất. Tuy nhiên, trong những lá thư quen thuộc và những diễn thuyết triết học của ông, chứa đựng những than phiền thảm hại nào về những bất hạnh của đời sống. Và như với kinh ngiệm của ông, Cicero cũng kể lại rằng Cato, dù được coi là vĩ đại và thành đạt, khi về già đã nói rằng nếu có cơ hội sống lại, ông sẽ từ chối đời sống hiện tại. [6]

 

D 10.23, KS 197-8

Hãy hỏi chính bạn, hãy hỏi bất kỳ người quen nào của bạn, liệu họ có muốn sống lại mười hay hai mươi năm cuối cùng của đời sống họ không. Không! Nhưng họ nói rằng hai mươi năm tiếp theo sẽ tốt hơn:

 

Và từ những gì còn sót lại của đời sống, con người vẫn hy vọng nhận được,

Những gì vốn thời ban đầu trẻ trung, qua nhanh nhanh đã không thể đem cho.

 

Như thế, cuối cùng họ tìm thấy ((đó là nỗi thống khổ sâu xa của con người, khiến nó có thể hòa giải ngay cả những mâu thuẫn) rằng họ than phiền về hai điều trái ngược nhau cùng một lúc: sự ngắn ngủi của đời sống và sự phù phiếm, buồn thương của nó.

 

D 10.24, KS 198

Và liệu có thể, Cleanthes, Philo nói, rằng sau tất cả những suy ngẫm này, và vô số những suy ngẫm khác nữa, có thể nêu lên, bạn vẫn có thể kiên trì với thuyết Nhân hóa của bạn, và khẳng định những thuộc tính đạo đức của Đấng thiêng liêng, như công lý, lòng tốt, lòng thương xót và sự công bằng của Ngài, có cùng bản chất với những đức tính này ở những sinh vật con người? Chúng ta đều đồng ý rằng quyền năng của Ngài là vô hạn: bất cứ điều gì Ngài muốn đều được thực hiện: nhưng cả con người lẫn bất kỳ loài vật nào khác đều không thực sự hạnh phúc, điều đó có nghĩa là Ngài không muốn chúng hạnh phúc. Trí tuệ của Ngài là vô hạn: Ngài không bao giờ nhầm lẫn khi lựa chọn phương tiện cho bất kỳ mục đích nào: nhưng tiến trình của Tự nhiên không hướng đến hạnh phúc của con người hay loài vật: do đó, nó không được thiết lập cho mục đích đó. Trong toàn bộ phạm vi kiến thức của con người, không có suy luận nào chắc chắn và không thể sai lầm hơn những điều này. Vậy thì, lòng nhân ái và lòng thương xót của Ngài giống với lòng nhân ái và lòng thương xót của con người ở phương diện nào?

 

D 10.25, KS 198

Những câu hỏi cổ xủa cảu Epicurus vẫn chưa có giải đáp. phải Ngài muốn ngăn chặn cái Ác nhưng không có khả năng? Vậy thì ngài bất lực. Ngài có khả năng nhưng không muốn? Vậy thì ngài độc ác. Ngài vừa có khả năng vừa không muốn? Vậy cái Ác từ đâu đến? [7]

 

D 10.26, KS 198

Bạn đã gán cho Tự nhiên một mục đích và ý định, Cleanthes, và tôi tin là đúng. Nhưng hãy cho tôi biết, đối tượng của sự tài tình khéo léo và bộ máy kỳ lạ biểu hiện trong tất cả loài động vật là gì? Nó chỉ phục vụ cho sự bảo tồn của cá thể và sinh sản của chủng loại. Dường như đó là cứu cánh của nó: giữ cho sinh vật sống còn và mọi loài tiếp tục tồn tại, nhưng không quan tâm đến hạnh phúc của chúng. Không có gì trong tự nhiên được thiết kế thuần túy để đem lại lạc thú hay thoải mái. Không có hệ thống nào được xây dựng chỉ để mang lại vui sướng hay an tâm. Không có loại vui sướng nào không gắn liền với nhu cầu hoặc thiếu thốn. Và ngay cả vài dấu hiệu của vui sướng cũng bị lu mờ bởi những hình thức đau khổ và khó khăn thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

 

D 10.27, KS 198-9

Cảm thức về âm nhạc, sự cân bằng thẩm mỹ, đối xứng hay trật tự thấy trong nghệ thuật, thiên nhiên và cấu trúc đạo đức xã hội, và thực sự, với cái Đẹp trong mọi biến thể của nó, mang đến cho chúng ta một vui sướng dường như hoàn toàn cho không, và không hề cần thiết cho sự bảo tồn hoặc sinh sôi nảy nở của chủng loại. Ngược lại, hãy nghĩ về những cơn đau dữ dội phát sinh từ những bệnh như viêm khớp, sỏi thận, nhức nửa đầu, đau răng, phong thấp – những hình thức đau khổ phát sinh ngay cả khi tổn thương cho cơ thể chỉ ở mức nhẹ hoặc tình trạng bệnh hoàn toàn không thể chữa khỏi? Vui ngầm nhẹ nhàng, cười rộn rã, chơi đùa thích thú và nhảy nhót vô tư dường như là những hài lòng vô cớ, dường như là những vui sướng thừa thãi, được ban tặng vốn không có bất kỳ nguyên nhân cuối cùng hoặc mục đích thực tế nào. Và tương tự như vậy, sự tức giận, nỗi buồn, sự bất mãn và mê tín là những đau thưng không mục đích rõ ràng. Vậy thì, tôi hỏi, lòng nhân từ của Gót thể hiện như thế nào, theo những nguyên tắc của những người, hỡi những người theo thuyết Nhân hóa? Theo nghĩa nào thì sự pha trộn khó hiểu giữa vui sướng không cần thiết và đau khổ không cần thiết này lại phù hợp với sự khôn ngoan và lòng tốt vốn bạn gán cho Đấng thiêng liêng? Không ai ngoài chúng tôi, những người theo thuyết Thần bí – như bạn vui vẻ, có phần chế giễu, khi gọi chúng tôi – có thể khiến những hiện tượng như vậy trở nên dễ hiểu, bằng cách quy chúng về những thuộc tính thiêng liêng của Gót: những thuộc tính vô hạn trong sự toàn hảo của chúng, nhưng hoàn toàn vượt quá khả năng hiểu biết của não thức con người.

 

D 10.28, KS 199

Và bây giờ, Philo, đã nói Cleanthes với một nụ cười, cuối cùng bạn đã phơi bày mục đích thực sự của bạn hay chưa? Đồng ý lâu dài của bạn với Demea quả thực đã khiến tôi hơi ngạc nhiên; nhưng giờ tôi thấy rằng, từ đầu đến cuối, bạn đã bí mật chuẩn bị một tấn công ẩn giấu chống lại tôi. Và tôi phải thú nhận, rằng bây giờ bạn đã rơi vào một đề tài, xứng đáng với tinh thần chống đối và tranh luận cao thượng của bạn. Nếu bạn có thể thực hiện lập luận hiện tại của bạn, và chứng minh rằng nhân loại thực sự khốn khổ hoặc sa đọa về đạo đức, thì tất cả những tôn giáo đều kết thúc cùng một lúc. Vì đâumục đích trong việc chứng minh rằng Gót là toàn trí và toàn năng, nếu lòng nhân ái và công lý của Ngài vẫn còn không chắc chắn và bị nghi ngờ?

 

D 10.29, KS 199

Bạn rất dễ phật ý, Demea trả lời, trước những quan điểm vô hại nhất và được chấp nhận rộng rãi nhất, ngay cả trong chính những người sùng đạo và ngoan đạo; và không gì có thể ngạc nhiên hơn khi thấy một đề tài thế như này, về sự tà ác và đau khổ của con người, lai bị buộc tội không kém thuyết không tin có gót và sự báng bổ tôn giáo. Chẳng phải tất cả những nhà thuyết giáo và những nhà gót học sùng tín, những người mê mải với hùng biện của họ về một chủ đề phong phú như vậy, tôi nói, đã không dễ dàng đưa ra giải pháp cho bất kỳ khó khăn nào có thể đi kèm hay sao? Rốt cuộc, thế giới này chỉ là một hạt bụi nhỏ so với vũ trụ bao la, và đời sống này chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi so với vĩnh cửu. Do đó, những hiện tượng xấu xa hiện tại sẽ được sửa chữa, công bằng sẽ được thực hiện ở một nơi khác trong vũ trụ, và trong một giai đoạn tương lai nào đó của hiện hữu. Và mắt của con người, khi đó mở ra với những cái nhìn rộng hơn về mọi sự vật việc, thấy được toàn bộ liên hệ của những luật tổng quát của Gót, và dõi theo, với tôn sùng, lòng nhân ái và công lý của Ngài, qua tất cả những mê lộ và những phức tạp tinh vi của sự hướng dẫn thiêng liêng hoặc trật tự với cứu cánh trong vũ trụ của Ngài.

 

D 10.30, KS 199-200

Không! Cleanthes trả lời, Không! Những giả định tùy tiện này không bao giờ có thể được chấp nhận, đi ngược với thực tế rõ ràng và không thể chối cãi. Có thể biết nguyên nhân từ đâu nếu không phải từ những tác động đã biết của nó? Có thể chứng minh giả thuyết từ đâu nếu không phải từ những hiện tượng trông thấy rõ ràng? Việc thiết lập một giả thuyết này trên một giả thuyết khác là như xây nhà hoàn toàn trên không; và tối đa chúng ta từng đến được, qua những phỏng đoán và giả tưởng này, là xác định khả năng tối thiểu của ý kiến của chúng ta; nhưng chúng ta không bao giờ dựa trên những điều kiện như vậy, để có thể thiết lập được thực tại của nó.

 

D 10.31, KS 200

Phương pháp duy nhất của việc chống đỡ ý tưởng về lòng nhân ái của Gót (và đó là nhữngtôi sẵn sàng chấp nhận) là phủ nhận hoàn toàn sự khốn khổ và tà ác của con người. Bạn quá phóng đại bức tranh u ám của bạn, vốn phần lớn là giả tưởng, và những suy luận của bạn đi ngược lại cả thực tế và kinh nghiệm. Mọi người thường khỏe mạnh hơn là ốm đau. Có nhiều vui sướng hơn đau đớn.Và với mỗi phiền muộn, bực dọc chúng ta gặp phải, chúng ta có thể đếm được hàng trăm vui sướng đáp lại.

 

D 10.32, KS 200

Hãy nhìn nhận vị trí của bạn, Philo trả lời, vốn vẫn còn rất đáng ngờ; đồng thời, bạn phải nhìn nhận rằng, nếu đau đớn xảy ra ít hơn vui sướng, thì nó lại vô cùng dữ dội và lâu bền hơn. Một giờ đau đớn có thể cảm thấy dài hơn cả một ngày, một tuần, thậm chí cả một tháng của những vui sướng buồn tẻ thường ngày của chúng ta. Có bao nhiêu người phải chịu hành hạ của những cực hình đau đớn trong nhiều giờ, nhiều ngày, nhiều tuần và nhiều tháng? Sung sướng, hiếm khi có trường hợp nào, có thể đạt đến trạng thái ngây ngất và sung sướng: Và không có trường hợp nào có thể tiếp tục ở mức cao nhất và đỉnh cao nhất củatrong bất kỳ thời gian nào.Năng lượng nâng cao mà chúng ta cảm thấy – ‘tinh thần’ – bắt đầu phai nhạt, những dây thần kinh mất đi sự căng thẳng, cơ thể mất cân bằng và những gì từng cảm thấy như vui sướng thuần túy nhanh chóng biến thành sự mệt mỏi hoặc khó chịu. Nói cách khác, vui sướng tự nhiên sẽ tự cạn kiệt. Nhưng đau đớn, Gót ơi, thường xuyên đến thế nào! tăng lên thành tra tấn và thống khổ; và càng kéo dài, nó càng trở thành sự tra tấn và đau đớn thống khổ hơn. Sự kiên nhẫn cạn kiệt; lòng can đảm mòn mỏi suy yếu; u sầu chiếm lấy chúng ta; và không gì có thể chấm dứt bát hạnh khốn khổ của chúng ta ngoài việc loại bỏ nguyên nhân của nó, hay một sự kiện khác, vốn là cách chạy chữa duy nhất cho mọi đau đớn xấu xa.Tuy nhiên, vì sợ hãi và ngu dại tự nhiên của chúng ta, chúng ta thường khiếp hãi cái chết thậm chí còn hơn cả đau khổ mà chúng ta đang phải chịu đựng, mặc dù đó có thể là lối thoát thực sự duy nhất.

 

D 10.33, KS 200-1

Nhưng không phải để nhấn mạnh trên những đề tài này, Philo tiếp tục, chúng hiển nhiên nhất, chắc chắn nhất và quan trọng nhất; Tôi hy vọng bạn cho phép tôi thúc giục bạn xem xét lại, Cleanthes, rằng bạn đã đặt tranh luận trên một vấn đề nguy hiểm nhất, và bạn vô tình đưa một thuyết hoài nghi hoàn toàn vào trong những nguyên tắc hay giáo lý cơ bản nhất của cả tôn giáo dựa trên lý trí và tôn giáo dựa trên thánh thư. Cái gì! không có phương pháp nào của việc sửa chữa một nền tảng công chính cho tôn giáo, trừ khi chúng ta chấp nhận rằng đời sống thực sự hạnh phúc và tiếp tục duy trì một hiện hữu diễn ra ngay cả trong thế giới này, với tất cả những đau khổ, tật nguyền, bực bội và điên dại hiện tại của chúng ta, là những gì chúng ta sẽ lựa chọn và mong muốn! Nhưng nó trái ngược với tình cảm và kinh nghiệm của mọi người: Nó mâu thuẫn với một sự thật đã ăn sâu vào bản chất con người đến nỗi không gì có thể lật đổ được. Không bằng chứng quyết định nào có thể đưa ra được để chống lại thẩm quyền này; và bạn cũng không thể tính toán, ước lượng và so sánh tất cả những đau khổ và tất cả những vui sướng trong đời sống của tất cả mọi người và của tất cả những loài động vật: Thế nên, bằng dựa toàn bộ hệ thống tôn giáo của bạn vào một điểm vốn theo chính bản chất của nó, sẽ không bao giờ có thể biết chắc chắn, bạn ngầm nhìn nhận rằng hệ thống đó cũng không chắc chắn như vậy.

 

D 10.34, KS 201

Nhưng ngay cả khi tôi nhìn nhận với bạn, những gì không ai thực sự tin – những gì bạn không bao giờ có thể chứng minh được – rằng loài vật, hoặc ít nhất là con người, kinh nghiệm nhiều hạnh phúc hơn là đau khổ trong đời sống này, bạn vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Bởi vì đó không phải là điều chúng ta mong đợi từ một quyền năng vô hạn, trí tuệ vô biên, và lòng tốt vô cùng.

Tại sao lại có bất kỳ một đau khổ nào trong thế giới này? Chắc chắn không phải ngẫu nhiên. Vậy thì phải từ nguyên nhân nào đó. Có phải do ý định của Đấng Tối Cao không? Nhưng Ngài hoàn toàn nhân từ. Có phải điều đó trái ngược với ý định của Ngài không? Nhưng Ngài là Đấng toàn năng.

Không gì có thể làm lung lay sự vững chắc của lý luận này, quá ngắn gọn, quá rõ ràng, quá xác quyết; trừ khi chúng ta khẳng định rằng những đề tài này đều vượt quá tất cả khả năng con người, và những thước đo thông thường của chúng ta về sự thực và sự sai lầm đều không áp dụng được cho chúng; một đề tài tôi luôn nhấn mạnh, nhưng ngay từ đầu, bạn đã gạt bỏ với khinh thường và phẫn nộ.

 

D 10.35, KS 201

Nhưng tôi sẵn lòng rút lui xa hơn nữa khỏi lập trường phòng thủ này: vì tôi biết bạn không bao giờ có thể buộc được tôi làm điều đó: Tôi sẽ nhượng bộ nhiều hơn: Tôi sẽ nhìn nhận rằng sự đau khổ và khốn khổ của con người có thể đồng thuận với sự tồn tại của một vị Gót vô cùng quyền năng và tốt lành – ngay cả theo nghĩa của bạn về những thuộc tính này. Nhưng chính xác thì bạn đã tiến thêm được bước nào vói tất cả những nhượng bộ này? Chỉ một khả năng đồng thuận có thể có thì không đủ. Bạn phải chứng minh rằng những thuộc tính thuần khiết, không pha trộn và tuyệt đối này của Gót – quyền năng toàn hảo, trí tuệ toàn hảo và lòng tốt toàn hảo – có thể được chứng minh từ bằng chứng thực tại vốn chúng ta thấy trong thế giới xung quanh, và chỉ từ những bằng chứng đó thôi. Thật là một nhiệm vụ đầy hứa hẹn! Ngay cả khi bằng chứng hoàn toàn thuần túy và nhất quán, thì nó vẫn là hữu hạn, và do đó không đủ để chứng minh những phẩm tính vô hạn. Nhưng vị trí của bạn tệ còn tệ hơn bao nhiêu, khi thế giới chúng ta quan sát không chỉ hữu hạn nhưng còn đầy rẫy những mâu thuẫn, hỗn loạn và đau khổ?

 

D 10.36, KS 201-2

Ở đây, Cleanthes, tôi tự thấy đang đứng trên một nền tảng vững chắc. Đây là nơi tôi cảm thấy tự tin – nơi tôi thực sự có lợi thế. Trước đó, khi chúng ta thảo luận về những thuộc tính tự nhiên của Gót, như trí thông minh và thiết kế, tôi đã phải dựa vào từng chút một của lập luận hoài nghi và hiểu biết triết học trừu tượng của tôi để theo kịp lập luận của bạn. Trong nhiều phương diện của vũ trụ – và đặc biệt là ở những phần riêng lẻ – sự xuất hiện của trật tự, mục đích và cái Đẹp tác động chúng ta mạnh mẽ đến nỗi bất kỳ phản đối nào, theo tôi tin, chúng thực sự chỉ là những chỉ trích xoi mói nhỏ nhặt và những ngụy biện. Khi đó chúng ta cũng không thể tưởng tượng được tại sao chúng ta lại coi trọng những phản đối như vậy. Nhưng khi chúng ta hướng sự chú ý của chúng ta đến bản thân đời sống con người và đến điều kiện thực tại của nhân loại, bức tranh thay đổi hoàn toàn. Từ điểm nhìn này, chúng ta không thể – nếu không không buộc bằng chứng phải có nghĩa nhiều hơn những gì nó thực có – kết luận rằng Đấng thiêng liêng sở hữu những thuộc tính đạo đức như lòng tốt vô hạn. Chúng ta càng không thể tìm thấy sự hài hòa toàn hảo của lòng tốt vô hạn, quyền năng và trí tuệ nhưng chỉ có tin tưởng tôn giáo, chứ không phải sự quan sát, mới có thể tiết lộ. Bây giờ đến lượt bạn phải chèo lái con thuyền gian nan này – gánh vác gánh nặng bảo vệ những học thuyết triết học tinh tế của bạn trước những kết luận vốn lý trí và kinh nghiệm rõ ràng và không thể cưỡng lại được, đã thôi thúc chúng ta phải đưa ra.

 

 

D 10.6n9, KS 194

 

1.       Tình cảm đó cũng được Tiến sĩ King và một số ít người khác trước Leibniz duy trì ; mặc dù không ai nổi tiếng bằng triết gia German đó

 


Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất

(May/2025)

(Còntiếp... →)

http://chuyendaudau.blogspot.com/

http://chuyendaudau.wordpress.com



[1] Argument from the gut” : Lập Luận Từ Bản Năng – không phải là một thuật ngữ triết học, nhưng là một diễn đạt tượng trưng, ​​thường dùng không chính thức để mô tả một lập luận dựa nhiều vào trực giác, cảm xúc hoặc kinh nghiệm cá nhân, hơn là vào lý luận duyhoặc logic. Trong trường hợp này, cụm từ này được dùng để mô tả một kêu gọi của tình cảm, gần như tuyệt vọng của Demea về tin tưởng vào Gót. Đây là một lập luận duy cảm. Tuyên bố của Demea rằng chúng ta phải tin vào Gót vì đời sống quá khốn khổ đã phản ảnh một nhu cầu về tình cảm hay hiện sinh hơn là một suy luận duy lý. Nó không giống như một bằng chứng, nhưng giống như một tin tưởng đem cho an ủi sâu xa, nảy sinh từ chính kinh nghiệm sống của đau khổ con người. Nó liên quan đến những gì chúng ta có thể gọi là: Lập Luận Hiện Sinh về Gót (ví dụ: lòng tin tưởng phát sinh từ sự vô nghĩa, phi lý hoặc đau khổ), hoặc thậm chí là cũng một Lập Luận Thực Dụng (lòng tin tưởng tôn giáo là một nhu cầu tâm lý). Nó liên quan đến Vấn đề của cái Ác, nhưng theo một cách đảo ngược. Vấn đề của cái Ác truyền thống là: “Nếu Gót là đấng toàn năng, toàn trí toàn thiện, tại sao có quá nhiều đau khổ? “ Nhưng lập trường của Demea đã đảo ngược dòng suy nghĩ này:

 “Vì đời sống quá đầy đau khổ, chúng ta bị thúc đẩy vào lòng tin vào Gót – như một nguồn an ủi,một ý nghĩa hoặc lời giải thích duy nhất có thể có”. Như thế, thay vì dùng cái Ác như bằng chứng để phản lại sự hiện hữu của Gót, Demea coi đau khổ là một gì sống động, thúc đẩy chúng ta đi đến lòng tin tưởng tôn giáo vào Gót. Đây không phải là phản biện hợp lý đối với Vấn đề cái Ác – nhưng là phản ứng tâm lý hoặc cảm xúc đối với nó. Những nhà triết học hoặc nhà gót học có quan điểm tương tự:

Blaise Pascal – Trong Pensées, ông lập luận rằng sự khốn khổ của con người thúc đẩy chúng ta hướng đến một nhu cầu về Gót.

Søren Kierkegaard – Tin tưởng vào Gót không nảy sinh từ những bằng chứng mà từ những tuyệt vọng sâu xa trong đời sống con người. Đây là bước nhảy vọt của lòng tin xuất phát từ nhu cầu hiện sinh, không phải là lập luận hợp lý.

Fyodor Dostoevsky – Trong những tiểu thuyết như The Brothers Karamazov, chúng ta thấy những nhân vật như Ivan và Alyosha đấu tranh với sự đè nặng về mặt cảm xúc và đạo đức của đau khổ và cách thức chúng liên quan đến lòng tin vào Gót – thường đạt được lòng tin tôn giáo qua đau khổ, chứ không phải bất chấp nó.

William James – Trong The Will to Believe, ông bảo vệ tin tưởng tôn giáo vào Gót không phải trên cơ sở lý trí, nhưng trên cơ sở thực dụng và cảm xúc, đặc biệt là khi tin tưởng tôn giáo là một vấn đề cấp bách, kinh nghiệm sống thực.

[2] (a) Homer: Philo nhắc ở trên, người đã mạnh mẽ mô tả những đau khổ của đời sống con người. Trong IliadOdyssey, Homer nhấn mạnh đau khổ, cái chết và sự mong manh của đời sống – cho thấy rằng ngay cả những anh hùng vĩ đại nhất cũng phải chịu số phận thảm thương. Thế giới của ông phản ánh một vũ trụ không có công lý, nơi số phận thường tàn khốc và những vị thần thì thất thường, không công bằng về đạo đức. (b) Dr. Young: Edward Young (1683–1765), một nhà thơ người Anh, nổi tiếng nhất với bài thơ dài, trầm tư Night Thoughts (1742–1745). Tựa đề đầy đủ là The Complaint: or, Night-Thoughts on Life, Death and Immortality. Bài thơ này khám phá sâu sắc những chủ đề về đau khổ của con người, cái chết và khát vọng của tâm hồn về đời sống vĩnh hằng, khiến nó trở thành một ví dụ điển hình về giọng điệu u sầu, trầm ngâm vốn Philo dành cho những nhà thơ mô tả chân thực những đau khổ của đời người. Tác phẩm của Young có ảnh hưởng vô cùng lớn trong thế kỷ 18 và được đọc rộng rãi vì chiều sâu cảm xúc và sự chân thực về mặt đạo đức.

[3] Gottfried Wilhelm Leibniz (1646–1716), triết gia và toán học người Đức, nổi tiếng với lập luận rằng thế giới của chúng ta là “thế giới tốt nhất trong mọi thế giới có thể có”. Trong Théodicée (1710) của ông, Leibniz cho rằng một vị gót toàn năng, toàn thiện sẽ tạo ra thế giới tốt nhất có thể có được, và những xấu xa chúng ta thấy như rõ ràng, nhưng cuối cùng, một cachs nào đó chúng ta không thể biết, sẽ phục vụ cho một cứu cánh tốt đẹp hơn trong một hệ thống được sắp xếp theo trật tự của Gót. Quan điểm này đã trở thành mục tiêu chính của nhiều nhà phê bình sau này, gồm Voltaire trong Candide và, như thấy ở đây, Philo trong Hume.

[4] Paradise Lost / Thiên đường đã mất của Milton (cụ thể là Sách 2), trong đó ông mô tả sống động những đau khổ của bệnh tật và tuyệt vọng, dùng những hình ảnh tương tự về bệnh tật, đau khổ về tinh thần và Cái chết lơ lửng trên đau khổ con người.

[5] Charles V (1500–1558) là một trong những nhà cai trị quyền lực nhất của thế kỷ 16. Ông là Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần thánh và Vua của Spain (với tên gọi Charles I), cai trị những vùng lãnh thổ rộng lớn ở Châu Âu và Châu Mỹ. Đế quốc của ông rộng lớn đến mức người ta nói rằng “mặt trời không bao giờ lặn” trên đó.

Năm 1556, mệt mỏi vì gánh nặng quyền lực, Charles thoái vị – một hành động hiếm hoi đối với những quốc vương thời bấy giờ. Ông chia Đế quốc của mình: trao Spain, Netherlands và Châu Mỹ cho con trai Philip II và trao Đế quốc La Mã Thần thánh cho anh trai Ferdinand I. Ông đã nghỉ hưu tại một tu viện ở Spain, tìm kiếm sự bình yên và suy tưởng. Tuy nhiên, như đã lưu ý trong đoạn văn, việc nghỉ hưu của ông không mang lại cho ông hạnh phúc như mong đợi. Theo những tài liệu lịch sử (như tài liệu của con trai Philip II), Charles đã hối hận về quyết định của mình ngay lập tức, cảm thấy bồn chồn và không hài lòng khi sống ẩn dật. Thí dụ này thường được dùng để minh họa cho ý tưởng rằng quyền lực hay sự rút lui khỏi quyền lực đều không đảm bảo đem lại sự hài lòng

[6] Trong những tác phẩm triết học của ông , đặc biệt là trong Tusculan Disputations hay De Senectute (Về tuổi già), Cicero thường dùng những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại của LaMã như Cato làm người phát ngôn cho những ý tưởng triết học. Trong trường hợp này, Cato the Younger được dùng để diễn đạt ý tưởng rằng ngay cả một cuộc sống thành công cũng có thể khiến con người cảm thấy không thỏa mãn.

[7] Đoạn trích trên nhắc đến một thách thức triết học nổi tiếng thường được gọi là The Problem of Evil: Vấn đề về cái Ác hay Đi-lem-ma của Epicurus:

The Problem of Evil: Vấn đề về cái Ác

Vấn đề về cái Ác từ lâu đã là một thách thức nền tảng với sự nhất quán của thuyết tin có gót cổ điển. Ở cốt lõi của nó là sự trái ngược lẫn nhau rõ ràng giữa ba mệnh đề nền tảng:

1.       Gót là Đấng toàn năng (có thể làm được mọi việc);

2.       Gót là Đấng toàn thiện (hoàn toàn về đạo đưc, và chống lại cái Ác);

3.       Cái Ác hiện hữu (như thể hiện trong sự đau khổ, sự bất công và những thiên tai).

Khi kết hợp lại, những mệnh đề này tạo thành những gì được biết như bộ ba bất nhất. Nếu Gót vừa toàn năng và toàn thiện, thì có vẻ như cái Ác tất đã không hiện hữu. Tuy nhiên, thực tại của cái Ác của đạo đức con người và trong tự nhiên quá nhiều và quá rõ ràng, không thể phủ nhận. Mâu thuẫn căng thẳng này đặt ra câu hỏi triết học trung tâm:

1.

Liệu sự hiện hữu của Gót có thể được hòa giải với sự hiện hữu của cái Ác không?

Nguồn gốc cổ xưa: Nguồn gốc từ thuyết Epicurus và thuyết hoài nghi Hellas

Dạng thức cổ điển của Vấn đề cái Ác theo truyền thống được cho là của Epicurus (khoảng 341–270 TCN), mặc dù không có bản văn nào còn giữ lại được của ông nêu rõ lập luận này. Phiên bản sớm nhất được biết xuất hiện trong Divine Institutes của Lactantius (Quyển V, Chương 11), một văn bản biện giáo của đạo Kitô, vào thế kỷ thứ tư. Lactantius ghi lại những gì gọi là đi-lem-ma của Epicurus, trình bày vấn đề dưới dạng một sự phân tách:

“Hoặc là Gót muốn xóa bỏ cái Ác nhưng không thể; hoặc là Ngài có thể nhưng không muốn (xóa bỏ); hoặc là Ngài không muốn cũng không thể; hoặc là Ngài vừa muốn vừa có thể.. vậy cái Ác từ đâu đến?”

Trong khi thuyết Epicurus về cơ bản là duy vật và phủ nhận sự hướng dẫn thần linh, nhưng phê phán của nó với tôn giáo phổ thông đương thời, và vấn đề công lý thần linh đã báo trước những cách tiếp cận hoài nghi sau này. Tương tự như vậy, những nhà triết học phái Stoics và Plato tìm cách giải thích sự hiện hữu của cái Ác, mặc dù họ thường đóng khung nó như một sự bất toàn về siêu hình hoặc sự thất bại về đạo đức trong hồn người, hơn là một thách thức trực tiếp với quyền năng thần linh.

2.

Thời kỳ cổ đại muộn và sự thích nghi của đạo Kitô

Với sự trỗi dậy của gót học Kitô, vấn đề về cái Ác trở nên cấp bách hơn. Gót Kitô vừa toàn năng vừa toàn thiện – Một hình thức diễn đạt khiến mâu thuẫn trở nên căng thẳng về logic hơn.

Augustine (354–430 CN) đã đưa ra một trong những phản ứng Kitô sớm nhất và có ảnh hưởng nhất với vấn đề cái Ác. Trong những tác phẩm như ConfessionsThe City of God, ông biện luận rằng cái Ác không phải là một thực thể tự thân nhưng là một thiếu hụt cái Thiện (privatio boni) – một sự tha hóa hoặc vắng mặt của cái Thiện vốn thuộc về những tạo vật. Tất cả những hữu thể đều tốt lành vì đều từ sự sáng tạo của Gót, nhưng chúng có thể bị thay đổi – và do đó có khả năng quay lưng lại với cái Thiện. Điều này tạo thành cơ sở cho học thuyết về ý chí tự do (free will) của Augustine, vốn ông coi như một điều kiện tất yếu cho tác nhân đạo đức. Theo Augustine, Gót đã tạo ra con người với quyền tự do lựa chọn giữa thiện và ác, và chính qua việc lạm dụng quyền tự do này khiến cái Ác về đạo đức đã xâm nhập vào thế giới. Điều quan trọng là Augustine cho rằng cái Ác không bắt nguồn từ Gót, nhưng từ những sinh vật có lý trí quay lưng lại với Gót, đấng tối cao, bằng ít chọn những điều tốt đẹp hơn, hoặc với mục đích ích kỷ. Tuy nhiên, sau sự sa ngã của Adam và Eva, ý chí của con người trở nên hỗn loạn và suy yếu – có khuynh hướng phạm tội – mặc dù không hoàn toàn bị phá hủy. Tình trạng sau-sa ngã này giải thích tại sao con người thường đấu tranh để lựa chọn điều tốt, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về đạo đức cho những hành động của họ. Ngoài cái Ác về đạo đức, cái Ác tự nhiên – chẳng hạn như đau khổ, bệnh tật và cái chết – được hiểu như một hậu quả của tình trạng sa ngã này, phản ánh một sự hỗn loạn vũ trụ đã xâm nhập vào sự sáng tạo qua tội lỗi của con người. Theo cách này, Augustine đã tìm cách duy trì cả công lý và lòng tốt của Gót bằng cách quy nguồn gốc của cái Ác không phải cho ý chí thần thánh nhưng là cho sự tự do và khả năng sai lầm của những sinh vật được Gót sáng tạo.

Khung khổ này của Augustin đã trở thành nền tảng của gót học Latinh thời trung cổ, kết hợp với siêu hình học phái Plato-Mới và hình thành học thuyết về “tội tổ tông” và công lý thiêng liêng.

3.

Tổng hợp gót học kinh viện

Vào thời Trung cổ, những nhà gót học như Anselm của Canterbury và Thomas Aquinas đã đào sâu và hệ thống hóa phản ứng của đạo Kitô với cái Ác.

1.       Aquinas (1225–1274), dựa trên Aristotle và Augustine, lập luận trong Summa Theologiae rằng Gót chỉ cho phép cái Ác trong chừng mực nó góp phần tạo nên điều thiện lớn hơn trong trật tự của Gót. Với Aquinas, sự hiện hữu của cái Ác không mâu thuẫn với lòng tốt của Gót vì cái Ác có thể hoạt động như một dụng cụ – như một phương tiện để mang lại những điều thiện như lòng can đảm, công lý hoặc sự ăn năn. Ông cho rằng vũ trụ, trong tổng thể của nó, phản ánh sự khôn ngoan của Gót, ngay cả khi một số bộ phận có vẻ thiếu sót khi nhìn tách biệt.

2.       Boethius (khoảng 480–524 CN), trước đó trong truyền thống đạo Kitô, cũng đã nhấn mạnh bản chất ảo tưởng của cái Ác trong The Consolation of Philosophy, lập luận rằng sự hướng dẫn thần linh của Gót chi phối tất cả và những bất công thấy được, cuối cùng sẽ được giải quyết trong một trật tự đạo đức siêu việt.

Sự tổng hợp trong gót học kinh viện thời trung cổ này chủ yếu giải quyết cái Ác trong khuôn khổ cứu cánh luận, cho rằng sự toàn năng và sự hướng dẫn thần linh của Gót đảm bảo sự giải quyết triệt để mọi đau khổ trong trật tự vũ trụ.

4.

Khủng hoảng đầu thời hiện đại và phê phán trong thời Khai sáng

Thời kỳ Khai sáng đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong lịch sử của Vấn đề cái Ác. Sự lạc quan và tự tin của sự tổng hợp thời trung cổ đã bị xem xét kỹ lưỡng trước khoa học thực nghiệm, những thiên tai, thảm họa trong lịch sử và thuyết hoài nghi triết học.

1.       Gottfried Wilhelm Leibniz (1646–1716) nổi tiếng với lập luận trong Theodicy (1710) của ông, rằng mặc dù có sự hiện diện của cái Ác, đây là “ thế giới tốt nhất trong mọi thế giới có thể “, xét đến những ràng buộc của logic và sự cần thiết siêu hình. Gót, với tư cách là một thực thể hoàn hảo, đã chọn thế giới này trong số tất cả những thế giới có thể có, là thế giới chứa đựng sự cân bằng tối ưu giữa cái thiện và cái Ác.

2.       Sự lạc quan này đã bị Voltaire (1694–1778) phê bình mãnh liệt, đặc biệt trong Candide (1759), tác phẩm châm biếm quan điểm của Leibniz sau trận động đất ở Lisbon năm 1755 – một thảm họa đã giết chết hàng chục nghìn người và lung lay chuyển lòng tin tôn giáo của gót học vào sự hướng dẫn thần linh của Gót.

3.       David Hume (1711–1776), trong Dialogues Concerning Natural Religion trên đây, đã phê phán luận chứng thiết kế và đưa ra một hình thức xác suất về Vấn đề cái Ác Thay vì tuyên bố rằng sự tồn tại của cái Ác phủ nhận sự hiện hữu của Gót, Hume lập luận rằng mức độ tuyệt đối và cường độ đau khổ trên thế giới khiến cho rất khó có thể xảy ra là một người vừa là toàn năng vừa toàn thiện vũ trụ tạo ra vũ trụ. Nếu thế giới thực sự được thiết kế, thì bằng chứng cho thấy một nhà thiết kế hoặcngười lãnh đạm về đạo đức, hoặc bị hạn chế về quyền lực hoặc thiếu lòng nhân từ. Đối với Hume, những sự kiện thực tại của ác trong tự nhiên và đạo đức con người không ủng hộ một tin tưởng vào một vị thần linh như trong gót học truyền thống.

4.       Pierre Bayle (1647–1706), người đi đầu trong thuyết hoài nghi thời kỳ Khai sáng, chủ trương rằng sự hiện hữu của cái Ác đặt ra một mâu thuẫn không thể vượt qua cho thuyết tin có gót duy lý, và ông kết luận rằng lòng tin tôn giáo phải dựa trên nghịch lý hơn là lý trí.

5.

Triết học hiện nay: Những cải cách và phản ứng

Trong gót học triết học thời nay, Vấn đề cái Ác đã phát triển vào thành nhiều hình thức riêng biệt:

1.       Vấn đề logic của cái Ác : Được J.L Mackie nêu ra một cách mạnh mẽ nhất vào thế kỷ 20, phiên bản này tuyên bố rằng thuyết tin có gót không nhất quán về logic với sự hiện hữu của cái Ác. Tuy nhiên, Alvin Plantinga trong Free Will Defense (1974) được nhìn nhận rộng rãi như một phản bác thành công, sau khi cho thấy rằng, về logic, Gót có thể cho phép điều ác xảy ra vì chính lợi ích của ý chí tự do.

2.       Vấn đề bằng chứng về cái Ác : Được những nhà tư tưởng như William Rowe đưa racos thể, phiên bản này lập luận rằng mặc dù thuyết tin có gót có thể không phải là vô lý về mặt logic, nhưng số lượng, cường độ và sự phân bố của cái Ác trên thế giới khiến cho sự hiện hữu của một vị Gót toàn năng, toàn thiện là điều rất khó xảy ra.

3.       Vấn đề hiện sinh hay “chăn chiên”: Ngoài lý luận trừu tượng, vấn đề còn liên quan đến đấu tranh cá nhân và cảm xúc trong việc hòa giải tin tưởng tôn giáo vào Gót với những kinh nghiệm khổ đau, thường được đề cập trong gót học, văn học và lời khuyên tinh thần.

4.       Thuyết tin có gót hoài nghi : Một cách tiếp cận gần đây cho rằng những hạn chế về nhận thức của con người ngăn cản chúng ta hiểu được lý do Gót cho phép điều ác. Nó bảo vệ thuyết tin có gót bằng nhấn mạnh sự khiêm tốn về nhận thức, mặc dù những người chỉ trích cáo buộc nó với những né tránh về đạo đức và gót học.

5.       Gót học cấp tiến và Gót học mở rộng : những phong trào gót học thời nay này sửa đổi những quan niệm truyền thống về sự toàn năng của Gót, cho rằng Gót không đơn phương kiểm soát thế giới nhưng hoạt động một cách thuyết phục trong đó. Theo quan điểm này, cái Ác không phải là vấn đề về sự thất bại của Gót nhưng là về tự do thực sự và tính không thể đoán trước được của thế giới.

Kết luận

Vấn đề về cái Ác đã trải qua sự chuyển đổi đáng kể qua những thời đại triết học, từ những chỉ trích duy vật thời cổ đại đến những học thuyết gót học siêu hình thời trung cổ, từ thuyết hoài nghi thời Khai sáng đến triết học phân tích tôn giáo thời nay. Mặc dù có thay đổi về hình thức và nhấn mạnh trọng tâm phê bình, vấn đề vẫn sống động cho đén thời hiện đại, vẫn âm ỷ cháy và như vẫn chờ dịp để bùng lên với tham sự của những triết gia của cả thuyết tin có gót, của những nhà gót học trong việc tìm kiếm một ý nghĩa cho đau khổ con người.