Sunday, January 31, 2010

Phản-kitô - The Antichrist (5)


Sắc Lệnh chống lại đạo Kitô
Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844 – 1900)

(tiếp theo ... )

Gesetz wider das Christenthum







Tuyên cáo ngày thứ nhất, năm thứ nhất
(30, Sep, 1888 – theo hệ thống năm tháng (sai lầm) hiện dùng)

Chiến tranh tới chết chống lại sự sa đoạ
Sự sa đoạ là đạo Kitô

Điều lệ thứ nhất:Tất cả các hình thức phản-tự-nhiên là sa đoạ. Cái mẫu thức xa đoạ nhất của con người là thày chăn chiên [1] : ông ta dạy phản-tự-nhiên. Đừng dùng luận chứng, đừng phí lý lẽ chống lại các thày chăn chiên, dùng nhà tù.

Điều lệ thứ nhì:Tất cả các sự tham sự vào một sinh hoạt tôn giáo là một tấn công vào đạo đức công chúng. Phải nghiêm khắc hơn nữa với Tin lành hơn là với Catô, và nghiêm khắc hơn nữa với Tin lành cấp tiến hơn là với những giáo phái thủ cựu. Mức độ phạm tội của một người Kitô tăng lên theo mức độ đạo Kitô tiến gần gạ gẫm khoa học. Kẻ tội phạm trong những tội phạm vì vậy cho nên là nhà triết học.

Điều lệ thứ ba:Những địa điểm ghê tởm đáng nguyền rủa vốn là nơi đạo Kitô đã xé bọc vỡ trứng chui ra, nên san phẳng hết thành bình địa và xem những chỗ đó là những địa điểm đê tiện hèn hạ của mặt đất. Những con rắn độc nên đem lại đây mà nuôi.

Điều lệ thứ tư:Sự rao giảng về tiết, thuyết giáo về trinh, là một sự kích động quần chúng phản-tự-nhiên. Tất cả những lên án tình yêu tính dục, và tất cả những bôi bẩn nó xuyên qua khái niệm “dơ bẩn” (unrein) là một tội tổ tông chống lại tinh thần thiêng liêng của đời sống.

Điều lệ thứ năm:Ngồi ăn cùng một bàn với một thày chăn chiên thì cấm tuyệt; một khi có ai làm như thế, kẻ ấy tự cắt đứt truyền thông với xã hội chân thật, lương thiện. Thày chăn chiên là giới hạ tiện (chandala) của chúng ta – hắn ta phải bị lên án, bỏ đói, tống hết vào mọi thứ sa mạc (không người).

Điều lệ thứ sáu:Câu chuyện “thánh linh” [2] (Geschichte) nên gọi tên đúng như nó xứng đáng có tên, là câu chuyện bị nguyền rủa, những từ “Gót”, “Kẻ cứu chuộc”, “Kẻ cứu rỗi”, “thánh” nên dùng chúng như những từ bị lạm dụng và như những huy hiệu của tội phạm.

Điều lệ thứ bảy:Tất cả phần còn lại tiếp theo như kể ở trên đây.

Phản-kitô
Friedrich Wilhelm Nietzsche

Friday, January 29, 2010

Phản-kitô - The Antichrist (4)

Phản-kitô
Lởi nguyền rủa đạo Kitô
Friedrich Nietzsche (1844 – 1900)


Der Antichrist (1895)
Fluch auf das Christenthum.



59.
Toàn bộ công sức của thế giới cổ điển mất hết sạch, không đi đến đâu. Tôi không có từ nào để diễn tả những xúc cảm của tôi về một-gì quá sức khủng khiếp như thế. Và lưu ý rằng công sức đó của nó đã là một sửa soạn, mới chỉ là nền tảng cho một nỗ lực của những nghìn năm, lúc ấy vừa được đặt xuống bằng tự tín chắc như đá hoa cương – toàn bộ ý nghĩa của thế giới cổ điển tiêu tan hết. Cổ Hylạp có để làm chi? Cổ Lamã mục đích để về đâu?

Tất cả những điều kiện tiên quyết cho một nền văn hoá bác học, tất cả những phương pháp tri thức khoa học, đã có sẵn ở đó rồi; cái lớn lao, cái không gì sánh bằng của thuật đọc trôi viết chảy nhận hiểu đã thiết lập xong sẵn sàng – sự đòi hỏi phải có trước hết đó cho truyền thống của văn hoá, cho sự nhất thống của khoa học; khoa học tự nhiên, liên minh với toán học và cơ học, đã vững bước trên đường tiến tốt đẹp nhất – ý thức về những sự kiện chân thực, cái cuối cùng và giá trị nhất của mọi ý thức, đã có các trường phái và truyền thống của nó dài lâu hàng thế kỷ. Đã hiểu điều này chưa? Tất cả mọi thiết yếu đã được tìm xong, như thế để cho công trình đã có thể bắt đầu: những phương pháp, một người phải nhắc đi nhắc lại nó hàng mười lần, những gì là thiết yếu, và cũng là cái khó khăn nhất, và cũng là cái bị tập quán và lười biếng chống cự lại dài lâu nhất. Những gì ngày hôm nay, một lần nữa chúng ta phải chinh phục với vô vàn tự chủ – vì mỗi chúng ta vẫn có giữ những bản năng xấu, những cái của con người Kitô, trong cơ thế của người ấy – con mắt vô tư trước thực tại, bàn tay cẩn thận, kiên nhẫn và nghiêm trọng trong những nội dung nhỏ bé nhất, toàn vẹn chính trực không sứt mẻ trong kiến thức – chúng đã một lần có ở đấy trước rồi! Từ trên hai nghìn năm trước! , còn thêm nữa, sự tốt lành, cái ý thức tế nhị về khéo xử và thị hiếu. Không như thao diễn tập tành của não bộ! Không như giáo dục “nước Đức” với những cách cư xử cục mịch! Nhưng như dáng điệu, như cung cách, như bản năng – như thực tại, nói vắn tắt. Tất cả nhẵn sạch! Chỉ qua đêm, không còn gì cả ngoài một ký ức!

Monday, January 18, 2010

Phản-kitô - The Antichrist (3)

Phản-kitô
Lời nguyền rủa đạo Kitô
Friedrich Nietzsche (1844 – 1900)
(tiếp theo)

Der Antichrist (1895)
Fluch auf das Christenthum.




27.
Trên mảnh đất sai trái cùng cực như thế, nơi tất cả những gì là tự nhiên, tất cả những giá trị tự nhiên, tất cả thực tại, đều bị chống nghịch lại bằng những bản năng thâm sâu nhất của giai cấp thống trị, đạo Kitô đã lớn dậy – một hình thức của thù hằn chết sống đã chưa bao giờ từng bị vượt qua. “Dân tộc thần linh” đã giữ lại chỉ những gíá trị của tăng lữ, chỉ những từ ngữ của tăng lữ cho tất cả mọi sự việc và cái dân tộc, với tính kiên định trước sau như một đáng kinh sợ, đã phân biệt tất cả những quyền lực khác trên mặt đất với chính họ như là “không linh thiêng”, như là “thế giới”, như là “tội lỗi” – dân tộc này đã sản xuất một công thức tối hậu cho bản năng của nó vốn đã lôgích đến mức độ tự phủ nhận: như là đạo Kitô, nó phủ định ngay cho đến cái hình thức cuối cùng của thực tại, cái “dân tộc thần linh”, cái “dân tộc được chọn”, chính cái bản thân thực tại Do thái. Trường hợp này là một trường hợp xếp vào thượng hạng: cái vận động dấy loạn nhỏ hẹp nó đã được bắptêm với tên của Jesus ở Nazareth đại diện cái bản năng Dothái một lần nữa – nói một cách khác, cái bản năng tăng lữ nó không còn có thể đối diện với nhà tăng lữ như một thực tại: sự phát minh của một dạng còn trừu tượng hơn nữa của hiện hữu, của một thị kiến còn phi thực hơn nữa của thế giới, hơn là đã những gì đã liên hệ trong tổ chức của một hội nhà thờ. Đạo Kitô phủ định hội nhà thờ.

Thursday, January 14, 2010

Bertrand Russell - Những Vấn đề của Triết học



Những Vấn đề của Triết học

The Problems of Philosophy
Bertrand Russell







Đây là một tác phẩm quan trọng đối với những người đọc triết học, và rất nổi tiếng của Russell, cũng là tác phẩm rất phổ thông, sau Lịch sử Triết học phương Tây của ông.

“Có nhiều sách dẫn nhập triết học hay, và nhiều sách triết học quan trọng, nhưng chỉ có độ không đầy ôm tay những sách là cả hai; quyển này - Những vấn đề của Triết học - của Bertrand Russell, là một trong số này, và là một trong những quyển hay nhất”. Đó là lời giới thiệu của giáo sư J. Perry, ấn bản tôi dùng, Oxford Paperbacks. OUP, 1997.

Tôi sẽ lần lượt dịch từng chương, chú giải và giới thiệu tác phẩm giá trị này.

Lê Dọn bàn
(Jan/2010)


Tuesday, January 12, 2010

Phản-kitô - The Antichrist (2)


Phản-kitô 
Lời nguyền rủa đạo Kitô
Friedrich Nietzsche (1844 – 1900)
(tiếp theo . . . )

Der Antichrist (1895)

Fluch auf das Christenthum.






24.
Ở đây, tôi chỉ mới chạm vào vấn đề nguồn gốc của đạo Kitô. Nguyên tắc thứ nhất cho giải pháp của nó là: đạo Kitô chỉ có thể hiểu được bằng những thuật ngữ của mảnh đất nó đã từ đó lớn dậy – nó không phải là một phong trào phản lại với bản năng Do thái, nó đích thực là hệ quả của chúng, một suy luận thêm trong lô gich gây đậm ấn tượng của nó. Trong công thức của vị Cứu thế “Cứu rỗi linh hồn là của người Do thái”. Nguyên tắc thứ hai là; mẫu thức tâm lý của dân Galilean vẫn còn nhận ra được; nhưng chỉ trong sự thoái hóa hoàn toàn của nó (nó đồng thời là một sự hủy hình cắt dạng và một sự chồng chất quá đầy những đặc trưng xa lạ) mà nó đã có thể phục vụ trong phương cách vốn nó đã được xử dụng: như một kiểu cứu thế cho nhân loại.