Saturday, April 26, 2014

Russell – Sự Tôn thờ của một Người Tự do

Sự Tôn thờ của một Người Tự do
A Free Man’s Worship (1903)

Bertrand Russell
(1872 – 1970)







Lời người dịch bản tiếng Việt

A Free Man's Worship (ấn bản đầu tiên là “The Free Man's Worship” 1/21903) có lẽ là một luận văn nổi tiếng và được in lại nhiều nhất của Bertrand Russell. Văn phong và ngôn ngữ đặc biệt của nó, vẫn thường được ghi nhận và phân tích, ngay cả Russell cũng có cơ hội tự giải thích, bản văn, vốn ra đời rất sớm, lúc ông mới vào tuổi 30.


Khi có cơ hội nhìn lại giai đoạn đó của chính mình, ông viết, năm 1929, “Nó (luận văn) đặt trên một siêu hình học có phần thiên về Plato hơn là một siêu hình học mà tôi giờ đây tin tưởng”. Thế nhưng bài luận văn vẫn âm vang (hay đúng hơn báo trước) nhiều những chủ đề đặc biệt của Russell (characteristic Russellian themes) và những bận tâm đời ông sẽ theo đuổi, như ông nói, điển hình trong – Những gì tôi đã sống:


“Ba đam mê giản dị nhưng mãnh liệt đã chi phối đời tôi: khát khao tình yêu, săn tìm tri thức và xót thương khôn cùng những khổ đau của loài người. Những đam mê này, như những trận cuồng phong, đã thổi tôi tán loạn bay đây đó khắp hướng trên một đại dương mênh mông thống khổ, chạm những bờ thật cùng quẫn tuyệt vọng”. (What I Have Lived For – Lời mở đầu Tự truyện của Bertrand Russell).

Do đó, A Free Man's Worship đáng cho chúng ta đọc lại – Bản văn là một dấu mốc lịch sử quan trọng, không chỉ của tư tưởng Russell, nhưng của tư tưởng châu Âu, đầu thế kỷ 20. Tiến bộ của khoa học đã nâng cao kiến thức và đời sống con người, nhưng ứng dụng kỹ thuật của nó, nổi bật qua những vũ khí giết người hàng loạt và khả năng tàn phá lớn rộng, trong Thế chiến I, đã cho thấy sức mạnh vật chất khủng khiếp sau khi đưa vào chiến tranh. Hậu quả thảm khốc của nó là châu Âu và nhiều phần của Á, Phi, nằm gục trong hủy hoại đổ nát. Như trong Waste Land, của T.S. Eliot, chúng ta có thể cảm nhận được tâm trạng tan vỡ, bắt nguồn từ kinh nghiệm tập thể của Thế chiến I này. Đặc biệt là sự hủy diệt quá lớn về phần mạng sống con người, khiến hầu hết các nước châu Âu đã mất trọn cả một thế hệ thanh niên. Thế chiến I cũng dẫn đến những gì có thể được mô tả như một sự tuyệt vọng về văn hóa nữa. Tôn giáo vốn không là thuốc chữa, nhưng còn là nguyên nhân, gây chiến tranh, đau thương cho con người; khoa học với sức mạnh mới trong sự chế ngự thiên nhiên nhưng không thêm sức mạnh trong nỗ lực ngăn cản bản năng tàn phá của con người. Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa Nhân bản mới (neo-humanism) của thế kỷ 20, có sự kết hợp mới với chủ nghĩa Vô thần, đã định hướng và phát triển, và những gì thấy cô đọng trong nội dung bài viết này của Russell đã góp phần quan trọng.

Riêng Russell, sau A Free Man’s Worship (1903), lần lượt những luận văn nổi tiếng khác: Những gì tôi Tin tưởngWhat I Believe (1925), Tại Sao Tôi Không là người Kitô? Why I Am Not a Christian (1927), Am I An Atheist Or An Agnostic? (1947), và Thế nào là một người theo thuyết Không-thể-biết? What is an agnostic? (1953) – Tôi đã có dịp giới thiệu, là những trả lời trung thực và trực tiếp nhất cho câu hỏi về quan điểm tôn giáo nổi tiếng của một người nổi tiếng, có thể tóm tắt – ông tự xem mình là một người “atheist” – không-tin-gót (vô thần) trong thực tiễn, nhưng trên triết lý, là một người theo thuyết không thể biết (agnostic).