Sunday, June 23, 2013

Nietzsche – Buổi Chạng vạng của những Tượng thần (05d)

Buổi Chạng vạng của những Tượng thần
Friedrich Nietzsche
(Twilight of the Idols)
Götzen-Dämmerung, oder, Wie man mit dem Hammer philosophirt (1888)






NHỮNG BIỆN LUẬN NGẮN CỦA MỘT NGƯỜI KHÔNG ĐÚNG THỜI


34

Người Kitô và người theo chủ nghĩa vô chính phủ. – Khi người theo chủ nghĩa vô chính phủ, như kẻ phát ngôn của tầng lớp quần chúng suy nhược trong xã hội, đòi hỏi với một sự phẫn nộ chính đáng về những gì là  “quyền” của người ấy, “công lý”, và những ‘quyền bình đẳng”, người ấy thì chỉ hành động dưới ảnh hưởng của trạng thái thiếu kém văn hóa của anh ta, vốn nó ngăn chặn sự hiểu biết của người ấy về lý do tại sao người ấy thì thực sự đau khổ, – về phương diện nào đây khiến anh ta là người khốn khó, trong đời sống. Bên trong người ấy có một xung lực tìm-gán-nguyên-nhân mạnh mẽ: một ai đó phải chịu lỗi vì anh ta cảm thấy mình hèn kém không giá trị. [1]

Ngoài ra, bản thân của sự phẫn nộ “chính đáng” cũng đã xoa dịu anh ta rồi, đó là một niềm vui cho tất cả (những tâm hồn) khốn khổ (đến mức tai ác như ma quỉ), để mắng mỏ một ai đó: nó mang lại một cảm giác tuy rất nhẹ, nhưng say sưa ngây ngất của quyền lực. Ngay cả sự than vãn và phàn nàn có thể đem cho đời sống một nét duyên dáng cho lợi ích trong những gì người ta phải khứng chịu nó: trong mỗi khiếu nại phàn nàn, có một liều thuốc tinh tế của sự trả thù; người ta chê trách tình cảnh tệ hại của riêng mình, và trong những hoàn cảnh nhất định nào đó, ngay cả cả sự xấu xa của riêng mình, nhưng với những ai là những người khác, không giống như mình, như thể đó là một sự bất công, một đặc quyền cấm không được phép có. “Nếu tôi là người thuộc giai cấp vô sản [2], bạn cũng phải là như thế nữa” – trên cơ sở của lôgich như vậy, người ta đã thực hiện những cuộc cách mạng.

Saturday, June 15, 2013

Nietzsche – Buổi Chạng vạng của những Tượng thần (05c)



Buổi Chạng vạng của những Tượng thần
Friedrich Nietzsche
(Twilight of the Idols)

Götzen-Dämmerung, oder, Wie man mit dem Hammer philosophirt (1888)


(tiếp theo...)






NHỮNG BIỆN LUẬN NGẮN CỦA MỘT NGƯỜI KHÔNG ĐÚNG THỜI


18

Về vấn đề “lương tâm trí thức.” – Ngày nay, đối với tôi, xem dường không gì hiếm hoi hơn sự giả-đạo-đức chính cống. Tôi ngờ rất nhiều rằng cái không khí ôn hòa của văn hóa chúng ta là không tốt cho sự khỏe mạnh của loài cây cỏ này. Đạo đức giả thuộc về những thời đại của lòng tin tôn giáo mạnh mẽ, trong đó ngay cả khi người ta buộc phải phô bày một lòng tin tôn giáo khác biệt, người ta thực không bỏ lòng tin tôn giáo mà người ta đã có trước đó. Ngày nay, người ta quả có buông bỏ nó; hoặc thậm chí còn phổ thông hơn, người ta lấy thêm vào một lòng tin tôn giáo thứ nhì – và dù trong trường hợp nào, người ta vẫn cứ là chân thực. Không nghi ngờ gì, ngày nay có thể có được một số lượng những xác quyết, lớn hơn rất nhiều so với trước đây: “có thể có được” có nghĩa là được cho phép, có nghĩa là vô hại. Điều này sinh ra sự khoan dung với chính mình.

Sự khoan dung với chính mình cho phép người ta có được nhiều những xác quyết, và chúng giữ thuận hợp được với nhau: chúng thì cẩn thận, giống như tất cả thế giới ngày nay còn lại, để không làm thương tổn chính chúng. Ngày nay, người ta làm tổn thương chính mình như thế nào? Nếu người ta cứ trước sau như một. Nếu người ta tiến tới trên một con đường thẳng. Nếu một người hàm hồ đủ đến mức có thể cho phép năm giải thích mâu thuẫn lẫn nhau. Nếu người ta là chân thực.

Sunday, June 2, 2013

Nietzsche – Buổi Chạng vạng của những Tượng thần (05b)


Buổi Chạng vạng của những Tượng thần
Friedrich Nietzsche
(Twilight of the Idols)

Götzen-Dämmerung, oder, Wie man mit dem Hammer philosophirt (1888)






NHỮNG BIỆN LUẬN NGẮN CỦA MỘT NGƯỜI KHÔNG ĐÚNG THỜI

7
Luật đạo đức cho những nhà tâm lý học. – Đừng có đi vào tâm lý học bằng cổng sau lặt vặt. Đừng bao giờ quan sát ngõ hầu chỉ để quan sát! Điều đó đem đến một cái nhìn bao quát sai lầm, dẫn đến sự nhìn lệch lạc, và một gì đó cưỡng ép và phóng đại. Có kinh nghiệm từ một ước muốn để có kinh nghiệm – điều đó không thành công. Khi trải nghiệm, người ta phải không quay nhìn về chính mình, nếu không thế con mắt trở nên một “con mắt xấu ác”. Một nhà tâm lý học bẩm sinh, do bản năng ngăn chống lại sự xem nhìn cốt chỉ để xem nhìn; cũng đúng thế với người họa sĩ bẩm sinh. Ông không bao giờ “vẽ”, làm việc “từ thiên nhiên”, – ông để điều đó cho bản năng của ông, cho máy ảnh dấu kín ẩn khuất của ông, để sàng lọc qua và phô diễn “trường hợp”, “thiên nhiên”, vốn nó được “kinh nghiệm”. Ông có ý thức chỉ về những gì là tổng quát, của kết luận, kết quả là: ông ta không biết gì về những trừu tượng hóa ngẫu nhiên từ một trường hợp riêng lẻ.

Xảy ra điều gì khi người ta tiến hành khác đi? Lấy thí dụ, trong cách thức của những dân-Paris viết tiểu thuyết, nếu như người ta đi vào tâm lý học bằng lối du kích cửa hậu, cả bán sỉ lẫn bán lẻ, lớn lẫn nhỏ? Sau đó người ta nằm chờ thực tại, như nó có đó; và mỗi buổi tối người ta mang về nhà những tò mò đầy được một nắm tay. Nhưng ghi chú xem sau cùng đã ra khỏi tất cả chuyện này những gì: một mớ nhòe nhoẹt vôi vữa bên ngoài, đến khéo nhất thì là một bức vẽ đủ màu, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào là một gì đó thêm vào nhau, một gì đó bồn chồn không yên, một hỗn độn những màu sắc la hét chửi nhau. Tồi tệ nhất trong chiều hướng này, là thành tựu của anh em nhà Goncourts; họ không bao giờ viết được ba câu cạnh nhau mà không thực sự làm xốn mắt đọc, mắt của nhà tâm lý học.