Friday, December 25, 2009

Phản-kitô - The Antichrist



Phản-kitô
Lời nguyền rủa đạo Kitô

Friedrich Nietzsche (1844 – 1900)
Der Antichrist (1895)
Fluch auf das Christenthum.




Lời người dịch bản tiếng Việt

Có thể nói gì thêm về con người tên tuổi đã gắn liền với lời cáo tri chấn động thế kỷ qua – “Gót đã chết” – “Gott ist todt”?

Với những dụ ngôn và ảo ngữ, Nietzsche viết những luận văn triết học đọc như thơ xuôi, như sấm dụ. Lên án đạo Kitô đại diện cho “tất cả những hèn yếu, thấp kém và vụng hỏng”, và toàn thể truyền thống Kitô-Dothái què quặt tác hại, Nietzsche muốn phá hết tật nguyền, để dựng lại toàn bộ văn minh phương Tây từ những giá trị đạo đức cơ bản.

Phản-kitô [1]  là tác phẩm đem tranh luận không ngừng đến những tiếp nối thế hệ người viết và đọc triết học.

Dịch từ những bản tiếng Anh, tham khảo thêm bản tiếng Pháp, vì bản thân người dịch, hắn không biết tiếng Đức.
Thử thôi, dẫu chút sai cũng chỉ như muối bỏ biển, không đổi được vị đã mặn đắng những lời sâu thẳm.

Và, không sao đi chệch được những dòng thác cuộn tràn bờ dũng mãnh của vị thiên tài phá hủy thánh tượng; của Nietzsche, đắm say cuồng nộ rồi lặng im loạn trí giữa nhân gian.

Người dịch
Lê Dọn Bàn
(Noel – 2009)

Monday, December 14, 2009

Sam Harris – Thư gửi dân chúng một nước Kitô

Thư gửi dân chúng một nước Kitô


Letter to a Christian Nation
Sam Harris









Ghi chú gửi độc giả

Kể từ khi quyển sách đầu tiên của tôi – The End of Faith(Đường cùng của Đức tin Tôn giáo) – xuất bản, hàng nghìn người đã viết để bảo tôi rằng tôi không tin vào Gót là sai. Trao đổi thù nghịch nhất trong những thư tín này đến từ những người Kitô. Đây là điều mỉa mai, trái khoéo, vì những người Kitô nói chung hay tưởng tượng rằng không tín ngưỡng nào ban phát những đức hạnh yêu thương và tha thứ hiệu quả hơn là tín ngưỡng của riêng họ. Sự thật là nhiều người tuyên bố mình đã được tình yêu của Christ chuyển hóa, là người đã sâu hận, đến ngay cả mức dọa giết, không kham chịu nổi sự phê bình. Trong khi chúng ta có thể gán điều này vào bản tính con người, có một điều rõ ràng là ghét hận đến mức như thế, rút ra được ủng hộ đáng kể từ kinh Thánh. Làm sao tôi biết điều này? Những thư từ trao đổi với tôi khuấy động dữ dằn nhất, luôn luôn viện dẫn chương này, câu nọ của kinh Thánh.

Trong khi quyển sách này [1] nhằm tới mọi người thuộc mọi tín ngưỡng, nó được viết trong hình thức một lá thư gửi một người Kitô. Trong đó, tôi trả lời rất nhiều những biện luận mà những người Kitô đã đưa ra khi chống trả cho những tin tưởng tôn giáo của họ. Mục đính chính của quyển sách là để vũ trang cho những người không tôn giáo trong xã hội chúng ta, những người tin rằng tôn giáo phải nên giữ ở ngoài hoạch định chính trị công quyền, chống lại những địch thủ của họ ở phe Quyền người Kitô [2]. Do đó hệ quả là, “Kitô” tôi nói với, trước sau, là một Kitô trong một nghĩa hẹp của từ này. Một người như thế tin, ở mức ít nhất, rằng kinh Thánh là những lời Gót ứng truyền và chỉ những ai chấp nhận Jesus Christ là thần linh, mới sẽ thực được cứu rỗi sau khi chết. Hàng tá những thăm dò khoa học gợi ý hơn quá nửa dân chúng nước Mỹ chấp nhận những tin tưởng này. Dĩ nhiên, những cam kết siêu hình như thế không liên hệ chỉ riêng với bất kỳ một nhóm Kitô nào. Trong khắp những giáo phái Thủ cựu – Catô, Tin lành Chủ lưu, Tin lành Phúc âm [3], Baptists, Pentecostals[4], Jehovah's Witnesses [5], và vân vân – đều tất cả bao hàm ngang nhau trong những lập luận của tôi. Như chúng ta đã biết rất rõ, những tin tưởng của Kitô thủ cựu hiện nay tác hành một ảnh hưởng khác thường trong bàn luận công việc quốc gia của chúng ta – trong tòa án của chúng ta, trong trường học của chúng ta và trong mọi ngành của chính phủ.

Thursday, December 3, 2009

Sam Harris – Sự Hy sinh Lý trí


Sự Hy sinh Lý trí

The Sacrifice of Reason
Sam Harris









Lời Người dịch


Trong bài viết Có phải đạo Kitô phi lý không? – M. Martin chỉ ra sự phi lý trong lý thuyết về Sự Chuộc tội của đạo Ki tô – câu hỏi tại sao – giả định –Jesus lại hiện thân xuống trần, hy sinh trên thập giá để rồi phục sinh.

Một trong các câu trả lời có thể tìm được trong lịch sử về tục lệ giết vật tế thần – của nhân loại ở cổ thời. Bài viết này của Harris khai triển nội dung đó.

Ông cũng đưa ra nhận xét về trường hợp bà nữ tu Catô nổi tiếng Teresa, theo ông, nhật ký của bà thực sự cho thấy một con bệnh của khủng hoảng tâm thần, bệnh thông thường nên bà đã có thể giãi bày với chính mình và các đồng nghiệp – cho biết đã mất lòng tin từ lâu, không còn tìm được tin tưởng nào vào Gót, vào tình yêu của Gót, vào Thiên đường. Bà thú nhận, tìm chúng nhưng chỉ thấy hư không, tối đen và giá lạnh.

Những giòng nhật ký tâm linh đầy xúc động, những thống khổ, đau đớn tín ngưỡng chân thực đáng kính trọng, nhưng người ta vẫn tìm cách giải thích khác đi – nên Harris phải kết luận thật mỉa mai: “hoài nghi của kẻ chuyên nghiệp, vẫn đã được nghĩ là xác định cho một chủ thuyết, vậy cái gì nữa mà lại có thể phủ định được nó đây?”

Kết luận này gợi lại một câu hỏi Antony Flew, từ 1950, đã đặt ra với các nhà thần học Kitô “Cái gì phải nên xảy ra, hoặc phải xảy ra đề tạo thành cho quí vị một phản chứng về tình yêu của, hoặc sự hiện hữu của God?” – trong một luận văn nổi tiếng Thần học và Phản chứng.

Christ trên thập giá – chính là sự lập lại cho đến nay – một tục lệ dã man cổ thời – giết vật hy sinh – và ăn thịt đồng loại. Những ai bào chữa đây chỉ có ý nghĩa tượng trưng, hãy đọc định tín của hội đồng Trent – khi một tín đồ nhận bánh và rượu thánh trong lễ bí tích thánh thể (Eucharist) – họ thực sự ăn thịt và uống máu – chiên con của Ðức chúa Trời – là chính vị giáo chủ của họ.

Họ lấy chính lý trí của mình, giết đi và dâng làm hiến vật.

Theo tôi, đó là nội dung tác giả muốn cảnh cáo những ai còn mê muội, hàng năm vẫn tưng bừng kỷ niệm một vụ tự sát nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại.

Người dịch
Lê Dọn Bàn
(Mùa Noel – Dec/2009)

Tuesday, December 1, 2009

Michael Martin – Có phải đạo Kitô phi lý không?

Có phải đạo Kitô phi lý không?

Is Christianity Absurd?
Michael Martin









Lời người dịch

Michael Martin là một trong những khuôn mặt tiêu biểu[1] cho giới triết gia học giả vô thần hiện nay đang giảng dạy trong các trường đại học nước Mỹ. Ngoài những luận văn chuyên khoa triết lý, các sách giáo khoa, hay tham khảo cho môn Triết, Triết lý tôn giáo và Tôn giáo đối chiếu, ông cũng viết những luận văn tuy ngắn, nhưng rất giá trị, những văn bản triết lý hướng đến độc giả phổ thông – mà tôi tạm gọi là “triết học cho những người không học triết“.

Những ai muốn đào sâu các nội dung này – xin mời đọc hai tác phẩm cơ bản của ông do nhà xuất bản trường đại học Temple, Philadelphia xuất bản: Atheism: A Philosophical Justification (1990), The Case Against Christianity (1991). Đặc biệt về chủ đề đạo đức của những người vô thần đối mặt với truyền thống và huyền thoại Judaeo-Christian, ông có tác phẩm Atheism, Morality and Meaning. Tác phẩm của ông, chẳng những chỉ uyên bác thuyết phục, nhưng bảo vệ và xây dựng một triết lý và cơ sở đạo đức vô thần, đem lại phần thưởng hứng khởi thú vị cho người đọc.


Saturday, November 28, 2009

Thiên đường dậy sóng hoài nghi


Thiên đường dậy sóng hoài nghi

Problems with Heaven (1997)
Michael Martin




Lời người dịch

Ai ai cũng muốn lên thiên đường, nhưng chẳng ai muốn chết cả [1]

Câu hát đó đập vào tôi ngay lần nghe đầu tiên, cách nay đã rất lâu, nên đến giờ đã quên mất cả tên người hát, và cũng quên cả các phần sau. Một nghịch lý của các tôn giáo phương Tây: Chết và Thiên đường. Phải chết xong đã, mới thấy cánh cửa vào đất Hứa. Thế nên Thiên đường vẫn là một hoài nghi – vì chưa chết nên không thể biết thực hư, nhưng chết rồi, thực hư không thể nói, mà cho cùng, với người chết, biết còn chăng chuyện thực hư. Vậy nên, thiên đường chỉ là để cho người sống bàn bạc, mơ tưởng, và nhất là rao giảng.


Nếu chỉ là giấc mộng đêm của con người như phương Đông nhìn lên trăng, mơ chốn Thiên thai, hay Bồng lai, tiên cảnh, có sáo trúc êm, có dáng hằng tuyệt mỹ, ...nó vô hại, nên thơ, đẹp đẽ, và lại còn đầy hứng cảm nghệ thuật.

Nhưng lớn mạnh hơn mộng đêm, đến những khát khao bản năng của tranh sống ngày, là mộng ngày; ở trong không gian của những hữu hạn nên thèm ước cái không gian khác chứa đầy vô hạn, nghèo khó nên ước giàu sang, xấu xa nên ước đẹp đẽ, khổ đau nên ước hạnh phúc,… mộng ngày là khát khao bản năng nên thường chỉ tìm đến số, đến lượng để thỏa mãn đói khát, bỏ quên hay coi nhẹ giá trị phẩm chất. Thế nên chúng ta nghe kể thiên đường có vô tận những cái này, vô hạn những thứ kia, vô cùng những điều nọ. Mọi thứ đều đong bằng “bao nhiêu là…”. Con người khát quá, thèm quá, muốn quá, tự nhiên đấy thôi. Nhưng những ước ao tự nhiên và thơ ngây đó của con người đã bị những phù thuỷ tôn giáo vẽ vời thành một Thiên đường dẫn dụ. Và bức tranh mới vụng về làm sao, đầu đuôi bất nhất. (Đọc bài này của Michael Martin) Tựa những lời hứa dỗ dành con trẻ, nay thế này, mai thế khác, sau cùng có ai ngắm kỹ lại, với chút suy nghĩ thấy ngay bức tranh Thiên đường rách bươm, vá víu, chắp nối, có rất nhiều lúc vội vàng nên điều hứa sau đã trái nghịch với lời hứa hấp tấp trước. Thiên đường có lẽ chẳng có thể ví được với một bức tranh, tôi có rộng rãi quá chăng? Ở chính phương Tây này, người ta chẳng vẫn gọi nó trần trụi là một cái bánh vẽ trên trời đó sao. Là bánh thì không, nhưng có là tranh đi nữa, nhưng chấp vá, nên có bao giờ thoả được dẫu một chút mộng chân thực con người.


Friday, November 27, 2009

Bertrand Russell - Lịch sử Triết học phương Tây - (2)


Bertrand Russell

Lịch sử Triết học phương Tây


Quyển Một – Triết học Cổ thời
Phần I – Các triết gia trước Socrates



Chương I – Sự bừng dậy của Văn minh Hylạp

Trong xuốt lịch sử, không có gì thật ngạc nhiên và khó khăn đến thế, khi giải thích sự bừng dậy đột nhiên của văn minh tại Hylạp. Phần lớn những gì làm nên văn minh đã có mặt hàng nghìn năm ở Egypt và ở Mesopotamia, và đã từ đấy lan ra các nước láng giềng. Nhưng vẫn còn thiếu một số yếu tố cho đến khi Hylạp đem thêm. Những gì họ đạt được về mỹ thuật và văn chương thì quen thuộc với mọi người, nhưng những gì họ đã làm được trong lĩnh vực trí thức thuần tuý thì siêu việt, lại còn khác thường hơn. Họ phát minh toán học [1], và khoa học và triết học; họ đầu tiên viết sử, thay vì chỉ là các biên niên, họ bàn luận rộng rãi về bản chất thế giới và những mục đích của đời người, không bị xiềng xích tín điều thừa hưởng nào trói buộc. Những gì đã xảy ra thật xửng xốt quá sức tưởng tượng đến nỗi, đến tận gần đây, người ta hài lòng chỉ nhìn và nói một các huyền bí về thiên tài Hylạp. Tuy vậy, sự phát triển của Hylạp có thể hiểu được qua ngôn từ khoa học và cũng đáng công làm như thế.

Thần học và Phản chứng



Thần học và Phản chứng

Theology and Falsification (1950)
Antony Flew






Lời người dịch

Có thể phản chứng các tin tưởng tôn giáo như Kitô giáo không? Nếu không, tại sao và có nghĩa gì?

Bài viết ngắn này của Antony Flew, triết gia nước Anh– ra đời từ 1950– và đến nay vẫn được nhắc nhở, đọc lần đầu tại Socratic Club, Oxford. Ông trình bày: Một điều gì đó không thể chứng minh là đúng– nếu không thể định rõ các đòi hỏi tất yếu và đủ, để chứng minh ngược lại– nó là sai. Dùng luận lý của triết lý khoa học này, để chỉ ra tính chất không thể chứng minh là sai (Falsification) của các phát biểu thần học Kitô. Trên quan điểm hoài nghi vô thần, ông thấy chúng luôn luôn chạy trốn sự thật vì có lẽ chúng không chứa một sự thật nào. Vì thế, các câu như – “Gót hiện hữu”, “Gót là yêu thương”,v.v…Vì không thể chứng minh là sai, nên không thể biết có đúng không, vậy thái độ là không thể tin và quan điểm là có lẽ chúng dối trá.

Tuesday, November 10, 2009

Bertrand Russell - Lịch sử Triết học phương Tây (1)



History of Western Philosophy
Bertrand Russell
Lịch sử Triết học phương Tây







Chương Dẫn Nhập

Những khái niệm [1] về đời sống và thế giới mà chúng ta gọi là “triết lý”, là sản phẩm của hai thành tố: một, thừa hưởng những khái niệm tôn giáo và đạo đức; hai, một thứ nghiên cứu có thể gọi là “khoa học”, dùng từ này với nghĩa rộng nhất của nó. Hai thành tố này có phần tỉ lệ khác nhau rất xa trong những hệ thống của mỗi triết gia, nhưng sự có mặt của cả hai, trong chừng mực ít nhiều, biểu thị đặc điểm của triết học.

“Triết học” là từ vẫn đã được dùng với nhiều nghĩa, đôi khi rộng rãi hơn, đôi khi chật hẹp hơn. Tôi đề nghị dùng nó với nghĩa rất rộng, mà giờ đây tôi sẽ gắng giải thích.


Saturday, November 7, 2009

Bertrand Russell - Yếu tính của tôn giáo

Yếu tính của tôn giáo


The essence of religion
Bertrand Russell (1872-1970)








Lời dẫn của người dịch bản tiếng Việt

Yếu tính của tôn giáo, bản in đầu tiên trong The Hibbert Journal, Oct 1912, một tạp chí ra ba tháng một kỳ, chuyên về tôn giáo, thần học và triết học, tại London, nước Anh. Người bạn tình của Russell lúc ấy là bà Ottoline Morell rất mộ đạo, nên Russell viết bài này, đưa cho bà đọc, rồi sau đó cho các hội viên hội The Heretics tại đại học Cambridge thảo luận. Ông trình bày một quan điểm về tôn giáo – của cá nhân ông – không cần đến giáo điều, giáo chủ, giáo hội, là những điều ông lên án phản lý trí, phản đạo đức điển hình trong một luận văn nổi tiếng khác về tôn giáo Tại Sao Tôi Không là người Kitô?”

Lúc ấy, có nhiều phản ứng trái ngược về bản văn. Trong thư riêng gửi Russell, Tagore thú vị cho biết nó nhắc người đọc như ông đến hai câu của Upanishad về tiểu ngã, đại ngã.

Wednesday, October 14, 2009

Bertrand Russell - Triết học cho người không học triết


Triết học cho người không học triết
Bertrand Russell

Philosophy for Laymen
trong “Unpopular Essays” của Bertrand Russell [1]



Loài người, từ thuở có các cộng đồng văn minh, đã đối đầu những vấn đề thuộc hai loại khác nhau. Một bên là vấn đề làm sao chế ngự các sức mạnh thiên nhiên, tìm thu kiến thức và kỹ xảo cần thiết để tạo dụng cụ, vũ khí và đưa Tự Nhiên vào việc sản xuất các động vật và thực vật hữu ích[2]. Vấn đề này, trong thế giới tân tiến, có khoa học và kỹ thuật giải quyết, và kinh nghiệm cho thấy để giải quyết nó cho thích đáng, cần phải huấn luyện một số đông chuyên viên các ngành hạn hẹp.

Monday, September 28, 2009

Bertrand Russell - Tôn giáo có thể chữa được các khó khăn của chúng ta không?




Tôn giáo có thể chữa được các khó khăn của chúng ta không?
Can religion cure our troubles?

Bertrand Russell (1872– 1970)







(Đã đăng làm hai kỳ trên Dagens Nyheter, tờ nhật báo lớn nhất Stockholm, Sweden. Nov 9 và 11, 1954.)

Một tư tưởng, tín ngưỡng dù sai, xấu, lạc hậu cũng không vì thế mà thành mối nguy cho loài người, mối nguy là có những người đưa nó lên ngai vàng –  rồi sống chết bảo vệ duy trì nó – xưng tụng nó là duy nhất đúng, là chân lý vĩnh viễn – là mãi mãi giá trị –  là không thể sai lầm – không có ai khác, có gì ngoài hơn được lãnh tụ, giáo chủ, tổ chức, hội thánh. Cuồng tín giáo điều hiện thân thành tổ chức – sắt máu mọc nanh vuốt thành guồng máy đàn áp nghi ngờ, đối lập: suy tưởng diệt, sáng tạo mất, con người không còn .
Trong xã hội, có tổ chức tôn giáo hay chính trị độc tôn như thế, xã hội ấy chết, không tiến hóa nữa, còn những con người trong xã hội ấy? Con người vẫn được sinh ra, lớn lên, rồi chết đi, nhưng chưa bao giờ sống.

Đó là thông điệp của Russell trong bài này – viết rất sớm khi chiến tranh lạnh mới bắt đầu (1954), giữa Mỹ/Tây Âu –  Cộng sản, trong đó có đối kháng giữa Vatican –  Kremlin.

"Đã thành một tục lệ của những nhà lý thuyết bảo vệ đạo Kitô – là nhìn chủ nghĩa Cộng sản như một cái gì rất khác biệt với đạo Kitô. Điều này với tôi là một sai lầm hết sức sâu xa –  Chính là những sự tương tự giống nhau giữa đạo Kitô và chủ thuyết Cộng sản làm chúng xung khắc đối kỵ với nhau."

Người dịch.
Lê Dọn Bàn


Tuesday, September 1, 2009

Nhân Đọc Thơ Ức Trai


Nhân Đọc Thơ Ức Trai








斿山寺

短棹繫斜陽,
匆匆謁上方。
雲歸禪榻冷,
花落澗流香。
日暮猿聲急,
山空竹影長。
箇中真有意,
欲語忽還忘。