Thursday, February 23, 2012

Sigmund Freud - Ego và Id (4)


Cái Ta và cái Đó
Sigmund Freud (1856-1939)

The Ego and the Id
Das Ich und das Es (1923)





Chương III

Cái Ta và cái Ta Lý tưởng
(the Ego and the Super-Ego (Ego Ideal))

Nếu Ego đã chỉ đơn thuần là phần của Id bị sửa đổi bởi ảnh hưởng của hệ thống nhận thức, là đại diện của thế giới thực tại bên ngoài trong não thức, chúng ta hẳn đã có một trạng thái đơn giản của sự việc để giải quyết. Nhưng có thêm nữa một phức tạp.

Những cân nhắc đã dẫn chúng ta đến thừa nhận về sự hiện hữu của một cấp độ trong Ego, một sự khác biệt bên trong Ego, nó có thể được gọi là “Ego-lý tưởng” hay “Ego-Trên” [1], đã từng được phát biểu ở chỗ khác [2]. Chúng vẫn còn giữ là đúng [3]. Sự kiện rằng phần này của Ego được kết nối với ý thức kém vững chắc hơn là điều mới lạ đòi giải thích.

Tại điểm này, chúng ta phải mở rộng phạm vi của chúng ta một chút. Chúng ta đã thành công trong sự giải thích chứng nhiễu loạn thần kinh đau đớn của bệnh u uất [4] bằng cách giả định rằng (trong những ai bị đau khổ vì bệnh đó) một đối tượng bị mất đã được dựng lên lại bên trong Ego - đó là nói rằng, một sự dồn-năng-lực-vào-đối tượng [5] đã được thay thế bằng một sự đồng hóa nhân cách [6]  [7]. Tuy nhiên vào thời điểm đó, chúng ta đã không thấu hiểu trọn vẹn sự quan trọng của tiến trình này, và đã không biết nó là phổ biến và điển hình đến như thế nào. Từ sau đó, chúng ta đã đi đến hiểu rằng loại này của sự thay thế có một vai trò rất lớn trong xác định hình thức được Ego tiếp nhận, và nó tạo một đóng góp yếu tính, hướng tới xây dựng những gì được gọi là “nhân cách” của nó. [8]

Monday, February 20, 2012

Sigmund Freud - Ego và Id (3)

Cái Ta và cái Đó
Sigmund Freud (1856-1939)

The Ego and the Id
Das Ich und das Es (1923)






Chương II
Cái Ta và cái Đó
(the Ego and the  Id)

Khảo cứu bệnh lý đã hướng chú tâm của chúng ta quá thiên biệt về cái bị-trấn áp. Giờ đây, chúng ta nên học hỏi thêm hơn về Ego, chúng ta biết rằng cả nó nữa, cũng có thể là vô thức trong ý nghĩa đúng đắn của từ ngữ. Cho đến nay, hướng dẫn duy nhất chúng ta đã có trong những điều tra của chúng ta đã là dấu hiệu phân biệt về tư cách có ý thức hoặc vô thức; cuối cùng chúng ta đi đến xem thấy điều này có thể hàm hồ không rõ ràng ra sao.

Bây giờ, tất cả kiến ​​thức của chúng ta lúc nào cũng không đổi, bị buộc với hữu thức. Ngay cả Ucs. chúng ta có thể đi đến nhận biết chỉ bằng cách làm nó là ý thức được. Nhưng hãy dừng lại, điều đó có thể có được ra sao? Khi chúng ta nói “làm một-gì-đó là có ý thức” có nghĩa gì? Điều đó có thể xảy ra thế nào?

Chúng ta đã biết rồi điểm nào từ đó chúng ta phải bắt đầu trong sự kết nối này. Chúng ta đã nói rằng hữu thức là bề mặt của bộ máy tâm thần; có nghĩa là, chúng ta đã qui gán cho nó như một chức năng với một hệ thống, vốn về không gian là cái trước nhất chạm biết đến được từ thế giới bên ngoài - và về không gian không chỉ trong ý nghĩa chức năng, nhưng trong trường hợp này, cũng trong ý nghĩa của giải phẫu cơ thể [1]. Những điều tra của chúng ta, cũng vậy, phải lấy bề mặt nhận thức này như là một điểm-bắt-đầu.

Tất cả những nhận thức tiếp nhận được từ bên ngoài (những nhận thức giác quan) và từ bên trong - những gì chúng ta gọi là những cảm giác và những cảm xúc - chúng là Cs. (hữu thức) từ bắt đầu. Nhưng thế còn những tiến trình nội tâm đó vốn chúng ta có thể - áng chừng đại khái và không chính xác – gói ghém chung dưới tên gọi là những tiến trình-suy nghĩ thì sao? Chúng tiêu biểu cho những chuyển đổi vị trí của năng lực tinh thần vốn gây hiệu quả ở chỗ nào đó trong bên trong của bộ máy, khi năng lực này tiến hành trên đường nó hướng về hành động. Chúng có tiến lên trên bề mặt hay không, vốn là nguyên nhân khiến  hữu thức được phát sinh? Hoặc có phải tính hữu thức mở lối của nó đến chúng? Đây rõ ràng là một trong những khó khăn nổi lên khi người ta bắt đầu nhận lấy ý tưởng về không gian hoặc về “đo vẽ địa hình” của đời sống tinh thần một cách nghiêm trọng. Cả hai khả năng này là đều không thể tưởng tượng được như nhau -; nên phải có một chọn lựa khác thứ ba [2].

Wednesday, February 15, 2012

Emily Dickinson - Vệt nắng chiều đông


Vệt nắng chiều đông

There's a certain slant of light
Emily Dickinson (1830-1886)






There’s a certain slant of light,
On winter afternoons,
That oppresses, like the weight
Of cathedral tunes.

Heavenly hurt it gives us;
We can find no scar,
But internal difference
Where the meanings are.

None may teach it anything,
‘Tis the seal, despair,-
An imperial affliction
Sent us of the air.

When it comes, the landscape listens,
Shadows hold their breath;
When it goes, ‘t is like the distance
On the look of death.


Tạm dịch:

Một vệt nắng nào đó,
Chiếu hắt trong chiều đông,
Nó đè nặng, nghẹn uất
Như điệu nhà thờ ngân.

Đòn đau chất ngất quất;
Không thấy sẹo ngoài da,
Có chăng nỗi thương tổn
Giữa lòng tìm may ra.

Không gì để cố hiểu,
Tuyệt vọng – triện đã đóng, -
Thống khổ trên cao giáng xuống
Qua khí trời quanh ta.

Nó đến, cảnh vật lặng nghe,
Bóng tối thành nín thở;
Nó đi, giống hướng nhìn xa
Từ mắt người đã chết.

Lê Dọn Bàn tạm dịch


Tuesday, February 14, 2012

Sigmund Freud - Ego và Id (2)

Cái Ta và cái Đó
Sigmund Freud (1856-1939)

The Ego and the Id
Das Ich und das Es (1923)





Chương I

Hữu thức và những gì là Vô thức

Trong chương giới thiệu này không có gì mới để nói, và sẽ không thể nào tránh lập lại những gì đã thường được nói trước đây.

Việc phân chia tâm thần vào thành những gì là hữu thức và những gì là vô thức [1] là tiền đề nền tảng của phân tích tâm lý [2]; và nó một mình làm khả hữu cho phân tích tâm lý để hiểu những tiến trình bệnh lý trong đời sống tinh thần, vốn chúng cũng phổ biến như chúng là quan trọng, và để tìm một chỗ cho chúng trong cấu trúc cơ bản của khoa học. Nói về nó một lần nữa trong một lối khác: phân tích tâm lý không thể đặt định bản thể của tâm thần trong hữu thức, nhưng bị buộc phải xem tính hữu thức như là một phẩm tính của tâm thần, vốn có thể hiện diện cộng thêm với những phẩm tính khác, hoặc có thể vắng mặt.

Nếu tôi có thể giả sử rằng mọi người quan tâm đến tâm lý học sẽ đọc cuốn sách này, tôi cũng nên sửa soạn để tìm thấy rằng tại điểm này, một vài người đọc của tôi đã sớm bỏ cuộc dừng lại rồi, và sẽ không đi xa hơn nũa; vì ở đây chúng ta có khẩu hiệu đặc thù đầu tiên của khoa phân tích tâm lý. Đối với hầu hết mọi người, những người đã được giáo dục trong triết học, ý tưởng về bất cứ điều gì thuộc tâm thần mà lại cũng không có ý thức, thì hết sức không thể mường tượng được khiến với họ nó có vẻ phi lý, và có thể phản bác chỉ đơn thuần bằng lôgích. Tôi tin điều này là chỉ vì họ chưa bao giờ nghiên cứu những hiện tượng liên quan đến sự thôi miên và những giấc mơ – hoàn toàn ngoài những biểu hiện bệnh lý – vốn tất yếu đi đến quan điểm này. Tâm lý học về hữu thức của họ không có khả năng giải quyết những vấn đề của những giấc mơ và của thôi miên.

Wednesday, February 8, 2012

Sigmund Freud - Ego và Id

Ego và Id
Sigmund Freud (1856-1939)

The Ego and the Id
Das Ich und das Es (1923)




Về quyển sách này

Năm 1920, trong Beyond the Pleasure Principle (Vượt ngoài nguyên tắc Lạc thú), Freud đi đến phát triển những gì thành ra được gọi là “lý thuyết cơ cấu” về não thức. Lý thuyết này nhận diện hai xung lực cơ bản, libido hay xung lực Sống, đây là bản năng sinh tồn, và xung lực Chết, bản năng hủy hoại; hai xung lực này vật lộn với nhau để dành phần thắng trong mỗi chúng ta. Lý thuyết này cũng cho thấy ba cơ cấu trung tâm của não thức: Id, egosuper-ego, cả ba ít nhất cũng có phần nằm trong vô thức. Ba năm sau, trong tập sách này, Freud giải quyết những nội dung quan trọng của những khái niệm này. The Ego and the Id  phải được xem là công trình đáng kể nhất của Freud những năm về sau trong đời ông. Mặc dù hoàn toàn lý thuyết, nhưng Freud, qua lời nói đầu của chính ông, bảo nó là “gần với khoa phân tâm học”, nghĩa là gần với những kinh nghiệm trị liệu, hơn là những gì viết trước nó vào những năm 1920.

Cũng đáng ghi nhận là ông đã có thể lấy nhan đề của tập sách là The Ego, the Id, and the Super-ego, vì ông cũng cho nhiều chi tiết về Super-ego. Nhưng trung tâm bàn luận của ông thực ra là Ego, ông xem nó vật vã với ba sức mạnh: Id Super-ego bên trong, và thế giới bên ngoài. Freud không hoàn toàn đi đến kết luận về những câu hỏi về sức mạnh của những cơ cấu này - phần lớn công việc đó và những nội dung liên hệ với chúng được những nhà lý thuyết đi sau ông như Heinz Hartmann, Ernst Kris, và Rudolph Loeweinstein giải quyết – nhưng trong tập sách này, Freud xem ego như một người kỵ mã, người ấy đi đến những chỗ nào con ngựa ông cỡi (Id) muốn đi đến.

Dịch giả bản tiếng Anh

Friday, February 3, 2012

Sigmund Freud - Văn minh và những Bất mãn từ nó (10)

Văn minh và những Bất mãn từ nó
Sigmund Freud
(1856 – 1939)

Das Unbehagen In Der Kultur (Vienna, 1929).
Civilization and Its Discontents (1930)





Lời bạt của người dịch

1.
Có một điểm tôi muốn làm rõ rệt với nhan đề Das Unbehagen in der Kultur của Sigmund Freud. Theo sát nghĩa “Unbehagen” là “Sự lo lắng”, hoặc “Sự khó chịu”. Còn “Kultur” (Latin - cultura), chính Freud định nghĩa, hay đúng hơn cho chúng ta biết ông dùng với nghĩa làmô tả toàn bộ tổng số những thành tựu và những quy định vốn chúng phân biệt đời sống của chúng ta với của những động vật tổ tiên của chúng ta”, và chúng phục vụ hai mục đích - đó là để bảo vệ con người chống lại thiên nhiên, và điều chỉnh những quan hệ hỗ tương của họ. Nên Kultur được dịch rộng rãi hơn – theo bản Anh ngữ - là Văn minh.

Thông thường, chúng ta vẫn hiểu văn minh là những thành tựu về vật chất, còn văn hóa là những thành tựu trong lĩnh vực tinh thần. Ở đây, Freud không dùng từ “văn minh” để chỉ những thành tựu của xã hội, hay dân tộc như thế; nhưng ông dùng với nghĩa chỉ mức độ, hay trình độ tiến hóa của con người. Trình độ tiến hóa tìm thấy trong những cơ cấu tổ chức cộng đồng của nó (gia đình, thân tộc, xã hội, tôn giáo) và cũng trong những gì nhằm quản lý tự nhiên, vì những công trình thành tựu trong sự chế ngự thiên nhiên cũng có thể được xem là kết quả, hay mức chỉ trình độ tiến hóa. Như thế, Freud dùng từ “Kultur”; để chỉ cả hai: văn minh và văn hóa, nhưng về trình độ tiến hóa của chúng.

Khi đảo thứ tự hai danh từ trên sẽ nhấn mạnh hơn về nguồn gốc của sự lo lắng, bất an, bất mãn – thành Civilization and Its Discontents – và tôi tạm dịch - Văn minh và những bất mãn từ nó – nghe hơi Tây như vậy vì theo sát bản tiếng Anh, nay đã thành cổ điển của James Strachey, mặc dù nhan đề của bản tiếng Pháp có lẽ sát với ý tác giả hơn - Malaise dans La Civilisation. (Nếu không phải đổi thứ tự hai danh từ chính, và không phải nhấn mạnh như bản Anh ngữ nổi tiếng – đã có thể dịch gọn ghẽ là “những Bất mãn của Con người trong nền Văn minh”).

Sau khi viết xong tập The Future of an Illussion vào mùa thu 1927, Freud bị bệnh, sức khỏe suy yếu, nên mãi đến năm 1929 ông mới bắt đầu viết tập sách này.  Nhan đề đầu tiên Freud chọn là “Das Unglück in der Kultur” (Bất hạnh trong Văn minh); nhưng từ Unglück sau đó đổi sang thành “Unbehagen” – một từ khó tìm được tương đương trong tiếng Anh. Freud đã tự đề nghị nhan đề bản tiếng Anh là “Man’s Discomfort in Civilisation”. Từ “Malaise” trong tiếng Pháp sát hơn với Unbehagen”. – Bản tiếng Đức, xuất bản tháng Nov/1929, tại Vienna (mặc dù trên bìa sách ghi năm 1930), từ đấy đến nay vẫn luôn được tái bản liên tục, và trở thành tác phẩm tiêu biểu nhất, phổ thông nhất của Freud.

Wednesday, February 1, 2012

Roman Jakobson - Về những Khía cạnh Ngữ học của Phiên dịch


Về những Khía cạnh Ngữ học của Phiên dịch

On Linguistic Aspects of Translation
Roman Jakobson (1959)







1.
On Linguistic Aspects of Translation là bài luận văn được trích dẫn nhiều của Roman Jakobson, viết vào năm 1959.

Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng người Nga Roman Jakobson có quan hệ chặt chẽ không chỉ với chủ nghĩa Hình thức trong văn học (Formalism), mà còn với ngôn ngữ học, nhân chủng học, và phân tâm học. Ông được biết đến như là người sáng lập của Nhóm ngôn ngữ học ở thành Prague (Prague Linguistic Circle). Ông cũng được biết là người đã đặt ra thuật ngữ Structural Linguistics (Ngôn ngữ học Cơ cấu).

2.
Trong bài này, Jakobson phát biểu quan điểm nổi tiếng của mình về dịch thuật – đó là ý nghĩa của một từ là một hiện tượng ngôn ngữ [1]. Sử dụng Ký hiệu học (semiotics), Jakobson tin tưởng ý nghĩa là nằm trong cái-chỉ (the signifier), trong ngôn ngữ; và không trong cái-được-chỉ (hay được-hiểu – the signified)[2], ở ngoài ngôn ngữ. Thế nên, dấu hiệu ghi lời nói của ngôn ngữ đã cung cấp cho một đối tượng ý nghĩa của nó [3]. Diễn dịch một dấu hiệu của lời nói (verbal sign), theo Roman Jakobson có thể xảy ra trong ba cách: cùng ngôn ngữ, khác ngôn ngữ, và khác dấu hiệu (intralingual, interlingual và intersemiotic).
Phân loại nổi tiếng của Roman Jakobson cố gắng để giảm thiểu sự bất định vốn có trong việc sử dụng những ký hiệu của lời nói trong ngôn ngữ. Jakobson phân dịch thuật thành ba lớp (class):

1.  Intralingual: diễn thuật – thay ký hiệu này bằng ký hiệu khác, trong cùng một ngôn ngữ. Đây là trường hợp chúng ta gọi là “thuật”: diễn đạt cùng ý nhưng dùng những từ khác, là một cách giải thích các dấu hiệu của lời nói bằng các dấu hiệu khác của lời nói trong cùng một ngôn ngữ. Thí dụ, một người thuật lại một bản văn viết bằng ngôn ngữ “pháp lý rắc rối” – cả từ ngữ lần cú pháp - sang cách nói thông thường – như trường hợp một luật sư, hay của một chuyên viên trong một ngành chuyên môn, khi giải thích, thuật lại một câu, hay đoạn nào đó trong tài liệu kỹ thuật với người nghe, dùng những từ ngữ không chuyên môn, nhưng của cùng ngôn ngữ – là thực hành một bản dịch intralingual.
2. Interlingual: dịch thuật - dịch thuật đích thực - là một giải thích những dấu hiệu lời nói bằng các phương tiện những dấu hiệu lời nói của một ngôn ngữ khác. Ở đây có hai ngôn ngữ: ngôn ngữ nguồnngôn ngữ đích.
3. Intersemiotic: chuyển dịch - hay chuyển hoá là sự giải thích các dấu hiệu bằng các phương tiện của những dấu hiệu khác thuộc các hệ thống dấu hiệu không lời nói. Thí dụ như khi một người bình phẩm hội họa, diễn giải những ký hiệu vẽ trong một bức tranh cho công chúng, sang ký hiệu lời nói - đó là một bản dịch intersemiotic. Nhưng hai trường hợp (1) & (3) trên, không phải là “phiên dịch” đúng nghĩa. Chỉ có một người dịch một văn bản từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mới đúng gọi là phiên dịch (2).