Sunday, December 25, 2011

Bertrand Russell - Những gì tôi tin tưởng



Những gì tôi tin tưởng

What I Believe (1925)

Bertrand Russell





Những gì tôi tin tưởng đã xuất bản như một quyển sách mỏng vào năm 1925. Trong đó, Russell đã viết ở lời nói đầu, “tôi đã cố gắng nói những gì tôi nghĩ về vị trí của con người trong vũ trụ, và những khả năng của nó trên con đường đi đến đời sống tốt đẹp. … Trong những vấn đề của con người, chúng ta có thể thấy rằng có những sức mạnh làm nên hạnh phúc, và những sức mạnh tạo đau khổ. Chúng ta không biết sức mạnh nào sẽ thắng thế, nhưng nếu hành động một cách khôn ngoan, chúng ta phải nhận thức được cả hai”.

Trong phiên tòa ở New York vào năm 1940, Những gì tôi tin tưởng là một trong những quyển sách đã được đem trình bày để nhằm biện minh rằng Russell không thích hợp với ghế giáo sư được mời dạy tại tại City College. Bản văn cũng được trích dẫn rất rộng rãi trên báo chí lúc ấy, nhưng thường là trong cách thức đem lại ấn tượng sai lạc về những quan điểm của Russell. Trước đây đã giới thiệu ônng như một triết gia vô thần, với danh nghĩa là một người theo thuyết Không-thể-biết? (What is an agnostic?), và bài luận thuyết nổi tiếng Tại Sao Tôi Không là người Kitô? (Why I Am Not a Christian) trình bày quan điểm của ông với một tôn giáo truyền thống của văn hóa phương Tây. Bài mở đầu tự truyện của ông Những gì tôi đã sống (What I Have Lived For) hé mở cho chúng ta thấy những chân trời ông hướng tới, những quá tóm lược, nên nay giới thiệu thêm bài này, cho thấy chi tiết hơn những tin tưởng của ông làm cơ bản cho các phê phán tôn giáo. Nhân lúc cuối năm, đọc lại, dịch và suy ngẫm về những gì ông nói, cảm thấy có ít nhiều gần gũi – khi thu lại trong - Một đời sống tốt đẹp bắt nguồn cảm hứng từ yêu thương và được trí tuệ dẫn dắt - nghĩa là sống với thương và hiểu, với hai vị bồ tát của cuộc đời - Avalokitesvara và Mañjuśrī.

Dịch từ Bertrand Russell, “What I Believe”, trong The Basic Writings of Bertrand Russell (1903-1959), Phần IX, The Moral Philosopher. Robert. E. Egner và Lester E Denonn biên tập, với lời tựa của Bertrand Russell (London: Routledge, 2001), pp. 344-367.

Lê Dọn Bàn

Những gì tôi tin tưởng
Bertrand Russell


I.  Tự nhiên và con Người

Người là một phần của Tự nhiên, không phải là một gì đó trái ngược với Tự nhiên. Những suy nghĩ và những chuyển động cơ thể của nó đều tuân theo cùng những luật vốn mô tả những chuyển động của những vì sao và những atom. Thế giới vật lý là lớn lao so với Người - lớn hơn như đã tưởng trong thời của Dante, nhưng không lớn quá đến như đã xem ra khoảng một trăm năm trước đây. Cả hai chiều, hướng lên và xuống, và cả trong cái lớn và trong cái nhỏ, khoa học dường như đương chạm đến những biên giới. Đã được nghĩ rằng vũ trụ mở ra hữu hạn trong không gian, và rằng ánh sáng có thể đi du lịch vòng vũ trụ trong một vài trăm triệu năm. Đã được nghĩ vật chất gồm những electron và proton, chúng có kích thước giới hạn và chỉ có một số hữu hạn của chúng trong thế giới. Có lẽ những thay đổi của chúng là không liên tục, như vẫn quen được nghĩ, nhưng tiến hành bằng những giật đẩy đột biến, vốn không bao giờ nhỏ hơn một giật đẩy tối thiểu nhất định nào đó.  Những định luật về những thay đổi này có thể rõ ràng được tóm thu vào trong một số nhỏ những nguyên lý rất tổng quát, dựa vào chúng, có thể xác định được quá khứ và tương lai của thế giới, khi biết được bất kỳ một phần nhỏ nào lịch sử của nó [1] .

Khoa học vật lý, như vậy là đang tiến gần đến giai đoạn khi nó sẽ được hoàn tất, và do đó không thích thú gợi chú ý. Biết được những định luật về chuyển động của những electron và proton, phần còn lại chỉ đơn thuần là địa lý học - một sưu tập về những sự kiện cụ thể, cho biết sự phân phối của chúng trong suốt một vài phần (nào đó) của lịch sử thế giới. Tổng số những sự kiện về địa lý cần thiết để xác định lịch sử của thế giới có lẽ là hữu hạn, về mặt lý thuyết, tất cả chúng có thể được chép xuống một quyển sách lớn, được lưu giữ tại tòa nhà Somerset House [2], có một máy tính gắn liền với nó, bằng cách xoay một cán quay, sẽ cho người tra hỏi khả năng tìm ra những biến cố trong những thời gian khác hơn là trong những thời gian đã được ghi chép. Thật khó tưởng tượng bất cứ điều gì kém lý thú hơn, hoặc nhạt nhẽo hơn với những thích thú đầy đam mê trước sự khám phá không trọn vẹn. Nó giống như khi leo lên một ngọn núi cao và thấy không có gì trên đỉnh, trừ một nhà hàng trong đó họ bán nước ngọt có vị gừng, bị sương mù bao phủ, nhưng được trang bị với radio vô tuyến. Có lẽ trong thời của Ahmes, bảng cửu chương của phép nhân  đã là khích động hứng thú [3].

Thuộc về thế giới vật lý này, tự thân nó không gì thích thú, có Người là một phần. Cơ thể của hắn, giống như vật chất khác, được tạo thành bằng những electron và proton, vốn cho đến nay như chúng ta biết, chúng tuân theo cùng những luật như những electron và proton không tạo thành phần của những động vật hoặc thực vật. Có một vài người chủ trương rằng sinh lý học không bao giờ có thể giảm thu được về vật lý học, nhưng những luận chứng của họ không phải là rất thuyết phục, và xem dường thận trọng để giả định rằng họ bị nhầm lẫn. Những gì chúng ta gọi là những “suy nghĩ” của chúng ta dường như tùy thuộc trên tổ chức của những tuyến đường trong não bộ, theo cùng lối thuộc loại trong đó những hành trình tùy thuộc trên những đường bộ và đường sắt. Năng lượng được sử dụng trong khi suy nghĩ dường như có một nguồn gốc hóa học; lấy thí dụ điển hình, một sự thiếu hụt chất iodine sẽ biến một người thông minh thành một tên ngốc. Hiện tượng não thức xem dường như kết hợp sâu chặt với cấu trúc vật chất. Nếu điều này là như thế, chúng ta không thể giả định rằng một electron hoặc proton đơn độc có thể “suy nghĩ”; chúng ta thà cũng như trông chờ một cá nhân đơn độc chơi một trận đấu bóng đá. Chúng ta cũng không thể giả định rằng suy nghĩ của một cá nhân sẽ sống sót sau khi cơ thể bị chết, vì điều đó phá hủy tổ chức của não bộ, và phân tán năng lượng vốn sử dụng những tuyến não bộ.

Gót và sự bất tử, những giáo điều trung tâm của đạo Kitô, không tìm được hỗ trợ trong khoa học. Không thể nói một học thuyết nào trong hai là thiết yếu với tôn giáo, vì không một nào được tìm thấy trong đạo Phật. (Về phương diện bất tử, phát biểu này trong một hình thức thiếu mệnh đề hỗ trợ, có thể gây hiểu nhầm, nhưng nó là chính xác trong phân tích cuối cùng) [4]. Nhưng ở phương Tây, chúng ta đã đi đến suy nghĩ về chúng như là tối thiểu không thể còn giản lược được của thần học. Chẳng ngờ gì rằng người ta sẽ vẫn tiếp tục đem những tin tưởng này ra diễn trò mua vui, vì chúng là thoải mái dễ chịu, giống đúng như là thoải mái dễ chịu khi nghĩ bản thân mình là đạo đức, còn những kẻ thù của chúng ta là độc ác. Nhưng về phần tôi, tôi không thể thấy có bất kỳ nền tảng nào cho dù một trong hai. Tôi không giả vờ rằng có được khả năng chứng minh là không có Gót. Cũng ngang bằng như vậy, tôi không thể chứng minh được rằng quỉ Satan là một hư cấu. Gót của đạo Kitô có thể hiện hữu, những gót trên đỉnh Olympus Hylạp cũng có thể hiện hữu giống thế, hoặc gót của Ai Cập cổ đại, hoặc gót của Babylon. Nhưng không một giả thuyết nào trong số này là có xác xuất xảy ra cao hơn bất kỳ một giả thuyết khác: chúng nằm bên ngoài vùng của kiến thức thậm chí bị nghi ngờ, còn không biết có hay không, và do đó không có lý do để xem xét bất kỳ một nào trong số chúng. Tôi sẽ không mở rộng trên vấn đề này, vì tôi đã giải quyết với nó ở một chỗ khác rồi [5].

Câu hỏi về tính bất tử cá nhân đứng trên một chỗ đứng có phần khá khác biệt. Ở đây bằng chứng hoặc một trong hai cách có thể được. Những cá nhân con người là phần của thế giới hàng ngày vốn khoa học vẫn bận tâm, và những điều kiện trong đó quyết định sự hiện hữu của họ là có thể khám phá được. Một giọt nước không phải là bất tử, nó có thể được phân giải thành oxygen và hydrogen. Do đó, nếu một giọt nước đã được chủ trương rằng nó đã có một phẩm tính của chất nước vốn sẽ tồn tại sau sự giải thể của nó, chúng ta nên nghiêng sang hoài nghi. Trong cùng cách thức tương tự, chúng ta biết rằng não bộ thì không bất tử, và rằng năng lượng có tổ chức của một cơ thể sống, như nó đã là, trở thành không-tác-động sau khi chết, và do đó không sẵn sàng có đấy cho hoạt động chung của cơ thể. Tất cả bằng chứng đi đến cho thấy rằng những gì chúng ta xem như đời sống tinh thần của chúng ta là kết hợp sâu chặt với cấu trúc não bộ, và với năng lượng có tổ chức của cơ thể. Thế nên là dựa trên lý trí để giả định rằng đời sống tinh thần dứt ngừng, khi sự sống của cơ thể dứt ngừng. Luận chứng chỉ là một trong xác suất có thể xảy ra, nhưng nó cũng vững mạnh như những luận chứng vốn dựa trên đó hầu hết những kết luận khoa học đã đặt cơ sở.

Có những nền tảng nhiều loại khác biệt trên đó kết luận này có thể bị tấn công. Khảo cứu tâm linh [6] xưng rằng có bằng chứng khoa học thực sự về sự tồn tại, và mặc dù không nghi ngờ phương pháp của nó, trên nguyên tắc, là chính xác khoa học. Bằng chứng của loại này có thể là quá tràn ngập khiến không ai với một tính khí khoa học có thể gạt bỏ nó. Tuy nhiên, sức mạnh được gắn với bằng chứng, phải tùy thuộc vào xác suất có trước của giả thuyết về sự tồn tại. Luôn luôn có những cách khác nhau khi giải thích về bất kỳ tập hợp nào của hiện tượng, và thuộc về số này, chúng ta sẽ nên chọn giải thích nào vốn có xác xuất ít nhất của không xảy ra trước [7]. Những người đã nghĩ rằng có khả năng là chúng ta tồn tại sau cái chết, sẽ sẵn sàng để xem lý thuyết này là giải thích tốt nhất cho những hiện tượng tâm linh. Những người, đứng trên cơ sở khác, xem lý thuyết này là không hợp lý, họ sẽ tìm kiếm những giải thích khác. Về phần tôi, tôi xem xét những bằng chứng nghiên cứu tâm linh viện dẫn cho đến nay để ủng hộ sự sống sót, còn yếu hơn nhiều so với những bằng chứng sinh lý học ở phía bên kia. Nhưng tôi hoàn toàn thừa nhận rằng nó có thể trở thành vững mạnh hơn bất cứ một khi nào đó, và trong trường hợp đó, không tin vào sự sống sót sẽ là không khoa học.

Tuy nhiên, sự sống sót sau cái chết của cơ thể là một nội dung khác biệt với sự bất tử: nó có thể chỉ có nghĩa là tạm hoãn cái chết tâm thần. Chính sự bất tử mới là điều con người khao khát muốn tin vào. Những người tin vào sự bất tử sẽ phản đối những luận chứng về sinh lý học, giống như tôi từng sử dụng, trên nền tảng rằng linh hồn và cơ thể hoàn toàn tách biệt khác nhau, và rằng linh hồn là một gì đó khá khác hơn là những biểu hiện thực nghiệm của nó qua những cơ phận thân thể của chúng ta. Tôi tin điều này là một mê tín dị đoan siêu hình. Não thức và vật chất, chúng như nhau, đều là những thuật ngữ tiện dụng cho những mục đích nhất định nào đó, nhưng chúng không phải là những thực tại tối hậu [8]. Electron và proton, giống như linh hồn, là những hư cấu lôgích; mỗi chúng thực sự là một lịch sử, một chuỗi những biến cố, không phải là một thực thể dai dẳng đơn nhất. Trong trường hợp của linh hồn, điều này là rõ ràng từ những sự kiện của sự tăng trưởng. Bất cứ ai xem xét sự thụ thai, sự mang thai, và tuổi thơ ấu không thể nào nghiêm túc tin rằng linh hồn là một gì  đó không thể phân chia, toàn hảo và hoàn tất qua suốt tiến trình này. Rõ ràng là nó phát triển như cơ thể, và nó xuất phát cả hai từ tinh trùng và từ buồng trứng, do đó nó không thể là không phân chia được. Đây không phải là chủ nghĩa duy vật: nó chỉ đơn thuần là sự nhìn nhận rằng tất cả mọi sự vật thích thú đáng chú ý là một nội dung của kết cấu tổ chức, chứ không phải của thực thể nguyên thủy [9].

Những nhà siêu hình học đã đẩy tới vô số những lập luận để chứng minh rằng linh hồn phải là bất tử. Có một thử nghiệm đơn giản qua đó tất cả những lập luận này có thể bị phá hủy. Chúng đều chứng minh như nhau rằng linh hồn phải lan tỏa khắp trong không gian. Nhưng vì chúng ta không quá áy náy lo âu bị phình béo [10] như áy náy bồn chồn mong được sống lâu, những nhà siêu hình học trong vấn đề bàn cãi không một ai từng bao giờ chú ý đến ứng dụng này của những lý luận của họ. Đây là một trường hợp thí dụ về sức mạnh kinh ngạc của lòng khao khát mong muốn trong việc làm mù lòa những người thậm chí rất có khả năng trước những ngụy biện sai lầm, vốn nếu không sẽ hiển nhiên ngay lập tức. Nếu như chúng ta đã không sợ cái chết, tôi không tin rằng ý niệm về bất tử đã từng bao giờ phát sinh.

Sợ hãi là cơ sở của tín điều tôn giáo, cũng như nhiều thứ khác nữa trong đời người. Sợ hãi của loài người, cá nhân hay tập thể, chế ngự nhiều hầu hết đời sống xã hội của chúng ta, nhưng nó là nỗi sợ hãi về thế giới tự nhiên mới dựng lên tôn giáo. Phản đề của não thức và vật chất, như chúng ta đã thấy, là ít hay nhiều ảo tưởng, nhưng có một phản đề khác vốn nó quan trọng hơn, - cụ thể đó là giữa những sự vật có thể bị ảnh hưởng bởi những ham muốn của chúng ta, và những sự vật không thể bị ảnh hưởng như thế. Đường ranh chạy giữa hai, không phải là sắc nét cũng không phải bất di bất dịch – khi khoa học tiến bộ, nhiều hơn và nhiều hơn nữa, những sự vật được mang đặt dưới sự kiểm soát của con người. Tuy nhiên vẫn còn có những sự vật rõ ràng ở phía bên kia. Trong số này có tất cả những sự kiện lớn của thế giới của chúng ta, loại những sự kiện được thiên văn học xử lý. Nó chỉ là những sự kiện ở trên, hoặc gần bề mặt của trái đất mà chúng ta có thể, đến một số phạm vi nào đó, uốn nắn cho phù hợp với những khao khát mong muốn của chúng ta. Và ngay cả trên mặt trái đất, những quyền năng của chúng ta là rất giới hạn. Trên tất cả, chúng ta không thể ngăn chặn được cái chết, mặc dù chúng ta thường có thể trì hoãn nó.

Tôn giáo là một nỗ lực để vượt qua phản đề này. Nếu thế giới được Gót kiểm soát, và nếu có thể làm Gót cảm động, chuyển lòng bằng cầu nguyện, như thế chúng ta dành được một phần của sự toàn năng. Trong những thời trước đây, những phép lạ đã xảy ra như trả lời cho cầu nguyện; chúng vẫn xảy ra trong Nhà thờ Catô, nhưng những Nhà thờ TinLành đã bị mất quyền năng này. Tuy nhiên, vẫn có thể xoay sở không cần  những phép lạ, vì Gót bảo bọc đã xuống lệnh rằng những hoạt động của những luật tự nhiên sẽ phải sản xuất những kết quả tốt nhất có thể có được. Thế nên niềm tin vào Gót vẫn còn phục vụ cho sự nhân hóa thế giới tự nhiên, và làm con người cảm thấy rằng những sức mạnh vật lý trong thế giới tự nhiên là những đồng minh thực sự của họ. Trong cùng một phương cách, sự bất tử lấy đi sự khủng khiếp của cái chết. Những người là người tin rằng khi họ chết, họ sẽ thừa kế hạnh phúc vĩnh cửu, có thể được trông chờ là không kinh hoàng nhìn cái chết, mặc dù, may mắn thay cho những người trong giới y khoa, điều này không xảy ra luôn luôn. Tuy nhiên, nó quả có làm dịu phần nào những sợ hãi của con người, ngay cả khi nó không thể làm chúng hoàn toàn lắng xuống.

Tôn giáo, vì nó có những nguồn gốc của nó trong khiếp hãi, đã trang nghiêm tôn lên những loại nhất định của sợ hãi, và làm người ta nghĩ rằng chúng không đáng hổ thẹn. Trong điều này, nó đã làm một báo hại lớn lao cho loài người: tất cả sợ hãi là xấu. Tôi tin rằng khi tôi chết, tôi sẽ thối vữa, và không có gì của bản ngã tôi sẽ sống sót. Tôi không còn trẻ, và tôi yêu đời. Nhưng tôi nên khinh miệt sự rùng mình khiếp hãi trước ý tưởng về sự hủy diệt. Hạnh phúc thì không hề giảm bớt là hạnh phúc thực sự vì nó phải đi đến một kết thúc, cũng chẳng phải tư tưởng và yêu thương mất đi giá trị của chúng vì chúng không là vĩnh cửu. Nhiều lần, một người đã tự hào gánh chịu chính thân xác mình trên giàn hỏa của tòa án dị giáo; chắc chắn cùng một niềm tự hào nên dạy chúng ta suy nghĩ chân thực về vị trí của con người trong thế giới. Ngay cả nếu những cửa sổ của khoa học mở ra lần đầu tiên có làm chúng ta rùng mình, sau sự ấm áp thân thuộc bên trong những huyền thoại truyền thống đã được nhân hóa; đến cuối cùng, không khí tươi mới mang lại sức sống, và những không gian bao la có một huy hoàng riêng của chúng.

Triết học về thế giới tự nhiên là một chuyện, triết học về giá trị là một chuyện hoàn toàn khác. Không gì nhưng chỉ tai hại có thể đi đến từ sự lẫn lộn chúng. Những gì chúng ta nghĩ là tốt, những gì chúng ta nên thích, chúng không có bất cứ điều nào dẫu gì đi nữa liên quan với sự-vật là-gì, vốn là câu hỏi cho triết học về thế giới tự nhiên. Mặt khác, chúng ta không thể bị cấm đoán để đánh giá điều này hoặc điều kia trên lý do rằng thế giới-không-con-người không đánh giá nó, chúng ta cũng không thể bị bắt buộc phải ngưỡng mộ bất cứ điều gì vì nó là một “luật của tự nhiên”. Không nghi ngờ gì, chúng ta là phần của thế giới tự nhiên, vốn nó tạo ra những mong muốn của chúng ta, những hy vọng và những sợ hãi của chúng ta, thuận hợp theo những luật vốn nhà vật lý đang bắt đầu khám phá. Trong ý nghĩa này, chúng ta là phần của thiên nhiên, chúng ta bị phụ thuộc dưới thiên nhiên, là thành quả của những luật tự nhiên, và là những nạn nhân của chúng dài theo thời gian.

Triết học về thế giới tự nhiên phải không là thiên trọng quá đáng về trần gian; vì với nó, trái đất chỉ không gì hơn là một trong những hành tinh nhỏ hơn của một trong những ngôi sao nhỏ hơn của một thiên hà gọi là Sông Ngân. Nó sẽ là lố bịch khi thu gói triết lý về thế giới tự nhiên ngõ hầu mang ra những kết quả làm hài lòng những ký sinh trùng nhỏ xíu của hành tinh không đáng kể này. Thuyết hoạt lực như một triết lý [11] và thuyết sinh vật tiến hóa, về phương diện này, cho thấy một thiếu xót trong ý thức về tỉ lệ và sự liên hợp logic. Chúng xem những sự kiện của sự sống, vốn chúng có tính chất thú vị đáng chú ý cá nhân với chúng ta, như có một ý nghĩa tầm vũ trụ, không phải là một ý nghĩa giới hạn với mặt quả đất. Chủ nghĩa lạc quan và chủ nghĩa bi quan, như những triết lý vũ trụ [12], cho thấy cùng một chủ nghĩa nhân văn ngây thơ; thế giới lớn lao, cho đến nay như chúng ta biết về nó từ triết lý về thiên nhiên, là không tốt cũng không xấu, và nó là không có bận tâm gì đến việc làm chúng ta có hạnh phúc hay không hạnh phúc. Tất cả những triết lý loại như thế, đều nảy ra từ sự tự-cho-mình-quan trọng, và sửa chữa tốt nhất là bằng một chút thiên văn học.

Nhưng tình hình thì đảo ngược trong triết học về giá trị. Tự nhiên là chỉ một phần của những gì chúng ta có thể tưởng tượng; tất cả mọi thứ, thật hay tưởng tượng, có thể được chúng ta lượng giá, và không có tiêu chuẩn bên ngoài để cho thấy rằng định giá của chúng ta là sai. Bản thân chính chúng ta là những người phán xử về giá trị vốn không thể bị phủ nhận và cuối cùng, và Tự nhiên chỉ là một phần trong thế giới của giá trị. Vì vậy, trong thế giới này, chúng ta lớn hơn Tự nhiên. Trong thế giới của những giá trị, Tự nhiên trong tự thân nó là trung tính, không tốt cũng chẳng xấu, không xứng để ngưỡng mộ cũng chẳng xứng để khiển trách. Đó là chính chúng ta, người tạo giá trị, và những mong muốn của chúng ta vốn ban phát giá trị. Trong lĩnh vực này, chúng ta những vì vua, và chúng ta hạ thấp vương quyền của chúng ta nếu chúng ta cúi đầu xuống trước Tự nhiên. Nó là cho chúng ta để xác định đời sống tốt đẹp, chứ không phải cho Tự nhiên - không phải ngay cả với Tự nhiên được khoác dưới dạng người như Gót.


II. Đời sống tốt đẹp

Đã từng có ở những thời điểm khác nhau, và giữa những dân tộc khác nhau, nhiều những khái niệm thay đổi khác biệt về đời sống tốt đẹp. Đến một chừng mức nào đó, những khác biệt là đi đôi tuân theo với lý luận; đây là khi con người có khác biệt về phần những phương tiện để đạt được một cứu cánh đã cho sẵn. Một số người nghĩ rằng nhà tù là một cách tốt để ngăn ngừa tội phạm, những người khác chủ trương rằng giáo dục sẽ là tốt hơn. Một khác biệt thuộc loại này có thể được quyết định dựa trên bằng chứng thỏa đáng. Tuy nhiên, có một số những khác biệt không thể thử nghiệm được theo cách này. Tolstoy đã lên án tất cả chiến tranh, những người khác chủ trương đời của một người lính chiến đấu cho lẽ phải là rất cao quý. Chỗ này, có lẽ đã liên quan đến một khác biệt thực sự về phần những cứu cánh. Những ai là người ca ngợi người lính thường thường xem sự trừng phạt những kẻ tội lỗi tự nó là một điều tốt; Tolstoy đã không nghĩ thế. Về một nội dung giống như vậy, không luận chứng nào là khả hữu. Do đó, tôi không thể chứng minh rằng quan điểm của tôi về đời sống tốt đẹp là đúng, tôi chỉ có thể phát biểu quan điểm của tôi, và hy vọng rằng nhiều người sẽ đồng ý, càng nhiều càng tốt. Quan điểm của tôi là thế này:

Đời sống tốt đẹp là một đời sống hứng khởi từ yêu thương và được kiến ​​thức dẫn dắt.

Kiến thức và yêu thương, cả hai mở rộng đến vô hạn, thế nên, một đời sống có thể tốt đẹp dẫu đến đâu, một đời sống tốt đẹp hơn thế, có thể tưởng tượng được. Không phải yêu thương với không kiến thức, cũng chẳng phải kiến ​​thức với không yêu thương, không một nào có thể sản xuất được một đời sống tốt đẹp. Trong thời Trung cổ, khi bệnh dịch hạch xuất hiện trong một quốc gia, những con người thánh linh đã khuyên dân chúng tập hợp vào những nhà thờ và cầu nguyện xin cứu nguy, kết quả là sự nhiễm trùng đã lan truyền nhanh chóng lạ thường giữa những khối đông đúc những kẻ van khẩn. Đây là một thí dụ của yêu thương không kiến ​​thức. Cuộc thế chiến vừa qua có thể dành làm một thí dụ về kiến ​​thức không yêu thương. Trong mỗi trường hợp, kết quả là cái chết trên một quy mô lớn.

Mặc dù cả hai yêu thương và kiến ​​thức là cần thiết, trong một ý hướng yêu thương là nền tảng hơn, vì nó sẽ dẫn người thông minh săn tìm kiến ​​thức, để kiếm ra cách làm lợi ích cho những người họ thương yêu. Nhưng nếu người không là thông minh, họ sẽ hài lòng để tin vào những gì họ đã được bảo cho biết, và có thể gây tai hại bất kể lòng nhân ái chân thực nhất. Có lẽ, y học có thể lấy được làm thí dụ tốt nhất cho những gì tôi muốn nói. Một y sĩ có khả năng thì hữu ích với một bệnh nhân hơn là người bạn tận tụy nhất, và tiến bộ trong kiến ​​thức y học thực hiện được cho sức khỏe của cộng đồng nhiều hơn là hoạt động từ thiện hiểu biết sai lạc. Dù sao đi nữa, ngay cả ở đây, một yếu tố của lòng nhân ái là điều cần thiết, nếu như có bất kỳ một ai ngoài giới giàu được lợi ích từ những khám phá khoa học.

Yêu thương là một từ bao gồm một mớ khác loại những cảm xúc, tôi đã dùng nó có chủ ý, vì tôi muốn bao gồm tất cả chúng. Yêu thương “trên nguyên tắc” dường như với tôi không thật đích thực, những gì tôi đương nói về yêu thương vốn là một cảm xúc – di chuyển giữa hai cực: một bên, vui sướng trong chiêm nghiệm; bên kia, lòng thương người thuần khiết. Chỗ nào chỉ liên quan với những đối tượng vô tri giác, chỉ mình vui sướng đi vào; chúng ta không thể cảm thấy thương người với một phong cảnh, hoặc một bài sonata. Loại này của sự vui thú có lẽ được giả định là nguồn gốc của nghệ thuật. Nó mạnh mẽ, như một quy luật, ở trẻ em hơn ở người lớn, những người có khuynh hướng hay xem những đối tượng trong một tinh thần tiện dụng. Nó đóng một phần lớn trong những cảm xúc của chúng ta đối với con người, một số họ có sự duyên dáng quyến rũ, và một số ngược lại, khi đơn giản chỉ xem họ như những đối tượng chiêm nghiệm thẩm mỹ.

Cực đối phía kia của yêu thương là lòng thương người thuần khiết. Những người đã hy sinh đời họ để giúp những người cùi, trong một trường hợp như thế, yêu thương họ cảm thấy không thể có bất kỳ yếu tố nào của thích thú thẩm mỹ. Lòng yêu thương của cha mẹ, như một quy luật, thì đi kèm với niềm vui trong dáng vẻ bên ngoài của đứa trẻ, nhưng vẫn mạnh mẽ khi yếu tố này hoàn toàn vắng mặt. Có vẻ như kỳ lạ nếu gọi sự quan tâm của một người mẹ với một đứa trẻ bị bệnh là “thương người”, vì chúng ta có thói quen sử dụng chữ này để mô tả một cảm xúc mờ nhạt có chín phần mười là thủ đoạn. Nhưng khó tìm thấy bất kỳ một từ nào khác để mô tả sự mong muốn về phúc lợi cho một người khác. Nó là một sự kiện rằng một mong muốn loại này có thể đạt đến bất kỳ mức độ sức mạnh nào trong trường hợp tình cảm của cha mẹ. Trong những trường hợp khác, nó kém mãnh liệt hơn nhiều: thực vậy, xem ra có vẻ như tất cả những cảm xúc vị tha là một loại đầy tràn của tình cảm cha mẹ, hoặc đôi khi là một thăng hoa của nó. Vì muốn có một từ tốt hơn, tôi sẽ gọi cảm xúc này là lòng “thương người” [13]. Nhưng tôi muốn làm cho rõ ràng là tôi đương nói về một cảm xúc, không phải là một nguyên tắc, và tôi không bao gồm trong đó bất kỳ cảm giác nào về tự cao giống như nó đôi khi kết hợp với từ ngữ. Từ “cảm tình” diễn tả một phần những gì tôi có hàm nghĩa, nhưng bỏ lại yếu tố của hoạt động mà tôi muốn bao gồm.

Yêu thương ở tròn đầy nhất của nó là một sự kết hợp không thể tan rã của hai yếu tố, vui sướng và mong ước tốt lành. Thích thú của một cha mẹ về một trẻ em xinh đẹp và thành công kết hợp cả hai yếu tố; cũng như thế khi tình yêu tính dục ở mức tốt nhất của nó. Nhưng trong tình yêu-tính dục, lòng thương người sẽ chỉ hiện hữu ở chỗ nào có sự chiếm hữu được bảo đảm chắc chắn, vì nếu không, ghen tuông sẽ tiêu diệt nó, trong khi có thể thực sự gia tăng sự vui sướng trong chiêm nghiệm. Vui sướng mà không có mong ước tốt lành, có thể tàn nhẫn; mong ước tốt lành không có vui sướng có xu hướng dễ dàng trở nên lạnh lùng và một chút tự cao. Một cá nhân là người mong muốn được yêu thương, mong muốn là đối tượng của một yêu thương gồm cả hai yếu tố, trừ trong những trường hợp cực kỳ yếu đuối, chẳng hạn như tuổi ấu thơ và bệnh tật khốc hại. Trong những trường hợp này lòng thương người có thể là tất cả những gì được mong muốn. Ngược lại, trong những trường hợp của sức mạnh cực lớn, sự ngưỡng mộ thì được mong muốn hơn lòng thương người; đây là trạng thái não thức của những người thống trị và những sắc đẹp nổi tiếng. Chúng ta chỉ khao khát những tốt đẹp cho người khác theo tỷ lệ như chúng ta cảm thấy mình cần sự giúp đỡ của họ, hoặc trong nguy cơ có thể bị họ tác hại. Ít nhất, đó sẽ xem dường như là logich sinh học của hoàn cảnh, nhưng nó không hoàn toàn đúng với đời sống. Chúng ta mong muốn tình cảm ngõ hầu thoát khỏi cảm giác cô đơn, ngõ hầu có thể, như chúng ta nói, được “hiểu thấu”. Đây là một nội dung của sự cảm thông, chứ không chỉ của lòng thương người, người có tình cảm là thỏa mãn với chúng ta không chỉ đơn thuần là ước mong chúng ta tốt lành, nhưng phải biết hạnh phúc của chúng ta bao gồm những gì. Nhưng điều này thuộc về yếu tố khác của đời sống tốt đẹp, cụ thể là kiến ​​thức.

Trong một thế giới hoàn hảo, tất cả mỗi sinh vật có tri giác đối với mỗi sinh vật có tri giác khác sẽ là đối tượng của yêu thương tròn đầy nhất, đã kết hợp của niềm vui, lòng thương người và sự hiểu biết trộn lẫn nhau chặt chẽ không thể tháo gỡ được. Điều đó không dẫn đến, trong thế giới thực tại này, chúng ta phải nên cố gắng để có những cảm giác giống như thế với tất cả những sinh vật có tri giác mà chúng ta gặp gỡ. Có rất nhiều người trong đám đó mà chúng ta không thể cảm thấy thích thú, vì họ kinh tởm, nếu như chúng ta đã cưỡng bức với bản chất tự nhiên của chúng ta bằng cách cố gắng để xem thấy những cái đẹp trong họ, chúng ta sẽ chỉ đơn thuần là phũ phàng với những nhạy cảm của chúng ta trước những gì chúng ta tự nhiên thấy là đẹp. Không đề cập đến những con người, nhưng còn có những con bọ chét, và rệp, và chấy. Chúng ta sẽ cũng phải bị thúc đẩy khó khăn như người Thủy thủ Già [14] trước khi chúng ta có thể cảm thấy thích thú khi chiêm ngắm những sinh vật này. Một vài những thánh đạo Kitô, đó là sự thật, đã gọi chúng là những “ngọc trai của Gót”, nhưng những gì những con người này đã thấy thích thú là cơ hội trong đó phô bày sự thiêng liêng của riêng họ.

Lòng thương người thì dễ dàng hơn để mở ra rộng rãi, nhưng ngay cả lòng thương người có những giới hạn của nó. Nếu một người muốn kết hôn với một phụ nữ, chúng ta không nên nghĩ anh ta tốt hơn nên rút lại ý định, nếu anh biết có một người khác nào đó cũng muốn kết hôn với cô ấy: chúng ta nên xem điều này như một lĩnh vực tranh đua công bằng. Tuy nhiên, cảm xúc của anh ta với một đối thủ không thể toàn bộ là thương người. Tôi nghĩ rằng trong tất cả những mô tả về đời sống tốt đẹp ở đây trên mặt đất, chúng ta phải thừa nhận một cơ sở nhất định nào đó của sức sống động vật và bản năng động vật; nếu không có điều này, đời sống trở nên thuần hóa và nhàm chán. Văn minh nên là một gì đó thêm vào điều này, không thay thế cho nó; nhà thánh tu khổ hạnh và nhà hiền triết tách đời, đều thất bại trong lĩnh vực này để là những con người đầy đủ. Một số nhỏ gồm những người trong số họ có thể làm phong phú thêm một cộng đồng, nhưng một thế giới bao gồm những họ, sẽ chết vì nhàm chán.

Những cân nhắc này dẫn đến một nhấn mạnh nào đó trên yếu tố về vui sướng thỏa mãn như một chất cấu thành trong tình yêu tốt nhất. Sự vui sướng thỏa mãn, trong thế giới thực tại này, là không thể tránh khỏi tính chọn lọc, và ngăn cản chúng ta có cùng những cảm giác tương tự với tất cả nhân loại [15]. Khi những mâu thuẫn phát sinh giữa vui sướng và lòng thương người, như một quy luật, chúng phải được quyết định bởi một sự thỏa hiệp, không phải một sự đầu hàng hoàn toàn của một trong hai. Bản năng có những quyền của nó, và nếu chúng ta dùng bạo lực với nó vượt quá một điểm, nó trả thù lại trong những cách tinh tế.  Thế nên trong khi nhắm tới một đời sống tốt đẹp, những giới hạn của khả năng con người phải giữ đừng quên trong não thức. Tuy nhiên ở đây, một lần nữa, chúng ta bị đưa trở lại với sự cần thiết của kiến ​​thức.

Khi tôi nói về kiến ​​thức như một chất liệu của đời sống tốt đẹp, tôi không nghĩ về kiến ​​thức luân lý, nhưng về kiến ​​thức khoa học và kiến ​​thức về những sự kiện cụ thể đặc thù. Tôi không nghĩ, nói cho chính xác, rằng có một điều gì loại như kiến ​​thức luân lý. Nếu chúng ta mong muốn đạt được một số cứu cánh, kiến ​​thức có thể chỉ cho chúng ta những phương tiện, và kiến ​​thức này, một cách lỏng lẻo có thể thông qua như có tính luân lý. Nhưng tôi không tin rằng chúng ta có thể quyết định loại ứng xử nào là đúng hay sai, ngoại trừ bằng tham chiếu đến những hậu quả có thể xảy ra của nó. Đem cho một cứu cánh để nhắm đạt tới, nó là một câu hỏi cho khoa học để khám phá làm thế nào để đạt tới được nó. Tất cả những quy luật đạo đức phải được thử nghiệm bằng cách xem xét chúng có nghiêng về thực hiện những cứu cánh mà chúng ta mong muốn hay không. Tôi nói cứu cánh mà chúng ta mong muốn, chứ không phải cứu cánh mà chúng ta phải nên mong muốn. Những gì chúng ta “phải” mong muốn chỉ đơn thuần là những gì người nào khác muốn chúng ta mong muốn. Thường thường là những gì những giới có uy quyền muốn chúng ta mong muốn - những cha mẹ, những thày giáo, những cảnh sát và những quan tòa. Nếu bạn nói với tôi “ông phải nên làm như vậy và như vậy”, sức mạnh động cơ của nhận xét của bạn nằm trong ước muốn của tôi mong được bạn chấp thuận, - có thể, tất cả có lẽ là với những phần thưởng hoặc trừng phạt gắn kèm với sự chấp thuận hoặc không chấp thuận của bạn. Vì tất cả hành vi ứng xử nảy sinh từ mong muốn, rõ ràng là những khái niệm luân lý có thể không có tầm quan trọng trừ khi chúng ảnh hưởng đến mong muốn. Chúng làm điều này thông qua mong muốn được chấp thuận. và sợ hãi về không được chấp thuận. Đây là những quyền lực xã hội mạnh mẽ, và chúng ta sẽ tự nhiên nỗ lực để dành thắng lấy được chúng về phía chúng ta, nếu chúng ta mong ước thực hiện một bất kỳ mục đích xã hội nào. Khi tôi nói rằng tính đạo đức của cách cư xử được phán xét bởi những hậu quả có thể xảy ra của nó, tôi nhắm nghĩa là tôi mong muốn xem thấy sự chấp thuận đem cho hành vi ứng xử có khả năng thực hiện những mục đích xã hội mà chúng ta mong muốn, và sự không chấp thuận hành vi ngược lại. Hiện nay điều này không được thực hiện; có một số những quy tắc truyền thống nhất định, vốn theo như chúng, sự chấp thuận và không chấp thuận được phân phối ban phát, hầu như hoàn toàn bất kể những hậu quả. Nhưng đây là một chủ đề mà chúng ta sẽ giải quyết ở phần kế tiếp.

Sự thừa thãi vô dụng của luân lý học lý thuyết thì hiển nhiên trong những trường hợp đơn giản. Giả sử, lấy thí dụ, cháu bé, con bạn bị ốm. Yêu thương làm cho bạn muốn chữa trị cho cháu, và khoa học bảo bạn cách nào để làm như vậy. Không có một giai đoạn trung gian của lý thuyết luân lý, trong đó chứng minh rằng con của bạn tốt hơn là nên được chữa lành. Hành động của bạn bật lên trực tiếp từ mong muốn đi đến  một cứu cánh, cùng với kiến ​​thức về những phương tiện. Điều này cũng đúng ngang bằng như thế với tất cả những  hành động, cho dù tốt hay xấu. Những cứu cánh khác nhau, và kiến thức thì đầy đủ trong một số trường hợp hơn so với những trường hợp khác. Nhưng không có cách nào có thể mường tượng được về khiến bảo người ta làm những điều họ không muốn làm. Những gì có thể có được là thay đổi những mong muốn của họ bằng một hệ thống của thưởng và phạt, trong số chúng sự chấp thuận và không chấp thuận xã hội không phải là ít sức thuyết phục mạnh nhất. Do đó, câu hỏi cho những nhà đạo đức lập pháp là: hệ thống thưởng và phạt này sẽ được bố trí như thế nào để bảo đảm sự tối đa những gì thẩm quyền lập pháp mong muốn? Nếu tôi nói rằng thẩm quyền lập pháp có những mong muốn xấu, tôi chỉ đơn thuần có nghĩa là mong muốn của nó mâu thuẫn với của một số những người thuộc một vài tầng lớp của cộng đồng mà tôi thuộc về. Bên ngoài những mong muốn của con người, không có tiêu chuẩn đạo đức.

Thế nên, những gì phân biệt đạo đức học với khoa học không phải là bất kỳ loại đặc biệt nào của kiến thức nhưng chỉ đơn thuần là mong muốn. Kiến thức đòi hỏi trong đạo đức học là đích xác giống như kiến thức ở những nơi khác; những gì là đặc biệt là những cứu cánh nhất định nào đó là được mong muốn, và hành vi ứng xử đúng là những gì đưa dẫn đến chúng. Dĩ nhiên, nếu định nghĩa về hành vi ứng xử đúng là để tạo ra một kêu gọi rộng rãi, những cứu cánh phải là mong muốn của những phần lớn rộng giống thế của nhân loại. Nếu như tôi định nghĩa hành vi ứng xử đúng như là những gì tăng thu nhập của riêng tôi, những độc giả sẽ không đồng ý. Sự hữu hiệu toàn bộ của bất kỳ luận chứng luân lý nào nằm trong phần khoa học của nó, tức là trong bằng chứng cho thấy một loại ứng xử, thà hơn một số ứng xử khác, là một phương tiện để đi đến cứu cánh được rộng rãi mong muốn. Tuy nhiên, tôi phân biệt giữa lập luận luân lý và giáo dục luân lý. Cái sau bao gồm trong việc làm mạnh thêm những ham muốn nào đó nhất định, và làm suy yếu những ham muốn khác. Đây là một tiến trình khá khác biệt, vốn sẽ được thảo luận riêng biệt ở một giai đoạn sau.

Bây giờ chúng ta có thể giải thích chính xác hơn những nội dung ý nghĩa của định nghĩa về đời sống tốt đẹp mà chương này đã bắt đầu. Khi tôi nói rằng đời sống tốt đẹp bao gồm yêu thương được kiến ​​thức hướng dẫn, ao ước vốn nó nhắc nhở tôi đã là ao ước để sống một đời sống loại giống như thế, càng giống nhiều càng tốt, và để thấy những người khác sống nó; và nội dung lôgích của phát biểu đó là, trong một cộng đồng nơi con người sống theo cách này, nhiều những mong muốn hơn sẽ được thỏa mãn, hơn là trong một cộng đồng có ít yêu thương hay ít kiến thức. Tôi không có ý định nói một đời sống như vậy là “đạo hạnh”, hoặc ngược lại của nó là “tội lỗi”, vì đây là những khái niệm vốn chúng xem dường với tôi không có chứng minh khoa học là đúng [16].

Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất
(Dec/2011)
http://chuyendaudau.blogspot.com/



[1] Bài viết đã gần 100 năm, khoa học đã tiến rất nhanh với những bước nhảy của “đôi giày đi vạn dặm”, nhưng không vì thế làm thay đổi giá trị của bài viết. Những khám phá trong lĩnh vực khoa học, thí dụ vật lý có khác – lúc tôi đang dịch bài này, lấy thí dụ, dark energy như đẩy và mở vũ trụ ngày càng xa rộng hơn, thay vì trước đây như Russell thuật lại ở trên, quark cũng lấy mất địa vị là thực thể vật lý, hạt vật chất  “nhỏ nhất” của electronproton. Tất cả những sự kiện đó, và nhiều những khám phá mới nữa, đều chỉ làm tăng thêm sự hiểu biết của chúng ta về vũ trụ vật chất, và sự kiện là chúng ta vốn là một phần trong đó vẫn không thay đổi, thế nên chúng ta càng xác định rõ ràng thêm hơn về vị trí của chúng ta, là con người không có gì đặc biệt, không đóng vai trung tâm vũ trụ.
[2] Tên một dinh thự  lớn ở London, vốn là trụ sở của cơ quan giữ sổ sách về sinh, tử, hôn nhân của nước Anh, nay là một trung tâm triển lãm nghệ thuật .
[3] Ahmes (khoảng 1680 - 1620 TCN): Ahmes là tên của người Ai cập đã ghi chép bản văn được tìm thấy và đặt tên là Rhind Papyrus – Một trong những tài liệu cổ nhất được biết về toán học.
[4] Sau khi xác định những tin tưởng thiết yếu của những tôn giáo Abraham, cụ thể như đạo Kitô, là phản khoa học, Russell nói thêm, người ta vẫn có thể có tôn giáo, có tín ngưỡng mà không cần những tin tưởng vẫn lầm lẫn là thiết yếu chung cho tôn giáo, hay đúng hơn đó là những mê tín, thuộc loại như tin có một đấng tối cao sáng thế gọi là Gót, hay tin có sự bất tử của linh hồn. Ông dẫn chứng một trường hợp cụ thể là đạo Phật, nếu nhìn đạo Phật như một tôn giáo.
Trong đạo Phật, không có sự tin tưởng vào một đấng tối cao sáng thế; cũng không có sự tin tưởng vào sự bất tử nào trong thế giới, kể cả những gì thuộc về con người; vì vô thường có thể tổng quát nhận xem như một định đề phổ quát của đạo Phật. Thường bị hiểu lầm trong tin tưởng về tái sinh và luân hồi có hàm ẩn một tin tưởng vào sự bất tử, nhưng như Russell nói trên – đi đến phân tích cuối cùng; vô ngã là một hệ luận của vô thường - chúng ta sẽ nhận thức được sự kiện cái ngã trong mỗi chúng ta, khi sống nó vốn là một giả hợp – khi chết, nó không tái sinh, chỉ có những năng lực của nó gọi là nghiệp hay nghiệp lực, từ kiếp này tác động nhưng cũng không sang kiếp sau, vì nghiệp lực kiếp trước định thể dạng cho sự sống ở kiếp sau, và nghiệp lực đó không vĩnh cửu, không bất biến, nhưng thay đổi, tăng giảm tùy mỗi kiếp, chuyển hóa theo thời gian, phụ thuộc vào mỗi kiếp sống (có như thế mỗi kiếp người mới có trách nhiệm về nghiệp của mình tạo dựng – và vũ trụ không phải chỉ thuần là một màn kịch trong đó những nghiệp lực tự do tung hoành) trong vòng luân hồi, như vậy trong phân tích cuối cùng, chúng ta thấy tất cả ngã, nghiệp đều theo luật vô thường, nghĩa là không bất tử. Nếu hiểu bất tử như trong chủ trương sự bất tử của linh hồn Kitô, theo đó linh hồn được xem như một thực thể tách biệt với thân xác, sau khi thân xác bị hủy hoại, thực thể đó vẫn sống sót, vẫn như một đồng nhất với những gì là nó trước khi thân xác tan rã, nghĩa là vẫn tồn tại bất chấp thời gian, tuy khởi đầu cùng, nhưng không chấm dứt với thân xác của nó.
Russell nói vắn tắt, ngắn gọn, tôi phải diễn dịch khá dài, nhưng tôi nghĩ đó là theo hướng ý ông như tôi hiều, những “mệnh đề hỗ trợ” ông không nói, vì giả định những người đọc ông đã biết..
[5] Xem Russell, Triết học của Leibniz, Chương XV.
Xem thêm Russell, Is there a God?Có Gót hay không?, và What is the soul?- Linh hồn là gì?; tôi dịch và đã phổ biến trên blog chuyendaudau này.
[6] Psychical – tâm linh - không phải tâm lý.
[7] Chúng ta muốn chứng minh “có A”, nghĩa là chúng ta phải giả định sự “có”; và dựa trên một số những trường hợp xác xuất với tiền-giả-định là “có A”; thế nên, chúng ta nên chọn trường hợp nào và giải thích nào ít dựa trên tiền giả định là “có ” nhất, như thế chứng minh “có A” của chúng ta mới mạnh, vì nó thành công trong trường trường hợp yếu nhất của sự “có” để dẫn đến “có A”.
[8] Nhấn mạnh của tôi (LDB) – “Mind and matter alike are for certain purposes convenient terms, but are not ultimate realities”.
[9] Tuyên bố rằng một số hình thức của ý thức vẫn tồn tại sau khi cơ thể chúng ta chết và phân rã thành những nguyên tử cấu thành của chúng, phải đối mặt với một trong trở ngại rất lớn không thể vượt qua, đó là toàn bộ những định luật vật lý cơ bản của đời sống hàng ngày như ngày nay đã được hiểu biết, và có không có cách nào trong những định luật đó cho phép thông tin đã lưu trữ trong não bộ chúng ta tồn tại sau khi chúng ta chết. Nếu một ai cho rằng một số hình thức của linh hồn vẫn tồn tại sau khi chết, vậy linh hồn làm bằng những hạt gì? Những lực nào giữ chúng lại với nhau? Làm thế nào nó tác động qua lại với vật chất thông thường?
Tất cả những gì chúng ta biết về lý thuyết trường lượng tử (QFT - quantum field theory) nói rằng không có bất kỳ câu trả lời hợp lý nào cho những câu hỏi này. Trong số những người tuyên bố có sự sống sau khi chết, không ai thậm chí cố gắng ngồi xuống và làm công việc khó khăn là dùng vật lý cơ bản của những atoms và electron để giải thích chúng sẽ phải bị thay đổi thế nào để cho điều tin tưởng này là đúng. Nếu chúng ta cố gắng như thế, sự phi lý cơ bản của công việc này sẽ nhanh chóng thành hiển nhiên.
Thậm chí nếu một ai không tin rằng con người là “chỉ đơn giản là” bộ sưu tập của những atoms phát triển và tác động qua lại theo quy luật đã được nêu trong Mô hình Chuẩn (Standard Model) của vật lý hạt nhân, hầu hết mọi người sẽ phải, dù miễn cưỡng, thừa nhận rằng những nguyên tử là phần của chúng ta – như Russell nói trên. Nếu nó thực sự không là gì ngoài những atoms và những lực đã được biết đến, rõ ràng là không có cách nào linh hồn tồn tại sau cái chết. Tin vào sự sống của linh hồn sau khi thân thể chết, nói cho nhẹ nhàng, đòi hỏi vật lý phải vượt ngoài Standard Model. Quan trọng nhất, chúng ta cần một số cách thức nào đó để “vật lý mới” đó, dù có thiết lập được, làm sao nó tác động qua lại với những atoms mà chúng ta có.
Một cách thô thiển, khi hầu hết mọi người nghĩ về một linh hồn phi vật chất vẫn tồn tại sau khi chết, họ có trong tâm trí một số loại chất lỏng (hay khí) nào đó không định hình của “năng lượng tinh thần”, giả định là chiếm đóng ở một khu vực nào đó gần não bộ chúng ta, và chạy quanh, tác động khắp cơ thể của chúng ta. Những câu hỏi là: năng lượng tinh thần đó mang thể dạng gì? và làm thế nào nó tác động qua lại với những nguyên tử bình thường của chúng ta? Không chỉ là cần thiết phải đòi hỏi có một vật lý học mới, nhưng một vật lý học hoàn toàn hết sức khác biệt mới. Trong QFT, không có thể có được một collection mới nào của “các hạt tinh thần” và “lực tinh thần” giả định tác động qua lại với những nguyên tử thường của chúng ta, bởi vì nếu có, chúng ta đã phát hiện ra chúng trong những thí nghiệm hiện có rổi. Thêm nữa, Nguyên lý Ockham - nguyên lý tằn tiện của tư tưởng (Ockham’s Razor) - sẽ chống lại sự thêm thắt làm phức tạp này, bởi vì những người chủ trương đó phải thừa nhận một lĩnh vực hoàn toàn mới của thực tại, tuân theo những quy luật rất khác biệt so với những gì mà chúng ta đã biết.
Nhưng hãy cùng nói rằng chúng ta có thể làm được điều đó. Nhưng làm thế nào “năng lượng tinh thần” có thể tác động qua lại với chúng ta? Phương trình mang tên phương trình Dirac cho chúng ta biết những electrons hoạt động trong thế giới hàng ngày như thế nào: Đừng bận tâm về những chi tiết, sự kiên là có phương trình như thế hiện hữu là đủ cho chúng ta ở đây, và nó có thể trình bày với dạng hai vế đơn giản, trong đó - có hai số hạng ở bên trái gần bằng vận tốc của những electron và quán tính của nó - cùng với hai số hạng ở bên phải là lực điện từ và trọng lực.
Theo như tất cả những thí nghiệm đã từng thực hiện, phương trình này là mô tả chính xác của những electrons hoạt động ở mức năng lượng hàng ngày. Dù không mô tả đầy đủ, chúng ta đã không bao gồm lực hạt nhân yếu (weak nuclear force), hoặc nối với những hạt giả thuyết như những boson Higgs. Nhưng không sao, bởi vì những những thứ đó chỉ quan trọng ở mức năng lượng cao và / hoặc khoảng cách ngắn, khác rất xa với trường hợp liên quan đến não bộ con người.
Nếu bạn tin vào một linh hồn phi vật thể tác động qua lại với những cơ quan của chúng ta, bạn cần phải tin rằng phương trình này là không đúng, ngay cả ở mức năng lượng hàng ngày.
Không ai đã bao giờ lớn tiếng hỏi những câu hỏi này, có thể vì khi nói lên nghe ngớ ngẩn làm sao. Một khi một ai bắt đầu hỏi những câu hỏi này, sự lựa chọn người ấy phải đối mặt với trở nên rõ ràng: hoặc là lật đổ tất cả những gì chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã học được về vật lý hiện đại, hoặc là chấm dứt, thôi không tin vào những món cháo hầm bà lằng gồm những giải thích tôn giáo / không bằng chứng, không đáng tin cậy / là những mơ tưởng làm cho người ta tin là có khả năng có sự sống sau khi chết, của một gì đó gọi là linh hồn.
Một lập luận tương tự loại như thế, cũng có thể đến từ sinh học tiến hóa. Giả định là khởi thủy, những acid amino và protein không có linh hồn tồn tại sau khi chết. Thế còn những virus hoặc bacteria thì sao? Trên chuỗi tiến hóa từ những tổ tiên đơn bào (monocellular) của chúng ta đến ngày hôm nay, chỗ nào, ở đâu, ra sao - trong tiến trình đó đã xảy ra khi những sinh vật thôi không được mô tả chỉ vẫn là vật chất hoàn toàn như những nguyên tử, khi chúng bắt đầu giả định là có tác động qua lại, thông qua những lực như trọng lực và lực hút của từ trường, và bắt đầu phát triển một linh hồn bất tử phi vật chất? (theo Sean Carroll, California Institute of Technology)

[10] Russell pha giọng khôi hài, vì nếu tin rằng sau khi thân xác đã chết, lý thuyết linh hồn tồn tại chủ trương rằng linh hồn sẽ ngụ trong không gian khắp nơi, nghĩa là nó phải dãn nở, phình “béo” hơn trước.
[11] Vitalism: thuyết Hoạt lực – ngược lại với thuyết Cơ giới (mechanism) – là lý thuyết siêu hình chủ trương trong những tổ chức động vật hay thực vật chúng ta coi là có sự sống, chúng có một thứ nội lực có tính chất phi-vật lý, nội lực này đem cho những tổ chức, cơ cấu này điều chúng ta gọi là thuộc tính của sự sống.
Những người theo thuyết này, tin rằng những luật của vật lý và hóa học mà thôi, không đủ để giải thích những tiến trình và chức năng của sự sống. Thế nên, họ đối nghịch với những người theo thuyết Duy vật cơ giới (mechanistic materialism) – thuyết này chủ trương sự sống phát sinh từ sự kết hợp phức tạp của vật chất hữu cơ.
Nội lực này hay năng lượng nội tại này – được gọi bằng nhiều tên – “khí” (chi hay qi) –Tàu; “prana” - India; “élan vital” – Bergson. Nhiều loại trị liệu truyền thống ngoài-y-khoa, gọi là y học năng lượng, đã dựa trên một niềm tin rằng sức khỏe con người được xác định bởi dòng chảy của thứ năng lượng được giả định là có và thường được viện dẫn này (thí dụ khoa châm cứu).
[12] Cosmic philosophy – triết học nghiên cứu nguồn gốc và bản chất của vũ trụ.
[13] Benevolence: Hay dịch theo chữ Tàu là nhân ái, hay nhân từ, cũng mang nội dung là “thương người” – chúng ta vẫn nói trong câu ca dao “thương người như thể thương thân”.
[14] The Ancient Mariner: bài thơ dài - The Rime of the Ancient Mariner - (1798) của Samuel Taylor Coleridge. Trong đó một người thủy thủ già kể với khách giữa một tiệc cưới câu chuyện ly kỳ của ông – một lần trên biển, ông đã bắn một con chim hải âu (albatross, loài chim ưng trên biển được những thủy thủ xem là điềm may mắn). Những thủy thủ đồng hành trên tàu, tức giận đã buộc xác con chim chết quanh cổ ông. Nhưng sau đó tất cả những thủy thủ đều chết vì khát. Riêng người thủy thủ già này sống xót và ông thống hối, ông tin mình phải kể câu chuyện này với mọi người để răn họ nên đối xử tử tế với tất cả sinh vật.

[15] “Ngươi phải yêu kẻ hàng xóm ngươi như chính mình”– đó là một dối trá, một phi lý, mâu thuẫn hay ít nhất một không tưởng, hay đúng hơn gồm cả ba – xem thêm Freud, Văn Minh và những Bất mãn từ nó, bản dịch LDB.
[16] Đây là khái niệm hết sức nhân bản về đạo đức – vượt trên thiện ác - với hiểu biết của tôi về Russell và đạo Phật, hai bên rất gần nhau.