Thế nào là một người theo thuyết Không-thể-biết?
What is an agnostic?
Bertrand Russell
What is an agnostic?
Bertrand Russell
Giới thiệu
1.
Russell và thuyết Không-thể-biết
Tôn
giáo không phải là chủ đề nội dung chính yếu trong triết học Bertrand
Russell, nhưng ngoài giới triết
học, ông được biết đến nhiều nhất như một người nghiêm khắc phê bình tôn giáo,
cụ thể là hội nhà thờ Kitô. Trên cương vị của một trí thức lỗi lạc của thế kỷ
vừa qua, lên tiếng về những vấn đề của thời đại trong viễn cảnh nhân sinh và xã
hội. Trong một bài diễn văn nổi tiếng năm 1927, Why I
Am Not a Christian, khi trực tiếp phê phán đạo Kitô, Russell kín đáo cho thấy lập trường
của ông là của một người theo thuyết Không-thể-biết, trong bài
nói chuyện lịch sử này, ông đã:
-
Phần thứ nhất, trước “câu hỏi về sự hiện hữu của Gót” – ông “giải quyết
nó một cách tóm tắt”. Cho biết lý do ra đời của những luận chứng nói “có” vốn
nhà thờ Catô đưa ra, chỉ là phản ứng trước những luận chứng nói “không” của
những nhà tư tưởng tự do đã chứng minh có thể phủ nhận hiện hữu của Gót bằng lý
trí. Dĩ nhiên mọi người hiểu Gót “đã có” hiện hữu đấy chẳng qua chỉ từ lòng tin
của con người. Thế nên, “câu hỏi lớn và nghiêm trọng” đó không nằm trong lĩnh vực
“biết” khách quan, nhưng trong lĩnh vực “tin” chủ quan. Những đối tượng của lòng tin không đến
từ nhận thức trên thực tại. chúng là những gì không-thể-biết. Tuy vậy, ông vẫn duyệt qua những luận chứng
tin-có-gót; cho thấy chúng hoặc phi lý, hoặc ngụy biện, không đứng vững.
-
Phần thứ hai, nêu lên những khiếm khuyết trong tư những đạo đức của
Jesus và đặc biệt lên án hội nhà thờ Kitô; dẫn chứng từ lịch sử lâu dài của nó,
cho thấy một lịch sử phản lý trí, phản tiến bộ khoa học, và phản đạo đức, phản
những gì góp phần tạo hạnh phúc con người.
Russell
tự xác định mình là một người theo triết thuyết không-thể-biết (“a
philosophical agnostic”), nhưng trong thực tế, ông là một người thực hành
thuyết không-tin-có-gót – chúng ta quen gọi là vô thần (“a practical
atheist”). Điều ông viết thường được những nhà không-tin-có-gót mới (tân vô thần) hiện nay ở Anh Mỹ nhắc
lại, hay khai triển – là thái độ của ông với Gót đạo Kitô cũng giống hệt như
thái độ của ông với những vị Gót Hylạp; tuy có nhận thức vững chắn là những
nhân vật này không hiện hữu, nhưng không thể chứng minh điều này vì thiếu chứng
cớ, ngay cả nếu dùng lôgích để chứng minh, cũng không có những luận chứng vững
chắc, không thuyết phục người khác được.
Quan điểm của ông, được chính
ông trình bày trong bài viết này – What is
an agnostic?[1]
2.
Thuyết Không-thể-biết
Thuyết Không-thể-biết (“bất
khả tri” – “agnosticism”) là triết lý chủ trương về sự kiện – biết được liệu Gót có hay không – tự nó
là một điều không thể biết. Đây là quan điểm của rất nhiều nhà khoa học, và
những triết gia phương Tây trong văn hóa Kitô, ngày càng đông kể từ thế kỷ 18
cho đến nay. Bên cạnh những người theo chủ nghĩa không-tin-có-gót (“vô
thần” – “atheism”), xác quyết rằng Gót (khái niệm “gót” hiểu trong những tôn
giáo độc thần Abraham, chủ yếu là đạo Kitô) không hiện hữu, những người theo
thuyết không-thể-biết chủ trương rằng – dựa trên phán đoán lý trí và chứng cứ
khoa học có đến nay, không đủ khả năng cho người ta đi đến một kết luận về sự
hiện hữu của Gót, nên dừng lại không đi đến một kết luận quyết định về cả hai
hướng trả lời: có và không.
Như
thế, thuyết Không-thể-biết chủ trương rằng bất kỳ thực tại tối
hậu nào (như Gót) thì không biết được và có lẽ không thể biết được, nên một
người theo thuyết không thể biết không buộc mình vào tin tưởng nào về cả hai: hiện
hữu hay không hiện hữu của gót Kitô, hay một gót nào khác tương tự như thế.
Biết
gì? – Người theo thuyết Không-thể-biết – biết là không-thể-biết
(nhưng khác với, và không là hoài nghi) về sự hiện hữu của
Gót (và đời sau, thiên đường hay hoả ngục). Họ không hẳn là, nhưng khá gần
gũi với chủ nghĩa hoài nghi (“scepticism”) – Chủ nghĩa hoài nghi và những theo
chủ nghĩa này – chủ yếu là quan điểm trong lĩnh vực tri thức học (Epistemology)
thì có lĩnh vực lớn rộng hơn, bao gồm tất cả tri thức của con người. Chủ nghĩa
hoài nghi trong triết học , có đối tượng là tri thức của con người, có thể tạm
định nghĩa như một lý thuyết cho rằng “một kiến thức đúng thực về sự-vật-việc
thì không thể nào có được, hay vắn tắt hơn: tất cả kiến thức thì không chắc chắn (a true knowledge of things is
impossible or that all knowledge is uncertain) [2].
Nhưng ở đây, đối tượng của thuyết không-thể-biết chỉ thu hẹp trong lĩnh vực của
ngành học đặc biệt trong đạo Kitô gọi là thần học (bản chất gót và tin tưởng
vào nó) có thể xem là một lập trường để trả lời thần học Kitô, một thái độ hoài
nghi đặc biệt đã hình thành chỉ với tôn giáo này.
Tại sao? – Lập luận của người theo
thuyết Không-thể-biết là không có đủ lý lẽ và chứng cớ cụ thể suy luận, để biết
hay không biết về những khái niệm, đối tượng trong tôn giáo, cụ thể là các tôn
giáo Abraham (Juda, Kitô, Islam), trước khi vội vàng đi đến tin, hay không-tin. Nói theo
tiếng Việt nôm na na – chúng ta không thể biết, và không thể biết là điều biết
chắc chắn duy nhất, về những đối tượng X, Y Z, nên khoan đã, đừng vội nói về
tin hay không tin vào chúng! Một tính chất đặc biệt chỉ có trong tôn giáo – là
lòng tin, đạo Kitô đề cao là “đức” tin, và thuyết không thể biết trực tiếp nhắm
vào đây, không biết và sẽ không bao giờ biết, nên từ chối chuyện tin tưởng –
khi chúng ta đã biết là không thể biết về X, sau đó, một ai nói có X, một ai
khác nói không có X; cả hai đều không đáng nghe theo
Dựa vào đâu? Vào chính lý trí con người
và cơ sở thực nghiệm khoa học.
Như
thấy ở trên, họ có thái độ triết trung – giữa hai quả quyết: một bên là của
những người Tin-có-gót (“hữu thần” – “theist”) – những người này
xác định là Có – có sự hiện hữu của Gót, và những hệ luận của giả
định này (linh hồn bất tử, đời sau). Bên kia là của những người đối lập, những
người quả quyết không có gót, họ không-tin-có-gót – những người này
cũng xác định, nhưng lùi lại một bước nữa về căn bản, để xác định về khả
năng có thể hiểu biết, trước khi nói đến tin hay không tin: người theo thuyết không thể biết nói
rằng họ tự nhận mình không có khả năng hiểu biết về những đối tượng đó, khả
năng hiểu biết ở đây nhìn theo chiều hướng lý trí và thực nghiệm với phương
pháp của nó như trong khoa học. (phủ nhận sự hiện hữu của Gót, và những hệ luận
của giả định này: không có linh hồn tồn tại sau cái chết, không có đời sau, dù
ở thiên đàng hay địa ngục).
Tuy
Bertrand Russell là một trong những người theo thuyết Không thể biết nổi
tiếng trong thế kỷ XX, nhưng Thomas Henry Huxley mới là nhà khoa học người
Anh đã đầu tiên ghép tạo nên từ mới này [3],
từ cuối thế kỷ XIX, chính ông định nghĩa từ này như sau:
“Thuyết
không thể biết, trên thực tế, không phải là một tín ngưỡng, nhưng là một
phương pháp, yếu tính của nó nằm trong việc áp dụng nghiêm ngặt chỉ một nguyên
tắc duy nhất . . . Một cách chủ động, nguyên tắc có thể được phát biểu: Trong
những vấn đề về tri thức, đi theo lý trí của bạn xa đến cùng như nó sẽ dẫn bạn
tới, mà không màng đến bất kỳ cân nhắc nào khác. Và một cách thụ động: Trong
những vấn đề về tri thức, đừng giả vờ làm ra vẻ rằng những kết luận thì chắc
chắn khi chúng vốn không chứng minh được, hay không thể chứng minh được. [4]
Người dịch
Lê Dọn Bàn
Bertrand Russell
Một người theo thuyết Không-thể-biết là gì?
Một
người theo thuyết Không-thể-biết [5]
nghĩ không thể nào biết được sự thật trong những vấn đề như Gót và đời sau, vốn
chúng là những quan tâm của đạo Kitô và những tôn giáo khác. Hoặc, nếu không thể
được, ít nhất là không thể được trong thời hiện tại.
Có phải những người theo thuyết Không-thể-biết là những người vô thần
không?
Không
phải, Một người vô thần, giống như một người Kitô, chủ trương
rằng chúng ta có thể biết
liệu có một Gót hay không. Người Kitô chủ trương rằng chúng ta có thể
biết là có một Gót; người vô thần chủ trương chúng ta có thể biết là không
có. Người theo thuyết Không-thể-biết đình chỉ phán quyết, khi nói rằng không có
những nền tảng đầy đủ cho cả hai, để xác nhận hay để phủ nhận. Đồng thời, một người theo thuyết
Không-thể-biết có thể chủ trương rằng sự hiện hữu của Gót, dù không là không
thể có, thì rất là khó có khả năng xảy ra; người ấy ngay cả có thể chủ trương, nó
rất khó có khả năng xảy ra như thế, nên trong thực tế không bõ công xem xét
đến. Trong trường hợp đó, ông thì không xa cách lắm với chủ thuyết vô thần, thuyết không-tin-có-gót. Thái độ của ông
có thể là như của một triết gia cẩn trọng vốn sẽ có đối với những gót của thời
cổ Hylạp. Nếu yêu cầu tôi chứng minh rằng Zeus, và Poseidon,
và Hera, và tất cả những thần Olympus không hiện hữu, Tôi sẽ phải đành chịu
thua, không tìm được những luận cứ kết luận cho thuyết phục. Một người theo thuyết
Không-thể-biết có thể nghĩ Gót của đạo Kitô cũng rất khó có khả năng hiện
hữu như những gót của núi Olympus; trong trường hợp đó, về những mục đích
thực tiễn, ông là một với những người vô thần.
Vì ông phủ nhận “Luật của Gót”, vậy ông chấp nhận uy quyền nào như
một hướng dẫn cho ứng xử?
Một
người theo thuyết Không-thể-biết không chấp nhận bất kỳ “uy quyền” nào trong ý
hướng như của những người có tôn giáo. Ông chủ trương rằng một người nên nghĩ
ra những câu hỏi về ứng xử cho chính mình. Dĩ nhiên, ông ta sẽ tìm để
hưởng lợi bằng sự khôn ngoan của những người khác, nhưng ông sẽ phải chọn lựa cho
bản thân ông – những ai là người ông xem là khôn ngoan, và ngay cả ông sẽ không
xem những gì họ nói như không thể cãi lại nữa. Ông sẽ quan sát thấy rằng
những gì đã lưu truyền như “luật của Gót” thay đổi theo từng thời. Kinh
Thánh nói cả hai đằng – rằng một người phụ nữ phải không được kết hôn với anh,
hay em của người chồng đã chết, và cũng nói rằng, trong một số trường hợp,
người phụ nữ ấy phải làm thế. Nếu bạn không may là một góa phụ không con, và có
một người anh, hay em rể chưa lập gia đình, về logich thật không thể nào
bạn tránh không tuân theo “luật của Gót”. [6]
Làm thế nào ông biết điều gì là tốt lành và điều gì là xấu ác?
Một người theo thuyết Không-thể-biết xem điều gì là một tội lỗi?
Người
theo thuyết Không-thể-biết thì không hoàn toàn quá chắc chắn thế như một số người Kitô đã là, về
phần điều gì là tốt lành và điều gì là xấu ác. Ông không chủ
trương, như hầu hết những người Kitô trong quá khứ đã chủ trương, rằng trong
dân chúng ai là người không đồng ý với chính quyền về những điểm mù mờ khó hiểu
của thần học phải khổ sở chịu một cái chết đau đớn [7].
Ông chống lại sự khủng bố, và thay vào đó giữ thận trọng hơn khi kết án về
đạo đức.
Còn
về “tội lỗi” [8], ông
nghĩ nó không phải là một khái niệm hữu ích. Ông thừa nhận, dĩ
nhiên, rằng có một vài loại của cư xử là đáng mong muốn, và vài loại không
đáng mong muốn, nhưng ông chủ trương rằng sự trừng phạt những loại không đáng
mong muốn, chỉ nên khen ngợi khi nó có tác dụng ngăn ngừa hay cải
tạo, không phải khi đem giáng nó xuống vì đã nghĩ rằng tự nó là một điều
tốt rằng kẻ xấu phải nên chịu đau đớn. Đã là do tin tưởng này trên sự trừng
phạt trả thù, khiến người ta chấp nhận Ngục Lửa Kitô [9]. Đây
là phần tai hại khái niệm “tội lỗi” đã làm nên.
Có phải một người theo thuyết Không-thể-biết làm bất cứ điều gì tùy
thích?
Theo
một ý hướng nào đó, không; trong một ý hướng khác nào đó, tất cả mọi người làm
những gì mình thích. Giả sử, lấy thí dụ, bạn ghét ai đó quá lắm đến muốn giết
anh ta. Tại sao bạn không làm như vậy đi? Bạn có thể trả lời: “Bởi vì tôn giáo
bảo tôi rằng giết người là một tội lỗi”. Nhưng như một sự thật từ thống kê,
những người theo thuyết Không-thể-biết không thiên về giết người nhiều hơn
những người khác, thực sự lại có phần ít hơn. Họ có cùng những động cơ tránh
không giết người giống như mọi người khác có. Giới hạn mạnh nhất của những động
cơ này là sự sợ hãi bị trừng phạt.Trong những hoàn cảnh phi pháp luật, như
trong một cơn sốt săn vàng chẳng hạn, Đủ mọi hạng người sẽ nhúng tay vào những
tội ác, mặc dù trong hoàn cảnh bình thường, họ đã là những kẻ tuân thủ pháp
luật. Không phải chỉ vì có sự trừng phạt pháp luật thực sự, còn có sự bất yên
phập phồng sợ bị khám phá, và sự cô đơn vì biết rằng, để tránh bị ghét bỏ, anh
phải mang một mặt nạ dẫu với ngay cả người tri kỷ thân thiết nhất. Và cũng còn
có cái có thể được gọi là “lương tâm”: Nếu bạn từng dự tính một vụ giết người,
bạn sẽ khiếp sợ cái ký ức khủng khiếp về những giây phút cuối cùng của nạn nhân
bạn, hoặc cái tử thi mất sạch sinh khí. Tất cả những điều này, đúng là chúng
tùy thuộc vào nếu bạn sống trong một cộng đồng tuân thủ pháp luật, nhưng có tràn
đầy những lý do thế tục để tạo và giữ một cộng đồng như thế.
Tôi
đã nói rằng, có một ý hướng khác nữa, theo đó tất cả mọi người làm theo sở
thích của mình. Không ai, trừ ra kẻ điên, lại chiều theo tất cả những bốc đồng,
nhưng cái kìm giữ một thèm muốn thường luôn luôn là một thèm muốn khác. Ước
muốn phản-xã-hội của một người có thể bị một ý muốn làm vừa lòng Gót giữ lại,
nhưng nó cũng có thể bị kìm hãm lại vì một ước muốn làm vừa lòng những bạn bè
của anh ta, hay muốn dành thắng được sự kính trọng của cộng đồng anh ta, hay có
thể tự ngẫm về chính anh ta mà không kinh tởm. Nhưng nếu anh ta không có những
ước vọng như vậy, chỉ những ý niệm trừu tượng đạo đức không thôi, sẽ không giữ
cho anh ta ngay thẳng.
Một người theo thuyết Không-thể-biết nhìn kinh Thánh thế nào?
Một
người theo thuyết Không-thể-biết nhìn kinh Thánh y hệt như những tu sĩ đã tỉnh
ngộ nhìn nó. Ông không nghĩ rằng nó có từ cảm hứng thần linh; ông nghĩ lịch sử
ban đầu của nó là huyền hoặc, và chẳng đúng thực gì hơn so với những gì trong
Homer [10];
ông nghĩ rằng giảng dạy đạo đức của nó đôi khi tốt, nhưng đôi khi rất xấu. Ví
dụ: Samuel ra lệnh cho Saul [11],
trong một cuộc chiến, chẳng những phải giết sạch đàn ông, đàn bà, và trẻ con
phía kẻ thù, mà cũng gồm rất cả những gia súc, cừu và trâu bò. Saul, tuy nhiên,
để cho cừu và gia súc sống, và vì điều này chúng ta được bảo phải lên án ông.
Tôi chưa bao giờ có thể ngưỡng phục Elisha vì nguyền rủa trẻ con đã cười
ông ta, hoặc tin (những gì kinh Thánh quả quyết) rằng một Gót phước thiện lại
gửi hai con gấu-cái xuống để giết trẻ em. [12]
Một người theo thuyết Không-thể-biết đối với chuyện Jesus, sinh nở đồng
trinh, và Gót-ba-ngôi ra sao?
Vì
một người theo thuyết Không-thể-biết không tin có Gót, ông không thể nghĩ rằng
Jesus đã là Gót. Phần lớn những người theo thuyết Không-thể-biết ngưỡng phục
đời sống và lời dạy đạo đức của Jesus như kể trong những sách Phúc âm, nhưng
không nhất thiết phải ngưỡng phục nhiều hơn so với một số những vị khác. Một số
sẽ đặt ông ở cùng một mức với đức Phật, một số với Socrates, và một số với
Abraham Lincoln. Họ cũng không nghĩ rằng những gì ông nói là không mở ra để suy
xét tra hỏi, vì họ không nhận bất kỳ thẩm quyền nào là tuyệt đối.
Họ
xem chuyện Sinh đẻ Đồng trinh như là một giáo thuyết đã từ thần thoại ngoại
giáo lấy sang, trong ấy, những chuyện sinh nở như thế không phải là không phổ
thông (Zoroaster đã được kể đã sinh ra từ một trinh nữ; Ishtar, gót nữ của thành
Babylon, được gọi là Thánh nữ đồng trinh) Họ không thể tin vào chuyện đó, hoặc
vào giáo thuyết về Gót-ba-ngôi-, vì không điều nào có thể nên chuyện nếu không
có tin tưởng vào Gót.
Một người theo thuyết Không-thể-biết có thể là một người Kitô không?
Từ
“người Kitô” đã có nhiều ý nghĩa khác nhau vào những thời kỳ khác nhau. Trong
hầu hết suốt những thế kỷ kể từ thời của Christ, nó đã có nghĩa là một người
tin vào Gót, và sự bất tử, và đã cho rằng Christ là Gót. Nhưng những tín đồ
Unitarians tự gọi mình là người Kitô [13],
mặc dù họ không tin vào sự thần linh của Christ, và nhiều người hiện nay dùng
từ “Gót” trong một nghĩa kém nghiêm nhặt hơn rất nhiều so với nghĩa trước đây
nó đã thường mang. Nhiều người nói rằng họ tin vào Gót không còn có nghĩa là
một người nữa, hoặc một bộ ba người, nhưng chỉ là một khuynh hướng không rõ
rệt, hoặc quyền năng, hoặc mục đích nội tại trong sự tiến hoá. Có những người
khác, đi còn xa hơn nữa, “đạo Kitô” có nghĩa không gì khác hơn, chỉ là một hệ
thống đạo đức, nhưng vì dốt về lịch sử, họ cứ tưởng tượng là tính chất của chỉ
mình đạo Kitô có.
Trong
một quyển sách mới đây, khi tôi đã nói rằng những gì thế giới cần là “thương
yêu, thương yêu như trong đạo Kitô, hoặc lòng thương cảm trắc ẩn” [14],
nhiều người đã nghĩ rằng điều này cho thấy một vài thay đổi trong những quan điểm
của tôi, mặc dù trong thực tế, tôi có thể đã từng nói điều giống thế ấy ở bất
cứ lúc nào. Nếu bạn hiểu nghĩa một “người Kitô” là một người yêu thương hàng
xóm láng giềng của ông ta, có thương cảm rộng rãi với sự đau khổ, và có nhiệt
tâm ước muốn một thế giới thoát khỏi những sự tàn ác, và sự kinh tởm mà hiện
nay làm nó biến dạng, nếu thế, chắc chắn, bạn có lý chính đáng khi gọi tôi là
một người Kitô. Và, trong nghĩa này, tôi nghĩ bạn sẽ tìm thấy nhiều “người
Kitô” giữa những người theo thuyết Không-thể-biết, hơn là giữa những người Kitô
chính thống. Thế nhưng, về phần tôi, tôi không thể chấp nhận một định nghĩa như
thế. Ngoài những phản đối chưa kể khác, định nghĩa này xem ra thô lỗ với những
người theo đạo DoThái, đạo Phật, đạo Islam, và những người không-Kitô khác,
những người này, lịch sử đến nay cho thấy, họ vẫn có khuynh hướng có khả năng,
ít nhất cũng ngang bằng với những người Kitô, để thực hành những phẩm hạnh đạo
đức mà một số người Kitô hiện đại tuyên bố ngạo mạn là đặc biệt thuộc riêng tôn
giáo của họ.
Tôi
cũng nghĩ rằng, tất cả những người tự gọi mình là người Kitô trong thời trước,
và đa số lớn những người trong thời nay, sẽ nhìn nhận rằng niềm tin vào Gót, và
vào sự bất tử là điều thiết yếu cho một người Kitô. Trên những nền tảng này,
tôi không nên gọi chính mình là một người Kitô, và tôi nên nói rằng một người
theo thuyết Không-thể-biết không thể là một Kitô. Nhưng, nếu từ “đạo Kitô” rồi
ra được dùng thông thường có nghĩa chỉ đơn thuần là một loại luân lý, vậy rồi
khi ấy sẽ chắc chắn có thể một người theo thuyết Không-thể-biết là một người
Kitô.
Có phải người theo thuyết Không-thể-biết phủ nhận con người có một linh
hồn?
Câu
hỏi này không có nghĩa chính xác, trừ khi chúng ta có được một định nghĩa của
từ “linh hồn”. Tôi giả định cái nghĩa của nó là, đại khái, một cái gì đó phi
vật chất, đứng vững dai dẳng trong suốt cuộc đời một người, và thậm chí, đối
với những người tin vào sự bất tử, trong suốt tất cả thời gian tương lai. Nếu
đây là những gì nó có nghĩa, một người theo thuyết Không-thể-biết thì chắc là
không tin rằng con người có một linh hồn. Nhưng tôi phải vội nói thêm rằng điều
này không có nghĩa là một người theo thuyết Không-thể-biết phải là một người theo
thuyết duy vật [15]. Nhiều
người theo thuyết Không-thể-biết (gồm cả chính tôi) đều khá nghi ngờ về thể xác
cũng như họ nghi ngờ về linh hồn, nhưng đây là một câu chuyện dài đưa người ta
vào siêu hình học khó khăn. Tâm và vật (não thức và vật chất) đều giống như
nhau, tôi nên nói, chúng chỉ là những ký hiệu tiện dụng trong ngôn từ bàn luận,
không phải những gì thực sự hiện hữu. [16]
Một người theo thuyết Không-thể-biết có tin vào đời sau, thiên đường,
hay ngục lửa Kitô không?
Câu
hỏi không biết con người có sống lâu hơn, tồn tại sau cái chết không, là một
câu hỏi bằng chứng về nó có thể có được. Nghiên cứu ngoại cảm [17] và thuyết thông linh [18] được nhiều người đã nghĩ cung cấp bằng chứng
như thế. Một người theo thuyết Không-thể-biết, do đấy, không nhận một quan điểm
về tồn tại sau cái chết, trừ khi ông ta nghĩ rằng có bằng chứng cách này hay
cách khác. Phần tôi, tôi không tin là có bất kỳ lý do phải chăng nào để
tin rằng chúng ta sống lâu hơn cái chết, nhưng tôi để ngỏ, chờ đợi được thuyết
phục nếu như có xuất hiện bằng chứng thỏa đáng.
Thiên
đường và hỏa ngục là một nội dung khác biệt. Tin tưởng vào hỏa ngục đã bị ràng
buộc chặt với tin tưởng rằng sự trừng trị trả thù về “tội lỗi” là một điều đúng
đắn, hoàn toàn độc lập với bất kỳ tác dụng cải tạo hay ngăn ngừa mà nó có thể
có. Khó có một người theo thuyết Không-thể-biết tin vào điều này. Về thiên
đường, có thể hình dung một ngày nào đó có thể có bằng chứng về sự hiện hữu của
nó qua thuyết thông linh, nhưng phần đông những người theo thuyết
Không-thể-biết không nghĩ rằng có bằng chứng như thế, và do đó, không tin vào
thiên đường.
Ông không bao giờ sợ phán xét của Gót vì phủ nhận ông ta?
Hoàn
toàn chắc chắn là không. Tôi cũng phủ nhận Zeus, và Jupiter, và Odin, và Brahma [19] ,
nhưng điều này chẳng gây cho tôi những lo sợ nào cả. Tôi quan sát thấy một phần
rất lớn loài người không tin vào Gót, và không thấy đâu đau khổ từ hậu quả của
trừng phạt hiển nhiên nào. Và nếu ví thử như đã có một Gót, tôi nghĩ một điều
là - rất không chắc ông sẽ có một kiêu căng tự cao tự đại bực bội đến nhường
thế, để xem mình bị xúc phạm vì những ai ngờ vực sự hiện hữu của ông ta.
Một người theo thuyết Không-thể-biết giải thích cái đẹp và sự hài hòa
của thiên nhiên ra sao?
Tôi
không hiểu cái “đẹp” và sự “hài hòa” này giả định có thể tìm thấy được ở chỗ
nào. Từ đầu đến cuối khắp giới động vật, những con thú săn mồi lẫn nhau ác độc.
Hầu hết chúng hoặc bị giết tàn nhẫn bởi những con thú khác, hoặc từ từ chết vì
đói. Về phần tôi, tôi không thể nhìn thấy bất kỳ vẻ đẹp tuyệt vời hay sự hài
hoà nào trong con sán xơ mít. Hãy đừng có nói rằng sinh vật này đã được gửi đến
như một trừng phạt với tội lỗi chúng ta, vì nó thường thấy nhiều, phổ biến giữa
những loài động vật, hơn loài người. Tôi giả sử rằng người hỏi đang nghĩ về
những điều đẹp đẽ như những vòm trời đầy sao.
Nhưng
người ta nên nhớ rằng những ngôi sao đó, cứ thỉnh thoảng lại vỡ nổ, và biến tất
cả những gì xung quanh nó thành một đám mù tối tăm. Cái đẹp, trong dẫu bất kỳ
trường hợp nào, là chủ quan và chỉ hiện hữu trong mắt của kẻ nhìn mà thôi. [20]
Làm sao những người theo thuyết Không-thể-biết giải thích những phép lạ
và những vén-lên-cho-biết của Gót toàn năng?
Những
người theo thuyết Không-thể-biết không nghĩ rằng có bất kỳ bằng chứng nào về
những “phép lạ” theo ý hướng những xảy ra trái với luật tự nhiên. Chúng ta
biết rằng lòng tin chữa lành được bệnh có xảy ra, và không trong ý
nghĩa nào là phép lạ. Ở Lourdes, có một số những bệnh tật có thể được chữa
lành, và một số khác không thể được chữa lành. Những ai đã có thể được chữa
lành tại Lourdes hầu như chắc chắn có thể được chữa lành với bất kỳ một y sĩ
nào mà người bệnh có lòng tin. Đối với những ghi chép về những phép lạ khác,
như Joshua [21] ra
lệnh mặt trời đứng yên, người theo thuyết Không-thể-biết bác bỏ, xem chúng như
là những truyền thuyết, và trỏ ra thực sự là tất cả những tôn giáo đều được
cung cấp đầy rẫy những truyền thuyết loại giống như vậy. Có cũng nhiều ngần ấy
bằng chứng phép lạ cho những vị Gót Hylạp trong Homer, như cho Gót của đạo Ki
tô trong quyển kinh Thánh.
Đã có những đam mê cơ bản và tàn ác, mà tôn giáo chống đối. Nếu bạn
buông bỏ những nguyên tắc tôn giáo, loài người có thể tồn tại không?
Không
thể phủ nhận sự hiện hữu của những đam mê cơ bản và tàn ác, nhưng tôi thấy
không có bằng chứng trong lịch sử rằng tôn giáo đã chống lại những đam mê này.
Nhưng trái ngược, nó đã “thánh hóa” chúng, và đã làm cho người ta có khả năng
nuông chiều, được phép theo đuổi chúng với không chút ân hận. Những khủng bố
tàn ác đã vẫn từng thịnh hành trong những xứ theo đạo Kitô hơn ở bất cứ đâu
khác. Những gì xem ra xuất hiện để biện minh cho sự khủng bố là tin tưởng giáo
điều. Lòng tử tế và sự khoan dung chỉ phổ biến hơn tỷ lệ với suy thoái của giáo
điều. Trong thời đại chúng ta, một tôn giáo (mang tính) giáo điều mới, đó là,
chủ nghĩa cộng sản, đã trỗi dậy. Với nó, cũng như với những hệ thống giáo điều
khác, người theo chủ nghĩa Không-thể-biết chống lại. Tính chất khủng bố của chủ
nghĩa cộng sản thời hiện đại giống in hệt như tính chất khủng bố của đạo Kitô
trong những thế kỷ trước đây. Trong mức độ đạo Kitô đã trở nên bớt tính
khủng bố đi, điều này chủ yếu là do nơi hoạt động của những người không tín
ngưỡng [22], họ đã làm
cho những người giáo điều phần nào kém giáo điều đi. Nếu ví như đã có giáo điều
ở thời nay như trong những thời trước, những người giáo điều sẽ vẫn còn nghĩ là
đúng khi đem thiêu sống trên cọc trói những ai có tin tưởng tôn giáo “lệch
lạc” [23].
Tinh thần khoan dung mà một số những người Kitô cấp tiến xem như thiết yếu của
người Kitô, trên thực tế, là một sản phẩm của sự bình tĩnh cho phép sự ngờ vực
và nó hồ nghi những chắc chắn tuyệt đối. Tôi nghĩ rằng bất kỳ ai duyệt xét lịch
sử thời đã qua với một thái độ vô tư không thiên vị, sẽ được dẫn đến kết luận
cuối cùng rằng tôn giáo đã gây ra nhiều đau khổ hơn là nó đã ngăn ngừa.
Với người theo thuyết Không-thể-biết, ý nghĩa của cuộc đời là gì?
Tôi
cảm thấy nghiêng sang trả lời bằng một câu hỏi khác: Ý nghĩa của “ý nghĩa của
cuộc đời” là gì? Tôi giả định cái nó nhắm đến là một vài cứu cánh tổng quát.
Tôi không nghĩ rằng đời sống trong tổng quát có bất kỳ cứu cánh nào cả. Nó chỉ
đã xảy ra. Nhưng mỗi cá nhân con người có những cứu cánh, và không có gì trong
chủ nghĩa Không-thể-biết khiến những người theo thuyết Không-thể-biết từ bỏ
những cứu cánh này. Họ không thể, tất nhiên, lấy làm chắc chắn có thể đạt được
những mục đích mà họ nhắm tới; nhưng bạn sẽ nghĩ xấu về một người lính từ chối
không chiến đấu trừ khi chắc chắn có chiến thắng. Một cá nhân cần tôn giáo để
làm vững chắc cứu cánh riêng của mình là một con người thiếu tự tin, nhút nhát,
và tôi không thể nghĩ về người này cũng tốt như con người nhận những cơ hội thử
thách may rủi của mình, trong khi thừa nhận rằng không thể không thất bại.
Có phải sự phủ nhận tôn giáo đồng nghĩa với sự phủ nhận hôn nhân và
trinh tiết?
Ở
đây một lần nữa, người ta phải trả lời bằng một câu hỏi khác: Có phải những
người hỏi câu hỏi này tin rằng hôn nhân và trinh tiết góp phần vào hạnh phúc
trần thế ở đây và trên mặt đất này không, hay có phải người ấy nghĩ rằng, trong
khi chúng gây ra đau khổ ở đây và trên mặt đất, chúng thì được biện hộ như
những phương tiện của sự chết sẽ lên thiên đàng? Người chấp nhận quan điểm kể
sau, sẽ không nghi ngờ, trông đợi thuyết không thể biết dẫn đến một suy đồi của
những gì ông gọi là đức hạnh, nhưng ông sẽ phải thừa nhận rằng những gì ông gọi
là đức hạnh không phải là những gì chăm sóc đến hạnh phúc của loài người đương
khi ở trên mặt đất. Nếu, mặt khác, ông chấp nhận quan điểm kể trước, cụ thể là,
có những luận cứ trần thế nghiêng về hôn nhân và trinh tiết, ông cũng phải giữ
lấy rằng những luận chứng này, giống như vậy, nên kêu gọi, có sức lôi cuốn với
một người theo thuyết Không-thể-biết. Những người theo thuyết Không-thể-biết,
vì như thế, không có những quan điểm đặc biệt về đạo đức tình dục. Nhưng hầu
hết trong số họ sẽ thừa nhận rằng có những luận chứng hợp lệ chống lại những
đam mê phóng túng buông thả, như ngựa không cương, của những ham muốn dục tình.
Họ sẽ rút lấy được những luận chứng này, tuy nhiên, từ những nguồn gốc trần
gian và không phải từ những lệnh truyền đã được giả định là từ thần linh.
Không phải lòng tin vào một mình lý trí là một tín ngưỡng nguy hiểm hay
sao?
Không phải lý trí thì không hoàn hảo và không thích đáng hay sao, nếu
thiếu tinh thần và luật lệ đạo đức?
Không
một người có óc xét đoán nào, dẫu không-thể-biết đến đâu, lại có “niềm tin chỉ
vào lý trí mà thôi”. Lý trí bận tâm với những nội dung của thực tại, một số
quan sát được, một số suy diễn được. Câu hỏi – liệu có một đời sống tương lai
không, và câu hỏi – liệu có một Gót hay không – liên quan đến những nội dung
của thực tại, và người theo thuyết Không-thể-biết sẽ chủ trương rằng chúng nên
được điều tra với cùng một cách như với câu hỏi: “liệu ngày mai sẽ có nguyệt
thực hay không”. Nhưng chỉ những gì liên quan đến thực tại mà thôi, không đủ để
định đoạt hành động, vì nó không bảo cho chúng ta biết đâu là những cứu cánh
chúng ta nên theo đuổi. Trong địa hạt của những cứu cánh, chúng ta cần
một-gì-đó khác hơn lý trí. Người theo thuyết Không-thể-biết sẽ tìm thấy những
cứu cánh của mình từ trong chính lòng mình, và không trong một mệnh lệnh từ bên
ngoài. Chúng ta hãy lấy một minh họa: Giả sử bạn muốn đi du lịch bằng xe hỏa từ
NewYork đến Chicago, bạn sẽ dùng lý trí để tìm biết lúc nào xe hỏa chạy, và giả
sử nếu có một người nghĩ rằng có một vài khả năng nội tâm hay trực giác khiến
ông có thể bỏ qua, không cần bảng ghi giờ xe chạy, người ta sẽ xem ông phần nào
ngốc nghếch ngớ ngẩn. Nhưng không có bảng ghi giờ xe chạy nào nói rằng đi đến
Chicago là khôn ngoan. Chắc chắn, khi quyết định rằng đó là khôn ngoan, ông sẽ
phải chú ý đến những nội dung khác nữa của thực tại, nhưng đằng sau tất cả những
vấn đề của thực tại, sẽ có những cứu cánh mà ông nghĩ là phù hợp để theo đuổi,
và những cứu cánh này, cho một người theo thuyết Không-thể-biết, cũng như cho
những người khác, thuộc về một địa hạt vốn không phải của lý trí, dẫu trong
chừng mức nào đó, địa hạt này không nên trái nghịch với lý trí. Địa hạt mà tôi
có ý nói là của xúc động, và tình cảm, và ham muốn.
Ông có xem tất cả những tôn giáo như những hình thức mê tín dị đoan hoặc
giáo điều võ đoán? hiện nay ông tôn trọng tôn giáo nào nhất, và tại sao?
Tất
cả những tôn giáo lớn có tổ chức đã chi phối những khối dân chúng đông đảo, đã
bao gồm một số lượng giáo điều hoặc nhiều hơn hoặc ít hơn, nhưng “tôn giáo” là
một từ có nghĩa không phải là rất rõ ràng. Khổng giáo, lấy ví dụ cụ thể, có thể
gọi là một tôn giáo, mặc dù nó không đòi hỏi giáo điều. Và trong một số hình
thức tiến bộ của đạo Kitô, yếu tố giáo điều được giảm xuống tới một mức tối
thiểu.
Giữa
những tôn giáo lớn trong lịch sử, tôi thích Đạo Phật hơn, đặc biệt là trong
những dạng nguyên thuỷ của nó, vì nó đã có yếu tố khủng bố ở mức nhỏ nhất.
Chủ thuyết cộng sản cũng như thuyết không-thể-biết chống lại tôn giáo,
có phải người theo thuyết Không-thể-biết là những người cộng sản?
Chủ
thuyết cộng sản không chống lại tôn giáo. Nó chỉ đơn giản chống lại đạo Kitô,
cũng giống như đạo Islam (chống đạo Kitô) vậy. Chủ nghĩa cộng sản, ít nhất là
trong những hình thức chủ trương của Chính phủ Liên Xô và đảng Cộng sản, là một
hệ thống giáo điều mới của một loại khác thường về độc hại và khủng bố.
Những người theo thuyết Không-thể-biết có nghĩ rằng khoa học và tôn giáo
không thể nào hoà giải được không?
Câu
trả lời quay sang tùy thuộc vào nghĩa của “tôn giáo” là gì. Nếu nó có nghĩa là
chỉ đơn thuần là một hệ thống đạo đức, nó có thể hòa giải được với khoa học.
Nếu nó có nghĩa là một hệ thống giáo điều, được xem như chân lý không thể bàn
cãi, nó không tương hợp với với tinh thần khoa học, vốn từ chối chấp nhận những
nội dung của thực tại mà không bằng chứng, và cũng chủ trương rằng sự chắc chắn
tuyệt đối thì thật khó mà có thể từng đạt đến được.
Những loại chứng cứ nào có thể thuyết phục ông rằng Gót hiện hữu?
Tôi
nghĩ rằng nếu tôi nghe một giọng nói từ trời cao tiên đoán tất cả những gì sẽ
xảy ra với tôi trong 24 giờ sắp tới, kể cả những sự việc xem ra rất khó có cơ
xảy ra được, và nếu tất cả những sự việc này rồi sau đó được tiến hành xảy ra,
có lẽ tôi sẽ có thể bị thuyết phục, ít nhất về sự hiện hữu của một vài trí óc
thông minh siêu nhân. Tôi có thể tưởng tượng bằng chứng khác đại loại cùng
một kiểu, chúng có thể thuyết phục tôi, nhưng cho đến nay như tôi biết,
không có bằng chứng như vậy hiện hữu.
Bertrand Russell
(1953)
Lê Dọn Bàn tạm dịch- bản nháp thứ nhất
(Feb/2010)
[1] những chú thích trong bài, và những sai lầm nếu có, là của người dịch. LDB.
Dịch
từ The Basic Writings of Bertrand
Russell. London: Routledge, 2009. Các trang 557-598
[2] Nếu có một triết lý “chắc chắn” nhất, nó là một triết lý trong đó
cho rằng tất cả mọi triết lý đều đáng nghi ngờ. Thái độ này thể hiện thành một
chủ nghĩa gọi là chủ nghĩa hoài nghi
(scepticism ), và những triết gia trong
lịch sử đã có khuyến khích và cảm hứng từ một số những tác giả thời cổ Hylạp,
những người này, từ thời đó, đã đưa thái độ nghi ngờ đi rất xa. Pyrrho người
thành Elis, trên biển Ionian, khoảng thế kỷ thứ tư TCN, đã được biết là người
ủng hộ việc dừng lại, đừng vội phán đoán về câu hỏi sự vật thực sự là như thế
nào. Ngoài tên và sinh quán, ngày nay chúng ta gần như không biết gì về ông,
thật là một chi tiết phù hợp với vị triết gia hoài nghi đầu tiên đó!. Khoảng
hai thế kỷ sau đó, những ý tưởng của Pyrrho đã được mở rộng, được một vị nổi
tiếng khác, là “Sextus Empiricus” bảo vệ, với vị này, không chúng ta thậm chí
không biết cả tên thật lẫn sinh
quán.
Trong thực tế, tất cả các nhà tư tưởng lớn
đã thừa nhận một phiên bản lấy phần của triết lý cực đoan này. Mỗi người trong
họ đều từ chối chấp nhận, ít hay nhiều, những gì từ các triết gia khác, nhưng
chỉ chừa ra nguyên vẹn, không nghi ngờ những gì của riêng mình. Chủ nghĩa Hoài
nghi trong thời cổ Hylạp chỉ là thêm một bước xa hơn nữa, và không miễn trừ bất
kỳ một ai. Nhưng điều này dường như là một hành động gây tử vong, vì hoài nghi
sau đó phải tự nuốt mình và biến mất. Với tính nhất quán đáng ngưỡng mộ, Sextus
đã kết luận rằng người hoài nghi đích thực phải đình chỉ phán đoán về chính sự
đình chỉ phán đoán.
Chúng ta phải đợi đến David Hume, trong thế
kỷ 18, người đã cho thấy làm thế nào để làm sống dậy chủ nghĩa hoài nghi. Bước
đầu tiên là ghi nhớ những gì Hume gọi là “những tật nguyền kỳ lạ” (strange
infirmities) trong sự hiểu biết của con người, và “tính phổ quát trong sự bối rối trước
phức tạp và sự lẫn lộn nhầm lẫn, vốn là di truyền có trong bản chất con người”
(universal perplexity and confusion, which is inherent in human
nature). Trang bị với kiến thức này, - vì sự thiếu
hiểu biết của chúng ta là một trong những điều mà chúng ta có thể chắc chắn, -
chúng ta nên chắc chắn phải thực hiện “mức độ nghi ngờ, và thận trọng, và khiêm
tốn, trong đó, tất cả các loại xem xét và quyết định, nên mãi mãi để đi cùng
với một lý trí công bình. Không kể những gì khác, điều này sẽ giúp chữa trị cho
người ta sự “ngạo mạn và ngoan cố” của họ.
Trong lý thuyết, chúng ta đã học được bài
học của Hume, bởi vì một thái độ hoài nghi khiêm tốn là triết lý chính thức của
các ngành khoa học hiện đại, trong đó nó nhận châm ngôn rằng mọi kết quả thì
vẫn mở rộng để tiếp tục được thăm
dò, liên tục được kiểm nghiệm, và không có sự thật nào có thể được thừa nhận
cho đến khi nó đã đứng vững được với thời gian. Nhưng, trên thực tế, chúng ta
đã không học được bài học của Hume. Không ai có thời gian để chờ đợi và xem
liệu thử nghiệm ngày hôm qua vẫn sẽ đứng vững trong vài chục năm kể từ bây giờ.
Đời sống thì ngắn và chúng ta đều có những hạn định. Vì vậy, chủ nghĩa hoài
nghi không phải là một triết lý dễ dàng để sống theo. Nhưng có ai muốn một
triết lý dễ dàng không?
[3] Thomas
Henry Huxley (1825–1895) Nhà sinh vật học người Anh, còn nổi tiếng vì chủ trương
bảo vệ thuyết tiến hóa của Charles Darwin, đến mức ông tự xưng với ý – Tôi như một
con chó bun dữ tợn (bulldog) để bảo vệ học thuyết của Darwin (“I
am Darwin's bulldog”).
[4] “Agnosticism,
in fact, is not a creed but a method, the essence of which lies in the vigorous
application of a single principle. Positively, the principle may be expressed
as in matters of intellect, follow your reason as far as it can take you
without other considerations. And negatively, in matters of the intellect, do
not pretend that conclusions are certain that are not demonstrated or
demonstrable” – (“Agnosticism”, 1889)
[5] Agnosticism: Thuyết không
thể biết – agnostic: người theo thuyết
Không-thể-biết.
Triết học tôn giáo (từ gốc Hylạp : a
(không) + gnostikos (người là kẻ
biết) –
Tàu: bất khả tri luận – 不可知論
– Thuyết bất khả
tri): Một từ
T. H. Huxley đã dùng đầu tiên để chỉ một lập trường không tin Gót hiện hữu,
cũng không tin Gót không hiện hữu, và phủ nhận rằng chúng ta có thể có bất kỳ
kiến thức nào về bản chất của Gót. Như thế thuyết không thể biết tương phản với
cả thuyết tin-có-gót, vốn chủ trương chúng ta có thể biết được sự hiện hữu và
bản chất của Gót, và với thuyết không-tin-có-gót, vốn phủ nhận sự hiện hữu của
Gót. Những người theo thuyết không thể biết, như Kant và Hume, biện luận rằng
lý trí con người có những giới hạn di truyền và không thể vượt qua. Do đó chúng
ta không thể biện chứng bất kỳ một tuyên xưng nào để ủng hộ cả hai lý thuyết
tin và không-tin về gót, và nên đình chỉ phán đoán của chúng ta về những vấn đề
này.
Quan điểm của thuyết không thể biết đã tồn tại
qua nhiều thời đại, nhưng nó trở nên quan trọng trong những tranh luận liên quan đến
khoa học và niềm tin tôn giáo, ở thế kỷ XIX. Ngày nay, thuyết không thể biết thuyết cũng
được sử dụng với nghĩa tổng quát hơn, để chỉ sự đình chỉ phán đoán về đúng thật hay sai lầm của
những tuyên bố đi xa hơn những gì chúng ta có khả năng phán đoán hoặc kinh
nghiệm thông thường.
Tôi
đã phân vân, khi dịch “agnostic” thật dài dòng và “nôm na” là “người theo
thuyết không thể biết”, có ba lựa chọn:
- dịch theo Tàu, nghe trang trọng hơn : người theo thuyết thuyết
bất khả tri.
- dịch bằng phiên âm hay giữ nguyên theo gốc Anh: “agnostic” –
người agnostic
- dịch sang Việt: người theo thuyết không thể biết.
Thực
ra, tôi thích lối thứ hai, vì nếu chúng ta mượn chữ của người Anh, thu tập ý
niệm của triết học phương Tây, không có lý do gì chúng ta phải dùng chữ Tàu,
mượn chữ Tàu để chỉ một ý Tây!
Nhưng,
mạnh dạn hơn, tôi nghĩ và đề nghị – chúng ta dịch sang từ Việt, mới lạ sau quen
– dùng mãi rồi êm thuận, và như thế làm giàu cho từ Việt, ý Việt. Nên tôi chọn
lối thứ ba. Ngoài bài này – lấy thí dụ ngẫu nhiên – tôi đang đọc một bài của
Stephen Batchelor – “The Agnostic Buddhist” – có thể dịch “Người Phật tử theo thuyết không thể biết” – nghe cũng không có gì
là trái tai – mà lại nhẹ nhàng, dễ hiểu hơn là “người Phật tử bất khả tri”.
[6]
Nghĩa là – cách nào bạn cũng “phạm luật” của Gót – lấy hay không lấy –
vì ở đây, luật của Gót tuy không mâu thuẫn, nhưng phi lý.
[7] Russell
– nhắc lại lịch sử rất lâu dài của đạo Ki tô, tại phương Tây, chính quyền và
nhà Thờ đã bách hại những người không cùng, hay có khác ý về những quan điểm –
được xem là chính thức, và đương thời – của nhà Thờ.
Thí
dụ, bách hại những khoa học gia, không vì họ có quan điểm khoa học khác biệt
với thời đại của họ (dĩ nhiên vì họ đưa ra những phát kiến mới, có thế mới thúc
đẩy tiến bộ), nhưng vì quan điểm khoa học mới của họ – một khi được chấp nhận
sẽ làm giảm uy tín tinh thần của nhà thờ, đặc biệt là những thuyết về thiên
văn, vật lý và sinh học, sẽ phủ nhận những nội dung vốn phi khoa học của kinh
Thánh.
[8] Sin: không hẳn là tội lỗi
theo nghĩa thông thường, nhưng rất nặng ý tôn giáo, từ đạo Kitô, “sin” chỉ bất
cứ điều gì – dù xem ra tốt lành, hợp tự nhiên, thuận lòng người – nhưng bị xem
làm trái với ý Gót là “sin”. Trong Anh ngữ, “sin” còn là một
động từ. Khi một người Ki tô xưng tội – “tôi tội lỗi” – nghĩa là người ấy đã
nghĩ, làm, hay gì gì đó... được xem như đã trái ý Chúa hay Gót. Thế nên dịch
“sin” là tội, hay tội lỗi có phần gượng ép. Nếu đúng nghĩa – phải là “tội lỗi
với Gót”.
Từ
lập trường đặc biệt và phản xã hội đó – đạo Ki tô và những hội nhà thờ đã thành
lập một nhân sinh quan dựa trên những giáo điều, một thứ luân lý riêng của đạo
Kitô, nhưng vẫn xưng tụng là đạo đức chung của con người, áp đặt cái riêng của
một cộng đồng trên cả toàn thể, nên đưa đến sự kiện đi ngược lại đạo đức phổ
thông thường nghiệm của con người, mẫu số chúng của những luân lý trong cộng
đồng nhân loại. Thí dụ: những vấn đề ngừa thai, phá thai, bệnh tâm thần – hay
đặc biệt rất sôi nổi trong xã hội Tây phương – những người có khuynh hướng bẩm
sinh đồng tính luyến ái. Nếu đồng tính luyến ái hiểu là bẩm sinh tâm lý – và
khoa học đã đi đến kết luận như vậy. Xã hội đã chấp nhận như vậy, và đã đi đến
thay đổi luật pháp quốc gia thể hiện sự tôn trọng hiện tượng nhân văn, những cá
nhân không làm hại ai. Nhưng nhà thờ Ki tô vẫn bám chặt vào giáo điều, vào
“luật của Gót”, nên trong lịch sử đã tạo những vết nhơ sẽ không thể nào rửa
nổi, ngay cả mới đây trong thế kỷ chúng ta đang sống.
Khi
dùng một laptop cá nhân để làm việc, như viết bài này – không thể nào không
nghĩ về cái chết thảm của vị được tôn xưng là cha đẻ của ngành khoa học
computer (điện toán – computer science) – Nghĩa là một bác học đã thực sự, đã
và đang tiếp tục làm thay đổi cả nhân loại – là Alan Mathison Turing
(1912 – 1954). Những ai học computer science, đều biết – Turing
Machine, và những ai chỉ dùng máy computer như một dụng cụ làm việc thông thường
mà thôi, có thể tìm đọc về cuộc đời của vị vĩ nhân người nước Anh này. Biết cái
chết thảm khốc của Alan Turing – và suy nghĩ về sự tác hại của
“đạo đức” Kitô. Nay trên tượng kỷ niệm Turing, còn ghi ông là “nạn nhân
của prejudice”. Dĩ nhiên là prejudice theo quan điểm “đạo đức”
Kitô, theo những gì được cho là “sin ” hay không “sin”. Russell đang bàn trên
đây.
[9]
Hell: ngục lửa – nơi những ai không tin Gót sẽ chịu trừng phạt đời đời.
Thường dịch là hoả ngục, đây là khái niệm đặc biệt khác nữa của đạo Kitô; mang
hai tính chất chỉ nó mứi có: trừng phạt vì làm trái ý Gót, thường là vì không
tin kính Gót; và sự trừng phạt này là vĩnh viễn. Nếu dịch cho đún, nên phân
biệt (với địa ngục) và đừng làm mất hai ý này, để không lẫn lộn với “địa ngục”
vẫn hiểu (một không gian nào đó, đóng vai chuyến tiếp sau cái chết, trước khi
đầu thai sang cõi khác, dó là một cách hiểu, nhưng hầu hết tất cả những cách
hiểu khác tương tự, đều chỉ mang nghĩa tạm thời.) – nên dịch là “ngục lửa
Kitô”.
[10] Được
xem là tác giả những tập thơ anh hùng ca – kể huyền thoại Hy Lạp – Iliad và
Odyssey.
[11]
Saul – vị vua đầu tiên của Do thái, còn Samuel là nhà tiên tri đồng
thời.
[12]
Trong kinh Thánh – Có đám trẻ (hay thanh niên) tại Bethel, vì cười ông
thánh tiên tri này hói đầu., nên ông gọi tên chúa trời Yhwh nguyền rủa chúng,
như hậu quả – hai con gấu cái hiện từ rừng ra và ăn thịt tất cả 42 người này (2
Kings 2:23-25).
[13]
Unitarian: Một giáo phái đạo Kitô, nhưng không nhận lý
thuyết “một Gót ba ngôi”.
[14]
compassion: cùng đau xót với (Latin: compati): thương cảm, trắc ẩn, mủi lòng
trước đau khổ của người khác.
[15]
Materialist
[16]
“mind anf matter alike, I should say, are only convenient symbols in dixcourse,
not actually existing things”
[17] Psychical
research
[18] “spiritualism”
– chủ trương hay tin tưởng rằng tinh thần của người đã chết có thể truyền thông
được với người sống, đặc biệt là qua những phương tiện truyền thông, hoặc
qua những thực hành được sử dụng trong số những người tin rằng thông tin liên
lạc có xảy ra giữa chết và sống
[19] Zeus
và Jupiter là Gót trong thần thoại Hy lạp, Odin là Gót trong thần thoại Norse
(Đức) Brahma là Gót trong thần thoại Ấn Độ, Những vị này tương đương với
“Gót” trong “thần thoại” Do thái, Kitô và Islam.
[20] Nguyên
văn – “Beauty, in any case, is subjective and exists only in the eye of the
beholder”.
Cái
đẹp chỉ có trong mắt người nhìn mà thôi. Một xác người trần truồng quằn quại
treo trên một cọc gỗ hành hình đẫm máu, vẫn được tán dương là “đẹp”.
[21]
Joshua 10:13-14 – kinh Thánh kể chuyện Joshua cầu trời và trăng ngừng
lại, để quân Do thái có thêm một ngày đánh nhau với kẻ địch.
[22] Nguyên
văn – “freethinkers”: những người suy nghĩ tự do, không theo, hay không
tuân phục những giáo điều tôn giáo – những người không tín ngưỡng, trong nội
dung văn hoá phương Tây, họ là những người vô thần, không chấp nhận sự lãnh đạo
tư tưởng của nhà thờ.
[23]
Heretics – những ai không tin cùng một tôn giáo, hay tuy cùng tôn giáo,
nhưng tin khác đi những tin tưởng, giáo lý chính thức của nhà thờ Catô.