Friday, June 19, 2009

Bertrand Russell – Những gì tôi đã sống



Những gì tôi đã sống

(What I Have Lived For)







(Lời mở đầu tự truyện của Bertrand Russell)

Ba đam mê giản dị nhưng mãnh liệt đã chi phối đời tôi: khát khao tình yêu, săn tìm tri thức và xót thương khôn cùng những khổ đau của loài người. Những đam mê này, như những trận cuồng phong, đã thổi tôi tán loạn bay đây đó khắp hướng trên một đại dương sâu thẳm ngập tràn thống khổ, chạm những bờ thật cùng quẫn tuyệt vọng.

Tôi đã tìm tình yêu, vì trước hết, nó đem lại ngất ngây – ngất ngây quá đỗi đến nỗi tôi đã thường liều hi sinh tất cả đời còn lại cho một vài giờ lạc thú. Thứ nữa, tôi tìm tình yêu vì nó làm dịu cô đơn – cái cô đơn ghê gớm bao trùm một ý thức run lẩy bẩy đứng vịn bờ thế giới nhìn xuống một vực sâu bí hiểm giá lạnh vô sinh khí. Sau cùng tôi đã đi tìm nó, vì trong sự hợp nhất của tình yêu, tôi đã thấy, trong một huyền bí thu nhỏ, cảnh mộng trước đây vẫn mô tả về chốn tuyệt đỉnh hạnh phúc các vị thánh và các nhà thơ đã tưởng tượng ra. Đó là những gì tôi đã tìm kiếm, và dẫu rằng nó xem dường tốt đẹp quá nên đời người hiếm gặp, đây là những gì – sau cùng – tôi đã tìm thấy [1].

Cùng mức đam mê, tôi săn tìm kiến thức. Tôi đã ước ao hiểu được lòng con người. Tôi đã ước ao biết được tại sao các vì sao long lanh sáng. Và tôi đã gắng thấu hiểu quyền năng của toán học [2], nơi các con số giữ vị chủ tể vượt trên mọi thường biến chao đảo. Những điều này, tôi đã thành tựu đươc một ít, nhưng không nhiều.

Tình yêu và kiến thức, đến mức như chúng có thể có được, dẫn đưa lên hướng bất tận cao xanh. Nhưng những mủi lòng luôn mang tôi về lại trần gian. Tiếng vang khóc thương đau dội động tim tôi. Con trẻ đói ăn, nạn nhân bị bạo quyền tra tấn, những già yếu bất lực thành gánh nặng ghét bỏ cho con cháu của họ, và tràn đầy thế giới những cô quạnh, những nghèo khó, những đau đớn, tất cả làm thành một sự nhạo báng với những gì đáng lẽ nên là đời sống con người. Khao khát muốn làm dịu các xấu xa bất hạnh này, nhưng bất lực, và tôi cũng chịu đau khổ.

Đó là đời tôi, tôi thấy nó đáng sống, và sẽ lại sẵn sàng sống lần nữa, nếu tôi được có thêm cơ hội.


Bertrand Russell (1872-1970)

Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất 
(19/Jun/2009)
http://chuyendaudau.blogspot.com
http://chuyendaudau.wordpress.com




[1] Đây là bài thơ Russell viết tặng người vợ thứ tư, sau cùng - bà Edith Finch:

To Edith

Through the long years
I sought peace
I found ecstasy, I found anguish,
I found madness,
I found loneliness,
I found the solitary pain
that gnaws the heart,
But peace I did not find.
Now, old & near my end,
I have known you,
And, knowing you,
I have found both ecstasy & peace
I know rest
After so many lonely years.
I know what life & love may be.
Now, if I sleep
I shall sleep fulfilled.

Tạm dịch:

Gửi Edith
Qua những năm dài đằng đẵng
Tôi tìm bình an
Tôi đã gặp ngất ngây, tôi đã gặp quằn quại,
Tôi đã gặp điên dại,
Tôi đã gặp cô đơn
Tôi đã gặp đau đớn lẻ loi
Nó gặm cắn tim,
Nhưng an bình thì tôi đã không được gặp

Giờ đây, già & gần cuối đời
Tôi biết em
Và, vì biết em,
Tôi đã tìm được cả ngất ngây và an bình
Tôi biết dừng nghỉ
Sau bao nhiêu năm cô đơn
Tôi biết sống và yêu may ra như thế nào
Giờ đây, nếu tôi ngủ giấc vĩnh viễn
Tôi sẽ ngủ giấc trọn đầy mãn nguyện

[2] Tác giả – nguyên văn dùng “Pythagorian power” – chỉ Pythagoras – nhà triết học và toán học Hy Lạp – lập thuyết về sự bí nhiệm của các con số – xem chúng là bản thể của mọi sự vật trong thế giới tự nhiên (essence of all natural things) – Pythagoras và các đồ đệ xem các con số như thần linh, cho rằng chúng tinh khiết và độc lập trước sự biến đổi vật chất (numbers were like gods, pure and free from material change).

Toán học là “mối tình đầu sáng chói”. Ông kể lại từ năm 11 tuối, đã bắt đầu say mê hình học Euclide, học từ người anh ruột. Thấu hiểu dễ dàng các định đề, nhất là định đề số 5 (về đường thẳng song song) nhưng mất vui ngay, vì hỏi rồi biết các định đề không có chứng minh. Từ đấy, ông theo đuổi vấn đề này, tìm một nền tảng triết lý lôgích cho toán học (Trong lôgích, chúng ta đều quen thuộc với Russell Paradox, do ông tìm ra năm 1901). Một trong những lĩnh vực Russell được biết đến nhất là các công trình về toán lôgích (mathematical logic). Cùng với G.E. Moore, Russell được xem như một trong hai người khai mở môn triết học phân tích (analytic philosophy). Cùng với Kurt Gödel, ông cũng được xem là một trong hai nhà lôgích (logician) quan trọng nhất của thế kỷ XX. Principia Mathematica (viết cùng với giáo sư của ông tại Cambridge là Alfred North Whitehead) và The Principles of Mathematics; ra đời trước Chiến tranh Thế giới I, được xem đã định hướng cho triết học Anh Mỹ hiện đại.

Về tình cảm – mà ông cho là mình đã thành công, ông lần lượt có 4 người vợ, người cuối cùng, bà Edith Finch, 52 tuổi mới lấy ông, khi ấy Russell 80 tuổi.

Về đạo đức, tiếng nói của Russell mang thẩm quyền lớn lao trên thế giới. Ông là người nổi tiếng về chống chiến tranh (tại Âu châu – đi tù và mất việc nhiều lần), chống vũ khí nguyên tử (the Russell-Einstein Manifesto với Albert Einstein) và lên án chiến tranh khủng bố và diệt chủng của Mỹ tại ViệtNam (Russell Tribunal với Jean-Paul Sartre và Noam Chomsky).

Năm 1949, vua George VI tiếp nhận ông vào Order of Merit (giải cao quí nhất, chỉ dành cho người còn sống, trong Commonwealth nước Anh). Năm sau, giải Nobel văn chương 1950 trao cho Russell, xác nhận “qua các tác phẩm đa dạng đầy ý nghĩa, ông đã tranh đấu cho các lý tưởng nhân bản và tự do tư tưởng của con người”.


Thủ bút của Russell, bản văn trên: