Wednesday, December 14, 2011

Charles Baudelaire - Brumes et pluies



Mù và mưa
(Brumes et pluies) 

Charles Baudelaire  






Ô những cuối thu, những cuối đông, những xuân đầy bùn đóng,
Những mùa mơ ngủ, ta yêu ngươi và ngợi ca ngươi
Cuốn gói lòng ta và óc não ta như thế
Trong vải liệm mù sương và nấm mồ mờ ảo.

Trên đồng bao la này chạy đùa cơn gió nam buốt cóng.
Những đêm dài mũi tên quay con gà khản giọng,
Hơn thời ấm áp, hồn ta mới lại, dễ dàng
Nó vung mở hai cánh quạ đen lớn rộng.

Không gì ngọt ngào hơn với một con tim đầy tang tóc,
Và đã từ lâu sương giá xuống phủ đầy,
Ô những mùa xanh xao, nữ hoàng khí hậu của bầy ta,

là dạng ngoài vĩnh viễn của những tối tăm nàng nhợt nhạt,
- Nếu đó không là, đêm nào không trăng, song hàng nằm cạnh,
Ngủ lịm cơn đau trên một giường bất chợt.

Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất
(Dec/2011)


(Brumes et pluies  

Ô fins d'automne, hivers, printemps trempés de boue,
Endormeuses saisons! je vous aime et vous loue
D'envelopper ainsi mon coeur et mon cerveau
D'un linceul vaporeux et d'un vague tombeau.

Dans cette grande plaine où l'autan froid se joue,
Où par les longues nuits la girouette s'enroue,
Mon âme mieux qu'au temps du tiède renouveau
Ouvrira largement ses ailes de corbeau.

Rien n'est plus doux au coeur plein de choses funèbres,
Et sur qui dès longtemps descendent les frimas,
Ô blafardes saisons, reines de nos climats,

Que l'aspect permanent de vos pâles ténèbres,
— Si ce n'est, par un soir sans lune, deux à deux,
D'endormir la douleur sur un lit hasardeux.

Charles Baudelaire)


Chú thích: - la girouette – Có hình những mũi tên, vốn thường gắn trên chỗ cao, như mái nhà, khi có gió thổi, quay xuôi theo gió, chỉ hướng gió. Tôi đành diễn là -  mũi tên con gà, vì bên Pháp, girouette thường có trang trí hình con gà trống Gô loa. Những xứ khác, có trang trí khác. 


1.
Đọc lại, dịch bài này trong những ngày đang vào đông giá, ngày co ngắn lại, đêm dãn dài ra. Mới ba, bốn giờ chiều, trời đã tối, đường đi về đã đầy sương, hay đầy tuyết, hay cả hai, và đầy lạnh. Ra khỏi sở, tất cả mọi người đều co ro thu về mình, đều muốn đi về một chỗ riêng tư nào đó, muốn tìm về một chỗ ấm, sáng nào đó. Muốn vềvào chứ không muốn ra, đi.

Chen chúc sống trong những môi trường nhân tạo, gọi là những thành phố, hay là những “sở thú con người”, mượn chữ của một nhà động vật học lỗi lạc Desmond Morris; người ta mất thiên nhiên, ánh sáng là của đèn điện, bóng râm là của những nhà cao; trời xanh, mây trắng, gió trăng dần mất hết, cây xanh chỉ còn mọc dọc lề đường, hay xếp hàng trong công viên, cỏ chỉ còn là những mảng cắt xén trang trí; họa hoằn mới may mắn gặp lại vết tích thiên nhiên. Người ta mất ký ức và đã quên dần thiên nhiên. Có lẽ chỉ đến khi cái lạnh – một tác động vật lý có khả năng vượt mọi không gian, buông xuống thành phố, tuyết ngập mọi lối đi, con người mới thấy đám đông thôi không còn đông nữa, ấm thanh náo động chỉ là những âm thanh náo động; lúc ấy nó bị xô về, phải chạm mặt với cô đơn vẫn lẩn trốn, (có gì làm con người cô đơn hơn cái lạnh?), và cồn cào muốn trở về. Như con thú hoang muốn về rừng xanh xưa, nhưng chiều nay chỉ quay về đến cái chuồng vuông vức, tuy đẹp đẽ, nhưng cô đơn, đầy tẻ nhạt, không còn thiên nhiên như của tổ tiên của nó. Sau một ngày vất vả săn mồi trong những toà nhà cột thép, tường kính, nó tìm thấy miếng ăn không bên bờ suối, nhưng trong tủ lạnh, và nước uống, không ở dòng chảy giữa cỏ cây, hay mênh mông hồ lấp lánh sóng, hay in bóng hoa mây từ vòm cao, nhưng trong vòi tuôn, hay bất động trong chai đóng, dán nhãn đẹp đẽ.

(Một chỗ giống như trong A Clean, Well-Lighted Place của Ernest Hemingway, một chỗ chết người)

2.

Nên nó mơ, nó tin, không hăng hái đi tìm sự thật.
Mệt quá.
Sống với những tin tưởng giả tạo dễ hơn,
Sống với mơ mộng xa vời sự thật thoải mái, ấm áp,
Lại càng dễ chịu, sung sướng hơn.
Nó vung cánh quạ đen huyền hoặc
Con gà trống gáy tiếng gọi lý trí sáng đã chết cóng!

Nên Plato đã đuổi những thi sĩ – loại như Baudelaire – và một loạt những khuôn mặt như của Chateaubriand  (Mémoires d'Outre-Tombe); hay Edgar Allan Poe (The Raven), ... thấp thoáng chúng ta thấy sau bài này – đuổi hết ra khỏi thành phố lý tưởng kallipolis của ông. Như tôi đã tóm  tắt lý do trong quyển 10, Republic:

“họ giả vờ như biết về tất cả những loại sự vật, nhưng họ thực sự không biết gì cả. Thường được rộng rãi xem họ là có kiến thức về tất cả những gì họ viết về chúng, nhưng trong thực tế, họ không biết. Những điều mà họ tiếp cận với vốn không thể đưa đến sự hiểu biết thực: chúng là những hình ảnh, khác xa với những gì là thật nhất. Bằng cách trình bày những cảnh tượng hết sức xa vời với sự thực, những nhà thơ, làm lầm lạc, làm hư hỏng những linh hồn người đọc, quay chúng đi xa khỏi cái thực nhất nhưng về cái ít thực nhất.

Tệ hơn nữa, những hình ảnh nhà thơ miêu tả không bắt chước phần tốt đẹp của linh hồn. Phần hợp lý của linh hồn là yên tĩnh, ổn định, và không dễ dàng để bắt chước hoặc thấu hiểu. Nhà thơ bắt chước những phần tồi tệ nhất - những khuynh hướng vốn làm cho nhân cách  dễ dàng bị kích động và màu mè. Thơ ca thường tự nhiên kêu gọi đến những phần tồi tệ nhất của linh hồn, và khơi dậy, nuôi dưỡng, và làm mạnh lên những yếu tố bản năng này trong khi chuyển năng lực sống mất khỏi phần lý trí”.

Chúng ta thấy một hay nhiều những lý do đó, trong bài thơ này của Charles Baudelaire.

Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất
(Dec/2011)
http://chuyendaudau.blogspot.com/