Sunday, January 1, 2012

Bertrand Russell - Những gì tôi tin tưởng (2)


Những gì tôi tin tưởng

What I Believe (1925)
Bertrand Russell









III. Những qui luật đạo đức

Nhu cầu thực tiễn của đạo đức [1] phát sinh từ xung đột của những ham muốn, hoặc là của những người khác nhau, hoặc của cùng một người nhưng ở những thời điểm khác nhau, hoặc thậm chí ở cùng một thời điểm. Một người muốn uống rượu, và cũng muốn được vừa vặn sẵn sàng với công việc của mình vào sáng hôm sau. Chúng ta nghĩ rằng ông không đạo đức nếu ông ta chấp nhận lối hành động đem cho ông một tổng số thành nhỏ hơn trên toàn bộ hài lòng về ham muốn. Chúng ta nghĩ xấu về những người phung phí ngông cuồng hay thiếu thận trọng, ngay cả khi họ không làm thương tổn ai ngoài bản thân họ. Bentham giả định rằng toàn bộ đạo đức có thể được bắt nguồn từ lòng “tư lợi được giác ngộ” [2], và rằng một cá nhân là người luôn luôn hành động với một cái nhìn nhằm đến một sự thỏa mãn tối đa cho riêng mình, trong lâu dài sẽ luôn luôn hành động một cách đúng đắn. Tôi không thể chấp nhận quan điểm này. Những bạo chúa từng hiện hữu đã tìm thấy sung sướng tinh tế đậm đà khi nhìn ngắm đòn khảo hành giáng xuống những nạn nhân bị tra tấn; tôi không thể khen ngợi những con người như vậy khi thận trọng đã dẫn họ đến việc chừa lại mạng sống những nạn nhân của họ, với một dự kiến kéo đau khổ qua thêm ngày khác. Dù sao đi nữa, đánh đồng mọi sự việc, thận trọng là một phần của đời sống tốt đẹp.  Ngay cả Robinson Crusoe đã có cơ hội thực hành tính cần cù siêng năng, tự chủ bình tĩnh, và lo xa, vốn phải được nhìn nhận như những phẩm chất đạo đức, vì chúng đã làm tăng tổng số thỏa mãn của anh ta mà không phải cân bằng với sự gây tổn thương cho những người khác. Phần này của đạo đức đóng một vai trò lớn trong việc huấn luyện cho trẻ em, những người vốn ít có khuynh hướng nghĩ về tương lai. Nếu như nó đã được thực hành nhiều hơn ở muộn về sau trong đời, thế giới sẽ nhanh chóng trở thành một chốn cực lạc, vì nó sẽ là khá đủ thích đáng để ngăn ngừa những cuộc chiến tranh, vốn là những hành động của đam mê, chứ không phải của lý trí. Dù sao đi nữa, mặc dù sự quan trọng của thận trọng, nó không phải là phần quan tâm gợi chú ý nhất của đạo đức. Cũng không phải là phần nêu lên những vấn đề trí thức, vì nó không đòi hỏi một kêu gọi đến bất cứ điều gì khác ngoài tư lợi.


Phần của đạo đức mà không bao gồm trong thận trọng, trong yếu tính, thì tương đương với pháp luật, hoặc những quy tắc của một hội quán (club). Nó là một phương pháp khiến con người có khả năng sống chung với nhau trong một cộng đồng, bất kể có thể có những mong muốn của họ xung khắc. Nhưng ở đây, có thể có hai phương pháp rất khác nhau. Có phương pháp của luật hình sự, nó nhắm đến một sự hòa hợp chỉ đơn thuần là bên ngoài, bằng cách gắn những hậu quả khó chịu với những hành động cản ngăn những mong muốn của những người khác trong một số cách thức nhất định nào đó. Đây cũng là phương pháp của kiểm duyệt xã hội: bị mọi người trong xã hội của mình nghĩ xấu về mình, là một hình thức trừng phạt, để tránh điều đó, hầu hết mọi người tránh để mình bị biết đã vi phạm điều lệ của tập hợp của họ. Nhưng có một phương pháp khác, cơ bản hơn, và hài lòng hơn nhiều khi nó thành công. Đây là thay đổi những cá tính và những mong muốn của con người, trong một cách thức để làm giảm thiểu những cơ hội của xung đột, bằng cách làm cho sự thành công của những ham muốn của một người này phù hợp càng nhiều càng tốt với của một người khác. Đó là lý do tại sao yêu thương thì tốt hơn oán ghét, vì nó mang lại hài hòa thay vì xung đột vào trong những mong muốn của những người liên hệ. Hai người, giữa họ có yêu thương, cùng thành công hay cùng thất bại, nhưng khi hai người ghét lẫn nhau, thành công của một người là thất bại của người kia.

Nếu chúng ta đã đúng khi nói rằng đời sống tốt đẹp được cảm hứng từ yêu thương và hướng dẫn bởi kiến thức, nó là rõ ràng rằng điều lệ đạo đức của bất cứ cộng đồng nào không phải là cuối cùng và tự đầy đủ, nhưng phải được xem xét dưới quan điểm liệu sự khôn ngoan và lòng thương người nếu như xuống lệnh sẽ giống thế hay không. Điều lệ đạo đức đã không phải luôn luôn là không phạm sai lầm. Người Aztec đã tự coi là nhiệm vụ đau đớn của họ phải ăn thịt người vì sợ ánh sáng mặt trời sẽ lịm tắt. Họ đã sai lầm trong khoa học của họ; và có lẽ họ đã cảm nhận được lỗi lầm khoa học, nếu như họ có được bất kỳ yêu thương nào với những nạn nhân bị hiến sinh. Một vài bộ lạc giam những bé gái tuổi từ mười đến mười bảy, giữa bốn bức tường ngục tối, vì sợ những tia sáng mặt trời làm chúng thụ thai. Nhưng có chắc chắn rằng những điều lệ đạo đức hiện đại của chúng ta không chứa đựng gì tương tự như những thực hành dã man này hay không? Có chắc chắn rằng chúng ta chỉ cấm những điều thực sự có hại, hoặc dẫu với bất kỳ mức độ nào, những điều quá kinh tởm khiến không có người tử tế nào có thể bào chữa cho chúng được không? Tôi không chắc chắn như vậy [3].

Đạo đức hiện đại là một sự pha trộn kỳ lạ của chủ nghĩa duy lợi và mê tín dị đoan, nhưng phần những mê tín dị đoan nắm giữ mạnh mẽ hơn, như là tự nhiên, vì mê tín dị đoan là nguồn gốc của những quy tắc đạo đức. Nguyên thủy, một số hành vi nhất định nào đó đã được nghĩ là không làm những vị gót hài lòng, làm họ bực mình, và đã bị quy định pháp luật cấm, vì thịnh nộ của Gót đã có khuynh hướng trút xuống cả cộng đồng, không chỉ đơn thuần trên những cá nhân phạm tội. Thế nên đã nảy sinh khái niệm về “sin” [4] - tội lỗi, như là điều gì làm cho Gót không hài lòng. Không có lý do nào có thể xác định được về phần tại sao một số hành vi nhất định nào đó như thế lại gây nên không hài lòng; sẽ là điều rất khó khăn để nói, lấy thí dụ, tại sao đã là không hài lòng nếu đem dê con nấu trong sữa của mẹ nó [5]. Nhưng điều này đã được Gót soi sáng [6] cho biết rằng đây là như thế. Đôi khi những mệnh lệnh của Gót được giải thích một cách lạ lẫm. Lấy thí dụ, chúng ta được bảo không được làm việc trong ngày thứ Bảy, và những người theo đạo Tin lành hiểu điều này có nghĩa là chúng ta không được chơi trong ngày Chủ nhật. Nhưng cùng một thẩm quyền cao siêu được gán với điều cấm đoán mới cũng như với điều cấm đoán cũ.

Rõ ràng rằng một người với một cái nhìn khoa học về đời sống không thể để tự mình bị đe dọa bởi những văn bản của kinh Thánh, hoặc bởi giảng dạy của hội Nhà thờ. Ông sẽ không hài lòng để nói “một hành động như vậy-và-như vậy là tội lỗi, và như thế chấm dứt vấn đề”. Ông sẽ thăm dò xem không biết nó có gây hại hay không, hay là ngược lại, không biết liệu niềm tin rằng nó là tội lỗi mới thực là gây hại. Và ông sẽ thấy rằng, đặc biệt là trong những gì liên quan đến quan hệ tình dục, đạo đức hiện nay của chúng ta chứa một lượng rất lớn những gì có nguồn gốc là thuần túy mê tín dị đoan. Ông cũng sẽ tìm thấy rằng mê tín dị đoan này, giống như của người Aztec, bao gồm sự tàn ác không cần thiết, và sẽ bi quét sạch lập tức nếu người ta đã được tác động bởi những cảm xúc tử tế hướng về những người sống quanh họ. Nhưng những người bảo vệ đạo đức truyền thống thường hiếm khi là những người có trái tim nồng ấm, như có thể được nhìn thấy từ sự yêu thương chủ nghĩa quân phiệt đã được những chức sắc của hội Nhà thờ trưng bày [7]. Người ta nghiêng sang nghĩ rằng những người này đánh giá đạo đức như dịp ban cho một phương tiện hợp pháp để thỏa mãn những khao khát gây đau đớn của họ, những kẻ “tội lỗi” là những con mồi tốt đẹp xứng đáng, và do đó ném bỏ đi, cần gì đến khoan thứ!

Chúng ta hãy cùng theo dõi một đời người bình thường từ thai sinh đến phần mộ, và lưu ý những điểm nơi đó đạo đức mê tín dị đoan gây ra những đau khổ vốn có thể tránh được. Tôi bắt đầu với sự kết thai, vì ở đây ảnh hưởng của mê tín dị đoan là đặc biệt đáng chú ý. Nếu cha mẹ không kết hôn, đứa con chịu một vết nhơ nhục nhã, rõ ràng là không đáng dù với bất cứ điều gì có thể là có được [8]. Nếu một người trong hai cha mẹ có bệnh lây truyền qua đường tình dục, đứa trẻ chắc chắn có thể phải chịu lây bệnh. Nếu họ đã có quá nhiều con so với mức thu nhập gia đình, sẽ có nghèo đói, sẽ có thiếu ăn, tình trạng sống chung quá đông, rất có khả năng xảy ra loạn luân [9]. Thế nhưng phần đa số đông đảo những nhà đạo đức đồng ý rằng những bậc cha mẹ nên tốt hơn là không biết cách nào để ngăn chặn điều đau khổ này bằng sự ngừa thai [10].  Để làm vui lòng những nhà đạo đức này, một đời sống cam chịu tra tấn đã giáng xuống hàng triệu con người là những người vốn đã không nên từng hiện hữu bao giờ, chỉ đơn giản vì nó được giả định rằng giao hợp là xấu xa trừ khi đi kèm với mong muốn sinh con cái, nhưng không độc ác xấu xa khi mong muốn này có mặt, ngay cả mặc dù con cái sinh ra nhất định về mặt con người là khốn khổ. Bị giết đột ngột và sau đó bị ăn thịt, như số phận của những nạn nhân người Aztec, còn là một mức độ ít đau khổ hơn nhiều so với gây ra trên một đứa trẻ phải sinh ra trong môi trường khốn khổ vây quanh và chịu tật nguyền từ những bệnh nhiễm truyền đường tình dục. Thế nhưng sự đau khổ lớn lao hơn nữa đã do những thày chăn chiên cấp cao [11] và những chính trị gia chủ ý gây ra nhân danh đạo đức. Nếu như họ đã có dù chỉ một tia lửa nhỏ nhất của yêu thương hay thương hại với những trẻ em, họ đã không thể nào cứ bám theo một qui luật đạo đức liên quan đến sự tàn ác xảo quyệt này.

Lúc sinh, và trong giai đoạn ấu nhi, trên trung bình, một đứa trẻ bị nhiều thiệt thòi đau khổ từ nguyên nhân kinh tế hơn từ mê tín dị đoan. Khi những phụ nữ khá giả có con, họ có những bác sĩ tốt nhất, y tá tốt nhất, chế độ ăn uống tốt nhất, dưỡng nghỉ tốt nhất và thể dục tốt nhất. Phụ nữ tầng lớp lao động không được hưởng những lợi thế này, và thường xuyên con trẻ của họ chết vì thiếu chúng. Một ít đã được những cơ quan công quyền thực hiện trong đường lối chăm sóc những bà mẹ, nhưng rất miễn cưỡng. Tại thời điểm hiện tại. khi sự cung cấp sữa cho con bú bị cắt giảm để tiết kiệm công quĩ,  Nhà chức trách sẽ tiêu tốn một khoản tiền lớn để tráng nhựa mặt đường những khu vực có dân cư giàu có, nơi có ít lưu thông. Họ phải biết rằng trong quyết định này, họ đã lên án một số lượng nhất định trẻ em của tầng lớp lao động phải chết, vì cha mẹ chúng phạm tội đói nghèo. Thế nhưng đảng cầm quyền được hỗ trợ bởi đa số lớn mênh mông của những thày chăn chiên của tôn giáo, là những người, với vị vua chiên đứng đầu của họ, đã cam kết những lực lượng rộng lớn của mê tín dị đoan trên toàn thế giới để sự hỗ trợ cho sự bất công xã hội.

Trong tất cả những giai đoạn của giáo dục, ảnh hưởng của mê tín dị đoan là thảm họa. Một tỷ lệ phần trăm nhất định nào đó trong trẻ em có thói quen suy nghĩ; một trong những mục tiêu của giáo dục là để chữa chúng hết khỏi thói quen này. Những câu hỏi phiền phức của chúng được đón nhận với “im đi, im đi”, hoặc với sự trừng phạt. Cảm xúc tập thể được sử dụng để truyền ngấm cho một số loại tín ngưỡng nhất định nào đó, những loại đặc biệt hơn là có tính quốc gia dân tộc. Những nhà tư bản, quân phiệt, và những thày chăn chiên hợp tác với nhau trong giáo dục, vì tất cả quyền lực của họ phụ thuộc trên trên sự phổ biến của tính dễ bị cảm động và sự hiếm hoi của phán đoán lý trí. Với sự trợ giúp của bản chất con người, giáo dục thành công trong việc tăng thêm và làm mạnh thêm những thiên hướng này của con người trung bình.

Một cách khác, trong đó mê tín dị đoan làm thiệt hại giáo dục là qua ảnh hưởng của nó trong sự lựa chọn những người dạy học. Vì những lý do kinh tế, một giáo viên phụ nữ không được kết hôn, vì những lý do đạo đức, cô phải không có những quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Ấy thế nhưng tất cả những ai là người nhận lấy khó nhọc đề  nghiên cứu tâm lý học bệnh tật biết rằng kéo dài trinh tiết, như một quy luật, cực kỳ có hại cho phụ nữ, có hại cho đến nỗi, trong một xã hội lành mạnh, nó sẽ là can ngăn nghiêm trọng trong giới cô giáo. Những hạn chế áp đặt đã đưa đến nhiều hơn và nhiều hơn nữa một từ chối, về phần của những phụ nữ năng động và có đầu óc tổ chức, gia nhập nghề dạy học. Đây tất cả là do ảnh hưởng kéo dài của mê tín dị đoan từ lý thuyết tu hành khổ hạnh Kitô.

Ở những trường dạy lớp trung và cao đẳng, vấn đề này thậm chí còn tồi tệ hơn. Có dịch vụ nhà nguyện, và sự chăm sóc về đạo đức là trong tay của giới thày chăn chiên. Những nhà chăn chiên, gần như nhất thiết, thất bại trong cả hai đường như những thày giáo về đạo đức. Họ lên án những hành vi không gây hại gì, và họ tha thứ những hành vi vốn gây tác hại lớn lao. Họ lên án tất cả những mối quan hệ tình dục giữa những người chưa lập gia đình, đây là những người yêu nhau nhưng chưa chắc chắn rằng họ có muốn sống chung với nhau xuốt đời hay không. Hầu hết trong số họ lên án kiểm soát sinh sản. Không ai trong số họ lên án sự tàn bạo của một người chồng làm vợ của mình chết vì mang thai quá thường xuyên. Tôi biết một thày chăn chiên lịch sự sang trọng, vợ ông đã có chín người con trong chín năm. Những bác sĩ bảo ông rằng nếu bà ấy có thêm một đứa nữa, bà sẽ chết. Năm sau bà đã có một đứa và đã qua đời. Không ai lên án ông, ông giữ địa vị quyền lợi mục sư của mình, và kết hôn một lần nữa. Cho đến chừng nào những thày chăn chiên tiếp tục làm ngơ sự tàn ác và lên án thú vui vô tội, như những người giám hộ đạo đức cho giới trẻ, họ chỉ có thể gây tai hại.

Một tác động xấu khác nữa của sự mê tín trên giáo dục là sự vắng mặt của hướng dẫn về những sự kiện của quan hệ tình dục. Những sự kiện sinh lý chính nên được giảng dạy khá đơn giản và tự nhiên trước khi đến tuổi dậy thì, ở một thời gian khi chúng không hào hứng sôi động. Khi đến tuổi dậy thì, những yếu tố của một đạo đức tình dục không mê tín dị đoan phải được giảng dạy. Trai và gái cần được dạy rằng không có gì có thể biện minh cho quan hệ tình dục trừ khi có tình cảm thương yêu lẫn nhau. Điều này là trái với giáo dục của hội Nhà thờ, vốn chủ trương rằng, miễn là hai bên đã đã lập gia đình và người đàn ông mong muốn một đứa con khác, giao hợp là chính đáng dù cho người vợ có phải miễn cưỡng chịu đựng nhiều cho đến đâu đi nữa. Trẻ con, trai và gái cần được giảng dạy tôn trọng tự do của nhau, chúng nên được đào tạo để cảm thấy rằng không có gì cho phép một người là có quyền trên một người khác, và rằng ghen tuông và sự chiếm hữu giết chết yêu thương. Họ nên được dạy rằng để mang một con người khác vào trong thế giới là vấn đề rất nghiêm trọng, chỉ nên được thực hiện khi đứa trẻ sẽ có một tiềm năng hợp lý về sức khỏe, môi trường xung quanh tốt, và sự chăm sóc của cha mẹ. Nhưng họ cũng nên được giảng dạy phương pháp kiểm soát sinh đẻ, để bảo đảm rằng trẻ sẽ con chỉ ra đời khi chúng được mong muốn. Cuối cùng, họ nên được giảng dạy sự nguy hiểm của những bệnh di truyền đường tình dục, và những phương pháp phòng và chữa bệnh. Việc gia tăng hạnh phúc của con người được dự kiến từ giáo dục giới tính trên những dòng này là vô hạn.

Nên được công nhận, trong trường hợp không có trẻ em, những quan hệ tình dục là một vấn đề thuần túy riêng tư, nó không bận tâm đến nhà nước hoặc hàng xóm. Một số hình thức nào đó của quan hệ tình dục không đưa đến sinh nở trẻ em hiện nay bị pháp luật hình sự trừng phạt: điều này là hoàn toàn mê tín dị đoan, Vì nội dung là một vấn đề nó ảnh hưởng đến không ai ngoại trừ những bên liên hệ trực tiếp. Trong trường hợp có trẻ em, nó là một sai lầm để giả định rằng nhất thiết phải là quyền lợi của chúng để làm cho ly dị thành rất khó khăn. Thói quen say rượu, tàn ác, mất trí điên rồ là những nền tảng trên đó sự  ly dị là cần thiết vì lợi ích của trẻ em, cũng nhiều như lợi ích của mỗi bên, người vợ hoặc chồng. Tầm quan trọng đặc biệt hiện nay gắn liền với ngoại tình là khá vô lý. Điều hiển nhiên là nhiều những hình thức của hành vi sai trái gây là gây tử vong cho hạnh phúc hôn nhân hơn là một vài dịp ngoại tình, không chung thủy. Khăng khăng từ phái nam về mỗi năm một đứa con, vốn thông thường không cho là hành vi sai trái hoặc tàn ác, là gây nên tử vong nhiều nhất tất cả.

Quy tắc đạo đức phải không nên kiểu như khiến hạnh phúc theo bản năng không thể có được. Tuy thế nhưng đó là một tác động của chế độ một vợ một chồng nghiêm ngặt, trong một cộng đồng có số của hai giới tính là rất không đồng đều. Tất nhiên, trong những hoàn cảnh như vậy, những quy tắc đạo đức bị vi phạm. Nhưng khi những quy luật là giống như chúng chỉ có thể được tuân thủ bằng cách lớn lao giảm đi hạnh phúc của cộng đồng, và khi nó là tốt hơn họ nên bị vi phạm thay vì được tuân thủ, chắc chắn đó là thời điểm những quy tắc được thay đổi. Nếu điều này không được thực hiện, nhiều người là người đang hành động trong một cách không trái với lợi ích công cộng phải đối mặt với sự thay thế không xứng đáng là đạo đức giả hoặc bị mang tai tiếng. Hội Nhà thờ không ngại chuyện đạo đức giả, vốn là một tâng bốc bề ngoài cho sức mạnh của nó, nhưng ở nơi nào khác, đã đi đến nhận thức nó như một điều ác độc mà chúng ta không nên xem nhẹ gây ra.

Thậm chí còn tai hại nhiều hơn so với mê tín dị đoan thần học là mê tín dị đoan của chủ nghĩa ái quốc, về nhiệm vụ một người với Nhà nước của mình và không với ai khác. Nhưng tôi không nhân dịp này để đề nghị thảo luận về vấn đề, vượt ngoài việc chỉ ra rằng sự giới hạn với đồng bào của một người là trái với những nguyên tắc của yêu thương mà chúng ta công nhận như tạo dựng đời sống tốt đẹp. Tất nhiên, nó cũng trái nghịch với tư lợi được giác ngộ, vì một chủ nghĩa dân tộc cực đoan (nếu loại trừ tất cả, sẽ) không đem lại lợi lộc gì với ngay cả những những quốc gia chiến thắng.

Một phương diện khác trong đó xã hội chúng ta bị khái niệm thần học về "tội lỗi" làm điêu đứng là sự đối xử với những tội phạm. Quan điểm cho rằng những tội phạm là “kẻ ác” và “xứng đáng” trừng phạt, không phải là một khái niệm vốn một đạo đức lý trí có thể ủng hộ. Không hồ nghi gì rằng có một số người làm những việc mà xã hội mong muốn ngăn chặn, và xã hội làm đúng trong việc ngăn chặn càng nhiều càng tốt. Chúng ta có thể lấy chuyện giết người như trường hợp trắng đen rõ ràng nhất. Hiển nhiên, nếu một cộng đồng được ràng buộc với nhau, và chúng ta có vui hưởng những niềm vui và lợi thế của nó, chúng ta không thể để cho người ta giết lẫn nhau bất cứ khi nào họ cảm thấy có một động lực thúc đẩy làm như vậy. Tuy nhiên, vấn đề này nên được được đối xử trong một tinh thần thuần túy khoa học. Chúng ta nên hỏi đơn giản: phương pháp nào phòng ngừa giết người là tốt nhất? Trong hai phương pháp hữu hiệu như nhau trong việc ngăn ngừa tội giết người, phương pháp nào liên quan đến ít gây tác hại nhất cho kẻ giết người thì nên được chọn lựa. Gây hại cho kẻ giết người là hoàn toàn đáng tiếc, giống như sự đau dớn trong một giải phẫu y khoa. Nó có thể cũng ngang bằng là cần thiết, nhưng nó không phải là một chủ đề lấy làm vui mừng. Cảm giác báo thù được gọi là “sự căm phẫn đạo đức” chỉ đơn thuần là một hình thức của sự tàn ác. Đau khổ cho tội phạm không bao giờ có thể được biện minh bởi khái niệm trừng phạt báo thù. Nếu giáo dục kết hợp với lòng tử tế có hiệu quả bằng nhau, nó thì để được ưa chuộng; nó lại còn để được ưa chuộng hơn nếu như nó nhiều hiệu quả hơn. Tất nhiên, sự ngăn ngừa tội phạm và sự trừng phạt tội phạm hai câu hỏi khác nhau; đối tượng của sự gây đau đớn cho tội phạm, thì được giả định là để làm thoái chí. Nếu những nhà tù mà đã hết sức nhân bản khiến một tù nhân được hưởng một giáo dục tốt đẹp nhưng miễn phí, người ta có thể phạm tội để hội đủ điều kiện vào nhà tù. Nên không phải nghi ngờ nhà tù phải là ít dễ chịu hơn so với tự do, nhưng cách tốt nhất để bảo đảm kết quả này là làm cho tự do dễ chịu hơn nó đôi khi là như trong hiện nay. Tuy nhiên, tôi không muốn bắt đầu vào vấn đề của Cải cách Hình sự. Tôi chỉ đơn giản muốn đề nghị rằng chúng ta nên đối xử với tội nhân như chúng ta đối xử với một con người đau khổ đương mắc bệnh dịch. Mỗi một người là một mối nguy hiểm công cộng, mỗi một người phải có tự do của mình bị cắt giảm cho đến khi người này thôi không còn là một mối nguy hiểm. Nhưng con người đau khổ vì bệnh dịch là một đối tượng của sự thương cảm và xót xa ái ngại, trong khi hình sự là một đối tượng của sự ghét cay ghét đắng. Điều này là hoàn toàn không hợp lý. Và đó là vì sự khác biệt này trong thái độ mà những nhà tù của chúng ta quá ít thành công hơn nhiều trong việc chữa trị những khuynh hướng tội lỗi so với những bệnh viện của chúng ta trong chữa lành bệnh tật.


IV. Sự cứu rỗi:  cá nhân và xã hội

Một trong những thiếu xót của tôn giáo truyền thống là chủ nghĩa cá nhân của nó, và thiếu xót này cũng thuộc về đạo đức liên kết với nó. Như truyền thống, đời sống tôn giáo đã là, như nó đã là, một nói chuyện tay đôi giữa linh hồn và Gót. Tuân theo ý chí của Gót đã là đức hạnh, và điều này đã có thể có được khá hoàn toàn cho mỗi cá nhân bất kể tình trạng của cộng đồng. Những giáo phái Tin Lành khai triển ý tưởng của việc “tìm kiếm sự cứu rỗi”, nhưng nó đã luôn luôn có mặt trong giảng dạy của đạo Kitô. Chủ nghĩa cá nhân này cho mỗi linh hồn riêng biệt đã có giá trị của nó ở những giai đoạn nhất định của lịch sử, nhưng trong thế giới hiện đại, chúng ta đúng hơn thà cần một khái niệm về phúc lợi mang tính xã hội hơn là cá nhân. Tôi muốn xem xét, trong phần này, điều này ảnh hưởng thế nào đến quan niệm của chúng ta về đời sống tốt đẹp.

Đạo Kitô phát sinh ở đế quốc LaMã trong những đám dân cư, hoàn toàn thiếu thốn quyền lực chính trị, những Nhà Nước quốc gia của họ đã bị phá hủy và bị sát nhập vào một khối kết tập bao la không tính cá nhân. Trong ba thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Kitô, những cá nhân là người cải theo đạo Kitô đã không thể thay đổi được những tổ chức chính trị hoặc xã hội trong đó họ sinh sống, mặc dù họ đã được thuyết phục sâu sắc về sự xấu xa của chúng. Trong những trường hợp này, điều tự nhiên là họ sẽ chấp nhận niềm tin rằng một cá nhân có thể được toàn hảo trong một thế giới không toàn hảo, và rằng đời sống tốt đẹp không có gì dính líu với thế giới này. Những gì tôi hàm nghĩa có thể trở nên đơn giản bằng cách so sánh với Republic của Plato. Khi Plato muốn mô tả đời sống tốt đẹp, ông đã mô tả toàn bộ một cộng đồng, không chỉ một cá nhân, ông đã làm như vậy để nhằm định nghĩa công lý, vốn trong yếu tính nó là một khái niệm xã hội [12]. Ông đã quen với tư cách công dân của một chính thể cộng hòa, và trách nhiệm chính trị là một gì đó mà ông nhận như có sẵn đấy. Với sự mất đi của tự do Hylạp đã đi đến sự nổi lên của chủ nghĩa của những người Stoics [13], vốn nó giống như đạo Kitô, và không giống như Plato, trong một khái niệm mang tính chất cá nhân về đời sống tốt đẹp.

Chúng ta, những người thuộc về những nền dân chủ lớn, nên tìm một đạo đức thích hợp trong Athens tự do, hơn là trong đế quốc LaMã chuyên chế. Tại ẤnĐộ, nơi những hoàn cảnh chính trị rất tương tự như của xứ Judea trong thời của Christ, chúng ta tìm thấy Gandhi rao giảng một đạo đức rất tương tự với của Christ, và vì nó ông đã bị những người thừa kế Pontius Pilate Kitô hóa đem trừng phạt. Nhưng những nhà dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ cực đoan hơn không hài lòng với sự cứu rỗi cá nhân: họ muốn muốn sự cứu rỗi quốc gia. Trong điều này, họ đã nhận lấy viễn ảnh của những nền dân chủ tự do của phương Tây. Tôi muốn đưa ra giả thuyết là một số khía cạnh trong viễn ảnh này, do ảnh hưởng của đạo Kitô, là chưa đủ táo bạo và tự ý thức, nhưng nó vẫn còn bị niềm tin vào sự cứu rỗi cá nhân cản trở.

Cuộc sống tốt đẹp, như chúng ta quan điểm được, đòi hỏi một đông đảo nhiều điều kiện xã hội, và không thể thực hiện được không có chúng. Cuộc sống tốt đẹp, chúng ta đã nói, là một cuộc sống lấy cảm hứng từ yêu thương và được kiến ​​thức hướng dẫn. Kiến ​​thức cần thiết chỉ có thể hiện hữu nơi nào những chính phủ hoặc những nhà triệu phú tự họ cống hiến cho sự khám phá và truyền bá của nó. Lấy thí dụ, sự lan rộng của bệnh ung thư là ở mức báo động –chúng ta sẽ làm gì về nó đây? Tại thời điểm hện nay, không ai có thể trả lời câu hỏi vì thiếu kiến thức, và kiến ​​thức là không có xác xuất xảy ra ngoại trừ qua nghiên cứu được tài trợ. Lại nữa, kiến ​​thức khoa học, lịch sử, văn học và nghệ thuật phải là tất cả những ai mong muốn nó có thể có được; điều này đòi hỏi những dàn xếp tỉ mỉ công phu về phần của những cơ quan công quyền, và không thể đạt được bằng phương tiện của sự thay đổi tôn giáo. Sau đó, có ngoại thương, vốn thiếu nó một nửa dân chúng Vương quốc Anh sẽ bị đói ăn, và nếu chúng ta bị đói, rất ít người trong chúng ta sẽ sống đời sống tốt đẹp. Không cần phải nhân lên nhiều những thí dụ. Điều quan trọng trong tất cả những sự khác biệt giữa một đời sống tốt và đời sống xấu, là thế giới là một thống nhất, và ai là con người giả vờ mình sống độc lập là một ký sinh trùng có ý thức hoặc vô thức.

Ý tưởng của sự cứu rỗi cá nhân, với nó những người theo đạo Kitô buổi đầu đã tự an ủi họ trước sự khuất phục về chính trị của họ, trở nên không thể được, ngay một khi chúng ta thoát ra từ một quan niệm rất chật hẹp về đời sống tốt đẹp. Trong khái niệm Kitô chính thống, đời sống tốt đẹp là đời sống đạo hạnh, và đạo hạnh bao gồm trong sự vâng phục ý chí của Gót, và ý chí của Gót được mạc khải cho từng cá nhân qua tiếng nói của lương tâm. Toàn bộ khái niệm này là khái niệm của những con người làm đối tượng cho một chế độ chuyên chế ngoại lai áp bức. Đời sống tốt đẹp, ngoài đức hạnh, còn liên quan đến nhiều - như trí thông minh, lấy thí dụ. Và lương tâm là một hướng dẫn trá ngụy sai lầm nhất, vì nó bao gồm những hồi tưởng mơ hồ về những giới răn, giáo huấn đã nghe trong thiếu thời, vì vậy nó không bao giờ khôn ngoan hơn so với những người vú nuôi hoặc mẹ của người sở hữu. Để sống một đời sống tốt đẹp trong ý nghĩa đầy đủ nhất, một người phải có một nền giáo dục tốt, bạn bè, yêu thương, con cái (nếu muốn có chúng), một thu nhập đủ để giữ người ta khỏi thèm muốn và lo lắng nghiêm trọng, sức khỏe tốt, và công việc mà không nhàm chán. Tất cả những điều này, trong những mức độ khác nhau, phụ thuộc vào cộng đồng, và được những sự kiện chính trị giúp đỡ hoặc cản trở. Đời sống tốt đẹp phải được sống trong một xã hội tốt đẹp, và không phải là hoàn toàn có thể khác được.

Đây là khiếm khuyết nền tảng của lý tưởng quý tộc. Một số những điều tốt đẹp, chẳng hạn như nghệ thuật và khoa học và tình bạn, có thể nẩy nở rất đẹp trong một xã hội quý tộc. Chúng đã hiện hữu ở Hylạp trên cơ sở của chế độ nô lệ, chúng hiện hữu giữa chúng ta trên cơ sở của sự bóc lột. Nhưng yêu thương, trong hình thức của sự cảm thông, hoặc lòng thương người, không thể hiện hữu một cách tự do trong một xã hội quý tộc. Giới quý tộc phải tự thuyết phục chính mình rằng người nô lệ, hoặc vô sản, hoặc da màu là được đúc bằng đất sét kém phẩm chất, và những đau khổ của hắn ta là không thành vấn đề. Tại thời điểm hiện tại, những nhà quý phái Anh lịch sự quất roi vào những người châu Phi mạnh đến nỗi họ chết sau những giờ thống khổ không thể nói được. Ngay cả khi những quý ông này là những người đầy giáo dục, có khiếu thưởng ngoạn nghệ thuật và là những nhà bảo thủ đáng ngưỡng mộ, tôi không thể thú nhận rằng họ đang sống đời sống tốt đẹp [14]. Bản chất con người áp đặt một số giới hạn của sự cảm thông, nhưng không phải là một mức độ giống như vậy. Trong một xã hội có đầu óc dân chủ, chỉ có một tên điên cuồng mới cư xử theo cách này. Sự giới hạn của sự cảm thông trong lý tưởng quý tộc là sự lên án của nó. Sự cứu rỗi là một lý tưởng quý tộc, vì nó là cá nhân. Cũng vậy, vì lý do này, ý tưởng về sự cứu rỗi cá nhân, dù được giải thích và mở rộng như thế nào đi nữa, không thể dùng được cho định nghĩa về đời sống tốt đẹp.

Một đặc điểm khác nữa của sự cứu rỗi là nó là kết quả của một thay đổi có tính tai biến, giống như việc chuyển đạo của Paul [15], thánh đạo Kitô. Bài thơ của Shelley [16] đủ khả năng một minh họa quan niệm này áp dụng cho xã hội; thời điểm đến khi tất cả mọi người cải đạo, “những thủ lãnh” bay lên, và “thời đại lớn lao của thế giới bắt đầu lại mới’.  Có thể nói được rằng một nhà thơ là một người không quan trọng, những ý tưởng của ông không có tác động hậu quả. Nhưng tôi được thuyết phục rằng một tỷ lệ lớn của những nhà lãnh đạo cách mạng đã có những ý tưởng cực kỳ giống như của Shelley. Họ đã nghĩ rằng nghèo khổ và tàn ác, và băng hoại là do những bạo chúa, hoặc những thày chăn chiên, hay những nhà tư bản, hay những người Đức, và rằng nếu những nguồn của xấu ác này bị lật đổ, sẽ có một sự thay đổi chung trong lòng người, và tất cả chúng ta sau đó sẽ mãi mãi sống hạnh phúc. Giữ chặt những niềm tin này, họ đã sẵn sàng gây một cuộc “chiến để chấm dứt những cuộc chiến”. Tương đối may mắn là những ai là người đã bị đánh bại hoặc chết trận, còn những ai là người đã có bất hạnh hiện ra chiến thắng, đã bị giảm xuống chủ nghĩa hoài nghi cay đắng, và tuyệt vọng vì sự thất bại của tất cả những hy vọng bừng sáng của họ. Nguồn cuối cùng của những hy vọng này đã là lý thuyết đạo Kitô về sự chuyển đạo một cách tai biến như con đường đến sự cứu rỗi.

Tôi không muốn đưa ra giả thuyết rằng những cuộc cách mạng là không bao giờ cần thiết, nhưng tôi muốn cho thấy rằng chúng không là những con đường tắt đi đến thời đại hoàng kim. Không có đường tắt đến đời sống tốt đẹp, dù là cá nhân hoặc xã hội. Để xây đắp đời sống tốt đẹp, chúng ta phải xây dựng sự thông minh, tự chủ, và cảm thông. Điều này là một nội dung định lượng, một nội dung của sự cải thiện dần dần, của huấn luyện từ sớm, của thử nghiệm giáo dục. Chỉ có sự thiếu kiên nhẫn mới nhắc nhở niềm tin vào khả năng cải thiện đột ngột. Sự cải thiện dần dần đó là có thể, và những phương pháp bằng cách mà nó có thể đạt được, là một vấn đề cho khoa học trong tương lai. Nhưng một gì đó có thể thể nói giờ đây. Một vài phần của những gì có thể nói được, tôi sẽ cố gắng chỉ ra trong một phần cuối cùng.




V. Khoa học và Hạnh phúc

Mục đích của những nhà luân lý là cải thiện hành vi của con người. Đây là một tham vọng đáng khen ngợi, vì hành vi con người phần nhiều là phần tồi tệ đáng trách nhất. Nhưng tôi không thể ca ngợi nhà đạo đức, hoặc vì những cải tiến cụ thể ông mong muốn, hoặc vì những phương pháp ông chấp nhận để đạt đến chúng. Phương pháp bên ngoài của ông là hô hào cổ vũ đạo đức; phương pháp thực sự của ông (nếu ông là người chính thống) là một hệ thống kinh tế gồm những thưởng và phạt.

Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất
(Dec/2011)
http://chuyendaudau.blogspot.com/



[1] ethics: luân lý - morals: đạo đức – Chúng ta thường dùng hai từ này như đồng nghĩa; Nhưng giữa chúng có sự khác biệt. Nói tổng quát, đạo đức mang tính cách cá nhân và luân lý mang tính cách xã hội. Nói khác đi luân lý chỉ những qui luật hay những tiêu chuẩn về các hành xử mà một tập thể mong đợi những thành viên của mình tuân theo, và nếu ai tuân theo, sẽ được tập thể xem là có đạo đức. Thí dụ luân lý gia đình, nghề nghiệp, luân lý của một tôn giáo, quốc gia. Như thế đạo đức của một cá nhân thường không thay đổi, hay thay đổi chậm hơn, nhưng luân lý của tập thể mà cá nhân ấy là thành phần có thể thay đổi, và khá khác biệt. Tuy nhiên đạo đức cá nhân cũng tùy thuộc trên luân lý tập thể. Đó là điểm Russell nhấn mạnh ở đây, về phần đạo đức cá nhân, mỗi chúng ta nên tìm kiếm và thiết lập cho mình một đạo đức sáng suốt, dựa trên lòng thương người và kiến thức, đừng vội chấp nhận những luân lý trong tôn giáo sẵn có, như trong trường hợp của ông, luân lý của đạo Kitô chẳng hạn, hay của chúng ta có thể là luân lý Khổng Mạnh, vì nếu suy nghĩ khách quan và tự chủ, chúng ta sẽ thấy trong đó có những qui luật không còn hợp thời, phản những giá trị đạo đức của chúng ta riêng, hay phản tri thức.
Lấy một thí dụ sẽ cho thấy khác biệt giữa đạo đức và luân lý – trong trường hợp một luật sư, đạo đức cá nhân trong ông có thể thấy khách hàng ông nhận bào chữa là vô đạo đức và đáng chịu lên án, nhưng luân lý nghề nghiệp buộc ông buộc ông phải gạt đạo đức cá nhân sang một bên, đừng để ảnh hướng vào sự tận tâm bào chữa cho người này, vì trong một hệ thống pháp lý, kẻ bị buộc tội phải được xét xử công bằng và chỉ đi đến kết tội một khi không có nghi ngờ hợp lý nào còn có thể đặt ra.
Nếu hiểu chặt chẽ như trên, chúng ta nên nói – luân lý Khổng Mạnh, chứ không - đạo đức Khổng Mạnh; tương tự, đạo đức của nhà văn Nhất Linh, nhưng luân lý trong Đoạn Tuyệt, tác phẩm của ông, hiểu như một hệ thống những giá trị đạo đức của xã hội Việt nam cũ thể hiện trong đó, nay ông hô hào đổi mới.

Cùng một ý, trong Đạo đức và Luân lý Đông Tây (1925), chúng ta gặp Phan Chu Trinh, cụ đã phân biệt:
Xưa nay ta học chỉ đọc ngoài miệng thôi, ít khi chịu tách bạch cho phân minh từng nghĩa nên nhiều khi hiểu lầm. Như chữ đạo đức và luân lý ta thường cho là một nghĩa chớ không biết rằng đạo đức là đạo đức, luân lý là luân lý. Đạo đức gồm cả luân lý mà luân lý chỉ là một phần trong đạo đức mà thôi. Đã là người thì cần có nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, cần, kiệm. Nhân là có lòng thương người, nghĩa là làm việc phải, lễ là ăn ở cho có lễ độ, trí để làm việc cho đúng, tín là nói với ai cũng giữ lời cho người ta tin mình mới làm được việc, cần là làm việc siêng năng, kiệm là ăn ở dành dụm trong lúc no để phòng lúc đói, lúc có để phòng lúc không v.v.. Người có đạo đức là người ở trong đạo làm người vậy. Đạo đức như thế thi không có mới có cũ, có đông có tây nào nữa, nghĩa là nhất thiết đời nào, người nào cũng giữ được cái đạo đức ấy mới là trọn vẹn. Dầu nhà bác học xướng ra học thuyết nào khác nữa, dầu chính thể khác nhau hoặc dân chủ, hoặc quân chủ, hoặc cộng sản nữa, cũng không tài nào vượt qua khỏi chân lý của đạo đức nghĩa là đạo đức thì không bao giờ thay đổi được.
Luân lý thì không thế. Luân lý có thể thay đổi được luôn. Luân lý thì mỗi người mỗi khác. Thí dụ như nước ta về thời nhà Đinh lập được năm bà Hoàng Hậu mà đến các đời sau như Lê, Lý, Trần, Tây Sơn, Nguyễn, thì chỉ lập có một hoàng hậu mà thôi; như đời Trần thì người trong họ được lấy nhau mà tục ấy đời sau lại cấm. Đời nhà Trần khi nào trong nước có giặc thì vua triệu những bậc phụ lão trong nước vào điện để bàn bạc, mà đến đời sau thì chỉ một lũ vua tôi làm chuyên chế với nhau mà thôi.
Lại thí dụ như xứ này hễ cha mẹ chết thì đem ăn thịt hoặc đốt đi, mới gọi là hiếu, mà xứ kia thì phải làm đám táng có kèn trống linh đình mới phải đạo làm con. Xem những cớ đó thì đủ biết rằng luân lý có phải là thứ thiên niên bất dịch đâu mà kỳ thật có thể tùy thời mà thay đổi vậy. Người ta có thể thay đổi luân lý mà không thể thay đổi được đạo đức. Ấy luân lý và đạo đức khác nhau là thế. Nói cho rõ hơn là luân lý như cái áo tùy người lớn nhỏ mà thay đổi, nhưng cũng không mất hình cái áo đi, chí như đạo đức là như cơm, như nước, như đồ bổ dưỡng, cần cho mọi người dẫu muốn thay đổi cũng không thay đổi được, nếu thay đổi được là đạo đức giả.
Tôi giải rõ hai chữ luân lý và đạo đức khác nhau như thế là cốt ý sẽ bàn về sự thay đổi luân lý của nước ta và đề phòng khi anh em đông vào nghe đến “thay đổi luân lý” khỏi lấy làm giật mình”.
[2] Jeremy Bentham (1748-1832): nhà kinh tế học, triết gia về chính trị và luật học, và nhà cải cách xã hội  người nước Anh. Ông cũng được xem như người sáng lập chủ nghĩa Thực Dụng (utilitarianism) , nổi tiếng với công thức – cứu cánh thích đáng của hành động là đạt đến tối đa hạnh phúc cho đám đông lớn nhất.
Enlightened self-interest - “tư lợi được giác ngộ” – là một quan điểm triết lý về luân lý cho đạo đức có nền tảng là tư lợi, nhưng một thứ tư lợi sáng xuốt, không thiển  cận, nhìn theo về lâu về dài, Russell tóm lược tài tình và ngắn gọn ở trên – phát biểu rằng những cá nhân nào hành động để mở rộng ích lợi cho những người khác (hay ích lợi của tập thể, cộng đồng của họ) tận cùng sẽ đi đến phục vụ cho chính quyền lợi của họ, nghĩa là cho tư lợi cá nhân.
[3] Bertrand Russell, khi xuất hiện trên chương trình tivi nước Anh, BBC Face-to-Face (Mặt đối Mặt), năm 1959, đã trả lời – như lời nhắn với nghìn sau -  câu hỏi kết thúc cuộc phỏng vấn này như sau:

-        "Thưa ngài Russell, giả sử như bộ phim này sẽ được con cháu của chúng ta xem, một thời gian ngàn năm sau, như những cuộn văn mới khám phá được của tập sách cổ tìm thấy ở vùng Biển Chết (the Dead Sea scrolls); những gì ngài nghĩ là có giá trị để nói với thế hệ đó, về đời sống ngài đã sống và những bài học ngài đã học?”

-        "Tôi muốn nói hai điều, một về trí tuệ và một về đạo đức. Điều về trí tuệ tôi muốn nói là thế này: Khi bạn đang nghiên cứu bất cứ vấn đề gì, hoặc xem xét bất kỳ triết học nào, hãy tự hỏi mình về chỉ điều gì là sự kiện và điều gì là sự thật mà sự kiện mang lại. Không bao giờ để bản thân bị lay chuyển bởi những gì bạn hoặc muốn tin, hoặc bởi những gì bạn nghĩ rằng sẽ có tác động tốt cho xã hội nếu nó được tin. Nhưng chỉ nhìn, và duy nhất, vào những sự kiện là gì. Đó là điều về trí tuệ mà tôi muốn nói.

Điều về đạo đức tôi muốn nói ... tôi sẽ nói yêu thương là khôn ngoan, căm thù là ngu xuẩn. Trong thế giới này vốn nó đương gần nhau hơn và liên kết chặt chẽ với nhau hơn, chúng ta phải học để khoan dung lẫn nhau, chúng ta phải học để chịu đựng với một thực tế rằng có một số người nói những điều mà chúng ta không thích. Chúng ta chỉ có thể sống chung với nhau theo cách đó, và nếu chúng ta muốn sống chung với nhau và không chết cùng với nhau, chúng ta phải học một loại làm phúc thiện và một loại khoan dung vốn là tuyệt đối quan trọng chết sống với sự tiếp tục của sự sống loài người trên hành tinh này. "

(Mặt đối Mặt - BBC phỏng vấn Bertrand Russell, 1959). Những phát biểu trên của ông – nên đặt vào khung cảnh chiến tranh lạnh và thi đua vũ trang nguyên tử giữa hai khối Nga và Mỹ.
[4] Khái niệm đặc biệt của ba tôn giáo độc thần Abraham, tạm dịch là “tội lỗi” – nhưng không thực đúng, và còn sai lạc với nguyên ý – “sin” là làm trái ý gót.
Xem thêm: Bertrand Russell, Ý thức tội lỗi (The Sense of Sin) bản tôi dịch trên blog này.
[5] Một câu trong kinh Thánh: “Ngươi chớ nên nấu dê con trong sữa mẹ nó” - Exodus 23:19.
[6] Revelation
[7] Chỉ trong thế kỷ này thội, chúng ta có thể thấy bàn tay của hội nhà thờ Catô đằng sau các chính quyền quân phiệt độc tài ở châu Mỹ Latinh, Tây ban Nha Franco, cũng như bên cạnh chính quyền Mussolini và Hitler trong thế chiến tranh thứ II, và những cuộc chiến tranh diệt chủng, mới đây tại tại Serbia châu Âu, và hiện nay tại Rwandan châu Phi.
[8] Con hoang – trong các từ Anh Pháp, “bastard” là một lời nguyền rủa, miệt thị nặng nề. Không đơn giản như trong ngôn từ bình thường Việt nam, khi chúng ta nghe chê bai ai là “đồ con hoang”  – ý niệm đi kèm thường là vô hay thiếu giáo dục, vì không có ai dạy bảo; nhưng trong xã hội với luân lý Kitô, từ này có ý niệm đạo đức “tội lỗi” đi kèm. Con hoang là đứa con sinh ra trong tội lỗi (cha mẹ không kết hôn trong nà thừo, sinh ra chắc không được “rửa tội”), sống trong tội lỗi và sẽ chết trong tội lỗi; hoàn toàn là những khái niệm bất công, vô lý của một cái nhìn khắc nghiệt đến từ giáo điều Kitô.
[9] Nạn loạn luân trong xã hội Kitô Âu Mỹ có thể ở một mức độ nào đó phổ thông hơn khi so những xã hội có văn hóa hay tôn giáo khác. Lý do đông đảo Russell nêu trên có thể không vững hơn một lý do khác, nếu so sánh với những xã hội chật chội, đông con cái hơn châu Âu - ở Tàu và Ấn chẳng hạn. Theo tôi một lý do đứng vững hơn có thể tìm thấy trong ảnh hưởng của tập sách  kinh Thánh, trong đó có quá đông đảo những chuyện loạn luân, giữa cha con, anh chị em, cộng thêm yếu tố nữa là sự mê muội, hay Russell gọi là mê tín dị đoan trong giới tín đồ vốn bị nhồi sọ từ rất sớm, nên họ càng tin tưởng và tôn thờ những gì được đề cao là giá trị luân lý của tập sách – gọi nôm na là sách Thánh -  bao nhiêu, càng bị những sự kiện kể trong tập sách đó thu hút; và trong trường hợp những sự kiện loạn luân, dù không công khai thừa nhận, nhưng chúng có sức khêu gợi mãnh liệt âm thầm, và kích thích tâm lý đặc biệt bấy nhiêu. Tác dụng có lẽ tương tự như  trong nhà có treo nhan nhản những tranh ảnh gợi dục, hay trong tủ sách gia đình có những chuyện kể loạn luân, dù trước sau vẫn bảo là xấu, tội lỗi, bị cấm, hay đừng làm, không được làm!
[10] Điều này may mắn không còn hoàn toàn đúng nữa. Phần lớn những nhà lãnh đạo Tin Lành và Do Thái bây giờ không phản đối sự kiểm soát sinh sản. Phát biểu trên đây của Russell là một mô tả hoàn toàn chính xác trong những điều kiện khoảng năm 1925. Nó cũng quan trọng đáng ghi nhận, với một hoặc hai trường hợp ngoại lệ, tất cả những  người tiên phong lớn của sự kiểm soát sinh sản - Francis Place, Richard Carlile, Charles Knowlton, Charles Bradlaugh, và Margaret Sanger – đều đã là những nhà tư tưởng vô thần lỗi lạc, đứng ngoài hay phản đối Nhà Thờ. (Ghi chú của người biên tập).
Cho đến nay, chỉ còn nhà thờ Catô vẫn trước sau kiên quyết phản đối sự kiểm soát sinh sản, chống sự ngừa thai, và phá thai của phụ nữ, dù với những trường hợp bệnh tật di truyền cụ thể.
[11] Bishop – đẳng cấp cao trong tổ chức hội nhà Thờ, trách nhiệm về mức hành chính cấp thành phố hay tỉnh.
[12] Xem Plato, the Republic, bản tôi dịch và giới thiệu trên blog này.
[13] Stoicism
[14] chế độ thực dân xấu xa trong thế kỷ vừa qua, chúng ta là nạn nhân của những người Pháp, ở đây Russell nói về những đồng bào cùng gia cấp qúi tộc của ông. Tôi chưa được nghe một người Pháp nào lên án những người thực dân Pháp ở Đông Dương công khai và mạnh mẽ như vậy.
[15] Paul vốn tên Saul, trước là người theo đạo Do thái, từng đàn áp những người theo đạo Kitô, trước khi ông đổi sang theo đạo Kitô.
[16] Kịch thơ Hellas của Percy Bysshe Shelley.