Linh hồn là gì?
(What is the soul?
– 1929)
Bertrand Russell
(1872-1970)
Lời người dịch
Trong Why I Am Not a
Christian (1927) Russell có nhắc đến sự bất tử của linh hồn
là niềm tin cơ bản của những người theo Kitô, nhưng không bình luận gì thêm.
Bài viết này – tôi nghĩ – là để trở lại câu hỏi còn bỏ ngỏ đó.
Tôi dịch Linh hồn là gì? để
tiếp ý bài đã dịch trên.
Tuy vậy, bài luận thuyết này là một
biện luận cổ điển, giới thiệu quan điểm của Russell về thuyết nhất nguyên
(monism) chủ trương tâm trí và vật chất không khác, không đối lập nhau.
Riêng Russell, ông đứng về phía nhất nguyên trung tính (neutral monism)
– nhấn mạnh rằng thực tại, tuy hợp nhất, không tâm thần cũng không vật lý,
nhưng đúng hơn là một khối kết những thực thể trung tính. Ông định nghĩa thế giới
: “Thế giới bao gồm những biến cố, không phải những sự vật trường tồn một thời
gian dài và có những thuộc tính thay đổi”.
Một chiều đầu xuân, dưới cơn mưa
giông lộng gió, nhìn sóng dậy trắng mặt hồ xanh thẫm, để thấy thế giới là những
hiện tượng, những biến cố, có đó, mất đó,...không phải những thực thể dị tính.
Một lý thú khác – khi ông viết “trên
cơ sở của chính khoa vật lý, là cho đến nay cái mà chúng ta gọi là thân-xác-của-chúng
ta, thực sự nó là một cấu trúc khoa học phức tạp không tương ứng với một thực tại
vật chất nào cả.” Nghĩa là cái chúng ta gọi là thân thể chúng ta – nó
chỉ là một ý niệm, trong thực tại vật lý, không có cái gì là thân thể cả, có
da, thịt, xương, rồi tế bào, rồi những electrons, protons, những năng lượng
chuyển thể dạng liên tục từ những phản ứng hoá học nhất thời... Tất cả gợi những
dòng sau đây:
“Bấy giờ, Ðại đức Na Tiên chậm rãi
tâu lại nhà Vua rằng:
(...) Chẳng hay Ðại vương đến đây bằng
bộ hay bằng xe?
-- Bạch Ðại đức, trẫm đến bằng xe.
Chỉ khi tiến vào đây, trẫm mới đi chân.
(...) Na Tiên quay lại hỏi nhà Vua:
-- Tâu Ðại vương, Ðại vương bảo rằng
ngài ngự đến bằng xe. Ðó là ngài nói thật chứ?
-- Bạch Ðại đức, trẫm nói chắc thật.
-- Vậy xin Ðại vương cho bần tăng
biết rõ về cái xe. Gọng có phải là xe không?
-- Thưa, không phải.
-- Trục có phải là xe không?
-- Thưa, không phải.
-- Bánh có phải là xe không?
-- Thưa, không phải.
-- Căm có phải là xe không?
-- Thưa, không phải .
-- Thùng có phải là xe không?
-- Thưa, không phải.
-- Ách có phải là xe không?
-- Thưa, không phải.
-- Chỗ gác chân có phải là xe
không?
-- Thưa, không phải.
-- Mui có phải là xe không?
-- Thưa, không phải.
-- Dây cương có phải là xe không?
-- Thưa, không phải.
-- Hay cây roi là xe?
-- Thưa, không phải.
-- Hay tất cả những món ấy họp lại
và buộc chung với nhau là xe?
-- Thưa, không phải.
-- Hay ngoài những món ấy ra còn có
một món nào khác gọi là xe?
-- Thưa cũng không phải.
-- Hay tiếng khua động là xe?
-- Thưa, cũng không phải nốt.
-- Vậy chớ xe là cái gì?
Nhà Vua lặng thinh, không trả lời.”
(Kinh Na Tiên Tỳ Kheo – bản dịch
của Cao Hữu Ðính)
Chỉ thay “xe” bằng “thân xác” –
chúng ta trở lại với chúng ta, với Russell – hơn 2000 năm sau Milinda.
Lê Dọn Bàn
Linh hồn là gì?
Một trong những tình
huống nhọc lòng hơn cả do những tiến bộ khoa học gần đây đem lại, là mỗi bước
tiến lại làm chúng ta hiểu biết ít hơn so với trước đó đã tưởng. Thời tôi còn
trẻ, tất cả chúng ta đều biết, hay chúng ta tưởng chúng ta đã biết, rằng một
người gồm có linh hồn [1]
và thân xác; rằng thân xác trong không gian và thời gian, nhưng linh hồn chỉ
trong thời gian mà thôi. Linh hồn có tồn tại sau cái chết hay không tồn tại sau
cái chết – là chuyện tùy vào những quan điểm khác biệt, nhưng linh hồn đã được
nghĩ là có – thì không hồ nghi gì. Còn phần thân xác, dĩ nhiên với người
trần mắt thịt, sự hiện hữu của nó là hiển nhiên, và những nhà khoa học cũng thế,
nhưng nhà triết học với khuynh hướng phân tích, đã mổ xẻ nó, cách này sang cách
khác, thường qui giảm nó vào thành những ý niệm trong tâm trí (mind) [2]
con người mang thân xác ấy và bất kỳ ai khác có cơ hội nhận biết anh ta. Người
ta đã không xem nhà triết học cho nghiêm trọng lắm, và khoa học vẫn cứ ung dung
là duy vật [3], ngay cả
với những tay khoa học gia thật chính thống.
Sang thời bây giờ, những
điều giản lược cũ kỹ đẹp đẽ này thành ra mất hết cả: những nhà vật lý đoan chắc
với chúng ta không có cái thứ như là vật chất, và những nhà tâm lý đảm bảo với
chúng ta không có cái thứ như tâm trí. Đây là một điều trước đây chưa hề xảy
ra. Ai có từng nghe một anh thợ chữa giày nói là không có cái vật gọi là “bốt” [4]
chưa? Hay một ông thợ may khăng khăng là tất cả người trong thiên hạ đều “như
nhộng” – không? [5] Ấy đấy,
như thế cũng không có gì kỳ quặc hơn những gì những nhà vật lý và một số nhà
tâm lý từng và vẫn đang làm. Bắt đầu với nhóm thứ hai – những tâm lý gia – một
vài vị trong họ đã thử toan qui gọn tất cả những gì thường được xem như hoạt động
tâm thần sang thành một hoạt động của thân thể [6].
Tuy thế, có nhiều khó khăn khác nhau trong phương cách lược chuyển sinh hoạt
tâm thần sang sinh hoạt vật chất. Tôi không nghĩ chúng ta đã có thể nói với ít
nhiều chắc chắn nào là rồi đây những khó khăn này có thể hay không thể vượt
qua. Điều chúng ta có thể nói, chỉ trên cơ sở của chính khoa vật lý, là cho đến
nay cái mà chúng ta gọi là thân-xác-của-chúng ta, thực sự nó là một cấu trúc
khoa học phức tạp không tương ứng vói một thực tại vật chất nào cả. Thời nay,
những người trở thành duy vật, thấy mình ở trong một tư thế lạ lùng, vì, trong
khi ông ta có thể thành công đến một mức nào đó trong việc giản lược những sinh
hoạt của tâm trí thành sinh hoạt của thân xác, ông ta không thể giải thích cho
xuông xẻ được sự kiện là chính thân xác thì lại chỉ đơn giản là một khái niệm
tiện lợi do tâm trí tạo ra. Như thế chúng ta thấy chúng ta đi quanh trên một
vòng tròn; bắt nguồn từ thân xác là tâm trí, và sáng tạo của tâm trí là thân
xác. Hiển nhiên điều này không thể đúng cho lắm, và chúng ta phải tìm một cái
gì đó không tâm cũng không vật, không trí cũng không thân,
từ cái tìm ra– nếu được ấy – cả hai cùng khởi nguyên.
Chúng ta hãy bắt đầu
với thân xác. Người mộc mạc chất phác nghĩ rằng những đối tượng vật chất nhất định
phải là chắc chắn hiện hữu, vì chúng hiển nhiên với những giác quan. Cái gì nào
khác có thể ngờ, chứ thật hai năm rõ mười chắc chắn rằng cái gì mà bạn va vào
phải là thật; đây là siêu hình học của “người trần mắt thịt” mộc mạc chất phác.
Tất cả những cái này nghe thuận tai có lý lắm, nhưng nhà vật lý đi đến và chỉ rằng
bạn chẳng hề va vào cái gì hết thảy, ngay cả khi bạn trượt trán vào một cái tường
đá đi nữa, bạn không thực “chạm” nó. Khi bạn tin rằng bạn sờ tay, chạm chân vào
một vật, có những electrons và protons nào đó, chúng tạo thành thân xác bạn,
chúng bị hút gần và đẩy xa những electrons và protons nào đó trong vật mà bạn
nghĩ là bạn đang va chạm, chứ không có tiếp xúc thực sự nào cả. Những electrons
và protons trong cơ thể bạn, chúng trở nên lay động vì sự tiếp cận với những
electrons và protons khác, mất trạng thái tĩnh [7],
chúng truyền một tín hiệu nhiễu loạn theo hệ thần kinh đến não bộ; tác động
trong não bộ là những gì cần thiết để bạn có một cảm giác về sự tiếp xúc, và bằng
những thí nghiệm thích hợp, cái cảm giác này có thể hoàn toàn đánh lừa người ta
[8].
Còn về phần những electrons và protons, tuy thế, là chỉ bước đầu phỏng đoán thô
sơ, là một kiểu thu tóm chung – có thể là những đoàn sóng từ, hoặc có thể là một
thống kê xác xuất trên những biến cố (events) rất khác loại nghiêm trọng – vào
thành một khối gọn. Như thế, toàn thể vật chất đồng bộ trở thành quá hư ảo (too
ghostly) không thể làm thước đo chính xác mà “đánh” cái tâm thần (trừu tượng).
Chuyển động vật chất, trước đây không có gì nghi hoặc, nay thành ra một khái niệm
không còn xứng đủ nữavới nhu cầu của khoa vật lý [9].
Tuy nhiên, khoa học hiện đại không đưa ra bất kỳ một dấu hiệu nào về sự hiện hữu của linh hồn hay của tâm trí như một thực thể. Thực ra, những lý do không tin chúng là có – cũng rất giống những lý do không tin vật chất là có. Tâm thức và vật chất – chúng giống như con sư tử và con ngựa một sừng (unicorn) tranh nhau một vương miện; chung cuộc đấu sức không là chiến thắng của con này với con kia, nhưng là khám phá rằng cả hai đều chỉ là những vật vì cái huy hiệu mà bày đặt ra. Thế giới bao gồm những biến cố, không phải những sự vật trường tồn một thời gian dài và có những thuộc tính thay đổi [10]. Biến cố có thể thu tập thành nhóm tùy theo quan hệ nhân quả của chúng. Nếu quan hệ nhân quả thuộc về một loại nào đó, nhóm kết quả có thể được gọi là một đối tượng vật lý, và nếu quan hệ nhân quả thuộc về một loại nào đó khác, nhóm kết quả có thể được gọi là một tâm thức. Bất kỳ biến cố nào xảy ra trong đầu một người, sẽ thuộc vào những nhóm của cả hai loại vừa dẫn, Xem là thuộc vào nhóm loại này, nó là thành tố của não bộ anh ta, xem là thuộc vào nhóm loại kia, nó là thành tố của tâm thức anh ta.
Tuy nhiên, khoa học hiện đại không đưa ra bất kỳ một dấu hiệu nào về sự hiện hữu của linh hồn hay của tâm trí như một thực thể. Thực ra, những lý do không tin chúng là có – cũng rất giống những lý do không tin vật chất là có. Tâm thức và vật chất – chúng giống như con sư tử và con ngựa một sừng (unicorn) tranh nhau một vương miện; chung cuộc đấu sức không là chiến thắng của con này với con kia, nhưng là khám phá rằng cả hai đều chỉ là những vật vì cái huy hiệu mà bày đặt ra. Thế giới bao gồm những biến cố, không phải những sự vật trường tồn một thời gian dài và có những thuộc tính thay đổi [10]. Biến cố có thể thu tập thành nhóm tùy theo quan hệ nhân quả của chúng. Nếu quan hệ nhân quả thuộc về một loại nào đó, nhóm kết quả có thể được gọi là một đối tượng vật lý, và nếu quan hệ nhân quả thuộc về một loại nào đó khác, nhóm kết quả có thể được gọi là một tâm thức. Bất kỳ biến cố nào xảy ra trong đầu một người, sẽ thuộc vào những nhóm của cả hai loại vừa dẫn, Xem là thuộc vào nhóm loại này, nó là thành tố của não bộ anh ta, xem là thuộc vào nhóm loại kia, nó là thành tố của tâm thức anh ta.
Như thế cả tâm thức lẫn
vật chất đều chỉ không gì khác hơn là những cách thức tiện dụng xắp xếp những biến
cố. Không thể có lý do để giả thử hoặc một mảnh tâm thức hay một mảnh vật chất
là bất tử. Mặt trời giả thử là đang mất dần vật chất, cứ mỗi phút hàng triệu
triệu tấn năng lượng. Tính chất đặc biệt thiết yếu nhất của tâm trí là ký ức
(trí nhớ) – và không có bất cứ một lý do nào để giả thử rằng ký ức (memory)
nối kết với một người lại tồn tại sau khi người ấy chết. Ngược lại, có tất cả mọi
lý do, thực vậy, để nghĩ ngược lại mới là đúng. Bởi vì rõ rệt ký ức có nối vào
một loại cấu trúc nào đó của não bộ, và bởi vì cái cấu trúc này bị tan rã sau
khi chết, nên có tất cả mọi lý do để giả thử ký ức cũng phải dứt, không còn. Mặc
dù quan điểm duy vật siêu hình (Metaphysical materialism) [11]
không thể đúng, nhưng rồi với xúc cảm, nên thế giới này xem ra cũng thật là giống
gần hệt như trong trường hợp nếu như những nhà duy vật đã đúng. Tôi nghĩ những
người thuộc phía đối nghịch với quan điểm duy vật vẫn từng đã luôn luôn tác động
vì hai mong ước chính: thứ nhất là chứng minh tâm thức không chết, và thứ hai
chứng minh rằng quyền lực tối thượng trong vũ trụ là tâm thức thì đúng hơn là vật
chất. Trong cả hai chiều hướng này, tôi nghĩ những nhà duy vật đã đúng cả hai [12].
Ước muốn của chúng ta, thật đúng vậy, chúng có quyền năng đáng kể trên bề mặt của
quả đất; Phần rất lớn đất đai của hành tinh này tất đã có diện mạo khác đi nhiều,
nếu như con người đã không khai thác nó để lấy thực phẩm và của cải. Nhưng quyền
lực của chúng ta bị giới hạn rất chặt chẽ. Trong hiện tại, ngay giờ đây, chúng
ta không thể làm bất cứ được cái gì với mặt trời, hay với mặt trăng, hay trong
sâu lòng quả đất, và không có một mảy may lý do nào để giả thử ở những vùng mà
quyền lực chúng ta không với tới – những gì xảy ra tại đấy – lại có nhân từ tâm
thức (chúng ta). Nói như thế có nghĩa là, thu tóm vấn đề vào với gốc của nó cho
gọn, ngoại trừ trên mặt trái đất này – không có lý do để nghĩ rằng bất cứ điều
gì xảy ra vì có một ai đó “muốn” cho nó xảy ra. Và bởi vì quyền năng của
chúng ta trên mặt trái đất này hoàn toàn tùy thuộc vào nguồn năng lượng mặt trời
cung cấp cho quả đất, chúng ta thiết yếu lệ thuộc vào mặt trời, và bất kỳ ước
mong nào của chúng ta khó mà thành được, nếu vầng thái dương kia trở thành nguội
lạnh. Dĩ nhiên là cẩu thả nếu lý thuyết về những gì khoa học có thể thành tựu
được trong tương lai. Xem ra có thể chúng ta sẽ học được cách kéo sự sống con
người ra thêm cho dài hơn bây giờ. Nhưng nếu có một sự thật nào trong khoa vật
lý hiện đại, đặc biệt là trong luật thứ nhì của thermo-dynamics [13],
chúng ta không thể hy vọng loài người rồi đây sẽ cứ tồn tại mãi mãi. Có người
thấy cái chung cuộc này quá đen tối, nhưng nếu chúng ta thành thực với chính
mình, chúng ta sẽ phải nhận rằng những sự thể rồi sẽ xảy ra nhiều triệu triệu
năm mãi về sau này không khiến chúng ta quan tâm đến xúc cảm nhiều cho lắm – ở
đây và lúc này. Và khoa học, trong khi giảm thấp tầm vũ trụ những kỳ vọng của
chúng ta, nó làm tiện nghi trần gian chúng ta tăng lên vô cùng. Đó là lý do tại
sao, bất chấp sự kinh hoảng của những nhà thần học, khoa học nhìn chung, vẫn
luôn được khoan thứ và kính trọng [14].
Bertrand Russell (1929)
Bertrand Russell (1929)
(Trích từ tập “The
Will to Doubt”)
Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Jun/2009)
Các chú thích (và những sai lầm – nếu có) là của người dịch.
[1] soul – chúng ta đã quen dịch là hồn (魂) – nếu theo từ nguyên chữ Tàu –
thì không hoàn toàn đúng với nghĩa của soul
hiểu thông thường trong văn hóa phương Tây, nhất là trong nội dung những tôn
giáo Abraham độc thần (Kitô, Islam và Juda). Riêng trong đạo Kitô, nó mang
nghĩa có được nhờ Gót, nên “linh” thiêng, và bất tử,... (lý thuyết rất rối rắm, dài dòng), và
do đó đã dịch và hiểu là “linh hồn” (灵 魂) – hồn người chết, nhưng ngầm ý linh thiêng và trường
tồn. Ngày nay người Tàu thường dịch “soul”
là “tâm linh” (心灵), gần với từ nguyên Hylạp (psuchē)
hơn. Linh hồn, như chúng ta dùng, mang tính tôn giáo hữu thần, hơn tâm lý, triết
học.
Trong bài này,
Russell bàn về cái gọi là “soul”, là chính khái niệm hiểu như có tính bất
tử hiểu theo đạo Kitô, theo như những nhà thần học Kitô định nghĩa. Trước
đó, trong triết học cổ Hylạp, tiêu biểu là Pythagoras và Plato, soul có nghĩa khá khác biệt, tạm hiểu và
dịch là hồn-người (psuchē), đồng
nghĩa với tinh thần, não thức, tâm thức, tâm trí (mind) hay tự ngã (the self),
về tôn giáo, “psuchē” gần gũi với gốc Egypt (nơi Pythagoras theo học) của nó hơn. Chỉ chung những gì không vật chất và tin rằng làm con người
hoạt động, có sự sống, nghĩa mà chúng ta cũng có thể hiểu và dịch là tâm lý..
[2] Mind: thường dịch là tâm trí –chỉ những
hoạt động tinh thần, xúc động,…hiểu là xảy-ra hay nhận thức được từ trong não bộ
con người. Chúng ta quen theo Tàu, nên thay vì nói “còn trí nào mà suy nghĩ nổi”
– thành ra “còn tâm trí nào mà suy nghĩ nổi”, hay cũng còn ra “còn lòng dạ nào
mà suy nghĩ nổi”. Từ trí não xuống tim rồi xuống lòng dạ, cho thấy – vì chúng
ta đi theo Tàu – vốn là một ngôn ngữ của một văn hoá khá xa lạ với các khái niệm
triết học, khoa học phương Tây, nên ngày nay chúng ta phải chịu lúng túng, mượn
từ dịch, gián tiếp, theo “Tàu hiểu” để dịch từ vốn “nghĩa của Tây”!
Tôi chưa nghĩ ra chữ
nào cho ổn thỏa (“não thức/trí não”?) – nếu có khôn ngoan thì thành “trí tuệ”,
“trí thông minh” là khả năng lĩnh hội – biết đến mức nhập thân – cái biết đến mức
cùng với mình là một – là “trí huệ”, biết giải thoát (từ trong Phật học)?
Trong bài này – thường
dùng “tâm trí” để dịch từ “mind” trong tiếng Anh. – chỉ toàn thể ý thức,
vô thức, nhận thức, cảm xúc, tưởng tượng, trí nhớ của một con người, thường được
quan niệm là những gì làm thành người ấy, trừ phần thân xác.
[3] Materialism là quan điểm/lập trường/học thuyết triết học tổng quát về những gì “có”,
hay “thật/thực”, thực sự hiện hữu, hay trong hiện thực. Vắn tắt – tất cả những
gì thực hiện hữu là vật chất, hay thuộc vật chất (Everything that actually
exists is material, or physical.) Nhiều nhà triết và khoa học dùng hai từ
“material” và “physical” như tương đương, từ đó đưa đến hai chủ trương: duy vật
lý (physicalism) và duy vật chất (materialism). Những gì nếu xem là thực tại hiện
hữu đều là vật chất (duy vật) và chúng đều/phải giải thích được bằng vật lý
(duy vật lý).
Lâp trường siêu hình của cả hai là
chỉ có một thực thể trong vũ trụ và thực thể đó thuộc vật lý hay thuộc vật chất.
Những người theo thuyết duy vật phủ nhận sự hiện hữu của những gì gọi là “thực
tại tinh thần” (spiritual substance).
[4] Boot – giày ống cao
[5] Theo câu truyện (ngụ ngôn) nổi tiếng của Hans Christian Andersen. The Emperor's New Clothes: Áo mới của
Hoàng đế.
[6] Thí dụ,
“suy nghĩ” hay “hồi tưởng” hay một cảm xúc như thất vọng lúc bị mất mát, thích
thú khi đạt được một gì đó… nhìn dưới khía cạnh vật lý, có thể thu về những vận
động của bộ não (vật chất), trong não có những nơ-ron thần kinh tác động tựa
như những dòng điện được phóng, truyền dẫn, có thể quan sát thấy phản ứng hóa
học nào đó xảy ra trong vùng tương ứng với những chức năng liên hệ của bộ não.
[7] Nguyên văn: “The electrons and
protons in your body, becoming agitated by nearness to the other electrons and
protons, are disturbed, and transmit a disturbance along your nerves to the
brain; the effect in the brain is what is necessary to your sensation of
contact”.
[8] Nghĩa là- trong phòng thí nghiệm
tâm lý – có thể có thể tạo ra một dòng điện (nhân tạo) như thế trong não, mà thực
không có “va chạm” gì cả, người tiếp thụ dòng điện vẫn nghĩ là đầu mình “chạm”
vào một tường đá!
Lý thuyết duy vật là
cố gắng giản lược tâm trí vào sinh vật lý. Phân tích những trạng thái tâm thần
bằng những thuật ngữ diễn tả trạng thái vật lý. Có nhiều phương pháp phân tích:
-
behaviourism phân tích trạng thái tâm
thần qua thái độ ứng xử (behaviour)
-
functionalism phân tích trạng thái
tâm thần qua vai trò chức năng (functional role)
-
mind-brain identity là lý thuyết đồng
hóa trạng thái tâm thần (mental states) với những trạng thái của não bộ (brain
states).
[9] Tác giả
– muốn chỉ quantum mechanics và nguyên lý bất định Heidelberg.
[10] Nguyên văn – “The world consists of events, not of things
that endure for a long time and have changing properties.” – event – ở đây – hiểu theo nghĩa khoa học (toán
học, vật lý) – hơn là lịch sử, xã hội – như thế gần ý Russell hơn.
Trong đoạn văn cô đọng
này – Russell lần lượt đứng trên quan điểm duy lý– dĩ nhiên là dựa vào duy nghiệm
và duy vật – Russell dùng ngay những ý niệm của duy lý (Rationalism), duy
nghiệm (Empiricism) và hiện tượng luận (phenomenalism) để phản bác rất sâu sắc quan điểm duy tâm đưa đến duy thần
– từ Descartes (nhị nguyên) đến Kant (mà ông đã chỉ ra nhiều sai lầm trong những
thảo luận về lĩnh vực tri thức luận và bản thể luận – người được xem như đã tổng
hợp Rationalism, Empiricism thành một thứ phenomenalism).
Trước 1975, ở miền
Nam, có một sự đề cao quá đáng và một chiều hai tác giả Descartes (Những suy
nghiệm siêu hình học – Meditations) và Kant (Phê bình lý trí thuần túy)
do những tu sĩ – đóng vai giáo sư triết học – chủ trì, để như dọn đường cho sự
giao giảng một niềm tin tôn giáo mãi đến nay vẫn chưa bám được rễ vào tâm thức
Việt.
Sau đó, vô tình theo
vết xe cũ, hay cố ý, cũng có nhiều tác giả gắng gỏi dịch Kant (vốn viết rất khó
đọc, tối mò)! và tuyên xưng như rất quan trọng! Mong là sẽ có những giới thiệu
và dịch những tác giả duy nghiệm, duy thực, điển hình là David Hume, có tầm vóc
ngang ngửa với Kant – để thấy vì sao Kant phải biện hộ và bào chữa những gì!
Trở lại với Russell,
đây là một cái nhìn lỗi lạc (cũng như học trò của ông – Ludwig Wittgenstein với
Tractatus Logico-Philosophicus) – thế giới
như một tập hợp những biến cố – có cái này xảy ra, có cái kia xảy ra –tùy
theo quan hệ nhân quả, xắp xếp chúng vào hai tập hợp tâm thức hay là vật chất.
“Mind” hay “Matter”; đều chỉ là những “tên gọi” của hai tập hợp này, không phải
của, hay thuộc tính của những phần tử trong hai tập hợp ấy. Một trong những
hệ luận hiển nhiên – từ mệnh đề này – là không còn quan điểm nhị nguyên (dualism)
về bản thể luận nữa.
Trong thí dụ ở bài này – Russell
dùng hình ảnh thường thấy trên những huy hiệu (của quý tộc, của trường đại học,
hay học viện) là con sư tử và con ngựa một sừng (unicorn) – vốn thường được xem
là cụ thể, vật chất và tưởng tượng, có trong tâm trí – để nói cả hai chỉ là
cách nói, cách xắp xếp theo – quan hệ nhân quả – cho cái huy hiệu nó biểu
trưng, cho tính chất của vương miện trên cao, ở giữa. Nói theo thông thường –
“tâm” hay “vật” chỉ là tên gọi (danh), không phải thực (bản chất.)
Trong bài này – ý ông hướng tới là – một event nào thuộc tập hợp này hay tập hợp kia, không có nghĩa là bản thể chúng khác nhau, hay có thuộc tính khác nhau, – nghĩa là – điều gì xảy ra cho nhóm này cũng xảy ra cho nhóm kia, sư tử (vật chất) chết, ngựa một sừng (tâm thức) cũng chết. Không có bất tử – và không có linh hồn bất tử – nếu giả định như có linh hồn đi nữa!
Trong bài này – ý ông hướng tới là – một event nào thuộc tập hợp này hay tập hợp kia, không có nghĩa là bản thể chúng khác nhau, hay có thuộc tính khác nhau, – nghĩa là – điều gì xảy ra cho nhóm này cũng xảy ra cho nhóm kia, sư tử (vật chất) chết, ngựa một sừng (tâm thức) cũng chết. Không có bất tử – và không có linh hồn bất tử – nếu giả định như có linh hồn đi nữa!
Không có sự bất tử, bất hoại
(immortality) thì có hay không “linh hồn” (soul) – không thành vấn đề nữa.
[11] Metaphysical materialism tuyên bố rằng chỉ có một thực thể cơ bản
(fundamental substance) trên thế giới và trong đại thể xác định là vật chất
(matter). Tâm thức (mind) cũng như những thực thể siêu hình khác có thể qui giản
về, hay mô tả trọn vẹn theo biểu cách của biến cố vật lý (physical events.)
[12] Nghĩa là – tâm thức cũng chết, và
quyền lực tối thượng trong vũ trụ là vật chất.
[13] The law of entropy, hay gọi là
second law of thermodynamics, cùng với first law of thermodynamic (và còn third
law of thermodynamics)- là hai luật cơ bản nhất của vật lý quantum hiện đại –
quantum physics.
Với concept entropy,
luật thứ nhì của thermodynamics nói rằng tổng lượng entropy của vũ trụ không thể
giảm.
Chấp nhận chung là vũ trụ khởi đầu
rất nhỏ (như một tụ điểm) và ở trong một trạng thái trật tự (compact and
ordered state) hơn là bây giờ. Khởi đầu đó, có entropy là zero. Vật chất trong
vũ trụ nở dãn xa và nguội dần đi. Áp dụng luật thứ hai, vũ trụ sẽ dãn nở và trở
nên kém trật tự, rồi sẽ đi đến cái chết nóng (Heat Death) khi tất cả vật chất đạt
trạng thái quân bình (equilibrium) và entropy lên đến cao nhất. Vũ trụ mà chúng
ta biết sẽ chết.
[14] Khoa học có khi đem tai ương đến
cho nhân loại (bom nguyên tử, vũ khí chiến tranh, hóa học) nhưng trên tổng và
toàn thể, đã nâng cao mức sống con người trên mặt đất này, đã mang tiện nghi đến
cho sinh hoạt con người, thay vì như thế giới Âu châu thời Trung Cổ – con người
sống với một “đất hứa” – như bánh vẽ trên trời, sống phải “ăn năn”, chịu khổ nhọc,
nhưng sau chết mới được hứa là có sung sướng hạnh phúc – hứa thôi! – của những nhà
thần học Kitô.