
Yếu
tính của tôn giáo
The
essence of religion
Bertrand
Russell (1872-1970)
Lời dẫn
của người dịch bản tiếng Việt
Yếu tính của tôn
giáo, bản in đầu
tiên trong The Hibbert Journal, Oct 1912, một tạp chí ra ba
tháng một kỳ, chuyên về tôn giáo, thần học và triết học, tại London, nước Anh.
Người bạn tình của Russell lúc ấy là bà Ottoline Morell rất mộ đạo, nên Russell
viết bài này, đưa cho bà đọc, rồi sau đó cho các hội viên hội The
Heretics tại đại học Cambridge thảo luận. Ông trình bày một quan điểm
về tôn giáo – của cá nhân ông – không cần đến giáo điều, giáo chủ, giáo hội, là
những điều ông lên án phản lý trí, phản đạo đức điển hình trong một luận văn nổi
tiếng khác về tôn giáo “Tại Sao Tôi
Không là người Kitô?”
Lúc ấy, có nhiều phản ứng
trái ngược về bản văn. Trong thư riêng gửi Russell, Tagore thú vị cho biết nó
nhắc người đọc như ông đến hai câu của Upanishad về tiểu ngã,
đại ngã.
Nhưng Wittgenstein, lúc ấy
đang còn là sinh viên của Russell tại Cambridge (sau thành đồng nghiệp và cũng
là một triết gia nổi tiếng), không hài lòng. Theo Russell, Wittgenstein cho bài
văn này quá riêng tư, đáng lẽ không nên cho phổ biến, Wittgenstein còn cho là
bài văn “tối mò”, “ngang ngạnh dùng các từ có nghĩa mập mờ”. Thời gian này
Russell coi trọng ý kiến của Wittgenstein, và nói ông cũng đồng ý một nửa với
người học trò này. Do thế, Russell giữ bài văn lại, không cho in nữa. Phải đợi
đến 1961, mới đồng ý đưa vào tuyển tập The Basic Writings of Bertrand
Russell (1903-1959).
Ở một bài viết khác, về
sau này: Yếu tính và hiệu
quả của tôn giáo (The Essence and effect of religion);
cho thấy Russell phân biệt hai loại tôn giáo: tôn giáo có tổ chức
(institutional religion) trong xã hội và sinh hoạt công cộng, và tôn giáo cá
nhân (personal religion). Trong bài sau đây – Yếu tính của tôn giáo – Ông
đã khai triển quan niệm của ông về một tôn giáo cá nhân như thế. Gạt bỏ vai trò
của niềm tin, Russell cho rằng yếu tính của tôn giáo là tình cảm, phát
sinh khi con người chợt ý thức được sự hữu hạn của đời người rồi theo hướng tìm
lên vô hạn, vươn ra nhân loại, lớn dậy cùng lý tưởng.
Đây là một điểm rất đáng
chú ý. Trong truyền thống văn hóa phương Tây, niềm tin vẫn được xem là yếu tính
của tôn giáo. Đức tin, như cách gọi đề cao vai trò của nó, là cánh cửa mở vào
thế giới tín ngưỡng phương Tây. Từ phiếm thần đến đa thần, đến độc thần – sự
khác nhau của chúng nằm trong sự khác biệt những nội dung tin tưởng. Hãy cho
tôi biết anh tin những gì, tôi có thể đoán anh theo tôn giáo nào.
“Anh tin gì?” Là câu hỏi để xác định, đưa
vào các tôn giáo như Do thái, Kitô, Muslim (Đúng, tin thế là đúng, là không đúng,
phải tin như thế này, không như thế kia, …). Thế nên, sau khi biết được những
tin tưởng, người ta có thể có khái niệm khá rõ rệt về các tôn giáo này. Tin tưởng
làm nên nền tảng của chúng.
Nhưng không thể định
nghĩa một tôn giáo phương Đông, như trường hợp đạo Phật, chỉ bằng cách đưa ra
các tin tưởng của nó. Trong Phật giáo, câu hỏi cơ bản hoàn toàn khác, nó
là: “Anh muốn trở thành gì?” và rồi là để thành như thế (giải
thoát, giác ngộ, vượt đau khổ, thoát sinh tử, …) Anh phải thực tập như vầy, học
hiểu như vầy (tu học). Cũng có thể dẫn đến nên tin như vầy (ADiĐà, Tây
phương cực lạc, ...) nhưng tin như thế vẫn chỉ có vai trò thứ yếu (tin như thế
vì chủ yếu mong thêm có cơ hội tu tập để trở thành giải thoát, giác ngộ, ..).
Trong tiến trình tu tập đó, nhìn thu gọn và tổng quát hoá, có thể thấy ngay ở
những bước chập chững (không có nghĩa là đơn giản) là phá bỏ tự ngã.
Điểm đáng chú ý thứ hai
– khi nhấn mạnh – yếu tính của tôn giáo là tình cảm, phát sinh khi con người
chợt ý thức được sự hữu hạn của đời người rồi theo hướng tìm lên vô hạn, vươn
ra nhân loại, lớn dậy cùng lý tưởng. Thiết yếu theo ý nguyên bản – rất phảng
phất một con đường bồ tát, khởi từ lòng từ bi. Tuy thế nào là “vô hạn”
(infinite), Russell không nói rõ, có lẽ vì thế đọc xong bài văn, Wittgenstein
vùng vào phòng Russell phản đối “vì cảm thấy Russell đã phản bội sự chính xác vốn
vẫn xưng tụng!”. Nhưng khi liên hệ với bodhisattvamārga, tôi hiểu
Russell khó lòng nói cho rõ hơn, về những gì mình đang trên đường đi đến, dẫu
biết có ở trước mặt, ở quanh đây giữa đời thường, trong vật thường; nhưng vì
tính vô bến bờ, pha trộn một cảm xúc huyền bí, nên làm sao định nghĩa “vô hạn”
cho được.
Trở về với thông điệp rõ
rệt hơn, bất ngờ và cảm động của Russell trong bài: "Phá bỏ tự ngã hữu
hạn"; theo chính ông, là điểm khởi của hành trình tự giải phóng. Để nhận "ánh
sáng chiếu vỡ qua từ một thế giới lớn hơn ngoài xa kia", rồi có
được: “Cái đẹp chợt thấy đang giữa xung đột, tình yêu không toan tính,
hay cơn gió đêm dịu mát qua khóm cây, xem dường nhắc đến sự có thể có một đời
thoát ngoài những tranh chấp và nhỏ nhoi của thế giới chúng ta hàng ngày, một đời
sống có an bình không bất hạnh nào có thể khuấy động.” Và vì “Yếu
tính của tôn giáo nằm trong sự tùng phục phần hữu hạn của đời sống chúng ta, với
phần vô hạn”. Nên “Không phải trong thế giới nào khác mà cái đẹp
như thế, cái an bình như thế có thể tìm gặp; chính trong thế giới thực của mọi
thường ngày này, ngay trong giữa hành động và công việc của cuộc sống. Thế giới
của mọi ngày nhưng nhìn bằng linh hồn phổ quát, và trong giữa hành động và công
việc khởi hứng bởi thị kiến của nó.” Tôi thấy các ý tưởng này rất quen thuộc
với những người đến từ phương Đông như chúng ta, và chỉ vào nội dung đó thôi,
nghĩ cũng đã làm nên giá trị bản văn này.
Nên dịch bài này để trân
trọng chia xẻ.
Người dịch
Lê Dọn
Bàn
(Nov/2009)
Lời dẫn
của người biên tập bản tiếng Anh
Những trí óc tinh nhuệ
nhất sẽ mãi lôi cuốn bởi những câu hỏi tận cùng chưa giải đáp. Những trí óc thấp
hơn hài lòng với những “trả lời” cho những câu hỏi trong ấy không chứng cớ.

Từ thuở còn trẻ, Russell
đã thấy không có lý do để thay đổi quan điểm bất khả tri của mình trong tôn
giáo. Năm mười tám tuổi, chính là khi đọc tự truyện của Stuart Mill, ông thành
quả quyết luận chứng về Nguyên Nhân Đầu Tiên là ngụy biện. Với các vấn đề tôn
giáo và triết học tôn giáo, sự quan tâm của ông từ đấy vẫn sống động qua năm
tháng.
Bất cứ phê bình tôn giáo
nào, dĩ nhiên hay bị tấn công từ mọi phía. Điều đáng chú ý nhất, có lẽ, là các
nhà lý thuyết bảo vệ tôn giáo đặc biệt rất sôi sục khi tấn công những trí thức
lỗi lạc. Các triết gia trong thế kỷ XX, phần đông có khuynh hướng tránh phát biểu
bất kỳ quan điểm nào có động chạm đến cái lõi nhạy cảm của tôn giáo. Những nhà
tư tưởng như Russell, đúng hay sai có lẽ chỉ lịch sử mới có thể quyết định. Những
ai có giữ một trí óc cởi mở, hay được cho phép giữ một trí óc cởi mở, có thể
thu hoạch được thật nhiều từ các bài viết thẳng thắn và dũng cảm Russell đã
đóng góp cho chủ đề của lĩnh vực nhiều tranh cãi này.
(Lời dẫn Phần XV, Nhà
triết học về tôn giáo, trong The Basic Writings of Bertrand Russell
(1903-1959), ed. Robert. E. Egner và Lester E Denonn)
Bertrand
Russell
Trước sự suy xụp của các
tin tưởng tôn giáo truyền thống, những người chủ trì các giáo hội cay đắng than
vãn, còn những người xem các tín ngưỡng già cũ vốn chẳng qua chỉ là mê tín, vui
vẻ chào mừng, là một sự kiện không chối cãi. Tuy nhiên, khi ném bỏ xong các
giáo điều, câu hỏi về vị trí của tôn giáo trong đời người vẫn chưa hẳn đã ngã
ngũ. Các giáo điều [1] đã được đề cao, phần nhiều
không vì chúng đáng giá, nhưng vì đã tin là chúng thuận giúp cho có một thái độ
nào đó về thế giới, một định hướng quen sẵn cho các suy tưởng của chúng ta, một
đời sống trong toàn bộ, không bị ràng buộc với các chi ly của tự ngã [2],
và chu cấp một lối thoát khỏi sự chuyên chế của dục vọng và những bận tâm hàng
ngày. Một đời sống trong toàn bộ như thế, có thể có được không kèm theo tín lý
giáo điều, và phải đừng nên để tàn lụi vì sự lãnh đạm của những ai mà những tin
tưởng từ các thời xa xưa, với họ nay không còn tin được nữa. Những hành động khởi
hứng từ tôn giáo có một vài phẩm chất của vô hạn trong chúng. Chúng như đã thực
hiện trong sự tuân phục một mệnh lệnh, và dẫu chúng có thể thành tựu được các mục
đích lớn lao, hiểu biết về những mục đích xem thật truyền khiến này vẫn chưa rõ
ràng. Những tin tưởng nằm chìm dưới các hành động như thế, thường quá sâu và
quá bản năng, đến mức những người có đời sống xây dựng trên chúng vẫn còn không
biết. Quả thực, có thể không phải là tin tưởng nhưng cảm xúc mới làm nên tôn
giáo: một cảm xúc khi đem vào vùng trời của tin tưởng, có thể kéo theo xác đoán
cái này hay điều kia là tốt, nhưng có thể, nếu giữ nó yên, trí thức không đụng
chạm gì đến, nó chỉ là một cảm xúc, dẫu chủ động trong hành động. Chính là cái
phẩm chất của vô hạn làm tôn giáo, sự quên mình, đời sống không xiềng xích như
một toàn thể, phóng thích con người khỏi nhà tù của những ước vọng háo hức và
những tư tưởng nhỏ hẹp. Sự giải phóng này, khỏi nhà tù, do tôn giáo đem lại,
nhưng chỉ từ một tôn giáo không có giáo điều xích trói; và giáo điều thành xích
trói liền ngay khi đồng ý với chúng trở nên không tự nhiên.
Linh hồn [3]
con người là một pha trộn kỳ lạ giữa siêu phàm [4]
và thú vật, một chiến địa giữa hai bản tính [5]
một thì đặc thù, hữu hạn, tự kỷ, còn cái kia phổ quát, vô hạn và không tư vị.
Cái đời sống hữu hạn, mà con người chung phận với các thú vật, thì buộc vào
thân xác, và nhìn thế giới từ điểm đứng của ở-đây và bây-giờ.
Tất cả những yêu và những ghét đó dựa trên dăm ba phục vụ cho tự ngã, thuộc về
đời sống hữu hạn. Tình yêu của nam nữ, tình yêu của cha mẹ và con cái, khi
chúng còn chưa qua khỏi mức những khởi động của bản năng, vẫn còn là phần của bản
tính loài vật: chúng không tiến vào được trong đời sống vô hạn cho đến chừng
nào chúng vượt thắng được bản năng và thôi không làm thuộc cấp chỉ cho những mục
đích của tự ngã hữu hạn. Ghét địch thủ và yêu đồng đội ngoài chiến trường là
thuộc vào phần con người chia xẻ với các thú vật bầy đàn: chúng nhìn vũ trụ như
thu vào chừng một điểm: cái tự ngã đấu tranh đơn độc. Như thế, cái phần hữu hạn
của cuộc đời chúng ta chứa đựng tất cả những gì làm mỗi người tách biệt với những
người khác, và với tất cả vũ trụ còn lại, tất cả những suy tưởng và những ước vọng
đó không thể chia xẻ, do trong bản chất của chúng, với ngụ cư một thân xác
khác, tất cả những lệch lạc đã làm nên sai nhầm, và tất cả những đòi hỏi khăng
khăng đã dẫn đến xung đột.
Cái phần vô hạn của đời
sống chúng ta không thấy thế giới từ một điểm nhìn: nó tỏa sáng vô tư, như ánh
sáng khuếch tán chiếu trên một biển mây phủ. Các thời xa cách xưa, các vùng
không gian hẻo lánh, đối với nó cũng rõ thật như những gì trong hiện tại và ở gần
kề. Trong suy tưởng, nó cao lên trên đời sống của các giác quan, luôn tìm những
gì tổng quát và mở chung với tất cả mọi người. Trong thèm và muốn, nó chỉ hướng
đến cái tốt, không màng là tốt của mình hay của người. Trong cảm xúc, nó đem
yêu thương cho tất cả, không chỉ với những ai rồi sẽ đẩy xa thêm cho những mục
đích của cái ngã. Khác với đời sống hữu hạn, nó không tư vị, sự không tư vị của
nó đưa đến sự thật trong tư tưởng, công lý trong hành đông, và yêu thương phổ
quát trong cảm xúc. Khác với bản tính mà con người chia xẻ chung với thú vật,
nó có một đời sống không rào cản, ôm hết trọn toàn thể vũ trụ của hiện hữu và yếu
tính trong quán sát của nó; không gì trong đó là có yếu tính riêng tư, nhưng những
tư tưởng và thèm muốn của nó trong cách thức có thể chia xẻ với tất cả, bởi
không có cái nào tùy thuộc vào sự loại trừ của ở-đây và bây-giờ và tôi.
Như thế, cái bản tính vô hạn là nguyên lý của hợp nhất trong thế giới, trong
khi cái bản tính hữu hạn là nguyên lý của phân chia. Giữa bản tính vô hạn của một
người này và bản tính vô hạn của một người khác, không thể có xung đột yếu tính;
nếu các phần trong mỗi người chưa trọn vẹn, chúng bổ túc lẫn cho nhau; sự phân
bối của nó giữa người ta thì ngẫu nhiên tùy vào cá tính, và tất cả những vô hạn
trong mỗi một tạo nên một vô hạn phổ quát. Như thế có sự hợp nhất của tất cả bản
tính vô hạn của mọi người khác nhau đối theo cái nghĩa của không có sự hợp nhất
của tất cả những bản tính hữu hạn. Cùng tăng trưởng tỷ lệ thuận với cái vô hạn
lớn mạnh trong chúng ta, chúng ta sống càng thêm đầy đời sống của một vô hạn phổ
quát, nó toả ôm cái là phần vô hạn trong mỗi chúng ta.
Tự ngã hữu hạn, bị khát
vọng tự bảo toàn đẩy tới, xây những bức tường tù ngục vây quanh phần vô hạn của
bản tính chúng ta, và hết sức kềm giữ nó xa khỏi cái đời tự do đó trong toàn thể
vốn là phần tạo nên sự sống chính nó. Tự ngã hữu hạn nhắm đến thống trị, nó
nhìn thế giới trong những vòng đồng tâm quanh ở-đây và bây-giờ và
tự nó như là chủ tể [6]
của cái thứ “ước-tới-thiên-đàng” [7]
đó. Linh hồn phổ quát chế nhạo thị kiến này, nhưng tự ngã hữu hạn luôn luôn hy
vọng làm nó thành sự thực, và như thế làm im tiếng các phê phán khiến nó khó chịu
đi. Trong nhiều người, tự ngã hữu hạn cứ mãi mãi là quản ngục của linh hồn phổ
quát; trong những người khác, có một đào thoát hiếm hoi và ngắn ngủi; trong một
số ít, những bức tường tù ngục bị phá hết, và để lại linh hồn phổ quát tự do suốt
đời. Chính sự thoát ra khỏi nhà tù đưa đến vài khoảnh khắc và vài tư tưởng một
phẩm chất của vô hạn, như ánh sáng chiếu vỡ qua từ một thế giới lớn hơn ngoài
xa kia. Cái đẹp chợt thấy đang giữa xung đột, tình yêu không toan tính, hay cơn
gió-đêm cám dỗ [8]
trong khóm cây, xem dường nhắc gợi có thể có một đời thoát ngoài những tranh chấp
và nhỏ nhoi của thế giới chúng ta hàng ngày, một đời sống có an bình không bất
hạnh nào có thể khuấy động. Những điều có phẩm chất này của vô hạn dường như
đưa đến một thị kiến sâu xa hơn thứ kiến thức manh vụn từ đời sống thường ngày
chúng ta. Một đời chi phối bởi thị kiến sâu xa này, chúng ta cảm thấy, sẽ thành
một đời thoát khỏi tranh giành, một đời hoà điệu với cái chung thể, ngoài những
bức tường tù ngục xây bởi những khát vọng bản năng của tự ngã hữu hạn.
Chính là kinh nghiệm về
thứ sáng xuốt đột nhiên này là nguồn gốc của cái là yếu tính trong tôn giáo. Chủ
nghĩa huyền bí giải thích kinh nghiệm này như một tiếp xúc với một thế giới xâu
hơn, thật hơn, hợp nhất hơn là so với thế giới của những tin tưởng phổ thông của
chúng ta. Đằng sau một màn mỏng, nó thấy huy hoàng của tối thượng [9]
lệ thường là không rõ, chỉ đôi khi chói lọi rực sáng. Tất cả những tà ác [10]
của thế giới thường nhật chúng ta, nó xem chỉ như là bóng in trên màn, toàn ảo ảnh,
không là gì, tan mất khỏi cái nhìn của những ai trông thấy sự rực rỡ phía xa
bên kia. Nhưng trong cách hiểu này, chủ nghĩa huyền bí làm giảm đi giá trị của
kinh nghiệm mà chính kinh nghiệm này dựng nên. Phẩm chất của vô hạn, mà chúng
ta cảm nhận, thì không kể là có bởi cảm thức về các đối tượng mới, khác với các
đối tượng mà trong hầu hết mọi lần đều xem là hữu hạn, nhưng phẩm chất của vô hạn
có là do, đúng hơn, bởi một cách thức nhìn khác biệt về vẫn cùng các đối tượng,
một trầm tư vô tư hơn, lao la hơn, đầy hơn với yêu thương, hơn là chiêm nghiệm
vụn mảnh, ồn ào chúng ta dành cho sự vật khi nhìn chúng như phương tiện giúp
thêm hay cản trở các mục đích của chúng ta. Không phải trong thế giới nào khác
mà cái đẹp như thế, cái an bình như thế có thể tìm gặp; chính trong thế giới thực
của mọi thường ngày này, ngay trong giữa hành động và công việc của cuộc sống.
Thế giới của mọi ngày nhưng nhìn bằng linh hồn phổ quát [11],
và trong giữa hành động và công việc mà khởi hứng bởi thị kiến của nó. Những xấu
ác và ti tiện không phải là ảo ảnh, nhưng linh hồn phổ quát tìm thấy từ chính
nó một yêu thương, qua đó các bất toàn thôi không còn là chướng ngại, và như thế
hợp nhất thế giới bằng sự hợp nhất các trầm tưởng của chính nó.
Chuyển tiếp từ đời sống
của tự ngã hữu hạn sang đời sống vô hạn trong toàn bộ, đòi hỏi một thời điểm của
tự đầu hàng tuyệt đối, lúc toàn thể cá nhân sẽ như thôi không còn nữa, và linh
hồn cảm thấy chính nó phủ phục thụ động dâng mình trước vũ trụ. Sau mê mải
tranh đấu cho một vài điều thiện nào đó, có từ trong ra, hay ngoài vào, một nhu
cầu đòi buông bỏ sự theo đuổi những đối tượng vốn đã thu hút hết tất cả dục vọng
chúng ta, và không còn dục vọng nào khác ở vị trí sẵn sàng thay chỗ những cái vừa
bị buông xả. Như thế, thành nên một trạng thái tắt ngừng ý chí, khi linh hồn
không còn áp đặt nó lên trên thế giới, nhưng mở ra với tất cả những ấn tượng từ
thế giới đến với nó. Chính trong thời gian như thế mà cái nhìn trầm ngâm đầu
tiên thành hình, đem theo với nó tình yêu phổ quát và sự thờ phụng phổ quát. Từ
thờ phụng phổ quát, có hoan hỉ đến; từ tình yêu phổ quát, có ước vọng mới đến,
và trong thế ấy, khai sinh ra sự theo đuổi cái thiện phổ quát vốn là cấu phần tạo
nên cái ước vọng của bản tính vô hạn của chúng ta. Như thế, từ lúc tự ngã tự đầu
hàng, lúc ấy cái tự ngã hữu hạn hiện ra như chết, một đời sống mới bắt đầu, với
tầm nhìn xa rộng hơn, một hạnh phúc mới, và những hy vọng lớn rộng hơn.
Sự tự đầu hàng, qua đó sự
sống vô hạn ra đời, có thể thực hiện dễ dàng hơn với vài người, bằng sự tin tưởng
vào một Gót-hoàn-toàn-khôn-ngoan, mà thuận tòng vị này là bổn phận. Nhưng trong
yếu tính (sự sống vô hạn), nó không tùy thuộc trên tin tưởng này, hay trên bất
kỳ gì khác. Những tôn giáo trong quá khứ, có đúng vậy, đều hoàn toàn tùy thuộc,
ở mức nhiều hay ít, trên tín điều, trên vài thuyết lý như là bản tính và mục
đích của vũ trụ. Nhưng sự suy thoái các tin tưởng truyền thống đã làm cho mọi
tôn giáo dựa trên tín điều thành bấp bênh, và ngay cả thành bất khả với nhiều
người bản tính nặng về tôn giáo. Do thế, những ai không thể chấp nhận các tín
ngưỡng của quá khứ, và lại đã tin rằng nhãn quan tôn giáo đòi hỏi kèm giáo điều,
họ mất đi cái là vô hạn trong đời sống, và trở thành hạn hẹp trong suy tưởng trước
nội dung mọi chuyện thường ngày; họ đánh mất đi nhận thức về đời sống như một
toàn bộ, họ đánh mất cái ý nghĩa hợp nhất không thể giải thích được, cái này
làm nảy sinh lòng thương và sự không lưỡng lự phụng sự nhân loại. Họ không nhìn
thấy cái đẹp trong sự phác lược của một huy hoàng, mà với một cái nh́n giàu hơn
sẽ thấy đẹp trong tất cả những sự vật thông thường, hay thấy trong thương yêu một
thông lộ mở sang cái thế giới biến dạng đó, nơi ấy sự hợp nhất của chúng ta với
vũ trụ được thực hiện. Thế nên, cái nhìn hướng ngoại của họ nghèo nàn đi, và đời
sống của họ biểu hiện nhỏ nhoi đi ngay trong những phần hữu hạn của nó. Với những
hành động đúng, họ bị ném trở lại trên đạo đức trơ trụi; chỉ đạo đức trơ trụi
thì rất là không đủ để làm động cơ cho những ai đói và khát đuổi theo vô hạn.
Như thế, đã thành một chuyện quan trọng hàng đầu để giữ lấy thứ tôn giáo không
lệ thuộc vào những tín điều mà một lương thiện trí thức ngày càng khó chấp nhận.
Trong đạo Kitô có ba
thành tố đáng mong giữ lại nếu được: thờ phụng, thuận tòng [12]
và thương yêu. Sự thờ phụng, với đạo Kitô là dành cho Gót; thuận tòng đối với
cái không-tránh-được vì đó là ý muốn của Gót, thương yêu là bắt buộc với láng
giềng của mình, thù địch của mình, và thực tế, với tất cả mọi người. Yêu thương
đạo Kitô ra lệnh, và thực sự, bất kỳ yêu thương nào phổ quát và mạnh mẽ, cách
thức nào đó, xem ra tùy thuộc vào sùng bái và thuận tòng. Đã vậy, những thứ
này, trong thể dạng chúng xuất hiện trong đạo Kitô, tùy thuộc trên niềm tin vào
Gót, và do đấy không còn khả hữu với những ai không thể tán thành niềm tin này.
Trong thờ phụng, điều gì đó phải mất đi khi chúng ta mất tin tưởng vào một hiện
hữu hợp chung cả tối thiện và toàn năng. Nhưng còn có thể giữ lại được nhiều,
và những gì có thể giữ lại xem ra đủ để tạo nên một đời sống tôn giáo rất mạnh
mẽ. Sự thuận tòng, cũng vậy, diễn bày ra khó khăn hơn vì mất niềm tin vào Gót,
vì nó lấy mất đi sự bảo đảm rằng cái xem dường là tà ác trong cấu thành của thế
giới thì thực là cái thiện lành. Nhưng không là không thể diễn bày được và
trong hệ quả của khó khăn lớn lao, khi đạt được, nó trở nên cao thượng hơn, sâu
xa hơn, tràn đầy hơn vì tự hàng phục, hơn là sự thuận tòng mà đạo Kitô tạo ra
được. Trong nhiều cách, do đó, tôn giáo không kèm tín điều thì cao cả hơn và đầy
tín mộ hơn cái tôn giáo nằm nghỉ trên lưng niềm tin rằng đến cùng, những lý tưởng
của chúng ta rồi sẽ thành tựu ở thế giới ngoài cao vời kia.
1. Thờ phụng – sự thờ phụng thì không
dễ định nghĩa, vì nó nẩy nở và thay đổi theo người sùng mộ trưởng thành. Trong
các tôn giáo thô sơ, nó có thể khơi dựng chỉ từ sợ hãi thôi, và thờ phụng bất kỳ
gì là quyền năng. Yếu tố này còn rơi rớt trong sự thờ phụng Gót, trong đó, gồm
phần rất lớn từ sợ hãi và thể hiện phần nhiều từ kính sợ trước quyền năng.
Nhưng yếu tố sợ hãi có hướng dần dần bị yêu thương xua đuổi, và trong tất cả
các thờ phụng cao đẳng, sợ hãi hoàn toàn biến mất. Liền khi vượt quá khỏi mức
thờ phụng bởi sợ hãi, thờ phụng đem lại hân hoan trong chiêm nghiệm những gì là
đối tượng của sùng bái. Nhưng chỉ hân hoan mà thôi không tạo thành thờ phụng,
còn phải có một vài sùng kính và một huyền cảm không dễ định rõ. Ba thứ này, trầm
tưởng với hân hoan, sùng kính, và cảm giác về huyền bí, xem như thiết yếu để tạo
dựng bất kỳ những hình thức nào cao hơn của thờ phụng.
Trong phạm vi của thờ phụng
với nghĩa rất rộng này, có những biến thái mà phân biệt chúng thì quan trọng.
Có một thứ thờ phụng lựa chọn, nó đòi hỏi đối tượng của nó phải tốt, và thừa nhận
một thái độ đối nghịch với đối tượng xấu; và có thứ thờ phụng vô tư không thiên
vị, có thể phân phát cho bất kỳ hiện hữu bất kể sự tốt hay xấu của đối tượng.
Ngoài thứ phân chia này, còn một thứ nữa, cũng quan trọng như thế. Có một thứ
thờ phụng chỉ có thể có với một đối tượng thực hữu, và một thứ thờ phụng khác
có thể cho những gì chỉ đơn thuần có chỗ nó đứng trong thế giới các lý tưởng;
hai thứ này có thể phân biệt như là thờ phụng cái thực hữu và thờ phụng cái lý
tưởng. Cả hai cộng hợp trong sự thờ phụng Gót, vì Gót được quan niệm như vừa là
thực vừa là hiện thân hoàn toàn của lý tưởng.
Thờ phụng Gót là có lựa
chọn, bởi vì nó tùy thuộc vào lòng tốt của Gót, Cũng thế, tất cả sự thờ phụng
các vĩ nhân hay kỳ tích lớn lao, và tất cả mọi thứ thờ phụng trong đó tùy thuộc
vào một một vài phẩm chất ưu việt gọi ra sự ngưỡng mộ của chúng ta. Thờ phụng
loại này, mặc dù nó có thể cho thật nhiều những gì hiện hữu trong thế giới thực
tại, nó không thể đem cho mà không dè dặt, và như thế nếu như có một thái độ
tôn giáo hướng tới vũ trụ như một tổng thể, chỉ trừ những ai tin vào một đấng
Sáng Tạo toàn năng hay vào một hợp nhất tinh thần phiếm thần [13]
ở cùng khắp. Với những ai, không có các tin tưởng như thế, thờ phụng có chọn lựa
tìm thấy trọn khách thể của nó chỉ trong lý tưởng thiện mà suy nghiệm sáng tạo
tưởng tượng ra. Lý tưởng thiện tạo nên phần thiết yếu của đời sống tôn giáo, bởi
nó cung cấp động lực cho hành động bằng cách đem nội dung cho ước vọng cái thiện
phổ quát mà nó lại là tạo phần của lòng thương phổ quát. Không có sự hiểu biết
và không có sự phụng thờ cái lý tưởng thiện lành, thương yêu của con người thì
mù lòa, không biết hướng về đâu để tìm phúc lợi cho những người nó yêu thương.
Tất cả những hiện thân của cái thiện trong thế giới thực hữu thì bất toàn, nếu
chỉ bằng vào sự ngắn ngủi của nó. Chỉ có cái thiện lý tưởng mới thỏa mãn trọn vẹn
đói khát của chúng ta về sự toàn bích. Chỉ có cái thiện lý tưởng mới đòi hỏi
không đầu hàng sức mạnh, không hy sinh khát vọng cho khả hữu, và không nô lệ tư
tưởng cho sự kiện. Chỉ có viễn ảnh của cái thiện lý tưởng mới đem vô hạn vào sự
đeo đuổi của chúng ta, chạy theo những mảnh vụn của cái thiện mà hành động
trong thế giới này cho phép chúng ta được tạo, dầu vậy, qua sự thờ phụng cái
thiện lý tưởng đem theo niềm vui nảy sinh từ chiêm nghiệm những gì toàn hảo,
cũng đem đến với chúng đau đớn, là hậu quả từ sự bất toàn của thế giới thực hữu.
Khi sự thờ phụng này đứng riêng một mình, nó tạo ra một cảm giác bị lưu dày
trong một thế giới của những hình bóng, của cô đơn vô hạn giữa những sức mạnh
xa lạ. Như thế, sự thờ phụng này, mặc dù cần thiết cho mọi hành động tôn giáo,
một mình không đủ, bởi vì nó không tạo ra cái cảm giác đồng nhất với thế giới
thực hữu, nó buộc chúng ta phải xuống khỏi cái thế giới của trầm tưởng và đi
tìm, dù với ít ỏi thành công dẫu bao nhiêu, để có thể hình dung được cái gì là
có thể về sự thiện trên mặt đất này.
Cho mục đích này, chúng
ta cần thứ thờ phụng chỉ cho những gì hiện hữu. Thờ phụng như thế, ở chỗ nào có
sự tin tưởng vào Gót, có thể thuộc loại có chọn lựa, vì Gót hiện hữu và toàn
thiện. Ở chỗ nào không có sự tin tưởng vào Gót, thờ phụng như thế, có thể thuộc
loại có chọn lựa, đối với những vĩ nhân và những kỳ tích, nhưng hướng tới những
đối tượng như thế, thờ phụng có chọn lựa thì luôn luôn bị cản vướng bởi thiếu
sót và giới hạn của nó về thời gian tồn tại và phạm vi. Sự thờ phụng có thể cho
những gì hiện hữu, phải là không tuyển chọn, nó phải không dính líu gì đến bất
cứ phán đoán nào như về sự thiện của những gì được phụng thờ, nhưng nó phải là
một cảm xúc trực tiếp không thiên lệch. Thứ thờ phụng như thế cho bởi một thị
kiến trầm tư, nó tìm thấy huyền bí và niềm vui trong tất cả gì sống thực, và
theo nó đem tình thương đến tất cả những gì có sự sống. Sự phụng thờ không
thiên vị này đã thường nghĩ, nhầm lẫn, là phải đòi có tin tưởng vào Gót, bởi vì
nó đã bị lầm tưởng là có liên hệ với phán đoán phân định xem cái gì là thiện
lành. Thực sự, tuy nhiên, nó không có dính gì vào bất kỳ phán đoán nào; nên thế,
nó không thể nào nhầm lẫn một cách trí thức, và không thể trong bất kỳ cách nào
lệ thuộc vào tín điều. Như thế sự phối hợp của thứ phụng thờ này với lý tưởng
thiện lành, đem lại một lòng tin hoàn toàn độc lập với những tin tưởng như với
bản tính của thế giới thực tại, và như thế không thể bị tấn công được bởi các
luận chứng đã phá hủy các giáo lý của tôn giáo truyền thống.
Tôn giáo, như thế, là những
kết quả của sự kết hợp của hai loại thờ phụng khác nhau – có chọn lựa, cho cái
thiện trên kết toán sự thiện của nó, và không phân biệt, cho tất cả những gì hiện
hữu. Cái trước là gốc của sự tin tưởng vào hữu thần, cái sau là của tin tưởng
vào phiếm thần, nhưng không trong cái nào mà một tin tưởng như thế là cần thiết
cho sự thờ phụng vốn đã tạo thành hữu hay phiếm thần. Đối tượng của sự thờ phụng
có chọn lựa là cái thiện lý tưởng, nó thuộc về thế giới của những phổ quát. Do
quên đi mất thế giới những phổ quát, con người đã tưởng rằng cái thiện lý tưởng
không thể thành hình, hay không thể thờ phụng nếu nó không là phần của thế giới
thực tại; do thế, họ phải tin rằng nếu không có Gót, sự phụng thờ này không thể
tồn tại được. Nhưng nghiên cứu thế giới những phổ quát cho thấy đây đã là một
sai lầm; đối tượng của thờ phụng này không cần phải thực hữu, dẫu một yếu tính
của sự thờ phụng là muốn nó thành thực hữu vẹn đầy đến mức có thể. Đối tượng của
sự thờ phụng không phân biệt, mặt khác, là cái gì hiện hữu; trong trường hợp
này, dù đối tượng thì biết là hiện hữu, nhưng không biết có là có thiện hay
không, nhưng là yếu tính của sự thờ phụng, ước muốn nó có thể cũng thiện như đến
mức có thể. Phiếm thần, từ cái vui trầm tư của sự thờ phụng không phân biệt và
từ sự hợp nhất của cái nhìn về vũ trụ, suy ra, một cách lầm lẫn, rằng một sự thờ
phụng như thế dính líu với tin tưởng rằng vũ trụ thì thiện và là Một [14]
. Sự tin tưởng này thì cũng không còn là cần thiết cho sự thờ phụng không phân
biệt, hơn là niềm tin vào Gót cho sự thờ phụng phân biệt. Hai loại thờ phụng tồn
tại bên cạnh nhau, không có giáo điều nào: một cái dự can vào thiện nhưng không
vào hiện hữu trong đối tượng của nó, cái kia can dự vào sự hiện hữu nhưng không
vào sự thiện trong đối tượng của nó. Hành động tôn giáo là một sự cố gắng liên
tục để bắc cầu nối vực ngăn giữa đối tượng của hai sự thờ phụng này, bằng cách
làm cái có tốt thêm, và thêm cái tốt có. Chỉ trong sự hợp nhất toàn diện cả
hai, linh hồn mới có thể tìm được sự nghỉ ngơi vĩnh viễn.
2. Sự thuận tòng
– Mặc dầu,
trong một thế giới ở đấy nhiều tà ác có mặt và nhiều thiện lành vắng mặt, không
một tôn giáo nào đúng thực có thể để linh hồn nghỉ ngơi vĩnh viễn hay cho nó được
tự do, mà tránh khỏi không phải hành động, ấy thế tôn giáo có thể đẩy ra thuận
tòng với tà ác vốn cứu chữa nằm ngoài khả năng của chúng ta. Đạo Kitô thực hiện
điều này bằng sự tin tưởng rằng, bởi cái tà ác biểu hiện là ứng tòng với ý chí
của Gót, nó không thể là tà ác thực. Cái nhìn này, nhiên thế, đòi một sự bóp
méo các tiêu chuẩn của chúng ta về thiện và ác, bởi vì nhiều cái có trong đời
là tà ác dưới bất kỳ suy xét không thành kiến nào. Hơn nữa, nếu dõi cho tận đến
một kết luận, nó phá mất tất cả động lực hành động, bởi lý do cho sự thuận tòng
ấy là điều gì đi nữa có xảy ra, phải là vì sự tốt lành nhất, là một lý do làm
cho những cố gắng của chúng ta thành ra chạy theo những gì thừa thãi vô bổ nhất.
Nếu, để tránh cái hậu quả này, chúng ta rút bỏ đi sự toàn năng hay toàn thiện của
Gót, thuận tòng không còn được dục dã từ cùng một chỗ đứng nữa, vì điều xảy ra
có thể không hợp ý Gót, hoặc không thiện mặc dù thuận ý Ngài. Vì những lý do
này, mặc dù đạo Kitô trong thực tế, rất hiệu quả trong cả hai: tạo thuận tòng
và cung cấp một động cơ tôn giáo cho hành động, thế nhưng sự hữu hiệu này từ một
tư tưởng mập mờ mà ra, và thường ngưng dứt khi người ta trưởng thành
nhìn-sáng-rõ hơn.
Bài toán chúng ta đối diện
với, khó khăn hơn bài toán của đạo Kitô. Chúng ta phải học thuận tòng sự
không-thể-tránh-được mà vẫn không phán đoán là cái không-thể-tránh ấy nhất định
phải là thiện lành, và giữ cái cảm xúc nó đẩy người Kitô nói “ý cha sẽ thành”
[15],
trong khi thừa nhận cái-được-thành có thể là tà ác.
Sự thuận tòng, dẫu tôn
giáo nào của chúng ta đi nữa, phải luôn đòi một phần tử lớn của kỷ luật đạo đức.
Nhưng kỷ luật này có thể làm nên dễ hơn, và thấy rõ xứng đáng hơn với sự khổ
đau liên hệ, bằng những suy xét tôn giáo. Có hai thứ thuận tòng khác biệt dẫu
chúng liên hệ chặt chẽ với nhau, một thứ trong các thương tiếc riêng tư của
chúng ta, và một thứ kia trong những tà ác cơ bản của thế giới. Mặc nhận trong
thương tiếc riêng tư của chúng ta xảy đến trong thời điểm phục tùng, nó dắt tới
sự ra đời của cái ý chí không thiên vị. Đời sống riêng tư của chúng ta, một khi
hấp thụ những suy nghĩ và ước muốn của chúng ta, nó trở thành một nhà tù, từ đấy,
trong những lúc tiếc thương, không có lối nào thoát khác ngoài sự phục tùng. Bằng
phục tùng, những suy nghĩ của chúng ta được tự do, và ý chí của chúng ta được dẫn
đến những mục tiêu mới, mà trước đó, đã bị che dấu vì những của cải cá nhân vốn
đã được ước ao một cách vô ích. Một suy nghiệm lớn, hay là sự lớn dậy của yêu
thương phổ quát, sẽ tạo nên một hổ thẹn về mê mải nào đó có trong đời riêng
chúng ta, từ đấy, ý chí được dẫn xa khỏi sự phản đối cái không thể tránh, hướng
về sự theo đuổi những của cải tổng quát hơn vốn chúng không hoàn toàn là không
thể đạt được. Như thế thuận tòng trong thương tiếc riêng tư là một yếu tố thiết
yếu trong sự phát triển của thương yêu phổ quát và ý chí không thiên vị.
Mặc nhận không có trong
phán đoán rằng sự vật không tệ hại trong khi thực tế nó là tệ hại. Nó cốt ở
trong sự tự do không tức giận, và không căm phẫn, và không bận tâm tiếc nối. Tức
giận và căm phẫn với những gì gây nên tiếc hận cho chúng ta, sẽ không cảm nhận
thấy nữa, nếu thương yêu phổ quát thành mạnh mẽ; bận tâm tiếc nối sẽ tránh được
ở chỗ có ước ao được tự do trầm tưởng. Người mà đã thành thói quen có suy tưởng
lớn rộng, sẽ không sẵn để bị kéo lâu ra khỏi những tư tưởng nó đem hơi thở lại
cho đời sống của anh: thiếu vắng những tư tưởng như vậy, anh ta sẽ thấy cái gì
đó nhỏ nhoi và bất xứng, một chất keo của vô hạn gắn với hữu hạn. Trong cách
này, cả hai – trầm tưởng và yêu thương phổ quát – sẽ đẩy mạnh thuận tòng tăng
tiến về phương diện mà sầu muộn chúng ta quan tâm đến.
Tuy nhiên, có thể từ phản
kháng riêng tư nổi bật rõ nét lên, không đi đến thuận tòng hoàn toàn, nhưng đi
đến một thứ phẫn nộ thách thức sáng tạo [16]
kình chống vũ trụ. Suy tưởng có thể chỉ phổ quát hóa các buồn khổ của chúng ta,
nó có thể cho chúng ta thấy tất cả đời sống như là một thảm kịch, đầy ứ đau đớn
làm chúng ta ước rằng giá như ý thức có thể tiêu tan hoàn toàn khỏi thế giới.
Tin tưởng rằng điều này có thể là đáng mong, nếu nó đã có thể xảy ra được, là một
điều không thể phủ nhận, dẫu rằng không thể chỉ ra cho xem là nó đúng. Nhưng dẫu
có thế chăng nữa, tin tưởng này không phải là không phù hợp với thuận tòng. Cái
không phù hợp là căm phẫn, và là một mối bận tâm với những tà ác nó làm cho những
thiện lành thành vô hình hay chỉ thấy từng phần, không trọn. Căm phẫn xem ra hiếm
có thể có đối với những tà ác mà không là trách nhiệm của ai cả. Những ai cảm
thấy căm phẫn về phần những tà ác cơ bản của vũ trụ, cảm thấy nó ngược chống với
Gót, hay với Ma quỉ [17],
hay với một Số phận [18] tưởng
tượng được nhân hóa. Khi nhận được ra rằng những tà ác cơ bản là từ cái vương
quốc vật chất mù lòa mà ra, và chúng hoàn toàn là những hiệu quả tất yếu của những
sức mạnh không có ý thức, và do đấy trong chính chúng, không tốt chẳng xấu, phẫn
nộ trở nên phi lý, như Xerxes đánh đập, trừng phạt tại cầu Hellespont [19].
Như thế nhận thức về cái tất yếu là sự giải thoát khỏi căm phẫn. Chỉ vào riêng
điều này thôi, tuy nhiên, sẽ không tránh được một bận tâm không đáng với tà ác.
Hiển nhiên là có dăm vài những sự vật hiện hữu thì tốt, dăm vài thì xấu, và
chúng ta không có cách nào biết trước chuyện xấu hay tốt cho được. Trong hành động,
thiếu yếu là có hiểu biết về thiện lành và tà ác; như thế, trong tất cả những nội
dung vấn đề đối với ý chí chúng ta, câu hỏi cái gì là thiện lành cái gì là tà
ác phải đinh ninh trong tâm trí. Nhưng trong những nội dung nằm ngoài khả năng
của chúng ta, câu hỏi về tốt hay xấu, dẫu là có trí thức trong ấy, như tất cả
các trí thức, thì đáng thu nhập, nhưng đã không có được sự quan trọng tôn giáo
nền tảng như thế nếu các thảo luận của hữu thần và chủ nghĩa lạc quan đã không
qui gắn cho nó. Quan niệm lưỡng nguyên về tốt hay xấu, khi nó hiện ra quá mạnh
trong tâm trí chúng ta, ngăn trở trầm tưởng vô tư và thọc gậy vào sự yêu thương
phổ quát và thờ phụng. Thưc sự, có một điều gì đó hữu hạn và quá đỗi con người
về sự thực hành trong nhấn mạnh tốt hay xấu với những nội dung không là mối
quan tâm của hành động. Như thế thuận tòng trong tà ác cơ bản, cũng giống thuận
tòng trong những buồn khổ cá nhân, được tiếp thêm nữa bởi sự vô tư của trầm tưởng,
và yêu thương phổ quát, và thờ phụng, và phải đã hiện hữu trong một mức nào đó,
trước khi những điều này trở nên khả hữu. Mặc nhận thì đồng thời vừa là nguyên
nhân và hiệu quả của niềm tin, cũng giống một cách như khi niềm tin reo rắc với
giáo điều cũng là lúc nó nằm dựa trên một tin tưởng vào Gót. Chừng nào mà thuận
tòng là nguyên nhân của niềm tin, nó nằm dựa trên kỷ luật đạo đức, một sự ngăn
cấm tự ngã và các đòi hỏi của nó, vốn là cần thiết cho bất kỳ đời sống nào
trong hòa điệu với vũ trụ, và với bất kỳ sự trỗi dậy nào từ hữu hạn đi vào vô hạn.
Kỷ luật này thì càng nghiêm khắc hơn trong sự vắng mặt tất cả các giáo điều lạc
quan, nhưng trong tỉ lệ với khi, nó càng nghiêm khắc, kết quả của nó càng lớn,
càng không lay chuyển, càng có khả năng đẩy cao rộng những giới hạn của tự ngã,
làm nó được nghênh đón với yêu thương, bất kể dẫu thiện lành hay tà các có thể
đến trước nó.
3. Thương yêu – Thương yêu thuộc về hai loại,
thương yêu trần tục chọn lựa, thứ tình đem đến cho những gì thú vị, xinh đẹp,
hay thiện lành, và thương yêu siêu thế không chọn lựa, đem cho tất cả không
phân biệt. Thương yêu trần tục quân bình với một đối nghịch là căm ghét: với bạn
là thù, với thánh thần là tội đồ, với Gót là ma quỉ. Như thế thứ thương yêu này
đưa phân tán vào thế giới, kèm với những phe phái thù nghịch và một chiến tranh
đáng ngờ. Nhưng thương yêu siêu thế không đòi đối tượng của nó phải là thú vị,
xinh đẹp, hay thiện lành; nó có thể cho đến khắp với tất cả mọi thứ có sự sống,
với cái thượng đẳng và cái hạ đẳng, với cái vĩ đại nhất và cái thứ yếu nhất. Nó
không phải chỉ là lòng thương trắc ẩn, bởi vì nó không chỉ là ước muốn làm dịu
bất hạnh, nhưng nó thấy vui trong cái nó yêu, và đến cho kẻ may mắn cũng như kẻ
không may mắn. Mặc dù nó bao gồm lòng nhân từ, nó lớn hơn lòng nhân từ; nó trầm
tưởng cũng như hoạt động, và nó có thể đem cho ở chốn không có cơ hội làm ích lợi
cho đối tượng. Nó là thương yêu, gốc từ suy tưởng, nhưng trở nên hoạt động khi
nào hành động thì khả hữu, và nó là thứ tình thương yêu không kèm thù ghét đối
nghịch.
Với thương yêu siêu thế,
sự phân chia thế giới thành tốt và xấu, mặc dù còn đúng, xem ra mất chiều sâu;
so với sự vô bờ của thương yêu, xem ra nó hữu hạn và giới hạn. Sự phân chia
thành hai phe thù nghịch xem ra thành không thực; cái được cảm nhận là thực, là
cái nhất tính của thế giới trong thương yêu.
Chính trong sự khai sinh
thương yêu siêu thế mà linh hồn phổ quát bắt đầu đời sống xúc cảm. Trầm tưởng
là thế nào với trí tuệ của của linh hồn phổ quát, thì thương yêu siêu thế là
như thế với những xúc động của nó. Hơn tất cả những gì khác, thương yêu siêu thế
giải phóng linh hồn ra khỏi ngục tù của nó và kéo xuống những tường thành của tự
ngã đã ngăn nó hợp nhất với thế giới. Ở những chỗ nó mạnh, nhiệm vụ thành dễ
dàng, và tất cả phục vụ được làm trọn với hân hoan. Đau đớn, thực vậy, còn đó,
có lẽ sâu đậm hơn và rộng lớn hơn trước, bởi vì những cuộc đời hầu hết sinh
linh thì phần lớn bi thảm. Nhưng cái cay đắng của thảm bại cá nhân thì tránh được,
và mục tiêu trở nên thật rộng, thành ra có thể không có mất hết sạch những hy vọng.
Những tình yêu với đời sống thiên nhiên tồn tại, nhưng hòa điệu với tình yêu phổ
quát, và những tường ngăn cách giữa cái yêu và cái không yêu không còn thiết lập
nữa. và trên hết, qua sự gắn chặt với tình yêu phổ quát, linh hồn thoát ra khỏi
cái cô độc riêng rẽ mà từ đó nảy sinh ra nó, và từ trong đó, không một giải
thoát vĩnh viễn nào thành tựu được khi nào nó còn vẫn trong vòng những bức tường
ngục tù của chính nó.
Đạo Kitô ra lệnh phải
yêu Gót và yêu con người như hai điều răn lớn. Yêu Gót, tuy nhiên, khác với yêu
con người, vì chúng ta không thể làm lợi cho Gót, trong khi chúng ta không thể
xem con người cũng toàn thiện như vậy. Như thế yêu Gót thì có phần suy tưởng
nhiều hơn và đầy thờ phụng, trong khi yêu người thì hoạt động nhiều hơn và đầy
dịch vụ. Trong một tôn giáo không hữu thần, yêu Gót được thay thế bằng thờ phụng
cái thiện lý tưởng. Giống như trong đạo Kitô, sự thờ phụng này thì hoàn toàn
cũng cần thiết như thương yêu con người, vì không có nó, tình yêu con người bị
bỏ mặc không hướng dẫn trong cái ước vọng của nó muốn tạo ra cái thiện trong những
đời người. Thờ phụng Gót quả thực là điều lớn hơn cả trong hai điều răn, vì nó
đưa chúng ta đến hiểu biết rằng yêu con người thì tốt, và chính sự hiểu biết
này giúp chúng ta cảm được tình yêu của con người. Hơn thế nữa, nó làm chúng ta
ý thức về thế nào có thể là đời người, và cái vực sâu giữa cái có thể là và cái
thực là; như thế nẩy lên một lòng trắc ẩn vô hạn, nó là cái phần lớn của tình
thương yêu của con người, và nó dễ nhanh thành nguyên nhân tạo nên toàn thể. Sự
thuận tòng, cũng thế, đẩy xa thêm rất nhiều nữa lòng yêu con người, vì trong sự
thiếu vắng nó, tức giận và phẫn nộ và xung đột đến chen giữa linh hồn và thế giới,
ngăn cản sự hợp nhất mà trong đó đã sinh ra lòng thương yêu con người. Ba yếu tố
của tôn giáo, ấy là thờ phụng, tùng phục và yêu thương, son sắt liên kết nhau.
Mỗi cái giúp đem lại những cái kia, và cả ba tạo thành một đơn nhất, trong đó,
không thể nói cái nào đến trước tiên, cái nào sau cùng. Cả ba có thể hiện hữu
không cần tới giáo điều, trong một thể mà nó có thể chi phối đời người và đem
vô hạn đến cho hành động và cho cảm xúc; và đời sống trong cái vô hạn, nó là tổng
hợp của cả ba, chứa đựng tất cả những gì là thiết yếu của tôn giáo, dẫu cho vắng
mặt các tin tưởng giáo điều.
Tôn giáo rút lấy được sức
mạnh của nó từ cái ý về hợp nhất với vũ trụ, mà nó có thể cho được. Trước đây,
sự hợp nhất thành tựu bằng sự đồng hóa vũ trụ với ý niệm riêng của chúng ta về
sự thiện lành; hợp nhất với Gót đã là dễ dàng vì Gót là thương yêu. Nhưng sự thối
rữa của các tin tưởng truyền thống đã làm lối hợp nhất này không còn là lối có
thể dựa vào được nữa; chúng ta phải tìm một cách hợp nhất không đòi hỏi gì ở thế
giới và chỉ tùy thuộc trên chúng ta mà thôi. Cách hợp nhất như thế có thể có được
bằng sự thờ phụng không thiên vị và thương yêu phổ quát, nó làm ngơ các khác biệt
của tốt và của xấu, và đem cho như nhau cùng tất cả. Để giải phóng tôn giáo khỏi
tất cả các tùy thuộc trên giáo điều, phải cần thiết kiêng tránh bất kỳ đòi hỏi
nào rằng thế giới sẽ tuân chiều theo tiêu chuẩn của chúng ta. Mỗi một đòi hỏi
như thế là một gắng gỏi áp đặt tự ngã lên trên thế giới. Tôn giáo mà có thể tồn
tại sau khi các giáo điều đổ nát phải được phóng thích khỏi chính sự gắng gỏi
này. Và trong sự tháo gỡ ra khỏi gắng gỏi này, tôn giáo được giải phóng khỏi một
yếu tố, xa lạ với tinh thần của nó và không tương hợp vói sự phát triển không
ngăn trở của nó. Tôn giáo tìm kiếm sự hợp nhất với vũ trụ bằng cách giảm tầm
quan trọng những đòi hỏi của tự ngã; nhưng sự hạ thấp tầm quan trọng thì không
hoàn tất nếu nó tùy thuộc vào một niềm tin rằng vũ trụ thỏa mãn một vài, ở mực
tối thiểu, các đòi hỏi của tự ngã . Kể từ đó, vì lợi ích của chính tôn giáo,
cũng như vì một tin tưởng như thế xem ra không có sơ sở, là điều quan trọng để
khám phá ra một cách thức hợp nhất với vũ trụ, độc lập với tất cả các tin tưởng
cũng như với bản tính của vũ trụ. Bằng sự sống trong vô hạn, một thể thức hợp
nhất như thế tỏ ra có thể có được; và với những ai thành tựu được nó, nó cho đi
hầu như tất cả, và trong vài cách thức, cho đi nhiều hơn tất cả những gì mà các
tôn giáo quá khứ đã cho được.
“Yếu tính của tôn giáo,
như vậy, nằm trong sự tùng phục phần hữu hạn của đời sống chúng ta, với phần vô
hạn. Trong hai bản tính của con người, cái cá biệt hay phần con người thú vật sống
trong bản năng, và tìm kiếm phúc lợi cho xác thân và cho dòng dõi kế tục của
nó, trong khi cái phổ quát hay linh thiêng cố tìm cho được sự đồng nhất với vũ
trụ, và ước ao được vượt thoát tất cả những gì chắn đường nó tìm kiếm. Con người
thú vật thì tự nó không tốt không xấu; tốt hay xấu chỉ thuần vì giúp đỡ hay cản
trở con người thiêng liêng trên đường tìm hợp nhất với thế giới. Trong sự hợp
nhất với thế giới, linh hồn tìm được tự do của nó. Có ba loại hợp nhất: hợp nhất
trong tư tưởng, hợp nhất trong cảm xúc và hợp nhất trong ý chí. Hợp nhất trong
tư tưởng là kiến thức, hợp nhất trong cảm xúc là thương yêu, hợp nhất trong ý
chí là phục vụ. Có ba loại phân nhất: lầm lẫn, oán ghét và xung đột. Cái thúc đẩy
sự không hợp nhất là bản năng bất nhất, nó là phần thú vật của con người; cái
thúc đẩy sự hợp nhất là sự tổng hợp của kiến thức, thương yêu và kết quả của phục
vụ là sự khôn ngoan, cái tốt đẹp tối thượng của con người.
Đời sống của bản năng
nhìn thế giới như là những phương tiện cho những cứu cánh của bản năng; như thế
nó làm thế giới kém giá trị hơn tự ngã. Nó nhốt kiến thức vào những gì hữu ích,
thích có được đồng minh trong xung đột của những bản năng kình địch, phục dịch
cho những gì có với một liên hệ bản năng. Thế giới mà trong đó nó tìm thấy một
chỗ ở là một thế giới hạn hẹp, vây quanh bởi kẻ lạ và có lẽ những lực thù địch;
nó bị cầm tù trong một pháo đài bị vây hãm, biết rằng sự đầu hàng cuối cùng là
không thể thoát được.
Đời sống của khôn ngoan
tìm một cứu cánh không thiên tư, trong đó không có tranh chấp, không yếu tính
thù địch. Sự hợp nhất nó tìm không có những giới hạn; nó ước biết được tất cả,
yêu thương tất cả, và phụng sự tất cả. Như thế nên nó tìm thấy chỗ ở khắp nơi,
sự tiến bộ của nó không có thành lũy nào ngăn cản. Trong kiến thức, nó không
phân biệt hữu ích hay không hữu ích, trong thương yêu, nó không chia thành bạn
hay thù, trong dịch vụ nó không phân chia thành xứng đáng hay không xứng đáng.
Phần thú vật của con người,
biết rằng đời sống cá nhân thì ngắn ngủi và bất lực, kinh hoảng trước thực tại
cái chết, và, không muốn thú nhận sự vô vọng của đấu tranh sinh tồn, nó giả định
một sự kéo dài trong đó những bại vong của nó rồi sẽ chuyển thành những đắc thắng.
Phần thiêng liêng của con người, cảm nhận cái cá nhân là không gì khác hơn chỉ
một nhúm nhỏ, nghĩ nhẹ cái chết, và tìm thấy những hy vọng của nó độc lập với sự
tồn tục cá nhân.
Phần thú vật của con người,
làm đầy bằng sự quan trọng của các khát vọng của chính nó, thấy thật là quá đỗi
không chịu nổi, nếu phải giả định rằng vũ trụ thì biết ít đến sự quan trọng
này; một sự lãnh đạm trắng trơn trước các hy vọng và sợ hãi của nó, thì thật
quá đau khổ phải suy nghiệm, và như thế không thể xem là chấp nhận được. Phần
thiêng liêng của con người, không đòi hỏi thế giới sẽ thuận hợp với một mẫu thức;
nó chấp nhận thế giới, và trong khôn ngoan nó tìm được một hợp nhất mà không
đòi gì của thế giới cả. Năng lực của nó không bị xét ngăn bởi những gì xem dường
thù nghịch, nhưng nhập vào sâu trong nó và hòa thành một với nó. Không phải là
sức mạnh, nhưng là sự yếu đuối của các lý tưởng của chúng ta, làm chúng ta khiếp
sợ sự chấp nhận của chính mình, không phải của thế giới. Chúng ta và các lý tưởng
của chúng ta phải đứng một mình, và chinh phục, hướng vào trong, sự lãnh đạm của
thế giới. Chính là bản năng, không phải là khôn ngoan, tìm thấy sự khó khăn này
và rùng mình trước sự cô độc như theo nó liền gót. Khôn ngoan không cảm thấy sự
cô độc này, vì nó có thể đạt được hợp nhất với cả những gì xem ra xa lạ nhất. Sự
một mực đòi hỏi rằng các lý tưởng chúng ta rồi sẽ được nhận thức trong thế giới,
là cái nhà tù cuối cùng khôn ngoan phải từ đó được phóng thích. Mỗi một đòi hỏi
là một nhà tù, và khôn ngoan chỉ được tự do khi nó đòi hỏi không gì cả.
Bertrand
Russell
(Lần đầu
trong the Hilbert Journal, Vol II, Oct 1912)
Lê Dọn
Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Nov/2009)
Dịch từ
Bertrand Russell, “The essence of religion” (1912), trong The
Basic Writings of Bertrand Russell (1903-1959), Part XV, The Philosopher of
Religion, ed. Robert. E. Egner và Lester E Denonn với Bertrand Russell giúp chọn
(London: Routledge, 2001), pp. 565-576
[1] Dogma: Trong
tôn giáo, chỉ các quan điểm, lý thuyết về đạo đức và niềm tin, thường là nền tảng
của tôn giáo và do các nhà thờ đặt định như nguyên tắc sống, đòi hỏi tín đồ phải
tuân theo, và phải xem là chân lý tuyệt đối.
Tàu dịch là giáo nghĩa (教義); giáo
điều (教條). Dịch trọn là tín điều tôn giáo, hay vắn tắt giáo
điều.
(Chú thích này – cũng như tất cả trong bài – và sai lầm
nếu có – của người dịch)
[2] Self: trong nguyên
văn – dịch là tự ngã (自我) dù cũng có thể dịch nôm na là cái ta.
[3] Soul: Ở
đây có nghĩa tâm lý, gốc từ psyche, chỉ khả năng nghĩ, cảm, tiếp xử,
cũng chỉ phần gọi là tâm linh, gồm những thể chất phi vật chất, cùng làm nên sự
sống con người.
Khái niệm về hồn (soul) thay đổi tùy tôn giáo và hệ thống triết học.
Trong vài hệ thống, “soul” đồng nghĩa với “tinh thần” (spirit); trong vài hệ thống
khác, nó lại hầu như cùng chung một nghĩa với “tâm trí” (mind).
Ngay cổ thời Hylạp, đã có sự khác biệt, như giữa hai thày trò Plato và
Aristotle:
Plato (428–348 TCN) có cái nhìn nhị nguyên – hồn và xác – hồn là phần vô
thể của cá nhân, hơn nữa, nó là phần chủ yếu, là yếu tính của tự ngã, tạo thành
đời sống tinh thần cho tự ngã và tin tưởng là tồn tại sau khi thân xác hủy hoại.
Aristotle (384–322 TCN) có cái nhìn khác biệt. Hồn, theo Aristotle,
là thể dạng (form) của một sinh linh, qua đó nó biểu thị đặc
điểm hay biểu tả cách thức ứng xử sống đời của sinh linh này, ra ngoài với thế
giới công cộng, với mọi người. Bản chất của nó là chỉ thể hiện qua hành động của
thân xác, và nó không thể tách biệt với thân xác. Không tồn tại sau khi chết.
Quan niệm này của ông gần với triết học hiện đại trong môn học tìm hiểu về tính
khí của tâm trí, hay về cá tính con người.
[4] Gót: trong
nguyên văn: – ở đây, chỉ ý niệm tổng hợp của: vô hạn, vô cùng (toàn hảo, toàn
năng) và thiêng liêng vượt trên trần tục
Quan điểm nổi tiếng của Russell là nghi ngờ (bất khả tri) về sự hiện hữu
của Gót, ông không cho chuyện có Gót là hữu lý, vì không có thể chứng minh được;
hoàn toàn là niềm tin chủ quan. Nhưng trong nội dung văn, triết học phương Tây,
ông vẫn dùng từ Gót – như ở đây – để chỉ ý vô hạn, thiêng liêng tối thượng.
[5] Nature: trong
nguyên văn: tính chất tự nhiên, ban đầu, sơ khai – chưa bị ảnh hưởng từ bên
ngoài như giáo dục, văn minh, nhân tạo – có thể dịch sát nhất là nhiên
tính (tính có từ tự nhiên) hay tự tính (tính vốn có
trong tự nó), nhưng từ này đã phổ thông trong Phật học, có ý khác. Nên nature dịch
thành một từ nay đã dùng phổ thông trong tiếng Việt – dịch là bản tính (theo
Tàu: 本性, Nhật
có khi dịch thiên tính: 天性)
[6] God – trong
nguyên văn. – hiểu trong context là người có toàn quyền, tự ý muốn làm gì thì
làm.
[7] wished-for-heaven –
vì sống trong hữu hạn, không thoả mãn, luôn ước ao vô hạn, mơ tưởng tuyệt đối;
thiên đàng là tên gọi cõi mơ tưởng và ước ao những vô hạn, tuyệt đối đó. Có thể
Russell gợi ý bài thơ nổi tiếng sau đây “He Wishes For The Cloths Of
Heaven” của W. B. Yeats:
(Had I the heavens' embroidered cloths,
Enwrought with golden and silver light,
The blue and the dim and the dark cloths
Of night and light and the half-light,
I would spread the cloths under your feet:
But I, being poor, have only my dreams;
I have spread my dreams under your feet;
Tread softly because you tread on my dreams.
Tôi dịch tạm lấy ý như sau:
Phải như tôi có vải dệt bằng tơ trời,
bọc quấn với ánh sáng của vàng và bạc,
những vải màu xanh và màu nhạt và màu đậm,
của đêm và của sáng và của nửa-sáng
Tôi sẽ trải dưới chân em;
Nhưng tôi, phận nghèo, chỉ có mơ với mộng,
dưới chân em, tôi đã trải những mộng tôi mơ;
Bước nhẹ em ơi, vì em dẫm trên những mơ tôi mộng.
William Butler Yeats (1865 - 1939)
[8] Night-wind: trong
nguyên văn – gió-đêm. Có thể Russell nhắc bài thơ nổi tiếng The
Night Wind của Emily Jane Brontë (1818 – 1848): Gió đêm đóng vai tỉ
tê, cám dỗ, muốn chi phối:
In summer's mellow midnight
A cloudless moon shone through
Our open parlour window
And rosetrees wet with dew -
I sat in silent musing -
The soft wind waved my hair;
It told me Heaven was glorious
And sleeping Earth was fair -
I needed not its breathing
To bring such thoughts to me,
But still it whispered lowly
"How dark the woods will be! -
"The thick leaves in my murmur
Are rustling like a dream,
And all their myriad voices
Instinct with spirit seem."
I said "Go, gentle singer
Thy wooing voice is kind
But do not think its music
Has power to reach my mind -
"Play with the scented flower,
The young tree's supple bough -
And leave my human feelings
In their own course to flow."
The Wanderer would not leave me;
Its kiss grew warmer still -
"O come", it sighed so sweetly,
"I'll win thee 'gainst thy will."
"Have we not been from childhood friends?
Have I not loved thee long?
As long as though hast loved the night
Whose silence wakes my song.
"And when thy heart is resting
Beneath the churchyard stone
I shall have time for mourning
And thou for being alone."
Emily Bronte
Tôi dịch vội lấy ý như sau:
Nửa đêm hè nồng chín rạo rực
Trời quang, trăng vằng vặc chiếu
Qua cửa sổ vào phòng riêng
Và những cây hồng đẫm ướt sương –
Tôi ngồi im lặng ngẫm nghĩ -
Gió nhẹ luồn qua tóc rối
Nói bảo tôi Trời cao thì vinh hiển
Và Đất thấp say ngủ thì diễm kiều–
Tôi không cần đến thầm thì của nó
Đem những ý tưởng đó đến với tôi,
Nhưng nó vẫn rót lời vào tai, chậm rãi
“Xem kìa – rừng tối đậm biết bao –
Đám lá dày thầm thì theo gió
Và xào xạc như một giấc mơ
Và tất cả tiếng chúng muôn giọng
Bản năng dường lẫn cả tinh thần”
Tôi bảo “đi đi, người hát dịu dàng
Giọng của ngươi thì tử tế
Nhưng đừng tưởng nhạc của nó
Có sức mạnh đến được tâm trí tôi –
“Hãy đùa với hoa dậy mùi thơm
Với cây non trổ đầy cành mới –
Hãy để mặc những cảm xúc người của tôi
Trôi theo giòng chảy riêng của chúng”.
.....
Lang Thang vẫn không buông tha tôi
Nụ hôn của nó lại càng nồng ấm
“Ô tới đây”, nó thở ra thật ngọt,
“Ta sẽ thắng người ngược ý người”.
“Không phải là chúng ta bạn từ thơ ấu?
Không phải ta yêu người đã lâu?
Chừng nào có ý yêu đêm hè vắng
Im lặng của nó đánh thức bài ca tôi
“Và khi con tim bạn an nghỉ
“Nằm dưới bia mộ đất thánh nhà thờ
Tôi sẽ có thì giờ để thương tiếc
Và ngươi, vì ngươi trơ trọi một mình”
Emily Brontë (1818-1848)
[9] Gót: trong
nguyên văn.
[10] Evil: trong
nguyên văn – tà ác – cái xấu và ác về mặt luân lý, bản chất là làm
hại hay thương tổn
[11] Universal soul –
trong nguyên văn. Nếu xem cả vũ trụ như một tổng thể; phần là chất thể sống của
nó, khác với phần gồm những gì là vật chất, cụ thể.
[12] Acquiescence: bằng
lòng, ưng thuận không phản đối, hay đồng ý thụ động – tạm dịch là thuận
tòng (顺从) hay mặc nhận – (默許 Mặc hứa)
[13] Pantheism: Phiếm
thần (Greek: πάν (pan – khắp
nơi = all), và θεός (Theós – thần = Gót)). Trong triết học
– là tên gọi chủ thuyết đồng nhất Gót với Thiên nhiên. Tin rằng Gót là vũ trụ
và các hiện thể vật chất của nó (xem như một tổng thể) – hay chủ thuyết xem vũ
trụ là thể hiện của Gót. Câu quen thuộc tóm thu chủ nghĩa phiếm thần là “Gót là
tất cả và tất cả là Gót”. (Phiếm thần luận – 泛神論)
Tử ý niệm tất cả (pan) và tin vào Gót (theism). Tin rằng Gót là Vũ trụ
và vũ trụ là Gót, có vài dạng khác biệt:
Pandeism: Gót trở thành Vũ Trụ (Gót became the Universe),
Panentheism: Các phần của Vũ trụ đều có phần của Gót, nhưng
không là tất cả (the Universe is part of but not all of Gót), Gót trong khắp tất
cả mọi phần của vũ trụ (Vạn thế tại thần luận - 萬有在神論) và lớn mãi theo
thời gian.
Theopanism: Vũ trụ là Gót, vì nó là Vũ trụ (là quyền uy nên
linh thiêng như thế) (same concept from a different angle, the Universe is Gót
because it is the Universe).
[14] Nhất thể – Gót và
thiên nhiên là một (phiếm thần)
[15] Câu trong kinh lạy
cha (Pater noster) của đạo Kitô – “Thy will be done, in earth as it
is in heaven” – (ý Cha sẽ thể hiện, dưới đất cũng như trên trời).
[16] Promethean- phẫn nộ
thách thức của Prometheus, người khổng lồ (titan) đã lấy trộm lửa từ trời Zeus
về cho loài người, và bị trừng phạt.
[17] The Devil: Trong
nhiều tôn giáo độc thần, là thể hiện, hay nhân hóa tà ác, nếu viết hoa là kẻ
cai quản hoả ngục Kitô (Hell) là kẻ nghịch chống Gót, (cũng có tên là Satan)
[18] Fate: Định mệnh
hay Số phận.
[19] Xerxes I :
vua nước Persia (482 BC) cho xây hai cầu nối qua bờ Hellespont (nay là Turkey)
tại Abydos để quân đội của ông có thể tiến qua lục địa châu Âu từ châu Á Trung
Đông.
Theo truyền thuyết, cả hai cầu bị bão đánh xập,
sau đó Xerxes ra lệnh “trừng phạt”, “đánh” eo biển này: Truyền thuyết kể là ông
đã ném xiềng xuống eo biển để xích nó lại, đánh ba trăm hèo và “ấn dấu” thép đốt
nóng xuống chỗ này! Trong lúc quân sĩ trên bờ hò hét sóng nước (đã dám phạm thượng)!