Saturday, November 28, 2009

Thiên đường dậy sóng hoài nghi


Thiên đường dậy sóng hoài nghi

Problems with Heaven (1997)
Michael Martin




Lời người dịch

Ai ai cũng muốn lên thiên đường, nhưng chẳng ai muốn chết cả [1]

Câu hát đó đập vào tôi ngay lần nghe đầu tiên, cách nay đã rất lâu, nên đến giờ đã quên mất cả tên người hát, và cũng quên cả các phần sau. Một nghịch lý của các tôn giáo phương Tây: Chết và Thiên đường. Phải chết xong đã, mới thấy cánh cửa vào đất Hứa. Thế nên Thiên đường vẫn là một hoài nghi – vì chưa chết nên không thể biết thực hư, nhưng chết rồi, thực hư không thể nói, mà cho cùng, với người chết, biết còn chăng chuyện thực hư. Vậy nên, thiên đường chỉ là để cho người sống bàn bạc, mơ tưởng, và nhất là rao giảng.


Nếu chỉ là giấc mộng đêm của con người như phương Đông nhìn lên trăng, mơ chốn Thiên thai, hay Bồng lai, tiên cảnh, có sáo trúc êm, có dáng hằng tuyệt mỹ, ...nó vô hại, nên thơ, đẹp đẽ, và lại còn đầy hứng cảm nghệ thuật.

Nhưng lớn mạnh hơn mộng đêm, đến những khát khao bản năng của tranh sống ngày, là mộng ngày; ở trong không gian của những hữu hạn nên thèm ước cái không gian khác chứa đầy vô hạn, nghèo khó nên ước giàu sang, xấu xa nên ước đẹp đẽ, khổ đau nên ước hạnh phúc,… mộng ngày là khát khao bản năng nên thường chỉ tìm đến số, đến lượng để thỏa mãn đói khát, bỏ quên hay coi nhẹ giá trị phẩm chất. Thế nên chúng ta nghe kể thiên đường có vô tận những cái này, vô hạn những thứ kia, vô cùng những điều nọ. Mọi thứ đều đong bằng “bao nhiêu là…”. Con người khát quá, thèm quá, muốn quá, tự nhiên đấy thôi. Nhưng những ước ao tự nhiên và thơ ngây đó của con người đã bị những phù thuỷ tôn giáo vẽ vời thành một Thiên đường dẫn dụ. Và bức tranh mới vụng về làm sao, đầu đuôi bất nhất. (Đọc bài này của Michael Martin) Tựa những lời hứa dỗ dành con trẻ, nay thế này, mai thế khác, sau cùng có ai ngắm kỹ lại, với chút suy nghĩ thấy ngay bức tranh Thiên đường rách bươm, vá víu, chắp nối, có rất nhiều lúc vội vàng nên điều hứa sau đã trái nghịch với lời hứa hấp tấp trước. Thiên đường có lẽ chẳng có thể ví được với một bức tranh, tôi có rộng rãi quá chăng? Ở chính phương Tây này, người ta chẳng vẫn gọi nó trần trụi là một cái bánh vẽ trên trời đó sao. Là bánh thì không, nhưng có là tranh đi nữa, nhưng chấp vá, nên có bao giờ thoả được dẫu một chút mộng chân thực con người.


Nhưng vì không thoả, chỉ ôm, thật chặt, nên giấc mộng Thiên đường là một giấc mộng chết người, giáng không biết bao nhiêu tại hoạ cho những kẻ sống ở trần gian.

Chỉ ở Việt Nam, tôi biết – giấc mộng hão ấy khởi mạnh đi từ hội mang tên “hội thừa sai Paris”, trăm phương nghìn kế bền bỉ muốn đem nó sang quê hương chúng ta. Những người truyền thì chân thực quá đỗi nên cuồng tín vô cùng, những người nhận thì khờ dại, khốn khó đáng thương, nên dốc sạch lòng đóng xuống niềm tin, vốn vừa được nâng lên thành một đức hạnh - đức tin, nên bất chấp cả cái chết – vì nếu cái chết biến họ thành thánh [2]- có nghĩa đã ôm chặt một thông hành lên thiên đường, cái chết nào có nghĩa gì với cánh cửa Thiên đường hứa hẹn sắp mở? Bức tranh vá víu ấy đã đủ dán kín, mù mắt để họ chỉ thấy giữa tối đen - chập chờn như thực, những thiên thần nghe kể trong Phúc âm - vẫy cánh chào đón. Hẳn nhiên, còn ai xứng hơn họ nữa? Những người đã “được chọn” và đã có dấu đóng chứng nhận vượt qua thử thách – dấu máu trên thân, dấu cháy của sắt nung đỏ ấn cháy da thịt trên trán.

Và bắt đầu như thế, giấc mộng thiên đường đẩy quê hương chúng ta – vào một thời kỳ không giống thời kỳ nào có trước đó của lịch sử dân tộc: Vũ đài chính trị dậy bão, các triều đại xụp đổ nhanh chóng. Thuở ấy, người phương Tây vào Việt Nam không chỉ thương nhân, giáo sĩ, mà cả gián điệp, quân đội trong ngoài. Khi Gia Long vào Phú xuân, đất nước về một mối, nhưng chưa bao giờ nông dân nổi loạn nhiều như vậy. Hỗn loạn, cùng quẫn và đói khổ, và những kẻ đợi dịp săn mồi đã lâu - với giấc mộng Thiên đường, nên sắt cháy, máu đổ, và lửa đốt, là những bước khởi đầu. Đến khi Văn thân dựng cờ “bình tây sát tả” là gươm vung đã trong vô vọng. Bàng hoàng, sững sờ, trước Nam, sau Bắc, chúng ta mất nước!

Cũng không quên nhắc lại, một giấc mơ thiên đường khác, bản chất là một mô phỏng của thiên đường “linh thiêng” này – thiên đường trần gian[3] – nhưng may mắn là nó đã không thọ, chẳng sống dài lâu, tuy bùng lên rất mạnh, nhưng tàn mau.

Thế nên đã hơn trăm năm qua, hết ngoại xâm, thuộc đia, đến chiến tranh, ly tán,...vẫn chưa nguôi. Lần đó, dân tộc ngã quị, đến nay đứng lên, vẫn như chưa vững chãi.

Và còn giấc mộng Thiên đường trên kia, ở sau cái chết.
Nó chưa chết ở quê hương chúng ta.

Mặc dù ở phương Tây, người ta đã dần từ bỏ, tôi kết thúc với một bài hát khác, quen thuộc hơn:

Tưởng tượng không có thiên đường – Dễ thôi, bạn thử đi,
Dưới chúng ta không hoả ngục – trên chúng ta chỉ trời xanh. [4]

Nhân đọc bài viết này của M. Martin,

Lê Dọn Bàn
(Noel-2009)









Thiên đường dậy sóng hoài nghi





Dẫn nhập

Tin có Thiên Đường là phần thiết yếu của các tôn giáo độc thần lớn như đạo Do Thái, đạo Kitô, và đạo Islam. Các nhà thần học nổi tiếng đã viết về nó và các người hữu thần bình thường hy vọng đến chốn ấy sau khi chết. Đáng tiếc, những người có quan điểm vô thần đã không nói gì nhiều về Thiên đường mặc dầu một vài bài viết của họ có nhắc nhở gián tiếp[5]. Thế nhưng, khái niệm về Thiên đường không rõ ràng và không phải là không có vấn đề. Như tôi sẽ trình bày trong những trang sau đây – có những vấn đề nghiêm trọng với khái niệm Thiên đường. Thứ nhất, khái niệm Thiên đường thiếu chặt chẽ, không đồng nhất. Thứ nhì, Không chắc những người theo quan điểm hữu thần có thể xóa được các mâu thuẫn giữa tính chất tuyệt vời của Thiên đường với những phản biện khuôn mẫu bảo vệ Luận chứng về Tà Ác[6] như luận thuyết Bảo vệ Tự do Ý chí [7] Thứ ba, Thiên đường không công bằng và, như thế, nó mâu thuẫn với lòng tốt của Gót [8]

Lý thuyết truyền thống
Lý thuyết truyền thống về Thiên đường có thể khai triển thành những thuật ngữ trong các luận thuyết sau đây[9]:
1. Luận thuyết thưởng công (The reward thesis): Mục đích của Thiên đường là để thưởng công cho những người có đời sống và hành vi xứng đáng ở trần gian.
2. Luận thuyết vĩnh cửu (The permanence thesis): Một khi đã ở thiên đường, người ta không rời.
3. Luận thuyết bất phổ quát (The anti-universalism thesis): Có những người sẽ không lên Thiên đường.
4. Luận thuyết ngoại tại cá nhân hiện hữu (The individual external existence thesis: Thiên đường là chốn có ý thức cá nhân.
Tất cả những lý thuyết này, trên nguyên tắc có thể bị chính những người hữu thần đặt vấn nạn và, trong thực tế, đã từng có dăm ba. Lấy thí dụ, một vài người Kitô đã phủ nhận (1) và đã chủ trương Thiên đường là phần thưởng của lòng Gót yêu thương và hoàn toàn không dựa trên công trạng. Có những người Kitô khác đã phủ nhận (3) và đã cãi ngược lại rằng rốt cùng mọi người đều được cứu rỗi và tất cả đều lên thiên đường. Tôi không biết có ai phủ nhận luận đề (2), nhưng chắc chắn có thể giữ luận điểm là một người sau khi lên Thiên đường cũng có thể tạo hành sai trái ở chốn ấy và bị giáng truất, thí dụ xuống Hell (hoả ngục)[10]. Cuối cùng, mặc dù hiếm khi có chuyện phủ nhận (4) trong những tín đồ theo truyền thống hữu thần Tây Âu, nhưng trong những tín đồ các tôn giáo phương Đông[11] và chủ nghĩa phiếm thần, họ cãi rằng Thiên đường gồm có một sự hợp nhất với Gót, qua đó ý thức cá nhân mất đi - là phổ thông.

Lý thuyết về Thiên đường tôi đã lược kê có ít nhất ba biến thái. Trong biến thái phổ thông nhất, linh hồn vô hình, phi vật chất của một người – không phải thân xác – lên Thiên đường chóng vánh sau khi chết. Trong dạng biến thái này, thiên đường được xem như “một chỗ”, nhưng không nằm trong thời gian và không gian.Trong biến thái thứ nhì, xác của người chết lại “sống dậy” chóng vánh sau khi chết, nhưng trong biến dạng ở vài không gian khác – một không gian hoàn toàn cắt đứt với không gian loài người hiện giờ đang sống – và được thưởng công ở đấy[12]. Trong biến thái thứ ba – nhiều học giả tin đây là quan điểm nguyên thuỷ của đạo Kitô – Thiên đường hiện giờ chưa có, nhưng sẽ có trong tương lai với lần Chúa xuống thế thứ nhì (the Second Coming). Lúc ấy, xác chết sẽ “cải tử hoàn sanh” trong dạng sửa đổi và được thưởng công ngay trong không gian chúng ta đang sống đây.

Sự mạch lạc của Thiên đường
Cả ba dạng biến thái của lý thuyết về thiên đường, về mặt nhận thức đều có những vấn đề về khái niệm rất trầm trọng, tác động trên nhận thức về chúng. Lấy dạng nói về linh hồn phi vật chất xét thử. Cứ tưởng tượng dù thô thiển sơ sài đến đâu cũng đã khó - về một thân xác nằm ngoài không gian và thời gian, nó ra làm sao? Rồi linh hồn đó di chuyển từ chỗ này sang chỗ kia ra sao? Linh hồn nhận ra linh hồn khác thế nào? Linh hồn không xác làm gì suốt ngày dài, vì đã giả định là linh hồn không cần ngủ? Khó khăn thành không sao vượt qua được nữa khi gộp nó với ý tưởng thiên đường nằm ngoài không gian và thời gian. Tất cả các khái niệm ý thức chúng ta có – lấy thí dụ - suy nghĩ, sẵn lòng, thèm khát – đều là khái niệm có tính thời gian, chúng cần thì giờ để tạo động và xảy ra ở một thời điểm nào đó. Suy nghĩ và ước muốn phi thời gian là không khái niệm được. Vậy nhưng, trong dạng biến thái này, các linh hồn suy nghĩ và ước muốn phi thời gian tính.

Hai dạng biến thái có xác sống dậy, có lẽ lúc đầu có ít vấn đề hơn dạng hồn không xác, nhưng chúng có những vấn đề của chúng về mặt nhận thức. Có hai vấn đề về nhận thức với ý niệm khi người ta chết, thân thể họ được cải tử hoàn sinh ngay (dù có biến dạng) ở một không gian khác – một không gian hoàn toàn tách biệt với không gian chúng ta, thành ra theo nguyên tắc, không sao có thể từ nơi chúng ta di chuyển đến đó được. Thật khó có nghĩa lý một không gian như thế. Mặt khác, làm sao có thể có hai không gian về vật lý tách biệt nhau? Không gian với nguyên tắc là cắt đứt hết mọi du hành không gian? Mặt khác, nếu không gian có xác dựng dậy, không là không gian vật lý, vậy nó là thứ không gian gì vậy? Thứ nhì, tại sao giả định xác ở không gian khác này là xác của người chết trong không gian chúng ta, hơn là một “bản sao” của người này? Giả định, ông X chết và xác này – chúng ta hãy gọi xác này là B1- đem chôn. Lại cũng giả thử một xác B2 khác dựng dậy ở một không gian khác. Có nền tảng nào để tin rằng B2 là ông X chứ không phải chỉ là một bản sao của ông X? Thế nhưng, chỉ trừ khi nào chúng ta có lý do vững chãi để tin B2 là xác (của ông X) chứ không chỉ là bản sao của ông X, trong biến thái này chúng ta không có được lý do nào để tin thiên đường là phần thưởng cho đời sống trần gian của chúng ta.

Xét dạng biến thái thiên đường hiện giờ chưa có, nhưng sẽ có trong tương lai, khi xác người trong dạng sửa đổi được dựng dậy, nhưng ở cùng không gian như chúng ta biết đây. Ở đây chúng ta không có những vấn đề liên quan đến thuyết thiên đường dạng biến thái thứ hai: thiên đường ở trong không gian vật lý của chúng ta, và chỉ có một xác cho mỗi người chết. Nhưng vẫn còn có những vấn đề. Xác chôn đã thối rữa và các nguyên tử của chúng có thể đã phân tán. Thực vậy, có những nguyên tử trong đám này, tính cho cùng, đã thành ra trong thân xác của những người bây giờ đang sống. Và nếu xác chết hoả táng, cũng đúng như thế. Nhìn những vấn đề như vậy, các nhà triết gia hữu thẫn, chẳng hạn như Peter Van Inwagen[13] đã cãi, dẫu đến một Gót toàn năng cũng không thế dựng dậy một xác thân đã hoàn toàn tan rã. Nhưng xác con người quả thật bị tan rã, và đây là vấn đề.

Van Inwagen đã đề nghị một giải pháp cho vấn đề này thật quái đản đến nỗi, phải như không vì vị thế của ông trong học giới, ý tưởng đó không đáng được nhận xét nghiêm chỉnh[14]. Ông đã đề nghị rằng, dù trái nghịch với những gì chúng ta thấy, thân xác con người không phân rã! Mà đúng ra, Gót bảo quản thân xác (thực) của chúng ta – có lẽ là ngay lúc chết – và đưa thay vào đó là một “bản sao” – bản sao này mới là thân xác chúng ta thấy – hoặc tan rã, hoặc hỏa táng[15] Không may cho ông, đề nghị này lại đưa ra một vài vấn đề liên hệ với dạng biến thái thứ hai. Tại sao phải nên giả định xác tan rữa hay xác hoả thiêu là các bản sao mà không chính các xác được bảo quản mới là bản sao? Thêm nữa, các xác bảo quản ở đâu? Nếu nói rằng chúng được giữ ở một tinh cầu nào xa lắm, hay một không gian khác với của chúng ta, vấn đề khởi lên ngay. Khả năng sau (không gian) đưa ra vấn đề giống dạng biến thái thứ hai. Đề nghị trước (tinh cầu), mở ngỏ khả năng trong tương lai có chứng nghiệm thực nghiệm, cách ấy, thám hiểm không gian có thể, trên nguyên tắc, tìm tinh cầu nơi Gót giữ xác người.[16]

Độc lập với những sự quái đản trong bản chất và những điều ngụ ý đầy vấn đề, còn vài điều hoang mang về những đề nghị của Van Inwagen. Tại sao Gót lại phải đi lòng vòng đến xa xôi như thế với chuyện xem ra là người ta mất đi vào hư không hoàn toàn? Van Inwagen đề nghị rằng nếu thân thể đã không tan rã, hoặc biến mất bí ẩn sau khi chết, điều này chắc sẽ là bằng chứng có một uy quyền siêu nhiên. Tác giả này nói mặc dầu Gót muốn chúng ta tin vào Gót, Ông đã không làm hết tất cả những gì Ông có thể làm được, để đưa ra cho chúng ta những bằng chứng không thể chối cãi. Van Inwagen kết luận bằng câu nói “có lẽ chẳng có gì là khó khăn để nghĩ ra những lý do tốt đẹp cho chính sách như thế (của Gót).”[17]

Có lẽ, quả thực có khó khăn hơn là Van Inwagen đã giả thử. Theodore Drange[18] đã đưa ra một luận chứng rất hùng hồn trình bày rằng – những luận chứng quen thuộc vẫn bào chữa chuyện Gót không đưa các bằng chứng mạnh mẽ ra cho chúng ta tin vào sự hiện hữu của Ông ta – các luận chứng như thế rất yếu.[19] Thí dụ, một người không thể biện hộ – nếu đưa ra bằng chứng hùng hồn sẽ gây trở ngại cho ý chí tự do của người ta, vì tự do chọn lựa thì ngang ngửa với có bằng chứng hùng hồn[20]. Trong trường hợp nào đi nữa, nếu đã như có ai thấy xác người không thối rã, hay không mất đi sau khi chết, điều này khó mà có thể nói là bằng chứng không chối cãi được của phe hữu thần chủ trương có Gót, vì trạng thái của những chuyện như vậy tương đồng với nhiều cách giải thích của phái vô thần, thí dụ, một quỉ thần ma quái muốn làm chúng ta bẽ mặt!

Vấn đề về đặc tính siêu phàm kỳ diệu của Thiên đường
Một khía cạnh của thiên đường tôi vẫn chưa xem xét đến, tạo nên những khó khăn cho nỗ lực rất nổi tiếng nhằm giải quyết Vấn nạn về Tà Ác như lý thuyết “Bảo vệ qua Ý chí Tự do” (FWD - Free Will Defense). FWD thông thường được dùng để giải thích số lượng quá lớn những tà ác về diện đạo đức trong thế giới. Tuy vậy, nếu cư dân của thiên đường giả thiết là có ý chí tự do, nhưng sao thiên đường lại cũng giả thiết là sạch trơn, tuyệt không có tà ác về diện đạo đức? Sự hiện hữu của thiên đường ném tấm màn nghi ngờ lên FWD.

Mặc dù giới hữu thần tin các linh hồn phi thể hoặc các con người “sống lại, trong một vài diện nào đó, có khác nhau với những con người trần gian, họ phải tin những đối tượng này có tự do về chọn lựa. Chọn lựa như thế, theo giới hữu thần, là một yếu tính của bản chất con người. Hơn thế nữa, người ta có khuynh hướng nói, bằng vào định nghĩa, hiện hữu ở thiên đường thì tốt đẹp hơn của ở mặt đất. Tốt đẹp hơn như thế nào, trong chiều hướng chính xác nào, thì hoàn toàn mù mờ, nhưng sự tiến bộ chắc chắn phải bao gồm được giải phóng khỏi tất cả, hay ít nhất hầu hết khỏi những khó khăn và tà ác của hiện hữu trần gian. Sau hết, thiên đường giả định là một cực lạc. Nghĩa là nó không còn tử, bệnh, khổ và tàn hại của lão nữa. Giả thiết là sự giải thoát khỏi – hay ít nhất cũng giảm thiểu đến cùng – những xấu ác của hiện hữu trần gian trong đó có các xấu ác về diện đạo đức. Thiên đường khó mà gọi là cực lạc được nếu còn nghĩa là có giết người, tra tấn, hiếp dâm, độc ác, và những thứ tương tự, dẫu có với bất kỳ lượng nào cảm nhận được.

Câu hỏi đặt ra là tại sao thiên đường lại hoàn toàn không còn tà ác đạo đức. Một số trả lời có thể loại ngay. Giả thiết không phải người nào lên thiên đường cũng là thánh cả. Thực thế, ít nhất có trong một vài liệt kê – đến còn không xem tư cách đạo đức của một người có quan hệ với sự cứu rỗi. Thế nên, ít nhất trong một cách diễn giải của đạo Kitô, một người được cứu rỗi bằng lòng tin vào Jesus và không bằng hành động đạo hạnh. Thêm nữa, không rõ ràng là tư cách của mỗi người rồi có chuyển đổi ở thiên đường không. Dẫu người xấu xa không lên thiên đường, người ta có thể giả định là những người đã lên đấy có thể có hành động sai trái lúc ở trên ấy – họ có thể phạm các lỗi lầm đạo đức, sa ngã, bị cám dỗ mua chuộc, và nữa nữa,..Nhưng nếu trên thiên đường họ có ý chí tự do mà lại không làm gì sai trái, người ta phải tự hỏi - tại sao cuộc sống trần gian này lại không theo cũng đồng bộ như thế nhỉ?

Có thể đề nghị một giải thích về sự thiếu vắng tà ác trên thiên đường – là sự thay đổi về khả năng cơ thể, không phải trong cá tính nhân cách. Giả định các hiện hữu phi thể không có khả năng thân xác, thí dụ, để giết người, hiếp dâm và tra tấn. Hơn thế nữa, ngay nếu như những cư dân thiên đường có thân hình, thân thể họ có thể không là đối tượng của cùng những luật vật lý như thân thể trên mặt đất chúng ta. Tuy nhiên, những đề nghị này tạo một vấn đề mới. Vì nếu con người với ý chí tự do có thể hiện hữu trong một thể dạng (không thân hay có thân) như thế, với những kết quả là bớt xấu ác luân lý, nếu thế tại sao con người đã không được tạo với thể dạng này trong đời sống trần gian?

Nhắc lại rằng theo FWD, một thế giới có ý chí tự do là chốn tốt đẹp hơn chốn không có. Lý thuyết FWD đưa ra một giải thích tại sao có quá nhiều xấu ác luân lý: con người xử dụng ý chí tự do và tạo xấu ác. Gót không can thiệp vào những chọn lựa này – vì nếu làm thế sẽ là can thiệp vào ý chí tự do. Tuy nhiên, các triết gia như John Mackie [21] đã thuyết phục rằng có thể có một thế giới, nơi ấy con người tự do, nhưng ấy thế họ lại luôn luôn làm những gì hợp luân lý đạo đức. Bởi vì Gót đã có thể hiện thực được một thế giới như thế nhưng lại không làm, Mackie kết luận FWD thất bại. Phe hữu thần phản bác bằng cách chủ trương, dẫu có thể có một thế giới như thế, nhưng đến ngay Gót cũng không thực hiện được [22]. Thế nhưng, giả định của giới hữu thần về thiên đường đã thừa nhận Mackie có thể gần với cái đúng hơn là các phê phán đối lập. Nếu Gót đã có thể hiện thực một thế giới có ý chí tự do, trong ấy phần thiết yếu là thiên đường, thật khó khăn để thấy tại sao Gót đã không hiện thực một thế giới, với ý chí tự do, có thiên đường trong nó toàn thể.

Một lý do có thể đưa ra về – tại sao có rất ít, hay không có xấu xa về đạo đức trong thiên đường, nhưng có quá nhiều trên mặt đất – có liên hệ với một biện hộ danh tiếng khác đối với biện chứng về tà ác. Bảo vệ bằng Sự tạo lập Linh hồn (SMD - The Soul Making Defense), thuyết này chủ trương cái Xấu Ác là điều kiện cần thiết để tạo cá tính con người! Có lẽ lý do có Xấu Ác trong đời sống trần thế của chúng ta là để tạo ra các chướng ngại cho chúng ta vượt qua – chướng ngại cần thiết cho sự tạo lập linh hồn con người. Một khi linh hồn tạo trong đời này đã xong, không cần có thêm Xấu Ác nữa trên thiên đường, và như thế, Gót xếp đặt những điều để sao con người có ý chí tự do, nhưng không làm điều xấu trên thiên đường. Ít nhất có một vấn đề rất trầm trọng với sự trả miếng này, dù cách nào, Xấu ác không nhất thiết là cần thiết để tạo chướng ngại thử thách, vì còn có Xấu ác trong Tự nhiên. Khổ đau và những kết quả hủy hoại của bệnh tật, rồi sóng thần, bão tố và núi lửa động đất,… quá đủ để tạo chướng ngại. Thế nên, hệ luận là sự không cần thiết đến xấu ác để giải thích là hậu quả của tự do chọn lựa con người.

Tính chất bất công của Thiên đường
Theo quan điểm thông thường về thiên đường, có số người được gửi đến đấy như một sự thưởng công cho điều gì đó họ thực hiện ở đời sống trần gian. Trong một biến thái của quan điểm của phái bất phổ quát đã nhắc trước đây, thiên đường là quà tặng của Gót, hoàn toàn không dựa trên công trạng. Trường hợp nào đi nữa, sự kiện là có người lên thiên đường và có người không, xem không công bằng.

Về biến thái thiên đường là quà tặng, xem ra tuỳ tiện và bất công. Một người cha phát quà – không dựa trên công trạng – cho vài đứa con của ông mà lại không cho vài đứa khác – sẽ phải xem là không công bình và tuỳ tiện. Chắc chắn cũng có thể nói như thế về Gót nếu Ông làm tương tự giống thế. Nhưng cứ giả thử, chúng ta chấp nhận quan điểm lên thiên đường dựa vào công trạng xứng đáng. Nó vẫn xem ra không công bình. Giả thử thiên đường là phần thưởng cho lòng tin, lấy thí dụ, tin Jesus là vị Cứu thế. Hàng triệu người không vì lỗi tự họ, chưa từng nghe danh Jesus, hay ít nhất chưa có cơ hội biết Phúc âm. Không lòng tin của những người này - khó có thể là nền tảng trừng phạt, nghĩa là rút mất phần thường.

Thêm nữa, ngay cả nếu người ta có cơ hội nhưng thất bại không tin, tại sao họ lại phải bị trừng phạt. Nhiều người không tin; phủ nhận thông điệp Phúc âm, vì lý do đúng là có bằng chứng chỉ ra sự khó-có-thể của nhiều chủ thuyết của đạo Kitô: Chúa sống lại, Sinh nở nhưng còn trinh, và hiện thân của Chúa.[23] Ngay nếu như các chủ thuyết này đúng và không phải là khó-có-thể xảy ra theo hướng nhìn các chứng cớ, với người có óc duy lý chắc chắn chứng cớ ấy không lay chuyển được họ. Phải đi vượt quá những gì chứng cớ chỉ ra – nếu là không phản lại các chứng cớ - để chấp nhận Jesus là “con trai” của Gót. Xa hơn nữa, ngay cả khi các người không tin, họ có tính toán sai lầm về các chứng cớ và nó dẫu thực có đưa ra một nền tảng vững chắc để tin tưởng, nhiều người không tin đã thành thực tin là chứng cớ thiếu xót. Tại sao một Gót tốt lành lại giữ quà tặng thiên đường với những người chân thực không tin, họ có thể khiếm khuyết không có được đủ sáng suốt, kiến thức, hoặc khả năng phân tích để thẩm giá đúng các chứng cớ?

Giả thử, phần thưởng thiên đường không dựa trên đức tin, nhưng trên hành xử đạo đức. Như thế này cũng vẫn bất công. Hàng triệu người đã không có cơ hội biết đến giảng dạy đạo đức của kinh Thánh. Họ không sống theo như tiêu chuẩn của kinh Thánh – không phải lỗi tự họ. Thêm nữa, ngay cả với những người có cơ hội biết kinh Thánh có thể tìm thấy thông điệp đạo đức của nó không thể chấp nhận được trên những nền tảng đạo đức. Gót, như diễn tả trong Cựu ước, thường ác độc và tuỳ tiện, và trong Tân ước, ngay cả Jesus đã chân dung như có một tư cách đạo đức khiếm khuyết [24]. Hơn thế nữa, ngay cả với những người chấp nhận kinh Thánh, câu hỏi là ứng xử nào là xứng đáng được ban thưởng? Những gì kinh Thánh dạy về đạo đức là đối tượng nhiều cách diễn giải trái ngược nhau. Thế nhưng cho công bằng – làm sao Thiên đàng có thể là một phần thưởng vì tuân theo một tiêu chuẩn đạo đức đúng đắn của Phúc âm – mà nó lại không minh bạch diễn tả?

Mặt khác, phủ nhận thuyết bất phổ quát và bênh vực thuyết phổ quát cũng có những vấn đề của nó. Thiên đường để làm gì nếu cuối cùng rồi ai ai cũng lên hết trên đó? Thế cái gì là ý nghĩa của sự sống trần gian với những đau thương, thử thách và khổ ải của nó? Mặc dù trong trường hợp này (ai cũng lên thiên đường) có lẽ không còn phàn nàn là bất công, người ta có thể phàn nàn về sự vô nghĩa của cuộc sống trần gian[25]. Hiện hữu con người hiển nhiên trở thành phi lý và một bí ẩn sâu xa. Sau rốt, Tại sao chúng ta lại có một đời sống trần gian (như bước trung gian) làm gì nữa nhỉ? Tại sao không bắt đầu đời sống với ngay trạng thái thiên đường cho xong? Nếu phái hữu thần muốn tránh gánh nặng bất công, hay gánh nặng vô bổ phi nghĩa, họ phải nghiêm trọng xét lại lý thuyết của họ về thiên đường.

Kết luận
Sự nương dựa tin cậy của giới hữu thần vào khái niệm Thiên đường nêu lên nhiều vấn đề quan trọng. Trước hết, khái niệm con người hiện hữu trên thiên đường –có thân xác hay không thân xác – là khái niệm hoàn toàn không thể hiểu được. Thứ hai, vẫn còn là một bí mật – làm sao cư dân ở đấy có thể có ý chí tự do và lại giả định họ ít phạm sai trái về đạo đức. Thứ ba, sự hiện hữu của thiên đường như một vương quốc ở đó con người hiện hữu, nhưng lại tương đối không có các tà ác về đạo đức, làm yếu đi sự biện hộ truyền thống dùng ý chí tự do để bào chữa cho luận chứng về Tà ác. Cuối cùng, thuyết bất phổ quát là bất công trong khi thuyết phổ quát xem ra vô bổ.

Michael Martin



Lê Dọn Bàn tạm dịch- bản nháp thứ nhất

(Nov/2009)

http://chuyendaudau.blogspot.com/

http://chuyendaudau.wordpress.com






Tác giả : Michael Martin (1932 -), Ph.D. (Harvard) - Triết gia, học giả, giáo sư emeritus (hưu trí danh dự), dạy triết học và triết học tôn giáo tại Boston University.


Các chú thích trong bài của tác giả, như trong nguyên văn – bản Anh ngữ - xin đọc nguyên văn ở đây: Michael Martin - Problems with Heaven (1997)

Những chú thích khác của tôi - có phụ ghi là chú thích người dịch - (CTND) – như nhận lỗi, nếu có, về người dịch.


[1] Một bài hát bình dân, rất phổ thông tại Bắc Mỹ - Everybody Wants to Go to Heaven, but Nobody Wants to Die. (CTND)
[2] Cũng nên nhắc lại – Suốt hai nghìn năm lịch sử triết học, tôn giáo nước Tàu, chỉ có một mình Khổng khâu được tôn xưng là thánh. Cao đồ như Nhan Hồi, Tử Cống, hay hậu duệ như Mạnh tử (thình thoảng cũng may mắn được gọi là á thánh) , tất cả chỉ được các nhà nho cung kính gọi là thày, thày Nhan, thày Mạnh. Ngay cả Khổng Khâu cũng thường khi chỉ được gọi là thày – thày Khổng - vì bình sinh, học trò của ông cũng chỉ gọi ông là “thày’ (phu tử).

Từ “thánh” trong văn hoá phương Đông, cao quí và hiếm hoi như thế. Thế nên, trong trường hợp những người có kẻ không biết viết, biết đọc, mà được dạy cho nếu chết vì đạo thì thành “thánh” - thánh tử đạo – martyr - ắt hẳn phải có tác động tinh thần không nhỏ.

Đây là những chiến sĩ trước khi ra trận, biết chắc sẽ không trở lại, nhưng cũng không nghi ngờ gì về sự kiện mình sẽ được gắn huân chương cao quí nhất dưới này –kèm với phần thưởng cao quí nhất - ở trên kia.

Thế nên, không lấy làm lạ, dù đến tận 1988, John Paul II – từ Vatican – phải nhất định thêm 117 tên tuổi nữa vào danh sách “thánh”, họ vốn đã chết từ trăm năm trước trên đất nước VN, để nuôi sống niềm tin vào Thiên đường cho người đang sống mà thôi. (CTND)

[3] Xem Bertrand Russell - The Practice and Theory of Bolshevism – ông so sánh chủ nghĩa Cộng sản (Marxism-Leninism) như một tôn giáo. Cũng xem thêm bài viết ngắn nhưng quan trọng của ông - Tôn giáo có thể chữa được các khó khăn của chúng ta không? Tôi dịch và giới thiệu – đế thấy ông so sánh Vatican và Kremlin.

Chỉ một cái nhìn vội - chúng ta thấy các cơ quan và tổ chức đi của hai bên đi song song – Vatican/ Kremlin, giáo hoàng/ bí thư thứ nhất, hội đồng các hồng y/ hội đồng trung ương đảng, tống giám mục,/xứ uỷ, giám mục/ tỉnh uỷ, … cuối cùng là các linh mục xã,/xã uỷ, khóm trưởng/trùm đạo,... Các tổ chức quần chúng: Thiếu nhi thánh thể/ thiếu nhi quàng khăn đỏ, đạo binh đức mẹ/đoàn phụ nữ,…tổ chức hành chính: xóm đạo, giáo xứ.Trong quân đội: chính uỷ, linh mục tuyên uý., cho đến cuối cùng mỗi đảng viên có thể coi như một tín đồ, một bên viện dẫn Thánh kinh, bên kia viện dẫn Marx và Engels.

Nên Russell kết luận : “(nếu) nhìn chủ nghĩa Cộng sản như một cái gì rất khác biệt với đạo Kitô. Điều này với tôi là một sai lầm hết sức sâu xa - Chính là những sự tương tự giống nhau giữa đạo Kitô và chủ thuyết Cộng sản làm chúng xung khắc đối kỵ với nhau.” (CTND).

[4] Imagine - John Lennon (the Beatles) : Imagine there's no Heaven - It's easy if you try - No hell below us- Above us only sky,… (CTND)
[5] Thí dụ, Phê bình của Antony Flew về những khái niệm khác nhau của bất tử - có liên hệ với những gì bàn ở đây. Xem Antony Flew, God, Freedom and Immorality, (Buffalo, NY: Prometheus Books, 1984).
[6] Argument from Evil : luận chứng đưa ra – vì sự xấu ác trần gian là thật, như thế nó mâu thuẫn với giả định có một Gót hay làm cho sự hiện hữu của Gót thành khó có thể có thể là đúng thật – Đây là luận chứng của giới vô thần - xưa nhất và mạnh nhất (CTND)
[7] Free Will Defense: Phản biện lại Luận chứng về Tà ác- Tà ác là hậu quả của Tự do về ý chí con người, nên không thể “đổ tội” cho Gót.
[8] Phiên âm từ God – thay vì dịch vì từ Thượng đế - thường dịch - không hoàn toàn đúng nguyên nghĩa của từ God. Xem thêm Russell - Có God hay không? (CTND)
[9] Cf. Jonathan L. Kanvig, "Heaven and Hell," in A Companion to the Philosophy of Religion, ed. Philip L. Quinn and Charles Taliaferro, (Oxford: Blackwell Publishers, 1997), pp. 562-68.
[10] Có thể đề nghị – Satan là một nhân vật trước kia sống ở Thiên đường, sau bị trục xuất vì có những hành vi bất xứng. Tuy nhiên, theo truyện kể truyền thống, Satan không có phần thưởng Thiên đường nhưng chỉ có giáng truất. Thêm nữa, Satan không phải là người, nhưng là thiên thần sa ngã, nên vị này có những khả năng siêu phàm.
[11] Thí dụ Ấn giáo, hữu thần – Tiểu ngã nhập vào Đại ngã (Brahman)
[12] Quan điểm này đã gắn với John Hick. Xem John Hick, "Theology and Verification," The Logic of God, ed. Malcolm L. Diamond and Thomas V. Litzenburg, Jr. (Indianapolis: The Bobbs-Merrill, Company, Inc., 1975), pp. 188 - 208.
[13] Peter van Inwagen (1942-) Giáo sư triết đại học Notre Dame (US). Ông nghiên cứu về Siêu hình, Triết lý luận lý, Triết ly thần học, và lý thuyết bảo vệ Kitô (Christian apologetics) - (CTND)
[14] Giải pháp của ông có thể xem như một biến thái thứ tư của lý thuyết Thiên đường, hoặc khác hơn, như một giải thích không chính thống của biến thái thứ ba.
[15] Peter Van Inwagen, "The Possibility of Resurrection," Philosophy of Religion, ed. Louis Pojman (Wadsworth Pub. 1994), pp. 389-92.
[16] Tuy nhiên, với vũ trụ quá bao la, thất bại đi tìm một tinh cầu như thế không nghiêng về phủ nhận hiện hữu của nó. Lý thuyết mà nói, giả thuyết “ Có một hành tinh nơi ấy Gót bảo trì các xác người đã chết từ địa cầu” là một mệnh đề phi hạn-chế về hiện hữu, và bằng chứng quan sát không chứng minh nó sai.
[17] Ibid., p. 392.
[18] Theodore Michael Drange (1934—) Triết gia về tôn giáo hoc, giáo sư đại học West Virginia University. Là người vô thần, ông có tác phẩm nổi tiếng Nonbelief and Evil: Two Arguments for the Nonexistence of God (1998) - (CTND)
[19] Xem Theodore Drange, "The Argument From Nonbelief," Religious Studies, 29, 1993, pp. 417-432, và "The Arguments From Evil and Nonbelief," 1996,
[20] Tác giả muốn nói – nếu Gót đưa ra hai năm rõ mười bằng chứng là có Gót đâu đấy, người ta sẽ không còn dám có ý chí tự do nữa - nói theo triết học, sự hiển nhiên về sự hiện hữu của Gót tỉ lệ nghịch với ý chí tự do con người, vả lại phải “mập mờ ẩn hiện” như vậy để thử thách lòng tin con người, nếu không thì còn gì nữa mà phải dựng nên các tổ chức đông đảo, hùng hậu, đa dạng, khắp nơi,.. để rao giảng, hết chuyện! - (CTND)
[21] John Mackie (CTND)
[22] Xem thêm các bàn luận về những vấn đề này trong - Michael Martin, Atheism: A Philosophical Justification (Temple University Press, 1990), Chapter 15
[23] Xem Michael Martin, The Case Against Christianity (Temple University Press, 1991).
[25] Tôi viết "có lẽ" bởi vì câu hỏi về công bằng cũng còn có thể nêu lên với thuyết phổ quát nữa: Có công bằng không nếu tất cả mọi người đều được cứu rỗi, mặc dù có kẻ đã sống tàn ác không thể tưởng được, trong khi có những người khác lại sống hoàn toàn một đời thánh thiện tuyệt vời?