Monday, September 28, 2009

Bertrand Russell - Tôn giáo có thể chữa được các khó khăn của chúng ta không?




Tôn giáo có thể chữa được các khó khăn của chúng ta không?
Can religion cure our troubles?

Bertrand Russell (1872– 1970)







(Đã đăng làm hai kỳ trên Dagens Nyheter, tờ nhật báo lớn nhất Stockholm, Sweden. Nov 9 và 11, 1954.)

Một tư tưởng, tín ngưỡng dù sai, xấu, lạc hậu cũng không vì thế mà thành mối nguy cho loài người, mối nguy là có những người đưa nó lên ngai vàng –  rồi sống chết bảo vệ duy trì nó – xưng tụng nó là duy nhất đúng, là chân lý vĩnh viễn – là mãi mãi giá trị –  là không thể sai lầm – không có ai khác, có gì ngoài hơn được lãnh tụ, giáo chủ, tổ chức, hội thánh. Cuồng tín giáo điều hiện thân thành tổ chức – sắt máu mọc nanh vuốt thành guồng máy đàn áp nghi ngờ, đối lập: suy tưởng diệt, sáng tạo mất, con người không còn .
Trong xã hội, có tổ chức tôn giáo hay chính trị độc tôn như thế, xã hội ấy chết, không tiến hóa nữa, còn những con người trong xã hội ấy? Con người vẫn được sinh ra, lớn lên, rồi chết đi, nhưng chưa bao giờ sống.

Đó là thông điệp của Russell trong bài này – viết rất sớm khi chiến tranh lạnh mới bắt đầu (1954), giữa Mỹ/Tây Âu –  Cộng sản, trong đó có đối kháng giữa Vatican –  Kremlin.

"Đã thành một tục lệ của những nhà lý thuyết bảo vệ đạo Kitô – là nhìn chủ nghĩa Cộng sản như một cái gì rất khác biệt với đạo Kitô. Điều này với tôi là một sai lầm hết sức sâu xa –  Chính là những sự tương tự giống nhau giữa đạo Kitô và chủ thuyết Cộng sản làm chúng xung khắc đối kỵ với nhau."

Người dịch.
Lê Dọn Bàn




Tôn giáo có thể chữa được các khó khăn của chúng ta không?

I.

Loài người mang họa chết, và sợ cái chết, nay cũng như xưa, đẩy người ta xuống tìm trú ẩn trong Gót[1]. Khắp Tây phương có một sự phục hồi tôn giáo rất rộng rãi[2]. Chủ nghĩa Nazis và Cộng Sản phủ nhận đạo Kitô và đã làm những điều chúng ta chán ghét. Dễ dãi kết thúc rằng sự tẩy trừ đạo Kitô của Hitler và của chính quyền Sôviết ít ra có đóng phần vào nguyên nhân các khó khăn của chúng ta, và nếu thế giới trở lại với đạo Kitô, sẽ giải quyết được các khó khăn ấy.Tôi tin đây hoàn toàn là một ảo tưởng sinh ra từ khiếp hãi. Và tôi nghĩ là một ảo tưởng nguy hiểm, đánh lạc hướng những người suy nghĩ rồi ra có cơ thành công và như thế nó chắn đường đến một giải pháp đúng đắn.

Câu hỏi đặt ra không chỉ liên hệ với tình trạng hiện nay của thế giới. Nó là câu hỏi khái quát hơn rất nhiều và đã được bàn cãi từ nhiều thế kỷ. Nó là câu hỏi – Phải chăng xã hội có thể vận hành một khả năng tối thiểu[3] luân lý –  nếu giáo điều tôn giáo không giúp vào? Phần tôi, tôi không nghĩ luân lý tùy thuộc vào tôn giáo cho gần đến cái mức như các người sùng đạo vẫn tưởng. Tôi còn nghĩ rằng một vài phẩm hạnh rất quan trọng lại có cơ dễ thấy trong số những người phủ nhận tín lý giáo điều hơn là trong những người chấp nhận chúng.Tôi nghĩ điều này đặc biệt đúng khi áp dụng vào tính tôn trọng sự thật hay trí thức chính trực. Trí thức chính trực, theo tôi hiểu là tập quán quyết định những vấn đề tranh cãi cho thuận hợp với chứng cớ, nếu không, để tồn nghi khi chứng cớ không rõ ràng. Đức hạnh này, dù gần như tất cả những người tin theo bất kể hệ thống tín lý giáo điều nào – đều xem thường nó, nhưng với suy nghĩ của tôi, nó lớn lao và quan trọng vào bậc nhất xã hội, và chắc chắn là nó làm phúc lợi cho thế giới hơn đạo Kitô thật nhiều lắm, hay bất kỳ hệ thống tổ chức tín ngưỡng khác.

Chúng ta hãy dành một lát để xem qui luật luân lý trở nên đươc chấp nhận như thế nào? Qui luật luân lý có hai loại tổng quát: Có những luật không có cơ bản nào ngoài gốc tin tưởng tôn giáo; và có những luật có cơ bản hiển nhiên từ tiện ích xã hội. Lệ nhà thờ Orthodox Hy lạp, cha mẹ đỡ đầu của cùng một đứa trẻ không được lấy nhau! Với luật này, rõ ràng, nó chỉ có một nền tảng thần lý, và, nếu bạn nghĩ cái luật này quan trọng, bạn sẽ rất đúng khi nói rằng sự suy tàn của tôn giáo thì đáng trách vì rồi luật này sẽ bị vi phạm! Nhưng không phải cái thứ “luật” loại này chúng ta bàn luận ở đây. Những luật lệ luân lý chúng ta đang đặt câu hỏi là những luật có lý do xã hội, độc lập với thần học tôn giáo.

Chúng ta hãy lấy chuyện ăn cắp làm thí dụ. Một cộng đồng trong đó mọi người đều ăn cắp, thì mọi người đều chịu thiệt. Và rõ ràng là phần đông người ta, có thể hưởng được nhiều hơn từ cuộc sống mình mong muốn, nếu ở trong một cộng đồng hiếm trộm cắp. Nhưng một khó khăn nổi lên khi không có luật pháp, đạo đức, và tôn giáo: Với riêng mỗi người, một cộng đồng “lý tưởng” là nơi tất cả mọi người đều lương thiện, chỉ trừ mình anh ta là kẻ cắp. Nó dẫn đến sự cần thiết của một tổ chức xã hội, nếu lợi ích của từng cá nhân thì phải hài hòa với của cả cộng đồng. Điều này thành tựu hữu hiệu nhiều hay ít nhờ hình luật và cảnh sát. Nhưng không phải lúc nào cũng tìm bắt được thủ phạm và có khi cảnh sát cũng nới tay khi chạm đến quyền thế. Nếu thuyết phục được người ta rằng có một Gót sẽ trừng phạt kẻ ăn cắp, kể cả khi cảnh sát thất bại, tin tưởng này xem ra có phần đúng là sẽ phát triển tính lương thiện. Ở một xã hội đã sẵn tin có Gót, nó cũng sẵn sàng tin rằng Gót cấm trộm cắp. Sự hữu ích của tôn giáo trong lĩnh vực này được minh họa ở truyện “vườn nho ông Naboth”, kẻ cắp ở đấy là một ông vua[4], đứng trên công lý trần gian.

Tôi không phủ nhận là ở các cộng đồng còn bán khai trong quá khứ, suy đoán thế ấy có thể đã khuyến khích cách cư xử mà xã hội mong ước. Nhưng ngày nay, những điều thiện như thế được làm cho vì nhét một gốc thần lý Kitô nhập vào luân lý, là sẽ buộc nó thật chặt không sao gỡ nổi với những ác hại khôn lường, rồi tốt lành làm ra cho đến mấy, so sánh với chúng, cũng thành vô nghĩa. Khi văn minh càng phát triển, cấm đoán trần gian càng vững mạnh và cấm đoán thiêng liêng càng kém dần đi. Người ta thấy càng ngày càng có thêm lý lẽ để nghĩ rằng nếu ăn trộm sẽ bị bắt, và càng ngày càng có ít lý lẽ để nghĩ rằng nếu ăn trộm mà không bị bắt, thế nào rồi Gót cũng sẽ trừng phạt. Ngay cả những người mộ đạo nhất thời nay cũng họa hiếm tin chuyện phải “xuống” hell (hỏa ngục) vì trôm cắp. Họ suy tính rằng rồi sẽ ăn năn kịp thời, và như vậy, dù thế nào nào đi nữa, hỏa ngục hoặc không chắc xảy đến, hay không còn nóng bỏng như trước nữa. Trong các cộng đồng văn minh, phần đông người ta không trộm cắp, và tôi nghĩ cái động cơ thông thường là khả năng dẫn đến trừng phạt trên trần gian này rất lớn. Điều này được xác minh bằng các sự kiện đã xảy ra trong các cuộc đổ xô đi săn vàng, hay trong bất kỳ cộng đồng nào đang tan rã, hầu hết mọi người đều nhúng tay vào trộm cắp.

Nhưng, bạn có thể nói, sự ngăn cấm thần lý vào chuyện ăn cắp có thể không còn cần thiết chăng nữa, nhưng dẫu là với mức nào, nó cũng không làm gì hại, vì chúng ta không ai muốn có trộm cắp cả. Tuy nhiên, điều đáng lo, là ngay liền khi con người nghiêng sang nghi ngờ, các tín lý liền được hỗ trợ bằng những phương cách ghê tởm và tai hại. Nếu một giáo điều phải được xem có giá trị và nếu những ai suy xét vô tư thấy không có lý do gì để nghĩ giáo điều đó đúng, giới “thẩm quyền” sẽ bắt tay hành động vào việc ngăn chận sự suy nghĩ vô tư đó. Trong các thế kỷ qua, họ đã làm như thế bằng cách đốt sống những người có suy nghĩ trên giàn hỏa[5]. Ở Russia, họ vẫn còn có những phương pháp khá hơn một chút[6]. Nhưng trong các nước phương Tây, giới thẩm quyền đã toàn thiện một hình thức khuyến dụ mềm mỏng mát dịu hơn.Trong đó, trường học có lẽ là quan trọng nhất, trẻ con phải được “bảo vệ” không cho nghe lọt vào tai những luận chứng tán thành các quan điểm nhà cầm quyền không thích, và những ai vẫn cứ nằng nặc đòi phơi bày khuynh hướng tìm tòi (sự thật) sẽ phải chịu những bất tiện xã hội và nếu có thể, làm họ cảm thấy bị chê trách về đạo đức! Cách này, bất kỳ hệ thống đạo đức nào có nền tảng thần lý sẽ trở nên một khí cụ; những người đang nắm quyền dùng nó bảo vệ uy lực của mình, và làm suy hại khí lực trí thức của lớp trẻ.

Tôi thấy một sự hờ hững với chân lý trong nhiều người thời nay mà tôi không thể nào nghĩ gì khác hơn là cực kỳ nguy hiểm. Khi người ta bàn bãi, thí dụ, chống chế cho đạo Kitô, họ không như Thomas Aquinas, đưa ra những lý lẽ để giả định là có một vị Gót, và vị này biểu hiện ý mình trong kinh Thánh. Họ biện luận, thay vì, nếu người ta nghĩ như vầy – người ta sẽ hành xử tốt hơn – là nếu người ta không. Thế nên chúng ta phải chọn đằng không – vậy là những người này thỏa mãn – cho phép chúng ta ức đoán vô bằng như chẳng hạn –  có Gót hiện hữu hay không! Nếu như, trong một lúc vô tư nào đó, sự nghi ngờ chỗi đầu dậy, chúng ta phải dập mạnh cho nó tắt ngay! Nếu suy tưởng vô tư là gốc của ngờ vực, chúng ta phải kiêng tránh suy tưởng vô tư. Nếu một viên chức chính thống thủ cựu bảo là tội lỗi khi cưới em gái vợ mình đã chết [7], bạn phải tin thế để giữ cho đạo đức đừng xụp đổ! Nếu họ bảo bạn rằng dùng các phương pháp ngừa thai[8] là tội lỗi, bạn phải chấp nhận phán quyết của họ, mặc dù thật hiển nhiên với bạn là nếu không hạn chế sinh sản thì nguy tai sẽ đến là chắc chắn. Liền ngay khi, bất kỳ một tín điều gì gì đi nữa, được nêu là quan trọng, vì ít nhiều lý do mà trong đó chỉ thiếu mặt chân lý, là một bầy xấu ác độc hại sẵn sàng bùng dậy. Ngăn cản sự tra cứu, như tôi nói ở trước, là điều đầu tiên trong những điều này, nhưng các điều khác chắc chắc sẽ đến theo sau. Những chức vụ có thẩm quyền sẽ mở ra với giới chính thống giáo điều. Chứng tích lịch sử phải tẩy xóa, giả mạo nếu chúng đưa ra nghi ngờ về những quan điểm đang được chấp nhận. Chẳng sớm thì chầy, rồi những gì phản chính thống sẽ bị khép là tội phạm, phải trừng trị bằng giàn hỏa, bằng thanh trừng, bằng các trại tập trung. Tôi có thể kính trọng những người tranh luận cho rằng tôn giáo là đúng và do đó chúng ta nên tin theo. Nhưng tôi chỉ có cảm giác khinh rẻ đạo đức với những ai nói rằng phải nên tin theo tôn giáo vì nó hữu dụng, và rằng hỏi nó có đúng hay không là phí thì giờ.

Đã thành một tục lệ của những nhà lý thuyết bảo vệ đạo Kitô[9] – là nhìn chủ nghĩa cộng sản như một cái gì rất khác biệt với đạo Kitô, và thường đối nghịch “xấu ác” của nó với cái gọi là “phước lành” mà các nước theo đạo Kitô giả định vui hưởng. Điều này với tôi là một sai lầm hết sức sâu xa. Những ác hại của chủ nghĩa cộng sản giống hệt như những ác hại xảy ra trong đạo Kitô thời Trung cổ –  “thời đen tối của lòng tin” [10]. Cơ quan Ogpu[11] chỉ khác các tòa án dị giáo Catô về số lượng nạn nhân mà thôi. Sự tàn ác của chúng ngang ngửa bằng nhau. Hậu quả tai hại đem lại cho giới trí thức và đời sống tinh thần của Russia cũng cùng như in một loại như đã xảy ra trước đây tại các địa phương có các tòa án dị giáo giăng bủa móng vuốt. Những người cộng sản bóp méo lịch sử, giáo hội Kitô cũng làm hệt vậy cho mãi đến thời Phục Hưng. Nếu giáo hội Kitô ngày nay không tệ hại như chính quyền Sôviết, đó là do tác động của những người đã phản đối giáo hội. Kể từ cộng đồng Trent[12] cho đến ngày nay, giáo hội mà có được cải thiện nào đem ra thực hành đều nhất nhất có cơ nguyên từ phía các thù địch của giáo hội. Vì không thích chính sách kinh tế cộng sản, nhiều người đã chống đối chính quyền Sôviết, như thế, Kremlin cùng có chung kinh nghiệm như giáo hội Kitô: chống đối từ các tín đồ lúc ban đầu; từ những nhà tu dòng Franciscan[13], và từ phần lớn những người bị gọi là đám “rối đạo” thời Trung cổ. Chẳng phải chỉ riêng đảng cộng sản mới xảy ra chuyện “xét lại”. Sir Thomas More, một kẻ tử đạo chính thống, nói về đạo Kitô như một chủ nghĩa công xã và nói rằng đó là khía cạnh duy nhất của đạo Kitô đáng truyền cho dân xứ Không Tưởng[14]. Không phải chỉ riêng mình chủ nghĩa Sôviết thôi là đủ thành hiểm họa. Hiểm họa là ở cách thức chủ nghĩa ấy được duy trì. Nó được ôm giữ như một sự thật linh thiêng, bất khả xâm phạm[15]. Nghi ngờ chủ nghĩa là một tội lỗi và đáng bị trừng phạt thật nặng nề. Những người cộng sản, cũng giống những người Kitô, tin rằng thuyết lý của họ là điều thiết yếu cho sự cứu rỗi. Và chính niềm tin này làm thành tựu sự cứu rỗi cho anh ta. Chính là những sự tương tự giống nhau giữa đạo Kitô và chủ thuyết cộng sản làm chúng xung khắc đối kỵ với nhau[16]Khi hai nhà khoa học bất đồng ý kiến, họ không kêu goi vũ khí thế tục; họ chờ đợi thêm bằng chứng để quyết định vấn đề, vì là những người nghiên cứu khoa học, họ biết chắng ai trong họ là không thể sai lầm. Nhưng khi hai nhà thần học bất đồng, vì không có tiêu chuẩn nào để ai trong họ có thể viện chống, nên không có gì ngoài oán ghét lẫn nhau và một kêu gọi ngấm ngầm hoặc công khai đến gươm súng[17]. Tôi sẽ chấp nhận đạo Kitô gây hại ít hơn, không còn như trước đây; nhưng đó là do sự nhiệt thành tin tưởng vào nó đã mất bớt đi. Có lẽ, rồi với thời gian, cũng có thay đổi như thế xảy ra với chủ nghĩa cộng sản.Và nếu nó có như thế, hệ thống tín điều này sẽ mất đi rất nhiều những thứ hiện nay làm nó đáng ghét[18]. Thế nhưng ở phương Tây nếu có quan điểm lưu hành rằng đạo Kitô là thiết yếu cho đức hạnh và quân bình xã hội, đạo Kitô lại một lần nữa hồi phục những chứng tật xấu xa nó đã vốn có từ thời Trung cổ; và khi trở nên giống chủ nghĩa cộng sản thêm nữa, nó càng khó hòa giải hơn với chủ nghĩa này[19]. Không phải theo đường này mà thế giới có thể tránh khỏi tai họa[20].


II.

Trong bài báo thứ nhất (phần I) tôi quan tâm với sự độc hại là hậu quả tất yếu từ bất cứ một hệ thống giáo điều nào đưa ra đòi được chấp nhận, không trên giá trị chân lý, hay nền tảng sự thật, nhưng trên nền tảng là sự hữu ích xã hội. Những gì tôi đã phải phát biểu áp dụng đồng đều cho đạo Kitô, chủ nghĩa Cộng Sản, đạo Islam, đạo Phật, đạo Hindu và tất cả các hệ thống thần lý, trừ ra đến chừng nào chúng kêu gọi chấp nhận một giá trị phổ quát dùng cùng một thứ phương cách như các nhà nghiên cứu khoa học[21].Tuy nhiên, có những biện luận đặc biệt đẩy tới, riêng chiếu cố đạo Kitô, trên cơ sở giả định là nó có những giá trị đặc biệt. Những lý luận này đã được trình bày hùng hồn và phơi bày vẻ uyên bác của tác giả là Herbert Butterfield[22], giáo sư môn lịch sử hiện đại tại đại học Cambridge, và tôi sẽ xem ông như người phát ngôn cho một khối rộng rãi có quan điểm mà ông tán thành.

Giáo sư Butterfield tìm cách dành chắc một số lợi điểm tranh luận bằng những nhượng bộ để làm ông xem ra có vẻ “cởi mở” nhiều hơn là thực. Ông thú nhận nhà thờ Kitô đã dựa vào khủng bố và do chính áp lực đến từ bên ngoài đã buộc hội thánh phải từ bỏ nó, và trong chừng mức nào đó thói tật này thực đã bị buông bỏ. Ông thú nhận là căng thẳng hiện nay giữa Sôviết và phương Tây là hậu quả của tranh dành quyền lực chính trị, dù cho chính quyền Sôviết có tiếp tục tòng phục theo đạo chính thống Hy Lạp[23]như (các Nga hoàng) trước đây, thì cũng vẫn không thay đổi cục diện[24]. Ông thú nhận có một vài phẩm hạnh mà ông xem trọng là đặc biệt của đạo Kitô thì vẫn từng thấy rõ trong các nhà tư tưởng tự do[25]nhưng lại thiếu vắng trong cách cư xử của rất nhiều tín đồ đạo Kitô. Nhưng, dù có các nhượng bộ này, ông vẫn chủ trì là những xấu xa ác độc mà thế giới đang gánh chịu thì có thể chữa khỏi bằng sự tuân phục theo giáo lý của đạo Kitô! Và ông gộp vào trong cái mức cần thiết tối thiểu tín lý của đạo Kitô –  là không phải chỉ tin vào Gót và sự bất tử (linh hồn) mà còn là vào sự hiện thân của Christ[26]. Ông nhấn mạnh vào mối liên hệ giữa đạo Kitô với một số các biến cố lịch sử, và ông chấp nhận các biến cố này là sự kiện lịch sử dựa trên những chứng cớ chắc đã không được ông chấp nhận nếu như nó đã không có liên hệ gì với tôn giáo của ông. Tôi không nghĩ là bằng chứng về chuyện “Trinh nữ Sinh đẻ”[27] như thế lại có thể thuyết phục được một người tìm hiểu nào có trí không thiên vị, nếu khi bằng chứng ấy được trình bày ở ngoài vòng tin tưởng thần lý vốn quen thuộc của anh ta. Đã có hằng hà vô số các chuyện như thế trong thần thoại không Kitô[28], nhưng không ai –  dù chỉ mơ tưởng –  xem chúng là chuyện nghiêm trang –  có thật. Giáo sư Butterfield, tuy vậy, mặc dù là một nhà viết sử, tỏ ra không thiết đến gì đến các câu hỏi mang tính chất có thật hay không về nguồn gốc lịch sử đạo Kitô. Biện thuyết của ông, tước đi mất ngay cái phong thái lịch lãm và vẻ kịch cởi mở đóng ngoài, có thể phát biểu, sống xượng nhưng chính xác –  như sau: “Không đáng bõ công tìm hiểu xem thực sự Christ có sinh từ Trinh nữ ra, và thai thụ có bởi Chúa Ma[29] hay không, bởi vì, không biết chuyện có thực hay không, nhưng cứ tin rằng chúng có thực đi, vì tin thế là hy vọng tốt nhất của chúng ta để tránh thoát các bất hạnh thời đại của thế giới hiện nay.” Không chỗ nào trong công trình của giáo sư Butterfield có một cố gắng dù nhỏ nhoi nhằm chứng minh có sự thật trong các giáo điều Kitô. Chỉ có duy nhất một luận chứng thực tiễn rằng niềm tin vào giáo điều Kitô thì hữu dụng. Có nhiều bước trong luận điểm của giáo sư Butterfield đã không được phát biểu cho sáng sủa và chuẩn xác như người ta muốn, và tôi sợ rằng lý do là chính sự sáng sủa và chuẩn xác – nếu có – lại làm các làm hại các luận điểm không đứng vững. Tôi nghĩ luận điểm của ông, tước đi những râu ria không cần thiết, thì như sau: Là một điều tốt nếu mọi người yêu láng giềng của mình, nhưng người ta không tỏ ra nhiều phấn khởi để làm như thế; chúa Kitô nói họ phải nên làm, và nếu họ tin rằng chúa Kitô là chúa cứu thế, là Gót, người ta sẽ có khuynh hướng chú ý tới những lời ông dạy về điểm này hơn là nếu người ta không tin; do đó, những người mà ước muốn thiên hạ ai ai cũng đều yêu làng giềng của mình, sẽ cố gắng thuyết phục thiên hạ rằng chúa Kitô là Gót thật!

Những lý do phản đối với thứ luận chứng như thế này nhiều vô cùng nên thật khó khăn không biết chọn, biết bắt đầu từ đâu. Đầu tiên, giáo sư Butterfield và tất cả những ai cùng nghĩ như ông đều chịu thuyết phục rằng – yêu kẻ láng giềng là điều tốt – và lý do có quan niệm như thế không phải vì nó là do lời dạy của chúa Kitô. Trái lại, chính vì họ đã sẵn có quan niệm này nên họ xem lời dạy của chúa Kitô như bằng chứng sự thánh linh của ông. Họ có ở đây, nói một cách khác, không phải là một đạo đức dựa trên thần học, nhưng là một thần học dựa trên đạo đức của họ. Rõ ràng là họ đã, tuy vậy, chủ trì rằng với cái nền thần học khiến họ nghĩ –  yêu kẻ láng giềng là điều tốt – sẽ không làm cho câu này đến được đông đảo người nghe, thế nên, họ tiến thêm bước nữa, đặt ra những luận chứng khác mà họ hy vọng sẽ có hiệu quả hơn. Đây là một tiến trình rất nguy hiểm. Nhiều người theo đạo Thệ Phản (Protestants) thường nghĩ rằng phá lệ cấm của ngày Sabbath thật tội lỗi –  cũng như là phạm tội giết người. Nếu bạn thuyết phục được người này – phá lệ ngày Sabbath[30] – không có gì là tội lỗi cả, họ có thể phỏng đoán là giết người cũng không có gì là tội lỗi[31]. Tất cả đạo đức có nền tảng thần học, có thể biện hộ bằng lý trí ở từng phần một. Và trong mỗi phần, chỉ hơi dính có một mảnh nhỏ của mê tín cấm kị [32]. Phần nào có thể bào chữa một cách duy lý nên đưa nó ra với bào chữa như thế, vì nếu không cắt ra từng phần, những ai có cơ nhìn thấy sự vô lý ở các phần khác, có thể gạt phắt ném bỏ đi cả toàn thể vấn đề cùng luận chứng.

Nhưng thực sự, đạo Kitô đã bao giờ từng được nêu là có một luân lý[33] tốt đẹp hơn các đạo khác, hay hơn các đối lập của nó? Tôi không thể thấy có được bao nhiêu người thành thực học lịch sử lại có thể cho thế là đúng. Đạo Kitô vốn vẫn đã được nhận ngay không thể nào lẫn với các tôn giáo khác vì tính nó luôn luôn sẵn sàng khủng bố đối nghịch bằng bạo lực. Đạo Phật chưa từng bao giờ là một tôn giáo đi khủng bố. Các vương quốc đạo Hồi của những tiểu vương Caliphs xứ Trung Đông tử tế với người Jews và người theo Kitô hơn là các quốc gia theo Kitô xử với người Jews và các tín đồ của Mohamed. Họ để yên không động đến các người Jews và tín đồ Kitô, miễn là các người này đóng thuế nộp cống cho họ. Thù ghét người gốc Do thái (Anti– Semitism) đã do đạo Kitô làm lớn mạnh lên[34] từ thời đế quốc La mã chuyển sang theo đạo Kitô. Nhiệt tình tôn giáo của các cuộc Chinh phạt đất Thánh[35] đưa đến các pô– grôm[36] ở Tây Âu. Chính là những người đạo Kitô bất công kết án Dreyfus[37], và những người suy tưởng tự do [38] đã gian nan tranh đấu đến cùng cho ông phải được phục hồi. Hành động đáng kinh tởm trong thời nay thường được đạo Kitô chống chế không phải chỉ khi xảy ra với người Jews, mà còn với nhiều liên hệ khác nữa[39]. Những hành động ghê tởm chính phủ vua Leopold[40] nước Belgium làm ở Congo được nhà thờ Kitô dấu kín hay thu cho nhỏ lại và chỉ chấm dứt khi các người suy tưởng tự do khuấy động công luận. Toàn thể cái luận điệu đạo Kitô đã vẫn từng có ảnh hưởng nâng cao luân lý chỉ có thể đưa ra nếu bắt cả tất cả hàng chợ[41] hoàn toàn nhắm mắt bịt mũi, hoặc giả trá cạo sửa các bằng chứng lịch sử!

Câu trả lời quen thuộc là những người Kitô làm những điều chúng ta kinh tởm không phải là những ngườithực Kitô, theo cái nghĩa những người này đã không theo các lời dạy của Christ. Dĩ nhiên, người ta có thể phản biện cũng khéo léo như thế –  rằng chính quyền SôViết không gồm những người thực Marxist, vì Marx có dạy rằng những người Slav thì kém xa những người German và cái lý thuyết này Kremlin không chấp nhận. Những người đi theo một thày dạy luôn luôn bước lệch đi – trong chừng mức nào đó – lý thuyết của vị thày. Những ai định lập một giáo hội phải nên nhớ như thế. Mọi giáo hội đều nảy ra một bản năng tự bảo vệ và giảm thiểu những phần giáo lý của vị sáng lập nếu không giúp vào mục đích ấy. Nhưng trong trường hợp nào đi nữa, cái mà các thuyết gia bảo vệ Kitô ngày nay gọi là thực Kitô là một cái gì đó tùy thuộc vào một tiến trình có tuyển chọn kỹ lưỡng. Nó phớt lờ đi rất nhiều những gì có trong các Phúc Âm: thí dụ, câu chuyện ngụ ngôn con cừu và con dê [42], và học thuyết trong đó kẻ xấu phải chịu trừng phạt vĩnh viễn đày đọa trong lửa hell [43]. Nó chọn ra một vài phần của Bài giảng trên Núi [44], dầu vậy, những phần đó thường bị từ chối, không thực hành. Thí dụ, lý thuyết không– chống– trả (non– resistance), thì nhường cho những người không Kitô thực hành, như Gandhi[45]. Còn những lời dạy chọn lựa đặc biệt để viện dẫn đã được tán tụng là biểu hiện của một đạo đức cao ngất trời nên nhất định các lời dạy này phải có gốc thần thánh! Và giáo sư Butterfield hẳn đã biết những lời dạy này người Jews đã tuôn sạch ra hết tất cả trước thời Christ rất lâu[46]. Có thể tìm thấy chúng, thí dụ, trong sự giáo huấn của Hillel[47] và trong “Các di chúc của 12 Trưởng tộc” (Testaments of the Twelve Patriarchs)[48], nói về bản văn này, tu sĩ tiến sĩ R.H.Charles [49], có thẩm quyền đầu trong vấn đề này, nói: “Bài giảng trên Núi, trong nhiều chỗ đã phản ảnh tinh thần và sao chép lại y nguyên từng câu từng đoạn bản văn của chúng tôi: nhiều đoạn trong Phúc Âm phô bày vết tích cùng một sao chép, và thánh Paul[50]xem ra đã dùng văn bản này như một bản tham khảo không thể rời tay (vade– mecum)". Quan điểm của tiến sĩ Charles là Christ nhất định phải quen thuộc với tác phẩm này. Nếu, như chúng thường nghe nói, cái cao ngất trời của các giảng dạy đạo đức chứng minh tác giả phải là thần thánh, ấy thực là các tác giả vô danh của những di chúc này, họ mới nhất định phải là thần thánh.

Rằng nên, thế giới đang trong khốn quẫn, không ai chối. Nhưng không có một mảy may lý lẽ nào trong lịch sử để giả định là đạo Kitô đưa ra một lối thoát. Những khốn đốn của chúng ta đã bung ra, với tính bất khả chuyển của một bi kịch Hy Lạp, từ thế chiến thứ I, từ đó sinh ra Cộng Sản và Nazis. Thế chiến thứ nhất hoàn toàn có gốc từ đạo Kitô. Ba hoàng đế [51] đều sùng đạo, và nội các Anh hiếu chiến hơn cũng thế. Chống lại chiến tranh đến: từ những người theo chủ nghĩa Xã Hội, Germany và Russia, họ là những người chống đạo Kitô; từ Jaurès, France, người bị ám sát và những người Kitô đứng đắn nhất vỗ tay; từ John Morley, England, một người vô thần nổi tiếng.

Những đặc trưng nguy hiểm nhất của Cộng Sản là làm sống lại nhà thờ Kitô Trung cổ. Chúng gồm có sự tuân phục cuồng tín một mớ thuyết lý vùi dấu trong kinh Thánh, nhất quyết không dùng phán đoán xem xét các thuyết lý này, và khủng bố man rợ những ai phản đối chúng. Không phải sự hồi phục lòng cuồng tín và mù quáng ở phương Tây mà chúng ta phải tìm cho câu hỏi hạnh phúc. Một hồi phục như thế, nếu xảy ra, sẽ chỉ có nghĩa là các đặc tính đáng ghét của chế độ cộng sản trở thành phổ quát. Điều mà thế giới cần là sự biết suy nghĩ, lòng khoan thứ và hiện thực sự tương hỗ giữa những thành phần của gia đình nhân loại. Sự hỗ tương này đã tăng lên gấp bội bởi các phát kiến mới, và những lý lẽ hoàn toàn thế tục biện hộ cho một thái độ tử tế với láng giềng chúng ta thì mạnh mẽ hơn nhiều so với những thời trước. Đó là những quan tâm mà chúng phải tìm chứ không quay lại với những huyền hoặc của những người chủ trương ngu dân. Trí thông minh, có thể nói, đã là nguyên nhân các khốn quẫn của chúng ta; nhưng không phải sự tối trí, tối dạ sẽ chữa khỏi chúng được. Chỉ có thông minh và khôn ngoan thêm nữa mới có thể làm thế giới vui sướng hơn.

Bertrand Russell (1954)

Lê Dọn Bàn tạm dịch–  bản nháp thứ nhất
(Oct/2009)



Dịch từ Bertrand Russell, ”Can religion cure our troubles?” (1954), trong The Basic Writings of Bertrand Russell (1903– 1959), Part XV, The Philosopher of Religion, ed. Robert. E. Egner và Lester E Denonn với Bertrand Russell viết tựa (London: Routledge, 2001), pp. 598– 604.


[1] Tôi đã đề nghị dùng thẳng chữ gốc (hay phiên âm) thay vì dịch –  Gót (đọc "gót") – xem chú thích (1) bài dịch Russell khác của tôi – Có Gót hay không? :
[2] Russell viết bài này năm 1954 – lúc ấy hậu quả của thế chiến II còn ngổn ngang: chế độ Nazis của Hitler ở Germany không còn nữa, nhưng ở nước Nga, đã qua các thời Leninism và Stalinism; chính quyền Sôviết vững mạnh; từ cương thế đồng minh chuyển thành đối thủ của Anh Mỹ: chiến tranh lạnh giữa Kremlin với Âu Mỹ bắt đầu thành hình.
[3] Nguyên văn : A sufficient modicum of morality.
[4] Một chuyện trong kinh Thánh: Naboth có vườn nho tốt ở Jezreel, nhưng vua xứ ấy là Ahab muốn lấy, nên Ahab theo kế người vợ là Jezebel, giết Naboth, đoạt được vườn, nhưng Ahab vẫn bị Gót trừng phạt.
[5] Trong đó có nhà thờ Catô –  chính thức từ hội nghị tôn giáo Verona –  1184, giáo hội này đã xuống lệnh dùng hình phạt đốt sống với các người bị tội là “dám” nghi ngờ giáo lý KiTô, sau thành rất phổ thông thời các tòa án dị giáo Trung cổ Âu châu. Cổ thời, trong kinh Thánh, chỉ ghi lại hình phạt –  đốt – bằng cách đổ chì nấu lỏng xuống cổ họng tội nhân.
[6] Cho người vẫn còn sống vào lò thiêu – theo lời kể của cựu nhân viên cơ quan phản gián trung ương Sô Viết.
[7] Tác giả nói về nước Anh có chuyện buồn cười – vì Anh giáo cấm hôn nhân giữa – anh rể và em vợ quá cố, mãi đến khi quốc hội Anh ban luật mới chính thức bãi bỏ (The Deceased Wife's Sister's Marriage Act –  1907).
Các luật khác tương tự: the Deceased Brother's Widow's Marriage Act 1921 – hợp pháp chị/em dâu lấy anh/em chồng quá cố. The Marriage (Prohibited Degrees) Relationship Act 1931 cho phép con cô con cậu lấy nhau.
[8] Cho đến nay – 2009 – nhà thờ Catô vẫn chống các phương pháp ngừa thai (dù mắc trọng bệnh như AID) – từ giáo hoàng đến những tên cuồng tín tại US – vẫn bất chấp pháp luật –  tìm cách giết hại các y sĩ giúp phá thai những người có hoàn cảnh đặc biệt: bệnh tật, dị chứng, bị cưỡng hiếp hay sinh kế khó khăn, hay thơ dại, sa ngã, lầm lỡ.
[9] Christian apologetics – ngành học thần lý bảo vệ giáo điều trong đạo Kitô – Christian apologist là các người trong trường phái này. Thường bị gọi lầm là triết gia – thí dụ các vị nổi tiếng: Thomas Aquinas, Blaise Pascal.
[10] Middle Ages còn gọi là "Age of Faith” –  trung cố Tây Âu, lúc ấy giáo hội Kitô làm chủ về mặt tinh thần –  chuyên chế trong các lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, xã hội. Hậu quả là khoa học, triết lý, giáo dục bị kềm hãm, chính trị bị lũng đoạn, đẩy lùi toàn thể các xã hội Âu châu vào đêm dài mông muội – nên còn gọi là thời “đen tối” (Dark Age) –  Các giáo hoàng dù dốt nát, hoang đàng, trụy lạc đến đâu cũng vẫn là “duy nhất đúng” và “không thể sai lầm”,...
[11] Tổ chức an ninh chính trị trung ương của chính phủ Sôviết – lập ra năm 1922–  nổi tiếng đã lập ra các trại lưu đày Gulag – có quân đội và tình báo riêng – lùng bắt những người “chống cách mạng”, những người có tư tưởng chính trị bất đồng, và cưỡng bách nông nghiệp tập thể.
[12] Đứng trước các phản đối của những người theo Thệ Phản (Protestant), giáo hội Catô họp bàn cải cách và đối phó tại TrentoItaly – từ 1545– 1563.
[13] Dòng tu Franciscan – có những bất đồng lâu dài với giáo hội Catô, có thời gian bị chính giáo hội ngược đãi
[14] Thomas More (1478– 1535) – tác giả Utopia.
[15] Một tư tưởng dù sai, xấu cũng không vì thế mà là mối nguy cho con người, mối nguy là có những người đưa nó lên ngai vàng –  rồi sống chết bảo vệ duy trì nó – nó là duy nhất đúng, là chân lý vĩnh viễn – là mãi mãi giá trị –  là không thể sai lầm – không có ai, gì khác ngoài hơn đươc. Cuồng tín hiện thân thành tổ chức –sắt máu dùng đàn áp nghi ngờ, đối lập: không suy tưởng, mất sáng tạo, không còn con người.
Trong những xã hội, có các tổ chức tôn giáo hay chính trị độc tôn, con người vẫn được sinh ra, lớn lên, rồi chết đi, nhưng chưa bao giờ sống.
[16] Lươn ngắn lại chê trạch dài,
Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.

[17] Tác giả muốn nói đến những bất đồng tín lý giữa những cùng người theo Kitô: CaTô với Tin Lành, Tin Lành với Anh Giáo, chưa kể giữa ba tôn giáo đọc thần: Kitô, Judaism và Islam. Lịch sử chiến tranh châu Âu, là lịch sử chinh phạt và thảm sát vì tranh chấp tôn giáo.
[18] Chú ý sự tiên đoán đi trước thời đại của Russell – bài báo này ông viết năm 1954; quả là sau đó chủ nghĩa này thay đổi dần – (hãy làm một so sánh từ Stalin tới Khrushchev, rồi Gorbachev) – rồi mất đi ngay trên chính nước Nga và đông Âu, sau đó thực chất biến thái –  chỉ còn danh xưng cộng sản tại các quốc gia còn lại.
[19] Chiến tranh lạnh giữa các quốc gia theo đạo Kitô và Cộng Sản là bằng chứng. Trong thời gian đó, có những điểm nóng, điển hình tai hại là ViệtNam. Có thể nhìn lịch sử VN trong giai đoạn 1945– 1975 qua lăng kính này: Những thế lực Kitô giáo quốc tế và trong nội địa đã biến một cuộc chiến tranh giải phóng đất nước khỏi chế độ thực dân và cuộc cách mạng xã hội thành một cuộc chiến tranh – vừa chống ngoại xâm, vừa nội chiến, và vừa ý thức hệ có tầm vóc quốc tế –  Kitô (trong, ngoài) chống với không Kitô (trong).
Khởi đi với những vận động chống thực dân xâm lăng, từ Văn Thân, Cần Vương giữa thế kỷ XIX, cho đến 1975 mới chấm dứt. Sau lưng Mỹ và Pháp, như hình với bóng, không bao giờ vắng mặt các thế lực Kitô – quốc tế và quốc gia.
[20] Russell – xuốt đời là một người chống chiến tranh – muốn nói đến cơ nguy đụng đầu bằng vũ khí nguyên tử giữa Âu Mỹ (trong có Vatican) và khối cộng sản – do Kremlin đứng đầu.

[21] Russell – dù có sang thăm đất Tàu và Nhật – nhưng không nghiên cứu sâu xa về các tôn giáo phương Đông, đặc biệt là không có cơ duyên với đạo Phật. Mà ông chỉ có kiến thức tổng quát của một người trí thức Âu châu. Nhưng qua điều ông nói ở đây – chính là nói về đạo Phật, vì các chân lý trong đạo này, phải được chứng nghiệm bởi chính người tu học và không có giáo điều xây dựng chỉ trên lòng tin, dù có, cũng không bao giờ có sự ngăn cản một chiều, nhưng trái lại, luôn luôn khuyến khích sáng tạo, mở rộng, tìm mới, “khế cơ hành đạo”. Đại thừa, Tiểu thừa, các môn phái khác biệt, và cả màu sắc quốc gia đa dạng cho thấy các điểm này trong thực tại lịch sử.
Nếu có thể so sánh – đạo Phật là đạo người tín đồ phải tu học (“tu mà không học là tu mù” không đi đến giác ngộ) , còn các đạo khác, như đạo Kitô, tín đồ chỉ thiết yếu phải tin vào hệ thống các tín điều là đủ. Tin chứ không tu, không học. Thần học là môn học về Gót đã tin.
Người ta tu theo đạo Phật, nhưng người ta chỉ theo đạo Kitô, Tin Lành. Trong ngôn ngữ phương Tây, không có từ tương đương với “tu” vì họ không tu học gì cả khi phát nguyện theo một tôn giáo. Họ thường dùng chữ “có lòng tin” – “faith” (have faith in God, la foi chrétienne).
Cái gọi là học giáo lý (các lớp Thánh Kinh ngày chủ nhật cho trẻ em) – thực sự là các lớp tuyên truyền để quảng bá và củng cố niềm tin – cũng giống như các lớp học chính trị của cộng sản – trong đó – chỉ “học” để tin thêm, chứ không học để mở rộng, sẵn sang nghi vấn, tra xét, nghia là không học để tìm chân lý, nhưng học một “chân lý đã sẵn chấp nhận” cho thêm ... vững mạnh!
Ở mức cao hơn, các lớp học của khoa thần học – cũng cùng thực chất như vậy – học để cũng cố một niềm tin, một chân lý đã chấp nhận, phục tùng sẵn. Không phải học như triết học với trí thức mở rộng, thái độ là trước khi chấp nhận phải nghi ngờ –  dù là tạm nghi ngờ để suy xét đúng sai, sẵn sàng chấp nhận các quan điểm và còn tìm tòi thêm, khám phá thêm các quan điểm đối lập.
Nó tương đương với “trường đảng cao cấp” hay “Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lê Nin” trong các nước theo chủ nghĩa cộng sản – một bên trang bị tinh thần cho các nhà tu đi truyền đạo Kitô, một bên trang bị tinh thần cho các đảng viên cao cấp của Đảng. Nội dung dù là tín ngưỡng hay chính trị, xã hội, nhưng thực chất chỉ là giáo điều một chiều nên nó không phải triết học, phản lại triết học. Những người tốt nghiệp phải chấp nhận giáo thuyết “đương thời” của Nhà Thờ, hay lý thuyết “hiện hành” của Đảng.
Vì lý do này, Russell không coi các nhà thần học – dù nổi tiếng như Thomas Aquinas, hay Augustine of Hippo là triết gia. (xem tác phẩm Lich sử triết học phương Tây của ông)
Trong tất cả các bài viết, khi Russell dùng chữ tôn giáo (religion), cũng như các tác giả lớn khác của triết học phương Tây – từ cổ thời (Niccolò Machiavelli ) đến trước (Kant, Durkheim, Freud, Feuerbach, Schopenhauer, Kierkegaard, Marx, Nietzsche,...) và sau ông – hiện nay (Sam Harris, Daniel Dennett, Richard Dawkins, Pascal Boyer, and Christopher Hitchens.), tất cả đều chính yếu chỉ vào hai tôn giáo độc thần Christianism (quan trọng nhất) và Judaism , sau có thêm Islam. Nhưng chủ yếu, các phê bình tôn giáo là dựa trên kinh nghiệm sống của tác giả, trong đó có kinh nghiệm văn hóa, tư tưởng và tôn giáo cùng các sự kiện trong lịch sử của đạo Kitô tại Âu châu.

[22] Sir Herbert Butterfield (1900 – 1979) là nhà viết sử Anh quốc và triết gia về lịch sử. Giáo sư môn lịch sử tại Cambridge (1928– 1959). Chủ biên tờ Cambridge Historical Journal từ 1938 đến 1952. Ông được phong tước hiệp sĩ năm 1968.
Tác phẩm của ông mà Russell phê bình ở đây là Christianity and History (London, 1950).
[23] Nước Nga thời các Nga hoàng – và dân Nga vẫn giữ truyền thống tôn giáo đến nay–  theo đạo Greek Orthodox.
[24] Nghĩa là tranh chấp giữa Nga và Âu Mỹ sau thế chiến II là tranh chấp về thế lực chính trị, không phải là chuyện “vô thần v/s hữu thần “như vẫn rêu rao. Và thể chế Cộng Sản sau bị xụp đổ ở Nga (hay Balan) là xụp đổ về chính trị và thất bại về kinh tế, chứ không phải chuyện “hữu thần thắng vô thần”. Chính quyền Tàu (và Việt Nam) học bài học này kịp thời, đã cải cách kinh tế, nên hiện nay vẫn tồn tại và có cơ vững mạnh hơn! Dù vẫn vô thần.
[25] Nguyên văn “free– thinker” – Russell thường dùng từ này để chỉ những người không Kitô – hoặc hoài nghi hay vô thần.
[26] Incarnation of Christ – Tin rằng một trong “chúa ba ngôi” (Cha, Con, và Thánh Ma) –  chúa Con –  đã xuống trần làm người –  là Jesus vốn được "huyền nhiệm" sinh ra từ vị nữ "đồng trinh" Maria . Các nhà thờ, tin Jesus vừa là Gót, vừa là người. Là Gót vì chính ông tuyên bố như thế (là chúa cứu thế –  Christ) và là người vì ông chịu “tội” thay cho loài người (qua cái chết đóng đinh trên thập giá) – nhưng lại là Gót vì tín đồ tin ông “sống lại” rồi “thăng thiên” lên tròi với vị Gót khác – chúa Cha. Hàng năm, các nước Âu Mỹ theo đạo Kitô, cử hành lễ Jesus chết rồi sống lại lên trời –  rất trọng thể (Good Friday, Easter, Pâques) chỉ sau lễ Noel, kỷ niệm ngày cuối năm, được tin là ngày sinh của Jesus.
Những người theo đạo Chính thống giáo (Hy Lạp, Nga,..) theo một lịch khác nên tuy cũng cử hành các lễ trên, nhưng khác ngày tháng với tín đồ Catô, Tin Lành.
[27] Virgin Birth – Tín đồ đạo Catô và cả Orthodox (cùng Islam) tin bà Mary vẫn là trinh nữ khi bà mang thai, và ngay cả sau khi sinh nở xong, bà vẫn là trinh nữ (remaining a virgo intacta).
[28] Pagan – chỉ những gì không thuộc về ba tôn giáo độc thần Abraham – thí dụ những người theo tín ngưỡng của Hi lạp, Ai Cập cổ thời.
Trinh nữ sinh đẻ – hay các câu chuyện – tuy thụ thai, sinh con nhưng vẫn còn trinh – (thân xác) –  tìm thấy trong thần thoại Hindu, Asyrian, Babylon và Greco– Roman.
[29] Holy Ghost – trong nguyên văn.
[30] Các tôn giáo độc thần Abraham dành trọn một ngày trong tuần –  vào việc cầu nguyên, xem lễ, đi nhà thờ. Tuyệt đối không làm gì khác, bất tuân – là có ``tội`` nặng.
Cho đến tận những năm đầu 80s , ở Canada, trong một thành phố lớn nhất nước, mọi khu bách hóa, siêu thị, hàng quán, chợ búa đều phải đóng cửa chủ nhật (ngày Sabbath của Kitô), dần dần luật này nới lỏng, dù giáo hội rất bất bình, phản đối bằng mọi cách.
[31] Russell vạch ra lối lý luận ngụy biện tuyên truyền của các nhà thần học – dĩ nhiên là sai, nhưng có tác dụng nguy hiểm:
S = X (phá lệ Sabbath = Xấu xa)  >  mệnh đề p1 (a)
G = X (Giết người = Xấu xa)   >  mệnh đề p2 (b)
Vì (b) chắc chắn hơn nên dùng (b) củng cố giá trị cho (a) nên nói: (a) cũng “xấu” như (b):
Hai mệnh đề p1 và p2 có giá trị (đạo đức) tương đương
Nhưng có nguy hiểm là – sau khi tìm ra (a) không “xấu” > sẽ có thể đánh đồng (b) cũng không xấu!
Nếu S = không X  >  suy ra > G  =  không X (giết người không xấu)
Trong từng phần một (a) hay (b) biện hộ, chứng minh với lý trí minh bạch,
Nhưng vì (a) có dính một tí taboo và tôn giáo mê tín – người có lòng tin tôn giáo dễ chấp nhận.
Nhưng nếu không có lòng tin, sẽ thấy (a) không đúng, và tai hại là có thể đưa đến thấy (b) cũng không đúng
– Nghĩa là phủ định của (b) đúng > giết người không tội lỗi!

[32] Nguyên văn – superstitious taboo.
[33] Nguyên văn – morality, trên kia ông dùng ethic. Phan chu Trinh, dịch morality là luân lý, còn ethic là đạo đức (xem bài diễn văn của “Luân lý và đạo đức Đông Tây” tại nhà hội Việt Nam ở Sài gòn, đêm 19.11.1925). Cụ Tây Hồ, có lẽ là người Việt đầu tiên, lên tiếng phân biệt thế nào là đạo đức và luân lý.
[34] Và là nguyên nhân đưa đến Holocaust, người Jews phải chịu trong thế chiến II vừa qua tại châu Âu.
Kể từ thời Trung cổ, đạo Kitô đóng vai chính trong antisemitism (bài Do thái) vì tu sĩ và tín đồ đạo này cho rằng người Jewish phải chịu tội tập thể là giết Jesus.
Giáo hoàng Innocent III, năm 1213, đã ra lệnh buộc những người Jews (và Muslims) phải có hoặc y phục đặc biệt hoặc phải đeo thẻ để công chúng có thể phân biệt họ với tín đồ đạo Kitô. Họ bị cấm không được vào làm việc trong guồng máy chính quyền.
[35] Crusades – các cuộc chinh phạt đẫm máu của người Kitô sang Trung Đông, chiếm đất, tàn sát người Muslims và Greek Orthodox Christian. Liên miên kéo trong nhiều thế kỷ.
Crusades và Inquisition –lập đi lập lại và diễn ra trong rất lâu dài ở châu Âu, nên tài liệu rất phong phú, phổ biến rộng rãi, ngày nay, nhà thờ muốn mà không sao che dấu được, vì chúng phơi bày chân hình giáo hội là một siêu tổ chức giả nhân nghĩa, có bản chất độc đoán, tham lam và đố kỵ biểu hiện với máu và lửa dùng mọi loại vũ khí tàn ác độc hại, không tránh ai, chừa chốn nào.
[36] Pogrom: cuộc nổi loạn – dân địa phương đi đốt, phá, giết,... một nhóm người khác tôn giáo, hay chủng tộc – thường là người Kitô với người Jews ở cùng hay địa phương lân cận, trong các thành phố Âu châu.
[37] Alfred Dreyfus – nạn nhân trong vụ án tai tiếng – vốn là sĩ quan pháo binh Pháp, năm 1894 ông bị kết án phản quốc, chịu tù đày lâu dài, mọi sự hành hạ nhục nhã, rất oan uổng chỉ vì ông gốc Jew. Rất gian nan, và lâu dài ông mới được tự do và hồi phục danh dự.
[38] Đại diện là Émile Zola với bài báo nổi tiếng J'accuse, 1898.
[39] Russell “quên” không kể: Chế độ buôn nô lệ người da đen, sự diệt chủng và diệt văn hóa các dân bản địa ở Mỹ Châu, trong các thế kỷ trước. Sự liên hệ giữa đạo Kitô và các chế độ thực dân trên khắp thế giới – các thế kỷ qua và với các chế độ độc tài áp bức ở châu Mỹ Latin – hiện nay.
Và mới nhất, nên Russell không thể kể: Là nạn các tu sĩ Kitô – cao lẫn thấp –  lạm dụng tình dục trẻ thơ (child sexual abuse) bị đưa ra ánh sáng, ở các năm 2000’s, nổi tiếng nhất là trường hợp Bernard Law tại Boston (Xem báo cáo The 2004 John Jay Report về nước US và The Ferns Report 2005 về Ireland, ngoài ra, tuy không ít, nhưng chưa có tài liệu tổng hợp về những tệ nạn tình dục này của các tu sĩ Kitô tại nước Europe, Australia, Canada).
[40] Leopold II –  vua nước Belgium –  cai trị , bóc lột xứ thuộc địa Congo một cách hung bạo tàn nhẫn, đầy ác độc.
[41] Nguyên văn – wholesale ignoring
[42] Kinh Tân Ước –  Matthew 25:31–46 – viễn ảnh ngày phán xét cuối cùng – Gót phân người như kẻ chăn chiên phân cừu và dê – những kẻ tốt như các con cừu – bên tay phải – lên thiên đàng sống đời đời. Còn những kẻ xấu – sang bên trái – như những con dê – bị trừng phạt xuống địa ngục, chịu lửa thiêu đốt vĩnh viễn.

[43] Đọc như âm “heo” – hell – ngục lửa trừng phạt kể trong kinh đạo Kitô –  Xem chú thích 43 bài “Tại Sao Tôi Không là người KiTô?” –  về lửa trong hell (hell– fire).
Như chú thích về con dê và con cừu – chuyện về lửa ngục vĩnh viễn – người ngày nay nhận ra và thấy các ý niệm trừng phạt như thế là cực kỳ thù hận, đầy ác độc và rất tàn nhẫn. Không hề có lòng từ ái, khoan thứ. Thương xót con người – dù là con người tội lỗi.
Như chính Russell đã lên tiếng – dù theo tiêu chuẩn đạo đức nào, phải trái, tốt xấu, không phải như trắng đen, lúc nào cũng rõ rệt cho người đời ứng xử, chưa kể luân lý còn thay đổi theo thời gian và không gian. Con người có thể vô tình, ngu muội,... nên phạm vào điều xấu ác, nhưng sau đó mới biết. Nên người này có thể lương tâm trong sạch – Nhưng theo giáo lý về hell – sẽ không thoát được sự thống khổ tinh thần, sợ hãi trước một trừng phạt vĩnh viễn đón chờ mình, vì thế Russell không coi trọng tư cách đạo đức của Jesus, vì Jesus rao giảng một sự trừng phạt ác độc, tàn nhẫn, không độ lượng, thiếu nhân ái.
Nếu cứ giả thử Gót là kẻ sáng tạo, như giáo lý Kitô chết sống rao giảng, vậy ông là đạo diễn của tất cả cảnh trí và nhân vật. Xấu tốt, thưởng phạt, đều cùng một tay vẽ bày tác tạo. Trong vở kịch đời này, tất cả đều là nạn nhân, không có khán giả nào khác ngoài ông, vậy các đau đớn trần gian nầy bày làm gì? cho ai xem ?
Đừng quên giáo lý Kitô không tin vào tái sinh, luân hồi. Mỗi người chỉ có một kiếp sống, chết thì chờ đấy, cho đến ngày phán xét cuối cùng, sẽ biết phần số ra sao – thiên đường hay hỏa ngục vĩnh viễn. Cho nên, vẫn có đông đảo tín đồ Kitô, sống thấp thỏm, mê mẩn tin ngày tận thế chóng chầy sẽ xảy ra, chỉ nay hay mai đến nơi rồi, chính Jesus – trong kinh Thánh –  cũng tin chắc như thế.
Tin như thế, thì bao nhiêu ly tan, lỡ làng ở kiếp này, không có một kiếp sau để hàn gắn, gặp gỡ được nữa! Đáng buồn biết bao, nghèo nàn biết bao!
Rất nhiều những lối cùng, ngõ tắc như thế, nên các nhà lý thuyết bảo vệ giáo lý Kitô ngày nay không muốn nhắc đến nữa.
Những mê lộ cũng là những tuyệt lộ của tư tưởng – là di tích của một thời nhân loại vùng Trung Đông sống trong các bộ tộc mông muội.

[44] The Sermon on the Mount –Bài văn thu tập các lời dạy về giáo lý và đạo đức – Matthew chép lại –  là bài nói đầu tiên của Jesus với các tín đồ, tại vùng đồi Galilee, giảng bày nguyên tắc sống theo ông, nên được xem là mẫu mực cho đời sống đạo Kitô.
Bản văn cũng có chép bài kinh cầu nguyện Jesus dạy cho tín đồ –  kinh Lạy Cha (Lord Prayer) vì mở đầu bằng Pater Noster.
[45] Thực ra, Gandhi thực hành ahimsa bất– bạo động, chính gốc từ đạo Jain.
[46] Những gì Christ nói trong Bài giảng trên Núi – chỉ là lập lại những gì đã có trong các lời dạy của những trưởng tộc Jews đã có trước đó rất lâu. Điều này không có gì lạ với những người khách quan, vì trước hết Jesus là người Jew, nên hẳn phải quen thuộc với giáo lý đạo Judaism.
[47] Hillel (110BCE – 10CE) – lãnh tụ tôn giáo nổi tiếng (nhất) của đạo Jewish, vừa là bác học vừa là hiền giả, ông dự phần vào sự phát triển các kinh điển Mishnah và Talmud.
[48] Testaments of the Twelve Patriarchs
[49] R. H. Charles, D.Litt., D.D., Canon of Westminster (London)
[50] Paul of Tarsus cùng với Peter và James là ba người đầu tiên đi truyền đạo Kitô, nên được giáo hôi phong thánh.
[51] Austria– HungaryGermany, và Russia: Năm 1873, Bismarck tạo Liên Minh 3 hoàng đế (Three Emperors’ League) – Liên minh này là kết hợp lực lượng đầu tiên tại châu Âu, dẫn đến Thế Chiên I (1914 – 1919). Ba vị hoàng đế là: Tsar Alexander II, Emperor Franz Joseph I and Kaiser Wilhelm.