Saturday, September 1, 2012

Nietzsche - Về Lai lịch của Đạo đức (09)


Về Lai lịch của Đạo đức
(On the Genealogy of Morality
Zur Genealogie der Moral)
Friedrich Nietzsche











“Có tội”, “Lương tâm Cắn Rứt”,  và những Vấn đề liên quan

7.
– Nhân tiện  đây, những ý tưởng này chắc chắn không làm tôi mong giúp những kẻ bi quan của chúng ta, cung cấp những kiến thức hữu ích mới thêm cho sự bất đồng chói tai và nứt vỡ của nhờm tởm với đời sống của những người này; nhưng ngược lại, tôi muốn bày tỏ ghi chép cho rõ, rằng trong thời gian khi loài người không hề cảm thấy xấu hổ với sự tàn ác của họ, đời sống trên trái đất đã vui vẻ lạc quan hơn với những kẻ bi quan của nó ngày nay. Vòm trời trên con người tối đen tỷ lệ thuận với sự gia tăng của tình cảm xấu hổ của nó với tư cách là con người. Viễn tượng bi quan mệt mỏi, mất tin tưởng trước câu đố bí hiểm của đời sống, cái “Không” băng giá của nôn mửa với đời sống – những điều này không phải là những dấu hiệu của kỷ nguyên tà ác vô đạo nhất của loài người: nhưng ngược lại, chúng chồi ra ánh sáng như loài cây cỏ dại mọc chốn nửa cạn nửa nước, chúng chỉ có trong môi trường sống tự nhiên của chúng, đầm lầy, – tôi muốn nói sự nuông chiều đĩ thõa và rao giảng giáo lý bệnh hoạn, bằng phương tiện đó, con thú “người” cuối cùng đã được dạy để biết xấu hổ về tất cả những bản năng của nó. Trên con đường trở thành một “người của-Gót” (để không dùng một từ xấu hơn ở đây) [1], con người đã đau bụng ăn không tiêu, và đã phát triển một cái lưỡi mềm như sợi lông, như thế khiến hắn tìm thấy không chỉ sự vui sướng và sự ngây thơ vô tội của loài vật thì kinh tởm, nhưng tự thân đời sống là nhạt nhẽo vô vị: – vì vậy mà thỉnh thoảng, hắn cưỡng lại chính mình, bịt mũi và bất đắc dĩ đọc thuộc lòng một liệt kê gồm những đặc tính khó chịu gớm guốc, xúc phạm của mình,với vua chiên Innocent đệ Tam [2] (“khái niệm về sự dơ bẩn ô trọc, cách nuôi ăn nhờm tởm của bào thai lúc còn trong tử cung, tội lỗi trong vật chất nguyên thô của cơ thể con người, hôi thối khủng khiếp, bài tiết nước dãi, nước tiểu và phân) [3].

Ngày nay, khi đau khổ luôn luôn được xếp đặt đứng đầu trong những luận chứng chống lại đời sống, như đặc tính đáng nghi ngờ nhất của nó, điều đáng hoan nghinh để nhớ lại những thời đại khi người ta đã thực hiện sự đánh giá đối ngược, vì họ không thể kềm chế, không thể không làm cho người ta bị thương tổn, và đã thấy ma thuật huyền diệu bậc nhất trong nó, một sự cám dỗ đích thực có sức thu hút đến đời sống. Có lẽ trong những thời ấy – tôi nói điều này để an ủi người nhạy cảm dễ buồn nôn – thương đau đã không làm đau đớn cũng nhiều như hiện nay, ít nhất, (trường hợp) một y sĩ sĩ sẽ minh chứng được giả định này, nếu ông ta đã có điều trị cho một người da đen (được nhận xem như là một đại diện cho con người nguyên thủy) bị bệnh tấy sưng đau nội thương nghiêm trọng vốn sẽ đẩy một người châu Âu vạm vỡ lực lưỡng nhất đến lạc trí – họ không làm điều đó cho người da đen. (Đường cong đồ thị vẽ biểu diễn khả năng chịu đau của con người thực sự có vẻ như giảm xuống đáng kể và gần như vượt ra ngoài khỏi mười nghìn hay mười triệu người đầu tiên thuộc tầng lớp văn hóa ưu tú, và với bản thân, tôi không nghi ngờ rằng khi đem so sánh với chỉ một đêm phải chịu đựng đau đớn của một nữ sĩ cuồng kích, tổng số đau đớn của tất cả những động vật đã bị con dao của nghiên cứu khoa học đem mổ xẻ tra cứu là bằng như không gì cả) [4]. Có lẽ tôi thậm chí có thể được cho phép để thú nhận rằng có khả năng sự vui thú trong tàn ác không thực sự cần phải chết đi: có lẽ, cũng giống như vết thương ngày hôm nay làm đau nhiều hơn, trong kết nối này, nó cần một số loại thăng hoa và tinh tế hóa, nó đã phải được chuyển vào trong tưởng tượng và tinh thần, và được trang trí với những cái tên như vô hại để chúng không khơi dậy sự nghi ngờ ngay cả của lương tâm đạo đức giả tinh tế nhất (‘bi kịch đáng tiếc’ là một trong những tên gọi loại thế, một tên khác là “les nostalgies de la croix”) [5].

Điều thực sự gợi lên sự phẫn nộ trên sự đau khổ thì không phải là chính sự đau khổ, nhưng là sự vô nghĩa của đau khổ: nhưng không với tín đồ Kitô, kẻ đã thấy trong đau khổ toàn bộ một guồng máy ẩn dấu sự cứu rỗi, và cũng không với con người ngây thơ trong những thời cổ, người đã nhìn thấy tất cả đau khổ trong quan hệ với (vai trò) những khán giả hay với những kẻ khởi gây đau khổ, với cả hai đã không đã có bất kỳ đau khổ vô nghĩa nào như vậy. Nhằm đến tống khứ đi khỏi thế giới về đau khổ bị che giấu, không khám phá được, vô hình không thấy được, và chối từ nó trong tất cả chân thực, người ta sau đó đã thực tiễn buộc phải phát minh ra những vị gót và những sinh vật trung gian ở mọi cấp độ, nói ngắn gọn, một gì đó mà cũng đi luông tuồng loanh quanh trong tối tăm, có thể nhìn thấy trong bóng tối, và sẽ không dễ dàng bỏ lỡ một cảnh tượng thú vị của đau đớn như vậy. Với sự trợ giúp của những sáng chế như thế, đời sống sau đó sẽ chơi trò bịp bợm đánh lừa vốn nó đã luôn luôn biết chơi như thế nào, biện minh cho chính nó, biện minh cho ‘tà ác’ của nó; ngày nay nó có thể cần những phát minh khá khác biệt để giúp điều đó (lấy thí dụ, đời sống như là một câu đố, đời sống như là một vấn đề của kiến ​​thức). “Tất cả điều ác là hợp lý nếu một vị gót nhận lấy vui sướng trong nó” : logic nguyên thủy về cảm giác đã chạy như thế, và có phải logic này thực sự đã chỉ hạn chế với những thời đại nguyên thủy? Những vị gót được xem như là những bạn bè với những cảnh tượng độc ác – cái khái niệm nguyên thủy này vẫn còn thâm nhập sâu xa biết chừng nào vào trong văn minh châu Âu của chúng ta! Có lẽ chúng ta chỉ cần tham khảo ​​ ý kiến Calvin [6] và Luther [7] về vấn đề này. Dù trường hợp nào đi nữa, người Hylạp chắc chắn có thể đã nghĩ đến việc dâng lên những gót của họ – như một món ăn phụ thêm vào sự sung sướng của những vị gót – không gì được chấp nhận hơn là những vui thú từ sự tàn ác. Vì vậy, bạn nghĩ thế nào về Homer để những vị gót của mình miệt thị nhìn xuống những số phận của con người? Ý nghĩa nền tảng, cuối cùng nào – cuộc chiến thành Troy và những bi kịch tàn ác giết chóc hung bạo tương tự – đã có đây? Chúng ta có thể không nghi ngờ gì nữa: chúng đã được chủ định là những lễ hội cho những vị gót, cho đến mức mà nhà thơ có một bản chất “giống-gót” hơn [8] trong những vấn đề này, có lẽ những lễ hội cũng để cho những nhà thơ nữa. . .

Nó đã cũng không khác, khi những triết gia đạo đức Hylạp sau này đã nghĩ rằng mắt của những vị gót vẫn nhìn xuống trên những đấu tranh đạo đức, trên chủ nghĩa anh hùng và sự tự hành hạ, tự gây khổ hình của những kẻ đạo hạnh: ‘nhiệm vụ theo như Heracles’ [9] đã được dàn dựng lên sân khấu và đã biết nó, đức hạnh không có ai chứng giám là một gì đó không thể tưởng nghĩ nổi với quốc gia này của những kẻ đóng kịch. Chẳng phải đó cũng đúng là trường hợp mà sự sáng chế triết học vô cùng liều lĩnh điên rồ và đầy số phận đó, phát minh lần đầu tiên cho châu Âu, về “ý chí tự do[10], về tự do tuyệt đối của con người [Spontaneität] để hoặc làm điều tốt lành hay cái xấu ác, đã được đặt bày ra chủ yếu để biện minh cho ý tưởng rằng sự quan tâm của những vị gót trên con người, trên đức hạnh của con người, không bao giờ có thể bị cạn kiệt? Trên sân khấu là mặt đất này, sẽ không bao giờ thiếu bất kỳ sự mới lạ thực sự nào, sự hồi hộp bất ngờ chưa-từng-nghe thực sự nào, những âm mưu tình tiết, những thiên tai thảm họa nào: một thế giới đã được trù tính, theo những dòng kế hoạch hoàn toàn tất định, sẽ dự đoán thấy trước được tất cả, và do đó sớm thành nhàm chán với những vị gót, – thế là đủ lý do cho những người bạn này của những vị gót, những triết gia, để không đổ tội về một thế giới tiền định thuộc loại như thế đó cho những gót của họ! Tất cả mọi người trong thời cổ đại là đầy ân cần quan tâm dịu dàng với “kẻ xem kịch”, người dân ở thời cổ hình thành chủ yếu một công chúng, chủ yếu một thế giới hữu hình, không có khả năng mường tượng sung sướng, hình dung hạnh phúc mà không có những cảnh tượng trình diễn và ăn uống lễ hội. – Và, như đã nói trước đây, ngay cả trong hành hình trừng phạt nặng nề, cũng thế, có những tính chất lễ hội rất mạnh mẽ! ...


8.
Một lần nữa, trở lại tiếp tục hành trình thăm dò của chúng ta; cảm xúc về tội lỗi, về trách nhiệm cá nhân, có nguồn gốc, như chúng ta đã thấy, trong liên hệ cá nhân cổ xưa nhất và nguyên thủy nhất, có giữa những người mua và người bán, giữa chủ nợ và con nợ: ở đây cá nhân đã gặp cá nhân lần đầu tiên, và tự đo lường bản thân cá nhân với cá nhân. Không có hình thức nào của văn minh đã từng được khám phá, dù thấp cho đến đâu, đã không cho thấy một gì đó thuộc quan hệ này. Định giá cả, thiết lập giá trị, đi đến thành những tương đương, đổi chác – những ý nghĩ đầu tiên này của con người đã làm bận tâm đến một mức độ khiến trong một ý hướng nào đó nó tạo dựng ý tưởng: loại xảo quyệt nguyên thủy nhất được gây giống ở đây, cũng có lẽ, giả định như đã có sự xuất hiện đầu tiên của sự tự hào con người, cảm thức của con người về sự ưu việt trên những loài động vật khác. Có lẽ từ ‘con người’ (manas) của chúng ta biểu tả một gì đó của cảm giác náo nức đầu tiên này về sự tự tin: con người tự chỉ định mình như là hữu thể kẻ đo lường những giá trị, kẻ lượng giá và đo lường, như “động vật tính toán giống thế”.

Mua và bán, với những bẫy lừa tâm lý, là cổ xưa hơn ngay cả sự khởi đầu của bất kỳ hình thức xã hội nào về tổ chức hoặc hiệp hội: có nhiều phần đã xảy ra hơn là trường hợp vốn làm nảy mầm cảm giác về đổi chác, hợp đồng, nợ, quyền, nhiệm vụ, bồi thường đã chỉ đơn giản chuyển hóa từ hình thức thô sơ nhất của những quyền lợi pháp lý của những cá nhân đến những đơn vị xã hội thô phác và phôi thai cơ bản nhất (trong những quan hệ của chúng với những đơn vị tương tự), cùng với thói quen khi so sánh quyền lực với quyền lực, khi đo lường, khi tính toán. Bây giờ mắt nhìn đã được tập trung trong hướng này dù trong bất kỳ trường hợp nào: với đặc tính nhất quán nặng nề luộm thuộm của suy nghĩ của người cổ đại, trong đó, mặc dù khó khăn để bắt đầu, nhưng không bao giờ lệch một khi nó đã được chuyển động, con người sớm đi đến sự khái quát hóa to lớn: “Tất cả mọi thứ có giá của nó: tất cả mọi thứ có thể được bồi thường cho”, – điển luật lâu đời nhất và ngây thơ nhất của đạo đức liên quan đến công lý, sự bắt đầu của tất cả “tính tốt lành tự nhiên”, “bình đẳng”, tất cả những “thiện chí”, tất cả những “khách quan” trên mặt đất. Công lý ở mức độ đầu tiên này là thiện chí, giữa những người gần gần bình đẳng, đi đến nhũng giao ước với nhau, đi “đến một sự hiểu biết” một lần nữa bằng những phương tiện của một thỏa thuận đồng ý – và trong kết nối với những người kém mạnh mẽ hơn, để buộc họ phải đạt được một thỏa thuận giải quyết giữa họ với nhau. – 


9.
Tuy nhiên vẫn đo lường với tiêu chuẩn của thời tiền sử (một tiền sử, nhân đây, tồn tại trong tất cả mọi thời, hoặc có thể lại xảy ra [11]): cộng đồng có cùng một quan hệ cơ bản với những thành viên của nó như chủ  nợ với con nợ. Bạn sống trong một cộng đồng, bạn được hưởng những lợi ích của một cộng đồng (Ô, những lợi ích! đôi khi chúng ta dìm giá chúng thấp hơn, ngày nay), bạn sống một cuộc sống được che chở, được bảo vệ, trong hòa bình và tin cậy, che chở bảo vệ, với không có bất kỳ lo lắng nào phải khổ đau vì một số nhất định những loại nào đó của tác hại và thù địch mà con người bên ngoài, “con người thiếu hòa bình” bị phơi mở chịu đựng – một người Đức hiểu những gì là “khốn khổ”, êlend,[12] có nghĩa nguyên thủy là gì, bạn làm những cam kết và nhận những trách nhiệm với cộng đồng, với chỉ sự tác hại và sự thù địch đó trong não thức. Điều gì xảy ra nếu bạn không làm thế ? Cộng đồng, chủ nợ bị quịt, sẽ tận lực đến mức làm bạn phải trả cho hết, bạn có thể chắc chắn về điều đó. Thiệt hại ngay lập tức gây bởi người vi phạm là những gì chúng ta đang nói ít nhất: hầu như ngoài việc này, người phạm luật là một “kẻ phá vỡ”, một ai đó đã phá vỡ hợp đồng của anh ta và lời nói của anh ta với cả toàn bộ, trong kết nối với tất cả những chức năng giá trị và những tiện nghi của đời sống cộng đồng mà anh đã chia sẻ cho đến giờ. Người phá luật là một con nợ, người không chỉ không trả lại được những lợi ích và những ứng trước đã ban cho anh, nhưng cũng thực sự tấn công chủ nợ: như vậy, từ giờ trở đi, vì là công bằng, anh không chỉ bị tước đi tất cả những tiện ích giá trị này, – bây giờ anh cũng phải được nhắc cho nhớ những lợi ích này quan trọng như thế nào. Sự tức giận của chủ nợ bị thương tổn, của cộng đồng, làm cho anh ta trở lại trạng thái dã man và ngoài vòng pháp luật vốn anh đã được che chở khỏi nó cho đến nay: anh ta bị ném bỏ ra ngoài  – và bây giờ, bất kỳ hành động loại thù địch nào cũng có thể gây được với anh ta. ‘Trừng phạt’ ở mức độ này của văn minh chỉ đơn giản là một bản sao, một mimus [13], của hành vi ứng xử bình thường đối với một kẻ địch đáng ghét, bị tước khí giới, kẻ đã bị đánh bại, và kẻ chẳng những đã chỉ bị tịch thu hết tất cả những quyền và những biện pháp bảo vệ, nhưng cũng tất cả thương xót nữa; trong thực tế, những quy luật của chiến tranh và lễ hội tuyên dương chiến thắng vae victis [14] trong tất cả sự tàn nhẫn va tàn bạo của chúng: – vốn giải thích sự kiện rằng tự thân chiến tranh (bao gồm cả sự sùng thượng hiếu chiến với nạn nhân hy sinh) đã cho chúng ta tất cả những hình thức, trong đó trừng phạt tự thể hiện trong lịch sử.


10.
Khi quyền lực của nó tăng trưởng, một cộng đồng thôi không nhận những vi phạm của cá nhân cũng nghiêm trọng như thế nữa, vì những điều này xem dường không có vẻ nguy hiểm và gây bất ổn cho sự sống còn của toàn bộ như chúng đã gây trước đó: kẻ làm-sai trái không còn ‘bị tước mất hòa bình’ và gạt ra ngoài, và công chúng cũng không thể tự do trút giận dữ của họ xuống anh ta mà không còn bị hạn chế như trước, – thay vào đó, kẻ làm-sai trái được cẩn thận che chắn khỏi giận dữ này của cộng đồng, đặc biệt là từ bên bị thương tổn trực tiếp, và được bảo vệ cho. Một thỏa hiệp với giận dữ của những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi hành vi sai trái, và do đó một nỗ lực để địa phương hóa vấn đề và ngăn chặn sự tham gia rộng rãi hơn nữa và tình trạng bất ổn; nỗ lực để đi đến những tương đương và giải quyết vấn đề (compositio), trên tất cả, ý chí, tự nó thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết, để đối xử với mọi hành vi phạm tội như là một-gì-đó có thể được trả hết, do đó, ít nhất ở một mức độ nhất định, kẻ làm-sai trái được phân cách khỏi hành động của mình – đó là những đặc điểm càng đậm nét hơn và càng rõ ràng hơn in sâu vào luật hình sự trong phát triển về sau của nó. Khi sức mạnh và tự tin của một cộng đồng lớn dậy, luật hình sự của nó trở nên khoan dung hơn, nếu điều trước bị suy yếu hoặc bị đe dọa, những hình thức khắc nghiệt của điều sau sẽ xuất hiện trở lại. ‘Chủ nợ’ luôn luôn trở thành nhân đạo hơn khi tài sản của ông tăng lên; cuối cùng, số lượng tài sản của ông ta ấn định tổn hại nhiều đến đâu ông có thể cầm cự chống đỡ mà không bị thương tổn vì nó. Không phải là không thể tưởng tượng được một xã hội hết sức có ý thức về quyền lực của nó khiến nó có thể tự cho phép nó sự sang trọng cao quý nhất sẵn có với nó, – đó là để cho những kẻ bất lương, gian ác không bị trừng phạt. “Tôi quan tâm gì đến đám ký sinh trùng của tôi”, nó có thể nói, “hãy để cho chúng sống và sinh sôi: Tôi mạnh đủ với tất cả những điều đó!”. . . Công lý, đã bắt đầu bằng cách nói rằng “Tất cả mọi thứ có thể được trả hết, tất cả mọi thứ phải được trả hết”, kết thúc bằng cách nhắm mắt làm ngơ và tha cho đi những kẻ không thể trả, – Nó kết thúc, giống như tất cả mọi thứ trên trái đất, bằng cách thăng hoa chính nó. Sự tự thăng hoa của công lý: chúng ta biết thật là một cái tên tốt đẹp nó mang cho chính nó – lòng thương xót [15]; dĩ nhiên, nó vẫn còn giữ lại đặc quyền của người quyền năng nhất, lại còn hơn thế, cái lối có tư cách vượt ngoài pháp luật của ông ta [16].


11.
– Bây giờ một đề cập có tính dè bỉu chê bai về những nỗ lực gần đây để tìm nguồn gốc của công lý ở nơi nào đó khác, – cụ thể là trong ressentiment

Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất 
(Aug/2012)
(còn tiếp ...)
http://chuyendaudau.blogspot.com/
http://chuyendaudau.wordpress.com




[1] Pascal trong Pensées: “L'homme n'est ni ange ni bête et le malheur veut que qui veut faire l'ange fait la bête”– “con người không là người của-Gót cũng chẳng là thú vật, và sự bất hạnh như muốn rằng ai định làm người của-Gót lại làm như thú vật”. Từ “angel” hay “ange” vẫn dịch là “thiên thần” – ở đây, tôi theo ý tác giả mỉa mai – khinh bỉ đạo đức Kitô giả dối, phản con người – nên dịch là “người của Gót”, chỉ kẻ vẫn dược xem là đạo hạnh, hay kẻ đóng vai sứ giả của Gót. Từ gốc Hylạp là angelos có nghĩa là sứ giả (‘messenger’).
[2] Vua chiên Innocent đệ Tam – (1160-1216) Được xem là nhà vua chiên có quyền lực và ảnh hưởng nhất trong lịch sử chế độ những vua chiên Vatican. Ông kêu gọi thập tự chinh chống lại những người trong giáo phái Cathars, miền nam Pháp, cũng như bắt đầu cuộc thập tự chinh thứ tư sang đánh thành Byzantine chống lại Kitô phái chính thống.
[3] [Đây không phải là một trích dẫn, nhưng đúng hơn là một tóm tắt của Nietzsche từ những đề mục được đề cập trong một vài phần đầu tiên của tập De miseria humanae conditionis (cũng còn được gọi là De contemptu mundi và một số những nhan đề khác nữa). Luận thuyết ngắn này, do Vua chiên Innocent đệ Tam viết năm 1195, khi còn là một thày chăn chiên cao cấp áo đỏ mang tên Lotario dei Segni, đã hết sức phổ biến trong thời cuối Trung Cổ, những mảng lớn đáng kể của nó thấy hiện ra, lấy một dẫn chứng thí dụ, trong tập The Canterbury Tales.]
Trong Sự Khốn khổ của Thân phận Con người nàygồm ba bản văn Latin, viết cho giới chăn chiên Catô.  Lotario xem xét kỹ lưỡng những điều kiện khốn khổ đi kèm với tất cả con người khi họ đi qua thế giới này. Bản văn thứ hai kêu gọi sự chú ý đặc biệt với những thực tế khó chịu chắc chắn xảy ra với một người trong giới giàu có và quyền: tham lam, tham nhũng với công lý, mê ăn uống, ham xác thịt, yêu danh dự. Những thí dụ của ông cho thấy rõ rằng ông không cần phải nhìn xa trong giới thương gia hoặc vương hầu để tìm các tật xấu này, vì chúng phát triển mạnh mẽ ngay trong giới chăn chiên cao cấp. Ông biết rằng các quy tắc của đời sống độc thân đã bị những thày chăn chiên phá vỡ, những người “ban đêm tôn thờ Venus và đến sáng ra mới thờ phượng Trinh Nữ Maria...” (bản dịch của Howard và Dietz, 1969, tr. xxii).
Tập sách này gây một truyền thống trong đạo Kitô nhấn mạnh vào những phương diện tiêu cực của tất cả hiện hữu con người, De miseria Humanae conditionis, với ba phần của nó kể trên: “lối vào đau khổ trên thân phận con người”, “sự tiến bộ tội lỗi của thân phận con người" và “lối thoát nguyền rủa từ thân phận con người” – người đọc hiện đại xem là bệnh hoạn và kinh tởm. Tuy nhiên, trong thời kỳ đạo Kitô  thống trị văn hóa châu Âu, nó được phổ biến hết sức rộng rãi và cùng khắp, được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ châu Âu. Trong những thư tịch cổ ngày nay, vẫn còn hơn 700 bản thảo và 50 phiên bản khác nhau xót lại từ cuối thế kỷ 17.
[4] Đặc biệt trong đạo đức, văn hóa Kitô,  loài vật không có chỗ đứng – vì chúng bị xem là không có linh hồn, vốn là thứ trong đạo Kitô tin Gót chỉ dành cho riêng con người – thế nên “bác ái” trong Kitô hoàn toàn dừng lại trước thiên nhiên, thực và động vật. Đạo đức Kitô mặc nhiên không biết tới, và đương nhiên mù lòa, làm ngơ trước sự đau khổ của loài vật – do đó ngày nay trong các thành phố Âu Mỹ mới xuất hiện những hội bảo vệ loài vật (Humane Society) để bù vào chỗ khiếm khuyết đó. Nội dung kinh Thánh cả cũ lẫn mới – đều có cốt lõi là lấy con người làm trung tâm (anthropocentric) ích kỉ của vũ trụ.
[5] tiếng Pháp trong nguyên văn – “những hoài tưởng về thập giá”
[6] John Calvin (1509-1564) – Trong Institutes of the Christian Religion, Calvin nhấn mạnh rằng những người đã được nhận vào gia đình của Gót:  “nên để chuẩn bị mình cho một đời sống vất vả, làm việc nặng nhọc,  đầy lao động,  và vô số các loại những tai nạn ác độc”  bởi vì “nó là niềm vui tốt lành của Cha trên trời thực hành với các tôi tớ của Ngài trong cách như thế”. Những người tin Gót đón chờ sẽ có đau khổ vì Gót đã “bắt đầu thứ tự này với Christ... và theo đuổi nó với tất cả những người khác.” (“ought to prepare themselves for a hard, laborious life, full of travail and countless kinds of evils,” because “it is the good pleasure of the heavenly Father to exercise His servants in this way”. Believers are to expect suffering because God “began this order with … and pursues it with all others.”)
[7] Martin Luther (1483 –1546), thày chăn chiên và giáo sư thần học người Đức – được xem như cha đẻ của “phong trào Cải cách” – đưa đến sự thành lập những giáo phái Tin lành.
[8] chúng ta vẫn nói nhà thơ “sáng tạo” – sáng tạo thực ra là đặc tính của những vị gót. Chúng ta cũng nói – khi một ai thay đổi thiên nhiên, tạo ra một gì mới  – là đã “thay quyền tạo hóa”.
[9] Được xem như như một anh hùng nổi tiếng và phổ thông nhất của thần thoại Hylạp – Nửa gót nửa người – Hercules là con hoang của Zeus và bị Hera, vợ Zeus làm mất trí, đi đến giết hại thân quyến của mình – trong đó có cả vợ và con. Như hành xác để hối lỗi – Hercules với tay không có sức mạnh phi thường, đã hoàn thành 12 nhiệm vụ khó khăn – bắt giết những quái vật hại người.

[10] Nietzsche nói lướt qua rất nhanh về một vấn đề quan trọng và nổi tiếng trong triết học và thần học Kitô – vấn đề tà ác – trước câu hỏi “nếu có một Gót toàn năng, toàn thiện, toàn trí – sao lại có khổ đau trên thế giới?” – vắn tắt, các nhà thần học và triết gia Kitô đưa ra khái niệm “ý chí tự do” – theo họ, tuy Gót thương yêu con người, không muốn con người phải khổ đau – nhưng vì cho con người được tự do làm theo ý mình – nên trong cái gọi là “ý chí tự do” đó, con người đã tự gây đau khổ. Nói khác đi, đau khổ là do con người, không phải Gót, con người tự gây ra với “ý chí tự do” đáng quí của mình; có nhiều luận chứng để phản bác lại lý luận này – thường gọi chung là vấn đề Tà Ác hay “luận chứng về Tà Ác”.

Theo Nietzsche  – những thứ như “ý chí tự do”, “tự do tuyệt đối” chỉ là hão huyền không tưởng. Ở trên ông nói là các triết gia Kitô đã “bịa” (sáng chế) ra để chạy tội cho Gót của họ – Hãy cứ tạm cho là có một Gót nào đó, và Gót đó đã sáng tạo thế giới – như thần học Kitô vẫn chủ trương – Sau đó, tất cả sẽ giống như chúng ta vào một cửa hàng ăn bán thức ăn nhanh, loại như McDonald’s, hay KFC chẳng hạn – chúng ta chọn món 1 , 2 , 3 – nào đó từ bảng treo trên quầy – chúng ta “chọn lựa” nhưng không hề có tự do – và nếu ăn xong có bị đau bụng, hay trúng độc thì trách nhiệm vẫn là của chủ quán McDonald’s – hay của chủ tiệm trần gian mang tên Gót! – không thể bảo chúng ta có tự do chọn lựa nên đau khổ là lỗi tại chúng ta – tất cả ngon/không ngon, lành/độc trong quán, hay xấu/tốt, hạnh phúc/đau khổ, trong mơnu hay trên đời, đều là do chủ quán, hay nếu tin là có Gót – do Gót đó xào nấu mà ra. Cả hai – dù chủ quán ăn, hay chủ quán đời, đều không thể vin cớ này hay khác – đi đến lừa dối chúng ta, và đổ trách nhiệm cho chính chúng ta về sự thất bại hay bất lực của chính họ! Chưa kể như thế có tiềm ẩn ít nhất một thái độ xem chúng ta là những kẻ ấu trĩ, ngu ngốc – có lẽ họ tưởng chúng ta cũng ngu ngốc ấu trĩ như chính họ – cả hai, Gót lẫn chủ quán McDonald’s.

Thêm nữa, và nếu như chủ quán có “ý chí tự do” đã mua thịt ôi, bột mốc rẻ tiền làm món ăn để khách ăn trúng độc, thì thịt ôi, bột mốc đó cũng vẫn nằm trong mơnu đời của Gót trên cao kia – và nếu như khi chúng ta đương trong hàng ăn, có thể xảy ra chuyện nhỏ, như tai nạn xe đâm nhau ở đường phố ngoài kia, trước cửa hiệu ăn, hay lớn hơn, tuy không phải lúc nào cũng có, nhưng vẫn thường có, như động đất, hay bão, lụt, một nơi nào đó trên cùng một quả đất này, xa gần với chỗ chúng ta đương ăn, và trong những tai nạn, thiên tai đó, không hiếm những nạn nhân là những trẻ em, phải chết thảm, mất xác, hay thương tật, thì “ý chí tự do” nào, của ai – ở đây? – có chăng là ý chí tà ác của một vị gót; không thể huênh hoang tự xưng làm ra tất cả mọi thứ từ đầu, nhưng lại hèn nhát chối dài khi có chuyện xấu xa, hư hỏng hay ác độc xảy ra! rồi núp sau một ý tưởng vu vơ “ý chí tự do”! – (ông Trời khiêm tốn hơn của người bình dân ViệtNam còn được cho biết là tuy có khi đóng vai kẻ “tạo hóa đành hanh quá ngán” – nhưng vẫn có lòng nhân đạo, vì “Trời đánh còn tránh bữa ăn”! – Đó cũng là một lý do hiển nhiên để chúng ta hiểu gót của Nietzsche (của tôn giáo, triết học, văn hóa phương Tây)  hoàn toàn không có liên hệ xa gần với ông Trời của người Việt - hay dính dáng giây mơ rễ má  gì với Thượng đế - tên gọi của người Tàu cho một ông vua khác - với triều đình lỉnh kỉnh bá quan văn võ cao trên-kia – giống hệt vì tưởng tượng theo như một triều đình luộm thuộm thấp dưới này!).

Trong lời nói đầu – của tập sách này, Nietzsche đã cho chúng ta biết:
“... khi còn là một đứa bé mười ba tuổi, tâm trí tôi đã bị chiếm trọn với vấn đề nguồn gốc của cái Ác. Ở một cái tuổi khi lòng người ta mới “đầy-một-nửa với những trò trẻ con, đầy-một-nửa với Gót”,  tôi đã dành trọn trò chơi trẻ con văn chương đầu tiên của tôi, bài luận văn triết học đầu tiên của tôi, với vấn đề này – và về phần “giải pháp” cho vấn đề của tôi vào lúc đó, tôi đã hoàn toàn thích đáng khen ngợi Gót về điều đó, và đã làm ông là cha đẻ của cái Xấu Ác.”

[11] hiểu như lời “tiên tri” của tác giả.
[12] nghĩa đen “ xứ sở khác” có nghĩa là bị đày, bị tống khứ.
[13] Latin trong nguyên bản – một nhái lại, bắt chước
[14] Tai ương cho kẻ bị bại trận!
[15] mercy: lòng khoan dung, thương xót như ơn huệ của Gót với con người – các tín đồ vẫn cầu khẩn trong đạo Kitô.
[16] Nietzsche có lối viết không biện luận, nhưng như nói chuyện với một người đồng tình, giả định là độc giả của mình đã hiểu biết vấn đề - ở đây là một thí dụ  điển hình.

Chúng ta – là những con người sống trong trần gian – thấy ác thắng thế, dữ nhởn nhơ, độc hoành hành, nên hy vọng, và các tín ngưỡng tôn giáo đều đáp ứng hy vọng phổ biến đáng thương ấy – chúng vẫn hứa hẹn – dưới một hình thức này hay hình thức khác - là có một công lý phổ quát trong toàn vũ trụ, cụ thể là - trước sau ác sẽ bị trừng phạt, khó chạy đâu cho khỏi, thiện sẽ thắng (như trong MTBG: “thiện ác đáo đầu chung hữu báo, cao phi viễn tẩu dã nan toàn”) – Đó là niềm tin phổ biến của con người.

Nhưng trước hiện tượng cầu khẩn, ăn năn, mê tưởng vào một Gót là kẻ cầm cân nảy mực công lý tối thượng trong vũ trụ - nhưng khi mình “phạm tội” lại đi đến thú tội, cầu khẩn, ăn năn, tự trừng phạt mình để được “giải tội, tha tội” – và được diễn dịch là  lòng “thương xót” của Gót – thấy trong sinh hoạt đạo Kitô – Nietzsche đưa ra một giải thích, ở đây - theo mô hình chủ nợ/con nợ của ông – đó là vì nay Gót là “người quyền năng nhất”, và Nietzsche mỉa mai  - có quá nhiều quyền năng,  nên thêm - “cái lối có tư cách vượt ngoài pháp luật của ông ta”. Ông ta thực chẳng đếm xỉa gì đến pháp luật nhân gian. Vì Tốt hay Xấu là tùy tiện theo ông, Thiện hay Ác là tùy ông định nghĩa, nên bắt hay tha cũng là theo ý ông, và chỉ ông mới có quyền phán xét, và chỉ lòng tin – hay “đức tin” vào ông là điều kiện duy nhất và đủ để đi đến được “tha bổng”! - Gót nay đã như  một chủ nợ có sức mạnh và uy lực vĩ đại, không gì có thể đe dọa ông được – nên ông “nhắm mắt làm ngơ” và “tha cho đi những kẻ không thể trả nợ”, nhưng biết đến đấm ngực thú tội, không với pháp luật, nhưng lẩn lút trong một góc tối – mea culpa! Họ cất giọng mê sảng vì thành khẩn - Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng!. Thật quá đáng thương nên Gót phải động lòng! - Chưa kể đó là một thứ gót khác thường (không giống những gót Hylạp, hay Bắc Âu, hay Ai cập, Ấnđộ) vì gót này như chấp nhận một kẻ - tự xưng là con gót- nhưng chịu chết, chịu quằn quại đau đớn, bản chất sự đổ máu là một tự tử tính toán - để sau đó được giải thích là “chuộc tội” cho những người khác  – thực ra nếu có một Gót như thế đó - ông nào có “quan tâm gì đến đám ký sinh trùng” con người, (nên mới có câu nói vẫn xưng tụng: ‘Ai trong số các ngươi không phạm tội, hãy ném đá chết người đàn bà (phạm tội) này đi!’), và cũng như thái độ:  “hãy để cho chúng sống và sinh sôi”, vì ta đã “mạnh đủ với tất cả những điều đó”.

Tất cả hệ thống đạo đức đó chỉ dựa trên đe dọa, thưởng và phạt, …với những khái niệm: tội lỗi (sin) của con người với Gót, cứu chuộc của con-Gót cho con người, và phán xét của Gót trên tội lỗi (không ai được phán xét, phán xét cuối cùng là của Gót) và rồi đó đây vẫn có “tha bổng” vì lòng thương xót. Đạo đức ở đây như thế nếu không là một trò hề ấu trĩ nhảm nhí, tất cả phải xem như một hài kịch nhân sinh, đã quá dài mất hết khôi hài, nhưng quá đông người vẫn tin theo nên nếu không giữ được tiếng cười cũng phải không cầm được nước mắt.

Đây là một trong những câu mỉa mai, khinh bỉ nhất của tác giả về đạo đức Kitô: “Công lý, đã bắt đầu bằng cách nói rằng “Tất cả mọi thứ có thể được trả hết, tất cả mọi thứ phải được trả hết”, kết thúc bằng cách nhắm mắt làm ngơ và tha cho đi những kẻ không thể trả, – Nó kết thúc, giống như tất cả mọi thứ trên trái đất, bằng cách thăng hoa chính nó. Sự tự thăng hoa của công lý: chúng ta biết thật là một cái tên tốt đẹp nó mang cho chính nó – lòng thương xót”. Ở Luận văn trước, ông đã phân tích cho chúng ta thấy – nó đến từ tâm trạng phẫn hận – ressentiment  - trong tâm lý của giới nô lệ, lớn dậy và sáng tạo nên thứ luân lý đặc biệt, ông gọi là đạo đức nô lệ - của đạo Dothái và sau đó là đạo Kitô.

Theo Kaufmann, chủ đề chúng ta đọc ở đây là một trong những mô típ chính yếu của triết học Nietzsche – ông dẫn thêm Nietzsche trong Dawn, tiết đoạn 202: “… chúng ta hãy cùng nhổ sạch khái niệm về “tội lỗi” (sin) khỏi thế giới – và chúng ta đừng chậm trễ liền sau đó tống khứ khái niệm “trừng phạt”. Mong là những quái vật bị lưu đày  này, từ giờ trở đi sống đâu thì sống, nhưng đừng ở giữa con người. Nếu như chúng vẫn cứ dai dẳng sống và không tàn lụi bởi chính sự kinh tởm từ chúng!”.