Về Lai lịch của Đạo đức
(On the
Genealogy of Morality
Zur
Genealogie der Moral)
Friedrich
Nietzsche
“Có tội”, “Lương tâm Cắn Rứt”, và những Vấn đề liên quan
18.
Ít nhất, sau đầu mối này, một câu đố sẽ bớt khó hiểu hơn, cụ thể là – làm sao một
lý tưởng, một gì đó đẹp đẽ, lại có thể được ám chỉ, gợi ý trong những khái niệm
tự mâu thuẫn với nó – loại giống như sự vị
tha, sự tự xóa, quên mình, tự hy sinh, và còn thêm nhiều nữa, tôi không
hoài nghi rằng chúng ta biết một điều, –
loại vui thú nào, vốn nó là từ đầu - sự vị tha, sự tự xóa, sự tự hy
sinh, - đã cảm nhận: vui thú này thuộc về sự tàn ác. –
Chúng ta phải thận trọng khi suy nghĩ một cách khinh miệt về toàn
bộ hiện tượng này, vì nó thừa hưởng xấu xí và đau đớn từ di truyền. Về nền tảng,
nó là cùng một sức mạnh tích cực như sức mạnh hoạt động trên một quy mô rộng lớn
trong những nghệ sĩ của bạo động và những người tổ chức, và của sức mạnh xây dựng
những nhà nước, vốn ở đây, có tính nội bộ, và trên một quy mô nhỏ hơn, vụn vặt
tầm thường hơn, đã quay ngược vào bên trong, trong “mê cung của cõi lòng”, như
Goethe thường nói, [1] tạo ra lương tâm cắn rứt cho chính nó,
và xây dựng những lý tưởng tiêu cực, nó là chính cái bản năng về tự do đó (đưa vào ngôn ngữ của tôi: ý dục với quyền lực) [2]:
ngoại trừ rằng vật chất hữu hình trên đó bản chất tham lam và trưởng thành của
sức mạnh này tự phun thoát ra, thì đích xác là con người chính nó, toàn bộ tự
ngã con thú cũ của nó – và không, như
trong hiện tượng đó lớn hơn và dán vào mắt hơn, con người khác, những con người khác.
Sự tự vi phạm bí mật này, sự tàn ác của nghệ sĩ này, khát vọng này muốn đem
hình dạng cho tự thân, như một mảnh của vật chất khó khăn, phản kháng, đau khổ,
để dán nhãn hiệu cho nó với một ý chí, một phê bình, một mâu thuẫn, một khinh
miệt, một “không”, lao động kỳ lạ, khủng khiếp nhưng vui vẻ này của một linh hồn
tự nguyện phân cắt bên trong chính nó, vốn làm chính nó đau khổ thoát ra từ sự
vui sướng của làm nên đau khổ, toàn bộ cái lương tâm cắn rứt hoạt động này đã cuối cùng – chúng ta đã
đoán được rồi – như tử cung thực sự
của lý tưởng và những sự kiện tưởng tượng, đã mang lại một giàu có mới lạ khác
thường, cái đẹp ngỡ ngàng và sự khẳng định choáng váng, ra với ánh sáng, và những
có lẽ lần đầu tiên, cái đẹp tự thân.
. . Điều gì sẽ là “cái đẹp”, nếu trái với nó đã không đầu tiên đi đến nhận thức
của chính nó, nếu sự xấu xí đã không trước tiên nói với chính nó: “Tôi xấu xí”?
. . . [3]
Như thế là quá nhiều, trong lúc này, cho hậu duệ của sự
“không-vị-kỉ” như một giá trị đạo đức
và trên sự phác họa của căn cứ trên đó giá trị này đã lớn dậy: chỉ lương tâm cắn
rứt, chỉ ý chí với sự tự hành hạ, mới cung cấp những điều kiện tiên quyết cho giá trị của sự không-vị-kỉ. –
19.
Lương tâm cắn rứt là một bệnh tật, phủ nhận nó sẽ không đi
đến đâu, nhưng nó giống một căn bệnh hơn là một sự hoài thai. Chúng ta hãy cùng
xem xét những điều kiện qua đó ốm đau này đạt đến đỉnh khủng khiếp nhất và cao
nhất của nó: – chúng ta sẽ thấy, với điều này, những gì thực sự đã đi vào thế
giới. Nhưng chúng ta sẽ cần rất nhiều quyền lực chống đỡ, – và trước tiên chúng ta phải trở về lại
một điểm trước đó.
Quan hệ của một con nợ với chủ nợ của mình trong luật dân sự,
điều mà tôi đã viết đã khá dài, đã chuyển đổi lần thứ nhì, thông qua sự diễn giải,
trong một cách thức vô cùng lạ thường và gây chú ý tò mò nhìn theo lịch sử, vào
thành một quan hệ trong đó nó có lẽ là có thể hiểu được ít nhất đối với con người
hiện đại chúng ta: đó là quan hệ của thế
hệ hiện tại với tổ tiên của họ.
Trong vòng liên kết nguyên thủy bộ lạc – chúng ta đang nói
về thời thái cổ - thế hệ đương sống
luôn luôn thừa nhận một sự biết ơn – một nghĩa vụ pháp lý - đối với những thế hệ sớm hơn trước đó,
và đặc biệt hướng tới thế hệ sớm nhất, vốn đã thành lập bộ lạc (và điều này
không chỉ là một kết nối tình cảm, điều sau vừa kể có thể, với lý do chính
đáng, bị phủ nhận tất cả hoàn toàn trong giai đoạn dài nhất của giống người [4]).
Có một tin tưởng vững chắc phổ biến rằng bộ lạc tồn tại chỉ vì những
hy sinh và những hành động của cha ông, – và rằng những điều này phải được
đền đáp trả lại bằng những hy sinh và những hành động: mọi người
công nhận một món nợ [Schuld] vốn nó liên tục tăng lên vì những
tổ tiên này tiếp tục tồn tại như những thần linh to lớn đáng sợ, đem cho bộ lạc
những lợi thế mới và một số quyền năng của họ. Có phải họ làm điều này
cho-không, có lẽ? Nhưng không có gì “cho-không” đôií với những thời đại thô sống
và “nghèo nàn tinh thần”. Người ta có thể đem trả họ những gì để đền đáp? Những
hiến sinh, những dâng cúng hy sinh (ban đầu là thực phẩm trong ý hướng tinh thần
thô thiển), lễ hội, nhà thờ cầu nguyện, dâng cống, trên tất cả, sự tuân phục
vâng lời – với tất cả những truyền thống, như những công trình của tổ tiên, cũng như những quy tắc và mệnh lệnh
của họ: – người ta có bao giờ đem cho họ cho đủ hay không? Ngờ vực này vẫn còn
và phát triển: thỉnh thoảng nó bắt nặn phải đóng một khoản thanh toán trên một
quy mô to rộng, một gì đó lớn lao như một trả nợ cho ‘chủ nợ’ (sự hy sinh ô nhục
nổi tiếng đầu tiên là hy sinh đứa con đầu lòng [5],
lấy thí dụ, máu, máu của con người trong bất kỳ trường hợp nào).
Đi theo dòng suy nghĩ này, sự khiếp hãi tổ tiên và quyền năng của người khuất mặt, ý thức về những
khoản nợ với ông ta, chắc chắn tăng dần không thể tránh, tỷ lệ thuận với sự gia
tăng sức mạnh của bộ tộc, đó là, theo tỷ lệ tương ứng khi chính bộ lạc, hơn bao
giờ hết, trở thành chiến thắng, độc lập, được tôn vinh và được kính sợ. Và
không phải là chiều ngược lại! Mỗi bước hướng tới sự suy yếu của bộ lạc, tất cả
những thiên tai bất hạnh, tất cả những dấu hiệu của thoái hóa và tan rã sắp xảy
ra, luôn luôn giảm bớt thay vì gia
tăng sự sợ hãi với thần linh của người sáng lập của nó, và dẫn tới một sự đánh
giá thấp hơn bao giờ hết về sự minh mẫn sắc sảo, sự đoán trước phòng xa, và sự
hiện diện mạnh mẽ của ông ta. Nếu bạn suy nghĩ theo thứ lôgích thô thiển này từ
đầu đến cuối: nó dẫn đến rằng ảo giác từ sự khiếp hãi ngày càng tăng, những tổ
tiên của những bộ lạc mạnh mẽ hùng cường
nhất phải phát triển đến một tầm vóc to lớn khôn lường, và đã phải bị đẩy
vào bóng tối của mầu nhiệm linh thiêng và siêu việt: – Chắc chắn, không thể
tránh được, là chính tổ tiên đã cuối cùng biến dạng vào thành một vị gót. Có lẽ chúng ta có ở đây nguồn gốc
thực sự của những vị gót, một xuất xứ, vậy đó, trong sợ hãi! .. . . Và bất cứ
ai thường cho là phù hợp để bổ sung thêm: “nhưng cũng trong lòng thương xót nữa!”
sẽ gặp khó khăn khi biện minh cho tuyên bố này với thời kỳ dài nhất của loài
người, thời tiền sử. Tất cả lại còn hơn thế nữa, tuy nhiên, người ấy có sẽ là
đúng hay không, với khoảng thời gian ở giữa,
trong đó những bộ tộc cao quý đã phát triển: những người thực sự đã trả nợ,
cùng lãi xuất, với những người sáng lập của họ, tổ tiên của họ (những anh hùng,
những gót), với tất cả những thuộc tính, vốn trong thời gian đó, đã trở thành
thể hiện trong bản thân chính họ, những thuộc tính cao quý. Về sau, chúng
ta sẽ có một cái nhìn khác về những vị gót được tôn sùng đáng kính phục và cao
quý (vốn không hề tất cả để nói rằng họ là “thiêng liêng”), nhưng giờ đây, hãy
để chúng ta theo đuổi dòng chảy của toàn bộ sự phát triển này của ý thức về tội lỗi đến kết luận của nó.
20.
Sự nhận thức được về có mang nợ [6]
với những vị gót, như lịch sử cho biết, đã không đi đến một chấm dứt, ngay cả
sau khi có sự suy tàn của những “cộng đồng” được tổ chức trên nguyên lý quan hệ
huyết thống, đúng như khi con người thừa kế những khái niệm về “tốt và xấu” từ
tính cao quí của dòng dõi (cùng với khuynh hướng cơ bản về tâm lý của nó để
thành lập những thứ bậc theo địa vị), anh ta cũng thừa hưởng, cùng với những thần
linh của những bộ lạc và những gia tộc, gánh nặng của những khoản nợ chưa trả
và mong muốn để thanh toán, trả nợ chúng cho xong. (Những quần thể lớn đó gồm
những nô lệ và nông nô, tự họ chấp nhận những sùng bái thần linh của những chủ
nhân của họ, hoặc qua cưỡng bách, hoặc do tùng phục, hoặc bởi bắt chước, hình
thành giai đoạn chuyển tiếp: từ những người này, sự thừa kế tràn lan ra tất cả
mọi hướng). Cảm xúc về sự mang nợ [7]
hướng về một thần linh đã tiếp tục phát triển trong nhiều nghìn năm, và thực vậy,
đã luôn luôn tỷ lệ thuận với khái niệm về Gót, và cảm xúc với Gót vốn đã lớn dậy
trong thế giới và đã kéo lên cao vời. (Toàn bộ lịch sử những chiến tranh của
các dân tộc, những chiến thắng, những hòa giải và những sát nhập, và tất cả mọi
sự việc vốn xảy ra trước khi có sự xếp thứ hạng cuối cùng của những thành phần
đa dạng của đám đông dân chúng, trong tất cả mỗi tổng hợp sắc tộc lớn lao, thì
phản ánh trong sự hỗn loạn về dòng dõi, phả hệ của những vị gót của họ, trong
những truyền thuyết về những trận đánh, những chiến thắng, những hòa giải của họ;
tiến trình đi đến những đế quốc hoàn vũ,
luôn luôn là tiến trình đồng thời đi đến những vị gót hoàn vũ: chế độ
chuyên quyền, với sự khuất phục của giới quí tộc độc lập, cũng luôn luôn chuẩn
bị con đường cho một vài loại của tôn giáo thờ-chỉ-một-gót – độc thần.)
Sự ra đời của Gót Kitô như vị gót tối cùng cực điểm đã đạt
được, như thế cũng đã đưa đến sự xuất hiện của cảm xúc vĩ đại [8]
nhất về mang nợ trên trái đất. Giả sử rằng bây giờ chúng ta bắt đầu theo hướng ngược lại, chúng ta sẽ diễn dịch phải là
chính đáng, không một xác suất có thể dù nhỏ, rằng từ sự suy tàn không thể chặn
đứng được của đức tin vào Gót Kitô, ngay cả giờ đây, có một sự suy sụp đáng kể
trong ý thức về khoản nợ của con người; thực vậy, khả năng không thể bị loại bỏ
không ngần ngừ, rằng chiến thắng toàn vẹn và dứt khoát cuối cùng của chủ nghĩa
vô thần - chủ nghĩa không-tin-gót -,
rồi có thể giải phóng loài người khỏi toàn bộ cảm xúc này về tư cách sự mắc nợ
đối với những khởi nguyên của nó, nguyên nhân đầu tiên (causa prima) của nó. Chủ nghĩa vô thần và một loại của sự ngây thơ [9] trong trắng thứ nhì [10] cùng
thuộc về nhau. –
21.
Như thế quá nhiều cho một đại cương sơ phác và ngắn về sự kết
nối giữa những khái niệm “nợ / tội lỗi”, và “trách nhiệm” và những giới luật
tôn giáo: cho đến giờ, tôi đã chủ ý đặt sự đạo đức hóa thực sự của những khái
niệm này sang một bên (lối mà chúng bị đẩy ngược trở lại vào trong lương tâm;
chính xác hơn, lối của lương tâm cắn rứt
bị đan cuốn vào cùng với khái niệm về Gót), và ở kết luận trong đoạn vừa rồi,
tôi thực sự đã nói dường như thể sự đạo đức hóa này đã không hiện hữu, kết quả
là, dường như thể những khái niệm này sẽ tất yếu xụp đổ, đi đến một kết thúc, một
khi tiền đề cơ bản thôi không được áp dụng, sự tin tưởng đem cho ‘chủ nợ’[11]
chúng ta vay, trong Gót. Những sự kiện bất đồng từ điểm này một cách tệ hại ghê
gớm.
Với sự đạo đức hóa của những khái niệm “nợ / tội lỗi”, và
trách nhiệm, và sự đày ải giáng thấp chúng đến lương tâm cắn rứt, trong thực tại, chúng ta có một nỗ lực để đảo ngược hướng phát triển tôi đã mô tả ở
trên, hay ít nhất chặn đứng vận động của nó: giờ đây triển vọng của một sự trả
nợ một-lần-và-xong-xuôi-cho-tất-cả thì bị
tịch thu; tránh ra sự bi quan, giờ đây cái nhìn nhanh của chúng ta là để vụt
nảy lại và bật mạnh lại một cách chán chường khỏi một sự bất khả sắt thép, giờ
đây những khái niệm “nợ” và “nhiệm vụ” đó là
bị xoay đảo ngược – nhưng xoay
ngược đối lại với ai? Điều không thể
chối cãi: trước tiên là đối lại với ‘con nợ’, trong con người ấy giờ đây lương
tâm cắn rứt tự nó đã thiết lập quá vững chặt, đương ăn nuốt vào trong anh ta,
đương mở rộng và lớn dậy, giống như một polyp
[12],
quá rộng và sâu khiến đến cuối cùng, với sự không-thể-nào của việc trả nợ xong
cho được, thì mường tượng trong đầu sự không-thể-nào sự thanh toán bốc rỡ cho hết
sự đền tội, ý tưởng rằng nó không thể được trả hết (“sự trừng phạt vĩnh cửu” [13]);
đến tận cùng, tuy thế, chống lại ‘chủ nợ’, và ở đây chúng ta nên nghĩ về causa prima của con người, sự khởi nguyên của loài người, của tổ tiên của
loài người là người bây giờ bị đè nặng gánh với một lời nguyền ( ‘Adam’, “tội
nguyên thủy – tội tổ tiên”, “ý chí tự do bị câu thúc” [14]),
hoặc của thiên nhiên, từ tử cung của nó con người có nguồn gốc, mà với nó
nguyên lý của tà ác được quy gán cho (tà ma hóa, quỉ dữ hóa thế giới tự nhiên),
hoặc của sự hiện hữu nói chung, vốn bỏ lại đứng trơ như không có giá trị gì một cách di truyền [15]
(một quay-đi có tính hư vô từ sự hiện hữu, khát khao với hư vô, hay ước mong
cho một “phản đề”, là cái khác, đạo
Phật và giống như vậy) – cho đến khi tất cả cùng một lúc, chúng ta đương đầu với
mưu chước nghịch lý và kinh hoàng, qua đó một con người tử đạo đã tìm cách cứu
trợ tạm thời, cú đánh thần kỳ của bậc thiên tài của đạo Kitô: không ai khác hơn
là chính Gót hy sinh chính mình cho khoản nợ của con người, không ai khác hơn
là chính Gót trả nợ lại chính mình, Gót như kẻ độc nhất có khả năng cứu chuộc
con người từ những gì, với chính bản thân con người, vốn đã trở thành vô cơ cứu
vãn – chủ nợ hy sinh chính mình cho con nợ của mình, thoát ra từ
yêu hương (bạn sẽ ghi nhận nó là công trạng không?), – thoát ra từ yêu thương với con nợ của
mình! . . . [16]
22.
Bạn sẽ đoán được rồi những
gì đã thực sự xảy ra với tất cả điều này, và đằng sau tất cả điều này: ý chí muốn hành hạ cá nhân chính mình, tính
tàn ác đàn áp đó của con người động vật, kẻ đã sợ hãi đẩy ngược trở lại vào
trong chính mình, và được cho một đời sống bên trong, bị giam cầm trong “trạng
thái” để thành thuần hóa, và đã khám phá được lương tâm cắn rứt như thế để hắn
có thể làm tổn thương chính mình, sau khi cống
thoát tự nhiên hơn của mong ước muốn gây tổn thương này (cho người khác) đã
bị ngăn chặn, – con người này của lương tâm cắn rứt đã nắm lấy chặt trên sự giả
định trước của tôn giáo ngõ hầu cung cấp cho sự tự tra tấn của hắn với độ cứng
và độ sắc khiếp đảm nhất của nó. Phạm tội (Mắc nợ) với Gót: ý tưởng này trở nên một khí cụ của tra tấn với hắn. Nhìn trong
‘Gót’, hắn bắt lấy phản đề tối hậu, hắn có thể tìm thấy, cho những bản năng động
vật thật sự và không thể bù chuộc của mình, hắn diễn giải lại những bản bản
năng tự-chúng giống-cùng-như-một với loài động vật - như là “nợ / tội lỗi” trước
Gót (như thù oán, bùng dậy, bạo loạn chống lại “người thầy”, người cha”, tổ
tiên nguyên thủy và khởi đầu của thế giới), hắn nhắm ném chính hắn vào trong sự
mâu thuẫn của “Gót” và “Quỉ Dữ”, hắn thốt lên tất cả mọi tiếng “không” vốn hắn
nói với chính hắn, (như là một phủ định) với bản tính, với tự nhiên tính và thực
tại của sự tồn sinh của hắn (trong một hình thức) như là một “có” (một xác định),
như hiện hữu, sống, thực, như Gót, như sự thánh linh của Gót, như Gót-vị-Quan-Tòa,
như Gót-Người-Treo-Cổ-Tội-Nhân, là xa quá hơn nữa, như vĩnh cửu, như tra tấn
không cùng, không kết thúc, như hỏa ngục, như trừng phạt khôn-lường-vô lượng và
tội lỗi.
Chúng ta có ở đây một thứ điên rồ của ý chí cho thấy chính
nó trong sự tàn ác tâm thần tuyệt đối vô song, chưa từng có: ý chí của con người để tìm thấy chính hắn
phạm tội và bị lên án mà không hy vọng về ân xá giảm tội, ý chí của hắn để nghĩ về mình như bị trừng phạt, mà sự trừng phạt
không bao giờ có được tương đương với mức độ của tội lỗi, ý chí của hắn để tiêm nhiễm và đầu độc những nền tảng cơ bản của những
sự vật với vấn đề của trừng phạt và tội lỗi, ngõ hầu để cắt chính hắn, cho một
lần và tất cả, ra khỏi lối thoát của
mê cung này của những “ý tưởng bất động” [17],
ý chí này thiết lập một lý tưởng – đó
là một “Gót linh thiêng”, – ngõ hầu
để có thể chắc chắn động chạm thuyết phục được về chính sự tuyệt đối vô giá trị
của chính hắn khi đối mặt với lý tưởng này. Chao ơi, con thú người, con thú
điên thảm thương này! Đến gì là những ý tưởng hắn có, đến gì là sự hư hỏng đốn
mạt, đến gì là những cuồng dại vô nghĩa, thật là đến gì là thú tính của suy tưởng bùng trào ngay lập tức, khoảnh khắc hắn bị ngăn
chặn, nếu như chỉ nhẹ nhàng, để đừng là một con
thú trong vùng vẫy hành động! . . .
Đây là tất cả gần như vượt mức lý thú đáng chú ý, nhưng
cũng có một sự buồn bã đen tối ảm đạm, rã rời nhụt chí nữa, thế nên người ta phải
tự buộc mình từ bỏ, đừng chăm chú nhìn quá lâu vào những sâu thẳm này. Đây là ốm
đau bệnh tật, không còn ngờ gì, thứ bệnh
tật khủng khiếp nhất từ trước đến nay đã hoành hành trong con người: – và bất
cứ ai vẫn còn có thể nghe (nhưng ngày nay người ta không có tai nghe với nó nữa!
-) tiếng hét của thương yêu đã vang rền
như thế nào, dậy lên trải qua đêm này của tra tấn và phi lý, tiếng hét của trạng
thái mê ly khao khát nhất, của sự cứu chuộc qua thương yêu, sẽ quay người đi, bị một kinh hoàng không gì thắng vượt
nổi ghì chặt. . . Có quá nhiều như thế trong con người vốn là ghê tởm kinh
hoàng! . . . Từ quá lâu, thế giới đã là một nhà thương điên! . . .
23.
Thế nên là đủ, lần này và cho tất cả những lần sau, về nguồn
gốc của “Gót linh thiêng”. –
Lê Dọn
Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất
(Aug/2012)
(còn tiếp
...)
[1] Trong đoạn thơ cuối cùng
– bài thơ ‘An den Mond’ (‘To the Moon’) (1778).
[2]
the will to power – như Nietzsche nói
ở đây, nó là một thứ bản năng – nên
tôi dịch là ý dục với quyền lực – khi
thời gian cho phép, sẽ giới thiệu khái niệm và dịch tập sách quan trọng này.
Vẫn thường dịch và có lẽ đã phổ thông là “ý chí quyền lực” – nhưng nếu hiểu ý
chí như một gì đó chủ động, có ý thức –
thì “will to power” của Nietzsche – không
là một thứ ý chí thuần tinh thần, nhưng còn là một bản năng, một xung lực - thúc
đẩy sống động khôn cưỡng, từ bên trong con người, thường vượt sự kiểm soát của
con người. Nó có nhiều phần gần hơn với một thứ bản năng sống, tham lam, ích kỷ
và tàn nhẫn để sống còn – như tất cả những bản năng của con người tự nhiên.
[3]
Chúng ta không thể
biết cái Đẹp nếu không biết cái Xấu – và có lẽ phải biết cái Xấu trước rồi mới
nhận ra cái không-Xấu = cái Đẹp; khi một nơi nào, ở đâu có tiếng ca ngợi, kêu
gọi yêu thương (“yêu kẻ khác như yêu chính mình” – loại như vậy) – là nơi đó
chắc chắn đã có hiện diện rồi sự hận thù, tàn ác, chia rẽ.
[4] Nietzsche nói đến thời kỳ phát triển ở châu Âu, của đạo Kitô,
trong đó con người được dạy “biết ơn” gót, nhưng không nhấn mạnh vào tổ tiên
sinh thành hay nguồn gốc trực tiếp của dân tộc. Những nhân vật trong kinh Thánh
– được các tín đồ gọi là “tổ phụ” – thực ra, nếu có thực, chỉ là tổ tiên của
một dân tộc đặc biệt – là dân Dothái.
[5] Gót bảo Abraham hy sinh con trai
mình là Isaac; dù giải thích thế nào – đoạn này, cũng như vô số những đoạn khác
trong kinh Thánh – cho chúng ta biết một sự kiện là tục giết người – đặc biệt
dã man giết đứa con trai đầu lòng – làm vật hiến sinh thần linh, hay gót, hay
Gót sau này trong bộ lạc dân Dothái,
là phổ biến trong thời tiền
sử ở vùng Trung đông. Yếu tính của câu chuyện về huyền thoại hy sinh của Jesus là một sự hiến sinh –
hy sinh đứa con trai cho Gót.
[6]
Schulden zu haben
[7]
Das Schuldgefühl
[8]
Das Schuldgefühls
[9]
Unschuld
[10]
Trong trắng ngây thơ vô tôi lần thứ nhất
– là trước khi có thứ tôn giáo “dạy dỗ” , bóp méo con người, khiến họ tự tin
mình là một loài vật “có tội” - Trong trắng ngây thơ vô tôi lần thứ nhì - là sau khi con người ném
bỏ, rũ sạch ảnh hưởng của thứ tôn giáo đó – để trở lại trạng thái tinh khôi,
trong sạch của mình, nghĩa là thành vô thần – không tin vào gót.
[11]
Der Glaube an unsern “Gläubiger”: tín ngưỡng trong “chủ nợ” của chúng ta – hay
cái người tin “chủ nợ” của chúng ta
[12]
polyp:
một khối mô sinh vật phát triển bất thường (như quả bóng
phồng to) trong cơ thể - thường là những cơ quan rỗng – như ống ruột, mũi.
[13]
sự trừng phạt trong hỏa ngục theo đạo Kitô là đời đời, vĩnh cửu.
[14] On the Bondage of the Will (Latin: 'De Servo Arbitrio', literally,
“On Un-free Will”, hay “Concerning Bound Choice”), của Martin Luther, 1525 -
Luther chủ trương tội lỗi (sin) làm cho con người mất hết khả năng thực hiện sự cứu rỗi cho chính
họ, và họ hoàn toàn không có khả năng đem họ lại với Gót, Vì thế, không có “ý
chí tự do” cho con người vì con người có thể bị ảnh hưởng của tội lỗi chôn vùi.
[15]
Con người là “tội lỗi” – dù đứa trẻ mới sinh ra, cũng phải đem rửa tội – tại
sao? – vì có tội di truyền, “tội
nguyên thủy” – “tội tổ tông”,… đó là những cách biện hộ, nhưng thần kỳ là có
người tin! - Ở đây Nietzche dùng mô hình con nợ/chủ nợ để giải thích theo tâm
lý – đem lại một trả lời cho câu
hỏi - tại sao một sự phi lý quái đản như thế lại được đông đảo con người tin
theo hàng ngàn năm! – chỗ này bỏ thì lại có chỗ kia nhặt lên tin tưởng tiếp, “một cách tệ hại ghê gớm.” như Nietzche
nói ở trên. Dĩ nhiên là có cả một guồng máy tuyên truyền tuyệt vời hữu hiệu,
nhưng trong tự thân con người, vẫn có những điểm tâm lý, khiến guồng máy thần
kỳ kia, từ bên ngoài, mới có thể khai thác dược. Nietzsche gọi đó là sự ra tay của “cú
đánh thần kỳ của bậc thiên tài của đạo Kitô”! – thiên tài vì đó là “mưu chước
nghịch lý và kinh hoàng” – tôi không nghĩ là tôi dịch thoát hết được sự đắng
cay và chua xót trong giọng mỉa mai của ông - một con người tỉnh ngộ thoát ra ngoài mê hoặc tôn giáo của
chính ông.
[16] Mô hình “con nợ/chủ nợ”:
Tự nhiên có người đến bảo
bạn thực ra có mang nợ một ai đó, và bạn có bổn phận phải trả - và nếu đây là
một món nợ vật chất, chẳng hạn một món tiền gì đó; tất nhiên trong trường
hợp bình thường, nếu không phải là sự thực, bạn sẽ kinh hoàng, phẫn nộ và chống
trả, phủ nhận đến cùng những điều vừa nghe này –
Nhưng hãy tưởng tượng một
trường hợp khác - thực ra rất tương tự và phổ thông, quen thuộc – trường
hợp có người bằng mọi cách khéo léo tìm đến, và bảo rằng bạn có chịu một ân
huệ, có mang một thứ nợ tinh thần nào đó, trong đời sống – vốn bình thường đến
nay, bạn không ngờ đến, không biết tới, nếu như không may mắn có người – như
con người đang nói với bạn - xem vẻ cũng nhân từ, tử tế này – tốt lành, đầy
thiện ý cho biết. Đây là một hình thức nợ trước hết diễn dịch từ những nhận
định nào đó lượm lặt trên chính đời sống của bạn – nội dung chủ yếu là khái
niệm “tội lỗi”, và chính bạn là người có
tội. Bạn vốn là người chân thực, và có thể xa lạ với khái niệm mới này
– nhưng dĩ nhiên là bạn có sẵn một quan điểm, một thái độ sống, trong đó có
ngầm chứa một định nghĩa nào đó để hành động - về thế nào là sai lầm đạo đức,
là tội, là xấu, thường rập khuôn theo cộng đồng của bạn. Nên phản ứng đầu tiên
là thường nhất phải ngẩn ngơ ít hay nhiều, có khi hoảng hốt, và có thể đi đến
sự tự dò xét chi li trước sau, trong ngoài – đến cả quá khứ thầm kín, nếu có,
của mình – (thường thường là có - quét nhà bao giờ
cũng ra rác! – và tâm lý của kẻ mặc áo vá – nếu phải bước ra đường, phải nghĩ
mọi người ai ai cũng đều thấy rành rành chỗ vá dù kín đáo cách mấy trên áo mình
đang mặc), nhưng cuối cùng, dù có thấy gì hay không – theo định nghĩa của
bạn - đều không quan trọng; vì người ấy, nếu bạn còn nấn ná, sẽ dẫn đến
giảng giải thêm, đưa dần đến một định nghĩa – thế
nào là có tội, hiểu chủ quan theo người rao giảng này - và đây mới là điểm
chính yếu của một thứ đạo đức
theo tôn giáo - tội ấy không phải vì bạn (vì bạn có làm gì,
hay đã làm gì đến thế đâu!), bạn không có trách nhiệm, nhưng do tổ tiên bạn – còn xa hơn nữa – do tổ tiên của
cả loài người (giả định là câu chuyện tổ tiên đó của một dân tộc được xem như của
chung tất cả), nên bạn – dù sinh ra ở đâu, dù thuộc giống người nào – bạn cũng
không thể nào chối tránh nó được, vì nó di truyền, nên không những bạn “đã”
mang tội, mà rằng bạn rồi “sẽ sa ngã”, cũng
theo những bước chân sa ngã cũ của “tổ tiên”, trước sau rồi cũng sẽ tội lỗi, -
với lại, nhìn lại xem – chẳng phải bạn là kẻ yếu đuối đấy sao? – và “mọi người
đều phạm sai lầm - to err is human” (ai dám bảo mình là kẻ mạnh có thể vượt thắng hết những khó
khăn của sự sống trước thiên nhiên tàn nhẫn, thử thách của đời người trước con
người đối với nhau như loài sói dữ? – mà bạn, được tâng bốc như là “con chiên”
- một loài quá đỗi ngây thơ, hiền lành!).
Sau đó – đương hoang mang
như thế, đâm ra thành sợ hãi như kẻ bị đắm tàu, sắp chết đuối trong biển tội
lỗi (thực hay tưởng tượng – đã có, hay sắp có,..) – Bạn được ném cho một
cái phao và sự an ủi cần thiết, - Này, nhưng đừng quá lo như thế – vì “thực
ra” có một vị rất cao cả, thương yêu bạn lắm (nói theo
Nietzsche là một ông chủ nợ thương con nợ! và mỉa mai là có sẵn
trên cao kia – cao quá, không thấy được).
Trong đời sống, bạn cũng
như bao con người khác hữu hạn trên trần gian này, ai chẳng có những mơ ước về
cái vô hạn? - khi đối mặt với những gì không hiểu nổi, không giải thích trước
sau được cho rõ ràng để hoạt động sống còn – ai chẳng hơn một lần có niềm tin
vào có một gì đó - huyền nhiệm xoay vần mọi sự kiện thiên nhiên và nhân văn
quanh mình – và có lẽ những bất công ở đời sống này, rồi cũng phải sẽ được
quyền lực siêu nhân đó cầm cân nảy mực – Con người khắp nơi trên mặt đất này,
từ lâu đã vẫn thờ phụng, tin tưởng những gì tin là vô hạn, siêu nhân, siêu
nhiên đó, trong những hình thức khác nhau và người ta gọi là những thần linh.
Những thần linh đó được tôn sùng, nhưng với xa cách, hoặc vì kính sợ, hoặc
khiếp hãi.
Nhưng thần linh này
– vị-trên-cao đó - con người tử tế này nói với bạn là một thần linh đặc
biệt – có liên hệ với bạn – đó là rất yêu thương bạn.
A! – Một thần linh siêu việt như thế nhưng lại yêu thương mình! Còn gì tuyệt
vời hơn. Nếu còn ngờ vực thì bạn được bảo thêm - với lại chính thần linh,
bạn hay cộng đồng bạn đang có – không là thần linh đích thực, hay ngày nay đã
khéo léo hơn – đã vận dụng một hình thức tinh xảo mượn bình cũ đựng
rượu mới – và cụ thể là tránh thương tổn tự ái của bạn, (và đẩy bạn
nhanh chóng qua được những bước do dự – chuyển tiếp từ quen đến
lạ: những thần linh mới y phục sẽ như bạn, những đền thờ mới sẽ kiến trúc như
những đền thờ vẫn có quanh bạn) – Và mời gọi có thể chuyển sang cởi
mở, dễ nghe hơn – loại như, thần linh bạn đang có cũng chính là
thần linh này, nhưng dưới một dạng còn thô phác hay biểu hiện sai lạc, vì
lầm lẫn đó nên hiểu lầm ngộ nhận, nên bạn đã không nhận ra được vị thần
linh này đấy thôi – và nếu ai có con mắt tội lỗi thì không
thấy được vị ấy! – Trong những trường hợp đó, ai dám nói là không “thấy vị trên
cao” đó – thấy “thần linh duy nhất thực” đó - ai lại dại dột như đứa trẻ của
Hans Andersen nói trắng ra sự thực trần truồng “ông vua chẳng mặc gì cả” – vì
tất cả đám quần thần xung quanh đều sợ mình bị xem là ngu xuẩn, bất tài!)
– Đặc biệt là vị đó rất thương yêu bạn – có những người quanh
bạn lúc ấy đã được rao giảng trước bạn - đều đồng lõa nói thế cả rồi, với lại –
tại sao lại đi phủ nhận rằng có một ai đó và người ấy thương yêu mình! Bạn là “đứa
con hoang đàng, thất lạc”- hãy trở về với vòng tay thương yêu vẫn mở này đi
- Nói như Pascal – có mất gì đâu – nếu vị cao cả đó có thực thì càng hay, mà
nếu không thực thì cũng chẳng lỗ lã mất mát gì! - Thế nên “tin tưởng” trong
trường hợp này là chắc ăn, có lợi hơn cả – một nhà toán học lừng danh, một nhà
tư tưởng thông minh đã nói thế - ai dám bảo “tính toán” của ông có chỗ sai!
Rằng ông đã tìm tín ngưỡng nhưng sai chỗ trong chốn đỏ đen của sòng bài hơn
thiệt!
Vị thần linh kể đó rất thương yêu bạn (bạn có chú ý đến sự nhấn mạnh quá
trơ trẽn này không?, trơ trẽn hơn cả trường hợp tương tự - một cô gái điếm đẹp
đẽ, thơm tho - từ trong hẻm tối nào đó, kín đáo đến bảo bạn “tôi yêu anh lắm” -
dù một giây trước, bạn không biết nàng là ai, giữa bạn và nàng tuyệt không có
gì chung, thế nhưng nàng nói yêu bạn lắm, thích bạn lắm - đến nỗi nàng sẵn sàng
“ngủ” với một người lạ như bạn, chỉ có điều là bạn phải tin - à không, trường hợp này, nàng nói:
“anh phải đưa tôi tiền”,
thế thôi!) - Vị “rất yêu thương con người” như “cha” yêu con đó – rất yêu
bạn, ở đây và bây giờ, (chẳng qua là bạn không biết đấy thôi, giờ bạn đã biết
chưa?); thương thực sự, đến nỗi hai nghìn năm trước đã đem đứa con trai
độc nhất của ông xuống trần gian này, (ở chỗ hơi hẻo lánh, xa lạ một chút,
nhưng có hề gì, và cũng đừng lạc đề hỏi những câu loại - một ai nếu ở ngoài
trần gian sao lại có thể có con trong trần gian này - trong hay ngoài? ngoài
hay trong?... ) – bằng chứng là đã để đứa con này đóng vai hy sinh, phải chịu
chết thảm, chịu đổ máu đau đớn, quằn quại trên giá gỗ chữ thập – tất cả máu me ghê gớm như thế chỉ để “chuộc tội” cho bạn
(bạn quýnh quáng, nên cũng không suy nghĩ – tại sao một vị cao cả, thương yêu
loài người như thế, nếu như
đã tạo ra thế giới này với loài người, có bạn trong đó – ngay từ đầu lại
không xoay sở, tính toán làm sao để ít nhất không đi đến màn kịch này – hay ít
nhất tổ tiên giống người đã không phải “vướng vào tội lỗi” như kể lại quá sớm
như thế, ngay từ lúc còn trong vườn nhà của chính ông! để cho hết sức rắc rối,
phiền toái về sau, mà ông đâu phải bất tài, kém sức gì cho cam – ông vẫn được
xưng tụng là toàn năng, toàn trí cơ mà! – Câu hỏi đó, có lẽ cũng như câu hỏi
của những người Việt chúng ta - “cái thằng bán tơ” đó gốc gác là ai - nội dung
sự “vu vạ” rắc rối đó là gì - khiến Kiều của chúng ta phải mười năm lưu lạc? –
tác giả kể dài dòng về cuộc đời nạn nhân, không thiếu chi tiết về những gì
quanh nạn nhân đáng thương này - nhưng không cho biết gì nhiều về nội dung điều
“rắc rối” do thằng bán tơ đã gây ra cho ông viên ngoại già họ Vương! – vốn thực
đó là đầu mối quan trọng của câu chuyện dài, mọi người ai đọc cũng đều rơi lệ,
đều thương cảm cô Kiều, và đều cuối cùng sau khi lau nước mắt, vài trống canh đã tàn – đã quên hỏi
lại cho rõ – về sự rắc rối của “thằng bán tơ” đó – nó là ai “xưng xuất” chuyện
gì – nghe xem có hữu lý không, hay chỉ “ấm ớ” như “ăn trái cấm”, hay
“nghe lời con rắn” nào đó – “trái cấm” gì đó – thằng bán tơ, xưng xuất, con rắn,
trái cấm, ... – thảy thảy đều thiếu chi tiết cụ thể rõ ràng ? chỉ biết “ba
trăm lạng” là xong, chỉ biết
thành “nguyên tội”, …), những biến cố này xem là vĩ đại, cao cả, hay kinh
hoàng, dã man khủng khiếp – tùy quan điểm – nhưng tất cả đều có tác động lớn
lao không thể phủ nhận như thế, nhưng với những bắt đầu đó của hai vở kịch,
thảm kịch của một con người, bi kịch một của cả loài người - xem dường rất mập
mờ, đầu mối không rõ ràng minh bạch cho lắm (phải chăng chúng ta phài gọi đây
là trường hợp đặc biệt “con chuột đẻ ra trái núi”? – ngược lại với lối người ta vẫn nói thường) -
Nhưng, trở lại câu chuyện thương yêu của vị-trên-cao kia, bạn và khách lạ đang
bàn luận - và những tình tiết sau đó kể lại - nào chết người, nào đổ máu, nào
thống khổ quằn quại – tất cả thu vào hai chữ hy sinh, để “cứu rỗi” cuộc đời bạn
(và tất cả những ai quanh bạn!, trước và sau bạn!)
Và nếu bạn nghe theo
những lời thuận tai mát dạ này (quít làm nhưng cam chịu tội thay - và vị trên cao kia chấp
nhận! thế là xong chuyện - công lý? chuyện bàn cãi của đám người ngoài, nhưng
với ba kẻ liên hệ xem dường êm đẹp xong xuôi) – như Nietzsche nói ở trên – tôi
chỉ lập lại “từ điểm này” trở đi – mọi sự xảy ra “một cách tệ hại ghê gớm”.
Cuối cùng – sau những
giảng giải tinh vi như thế, trong những trường hợp tự nhiên hay những hoàn cảnh
được chọn lựa dàn xếp rất khôn khéo (bạn đơn giản chỉ theo chân cha mẹ, hay bạn
còn là đứa trẻ chưa biết suy nghĩ, hay trưởng thành nhưng xảy đến những biến cố
của cuộc đời, đưa bạn đến nhìn được mặt của khổ đau, thấy thất bại, chịu tai
nạn, hay bệnh tật, nghĩa là trong những mê trận của sự yếu lòng, ý chí suy sụp,
- tinh thần yếu đuối, đổ vỡ, đời sống đột nhiên thành chông chênh, thôi không
vững vàng như trước, ... Đã từng ít nhất đôi lần vô tình mở ngăn kéo đầu giường
khách sạn, hay bên giường bệnh viện, bạn đã gặp một quyển sách - in giấy đẹp
chữ dễ đọc, bìa thường bằng da cầm mát tay ấy - mời đọc. Nó lặng lẽ nằm phục kích sẵn ở đó từ lâu, kiên nhẫn chờ những
khách trên đường cô lữ, những bệnh nhân lẻ loi không người thân thăm viếng...)
khách ấy có thể là bạn, bệnh nhân ấy có thể là bạn.
Những giảng giải tinh vi
trong những hoàn cảnh được chọn lựa -
thường có hiệu quả - trường hợp đó bạn quay sang tin chính mình chịu ơn - mang
nợ (có tội) thật – và bạn cũng tin rằng nợ ấy quả không thể trả được (di
truyền nguyên thủy – tội tổ
tông) vì nó lớn quá – rồi bạn đi đến tin rằng có ai đó trên cao kia – và kẻ
đó thương yêu bạn lắm lắm (dại gì mà không tin là có người thương mình) – nếu
muốn tin thương yêu kia lớn lắm, sẽ phải tin món nợ này lớn lắm – đến không thể
trả được – và rồi ơn cứu nợ - cứu chuộc lớn lắm. Có một đòn tâm lý “nham hiểm”
ở đây – nếu bạn muốn được thương yêu nhiều, bạn cũng phải chịu
nhận là nợ này to lớn lắm! – Nợ càng lớn, thương yêu càng nhiều! (Dĩ
nhiên, với lại, gán cho món nợ phải không thể trả được; vì nếu trả được– nếu tự
mình, ai ai cũng có thể bằng cách này hay cách khác – có thể đi đến trả sạch,
dù cứ cho là có chuyện tội lỗi, – thì còn đâu lý do cho tôn giáo đó sinh sôi
nảy nở). Và cả hai – nợ và thương yêu, điều này càng lớn, điều kia càng nhiều –
và ân huệ cứu rỗi – hay ơn trả nợ thay – vĩ đại đến vô cùng! (Lại về chuyện
Kiều của chúng ta – Kiều đã “cậy” Vân trả món nợ
tình – và một lần đó nàng đã
bảo em “ngồi lên cho chị lạy” –
còn bạn, nếu một ai đó thay bạn trả nợ
đời cho bạn – hẳn nhiên là
bạn phải lạy vị đó suốt đời, ít nhất là hàng tuần dành lấy một ngày!)
Như thế, bạn đột nhiên bị
đẩy vào một ngõ đời cụt, không lối thoát – chỉ có một sợi dây thòng xuống trước
mắt từ miệng giếng thăm thẳm trên cao kia – chỉ có một cái phao bé tí, nhưng
xem ra vững chắc giữa biển sóng mênh mông này - chỉ có một “tin tưởng” độc nhất hữu hiệu để nhận lấy, tin theo – tôn
thờ làm “đức tin” – để thoát được cuộc đời hiểm nghèo này, sang một đời sau
vĩnh cửu – Và đặc biệt – cho dù là thế, nhưng lại thêm, và phải không được
quên, không được nghi ngờ (đến đây, đa số những người như bạn đã mất bình tĩnh,
nghĩa là bớt sáng suốt lắm rồi!) - Bạn không thể tự cứu được bạn,
bạn vội vàng tin theo dù một cách hạ
mình như thế (người ta ca
ngợi là khiêm cung)- và
cũng không ai , nhưng
chỉ độc nhất một mình vị trên cao đó – mới cứu được bạn, tương tự như bạn được
giảng giải cho biết là mắc bệnh nan y, không ai chữa được, bạn cũng không đủ
sức đi cầu học, tìm thuốc, ... chẳng hạn để cứu chữa lấy chính mình – Không!
Bạn không thể như thế được! cái nọc tội lỗi đã chạy trong bạn rồi, không mở mắt ra
được, không thoát được sa đọa nó đem tới. Tuyệt đối không bao giờ có khả
năng! Nhưng chỉ Ông-lang đó mới cứu khỏi, không thuốc nào uống khỏi, nhưng
chỉ thuốc của Con ông-lang đó bốc mới hết bệnh. Toa thuốc đó rất đơn giản – lại
dễ uống – vẻn vẹn thu lại vào chỉ có hai chữ - bạn đoán được rồi - “tin
tưởng” – Đến đây bạn thành ra thông minh và lại có đức hạnh nữa - Vì dẫu tin
tưởng vào những gì vô hình, phản thực nghiệm, không chứng minh được, nhưng thế
mới gọi là đức hạnh, là “đức tin” – như triết gia nổi
tiếng Kierkegaard đã gọi tên là “bước nhảy của đức tin”, vì như thế
mới là thông minh đích thực, vì nói làm chi đến trí tuệ ở đây - trong chốn của
huyền bí màu nhiệm này, trí tuệ con người sao có thể có chỗ đứng được - chỉ có tin, không cần hiểu;
Phải nhắm mắt nhảy vào vực tối sâu đen ngòm đó – tin là không chết, nhưng
trái lại tin dưới đáy vực đó có sự sống vĩnh cửu là phần thưởng rất lớn – ai đó
cười nhạo là mù quáng, ngu xuẩn hay mê tín – thì đáng thương thay! họ sẽ không
có phần thưởng vẫn chờ người nhắm mắt nhảy, như Kierkegaard, ở dưới đáy vực. Và còn thêm - nếu không nhảy, không
mua thang thuốc này - thì không phải là xong đâu – không phải là đứng mãi trên
bờ này yên ổn đâu, nhưng sẽ bị đày hỏa ngục - ở đó sẽ bạn sẽ bị đốt cháy vĩnh
viễn, đến đây, kẻ đang nói chuyện thương yêu, chuyển giọng sang
chuyện trừng phạt, hành hạ tra tấn một cách tự nhiên, còn tự nhiên hơn
giọng điệu thương yêu!
Tin lành, Phúc âm toàn những ý cao
đẹp, thánh thiện, chứa chan lòng thương người cả - nhưng với kẻ không tin,
không theo, hay ngay cả theo mà không đúng cách chính thống; tuyệt không
phúc, chẳng lành, nhưng chỉ tội ngập đầu, họa hết
đời và trừng phạt
vĩnh viễn! Bạn
chỉ có ngần ấy vật chất, - các nhà bác học nói nếu phân tích thân thể hữu
cơ này của chúng ta, kết quả là thành nước gần hết tất cả mà thôi – nếu có tàn
ác đến đâu rồi nghĩ ra trò quái đản – loại như vừa đốt, lại vừa ngừng, lại đốt
tiếp, lại ngừng... lập đi lập lại, hành hạ người chết ở cõi âm - nếu có - lâu
đến mấy thì lâu, cho là đến hàng trăm nghìn triệu triệu năm, nhưng
vẫn cũng không thể nào gọi là “vĩnh viễn” được! Thôi cứ
hiểu là ý nghĩa tượng trưng, hình ảnh tưởng tượng. Như một thi sĩ của chúng ta
– khi viết về nàng chinh phụ chia tay với chồng trước khi phải ra trận – đã “bước
đi một bước giây giây lại dừng” – nhưng cuối cùng vẫn phải chia tay! Kéo
dài thời gian bên nhau , đi rồi ngừng, đi rồi ngừng - Trí tưởng tượng của nhà
thơ chúng ta sáng đẹp biết bao; Nhưng hãy nghĩ đến người nói đi nhắc lại về
hình phạt đốt người trong vĩnh viễn đó, đốt rồi ngưng, đốt
tiếp rồi ngừng,…trong tưởng tượng của kẻ đó chỉ có sự tàn ác - sự tàn ác là có
thực ở trong tưởng tượng đen tối của kẻ đó – chắc chắn không ở những con quỉ -
nếu có - thi hành lệnh đốt người đã chết chốn hỏa ngục với lửa sáng tưởng tượng
không chắc có thực!
Cuối cùng – như một người
tự mình đưa cổ cho cha con hai
kẻ lạ tròng gông vào – rồi
cuối cùng đâm vào cảnh phải quì lạy, cầu xin và tôn thờ chính cha con hai kẻ đó
– vì người cha làm gông, con nắm chìa khóa hứa hẹn cởi gông cho bất kỳ ai, dẫu
làm gì ghê gớm đến đâu cũng không mấy quan trọng – chỉ miễn là phải hết lòng
tin cha con ông! Lòng tin đây như một thứ tiền bạc cực kỳ giá trị, hết sức màu
nhiệm, nó làm ra cả phép lạ! - dĩ nhiên là phải khác với thứ tiền cô gái mĩ
miều kể trên kia - đã đòi bạn! (và sau đó, một tổ chức thần kỳ ép buộc hay lừa
lọc, chuyên sống bằng nghề đi bán gông cho
thiên hạ, vốn chỉ vỏn vẹn có một quyển sách cũ, được ủy quyền thay mặt “trên
cao kia”, nhưng vơ vét tiền bạc, uy quyền dưới trần thế này - lời rất
nhiều! người ta vẫn thường tấm tắc khen những kẻ bán hàng tài giỏi - bán tủ
lạnh cho cả dân sống ở vùng Bắc cực - nhưng bỏ quên những người bán gông này - Họ mới thật là những kẻ bán hàng siêu
việt! – Nhưng thực ra không phải chỉ có tài miệng lưỡi, nhưng vì có sức mạng
của bạo lực xử dụng trong cách quyết liệt, tàn ác nhất, hãy nhìn
lịch sử dù chỉ vội vàng - những chiến tranh khốc liệt với núi xương sông máu –
thành đổ, nước mất khắp nơi; nhưng thê thảm là có những những dân tộc tuy còn,
nhưng dân chúng là những hồn ma phách quế vì văn hóa định tính
đã bị những người bán gông này xóa tuyệt dấu khỏi mặt đất) – không-ai khác cứu
được, vì không ai có được chìa khóa, - gông trên cổ đã đóng trên con người
thành hết sức tinh xảo, do chính hai kẻ tài ba đứng trước mặt đã tuyệt vời làm ra!
Chính đề: Bị đánh ngã bằng một vũ khí tinh thần (khái niệm tội lỗi)
Phản đề: Nạn nhân được chính kẻ đánh ngã đó nâng dậy (khái niệm thương yêu/cứu rỗi)
Hợp đề: Dựng lên một thần linh mới - nhưng giết chết ngay + cho sự cứu chuộc.
Đó là mô hình “con nợ/chủ
nợ” - hay mô hình “chủ nhân và nô lệ” tinh thần, hay mô hình “Gót
cứu thế và con người tội lỗi” ở phương Tây, của Nietzsche. Mô hình
siêu việt này – cuối cùng đã đem lại cho tín đồ thêm một thần linh mới: Một
thần linh nào đó, đã cũ nên có nhiều tính chất tương tự như những thần linh đã
xuất hiện trước đó, nhưng thương yêu con người (Cha) – Vị này yêu thương con
người (con nợ, có tội, nạn nhân) hơn cả chính con trai ruột thịt của
mình (tâm lý con người thời bắt đầu có từ thời định cư canh nông) – và đi đến
một màn kịch bi thảm - chuyển động lòng người - dưới mắt con người - một thần
linh mới (Con) đã phải chết, phải đem giết, lấy máu để chứng minh cho con người
thấy lòng “thương yêu” đó. Để chết và máu của một con người nhưng không
là tầm thường, nhưng linh thiêng cao quí, vô giá, đến cứu chuộc được loài
người, với tất cả tội lỗi từ muôn xưa cho đến nghìn sau – người chết đó – người
thanh niên mới ba mươi tuổi đó cũng phải là một thần linh – nên sau đó
được đặt lên bàn thờ, cạnh “Gót-cha” - là Gót
cứu thế - “Gót-con”, dù người ta vẫn nói
trước sau chỉ có “một-Gót” (bàn thờ đó ngày càng đông, ngày nay thực tế xem ra
đã có thêm vị Gót-mẹ -
loài người đã vượt thời nông nghiệp, sang thời kĩ nghệ, địa vị phụ nữ được tái
lập, người mẹ trở lại trên bàn thờ nhân loại).
Thương yêu và Cứu rỗi
xoay quanh Máu và Chết,
và đã tượng trưng là một giá gỗ chữ thập (đẫm máu –vì nếu giá gỗ đóng đinh tội
nhân đó vẫn gọi là thánh giá! – thì chỉ vì có nhuốm máu thần linh); vốn là công cụ tàn
độc nhất của đế quốc Lamã đã từng sáng chế, để giết người, đe dọa người. (Một
lần trong lịch sử Lamã, Spartacus cùng sáu nghìn gladiator nô lệ đã bị đóng đinh trên giá gỗ chữ
thập đẫm máu như thế - suốt dọc hai bên đường từ Rome đến Capua, sau khi cuộc
nổi loạn của họ thất bại).
Ở chương trước – tôi đã
dẫn một đoạn văn của Nietzsche – cho thấy thái độ của ông với đạo Kitô, vốn là
một chủ đề chính yếu trong tư tưởng của ông – Có thể nói toàn bộ triết lý của
ông chủ yếu là phê bình về đạo đức – và toàn bộ phê bình đạo đức của ông xoay
quanh tôn giáo – và tôn giáo ông nhìn thấy, hiểu biết tường tận nhất, là đạo
Kitô của chính ông, đọc lại những giòng ông viết, sẽ thấy những gì tôi diễn
dịch trên kia – chỉ là khai triển theo ý ông:
“Khi nghe chuông nhà thờ
cổ vang rền một sáng chủ nhật, chúng ta tự hỏi: Có thật thế được không! Chuyện một người Dothái, bị đóng đinh trên
giá chữ thập hai ngàn năm trước, người nói mình là con của Gót? Bằng chứng cho một tuyên xưng
như thế thì khiếm khuyết. Chắc chắn đạo Kitô là một cổ sự đã phóng chiếu vào
tận thời đại chúng ta từ thuở lịch sử còn xa thẳm mù mờ; và sự kiện là tuyên
xưng này được tin theo – trong khi người ta về mặt khác lại rất khắt khe khi
xét định những kỳ vọng tự phụ khoe khoang – thì có lẽ là cái mảnh cổ xưa nhất
của di sản này. Một vị gót sinh con với một người đàn bà trần gian; một người
khôn ngoan kêu gọi người ta thôi đừng làm việc nữa, đừng kiếm dành thu thập gì
thêm nữa, nhưng hãy tìm những dấu hiệu của sự tận cùng của thế giới sắp xảy đến
trước mắt; một công lý chấp nhận kẻ vô tội như một hy sinh thay thế; một ai đó
là người ra lệnh cho học trò của mình hãy uống máu mình; hãy cầu nguyện cho
những can thiệp huyền diệu của phép lạ; có tội lỗi đã gây ra chống lại một gót,
đã được chuộc tội bằng một vị gót; sợ hãi về một bên kia đằng sau ngưỡng cửa
của cái chết; hình dạng của giá gỗ chữ thập như biểu tượng trong một thời đại
không còn biết vốn nó đã dùng làm gì và sự đê tiện đáng kinh tởm khinh bỉ của
thập giá. – ma quái thứ ma cà rồng hút máu ghê tởm biết chừng nào tất cả những
điều này chạm vào chúng ta, như thể đã từ một cổ mộ từ quá khứ thái cổ nguyên
sinh! Có thể nào tin rằng những điều loại như thế vẫn còn được người ta tin
tưởng?”(Nietzsche, Human, all
too Human).
[17]
Plato, “fixed ideas”, những “ý tưởng bất động” – hay còn gọi là “thể
dạng,” chúng hiện hữu toàn hảo và bất biến trong vĩnh cửu. Theo Nietzsche như
thế chúng cũng chết cứng, bất động, không còn sự sống, và không phản ảnh được
sự sống vốn luôn luôn chuyển dịch – đi đến tận cùng khái niệm Gót cũng là một
lý tưởng, khái niệm khô cứng đã chết.