Friday, August 31, 2012

Venedig - Friedrich Nietzsche



Venice
Friedrich Nietzsche






bên cầu tôi đứng
mới đây trong đêm  nâu.
vẳng từ xa, tiếng hát;
như giọt vàng loang sóng
tỏa trên mặt rúng động.
Gondola, ánh sáng, và âm nhạc -
bềnh bồng bơi vào choạng vạng, say ...

hồn tôi, một cây đàn dây,
cất tiếng hát, vô hình vừa chạm,
một khúc gondola bí ẩn,
run rẩy màu hạnh phúc lung linh.
- Có ai nghe nó không? 

Friedrich Nietzsche (1844-1900).
Lê Dọn Bàn tạm dịch (Aug/2012)

[ Nguyên văn - Venedig
An der Brücke stand
Jüngst ich in brauner Nacht.
Fernher kam Gesang:
Goldener Tropfen quoll's
Über die zitternde Fläche weg.
Gondeln, Lichter, Musik -
Trunken schwamm's in die Dämmrung hinaus ...

Meine Seele, ein Saitenspiel,
Sang sich, unsichtbar berührt,
Heimlich ein Gondellied dazu,
Zitternd vor bunter Seligkeit.
- Hörte jemand ihr zu? ...]


1.
Nietzsche viết bài này vào tháng Nov/1889 – nhưng lần cuối ông đến Venice là Sep/1887; nếu trên cầu Rialto, như bao nhiêu du khách khác; ông hẳn đã nghe những người chèo thuyền gondola ở Venice, thuở ấy đối đáp nhau, còn hát lời thơ Torquato Tasso, thi hào Ý thế kỷ 16.

Venice – điểm đến của những thi văn sĩ thế kỷ vừa qua; lần đầu tiên đến Venice – Nietzsche đã yêu ngay thành phố này - trong Ecce Homo, có bài thơ trên, ông nói thêm: “Khi tôi tìm một từ khác chỉ âm nhạc, tôi chỉ thấy từ Venice. Tôi không biết làm sao phân biệt được nước mắt và âm nhạc - ...”.

Tôi dịch theo bản tiếng Anh của Walter Kaufmann trong hợp tuyển Basic Writings of Nietzsche (New York: The Modern Library, 2000), p. 708.


2.
Venice, thành phố đang chìm dần, năm sau đến lại tìm vệt nước cũ năm trước trên tường loang lổ, nay mấp mé đã dưới làn sóng, như nói riêng với người biết nghe rằng - thế giới này đang đi xuống và đang tàn tạ - chỉ còn tiếng hát trên mênh mông, tháp cao trên công trường rộng, đôi lúc nhìn thấy tất cả như chìm dưới màu xanh của trời nước Địa trung hải - chỉ còn cái đẹp như tiếng hát rong của những người chèo gondolas khuây khỏa những giây phút mong manh trên hành trình của chúng ta đi qua trần gian này. Trời vẫn choạng vạng, đêm nay như từ đêm đó, Nietzsche đã lên tiếng:

Meine Seele, ein Saitenspiel – có lẽ ai trong chúng ta cũng thế - Hồn tôi, một cây đàn dây – và cũng có lúc - cất tiếng hát, như có một bàn tay vô hình chạm đến.

Tôi cũng thế, tôi tự hát cho mình nghe  [1]– và run rẩy, nhưng khác Nietzsche, chỉ những lúc thật buồn, nên thấy màu lung linh dù không hạnh phúc.

Nhưng cả hai, tôi và ông, và đứa con trai mùa hè gửi về những tấm ảnh chụp ở đây, (mỗi tấm ảnh kể một câu chuyện, con biết? – tôi nhận được thổn thức của một thanh niên mới vào đời trước đất trời Venice), và cả bạn nữa, chúng ta ai không từng thổn thức trước cái đẹp, hay cái buồn (cũng là một thứ Đẹp) nên cũng có khi hỏi:

 - Hörte jemand ihr zu?


3.
Tiếng hát cất trên sông nước lúc chiều đang xuống hiếm khi là một tiếng hát vui, bóng đêm trên sóng càng thêm chập chờn mênh mông và vô định hơn; chỉ có cái đẹp nhưng đang vỡ như những giọt vàng sáng long lanh tan trên nước, loang tỏa đến gần người đứng trên cầu. Con người là một sinh vật run rẩy và cô quạnh, hồn nó là những dây tơ bén nhạy, lúc ấy tự bật tiếng thổn thức:

Có ai nghe không?

Ánh sáng choạng vạng, sự suy tàn, đi xuống là những ẩn dụ quen thuộc Nietzsche thường nói về thời hiện đại. Nhưng ở đây – Venice  là âm nhạc, và âm nhạc là nước mắt; phải chăng điều này nói với chúng ta:

Cuộc đời  = xúc cảm = nước mắt =  âm nhạc = Venice =  nghệ thuật = cái Đẹp

Sông nước là hình ảnh cuộc đời, chúng ta là kẻ trên bờ, bên cầu, hay trong đò đang nhìn, vượt, ngẫm nghĩ về cuộc sống - Thái độ của Nietzsche là “Amor fati” – Nietzsche bảo chính mình và khuyên chúng ta -Yêu lấy định mệnh – nên đêm ở Venice, ông vui nhưng không buồn, và niềm vui đó lung linh đẹp muôn màu, lặng lẽ hân hoan đến trào cảm nước mắt. Nhưng ai trong chúng ta có thể phân biệt được giọt nào là nước mắt vui, và giọt nào là những lệ buồn? chúng đều long lanh dưới ánh sáng trần gian; cả hạnh phúc lẫn đau thương đều chiếu những vẻ đẹp muôn màu trên cuộc sống - tan vỡ và đau thương có thể không là ngọc sáng, nhưng cũng là những viên đá long lanh kết lại từ cuộc sống – và có lẽ còn rực rỡ đông đảo hơn vì nếu nhìn đời như một định mệnh lớn, nó đã là một chuỗi dài những biến cố đau thương. Như một lần nào đó chợt lạc vào một thung lũng đầy hoa – có ai còn tưởng đến đếm riêng những hoa nào dại, để chừa ra không ngắm, nhưng trước mắt chúng ta chỉ còn màu và sắc, không còn hoa, chỉ còn cái đẹp, những cây hoa dù độc, những cánh hoa dù dại hay không, đều tự xóa, để cái đẹp vượt lên tất cả, đau thương hay hạnh phúc là những gì đã thấm hết vào lòng đất  - tan trong nhựa cây, đơm cành trổ lá, kết nụ - và trước chúng ta – bừng hoa khoe sắc.

Đêm hôm đó, đứng trên cầu như kẻ lữ hành nhìn trần gian mênh mông bất định trước mặt và bao quanh, tất cả người lẫn cảnh đang chìm vào đêm ở thành phố dần lặng lẽ trên hành trình một ngày sẽ tự biến mất khỏi mặt nước đó; Nietzsche cất tiếng với chính mình – hãy yêu cuộc đời – yêu lấy định mệnh, vui với cái đẹp quanh ta – chúng ta chỉ có sự sống này là thực, dù thế nào; và nếu muốn đi tìm cứu chuộc, chỉ có cái Đẹp mới thực sự cứu rỗi được cuộc đời.

Amor fati – tiếng kêu đó không thương đau nhưng hào hùng làm sao! Con người đó muốn nói với chúng ta - yêu lấy định mệnh, chấp nhận những tất yếu của cuộc đời mình. Định mệnh không phải là những gì đã an bài từ trước, tất yếu không phải là những gì đã dàn xếp sẵn từ cao vời, không có-gì trước cho đến lúc xảy ra; nhưng chỉ có những gì luôn xảy-ra, đương trở thành, chúng ta không thể biết tường tận, dù cận kề định mệnh, giáp mặt tất yếu; nhưng qua kinh nghiệm biết rằng chúng bao giờ cũng chứa những đối nghịch mâu thuẫn, trong đó có những điều thuận, và những điều nghịch với chúng ta (nhưng lại là điều thuận với kẻ khác!). Thái độ của chúng ta là đón nhận tất cả, dù thế nào.  Amor fati là thái độ khẳng định cuộc đời - ôm lấy nó như nó-là – sống sự sống luôn luôn trở-thành, trôi chảy miên viễn như Heraclitus đã nhìn - không phải như một-gì phải là, nên là, vì không có “phải”, không có “nên”, không có giới răn nào, lệnh truyền từ đâu rằng cuộc đời này phải thế-này, hay người đời phải thế-khác, cuộc sống phải thế nọ - không thể vặn bẻ, gò ép nó vào thành một-gì không còn là nó, nhằm thuận hợp với những gì nằm ngoài nó. Đời sống nếu có một cứu cánh thì không gì khác ngoài chính nó; Và sự sống là một, không thể tách biệt não thức, với cảm xúc buồn vui ra ngoài thân xác; vui đến từ tác động vào chúng ta, buồn cũng đến từ cùng một cách; sao có thể chỉ muốn vui, nhưng tránh buồn. Chúng đều là những tiếng đàn ngân vang từ cây đàn chúng ta - Có chăng là đừng sống nữa, đừng cảm xúc nữa. Có chăng hãy chỉ là khối thịt nặng nề chờ thối rữa, nhưng thôi không là cây đàn muôn điệu tinh tế! - Đừng quay lưng, đừng nói Không với cuộc đời này! Chúng ta, những con người sống bằng cảm xúc, với đam mê, đầy bản năng, nhận lẫn đau, đón cả buồn, giữ chặt những hạnh phúc, và còn liều lĩnh chạy theo cả dục vọng nữa, bất chấp thiệt thân nhưng cốt sao đừng hại đến người; - nếu đã sống, tránh sao được tất cả những điều ấy?

gondola, ánh sáng, và âm nhạc -
bềnh bồng bơi vào choạng vạng, say ...

Cái Đẹp làm chúng ta vui, làm say chúng ta, tất cả những chất liệu trào cảm từ cuộc đời làm nên âm nhạc, thơ ca, nghệ thuật - còn Hy vọng? không - hãy dành nó cho những kẻ sống vô cảm, những kẻ bị lừa dối nên hy vọng một ảo tưởng, về một sự sống hứa hẹn – sự sống thuộc loại chỉ vui nhưng không buồn, chỉ sung sướng nhưng không bao giờ đau đớn - có chăng?  – Nếu mong vui sẽ cũng phải nhận buồn, và vui nào không dứt, vì nếu có thế đâu còn là vui, và một niềm vui dù kết thúc ngắn ngủi vẫn không vì thế đã không là niềm vui lúc đương vui, cũng như nỗi buồn, vẫn buồn dù ngắn đến đâu.

Thế nên hãy đón lấy trần gian này dù thế nào, và hãy để trào nước mắt trước cái đẹp, thấy trong cả đau thương lẫn vui sướng, đâu đó chúng bắt nguồn từ những bản năng tự nhiên, hãy trộn tất cả, thăng hoa chúng thành nghệ thuật, như Freud sau này nói, hay như Nietzsche thú nhận ở đây: “không biết làm sao phân biệt được nước mắt và âm nhạc”  – hãy sống, hãy cảm - Hãy ngửa mặt đón nhận mỗi giờ và từng ngày - dù mưa xám lạnh, hay bão trắng tuyết, hay trời xanh bất tuyệt, như tôi đang có, trưa nay. Hãy  làm một nghệ sĩ giữa trần gian:

hồn tôi, một cây đàn dây,
cất tiếng hát, vô hình vừa chạm,

Trần gian này bao giờ cũng thoáng qua với mỗi chúng ta – sao khác được – có chăng là đừng trở lại, đừng tìm chính sự sống này nữa, nhưng đó là chuyện phức tạp khác, và khó khăn hơn nhiều. Thế nên, bên những kẻ từ chối, nói Không với cuộc đời này, họ cần rất nhiều tin tưởng thêm cho hy vọng của họ về một đời sống khác - hãy vét sạch hy vọng như thế của cuộc đời này cho họ, hãy dành tất cả điều cuối cùng Pandora giữ lại trong hộp kín đó, đem tặng cho và an ủi những kẻ sống câu thúc chỉ toan tính với lý trí theo Apollo, nhưng không đam mê sống với thực tại này như chúng ta, những hậu thân say đời của Dionysus.

- Có ai nghe không?

Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất 
(Aug/2012)