Buổi Chạng vạng của những Tượng thần
Để công bằng, điều phải được thừa nhận, tuy nhiên, rằng ở nền đứng trên đó đạo Kitô đã lớn dậy, khái niệm của sự “nâng cao đam mê lên tầng tinh thần” đã không bao giờ có thể hình thành được. Chung cuộc, hội nhà thờ đầu tiên, như vẫn được biết rõ, đã chiến đấu chống lại sự “thông minh”, để nghiêng ủng hộ sang sự “nghèo khó về tinh thần”. Làm sao người ta có thể mong đợi được từ nó một chiến tranh thông minh chống lại đam mê. Hội Nhà thờ chiến đấu chống lại đam mê với sự cắt bỏ trong mọi ý hướng: thực hành của nó, “chữa trị” của nó, là chủ nghĩa thiến-hoạn. Nó không bao giờ hỏi: “Làm thế nào người ta có thể nâng cao lên tầng mức tinh thần , làm đẹp, thần thánh hóa một thèm muốn?” Lúc nào, nó cũng luôn luôn dặt sự nhấn mạnh của kỷ luật của nó trên sự trừ khử, cắt bỏ làm tuyệt giống, (của nhục cảm, của tự hào, của dục vọng với quyền lực, của sự tham lam, của sự trả thù). Nhưng tấn công vào những gốc rễ của những đam mê có nghĩa là tấn công vào những gốc rễ của đời sống: sự thực hành của Hội nhà thờ là thù địch với đời sống.
Friedrich Nietzsche
(Twilight of the Idols)
Götzen-Dämmerung, oder, Wie man mit dem Hammer
philosophirt (1888)
ĐẠO ĐỨC NHƯ SỰ PHẢN-TỰ NHIÊN
1
Tất cả
những đam mê có một giai đoạn khi chúng chỉ đơn thuần là tai họa, khi chúng kéo
nạn nhân của chúng xuống với sức nặng của ngu xuẩn – và một giai đoạn sau, rất
muộn hơn về sau, khi chúng kết hôn với tinh thần, khi chúng “nâng cao lên tầng
tinh thần ” chính chúng. Trước đây, nhìn trong quan điểm về yếu tố của sự ngu
xuẩn trong đam mê, chiến tranh với một mình bản thân đam mê đã được tuyên xướng,
mưu đồ nhằm phá hủy nó đã được dàn dựng, tất cả những quái vật đạo đức già cũ đã
đồng ý về điều này: phải giết sạch đam mê [1].
Công thức nổi tiếng nhất để làm điều này chứa đựng trong Tân Ước,
trong Bài giảng trên núi, ở đấy, nhân đây, mọi sự việc đã tuyệt không được
nhìn từ một lập trường cao siêu. Trong đó, lấy thí dụ, đặc biệt nhắc về tình dục,
có nói: “Nếu mắt ngươi xúc phạm ngươi, móc nó ra” [2].
May mắn thay, không người Kitô nào hành động theo giới luật này. Tiêu diệt những
đam mê và thèm khát, chỉ đơn thuần như một biện pháp phòng ngừa chống lại sự điên
rồ của chúng và những hậu quả khó chịu đáng ghét của chúng – ngày nay điều này
tự nó xem ra với chúng ta đơn thuần chỉ một hình thức kịch liệt gay gắt khác của
sự điên rồ. Chúng ta thôi không ngưỡng phục những nha sĩ, là người “nhổ” răng
ra, để chúng sẽ không làm đau nữa.
Để công bằng, điều phải được thừa nhận, tuy nhiên, rằng ở nền đứng trên đó đạo Kitô đã lớn dậy, khái niệm của sự “nâng cao đam mê lên tầng tinh thần” đã không bao giờ có thể hình thành được. Chung cuộc, hội nhà thờ đầu tiên, như vẫn được biết rõ, đã chiến đấu chống lại sự “thông minh”, để nghiêng ủng hộ sang sự “nghèo khó về tinh thần”. Làm sao người ta có thể mong đợi được từ nó một chiến tranh thông minh chống lại đam mê. Hội Nhà thờ chiến đấu chống lại đam mê với sự cắt bỏ trong mọi ý hướng: thực hành của nó, “chữa trị” của nó, là chủ nghĩa thiến-hoạn. Nó không bao giờ hỏi: “Làm thế nào người ta có thể nâng cao lên tầng mức tinh thần , làm đẹp, thần thánh hóa một thèm muốn?” Lúc nào, nó cũng luôn luôn dặt sự nhấn mạnh của kỷ luật của nó trên sự trừ khử, cắt bỏ làm tuyệt giống, (của nhục cảm, của tự hào, của dục vọng với quyền lực, của sự tham lam, của sự trả thù). Nhưng tấn công vào những gốc rễ của những đam mê có nghĩa là tấn công vào những gốc rễ của đời sống: sự thực hành của Hội nhà thờ là thù địch với đời sống.
2
Cùng
những phương tiện trong cuộc chiến chống lại một thèm muốn – sự thiến hoạn, sự
tuyệt diệt – được lựa chọn một cách bản năng bởi những ai là người ý chí quá yếu,
quá thoái hóa, để có khả năng áp đặt sự tiết chế trên chính bản thân họ, bởi những
ai là người quá có tư chất như thế khiến họ đòi hỏi (những chốn như tu viện ) La
Trappe [3], đó là nói một cách bóng bẩy, hay (không nói một cách
bóng bầy) một vài loại tuyên bố dứt khoát về sự thù địch, một khe nứt giữa bản
thân họ và đam mê. Những phương tiện triệt để là không thể thiếu đối với kẻ
thoái hóa, kẻ yếu kém ý chí, – hay nói cho rạch ròi hơn, sự bất lực không thể
không đáp ứng với một kích thích – là bản thân nó chỉ đơn thuần là một hình
thức khác của sự thoái hóa. Sự thù địch triệt để, sự thù địch sống chết chống lại
nhục dục, thì luôn luôn là một triệu chứng để suy ngẫm: nó cho ta có quyền đặt
những giả định liên quan đến trạng thái toàn bộ của một ai là người quá mức
trong cách xử sự này.
Sự
thù địch này, hận thù này, nhân đây, đạt cực điểm của nó chỉ khi những loại như
vậy thiếu ngay cả sự cứng cỏi với sự chữa trị triệt để này, với sự từ bỏ với “ma
quỉ” này của họ. Người ta nên khảo sát toàn bộ lịch sử của những thày chăn chiên
và những triết gia, luôn cả những nghệ sĩ: những lời độc hại nhất được nói lên
chống lại những giác quan, không đến từ những người bất lực, cũng không từ những
thày chăn chiên khổ hạnh, nhưng từ những người không thể sống khổ hạnh, bởi những
người thực sự cần phải sống theo lối khổ hạnh.
3
Sự
nâng nhục cảm cao lên tầng mức tinh thần được gọi là tình yêu: nó tiêu
biểu cho một chiến thắng vĩ đại chống lại đạo Kitô. Một chiến thắng khác là sự
nâng cao lên tầng mức tinh thần thái độ thù địch của chúng ta [4].
Nó gồm một sự cảm nhận sâu sắc về giá trị của việc có kẻ thù: nói vắn tắt, nó có
nghĩa là hành động và suy nghĩ theo cách ngược lại với gì vốn đã là quy tắc. Hội
Nhà thờ luôn luôn đã muốn hủy diệt những kẻ thù của nó, chúng ta, chúng ta những
kẻ phi luân và phản-kitô, tìm thấy lợi thế của chúng ta trong việc
này, rằng hội nhà thờ tồn tại. Trong lĩnh vực chính trị cũng thế, sự thù địch
ngày nay đã trở nên tinh thần hơn nhiều – có ý thức nhạy cảm hơn nhiều, thâm trầm
ngẫm nghĩ hơn nhiều, thận trọng chu đáo hơn nhiều. Hầu như mỗi bên đều hiểu điều
rằng đó là trong lợi ích của sự tự cạnh tranh sinh tồn cho riêng mình mà như thế
nào khiến phe đối lập không nên mất hết tất cả sức mạnh; điều này cũng đúng với
những quyền lực chính trị. Một sáng tạo mới, đặc biệt – là Reich mới [5],
lấy thí dụ – cần nhiều thù địch hơn là bạn bè: chỉ duy nhất trong sự đối lập nó
thực cảm thấy chính nó là cần thiết, chỉ độc nhất trong sự đối lập nó thực
trở thành cần thiết.
Thái
độ của chúng ta với “kẻ thù bên trong” thì không có gì khác: ở đây cũng thế, chúng
ta đã nâng sự thù địch cao lên tầng tinh thần; ở đây cũng thế, chúng ta phải đi
đến cảm nhận giá trị của nó. Giá của sự thành công khi đơm hoa kết trái là tư
thái giàu có của sự đối lập ở bên trong con người, người ta giữ được sự trẻ
trung, chỉ chừng nào hồn người không chính nó nằm buông xoãi ra và khát khao sự
êm ả phẳng lặng. Không gì đã trở thành xa lạ hơn với chúng ta là cái điều-ước-ao-khao-khát
của thời trước đây, cái “an bình của linh hồn,” cái điều-ước-ao-khao-khát trong
đạo Kitô [6],
không có gì mà chúng ta thèm muốn ghen tị ít hơn là thứ đạo đức kiểu con bò, và
hạnh phúc phì béo mỡ màng của lương tâm tốt lành ngoan ngoãn. Người ta đã từ bỏ
đời sống lớn lao một khi người ta từ bỏ tranh đấu mâu thuẫn. [7]
Trong
nhiều trường hợp, để chắc chắn, sự “bình an của linh hồn” là chỉ đơn thuần là một
sự hiểu lầm – một gì nào đó khác, vốn chỉ thiếu một tên gọi chân thực hơn. Với
không thêm nói năng nhiều hoặc thành kiến, một vài thí dụ. “Bình an của linh hồn”
có thể, hãy kể một, là sự phóng xạ dịu dàng của một thú tính phong phú vào lĩnh
vực đạo đức (hay tôn giáo). Hoặc sự bắt đầu của sự mệt mỏi, bóng tối đầu tiên của
đêm về, của bất kỳ loại đêm tối nào. Hoặc một dấu hiệu cho thấy không khí thì ẩm
ướt, cho thấy gió nồm đang đến gần. Hoặc sự biết ơn không được nhìn nhận với một
sự tiêu hóa tốt (đôi khi được gọi là “tình yêu với con người”) [8] .
Hoặc đạt đến sự bình tĩnh bởi một người dưỡng bệnh hồi sức, người cảm thấy một
thích thú mới trong tất cả mọi sự-vật-việc và những chờ đợi. Hoặc trạng thái
theo đến sau một sự hài lòng toàn diện của sự đam mê chi phối của chúng ta, sự
sảng khoái hạnh phúc của một sự tràn đầy hiếm gặp. Hoặc sự yếu đuối do sự già lão
của ý chí của chúng ta, của thèm thuốc của chúng ta, của tật xấu của chúng ta.
Hoặc sự lười biếng, bị thuyết phục bởi kiêu căng hợm hĩnh để đem cho chính nó
những dáng vẻ đạo đức. Hay sự xuất hiện của sự chắc chắn, ngay cả một sự chắc
chắn đáng sợ, sau lâu dài căng thẳng và bị tra tấn bởi sự không chắc chắn. Hoặc
sự biểu hiện của sự trưởng thành và làm chủ thành thạo giữa lúc của hoạt động,
sáng tạo, làm việc, và có ý dục, – bình tĩnh hô hấp, thở ra thở vào đạt đến được
sự “tự do của ý dục”. Buổi Chạng vạng của những Tượng thần – ai
biết đâu chừng? Có lẽ cũng chỉ là một loại “an bình của linh hồn”.
4.
Tôi
thu giảm một nguyên lý vào một công thức. Mỗi chủ nghĩa tự nhiên trong luân lý,
đạo đức – đó là mỗi luân lý lành mạnh – thì bị chi phối bởi một bản
năng của đời sống; một số điều răn của đời sống thì được làm tròn bởi một kinh điển
xác định của những “phải làm” và “chớ làm”; một vài ức chế và yếu tố thù địch
trên con đường của đời sống thì như thế bị loại bỏ. Đạo đức phản-tự nhiên
– đó là, hầu hết những đạo đức vốn cho đến nay từng đã được dạy, được tôn
kính, và được rao giảng, quay đầu ngược lại, chống lại bản năng của sự sống:
bây giờ bí mật, bây giờ bốp chát nói toạc, và trơ tráo mặt dạn mày dày, vô liêm
sỉ; nó là sự lên án đối với những bản năng này. Khi nó nói, “Gót nhìn vào
tấm lòng”, nó nói Không cả với như những khát vọng thấp nhất và những mong muốn
cao nhất của đời sống, và thừa nhận đặt Gót ở vị trí là kẻ thù của đời sống.
Vị thánh, người mà Gót vui thích, là con người lý tưởng bị-cắt-dương-vật-tuyệt-giống.
Đời sống đi đến chỗ chấm dứt, là chỗ mà “vương quốc của Gót” bắt
đầu.
Một
khi người ta đã thấu hiểu sự phẫn nộ của một cuộc nổi dậy giống vậy chống lại đời
sống khi đã trở thành gần như bất khả xâm phạm trong đạo đức Kitô, người ta cũng,
may mắn thay, thấu hiểu được một gì đó khác: sự phù phiếm vô vọng, sự bề ngoài,
sự phi lý, và sự điêu ngoa xuyên tạc của một cuộc nổi dậy giống như vậy. Một sự
lên án đời sống bằng kẻ sống còn lại ở tận cùng là đơn thuần chỉ một triệu chứng
của một loại nhất định của đời sống: câu hỏi – liệu nó có chính đáng hay không
chính đáng – thậm chí không phải nêu lên từ đó. Người ta sẽ đòi hỏi một vị trí đứng
bên ngoài đời sống, và nhưng cũng phải biết nó cũng rành rẽ như một người,
như nhiều người, như tất cả những người đã sống nó, ngõ hầu để được phép thậm
chí chạm vào vấn đề giá trị của đời sống: những lý do đủ để hiểu rằng vấn
đề này thì đối với chúng ta là một vấn đề không thể đến gần để đặt vấn đề được.
Khi chúng ta nói về những giá trị, chúng ta nói với cảm hứng, với cách thức của
sự nhìn vào những sự vật, đó là phần của đời sống: chính đời sống tự nó buộc chúng
ta thừa nhận những giá trị, đời sống chính tự nó mang giá trị thông qua chúng
ta khi chúng ta đặt định thừa nhận giá trị. Từ điều này nó dẫn đến sau đó thậm
chí rằng đạo đức phản-tự nhiên vốn nó hình thành trong nó Gót như là phản-khái
niệm và sự lên án đời sống, thì chỉ là một sự phán xét giá trị về đời sống – nhưng
của đời sống nào? của loại nào của sự sống? Tôi đã đưa ra rồi câu trả lời: của đời
sống xuống dốc tàn tạ, bị yếu dần đi, mệt mỏi, bị kết án tử hình. Đạo đức, như
nó cho đến nay đã được hiểu – như nó đã cuối cùng được Schopenhauer dựng thành
công thức một lần nữa, là “sự phủ định của ý chí với đời sống” – là chính bản
năng của sự suy đồi, nó làm một mệnh lệnh của chính nó. Nó nói: “hãy diệt
vong đi!”. Nó là một lên án được kẻ bị kết án tuyên bố.
6
Cuối
cùng, chúng ta hãy cùng xem xét, nó là cả thảy hoàn toàn ngây thơ đến như thế nào,
để nói: “Con người phải nên là như vầy và như vầy”. Thực tại cho chúng
ta thấy một sự giàu có đến mê hoặc của những thứ loại, sự phong phú dư dật của
một vở kịch xa hoa lộng lẫy và sự thay đổi của những dạng thức – và một vài kẻ đi
rong lười nhác đê tiện khốn nạn của một thứ đạo đức cho ý kiến: “Không! Người
thì phải là khác”. Ông ta thậm chí lại còn biết con người nên giống như những gì,
con người mù quáng khốn khổ và phường kẻ cắp lên mặt đạo đức này: ông ta vẽ chính
mình lên tường và bình phẩm: “Ecce homo” [9]
Nhưng ngay cả khi nhà luân lý thuyết giảng chính mình chỉ với một con người đơn
độc và nói với anh ta rằng, “Bạn phải là như vậy và như vậy!” ông ta không ngừng
chuyện làm chính mình lố bịch vô lý. Một con người đơn độc là một mảnh của định
mệnh [10] đến
từ tương lai phía trước và đến từ quá khứ phía sau, một luật nữa, một thiết yếu
nữa cho tất cả những điều đó mà vẫn chưa đến và chưa là. Để nói với anh ta, “Thay
đổi chính anh đi!” Là đòi hỏi rằng tất cả mọi thứ phải bị thay đổi, thậm chí còn
hiệu lực ngược về quá khứ. Và quả thực đã từng có những nhà đạo đức kiên định một
lòng một dạ, là những người muốn con người là khác biệt, có nghĩa là, đạo hạnh –
họ muốn anh ta làm lại mình theo như hình ảnh riêng chính họ, như một phường kẻ
cắp lên mặt đạo đức: để đi đến cứu cánh đó, họ đã phủ nhận thế gian! Không
là điên rồ nhỏ mọn đâu! Không phải là khiêm tốn nhất của thứ khiếm nhã vô liêm
sỉ trâng tráo đâu!
Đạo
đức, đến chừng mức như nó lên án vì lợi ích riêng của nó, và không phải nhìn
theo chiều hướng của những quan tâm, những cân nhắc, và những trù tính xếp
đặt của đời sống, là một sai lầm đặc biệt mà người ta không nên không có thương
hại – một cách biểu hiện riêng của những thoái hóa vốn nó đã gây ra tác
hại khôn lường.
Chúng
ta, những người khác, chúng ta những kẻ phi luân, ngược lại, dành chỗ trong trái
tim của chúng ta cho tất cả mọi loại của sự hiểu biết, sự lĩnh hội thấu đáo, và
sự tán thành chấp thuận. Chúng ta không dễ dàng phủ nhận, chúng ta làm nó
thành một điểm của danh dự để là những người khẳng định. Nhiều hơn và
nhiều hơn nữa, mắt của chúng ta đã mở ra rằng sự quản lý khéo léo tài nguyên vốn
cần và biết làm thế nào để sử dụng tất cả mọi thứ mà sự sùng đạo linh thiêng điên
rồ của nhà chăn chiên, của lý trí bệnh hoạn trong nhà chăn chiên ném bỏ –
rằng sự quản lý khéo léo tài nguyên trong luật của đời sống vốn tìm thấy một lợi
thế ngay cả trong những loài kinh tởm của bọn kẻ cắp, đám chăn chiên, kẻ đạo hạnh.
Những lợi thế gì? Nhưng tự chúng ta, chúng ta những kẻ phi luân, là câu
trả lời.
BỐN SAI LẦM LỚN LAO
1
Sai lầm khi lẫn lộn nguyên nhân với hậu quả. Không có sai lầm nào nguy
hiểm hơn là khi lầm lẫn lấy hậu quả làm nguyên nhân: tôi gọi nó là dạng thức mục
nát nội tại của lý trí.
Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Apr/2013)
[1] il faut tuer les passions
[2] Matthew 18:9 – Lời Jesus: “Nếu con mắt ngươi làm
cho ngươi sa vào tội lỗi, thì hãy móc mà ném cho xa ngươi đi; vì thà ngươi một
mắt mà vào nơi hằng sống, còn hơn là đủ hai mắt mà bị quăng vào lửa địa ngục” –
trước đó, ông cũng nói: “Nếu tay hay là chơn ngươi làm cho ngươi sa vào tội
lỗi, hãy chặt và ném nó cho xa ngươi đi; vì thà ngươi què chơn hay là cụt tay
mà vào nơi hằng sống, còn hơn là đủ cả hai tay hay là hai chơn mà bị quăng vào
lửa đời đời.”
Đây là thứ “đạo đức”, trong
bản chất là cùng một loại với thứ “đạo đức” chặt tay đứa ăn cắp chợ, hay gọt
đầu bôi vôi, thả bè kẻ “gian dâm” (thực chỉ là những người không cưỡng được
tiếng gọi của con tim hay tiếng kêu gào của thân xác, cả hai là một gì-đó, chỉ
lệch một độ của sự thăng hoa), vẫn thực hành cho đến gần đây, hay ngay cả ngày
nay ở vài nơi trên thế giới. Dĩ nhiên ngày nay, hội Nhà thờ phải giảng những
lời chân thực mộc mạc trên là cách nói bóng bẩy, phức tạp – nhưng bóng bẩy cách
nào cũng là “cắt, nhổ, diệt”; phức tạp cách nào cũng vẫn không thể gột sạch ý
tưởng thô bạo và nội dung ngu xuẩn, thiển cận. Nghĩa là “một hình thức kịch
liệt gay gắt khác của sự điên rồ”.
Đó cũng là chính là thứ
“đạo đức” đã sản sinh ra chế độc thực dân và nô lệ, đi xâm lăng đất nước và nô
lệ tinh thần những con người, dân tộc khác mình, trong những thế kỷ trước;
nhưng vẫn tự dối mình và lừa người là đi “reo rắc văn minh”, đi “rao giảng chân
lý”; thứ “đạo đức phản-tự nhiên”, thù địch với chính đời sống trần gian; ngoài
miệng là thương yêu, nhưng thẳng tay đốt sạch, giết sạch những ai không giống
mình. Nhưng vẫn cho là không giết “người”, chỉ giết “quỉ dữ” – và dĩ nhiên “quỉ
dữ” là những con người như mình, muốn gán cho ai thì gán tùy tiện, và chắc chắn
là tất cả những ai không tin cùng một Gót Abraham ác độc như của mình! Trong
lịch sử Việt nam đó là thứ đạo đức trâng tráo và hỗn hào đòi “rửa tội” cho
những anh hùng của chúng ta khi sắp lên máy chém ở Yên bái, và một vị trong họ
đã phải nhẫn nại cất công trả lời kẻ ngu xuẩn này: “Chúng tôi không phải là
những người có tội, chúng tôi chỉ là những người thất bại, chúng tôi chẳng có
gì phải ăn năn cả”.
[3] Tu viện La
Trappe hay La Grande Trappe (Normandy. Pháp), nơi có dòng tu khổ hạnh Cistercians, được biết có kỷ luật khổ
hạnh nghiêm nhặt (đặc biệt giữ im lặng). Tu viện này cho tên gọi phổ thông là
những thày tu ở Trappe (Trappists).
[4] Nguyên văn: “Die
Vergeistigung der Sinnlichkeit heisst Liebe: sie ist ein grosser Triumph über
das Christenthum. Ein andrer Triumph ist unsre Vergeistigung der Feindschaft” –
“The spiritualization of sensuality is called love: it is a great triumph over
Christianity” – Sự nâng cao nhục
cảm lên tầng tinh thần được gọi là tình
yêu, nó là một chiến thắng lớn lao chống lại đạo Kitô.
[5] Nước Đức – Đế
quốc Đức cũ có ba: Đế quốc Đức thứ nhất (Holy Roman Empire, 962–1806), Đế quốc Đức thứ nhì (1871–1918), và Đế
quốc Đức thứ ba, chế độ Nazi (1933 to 1945). Dĩ nhiên Nietzsche nói về Đế quốc
Đức thứ nhì.
[6] desideratum
[7] Nguyên văn “Man hat auf das grosse Leben
verzichtet, wenn man auf den Krieg verzichtet…” Câu này các tác giả Anh ngữ
thường dịch và có thể đọc vội vàng, không trọn nghĩa là “Con người đã từ bỏ đời
sống tuyệt vời một khi từ bỏ chiến tranh” (One has renounced grand life,
when one renounces war – Hollingdale, Kauffman): Không phải chiến tranh – nhưng những mâu
thuẫn của đời sống (đời sống nào không mâu thuẫn? nếu không là sự chết?) và
những tranh đấu của chúng ta để thắng vượt những mâu thuẫn đó, khiến đời
sống giàu có, đời sống thành lớn lao, cuộc sống có những thách thức đáng sống.
Tiếp ý Nietzche vừa
nói trong câu trước – khác với đời sống không mâu thuẫn, không tranh đấu – của
loài bò, để có “linh hồn bình an” của loài chiên Kitô (thiến hoạn – tiêu diệt
những bản năng, dục cảm) để vẫn cầu mong “bình an dưới thế cho người thiện
tâm!” Sự an bình của đời sống của là sự an bình đến từ chinh phục, thắng vượt,
không từ cầu xin, nếu có một sự an bình trong đời của kẻ sống hùng sống mạnh,
sống cao thượng; đương đầu với, và thăng hoa dục vọng chứ không “cắt bỏ”, tiêu
trừ; thuận hợp với hình ảnh lý tưởng của con người “người-trên-người” của ông.
[8] Tác giả mỉa mai những kẻ trong một tôn giáo đặt cứu
cánh đời sống ngoài trần gian này nên vẫn đề cao, kêu gọi “tình yêu với Gót” –
mà quên đi chuyện ăn ngon ngủ yên là “tình yêu với con người” – vì “ăn được ngủ
được là tiên, không ăn không ngủ mất tiền thêm lo”! Lời một bài đồng dao
lớp đồng ấu của tôi. Tại sao phải “yêu Gót” mới đi đến yêu con người – sao
không yêu thẳng những con người quanh chúng ta? Thế nên, trong những quanh co,
gián tiếp đó, chúng ta ngửi được mùi của chết chóc, thấy chập chờn được có gì
đó gian dối, mâu thuẫn, ẩn dấu trong sự tối ám.
[9] Ecce Homo là một thuật ngữ Latin, Pilate
chỉ vào Jesus, lúc ấy đã bị đánh đập có thương tích, đưa ra ban công cung điện
của Pilate, tổng trấn Lamã ở Jerusalem, và Pilate nói với đám đông Israel đang
chờ dưới sân: “Kìa, xem người này”, nhưng những người Israel đòi giết. [John
19:5 – “Vậy, Jêsus đi ra, đầu đội
mão triều gai, mình mặc áo điều; và Phi-lát nói cùng chúng rằng: Kìa, xem người
nầy!”]
[10] fatum