Sunday, April 28, 2013

Nietzsche – Buổi Chạng vạng của những Tượng thần (04)


Buổi Chạng vạng của những Tượng thần
Friedrich Nietzsche

(Twilight of the Idols)

Götzen-Dämmerungoder, Wie man mit dem Hammer philosophirt (1888)
(tiếptheo ... )




BỐN SAI LẦM LỚN LAO

1
Sai lầm khi lẫn lộn nguyên nhân với hậu quả. Không có sai lầm nào nguy hiểm hơn là khi lầm lẫn lấy hậu quả làm nguyên nhân: tôi gọi nó là dạng thức mục nát nội tại của lý trí. Tuy nhiên, sai lầm này thuộc về một trong những thói quen cổ xưa nhất và gần đây nhất của loài người: thậm chí giữa chúng ta nó còn là thiêng liêng, nó mang những tên “tôn giáo” hay “đạo đức” Mỗi mệnh đề mà tôn giáo và đạo đức phát biểu có hệ thống thành công thức đều có chứa nó, những thày chăn chiên và những nhà làm luật đạo đức là những tác giả của sự mục nát này của lý trí.

Tôi dẫn chứng một thí dụ. Mọi người đều biết quyển sách của Cornaro nổi tiếng [1], trong đó ông giới thiệu chế độ ăn uống đạm bạc của ông như là một qui cách cho một đời sống trường thọ và hạnh phúc – một đời sống đức hạnh nữa. Ít có quyển sách nào đã từng được đọc rộng rãi như vậy, thậm chí bây giờ có hàng nghìn bản in bán ở nước Anh mỗi năm. Tôi không nghi ngờ chút nào rằng hầu như không có bất kỳ một quyển sách nào khác (trừ quyển kinh Thánh, chỉ nó là một) đã gây quá nhiều tai hại đến như thế, đã rút ngắn quá nhiều đời sống đến thế, vì điều lạ lùng đáng tò mò này, vốn nó có ý đã tốt lành như thế. Lý do: nhầm lẫn hiệu quả với nguyên nhân. Vị danh nhân người Ý đã xem nguyên nhân đời sống lâu dài của ông trong lối ăn uống kiêng khem của ông, trong khi những điều kiện tiên quyết cho một đời sống lâu dài, một quá trình trao đổi dưỡng chất chậm khác thường, một sự tiêu thụ rất ít, đã là nguyên nhân của chế độ ăn uống đạm bạc của ông. Ông đã không có tự do để ăn nhiều hay ít như ý ông chọn lựa, tính thanh đạm của ông đã không phải là một hành động của “ý chí tự do”: ông đã bị bệnh khi ông ăn nhiều. Nhưng nếu như một ai không thuộc loại nhiều xương hơn thịt này, người ấy đã không chỉ đơn thuần là lành mạnh, nhưng nhất định là cần ăn uống cho đúng mực. Một học giả trong thời chúng ta, với mức tiêu thụ năng lượng thần kinh nhanh chóng, sẽ tự giết mình với chế độ ăn uống của Cornaro, hãy tin người có kinh nghiệm về vấn đề.  [2]  

2
Công thức tổng quát nhất trong cơ bản của mọi tôn giáo và đạo đức là: “Làm điều này và điều này, giữ đừng làm điều này và điều này, và sau đó anh sẽ được hạnh phúc! Nếu không thế thì ...”. Mỗi đạo đức, mỗi tôn giáo, là mệnh lệnh bắt buộc này, – tôi gọi nó là cái-tội-tổ-tông khổng lồ của lý trí, sự phi-lý-trí vĩnh cửu bất tử. Vào miệng tôi, công thức này bị đổi sang đảo ngược của nó – thí dụ đầu tiên của “đánh giá lại tất cả những giá trị” của tôi: một con người thể chất lành mạnh, một con người “hạnh phúc, phải thực hiện một số hành động nào đó và chần chừ theo bản năng lùi lại không làm những hoạt động khác, anh ta chuyên chở mệnh lệnh mà anh ta là đại diện tâm sinh lý của nó vào trong những quan hệ của anh với những người khác và với những sự vật khác. Trong một công thức: đức hạnh của anh ta là hậu quả của hạnh phúc của anh. Một đời sống trường thọ, con đàn cháu đống thì không phải là phần thưởng của đức hạnh: đức hạnh tự nó thì chỉ đúng là làm chậm đi quá trình trao đổi dưỡng chất, vốn nó cũng có, trong số những thứ khác, đời sống trường thọ, nhiều con cháu nối dõi, nói vắn tắt, là lý thuyết của Cornaro, như thành quả của nó.

Hội nhà thờ và đạo đức nói: “Một chủng tộc, một dân tộc, bị tàn lụi diệt vong vì trụy lạc và xa hoa”. Lý trí không sứt mẻ của tôi nói: khi một dân tộc bị tàn lụi diệt vong, khi nó thoái hóa sinh lý, đồi bại trụy lạc và đời sống xa hoa theo đến từ đó về sau (đó là nói rằng, sự cần thiết để mạnh hơn và mạnh hơn nữa, và được thường xuyên nhiều kích thích hơn, như mọi tư chất cạn kiệt đều biết điều đó). Một thanh niên mới lớn đã sớm bị nhợt nhạt và khô héo, bạn bè của anh nói rằng: là do bệnh này hay bệnh kia. Tôi nói: rằng anh ta trở nên đau ốm, rằng anh ta không chống lại được bệnh tật, đã là hậu quả rồi của một đời sống suy nhược hoặc kiệt sức do di truyền. Người đọc báo nói: đảng chính trị này sẽ tự phá sản nếu làm những sai lầm như thế này. Quan điểm cao hơn về chính trị của tôi nói: Một đảng chính trị mà làm những sai lầm như thế này thì đã chấm dứt xong xuôi rồi, – nó đã thôi không còn kiên cố trong những bản năng của nó. Mỗi sai lầm, dẫu thuộc bất kỳ loại nào, là hậu quả của sự thoái hóa của những bản năng, sự tan rã của ý chí: người ta gần như có thể định nghĩa những gì là xấu theo cách này. Tất cả những tốt lành là bản năng – và do đó hệ quả là dễ dàng, tất yếu, tự do. Nỗ lực là một sự bất bình: gót thì điển hình khác với anh hùng. (Trong ngôn ngữ của tôi: không nặng chân là thuộc tính đầu tiên của tính gót).

3
Sai lầm về một quan hệ nhân quả không thực. – Chúng ta đã luôn luôn tin tưởng chúng ta biết những gì là một nguyên nhân, nhưng từ đâu tri thức chúng ta đã rút ra được kiến thức này? hoặc chính xác hơn, tin tưởng của chúng ta rằng chúng ta đã có kiến ​​thức như vậy? Từ lĩnh vực của những “sự kiện nội tâm” nổi tiếng [3], không-nào trong số đó cho đến nay đã được chứng minh là căn cứ trên sự thực. Chúng ta tin rằng chính chúng ta là tác nhân nguyên nhân trong hành động theo ý định: chúng ta ít nhất đã nghĩ rằng ở chỗ này chúng ta đã bắt được quan hệ nhân quả trong hành động. Điều cũng tương tự như vậy, chúng ta cũng không một nghi ngờ rằng tất cả những tiền đề của một hành động, những nguyên nhân của nó, đã là được tìm trong hữu thức và sẽ có thể khám phá được ở đó một khi người ta tìm kiếm chúng – như những “động cơ”, bởi vì nếu như đã không thế, người ta đã không có “ý chí tự do” để tác hành nó, có trách nhiệm về nó. Cuối cùng, ai có thể bất đồng ý kiến rằng một ý nghĩ đã là nguyên nhân? rằng tự ngã đã gây ra những suy nghĩ?

Trong ba “sự kiện nội tâm” này qua đó xem dường như đảm bảo mối quan hệ nhân quả, đầu tiên và thuyết phục nhất đã là của ý chí như nguyên nhân. Khái niệm về một hữu thức (“não thức”) như là nguyên nhân, và sau đó, cũng vẫn khái niệm rằng tự ngã (“chủ thể”) là nguyên nhân, đều đơn thuần chỉ là những sản phẩm đến sau, sau khi quan hệ nhân quả đã, trên cơ sở của ý chí, đã được thiết lập vững chắc như sự kiện được có sẵn, như lý thuyết thực nghiệm.

Trong khi đó chúng ta đã suy nghĩ hay hơn. Ngày nay chúng ta không tin lấy được một chữ nào từ tất cả những điều này. “Thế giới nội tâm” thì đầy những bóng ma và những đốm sáng giả tạo: ý chí là một trong số chúng. Ý chí thì thôi không còn di chuyển bất cứ gì, đi đến hệ quả là thôi không giải thích được bất cứ điều gì – nó chỉ đơn thuần là đi kèm với những biến cố, nó cũng có thể vắng mặt. Cái được gọi là “động cơ”: một sai lầm khác. Chỉ đơn thuần là một hiện tượng bề mặt của hữu thức, một tùy tùng đi kèm với những hành động, vốn nó che dấu hơn là khai mở tình trạng có trước của hành động. Và về phần tự ngã! Nó trở thành một ngụ ngôn, một hư cấu, một trò chơi chữ nghĩa: nó thì hoàn toàn thôi không nghĩ, không cảm, và không ý chí.

Những gì theo đến sau điều này?  Hoàn toàn không có những nguyên nhân tinh thần gì hết tất cả! Toàn bộ của lý thuyết thực nghiệm được gán cho chúng để xác nhận chứng là đi đời nhà ma! Đó là những gì theo sau điều này! Và chúng ta đã làm một lạm dụng khéo léo với chủ nghĩa thực nghiệm đó, chúng ta đã sáng tạo ra thế giới trên cơ sở của nó như một thế giới của những nguyên nhân, như một thế giới của ý chí, như một thế giới của tinh thần. Tâm lý học cổ hủ nhất và lâu đời nhất  làm việc ở đây, – thực vậy nó đã không làm bất cứ gì khác: mọi việc xảy ra đã với nó được coi là một hành động, mỗi hành động là hiệu quả của một ý chí, thế giới với nó đã trở thành một bội số đa dạng của những tác nhân, một tác nhân (“chủ thể”) đã một mình lồng bản thân nó vào tất cả những gì đã xảy ra. Con người đã phóng chiếu ba “sự kiện nội tâm” của nó, đó là trong chúng hắn có tin tưởng chắc chắn nhất hơn tất cả mọi gì khác ở bên ngoài chính hắn: ý chí, tinh thần, tự ngã – hắn rút ra khái niệm “hữu thể” chỉ từ khái niệm “tự ngã”, hắn thừa nhận “những sự vật việc” như là những hữu thể sở hữu theo như hình ảnh của chính mình, phù hợp với ý tưởng của hắn về tự ngã như nguyên nhân. Không lấy làm ngạc nhiên, sau đó, hắn luôn luôn khám phá trong sự vật việc chỉ những điều mà hắn đã đặt vào trong chúng. Vật tự thân, để nói tới nó một lần nữa, khái niệm về sự-vật-việc thì đơn thuần là một phản ánh của lòng tin tưởng vào tự ngã như nguyên nhân. Và ngay cả những “atom” của các ngài, những nhà cơ học và những nhà vật lý – biết chừng nào sai lầm, biết chừng nào tâm lý học thô thiển vẫn còn lại trong “nguyên tử” của quí vị! Đó là chưa nhắc gì về “vật tự thân” [4], cái phần xấu xí đáng ngượng đầy thẹn thùng [5] của những nhà siêu siêu hình học! Sự sai lầm của tinh thần như nguyên nhân nhận lầm cho thực tại! Và đã làm thước đo thực tại! Và đã gọi là Gót!

4
Sai lầm về những nguyên nhân tưởng tượng. – Bắt đầu với những giấc mơ: Trở ngược về trước [6], sau một sự kiện, dưới một xúc động cá biệt (thí dụ, xúc động mạnh sau một tiếng súng canon bắn ngoài xa), một nguyên nhân đã lẻn vào – thường thường cả toàn bộ một tiểu thuyết nhỏ được tạo dựng, trong đó kẻ nằm mơ xuất hiện như nhân vật chính, là người trải nghiệm kích thích. Trong khi đó xúc động âm vang dài như một thứ cộng hưởng: nó đã chờ, như nó thực đã là, cho đến khi bản năng nhân quả cho phép nó bước vào tiền cảnh nổi bật – lúc này, thôi không là một gì xảy ra ngẫu nhiên, nhưng như một “biến cố có ý nghĩa”. Tiếng súng canon xuất hiện theo một cách thức nhân quả, trong một sự đảo ngược rõ ràng của thời gian. Những gì thực sự ở sau, động cơ thúc đẩy, thì được kinh nghiệm trước, – thường với hàng trăm chi tiết nó kéo qua giống như tia chớp – và tiếng nổ lớn theo sau. Điều gì đã xảy ra? Những mô tả giải thích đã được tạo ra bởi một trạng thái nào đó nhất định đã bị hiểu sai như những nguyên nhân của nó.

Trong thực tế, chúng ta làm cùng một điều như thế khi tỉnh táo. Hầu hết những tình cảm tổng quát của chúng ta – tất cả mọi loại của sự ức chế, áp lực, căng thẳng, và bùng nổ trong sự xa gần, chìm nổi tâm sinh lý của chúng ta, và đặc biệt trạng thái của nervus sympathicus [7] – kích động bản năng nhân quả của chúng ta: chúng ta muốn có một lý do cho tình cảm lối này hoặc cách kia – cho cảm nhận là tốt hay xấu. Chúng ta không bao giờ hài lòng nếu đơn thuần chỉ nói lên sự kiện rằng chúng ta cảm thấy cách này hay cách khác: chúng ta dung nạp sự kiện này – trở nên có ý thức về nó – chỉ khi chúng ta đã cung cấp được dăm ba loại động cơ. Ký ức, vốn quay ngoắt sang hành động trong những trường hợp như vậy mà chúng ta không hay biết, đem nổi lên mặt những trạng thái trước đó thuộc cùng loại, cùng với những giải thích nhân quả gắn kết với chúng – không phải những nguyên nhân thực của chúng. Tất nhiên, lòng tin tưởng rằng những mô tả giải thích hay những tiến trình ý thức đi kèm là những nguyên nhân, thì cũng được ký ức đưa ra. Như vậy bắt nguồn một chấp nhận theo thói quen về một giải thích nguyên nhân cá biệt cụ thể, trong thực tế, nó ngăn cấm bất kỳ thăm dò nào về nguyên nhân thực sự – ngay cả còn loại nó ra ngoài.

5
Giải thích tâm lý cho điều này. – Suy diễn được một gì đó xa lạ không biết từ một gì đó quen biết thân thuộc làm nghẹ nhõm, bớt căng thẳng, bình tĩnh, và thỏa mãn chúng ta, bên cạnh việc cho chúng ta một cảm giác về quyền lực [8]. Với cái không biết, người ta đối mặt với nguy hiểm, khó chịu, và lo âu. Thiên hướng bản năng đầu tiên là hủy bỏ những trạng thái khó chịu nhọc nhằn này. Nguyên tắc thứ nhất: có bất kỳ một giải thích nào thì vẫn hơn không có. Vì trong nền tảng, nó chỉ là mong muốn của chúng ta để thoát khỏi được sự không chắc bấp bênh khó chịu, chúng ta thì không quá đặc biệt chú trọng về việc loại bỏ chúng như thế nào: cách hiểu đầu tiên giải thích cái-không-biết như quen thuộc làm cảm thấy vui sướng khiến người ta “xem như nó là đúng”. Bằng chứng của thích thú (“của sức mạnh”) như tiêu chuẩn của sự thực.

Bản năng nhân quả thì như vậy tùy thuộc vào, và khởi động bởi cảm xúc sợ hãi. Lý do “tại sao?” nếu như tất cả có thể có, sẽ không đem cho nguyên nhân vì mục đích tìm nguyên nhân đúng nhiều bằng như cho một loại đặc biệt của nguyên nhân, – một nguyên nhân mà nó an ủi, tháo gỡ, và nhẹ nhõm. Rằng nó là một gì đó đã quen thuộc, đã kinh nghiệm, và đã ghi khắc trong ký ức, nó thì được thừa nhận như một nguyên nhân, đó là hệ quả đầu tiên của nhu cầu này. Rằng gì mà mới lạ và chưa từng kinh nghiệm trước đó, thì bị  loại trừ, không xem như một nguyên nhân. Thế nên, người ta tìm kiếm không chỉ với riêng một vài loại giải thích để phục vụ như một nguyên nhân, nhưng còn với một loại giải thích được lựa chọn và ưa thích đặc biệt – rằng nó có một cách nhanh chóng nhất và thường xuyên nhất để hủy bỏ cảm giác của cái lạ, mới, và chưa có kinh nghiệm cho đến nay: nhiều nhất thói quen giải thích. Hệ quả: một loại thừa nhận những nguyên nhân chiếm ưu thế nhiều hơn và nhiều hơn nữa, được tập trung vào một hệ thống và cuối cùng nổi lên như là có ưu thế vượt cao hơn cả, đó là, như chỉ đơn giản là bỏ ra những nguyên nhân và những giải thích khác. Người làm ngành ngân hàng ngay lập tức nghĩ đến “đầu tư kinh doanh”, người theo đạo Kitô đến “mắc tội với Gót”, và cô gái đến người mình yêu.

6
Toàn bộ lĩnh vực đạo đức và tôn giáo thuộc về khái niệm này của nguyên nhân tưởng tượng. – “Giải thích” cho những tình cảm khó chịu tổng quát. Chúng được gây ra từ những tồn tại không thân thiện với chúng ta (hồn ma: trường hợp nổi tiếng nhất – người mắc chứng động kinh cuồng loạn đã bị hiểu lầm như là những phù thủy). Chúng được gây ra từ những hành vi vốn bị xem không thể chấp nhận được (tình cảm về “mắc tội với Gót”, về “bị Gót bất bình, ghẻ lạnh” [9], thì luồn lọt vào bên dưới một khó chịu tâm sinh lý; người ta luôn luôn tìm thấy những lý do cho tâm trạng không hài lòng với chính mình). Chúng được gây ra như những trừng phạt, những món tiền vạ nộp cho một gì đó đáng lẽ chúng ta không nên làm, cho những gì chúng ta đã từng không nên là (Schopenhauer không e dè đã tổng quát hóa chúng vào thành một nguyên tắc, trong đó đạo đức xuất hiện như những gì nó thực sự là – như kẻ đầu độc và kẻ phỉ báng đích thực của đời sống: “Mỗi đau đớn lớn lao, cho dù về thể chất hoặc tinh thần, tuyên bố về những gì chúng ta đáng nhận chịu, vì nó không thể đến với chúng ta nếu chúng ta đã không xứng đáng với nó”Thế giới như Ý dục và Biểu tượng II, 666). Chúng đã được gây ra như những tác động của hành động thiếu cân nhắc khiến thành ra tệ xấu (Ở đây, những tác động, những giác quan, được thừa nhận là những nguyên nhân, như “phạm tội”, và những tai họa tâm sinh lý được giải thích với giúp đỡ của những tai họa khác như là “xứng đáng.”)

“Giải thích” cho những tình cảm khó chịu tổng quát. Chúng được gây ra từ sự tin tưởng vào Gót.  Chúng được gây ra từ ý thức về những hành vi tốt (cái được gọi là “lương tâm tốt” – một trạng thái tâm sinh lý vốn đôi khi xem rất giống khả năng ăn uống có tiêu hoá tốt, nên rất khó phân biệt được chúng). Chúng được gây ra từ sự kết thúc thành công của một vài việc làm khó khăn (một ảo tưởng ngây thơ: kết thúc thành công vài việc làm khó khăn không thể bất kỳ cách nào đem lại những tình cảm dễ chịu tổng quát cho một người bị chứng bồn chồn tự gán bệnh cho mình, hay một Pascal [10]). Chúng được sản xuất bởi “đức tin”, “bác ái” [11] và “hy vọng trong Ki tô” –  những  đức hạnh của đạo Kitô.

Trong sự thực, tất cả những giải thích giả định này là những trạng thái kết quả, và như chúng đã xảy ra, là những phiên dịch của và xúc cảm thích thú hoặc khó chịu vào trong một tiếng nói địa phương sai lầm: người ta thì trong một trạng thái của hy vọng xúc cảm tâm sinh lý cơ bản thì lần nữa lại mạnh mẽ và phong phú; người ta tín thác một lòng một dạ vào Gót xúc cảm từ lòng chân thành và mạnh mẽ đem cho một cảm giác nghỉ ngơi. Đạo đức và tôn giáo cả thảy đều cùng thuộc vào khoa tâm lý học của sai lầm: trong từng mỗi trường hợp, nguyên nhân và hậu quả là bị lẫn lộn; hoặc sự thật thì bị lẫn lộn với những tác dụng của sự tin tưởng rằng một điều gì đó là đúng; hoặc một trạng thái của ý thức thì bị lẫn lộn với những nguyên nhân của nó.

7
Sai lầm về ý chí tự do. – Ngày nay chúng ta thôi không còn có bất kỳ hoài của mủi lòng nào cho khái niệm “ý chí tự do” [12] : chúng ta biết quá rõ những gì nó chỉ thực sự là – cái điều hôi thối nhơ nhuốc nhất trong tất cả những mưu mẹo gian xảo được những nhà thần học sáng chế tài tình, cốt nhằm đến mục đích làm loài người phải chịu “trách nhiệm” trong ý hướng của họ, đó là, tùy thuộc vào họ. Ở đây, tôi chỉ đơn giản cung cấp phần tâm lý học về tất cả chuyện “làm nên trách nhiệm”.

Bất cứ chỗ nào những trách nhiệm được lùng kiếm, thường ở chỗ đó có bản năng muốn phán xét và trừng phạt đương làm việc. Cái đang-trở-thành [13] đã bị tước đi mất sự vô tội của nó khi bất kỳ tư cách đã-là-thế-này-đã-là-thế-kia nào đó thì bị truy ngược về với ý chí, với mục đích, với động tác của trách nhiệm: lý thuyết về ý chí đã được phát minh trong yếu tính cho mục đích trừng phạt, đó là vì người ta đã muốn qui tội buộc lỗi. Toàn bộ tâm lý học xưa cũ, tâm lý học về ý chí, đã bị điều kiện bởi sự kiện, rằng những kẻ khởi nguyên của nó, những nhà chăn chiên ở vai trò đứng đầu những cộng đồng cổ xưa, đã muốn tạo ra cho bản thân mình quyền để trừng phạt – hoặc muốn tạo ra quyền này cho Gót. Con người bị xem như được có “tự do” như thế để họ có thể bị phán xét và bị trừng phạt – như thế để họ có thể trở thành phạm tội: nhất nhất từng cử động phải được coi như là có ý chí, và nguồn gốc của từng hành vi phải được coi là nằm nội bên trong ý thức (và như thế điều giả mạo nền tảng nhất trong tâm lý học đã được làm thành nguyên tắc của tâm lý học chính nó).

Ngày nay, khi chúng ta đã nhập vào sự chuyển động ngược lại, và chúng ta những người phi luân đang cố gắng với tất cả sức mạnh của chúng ta, để một lần nữa, có những khái niệm về tội lỗi và khái niệm về trừng phạt ra khỏi thế giới, và để làm sạch tâm lý học, lịch sử, thiên nhiên, và những tổ chức xã hội và những phê chuẩn, thừa nhận trong số chúng, trong mắt nhìn của chúng ta không có sự phản đối nào gốc rễ hơn so với của những nhà thần học, những người tiếp tục với khái niệm về một “trật tự thế giới đạo đức” để làm nhiễm độc lây bệnh sự vô tội của sự đương-trở-thành bằng những phương tiện của “trừng phạt” và “tội lỗi.” Đạo Kitô là một siêu hình học của những kẻ chuyên nghề đi treo cổ thiên hạ [14].

8
Những gì duy nhất có thể là học thuyết của chúng ta? – Rằng không có ai đem cho con người những phẩm tính của nó – không phải Gót, không phải xã hội, không phải cha mẹ hay tổ tiên, cũng không phải tự thân chính hắn. [15] (– sự vô nghĩa của ý tưởng vừa nhắc cuối ở đây, đã được Kant giảng dạy như “sự tự do có thể nhận hiểu được”, và có lẽ Plato trước ông đã làm thế rồi.) Không ai thì có trách nhiệm cho sự hiện hữu của con người ở đó tất cả, hay cho sự hiện sinh đã cấu thành người ấy như thế-này hay-thế-kia, hay cho sự hiện sinh của hắn trong những tình huống này và trong môi trường này. Tính có sống tất chết [16] của yếu tính của hắn không thể tháo gỡ ra khỏi được từ tính có sống tất chết của tất cả những gì đã từng, đang là và sẽ hiện hữu. Con người không phải là hậu quả của một vài mục đích đặc biệt, của một ý chí, và một cứu cánh, hắn cũng không phải là đối tượng của một nỗ lực để đạt được một “lý tưởng của loài người”, hoặc một “lý tưởng về hạnh phúc”, hoặc là một “lý tưởng về đạo đức.” Đó là phi lý khi muốn chuyển giao bản chất của hắn sang cho một vài cứu cánh này hay khác. Chúng ta đã phát minh ra khái niệm “cứu cánh”; trong thực tại thì không có cứu cánh.

Một người là tất yếu, một người là một mảnh của định mệnh, một người thuộc về cái toàn bộ, một người là trong cái toàn bộ, – không có một-gì có thể phán đoán, đo lường, so sánh, hoặc kết án hữu thể con người chúng ta, bởi vì như thế sẽ có nghĩa là phán đoán, đo lường, so sánh, hoặc kết án tất cả cái tổng thể toàn bộ. Nhưng có không-gì hiện hữu ngoài toàn bộ. Rằng thôi không-ai bị cho phải chịu trách nhiệm nữa, rằng cách thức của hiện sinh không thể lần dấu vết ngược về đến một nguyên nhân đầu tiên [17], rằng thế giới không tạo hợp một thống nhất, không là guồng máy cảm giác [18] cũng không là “tinh thần” [19], – một mình điều này là sự giải phóng lớn lao tuyệt vời, – với duy điều này, sự trong trắng vô tội của hữu-thể-đương-thành được khôi phục ...  Khái niệm về “Gót” đã cho đến bây giờ đã là phản đối lớn nhất cho sự hiện sinh. Chúng ta phủ nhận Gót, khi phủ nhận Gót chúng ta phủ nhận trách nhiệm trong Gót: chỉ bằng cách làm như thế, đó chúng ta cứu chuộc thế giới.
 


NHỮNG “KẺ CẢI THIỆN” CỦA LOÀI NGƯỜI

1
Người ta hiểu đòi hỏi của tôi với những triết gia, rằng họ phải đặt chính họ vượt qua thiện và ác, và vùi bỏ ảo tưởng về phán đoán đạo đức xuống dưới bản thân mình. Đòi hỏi này theo đến sau một cái nhìn chính xác và sâu xa vốn tôi là người đầu tiên đã phát biểu thành công thức: rằng hoàn toàn tất cả không có những sự kiện đạo đức. Những phán đoán đạo đức thuận hợp với những phán đoán tôn giáo trong sự tin tưởng vào những thực tại vốn chúng không là những thực tại. Đạo đức là chỉ đơn thuần là một cách hiểu và thể hiện về một số những hiện tượng – cho chính xác hơn, một cách hiểu và thể hiện sai lầm. Phán đoán đạo đức, giống như của những tôn giáo, thuộc về một giai đoạn của sự thiếu hiểu biết mà trong đó, chính cái khái niệm về thực tại, và sự phân biệt giữa những gì là thực tại và tưởng tượng, thì vẫn còn thiếu, do đó “sự thật”, ở giai đoạn này, chỉ định tất cả những loại sự vật mà ngày nay chúng ta gọi là “tưởng tượng”. Phán đoán đạo đức do đó không bao giờ được đem hiểu theo nghĩa đen của từ ngữ: nếu hiểu như thế, chúng luôn luôn chứa đựng chỉ đơn thuần những điều vô lý. Về mặt dấu hiệu học [20], tuy nhiên, chúng vẫn là vô giá: chúng tiết lộ, ít nhất là cho những người biết nhận hiểu, những thực tại có giá trị nhất của những văn hóa và những băn khăn bên trong nội tâm vốn đã không có hiểu biết đầy đủ để “hiểu” chính mình. Đạo đức chỉ đơn thuần là ngôn ngữ-ký hiệu, chỉ đơn thuần là tập hợp của những triệu chứng: người ta phải biết chúng là tất cả về những gì rồi, để mới có khả năng được lợi lộc từ nó.

2
Một thí dụ đầu tiên, đơn thuần như một dẫn nhập. Trong tất cả mọi thời đại, người ta đã muốn “cải thiện” con người: trên tất cả, điều này đã được gọi là đạo đức. Tuy nhiên, dưới cùng một từ, đã ẩn giấu những khuynh hướng khác biệt nhất. Cả hai, sự thuần hóa của con thú người, và sự gầy giống của một loại con người đặc biệt cụ thể, đều đã được gọi là sự “cải thiện”. Những thuật ngữ trong động vật học như vậy đã cần thiết để diễn tả những thực tại – những thực tại, với kẻ “cải thiện” điển hình, nhà chăn chiên, là chắc chắn, không biết bất cứ gì, cũng chẳng muốn biết bất cứ gì thuộc về chúng.

Khi gọi sự thuần hóa của một con vật là sự “cải thiện” của nó, nghe hầu như một giễu cợt với tai chúng ta. Ai là người biết những gì xảy ra trong những chuồng súc vật thì nghi ngờ rằng những con thú đã  được “cải thiện” ở đó. Chúng bị yếu đi, chúng được làm cho kém nguy hại hơn, và qua tác động tuyệt vọng lâu dài của sợ hãi, qua đau đớn, qua thương tích, và qua đói khát, chúng đã trở thành những con thú ốm đau. Nó không có gì khác với con người đã thuần hóa mà nhà chăn chiên đã “cải thiện”. Buổi đầu thời Trung Cổ, khi hội Nhà thờ, trên tất cả, đã thực sự là một chuồng nuôi thú, giống đẹp nhất của “loài thú lông vàng” [21] đã bị săn lùng ở khắp mọi nơi, và giống dân Teutons [22] cao quý, lấy thí dụ, đã  được “cải thiện”. Nhưng một người Teuton “cải thiện” như vậy, người đã bị quyến rũ vào một tu viện, sau đó nhìn ra thế nào? Giống như một tranh hí họa vẽ một con người, giống như một kẻ dị dạng: hắn đã trở thành một “kẻ có tội với Gót”, hắn đã bị mắc kẹt trong chuồng, đã bị cầm tù giữa tất cả mọi loại của những khái niệm khủng khiếp. Và ở đó, anh ta nằm, đau ốm, khổ sở, đầy những ý xấu xa chống lại chính mình: đầy hận thù chống lại những sối nguồn của đời sống, đầy nghi ngờ chống lại tất cả những gì vẫn còn mạnh mẽ và hạnh phúc. Nói ngắn ngủi, hắn là một “người Kitô”.

Nói về mặt tâm sinh lý: trong sự vật lộn với loài thú vật, làm cho chúng bị bệnh có thể là phương tiện duy nhất để làm cho chúng yếu đuối. Hội Nhà thờ hiểu điều này: nó hủy hoại con người, nó làm suy yếu con người, – nhưng nó đã tuyên xưng là đã “cải thiện” hắn.

3
Chúng ta hãy cùng xem xét trường hợp khác của cái-gọi-là đạo đức, trường hợp gây giống, một chủng tộc và chủng loại đặc biệt cụ thể. Luân lý Ấnđộ cung cấp thí dụ quy mô lớn lao nhất cho sự việc này, luật lệ được qui định như tôn giáo trong hình thức của “luật của Manu”. Ở đây, công việc là gây giống không ít hơn bốn chủng loại cùng một lúc: một chủng loại tu sĩ, một chủng loại chiến sĩ, một chủng loại thương nhân và nông gia, và sau cùng một chủng loại tôi tớ, những người Sudras. Rõ ràng ở đây, chúng ta thôi không còn ở giữa những kẻ thuần hóa động vật: một chủng loại con người một trăm lần ôn hòa hơn và hợp lý hơn là điều kiện cho ngay cả khi mường tượng một kế hoạch như thế về sự gây giống. Người ta thở một hơi nhẹ nhõm khi rời khỏi bầu không khí bệnh tật và những ngục tối của đạo Kitô, để sang thế giới này lành mạnh hơn, cao cả hơn, và lớn rộng hơn. Khốn khổ tang thương đến chừng nào là Tân Ước khi so với Manu, nó xông mùi hôi thối biết chừng nào!

Thế nhưng ngay cả hệ thống này cũng đã thấy cần thiết để là ghê gớm khủng khiếp – lần này không trong gắng sức với những thú vật, nhưng đúng hơn với ngược lại của chính họ, loại người không được gây giống, loại người hỗn tạp, không thuộc loại nào, Những Chandala [23]. Và một lần nữa, không có phương cách nào để giữ cho anh ta thành không nguy hiểm, để làm cho anh ta yếu đuối, ngoài việc làm cho anh ta bị ốm đau – đó đã là cuộc chiến chống lại với “số đông”. Có lẽ không gì là phản lại tính nhạy cảm của chúng ta nhiều hơn là những biện pháp ngăn ngừa bảo vệ này của luân lý Ấnđộ. Chỉ dụ thứ ba, lấy thí dụ (Avadana-Sastra I), “về rau cỏ không tinh khiết”, qui định rằng thức ăn duy nhất những chandala được phép có sẽ là tỏi và hành, vì kinh sách thánh đã cấm không cho họ thức ăn hạt hoặc trái cây có bột ngũ cốc, hoặc có chất nước hoặc chất lửa. Cùng một chỉ dụ ra lệnh rằng nước họ cần để uống không có thể được lấy từ sông, hoặc giếng, cũng không từ ao, nhưng chỉ từ những của vào đầm lầy hay từ hố đất do dấu chân thú vật để lại. Họ cũng bị cấm không được giặt rũ và ngay cả tắm rửa, vì nước họ được nhường cho họ như từ một hành động ơn huệ, chỉ có thể được dùng để uống cho bớt khát. Cuối cùng, một lệnh cấm phụ nữ giai cấp Sudra không được đến giúp đỡ một phụ nữ chandala khi sinh nở, và một lệnh cấm những phụ nữ chandala này, thêm nữa, cũng không được giúp nhau trong tình cảnh này.

Sự thành công của những chính sách vệ sinh như vậy là không thể tránh khỏi: dịch bệnh giết người, bệnh tình dục khủng khiếp, và một lần nữa lại đến theo sau là “luật của con dao,” ra lệnh cắt da quy đầu trẻ em trai và loại âm thần trẻ em gái. Chính Manu đã nói: “Những chandalas là quả của ngoại tình, loạn luân, và tội phạm (– những điều này, như những hậu quả tất yếu của khái niệm gây giống). Về quần áo họ sẽ chỉ có giẻ rách lấy từ xác chết, về thức ăn, chỉ có những nồi mẻ, về trang sức, chỉ sắt rỉ, với thờ cúng, chỉ với những tinh ma. Họ sẽ phải sống lang thang vĩnh viễn nơi này sang nơi kia, không định cư yên. Họ bị cấm viết từ trái sang phải, cấm không được viết bằng tay phải: sử dụng tay phải và viết từ trái sang phải, chỉ được dành riêng cho những người đạo hạnh, cho những người thuộc chủng gầy giống”.

4
Những sắc lệnh này là đủ thông tin: ở đây chúng ta một lần lại gặp giống người Aryan, hoàn toàn thuần khiết, hoàn toàn nguyên thủy – chúng ta học biết rằng khái niệm về “thuần chủng” là đối nghịch của một khái niệm vô hại. Về mặt khác, nó trở nên rõ ràng, trong dân tộc nào sự thù hận, sự thù hận-Chandala với “giống dân” này đã bất tử thành vĩnh cửu, nơi đó nó trở thành tôn giáo, nơi đó nó đã trở thành thiên tài. Nhìn trong viễn cảnh này, những sách Tân Ước đại diện cho một tài liệu quan trọng hàng đầu, thậm chí nhiều hơn nữa, tập Sách của Enoch [24]. Đạo Kitô, đâm chồi từ gốc rễ Dothái và chỉ có thể hiểu được như là một sản phẩm lớn dậy từ mảnh đất này [25], đại diện cho phong trào phản động chống lại bất kỳ đạo đức nào của gây giống, của chủng tộc, của  đặc quyền: nó là tôn giáo phản-Aryan ở mức tuyệt hảo. Đạo Kitô – sự đánh giá lại tất cả những giá trị Aryan, chiến thắng của những giá trị chandala, phúc âm rao giảng cho kẻ  nghèo và thấp hèn, cuộc nổi dậy tập thể của tất cả những người bị chà đạp áp bức, lầm than khốn khổ, thất bại, không được ưu đãi, chống lại “chủng tộc”: sự hận thù không-chết chandala như tôn giáo của thương yêu.


5
Đạo đức của sự gây giống, và đạo đức của sự thuần hóa, trong những phương tiện mà chúng sử dụng, hoàn toàn xứng giá với nhau: chúng ta có thể tuyên bố nó như là nguyên tắc tối cao, rằng để làm đạo đức, người ta phải có ý chí vô điều kiện với cái đối lập của nó. Đây là vấn đề lớn, vấn đề kỳ lạ mà tôi đã theo đuổi lâu dài nhất: tâm lý học về những kẻ muốn “cải thiện” của loài người. Một sự kiện nhỏ, và nằm ở dưới đáy khiêm tốn, rằng cái gọi là nói dối thần thánh [26] – cung cấp cho tôi phương pháp tiếp cận đầu tiên với vấn đề này: sự nói dối thần thánh, của gia bảo gia truyền của tất cả những triết gia và những thày chăn chiên, những kẻ đã “cải thiện” loài người. Không có tôn sư nào, Manu cũng không, Plato cũng không, Khổng Tử cũng không, Dothái và Kitô cũng không, từng bao giờ ngờ vực cái quyền nói dối của họ. Họ cũng đã không nghi ngờ rằng họ có những quyền rất khác nhau nữa. Diễn tả trong một công thức, người ta có thể nói: tất cả những phương tiện mà người ta cho đến nay đã cố gắng để làm cho loài người đạo đức đã xuyên xuốt trước sau là vô đạo đức.
 


NHỮNG GÌ NGƯỜI ĐỨC THIẾU

1
Giữa những người Đức ngày nay, có tinh thần là điều không đủ: người ta cũng phải ngạo mạn chiếm lấy sự giả định rằng người ta là có tinh thần.

Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất 
(Apr/2013)





[1] Alvise "Luigi" Cornaro (1467–1566): nhà quí tộc thành Venice, tác giả nhiều quyển sách nổi tiếng về ăn kiêng khem (diet) để giữ sức khỏe, một bản tiếng Anh phổ thông có nhan đề “the Sure and Certain Method of Attaining a Long and Healthful Life”.
[2] Latin trong nguyên văn “Credo experto”: Tin người là kẻ có kinh nghiệm trong vấn đề, chỉ Nietzsche, ông có bệnh về tiêu hóa, và đã phải nghiêm nhặt ăn uống theo chế độ đặc biệt xuốt đời.
[3] Internal facts: Vấn đề trong lý thuyết về hiện tượng – khởi với Huserl, nhưng bắt nguồn từ Kant, có một nỗ lực đặt nền tảng cho kiến thức, bắt đầu bằng sự không thể ngờ vực được về kẻ-biết (tự ngã – the knower), và cố gắng mang những sự kiện bên trong nội tâm của kiến thức con người ra những sự kiện bên ngoài của thế giới hiện tượng.
Nietzsche phê bình ba khái niệm Kant đưa ra để định dạng cho mô thức của Kant về cấu trúc của nhận thức (‘cognitive architecture’):
(a) Não thức là một tập hợp phức tạp gồm những chức năng.
(b) Những chức năng chủ yếu cho hoạt động não thức, hoạt động tạo kiến thức là sự chế biến khái niệm thời-không-gian từ nguồn giác quan và áp dụng vào những nguồn cung cấp giác quan. Sự nhận thưc đòi hỏi những khái niệm và những qui luật (trực giác) tổng quát nhằm điều hành ý nghĩ và thái độ ứng xử. Ông nói “Những khái niệm mà không có trực giác thì trống rỗng, những trực giác mà không có khái niệm thì mù lòa – Concepts without intuitions are empty, intuitions without concepts are blind”.
(c) Những chức năng này là những thể dạng Kant gọi là sự “tổng hợp” (Synthesis). Tổng hợp: Tác động thống nhất hoặc kết hợp các lớp đại diện trong trực giác vào một ý thức hay một nhận thức. Nó là hành động kết hợp những trực giác và những khái niệm.
[4] Trong triết học của Kant, những nguyên nhân của nhận thức giác quan được gọi là “những vật tự thân”, và những vật tự thân này thì không thể nhận biết được. Còn những cảm giác chúng ta nhận đươc? Chúng là những kinh nghiệm thực được gây nên chủ quan từ những hoạt động của guồng máy não thức.
[5] Latin trong nguyên văn “horrendum pudendum”: horrendum: khùng khiếp + Pudendum: cơ quan sinh dục, đặc biệt của phái nữ, đáng xấu hổ ngượng ngùng, nên che đi! (Latin: pudere, to be ashamed).
[6] ex post facto
[7] nervus sympathicus: những thần kinh cảm giác. Nó là một phần của hệ thống thần kinh giao cảm. Một trong ba phần của hệ thống thần kinh tự trị, trách nhiệm của nó là quyết định phản ứng “đánh hay chạy” của chúng ta trước mọi tình huống.
[8] Nhiều bản dịch tiếng Anh đã dịch câu này khá tối nghĩa, tôi theo sát Kaufmann nên chắc cũng không sáng sủa gì hơn – vậy tìm về nguyên văn: “Etwas Unbekanntes auf etwas Bekanntes zurückführen, erleichtert, beruhigt, befriedigt, giebt ausserdem ein Gefühl von Macht.” – Tạm diễn ý là: Từ một gì đó không biết (nếu đưa về) đến một cái gì đó đã biết, (sẽ) đem lại nhẹ nhõm, bình tĩnh, hài lòng, và cũng cung cấp cho (người ta) một cảm giác của quyền lực. (Biết là một khả năng, là một năng “lực” tinh thần, nắm được hiểu biết, dù thực hay sai, vẫn đưa đến “quyền” xử dụng cái biết đó, với những ai không biết chẳng hạn – như thế đem đến ý thức “có sức mạnh”).
[9] Sin và sinfulness (nguyên văn “Sünde“,  Sündhaftigkeit”) không đơn giản là tội lỗi – nhưng trong văn hóa tôn giáo phương Tây, Nietzsche đang bàn ở đây có những nghĩa như tôi diễn dịch trên, thuận hợp với ý phê bình đạo đức tôn giáo của đoạn này.
[10] Blaise Pascal (1623 – 1662) triết gia, nhà toán học và nhà khoa học người Pháp, Năm 1647, ông bị bệnh tê liệt khiên ông gần như thành bất lực.  Sau những chữa chạy ở Paris, sưc khỏe ông có hồi phục chút ít, nhưng hệ thống thần kinh của ông đã bị hư hại vĩnh viễn, và ông thành một người bị chứng luôn luôn lo lắng mình bị bệnh tật, và hay đột ngột nổi giận dữ và thường trong tình trạng chán nản u sầu. Năm 1662, bệnh tình Pascal trở nên trầm trọng, và cuối cùng ông chết sau khi bị chứng co giật hành hạ,vào tháng 8/1662, lúc ấy Pascal chỉ mới 39 tuổi..
[11] Bác ái trong đạo Kitô (Latin: caritas), môt “đức hạnh” được thần học định nghĩa trước hết như lòng yêu thương trực tiếp tới Gót, nhưng sau đó cũng với chính mình và những người xung quanh vì tất cả đều là đối tượng của tình yêu của Gót. Đức hạnh này thể hiện cụ thể bằng những hành vi từ thiện.
[12] Free will: khái niệm đặc biệt – như Nietzsche phê bình ở trên – trong triết học do các nhà thần học đưa ra. Chủ yếu là biện hộ và chống trả cho câu hỏi nghịch lý nổi tiếng từ nghìn xưa của Epicurus.
[13] becomingthuật ngữ triết học - Xuất hiện trước hết từ các triết gia phái nguyên tử (atomism) Leucippus và Democritus.

Leucippus là một triết gia Hylạp, thời tiền-Socrates (khoảng 460-370 TCN), được coi là người phát minh thuyết nguyên tử trong triết học. Hầu hết các nguồn đều đồng ý Leucippus như người khởi đầu của lý thuyết cho rằng vũ trụ bao gồm hai yếu tố khác nhau, mà ông gọi là “đầy” hoặc “rắn chặt”, và “trống”  hoặc “rỗng không”. Cả hai - “trống” và các nguyên tử rắn bên trong nó được cho là vô hạn, và giữa chúng tạo thành các yếu tố của mọi thứ. Leucippus tin rằng vật chất được tạo thành từ các nguyên tử di chuyển trong chân không. Leucippus cũng tin cả hai đều đang-trở-thành và vô hạn về số lượng. Thuyết triết học atom của Leucippus đã được Democritus (460 -370 TCN), học trò của ông, tiếp nhận và phổ biến. Và Democritus thành người sáng lập của thuyết nguyên tử khoa học.
Các nhà theo thuyết atom cho rằng có hai loại cơ bản khác nhau của thực tại, và chúng đã tạo tác thành thế giới tự nhiên, là các nguyên tử và khoảng trống. Atoms, từ tính từ Hylạp atomos hoặc atomon, có nghĩa “không thể phân chia”, là vô hạn về số lượng và khác nhau về kích thước và hình dạng, và hoàn toàn vững chắc, không có khoảng trống bên trong. Chúng di chuyển đó đây trong một khoảng trống vô hạn, đẩy lùi nhau khi va chạm, hoặc kết hợp thành cụm bằng móc nhỏ và gai trên bề mặt của chúng, khiến chúng bị vướng. Ngoài sự thay đổi vị trí, chúng không thể thay đổi, không tạo lập gì và bền vững, không thể hủy hoại. Tất cả những thay đổi trong các đối tượng có thể nhìn thấy được của thế giới xuất hiện dưới mắt chúng ta  đều có nguyên nhân từ sự thay đổi chỗ đứng của các nguyên tử: Nói theo thuật ngữ  Aristotle, những nhà theo thuyết atom đã giảm thu tất cả các thay đổi chúng ta thấy trong thế giới hiện tượng về  thành thay đổi vị trí của những atom.
Democritus xem những thuộc tính của các nguyên tử trong sự kết hợp như đầy đủ để giải thích cho một số lượng lớn những khác biệt giữa các đối tượng trong thế giới xuất hiện với chúng ta. Aristotle trích dẫn một tương tự với các chữ cái trong bảng chữ cái, có thể sản xuất một số lượng lớn từ khác nhau từ sự kết hợp của chỉ một vài yếu tố, sự khác biệt đều bắt nguồn từ hình dạng (schêma) của các chữ cái, như A khác với N, theo vị trí xếp đặt của chúng (taxis), như AN khác với NA; và vị trí định hướng của chúng (thesis), như N khác Z.
Đến Aristotle, khái niệm becoming: chỉ bất kỳ chuyển đổi nào từ tầng mức thấp trong tiềm năng đi lên  tầng mức cao hơn của (hiện thể) trong thực tại (any change from the lower level of potentiality to the higher level of actuality).

Tôi mở rộng chú thích này vì không muốn chúng ta vội vàng rồi sai lầm gắn khái niệm becoming, tôi tạm dịch là đang-trở-thành, với bất cứ gì ngoài những nhà triết học nguyên tử Hylạp. Khái niệm này sẽ là khái niệm quan trọng trong triết học vô thần, như Nietzsche dùng trên đây. Vì lý thuyết của Leucippus làm khái niệm linh hồn thành một sự kiện vật chất và làm những thế giới khác như thiên đường và hỏa ngục là không thể có được. Với Leucippus các vị gót, thần linh, linh hồn và những thế giới khác thế giới này đều phải trở thành có thể cảm nhận được mới trở thành nhận thức được, nghĩa là phải thành những thực tại cụ thể. Khi đánh đổ các thần linh, Leucippus đặt con người vào những kích thước vững chắc của thực tại.
[14] Nguyên văn “Das Christenthum ist eine Metaphysik des Henkers
[15] Đây là ý tưởng mầm mống và khởi đầu của dòng lý thuyết hiện sinh vô thần (atheistic existentialism): emphasizes the existence of the individual person as a free and responsible agent determining their own development through acts of the will. Các triết gia Martin Heidegger, Jean-Paul Sartre, Albert Camus, và Simone de Beauvoir sẽ khai triển ở cuối thế kỷ XX. (một dòng thứ hai với Kierkegaard, Søren (Aabye) (1813–55), là dòng hiện sinh Kitô, vẫn giữ lòng tin nhắm mắt nhảy tới trước, cho là có một hiện hữu của Gót, bất chấp lý trí)
[16] tôi tạm dịch – the fatality – nếu theo tiếng Tàu là tính tử vong, nôm na là tính “có sống tất chết
Fatality – tiếng Anh, gốc Pháp fatalité, từ Latin mới: fatalitas, gốc từ Latin cũ : fatalis có nghĩa là ‘decreed by fate,’ fatalis lại có gốc xưa hơn là fatum; “có sống tất chết” có nghĩa do số mệnh (fate) sẽ phải chết (decreed) nhưng chỉ chưa biết lúc nào! Là người không ai chết rồi sống lại được – tất cả đều chết. Nếu cho rằng có một ai “đã chết” nhưng “sống” lại, chết đó có thể không là chết (sinh lý) thực, và kẻ ấy rồi cũng sẽ phải có một cái chết “sinh lý” sau cùng, – không thế, không phải là người, nhưng là một-gì đó không-người (không-người có thể nói những gì với con người? – một gì đó không-người thì là có thể là những gì?, đó là những vấn đề, lấy thí dụ).
[17] Latin trong nguyên văn “prima causa” – chỉ Gót
[18] sensorium
[19] Hegel
[20] semiotics
[21] Nietzsche đã đưa thuật ngữ này vào dùng lần đầu tiên trong Về Lai lịch của Đạo đức; hiểu là con thú người – nghĩa là con người khi nhìn xem như một động vật, ông cho thí dụ người Roman, Arab, Teutonic, quí tộc Nhật, những anh hùng như trong thơ Homer, dân Vikings bắc Âu, và Hylạp thời Pericles, Tôi đã chú thích như sau:
[“blonde Bestie”: con thú lông vàng, đây là lần đầu tiên trong OE, Nietzsche nhắc đến “con thú lông vàng” – “the blond beast” - theo Walter Kaufmann – Nietzsche muốn chỉ con sư tử - không phải chỉ những sắc dân “tóc vàng, mắt xanh” – vì cùng câu này Nietzsche cũng dẫn tiếp sau đó cả những người quí tộc anh hùng Ảrập, và Nhật.
Nguyên văn trong bản tiếng Đức: “Auf dem Grunde aller dieser vornehmen Rassen ist das Raubthier, die prachtvolle nach Beute und Sieg lüstern schweifende blonde Bestie nicht zu verkennen; es bedarf für diesen verborgenen Grund von Zeit zu Zeit der Entladung, das Thier muss wieder heraus, muss wieder in die Wildniss zurück: — römischer, arabischer, germanischer, japanesischer Adel, homerische Helden, skandinavische”.
Nhưng chỉ riêng Walter Kaufmann đã diễn dịch như trên – phải thú nhận là từ ngữ này khá hàm hồ - nếu hiểu blonde Bestie là con sư tử - chúng ta đã có thể dịch là “con thú bờm vàng”; bản tiếng Pháp phổ thông cũng chỉ dịch là “brute blonde” – Do đó, tôi không có khả năng quyết định, nên theo sát bản Anh ngữ của bà Diethe – bản chính đang dùng –dịch “blond beast” là “con thú lông vàng”, nghĩa là vẫn giữ ý hàm hồ, nếu có – Ở đây, nếu hiểu con thú là con người, thì “blond” là “tóc vàng”– còn hiểu con thú là con sư tử như Kaufmann, thì “blond” là “lông vàng”; vì trong tiếng Anh, thực ra không có từ phân biệt lông và tóc.”]
Xem Về Lai lịch của Đạo đức, bản tạm dịch của tôi (LDB)
[22] dân tộc được biết sống ở vùng Jutland (tây bắc châu Âu, Denmark, bắc Đức) - , thể kỷ thứ 4 TCN, đánh nhau dũng mãnh khi Lamã sang chiếm vùng đất bây giờ là đất Pháp trong thế kỷ 2 TCN. Những người Teutons vẫn được xem là cùng dân tộc, hay đồng nghĩa, với dân Đức ngày nay.
[23] Không thuộc giai cấp nào - loại hạ tiện, chỉ chạm vào là bị ô uế, achuta, hay untouchable.
Những gì Nietzsche nói trên, ngày nay chúng ta biết rõ hơn thời ông tại châu Âu; và có những chi tiết  không hoàn toàn chính xác nữa. Nhưng ra đời như một Hindu ở Ấnđộ là sinh vào một hệ thống giai cấp, một trong những hình thức phân chia thứ bậc xã hội đã tồn tại lâu dài nhất thế giới. Gài chặt và lẩn chìm trong văn hóa Ấnđộ từ hơn 1.500 năm qua, hệ thống giai cấp đặt trên một giới luật cơ bản: Con người sinh ra không bình đẳng. Thứ bậc trong xã hội Ấnđộ đến từ một huyền thoại sáng tạo; trong đó những nhóm chính, hoặc varna, được sinh ra từ một hữu thể nguyên thủy (Gót). Từ miệng đến tay mà ra là những Brahman – các thày tu và thày giảng. Từ cánh tay mà ra là những Kshatriya – những nhà cai trị và chiến sĩ. Từ đùi là những Vaisyas – thương nhân, và chăn nuôi, nông dân.Từ bàn chân ra những Sudras – giới lao động, phục dịch ba giai cấp trên. Mỗi varna lần lượt có hàng trăm giai cấp phụ di truyền (jati) với những chi li của họ.
Một nhóm thứ năm, được mô tả là những người achuta, hoặc phải-đừng-chạm vào; họ không được coi là từ hữu thể nguyên thủy. Tiện dân, phải-đừng-chạm vào, là người bị ruồng bỏ, những người bị coi là không tinh khiết, quá ô nhiễm, để có thể xếp hạng xứng đáng như con người. Tiện dân bị xa lánh, bị sỉ nhục, bị cấm đến những ngôi đền và nhà ở của đẳng cấp cao hơn, ăn và uống riêng biệt ở nơi công cộng.
Ngày nay, những người untouchable, trong và ngoài đẳng cấp Ấn giáo – được gọi với một tên khác là Dalit  - chỉ chung tầng lớp nghèo khổ  nhất, bị khinh miệt và kỳ thị ttrong xã hội Ấn.
[24] Sách của Enoch là một tập sách tôn giáo của người Dothái cổ đại, truyền thống gán cho Enoch, con trai cả của Cain, cha của Methuselah, ông cố nội của Noah: cho là đã đi cùng với Gót và đã được Gót đón nhận lúc cuối đời.
[25] Đây là chủ đề của Phản-kitô, xem bản dịch của tôi
[26] pia fraus