Buổi Chạng vạng của những Tượng thần
(hay, Triết lý thế nào với một cái Búa)
Friedrich Nietzsche
(Twilight of the Idols)
Götzen-Dämmerung, oder, Wie man mit dem Hammer
philosophirt (1888)
Twilight of the Idols, or, How
to Philosophize with a Hammer
Dịch từ những bản Anh ngữ
của:
(a) Walter
Kaufmann: Twilight of the Idols.
Walter Kaufmann dịch, trong The Portable
Nietzsche. New York: Viking Press, 1968.
(b) R. J.
Hollingdale: Twilight of the Idols
and The Anti-Christ. R.J.
Hollingdale dịch. Penguin: London, 1990
(c) Judith
Norman: Nietzsche: The Anti –
Christ, Ecce Homo, Twilight of the Idols: And Other Writings. Judith Norman
dịch. Cambridge University Press 2005
Tất cả dựa trên bản tiếng Đức in đầu tiên: Von Friedrich
Nietzsche. Götzen – Dämmerung oder
Wie man mit dem Hammer philosophirt. Leipzig: Verlag von C. G. Neumann.1889.
Năm cầm
bút cuối cùng của Nietzsche, 1888, cũng là năm ông sáng tác dồi dào nhất. Ông
mở đầu với Trường hợp Wagner và chấm dứt với Nietzsche
chống Wagner, khoảng giữa, ông tung ra Twilight of the Idols, The
Antichrist và Ecce Homo. Những tác phẩm này đôi khi bị bỏ qua
vì xem chỉ đơn thuần là những sản phẩm của trạng thái mất trí; và chúng chắc
chắn biểu lộ một đổ vỡ nhanh chóng những ức chế tâm lý của tác giả. Trong một
vài đoạn của Phản-kitô (The Antichrist), cuồng nộ của Nietzsche
đã phá vỡ mọi bờ đập; và sự rồ dại của tính tự cao kiêu ngạo trong Ecce
Homo chỉ bị ghìm cương bằng chính sự mỉa mai châm biếm cũng đặc biệt
không sánh của chính ông. Mặc dù phần nhiều điều này đã không được những độc
giả không quen thuộc với những tác phẩm trước đó của ông nhận biết. So sánh với
những sắc sảo bùng nổ như pháo bông đó, Twilight of the Idols tương
đối điềm tĩnh và ôn hòa, chỉ trừ nhan đề; và không một tác phẩm khác nào của
ông lại chứa đựng một tóm thu sâu sắc tương đương về triết học và tâm lý học
của ông ở thời kỳ cuối cùng. Chỉ với khoảng trăm trang giấy, Twilight
of the Idols cho chúng ta một tóm tắt cô đọng, toát yếu chính xác và tế nhị
đẹp đẽ của tư tưởng Nietzsche.
Tựa đề
ngoạn mục gây chú ý của tập sách này, đã là một ý tưởng đến muộn; sau khi ông
viết xong tác phẩm. Nietzsche trở nên chú ý với Francis Bacon, và bàn luận của
chính ông trong “Bốn Sai lầm Lớn lao” có lẽ đã gợi nhắc ông về “Bốn Thần tượng”
của Bacon. Từ đấy, đưa đến ý tưởng xoay chuyển nhan đề Götterdämmerung (Hoàng
hôn của những vị Gót) của Wagner, bằng cách ghép thành Götzen-Dämmerung (Chạng
vạng của những tượng Gót).
Khi
Nietzsche viết lời nói đầu, nhan đề tập sách vẫn là Sự rỗi hơi của một
nhà tâm lý học (A Psychologist’s Idleness), nhưng vào ngày 20/ Sept, Peter
Gast, một người rất ngưỡng mộ, gần như tôn thờ Nietzsche đã viết cho ông một lá
thư “định mệnh”. Peter Gast, biệt hiệu của Heinrich Köselitz, một nhà soạn
nhạc, ông vẫn giúp Nietzsche trong việc sao chép và đọc chữa những bản thảo,
bản in thử. Sau lần đầu tiên đọc xong bản thảo này, ông viết “Nhan đề, A
Psychologist’s Idleness, với tôi nghe nó quá khiêm tốn, trong khi tôi nghĩ
nó có thể gây cảm kích cho những người khác như thế nào; ông đã kéo những khẩu
đại pháo của ông lên vùng núi cao nhất, ông có những súng vốn chưa bao giờ từng
có như thế, và ông chỉ cần nhắm mắt bắn là gây kinh hoàng khắp xung quanh. Bước
sãi (Gang) của một người phi thường làm núi non chấn động tận đáy của
chúng, nên không còn là sự rỗi hơi (Mussiggang)… Thế nên, tôi van ông,
nếu như một kẻ kém cỏi bất tài có thể van xin: hãy có một nhan đề xôm tụ hơn,
rực rỡ lộng lẫy hơn!”. Một tâng bốc lên mây xanh như thế chắc chắn đã là những gì Nietzsche lúc ấy ít nhất
đang cần. Ông đã đổi nhan đề và thêm “Người ta Triết lý thế nào
với một cái Búa” như một nhan đề phụ; mới nghe vẫn thường giả định là loại
búa tạ, thế nhưng, đọc lời Nói đầu của ông, vốn hình ảnh đã bắt nguồn từ một ý
tưởng đến muộn, ông giải thích: “ở đây, đem một cái búa chạm vào những tượng thần để nghe âm, như gõ một âm thoa khi lên giây
đàn”.
Đây là
tác phẩm cuối cùng trong số được chính Nietzsche xuất bản: khi nó ra mắt người
đọc vào tháng Jan/1889, khi ấy ông đã mất trí và không còn nhận biết bất kỳ tác
phẩm nào của ông nữa. Hai quyển kia, Phản-kitô và Nietzsche
chống Wagner, mãi đến 1895 mới được xuất bản, còn Ecce Homo phải
đợi đến 1908.
Walter Kaufmann
(1921 – 1980)
Lời nói đầu của người dịch bản tiếng Việt
1.
Walter
Kaufmann cho chúng ta
chi tiết về hoàn cảnh sáng tác, và đặc biệt về xuất xứ của nhan đề độc đáo.
Nietzsche đã có ý định viết tác phẩm này như một dẫn nhập ngắn, giới thiệu
triết lý của mình, thế nên nó là tóm tắt nhất trong những tác phẩm của ông, nhưng
vẫn là một kiệt tác trong thể loại bút chiến. Trong lời nói đầu, Nietzsche cho
biết đây là bản “tuyên chiến lớn”, nhắm đến không chỉ những thần tượng vĩnh cửu
như Socrates duy lý và đạo đức Kitô nô lệ, nhưng cả những triết gia hiện đại.
Nietzsche như một “người bất phùng thời” lang thang trong buổi chạng
vạng của văn hóa châu Âu thế kỷ XIX [1],
tiếp tục nói với chúng ta về công việc ảm đạm, nặng nề của ông: đánh
giá lại tất cả những giá trị văn hóa và tư tưởng của nó.
Tác
phẩm là một trong những công trình cô đọng và nhiều biểu tượng bóng gió
nhất. Những gì gọi là một tượng thần bằng thiếc thì đơn
giản chỉ là những gì cho đến nay vẫn gọi là thần tượng, chúng tiêu
biểu cho những giá trị được tôn thờ, và trong công việc đánh giá của Nietzsche,
chúng là những giá trị lỗi thời, chết đã lâu rồi, đến nay chỉ là những xác ướp,
mất thời gian, mất lịch sử, không cứu sống, cũng không thay đổi được và chỉ có
một giải pháp thích ứng là loại bỏ chúng; lý do chủ yếu là chúng trước sau vẫn
đã nói-không với đời sống. Buổi Chạng vạng của những
Tượng thần không chỉ thông báo sự sụp đổ đã rồi của những gì phủ nhận
đời sống và những sức mạnh phá hoại đời sống của chúng, nhưng trong buổi tranh
tối tranh sáng, ngổn ngang những giá trị bị ném bỏ, những thần
tượng giờ chỉ còn là những tượng thiếc nằm trơ, mất hết đèn nến, tất
cả đương mở ra sự hoang vắng, trống không kinh hoàng của tư tưởng phương Tây –
những giá trị cũ đã chết, trong đó có Gót, cùng đạo đức Kitô, nhưng chưa có
những giá trị mới thay thế – Nietzsche muốn chia sẻ với chúng ta về viễn tượng
của tình trạng ông gọi là chủ nghĩa hư vô của châu Âu. Trong đó ông
cho chúng ta biết “những giá trị cao nhất phá giá chính bản thân chúng.”
[2]
Tiếp
tục tinh thần của Về Lai lịch của
Đạo đức và Trường hợp Wagner; ngày nay
giới học giả đều đồng ý, Buổi Chạng vạng của những Tượng thần không
phải là một tóm lược ồn ào một vài những quan điểm mạnh mẽ Nietzsche đã trình
bày trước đó, nhưng tác phẩm này đại diện cho một tột đỉnh của cách nói ngắn
gọn và dí dỏm thông minh, một điển hình của văn phong trưởng thành ở những gì
tuyệt vời nhất của nó, và làm bất kỳ ngờ vực nào còn có về trạng thái nghi ngờ
là mất trí của tác giả không thể nào đứng vững dưới mắt người đọc. Nietzsche
liên kết tâm lý học và sinh lý học với triết học, không nao núng chuẩn đoán
những triệu chứng của suy đồi. Văn phong điêu luyện của ông ở đây pha trộn một
thích thú trộn một sự nghịch ngợm tinh quái, nhưng những ý tưởng ông nghiền
ngẫm, sâu nặng đến “ngột ngạt” vẫn tuôn chảy trên mỗi trang giấy, sau
những chữ chọn lựa tài tình.
2.
Chúng ta vẫn
thường nói lấy đá thử vàng – ở đây cũng tương tự,
Nietzsche làm triết lý với một cái búa, ông lấy
búa thử những pho tượng, gõ vào chúng, rồi lắng nghe tiếng
gõ, để dò biết tượng rỗng hay đặc, thật hay giả, có hay không giá trị.
Thời đương chạng vạng, buổi đương tranh tối tranh sáng, tất cả
khó nhìn, nên dùng tai để nghe âm vang mỗi tiếng gõ, để những tượng
thần phải lên tiếng, phải tự cho biết bụng dạ họ ra sao; chính họ có
thực là thần tượng hay không. Chỉ có cách “tai ác” đó, mới làm
cho họ không thể giữ mãi im lặng. Nietzsche cũng nói – ông như một người
thổi sáo mê hoặc và dẫn dụ, đưa những tượng thần hết thời này theo về vị trí
đúng thực của chúng, đến “phán xét cuối cùng” của chúng, đến sự sụp đổ của
những giá trị chúng tiêu biểu. Ông kéo bỏ tấm màn vẫn che không cho chúng ta
thấy rõ mặt thực của những pho tượng, cho thấy chúng không là thần linh.
Nietzsche dành trọn Buổi Chạng vạng của những Tượng
thần cho việc phơi mở và chuẩn đoán sự suy đồi – decadence,
vừa như nguyên nhân (đau khổ) vừa như tác động (“idealism” – thuyết duy
ý).
3.
Mở đầu
với Những Câu Nói dí dỏm và những Mũi tên, chúng ta có một vài
hình ảnh về Nietzsche qua tự mô tả của Nietzsche: Ông là một tác giả sẽ ra đời
sau khi đã chết (“posthumous”), như ông nói trong Phản-kitô “có những kẻ
ra đời tử hậu” – hiểu như một ai đó có những tư tưởng không hợp thời,
không gặp thời, không “đúng thời”; một người mà những kẻ đương thời không hiểu
nổi, và thực ra sau này người ta có nói nhiều về ông, ông tiên đoán, cũng sẽ
chẳng thực hiểu ông! Ông là người không bao giờ được hiểu! Phải chăng ông là
một triết gia – như con lừa, mang gánh nặng đời sống, nhưng không bỏ được, ai
có thể vừa sống vừa bỏ cuộc sống? – thế nhưng có lẽ ông, ông vừa là con lừa
đang sống, nhưng cũng vượt qua, nhìn lại cuộc sống, là Gót? Nhắc Aristotle, ông
nói – một triết gia phải là cả hai, thú hay Gót, vì Gót cũng chỉ là
một con thú tưởng tượng đặc biệt. Thực ra ông tự nhận mình là một nhà tâm lý
học, tay trái. Ông không tin bất cứ ai lập hệ thống tư tưởng, lập một hệ thống
là mong gói tất cả, xắp xếp tất cả vào trong một; là giả dối – vì với kẻ khôn
ngoan – không phải cái gì cũng tìm biết, có những điều mình không muốn biết.
Câu hay nhắc nhất trong phần này là: “Có phải Người chỉ đơn thuần là một lầm
lẫn của Gót? Hay Gót đơn thuần chỉ là một lầm lẫn của Người?” và chúng ta
ai cũng đã biết trả lời của ông, nên thấy ngay sự dí dỏm trong câu sau:
“Người-nam đã tạo ra người-nữ – từ gì mà ra? Ra từ một xương sườn lấy từ Gót
của hắn – từ “ý tưởng” của hắn.” Dù có dăm câu nghiêm nghị, như câu hay dẫn
khác: “Những gì không hủy hoại tôi, làm tôi mạnh hơn”, nhưng phần lớn
tươi vui, dí dỏm: “Phụ nữ được coi là thăm thẳm. Tại sao? Vì người ta không bao
giờ đo đến được đến đáy sâu của họ. Phụ nữ ngay cả cũng không nông sờ.” Điển
hình là câu gần cuối: “Nề hà gì nếu tôi vẫn cứ là đúng. Tôi thì
đúng quá nhiều. Và ai là người cười hay nhất hôm nay, sẽ cũng cười
sau cùng.” – Không thể bảo đó là châm ngôn và người nói là nghiêm trang được.
Thế nên tôi dịch là “Những câu nói dí dỏm”, không là những châm ngôn hay
cách ngôn, và những mũi tên chỉ là những dấu hiệu hình mũi tên, không bắn ai;
có chăng chúng chỉ bắn ra những suy tưởng, hay chúng chỉ hướng suy nghĩ của
chúng ta về những gì đáng suy nghĩ nhưng cũng có thể đem lại vui vẻ, giải trí.
Đó là ý của ông, để phần này là khúc dạo đầu tươi tỉnh, nhẹ nhàng; sửa soạn cho
những phần kế tiếp, đầy những tư tưởng sâu xa trĩu nặng.
4.
Bài luận
văn đầu tiên là một trong bốn bài vẫn được xem là quan trọng, đáng chú ý và hay
nhắc nhở nhất: Vấn đề về Socrates: Đây không phải là vấn đề nhân
vật mang tên Socrates có thực hay không, nếu có, thực đến đâu, nhưng Nietzsche
giả định là những gì chúng ta biết về Socrates, phần lớn qua thuật kể, như của
Plato, là thực. Qua nhân vật Socrates này, ông trình bày một trường hợp xét
nghiệm tâm lý của ông – cho thấy một người (tượng thần) thôi không còn
là con người vẫn hằng được tôn thờ (thần tượng) nữa như thế
nào. Nietzsche lập luận sinh động, từ những chi tiết đã biết trong thân
thế Socrates, nhưng kết nối soi chiếu dưới lăng kính mới để thuyết
phục chúng ta rằng vị thần tượng của triết học châu Âu là một chân dung điển
hình của sự suy đồi: Socrates ốm đau trong đời sống, và bệnh hoạn trong tư
tưởng (duy lý).
Luận đề
của Nietzsche đưa ra ở đây là qua các thời đại cho đến nay, người ta vẫn hiểu
lầm về những gì là nội dung đích thực trong giảng dạy của Socrates. Chúng ta
đều biết sự tán dương Socrates trong triết học, vì ông đề cao lý trí và đạo đức
như những mục đích của đời sống. Socrates gọi đây là sự “khôn ngoan” và nó đã
được những hiền triết mọi thời chấp nhận như là triết học. Sự đồng thuận này
vẫn được xem là bằng chứng vững chắc rằng chúng có giá trị chân lý. Nhưng
Nietzsche nhìn khác đi, xem chúng là những “triệu chứng”, và cho biết trước hết
sự đồng thuận này chỉ chứng minh là những “hiền triết” thuộc về cùng một đám
giống nhau; đó là có cùng một thứ tâm lý với Socrates. Và Nietzsche chuẩn bệnh
“con bệnh” này, cả sinh lý – Socartes có tướng mạo xấu: trán vồ, mũi tẹt và
hếch, mắt ốc nhồi – và tâm lý là tâm trạng Socrates mang thái độ rằng
sống ở đời là bị bệnh, chết mới khỏi “bệnh sống” đó, và như thế mang thái độ
phủ nhận, thù địch với đời sống; trong đời sống những người như thế đã dùng đạo
đức và lý trí như những vũ khí để chống lại đời sống. Ngay cả sự thực hành lý
luận biện chứng của Socrates cũng là một triệu chứng của sự suy đồi. Trong văn
hóa Hylạp, trước-Socrates, không ai phải trưng bày đầy đủ lý do trong mỗi phát
biểu của mình, vì như thế bị xem là cách cư xử xấu, nó hàm ý người nghe không
tin cậy người nói, và người nói không trung thực khi đàm thoại với người nghe.
Con người của giới quí phái phát biểu chỉ những mệnh lệnh, đưa ra những nhận
xét trung thực, và không ai đòi phải theo lý luận chặt chẽ và trưng dẫn lý do.
Qua nghiên
cứu của ông về bi kịch Hylạp, Nietzsche đã đi đến kết luận rằng trường hợp
Socrates và Plato là triệu chứng của một sự suy thoái lớn rộng hơn, của cả văn
hóa Hylạp. Điều đó giải thích thành công của Socrates, vị này đã hợp thời đưa
ra một phương cách để kiểm soát những bản năng – một cách để trở nên tự làm chủ
lấy mình. Trong chiều hướng này, Socrates đem lại phương thuốc chữa chạy cho
những “bệnh tật” của cuộc sống “ốm đau”: cách duy nhất để không bị “suy đồi” mà
Socrates đã trình bày là phải duy lý đến phi lý. Như thế óc duy lý
của lý trí đã được làm thành một đức hạnh, đức hạnh này đem lại hạnh phúc cho
con người bằng cách đè nén những “thèm khát tối ám” của đời sống với ánh sáng
lý trí chói lọi đến mù mắt vĩnh viễn. Ông nói – tất cả như thế: “đã là một sự
hiểu lầm, toàn bộ sự cải thiện đạo đức, gồm cả của những tín đồ Kitô về sau, đã
là một sự hiểu lầm. Ánh sáng ban ngày chói mù mắt, lý tính với bất cứ giá
nào; cuộc sống, tươi sáng, lạnh, thận trọng, có ý thức, không có bản năng,
trong đối lập với những bản năng – tất cả điều này cũng vậy nữa, đã đơn thuần
chỉ là một căn bệnh, một bệnh tật khác, và không có nghĩa là quay trở lại với
“đức hạnh”, “sức khỏe”, với hạnh phúc”. Và nếu vẫn chỉ biết mù quáng chiến đấu,
tiêu diệt bản năng, thứ nhất là không thể làm được, thứ hai đó là “công thức
của sự suy đồi”; chúng ta phải tôn trọng những bản năng của sự sống – sống
hùng, sống mạnh, sống đẹp, là sống với những bản năng: “cho
đến chừng nào đời sống là theo chiều đi lên cao, hạnh phúc và bản năng
là ngang bằng như nhau”. Ông như muốn nói, chúng không là thù địch của
đời sống, chúng là phần của chính đời sống, là bạn sống của chúng ta, đem cho
đời sống năng lượng và giàu có. Những nội dung này sẽ được những triết gia
trong thế kỷ sau khai thác, ở đây, tôi có thể nêu một tên tuổi nổi bật và mở
đường là Freud (thăng hoa bản năng).
Thế nên,
gần như nguyền rủa Socrates, Nietzsche viết: “giá trị của đời sống không thể
đem ước tính được. Không phải bởi kẻ đang sống, vì họ là một phe có quan
tâm hơn thiệt, thậm chí một nguyên nhân tranh chấp, và không phải những quan
tòa; không phải bởi kẻ chết, vì những lý do khác biệt.” Và lên án cả hai thày
trò Socrates-Plato đã đưa ra công thức bệnh hoạn cho triết học phương Tây: “Lý
trí = đạo đức = hạnh phúc”.
5.
Sau luận
văn mở đầu nổi tiếng Vấn đề về Socrates trên, Nietzsche đi đến
khai triển rộng rãi những quan điểm quen thuộc của ông trong ba luận văn khác,
tôi nghĩ chúng cũng quan trọng tương đương, xứng đáng đọc lại, nhìn theo hướng
giúp chúng ta hiểu được tư tưởng của ông hơn:
(a)“Lý
trí”trong Triết học là tấn công vào chủ nghĩa duy lý, đặc trưng nhất
của triết học phương Tây. Trong chủ nghĩa duy lý – rationalism –
này, trước sau chỉ có những khái niệm chết, vô hồn; ông gọi là những khái
niệm-xác ướp (concept-mummies) và những triết gia trong triết học này
mãi mãi tìm kiếm “hữu thể”, hiểu là những gì bất động, không đổi, thành-rồi;
như thế đã gạt qua những gì sống động, không nhận hiều được thực thể của chúng nếu
có, chính là những gì đương-thành. Không thể tìm thấy “hữu thể”, nó
biết mình thất bại và đổ lỗi cho các giác quan, lên án những giác quan, coi rẻ
thường nghiệm là hư hỏng, lừa dối lý trí, chỉ trình bày một thế giới biểu
kiến, một thế giới của những “dạng ngoài”, của những gì xuất hiện mà lý trí
không thể nắm bắt được. Thêm vào sự lẫn lộn đuôi với đầu, các triết gia đi đến
những khái niệm trừu tượng nhất, được coi là “cao hơn”, và được xem là có giá
trị hơn. Cái khái niệm trừu tượng nhất, cũng cao nhất, và cũng trống không
nhất, mà triết lý duy lý này đưa ra là khái niệm bệnh hoạn mê đắm nhất của
nó là “Gót” – ông viết như kết luận cho luận văn này: “Như thế, họ đi đến khái
niệm kỳ diệu của họ, “Gót”. Như thế cái cuối cùng nhất, mỏng nhất, và trống
rỗng nhất được đặt lên trước tiên, như là cái nguyên nhân, như là hữu thể chân
thực nhất”, và tự hỏi về những triết gia duy lý này, như trả lời cho chúng ta:
“Tại sao loài người đã phải coi trọng những thần trí bệnh tật của những kẻ
dệt-lưới-nhện ốm đau?”
Nói theo
ngôn ngữ ngày nay – Lý trí trong tay xử dụng của những triết gia phương Tây chỉ
bắt được những gì bất động, đã chết, hay khi họ nắm được nó tươi sống từ đời
sống, nó vẫn còn vùng vẫy, nhưng chỉ giây phút sau đã bất động tuyệt vọng trong
tay những triết gia duy lý, chúng bị trừu tượng hóa, khái quát hóa, chúng thành
chết cứng, thành những “idée fixe”, thành những xác ướp trong cổ mộ
Aicập, những triết gia duy lý không thể nhận hiểu được thực tại gồm những thực
thể đương-thành, không đi đến được hữu thể của sự vật, vì họ nông
cạn không thể hiểu được nguyên lý sống động, trôi chảy, bản chất “cuốn trôi như
giòng sông” của đời sống, như một Heraclitus hiếm hoi trong triết học Hylạp
thời trước-Socrates, nghĩa là chưa suy đồi, nhưng ngay cả Heraclitus cũng không
hoàn toàn tránh thoát được dịch nạn duy lý này – ông đã sáng
tạo ra khái niệm “atom” – theo hướng duy vật nhưng vẫn mắc lưới duy ý, cũng vẫn
là một sự trừu tượng hóa và làm chết cứng vật chất!
(b) Đạo đức
như phản-Tự nhiên tóm tắt các lập trường chính yếu của Nietzsche về
đạo đức. Ông tuyên bố rằng những nỗ lực thiết lập đạo đức cho đến nay ở phương
Tây, là sự đánh giá tiêu cực về đời sống, trong phản ứng khi thấy đời sống
thoái hóa, là phản lại những gì tự nhiên trong con người. Nguyên thủy, đạo đức khởi
đi từ nỗ lực giản dị và ngây thơ đến ngu xuẩn là ngăn cấm những đam mê, do tác
động không tự chủ nhục cảm, thiếu sáng xuốt, có phần sống sượng thô bạo của
chúng. Phản ứng điển hình là trong đạo Kitô, ở đây tôn giáo này đã biến thái độ
trước phản ứng này vào thành hận thù đối với những đam mê con người, hình ảnh
thu nhỏ của nó là giới chăn chiên khổ hạnh gắng theo đuổi một đời sống đày đọa
những cảm xúc thân xác. Đạo đức nhằm chống lại những đam mê là chống tự nhiên,
chống lại đời sống; vì trong những đam mê là những bản năng tự nhiên, những gì
không thể “cắt bỏ” được của cuộc sống, những gì dẫu có muốn cũng không thể chỉ
ngây thơ tưởng có thể “nhổ sạch, giết sạch” được chúng trong đời người.
Nietzsche tự gọi mình là một người phi luân (immoralist) là như
thế, vì ông chống lại thái độ này của đạo Kitô; của thứ đạo đức phản-tự nhiên;
cho thấy sự thiếu xót của chúng, chỉ biết “phải giết sạch đam mê”,
đưa đến chủ nghĩa thiến-hoạn, kiểu giảng dạy như của Jesus: “Nếu
mắt ngươi xúc phạm ngươi, móc nó ra”. Nietzsche viết: “Nó không bao giờ hỏi:
Làm thế nào người ta có thể nâng cao lên tầng mức tinh thần, làm đẹp, thần
thánh hóa một thèm muốn?”. Và ông mở cho chúng ta thấy giải pháp:
“Sự nâng
nhục cảm cao lên tầng mức tinh thần được gọi là tình yêu: nó tiêu
biểu cho một chiến thắng vĩ đại chống lại đạo Kitô. Một chiến thắng khác là sự
nâng cao lên tầng mức tinh thần thái độ thù địch của chúng
ta”. Đạo đức như thế, tinh thần hóa đam mê, thăng hoa nhục cảm, hận thù sẽ làm
đẹp và giàu có đời sống.
(c) Bốn
Sai lầm lớn lao: Nietzsche không phê phán bản chất của quan
hệ nhân quả trong triết học duy lý phương Tây (Như Hume,
Rusell); Nietzsche chỉ bóc trần bốn sai lầm trong ứng dụng lý
thuyết nhân quả, hay đúng hơn sự lạm dụng nó trong truyền
thống đạo đức tôn giáo Kitô.
(c1) Sai lầm
khi lẫn lộn nguyên nhân với hậu quả. Dẫn chứng một trường hợp, phổ thông
đương thời, Nhân vật người Ý Cornaro., khoảng 40 tuổi, sau bạo bệnh thoát chết,
đã đổi chế độ ăn uống, thí dụ: chỉ ăn một quả trứng trong ngày là đủ mọi
chất đạm. Được xem là nguyên nhân của sống lâu và hạnh phúc của Cornaro,
nên chế độ ăn uống đạm bạc này sau đó được phổ biến. Nhưng chính thể
chất sinh lý của Cornaro mới là nguyên nhân đích thực của sự sống lâu, lành
mạnh; và cũng là nguyên nhân đã đưa đến chế độ ăn uống này. Nếu không cùng thể
chất (nhân), ăn uống theo lối đó chỉ tổn thọ (ứng dụng sai lầm)! Nietzsche giúp
chúng ta đặt câu hỏi vào những ứng dụng sai lầm tương tự, ngay trong luận điểm
quen thuộc của xã hội Kitô: Lòng tin tôn giáo là nguyên nhân của đạo đức con
người, điển hình là nếu không tin Gót, người ta sẽ thành vô đạo đức – Thế
nhưng, như đã thấy trong trường hợp Cornaro – nguyên nhân không ở lòng tin,
nhưng ở con người, và con người đó có thể có lòng tin; do những nguyên nhân
khác nhau, tạm gọi là có khung hướng muốn sống theo những ứng xử không hại ai,
không thiệt người và chỉ lợi mình, nên sau đó đã đặt ra và đi đến tuân hành
những qui luật đó gọi là đạo đức, trong đó, những niềm tin tôn giáo như thưởng
phạt thiên đường hỏa nguc, hay giáo dục, pháp luật xã hội, tất cả chỉ hỗ trợ
sức mạnh cho những qui luật đó, và trong trường hợp này con người không làm gì
khác được, chính do sợ hãi (sợ bị bắt, sợ tù tội, sợ mất danh dự, sợ thần
thánh, gót …) đã ép buộc họ; cũng như Cornaro không có tự do trong cách ăn
uống, thể chất ông buộc lối ăn uống đạm bạc để sống còn – Vắn tắt, đạo đức con
người không có nguyên nhân từ những giáo điều đạo đức, hay tôn giáo.
(c2) Sai
lầm về một quan hệ nhân quả không thực. Khi chúng ta đem đòi hỏi
tâm lý vào nhân quả, đã tạo ra những quan hệ nhân quả không thưc, những nguyên
nhân không thực như ego, linh hồn, lương tâm, Gót. Chúng ta vẫn tự
xem mình – như một chủ thể – một ego – là nguyên
nhân của những suy nghĩ / hành vi của mình. Tương tự, những người khác cũng có
chúng như là động cơ của hành động của họ – dĩ nhiên nếu không có
tôi và không có người khác sẽ không có hành động, không có những tác động xã
hội; nhưng qui kết nguyên nhân của chúng về tự ngã, ego, gót, … chỉ
là do nhu cầu tâm lý. Những ego, tự ngã đều là sản phẩm tưởng tượng, gót hay
linh hồn, lương tâm cũng vậy, những chủ thể nội tâm đó đều là những bóng ma tâm
lý, được dựng lên để giải thích cho xuôi những gì xảy ra. Chúng ta tạo ra một
thế giới của quan hệ nhân quả nội tâm, ý chí, làm động cơ như những nhân vật
trong một câu chuyện, cốt cho câu chuyện đời này có ý nghĩa nào đó với chúng ta
mà thôi... hoàn toàn không có bằng chứng thực nghiệm nào về chúng.
(c3) Sai
lầm về những nguyên nhân tưởng tượng; Khi chúng ta vừa tỉnh giác mơ,
nếu có một âm thanh, tiếng nhạc, giọng nói nào gần đó – thường là chúng được
trộn vào giấc mơ khi chúng ta hồi tưởng. Não thức chúng ta đã ghi nhận những âm
thanh này rồi trộn nó vào giấc mơ chúng ta gắng hồi tưởng cho trọn vẹn, và dựng
cho mạch lạc. Ngay cả khi chúng ta thức tỉnh, nghe một tiếng súng ngoài xa,
chúng ta dựng lên đủ mọi câu chuyện và gán những nguyên nhân tưởng tượng cho nó
(cảnh sát bắn trộm, cướp nhà băng, lính tập trận, …). Tất cả đều là những gì đã
xảy ra xong rồi, sau đó chúng ta loay hoay tìm nguyên nhân do nhu cầu tâm lý,
giải thích chỉ để giải thích, để an lòng, hay cảm thấy mình có quyền lực giải
thích được! Nhưng đúng hay sai không còn là vấn đề quan trọng, nên các nguyên
nhân thường là tạo dựng, tưởng tượng, khi không tìm được nguyên nhân thực,
chúng ta gán cho ma làm, quỉ ám, gót trừng phạt,…ma, quỉ, gót đều
là những tưởng tượng của con người, thế nên quay về tôn giáo, như đạo Kitô,
chúng đưa ra như những giải thích dùng những nguyên nhân hoàn toàn tưởng tượng
như thế, có khi cả câu chuyện là tưởng tượng (phép lạ); cho những gì
quanh chúng ta vẫn chưa giải thích được, thí dụ – tại sao bất hạnh
xảy ra cho những người hiền lành?
(c4) Sai
lầm về “ý chí tự do”. – Nietzsche đã cho thấy ba sai lầm trên và
sai lầm thứ tư này, đều nằm trong nền tảng của đạo đức Kitô. Nhân
loại không có gì hiện hữu ngoài toàn bộ – nên không
có một-gì có thể phán đoán, đo lường, so sánh, hoặc kết án cá nhân con người
chúng ta, vì như thế sẽ có nghĩa là phán đoán, đo lường, so sánh, hoặc kết án
tất cả cái tổng thể toàn bộ nhân loại. Sự sống con người không thể lần dấu vết
ngược về đến một nguyên nhân đầu tiên, sự trong trắng vô
tội của hữu-thể-đương-thành phải được khôi phục, hãy ném bỏ khái niệm
hôi thối “ý chí tự do” và khái niệm về “Gót” đã cho đến bây giờ đã là phản đối
lớn nhất cho hiện sinh con người. Nietzsche viết:
“Ngày nay
chúng ta thôi không còn có bất kỳ hoài của mủi lòng nào cho khái niệm “ý chí tự
do” : chúng ta biết quá rõ những gì nó chỉ thực sự là – cái điều hôi thối
nhơ nhuốc nhất trong tất cả những mưu mẹo gian xảo được những nhà thần học sáng
chế tài tình, cốt nhằm đến mục đích làm loài người phải chịu “trách nhiệm”
trong ý hướng của họ, đó là, tùy thuộc vào họ”, lấy “ý chí tự
do” là một nguyên nhân để buộc tội con người, đó là thứ siêu hình học của những
kẻ làm “nghề treo cổ”.
Khi tuyên
bố: “không có ai đem cho con người những phẩm tính của nó – không phải Gót.” và
dứt khoát hơn: “Không ai thì có trách nhiệm cho sự hiện hữu của con người ở
đó tất cả, hay cho sự hiện sinh đã cấu thành người ấy như thế-này hay-thế-kia”,
thêm với ở trên “cách thức của hiện sinh không thể lần dấu vết ngược về đến
một nguyên nhân đầu tiên”, và khẳng định “Chúng ta đã phát minh ra khái
niệm “cứu cánh”; trong thực tại thì không có cứu cánh.” Và xác định thái
độ phi-luân – lý – Kitô và không-tin – Gót – Kitô:
“Chúng ta phủ nhận Gót, ... chúng ta phủ nhận đặt trách nhiệm trong Gót”.
Nietzsche đã đem cho chúng ta ở đây đầy đủ tất cả mầm mống và ý tưởng của một
chủ nghĩa hiện sinh vô thần (atheistic existentialism), Martin
Heidegger, Jean-Paul Sartre, Albert Camus, và Simone de Beauvoir, những triết
gia được giáo dục trong triết học bị truyền thống thần học Kitô ám ảnh và
đè nặng, đã tìm thấy lối thoát, khai triển chúng thành một chủ thuyết thời
thượng trongchâu Âu tan hoang sau thế chiến II, ở triết học lục địa Pháp-Đức.
6.
Trong cùng
chiều hướng, ở những luận văn tiếp sau, Nietzsche cũng nhắc lại và cho thêm chi
tiết một số những phê bình của ông về Kant, Shopenhauer, Wagner và dĩ nhiên
không bỏ quên đạo Kitô, vốn là những đối tượng quen thuộc từ những tác phẩm
trước đó.
Những gì
người Đức thiếu, phê bình
nền văn hóa Đức thời đó, theo ông đã thiếu tinh thần, “đang
trở nên dung tục hơn, nó đang trở nên nông cạn hơn”; văn hóa đang xuống
dốc, vì giáo dục của nó đã đi sai đường – không còn dạy người ta “học để nhìn, ... học để nghĩ” - Học để suy nghĩ là mục
đích của một nền văn hóa cao thượng”; và giáo dục của nước Đức đã sai lạc cứu cánh, ... nếu
muốn dẫn một vài “trăn trở u sầu” của chính ông về văn hóa Đức, Văn hóa của nó cũng như của những quốc
gia châu Âu khác đã bị “ hai
chất ma tuý lớn của châu Âu, rượu và đạo Kitô lạm dụng đồi bại”.
Trong phần
dài nhất – Những biện luận ngắn của một người không đúng thời –
ông bắn một vài mũi tên từ sự không hài lòng của ông với những khuôn mặt văn
hóa Pháp, Anh, và Ý, cả mới lẫn cũ, như Rousseau, Hugo, Sand, Michelet, Zola,
Renan, Carlyle, Mill, Eliot, và Dante. Trái ngược với tất cả những người này bị
cáo buộc là đại diện của sự suy đồi văn hóa, Nietzsche dành những lời tán
thưởng với Caesar, Goethe, Dostoevski, Thucydides và những nhà Sophists như
thuộc mẫu lành mạnh và cường tráng hơn. Tất cả những phần này dĩ nhiên là hết
sức chủ quan chua cay, và do đó cũng rất độc đáo. Nhưng Nhưng
tôi nghĩ những phê bình của ông về những nhân vật này, có nhiều phần thiên lệch,
mỗi nhân vật, với ông, chỉ là những biểu tượng, mỗi tên tuổi không là chân dung
trọn vẹn, nhưng ông chỉ chọn những gì ông bất bình, đưa lên làm tiêu biểu, và y
vào đấy để đả kích mỉa mai. Ngày nay phần lớn phê phán của ông đã có thể xem là
lỗi thời, vì nội dung nhận xét của ông đã bị vượt qua, hay vì chính những nhân
vật đó đã bị thời gian đào thải, không còn được xem là quan trọng như trong thời của ông. Tuy nhiên, phần này thực sự
giúp chúng ta hiểu về tư tưởng của chính Nietzsche nhiều hơn là hiểu về dẫu là
gì của những người ông phê bình!
Đáng ghi
nhận, trong Những biện luận ngắn của một người không đúng thời,
Nietzsche cũng đặc biệt trình bày quan điểm của ông về thẩm mỹ học: cái đẹp, tâm
lý nghệ sĩ, lập trường nghệ thuật vị nghệ
thuật, về đạo đức: giá trị tự nhiên của chủ nghĩa vị kỷ, thiên tài và tội
phạm. Về tôn giáo: ông xem cả hai, tín đồ Kitô và người theo chủ nghĩa vô chính
phủ đều là những kẻ phàn nàn, chỉ biết lên án sự bất hạnh của riêng mình với
người khác, hoặc với chính mình. Có khi ông như cố ý cực đoan, khi mỉa mai nói
về cơ chế tự do, lao động, bảo thủ, chủ trương quay về xã hội tự nhiên, tính
hiện đại. Đằng sau những phê bình này là thước đo ông vẫn cầm trong tay: đối
tượng có là biểu hiện triệu chứng của sự suy đồi (trong văn hóa, đạo đức
con người) hay không? Và ông thường kết nối với lý thuyết ý dục quyền lực.
Điển hình, khi ông nói về cái đẹp như sau:
“Không có
gì là đẹp, ngoại trừ chỉ mình con người: tất cả thẩm mỹ học nằm dựa trên sự
ngây thơ này, đó là chân lý thứ nhất của thẩm mỹ học. Chúng ta hãy cùng
thêm vào ngay lập tức chân lý thứ nhì: không có gì là xấu xí, ngoại trừ chỉ con
người đương thoái hóa – và với điều này, lĩnh vực của phán đoán thẩm mỹ thì
khoanh vòng khép kín đóng lại. Về tâm sinh lý, tất cả mọi thứ xấu xí làm yếu và
làm buồn con người. Nó nhắc nhở hắn đến sự tan rã, nguy hiểm, bất lực; nó thực
sự lấy mất sức mạnh của hắn. Người ta có thể đo lường tác động của cái xấu với
một máy đo động lực. Bất cứ nơi nào con người bị chán nản tất cả đến đâu, hắn
đều cảm nhận được rằng mình gần gũi một gì đó “xấu xí”. Xúc cảm của hắn với
quyền lực, ý dục quyền lực của hắn, can đảm của hắn, tự hào của hắn – tất cả
chìm rơi xuống với cái xấu và dâng trào lên với cái đẹp.”
7.
Cuối cùng,
trong Những gì tôi nợ những tác giả cổ điển HyLa, là nhận định của
ông về văn hóa triết học Hylạp. Ông gạt bỏ Plato “Plato là một kẻ hèn nhát
trước thực tại, ... đã chạy trốn vào trong thế giới ý tưởng”. Người ta đề cao
văn tài Plato, nhưng ông dửng dưng:
“Xin làm
ơn, đừng có ném Plato vào tôi. Tôi là một người hoàn toàn hoài nghi về Plato,
và tôi chưa từng bao giờ ... ngưỡng mộ người nghệ sĩ Plato. ...Plato,
xem dường như với tôi, đã tung tất cả những hình thức bút pháp vào lẫn nhau và
như thế là ở mức suy đồi thượng hạng về bút pháp”
Quay trở
về những gì ông đã lên tiếng đầu tiên, gần hai mươi năm trước – Sự Ra đời
của Bi kịch Hylạp:
“Bi kịch
(Hylạp) cho đến nay không chứng minh bất cứ gì về lý thuyết bi quan của cổ
Hylạp, ... (nó) Nói-Có với đời sống ngay cả trong những vấn đề kỳ lạ và
khó khăn nhất của đời sống, ý dục với sự sống hân hoan vui mừng trên vô tận
riêng nó, ngay cả trong sự hy sinh thuộc loại cao nhất của nó – đó là
những gì tôi gọi là thuộc Dionysus, đó là những gì tôi đoán là cây cầu
bắc đến tâm lý của nhà thơ bi kịch. Không phải để được giải thoát khỏi kinh
hoàng và thương cảm, không phải để tẩy sạch chính mình khỏi một ảnh hưởng nguy
hiểm bởi sự phóng xả mãnh liệt của nó – nhưng ngõ hầu để chính bản thân
mình là niềm vui vĩnh cửu của sự đương-trở-thành, vượt ngoài
tất cả những kinh hoàng và thương cảm – niềm vui đó nó thậm chí còn bao gồm
ngay cả hoan lạc trong sự phá hủy”.
Như lời
bạt cho Buổi Chạng vạng của những Tượng thần này, và cũng cho thấy sự
sửa soạn chuyển hướng sang tác phẩm sau cùng Phản-kitô, đóng vai Lời
nguyền rủa đạo Kitô của ông, ở đó chúng ta đã thấy sự tấn công trực tiếp
vào thủ phạm của sự suy đồi thoái hóa trong văn hóa, tư tưởng, tôn giáo, đạo
đức, ... phương Tây - “sự thối nát hư hỏng vĩ đại nhất trong tất cả mọi sự thối
nát hư hỏng có thể mường tượng ra được. .... Hội nhà thờ Kitô đã không để chừa
lại một gì mà không bị sự sa đoạ đồi bại của nó buông tha; nó đã quay đảo ngược
tất cả từng giá trị vào thành một vô-giá trị, tất cả mỗi chân lý vào thành một
dối trá, tất cả toàn vẹn lành lặn thành một đê tiện của linh hồn.”(Phản-kitô)
– là một dụ ngôn ngắn nhất, Cái Búa nói.
Qua lời Cái Búa nói, Nietzsche tâm sự rằng ông đã trao cho chúng ta – những người bạn,
hiểu ông – những ý tưởng để xây dựng, để làm làm nền móng, như trong một huyền
thoại, Moses đã trao phiến đá ghi 10 điều răn của Gót cho dân Dothái. Phiến đá
trên đỉnh Sinai đó đã khai mở cho một nền đạo đức Kitô-Dothái, nuôi dựng trên tâm
lý phẫn hận của nô lệ, đã đi đến thắng thế, thay chỗ cho nền văn hóa cao
thượng, đạo đức cường tráng của giới chủ nhân, quí tộc HyLa; nó đã hoành hành
châu Âu (và lan sang các xứ thuộc địa) xuốt hai nghìn năm vừa qua, trong đó văn
hóa tôn thờ triết lý duy lý đến phi lý; và đạo đức của tín ngưỡng mê tín Ki tô
khiến con người thôi không còn thực sống đời người; đã tước bỏ thực tại trần
gian, thay bằng một thiên đường giả tạo, một thế-giới-bên-kia ảo tưởng – con
người bị ức chế, hủy hoại những bản năng, đưa đến mất sức sống, mất sáng tạo,
luôn bệnh hoạn đau khổ, mất hạnh phúc; và nhất là không phát huy được ý dục
với quyền lực của nó. Tất cả đã là những biểu hiện của sự suy đồi, sự thoái
hóa, tất cả đã hủy hoại sự sống, khinh miệt cuộc đời, chà đạp con người, trong
đó, ông lên án – “đạo Kitô đã hết sức phát triển, đã làm nhờm tởm đến ói mửa,
nôn ọe vì sự dối trá và sự điêu ngoa xuyên tạc của tất cả những diễn dịch của
đạo Kitô về thế giới và về lịch sử”. Đến nay, về tôn giáo là “cuối đường, tận
cùng, sự chấm dứt của đạo Kitô, ... nó đã xụp đổ vì chính đạo đức của riêng
nó”. Và ông điểm duyệt những tượng thần, trong văn hóa, triết lý, để chúng ta
nhận rõ chúng chỉ là những tượng giả, rỗng bụng, trống ruột, chỉ chạm đến là
chúng đổ vụn; pho tượng lớn nhất trong đám chúng là Gót cũng “đã chết”. Chúng
ta phải làm triết lý với cái búa, phải cứng như kim cương, không để đập đổ, vì
không có gì, không còn gì để đập đổ nữa, nhưng để xây dựng: tư tưởng “Hư vô
đang chờ ngoài cửa”. Đừng để nó đi vào, Nietzsche nói – chúng ta phải cứng rắn
như kim cương, để khẳng định cuộc đời, chấp nhận, lèo lái định mệnh, để chiến
thắng những decadence cũ, và trên tất cả để sáng tạo những giá trị
mới; và chúng ta phải cảm nhận cơ hội may mắn của mình – đây là lúc chạng
vạng – một bình minh của nhân loại sắp mở ra, một nền đạo đức và văn hóa
mới, cho con-người-mới, cho hàng nghìn năm sắp tới.
8.
Như
Nietzsche viết trong Ecce Homo: “Nếu bất cứ ai muốn có được một
phác thảo nhanh chóng về tất cả mọi thứ trước thời của tôi đã đứng lộn ngược
đầu của nó như thế nào, người ấy nên bắt đầu đọc tôi trong tập sách này.
Rằng những gì được gọi là tượng thần ở bìa sách chỉ đơn giản là sự thật cũ đã
từng được tin tưởng cho đến nay. Trong tiếng Anh đơn giản; có nghĩa là sự thật
cũ đang đi đến cuối đường của nó”.
Ông cũng
nói “quyển sách này là một ngoại lệ trong những quyển sách của tôi: không có
quyển nào về thực chất nội dung phong phú hơn, độc lập hơn, phá vỡ lật đổ hơn –
tai quái ác độc hơn”.
Tôi đọc
lại tập sách này, những trang Nietzsche nồng nàn sức sống, nhưng trong buồn bã,
tuyệt vọng và mệt mỏi, như một ngày đầu mùa, mưa lộng, sóng trắng xô đập trên
hồ xuân, gần bờ còn đục cát lầm mùa đông chưa qua hết, và tần ngần một vài
đóa crocus vội vàng nở sớm đã bị sương giá phân vân của thời
tiết giằng co làm héo, bên đường đi dạo, vẫn lúc giao thời, đương còn buổi
chạng vạng, có bao giờ chúng ta sẽ sống trong trắng đen minh bạch, ấm lạnh rõ
ràng, đục trong phân biệt?
Một cánh hoa xuân sầu héo bên bờ thời gian...
Xuân 2103
Lê Dọn Bàn
Lời
nói đầu + Những Câu Dí dỏm và những mũi tên + Vấn đề về Socrates +
“Lý trí” trong Triết học + “Thế giới thực” cuối cùng trở thành một Ngụ
ngôn như thế nào + Đạo đức như phản-Tự nhiên + Bốn sai lầm lớn
lao + Những “cải thiện” của loài người + Những gì người Đức thiếu + Những biện
luận ngắn của một người không đúng thời + Những gì tôi nợ những tác giả cổ điển
HyLa + Cái Búa Nói.
LỜI NÓI
ĐẦU
Giữ lấy sự vui vẻ giữa lúc có một công việc ảm đạm, đầy
trách nhiệm không lượng nổi, không phải là một nghệ thuật không đáng kể, và giờ
có gì còn cần thiết hơn sự vui vẻ? Không gì thành công nếu không có sự tinh
nghịch dự phần. Chỉ có sự thừa mứa quá mức của vững mạnh là bằng chứng của sức
mạnh.
Một sự đánh giá lại tất cả những giá trị: cái
dấu hỏi này, quá đen, quá dữ dội đến nỗi nó ném một bóng tối trùm lên con người
là người đã viết nó xuống – một nhiệm vụ thuộc loại định mệnh như thế buộc một
người phải chạy, mỗi khi có dịp, ra ánh sáng mặt trời, để rũ sạch một sự nghiêm
trọng nặng nề, đè nặng tất cả quá ngột ngạt. Mọi mưu chước làm thế là thích
đáng với nó; mọi “trường hợp” [3] là một
trường hợp may mắn. Đặc biệt, chiến tranh. Chiến tranh đã từng luôn
luôn là sự khôn ngoan lớn của tất cả những tinh thần đã trở thành quá hướng
nội, quá sâu sắc; đến nỗi trong một vết thương có ở đó năng lực chữa lành. Một
câu châm ngôn, nguồn của nó tôi giữ lại, để tránh tò mò nghiên cứu, đã từ lâu
là phương châm của tôi:
Increscunt
animi, virescit volnere virtus.
[“tinh thần tăng
lên, khí lực lớn dậy qua một thương tích.”] [4]
Một cách thức
khác của sự dưỡng bệnh – trong một số trường hợp thậm chí còn hơn yêu thích của
tôi nhiều – là gõ để thăm dò những tượng thần. Trong thế giới có
nhiều tượng thần hơn là có những thực thể: đó là “mắt nhìn tai ác” của tôi cho
thế giới này; cũng là “tai nghe quái ác” của tôi. Để một lần đem đặt những câu
hỏi ở đây với một cái búa, và có lẽ, để nghe âm như nhận một trả
lời nổi tiếng đó nói đến những ruột trương phình – thật là một thích thú cho
một người có tai nghe ngay cả sau vành tai của mình, – vì đối với tôi, một nhà
tâm lý học già và người thổi sáo dẫn dụ [5], trước những ai vốn họ đã chỉ giữ im
lặng phải trở thành nói năng nghe được.
Luận văn này
cũng thế – tựa đề làm lộ nội dung – trên tất cả, là một sự giải trí, một chỗ
dưới ánh mặt trời, cái nhảy sang một bên chệch vào sự rỗi hơi của một nhà tâm
lý học. Có lẽ cũng là một cuộc chiến mới nữa chăng? Và có sẽ dò biết những
tượng thần mới hay không? Luận văn nhỏ này là một bản văn tuyên chiến
lớn; và về phần gõ âm để dò biết những tượng thần, lần này, họ không
chỉ những tượng thần của thời chúng ta, nhưng những tượng thần muôn
thuở, và ở đây họ sẽ bị chạm vào với một cái búa, như với một âm thoa chỉnh
tiếng đàn: – Hoàn toàn không chừa ra những tượng thần cổ hơn, không thuyết phục
hơn, không thổi phồng hơn – và không rỗng hơn. Điều đó không tránh cho họ khỏi
nằm trong số vốn được người ta có lòng tin và nồng nhiệt
nhất; cũng không chừa một người, đặc biệt trong trường hợp nổi bật nhất,
từng được gọi là “thần tượng”.
Turin, 30 tháng
9 năm 1888,
Ngày viết xong
quyển đầu tiên của bộ sách Đánh giá lại tất cả những giá trị (Revaluation of All Values).[6]
Friedrich
Nietzsche.
(1844 – 1900)
NHỮNG CÂU NÓI DÍ DỎM VÀ NHỮNG MŨI TÊN [7]
1
Ăn không ngồi rồi là sự khởi đầu của tất cả tâm
lý học. Gì vậy? có nên bảo tâm lý học là một thói xấu chăng? [8]
2
Ngay cả kẻ can đảm nhất giữa chúng ta chỉ họa
hoằn mới có can đảm (đứng lên) cho điều mà anh ta thực biết.
3
Để sống một mình, người ta phải hoặc là một con
thú hay một gót, Aristotle nói thế. Như vậy, đã bỏ ra ngoài trường hợp thứ ba:
có người phải là cả hai – một triết gia.
4
“Tất cả sự thật thì đơn giản.” Có phải đó là một
nói dối nhân thành hai không? [9]
5
Tôi nói, để kết thúc, không muốn biết nhiều điều. Sự khôn ngoan
cũng đặt những giới hạn cho sự hiểu biết nữa.
6
Bản chất hoang dại riêng của chúng ta, là chỗ tốt
nhất để bình phục lại từ không-phải-bản chất riêng của chúng ta, từ tính tinh
thần của chúng ta.
7
Gì vậy? Có phải người chỉ đơn thuần là một lầm
lẫn của Gót? Hay Gót đơn thuần chỉ là một lầm lẫn của người? [10]
8
Rút ra từ trường
đời về chiến tranh: Những gì không hủy hoại tôi, làm tôi mạnh hơn.
9
Hãy tự giúp mình, sau đó mọi người sẽ giúp bạn.
(Đó mới là) Nguyên tắc của tình yêu láng giềng (đích thực). [11]
10
Đừng có phạm vào sự hèn nhát phản lại những hành
động của chính mình! Đừng có bỏ rơi chúng sau đó! Vết cắn của lương tâm là sỗ
sàng, khiếm nhã. [12]
11
Có thể một con
lừa là bi thảm không? Quằn
quại dưới một gánh nặng mà một người không thể kham nổi cũng chẳng ném bỏ được?
Trường hợp của triết gia.
12
Nếu chúng ta có được tại sao (lý do) riêng của chúng ta về đời sống,
chúng ta sẽ xuông xẻ được với hầu như bất kỳ dẫu
thế nào. Người không phấn đấu cho niềm vui, chỉ có người
Anh làm thế [13].
13
Người-nam đã tạo ra người-nữ – từ gì mà ra ? Ra
từ một xương sườn lấy từ Gót của hắn – từ “ý tưởng” của hắn.
14
Gì vậy ? Bạn tìm kiếm gì vậy? Bạn sẽ nhân mình
lên thành mười, thành một trăm? Bạn tìm kiếm những người đi theo? Kiếm con
số không!
15
Những người sau khi đã chết rồi – như tôi, lấy
thí dụ – được hiểu tệ hơn so với những người đúng thời, nhưng được nghe nói hay hơn. Chính xác hơn: không ai từng
hiểu chúng ta – và điều đó là những gì cho chúng ta thẩm
quyền của chúng ta.
16
Giữa những phụ nữ: “Sự thật? Ôi, bạn không biết sự thật đâu! Không
phải nó là một nỗ lực để ám sát tất cả những đỏ
mặt về trinh bạch (pudeurs)
của chúng ta?”.
17
Đó là một nghệ sĩ như tôi yêu những nghệ sĩ,
khiêm tốn trong nhu cầu của mình: ông thực sự muốn chỉ có hai điều, bánh mì của
mình và nghệ thuật của mình – panem et Circen. [14]
18
Ai không biết làm thế nào để đặt ý dục của mình
vào những sự việc, ít nhất có thể đặt một vài ý
nghĩa vào trong chúng: đó có
nghĩa là, người ấy đã có lòng-tin rằng chúng đã tuân phục một ý dục. (Nguyên lý
về “lòng-tin”) [15]
19
Gì vậy? Bạn chọn đức hạnh và ngực căng phồng, và
thế nhưng bạn liếc nhìn ghen tị với những lợi thế của những người đó không băn
khoăn khó chịu? Nhưng đức hạnh bao gồm việc từ
bỏ “những lợi thế” (Chữ khắc
trên cửa cho một người bài-Dothái.)
20
Người phụ nữ toàn hảo nhúng tay vào văn chương
như nàng nhúng tay vào một tội lỗi nhỏ: như một thử nghiệm, tiện tay, nhìn
quanh xem nếu có ai chú ý đến nó không, – và để yên tâm rằng có một người nào
đó làm thế.
21
Phiêu lưu vào tất cả những loại tình huống trong
đó một người có thể không có bất kỳ một đạo đức giả nào, ở chỗ, giống kẻ đi dây
trên dây của mình, người ta hoặc đứng hoặc ngã – hoặc tránh xa.
22
“Những người ác không có những bài hát”. Thế là
thế nào, tại sao người Nga có những bài hát? [16]
23
“Tinh thần người Đức”: trong xuốt mười tám năm
qua, một mâu thuẫn trong những thuật ngữ.
24
Khi tìm kiếm những nguồn gốc, người ta trở thành
một con cua. Sử gia ngoái nhìn về đằng sau; cuối cùng ông ta cũng tin tưởng lạc hậu.
25
Sự hài lòng thậm chí bảo vệ chống lại cảm lạnh.
Đã có một người phụ nữ nào biết mình ăn mặc bảnh bao từng bao giờ mắc cảm lạnh
chưa? (Nếu có) Tôi giả định rằng nàng hẳn đã hầu như chỉ mặc sơ sài.
26
Tôi không tin tưởng tất cả những người hệ thống hoá (tư
tưởng) và tôi tránh họ. Ý chí để đi đến một hệ thống là một sự thiếu chính trực. [17]
27
Phụ nữ được coi là sâu xa. Tại sao? Vì người ta
không bao giờ đo được chiều sâu của họ. Thậm chí phụ nữ không nông cạn
.
28
Nếu một phụ nữ có những đức tính đàn ông, người ta cảm thấy như bỏ chạy, và nếu nàng không có đức tính đàn ông, chính nàng bỏ chạy.
29
“Trong quá khứ, lương tâm đã phải nhai đi nhai lại nhiều biết chừng
nào! Và nó đã có một bộ răng thật là quá tốt! Và ngày nay, – còn thiếu cái gì?”. Một câu hỏi của nha sĩ.
30
Người ta hiếm khi vội vàng lao vào một sai lầm đơn độc. Vội
vàng đâm vào sai lầm đầu tiên, người ta luôn luôn làm quá nhiều. Thế nên, người
ta thường va vào một sai lầm khác – và bây giờ người ta làm quá ít.
31
Khi bị chân người dẵm xuống, một con sâu cũng
quằn mình cong lên. Đó là thông minh. Bằng cách đó, nó làm giảm xác suất phải
bị dẵm một lần nữa. Trong ngôn ngữ của đạo đức: sự khiêm tốn. [18]
32
Có một sự thù ghét đối với những dối trá và sự giả vờ
giả cách, bắt nguồn từ một cảm xúc về danh dự dễ bị khiêu khích. Còn có một thù
ghét khác tựa như vậy, nhưng từ sự hèn nhát, bởi vì một điều răn của Gót cấm những
dối trá. Quá hèn nhát không dám nói dối. [19]
33
Ít ỏi chừng nào phải cần có để được vui sướng! Vang
vang âm thanh từ một kèn bagpipe. Không âm nhạc, đời
sống sẽ là một sai lầm. Người Đức tưởng tượng ngay cả Gót cũng hát những bài
ca.
34
Người ta chỉ có thể vừa nghĩ và viết, khi đang
ngồi (G. Flaubert) [20]. Đó, ta đã bắt được ngươi rồi, kẻ theo thuyết hư
vô! Đời sống chỉ ngồi thôi là đích xác tội lỗi phản lại Gót-tinh thần. Chỉ những suy nghĩ
đạt được khi đi bộ mới có giá trị.
35
Có những trường hợp mà trong đó chúng ta giống
như loài ngựa, chúng ta những nhà tâm lý học, và trở nên bồn chồn không yên:
chúng ta nhìn thấy bóng của chính chúng ta dao động lên xuống trước mặt chúng
ta. Một nhà tâm lý phải quay mắt mình khỏi chính mình đi để có mắt nhìn tất cả
bất cứ gì.
36
Có hay không chúng ta những kẻ phi-luân làm hại
đức hạnh? Cũng y như những người theo thuyết vô chính phủ hại những vương hầu.
Chỉ từ khi, những người kể sau bị nhắm bắn, họ lần nữa lại ngồi vững trên ngai
của họ.
Đạo đức: đạo
đức phải bị nhắm bắn.
37
Bạn chạy dẫn trước? Có phải bạn làm việc đó như
một kẻ chăn chiên? Hay như một ngoại lệ? Một trường hợp thứ ba sẽ là kẻ chạy
trốn. Câu hỏi thứ nhất của lương tâm.
38
Bạn có là độc đáo nguyên thủy không? Hay chỉ đơn
thuần là một người đóng kịch.? Một đại diện? Hay cái đó nó được đại diện? Đến sau
cùng, có lẽ bạn chỉ đơn thuần là một sao chép của một người đóng kịch. Câu hỏi thứ nhì của lương tâm.
39
Kẻ bị thất vọng nói. Tôi lùng kiếm những con người lớn lao, tôi luôn
luôn tìm được chỉ loài đười
ươi (đóng trò) của những ý
tưởng của họ. [21]
40
Có phải bạn là người đứng nhìn? Hay một người là
người đưa tay ra giúp? Hay một người nhìn đi chỗ khác và bỏ đi? Câu hỏi thứ ba của lương tâm.
41
Bạn có muốn đi bộ theo cùng không? Hoặc đi bộ lên
phía trước? Hoặc đi bộ một mình? Người ta phải biết những gì người ta muốn và đó là người ta muốn. Câu hỏi thứ tư của lương tâm.
42
Đó là những bậc thang cho tôi, và trên chúng tôi đã
trèo lên cao: để đến chỗ cuối đó tôi phải vượt qua (bỏ lại) chúng. Thế nhưng chúng
nghĩ rằng tôi đã muốn (dừng lại) yên nghỉ trên chúng.
43
Nề hà gì nếu tôi vẫn cứ là đúng. Tôi thì đúng quá nhiều. Và ai là người cười hay nhất
hôm nay, sẽ cũng cười sau cùng.
44
Công thức cho hạnh phúc của tôi: một Có, một
Không, một đường thẳng, một mục
tiêu.
1
Quan tâm về đời sống, những con người khôn ngoan
nhất của tất cả những thời đại đều phán đoán tương tự như nhau: nó không tốt. Luôn luôn và ở
khắp nơi người ta đã nghe cùng một âm thanh từ miệng họ – một âm thanh của nghi
ngờ đầy, của u buồn đầy, của mệt mỏi đầy với đời sống, của phản kháng đầy với
cuộc sống. Ngay cả Socrates, khi ông sắp chết, đã nói: “sống – điều đó có nghĩa
là bị bệnh một thời gian dài: tôi nợ Asclepius vị Cứu tinh một con gà trống” [22]. Ngay cả Socrates đã mệt mỏi với nó. Điều đó là
bằng chứng gì? Điều đó tiết lộ gì? Thời trước, đã hẳn người ta sẽ nói (- Ôi,
nói về nó rồi, và nói toang đủ rồi, và đặc biệt từ những người bi quan của
chúng ta): “Ít nhất là một gì đó của tất cả điều này phải là sự thật! Sự đồng
thuận của những người khôn ngoan làm chứng cớ cho sự thật”. Và ngày nay có phải
chúng ta sẽ vẫn nói như thế không? Chúng ta có được phép không? “Ít nhất là một gì đó phải
bị bệnh ở đây,” chúng ta vặn lại. Những con người khôn ngoan
nhất này của tất cả thời đại, trước hết nên xem xét họ nghiêm nhặt. Có phải họ
tất cả có lẽ đã lập cập đứng không vững trên hai chân họ hay không? trễ muộn ?
tập tễnh ? những kẻ suy đồi ? Có thể chăng sự khôn ngoan xuất hiện trên trái
đất như một con quạ, đã khởi hứng từ chút hơi thoảng mùi xác thú vật thối rữa?
2
Ý tưởng bất kính này rằng những nhà hiền triết
lớn là loại suy đồi đầu tiên xảy đến với tôi đúng trong
một trường hợp ở đó thành kiến của học giả và
không học giả đều phản đối mạnh mẽ nhất: Tôi đã nhận ra Socrates và Plato là
những triệu chứng của sự suy đồi thoái hóa, như những tác nhân của sự phân huỷ
Hylạp, như giả-Hylạp, như phản-Hylạp (Birth of Tragedy, 1872). Sự đồng thuận của những hiền triết [23], tôi thấu hiểu điều này lại càng rõ ràng hơn –
chứng minh ít nhất trong tất cả rằng họ đã đúng trong những gì họ đã cùng đồng
ý: nó cho thấy đúng hơn là chính bản thân họ, những con người khôn ngoan nhất
này, đã đồng ý trong một vài phương diện tâm
sinh lý, và do đó đã chấp nhận cùng một thái độ tiêu cực với đời sống – đã phải chấp nhận nó. Những phán đoán,
những phán đoán về giá trị, liên quan đến đời sống, thuận với nó hoặc chống lại
nó, đến cuối cùng, có thể không bao giờ là đúng: chúng có giá trị chỉ như những
triệu chứng, chúng là xứng đáng với xem xét cân nhắc chỉ như những triệu chứng;
trong bản thân chúng những phán đoán như vậy là những ngu xuẩn. Người ta chắc
chắn phải duỗi ra chỉ một ngón tay và làm cái cố gắng cỏn con để nắm lấy sự
tinh tế kinh ngạc này, rằng giá
trị của đời sống không thể đem ước tính được. Không phải bởi kẻ đang sống,
vì họ là một phe có quan tâm hơn thiệt, thậm chí một nguyên nhân tranh chấp, và
không phải những quan tòa; không phải bởi kẻ chết, vì những lý do khác biệt.
Đối với với một triết gia để thấy một vấn đề trong giá trị của đời sống thì như
vậy là một dị nghị với ông ta, một dấu hỏi liên quan đến sự khôn ngoan của ông,
một sự không-khôn ngoan. Thực vậy chăng? Tất cả những con người khôn ngoan lớn
lao này, – họ đã không chỉ là những kẻ suy đồi, nhưng không khôn ngoan gì hết
tất cả phải không? Nhưng để tôi trở lại vấn đề của Socrates.
3
Về gốc gác, Socrates thuộc tầng lớp thấp nhất:
Socrates là người dân giả. Chúng ta biết, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy cho
chúng ta, ông xấu xí như thế nào. Nhưng sự xấu xí, tự thân nó là một khó chịu
không ưa, thì giữa những người Hylạp gần như là một phản bác. Trong tát cả, có
phải Socrates đã là một người Hylạp hay không? Sự xấu xí thì thường đủ là biểu
hiện của một phát triển vốn đã bị lai giống, bị
cản trở bởi sự pha giống.
Hoặc nó xuất hiện như sự phát triển chiều đi xuống. Những nhà nhân chủng học
trong những nhà tội phạm học cho chúng ta biết rằng mẫu tội phạm điển hình thì
xấu xí: mặt xấu như ma, lòng
ác như quỉ [24]. Nhưng kẻ tội phạm là một thoái hóa. Có phải
Socrates đã là một tội nhân điển hình? Ít nhất điều này không mâu thuẫn với
phán đoán nổi tiếng của người coi tướng mặt vốn nghe có vẻ rất xúc phạm với
những người bạn của Socrates. Một người nước ngoài biết xem tướng mặt, một lần
có đi qua Athens và đã bảo thẳng vào mặt Socrates rằng ông đã là một monstrum [25] – rằng ông ấp ủ trong chính ông tất cả những tật
xấu và thèm khát. Và Socrates chỉ đơn thuần đã đáp lại: “Ngài biết tôi, thưa
ngài!”. [26]
4
Sự suy đồi của Socrates được đưa lên chú ý không
chỉ bởi tính phóng đãng đã thú nhận và trạng thái hỗn loạn của những bản năng
của ông, nhưng cũng bởi còn sự phình nở của cơ năng suy luận lôgích và tài mỉa mai châm biếm của kẻ còi
xương vốn phân biệt ông ta.
Chúng ta cũng không nên quên những ảo giác thính giác, như là “quỉ thần của Socrates,” [27] vốn đã được giải thích theo chiều tôn giáo. Tất
cả mọi thứ trong ông là được phóng đại, một
kẻ đóng kịch diễu [28] , một bức tranh hí họa, đồng thời tất cả mọi thứ
thì che dấu, thầm kín, bí mật dưới lòng đất. Tôi tìm để hiểu những gì phong
cách riêng đã dựng nên phương trình của Socraté về lý trí, đức hạnh, hạnh phúc;
cái phương trình quái lạ nhất của tất cả những phương trình, hơn nữa, vốn trái
ngược với tất cả những bản năng của Hylạp trước đó.
5
Với Socrates, thị hiếu của Hylạp thay đổi,
nghiêng sang thích suy luận biện chứng hơn. Điều gì thực sự đã xảy ra ở đó?
Trên tất cả, một thị hiếu cao thượng đã bị đánh bại, với phép biện chứng, giới
dân giả trèo lên đến đỉnh, thắng lợi. Trước Socrates, tác phong biện chứng đã
bị thoái thác trong xã hội tốt đẹp: chúng bị coi là cách cư xử lấc cấc, chúng
đã là sự hòa giải với kết quả thấp hơn mong đợi. Những người trẻ đã được dặn
trước phản lại chúng. Hơn nữa, tất cả những trình bày lọai như thế về lý do của
một người đã là không tin cậy được. Những điều trung thực, như con người trung
thực, không giữ những lý do của họ trong tay họ như thế. Đó là khiếm nhã sỗ
sàng để chưng ra tất cả năm ngón tay. Những gì đầu tiên phải được chứng minh
thì có giá tri ít ỏi. Bất cứ chỗ nào uy quyền vẫn tạo thành một phần của tư
cách tốt, ở chốn người ta không đưa ra những lý do nhưng những mệnh lệnh, kẻ xử
dụng phép biện chứng là một loại anh hề buồn cười: người ta cười anh, người ta
không xem anh là nghiêm trang quan trọng. Socrates đã là một người hề buồn
cười, là người đã làm mình
được nhận xem là nghiêm trang quan trọng: những gì thực sự đã xảy ra ở đó?
6
Người ta chọn biện chứng chỉ khi nào người ta
không có phương cách nào khác. Người ta biết rằng với nó người ta gợi lên sự
ngờ vực, rằng nó không phải là rất thuyết phục. Không gì thì dễ dàng để xóa đi
hơn là một tác động biện chứng: kinh nghiệm của tất cả những cuộc hội họp mà
trong đó có những phát biểu chứng minh điều này. Nó chỉ có thể là tự-bảo vệ cho những người thôi không có những vũ
khí khác. Người ta phải làm cho quyền của người ta thành có hiệu lực: cho đến
khi người ta đạt đến điểm đó, người ta không dùng được nó vào việc gì cả. Người
Dothái đã là những nhà biện chứng vì lý do đó; Con cáo Reynard [29] đã là một – và cả Socrates nữa?
7
Có phải sự mỉa mai của Socrates là một biểu hiện
của sự nổi loạn? Của lòng phẫn hận ressentiment [30] bình dân? Có
phải ông ta, như một người bị áp bức, thích thú sự tàn bạo của ông trong những
nhát dao ấn mạnh của tam đoạn luận của ông? Có phải ông ta trả thù cho mình trên những người quý phái mà
ông mê hoặc? Là một nhà biện chứng, người ta nắm trong tay một dụng cụ tàn
nhẫn; người ta có thể trở thành một bạo chúa bằng những phương tiện của nó,
người ta có thể làm tổn thương những ai là người bị chinh phục. Nhà biện chứng
để mặc cho đối thủ của mình chứng minh rằng người này không là xuẩn ngốc: đồng
thời, ông làm cho người ta tức giận và bất lực. Nhà biện chứng làm cho trí tuệ
của đối thủ của mình bất lực. Thực vậy không? Có phải phép biện chứng chỉ là
một hình thức của sự trả thù trong Socrates?
8
Tôi đã giải thích về điều Socrates có thể là gớm
guốc thế nào: do đó nó tất cả là nhiều hơn cần thiết để giải thích ông có thể
mê hoặc thế nào. Rằng ông đã khám phá một loại tranh tài mới, rằng ông đã trở người đánh
kiếm bậc thày đầu tiên cho những giới quí phái của Athens, là một điểm. Ông đã
mê hoặc bởi kêu gọi trên sự thôi thúc thi đấu điền kinh của người Hylạp – ông
đã đem giới thiệu một biến thể vào thi đấu vật đọ sức giữa những đàn ông và
giới thanh niên trẻ. Socrates cũng đã là một người phong tình nổi tiếng.
9
Nhưng Socrates đã đoán được còn nhiều hơn. Ông đã
nhìn thấy qua những người Athens quí phái của ông, ông thấu hiểu rằng trường
hợp của mình, phong cách riêng của mình, thôi không còn là khác thường nữa.
Cùng một loại của sự thoái hóa đã lặng lẽ phát triển khắp nơi: Athens già cũ đã
đi đến một kết thúc. Và Socrates đã hiểu rằng tất cả thế giới cần ông, phương
tiện của ông, chữa bệnh của ông, tài xảo cá nhân của ông về tự bảo tồn. Ở khắp
nơi những bản năng đã là trong tình trạng hỗn loạn, ở khắp nơi người ta là
trong vòng năm bước của sự dư thừa: quái vật trong hồn người [31] đã là sự nguy hiểm chung. “Các thôi thúc bốc đồng
muốn đóng vai bạo chúa, người ta phải phát minh ra một phản-bạo chúa là người
mạnh mẽ hơn”. Khi nhà tướng số đã tiết lộ cho Socrates ông đã là ai – một cái
hang của những thèm khát xấu xa – người thầy vĩ đại của mỉa mai đã nói hớ một
câu khác vốn là chìa khóa để mở nhân cách của ông. “Điều này đúng,” ông nói,
“nhưng tôi làm chủ tất cả.” Socrates đã trở thành người chủ trên chính bản thân
ông như thế nào? Trường hợp
của ông, ở dưới cùng, chỉ đơn thuần là trường hợp cực đoan, chỉ là trường hợp
cụ thể nổi bật nhất của những gì sau đó đã được bắt đầu là một tình trạng kiệt
sức phổ quát: thôi không còn có ai làm chủ chính mình nữa, những bản năng quay
sang cắn phá lẫn nhau. Ông đã mê hoặc, là trường hợp cực đoan này, sự xấu xí
gây cảm hứng kinh hãi của ông đã tuyên bố ông như thế với tất cả những ai có
thể nhìn thấy: ông quyến rũ, tất nhiên, thậm chí nhiều hơn như là một trả lời,
một giải pháp, một phương thuốc rõ ràng chữa lành bệnh của trường hợp này.
10
Khi người ta tìm thấy điều là cần thiết để chuyển lý trí thành một bạo chúa, như Socrates đã
làm, sự nguy hiểm không thể là nhẹ nhàng rằng một gì đó khác sẽ đóng vai bạo
chúa. Tính hợp lý sau đó đã được va vào như vị cứu tinh, không Socrates cũng
chẳng phải “bệnh nhân” của ông đã có bất kỳ một lựa chọn nào về tư cách có lý
trí: nó là đòi hỏi thời thượng [32] , đó là phương sách cuối cùng của họ. Sự cuồng
tín mà tất cả những ngẫm nghĩ Hylạp tự ném nó trên sự hợp lý phơi bày một tình
trạng tuyệt vọng, ở đó đã có nguy hiểm, ở đó đã có chỉ một sự lựa chọn: hoặc là
để bị hoại vong – hoặc là duy lý đến phi lý. Luân lý của những triết gia Hylạp
kể từ Plato là về bệnh lý đã bị điều kiện hóa, cũng như vậy là lòng tôn kính
của họ với lý luận biện chứng. Lý trí = đạo đức = hạnh phúc, điều đó có nghĩa
đơn thuần chỉ là người ta phải bắt chước Socrates và chống lại những ham muốn
đen tối với một ánh sáng ban ngày vĩnh viễn – ánh sáng ban ngày của lý trí [33]. Người ta phải thông minh, sáng sủa, rạng rỡ với
bất cứ giá nào: bất kỳ nhượng bộ nào với những bản năng, với vô thức, dẫn đường
đi xuống.
11
Tôi đã được giải
thích về Socrates đã mê hoặc khán giả như thế nào: ông xem dường là một thày
thuốc, một vị cứu tinh. Có là cần thiết để tiếp tục để chứng minh sai lầm trong
lòng tin của ông trong “lý tính với bất cứ giá nào” không. Đó là tự lừa dối về
phần của những triết gia và những nhà đạo đức nếu họ tin rằng họ đang gỡ mình
ra khỏi sự thoái hóa suy đồi khi họ chỉ đơn thuần là gây chiến chống lại nó. Sự
gỡ thoát nằm ngoài sức mạnh của họ: những gì họ chọn như một phương tiện, như
sự cứu rỗi, thì tự thân nó là một biểu hiện khác của sự suy đồi; họ thay đổi
biểu hiện của nó, nhưng họ không gỡ thoát khỏi sự suy đồi chính nó. Socrates đã
là một sự hiểu lầm, toàn bộ sự cải thiện
đạo đức, gồm cả của những tín đồ Kitô, đã là một sự hiểu lầm. Thứ ánh sáng ban ngày chói mù mắt
nhất, lý tính với bất cứ giá nào; cuộc sống, sáng, lạnh, thận trọng, có ý thức,
không bản năng, trong đối lập với những bản năng – tất cả điều này cũng vậy
nữa, đã đơn thuần chỉ là một căn bệnh, một bệnh tật khác, và tuyệt không có nghĩa
là quay trở lại với “đức hạnh”, “sức khỏe”, với hạnh phúc. Để phải chiến đấu với những bản năng – đó
là công thức của sự suy đồi: cho đến chừng nào đời sống là theo chiều đi lên cao, hạnh phúc và bản năng là
ngang bằng nhau.
12
Có phải bản thân ông vẫn còn hiểu điều này, người
xuất sắc nhất này của tất cả những kẻ tự-làm-mình-khôn ngoan hơn người? Có phải
đây là những gì ông nói với chính mình trong phút cuối cùng, trong khôn ngoan
của sự can đảm của ông để chết? Socrates đã muốn chết: không phải Athens, nhưng
bản thân ông đã chọn liều thuốc độc hemlock,
ông đã buộc Athens phải kết án ông tử hình. “Socrates
thì không là y sĩ nào cả”, ông nói nhẹ nhàng với chính mình, “ở đây chỉ mình
cái chết là người y sĩ. Tự thân Socrates chỉ đơn thuần là đã bị bệnh một thời
gian dài”.
1
Bạn hỏi tôi, trong những triết gia những
nét nào của họ, thực sự là đặc tính khí chất nhất? Lấy thí dụ, sự thiếu vắng về
ý hướng lịch sử của họ, sự oán ghét của họ về chính ý tưởng của sự
đương-trở-thành, chủ nghĩa ướp xác kiểu Aicập [34] của họ.
Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Apr/2013)
[1] Trở
về nguyên văn – chúng ta có:
(a)
Götzen là tượng thần linh, tượng Gót (Gott) bằng thiếc, tạc theo
hay tượng trưng cho những kẻ được sùng bái.
(b)
Dämmerung có nhiều nghĩa: Nghĩa tổng quát là lúc tranh tối tranh sáng; có
thể là:
- Thời gian lúc hoàng hôn;
lúc Chạng vạng, lúc tối nhá nhem (dusk), lúc sẩm tối, lúc chập tối, lúc hoàng hôn
(nightfall),
- Thời gian lúc bình minh, rạng đông, sáng tinh mơ, buổi đầu; sự hé rạng;
tia sáng đầu tiên của hy vọng (dawn); hay lúc tảng sáng, bình minh, rạng đông
(dawn light), thí dụ: Dämmerung einer neuen Zeit: bình minh của một
thời đại mới (dawn of a new era)
Nghĩa
bóng là hoàng hôn, lúc sẫm tối, lúc Chạng vạng; thí dụ Boulevard der Dämmerung:
Đại lộ hoàng hôn – hay cũng là con đường những mộng vỡ.
Dịch sang tiếng Anh – từ twilight
(gốc tiếng Anh cổ: twi- [hai] (used in an obscure sense in this
compound) + light) cũng có nghĩa tương tự: Thứ ánh sáng mờ dịu đặc biệt
lúc giao ngày và đêm – khi chiều tàn sắp sang đêm tối, hay đêm tàn sắp chuyển
ngày sang sáng – chúng ta gọi là lúc Chạng vạng tranh tối tranh sáng. Hiện
tượng ánh sáng hắt xuống từ bầu trời khi mặt trời nằm dưới đường chân trời, gây
ra bởi khúc xạ và tán xạ của tia sáng khi chiếu qua khí quyển. Khi dùng trong số
ít, như ở đây – cũng có nghĩa bóng chỉ một tình trạng hay giai đoạn mập mờ, không
rõ, hay chậm chạp suy tàn. Nên một bản tiếng Pháp, của Henri Albert
(1868-1921), dịch là Le Crépuscule des idoles (ou Comment on philosophe
avec un marteau)
[2]
Xem Ý dục quyền lực, bản dịch của tôi
[3] Nietzsche Trường
hợp Wagner (1888)
[4] Il s’agit d’un vers du poète latin Furius Antius (premier
siècle AC), que Nietzsche a dû lire dans Aulu-Gelle,
Les Nuits attiques, qui le cite au livre XVIII, chapitre 11. Il signifie :
« Les esprits s’accroissent et la force se régénère par les blessures ». Le
poème décrit, avec une emphase toute épique, l’ardeur de la mêlée et le sol
ruisselant de sang. C’est ainsi que la vie n’augmente la richesse de son
évaluation, n’accroît la beauté de son « monde », que par le risque de l’extase
et la souffrance de la métamorphose.
[5] pied piper: không viết hoa: a
person who entices people to follow them, esp. to their doom.
[Viểt hoa: the hero of The
Pied Piper of
Hamelin, a poem by Robert Browning (1842), based on an old German legend. The
piper, dressed in particolored costume, rid the town of Hamelin (Hameln) in
Brunswick of rats by enticing them away with his music, and when refused the
promised payment he lured away the children of the citizens.]
[7] Nhiều bản Anh ngữ dịch “Sprüche
und Pfeile” là những châm ngôn và mũi tên. Nhưng đúng hơn chỉ là những câu
nói dí dỏm (epigrams) và những dấu hiệu hình mũi tên, không bắn ai,
nhưng chỉ hướng suy nghĩ, như những dấu mũi tên chỉ lối đi.
[8] Có một tục ngữ Đức: “Ăn
không ngồi rồi là sự khởi đầu của tất cả thói xấu”
[9] Không có sự-Thật tuyệt
đối (và quan điểm một lần, của chính Nietzsche “không có sự kiện chỉ có những
diễn dịch”) – và nếu có những sự thật dĩ nhiên là không đơn giản – nó có nhiều
mặt, và phải nhìn từ nhiều quan điểm (quan điểm perpectivism)
[10] Hiển nhiên – Gót là
không-gì khác hơn một lầm lẫn của con người. Một lầm lẫn tai họa quá lâu dài!
Gót biết mình lầm lẫn nên đã đuổi
ngay con người ra khỏi vườn của ông – nhưng con người biết mình lầm lẫn nhưng
đến nay vẫn chưa đuổi được Gót khỏi mặt đất này. Bạn và tôi biết tại sao – vẫn
có đông người yếu đuối ôm bóng tưởng tượng của ông ta!
[11] Nietzsche: Hãy tự trọng,
yêu, lo lấy mình – thiên hạ giúp hay không – rồi sẽ đến sau, nhưng trước hết,
đừng chỉ trông mong vào đấy.
Mỉa mai ý trong Tân ước – “Ngươi hãy
yêu thương người láng giềng như mình vậy” – Mark 12:30-31
[12] Hãy can đảm nhận trách
nhiệm hành động của mình.
[13]
Nhắc lý thuyết của John Stuart Mill (1806–73), English
philosopher and economist. He is best known for his political and moral works,
esp. On Liberty (1859), which argued
for the importance of individuality, and Utilitarianism
(1861), which extensively developed Bentham's theory.
[14] “Bánh mì và Circe” [panem
et circenses], bánh mì và
đoàn xiếc – ở đây Nietzsche chơi chữ, ông đổi sang thành “bánh mì và Circe “ –
nghĩa là thành “bánh mì và nàng phù thủy Circe”.
– Circe: tên an
enchantress who lived with her wild animals on the island of Aeaea. When
Odysseus visited the island, his companions were changed into pigs by her
potions, but he protected himself with the mythical herb moly and forced her to
restore his men into human form.
[15] Lý thuyết ý dục quyền lực của ông: những gì quanh ta đều hàm chứ
một ý dục, nếu không của ta thì của một ai nào khác. Ý nghĩa của sự vật đến từ
ý dục con người, tự thân sự vật không có ý nghĩa nào cả, không có thứ ý nghĩa
gọi là khách quan, phổ quát – sự vật có một ý nghĩa nào đó – thí dụ ý nghĩa về đời
sống, về tốt, xấu.... đều là đã được gán cho, và đều là từ một ý dục nào đó của
một ai, giai cấp nào đó, từ thời nào đó, chế độ, tôn giáo, nền luân lý nào
đó,... đã gán cho nó, khoác cho nó ý nghĩa đó – và khi chúng ta chấp nhận ý
nghĩa này, chúng ta đã tuân theo – có thể làm nô lệ tinh thần cho ý dục ban đầu
kể trên trong ý nghĩa của sự vật mà chúng ta chấp nhận.
[16] Người Nga không ác –
Nietzsche thanh minh cho họ – bằng âm nhạc – vì dân Đức thích nhạc và đều biết
Nga có nền âm nhạc rất cao – Nietzsche rất ngưỡng mộ Dostoevsky – Nietzsche có
lần mô tả Dostoevsky như “the only person who has ever taught me anything about
psychology”.
[17] một hệ thống thường đóng
kín, dù rằng người nói nó là một hệ thống mở, hay hệ thống hở; nhất định nó sẽ
gạt ra ngoài những tiến bộ trong tương lai. Thí dụ hệ thống hình học mặt phẳng
của Euclid.
[18] Khiêm tốn: là khi
người ta đánh mình, mình chạy đi, người ta tát mình, mình che mặt, đó mới là
nhún nhường, khiêm tốn và chưa kể là cũng khôn ngoan đích thực (khi mình yếu,
không muốn bạo động; ba mươi sáu kế, người Tàu bảo – chạy là kế sách cao nhất!) – chứ không
phải là cái kiểu “Song ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai
vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn” – (Matthew 5:38-39) – Tâm
lý của nô lệ!
[19] Không nói dối, không giả
cách vì tự trọng, vì danh dự; khác với không nói dối vì mê tín sợ một vị Gót vô
hình trừng phạt, trường hợp này là do hèn nhát (tâm lý hèn nhát nô lệ); không
do danh dự (tâm lý của người làm chủ, cao thượng).
[20] On ne peut penser et
ecrire qu'assis.
[21] Nguyên văn “Der
Enttäuschte spricht. — Ich suchte nach grossen Menschen, ich fand immer nur die
Affen ihres Ideals”.
[22] Asclepius là một anh hùng
Hy Lạp, người sau này trở thành vị thần Hylạp của y học và chữa bệnh. Là con
trai của Apollo và Coronis. Ông được thờ trong khắp thế giới Hylạp, nhưng đền
thờ nổi tiếng nhất của ông tại Epidaurus, nằm ở đông bắc Peloponnese. Vật tượng
trưng quen thuộc của Asclepius là cây gậy của thày thuốc với một con rắn
Asclepian quấn quanh, và tồn tại đến ngày nay là biểu tượng của nghề thày
thuốc. Con gà trống cũng rất thiêng liêng với Asclepius và là con vật người ta
thường giết và dâng cúng lên bàn thờ ông.
Những người Lamã cũng tôn
sùng Asclepius, nhưng đổi tên ông sang Latin; gọi ông là Aesculapius.
Về cái chết của Socrates –
xem thêm Plato – Phiên Tòa và cái Chết của Socrates, bản
dịch của tôi.
[23] Latin trong nguyên văn: “consensus
sapientium”.
[24] Latin trong nguyên văn
“monstrum in fronte, monstrum in amino”.
[25] người xấu xi gớm guốc,
xấu như ma.
[26] Giai thoại về Socrates và
người thày tướng số Zopyrus do Cicero kể lại.
Có một câu chuyện do
Cicero kể lại, trong đó chúng ta nghe nói rằng một thày tướng số BaTư nổi tiếng
tên là Zopyrus một lần đến Athens. Ông đã có thể đọc các nhân cách và tâm trí
của người ta bằng cách quan sát khuôn mặt của họ. Giữa chợ, Socrates ngồi trước
Zopyrus để ông này xem tướng. Sau khi kiên nhẫn xem xét khuôn mặt của nhà triết
học, Zopyrus kêu lên: “Thưa ngài, tôi chưa bao giờ thấy một khuôn mặt như của
ngài. Sự thực, ngài thực sự một con quái vật, một sai lầm của thiên nhiên!”. Bình tĩnh Socrates trả lời:
“Thưa ngài, những gì ngài thấy là những gì tôi đã là, không phải là những gì
tôi hiện là”.
Zopyrus, xưng có thể biết
những thói quen và cách cư xử của con người từ dạng hình thân thể của họ, mắt,
mặt và trán, và đã mô tả nhân cách Socrates là ngu ngốc, nhục dục và đần độn (bardus).
Alexander Aphrodisiensis cho biết thêm rằng, khi những học trò cười nhạo phán
xét này, Socrates nói rằng đó là sự thật, đó đã là bản chất của mình trước khi
triết học đã thay đổi ông.
[27] daimonion hay daimōn: Socrates nói là mình thường nghe
quỉ thần trong mình lên tiếng, thí dụ ngăn ông đừng làm một điều gì đó. Xem
thêm Plato – Phiên Tòa và cái Chết của Socrates, bản
dịch của tôi
[28] buffo
[29] Reynard the Fox: Con cáo khôn ngoan, anh hùng trong một
số chuyện động vật từ thời trung cổ châu Âu. Mặc dù Reynard ranh mãnh, phi
luân, hèn nhát, và tự tư tự lợi, nhưng nó vẫn là một anh hùng đáng cảm thông,
trượng trưng cho khôn ngoan là một điều cần thiết cho sự sống còn. Nó cũng
tượng trưng cho sự chiến thắng của khéo léo, xảo quyệt trên sức mạnh vũ phu.
[30] Xem thêm Nietzsche – Về Lai lịch của Đạo đức ; bản dịch của tôi.
[31] monstrum in amino
[32] de rigeur
[33] Xem thêm Plato – Dụ Ngôn Cái Hang – bản dịch của tôi, những gì
Nietzsche bóng gió ở trên đều có ý nhắc nội dung dụ ngôn nổi tiếng này (hang
tối và ánh sáng lý trí).
[34] Egypticism