Thursday, July 6, 2017

Plato – Republic (02)

Plato 
The Republic 


(Πλάτων - Πολιτεία)









Những nhân vật trong Republic [1]


Toàn thể Republic là lời kể của Socrates. Plato đã viết quyển sách như thể nhân vật Socrates kể lại cho chúng ta nghe về một buổi trò chuyện ông ‘mới xảy ra ngày hôm qua’. Trong văn bản Hellas có đầy những mẩu nhỏ: “ông đã nói...” nhắc nhở người đọc về sự kiện này.

Socrates người thành Athens (469–399 TCN): Con của Sophroniscus và Phaenarete, dân xã (deme) Alopece. Người kể chuyện chính của đàm thoại; đoán chừng vẫn trong tuổi trung niên khi đàm thoại này diễn ra ở nhà Cephalus.

Glaucon:  người anh (khác cha) của Plato; người nói chính trong quyển 2-10; một thanh niên
Adeimantus: một người anh khác (khác cha) của Plato; người nói chính trong quyển 2-10; một thanh niên, có vẻ như một nhà thơ

Polemarchus: con trai của Cephalus: Anh của Lysias và Euthydemus. Bị Nhóm 30 Bạo chúa giết năm 404 TCN. Cũng nhắc trong  Phaedrus. Người đã đón Socrates về chơi nhà ở Piraeus, thành phố cảng của Athens. Trong bữa ăn tối, Polemarchus tiếp tục lập luận của cha mình, trong quyển 1

Euthydemus: con Cephalus, em Polemarchus. Có mặt nhưng không nói gì trong Republic

Cephalus: Một người giàu có, ở ngoại thành Athens. Cha của Polemarchus, Euthydemus, and Lysias. Người đầu tiên thử đưa ra định nghĩa về công lý.

Thrasymachus người thành Chalcedon (Thế kỷ V TCN):  một sophist và giáo sư về thuật hùng biện; sau này ông làm đại sứ cho thành phố đó (ở Athens?):  Người đối lập với Socrates trong quyển 1.

Niceratus người thành Cydantidae: Con của Nicias. Như Polemarchus, là nạn nhân của Nhóm 30 Bạo chúa năm 404 TCN. Có mặt nhưng không nói gì trong Republic 327c2

Clitophon: thanh niên trẻ người Athens. Người ủng hộ quan điểm của Thrasymachus.


Tóm tắt
Gồm 10 quyển – từ  [327a] đến [621d]

Quyển 1
Đang trên đường trở lại Athens sau một lễ hội tôn giáo ở Piraeus, Socrates cùng Glaucon gặp Polemarchus, và được người này ép mời cả hai về chơi, ở nhà người cha của mình là Cephalus. Ở đây, Socrates và Cephalus bàn luận về những gánh nặng của tuổi già. Cephalus tuyên bố rằng, trong khi những gánh nặng này được sự giàu có làm giảm nhẹ, nó là những cá tính và thói quen của con người, không phải tuổi tác của họ, đã ấn định đời sống của họ giống như những gì. Sự giàu có thì chủ yếu quan trọng, ông tuyên bố, bởi nó làm giảm cơ may có thể bị cám dỗ phạm vào những bất công vì nghèo túng, và do đó làm nhẹ đi sợ hãi về những gì sẽ xảy ra sau cái chết. Điều này dẫn đến một thảo luận về công lý, mà tự nó sẽ lên đến đỉnh cao – trong nhiều quyển sách sau đó – trong một huyền thoại về thế giới bên kia (Quyển 10). Cephalus tuyên bố rằng công lý gồm trong nói lên sự thật và trả lại một người những gì nợ người ấy. Trước khi có dịp đáp ứng với phê bình của Socrates về định nghĩa của ông, Polemarchus chen vào ngắt lời. Cephalus giao luận chứng cho anh ta và bỏ cuộc bàn luận, để phải đi dự một lễ hiến sinh với những vị gót. Tiếp theo là một xem xét của Polemarchus, trong tiến trình đó, ông buộc phải từ bỏ một số những quan điểm khác nhau về công lý mà ông đã thu tập dọc đường. Thrasymachus đòi Socrates đem cho một giải thích tích cực của chính ông về công lý, nhưng thay vào đó, đã bị thuyết phục để chính mình đưa ra một giải thích. Công lý, Thrasymachus tuyên bố, là những gì là thuận lợi cho kẻ mạnh hơn. Thrasymachus bảo vệ nó với hai luận chứng riêng biệt (338d-341a, 343a-344c), vốn Socrates sau đó cố gắng để phản bác.

Quyển 2
Không hài lòng với thành quả đã có được ở cuối Quyển 1, Glaucon và Adeimantus đổi mới luận điểm của Thrasymachus. Để đáp lại, Socrates phải cho thấy rằng công lý là lựa chọn xứng đáng (a) vì chính nó, và (b) vì những hậu quả của nó (357a-358a). Socrates không hoàn thành luận điểm (a) của mình cho cho đến cuối Quyển 9.
Socrates chuyển tranh luận từ công lý cá nhân sang công lý chính trị. Ông mô tả một thành phố lý tưởng hay thành phố hoàn toàn tốt đẹp – Kallipolis. Sau khi định chỗ của công lý trong nó, ông sẽ tìm công lý trong hồn người. Thành phố đầu tiên ông mô tả bị Glaucon gạt bỏ bởi như chỉ phù hợp cho những con lợn, không phải cho dân chúng lịch lãm Athens. Thành phố thứ hai thì sang trọng hơn. Tuy nhiên, sự hiện diện của những ham muốn trong nó nhiều hơn những nhu cầu cần thiết được cung cấp trong thành phố đơn giản hơn trước đây của nó, dẫn đến phe phái dân sự và chiến tranh. Để ngăn chặn những điều này phá hủy thành phố, cần có quân đội cảnh sát. Đây là những người giám hộ. Tài sản tự nhiên họ cần và giáo dục họ phải có sẽ được mô tả tiếp theo. Vì giáo dục âm nhạc bắt đầu trước giáo dục thể dục, nội dung của nó, đặc biệt những loại câu chuyện mà những người giám hộ tương lai nên nghe về những vị gót và anh hùng là đề mục đầu tiên của công việc dạy dỗ (377e).

Quyển 3
Thảo luận về những câu chuyện này được tiếp tục. Một khi xong xuôi, Socrates quay sang nội dung của những câu chuyện về con người, chỉ để trì hoãn thảo luận của mình cho đến Quyển 10. (Ông giải thích tại sao ở 392a-c). • Những phong cách thích hợp cho những câu chuyện này nên có, và những đặc trưng cho những hòa âm và nhịp điệu thích hợp cho lời những bài thơ tụng và những bài hát. • Kế tiếp là huấn luyện thể dục • Đề tài cuối cùng là sự lựa chọn những nhà cầm quyền (gồm “huyền thoại về những kim loại”), và nhà ở và lối sống của những người bảo hộ (412b-417b).

Quyển 4
Một câu hỏi của Adeimantus về hạnh phúc của những người bảo hộ dẫn Socrates sang nói rõ mục đích của Kallipolis, đó là không làm một nhóm bất kỳ công dân nào có hạnh phúc nổi bật với gây thua thiệt cho những công dân khác, nhưng để làm cho tất cả mọi người đều hạnh phúc như bản chất của họ cho phép (421c). Mục đích này sẽ đạt được, ông lập luận, nếu người giám hộ bảo vệ hệ thống của giáo dục tiểu học được mô tả trong Quyển 2 và 3. Vì nó là những gì cung cấp huấn luyện về đạo đức chính trị mà nếu không có nó không hệ thống pháp luật hay hiến pháp có thể hy vọng đạt được bất cứ gì đáng giá (423c-427a). • Những vị trí của tôn giáo trong Kallipolis sau đó thảo luận ngắn gọn (427b-c). • Kallipolis được ghi nhận là hoàn thành (427d). Vì nó thì tốt hoàn toàn (427e), nó phải có tất cả những đức tính của một thành phố (xem 352d-354a): khôn ngoan, can đảm, tiết độ, và công lý. Đến khi chúng được tìm xong xuôi (434d), chúng tất cả đều được xác định với những tính chất cấu trúc riêng biệt của Kallipolis. • Điều này dẫn đến tranh luận về sự phân chia hồn người vào thành ba yếu tố – thèm khát, tinh thần, và hợp lý – vốn tương ứng với ba giai cấp chính trong Kallipolis – những người sản xuất, những người giám hộ, và những người cai trị (435c-441c). Một khi lập luận này được đặt định, điều vẫn còn là để tìm những đức tính trong hồn người và để cho thấy rằng chúng đều có cùng những tính chất cấu trúc riêng biệt của nó như là của Kallipolis (441c-444e). • Đến đây, Glaucon đã sẵn sàng để ghi nhận công lý là sự chon lựa xứng đáng hơn bất công, nhưng Socrates thì không (445a-b). Theo quan điểm của ông, câu hỏi không thể được trả lời cho đến khi nhiều việc hơn nữa còn phải làm về đức hạnh và tật xấu.

Quyển 5
Thảo luận về đề tài đó bị Polemarchus và những người nói chuyện khác làm gián đoạn, họ tất cả đều muốn Socrates giải thích nhận xét (423e4-424a2) ông đã nói về những người bảo hộ cùng có chung những phụ nữ và trẻ em. Trả lời dài của Socrates chiếm phần lớn của cuốn sách. Trong đó, ông có đề nghị cách mạng rằng trẻ em cần được thành phố nuôi dưỡng thay vì cha mẹ đẻ của chúng, và rằng những người nam và nữ có cùng những khả năng tự nhiên như nhau sẽ nhận được cùng loại giáo dục và huấn luyện, và làm cùng loại công việc như nhau, bao gồm cả bảo vệ và cai trị. • Thay đổi nhỏ nhất nhưng sẽ chuyển hóa một thành phố đang có thành Kallipolis, Socrates lập luận, là cho những nhà vua hay những nhà cai trị của nó để trở thành những triết gia, hay ngược lại. Phần còn lại của Quyển 5 là bắt đầu vẽ chân dung của những triết gia của Socrates, tiếp tục cho đến hết Quyển 7. Nó bao gồm một luận chứng phức tạp nhằm mục đích để cho thấy rằng chỉ có những triết gia mới có thể đến được những thể dạng, và nếu không đi đến được như vậy, kiến ​​thức thì không thể có (474c4-480a13).

Quyển 6
Những triết gia thực thì trái ngược với những người thông thường vẫn được gọi là.những nhà triết học • Những triết gia thực nắm vững những đề tài quan trọng nhất (503e), những đề tài dẫn đến kiến ​​thức về thể dạng, của sự tốt lành (504e-505b). • Socrates không thể giải thích trực tiếp điều này là gì, nhưng trong những dụ ngôn về mặt trời và về đường thẳng phân đoạn, ông cố gắng đem cho một giải thích gián tiếp về chúng (507a-511e).

Quyển 7
Quyển 7 bắt đầu với Dụ Ngôn Cái Hang nổi tiếng, với chủ ý để hợp với dụ ngôn Mặt trờidụ ngôn Đường thẳng Phân Đoạn (517b), bằng cách minh họa những tác động của giáo dục trên hồn người (514a). Thảo luận về giáo dục của những triết gia tiếp tục. Giáo dục căn bản bắt đầu với huấn luyện âm nhạc và thể dục và toán học sơ yếu (535a-537b) theo sau là hai hay ba năm thể dục bắt buộc (537b-c), mười năm giáo dục trong khoa học toán học (537c-d, 522c-531d), năm năm huấn luyện về biện chứng (537d-540a, 531e-535a), và mười lăm năm huấn luyện chính trị thực hành (539e-540a). Sau khi được giáo dục như vậy, người thụ nhận nó sẵn sàng để nhìn thấy cái tốt tự thân và là những nhà vua-triết gia (540a).

Quyển 8
Mô tả Kallipolis và cá nhân có đặc điểm giống như nó – nhà vua-triết gia – đã hoàn tất. Vì vậy, Socrates trở lại luận chứng bị gián đoạn vào đầu quyển 5. Ông mô tả bốn loại người ta và bốn loại hiến pháp vốn là kết quả khi những người thuộc những loại này cai trị một thành phố. Ông trình bày những điều này như bốn giai đoạn trong sự mục nát ngày càng tăng hay sự suy sụp của Kallipolis, giải thích tại sao Kallipolis sẽ suy sụp bằng cách gọi đến câu chuyện của Muses về “ số hình học “(546a-547a). • Thành phố có khuyết điểm đầu tiên Socrates mô tả là một timocracy, được cai trị bởi những người được những yếu tố tinh thần trong hồn người của họ cai trị. • Thứ hai là oligarchy, được cai trị bởi những người được những khẩu vị cần thiết của họ cai trị. • Thứ ba là một democracy, được cai trị bởi những người được những ham muốn không cần thiết của họ cai trị • Thành phố tồi tệ nhất của tất cả là một tyranny, được cai trị bởi một người nào đó được những ham muốn vô luật pháp không cần thiết của người ấy cai trị.

Quyển 9
Một mô tả dài dòng về nhà tyrant bắt đầu cuốn sách. Socrates sau đó sẵn sàng đáp ứng với thách thức Glaucon nêu lên ở Quyển 2. • Đáp ứng của ông bao gồm ba luận chứng phức tạp. (580a-c) Luận chứng đầu tiên gọi tới mô tả của năm thành phố và năm đặc tính tương ứng. Nó kết luận rằng một nhà vua nhà triết gia là người hạnh phúc nhất và công chính nhất trong số mọi người, một nhà timocrat thứ nhì, một oligarch thứ ba, một nhà democrat thứ tư, và một tyrant thì hạnh phúc và công chính ít nhất. Luận chứng thứ hai (580d-583b) gọi tới sự phân chia hồn người thành một nhóm có ba phần. Socrates biện luận rằng sự lượng giá của một triết gia về sự dễ chịu thú vị tương đối của đời sống của ông ta và của những người yêu-tiền và những người yêu-danh dự thì đáng tin cậy hơn so với lượng giá về sự dễ chịu thú vị tương đối của đời sống của ông và của họ. Lập luận thứ ba (583b-588a) dùng lý thuyết siêu hình phát triển trong quyển 5 đến quyển 7, cùng với lý thuyết tâm lý của quyển 4, để phát triển một lý thuyết phức tạp về lạc thú. Nó kết luận rằng lạc của triết gia thì thật hơn và tinh khiết hơn so với của một người yêu-tiền hay của một người yêu-danh dự.

Quyển 10
Loại thơ về con người được cho phép trong Kallipolis – đã tạm hoãn bàn luận trong quyển 3 (392a-c) – bây giờ có thể được xem xét lại. Do sự quan trọng của huấn luyện âm nhạc và thể dục (424b-425a), đề tài này thì không tụt xuống từ cực điểm, nhưng đúng hơn thời điểm mà tại đó triết học mới, dựa trên giáo dục của Socrates, phải đối diện với một truyền thống dựa trên thi ca. Trọng tâm cho thảo luận là một giải thích mới về mimesis – sự bắt chước – dựa trên những lý thuyết siêu hình của quyển 5 đến 7. • Đề tài tiếp theo là sự bất tử của hồn người. • Cuối cùng, bằng cách gọi đến huyền thoại của Er, Socrates lập luận rằng những hiệu ứng của công lý, cả trong đời này và đời sau, rất lớn hơn nhiều so bất công. Điều này hoàn tất luận chứng rằng công lý thì đáng chọn lựa, cả vì lợi ích riêng của tự nó và vì những hiệu ứng của nó, và như vậy thuộc về cái tốt nhất của ba nhóm hàng hoá mà Glaucon đã phân biệt.

Người dịch 

Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Oct/2010 – đọc lại May/2018)










[1] Vài lời trước khi bắt đầu dịch tập The Republic

1.
Lý do đơn giản đầu tiên – khiến tôi dịch Plato vì cho đến nay vẫn chưa có một bản dịch tiếng Việt. toàn vẹn tập Republic quan trọng này (? – như tôi biết – 2011) Tôi nhìn nó như một tập sách rất quan trọng không chỉ triết học, nhưng về lý thuyết chính trị; chúng ta có lẽ sẽ không hiểu lịch sử chính trị phương Tây nếu chúng ta bỏ qua những gì bàn bạc trong tập này của Plato.  Thêm nữa, khó có thể nghĩ ra một quyển sách nào tốt hơn Republic như một dẫn nhập vào triết học, hay thức ăn cho tư tưởng cho bất kỳ một ai. Ở đây, Plato phác vẽ một đạo đức học của lý trí, thăm dò những thể dạng tuyệt đối, và giới thiệu những câu hỏi chính trị, từ cộng sản đến phụ nữ bình quyền. Nhưng để những ý tưởng này trực tiếp và trung thực, đến với những người đọc Việt, phải có một văn bản Republic tiếng Việt.

Republic của Plato là một trong những quyển sách vĩ đại nhất và gây nhiều tranh luận nhất từng được viết. Nhưng đây cũng không phải là một trong những cuốn sách dễ đọc nhất từng được viết. Không ai có thể mong những người đọc bản dịch này – vì còn tạm thời và không hoàn toàn – có thể nắm vững được nó trọn vẹn: nhưng có thể mong những độc giả với ít nhiều cố gắng sẽ đi đến hiểu được những luận đề chính của nó – càng nhiều càng tốt, và sau đó dùng những gì hiểu được này, đặc biệt là những biện luận về công lý (a) giúp người đọc suy nghĩ: dân chủ là gì và có ý nghĩa gì với những người Greece thời đó, và (b)có ý nghĩa gì với chúng ta ngày nay? Republic này có liên quan gì đến chế độ dân chủ? Không gì nhiều cho lắm! Có thể nói phần lớn Republic không liên quan gì đến chế độ gọi là dân chủ cả, Kallipolis của Plato thực sự hoàn toàn phản dân chủ! Nhưng đó chính là vấn đề. Republic của Plato là một tấn công quan trọng nhất vào tư tưởng và chế độ dân chủ ngay từ khi nó được viết ra trong thời cổ Hellas. Hiểu được điều gì sai lầm với Republic là một cách hay nhất để hiểu được những gì là đúng và sai về dân chủ, gồm cả dân chủ của polis Athens thời Plato, và dân chủ trong thời đại chúng ta.


Thế nên tập sách này không thể thiếu với những gì liên hệ xa gần với khái niệm “dân chủ” – trong thế kỷ XX, đặc biệt trong những quốc gia sau thời thuộc địa. Trong Republic, chúng ta tìm thấy những câu hỏi nền tảng của những lý thuyết chính trị, Plato là người bắt đầu bàn luận sâu xa về những khái niệm chính trị và trong đó có dân chủ. Tập sách của Plato là tập sách quan trọng nhất – đã từng viết – để tấn công và phê phán khái niệm dân chủ. Hiểu những gì là – tiêu cực của tập sách – được cho là sai lầm, không tưởng – trong Plato, sẽ giúp chúng ta trưởng thành về dân chủ – những gì xảy ra với dân chủ ở Athens hơn hai nghìn năm trước đây, nay vẫn lập lại trong thời đại chúng ta.

Lý do thứ hai – là đem lại một văn bản tham khảo – ít nhất là cho Chương 14. Cõi-Không-tưởng (Utopia) của Plato, cho bộ Lịch sử Triết học phương Tây của Bertrand Russell. Đây cũng là lý do tôi đã dịch Apology, và sau khi dịch xong thấy những vấn đề trong Apology tự nó đẩy sang Republic, như Bloom viết trong bài dẫn nhập trên, tuyên bố Republic là một khai triển của Apology, tôi chịu ảnh hưởng này của Bloom, nên – đường này dẫn đến lối kia, và cũng nghĩ -Tôi ngờ nếu có bao giờ quay lại – nên bắt tay dịch Republic, khi thời giờ còn cho phép. Ít nhất là quyển I, VI và VII. Một điều khuyến khích tôi là hiện nay thư mục về Republic và Plato tràn ngập, dễ tìm; chỉ không có thì giờ đọc, nhưng tài lịệu thì không thiếu!

Lý do thứ ba – có một quan niệm rất thường được nhắc nhở về thơ – của Plato, và ở đây trong Republic, chúng ta tìm thấy nhiều chi tiết rõ ràng hơn, và sau đó có thể hiểu cho đúng thực nội dung của quan điểm này, và mới có thể – nếu muốn đánh giá, phê phán nó cho chân thực và công bằng. Tôi được đọc khá nhiều những tác giả Việt nam, thường phê phán hay nhắc nhở về điểm này – bằng hình ảnh “Plato đuổi thi sĩ ra khỏi thành phố” – chủ quan, tôi vẫn nghĩ đa số có lẽ họ làm dáng trí thức, hiểu như nói những gì chính mình cũng biết là không thực có hiểu biết, nhưng vẫn nói đến, vì như thế có lẽ được những người giống mình xung quanh – xem là trí thức, chẳng hạn. Vì qua những cách họ nhắc nhở được đọc đó đây – tôi không nghĩ họ từng trực tiếp đọc Plato. Vì những gì ông nói khá chi tiết, minh bạch và dễ hiểu, không thể để người nào nếu thực đọc ông phải vướng sai lầm như thế.

2.
Trong LSTHPT, Khi bắt đầu bàn về Plato, Russell giới thiệu tập Republic, và phân nó như sau:

Đối thoại quan trọng nhất của Plato, Cộng hòa (Republic), trong đại thể gồm có ba ba phần:
(a) Phần thứ nhất (đến gần cuối quyển V): gồm trong sự xây dựng một khối thịnh vượng chung lý tưởng, đó là sớm nhất trong số những Cõi-Không-tưởng Utopia. Một trong những kết luận đưa đến là những nhà cai trị phải là những triết gia.
(b) Quyển VI và VII: có quan tâm để định nghĩa từ “triết gia”. Thảo luận này dựng thành phần thứ hai.
(c) Phần thứ ba (VIII–X): bao gồm chủ yếu một cuộc thảo luận về những loại khác nhau của những hiến pháp trong thực tế, và những giá trị cùng những khiếm khuyết của chúng.

Mục đích trên danh nghĩa của tập Cộng hòa là để định nghĩa “công lý”.”

Cũng Russell, trong tập sách dẫn nhập triết học quan trọng và giá trị nhất đã từng viết về triết học phương Tây, Những Vấn đề của Triết học; tôi đã chú dịch giới thiệu, Russell cũng nhắc nhở ở phần thư mục – không thể học triết học phương Tây mà không đọc Republic – ít nhất là hai chương 7&8– Đây là lời khuyên của một bậc thày:

Sinh viên nào muốn thu tập được một kiến thức triết học cơ bản sẽ tìm thấy, vừa dễ dàng hơn, và vừa ích lợi hơn, bằng đọc thẳng một vài trong số những công trình của những triết gia lớn, thay vì cố gắng rút tỉa lấy một cái nhìn bao trùm tổng quát, từ những quyển sách loại sổ tay, hướng dẫn. Sau đây là thư mục đề nghị đặc biệt:
Plato: Republic, đặc biệt những quyển VII và VIII…”
(Russell. Những Vấn đề của Triết học – bản dịch LDB)

Đặc biệt, tôi đã dich và giới thiệu – chỉ vài trang mở đầu quyển VII – Dụ Ngôn Cái Hang (The Parable of the Cave – quyển VII, Republic) – Vậy bản dịch Republic này – của tôi sẽ làm tài liệu cho những bản dịch kia – hai tập sách của Russell – tôi đã và đang dịch.

3.
Về nhan đề Republic – tôi đã chú thích trong chương trên dẫn trên trong LSTHPT – nay lập lại ở đây:

Nhan đề của tập sách này là “Politeia” – (Πολιτεία) – (Sự cai trị polis – Polis Governance), đáng lẽ dịch là “Chính Trị”, hay “chính thể” – vì theo những học giả “regime” là từ gần nhất với “politeia”; nhưng vì đã phổ thông trong Anh ngữ là “The Republic”. Dịch như thế không đúng cho lắm, nhưng nay vẫn giữ lại vì lý do lịch sử. Gốc của từ này là “polis”, cho chúng ta – “polites”: kẻ thuộc về một thành polis, nay dịch là công dân; “politicos”: kẻ hiểu những sự việc của polis, nay dịch là nhà chính trị (stateman); “politika”: những gì liên hệ phải làm với polis, nay dịch là chính trị.

polis” đã được dich cho gọn là “city-state” – và có lẽ từ đó, đã xuất hiện từ “thành quốc”, (nghe Tàu tàu – tại sao một từ Hellas mà phải dịch sang Việt theo cửa Tàu? – mà cũng không hay đúng gì cho cam!); tôi dịch là “thành”, khi có thể, nếu cần phân biệt, giữ nguyên từ “polis”. Vì “polis” thực ra có là “thành”, nhưng không thực là “quốc”, theo nghĩa thông thường của những từ này. Như nói ở trên “polis” là một tổ chức chính trị xã hội đặc biệt của Hellas (cổ Greece), là một cộng đồng người, có chung một lối sống, tự cai trị quản lý mình, chiến đấu giữ tự do và bảo vệ hoà bình. Nó cũng là một tổ chức xã hội, kết hợp con người trong tự nhiên, có trong nó tất cả những gì cần thiết cho sự phát triển và thể hiện sức mạnh con người.

Polis – như vậy là một khái niệm thuần Hellas và đặc biệt khi nhìn trong hình thức lý tưởng của nó cho những mục đích triết học. Polis của Hellas (vẫn theo phiên âm lối Tàu là Hylạp), là cộng đồng sinh hoạt tự nhiên và thiết yếu của con người – con người phải được định nghĩa trên nền tảng polis – không có polis – con người không thể hiện, không thực sự hiện hữu, nói theo ngôn ngữ ngày nay – một người sốngsống với những người khác, con người xã hội là đặc điểm của tư tưởng Hellas. Con người đó là trung tâm của đời sống nhân loại, họ tin tưởng vào những vị gót trên Opympus, nhưng cõi người là cõi sống này, thể hiện qua polis – một tổ chức xã hội và chính trị – nếu hiểu chính trị như những qui định và những cơ chế thể hiện những qui định đó để đem lại tốt đẹp cho tương giao giữa người và người. Nên polis cũng là chính trị hiện thân. Đây là một quan điểm hết sức nhân bản – lấy con người làm trung tâm – lấy trần gian này làm nơi chúng ta sống và sống với nhau – không như sau này – đưa lý tưởng về một xã hội con người ra ngoài thời gian và không gian, không thực và đã đưa tới chiến tranh, vì những lừa dối, chà đạp con người và những gía trị đời sống của nó.

Như vậy, The Republic – Cộng Hòa – đã thành tên gọi tập sách nổi tiếng nhất của triết học phương Tây, nếu không nói là của Plato. Dựng một polis lý tưởng, một – Politeia – tổ chức chính trị xã hội lý tưởng cho con người. Lý tưởng của Plato, cũng có thể – và có những lý do – để gọi là không tưởng. Nhưng dù là lý tưởng, hay không tưởng, chúng ta chỉ có thể tự đi tìm kết luận cho chúng ta, sau khi ít nhất tìm cơ hội – và cố gắng đọc trọn The Republic.

Nay thêm:
Từ “Republic” gốc từ bản dịch Latin của Cicero: “Res publica” có nghĩa là: “những vấn đề công cộng (chính trị) “ hay “Nhà nước”. Trong nguyên văn Greek, nhan đề là “Politeia” – Πολιτεία – và như thế có thể dịch sát nhất sang Anh ngữ là “The Regime” – và như thế sang Việt ngữ là là ”Chính Thể’’, hay “Chế độ”, – sau khi đọc bản văn, sẽ thấy thích hợp hơn “Cộng hòa” như vẫn được dịch. Như vậy – cũng như Apology là một từ phiên âm, ”Republic” là một từ phiên âm, và trở về gốc ”Politeia” – khi sang Việt ngữ nên dịch là ”Chính thể’’. Tất cả liên hệ với khái niệm ”Polis” – đặc biệt của cổ Hellas.

Tuy nhiên, tôi tạm để nguyên nhan đề Anh ngữ, nội dung tác phẩm quá lớn lao khiến chúng ta có thể tạm bỏ qua, không phải bận tâm với một nhan đề, và những ai đọc Politeia cũng nên làm quen với tên gọi phổ biến của nó – Republic.

4.
Trở lại với nhan đề Politeia – đáng lẽ nên dịch là “chính thể” (regime) thay vì “cộng hòa” (republic), – và như Russell “Mục đích trên danh nghĩa của tập Cộng hòa là để định nghĩa “công lý”. “Chính thể” có nghĩa rộng rãi hơn, và có thể dùng để chỉ một toàn bộ trật tự chính trị và xã hội. Nếu chúng ta nói đến “dân chủ” (democracy) như một lối sống (của cả những người cầm quyền và không cầm quyền trong một quốc gia), không phải chỉ đơn thuần là một tiến trình để có một chính quyền dân chủ – (điển hình qua những hình thức dân cử, phổ thông đầu phiếu), nếu vậy, dân chủ sẽ là một chính thể theo nghĩa này. 

Những danh từ, đúng hơn những nội dung của những danh từ, những khái niệm: dân chủ, cộng hòa, chính thể, ... sẽ lần lượt xuất hiện trong tập Politeia . Như thế, chủ đề của tập sách theo như nhan đề là chính thể – hiểu như toàn bộ tổng thể trật tự chính trị và xã hội. Tuy nhiên chủ đề của đàm thoại, như nói ngay ở chương đầu – là công lý. Vây công lýchính thể liên hệ như thế nào? Chúng ta có thể nói như sau:

- Để có thể hiểu công lý, hay công chính, chúng ta phải nêu lên những vấn đề của chính trị
- Và công lý cuối cùng chỉ có thể thực hiện được trong một trật tự chính trị, xã hội – chính thể – nào đó.

Trở về với Plato – công lý và chính thể gặp nhau trong một polis công chính, và polis công chính có nghĩa là polis tốt đẹp nhất (kallipolis). Vậy quan tâm chính yếu của Cộng hòa là polis công chính, một polis tốt đẹp nhất, kallipolis hay chính thể tốt đẹp nhất.

Cho đến nay, mọi người đều đồng ý về những điều trên, nhưng chủ đề của tập sách cũng có khi được xem là nói về một “xã hội lý tưởng”, hay có khi mang ý phê phán – là một nghiên cứu về tư tưởng (chính trị xã hội ) không tưởng (utopia)..

Từ Utopia của Thomas More chúng ta dịch là không tưởng – có nghĩa là một-gì-đó không hiện hữu, không từng có, không có trong thực tại ở bất kỳ đâu cả. Nếu như vậy, chính thể tốt đẹp nhất, chính thể lý tưởng trong tư tưởng Plato – trong tập Cộng hòa này – là một không tưởng, một utopia trong ý nghĩa là nó không nhất thiết phải hiện hữu ở đâu cả. Nó là “lý tưởng” – nghĩa là nó không thực, hay ít nhất chưa thực – cũng có nghĩa là utopia. Như thế, Cộng hòa không là utopia, nếu chúng ta dùng từ với nghĩa mới hơn – hiểu utopia là một chốn vốn chỉ là một điều tưởng tượng của trí tưởng tượng. Đối với Plato, chính thể tốt đẹp nhất là chính thể phù hợp, đáp ứng với những đòi hỏi từ bản chất của con người. Và nếu chính thể tốt đẹp nhất đến từ những đòi hỏi từ bản chất con người, và như thế nó không tất yếu, hay nhất thiết là đã có thực! Và như thế, nhìn thấy liên hệ những với polis – chúng ta mới hiểu phát biểu của Aristotle – con người chỉ có thể phát triển toàn vẹn nhất – đạt đến mức cao nhất của nó – trong một polis – vì polis được hiểu như tổ chức chính trị xã hội có chính thể tốt đẹp nhất – chính thể công chính – đáp ứng những đòi hỏi từ bản chất con người – chính thể đó, nhà nước đó – có thể tổ chức được với mô hình lý tưởng của Plato – người thày của ông. Khuôn mặt lớn ba trong triết học chính trị cổ điển – Cicero, đã sớm nhận xét : “The Republic không đem ra ánh sáng chính thể tốt nhất có thể có được – nhưng đúng hơn, nó cho chúng ta thấy bản chất của những đối tượng chính trị – bản chất của polis” .

Tôi không đi xa hơn nữa, trong nội dung chú thích mở đầu này, chủ đích chỉ muốn nhấn mạnh đến sự liên hệ giữa những khái niệm bàn luận trong tập sách này – vì đến đây thêm những câu hỏi khác nữa sẽ tự nhiên đưa đến trước những nội dung xoay quanh những vấn đề chính thể, dân chủ, cộng hòa lý tưởng, không tưởng, công chính, ... Những câu hỏi lớn và tổng quát có thể là – những câu hỏi về chính những khải niệm nói trên, chúng có thể trả lời được không? – và sau đó – có thể thực hiện được không.

Những câu hỏi loại như thế – theo như suy nghĩ của Plato – Socrate đã dùng phương pháp tra hỏi của ông – elenchus – cách tra vấn – đi tìm định nghĩa của Socrates – đó là dẫn chúng ta vào hành trình triết học – triết lý là đi từ ý kiến (chủ quan, cá nhân,..) đến kiến thức (khác quan, khái quát, phổ quát, ... ) – chúng ta có thể có được kiến thức như vậy – trong triết lý chính trị, xã hội ở đây – hay không?

Politeia mở ra những câu hỏi như vậy – và từ khi nó ra đời đến nay – triết học phương Tây vẫn tiếp tục bàn cãi về chúng. Đó là một trong những điểm cho thấy giá trị triết học lớn lao của nó.

5.
Cuối cùng – cần nói thêm về hình thức của tập sách này – Republic viết dưới một hình thức đàm thoại – gần như một kịch bản nhiều hồi – bằng văn xuôi, và có những nhân vật – là những người quen biết xa gần của nhân vật chính Socrates. Republic không có dạng của một luận thuyết (thí dụ, Politics của Aristotles) – điều hiển nhiên này – nhắc lại thừa thãi ở đây – vì nó có ảnh hưởng đến cách đọc của chúng ta. Nếu chú ý, chúng ta sẽ đọc tác phẩm dễ dàng hơn: Những nhân vật và những phát biểu của họ nên được tìm hiểu và xem như tiêu biểu cho những quan niệm tư tưởng, những chân dung triết học, những quan điểm tiêu biểu – trước đó hay đương thời của Plato.

Thế nên – ngày nay đã có khuynh hướng, giản lược hình thức đàm thoại kịch bản này. Trong Grube, ông lược bỏ những tên nhận vật lập lại quá nhiều thành rườm rà – tôi thực sự thấy hình thức này – giữ hình thức đàm thoại văn xuôi, nhưng bỏ bỏ hình thức đàm thoại của một kịch bản – tác phẩm xuất hiện gọn gàng hơn, và có phần giúp người đọc trực tiếp với nội dung bàn luận hơn. Tuy vậy, mọi dịch giả (Anh ngữ khác) đều giữ lối xưa, trước mỗi phát biểu, dù ngắn đến đâu, và dù không thể lầm lẫn người đối thoại – vẫn lập lại tên người đối thoại, điển hình là bản dịch của Reeve.

6.
Tôi theo sát bản dịch của C. D. C. Reeve, tham khảo và dùng những tài liệu của những bản G. M. A. Grube, Tom Griffith, Alan Bloom, và Paul Shorey,

- Reeve, C.D.C. (2004). Plato: The Republic. Indianapolis: Hackett.
- Tom Griffith  (dịch), G. R. E Ferrrari (biên tập). 2000.  Plato’s Republic (Cambridge texts in the history of political thought). Cambridge, UK: Cambridge University Press,
- Bloom, Allan (1968, revised 1991). The Republic of Plato. Translated, with notes and an interpretive essay. New York: Basic Books.
- Grube, G.M.A. (1992). Plato: The Republic. Revised by C.D.C. Reeve. Indianapolis: Hackett.
- Shorey, Paul (1930). Plato: Republic. biên tập, dịch, ghi chú và giới thiệu.
trong Plato. Plato in Twelve Volumes, (Vols. 5 & 6) Cambridge, MA, Harvard University Press; London, William Heinemann Ltd. 1969.

Đây là những bản đọc hiện nay đang dùng cho sinh viên trong những lớp triết học nhập môn ở những trường đại học Mỹ và Canada – bản của Grube phổ thông nhất, trong sáng, chân chất và trung thực, rất thích hợp với những người bắt đầu đọc Plato. Tôi thích bản này; bản của Bloom văn vẻ và như ông nói, ông chủ ý đưa ra một bản dịch thoát, lấy ý, và gỡ khỏi Plato những gì trước đây thường bị gán vào một cách sai lạc, làm giảm giá trị của Republic – vì vô tình hay có chủ ý – đã lẫn lộn với gót học Kitô, vốn đến rất muộn về sau và chịu ảnh hưởng Plato, chứ không phải ngược lại (đó cũng là những lầm lẫn của những bản rất nổi tiếng đã có trước thế chiến II, thí dụ như bản của Benjamin Jowett). Bản của Reeve là một cố gắng tổng hợp – vừa thoát vừa dễ hiểu. Còn bản của Shorey – là bản cổ điển, có song ngữ Anh-Hellas để tham khảo từ ngữ gốc Hellas. bản của Tom Griffith mới nhất, dễ đọc, như ông nói, đưa Republic, vốn là một đàm thoại, trở về với lối văn nói, không phải văn viết như những người dịch khác. Những tác giả trên đều là những học giả lỗi lạc, giáo sư chyên ngành văn học cổ điển và thường cũng là những triết gia.

Đã thành truyền thống kể từ thời cổ để chia Republic thành mười “quyển”.  Mỗi quyển tương ứng với một cuộn giấy papyrus, hình thức trong đó những bài viết của Plato được lưu trữ, phân phối và đọc trong thế giới thời cổ. Chúng ta không biết sự phân chia thành 10 quyển sách này do chính Plato hay do người biên tập sau này.
Những chỗ cần thiết, hay trong ghi chú – tôi theo những dịch giả trên, giữ những “Số Stephanus”: (Stephanus numbers) đó là cách đánh số trang và câu dự vào bản in Republic đầu tiên (Henri Estiennes, 1578) – thí dụ “ (521c-541b)”.
Tất cả những bản văn của Plato đều được dẫn chứng về bản in có ảnh hưởng đầu tiên, đó là bản in năm 1578 của Henri Estiennes. Những số Stephanus này gồm: (a) một số chỉ trang và (b) một chữ cái (từ a-e cho hầu hết các trang), chỉ vị trí trên trang một mảnh văn bản được thấy trong bản in đầu tiên đó. Những số Stephanus này cho phép người đọc dễ dàng tham chiếu chéo giữa những bản in và bản dịch khác nhau của Plato, dù chúng bằng tiếng Greece hay tiếng England.
Trong khuôn khổ vừa dịch vừa cho lên blog, tôi không giữ hết những con số này – nhưng khi có dịp cho in – tôi sẽ giữ những – số trang dòng Stephanus – đầy đủ để tham khảo.


Các chú thích tôi chọn trong bốn bản dịch trên, những chỗ nào thấy cần thiết, tôi sẽ mở rộng và bình luận thêm nhắm đến một độc giả trung bình không chuyên môn – người Việt, dĩ nhiên.

Tôi vừa đọc vừa suy nghĩ, ghi chú, và dĩ nhiên thường quay trở lại để sửa chữa những chỗ sai xót, tuy rất hiển nhiên, nhưng chỉ có một mình, không có ai bàn bạc cùng, dịch trong lúc ngồi chờ xe, chờ hay tạm nghỉ họp, chờ ăn,.... nghĩa là trong những khoảng trống vụn vặt của những thời gian sinh hoạt tàm thường còn vướng bận kiếm sống; nên khó tránh sai lầm, chỉ tự hứa sẽ sửa chữa. Trên đại thể, sẽ giữ lấy nội dung của Plato, hướng đến lối vẫn hiểu nôm na là “dịch sát”, dù dài dòng, hơi luôm thuộm; nhưng hơn là dich quá thoát, nghe hay, nhưng mất ý tác giả, tôi nghĩ như thế thích hợp với Republic, bản thân nó là những giải thích, định nghĩa về một tập hợp đặc biệt những ý tưởng, thuật ngữ triết học; thử thách đầu tiên là những thí dụ, giảng giải này dựa trên những nội dung rất Hellas, hay đúng hơn cổ Hellas, thường đã không có tương đương với những từ được dịch trong bản Anh ngữ, và sau đó rất xa lệch với những từ Tàu Việt chúng ta miễn cưỡng phải xử dụng – Trông cậy vào những học giả Anh ngữ, những dịch giả kể trên, chỉ cho những chỗ khác biệt phải chú ý. Tôi mang ơn họ, nếu bản dịch này có thành công phần nào, đem đến cho độc giả Việt một văn bản dễ đọc, dễ hiểu, đó là nhờ tất cả công lao của họ.

7.
Tôi sẽ dịch lại Republic – ít nhất một lần nữa – trong vài năm tới. Cô đọng hơn.
Gần như những bản kinh Phật, những tác phẩm vĩ đại như Πολιτεία, mỗi lần đọc là một lần đầu – tôi không dùng ẩn dụ dòng sông của Heraclitus – nhưng chỉ có ý muốn nói – ở mỗi lần sau, chúng ta thêm chín chắn hơn (mong được thế) và dù nếu không thế, do những kinh nghiệm sống tích lũy – khiến tác phẩm hiện ra như lần đầu – những nội dung muôn thuở đó lại được suy ngẫm dưới những ánh sáng mới của trí tuệ trưởng thành, hay được xem xét với thêm kinh nghiệm giàu có. 

Tôi nhắc đến kinh Phật, đương khi bàn về Republic, không vì lập dị hay ngẫu nhiên, nhưng hơn trăm năm trước đây, giữa chế độ thuộc địa ở chính ngọ của nó đương gay gắt trên quê hương chúng ta, trước phương Tây với khuôn mặt tàn ác ghê gớm nhất của nó là chế độ thực dân – những người trí thức yêu nước của đất ThăngLong (Đông Kinh Nghĩa Thục 1907) đã hô hào: ”Tụng kinh độc lập, ở chùa duy tân, .. Cầu cho ích nước lợi dân mới là...Cầu cho độ được nước ta phú cường…” Tôi không biết những vị có nghĩ đến Republic không – nhưng nếu có chùa duy tân, thì Πολιτεία cũng có thể được tạm xem là kinh dân chủ, nên: “Lòng thành thắp mấy tuần hương…”

Đọc Republic, và không quên ước mơ của những vị trí thức anh hùng đó. 


(LDB – 2010).