Sunday, January 26, 2014

Richard Dawkins – Huyễn Tưởng Gót (23)


Huyễn Tưởng Gót
Richard Dawkins

(The God Delusion)










Chương 9

Tuổi thơ, Bạo hành Ngược đãi và Đào thoát khỏi tôn giáo

Có trong mỗi làng một ngọn đuốc: thày giáo – và một bình dập tắt lửa: thày chăn chiên. (Victor Hugo)


Tôi bắt đầu với một dật sử của Italy thế kỷ XIX. Tôi không có ngụ ý rằng bất cứ gì giống như câu chuyện kinh tởm này vẫn có thể xảy ra ngày nay. Tuy nhiên, những thái độ của não thức mà nó phơi bày trong hiện tại thì phổ biến đến đáng than trách, dẫu ngay cả những chi tiết thực hành thì không. Thảm kịch con người ở thế kỷ thứ mười chín này rọi một tia sáng tàn nhẫn trên những thái độ của tôn giáo ngày nay với trẻ em.

Năm 1858, Edgardo Mortara, một đứa bé sáu tuổi, cha mẹ là người Dothái, đương sống ở Bologna [1], đã bị cảnh sát của vua chiên, tuân lệnh của Tổ chức Hình án Dị giáo [2] bắt giữ theo pháp luật. Edgardo đã bị tước khỏi tay người mẹ khóc lóc và người cha tuyệt vọng quẫn trí, để đến Catechumens (nhà dành vào thực hiện sự ép buộc phải đổi sang đạo Catô, cho những người Dothái và Islam) ở Rome, và từ đó, đã được nuôi dạy đến trưởng thành như một người theo đạo Catô Lamã. Ngoài dăm lần đến thăm ngắn ngủi dưới sự giám sát chặt chẽ của giới chăn chiên, cha mẹ của Edgardo không bao giờ còn được nhìn thấy con mình nữa. David I. Kertzer kể lại câu chuyện này trong quyển sách nổi bật đáng chú ý của ông, The Kidnapping of Edgardo Mortara, [3].

Câu chuyện của Edgardo không hề có nghĩa là bất thường, hay chỉ lẻ loi, ở nước Ý vào thời đó, và lý do của những vụ bắt cóc trẻ em như thế này của giới chăn chiên đã luôn luôn là một, đều giống nhau. Trong mọi trường hợp, trong một vài ngày tháng, hay năm không lâu trước đó, đứa trẻ đã bị bí mật “rửa tội”, thường là bởi một cô gái Catô giữ em, nuôi trẻ, và sau đó đi đến việc Toà án dị giáo nghe biết được về sự rửa tội này. Đã là một phần trọng tâm của hệ thống tín ngưỡng Catô Lamã, rằng một khi đứa trẻ đã được rửa tội, cho dù không chính thức, dẫu chỉ ngấm ngầm bí mật, nhưng đứa trẻ đó đương nhiên chuyển thành tín đồ, đổi thành người theo đạo Kitô, sau đó không thể trở ngược lại để hủy bỏ được. Trong thế giới tâm thần của họ, để cho một “đứa trẻ Kitô” ở với cha mẹ ruột thịt Dothái của nó đã không là một chọn lựa tùy ý, và họ đã bám giữ lập trường quái lạ và ác độc này thật kiên định, và với chân thành cùng cực, khi phải đối mặt với sự phẫn nộ trên toàn thế giới. Sự phẫn nộ lan rộng đó, tiện đây cũng nói, đã bị tờ báo Catô Civilta Cattolica gạt bỏ, cho là do sức mạnh quốc tế của giới Dothái giàu có – nghe quen tai, đúng không?


Ngoài việc nó đánh thức công luận, câu chuyện lịch sử của Edgardo Mortara đã hoàn toàn là điển hình của nhiều những trường hợp khác. Em đã từng được Anna Morisi chăm sóc, một cô gái Catô mù chữ; khi đó mới mười bốn tuổi. Một lần, Edgardo bị yếu mệt và lần đó Anna đã cuống cuồng hoảng sợ, không để em bé nhỡ có thể chết. Lớn lên trong một tin tưởng khiếp đảm đến mê hoặc u muội rằng một đứa trẻ nếu chết mà không-rửa tội sẽ đau khổ vĩnh viễn trong hỏa ngục, Anna hỏi ý kiến một người hàng xóm Catô là người đã bảo cô cách làm một phép rửa tội như thế nào. Cô về nhà, lấy vài nhúm nước từ một cái xô, rảy lên đầu còn bé tí của Edgardo, và nói “Tôi rửa tội em nhân danh Gót Cha, và Gót Con, và Gót Ma”. Và thế là đã xong, tất cả là có thế. Kể từ lúc đó, Edgardo đã được “hợp pháp” là một người Kitô. Khi những thày chăn chiên của Toà án dị giáo đã biết được việc bất ngờ xảy ra này vài năm sau đó, họ đã hành động kịp thời, dứt khoát, không màng nghĩ gì đến hậu quả đau thương của những hành động của họ.

Thật hết sức kinh ngạc vì một nghi thức có thể có ý nghĩa to lớn khác thường như vậy đối với toàn thể một gia đình mở rộng. Nhà thờ Catô đã cho phép (và vẫn cho phép) một bất cứ ai để làm phép rửa tội cho một bất cứ ai khác. Người làm phép rửa tội không cần phải là một thày chăn chiên chuyên nghiệp. Đứa trẻ cũng không, cha mẹ cũng không, cũng không bất kỳ một ai nào khác tất cả là đã phải cùng đồng ý với dịch vụ rửa tội này. Không có gì cần phải ký kết. Không có gì cần phải chứng thực chính thức. Tất cả những gì cần thiết là tạt một nhúm nước lã, một vài câu nói, một đứa trẻ bơ vơ còn chưa biết gì nên chưa thể tự bảo vệ, và một người giữ trẻ mê tín dị đoan và đã hoàn toàn bị giáo lý Catô tẩy não. Trên thực tế, chỉ có điều cuối cùng này là cần thiết, sau khi giả định là đứa trẻ còn quá nhỏ để là một nhân chứng, thậm chí còn ai là người để biết vào đây? Một đồng nghiệp người Mỹ được nuôi dạy đến trưởng thành trong Catô, viết cho tôi như sau: “Chúng tôi thường rửa tội những con búp bê của chúng tôi. Tôi không nhớ có bất kỳ một ai trong chúng tôi đã làm phép rửa tội những người bạn nhỏ đạo Thệ Phản hay không, nhưng không hoài nghi rằng nó không đã xảy ra, và ngày nay vẫn còn xảy ra. Chúng tôi “rửa tội” cho những con búp bê của chúng tôi thành những em bé Catô, cũng đưa chúng đến nhà thờ, cho chúng dự lễ Bí tích Thánh thể… vv. Chúng tôi đã bị tẩy não, từ những ngày ấy, để thành những người mẹ Catô ngoan đạo”.

Nếu những cô gái ở thế kỷ mười chín đã có bất cứ gì giống như người viết thư trên đây của tôi, phải đáng ngạc nhiên là trường hợp như Edgardo Mortara đã không phổ biến hơn trong thời chúng ta. Như đã xảy ra, những câu chuyện như vậy đã thường xuyên gây lo âu khốn khổ thương đau trong thế kỷ thứ mười chín ở Italy, điều đó khiến người ta phải hỏi một câu hỏi hiển nhiên. Tại sao những người Dothái trong những lãnh thổ ở Italy dưới quyền vua chiên [4] lại phải thuê những đầy tớ đạo Catô tất cả làm gì, trước nguy cơ kinh khủng có thể kéo đến, khi làm như vậy? Tại sao họ không phòng ngừa cẩn trọng để thuê những đầy tớ cùng đạo Dothái với họ? Câu trả lời, lại một lần nữa, không có gì liên quan với nghĩa lý, và tất cả mọi điều đều liên quan với tôn giáo. Người Dothái cần đầy tớ có tôn giáo nào không cấm làm việc trong ngày Sa-bát như của họ. Một người hầu gái Dothái quả thực có thể tin cậy, sẽ không xảy ra chuyện lén lút rửa tội con cái họ, để đứa trẻ sẽ bị lôi vào một trại mồ côi tinh thần. Nhưng người hầu gái này, không thể thắp đèn, châm bếp lửa, đốt lò sưởi, hoặc làm vệ sinh trong nhà vào ngày mỗi Thứ Bảy, là ngày Sa-bát. Đây là lý do tại sao, trong những gia đình Dothái ở Bologna trong thời gian trên, những người có khả năng thuê đày tớ giúp việc, hầu hết đã thuê những người Catô.

Trong quyển sách này, tôi đã có chủ ý kiềm chế, không đi vào những chi tiết kinh hoàng của những cuộc thập tự chinh, những conquistadores, hoặc của Toà án dị giáo Tây Ban Nha. Tàn ác và người ác có thể tìm thấy được trong mọi thế kỷ và mọi khủng bố ngược đãi. Nhưng câu chuyện này của Toà án dị giáo ở nước Ý, và thái độ với trẻ em đặc biệt tiết lộ cho thấy não thức tôn giáo, và những tàn ác chúng phát sinh đặc biệt nó là của tôn giáo. Thứ nhất là cách nhận thức diễn dịch đáng chú ý của não thức tôn giáo, là rắc một vài giọt nước, và đọc lên một câu thần chú ngắn gọn, là có thể hoàn toàn thay đổi đời sống của một đứa trẻ, chiếm ưu tiên hơn sự đồng ý của cha mẹ, sự đồng ý của chính đứa trẻ, hạnh phúc và trạng thái tâm lý sung sướng lành mạnh riêng của đứa trẻ. . vượt lên trên tất cả mọi thứ mà ý thức bình thường và tình cảm phổ biến của con người xem là quan trọng. Nhà chăn chiên áo đỏ Antonelli viết điều đó ra rõ ràng vào thời điểm đó, trong một lá thư gửi Lionel Rothschild, dân biểu người Dothái đầu tiên của Nghị viện Anh, là người đã viết để phản đối về vụ bắt cóc Edgardo. Nhà chăn chiên áo đỏ trả lời rằng ông đã bất lực, không có quyền can thiệp, và nói thêm: “Ở đây nó có thể được là cơ hội để quan sát rằng, nếu tiếng nói của tự nhiên thì mạnh mẽ, nhưng những nhiệm vụ thiêng liêng của tôn giáo thậm chí còn mạnh hơn”. Vâng, hay lắm, như thế đúng là nói trắng tất cả điều đó ra, không phải sao?

Thứ hai là một sự kiện phi thường rằng giới thày chăn chiên, những thày mặc áo đỏ và vua chiên, xem ra đều có vẻ chân thực, không hiểu rằng điều – mà họ đã làm với Edgardo Mortara khốn khổ – thì khủng khiếp đến chừng nào. Nó vượt qua tất cả sự nhận hiểu phải trái và cảm thông bình thường, nhưng họ đã đều chân thành tin rằng họ làm một chuyển đổi tốt lành cho em bé, khi tước em khỏi tay chính cha mẹ Dothái của em, và khi đem cho em một nuôi dạy Kitô. Họ cảm thấy có một trách nhiệm của sự che chở bảo bọc! Một tờ báo Catô ở Mỹ đã bảo vệ lập trường của vua chiên về trường hợp Mortara, biện bạch là không thể tưởng tượng được rằng một chính phủ Kitô có thể lại để cho một con trẻ Kitô được nuôi dạy bởi một người Dothái”, và gọi đến nguyên tắc tự do tôn giáo, “tự do của một đứa trẻ là một người theo đạo Kitô, và không phải bị cưỡng bức để buộc phải là một người theo đạo Dothái. Sự bảo vệ trẻ em của nhà vua chiên – người cha thánh linh – trong khi đối mặt với tất cả những hung dữ cuồng tín của bọn ngoại giáo và thiển cận cố chấp, là cảnh tượng đạo đức lớn lao nhất mà thế giới, đã bao thời cho đến nay, mới được nhìn thấy”. Đã từng bao giờ có một sự chuyển chữ nghĩa đến ý hướng sai lạc trắng trợn hơn thế nữa hay không, của những từ như “buộc”, “cưỡng bức”, “hung dữ”, “cuồng tín” và “cố chấp”? Tuy nhiên, tất cả những dấu hiệu chỉ dẫn là những người biện hộ Catô, từ vua chiên trở xuống, đều thành thực tin rằng những gì họ đã làm là đúng: hoàn toàn đúng về mặt đạo đức, và thuận hợp với phúc lợi của đứa trẻ. Như thế đó là sức mạnh của tôn giáo (của giới đông đảo bình thường, “ôn hòa”) để bẻ cong phán đoán, và làm hư đốn lòng tử tế thông thường của con người. Tờ báo Il Cattolico đã thẳng thắn lấy làm hoang mang không thể hiểu được, trước sự thất bại rộng rãi, khi tất cả đã không thấy được một “ân huệ” thật là hào sảng, hết sức lớn lao, mà Hội nhà thờ đã ban cho Edgardo Mortara, khi nó “giải cứu” em khỏi chính gia đình Dothái của em:

Bất cứ ai là người trong chúng ta nếu dành một chút suy nghĩ nghiêm trang đến vấn đề, so sánh điều kiện của một người Dothái – không có một Hội nhà thờ chân thực, không có một nhà Vua, và không có một quốc gia, bị phân tán và luôn luôn là một người ngoài ở bất cứ nơi nào hắn sống trên mặt đất, và hơn thế nữa, ô danh với vết nhơ xấu xa, đã được đánh dấu là những kẻ giết Christ .. . sẽ ngay lập tức hiểu được lớn lao đến chừng nào rằng đây là lợi thế trần gian mà Vua chiên đã lấy được cho em bé Mortara này.

Thứ ba là sự thất bại trong ứng xử không thấy được chừng mực, giới hạn theo đó những người theo đạo (Kitô) biết, mà không có bằng chứng, rằng lòng tin tôn giáo của tôn giáo họ có khi sinh ra, là một lòng tin tôn giáo đích thực, của sự thật, còn tất cả của những người khác là đều hoặc lệch lạc, hoặc hoàn toàn hết mức sai lầm. Những trích dẫn ở trên đưa ra những thí dụ sống động về thái độ này về phía những người Kitô. Sẽ là hết sức bất công để nói đến hai bên như cân bằng trong trường hợp này, nhưng đây là một chỗ cũng tiện như bất kỳ chỗ nào để lưu ý rằng gia đình Mortaras với một vẫy tay nhẹ đã có thể có Edgardo trở lại, nếu họ chỉ đã chịu chấp nhận những yêu cầu khiêm tốn và chân thành của giới chăn chiên, nếu đã đồng ý cho cả gia đình chính họ nhận rửa tội. Edgardo đã bị đánh cắp trước hết vì một nhúm nước lã rảy trên đầu, và một tá những lời vô nghĩa. Như thế đó là sự rồ rại vô nghĩa của não thức đã bị tôn giáo nhồi sọ, tẩy não làm mụ mẫm, nay thêm hai nhúm nước lã rảy lên đầu nữa, là tất cả điều cần có để đảo ngược quá trình. Với một vài người trong chúng ta, sự từ chối của cha mẹ có thể cho thấy sự bướng bỉnh vô trách nhiệm. Đối với những người khác, thái độ giữ vững nguyên tắc đã nâng cao họ vào danh sách dài những người tử đạo cho tất cả những tôn giáo, kéo qua suốt những thời đại.

“Hãy an lòng vững chãi, Thày Ridley, và đóng vai đàn ông. Ngày nay, bằng ân sủng của Gót, chúng ta sẽ thắp lên một ngọn nến dường thế ở Anh, như tôi tin tưởng sẽ không bao giờ bị dập tắt”.[5] Không phải hoài nghi rằng có những nguyên nhân cao thượng để chết. Nhưng những thánh chiên tử đạo Ridley, Latimer, và Cranmer, tại sao lại có thể để bản thân mình thà bị thiêu sống chứ không chịu từ bỏ lý thuyết đầu-Nhỏ-quả trứng Thệ phản của họ, để ủng hộ lý thuyết đầu-Lớn-quả trứng Catô – có quả nó thực sự là một vấn đề gì nhiều cho cam, nếu bạn chọn một đầu nào của một quả trứng đã luộc để dập vỏ bóc ăn? [6] Như vậy là cứng đầu – hoặc đáng ngưỡng mộ, nếu đó là cách nhìn của bạn – sự xác quyết của não thức tôn giáo, rằng gia đình Mortaras không thể tự họ nắm lấy cơ hội đã đem cho của những nghi thức vô nghĩa của lễ rửa tội. Có phải là họ không thể cứ nhắm mắt cầu may cho qua chuyện hay sao, hoặc nói thầm “không” trong hơi thở của mình, khi nhận lễ rửa tội cho xong? Không, họ không thể, vì họ đã được nuôi dạy đến trưởng thành trong một tôn giáo (ôn hòa), và do đó đã tiếp nhận nghiêm trọng toàn bộ trò chơi chữ nghĩa vô lý vẫn được khoác vẻ ngoài tôn kính. Với tôi, tôi chỉ nghĩ về đứa bé Edgardo khốn khổ – vô tình được sinh ra trong một thế giới bị những não thức tôn giáo thống trị, không may giữa lằn đạn, tất cả chỉ còn phận mồ côi dành sẵn trong một hành động có ý nghĩa khéo léo, nhưng với một đứa trẻ, là tàn ác làm nó vỡ nát tan tành.

Thứ tư, để theo đuổi cùng một chủ đề, là sự giả định rằng với một đứa bé sáu tuổi nhưng có thể nói cho tự nhiên chính đáng được là nó lại một tôn giáo nào hết tất cả, cho dù là Dothái, hay Kitô, hay bất cứ gì khác. Nói một cách khác, một ý tưởng rằng khi đem “rửa tội” một đứa bé không biết gì, không hiểu gì, lại có thể chuyển nó từ một tôn giáo này sang tôn giáo khác, đánh đùng ngay lập tức như búng ngón tay, là xem dường phi lý – Nhưng chắc chắn là không phi lý hơn khi dán nhãn hiệu lên một đứa bé nhỏ tí, trước hết như đương thuộc về một bất cứ một tôn giáo cụ thể đặc biệt nào. Những gì là quan trọng với Edgardo đã không là tôn giáo “của em” (em thì quá nhỏ tuổi để có thể có những quan điểm, nghĩ được những suy tưởng tôn giáo chín chắn) nhưng là yêu thương và chăm sóc của cha mẹ và gia đình của em, và những điều này đã bị những thày chăn chiên sống đời vô gia đình, độc thân, tước đoạt, những đối xử quá tàn ác hết mức kinh tởm đến méo mó lố bịch, đã chỉ được làm giảm nhẹ mức bằng chính sự đần độn, vô cảm dốt đặc trước những tình cảm bình thường của con người – một sự vô cảm đã đến tất cả quá dễ dàng vào trong một não thức đã bị lòng tin tôn giáo bắt cóc làm con tin ép buộc.

Ngay cả nếu không có sự bắt cóc thân thể, không phải là nó luôn luôn là một hình thức lạm dụng ngược đãi trẻ em khi dán nhãn hiệu lên những trẻ em, như chúng là những sở hữu của những tin tưởng tôn giáo, mà chúng còn quá trẻ để có suy nghĩ đến, hay sao? Tuy nhiên, thực hành này vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay, gần như hoàn toàn không bị đặt câu hỏi chất vấn. Đặt câu hỏi về nó là mục đích chính của tôi trong chương này.


Nhũng lạm Ngược đãi Thể xác và Tâm trí

Ngày nay, nhũng lạm ngược đãi trẻ em của giới thày chăn chiên có nghĩa là nhũng lạm về tình dục, và ở bắt đầu, tôi cảm thấy buộc phải đưa toàn bộ vấn đề nhũng lạm tình dục vào tỉ lệ tương xứng và xong xuôi cho khỏi vướng lối.

Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất 
(Jul/2013)




[1] Bologna: thành phố vùng Bắc Italy, gần Florence; Nổi tiếng có trường đại hoc – từ thế kỷ 11, cổ nhất châu Âu.
[2] Inquisition: thường vẫn gọi là Toà án Dị giáo; một tổ chức đặc biệt của hội nhà thờ Catô, là một thể chế tôn giáo có lịch sử rất lâu đời, chuyên nhiệm vụ diệt trừ những gì bị xem là sai lệch, hay có hại cho tín điều Kitô nền tảng đã được nhà thờ ấn định là chính thống – những sai lệch này gọi là những dị giáo, lạc đạo, hay rối đạo (heresies). Inquisition chỉ có nghĩa là Tra xét, và hình thức hoạt động điển hình của nó là một tòa án hình sự theo những giáo điều Catô, nên vẫn được quen gọi là Tòa án Dị giáo, vì nó lùng kiếm và trừng phạt những nguồn bất đồng, trong cùng tôn giáo và sau mở rộng đến những nguồn khác tôn giáo. Nổi tiếng vì sự tra khảo khắc nghiệt, tàn nhẫn và trừng phạt ác độc vô nhân. Trong khi nhiều người thường liên kết Tòa án dị giáo với Spain và Portugal, nó thực sự được vua chiên Vatican, Innocent III (1198-1216), đặt nền móng đầu tiên ở Rome. Vua chiên kế tiếp, Gregory IX, đã thiết lập cơ sở vững chắc, năm 1233, để chống lại giáo phái Abilgenses ở miền Nam nước Pháp; đến năm 1255, tổ chức Tòa án Dị giáo này hoạt động mạnh mẽ gần khắp châu Âu, chỉ trừ vùng bắc Âu Scandinavia.
Không giống như nhiều tôn giáo khác, Hội nhà thờ Catô Lamã có một một bộ máy trung ương tập quyền, với cấu trúc phân cấp xuống tận các đơn vị cai quản tín đồ nhỏ, hẻo lánh nhất (thí dụ, xóm đạo, họ đạo, …) khắp nơi trên thế giới. Trong những năm đầu của Hội Nhà thờ, đã có nhiều giáo phái Kitô khác nhau, đều tự gọi mình là những người Kitô. Sau Hoàng đế Constantine I (280-337), đạo Kitô thành tôn giáo chính thức của toàn đế quốc Lamã; các cấu trúc hành chính địa phương của hội nhà thờ dưới quyền của những bishop – chức vị chăn chiên cao cấp nhất trong mỗi vùng – đã được kéo lại với nhau vào thành một hệ thống trung ương tập quyền ở Rome, còn những tranh luận về giáo lý, đã được những hội đồng của Hội Nhà thờ giải quyết, bắt đầu với Hội đồng Nicea năm 325 (thành lập Tín điều Nicea). Sau đó, hội nhà thờ có những nỗ lực liên tục để đưa những ai có niềm tin hoặc thực hành Kitô, nhưng bị xem là sai lệch với đường lối quan điểm chính thống. Những đối kháng với nỗ lực này dẫn đến khủng bố bạo lực.
Dị giáo (từ Latin. haeresis, có nghĩa là giáo phái, trường phái của niềm tin) đã là một vấn đề đối với hội Nhà thờ ngay từ đầu. Trong những thế kỷ đầu đã có những giáo phái Arians và phái Manicheans; trong thời Trung cổ đã có những Cathari và Waldenses, và trong thời kỳ Phục hưng có những Hussites, Lutheran, Calvin, và Rosicrucians. Ban đầu, những nỗ lực ngăn chặn dị giáo là đối phó đặc biệt nhất thời. Nhưng sang thời Trung cổ, một cấu trúc vĩnh viễn đã ra đời để giải quyết vấn đề này. Bắt đầu từ thế kỷ thứ 12, Hội đồng Hội Nhà thờ đòi hỏi những nhà cầm quyền thế tục phải truy tố và trừng phạt những người dị giáo. Năm 1231, Vua chiên Gregory IX công bố một sắc lệnh ấn định hình phạt chung thân với sám hối cho người dị giáo đã thú nhận và ăn năn, và hình phạt tử hình với những người tiếp tục không thay đổi, tiếp tục chống cự. Chính quyền thế tục có nhiệm vụ thực hiện bản án. Đến vua chiên Gregory, ông đã giảm gánh nặng này khỏi tay những cán bộ cao cấp ở mỗi địa phương của ông, là những thày chăn chiên cấp vùng và toàn vùng (bishops và archbishops), và trao nhiệm vụ này cho dòng tu Dominican, mặc dù nhiều phán quan của tòa dị giáo có thể từ những dòng khác. Vào cuối thập kỷ 1230 này, Tổ chức Toà án dị giáo đã trở thành một tổ chức quốc tế, trong tất cả các vùng đất dưới sự giám sát của vua chiên. Sang đến cuối thế kỷ 13, toà án dị giáo ở mỗi khu vực đều có một bộ máy hành chính để phục vụ chức năng truy lùng và tiêu diệt của nó.
Phán quan tôn giáo (inquisitor), là quan tòa của tổ chức này, có thể truy tố và lên án bất kỳ ai. Bị cáo phải làm chứng chống lại bản thân chính mình, và không có quyền đối mặt và chất vấn người tố cáo mình. Người tố cáo có thể là tội phạm, người có tiếng xấu, người đã bị vạ tuyệt thông, và những người dị giáo khác. Bản án là tối hậu và không thể được kháng cáo. Đôi khi những phán quan tra hỏi toàn bộ dân chúng cả một vùng trong thẩm quyền của mình. Những phương tiện khác nhau đã đem sử dụng để lấy được sự nhận tội. Mặc dù không có truyền thống tra tấn trong điển luật Kitô, phương pháp này đưa vào sử dụng vào giữa thế kỷ 13. Trừng phạt thường là tù chung thân, và tử hình là thiêu sống nơi công cộng, và nó được những quan chức thế tục thi hành. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, khi bị cáo đã chết trước khi thực hành bản án, mồ tội nhân có thể bị khai quật và những gì còn lại trong mồ cũng vẫn bị đem đốt cháy. Chết hoặc tù chung thân đã luôn luôn đi kèm với tịch thu tất cả tài sản. Vào cuối thế kỷ 15, dưới triều đại vua Ferdinand và nữ hoàng Isabel, Tòa án dị giáo Tây Ban Nha đã trở thành độc lập với Rome. Để giải quyết vấn đề những người Moslem (Moors) và người Dothái (sau khi họ đổi đạo) và những người của giáo phái Illuminati, Toà án dị giáo Tây Ban Nha với autos-da-fé (đốt sống trước công chúng) nổi tiếng của nó, đại diện cho một chương đen tối trong lịch sử của Toà án dị giáo. Vua chiên Paul III thành lập, năm 1542, một giáo đoàn thường trực có nhân viên là các thày chăn chiên áo đỏ và các viên chức tôn giáo khác, có nhiệm vụ là duy trì và bảo vệ sự toàn vẹn của đức tin, và kiểm tra, lên án những sai lầm trong giáo lý và ngăn cấm những học thuyết có hại. Cơ quan này, Thánh Bộ của Tòa thánh (Congregation of the Holy Office), ngày nay gọi là Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (Congregation for the Doctrine of the Faith), là phần của giáo triều Rôma (Roman Curia), bây giờ trở thành cơ quan giám sát của những tòa dị giáo địa phương. Vua chiên vẫn giữ danh hiệu đứng đầu nhưng bổ nhiệm một trong các thày chăn chiên áo đỏ cao cấp chỉ sau ông, chủ trì các cuộc họp.

Mục lục những sách cấm của hội đồng những nhà chăn chiên áo đỏ (The Congregation of the Index): Tự do tư tưởng và tự do diễn đạt bằng chữ viết hay lời là phát triển tương đối gần đây của lịch sử. Trong hội nhà thờ Kitô, ý tưởng rằng bất cứ ai có thể nghĩ, hay nói hoặc viết những gì tự ý mình muốn là một điều ngớ ngẩn đến phi lý. Hơn nữa, nó rất nguy hiểm vì nó có thể dẫn dắt người khác vào lỗi lầm. Nên kiểm soát tư tưởng là quan tâm và nhu cầu hàng đầu của hội nhà thờ. Ngay từ rất sớm, năm 170, Hội nhà thờ đã chọn và ban hành một danh sách những tập sách của bộ Tân Ước chính thức, và loại trừ những tập sách phúc âm khác ra ngoài, cấm không được truyền bá, sử dụng. Năm 405, vua chiên Innocent I công bố một danh sách những cuốn sách cấm, và vào cuối thế kỷ đó, đã ban hành một nghị định, được gọi là Mục lục đầu tiên của những Sách Cấm (Index of Forbidden Books). Trong đó liệt kê những tập sách được xem là chân chính của kinh Thánh, những cuốn sách bị xem là ngụy tạo, và những cuốn sách dị giáo. Từ đó, những vua chiên và Hội đồng của Hội nhà thờ Vatican, tiếp tục truyền thống này, định kỳ vẫn công bố danh sách những cuốn sách bị cấm. Với Hội đồng Trent (1545-1563), Hội nhà thờ thành lập một tổ chức lâu dài để đối phó với vấn đề sách cấm. Ban đầu, Hội đồng của Toà án dị giáo được giao nhiệm vụ xây dựng một danh sách đầy đủ của những sách bị cấm. Danh sách này, danh sách tổng quát đầu tiên, xuất bản năm 1559, được gọi là Mục lục (Index); ngay lập tức một ủy ban của vua chiên đã sửa đổi nó, kết quả được công bố năm 1564, là Mục lục Sách cấm Trent (Tridentine Index). Đặc biệt, Mục lục này cũng cung cấp những quy tắc kiểm duyệt sách in. Đây là sự kiểm duyệt sách báo, hệ thống và chính thức, đầu tiên trong lịch sử châu Âu, nếu không nói là thế giới. Trong gần hai thế kỷ, Mục lục đã được cập nhật định kỳ nhưng không có sửa đổi lớn nào thêm. Năm 1757 và 1897 đã có những sửa đổi lớn trong các nguyên tắc tổng quát về kiểm duyệt và cấm đoán. Ấn bản cuối cùng của Index là năm 1948, nó đã bị bãi bỏ vào năm 1966. Hội nhà thờ Catô, tuy nhiên đã không từ bỏ quyền cấm đọc sách mà theo đánh giá của nó là một nguy hiểm cho đức tin và đạo đức của người Catô. Nếu đọc danh sách này, sẽ gặp gần như hầu hết những tác giả và tác phẩm nổi tiếng của nhân loại (kể một vài: René Descartes, Thomas Hobbes, François Voltaire, David Hum, Emile Zola, Anatole France, Jean-Paul Sartre, Alberto Moravia, André Gide, Francis Bacon, Henri Bergson, Auguste Comte Immanuel Kant, John Locke, Blaise Pascal, Jean-Jacques Rousseau, Michel Montaigne, Justus Lipsius of Louvain, John Stuart Mill, Diderot, Montesquieu, Edward Gibbon, Pierre Larousse, Heinrick Heine, Gustave Flaubert, Victor Hugo, Stendhal, Honoré Balzac, Alexandre Dumas, Jean de Lafontaine, Gabriel Rosetti).
[3] David I. Kertzer .The Kidnapping of Edgardo Mortara. Nxb Vintage (1997).
[4] Papal states: Một nhóm gồm những lãnh thổ tự trị (territories) vùng trung tâm bán đảo Italy, đã được đặt dưới quyền cai trị (không chỉ tinh thần, nhưng toàn bộ thế tục kinh tế, quân sự, chính trị,...) trực tiếp của những vua chiên – từ 754 đến tận 1870. Những tên gọi quen thuộc là The Papal States, Republic of Saint Peter, Church States, và Pontifical States (Stati Pontifici, Stati della Chiesa). Từ cuối thế kỷ 19, nước Ý thống nhất đã lần lượt dành lại những lãnh địa này. Đến 1929, thoả ước Lateran của chính phủ Phát xít Mussolini còn để cho vua chiên được giữ Thành phố Vatican, các chính phủ Ý kế tiếp nhiều lần định huỷ bỏ thoả ước này nhưng đến 1947 vẫn không thành công, tuy nhiên với concordat 1985, đạo Kitô Rôma thôi không còn giữ địa vị tôn giáo quốc gia chính thức của nước Ý nữa.
[5] Vua Henry VIII đã tách hội nhà thờ Anh (Anh giáo) từ hội nhà thờ Catô Lamã, nhưng ông không có cải cách nào về giáo lý. Khi con ông, Edward lên kế vị, nhiều cố vấn của Edward đã cố gắng để chuyển nhà thờ Anh theo hướng của một Kitô dựa trên kinh Thánh hơn. Hai người như vậy là Nicholas Ridley và Hugh Latimer. Sau đó, khi Mary trở thành Nữ hoàng Anh, bà đã làm việc để mang hội nhà thờ Anh trở lại với hội nhà thờ Catô Lamã. Một trong những hành động đầu tiên của bà là bắt hai vị chăn chiên cấp vùng Ridley, Latimer, và vị tổng chăn chiên cấp vùngThomas Cranmer, đều là những nhân vật lãnh đạo trong hội nhà thờ Anh. Sau thời gian bị cầm tù trong Tháp London, cả ba đã được đưa tới Oxford vào tháng Chín năm 1555 để bị tra xét ở trường Gót-học của Oxford.
Khi Ridley được hỏi nếu ông tin rằng vua chiên là người thừa kế uy quyền của Peter như là nền tảng của hội nhà thờ, ông trả lời rằng nhà thờ không được xây dựng trên bất kỳ người nào, nhưng trên sự thật Peter đã thú nhận – rằng Chúa Kitô là Gót-Con. Ridley nói ông không thể tôn vinh vua chiên ở Roma vì vua chiên tìm kiếm vinh quang cho chính mình, không phải vinh quang của Gót. Cả Ridley lẫn Latimer đều không thể chấp nhận lễ bí tích thánh thể như một sự hy sinh của Chúa Kitô. Latimer nói với các ủy viên, đại ý sự hiến dâng và hy sinh một lần của Christ cho tội lỗi của thế giới, là một sự hy sinh hoàn hảo, không cần thêm gì khác nữa. Những ý kiến ​​này đã tấn công mạnh mẽ vào các nhà gót học Catô Lamã. Cả Ridley và Latimer đã bị thiêu sống tại Oxford vào ngày 16/10/1555. Anh của Ridley đã mang lại một số thuốc súng cho họ đeo quanh cổ để chết nhanh hơn, nhưng họ vẫn phải chịu đau đớn rất nhiều. gỗ đốt Ridley còn tươi và đốt cháy chỉ phần dưới Ridley mà không chạm vào phần cơ thể trên. Người ta nghe tiếng ông kêu nhiều lần. Một trong những người đứng xem, cuối cùng đã đưa ngọn lửa lên đầu giàn thiêu để đẩy nhanh cái chết cho Ridley. Latimer chết nhanh hơn nhiều; Khi ngọn lửa nhanh chóng bốc lên, Latimer khuyến khích Ridley, “Hãy an lòng vững chãi, Thày Ridley, và đóng vai đàn ông. Ngày nay, bằng ân sủng của Gót, chúng ta sẽ thắp lên một ngọn nến dường thế ở Anh, như tôi tin tưởng sẽ không bao giờ bị dập tắt”. Cranmer bị buộc phải chứng kiến hai người trên bị thiêu sống, 5 tháng sau mới đến phiên ông, và cũng cũng bị đốt chết ở cùng một chỗ. Cả ba người đã được gọi là Những thánh chiên chết vì đạo của Anh giáo

[6] “đầu-Lớn-quả trứng” và “đầu-Nhỏ-quả trứng”: Truyện kể trong Gullivers Travels của Jonathan Swift, về chiến tranh giữa dân Lilliput và dân đảo láng giềng Blefescu. Nguyên nhân chỉ là sự bất đồng ý kiến về việc đập vỏ trứng, đầu lớn hay đầu nhỏ trước, mỗi khi ăn trứng – Khi Gulliver đến thủ đô Mildendo của dân tí hon Lilliput, được cho biết là xung đột giữa hai bên đã xảy ra từ nhiều năm trước và ngày càng trầm trọng, đã đi từ nội loạn đến ngoại xâm. Tất cả bắt đầu khi ông nội của hoàng đế đương thời, khi đó còn chỉ huy nước Lilliput, đã xuống lệnh tất cả dân Lilliput, phải đổi cách ăn trứng: đầu tiên phải đập đầu nhỏ của vỏ trứng trước. Ông đã ban hành quyết định này sau khi chính ông, theo thói quen cũ, đập vỏ một quả trứng, bằng đầu lớn trước, và đã cắt phải ngón tay mình. Nhưng trong dân chúng, có nhiều người phẫn uất với luật mới này, và đã xảy ra đến sáu cuộc nổi loạn phản đối. Nhà vua của dân đảo bên cạnh Blefuscu cũng thúc đẩy những cuộc nổi loạn, và họ đã cho quân nổi dậy Lilliput chạy trốn, “vượt biên” sang nước Blefuscu để “tị nạn”. Mười ngàn người dân xứ Lilliput đã anh dũng chọn cái chết, làm “thánh tử đạo (ăn trứng)”, hơn là mất tự do, cắt đứt với truyền thống, quyết không tuân theo luật mới ép buộc người ta ăn trứng phải đập vỏ đầu nhỏ, không được đập vỏ đầu lớn trước, như trước đây. Nhiều quyển sách đã được viết, tranh cãi, bàn luận về vấn đề “tự do”, “truyền thống”... này. Những quyển sách của phái theo học thuyết “Đầu-Cuối-Lớn” dĩ nhiên đều bị cấm lưu hành trong nước Lilliput. Chính phủ Blefuscu nghiêm khắc lên án chính phủ Lilliput đã chà đạp lên học thuyết tôn giáo của họ, học thuyết Brundrecral, khi ban lệnh đập vỏ trứng của họ ở “Đầu-Cuối-Nhỏ”. Dân Lilliput theo luật mới, cãi rằng học thuyết truyền thống đã ghi “Đó là tất cả những tín đồ chân chính sẽ đập vỏ trứng của họ ở đầu nào thuận tiện cho họ”, và có thể được hiểu như Đầu Nhỏ.

Những người Lilliput lưu vong đã còn được chính phủ Blefuscu giúp đỡ trong việc khởi động chiến tranh để chống lại chính quyền Lilliput đương thời, và cũng được lực lượng nổi dậy bên trong Lilliput hỗ trợ. Chiến tranh dai dẳng giữa hai nước, lúc âm ỉ, lúc sôi nổi, vẫn không dứt, chỉ vì câu hỏi, trước khi ăn trứng – đập vỏ trứng đầu nào trước. Jonathan Swift đã mỉa mai dân tộc Anh của ông, trước đây, một thời là Kitô Rôma, rồi Anh giáo (Big-endian) nhưng nay dù phần đông là Kitô Phản thệ (Little-endian), đều là Kitô (đều ăn trứng, chưa kể là “trứng ung thối”), nhưng vẫn hục hoặc vì những chuyện nhỏ (đầu lớn hay đầu nhỏ của quả trứng).