Thursday, October 6, 2011

Guilliam Apollinaire - Vĩnh Biệt


Vĩnh Biệt

L’Adieu
Guilliam Apollinaire









Anh đã hái nhánh bruyère này
Mùa thu đã chết em hãy nhớ điều ấy
Trên mặt đất chúng ta sẽ không thấy nhau nữa
Mùi thời gian nhánh bruyère
Còn anh hãy nhớ rằng em chờ anh.

Apollinaire

(J'ai cueilli ce brin de bruyère
L'automne est morte souviens-t'en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t'attends)

Guilliam Apollinaire (1880-1918)
Alcools (1913) © 1920 Éditions Gallimard



1.
Vài chnghĩa:
brin: nhánh, cành non mới ra – bruyère – tôi không biết chắc chúng ta có từ nào để dịch nó không – trong tiếng Anh loài hoa dại này có tên gọi là heather (Calluna vulgaris) – người Tàu dịch là “thạch nam” – tôi không hiểu sao họ gọi là thạch nam, nhưng có lẽ vì thế mà có người dịch là “thạch thảo”, dẫu vậy, thạch là đá, nên cũng có thể có ý nhắc đến một gì đó trường tồn lâu dài – những tính chất – đá, trường tồn – này không thấy có liên hệ rõ ràng nào với chính cây bruyère cả. Bruyère là một loài hoa mọc hoang, sống một mùa rồi tàn, và nó cũng không hẳn là ‘thảo’, nếu ‘thảo’ trong tiếng Tàu thường hiểu là đồng nghĩa với ‘cỏ’; nhưng bruyère là một loài cây (có cành, nhánh) nhỏ. Nếu có chăng chỉ có thể gợi hình ảnh của bruyère là một loài hoa mọc trên đất đá, hay đất có lẫn nhiều đá. Nhưng dẫu thế chăng nữa, nếu chúng ta không có từ để gọi loài hoa này, đơn giản và hiển nhiên vì đây là loài hoa xứ ta không có – vậy hãy cứ mượn thẳng từ gốc  – không phải qua “đất” Tàu, nhất là một từ gọi tên riêng của một loài hoa, nên tôi để nguyên bruyère là… bruyère !  (hay người nào đã dịch là thạch thảo như thế, phải chăng đã lẫn lộn bruyère với fougère, hay nghĩ loài này cũng cùng loại hay giống như  fougère – nhưng thực ra chỉ có âm tương tự thôi, loại fougère này tuy có thể thấy ở những chỗ đá có lẫn mùn cây chết, nhưng loại này – lá to đẹp – thường không thấy hoa, thường nói về lá nhưng không nhắc đến hoa fougère) [1] 
 L'automne est morte: đúng hơn phải là L'automne est mort – (L'automne = nom masculin); tác giả cố ý dùng sai vì tác giả có ý nào khác? – Nếu vậy hiển nhiên không phải mùa thu chết - ở đây. verrons: động từ voir: thấy, hay gặp. Et souviens-toi: “et” thường là “và”, nhưng trong đối thoại - cũng có thể dịch thoát là “còn” – thông thường khi hỏi “anh ra sao?” – đáp “tôi thường, còn anh?” – “Ça va - et toi?” – hiểu là “còn anh thì sao?” [2] 


2.
Apollinaire, dĩ nhiên, không chấm phết. để bài thơ trôi chảy, và chúng ta phải tìm cách nắm bắt ý nghĩa bài thơ. Chúng ta không tìm thấy những kết buộc lôgích xác định, giữa những gì nói ra. Đây là, nói như Barthes, trong văn thơ có những câu nhảy ý, giữa chúng “tắt im những nối kết” [3], sự im lặng đem lại chiều sâu nội dung, và cũng như Houellebecq nhận xét về thơ, cảm xúc của người viết đặt những ngôn từ cạnh nhau, chúng như không liên hệ lôgích với nhau, xúc cảm của người viết đã “hủy bỏ những dây buộc nhân quả” [4], trong những trường hợp này, chúng ta không nghe thấy gì, không lần mò được gì. Tội nghiệp và vất vả cho người đọc chúng ta, nhiều khi cũng khổ vì đọc một bài thơ; nhất là thơ viết không bằng ngôn ngữ quen thuộc của chúng ta. Chúng ta có thể nói vắn tắt – nhà thơ thả lời vào giữa đời, theo cảm xúc, liên tưởng buông chúng xuống trên giấy – chẳng theo lôgích nào, bỏ mặc chúng ta nghe, rồi tự cảm, và có thể tự hiểu - mỗi người có thể nghe một cách và nhận một ý – và vì những lời của nhà thơ có thể không mang nghĩa thông thường quen thuộc, nên chúng ta phải đi tìm cho mình và sẽ gặp những ý không hẳn hoàn toàn giống nhau, dù chúng ta cùng chung ngôn ngữ. Vì sao? Vì có sự hàm hồ trong thơ, thí dụ trong bài thơ này. Dĩ nhiên, nếu chúng ta có cùng cảm xúc, cùng liên tưởng, chúng ta có thể trực nhận nhanh chóng, nhưng không phải là lúc nào cũng thế. Cảm xúc và liên tưởng về cùng một sự việc thường còn tùy thuộc vào không gian văn hóa. Và hủy bó những “dây buộc nhân quả”, “tắt im những nối kết” cũng có những mức độ, vì nếu quá vụng về hay giả tạo, tác giả thực sự không có “nội dung” nào – bài thơ sẽ thất bại [5].

Ai chết?
Sự hàm hồ thấy ngay ở câu 2 và 3 – nhắc đến cái chết, nhưng cái chết nào ở đây? – Có phải tác giả nói đến mùa thu chết không? (Nếu mùa thu thì sao lại “morte”? mà không “mort”) Mà mùa thu nào? Thu ngoài trời hay thu của đời người? Hay người tình chết? Hay phải chăng mùa thu là metaphore cho người tình – một metaphore quen thuộc? Thế nên ông tráo mùa thu với người phụ nữ, và viết L'automne est morte - Mùa thu đã chết! Vậy không phải mùa thu đã chết – nhưng người tình đã chết – có thể đã chết trong một mùa thu nào đó (cho mùa thu cũng chết theo luôn!); nhưng khi viết “mùa thu đã chết” – ông đã chỉ nói về người tình là nhân vật nữ của mình, bất chấp văn phạm, ngữ pháp là cho người thường, không cho nhà thơ! – l’automne nom masculin ở đây thành féminin – vì trong vô thức, ông chỉ nghĩ và nói về người tình trong mộ - và ông nói – “em đã chết, em nhớ điều đó”.

Ai nói?
Và có lẽ quan trọng hơn, đây là một độc thoại? - hay đàm thoại?  hay đàm thoại nội tâm?  Nói khác đi, phải chăng câu 1-2 là thuộc một người, và câu 4-5 là thuộc một người khác? Những bản dịch thông thường vội vã cho là của một người (gọi là b) – (Anh đã hái nhánh bruyère này - Mùa thu đã chết em nhớ điều đó không - Trên mặt đất chúng ta sẽ không thấy nhau nữa - Mùi thời gian nhánh bruyère - Và em hãy nhớ rằng anh chờ em.) – Đây là lối hiểu đã quá phổ biến trong giới người Việt, vì một bài hát phổ biến rất rộng rãi, nhưng nếu hiểu mặc nhiên như thế, dĩ nhiên là một lối hiểu, nhưng người nghe – nếu chỉ nghe bài hát [6] có thể quên mất đây chỉ là một trong nhiều cách hiểu bài thơ – nếu như quan tâm tới bài thơ – gián tiếp đã làm ý nghĩa bài thơ thành hạn hẹp vì chỉ giới hạn vào một độc thoại – anh “nói” với em. Chúng ta thường dịch những bài thơ tình một cách dễ dãi như thế. Không sai khi chuyển “je/toi” thành “anh/em” theo nghĩa chàng/nàng. Nhưng lúc nào “je” là “anh”, và lúc nào “je” là “em”? Nếu như có một đối thoại hai chiều - Thế nên tôi quay về bản gọi là (a). (Ta đã hái nhánh bruyère này - Mùa thu đã chết mình nhớ điều đó không - Trên mặt đất chúng ta sẽ không thấy nhau nữa - Mùi thời gian nhánh bruyère - Và mình hãy nhớ rằng ta chờ mình) Trong đó “je/moi” thành “ta/mình”. Đây là gần nhất với ý của bài, hay ít nhất với ý – trực dịch - của những từ “je/toi”, gần thôi, chưa hoàn toàn, vì phụ nữ Việt có lẽ thông thường và bình thường, không xưng “ta” với người tình, chưa nói đến người nam; nên miễn cưỡng và tạm dùng từ “ta/mình”- có thể dùng một từ khác rộng hơn như “ai” – nhưng sẽ mang lại khó khăn khác cho bài này. Nếu dùng “ai” hiển nhiên là mất đi thân mật, không còn trực tiếp nữa. (Ai đã hái nhánh bruyère này - Mùa thu đã chết ai nhớ điều đó không - Trên mặt đất chúng ta sẽ không thấy nhau nữa - Mùi thời gian nhánh bruyère - Và ai hãy nhớ rằng ai chờ mình). Ở đây chúng ta va vào vấn đề quen thuộc – sự khác biệt lớn lao trong cách xưng hô giữa người Việt và người Anh, Pháp, sau lưng vấn đề này lại còn sự khác biệt văn hóa, dĩ nhiên chúng ta không thể nói gì được ở đây, nhưng ít nhất chúng ta phải đừng bỏ qua, hay giản lược vấn đề, tránh làm bài thơ thành nghèo nàn và có thể đánh mất ý nghĩa đích thực của nó.

Nếu dùng “ta” – như trong lời bài hát phổ thhông chẳng hạn – sẽ mang nhiều kịch tính, Ở đây không phải là Phạm Thái/Trương Quỳnh Như, hay Từ Hải/Thúy Kiều, lại càng không phải như những nhân vật Tàu như Hạng Vũ/Ngu Cơ, với hình ảnh những áo quần lê thê luộm thuộm, đàn ông thường đeo gươm, tóc dài lòng thòng, râu ria lưởm chởm, đàn bà cài trâm quị lụy! – không trách người đàn ông xưng “ta” – rất hào hiệp đã “ngắt” đến trọn cả một “cụm” hoa (bruyère có thể cao đến 1m), dù không thực để làm gì cả, chỉ trong hồi tưởng cảm động. Nếu không bị ám ảnh bởi những hình ảnh kịch tính như thế, thì “ta/nàng” hay “ta/em” cũng là ngôn ngữ của giới anh hùng và giai nhân, hay tráng sĩ và kỹ nữ, hay ít nhất cũng nghệ sĩ giang hồ - những người tình thuộc loại khác thường!…những hình ảnh và từ ngữ ước lệ không thực với đời thường! – Nhưng ở đây, trong bài thơ nhỏ này, trong Apollinaire của chúng ta, và trong cả chúng ta, nhân vật chỉ là những người bình thường yêu nhau, nhớ nhau ở thế kỷ 20, và dĩ nhiên gọi nhau một cách thông tục, rất bình thường. Hình ảnh người nam gần nhất là …  Apollinaire!, và nữ là những người tình của ông, là Lou, là Marie, …. Họ gọi nhau bằng “toi, moi”, mặc y phục Tây, sống quanh quẩn ở Paris, (hay “anh/ em” sống quanh Saigon, Hànội) – gán cho họ những chữ “ta/nàng” không thể nào hợp. Tại sao dịch, đọc thơ Tây, mà lại tưởng tượng hình ảnh Tàu? – và như thế, sao không tưởng tượng những hình ảnh của Loan và Dũng, Mai và Lộc, hay Lan và Điệp, ...Chắc chắn những nhân vật này ở nửa đầu thế kỷ – gần chúng ta hơn – chắc chắn họ không gọi nhau là “ta” và “em”, vừa kệch cỡm và có thể là pha khôi hài, lố bịch, vừa đầy kịch tính (Tàu) giả tạo!

Như thế, ý nghĩa không rõ rệt, không đứng lại, chúng ta phải long đong đi tìm một chỗ nào đó để bắt đầu, để nắm giữ. Thơ nói một điều nhưng về một điều khác (“il dit une chose littéralement et qu’il signifie autre chose”) – Phần thưởng nó đem lại là chiều sâu, sự giàu có nội dung, nhưng cũng chật vật để lĩnh hội – và một khó khăn quan trong khác hơn là chúng ta không phải muốn đi xa đến đâu thì đi - sẽ đi đến một giới hạn nào đó, nếu không sẽ không còn là ý của nhà thơ chúng ta đang đọc, nhưng chỉ là của chúng ta, những người đọc mang hành lý của mình vào, và cẩn thận, hànhlý phải chọn lựa, nếu không sẽ thất bại vì chúng không xứng hợp hay không vừa với bài thơ. Đọc thơ phải tưởng tượng – dĩ nhiên – nhưng chúng ta có thể thả cánh diều tưởng tượng lên thật cao, nhưng sợi dây diều vẫn phải kết buộc với bài thơ, với tác giả, vì nó là cánh diều tưởng tượng của chúng ta về bài thơ - nếu không nó sẽ là con diều của riêng chúng ta về một gì đó, chứ không về bài thơ nữa – trong khi chúng ta đang muốn đi tìm – cái hay, cái đẹp – của thơ người khác!

3.
Đến đây chúng ta bối rối – bài thơ phải có một ý nghĩa nào đó, chúng ta hãy đi tìm qua những dấu hiệu là ngôn ngữ. Cùng một ý tôi nhắc ở trên, nhưng Apollinaire viết bằng tiếng Pháp, vậy nhắc qua chính Sartre, cũng còn là một nhà lý thuyết văn học: “(Khi) người ta nói là đến phía bên kia của lời, đến gần đối tượng; thi sĩ không thế nhưng ở phía bên này của lời. Với người kể trước, chúng được thuần hóa, với những nhà thơ, chúng còn nguyên trạng thái hoang dã, chưa thuần. Một bên, đây là những ước định hữu dụng, là những dụng cụ dùng dần dần và vứt bỏ khi chúng không còn dùng được nữa; với bên kia – những nhà thơ – đó là những vật trong thiên nhiên, lớn lên tự nhiên trên mặt đất như cây cỏ”. [7]

Nghĩa là theo như ông, chúng ta – phải ra ngoài ước định thông thường về ý nghĩa của lời, vì đây là lời thơ – mùa thu có lẽ không là mùa thu thiên nhiên chẳng hạn, như nói ở trên, và nhánh bruyère có thể không chỉ là là nhánh bruyère, như chúng ta thoạt nghĩ, nhưng có thể thay cho một gì khác, và hiển nhiên “mùi thời gian” không có nghĩa là “mùi” như chúng ta vẫn dùng hàng ngày!

Vậy chúng là gì? Chúng ta dò tìm nhưng vẫn phải bám vào bài thơ. Bài thơ của chúng ta như những bài thơ khác - là một hệ thống gồm những chữ - chúng có nghĩa, âm và vần.

a.
Anh đã hái nhánh bruyère này
Mùa thu đã chết em hãy nhớ điều ấy

Hệ thống âm của từ: Mùa thu (l’automne) hàm ý chết (la mort) theo hệ thống âm điệu chúng ta có:  mùa thu → cái chết → thời gian (automne, morte, temps) -

Hệ thống nghĩa của từ: Kỷ niệm (souvenir): “đã hái” → “nhánh bruyère” → “nhớ lại” (cueilli, bruyère, souviens.)  Nhánh bruyère ở đây như thế có thể ám chỉ có ngôi mộ, hay nghĩa địa - bruyère mọc cạnh mồ.

b.
Mùi thời gian nhánh bruyère
Và vần thơ: chúng làm giàu âm hưởng cho thơ – cuối câu 3 và cuối câu 4 vần nhau - “terre” và “bruyère “ và đưa đến “mùi thời gian” (“Odeur du temps”) ở giữa chúng – hai câu thơ đưa đến cho chúng ta sự tương phản giữa - đất chôn dấu những gì đã chết (“terre”) ở câu 3, và đất vẫn có sự sống, có “bruyère” mọc, đất của hiện tại sống ở câu dưới – Giữa một nhánh bruyère sống và những gì không nhìn thấy, chìm trong đất  – đã mất, đã chết, cho thấy khác biệt, không gian và thời gian – thời gian có thể đơn giản chỉ là sự khác biệt mà chúng ta gắn tương quan trước sau nhân quả vào những hiện tượng.

Odeur du temps brin de bruyère
Chôn dấu, nên ngăn cản, làm thay đổi là những ký hiệu không gian đưa về ý niệm thời gian, nên “mùi thời gian” và “nhánh bruyère” đặt cạnh nhau – như Houellebecq nói đã dẫn trên - không có hình thức kết nối nào – nhưng khi đọc lên không phải không tự nhiên, có lẽ có “chất thơ” nhất trong toàn bài, và làm rung động người đọc - chúng là những xúc động của nhà thơ đọng thành lời, chuyển tới chúng ta, và chúng ta xúc động theo – không băn khoăn về ý nghĩa nữa. Mùi thời gian nhánh bruyère. Có những liên hệ nào giữ chúng? – Cũng như có những liên hệ nào giữa saisons, châteaux trong Rimbaud? [8]. Mùi (“odeur”) nhưng không phải hương. 

Hay chúng ta đành nương vào Barthes: “Trong văn chương, tất cả như thế được đưa ra như để hiểu, cũng như trong chính đời sống chúng ta, để cuối cùng tuyệt chẳng có gì để hiểu”. [9].  - Nghĩa là chịu thua! cảm thôi, đừng cố hiểu.

c.
Và thời gian mãi mãi: “anh hãy nhớ rằng em chờ anh”
Sau khi đã hái – rồi mùa thu đã chết – rồi chúng sẽ không nhìn nhau – đầy ý niệm thời gian, trước sau trôi chảy – và mùi thời gian có thể từ nhánh bruyère. Câu kết “Và anh hãy nhớ rằng em chờ anh”. Động từ chờ (“je t'attends”) ở thì hiện tại – một trạng thái không đổi – trước sau, quá khứ, tương lai như một, nghĩa là nói đến mãi mãi. Còn anh, trở lại đời sống, hãy nhớ rằng em chờ anh - Không đã chờ, cũng không sẽ chờ, cũng không vẫn chờ - chỉ chờ mà thôi – như thế nghĩa là mãi mãi.


4.
Bây giờ chúng ta có thể trở về L’Adieu, bài thơ sáng sủa hơn một chút – dù vẫn gợi lên – rất nhiều trong 5 câu, khoảng 30 từ - nhưng không nói gì rõ rệt:

Câu (1) Chúng ta ngẩn ngơ – tất cả những gì chúng ta nhìn thấy, nếu có thể nhìn thấy là một người đàn ông (dĩ nhiên cũng có thể là đàn bà, nhưng vì tác giả là Apppolinaire, tạm cho là đàn ông) – hái một nhánh hoa bruyère dại, hay đã hái giờ nhắc lại? hay trước có hái nay lại hái? – Thời gian không rõ rệt, nhưng chắc chắn là có hoa bruyère, và có hái, từ “này” (ce) cho ta ý xác định đó - Hoa bruyère chúng thường màu đỏ đậm pha tím và mọc từng bụi hoang. Còn hái ở đâu - bên đường, trong nghĩa địa? cạnh mồ? chúng ta không chắc - Có phải tất cả câu (1)  chỉ là những tưởng nghĩ trong đầu, hay thực sự có hành động chúng ta cũng không rõ. Không gian ở đâu - nghĩa địa hay không chúng ta cũng chỉ có thể đoán.

Câu (2) – mùa thu chết – có nhiều lý do để tin mùa thu là một ẩn dụ - chỉ người tình, vì nếu mùa thu là mùa thu – phải là - L'automne est mort – như đã nói ở trên, bài thơ in nhiều lần, nhiều ấn bản, tác giả dụng ý như vậy, và chúng ta có mốc để tìm – người tình đã chết – Đứng cạnh nhau, nhưng ông chua xót nhắc nàng -  em hãy nhớ điều đó  - Giữa chúng ta tất cả vẫn như xưa, chi khác là em đã chết – Vậy tạm đoán: Người trong thơ có thể nói – anh đã hái một nhánh bruyère như thế này (“ce”) rồi – em nhớ không – trong mùa hạnh phúc bất hạnh đó, vì em đã chết trong đó - và nhớ rằng anh tuy còn sống nhưng không có hạnh phúc, một trong những lý do hiển nhiên là vì dù đến nơi em nằm đây, tìm em nhưng:

Đưa sang câu (3) tự nhiên:  Trên mặt đất chúng ta sẽ không thấy nhau nữa – vừa vặn, đúng chỗ đương chờ đợi, để giải thích câu (2) trên. Giữa hai người có cái chết ngăn cách. Những chữ “ne verrons plus sur terre” nhắc đến huyền thoại Orpheus “không thấy” Eurydice trên mặt đất (sur terre); hiểu như với người yêu nhau, người kia không “chết”, chỉ không ở trên mặt đất này, không trên trần gian, còn đó nhưng – bị giữ ở “dưới mặt đất” – nên đã xuống “dưới đó” tìm, và gặp nàng. Orpheus là nhà thơ, là người tình đầu tiên nổi tiếng nhất của phương Tây. (Apppolinaire đã viết một bài thơ về Orpheus [10])

Câu (4) – là một câu khó- chúng ta không biết gán cho ai – mùi thời gian – nhánh bruyère. Tạm cho là của người nãy giờ im nghe – bây giờ trả lời – hay chỉ là một câu chuyển ý - mùi thời gian, và nhánh hoa – Chúng ta chỉ có thể nói thời gian đi qua và kỷ niệm hồi tưởng – và đừng khuấy tan những xúc động trong câu thơ “ngẩn ngơ” này.

Câu (5) – gián tiếp trả lời câu (3) – Tuy hiện giờ cái chết chia cách hai người, chúng ta không còn nhìn, gặp nhau trên trần thế nữa, nhưng sẽ gặp nhau ở cuối đời - em chờ anh – chốn này - mãi mãi – động từ ở thể hiện tại – chỉ một sự kiện bất biến.  

Thơ
Nghĩa câu
Anh đã hái nhánh bruyère này

Anh đã hái nhánh hoa bruyère dại đầy kỷ niệm này
Mùa thu đã chết em hãy nhớ điều ấy

Đã bên em trong mùa hạnh phúc  - nhưng Em đã chết - mùa thu đó mất – em nhớ đấy
Trên mặt đất chúng ta sẽ không thấy nhau nữa
Nên Anh không gặp Em nữa trên trần thế
Mùi thời gian nhánh bruyère
thời gian (đã qua) và kỷ niệm (đã mất)
Còn anh hãy nhớ rằng em chờ anh
Nhưng hãy hy vọng - Anh nhớ,  Em chờ anh
Chúng ta sẽ gặp nhau.

5.
Vậy toàn bài thơ chúng ta đi tìm, bây giờ có thể như sau:

Anh đã hái nhánh bruyère này
Mùa thu đã chết em hãy nhớ điều ấy
Trên mặt đất chúng ta sẽ không thấy nhau nữa
Mùi thời gian nhánh bruyère
Còn anh hãy nhớ rằng em chờ anh.

Một người tình đến thăm mộ người tình, có lẽ nhìn thấy một nhánh bruyère dại quen thuộc, tất cả đánh thức những tâm sự - và một đàm thoại nội tâm, trong im lặng, trầm tưởng diễn ra.  Họ không vĩnh biệt nhau – họ biết sẽ gặp nhau – vì người này chờ người kia – ở chốn cuối đời, và trong khi đó một người vẫn tiếp tục sống, có lẽ sau thăm viếng sẽ quay lại đời thường nhật, nhưng cuộc đời ấy đã không còn hạnh phúc nữa vì chia ly và bất hạnh này [11]. Một thứ Orpheus và Eurydice của thời hiện đại. Người ấy đã vĩnh biệt mùa thu hạnh phúc [12] của năm nào bên nhau với nhánh bruyère kỷ niệm rồi. Đó là ý nghĩa của nhan đề Vĩnh Biệt, nếu chúng ta tự hỏi – vĩnh biệt gì? Sự vĩnh biệt hạnh phúc của một người tình này vì thiếu người tình kia, họ chỉ có thể chờ ngày gặp lại ở một chốn không phải là trần gian.

6.
Dài dòng như thế, cuối cùng bài thơ tình ngắn ngủi này nói gì với chúng ta?

Những người yêu nhau – họ thách đố thời gian. Thời gian đem lại cái chết – nhưng với họ chết/sống chỉ đơn giản là hai thế giới ngăn cách “không nhìn thấy nhau nữa” - một người ở trên “mặt đất” này, và một người không ở trên “mặt đất” này, đâu đó, bên kia hay dưới kia. Trong nhân loại chúng ta, Orpheus, người tình đầu tiên, cũng là nhà thơ, nhạc sĩ đầu tiên đã vượt biên giới đó để tìm gặp và đòi lại người tình Eurydice – và Orpheus và Eurydice đã nắm được tay nhau, đã cùng trở lại, đã chỉ thêm một bước nữa là về với ánh sáng Apollo ấm áp, rời bóng tối Hades lạnh lẽo, lúc ấy đã tưởng cái chết đâu ngăn cách được họ. Thế nhưng họ đã quên còn có Định Mệnh – cái thoáng quay lại nhìn – chỉ một giây thiếu tin tưởng vào thực tại hay thần linh - đã ngăn cách Orpheus và Eurydice. Và Số Phận – khuôn mặt quen thuộc của thần thoại Hylạp đó – đâu chừa một ai, đâu chỉ tàn nhẫn và khốc liệt với những trường hợp như Oedipus, nhưng với tất cả mọi người, dệt cho mỗi người một ĐịnhMệnh, những người yêu nhau cũng không khác - như Orpheus và Eurydice, như Apollinaire.

Cũng thế -  chỉ có Số Phận ngăn cách Apollinaire và người tình của ông, không phải thời gian, không phải cái chết – họ nói với nhau – “em đã chết, em hãy nhớ điều ấy” nhưng thời gian rồi cũng thua cuộc ở cuối đường, vì Số phận sẽ tiếp tục, những gì Lachesis đã dệt, Atropos sẽ cắt, và đem cái chết đến nốt với người kia - nên họ sẽ “nhìn thấy nhau”. Số Phận tai ác ngăn cách họ giờ đây. Nhưng chính Số Phận sẽ đem họ lại bên nhau. Như thế, ngay trong Số phận đã sẵn bóng cái Chết của Eurydice, và dù bi thảm nhưng cái Chết đóng vai ở đây là một Hy Vọng Pandora giữ lại cho loài người, nên có đau thương – người nữ vẫn có thể nói “anh hãy nhớ rằng em chờ anh”. Đó là nàng nhắc đến Định Mệnh tất yếu, nhắc rằng Cái Chết sẽ đến theo Định Mệnh Định Mệnh chính là Số Phận đã dệt nên cho mỗi người - nhưng giờ đây nó hiện ra như Hy Vọng, tài sản cuối cùng, Pandora người nữ đầu tiên của nhân loại đã nhanh tay giữ lại, vẫn còn trong lọ gốm Zeus giao cho nàng!

Và có lẽ cũng thế với những người đọc Apollinaire. Đằng sau bài thơ ngắn ngủi này là những huyền thoại Hylạp về Tình Yêu, Số phận và Hy Vọng – những chủ đề bất tử của phận người, có lẽ thế nên L’Adieu này được truyền tụng. Nó như một khúc ca nào đó có lẽ xưa kia Orpheus đã từng hát cho con người:

“Số phận đẩy chúng ta lìa nhau.
Vĩnh biệt Hạnh phúc trần gian
Hy Vọng Gặp gỡ trong cái Chết”

Một La chanson d’Orphée”?


Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất
(Oct/2011)
http://chuyendaudau.blogspot.com/
http://chuyendaudau.wordpress.com



[1] Đây là định nghĩa chi tiết: bruyère: tên Latin: Calluna vulgaris, thuộc họ: Ericacées (éricinées). Tên gọi thông thường: Bruyère, Bruyère-commune, Bruyère-callune, Callune, Brande, Bucane, Grosse-Bruyère.
Cao chừng 10cm-1m. mọc rậm rạp, cành thanh mảnh và thẳng, vỏ màu nâu đỏ. Hàng năm sống lại, nẩy từ rễ và thân ngầm sâu dưới đất. Hoa nhỏ màu hồng, từng chùm – nở từ tháng Bảy đến tháng Chín, hay Mười (mùa thu) – thường gặp mọc hoang trong đồng khô, truông, sườn đồi. (nếu google sẽ thấy ngay màu sắc và hình dạng)
[2] Theo Arnaud Laster ‘”L'Adieu” d'Apollinaire: un hommage à Victor Hugo’ – bài thơ này Apollinaire đã cho phổ biến trước đó, nhưng dưới dạng khác, nên có thể giúp chúng ta dò hiểu ý tác giả. Laster cho biết hai chi tiết quan trọng như sau:
a. Apollinaire đã cho phổ biến trong tạp chí le Festin d'Esope, số tháng Dec/1903 – trong đó cho thấy có đối thoại  giữa hai nhân vật – theo như cách đóng mở ngoặc kép:
J'ai cueilli ce brin de bruyère
Mets-le sur ton cœur plus longtemps
Nous ne nous verrons plus sur terre.”
“J'ai mis sur mon cœur la bruyère,
Et souviens-toi que je t'attends.”

“Anh đã hái nhánh bruyère này
Đặt nó trên tim em đã rất lâu
Trên trần thế chúng ta sẽ không thấy nhau nữa.
Em đã đặt trên tim em nhánh bruyère
Và anh hãy nhớ rằng em chờ anh”.

b. Trong bộ sưu tập di cảo Guetteur mélancolique, xuất bản năm 1952, bài thơ “La Clef” – bài này có 65 câu, và trong năm câu trích dẫn sau đây, tương tự như bài L'Adieu trên – trong Festin d'Esope - ,chỉ khác câu giữa, và tuy không có ngoặc kép nữa, nhưng có một dòng trống – cho thấy đối thoại giữa hai người:

J'ai cueilli ce brin de bruyère
Mets-le sur ton cœur pour longtemps
Il me faut la clef des paupières

J'ai mis sur mon cœur les bruyères
Et souviens-toi que je t'attends

Ông cũng còn chứng minh rất vững vàng rằng Apollinaire đã lấy nhiều ý, mượn rất nhiều từ - từ thơ Victor Hugo. Xem thêm ở đây:
Đây là công trình nghiên cứu văn bản, và trong tương lai có thể có nhiều nữa. Tuy nhiên, ít nhất chúng ta cũng có thể giữ một quan niệm phổ thông – chúng ta có thể thưởng thức bài L’Adieu  như một tác phẩm độc lập, sự liên hệ của nó với những tác phẩm khác của những tác giá khác, hãy dành cho các nhà nghiên cứu đào sâu, chúng ta – những người thưởng ngoạn - có thể tạm làm ngơ; chỉ trừ những gì giúp chúng ta trên đường cố gắng phục hồi nội dung bài thơ, chúng ta nên lợi dụng   –  như những tài liệu về chính tác giả trên đây, vì chúng giúp chúng ta đến gần nội dung bài thơ hơn.
[3] Đoạn viết về La Vie de Rancé của Chateaubriand trong R.Barthes. Nouveaux essais critiques. Paris: Seuil, 1972.  Trich lược – bỏ những thí dụ: “On sait que dans le discours ordinaire le rapport des mots est soumis à une certaine probabilité. ….  La parole littéraire (puisque c'est d'elle qu'il s'agit) apparaît ainsi comme un immense et somptueux débris, le reste fragmentaire d'une Atlantide où les mots, surnourris de couleur, de saveur, de forme, bref de qualités et non d'idées brilleraient comme les éclats d'un monde direct, -impensé, que ne viendrait ternir, ennuyer aucune logique: que les mots pendent comme de beaux fruits à l'arbre indifférent du récit, tel est au fond le rêve de l'écrivain;
Par ces anacoluthes souveraines le discours s'établit en effet selon une profondeur: la langue humaine semble se rappeler, invoquer, recevoir une autre langue (celle des dieux, comme il est dit dans le Cratylé). L'anacoluthe est en effet à elle seule un ordre, une ratio, un principe; celle de Chateaubriand inaugure peut-être une nouvelle logique, toute moderne, dont l'opérateur est la seule et extrême rapidité du verbe, sans laquelle le rêve n'aurait pu investir notre littérature. Cette parataxe éperdue, ce silence des articulations a, bien entendu, les plus grandes conséquences pour l'économie générale du sens: l'anacoluthe oblige à chercher le sens, elle le fait « frissonner » sans l'arrêter;  …
En littérature, tout est ainsi donné à comprendre, et pourtant, comme dans notre vie même, il n'y a pour finir rien à comprendre”.
[4] “Cảm xúc hủy bỏ kết nối nhân quả, chỉ mình nó có khả năng làm thành nhận thức về những sự vật trong tự thân của chúng; diễn truyền sự nhận thức này là đối tượng của thơ” ("L'émotion abolit la chaîne causale; elle est seule capable de faire percevoir les choses en soi; la transmission de cette perception est l'objet de la poésie.") - Michel Houellebecq, Rester vivant et autres texts, Paris: Éditions Flammarion, 1997
[5] Các nhà thơ thường đề cao ca tụng lẫn nhau, bè phái trong văn nghệ là hiện tượng tự nhiên và thông thường, và thường làm “yếu lòng” người đọc. Thế nên có rất nhiều bài thơ nổi tiếng một thời nhưng thực sự không mang giá trị nào về tư tưởng lẫn hình thức, nhưng người ta chuyền tay nhau – vì có người bảo hay – khi hỏi hay ở đâu? Người đọc e dè không có can đảm nói "không!" - vì không tự tin! Phải đợi thời gian ra tay - những thảo mộc đó mới chết.
[6] Mùa Thu Chết – là tên của một bài hát Việt phổ biến rộng rãi – lời từ L’Adieu, có dư luận cho lời hát không từ người viết bài hát nhưng một người khác đã dịch bài thơ có trước khi bài hát ra đời. Giữa lời hát, và lời thơ dịch có nhiều trùng hợp những sai lầm. Trong trường hợp này, cũng như nhiều trường hợp khác nữa, những người như tác giả bài thơ dịch, hay tác giả soạn bài hát, và nhiều người khác nữa, đều có toàn quyền hiểu bài thơ theo ý riêng mình. Và đều có thể nói – và họ có hoàn toàn có quyền nói – chỉ “phóng” dịch. Nói như thế cũng không phải sai, và thực ra, tất cả mọi người khi dịch thơ đều có lý do chính đáng để nói – đây là cách tôi “hiểu” bài thơ, dù “dịch” hay “phỏng dịch” – và dĩ nhiên mọi cách hiểu đều tự thân nó có một hiện hữu lôgích, không thể phủ nhận và đáng tôn trọng. Tuy vậy người đọc vẫn được quyền hỏi - trung thực với nội dung nguyên tác hay không, và đến đâu.
[7] “L’homme qui parle est au-delà des mots, près de l’objet; le poète est en deçà. Pour le premier, ils sont domestiques; pour le second, ils restent à l’état sauvage. Pour celui-là, ce sont des conventions utiles, des outils qui s’usent peu à peu et qu’on jette quand ils ne peuvent plus servir; pour le second, ce sont des choses naturelles qui croissent naturellement sur la terre comme l’herbe et les arbres”. Jean-Paul Sartre, Qu'est-ce que la littérature? Paris: Gallimard, Collection Folio, 1981.
[8] Ô saisons ô châteaux, Quelle âme est sans défauts ? – Rimbaud
[9] “En littérature, tout est ainsi donné à comprendre, et pourtant, comme dans notre vie même, il n'y a pour finir rien à comprendre”. Đã dẫn ở trước.
[10] Apollinaire - Le Bestiaire ou Cortège d'Orphée.
[11] Một bài thơ nổi tiếng hơn của Apollinaire và quen thuộc hơn với độc giả Việt là bài Le Pont Mirabeau tôi đã giới thiệu cùng ở blog này.
“Nàng thơ” của Apollinaire trong bài Le Pont Mirabeau – ngoài đời là Marie Laurencin, vốn là một họa sĩ, sau thành nổi danh quốc tế. Bà chết ở Paris, năm 1956, khi chôn, trong quan tài bà mặc áo trắng, một tay cầm hoa hồng, và tay kia cầm một lá thư tình của Apollinaire (“dans une robe blanche, tenant une rose dans une main et dans l’autre, une lettre d’amour de Guillaume Apollinaire”), và mộ bà trong một nghĩa địa rất gần với của Apollinaire! Apollinaire đã chết trước từ lâu; vì ông chết rất sớm, khi mới 38 tuổi, năm 1918.
Nếu vậy – những nhân vật trong bài có thể dễ dàng đổi ngược lại – hãy cho rằng có lần trong đời, Marie đã đến thăm mộ Guillaume – và như thế sẽ không khó khăn lắm cho chúng ta tưởng tượng đối thoại trong tâm tưởng giữa hai người.
[12] Mùa thu có thể là mùa rất hạnh phúc. Chúng ta đọc thơ Tây, nhưng có lẽ bị ảnh hưởng thơ Tàu. Thu ca phải là bi ca! Mùa thu bình thường có thể và thường là mùa hạnh phúc, đầm ấm, và đẹp nhất trong năm, khi ấy mùa màng đã xong, trời rất xanh, con người thảnh thơi với đất trời đang chuyển màu, thời gian đang đi, là mùa của nghệ thuật và thơ ca. Có thể buồn trước cảnh vật, nhưng không sầu não, thê thiết, tê tái khóc than như mùa chia ly của những lính thú Tàu đến phiên phải lên đường ra ải Bắc. ngay cả Ngưu lang Chức nữ cũng không phải là thần thoại của chúng ta, nhưng các nhà Nho sính Tàu đã du nhập kéo theo nỗi buồn thu (Tàu) của “ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ tri thu”.
Mùa thu của Việt Nam có thể cũng đẹp, trong sáng (Nguyễn Khuyến) – các làng mạc miền Bắc cũng có những hội mùa thu, tết trung thu, hát trống quân, quan họ, dưới trăng sáng, với lứa đôi cũng là mùa sêu cưới, hạnh phúc.  Nửa phần dân chúng thực tế sống trong vùng thổ nhưỡng chỉ có hai mùa – Mưa và Nắng.