Cầu Mirabeau
Le Pont Mirabeau
Guillaume Apollinaire
Cầu Mirabeau
Dưới
cầu Mirabeau xuôi giòng Seine
Và những kỷ niệm tình chúng ta
Anh
có phải nhớ lại chúng không?
Niềm
vui bao giờ cũng đến sau sầu muộn
Đêm buông chuông điểm
giờ tàn
Ngày cứ trôi đi riêng
anh còn ở lại
Tay trong
tay, mắt đắm đuối, mặt kề nhau
Dưới vòng ôm
Cầu đang nối đôi ta
Chảy bất tận những thoáng nhìn lặng lờ sóng mệt
Dưới vòng ôm
Cầu đang nối đôi ta
Chảy bất tận những thoáng nhìn lặng lờ sóng mệt
Đêm buông chuông điểm giờ tàn
Ngày cứ trôi đi riêng anh còn ở lại
Tình
yêu trôi đi như giòng này chảy cuộn
Tình
yêu trôi đi
Ôi
đời chậm biết chừng nào
Và
Hy vọng phũ phàng biết bao nhiêu
Đêm buông chuông điểm
giờ tàn
Ngày cứ trôi đi riêng
anh còn ở lại
Ngày
qua đi và những tuần qua theo
Quá
khứ ấy
Với
tình ta không về lại
Dưới
cầu Mirabeau giòng Seine chảy mãi
Đêm buông chuông điểm
giờ tàn
Ngày tháng trôi xa riêng anh còn ở lại
Ngày tháng trôi xa riêng anh còn ở lại
Guilliam Apollinaire
Lê Dọn Bàn tạm dịch
(Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Et nos amours
Faut-il qu’il m’en souvienne
La joie venait toujours après la peine
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont je demeure
Les mains dans les mains restons face à face
Tandis que sous
Le pont de nos bras passe
Des éternels regards l’onde si lasse
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont je demeure
L’amour s’en va comme cette eau courante
L’amour s’en va
Comme la vie est lente
Et comme l’Espérance est violente
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont je demeure
Passent les jours et passent les semaines
Ni temps passé
Ni les amours reviennent
Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont je demeure)
Guilliam Apollinaire (1880-1918)
Alcools (1913) © 1920 Éditions Gallimard
Chép bài này để vợ tôi đọc, nàng thích thơ Tây không “thèm” đọc thơ Tàu. “Ngày
tháng nào đã ra đi riêng ta còn ngồi lại...”, nàng nói – “câu hát của TrịnhCôngSơn
có thể lấy ý từ Apollinaire”. Có thể lắm, có điều, TrịnhCôngSơn có nhiều
người tình, nhìn theo quá khứ, mỗi người là một giòng sông, đã qua
đời, nay đã“ra khơi”; để “ta còn mãi nơi đây”.
TrịnhCôngSơn “thả” những tình cũ trôi theo sông, như hoa đăng thả trên
giòng Hương đêm cúng vong hồn thuở kinh thành Thuận Hóa thất thủ, nến lung linh
trên sóng đen nước chập chờn, từ Phú Văn Lâu trôi về Đập Đá, rồi ra biển Thuận
An [1].
Trịnh có “những” người tình, mỗi người như một giòng sông, có lẽ ông muốn
nói mỗi người là một nhánh đời, hay một ngả sông, và đã có những trôi xa, đã ra
đến biển, đã không về nữa! Còn những gì từ người tình của tôi – đâu đó vẫn
không mất trong tôi, dẫu bên ngoài, cùng thời gian từ đó vẫn trôi đi; và
như Apollinaire, trước ngày sắp tắt, không thể không nhớ một người, và tự hỏi những kỷ niệm của:
“tình chúng ta ... có phải nhớ lại chúng không?”; ký ức bao giờ cũng ngược
thời gian, quá khứ tự nhiên trôi trở lại; và người tình thất lạc, sau
tan vỡ, hay lìa xa, đã ngăn cách sau những sầu muộn cuộc đời, nhưng dẫu xa xăm ấy,
vẫn đem cho ngọt ngào, ấm áp, “niềm vui” – xúc động năm nào bên hoa
đang tươi nở, sẽ vẫn khắc đọng mãi đâu đó trong não thức, trọn vẹn cùng sắc màu
kiều diễm! – dẫu nay người đã thất lạc, những bình xưa đã vỡ, tất cả người và
hoa, có thể đã không biết về đâu, nhưng một lần của khoảnh khắc là quà tặng mãi
mãi vẫn có đó với đời này; tia mắt, nụ cười, tiếng hát năm xưa vẫn mang lại mỉm
cười, dù ít nhiều héo hắt, chiều nay, một mình tôi:
Niềm vui bao giờ cũng đến sau sầu muộn
2.
Apollinaire để vần nối những dòng thơ, nhưng không chấm câu, phó mặc người
đọc. Có thể đọc dòng 1 + 2 thành một câu: Dưới cầu, trôi đi giòng sông và tình
chúng ta (cũng trôi đi) – cả hai cùng trôi – tình lẫn sông. Hay có thể đọc:
dòng 1, rồi dòng 2 + 3 thành: Dưới cầu, trôi đi giòng sông. Còn tình chúng ta,
anh có phải nhớ chúng không? buồn đấy, nhưng vẫn có vui về từ quá khứ những
ngày hạnh phúc bên nhau (dòng 4).
Các động từ chỉ có present và subjonctif, như mãi mãi của
bây giờ và của những ước muốn chưa thành. Giòng Seine và thời gian – vẫn cùng đời
trôi, chỉ còn cầu Mirabeau và tác giả thủy chung đứng lại.
Đứng lại (Tác giả, Cầu Mirabeau) v/s
Trôi chảy (thời gian,Sông Seine)
Không thay đổi (tác giả, cầu sắt)
v/s Thay đổi (nước sông, cuộc đời)
Tĩnh, bất biến (cầu sắt đá) v/s
Sống động, luân lưu(sông nước)
Thấp thoáng chủ đề cá thể giữa thời gian (self and time) – dĩ
nhiên tất cả là ảo ảnh, ngay tình yêu của tác giả (với Marie Laurencin) [2]
cũng không vượt qua được thử thách của thời gian. Cầu là chỗ gặp của hai bờ, Mirabeau
cũng là chỗ hẹn của hai người. Cầu của đời cũng là cầu của cuộc tình. Chúng ta
mỗi người đều có lúc tưởng mình bất động trên cầu thời gian này nhìn giòng đời
trôi dưới kia. Cầu Mirabeau, hẳn là điểm hẹn xưa, chân theo quen, về chỗ
cũ, người như lại đợi người. Người đứng mãi, soi tìm trong sóng nước, những nhân
chứng duy nhất, một thuở in những hình bóng nay thành thiên thu, rồi chiều cứ tàn,
ngày cứ đi, đêm cứ đến, chuông cứ điểm, có rộn rã cũng không đưa người về hiện
tại, giờ đây, người nấn ná trên cầu với quá khứ, chiêm nghiệm những-không còn, là
quãng đời đã mất, có cuộc tình đã qua, tất cả đều đã trôi xa khôn cưỡng. Có gì
đó của cam chịu, không thở than, cũng có gì đó của chấp nhận, không trách móc.
Chúng ta nào có thể làm gì khác được trước đổi thay của đời này. Sau những phũ phàng dập tàn hy vọng của đợi chờ, là đông cứng, là bất động như cái chết
đã thấp thoáng; sự thật vẫn muốn tránh đó, đem cho chút vị đắng cay, thấm thía
đời sao quá chậm, quá dài đến thừa thãi. [3]
Câu chuyện của giòng sông thường có thể là một câu chuyện triết lý,
ở đây chỉ là một câu chuyện tình. Người không đến, nhưng người vẫn đợi. Sông
trôi, thời gian đi; còn người nấn ná vẫn đứng? Đó chỉ có trong ngây thơ của nhà
thơ, hay khờ dại của những kẻ si mê thôi – “cái tôi phút trước sang tôi phút
này” đã khác rồi – Ai đứng lại được với giòng sông thời gian, với cuộc đời trôi
chảy. Và thời gian? thời gian là gì, “thật” có một thời gian – dù là vật lý –
không? đã có lời đáp rõ rệt đâu. Nhưng thôi, không phải mượn Plato để chê thi
sĩ mù lòa, lên án thi ca làm hỏng, lừa dối con người, đẩy nó xa chân lý. Nhân
có Apollinaire, nhắc lại một cái nhìn triết lý về thơ ca của phương Tây, quả thật
thơ là tiếng lòng yếu đuối, người thơ ôm lấy những hiện tượng giả để làm thật,
sống với cảm quan, không với lý trí (sáng suốt). Nhân sinh là bọn sống trong hầm
tối, chỉ thấy được bóng hình trên vách đá, mà lại làm thơ, phóng mơ, xây tưởng,
dựng mộng trên những bóng hình! Chao ơi, không sai lầm sao được! Bọn ấy ngu muội
lắm! thương thay!
3.
Hãy mặc Plato trẻ tuổi đốt thơ bi kịch của ông. Sau cùng, như Aristotle, học trò ông, đã phản
biện – nhà thơ đâu có là thày dạy khôn ngoan, họ chỉ trải lòng qua ngôn từ, đưa
tình vào lời, vẽ những cảnh huống đời – dù riêng tư – nhưng sống thực của mọi
người chung. Cuối cùng, ở đây có một giòng sông và có một người trên cầu, tìm
thiên thu giữa sóng nước, và thổn thức đã thành một bài thơ tình với điệp khúc
không dứt như những giòng trôi chảy còn vương vấn mãi. Còn tình, còn lỡ làng,
còn nhân sinh, còn hệ lụy, và còn người đọc bài thơ này. Những người đã biết
tình đến rồi đi, chỉ còn giữ được những âu yếm quá khứ trong ký ức ấm áp, để được
nhớ lại, để được sống thêm một lần hồi tưởng, để bồi hồi xúc động, và để có thể
mỉm cười một mình. Tất cả đọng lại trong điệp khúc ám ảnh của bài này:
Vienne la nuit sonne l’heure
Les jours s’en vont je demeure
Bao nhiêu nước chảy qua cầu, sao em và những ngày ấy
không về lại nhỉ?
tôi đứng, mãi mãi:
Đêm buông chuông điểm giờ tàn
Ngày tháng trôi xa riêng ta còn ở lại
Dịch vẫn không ổn – rồi sẽ dịch lại hai câu này cũng nên –
(nghĩa là dịch lại cả bài thơ trầm lắng – bên ngoài mất hết, chỉ còn tiếng thời
gian gửi trong thơ – từ người đứng trên cầu – theo tiếng sóng im lặng của
hai câu mãi không dứt.
Và nếu có quên hết lời thơ, nhưng sẽ còn tiếng nước vỗ nhẹ, chậm rãi trôi
lặng lẽ – và đương khi một ai đâu đó, lang thang giữa đời, chợt nhắc đến bài
thơ này, cũng chính lúc ấy, trên cầu Mirabeau giữa Paris, ít nhất có một người,
khi đêm về, vẫn đứng đợi –
Và khắp nơi ở những chốn nào khác, hẳn nhiều người vẫn về với những bờ
sông quá khứ của mình, ở đó, thường khi không có được trọn một chiếc cầu, nhưng
chỉ một vài nhịp gãy đổ, hoang tàn, thương tích, hay chỉ một bến đò, một bờ đất,
chỉ một chỗ đủ để đứng, nhớ và nhìn trôi chảy
Như tôi,
lúc này bên bờ Mỹ thuận).
Và tình yêu cùng thời gian? Có thể nào có
tình yêu ngoài thời gian được không?
Phải chăng yêu nhau là chúng ta trong thời gian
nhưng cùng thách đố miên viễn khôn cùng đó?
Và chiến thắng chỉ biết được ở cái chết tận cùng. (“Ôi đời chậm biết chừng nào”)
Có lẽ như thế, nên tình yêu và thời gian trộn lẫn với
dòng Seine: (“tình yêu trôi đi như giòng này chảy cuộn”). Vì bản thế của cả hai đều là một – “trôi chảy”.
Tình yêu phải có thời gian – để những vàng son của những
kẻ bội tình thành rỉ sắt, và những tro than của những tấm lòng thủy chung thành
kim cương tỏa sáng.
Anh mãi cùng em
Và quanh chúng ta vẫn chảy một dòng Heraclitus
Dưới cầu nước trôi, trời chiều chuông báo giờ rộn rã,
nhắc ngày đi, nhưng:
Đêm buông chuông điểm giờ tàn
Ngày cứ trôi đi riêng anh còn ở lại
(Nov/2008)
[1] Nghe
chính Apollinaire đọc bài thơ này:
(Le Pont Mirabeau do Apollinaire đọc, thu âm năm 1913, lưu
trữ trong Archives de Parole, Collection Phonothèque Nationale – Bibliothèque
Nationale, Paris.)
Còn nhạc? chúng ta có thể đọc bài thơ với tiếng nhạc Chopin gần gũi – như trong Chopin Valse Op 64. No 2. Waltz in C sharp minor #7; có một điệp khúc vương vấn tha thiết, nhẹ nhàng xa vắng, rồi dồn dập tung trào như quá khứ, khôn cưỡng, oà vỡ vọng về – Nhưng cũng có có thể liên hệ với bài “Les chemins de l'amour”của F. Poulenc – Nghe Jazz pianist Jacky Terrasson trong album A Paris – nghe đi nghe lại lúc viết bài này – Một ngày nắng đẹp – đông người – mới thấm thía nỗi nhớ, tiếng piano trầm tưởng bay miên man trên tiếng trống nghiêng ngả cùng tiếng contre-bass lặng lờ.
Còn nhạc? chúng ta có thể đọc bài thơ với tiếng nhạc Chopin gần gũi – như trong Chopin Valse Op 64. No 2. Waltz in C sharp minor #7; có một điệp khúc vương vấn tha thiết, nhẹ nhàng xa vắng, rồi dồn dập tung trào như quá khứ, khôn cưỡng, oà vỡ vọng về – Nhưng cũng có có thể liên hệ với bài “Les chemins de l'amour”của F. Poulenc – Nghe Jazz pianist Jacky Terrasson trong album A Paris – nghe đi nghe lại lúc viết bài này – Một ngày nắng đẹp – đông người – mới thấm thía nỗi nhớ, tiếng piano trầm tưởng bay miên man trên tiếng trống nghiêng ngả cùng tiếng contre-bass lặng lờ.
[2] Apollinaire (1880-1918) – nhà thơ viết tiếng Pháp nổi tiếng, nhưng không
thực là dân gốc Pháp, tên thật Guillaume Apollinaire (Guglielmo Alberto
Wladimiro Alessandro Apollinare de Kostrowitzky) sinh tại Rome, 1880. Thân thế
mơ hồ, chỉ biết mẹ là Angelica Kostrowitzky, một người Poland sống ở Vatican.
Nhưng ông lớn lên trong những sòng bài ở những thành phố Monaco, Paris, và vùng
French Riviera. Picasso nói đùa, bảo ông có lẽ là con rơi của vị vua chiên
Vatican. Khi còn đi học, ông tự xưng và sống như trong vai một hoàng tử gốc
Nga!
Những năm tuổi 20, ông làm thư ký ngân hàng ở Paris, nhưng giao du thân mật với giới nghệ sĩ giang hồ bôhêmiên ở đây. Có tài nói và viết, ông thành một trong những khuôn mặt đáng chú ý, xem như thủ lĩnh, phát ngôn của họ. Trong thời gian này, Apollinaire cũng xuất bản một số sách có nội dung khiêu dâm, và còn tuyên bố rằng những sách của Marquis de Sade sẽ chiếm địa vị quan trọng trong thế kỷ mới. Giữa những người bạn ông giao du, có thể kể những người sau thành nổi danh: Picasso, Braques, Chagall, Max Jacob, Eric Satie, Marcel Duchamp, và Marie Laurencin.
Những năm tuổi 20, ông làm thư ký ngân hàng ở Paris, nhưng giao du thân mật với giới nghệ sĩ giang hồ bôhêmiên ở đây. Có tài nói và viết, ông thành một trong những khuôn mặt đáng chú ý, xem như thủ lĩnh, phát ngôn của họ. Trong thời gian này, Apollinaire cũng xuất bản một số sách có nội dung khiêu dâm, và còn tuyên bố rằng những sách của Marquis de Sade sẽ chiếm địa vị quan trọng trong thế kỷ mới. Giữa những người bạn ông giao du, có thể kể những người sau thành nổi danh: Picasso, Braques, Chagall, Max Jacob, Eric Satie, Marcel Duchamp, và Marie Laurencin.
Riêng Marie Laurencin, là một trường hợp đặc biệt, bà là một họa sĩ có
tiếng, và chính là người tình ông nhắc trong bài thơ này, được xem như “nàng
thơ” của ông, vì sau 5 năm sóng gió, đến 1912, hai người đã tan vỡ, tháng Sáu
năm đó, Apollinaire viết bài Le Pont Mirabeau. Trong một lá thư cho Madeleine
Pagès (1915), ông nói về bài thơ, khi bảo người hôn thê (về sau bỏ, không cưới),
bài thơ như “một khúc hát buồn từ cuộc tình dài đã vỡ này” (a chanson triste de cette longue liaison
brisée).
Apollinaire góp phần quan trọng trong nhiều phong trào tiên phong, hô hào đổi mới nghệ thuật và văn chương ở nước Pháp đầu thế kỷ 20. Tác phẩm của ông có một sự pha trộn giữa mới và cũ, thường có những kỹ thuật của cả hai, xen lẫn nhau. Ông có những bài sonnet rất đúng mực, nhưng như trong bài Pont Mirabeau này, trong đó, ông không chấm câu, không in thơ ngay hàng, có những câu giữ đúng lề, có những câu không, có những câu thơ tự do, có những câu đầy vần điệu. Có những nhà phê bình đã trưng dẫn ảnh thưởng của thi ca bình dân cổ điển, từ những khúc hát thêu dệt (chanson de toile) đầu thế kỷ XIII, trên thơ Apollinaire, đặc biệt, trong một bài có tên Gayette et Oriour, cho thấy một điệp khúc cũng hai câu với nhịp, vần, điệu cấu trúc tương tự như chính điệp khúc bất hủ của bài thơ chúng ta đang đọc:
Apollinaire góp phần quan trọng trong nhiều phong trào tiên phong, hô hào đổi mới nghệ thuật và văn chương ở nước Pháp đầu thế kỷ 20. Tác phẩm của ông có một sự pha trộn giữa mới và cũ, thường có những kỹ thuật của cả hai, xen lẫn nhau. Ông có những bài sonnet rất đúng mực, nhưng như trong bài Pont Mirabeau này, trong đó, ông không chấm câu, không in thơ ngay hàng, có những câu giữ đúng lề, có những câu không, có những câu thơ tự do, có những câu đầy vần điệu. Có những nhà phê bình đã trưng dẫn ảnh thưởng của thi ca bình dân cổ điển, từ những khúc hát thêu dệt (chanson de toile) đầu thế kỷ XIII, trên thơ Apollinaire, đặc biệt, trong một bài có tên Gayette et Oriour, cho thấy một điệp khúc cũng hai câu với nhịp, vần, điệu cấu trúc tương tự như chính điệp khúc bất hủ của bài thơ chúng ta đang đọc:
“Vente l’ore et
li rain crollent
Qui
s’entraiment soef dorment”.
“Le vent souffle et les rameaux tremblotent.
Que ceux qui s'entr'aiment s'endorment doucement!”
Và
cả những bài khác trong tập Alcools cũng cho
thấy dấu vết cấu trúc từ những chanson de toile.
Thơ Apollinaire thấy những hình ảnh tân kỳ ngổn ngang
trong những hình thức cổ điển.Thơ ông là những thí nghiệm bạo dạn, có khi dùng
những kỹ thuật trắng trợn thái quá (Calligrame – xếp chữ theo
hàng ngang, dọc, rời, và thành những hình vẽ,...). Ông có những cố gắng nhằm
tạo mới lạ, bất ngờ; bằng cách kết hợp bất thường giữa chữ in để xem đọc, và chữ
in như trang trí để xem ngắm. Về thơ, ông được coi là sứ giả báo hiệu phong
trào thơ Siêu Thực Surrealism. Tập thơ nổi tiếng và có lẽ thành “để-đời”
của ông là tập Alcools, ra đời sau khi Marie bỏ ông khoảng một
năm (1913) – Những bài nổi tiếng là bài này, thứ hai trong tập – Le pont
Mirabeau, và nhiều bài thường được nhắc nhở khác – Zone, La Chanson du
Mal-Aimé, Automne malade, và bài L'Adieu ngắn ngủi
(“J'ai cueilli
ce brin de bruyère – L'automne est morte souviens t'en . . .”).
Tập nổi tiếng thứ hai, kỹ thuật tân kỳ, là Calligrammes: Poèmes de
la paix et de la guerre 1913- 1916 (1918). Đối với Apollinaire, cũng như
Mallarmé đi trước đó không lâu, ngôn ngữ là một gì đó để thử nghiệm, với hình dạng
của nó; không chỉ để đọc lên, và chỉ để nghe; nhưng “hình dạng của thơ” khi xắp
xếp có thể diễn tả, chuyển gửi một ý nghĩa nào đó, hay tạo ấn tượng, cũng như nội
dung của nó. Ông như nhấn mạnh vào tính chất “vật chất” của ngôn ngữ, nghĩa là
sự hiện hữu của nó trên trang giấy như những dấu hiệu, thay vì chỉ là những ký
tự cho lời nói. Trong Calligrammes, như nhắc ở trên, Apollinaire đã kết
hợp, hay xáo trộn những chữ rời, những câu thơ thành những hình ảnh để xem ngắm
... Những bài thơ in thành hình vẽ như mưa rơi, hoa, hình cravate, .. Trang giấy
trắng thành tấm màn, hay phông vẽ để thử nghiệm. Cách đọc trên xuống dưới, trái
qua phải bị thay thế, thơ ông được xắp xếp để đọc nhiều cách, dọc ngang hay
xiên xéo theo nhiều trục khác nhau. Ngoài ra ông còn là người tiên phong trong
kịch nghệ – Kịch Phi Lý (theatre of the Absurd) và – dĩ nhiên, cả trong
hội họa, với trường phái Lập thể (Cubism).
Ông chết khi mới 38 tuổi, trong trận dịch cúm xảy ra năm 1918.
[3] Antiphon the Sophist, thế kỷ 5 TCN, Hylạp, trong một mảnh văn còn
giữ được, On Truth, chủ trương rằng:
“Thời gian không phai là một thực tại (hypostasis),
nhưng là một khái niệm (noêma) hay một
đo lường (metron)”. Parmenides đi xa
hơn, chủ trương rằng thời gian, chuyển động, và thay đổi đều là những ảo tưởng,
và đã đưa đến những paradoxes nổi tiếng của Zeno. Thời gian là một ảo tưởng
cũng là một chủ đề quen thuộc trong tư tưởng Phật học, và những triết gia hiện
đại, điển hình như J. M. E. McTaggart trong The
Unreality of Time (1908), cũng biện luận rằng thời gian thì không thực.
Chúng ta không thấy được thời gian, nhưng cảm
nhận được qua những thay đổi quanh chúng ta. Vấn đề không còn là thời gian có
thực hay không nhưng là thay đổi có thực hay không – đến đây, quan niệm phổ
quát của Heraclitus qua phát biểu nổi tiếng – về một giòng sông – được đa số
chúng ta thừa nhận - “Không có người nào từng bao giờ bước xuống cùng một dòng
sông hai lần, vì nó không là cùng một dòng sông và người ấy cũng không vẫn là cùng
một người”. Có khi ông nói vắn tắt hơn, nhưng rõ ràng hơn “Chỉ có một điều bất
biến là sự biến đổi”.