Sunday, October 23, 2011

Plato - Phiên Tòa và cái Chết của Socrates (8)

Πλάτωνας
Απολογία Του Σωκράτη

Plato
Phiên Tòa và cái Chết của Socrates

(tiếp theo)






Lời bạt

1.
“Đời sống không bị tra xét là không đáng sống.”

Đó là “Απολογία Του Σωκράτη”- Lời Socrates cãi trước tòađã khởi đầu cho tất cả. Viết khoảng 360 trước Công nguyên, bài tiểu luận nổi tiếng của Πλάτωνας (Plato, Platon) – chúng ta đọc ở đây – thường được biết như : ΑπολογίαApologia – (từ Hy Lạp, có nghĩa là “lời cãi cho chính mình”); đã kể lại Socrates ra trước tòa như thế nào và cãi lại những cáo buộc ông đã làm hư hỏng thanh niên Athens và phạm tội bất tôn kính những vị gót của Athens, có lẽ với những suy tưởng triết học của ông. Có mặt trong phiên tòa lịch sử này, Plato kể lại thái độ và quan điểm của người thầy mình, cho thấy trước sau Socrates đã từ chối không bày tỏ hối tiếc nào về lối sống của mình, thậm chí còn đi xa hơn như ví mình một “con mòng” cố gắng để khấy động một “con ngựa lười biếng” (hiểu như xã hội Athens). Vào thời điểm đó, Socrates là một nhân vật gây tranh cãi trong thành phố và đặc biệt không được ưa thích. Ông đã thách thức suy nghĩ của bất kỳ ai thông qua phương pháp elenchus – như chúng ta đã thấy trong Euthyphro, - đối thoại không dứt và vòng quanh và rồi luôn luôn ngừng ở một – aporia - không lối thoát, và ông công khai đặt câu hỏi về những gót Athens tôn thờ vào thời điểm đó. Theo như Plato cũng như Xenophon. Socrates đã có thể tránh thoát tội chết và có thể trốn khỏi Athens sau khi ông bị kết tội. Nhưng ông như đã chọn cái chết để chứng minh những nguyên tắc sống của mình. Qua lời cãi của ông – dù cảm động - chúng ta thấy ông thậm chí không cố gắng thuyết phục những người nghe là mình vô tội. Tuy nhiên, trong khi bài phát biểu của Socrates sẽ tiếp tục ảnh hưởng vào sự hình thành ngàn năm của tư tưởng phương Tây, một ban bồi thẩm gồm các đồng bào ông đã không bị thuyết phục: ở tuổi 70, họ đã đồng ý ông phạm tội và bị kết án tử hình – uống chất độc lấy từ cây hemlock - một phán quyết, theo Plato, không làm ngạc nhiên nhà hiền triết. “Bây giờ lúc ra đi đã đến. Tôi đi để chết, quí vị đi để sống.” Plato nhắc lại lời Socrates khi nghe tuyên án. “Ai trong chúng ta đi đến phần số tốt hơn thì không người nào biết, chỉ trừ gót”. Ung dung, tự tín, không một lời xin lỗi nào!

Trong Lịch sử Triết học phương Tây, Russell cho chúng ta một tóm lược về  vụ án Socrates như sau:

“Truy tố đã dựa trên sự buộc tội cho rằng, “Socrates là một kẻ làm tà ác, và là một người kỳ dị khác thường, tìm kiếm trong những điều sâu dưới đất và cao trên trời, và làm cho cái tồi tệ hơn xuất hiện ra như lý lẽ tốt hơn, và giảng dạy tất cả điều này cho những người khác”. Nền tảng thực sự của ác cảm thù địch đối với ông, đã là gần như chắc chắn, ông bị xem như thông đồng với phái quí tộc; hầu hết những học sinh của ông thuộc về phe này, và một số, ở những chức vị có quyền lực, đã tự chứng tỏ họ rất độc hại. Nhưng nền tảng này đã không thể được dùng làm bằng chứng, vì luật ân xá. Ông đã bị kết phạm tội bởi một đa số, và theo như pháp luật lúc ấy của Athens, đã mở cho ông để được đề nghị một vài hình phạt nhẹ hơn cái chết. Những người xử án đã phải lựa chọn, nếu như họ đã tìm thấy bị cáo là phạm tội, giữa hình phạt của bên công tố đòi hỏi và của bên biện hộ đề nghị. Như thế, đã là vì quyền lợi của Socrates để đề nghị một hình phạt đáng kể, mà tòa án có thể chấp nhận là thích đáng. Tuy nhiên, ông đề nghị một phạt vạ bằng ba mươi đồng tiền mina, mà một số bạn của ông (bao gồm cả Plato) đã sẵn sàng đứng bảo đảm. Điều này đã là một hình phạt rất nhỏ đến nỗi tòa án đã khó chịu, và đã lên án ông với tội tử hình bằng một đa số lớn hơn với so với lúc đã thấy ông phạm tội. Không hồ nghi gì rằng ông đã thấy trước kết quả này. Rõ ràng là ông đã không có ước muốn tránh án tử hình bằng những nhượng bộ mà có thể được xem như thừa nhận tội lỗi về mình.” (Bertrand Russell - Lịch sử Triết học phương Tây – bản dịch LDB)



2. 

Vụ án Socrates và các thủ tục hình sự trong thời cổ Athens

Tại Athens, thời gian xảy ra vụ án Socrates, không có công tố viên. Nhưng, bất cứ một công dân nào cũng có thể khởi xướng tiến trình tố tụng tư pháp.

a. Khởi tố tụng hình sự
Trong trường hợp của Socrates, tiến trình tố tụng bắt đầu khi Meletus, một nhà thơ, đã soạn thảo một văn kiện – cáo trạng – buộc tội Socrates với tội hình sự không kính tín thần linh (asebeia): nghĩa là với những vị gót của Athens, giấy này được trao cho Socrates có người chứng, và theo thủ tục, trong vòng bốn ngày  Socrates phải đến - do nội dung tôn giáo tín ngưỡng – gặp quan archon-trưởng (King Archon), có văn phòng trong một dinh thự lớn, mặt tiền có hàng cột đá gọi là Royal Stoa, ở trung tâm Athens, để trả lời về cáo buộc của bên đòi. Một số học giả cho rằng Socrates đã có thể thách thức sự khả hữu của cáo trạng, nhưng ông cũng không làm. Một khi vị archon này xem xét và xác định - sau khi nghe cả hai bên: Socrates và Meletus (và có lẽ cùng hai người cáo buộc khác, Anytus và Lycon) nếu như đơn khởi kiện đã theo quy định hiện hành của pháp luật Athens, được cho phép khởi tố, và một ngày được ấn định cho buổi “điều trần sơ bộ” (anakrisis) và các điều khoản cho buổi điều trần được niêm yết trên một tấm biển trắng  như hình thức  thông báo cho công chúng tại hành lang của Royal Stoa.
Theo luật Athens, Socrates có thể làm ngơ, để mặc bên nguyên cáo với vụ án, không tranh bác. Ông cũng có thể lánh trốn khỏi thành phố. Nhưng  Socrates để vụ kiện bắt đầu. Ông đến Royal Stoa tham dự buổi điều trần sơ bộ. Trong Euthyphro, chúng ta được biết Euthyphro gặp Socrates ở đây.

b. Phiên tòa sơ bộ (Anakrisis)
Buổi điều trần sơ bộ trước thẩm phán tại Royal Stoa bắt đầu với việc đọc bản cáo trạng chính thức của Meletus. Socrates sau đó chính thức trả lời cáo trạng. Cả hai văn bản của nguyên và bị cáo đều được chứng thực và tuyên thệ. Giai đoạn kế tiếp theo buổi điều trần sơ bộ là thẩm vấn: giữa thẩm phán và hai  bên: nhóm Meletus và Socrates, và sau đó hai bên nguyên và bị cáo được phép hỏi lẫn nhau. Trong giai đoạn cuối của điều trần sơ bộ, vị archon-trưởng sau khi thấy những buộc tội chống lại Socrates có thể đứng vững, đã lập bản cáo trạng chinh thức và định ngày xét xử công khai.
Nội dung những cáo buộc chống lại Socrates (liên quan đến sự bất kính tín và làm hư hỏng giới trẻ), đã được giữ như một tài liệu công cộng (antomosia), được biết là sống sót cho đến ít nhất là thế kỷ thứ hai, nhưng sau đó đã bị mất.

c. Hội đồng xét xử - hay có thể xem như một hình thức tòa án nhân dân Athens (Heliaea):
Vụ xử án Socrates diễn ra chỉ trong một ngày – kéo dài khoảng chín, mười giờ, trong Toà án Nhân dân (Heliaea) tòa án cao nhất của Athens, tại  agora, trung tâm hành chính và thương mại của Athens.
Trong khi vị archon-trưởng có trách nhiệm trông coi những tòa án của thành phố, vị này không đóng vai chánh án, cũng không đóng vai quan tòa. Trong thực tế, tòa án Athens là tòa án nhân dân, không có ai đóng vai thẩm quyền pháp lý tối cao, nhưng chỉ có những bồi thẩm. Như chúng ta biết qua Apology, ban bồi thẩm phiên tòa Socrates gồm 501 người; họ là những nam công dân ở độ tuổi ba mươi, được rút thăm chọn ngẫu nhiên từ những người tình nguyện, sau đó lại ngẫu nhiên xép thành từng nhóm và chỉ đến cuối cùng trong ngày xử án, họ mới biết được phân bối vào tòa nào, vụ án nào, và kiểm xoát rất kỹ để đúng bồi thẩm vào đúng phòng xử án chỉ định. Trong Apology, chúng ta thấy Socrates nói với họ như những người còn trẻ tuổi. Đoàn bồi thẩm Athens ngồi trong các phiên tòa rất đông, thay đổi từ 501 thành viên trong trường hợp Socrates, lên đến 1500 cho các vụ án quan trọng (Aristot. Ath Pol.. 68,1). Một phần như là một bảo vệ chống lại hối lộ (ai là người có thể đủ khả năng hối lộ 1500 người?) Tất cả các thành viên bồi thẩm đoàn phải tuyên thệ trước các vị gót của Athens như Zeus, Apollo, và Demeter – gọi là lời thề Heliastic Oath: “Tôi sẽ bỏ thăm của tôi phù hợp với các luật pháp, nghị định được Hội đồng và Ủy ban thường trực Hội đồng thông qua, nhưng, nếu không có pháp luật, sẽ bỏ thăm phù hợp với ý thức của tôi về những gì chỉ là công bình nhất, mà không ủng hộ hoặc thù địch (bên nào). Tôi sẽ bỏ thăm về các vấn đề được nêu ra trong cáo trạng, và tôi sẽ lắng nghe một cách khách quan với hai bên buộc tội và bào chữa như nhau. “

Hầu hết các thành viên bồi thẩm đoàn có lẽ là nông dân, như đó là nghề nghiệp chính trong thời ấy. Đối với công vụ làm bồi thẩm, họ được trả thù lao, như thế để những người ngheo phải bỏ công ăn việc làm một ngày có thể tham dự các sinh hoạt dân chủ - ở đây là tư pháp.  Các thành viên bồi thẩm đoàn ngồi trên băng ghế gỗ, tách biệt với những người đến xem xử án, bằng một loại rào cản hoặc lan can. Với danh tiếng của Socrates và cáo trạng tai tiếng chống lại ông, có lẽ rất đông dân thành Athens có mặt tại phiên tòa - bao gồm cả, tất nhiên, các học trò nổi tiếng nhất của Socrates, trong đó có Plato.

Phiên tòa bắt đầu vào buổi sáng với một mõ tòa đọc cáo trạng chính thức với Socrates. Rất ít, nếu như có, các quy tắc chính thức còn tồn tại. Những người khởi tố nói đầu tiên. Meletus, Anytus, và Lycon có ba giờ, được đo bởi một đồng hồ nước (klepsydra), để trình bày lập luận của họ về tội phạm của bị cáo.  Khi  nói, họ đứng trên một bục cao đặt ở trung tâm cho mọi người trông và nghe rõ. Không có hồ sơ nào về vụ án của chúng ta còn sống sót.

Sau đó Socrates cũng có ba giờ để trả lời những cáo buộc. Ông có thể nhờ một người như luật sư viết các phản biện – nhưng như kể trong Apology – ông tự nói, tự cãi cho mình. Mặc dù nhiều phiên bản của lời ông cãi trước tòa đã được lưu hành một thời gian sau đó, nhưng ngày nay chỉ có hai bản còn tồn tại: một của Plato và một của Xenophon.

Nghe hai bên trình bày xong, mõ tòa kêu gọi các thành viên bồi thẩm đoàn bắt đầu suy nghĩ và bỏ thăm trên quyết định của họ. Tại Athens, thành viên bồi thẩm đoàn đã không lui về một phòng kín để nghị án, nhưng họ thực hiện quyết định của mình độc lập, không bàn cãi trao đổi với nhau, dựa một phần lớn trên hiểu biết và diễn dịch riêng của mỗi người về vụ án và những luật pháp liên hệ.

Quyết định không cần phải nhất trí, thành viên đoàn bồi thẩm bỏ phiếu bằng cách bỏ “lá thăm” vào hai hũ. Mỗi thành viên ban hội thẩm có hai “lá thăm”, một cho nguyên cáo và một cho bị cáo, “lá thăm” bằng đồng – hình tròn như đồng tiền. Lần lượt, các thành viên đoàn bồi thẩm bỏ hai lá thăm của mình vào hai hũ. Hũ bằng đồng cho thăm mình đã chọn, và hũ bằng gỗ cho thăm loại bỏ không sử dụng. Sau khi bỏ thăm xong, mỗi bồi thẩm được nhận một thẻ để sau đổi thành tiền thù lao –khoảng 3 obols (một nửa drachma – đồng tiền cổ Hylạp). (Aristot. Ath Pol.. 68). Sau khi biểu quyết, Những nhân viên tòa án đổ các lá thăm từ hũ bằng đồng ra cho công chúng xem – và đếm các lá thăm. Bên nào nhiều thăm, bên ấy thắng án (Aristot. Ath. Pol.  69.)

Trong trường hợp của Socrates, ban bồi thẩm buộc tội Socrates với một số phiếu tương đối xuýt xoát nhau: 280 chống 220. (Đáng chú ý, nếu số phiếu kết tội it hơn 100, kẻ buộc tội phải trả một khoản tiền để trang trải chi phí vụ án)

Nếu bị cáo bị kết án có tội, tiếp theo là giai đoạn thứ hai để định hình phạt. Truy tố và bị cáo mỗi bên đề nghị một hình phạt, và ban bồi thẩm lựa chọn giữa hai hình phạt được đề nghị. Các hình phạt có thể bao gồm tử hình, bỏ tù, mất quyền công dân (tức là, quyền bầu cử, quyền để phục vụ như là một thành viên ban hội thẩm, quyền phát biểu trong Hội đồng), lưu vong, và  đóng tiền phạt. Trong Phiên tòa của Socrates, người buộc tội chính đề nghị hình phạt tử hình. Socrates, nếu ghi chép của Plato tin tưởng được, đã đầu tiên đề nghi sự trừng phạt hoặc, đúng hơn, không bị trừng phạt – những bữa ăn miễn phí ở tòa thị chính thành phố, sau đó đổi sang một món tiền phạt vô cùng khiêm tốn là một đồng mina bạc, rồi tăng lên 30 đồng – dung tiền của những học trò bảo lãnh. Rõ ràng hình phạt đề nghị của Socrates quá nhẹ nếu không đùa thì cũng khinh thường tòa án, ban bồi thẩm bỏ phiếu thuận  với hình phạt tử hình, lần này đa số lớn hơn ; 360-140.

Như vậy, chúng ta có thể phỏng đoán, nếu diễn tiến xảy ra như trình bày trên, khi Socrates bắt đầu cãi, có lẽ là buổi chiều, và khi ông nói những lời cuối cùng, chào mọi người, rời tòa án, lúc ấy đã ngày đã hết, trời đã tối, mặt trời đã sau đồi Acropolis, nắng đã tắt trên Agora, nhà hiền giả của chúng ta vào nhà giam, chờ chết. Nhà giam ông, gần tòa án,  ngày nay còn di tích, khoảng 100 thước, đông nam  Agora.

Do một sự kiện đặc biệt, chúng ta biết trong Crito, một tháng sau đó, bản án Socrates mới được thi hành; và trong Phaedo, chúng ta chứng kiến ông uống thuốc độc dưới hình thức một tách nước có chất độc lấy từ cây hemlock.


3.
Các biến cố lịch sử Hylạp liên quan đến vụ án Socrates
(Các năm tháng nếu không ghi rõ – là  trước Công nguyên)

Vụ án Socrates – dù ngày nay thường được xem như một vụ án tư tưởng – dư luận chung là Socrates đã chết cho những lý tưởng, những quan điểm triết học của ông. Nhưng thực sự, đằng sau tấm màn đó, còn là một vụ án chính trị, hay ít nhất về tư tưởng chính trị - Socrates cũng như Plato có liên hệ rất mật thiết với những người làm mưa gió trên chính trường Athens - cai hai bên, phe cách mạng dân chủ và phe bảo thủ quí tộc khuynh đảo nền dân chủ, nổi bật là hai trong số học trò của Socrates, và thân nhân trong chính gia đinh Plato đều đứng đầu, hay thuộc vào hàng ngũ những người chống lại chính thể dân chủ Athens. Theo dõi các biến cố lịch sử Athens cho chúng ta những bằng chứng rõ hơn cho quan điểm chính trị dẫn trên:

490 - Trong cuộc chiến tranh đầu tiên với BaTư, quân đội BaTư của Darius bị Athens chặn lại trong trận Marathon.
480 - Trong cuộc chiến tranh BaTư lần thứ hai, Xerxes dẫn một đội quân BaTư hùng hậu tấn công trên khắp Hylạp. Themistocles, chỉ huy các lực lượng Athens, dẫn dụ hạm đội BaTư vào trong Vịnh Salamis hẹp, rồi đánh bại ở đây, với tỷ lệ một chọi bốn.

469 – Năm sinh Socrates. Attica gồm 139 đơn vị hành chính (demes), và 10 tộc. Tộc của Socrates là Antiochis, và deme là Alopece (đông nam). Cha Sophroniscus, là người làm nghề thợ đá khắc tượng, giả định giữ truyền thống, Socrates chắc đã được theo học nghề thợ đá của gia đình, và giáo dục phổ thông của Athens thời ấy – đọc, viết, thể dục và âm nhạc; Plato kể Socrates ham đọc, đã mua những tập sách của Anaxagoras.

460 - Pericles nổi tiếng là một chính khách hàng đầu của Athens. Xem như bắt đầu thời hoàng kim của Athens: dưới sự lãnh đạo của Pericles; dân chủ và văn hóa phát triển và đế quốc Athens mở rộng.
449 - Acropolis được xây dựng lại (sau khi đã bị Xerxes phá hủy) và đền Parthenon bắt đầu xây dựng.

450 - Năm Socrates đến tuổi trưởng thành, cha ông, Sophroniscus, trình diện ông với deme chính thức nhận quyền công dân, ghi tên trong sanh sách có thể được chọn để thi hành những nghĩa vụ công dân - trong đó có cả hai năm nghĩa vụ quân sự. Sophroniscus chết, Socrates thành người giám hộ gia đình, mẹ ông là Phaenarete, tái giá – Socrates có một em trai, Patrocles; sau đó mẹ ông làm nghề mụ đỡ đẻ.
Plato ghi lại Socrates đàm thoại với những triết gia từ Alea đến thăm Athesn là Parmenides và Zeno
448 - Sau hai năm nghĩa vụ quân sự, Socrates có lẽ về nhà, làm nghề thợ đá của gia đình, và nghe lời mẹ lấy vợ - người vợ đầu tiên là Chaeredemus.

445 - Năm sinh Aristophanes. Hòa ước “Ba mươi năm hòa bình” được ký kết giữa Sparta và Athens.
443 - Đối thủ chính trị chính Pericles bị loại trừ. Pericles trở thành tổng tư lệnh tối cao, chức vụ chính trị quyền năng nhất trong chính phủ Athens.
432 - Socrates tham dự trận chiến chống lại cuộc nổi dậy của thuộc địa Potidaea. Trong trận chiến này, ông đã cứu sống được Alcibiades, một học trò cũ, người sau này sẽ trở thành nổi tiếng với sự lừa dối và phản bội chính thể dân chủ.
431 - Chiến tranh bắt đầu giữa Sparta và Athens – Chiến tranh Peloponnesian. Athens rút lui cố thủ sau tường thành của họ với hy vọng hải quân của họ sẽ chiến thắng. Socrates phục vụ như là một hoplite (một lính bộ binh nặng trang bị với một lá chắn, giáo, và một thanh kiếm), Dũng cảm của ông được nhận biết và ca tụng.
430 - Một bệnh dịch khủng khiếp bắt đầu ở Athens, kéo dài trong khoảng bốn năm và giết chết một phần ba dân số Athens. Pericles bị đổ lỗi cho chiến tranh và kết quả thất bại của nó, ông bị lật đổ.
429 - Pericles được phục hồi, nhưng ngay sau đó chết vì bệnh dịch hạch. Cơ cấu chính trị của Athens là hủy hoại. Bệnh dịch hạch dường như cũng đã có một ảnh hưởng nghiêm trọng trên đạo đức. Cleon trở thành lãnh đạo của đảng dân chủ.
424 – Năm sinh Plato. Thuộc gia đình quí tộc – nhiều đời lãnh đạo Athens – cư ngụ trong một deme nội thành đặc biệt, Collytus.
423 – Hài kịch “Clouds” của Aristophanes, châm biếm Socrates, diễn lần đầu tiên.
422- 415 -  khoảng thời gian này Socrates lấy một người vợ thứ hai, Xanthippe.
421 – Hiệp ước hòa bình Nicias được ký kết giữa Sparta và Athens đề nghị năm mươi năm hòa bình.
420 - Alcibiades được đặt làm tổng tư lệnh tối cao.
416 – Quân đội Athens vây đảo Melos. Khi Melos đầu hàng, lực lượng Athens giết tất cả những đàn ông, nô lệ phụ nữ và trẻ em, và mở đảo này làm nơi di dân cho Athens. Socrates im lặng trước sự man rợ này, có lẽ vì Alcibiades hỗ trợ điều ấy.
415 - Alcibiades dẫn một đoàn viễn chinh đi đánh Sicily. Ông bị gọi về Athens để ra tòa về tội đã cắt xén những bức tượng Hermes. Đây là một tội bất kính lớn lao – rất nhiều người bị bắt, tù đày, tra tấn – trong đó có nhiều người liên hệ tinh thần với Socrates (Alcibiades, Phaedrus, Charmides, Critias, Eryximachus) - Alcibiades lúc đầu đồng ý trở về Athens, nhưng sau đó trốn thoát đến Sparta, nơi ông đề nghị giúp họ đánh bại người Athens.
414 – Vở kịch “Birds” của Aristophanes được diễn lần đầu tiên. Trong vở kịch, Aristophanes nhắc đến giới trẻ phò-Sparta như những kẻ bị Socrates hóa; Đoàn viễn chinh Sicilia của Athens kết thúc trong thảm họa, hạm đội Athens bị phá hủy.
413 - Sparta, với sự hỗ trợ của BaTư, tuyên chiến với Athens. Sparta tuyên bố Athens đã nhiều lần vi phạm hiệp ước hòa bình Nicias.
411 - Alcibiades, chính trị gia Athens được Socrates yêu thích, là động lực chính yếu trong việc lật đổ nền dân chủ ở Athens. Chế độ độc tài tập đoàn Bốn trăm người lên nắm quyền.
410 - Sau bốn tháng cầm quyền, chế độ độc tài của Bốn trăm người bị lật đổ và thay thế với một chế độ dân chủ: Hội đồng Năm Nghìn Người.
406 - Các hạm đội Athens mới được xây dựng đã đánh bại lực lượng Sparta tại đảo Lesbos, nhưng các người trên những tàu bị chìm không thể vớt được vì bão lớn. Athens truy tố các tướng lãnh cho rằng phải chịu trách nhiệm về thảm họa và thất bại không cố vớt người cả sống lẫn chết trong một phiên tòa duy nhất. Socrates chỉ trích quyết định kết án tử hình các tướng lãnh, như chúng ta nghe kể trong Apology nhưng bản án vẫn được thi hành. Alcibiades bỏ trốn lưu vong.
404 - Lysander dẫn đầu Sparta, đánh bại Athens, thiết lập tại Athens một tập đoàn lãnh đạo độc tài gọi là nhóm Ba Mươi Người, áp đặt các những quy tắc khắc nghiệt. Critias, một là học trò cũ của Socrates, đứng đầu nhóm Ba Mươi Người này, với bàn tay sắt máu. Tịch thu tài sản những người giàu có, nhiều người bị giết (trong đó có Polemarchus và Niceratus—đều là những người theo Socrates). Socrates và bốn người khác được lệnh phải bắt giữ Leon Salamis, một nhà dân chủ. Socrates từ chối và chỉ đơn giản là “đi về nhà”. Dù vậy, Leon vẫn bị bắt và bị xử tử hình (Socrates đã có thể báo trước cho ông này trốn chạy, nhưng chỉ đơn giản bỏ về nhà – giữ “bàn tay sạch”!).
Theramenes, một người ôn hòa trong nhóm Ba Mươi Người đã  phản đối những chém giết bừa bãi của nhóm – và bị Critias bắt giam, sau đó bị giết. Nhiều công dân Athens bỏ trốn, chạy đến tập hợp ở Phyle , một deme vùng núi, toán tính lật đổ nhóm độc tài Ba Mươi Người – trong đó có Chaerephon, bạn thơ ấu của Socrates. Socrates vẫn ở trong thành phố.
403 - Dân chủ được khôi phục sau một cuộc cách mạng đẫm máu, lật đổ nhóm Ba Mươi Người. Nhưng đạo luật Ân xá Eucleides được ban hành – tha thứ tất cả các hành vi phạm tội trước đây. Tất cả các cáo buộc pháp lý phải dựa trên pháp luật mới vừa được hệ thống hóa.
401 - Một cố gắng khác (sau những nỗ lực thành công các năm 411 và 404) được thực hiện nhằm lật đổ nền dân chủ Athens. Lần này, những thanh niên liên quan với Socrates đóng một vai trò nổi bật, tuy nhiên nỗ lực này bị đẩy lui.

399 – Phiên tòa xử Socrates bị buộc tội “làm hư hỏng thanh niên” Athens và “không tin tưởng vào các vị thần nhà nước tin tưởng, nhưng những thần linh mới khác”.

394 - Xenophon chiến đấu ở phía bên những người Lacedaemonians chống lại Athens. Các học giả đề nghị rằng niên đại này là sớm nhất, để ông có thể viết văn bản Apology của ông.
367 - Aristotle, 17 tuổi, vào Academy của Plato và trở thành học trò lừng lẫy nhất.
347 - Plato chết.
345 - Ghi nhận sớm nhất – ngoài Plato và Xenophon- về phiên tòa Socrates được nhắc trong vụ một vụ truy tố, trong đó, Aeschines cho biết ban bồi thẩm đã “xử Socrates, nhà sophist, tội chết ... bởi vì ông ta đã được chứng minh là thày dạy của Critias, một trong Ba mươi người phá hủy chính thể dân chủ.”

529 CN - Hoàng đế Lamã Justian sau khi ra nghị định thiết lập đạo Kitô là “công giáo” của toàn đế quốc – đã đóng cửa học viện Academy do Plato sáng lập và tất cả các trường triết học khác ở Athens, kết thúc một khoảng thời gian 1200 năm tương đối tự do tư tưởng. Sau đó Triết học như ngưng thở, chỉ sống thoi thóp - thần học Kitô đóng vai chính trên trường tư tưởng châuÂu.

4.
Ba Người buộc tội Socrates

Trước khi trở lại với Socrates, hãy nhắc lại những gì chúng ta biết về ba nhân vật đứng tên – đưa ông ra tòa:

a.  Meletus: đứng khởi tố.

Là một nhà thơ, mặc dù hầu hết các học giả xem xét ông như một “con rối”, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất trong số ba người buộc tội, Bản cáo trạng tuyên thệ của là của Meletus. Plato trong Euthyphro mô tả Meletus, người trẻ nhất trong cả ba, có “mũi khoằm như mũi chim diều, và mái tóc dài cứng, và một bộ râu quan nón không dày”. Plato đã viết rằng, trước khi xảy ra vụ truy tố Socrates, Meletus không phải là người có tiếng tăm.. Trong Apology, Meletus là nhân vật  đối chất trực tiếp với Socrates, xuất hiện như một kẻ kém thông minh.

Động lực nào khiến Meletus đưa ra cáo buộc chống lại Socrates vẫn còn là một vấn đề còn tranh cãi, và chúng ta chỉ có thể phỏng đoán. Trước hết, có thể đã xuất phát từ ​​lòng cuồng tín tôn giáo của Meletus, hoặc từ sự tức giận của Meletus trước liên hệ của Socrates với tập đoàn Ba mươi nhà độc tài. Nó cũng có thể là ông đã khó chịu trong mức độ nào đó với  ý kiến ​​của Socrates đánh giá  thấp những nhà thơ. (trong Gorgias Plato, Socrates lên án các nhà thơ và các nhà hùng biện chỉ có tài tâng bốc, hiểu như nói những lời hoa mỹ không nội dung, và nói rằng họ chỉ làm cảm động được giới phụ nữ, trẻ con và nô lệ.)

Sử gia Hylạp Diogenes Laertius, viết trong nửa đầu thế kỷ thứ ba, thuật rằng sau vụ án Socrates “Athens cảm thấy hối hận” nên họ đã trục xuất Meletus khỏi thành phố. Điều này không chắc chắn đã thực sự xảy ra.

b. Anytus: Nhân vật chính thực sự đằng sau vụ truy tố:

Anytus là nhà chính trị có quyền lực lớn, xuất thân tầng lớp trung lưu trong gia đình làm nghề thuộc da, được xem là động lực chính đằng sau việc truy tố của Socrates. Trước khi vào trường chính trị Athens, Anytus đã là một vị tướng quân trong cuộc chiến Peloponnesian. Bị đổ tội làm mất Pylos vào tay Sparta, Anytus bị khép tội phản quốc, nhưng được trắng án – theo như một số giải thích vì hối lộ ban bồi thẩm.

Anytus giành được ảnh hưởng ở Athens vì đóng một vai lãnh đạo trong cuộc nổi dậy của phe dân chủ năm 403 TCN, thành công trong việc lật đổ tập đoàn Ba mươi nhà độc tài. Mặc dù tài sản và tiền bạc bị mất trong tám tháng của chinh phủ chuyên chế cai trị Athens, Anytus đã không cố gắng nhằm thu hồi những mất mát của mình, do đó uy tín với công chúng càng tăng. Anytus hỗ trợ luật Ân xá Eucleides trong năm 403, qua đó cấm truy tố hành vi phạm tội xảy ra trong hoặc trước tập đoàn Ba mươi nhà độc tài.

Động lực của Anytus trong việc truy tố Socrates được cho là đã được dựa trên mối quan tâm của ông về những chỉ trích những cơ chế chính trị Athens của Socrates sẽ đe dọa nền dân chủ Athens mới lấy lại được. Về phần Socrates, có liên quan với rất nhiều người được xem như chịu trách nhiệm về sự lật đổ nền dân chủ Athens năm 404, đã không giấu giếm thái độ khinh thị của mình với các chính trị gia như Anytus. Ngay cả sau khi nền dân chủ được khôi phục, ông vẫn tiếp tục chế nhạo nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ Athens thí dụ như lựa chọn các nhà lãnh đạo dựa trên đa số.

Plato cung cấp một vài manh mối có thể giải thích về tình trạng thù địch giữa Anytus và Socrates. Trong Meno, Socrates lập luận rằng các chính khách vĩ đại của lịch sử Athens không có gì để đam lại cho sự hiểu biết về đức hạnh đã làm Anytus tức giận. Plato trích dẫn Anytus đã cảnh cáo Socrates: “Socrates, tôi nghĩ rằng ông quá đã sẵn sàng để nói xấu về con người: và nếu ông có nghe lời khuyên của tôi, tôi khuyên ông hãy cẩn thận.”.

Anytus còn có một chuyện có thể phàn nàn với Socrates. Socrates đã có một quan hệ với con trai của Anytus. Plato thuật lời Socrates nói “tôi có một liên hệ ngắn với con trai của Anytus, và tôi thấy anh ta không thiếu tinh thần”. Người ta không biết liệu các mối quan hệ có bao gồm quan hệ tình dục hay không, nhưng Socrates - như nhiều đàn ông thời ấy của Athens - là người lưỡng tính và ngủ với một số học trò trẻ của ông. Anytus gần như chắc chắn không chấp thuận quan hệ của con trai mình với Socrates. Thêm vào sự không hài lòng, Anytus có thêm khi Socrates khuyên con trai mình. Theo Xenophon, Socrates bảo con trai Anytus không nên “tiếp tục làm nghề thuộc da hèn hạ mà cha của anh đã cung cấp cho anh ta”. Nếu không có một “cố vấn xứng đáng” cho con trai của Anytus, Socrates dự đoán, “anh ta sẽ rơi vào một vài khuynh hướng đáng hổ thẹn và sẽ chắc chắn đi sâu vào nghề nghiệp của đồi bại”.

c. Lycon: Người đứng buộc tội thứ ba

Ít chi tiết được biết về Lycon. Ông được mô tả như “một nhà hùng biện,” một nghề mà Socrates cũng rất coi khinh. Socrates biện luận rằng người hung biện ít quan tâm đến việc theo đuổi chân lý nhưng chỉ dùng kỹ năng ăn nói để dành quyền lực và gây ảnh hưởng.

Diogenes Laertius, viết trong thế kỷ thứ ba, gọi Lycon  kẻ “mỵ dân”, người đã “làm tất cả các chuẩn bị cần thiết” cho vụ án. Laertius sử dụng từ “mỵ dân” cho thấy rằng Lycon có thể thuộc loại chính trị gia bình dân  ủng hộ loại dân chúng “thất phu” với những quan điểm bình dân ngoài đường (theo quan điểm của Socrates, có lẽ, là một kẻ thao túng quần chúng). Như vậy, rất có thể Lycon nhận thức Socrates như là một mối đe dọa cho nền dân chủ mà ông đánh giá cao.

Lycon cũng có thể có hiềm khích với Socrates về mối quan hệ đồng tính giữa con trai ông là Autolycus, với Callias,  một người bạn của Socrates – Trong Symposium của Plato, ở một bữa tiệc tối, Socrates đã ca ngợi “tình yêu cao hơn thường” của Callias với Autolycus  còn rất trẻ.


5.
Con người Socrates qua Apology, Euthyphro, Crito và Phaedo

a.
“Bây giờ lúc ra đi đã đến. Tôi đi để chết, quí vị đi để sống. Ai trong chúng ta đi đến phần số tốt hơn thì không người nào biết, chỉ trừ gót.”

Đó là lời nhân vật Socrates trong vở kịch Apology khi lên đến đỉnh cao nhất, trước khi Plato cho tấm màn nhung buông xuống sân khấu. Plato là một triết gia lỗi lạc, đặc biệt với tài năng thiên tài của một nhà thơ, nhà viết tản văn, nhà viết kịch, nhưng cũng là một nhà ảo thuật làm sững sờ mọi người. Apology là một kiệt tác của văn học thế giới, một thí dụ đặc sắc cho những lời cãi nơi tòa xử, và là một trong những bản văn xuôi trác tuyệt, xưa nhất của cổ Hylạp đã còn lại đến ngày nay. Nó mở ra như một màn kịch một cảnh ba hồi – lôi cuốn người đọc ngay từ những lời mở đầu – trái với những đàm thoại Socrates khác, Apology hầu như là một độc thoại, nhưng thay vì buồn nản đơn điệu, Apology đầy những giai thoại lý thú,  ngòi bút tài hoa của Plato đã giữ kịch tính không lúc nào bị giảm nhưng chỉ tăng lên – và khi Socrates nói câu cuối dẫn trên, nó ở đỉnh climax cao nhất của nó.

Mặc dù đã khéo léo giải thích rằng đương khi các nhân viên tòa án còn bận rộn với những thủ tục, nên Socrates có thể nói chuyện với những bồi thẩm vừa xử mình – người ta có thể đặt câu hỏi không biết điều đó có thực xảy ra không, vì thủ tục thông thường, với án tử hình, tội nhân sau khi nghe tuyên án, thường không còn được phép phát biểu – nếu có chăng chỉ trước khi bị hành hình. Plato có thể đã thêm vào Apology, hai hồi cuối – tôi nghĩ cũng như chúng ta thường thấy trong những vở cải lương, người sắp chết – dù thế nào - vẫn còn đứng hát cho xong một khúc ca tuyệt mệnh dài, làm não lòng khán giả. Chính vì thế Apology không bao giờ ngưng cảm động người đọc, từng giòng một. Khi đến lời chia tay cao thượng của Socrates, “Bây giờ lúc ra đi đã đến”, người đọc thấy khô cổ, quặn thắt ngực, “Tôi đi để chết, quí vị đi để sống” – rồi sau đó khó giữ được cảm xúc dâng trào – Theo một tác giả (I.F. Stone)  “Ngay cả Shakespeare chưa bao giờ vượt qua được”. Và cũng chính vì thế Apology đã khéo léo lẩn tránh những tra hỏi về sự thực lịch sử.

Những câu hỏi liên quan đến lịch sử là  - Tại sao cái nôi của chính thể dân chủ của nhân loại, tại sao thành Athens với danh tiếng gần như một huyền thoại của những huyền thoại Hylạp – là thịnh vượng, giàu có, và những công dân tự do của nó dùng hầu như trọn ngày giờ của mình trong những sinh hoạt dân chủ với những cơ chế -  còn truyền lại cho chúng ta ngày nay - như đại hội đồng nhân dân, trường học, sân điền kinh gymnasiums, rạp hát thành phố, tòa án, - trong đó tự do tư tưởng, nếu không ít nhất là tự do ngôn luận – parrhesia – là quyền bất khả xâm phạm; thành phố đó lại đem Socrates – một công dân lỗi lạc của mình vốn là người đã xuốt đời – những năm tháng trước đó – vẫn từng tra vấn hầu như không còn thiếu một giai tầng nào trong xã hội của nó – dù là nhà thơ, nhà chính trị, nhà thủ công,  dù già, hay trẻ, ít học hay chuyên môn, nếu ông gặp trên đường, hay trong agora Athens. Nhưng đợi đến vào năm  399 TCN – lúc ấy Socrates đã gần đất xa trời, 70 tuổi – phải ra tòa, rồi buộc ông tội chết. Tại sao?

Theo I.F. Stone, Plato đã biến phiên tòa người thầy mình, Socrates, thành một phiên tòa trong lương tâm nhân loại – lên án Athens và chế độ dân chủ, và chính quyền cách mạng mới tái lập.  Ông dùng nó để chứng minh rằng những người dân thường –kẻ bình dân ngoài phố - là dốt nát, đầu óc thấp kém và hay bị dao động, thay đổi, nên không thể giao phó cho họ những quyền lực chính trị được. Trong Apology, chúng ta thấy mức độ tương phản giữa giới quý tộc với Socrates làm đại diện, và bản án khắc nghiệt của thành viên ban bồi thẩm. Những người xử án ông sẽ bị con mắt của mai hậu xem như những người đã lên án chế độ dân chủ, buộc tội triết học, áp bức tự do ngôn luận, bóp cổ tư tưởng. Và nhờ thiên tài của ông, không có vụ án nào khác, ngoại trừ vụ án huyền thoại Jesus, đã thu hút được đến mức trọn vẹn và lâu dài  như thế - trí tưởng tượng của con người phương Tây.

Plato làm Socrates thành một kẻ “tử đạo” thế tục của cuộc đấu tranh dành tự do tư tưởng chống lại những nhà cầm quyền - dù là dân chủ, cách mạng. Ông miệt thị dân chủ - “democracy” - như là – sự thống trị của đám đông - “mobocracy”. Tuy nhiên chính “đám đông” (mob) này này cũng là “đám đông” đã hoan nghênh các vở kịch chống chiến tranh của Aristophanes khi Athens đang chiến đấu cho mạng sống của mình chống lại Sparta., nghĩa là hết sức rộng rãi về về tư tưởng;  Đám đông này cũng là đám đông thờ rất nhiều những gót khác nhau, ngay cả cùng một gót cũng dưới những hình dạng và ý nghĩa  khác nhau - nghĩa là rất cởi mở về tôn giáo, tín ngưỡng. Đây là cũng là “đám đông” luôn háo hức với những ý tưởng mới, và sẵn sàng lắng nghe; nên cũng là đám đông đã thu hút các nhà triết học từ khắp nơi trên thế giới cổ đại. Athens - trong những lời tự hào của Pericles – là “trường học của Hylạp”, là viện đại học của thế giới Hy lạp, là viên ngọc của thế giới văn minh quanh biển Mediterranean lúc ấy, tất cả những sự kiện đó lẩn khuất đằng sau sân khấu chính trị, và Plato đã khéo léo che dấu người đọc.

Thế nên, phải đặt vở kịch vào sân khấu Athens thời ấy, với những học trò của Socrates như Alcibiades và Critias, với những lần khuynh đảo chính quyền và chính thể  dân chủ các năm 411 và 404, và toan tính năm 401. Trong thời gian 8 tháng ngắn ngủi của Nhóm Ba Mươi Người, với Critias, một phần mười dân số Athens bị đày, hay giết, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Và Socrates? – ông bình chân như vại! và không dấu sự khinh miệt của ông với những kẻ dốt nát, không chuyên môn, nắm quyền chính trị, chính trị của đám đông – hiểu như của những kẻ thất phu - không sánh được với giới quí tộc trước đây, vốn là giới của hầu hết những học trò của ông. Ông chế nhạo nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ Athens điển hình như lựa chọn những người cầm quyền dựa trên bốc thăm lấy đa số. Đa số như thế không hẳn là đồng nghĩa với kiến thức, đạo đức, vốn theo Socrates - kiến thức = đức hạnh, tốt, “ārete”; Trong phiên tòa Socrates không tha thiết lắm với bào chữa, nhưng còn khiêu khích tòa án, muốn dành cái chết cho mình.

Cũng theo một phát biểu nổi tiếng của I.F. Stone, Socrates muốn đem cái chết để chứng minh cho quan điểm của mình chống lại chế độ dân chủ - ông nói “Socrates cần chén thuốc độc hemlock cũng như Jesus sau này đã cần cây thập giá” – cả hai đều tin là  – chết để  “hoàn thành sứ mạng của mình”.

b.
Mặc dù, Plato và cả Xenophon – đều một chiều – vì đều là học trò Socrates; những chúng ta thử tìm qua Apology – Socrates bị buộc tội những gì – và ông trả lời ra sao?

- Làm hư hỏng thanh niên Athens: Chúng ta phần nào có thể - do những sự kiện lịch sử kể trên, những liên hệ của ông với những Alcibiades và Critias, và những phát biểu miệt thị của ông về khả năng kiến thức của đám đông – để hiểu ý nghĩa lời kết tội “làm hư hỏng giới trẻ” có nghĩa là đã ảnh hưởng đến không những chỉ quan điểm nhưng cả hành động của giới trẻ Athens chống lại chính thể dân chủ, chống lại chính quyền cách mạng. 

- Phạm tội không tôn kính những vị gót của Athens - thực sự có ý nghĩa gì? Trong Apology, Socrates khi đối chất với Meletus - chỉ mới cho thấy mình không là một người không-tin-có gót - vô thần; nhưng đó không phải là kết buộc chủ yếu - kết buộc xem như là ông không tin vào những gót của Athens, nhưng những gót mới khác. Vậy Socrates tin gì? Chúng ta chỉ có thể đoán - Plato im lặng không cho chúng ta biết Socrates có thực hành những nghi thức tôn giáo hay không (như tham dự các lễ hội tôn giáo của Athens) - nhưng chúng ta đoán Socrates đã không - vì ông đề cao một đời sống lấy sinh hoạt suy tưởng và đàm luận triết học là chính yếu - xem đó còn cao hơn sinh hoạt tôn giáo – vì nó trau dồi và hướng tới một linh hồn toàn thiện.

Socrates tuyên bố là từ rất trẻ ông đã có một tiếng nói thần linh nội tâm daimonion – một tiếng nói dẫn đường, luôn ngăn ông dừng lại trước khi định làm điều xấu – Kierkegaard có nhắc đến sự kiện này và đặt câu hỏi – Có một thực thể thần linh ngoài Socrates? Hay chỉ là một ảo ảnh của trí tưởng tượng - hay lương tâm của ông – hay thần linh như lương tâm - như có nhiều người vội vã kết luận – Khó đoán.

- Và có lẽ những suy tưởng triết học của ông, đặc biệt là nghịch lý Euthyphro: Đặt câu hỏi về nền tảng của đạo đức – một hành động là đạo đức vì giá trị tự thân của nó, hay vì gót yêu chuộng nó, bảo nó là tốt, là đạo đức?

Dilemma Euthyphro đối diện là như sau - Có phải một điều thiện chỉ đơn giản vì gót bảo nó là? Hay gót bảo nó là thiện vì nó có một vài tính chất nào khác nữa? nếu thế, tính chất đó là gì? - Nhưng câu hỏi đó đưa Euthyphro vào tình trạng không biết chọn trả lời bên nào – gọi là dilemma. Dilemma Euthyphro rất quan trọng – đặt câu hỏi về nền tảng đạo đức tôn giáo và sau này là đạo đức Kitô và những tôn giáo độc thần, khi những tôn giáo này định nghĩa điều thiện chỉ đơn giản là điều ứng thuận ý gót.

Trong thời chúng ta, triết gia Anh Bertrand Russell, trình bày vấn đề trong bài luận chiến nổi tiếng Tại Sao Tôi Không là người Kitô?, tôi  đã giới thiệu, đoạn như sau:

“... luận chứng mới về đạo đức cho sự hiện hữu của Gót, và trong nhiều dạng thức, đã rất phổ biến ở thế kỷ XX. Nó có đủ thứ dạng. Một dạng thì nói rằng sẽ không có đúng hay sai trừ khi Gót hiện hữu. Tôi xin khoan được miễn bận tâm với chuyện - đúng và sai - chúng khác nhau ra sao? tạm môt lúc đã, hay là - chúng không có khác? đó cũng là một câu hỏi khác nữa. Điểm mà tôi quan tâm với là, nếu quí vị chắc chắn có sự khác biệt giữa đúng và sai (tốt và xấu, thiện và ác), vậy thì quí vị ở vào trường hợp này: Sự khác biệt đó là do lệnh Gót hay là không? Nếu là do lệnh của Gót, vậy trong chính Gót không có khác biệt gì giữa đúng và sai, và như thế mệnh đề nói Gót là đúng (thiện) thì không còn ý nghĩa gì nữa. Nếu quí vị sẽ nói, như các nhà thần học nói, rằng Gót là đúng, quí vị như thế nói là - đúng và sai có một nghĩa nào đó mà nghĩa ấy độc lập, ở ngoài lệnh của Gót, bởi vì lệnh ý của Gót là đúng và không-sai vốn độc lập với chỉ riêng sự kiện là ông ta tạo chúng (trước rồi sau thành đúng/sai). Nếu quí vị sẽ nói như thế, quí vị sẽ phải nhận là không phải chỉ qua Gót mà đúng và sai đi đến thành hình, nhưng trong yếu tính luận lý của chúng, chúng đã có trước Gót.”

(Một cách hiểu Russell như sau – nếu một điều là Tốt hay Xấu vì Gót định thế, như vậy với Gót, Tốt hay Xấu như nhau; còn nếu không thế, Khi Gót bảo một điều là Tốt, vì có Tốt thấy trong điều đó, vậy Tốt đó đã có trước và ngoài Gót. Nghĩa là Gót không là khởi đầu của tất cả như thần học Kitô vẫn tuyên truyền - Gót viết hoa chỉ gót của các tôn giáo những dân tộc nhận Abraham làm thủy tổ, gót của Socrates, Plato, và Euthyphro - chỉ là gót - những gót của Hylạp)

Khi dịch và chú thích Euthyphro, tôi có ghi vội nhận xét - Dilemma Euthyphro rất quan trọng, nhưng chỉ là vấn đề quan trọng trong nội dung tư tưởng tôn giáo phương Tây;  sau hơn 2000 năm chìm đắm dưới sự độc tôn của đạo Kitô, khó cho họ hình dung được một đạo đức độc lập ngoài tôn giáo, chưa nói đến một đạo đức nhân bản nhưng vô thần; thế nên ý niệm vô thần luôn luôn gắn với ý niệm vô đạo đức, đáng sợ. Sự ám ảnh – nếu không có Gót, lấy tiêu chuẩn nào để biết xấu tốt – khó gột rửa, sang đến những thế kỷ gần đây mới lác đác bắt đầu, nhưng còn hết sức khó khăn và chậm chạp tác động vào đám đông

c.
Tôi tạm mượn lời Russell, để chúng ta có một cái nhìn khái quát cuối cùng về con người Socrates:Apology cho ra hình ảnh rõ ràng của một người thuộc một mẫu nhất định: một người rất chắc chắn về chính mình, có tinh thần cao, dửng dưng với những thành công thế tục, tin rằng ông được một tiếng nói thần linh dẫn dắt, và đã xác quyết rằng suy nghĩ cho minh bạch là điều đòi hỏi tiên quyết quan trọng nhất cần thiết cho một đời sống chính trực. Ngoại trừ điểm cuối này, ông giống như một tín đồ Kitô tử đạo, hay một tín đồ của Thanh giáo. Trong đoạn cuối cùng, nơi ông suy ngẫm những gì sẽ xảy ra sau cái chết, không thể nào không cảm thấy rằng ông vững tin vào sự bất tử, và sự không chắc chắn ông đã tự thú chỉ là mặt giả. Ông đã không có khó khăn, như những người Kitô, bởi những sợ hãi về sự trừng phạt đọa đày vĩnh cửu: ông không có hồ nghi rằng đời mình trong thế giới sau sẽ là một đời hạnh phúc.”

“Sự kết nối chặt chẽ giữa đức hạnh và kiến thức là đặc tính của Socrates và Plato. Trong một mức độ nào đó, nó có mặt trong tất cả những tư tưởng Hylạp, như đã trái ngược với của đạo Kitô. Trong đạo đức Kitô giáo, một trái tim tinh khiết là thiết yếu, và ít nhất cũng có khả năng tìm thấy được nó trong số những kẻ dốt nát cũng như trong những kẻ học thức. Điều khác biệt này giữa Hylạp và đạo đức Kitô giáo đã vẫn dai dẳng tồn tại cho tới ngày nay”. (Bertrand Russell - Lịch sử Triết học phương Tây – bản dịch LDB)

Hiểu như một phê phán – Socrates tuy là một triết gia vẫn đề cao trí tuệ, phương pháp phân tích, dùng lý trí, nhưng vẫn mê tín như một tín đồ tôn giáo! Đi tìm cái chết vì những điều vốn thực chất là những tin tưởng - linh hồn, thế giới bên kia, bất tử - hơn là chết vì những lý thuyết cụ thể minh bạch.

Tôi tạm dùng nhận xét của Bertrand Russell để kết thúc ở đây, vì chủ đích của tôi dịch và giới thiệu Euthyphro – Apology - Crito - Cảnh chết trích từ Phaedo này, chỉ để phụ đính cho bộ sách Lịch sử Triết học phương Tây của chính Bertrand Russell, tôi đang dịch chưa xong.

Người dịch

Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất
(Oct/2011)


http://chuyendaudau.wordpress.com