Sunday, October 9, 2011

Arthur Rimbaud - Ô saisons, ô châteaux


Ôi tháng năm, Ôi lâu đài

Ô saisons, ô châteaux
Arthur Rimbaud






Ôi tháng năm, Ôi lâu đài,
Có hồn nào không lần lầm lỡ?

Ôi tháng năm, Ôi lâu đài,

Tôi đã học đòi phép thuật
Của Hạnh phúc vốn không ai tránh khỏi.

Ôi vạn tuế nó, mỗi lần
chàng gà Gôloa gáy rộn.

Nhưng! tôi không còn đâu ham muốn,
Nó quán xuyến đời tôi.

Thần tình này! chiếm hồn và xác,
Ném tất cả mọi gắng sức tan tác

Lời tôi nói hiểu gì đây?
Nó chạy trốn rồi bay!

Ôi tháng năm, Ôi lâu đài!

[Và nếu bất hạnh kéo tôi đi,
Điếm nhục của nó tôi chắc chắn.

Than ơi chắc khinh miệt của nó!
Giao tôi vào cái chết nhanh nhảu nhất!

- Ôi tháng năm, Ôi lâu đài!
Có hồn nào không lần lầm lỡ?]


Arthur Rimbaud [1]
(1854–1891)
(Viết năm: 1872 - In lần đầu tiên: 1886)



(Ô saisons ô châteaux,
Quelle âme est sans défauts?

Ô saisons, ô châteaux,

J'ai fait la magique étude
Du Bonheur, que nul n'élude.

Ô vive lui, chaque fois
Que chante son coq Gaulois.

Mais ! je n'aurai plus d'envie,
Il s'est chargé de ma vie.

Ce Charme ! il prit âme et corps.
Et dispersa tous efforts.

Que comprendre à ma parole ?
Il fait qu'elle fuie et vole !

Ô saisons, ô châteaux !

[Et, si le malheur m'entraîne,
Sa disgrâce m'est certaine.

Il faut que son dédain, las !
Me livre au plus prompt trépas !

- Ô Saisons, ô Châteaux !
Quelle âme est sans défaut ?])



1.
Đây là bài thơ ám ảnh tôi khi còn học những năm giữa trung học, dĩ nhiên khi ấy, tôi đọc nhưng tự mình thực sự chẳng “hiểu” gì. Và nếu có ai hỏi hay ở chỗ nào – cũng không hẳn đã có được một lời giải thích hữu lý; Thế nhưng nghe theo Sartre [2], cũng lây và “cảm” thấy câu thơ như có ma lực mê hoặc. Nhất là hai câu mở đầu và cũng là điệp khúc bài thơ:
Ô saisons ô châteaux,
Quelle âme est sans défauts?

Có hai bản phổ biến của bài thơ này:
-        Một bản chỉ có  14 câu đầu.
-        Một bản thêm  vào 6 câu sau – thường trong ngoặc đơn – những câu này thoạt xem ra khó hiểu và có vẻ không liên hệ gì với 14 câu đầu – đó là quan điểm của những người bỏ nó.

2.
Các câu có thể tạm hiểu như sau:

-        Câu 1-2: Chỉ đơn giản có nghĩa là – trong đời, thời gian trôi qua (saisons) – mọi ảo tưởng đều tàn tạ (châteaux) [3] - đưa đến sự không toàn hảo của con người. Con người (l’ame) phải chịu thua, phải trôi theo thời gian, những giấc mơ đổ nát (chateaux) vì chúng ta có thân phận không toàn hảo. Hạnh phúc tuyệt đối không là định mệnh của chúng ta. Các “lầm lỡ” trong câu hỏi – câu hỏi là một lời than – không ai hỏi ai ở đây - than cho những thói xấu con người, sự yếu đuối của họ, và nói chung (có thể nói một cách siêu hình) sự bất toàn, hữu hạn của họ.

-        Câu 4-5 : Đã tìm được hạnh phúc trong tình yêu, như bao người.

-        Câu 6-7: Mong hạnh phúc mãi mãi, vạn tuế thú vui nhục dục giữa hai người nam (le coq Gaulois).

-        Câu 8-9: Thế nhưng than ơi – thỏa mãn trong tình yêu, khiến không còn ham muốn gì nữa cả (je n'aurai plus d'envie) – đời tôi giờ đây có hạnh phúc quán xuyến! – hay cũng có thể hiểu - vì thỏa mãn trong hạnh phúc, nên tôi mất hết nghị lực, tò mò, không còn tìm tòi gì nữa về đời, về tình.

-        Câu 10–11: Tình yêu (Ce Charme) mới tìm thấy này – chiếm hết hồn xác, thu hết sinh lực, không làm gì khác được nữa!

-        Câu 11-12 : Còn lời nào để nói.

-        Câu 15-18: Có thể hiểu – nếu như liên kết với những câu trên: Nếu mất tình yêu – là tai họa.

Cả bài thơ chỉ đơn giản và không gì khác hơn là một bài thơ tình, dù tình bất thường và điên dại của một đứa trẻ mới lớn - 18 tuổi.  Hai câu mở đầu:
Ô saisons ô châteaux,
Quelle âme est sans défauts?

Chỉ còn là:
Thời gian đi qua, hư tưởng tan vỡ
Ai không lầm lỡ

Đằng sau những lời mới thoạt xem có vẻ thần bí hay là mông lung này; không có ý tưởng hay tình cảm nào cao siêu hay mới lạ – chỉ là những điều rất cũ, rất sáo, nhiều người trước đó đã từng nói, không biết bao nhiêu lần, nó là một nhận xét quen thuộc đến nhàm chán  - thời gian trôi, mọi sự đổ vỡ, cả con người nữa, cũng lầm lỡ!

Chỉ là trò chơi xếp chữ đùa với nghĩa - và cũng chỉ quan trọng với một số người!
Có thể đẹp nhưng không thể nói là không nông cạn!


Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất
(Oct/2011)


[1] Arthur Rimbaud – hay Jean-Nicolas-Arthur Rimbaud (1854-1891) là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử thơ Pháp. Sinh tại Charleville, một thành phố nhỏ vùng biên giới Pháp/Belgium, bỏ học ở đó, trốn đi hoang. Lên Paris theo lời gọi của Paul Verlaine, khi ông mới 17 tuổi, Rimbaud lao đầu vào hai cuộc phiêu lưu – trong thơ – và trong tình cảm với Verlaine, đã có vợ và lớn hơn Rimbaud 10 tuổi.– Cuối cùng, quan hệ tình cảm đồng tính này này tan vỡ trong tai tiếng - sau mười tám tháng chung sống với Rimbaud trong ba nước – kết cục, tại Brussels, Verlaine vào tù, hậu quả một phần vì đã bắn Rimbaud, dù chỉ gây thương tích ở cổ tay. Còn thơ - Rimbaud bỏ thơ, rời châu Âu, sinh sống kiếm tiền bằng nghề đi buôn, cả nô lệ, súng lậu, ở vùng Đông Phi khoảng mười năm, đến khi bị bệnh nặng, phải tìm về Pháp chữa bệnh, nhưng chết ở Marseille, lúc đó 37 tuổi, không ai biết đến. Nóng tính, bạo động, ít học, bốc đồng, thô tục, lỗ mãng … không thói xấu nào thiếu trong đứa trẻ “thơ” thiên tài này – một “poet maudit” của dòng thơ Tượng Trưng Pháp.

Sau khi Rimbaud mất, ông được nhiều người ngưỡng mộ. tên tuổi ông dần được đề cao – cuộc đời ông thành một hiện tượng quyến rũ, ngay cả lý do tại sao ông bỏ thơ, dù chính năm 21 tuổi, ông tuyên bố những gì mình viết là một thất bại và ông muốn một đời phiêu lưu sống thực – đến nay vẫn được phân tích mãi nhưng chưa ngã ngũ – dần thành một huyền thoại của một huyền thoại – những người hâm mộ đề cao xem ông như một sao chổi (vụt bùng sáng nhưng tắt sớm) mọc lúc bình minh của thơ ca Hiện đại Pháp.

Tất cả thơ Arthur Rimbaud như chúng ta biết – viết chỉ trong khoảng 5 năm trẻ tuổi. Bài thơ  "Voyelles" khiến ông được xem như người sáng lập dòng thơ Tượng Trưng Pháp. Tập Une Saison en Enfer (Một mùa địa ngục) được xem như một trong những tập thơ mở đầu cho lối thơ xuôi. Ông còn tập Le Bateau Ivre (Thuyền Say) nổi tiếng. Nhà thơ, theo Rimbaud, phải bỏ hết cú pháp, khám phá ngôn ngữ mới, có khả năng diễn tả những gì không phai mờ, một thứ ngôn ngữ không bị lô gích, ngữ pháp ràng buộc. Nhà thơ, hay dùng chữ Tàu -  thi nhân phải như một “thị nhân” - một thứ clairvoyant - nghĩa là kẻ thấy được những sự-vật nhưng không với giác quan  - “Je dis qu'il faut être voyant, se faire voyant.”– “Le poète se fait voyant par un long, immense et raisonné dérèglement de tous les sens”.


Một vài nhà thơ Việt thời tiền chiến, đó đây có người nhắc đến Rimbaud, với ngưỡng mộ - nên cũng là điều khiến chúng ta chú ý đến ông.  Tạm dịch thêm một bài thơ của Rimbaud, tuy nội dung tẻ nhạt không đáng (không có suy nghĩ gì, ngoài những xúc cảm, có phần xác thịt tầm thường của một đứa trẻ ở tuổi dậy thì) nhưng có thủ bút - viết năm 16 tuổi:





















Sensation
Cảm giác

Những chiều hè xanh, tôi trong những nẻo mòn,
Lúa mì châm vào người, cỏ mảnh mai dẫm đạp:
Mơ mộng, tôi cảm thấy mát rợi dưới chân.
Tôi để mặc cho gió tắm đầu tôi trần.

Tôi sẽ không nói, tôi sẽ không nghĩ ngợi gì cả:
Nhưng tình yêu vô biên dâng lên trong hồn,
Và tôi sẽ đi xa, rất xa, như một bohémien,
Giữa Thiên nhiên, sung sướng như với một phụ nữ.

Mar-1870
Arthur Rimbaud

(Par les soirs bleus d'été, j'irai dans les sentiers,
 Picoté par les blés, fouler l'herbe menue:
 Rêveur, j'en sentirai la fraîcheur à mes pieds.
 Je laisserai le vent baigner ma tête nue.

 Je ne parlerai pas, je ne penserai rien :
 Mais l'amour infini me montera dans l'âme:
 Et j'irai loin, bien loin, comme un bohémien,
 Par la Nature, heureux comme avec une femme.)

[2] Hai câu này được Sartre ca ngợi và giải thích khá dài dòng, khi ông dẫn chứng trong một luận văn nổi tiếng của ông – “Như trong những câu thơ đáng ngưỡng mộ này: ‘Ô saisons ô châteaux, Quelle âme est sans défauts?’”. Ông giải thích  - “Không ai bị hỏi – không ai hỏi, ..” rồi ông khái quát hóa và đề cao tận mây xanh! – “nó không phải là một biểu thị, nó là một thực thể”, ý ông muốn nói đừng hỏi - nó chỉ định điều gì, vì nó không “chỉ”, nhưng nó “là” - nó là điều, là sự vật. – Và câu thơ như thế đưa người đọc đến “phía bên kia phận người, phía của kẻ sáng tạo vũ trụ”. - Jean-Paul Sartre, Qu'est-ce que la littérature? Paris: Gallimard, Collection Folio, 1981.

[3] Trong tiếng Pháp – thông thường khi nói  - “châteaux en Espagne” – chỉ một điều gì không thể có được, không thể thực hiện được. Những ước mơ hoang tưởng