Friday, March 25, 2011

Sigmund Freud - Tương lai của một Ảo tưởng (4)

Tương lai của một Ảo tưởng
The Future of an Illusion
Sigmund Freud




IX

“Bạn cho phép chính bạn có những mâu thuẫn vốn chúng khó hòa giải với nhau. Bạn bắt đầu bằng nói rằng một đoạn viết như của bạn là hoàn toàn vô hại: không ai sẽ để tự mình bị cướp mất đức tin của mình bằng những cân nhắc thuộc loại trong đó đã đưa ra. Nhưng bởi vì dù sao đi nữa nó là ý định của bạn, như trở nên rõ ràng về sau này, để đánh đổ đức tin đó, chúng tôi có thể hỏi tại sao trong thực tế bạn xuất bản công trình của bạn? Trong một đoạn văn khác, hơn nữa, bạn thú nhận rằng nó có thể là nguy hiểm, thực sự rất nguy hiểm, cho một ai đó khám phá ra rằng người ta không còn tin vào Gót nữa. Cho tới nay anh ta đã là ngoan ngoãn, nhưng bây giờ anh ta ném bỏ sự vâng lời của mình với giới luật của văn minh. Tuy nhiên, toàn bộ luận điểm của bạn chỉ trích gay gắt những giới răn của văn minh trên những cơ sở tôn giáo tạo thành một nguy hiểm cho văn minh dựa trên giả định rằng người có tín ngưỡng có thể được quay sang thành một người vô tín ngưỡng [1]. Chắc chắn đó là một mâu thuẫn hoàn toàn.


“Và đây là một điều nữa. Một mặt bạn thừa nhận rằng con người không thể được hướng dẫn thông qua trí tuệ của họ, họ bị những đam mê và những nhu cầu bản năng của họ cai quản. Nhưng một mặt khác bạn đề nghị thay thế cơ sở tình cảm của sự tuân phục của họ với văn minh với của một lý trí hợp lôgích. Để xem  ai là người có thể hiểu được điều này. Đối với tôi, có vẻ như là phải một điều này hoặc điều kia.

“Bên cạnh đó, bạn đã không học được gì từ lịch sử hay sao? Một lần trước đây, một nỗ lực thuộc loại này đã được thực hiện để thay thế tôn giáo bằng lý trí, một cách chính thức và trong phương cách lớn lao. Chắc chắn bạn nhớ Cách mạng Pháp và Robespierre? Và bạn cũng phải nhớ thử nghiệm đã sống thật ngắn ngủi và vô hiệu quả thảm hại đến chừng nào? Cùng thí nghiệm tương tự đang được lập lại ở Nga trong thời điểm hiện tại, và chúng ta không cần cảm thấy tò mò về phần kết quả của nó. Bạn không nghĩ rằng chúng ta đã quên như không biết rằng con người không thể làm gì với không có tôn giáo?

“Bạn đã nói với chính bạn rằng tôn giáo thì không gì hơn là một ám ảnh xáo động thần kinh. Nhưng bạn đã không giải quyết với phía bên kia của nó. Bạn hài lòng thành công đưa ra một tương tự với một xáo động thần kinh. Con người, bạn nói, phải được giải phóng khỏi một xáo động thần kinh. Những gì khác có thể bị mất trong tiến trình là không thuộc về quan tâm của bạn”.

Sự xuất hiện của mâu thuẫn có thể xảy ra bởi vì tôi đã giải quyết những vấn đề phức tạp quá hấp tấp. Nhưng chúng ta có thể sửa chữa điều này đến vài mức độ nào đó. Tôi vẫn cho rằng những gì tôi đã viết khá vô hại trong một chiều hướng. Không có tín đồ nào sẽ để mình bị dẫn lệch khỏi tín ngưỡng của người ấy bằng những điều này hay bất kỳ những luận chứng tương tự nào. Một tín đồ gắn bó với những giáo lý của tôn giáo bằng những ràng buộc tình cảm nhất định. Nhưng chắc chắn có vô số những người khác, họ không phải là những tín đồ trong cùng một ý hướng. Họ tuân theo giới luật của văn minh, vì tự họ để cho mình bị những đe dọa của tôn giáo làm sợ sệt, và họ sợ tôn giáo, miễn là chừng nào họ phải xem nó như là một phần của thực tại vốn lồng họ vào trong. Họ là những người phá vỡ ngay sau khi họ được phép buông bỏ niềm tin của họ trong giá trị-thực tại của tôn giáo. Nhưng họ cũng không bị những luận chứng ảnh hưởng. Họ thôi không sợ hãi tôn giáo khi họ quan sát thấy những người khác không sợ nó, và đã là với họ mà tôi khẳng định rằng họ sẽ được biết về sự suy tàn của ảnh hưởng của tôn giáo, dẫu ngay cả như tôi đã không công bố công việc của tôi.   

Nhưng tôi nghĩ rằng tự bạn đã gán nhiều sức nặng hơn với mâu thuẫn khác vốn bạn đã buộc tội tôi. Bởi vì con người tiếp cận quá ít với những lập luận hợp lý và quá hoàn toàn bị những nhu cầu bản năng của họ chi phối, tại sao một người nên bắt đầu định tước đi của họ một sự thỏa mãn bản năng, và thay thế nó bằng những lập luận hợp lý? Đó là sự thật rằng con người là như thế này, nhưng bạn có hỏi mình liệu họ phải là như thế này hay không, liệu bản chất thâm sâu nhất của họ bắt phải có nó hay không? Có thể nào một nhà nhân chủng học cho chỉ số sọ của một giống người mà phong tục của họ là bóp méo đầu trẻ em của họ, bằng cách quấn băng quanh đầu chúng từ những năm sớm nhất của chúng hay không ? Hãy nghĩ về sự tương phản tuyệt vọng giữa trí thông minh rạng rỡ của một đứa trẻ khỏe mạnh và trí lực yếu đuối của người lớn trung bình. Có thể nào chúng ta hoàn toàn khá chắc chắn rằng đúng không phải là giáo dục tôn giáo vốn hứng chịu một phần lớn khiển trách vì sự bại liệt tương đối này hay không? Tôi nghĩ rằng nó sẽ là một thời gian rất lâu trước khi một đứa trẻ không bị ảnh hưởng bắt đầu tự nó có băn khoăn về Gót và những sự việc ở một thế giới khác. Có lẽ những suy nghĩ của nó về những vấn đề này rồi sau đó sẽ trên cùng những nẻo đường giống như chúng đã đến với cha ông của nó. Nhưng chúng ta đã không chờ đợi cho một phát triển như vậy; chúng ta giới thiệu nó với giáo lý tôn giáo ở một tuổi khi ấy nó vừa không quan tâm đến chúng, cũng chẳng có khả năng nắm bắt những gì chúng thâm nhập. Không đúng sự thật hay sao - rằng hai điểm chính trong chương trình giáo dục của trẻ em ngày nay - là trì hoãn phát triển tình dục và bắt đầu ảnh hưởng tôn giáo sớm? Như vậy đến thời điểm trí tuệ của đứa trẻ thức tỉnh, những giáo lý tôn giáo đã trở nên không thể công kích được. Nhưng có phải bạn có ý kiến rằng là rất có ích lợi với sự tăng cường chức năng trí tuệ nhưng một lĩnh vực hết sức quan trọng như thế lại nên bị đóng lại vì sự đe dọa của lửa hỏa ngục? Khi một con người đã một lần mang mình đến chấp nhận không phê phán tất cả những xuẩn động mà giáo lý tôn giáo đem đặt trước ông ta, và thậm chí người ấy không nhận thấy những mâu thuẫn giữa chúng, chúng ta không cần phải hết sức ngạc nhiên trước sự yếu kém của trí tuệ của ông ta. Nhưng chúng ta không có phương tiện nào khác để kiểm soát bản năng tự nhiên của chúng ta ngoài trí thông minh của chúng ta. Làm sao chúng ta có thể mong đợi người ta là những kẻ chịu dưới thống trị của những cấm đoán của tư tưởng để đạt được lý tưởng tâm lý, ưu việt của trí thông minh? Bạn cũng biết đấy,  rằng phụ nữ nói chung được nói là chịu thiệt bị “đần độn nhu nhược gốc sinh lý” [2] - có nghĩa là, mang một trí  thông minh thấp hơn đàn ông. Sự kiện tự nó thì gây tranh cãi, và giải thích về nó thì đáng nghi ngờ, nhưng một luận chứng thuận lợi cho sự trí tuệ héo hon này như một bản tính tự nhiên thứ hai, là phụ nữ lao động dưới sự khắc nghiệt của một cấm đoán lúc ban đầu, chống suy nghĩ của họ quay về với những gì vốn sẽ là quan tâm đến họ nhất - cụ thể là, những vấn đề của đời sống tình dục. Cho đến chừng nào những năm đầu của một người bị ảnh hưởng không chỉ bởi một sự ức chế của tư tưởng tình dục, mà cũng còn bởi một sự ức chế tôn giáo, và của một ức chế trung thành [3] với cha mẹ và thày cô giáo, chúng ta không thực sự không thể bảo người ấy là giống thế nào trong thực tế.

Nhưng tôi sẽ điều hòa nhiệt tình của mình và thú nhận là tôi cũng vậy, có khả năng đương theo đuổi một ảo tưởng. Có lẽ tác dụng của cấm đoán tôn giáo về tư tưởng có thể không quá tệ như tôi nghĩ, có lẽ sẽ thành ra rằng bản chất con người vẫn giữ nguyên thế ngay cả nếu như giáo dục đã không bị lạm dụng ngõ hầu đẩy con người thành đối tượng của tôn giáo. Tôi không biết và bạn không thể biết một trong hai. Nó không phải là vấn đề lớn độc nhất của đời sống này vốn có vẻ như không có giải pháp trong thời hiện tại, nhiều những câu hỏi thấp hơn nữa cũng còn là khó trả lời. Nhưng bạn phải thừa nhận rằng ở đây chúng ta là chính đáng trong việc có một hy vọng về tương lai – rằng có lẽ có một kho tàng để đào lên, có khả năng làm phong phú thêm văn minh, và rằng nó đáng bõ công làm thí nghiệm về một nền giáo dục không-tôn giáo. Nếu như thí nghiệm rồi chứng tỏ tệ hại không chấp nhận được, tôi đã sẵn sàng bỏ rơi sự cải cách và quay về với phán đoán thuần mô tả của tôi, rằng con người là một sinh vật thuộc về trí tuệ yếu đuối, nó bị những thèm muốn bản năng của nó cai trị.

Về điểm khác, tôi thẳng thắn đồng ý với bạn. Chắc chắn là điều vô nghĩa để bắt đầu với cố gắng chấm dứt tôn giáo bằng sức mạnh và trong một cú đánh độc nhất. Trên hết tất cả, bởi vì nó sẽ là vô vọng. Những tín đồ sẽ không để cho niềm tin của họ, hoặc bằng những lập luận hoặc bằng những cấm đoán, bị tước khỏi họ. Và thậm chí nếu điều này có thành công với một số người, nó sẽ là tàn ác. Một người đã vẫn từng uống thuốc ngủ trong hàng chục năm là tự nhiên không thể ngủ nếu thuốc ngủ của ông bị lấy khỏi ông. Rằng ảnh hưởng an ủi của tôn giáo có thể được ví như của một chất ma tuý [4], được minh họa rõ ràng bằng những gì đang xảy ra ở nước Mỹ. Hiện họ đang cố gắng, rõ ràng là dưới ảnh hưởng của chính phủ nhu nhược - tước đi mọi chất kích thích, những chất làm say sưa, và những chất gây lạc thú khác, và thay vào đó, như cách đền bù, dồn tống cho họ lòng tín mộ tôn giáo. Đây là một thử nghiệm khác, kết quả của nó chúng ta chẳng cần phải cảm thấy tò mò [5].

Thế nên, tôi phải mâu thuẫn với bạn khi bạn tiếp tục biện luận rằng con người hoàn toàn không thể sinh hoạt mà thiếu sự an ủi của ảo tưởng tôn giáo, rằng nếu không có nó, họ không thể gánh chịu nổi những khó khăn của đởi sống và sự tàn bạo của thực tại. Đó là sự thật, hẳn thế, đối với những con người vốn bạn đã thâm nhiễm cái ngọt – hay chất độc - đắng-bọc-đường - trong họ từ thời thơ ấu trở đi. Nhưng còn đối với những người khác thì sao, những người đã trưởng thành lành mạnh hợp lý? Có lẽ ai là những người không chịu khổ vì xáo động thần kinh sẽ không cần thức uống say để làm dịu nhẹ nó đi. Họ sẽ, đó là sự thật, tìm thấy tự thân họ trong một tình huống khó khăn. Họ sẽ phải chấp nhận với chính họ phạm vi hoàn toàn của sự bất lực không thể tự bảo vệ của họ và sự vô nghĩa của họ trong guồng máy của vũ trụ, họ thôi không thể còn là tâm điểm của sự sáng tạo, thôi không còn là đối tượng của sự chăm sóc dịu dàng về phần của một Gót lo xa phúc thiện. Họ sẽ ở cùng vị trí như của một đứa trẻ đã rời nhà cha mẹ, nơi nó đã rất ấm áp và thoải mái. Nhưng chắc chắn tính trẻ con là tất phải bị khắc phục. Con người không thể cứ còn mãi mãi là trẻ em bao giờ, đến cuối cùng họ phải ra ngoài, đi vào trong “trường đời thù nghịch”. Chúng ta có thể gọi đây là “giáo dục với thực tế”. Có cần tôi thú nhận với bạn hay không - rằng mục đích duy nhất của quyển sách của tôi là để chỉ ra sự cần thiết cho bước tiến tới trước này?

Bạn đang sợ, có lẽ, rằng họ sẽ không đứng vững nổi với thử nghiệm khó khăn? Vâng, ít nhất chúng ta hãy cùng hy vọng là họ sẽ. Nó là một cái gì, ở bất kỳ mức độ nào, để biết rằng một người bị ném vào trên chính những nguồn lực của riêng người đó. Một người rồi sau đó học để có một sử dụng chúng cho thỏa đáng. Và con người không phải là hoàn toàn không có trợ giúp. Kiến thức khoa học của họ đã dạy họ nhiều kể từ những ngày của trận Đại hồng thủy, và nó sẽ làm tăng quyền năng của họ xa hơn thêm nữa. Và đối với những tất yếu lớn lao của Số phận, chống với chúng mà không có được giúp đỡ, họ sẽ học cách chịu đựng chúng với sự cam chịu nhẫn nhục. Để làm gì với họ là ảo vọng về những mẫu đất rộng bạt ngàn trên mặt trăng, mùa gặt của chúng chưa ai từng đã thấy? Là những người chân thực giữ những mảnh đất nhỏ trên mặt đất này, họ sẽ biết làm thế nào để xới trồng mảnh đất của họ trong một cách mà nó nuôi sống họ. Bằng cách thu hồi những mong đợi của họ khỏi thế giới bên kia, và tập trung tất cả những nguồn năng lượng được giải phóng của họ vào đời sống của họ trên trần gian, họ rồi có thể sẽ thành công trong việc đạt được một tình trạng của những sự việc, trong đó đời sống sẽ trở thành chấp nhận được cho tất cả mọi người,  và văn minh thôi không còn áp bức bất cứ ai nữa. Sau đó, với một trong những người bạn vô thần của chúng ta, họ sẽ có thể nói với không hối tiếc:

Chúng ta hãy bỏ lại thiên đường,
Cho những thiên thần và những con chim sẻ. [6]


Lê Dọn Bàn tạm dịch- bản nháp thứ nhất
(Mar, 2011)




[1] Freud muốn nói – trong văn minh phương Tây, người ta vẫn giả định cơ sở là con người phải có một tôn giáo, xem đó là nền tảng của đạo đức cá nhân và xã hội, nếu con người trong văn minh đó trở nên vô thần; e rằng văn minh đó không đứng vững, vì luân lý xã hội xụp đổ. Thâm nhiễm truyền thống Kitô hai nghìn năm qua, trong ngôn từ thông thường bình dân – Anh Mỹ chẳng hạn – một con người “tin sợ Gót” có nghĩa là một người có đạo đức nào đó, hay thêm nữa “năng đi nhà thờ”, như một bình phẩm nói về một người bình thường, ít nhiều đáng tin, đứng đắn, và mỗi khi thề hứa một điều gì nghiêm trọng, họ vẫn có thông tục đặt tay lên quyển kinh Thánh. Từ hai thế kỷ qua, số lượng những người vô thần được biết càng tăng, nhà thờ thưa vắng, nhưng đối với quan điểm “vô thần”, những người phương Tây bình dân vẫn thường vẫn nêu các trường hợp phổ biến như Adolf Hitler Nazi với Holocaust, Sô viết Nga với Stalin cùng những thanh trừng, khủng bố đẫm máu,… như cảnh cáo về hiểm họa của ‘vô thần”, xem đó là những liều thuốc “độc” của hiện tượng phi tôn giáo! Sự thực là chủ nghĩa dân tộc quá khích ở nước Đức, hay chủ nghĩa cách mạng vô sản ở Nga, hay bất kỳ những trường hợp quá khích nào trong chính trị, mỗi chúng đều là một anh em song sinh với tôn giáo độc thần, trước sau đều có liên hệ với - điển hình là - đạo Kitô. Chúng ra đời từ sự khái niệm về phân biệt “trong-ngoài nhóm”, sự độc tôn tư tưởng (tôn giáo, dân tộc hay chính trị - một Gót duy nhất, duy nhất đúng – không thể sai lầm), lấy cứu cánh biện minh những phương tiện tàn độc thấy trong sự hy sinh thực tại cho những gì ở ngoài thời gian, không gian này; và những gì lịch sử chưa biết có đi đến hay không, những gì – trong đoạn sau – Freud gọi là “những mẫu đất rộng bạt ngàn trên mặt trăng, mùa gặt của chúng chưa ai từng đã thấy?”. Russell, ở nhiều chỗ khác, đã chỉ ra – vắn tắt – điện Kremlin là một “biến thân” của Vatican – những người theo Marx đã lấy “nước cha ta trên trời” của Christ đem xuống trần gian, rồi quyết liệt vượt thời gian, hối hả đi cho đến cuối đường lịch sử, nơi xã hội không còn đấu tranh gia cấp, của cải là chung, tài nguyên phân phối công bằng, mọi người hưởng một thứ hạnh phúc của “thế giới đại đồng”. Nước Chúa mà những hội Nhà thờ của Paul rao giảng chuyển thành thiên đàng hạ giới của những Nhà nước vô sản! – thời hoàng kim của con người sẽ đến, nhưng không phải đợi ngày tận thế vẫn đe dọa với “phán xét cuối cùng”.

Nhưng bây giờ người phương Tây đã tỉnh ngộ, mạnh bạo lên tiếng, đặt câu hỏi phổ thông – có thể  có một nền đạo đức mà không dựa trên tôn giáo hay không? Nói thông thường – nếu không có Gót, không có tôn giáo, lấy gì làm tiêu chuẩn cho tốt xấu, đúng sai. Sau khi họ sáng suốt và tỉnh ngộ nhận ra – những tôn giáo Abraham với những gốc rễ sâu xa của hầu hết những phi luân, vô đạo, chiến tranh tàn ác, và trên hết, sự nô lệ tinh thần con người.  Tin vào một Gót là không tin vào con người, điển hình là không tin vào khả năng của con người, tức là khoa học, và lý trí của nó. Tin vào một ảo tưởng trên kia, bên kia, là quên thực tại sự sống bây giờ và ở đây.

Về vấn đề này – chúng ta từ phương Đông, may mắn có câu trả lời từ thực tại lịch sử khẳng định và minh mạch, trong hơn hai nghìn năm qua, trong khi ở phương tây, từ thánh chiến ở Trung Đông với những người thờ cùng Gót nhưng khác tên gọi , đến chiến tranh diệt chủng, diệt văn hóa với những dân tộc bản địa châu Mỹ, rồi chiến tranh thời Phục hưng giữa những người cùng tín ngưỡng (Catô và Tinlành), … Trong khi đó, ở phương Đông với những tôn giáo – hay đúng hơn những tín ngưỡng vô thần – đã có một nền luân lý rất cao, đạo đức xã hội vững mạnh. Ít nhất trong rất nhiều phương diện, không có những chiến tranh diệt chủng, diệt văn hóa vì tôn giáo, không có chiến tranh tôn giáo loại như thánh chiến, cũng không có nạn buôn nô lệ, và sự đàn áp đè nén phụ nữ như ở phương Tây, và nhất là không có ai bị đốt sống vì tội bất đồng tôn giáo, tín ngưỡng. 

[2] [Moebius đã dùng từ này (1903). Cf.  Bản văn trước đây của Freud về đạo đưucs tình dục “văn minh” (1908d), Standard Ed., 9]
[3] Theo bản tiếng Pháp (l’inhibition mentale “loyaliste” envers les parents et les educateurs) – trong bản tiếng Anh giải thích là trung thành với nhà vua, tôi nghĩ là không đúng.

[4] Marx đã – nổi tiếng – gọi tôn giáo là  “opium of the people”:

“Tôn giáo, thực vậy, là sự tự ý thức và tự đánh giá của con người, con người ấy hoặc chưa thắng đạt đến chính mình, hoặc đã lại đánh mất chính mình lần nữa. Nhưng con người không là kẻ trừu tượng ngồi xổm thảnh thơi ngoài thế giới. Người là thế giới của con người – nhà nước, xã hội. Nhà nước này và xã hội này tạo ra tôn giáo, vốn nó là một ý thức ngược đầu của thế giới, bởi vì nó là một thế giới lộn ngược. Tôn giáo là lý thuyết tổng quát của thế giới này, là bách khoa toàn thư tóm lược của nó, là lôgích của nó trong hình thức phổ thông, là điểm bảo vệ danh dự tinh thần của nó, là nhiệt tâm của nó, là cấm cản đạo đức của nó, là nghiêm trọng tán thưởng của nó, và là cơ sở phổ quát của nó cho an ủi và biện chính. Nó là sự thể hiện tuyệt vời của yếu tính con người bởi vì yếu tính con người đã chưa thu tập được bất kỳ thực tại chân thực nào. Cuộc đấu tranh chống lại tôn giáo, do đó gián tiếp là đấu tranh chống lại cái thế giới vốn tôn giáo là tinh thần tỏa dậy mùi hương của nó. Thống khổ tôn giáo, là một và đồng thời, là diễn tả của thống khổ thực sự, và phản đối chống lại thống khổ thực sự. 


Tôn giáo là tiếng thở dài của sinh vật bị áp bức, trái tim của một thế giới không tim, và linh hồn của những điều kiện sống không hồn. Nó là thuốc phiện của con người. Hủy bỏ tôn giáo như hạnh phúc ảo của con người là nhu cầu cho hạnh phúc thực của họ.  Kêu gọi họ bỏ đi ảo tưởng của họ về điều kiện sống của họ là kêu gọi họ bỏ đi những điều kiện vốn nó kéo đòi những ảo tưởng. Phê bình tôn giáo, do đó là, trong trứng nước, phê bình cái thung lũng ngập nước mắt vốn ở đó tôn giáo là vòng sáng lấp lánh”.  (K. Marx).

[5] Bài văn viết giữa thời kỳ của “National Prohibition” ở nước Mỹ (1920-1933). Nước Mỹ ban lệnh cấm chuyên chở, bán, và sản xuất các loại rượu. Két quả thảm hại là chợ đen (rượu) lan tràn, giết người, găng tơ lớn mạnh (nổi tiếng là Al Capone), Các tổ chức tội phạm phát triển nhanh chóng và giết người hàng loạt, chiến tranh băng đảng lan tràn qua việc cung cấp rượu trên thị trường chợ đen. Đây là thời đại của băng đảng, kể cả gangster nổi tiếng nhất Al Capone. Âm nhạc và phương tiện truyền thông khác cũng thay đổi trong thởi quốc cấm này, tràn lan trong nhạc Jazz. Phim gangster nhanh chóng trở thành thể loại phổ biến, phản ánh sự coi thường pháp luật của thời đại. Tranh hoạt hoạt họa chính trị trở nên thường xuyên hơn, cho thấy cả hai mặt của vấn đề cấm rượu.

Chính phủ Mỹ, sau một thời gian dài vật vã và xấu hổ, các chính trị gia cuối cùng đã nhận ra sai lầm của mình và đã chấm dứt National Prohibition, nhưng nó đã để lại một vết nhơ trong lịch sử của nước Mỹ. Dĩ nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sai lầm này, trong đó có các hội nhà thờ Kitô, thời bấy giờ đã cực đoan lên án rượu là khí cụ của quỉ Satan, hay gọi rượu là  “men ngọt của quỉ” (“demon rum” hay “Lucifer Liquids”).

[6] [“Den Himmel überlassen wir, Den Engeln und den Spatzen” - Từ bài thơ Deutschland của Heine (Caput I).]