(Materialism, Past and Present)
Bertrand Russell
“Một mảnh của vật chất đã trở thành, không phải là một sự-vật-gì bền dai với những trạng thái biến đổi khác nhau, nhưng một hệ thống những sự kiện tương liên. Cái tính vững bền cũ đã ra đi, và theo cùng với nó những đặc tính, với nhà duy vật, vốn làm cho vật chất xem dường như thực hơn so với những suy nghĩ thoáng qua. Không có gì là vĩnh viễn, không có gì thường tại; thiên kiến cho rằng thực tại là vững bền dai dẳng phải bị hủy bỏ”.
(Introduction to A History of Materialism, by F. A. Lange. London: Lund Humphries, 1925; New York: The Humanities Press, 1950.)
Chủ nghĩa Duy vật, Quá khứ và Hiện tại
Chủ nghĩa Duy vật như là một lý thuyết về bản chất của thế giới đã có một lịch sử hiếu kỳ. Nảy sinh gần như ngay từ thuở ban đầu của triết học Hylạp [1], nó đã bền bỉ tiếp tục xuống tận thời chúng ta, bất chấp sự kiện rằng có rất ít những triết gia lỗi lạc đã ủng hộ nó. Nó đã được liên kết với nhiều những tiến bộ khoa học, và đã xem ra, trong nhiều kỷ nguyên, hầu như hoàn toàn đồng nghĩa với một viễn kiến khoa học. Những cáo trạng về chủ nghĩa duy vật luôn luôn mang ra từ phe chính thống để chống lại những đối thủ của họ, từ hệ quả rằng những đối thủ kém sáng xuốt hơn đã chấp nhận chủ nghĩa duy vật, bởi vì họ tin rằng nó là một phần thiết yếu của phe đối lập của họ. Tại thời điểm hiện nay [2], lý thuyết chính thức của một trong những nước lớn nhất thế giới là chủ nghĩa duy vật, mặc dù hầu như hiếm hoi không có một ai trong thế giới học giả công khai tán thành lý thuyết này. Một hệ thống tư tưởng có sức sống bền bỉ như vậy phải có giá trị xứng đáng nghiên cứu, mặc dù có sự khinh miệt chuyên nghiệp vốn tưới lên nó từ giới hầu hết là những giáo sư siêu hình học.
Bộ sách Lịch sử chủ nghĩa Duy Vật [3] của Lange, được tái phổ biến trong “The International Library of Psychology, Philosophy, and Scientific Method” (Thư viện Quốc tế Tâm lý học, Triết học, và Phương pháp Khoa học), là một công trình quan trọng vĩ đại, thuộc vào hạng có giá trị cao nhất đối với tất cả những ai là người ao ước muốn biết những gì từng được những người ủng hộ chủ nghĩa duy vật đã nói, và lý do tại sao trong dòng chảy chính, những triết gia vẫn còn là không được thuyết phục. Ấn bản đầu tiên xuất hiện vào năm 1865, ở đỉnh cao của giai đoạn thường được mô tả là “chủ nghĩa duy vật của những năm sáu mươi”. Lời nói đầu cho ấn bản thứ hai ghi thời điểm là tháng Sáu 1873. Tác giả qua đời vào năm 1875, trước khi những phản ứng chống lại chủ nghĩa duy vật đã đã làm cho tự nó được cảm nhận tới. Lange, trong khi rất có cảm tình với chủ nghĩa duy vật trong những đấu tranh của nó với những hệ thống giáo điều cũ hơn, tự chính ông đã không phải là một triết gia duy vật với bất kỳ nghĩa nào. Ông được giáo sư Cohen mô tả, trong Lời nói đầu cho bản in lần thứ IX (1921), là một “tông đồ của quan điểm theo Kant với thế giới”, mà giáo sư Cohen, tự ông cũng là một người đi theo. Lời mô tả là khá chính xác. Lange xem nhận rằng chủ nghĩa duy vật không có khả năng giải thích được hữu thức, và bị bác bỏ, trên cơ sở khoa học, bởi khoa tâm lý học và sinh lý học về cảm giác, trong đó cho thấy rằng thế giới được vật lý nghiên cứu là một thế giới phụ thuộc vào những phương thức nhận thức của chúng ta, không phải là một thế giới độc lập trên kết toán riêng của nó.
Nó là một thông lệ để phản đối chủ nghĩa duy vật trên những nền tảng đạo đức, bởi vì nó đã được giả định là có một hiệu ứng tai hại trên tư cách ứng xử. Trong khi hăng hái đẩy lùi nhiều hình thức của chỉ trích loại này, Dù thế, cuối cùng Lange vẫn duy trì nó, bởi vì ông xem lý thuyết kinh tế của những trường phái Manchester và sự tàn nhẫn của cạnh tranh hiện đại, như là có thể gắn được vào với cái nhìn duy vật. Đây có lẽ là là phần yếu nhất của tập sách của ông, mặc dù với sự kiện, là không giống như hầu hết những học giả Đức, ông đã có kinh nghiệm đáng kể từ đời sống thực tiễn. Năm 1861, lúc vào tuổi 33, ông đã từ nhiệm chức vị của một người dạy học, và trở thành thư ký của Phòng Thương mại Duisburg. Nhưng vị thế của ông trở nên khó khăn do những ý kiến cực đoan của ông, vốn được thấy tung đi nhiều hướng khác nhau. Ông biên tập một tờ báo gọi là Công báo Rhine và Ruhr (The Rhine and Ruhr Gazette), và ông đã viết một cuốn sách gọi là Die Arbeiterfrage trong ihrer für und Gegenwart Bedeutung Zukunft [4], xuất hiện cùng một năm với Lịch sử về chủ nghĩa duy vật của ông. Khả năng sản xuất của ông rất gần với sự kỳ diệu, vì trong cùng năm này, ông lại xuất bản cuốn sách khác, Die Grundlegung der mathematischen Psychologie [5] - và tất cả những điều này không làm sao nhãng tờ báo hoặc Phòng Thương mại.
Trong năm sau (1866) ông đã đến Thụy Sĩ, nơi ông một lần nữa đã tiếp tục công trình nghiên cứu hàn lâm, trở thành giáo sư tại Zurich vào năm 1870, và trở về Đức vào năm 1872, là giáo sư tại Marburg. Nhưng kinh nghiệm của ông trong thế giới công nghiệp và thương mại chắc chắn đã giúp mở rộng tầm nhìn của ông, và đem cho ông một sự hiểu biết, không phải luôn luôn được sở hữu bởi những học giả, về hoạt động của những lý thuyết khi chúng đi ra vào trong chốn thương trường. Ông nhận xét rằng, ở nước Anh, triết gia thường là những chính khách, và điều lại còn lạ thường hơn, là những chính khách đôi khi là những triết gia. Ông không chỉ ra rất thường đến như thế nào hỗn hợp thì gây tổn hại cho cả hai, làm những chính khách quá lý thuyết, và làm những triết gia quá thực tế.
Bộ sách của Lange chia thành hai phần, một phần giải quyết với những thời kỳ trước Kant, phần kia với Kant và những người kế tục ông. Sự phân chia này cho thấy tầm quan trọng rất lớn lao mà ông đã gắn vào nhà triết học của thành Königsberg - một tầm quan trọng, có lẽ, vốn xem ra nó ngày càng kém đi với thời gian trôi qua. Hệ thống của Kant ràng buộc mật thiết với những trạng thái của những ngành khoa học chính xác trong thời của ông: hình học Euclide đem cho nền tảng của mỹ học siêu nghiệm [6], và tam đoạn luận Aristotle đem cho nền đứng cho diễn dịch siêu nghiệm của những phạm trù [7]. Giờ đây hình học đã trở thành phi Euclide, và logich thành phi-Aristote. Những luận chứng của Kant đòi hỏi phát biểu lại, đến mức độ nào điều này là có thể, vẫn còn một câu hỏi tranh luận. Với người viết này, nửa đầu bộ sách của Lange xuất hiện có phần đáng kể tốt hơn so với nửa thứ hai, bởi vì nó ít bị ảnh hưởng bởi những quan điểm của tác giả về những vấn đề vẫn còn ngã ngũ chưa được quyết định. Trong những thời kỳ trước Kant, phán đoán phê bình ông là cực kỳ vững chắc. Các giải thích về thuyết atomism (atom) Hylạp, phân tích ảnh hưởng của Plato về Thiện và Ác, là đáng ngưỡng mộ. Sự kết hợp của chủ nghĩa duy vật khoa học với thần học chính thống trong thế kỷ mười bảy - nước Anh, và sự tương phản của nó với chủ nghĩa duy vật cách mạng của thế kỷ thứ mười tám – nước Pháp, được đặt ra với một ý hướng lịch sử thật khéo. Nhưng đó luôn luôn là một công việc rất khó khăn để xem xét thời kỳ của chính mình trong viễn tượng lịch sử. Ngoài những thị hiếu triết học, có khó khăn trong gỡ rối những gì là quan trọng và lâu dài trong công tác hoàn toàn khoa học của một người về chính thế hệ của riêng mình. Những vấn đề vốn chiếm thời gian bận rộn của những nhà khoa học của sáu mươi năm trước đã rất khác với của những người của ngày nay, và đã là không thể nào có thể biết được trong số chúng những gì sẽ được chứng minh là có tầm quan trọng lịch sử.
Về câu hỏi: những gì là đúng và những gì sai trong chủ nghĩa duy vật? là điều có thể nói với nhiều kiến thức học hỏi hơn và nhiều biến thái phức tạp hơn so với trong những ngày trước đây, nhưng nó có thể bị nghi ngờ liệu không biết có bất kỳ luận chứng mới nào đáng kể đã được phát minh kể từ thời Hy Lạp. Tuy nhiên, có thể là có ích lợi để cố gắng làm một khảo sát về vị trí như nó xuất hiện trong ánh sáng của khoa học hiện đại.
Lý thuyết của Democritus đã là dễ hiểu và đơn giản. Thế giới bao gồm những atoms tròn cứng thuộc những kích thước khác nhau, tất cả rơi xuống, nhưng những atoms nặng hơn rơi xuống nhanh hơn, thế nên chúng thỉnh thoảng sẽ tác động trên những atom nhẹ hơn. Nếu tác động không chính xác trên đường dây của trung tâm, sẽ có một kết quả dao động chệch qua bên, vốn nó giải thích cho sự kiện có những vật thể cơ quan không di chuyển trong chỉ một hướng. Cái nhìn này, tất nhiên, phải được sửa đổi vì những lý do thuần túy vật lý, nhưng những sửa đổi đã không quan trọng cho đến khi chúng ta đến với Descartes với plenum[8] của ông và học thuyết về vortices (gió xoáy) [9] của ông. Điều này cho thấy thuyết atomism không phải là một phần thiết yếu của vật lý theo chủ nghĩa duy vật. Những người theo sau Newton đã giới thiệu sửa đổi khác, cụ thể là, hành động ở một khoảng cách (vốn tự Newton vẫn đã xem là không thể có được). Cho đến ngày nay, có sự dao động liên tục giữa - những atom với tác động từ một khoảng cách, - và một môi trường liên tục (the aether) với sự dẫn truyền liên tục của những hiệu ứng. Một ít những nhà vật lý ngày nay bám vào điều trước hoặc điều sau như là vấn đề của nguyên tắc, câu hỏi duy nhất là: điều nào giải thích hay nhất cho hiện tượng được quan sát? Cả hai quan điểm có chung niềm tin vào thuyết tất định vật chất [10], tức là một niềm tin rằng những gì xảy ra trong thế giới giải quyết với bởi vật lý học, xảy ra y theo như những luật theo cách như là, nếu chúng ta biết toàn bộ trạng thái của thế giới vật lý trong một thời gian xác định hữu hạn, dù cho ngắn đến bao nhiêu, chúng ta về mặt lý thuyết có thể suy ra trạng thái của nó tại bất kỳ thời gian nào trước hoặc sau [11]. Đây là cốt lõi của chủ nghĩa duy vật từ chỗ đứng về đạo đức, tôn giáo, xã hội học, vv, mặc dù không phải từ chỗ đứng của siêu hình học. Nếu lý thuyết tất định vật chất là đúng sự thật - đó là nói rằng, nếu tất cả mọi thứ mà chúng ta thông thường xem như là chuyển động của vật chất là đối tượng của những luật thuộc về loại kể trên – vậy thì sau đó, mặc dù có thể có một thế giới xảy ra đồng thời của não thức, tất cả những biểu hiện của nó trong hành vi của con người và động vật sẽ sao cho được như là, nếu có một nhà vật lý lý tưởng khéo léo, có thể tính toán từ dữ liệu hoàn toàn thuần túy vật lý. Vật lý có thể vẫn còn không thể bảo cho chúng ta bất cứ điều gì về những suy nghĩ của một người, nhưng nó sẽ có thể dự đoán được tất cả những gì ông sẽ nói và làm. Trong những hoàn cảnh thế này, đối với tất cả những mục đích thực tiễn, một người sẽ là một thiết bị, một bộ máy tự động [12], bởi vì đời sống tinh thần của ông ta chỉ có thể được truyền thống đến người khác, hoặc phơi mở ra trong hành động bằng những phương tiện vật lý. Ngay cả tư tưởng của ông ta có thể được suy diễn ra từ vật lý, trừ khi ông ta hài lòng không bao giờ nói chúng ra thành lời.
Quan điểm này là kết quả từ Cartesianism [13], mặc dù hầu hết những nhà Cartesians đã cố gắng để thoát khỏi những hậu quả của nó. Lamettrie, tác giả của L’homme machine, đã tuyên bố chính đáng rằng triết lý của ông đã xuất phát từ của Descartes. Descartes, những người biết về sự bảo tồn của vis viva [14], nhưng không biết về sự bảo tồn của động lực, đã cố gắng để giữ yên tự do con người bằng duy trì rằng ý chí có thể làm thay đổi hướng chuyển động của những tinh thần động vật, mặc dù không phải số lượng của chuyển động của chúng. Tuy nhiên, ông đã không nới rộng tự do này cho những động vật, mà ông xem như những automata. Ngày nay không một ai sẽ ước mơ vẽ vời một sự phân biệt như vậy giữa con người và những động vật. Và thậm chí những người trực tiếp theo ông, đã phải từ bỏ vị trí của ông ở điểm này, nhờ vào sự phát hiện của sự bảo tồn của động lực, vốn nó đã cho thấy rằng số lượng của chuyển động về mỗi hướng phải là hằng số không đổi. Kể từ ngày đó đến thời chúng ta, có nhiều triết gia đã ủng hộ lý thuyết về hai chuỗi song hành, một tinh thần và một thể chất, mỗi một chúng là đối tượng với những luật của riêng chúng, và không cái nào trong chúng ảnh hưởng đến cái khác. Lý thuyết này đã bớt phần có vẻ đáng tin cậy trong thời của chúng ta hơn trước đây, nhưng ngoài câu hỏi về sự thật của nó, nó là đáng dành thì giờ để nhận tức rằng nó không có khả năng kham nổi một lối thoát khỏi những hệ quả nhiều khó chịu hơn của chủ nghĩa duy vật.
Nếu có sự song hành giữa những chuỗi vật lý và tinh thần, như lý thuyết này giả định, tất cả mọi định luật vật lý phải có đối ứng tâm lý của nó, và do đó tâm lý học phải là cũng cứng nhắc có tính tất yếu như vật lý. Rồi sẽ có, nếu như thế để nói, một từ điển, trong đó những sự kiện vật lý có thể được dịch sang những sự kiện tinh thần đồng thời. Với từ điển này, những máy tính Laplace, chỉ dựa vào vật lý mà thôi, có thể suy ra trạng thái của thế giới vật chất ở bất kỳ thời gian xác định nào, và khám phá từ từ điển những gì phải là trạng thái tương ứng của thế giới tinh thần. Rõ ràng, sự giải phóng khỏi vật lý học vốn từ khát khao của những người chống lại chủ nghĩa duy vật, sẽ không thành đạt được theo như những dòng này.
Tuy nhiên, không có lý do chính đáng nào để chấp nhận lý thuyết về tâm-vật song hành [15]. Thuyết nhị nguyên về não thức và vật chất thì có lẽ không phải là (kết luận) cuối cùng, và tính không thể có được, đã giả định, của tác động qua lại vốn dựa trên không có gì tốt hơn là những tín điều học thuật. Đối với ý thức thông thường, nó có vẻ như não thức chúng ta chịu tác dụng của những gì chúng ta thấy và nghe, và ngược lại như thế, cơ thể chúng ta bị ảnh hưởng bởi những gì là ý định của chúng ta, bất cứ khi nào chúng ta sẽ thực hiện bất kỳ chuyển động nào. Không có lý do dù thế nào đi nữa, để giả định rằng ý thức thông thường là nhầm lẫn trong cái nhìn này, mặc dù, tất nhiên, có đòi hỏi rất lớn về phân tích về phần những gì thực sự diễn ra khi chúng ta nhận thức, hoặc có ý định.
Lange tiến tới, hoàn toàn chính đáng, như một luận chứng chống lại chủ nghĩa duy vật, sự kiện rằng chúng ta chỉ biết về vật chất qua những biểu hiện dạng ngoài của nó với chúng ta, trong đó, theo như tự thân chủ nghĩa duy vật, là chịu ảnh hưởng sâu xa bởi cơ năng thể chất của chúng ta. Những gì chúng ta thấy không chỉ phụ thuộc vào những gì có đó để được nhìn thấy, nhưng cũng trên mắt, thần kinh thị giác và não bộ. Tuy nhiên, mắt, thần kinh thị giác và não bộ chỉ được biết đến thông qua tư cách được nhà sinh lý học xem thấy. Theo lối này, chủ nghĩa duy vật bị lái quay về với chủ nghĩa duy cảm [16]. Nếu như nó muốn thoát khỏi chủ nghĩa duy cảm, nó phải từ bỏ phương pháp thực nghiệm khoa học, thay thế chỗ đó bằng chủ nghĩa giáo điều về một siêu hình tiên nghiệm, vốn nó tuyên xưng là biết những gì nằm sau những dạng ngoài. Nhìn theo lịch sử, chúng ta có thể xem chủ nghĩa duy vật như là một hệ thống giáo điều được thành lập để chống lại giáo điều chính thống. Như một nguyên tắc, những giáo điều chủ nghĩa duy vật đã không được tạo dựng bởi những người yêu giáo điều, nhưng bởi những người họ cảm thấy rằng không-gì kém xác định hơn có thể làm họ có khả năng chiến đấu chống lại những giáo điều mà họ không ưa thích. Họ đã ở vị trí của những người chiêu binh mã để thực thi hòa bình. Tương ứng theo đó chúng ta thấy rằng, khi những giáo điều chính thống cổ xưa tan rã, chủ nghĩa duy vật ngày càng thêm nhiều và nhiều hơn nhường lối cho chủ nghĩa hoài nghi. Trong thời đại ngày nay, những người giữ vai chính của chủ nghĩa duy vật là những người nào đó trong giới khoa học ở nước Mỹ, và những chính trị gia nào đó ở nước Nga, bởi vì ở trong hai quốc gia đó mà truyền thống thần học vẫn còn là mạnh mẽ.
Hai giáo điều tạo dựng nên yếu tính của chủ nghĩa duy vật là: Thứ nhất, thực tại duy nhất của vật chất; thứ hai, sự bao trùm của luật [17]. Niềm tin rằng chỉ mình vật chất là thực tại sẽ không tồn tại với những luận chứng hoài nghi bắt nguồn từ cơ chế sinh lý của cảm giác. Nhưng nó đã nhận được gần đây một cú đòn choáng váng khác, từ một góc nơi ấy nó ít ngờ nhất, đó là từ vật lý học. Thuyết tương đối, bởi sự hòa nhập thời gian vào thời-không (space-time), đã làm hư hại khái niệm truyền thống về thực thể nhiều hơn là tất cả những luận chứng của những triết gia. Vật chất, với ý thức thông thường, là một cái gì đó mà vẫn còn tồn tại trong thời gian và di chuyển trong không gian. Nhưng với vật lý theo thuyết tương đối hiện đại, quan điểm này không còn giữ vững được. Một mảnh của vật chất đã trở thành, không phải là một sự-vật-gì bền dai với những trạng thái biến đổi khác nhau, nhưng một hệ thống những sự kiện tương liên. Cái tính vững bền cũ đã ra đi, và cùng với nó những đặc tính, với nhà duy vật, vốn làm cho vật chất xem dường như thực hơn so với những suy nghĩ thoáng qua. Không có gì là vĩnh viễn, không có gì thường tại; thiên kiến cho rằng thực tại là vững bền dai dẳng phải bị hủy bỏ [18].
Khái niệm về thực thể đã không được những triết gia coi là vững chắc về phương diện siêu hình, kể từ thời Hume và Kant, nhưng nó vẫn tồn tại trong thực hành của vật lý học. Sự thất bại của nó, trong vật lý học, bởi sự bãi bỏ về một thời gian vũ trụ duy nhất, có đủ khả năng có một luận chứng thuần túy khoa học chống lại cái loại cũ hơn của chủ nghĩa duy vật, trong đó sử dụng sự tin tưởng rằng thực thể là những gì tồn tại qua thời gian.
Sự bao trùm của luật nêu lên những câu hỏi khó khăn hơn và cũng quan trọng hơn. Viễn tượng trong đó cụm từ “sự bao trùm của luật” xem ra một cách tự nhiên nhất thuộc về những gì của Newton, đặc biệt như đã được những học trò của ông phát triển. Niềm tin vào sự bao trùm của luật thường được kết hợp với thần học chính thống nghiêm ngặt, nhưng trong trường hợp đó những ý định của con người bị loại trừ, với bất kỳ tỷ lệ nào trong những trường hợp nhất định. Sự bao trùm của luật chỉ trở thành một phần của viễn tượng của chủ nghĩa duy vật khi nó được tin tưởng không có những trường hợp ngoại lệ, thậm chí cả những ý định con người. Đó là trong hình thức này mà chúng ta phải xem xét nó. Đầu tiên sẽ là cần thiết để định nghĩa cụm từ, và sau đó thăm dò xem có nền tảng nào để tin tưởng nó có thể áp dụng được với thế giới.
Định nghĩa về sự bao trùm của luật thì chắc chắn không là dễ dàng như có vẻ thường xuyên đã được giả định. Ý tưởng được bắt nguồn từ những trường hợp giống như luật về lực hấp dẫn trong hệ mặt trời, nơi một công thức đơn giản cho chúng ta có khả năng dự đoán những chuyển động của những hành tinh và những vệ tinh của chúng. Nhưng trường hợp này hiện ra sai lạc trong một số phương diện. Bắt đầu trước tiên, không có lý do để cho rằng những luật trong những trường hợp khác cũng cùng đơn giản thế. Điều thứ hai, nó quay ra rằng hình thức theo Newton về luật của lực hấp dẫn chỉ là ước đoán gần đúng, và rằng luật chính xác thì phức tạp hơn vô cùng. Đến điều thứ ba, địa lý (nếu người ta có thể sử dụng một thuật ngữ như thế) của hệ mặt trời là có đồ hình đơn giản rất đỗi ngạc nhiên. Đối với một ước định gần đúng, đầu tiên nó có thể được coi là bao gồm một số lượng nhỏ những điểm-khối lượng [19], chúng có những chuyển động cá nhân dễ dàng quan sát được. Quan điểm này là không đủ để giải quyết với những vấn đề như thủy triều, nhưng nó cũng đủ cho sự diễn dịch của những luật của Kepler từ luật về lực hấp dẫn, vốn đã là thành tích ngoạn mục nhất của Newton. Nó rõ ràng là một nội dung rất khác biệt để có được những luật có thể áp dụng được đối với những electron và proton cá nhân, vì thuộc về sự phức tạp lớn hơn về địa lý đã liên quan đến. Vì những lý do này, kể trong số những lý do khác, đó là cẩu thả để xem thiên văn học Newton như là điển hình của những gì có thể được mong đợi trong vật lý học.
Tối thiểu sự bao trùm của luật có thể là có ý nghĩa là như thế này: đưa ra bất kỳ hiện tượng nào, có hiện hữu một vài công thức thuộc về phức tạp hữu hạn sao cho, từ một số lượng đủ (hữu hạn) gồm dữ kiện ở vào những thời điểm khác, hiện tượng trong câu hỏi có thể tính toán được. Trong thực tế, “những thời điểm khác” thường thường sẽ là những thời điểm sớm hơn trước đó, nhưng đây không phải là luôn luôn là trường hợp như vậy - lấy thí dụ, trong những suy đoán về phần lịch sử địa chất của trái đất, hay nguồn gốc của hệ mặt trời. Về mặt lý thuyết, nó phải là không liên quan gì dù không biết liệu “những thời điểm khác” là sớm hơn hoặc muộn hơn, so với hiện tượng đang được quan tâm.
Khi giải thích rõ ràng định nghĩa trên, có một hoặc hai quan sát được thực hiện. Lý do vì nói rằng công thức phải là thuộc phức tạp hữu hạn là rằng nếu ngược lại không thế, không có gì là được khẳng định vượt quá một sự thật hiển nhiên hợp lôgích. Bằng thừa nhận công thức thuộc phức tạp vô cùng, bất kỳ chuỗi những sự kiện bất cứ gì có thể được mang vào trong địa bàn của một luật duy nhất, và do đó chúng ta sẽ khẳng định không-gì trong khi khẳng định sự bao trùm của luật. Lý do để nhấn mạnh rằng số những dữ liệu đòi hỏi phải là hữu hạn thì cũng tương tự, nhưng nó được làm vững mạnh hơn bởi một điều khác, cụ thể là, rằng chúng ta không thể nào thao tác một số lượng vô hạn những dữ liệu được, và do đó, không bao giờ có thể phát hiện ra bằng chứng, hoặc thuận hay chống lại một luật vốn đã đòi hỏi chúng.
Có một điểm thêm nữa nên giữ trong não thức. Không có một quan sát nào của chúng ta là hoàn toàn chính xác, luôn luôn có một biên độ của sai lạc [20]. Hệ quả là chúng ta có thể không bao giờ chứng minh được rằng những sự kiện tuân thủ chính xác theo bất kỳ một luật nào vốn nó được tìm thấy hoạt động ở trong biên độ của sai lạc, cũng như ngược lại, chúng ta không cần tự mình bận bịu lo lắng về những sự không chính xác vốn chúng phải còn nằm dưới biên độ của sai lạc này. Lấy thí dụ: luôn luôn được giả định trong vật lý rằng những hàm số liên tục có thể lấy được nguyên hàm, mặc dù, như là một vấn đề của toán học thuần túy, điều này chỉ đôi khi là trường hợp được biết đến. Không có hại gì từ điều này, nhìn với quan điểm của nhà vật lý học, bởi vì, đem cho bất kỳ hàm số liên tục nào mà không thể lấy được nguyên hàm, sẽ luôn có một hàm số khác vốn có thể lấy nguyên hàm của nó được, và nó khác với hàm số đầu ít hơn những sai lạc có thể xảy ra trong những quan sát của chúng ta. Những ước tính xấp xỉ gần đúng là tất cả những gì chúng ta có thể đạt được, và do đó tất cả những gì chúng ta cần cố gắng.
Câu hỏi bây giờ được nêu lên: Có bất kỳ một lý do nào để tin vào sự bao trùm của luật theo ý nghĩa nói trên hay không? Trong thế giới của vật lý học thuần túy có một số gồm những sự kiện nền tảng vốn hiện nay không thể giản lược vào thành luật được. Không có ai biết tại sao một số atoms của một nguyên tố phóng xạ [21] phân rã, trong khi có những atoms khác thì không, chúng ta biết những số trung bình thống kê, nhưng những gì diễn ra trong những cá nhân từng atom là hoàn toàn tối mịt. Một lần nữa, spectrum (quang phổ?) của một nguyên tố là do những electrons nhảy từ một quỹ đạo khả hữu sang một quỹ đạo khác. Chúng ta biết rất nhiều về những quỹ đạo khả hữu, và về những gì sẽ xảy ra khi một cái nhảy diễn ra, và về tỷ lệ của những electrons chọn một trong những cái nhảy có thể này so với những electrons chọn những cái nhảy khác. Nhưng chúng ta không biết (nếu có bất cứ điều gì) cái gì quyết định thời điểm đặc biệt mà tại đó một electron nhảy, hay một cái nhảy cụ thể đặc biệt mà nó thấy phù hợp để thực hiện trong khi một số nhiều (những cái nhảy khác) là có thể. Ở đây, một lần nữa, nó là những số trung bình thống kê mà chúng ta biết. Do đó, mở cửa cho bất cứ ai để nói rằng, trong khi những số trung bình là tuân thủ theo luật, những hành động của những cá nhân electrons có một phạm vi nhất định của bất thường, trong đó không có bằng chứng cho sự bao trùm của luật. Một người duy trì một quan điểm một cách giáo điều như vậy sẽ rất hấp tấp, bởi vì ngày mai ông có thể bị bác bỏ bởi một số phát hiện mới. Nhưng một người là người chỉ đơn thuần duy trì rằng, trong tình trạng hiện tại của vật lý, nó là một khả năng được lưu ý nên giữ trong não thức, là phơi bày một cẩn trọng khoa học thích đáng. Thế nên, ngay cả trong vòng vật lý thuần túy của vật chất phi-hữu cơ, sự bao trùm của luật không thể khẳng định được là không-thể-hoài nghi phổ quát [22].
Nghi ngờ này không thể nào khác hơn là được tăng lên khi chúng ta tiếp chuyển sang sinh học và tâm lý học. Tôi không có ý nói là có bất kỳ bằng chứng tích cực nào chống lại sự bao trùm của luật trong khu vực này, tôi chỉ có ý muốn nói những bằng chứng ủng hộ của nó thì kém mạnh mẽ, bởi những luật được biết đến thì ít hơn, và sự dự đoán tuy thế vẫn chỉ còn là có thể trong những giới hạn rất chật hẹp. Việc phát hiện ra quanta trong vật lý học cho thấy hấp tấp làm sao khi giáo điều hóa nếu nhìn về phần những bất ngờ xa hơn nữa mà ngay cả một khoa học tiên tiến cũng có thể có chứa trong kho hàng chờ chúng ta, và tâm lý học không có cách nào là một khoa học tiên tiến.
Trong điều kiện hiện tại của kiến thức con người, do đó, hoặc khẳng định hoặc phủ định sự bao trùm phổ quát của luật là một dấu hiệu của thiên kiến, người hữu lý sẽ nhìn câu hỏi như bỏ ngỏ. Tất cả những tranh cãi dai dẳng không dứt, chẳng hạn như giữa những tín đồ theo thuyết tất định và những tín đồ tin vào ý chí tự do [23], nảy bật ra từ một xung đột giữa những đam mê đối lập, cả hai đều phổ biến rộng rãi, nhưng một mạnh hơn trong một người và một khác trong một người khác. Trong trường hợp này, xung đột là giữa đam mê với quyền lực và đam mê với sự an toàn, bởi vì nếu thế giới bên ngoài ứng xử theo như luật, chúng ta có thể thích ứng chính mình với nó. Chúng ta mong muốn sự bao trùm của luật, vì lợi ích của sự an toàn, và tự do vì lợi ích của quyền lực. Ý thức thông thường giả định rằng luật cai quản thiên nhiên bất động vô tri vô giác, và những hàng xóm của mình, trong khi tự do lại được dành riêng cho tự thân mình. Bằng lối này, cả hai đam mê đều được làm hài lòng đến đầy mức. Nhưng triết học đòi hỏi một vài hoà giải tinh tế hơn, và do đó là không bao giờ mệt mỏi trong phát minh những đướng lối mới về kết hợp tự do với sự tất định. Người hoài nghi có thể chỉ đơn thuần quan sát cuộc đấu tranh này với sự dửng dưng, và ông là may mắn nếu sự dửng dưng của ông không thoái hóa thành chủ nghĩa khinh lạc thú và nghi thói đời (cynicism).
Đã luôn luôn là tập quán, và kể từ thời của Kant, đã từng được nghĩ ngay cả là đáng trọng, để viện dẫn đến những cân nhắc đạo đức trong hỗ trợ cho tự do. Trong khi, tuy nhiên, người hoài nghi có một trường hợp tốt khi chống lại những người tin tưởng giáo điều vào sự bao trùm phổ quát của luật, ông thì hầu như khó có thể thừa nhận tuyên đòi ngược lại rằng một sự hoài nghi giáo điều về nguyên tắc này là hữu ích cho luân lý, và ngay cả liệu không biết những tin tưởng có được bất kỳ ảnh hưởng nào nhận ra được trên tư cách ứng xử. Nhưng nếu ông ta là một người học hỏi lịch sử, ông sẽ quan sát rằng, như một định đề thực tế, niềm tin vào luật tự nhiên đã sinh ra trái tốt bằng sự sản xuất kiến thức giống như của chúng ta có, trong khi từ chối của nó đã được liên kết với sự không khoan dung và chủ trương ngu dân [24]. Ông sẽ nói rằng, mặc dù có khả năng có thể có những hiện tượng không có thể giản lược vào thành luật, đây chỉ đơn thuần là một khả năng có tính chất ức đoán, mà với nó là không cần thiết để đưa vào kết toán trong việc thực hành thực sự của khoa học, bởi vì khoa học chỉ có thể tiến bộ bằng sự khám phá về những luật, và ở đâu (nếu bất cứ nơi nào) không có những luật, nơi đó là cũng không có thể có khoa học.
Riêng trong thời chúng ta, trận chiến cũ của chủ nghĩa duy vật vẫn còn tồn tại chủ yếu trong sinh học và sinh lý học. Một số người của giới khoa học chủ trì rằng những hiện tượng của những cơ thể sống không thể giải thích được nếu dựa trên chỉ những điều kiện hạn định của hóa học và vật lý học; những người khác chủ trương rằng giải thích như vậy luôn luôn là có thể được, về mặt lý thuyết. Giáo sư J. S . Haldane có thể được coi, ở nước này, như là người tiêu biểu dẫn đầu cho quan điểm trước; nó gắn với Driesch ở nước Đức. Một trong những người quán quân hiệu quả nhất của quan điểm cơ khí đã là Jacques Loeb, người đã cho thấy (trong đó có việc) rằng một con sea-urchin [25] có thể có một “khoảng đứt” với cha của nó, và sau đó đã mở rộng kết quả này với rất những động vật ở quy mô cao hơn rất nhiều [26]. Những tranh cãi có thể được dự kiến sẽ kéo trong một thời gian dài, vì, ngay cả như nếu những người theo thuyết cơ khí là đúng, họ chắc là sẽ không thể sớm để tìm được những giải thích cho tất cả những hiện tượng sống thuộc về loại mà lý thuyết của họ đã dựng tiền đề. Nó sẽ là một đòn nặng cho những người theo phái vitalism khi chất nguyên sinh (protoplasm) được sản xuất trong phòng thí nghiệm, nhưng họ sẽ có thể sẽ trốn vào trong nói rằng lý thuyết của họ chỉ áp dụng cho những sinh vật đa bào. Sau đó, họ sẽ giới hạn vitalism cho động vật có xương sống, sau đó đến động vật có vú, sau đó đến con người, và cuối cùng với tất cả những người da trắng đàn ông - hoặc có lẽ nó sẽ có cả những người da vàng vào thời gian đó. Tuy nhiên, xác xuất thồng kê khoa học bình thường cho thấy, lĩnh vực của giải thích theo thuyết cơ khí liên quan đến những hiện tượng sống thì có cơ mở rộng có đến vô hạn bởi sự tiến bộ của kiến thức sinh học.
Tâm lý học, vốn có thể đã được mong đợi sẽ chống đối nhiều với chủ nghĩa duy vật hơn bất cứ khoa học nào khác, nhưng ngược lại, đã cho thấy những khuynh hướng quyết định về chiều đó. Trường phái tâm lý về ứng xử [27] chủ trương rằng tâm lý học tự chính nó chỉ nên quan tâm với những gì có thể được nhìn thấy bằng cách quan sát từ bên ngoài, và phủ nhận hoàn toàn sự tự xem xét nội tâm [28] như là một nguồn độc lập của kiến thức khoa học. Quan điểm này sẽ làm cho tất cả những hiện tượng mà tâm lý học có quan tâm thành những hiện tượng vật lý, do đó nhường hết tất cả cho chủ nghĩa duy vật đến tối đa những tuyên đòi của nó. Tuy nhiên, ngoài những khó khăn khác, có một khó khăn đã được ghi nhận, rằng những dữ liệu của vật lý là những cảm giác, vốn chúng bị thâm nhiễm tính chủ quan của người quan sát. Vật lý học tìm cách khám phá những gì xảy ra trong thế giới vật chất không phụ thuộc vào sinh lý và tâm lý đặc thù của người quan sát. Nhưng những sự kiện của nó là chỉ được phát hiện bằng những phương tiện của những người quan sát, và do đó chỉ đủ khả năng là những dữ liệu vật lý trong chừng nào có những phương tiện hiện hữu để loại trừ đóng góp của người quan sát vào hiện tượng. Sự loại trừ này không phải là một vấn đề dễ dàng. Nó có thể được tranh luận trên những nền tảng triết học, là nó là không thể có được, và điều này là không có nghi ngờ gì về sự thật nếu có nghĩa là loại trừ hoàn toàn. Nhưng đến một mức độ nhất định nào đó, vấn đề có thể được giải quyết một cách khoa học, mà không cần nêu lên những vấn đề siêu hình. Sau đó được thấy rằng chủ quan thì thuộc về ba loại, vật lý, sinh lý, và tâm lý. Loại đầu tiên trong số này là xử lý thỏa đáng bởi thuyết tương đối: phương pháp về tensors [29] là giải pháp lý thuyết hoàn toàn của nó. Loại thứ hai và thứ ba có lẽ không thực sự riêng biệt, chúng có thể được xử lý với, chừng nào nhận thức của một người khác với của một người khác, nhưng nó rất khó nhìn thấy được bất kỳ một phương pháp nào loại bỏ những yếu tố chủ quan trong đó tất cả mọi người đều giống nhau.
Có một phương diện khác trong đó tâm lý học đã từng ngả sang về hướng quan điểm đã được những người theo chủ nghĩa duy vật ủng hộ. Chúng ta đã thường quen nghe nhiều về những cơ năng giả định như là “hữu thức”, “suy nghĩ” và “lý trí”. Nhiều nhà tâm lý học hiện đại, theo sau William James, có xu hướng bỏ qua “hữu thức” như là một thuật ngữ vốn thiếu thốn bất kỳ một ý nghĩa rõ ràng nào. “Tư tưởng” và “lý trí”, trong khi đó, được tìm thấy là tương tự như quá trình học tập trong những động vật, mà là cuối cùng qui giảm về luật của thói quen, tập quán. Tất cả điều này, tất nhiên vẫn còn gây tranh cãi, nhưng nếu nó rồi có được chứng minh là chính xác, những khó khăn về tâm lý của chủ nghĩa duy vật sẽ được giảm bớt rất nhiều.
Kết luận của thảo luận kể trên sẽ xem ra là rằng, như một châm ngôn thực hành của phương pháp khoa học, chủ nghĩa duy vật có thể được chấp nhận, nếu nó có nghĩa là mục tiêu của mỗi khoa học sẽ là được hợp nhất với vật lý. Nhưng nó phải được thêm vào đó là vật lý tự nó không phải là mang tính duy vật theo nghĩa cũ, vì nó thôi không còn thừa nhận vật chất như thực chất vĩnh viễn thường hằng. Và nó cũng phải nhớ rằng không có lý do tốt đẹp để cho rằng chủ nghĩa duy vật về mặt siêu hình là đúng: nó là một quan điểm vốn cho đến nay đã chứng tỏ hữu ích trong nghiên cứu, và hầu như sẽ tiếp tục là hữu ích ở bất cứ nơi nào những luật khoa học mới đang được phát hiện, nhưng nó cũng có thể không bao gồm toàn bộ lĩnh vực, và không thể được xem như đúng chắc chắn mà không có một chủ nghĩa giáo điều hoàn toàn không chính đáng.
Bertrand Russell
Lê Dọn Bàn tạm dịch- bản nháp thứ nhất
(Mar, 2011)
(Dịch từ: Bertrand Russell, “Materialism, Past and Present” (1904), trong The Basic Writings of Bertrand Russell (1903-1959), Part VI, The Metaphysician, ed. Robert. E. Egner và Lester E Denonn. London: Routledge, 2009, pp. 211-220)
[1] Materialism : là truyền thống triết học lâu đời nhất trong văn minh phương Tây. Bắt nguồn từ một loạt các nhà triết gia thời tiền-Socrates trong thế kỷ thứ 6 và thứ 5 TCN, nó đạt đến hình thức cổ điển đầy đủ của mình trong học thuyết atomism (nguyên tử luận) của Democritus và Epicurus trong thế kỷ thứ 4 TCN. Epicurus cho rằng thực tại cuối cùng bao gồm các mảnh vật chất rơi tự do trong trống không, chúng cực nhỏ mắt thường không thấy được và không thể còn phân cắt được, gọi là những atoms. Dựa trên giả thuyết này, nhà thơ LaMã Lucretius đã viết những kiệt tác đầu tiên của thuyết duy vật, khoảng 50 TCN, gồm 7400 câu thơ triết học De Rerum Natura (The Nature of Things).
[2] Russell viết bài này – khi ấy còn Liên bang Sô Viết, nhưng hiện nay, chủ nghĩa Duy vật vẫn còn là lý thuyết triết học chinh thống của các nước Tàu, ViệtNam, Bắc Hàn và Cuba. Ảnh hưởng chính trị, nhất là kinh tế của nước Tàu với thế giới sang đầu thế kỷ XXI, đã vượt qua của nước Nga thời tác giả viết bài này.
[3] Friedrich Albert Lange (1828-1875) là một triết gia người Đức, nhà giáo, nhà hoạt động chính trị, và nhà báo. Ông là một trong những người khởi nguyên của phái Kant-mới (neo-Kantianism) và một khuôn mặt quan trọng trong việc thành lập trường phái Marburg của neo-Kantianism. Ông cũng đóng một vai trò quan trọng trong phong trào lao động của nước Đức và trong sự phát triển của tư tưởng dân chủ xã hội. Cuốn sách của ông, The History of Materialism (Lịch sử chủ nghĩa Duy vật), đã là một giới thiệu tiêu chuẩn cho chủ nghĩa duy vật và lịch sử của triết học mãi sang thế kỷ XX.
[4] Vấn đề lao động trong sự hiện diện và tầm quan trọng của họ cho tương lai.
[5] Nền tảng của tâm lý học toán học
[6] transcendental aesthetic: thẩm mỹ siêu nghiệm theo Kant - là một nghiên cứu về giác quan con người, tập trung vào sự biểu hiện về không gian và thời gian của chúng ta. Để có thể có được kinh nghiệm, chủ thể phải tạo một số phán đoán tiên nghiệm tổng hợp nào đó (a priori synthetic judgments). Nhưng để cho những phán đoán tiên nghiệm tổng hợp có thể tạo được, về một mặt khác, lại phải có những hình thức tiên nghiệm của trực giác (thời và không gian) vốn chúng tạo một mạng lưới ý tưởng trên đó nhận thức xuất hiện, và những khái niệm thuần túy tiên nghiệm về sự hiểu biết, hay gọi là những phạm trù, vốn chúng ý tưởng hóa những đặc tính của đối tượng trong tổng quát (thực tại, đồng nhất, nhân quả, khả hữu, v.v) .
[7] Kant - Transcendental Deduction of the Categories: Diễn dịch siêu nghiệm của những phạm trù: là cách thức Kant giải thích về phương thức trong đó những khái niệm có thể liên hệ tiên nghiệm với những đối tượng. Kant đồng ý rằng tất cả kiến thức bắt đầu với kinh nghiệm, nhưng ông cãi lại - tuy nhiên, tất cả kiến thức không đều dựng lên khỏi từ kinh nghiệm. Kant cố gắng chứng minh, chống lại lý thuyết tâm lý thực nghiệm, là những khái niệm tiên nghiệm đã đích thực áp dụng trên các đối tượng nhận thức trong kinh nghiệm của chúng ta.
[8] Plenum - Descartes tin rằng không gian không hoàn toàn trống không (void), nhưng nên xem nó là một chỗ-đầy thì đúng hơn là chỗ-trống (a plenum rather than as a vacuum).
[9] Trong vũ trụ luận của Descartes, atoms không chỉ là yếu tính nền tảng của thiên nhiên, nhưng chúng tạo thành những vòng xoắn (vortices) quanh mỗi vì sao, tương tự như hệ mặt trời.
[10] physical determinism.
[11] “a belief that what happens in the world dealt with by physics happens according to laws such that, if we knew the whole state of the physical world during a finite time, however short, we could theoretically infer its state at any earlier or later time”.
[12] Automaton.
[13] Cartesianism – chỉ chung lý thuyết của Descartes – nhưng chủ yếu là thuyết nhị nguyên (dualism): ý tưởng trọng tâm là não thức (tâm) thì tách biệt với thể xác (vật), và não thức có giá trị cao hơn và được hiểu rõ hơn. Yếu tính xác định một người là ở trong não thức và những gì vận hành trong não thức của người ấy, hơn là những vận hành vật lý của thân xác. Điều này dẫn đến - những gì một người suy tưởng (chủ quan) thì quan trọng hơn là bất cứ gì biểu hiện bên ngoài của người ấy trong thế giới vật lý (khách quan).
[14] vis viva (Latin: vì sức sống - living force): là một lý thuyết khoa học nay đã lỗi thời, trước bắt đầu dùng như một công thức hình thành giới hạn và sơ đẳng của nguyên lý về bảo toàn năng lượng (the principle of conservation of energy).
[15] psycho-physical parallelism
[16] Sensationalism – Cảm giác luận (感覺論) – (tương tự như phenomenalism) – lý thuyết nhấn mạnh vai trò của cảm giác trong nhận thức, tác động của nó có thể ảnh hưởng đến làm sai lạc nhận thức.
[17] The reign of law – sự ngự trị của luật – đây chỉ sự bao trùm của các luật trong lĩnh vực khoa học, không có ngoại lệ.
[18] Nguyên văn – đọc như một câu lấy từ kinh Phật “Nothing is permanent, nothing endures; the prejudice that the real is the persistent must be abandoned.” Và câu khác, ngay trước đó “A piece of matter has become, not a persistent thing with varying states, but a system of inter-related events.”
[19] mass-points – điểm nhưng có khối lượng.
[20] the margin of error
[21] radio-active
[22] Russell nói về vật lý quantum – trong thế giới cực nhỏ, vô cơ, của vật lý lý thuyết thuần túy. Hầu hết tất cả các qui luật đều có một mức độ sai số nào đó, và tất cả chỉ có thể thiết lập dựa trên xác xuất đi đến cái nói chung, tổng quát và những ước tính gần đúng, không chắc chắn có thể loại trừ được những ngoại lệ. Con người vẫn có thể xây dựng thành công những ứng dụng của vật lý này vào nhiều những kỹ thuật hiện đại, nhưng đằng sau lý thuyết quantum – đã bắt đầu mở màn cho khoa học và tư tưởng châu Âu hiểu và chấp nhận nguyên lý mang tính gần như “vô thường” trong vật lý lý thuyết, (nổi tiếng là nguyên lý uncertainty principle của Heidelberg) – Mở rộng và nói theo ngôn từ bình dân ở phương Tây là - đừng bao giờ nói không bao giờ (never says never) – vì có thể “một sáng nào đó mặt trời sẽ thôi không mọc nữa” dù đã mọc trong bao nhiêu tỉ tỉ năm trước đó (Hume).
[23] determinists and believers in free will
[24] obscurantism
[25] sea-urchin: nhím biển
[26] Vitalism là lý thuyết cho rằng những sinh vật có sự sống đương sống-động như là một kết quả của một số “sức sống”, chứ không phải tư cách của chúng như thế là một thuộc tính nổi lên từ vật chất không-sự-sống đã được sắp xếp thuận hợp (chủ nghĩa cơ giới – mechanism).
Thuyết sức sống là một giả thuyết cũ và phổ biến, có thể là một giả thuyết gần như phổ biến trước thời hiện đại. “Linh hồn” hay “tinh thần” chủ yếu có nghĩa là “sức sống” trong nhiều trường hợp. Aristotle đã đi xa hơn, xác định ba loại sức sống quan trọng: các linh hồn thực vật, linh hồn động vật, và linh hồn có lý trí. Tuy nhiên, ngày nay hoàn toàn bị gạt bỏ trong khoa học, mặc dù nó tồn tại như “khí / chi” và “prana” là những dạng của “sức sống”.
Một trong những nhà theo thuyết sức sống cuối cùng, có uy tín nhất trong sinh học là Hans Driesch, người vào năm 1895 đã được thực hiện một khám phá kỳ lạ: ông có thể lấy một trứng đã thụ tinh của con sea-urchin (nhím biển) lúc đã bắt đầu phân chia, tách nó làm hai, và quan sát hai nửa phát triển thành hai sea-urchin hoàn toàn, thay vì hai nửa của một sea-urchin. Ông kết luận từ điều này rằng có một số “vital force” (sức sống) chịu trách nhiệm cho sự phát triển. Tuy nhiên, trong vài lần phân chia đầu tiên đơn vị của chúng, các tế bào của phôi của một con sea-urchin nhím biển như không cam kết với một số phần nào cả; sự cam kết đó chỉ xảy ra sau đó, và Driesch đã đề nghị là một thứ “sức sống của những khoảng cách” (vital force of the gaps).
Nhưng năm 1899, Loeb, Jacques (1859-1924), một nhà sinh vật học và sinh lý học, đã thành công trong sự thụ tinh nhân tạo trứng của sea urchins (Arbacia punctulata), sử dụng hóa chất thay vì tinh trùng. Trong thí nghiệm của ông, Loeb tìm cách chứng minh lý thuyết của ông rằng hành vi của tất cả các sinh vật sống có thể giải thích được về hóa học. Ông chỉ ra rằng một số những phản ứng giống máy móc nhất định, mà ông gọi là tropisms, được động vật cũng như thực vật đã phản ứng với các kích thích nào đó. Loeb tin rằng tropisms này đã thường bị nhầm lẫn như là những biểu hiện của ý chí và mục đích.
Ông so sánh hoạt động của động vật với tác dụng của tropism với thực vật. Ông thấy rằng động vật được cấu trúc để chúng sẽ phản ứng với một số loại năng lượng - cơ khí và hóa chất. Loeb phát triển một lý thuyết về hành vi động vật dựa trên khái niệm về tropism, một chuyển động bắt buộc không tự nguyện. Ông thấy rằng phản ứng của động vật là một chức năng trực tiếp và tự trị của một phản ứng với một kích thích. Nói cách khác, hành vi được cho là bắt buộc bởi kích thích, nó không cần bất kỳ lời giải thích nào về những điều kiện của ý thức của động vật.
[27] The behaviourist school
[28] introspection
[29] the method of tensors