Wednesday, May 26, 2010

Bertrand Russell - Lịch sử Triết học phương Tây (9)


Bertrand Russell
Lịch sử Triết học phương Tây

Quyển Một – Triết học Cổ thời


Chương 10. Protagoras

Những hệ thống triết học lớn thời trước-Socrates mà chúng ta đương xem xét đã đối đầu, trong nửa cuối thế kỷ thứ năm, với một phong trào hoài nghi, trong đó khuôn mặt quan trọng nhất là Protagoras, thủ lĩnh của những Sophists [1]. Từ “Sophist” ban đầu không có nghĩa xấu, nó có nghĩa là, khi gần như có thể được, những gì chúng ta (ngày nay) gọi là “giáo sư”. Một Sophist là một người kiếm sống bằng cách giảng dạy thanh niên những điều nào đó, vốn đã được nghĩ là sẽ hữu ích cho họ trong đời sống thực tế. Vì giáo dục như vậy đã không được nhà nước cung cấp, những Sophists chỉ dạy cho những người có những phương tiện tư nhân, hoặc những người có cha mẹ có phương tiện. Điều này đã có xu hướng đem lại cho họ một thiên kiến giai cấp nào đó nhất định, vốn đã được tăng lên do những hoàn cảnh chính trị của thời đại. Ở Athens và nhiều thành phố khác, chế độ dân chủ đắc thắng trong chính trị, nhưng không-gì đã được thực hiện để làm giảm sự giàu có của những người thuộc những gia đình quý tộc cũ. Trong chủ yếu, đó là giới giàu có thể hiện những gì xuất hiện với chúng ta như là nền văn hóa Hylạp: họ đã có giáo dục và nhàn nhã, du lịch đã gọt rũa góc cạnh của những định kiến truyền thống của họ, và thời gian mà họ bỏ ra trong thảo luận đã làm sắc bén trí tuệ của họ. Điều đã được gọi là dân chủ đã không chạm đến cơ chế của chế độ nô lệ, nó đem lại khả năng cho những người giàu có vui hưởng của cải của họ mà không phải áp bức những công dân tự do khác.

Tuy nhiên, trong nhiều thành phố, và đặc biệt là ở Athens, những công dân nghèo hơn đã hướng về giới giàu có với ác cảm gấp đôi, một của ghen tỵ, và một của truyền thống. Người giàu đã được coi – thường là với chính đáng – là không ngoan đạo và phi đạo đức; họ đã làm suy yếu những tín ngưỡng cổ xưa, và có lẽ đang cố gắng để phá hoại dân chủ. Thế nên, xảy ra là phe dân chủ chính trị đã kết hợp với chủ nghĩa bảo thủ văn hóa, trong khi đó, những người người tiến hành đổi mới văn hóa đã có khuynh hướng phản động chính trị. Hơi giống như tình trạng tồn tại trong nước Mỹ hiện đại, trong đó Tammany [2], như là một tổ chức Catô chủ yếu, dấn thân vào bảo vệ những giáo điều truyền thống thần học và đạo đức, chống lại những tấn công của giới khai sáng. Nhưng giới được khai sáng có yếu về chính trị ở Mỹ hơn ở Athens, bởi vì họ đã thất bại không tạo được động cơ chung với giới tài phiệt. Tuy nhiên, có đó một tầng lớp quan trọng và rất trí thức, lớp đó có quan tâm với sự bảo vệ cho giới tài phiệt, ấy là giới của những luật sư các công ty tập đoàn. Trong một vài khía cạnh, chức năng của họ tương tự như những-gì được những Sophists đã thực hiện tại Athens.

Nền dân chủ Athens, mặc dù nó có hạn chế trầm trọng là không bao gồm những nô lệ hay phụ nữ, trong một số khía cạnh đã dân chủ hơn so với bất kỳ hệ thống hiện đại nào. Những quan toà, và hầu hết những công chức điều hành đã được chọn bằng cách rút thăm, và phục vụ trong những khoảng thời gian ngắn hạn, như vậy, họ là những công dân bình thường, giống như bồi thẩm đoàn của chúng ta, với những định kiến và thiếu chuyên nghiệp, đặc tính của những công dân trung bình. Nói chung, có một số lượng lớn những quan toà để nghe từng vụ xử. Những nguyên đơn và bị đơn, hoặc tố cáo và bị cáo, đích thân ra trước toà, không thông qua những luật sư chuyên nghiệp. Đương nhiên, sự thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng ăn nói, trong cách lôi cuốn những định kiến phổ thông. Mặc dù một người phải đọc lời phát biểu của mình, ông có thể thuê một chuyên viên để viết bài phát biểu cho ông, hoặc, như nhiều người đã thích hơn, ông có thể trả tiền để được hướng dẫn trong nghệ thuật cần thiết cho sự thành công tại những tòa án. Những Sophists đã được giả định là dạy nghệ thuật này.

Thời đại của Pericles trong lịch sử Athens, tương tự với thời đại Victoriatrong lịch sử nước Anh. Athens đã giàu có và hùng mạnh, không bị chiến tranh quấy rối, và sở hữu của một hiến pháp dân chủ được quản lý bởi tầng lớp quý tộc. Như chúng ta đã thấy, trong những kết nối với Anaxagoras, một đối lập dân chủ với Pericles dần dần tập hợp sức mạnh, và tấn công bạn bè của vị này từng người một. Chiến tranh Peloponnesian bùng nổ năm 431 TCN [3]; Athens (chung với nhiều nơi khác) đã bị bệnh dịch hạch tàn phá; dân số, vốn đã được khoảng 230.000, đã suy giảm rất lớn, và không bao giờ tăng lên đến mức trước đây của nó nữa (Bury, Lịch sử Hylạp, I, trang 444). Chính Pericles, vào năm 430 TCN, bị truất phế khỏi văn phòng tổng lý, và bị phạt tiền vì tội lạm tiêu công quĩ. Hai người con trai chính thức của ông chết vì bệnh dịch, và ông đã qua đời năm sau đó (429). Pheidias và Anaxagoras đã bị lên án; Aspasia đã bị khởi tố vì tội nghich đạo, và vì đã giữ một ngôi nhà truỵ lạc, nhưng được tha bổng.

Trong một cộng đồng như vậy, là điều tự nhiên rằng những người đã có cơ hội chịu sự thù nghịch của những nhà chính trị dân chủ nên muốn có được kỹ năng về pháp lý. Bởi vì Athens, mặc dù quá nghiện sự trừng trị, trong một khía cạnh đã kém hẹp hòi hơn so với nước Mỹ hiện đại, bởi vì những ai bị cáo buộc nghịch đạo, và làm hư hỏng người trẻ, đã được phép bào chữa khi biện hộ của chính họ.

Điều này giải thích những Sophists được ưa thích rộng rãi với một tầng lớp, và không được ưa thích với một tầng lớp khác. Nhưng trong não thức của riêng họ, họ phục vụ những mục đích khách quan nhiều hơn, và rõ ràng là rất nhiều người trong số họ đã quan tâm đích thực với triết lý. Plato đã dành chính mình biếm hoạ và gièm pha họ, nhưng họ phải không bị đánh giá vì sự tranh luận ông. Trong mạch văn nhẹ hơn của ông, lấy đoạn văn sau từEuthydemus, trong đó hai Sophists, Dionysodorus và Euthydemus, xếp đặt để làm rối trí một người có trí não đơn giản, tên là Clesippus. Dionysodorus bắt đầu:

Bạn nói rằng bạn có một con chó?
Phải, một cái con loài bất lương, Clesippus nói.
Và nó có những con chó cún?
Phải, và chúng rất giống như chính nó.
Và con chó là cha của chúng?
Phải, ông nói, tôi chắc chắn đã thấy nó và mẹ của những con chó cún đến cùng với nhau.
Và nó không là của bạn?
Chắc chắn mà, nó là.
Vậy thì, nó là một con chó bố, và nó là của bạn; mà vậy dỡn đấy, nó là cha của bạn, và những con cún là anh em của bạn.

Trong một mạch văn nghiêm trang hơn, lấy đối thoại gọi là The Sophist. Đây là một cuộc thảo luận lô gich về định nghĩa, dùng những sophist như là một minh hoạ. Lúc này, chúng ta không quan tâm với lôgích của nó; giờ đây, điều duy nhất tôi muốn nói đối với cuộc đối thoại này là kết luận cuối cùng:

“Nghê thuật tạo mâu thuẫn đối nghich, đã lưu truyền xuống từ một sự gỉa dối thuộc cái thứ bắt chước tự cao tự đại, của cái giòng giống làm-cho-giống-bên-ngoài, đã lấy được từ sự tạo-dựng-thần-tượng, đã ngụy trang như một phần, của sự sản xuất không thần linh nhưng con người, mà nó trình bày một vở kịch nông cạn của những từ ngữ – thứ như thế là máu huyết và giòng giống, vốn nó có thể, với tuyệt đối sự thật, được gán cho nhà Sophist chính hiệu.” (Cornford dịch)

Có một câu chuyện về Protagoras, ngụy tác không nghi ngờ gì, nó minh họa những kết nối của những nhà Sophists với tòa án trong đầu óc phổ thông. Người ta nói rằng ông đã dạy một người trẻ tuổi với điều kiện rằng sẽ trả lệ phí cho ông, nếu người trẻ tuổi này thắng vụ kiện đầu tiên của mình, nếu không thì thôi, và rằng vụ kiện đầu tiên của người trẻ tuổi đã được chính Protagoras đưa ra, để truy thâu lệ phí của mình.

Tuy nhiên, đã đến lúc rời những dẫn nhập này, để xem những gì là thực sự được biết về Protagoras [4].

Năm sinh của Protagoras khoảng 500 TCN, tại Abdera, thành phố Democritus đã ra đời. Ông đã thăm Athens hai lần, chuyến thứ hai của ông là không muộn hơn 432 TCN. Ông đã làm một bộ luật cho thành phố Thurii tại 444-3 TCN. Có một truyền thuyết rằng ông đã bị khởi tố vì tội nghịch đạo, nhưng điều này có vẻ không thật, mặc dù một sự kiện là ông đã viết một cuốn sách Về Những vị Gót (On the Gods), được bắt đầu: “Đối với những vị gót, tôi không thể cảm thấy chắc chắn rằng hoặc họ có hay là không có, và cũng chẳng biết họ giống như hình dạng nào đây; vì nhiều điều cản trở kiến thức chắc chắn, sự mờ mịt của vấn đề, và sự ngắn ngủi của đời người”.

Chuyến thăm thứ hai của ông đến Athens được mô tả phần nào riễu cợt trong Protagoras của Plato, và những học thuyết của ông được thảo luận nghiêm túc trong Theaetetus. Ông được ghi nhận chủ yếu vì học thuyết của ông nói rằng “Con người là thước đo của tất cả mọi thứ, của những thứ mà là cái chúng là, và của những thứ mà không là cái chúng không là”. Điều này được hiểu như có nghĩa là – mỗi con người là thước đo của tất cả mọi thứ, và như thế, khi người ta khác nhau, không có sự thật khách quan theo đó một là đúng và cái kia là sai. Học thuyết có yếu tính là hoài nghi, và đã được giả định là dựa trên “sự dối trá” của những giác quan.

Một trong ba người sáng lập của chủ nghĩa thực dụng, F. C. S. Schiller, đã có thói quen tự gọi mình là một môn đệ của Protagoras. Điều này tôi nghĩ rằng, bởi vì Plato, trong Theaetetus, gợi ý, như là một giải thích của Protagoras, rằng một ý kiến có thể tốt hơn ý kiến khác, dù nó không thể đúng hơn. Ví dụ, khi một người có bệnh vàng da, tất cả những-gì trông màu vàng. Không có nghĩa lý gì khi nói rằng tất cả những-gì thật sự không phải màu vàng, trừ ra màu sắc người ta thấy nơi một người khoẻ mạnh, chúng ta có thể nói, tuy nhiên, rằng bởi vì khoẻ mạnh là tốt hơn so với bệnh tật, ý kiến của người khoẻ mạnh thì tốt hơn là của người có bệnh vàng da. Quan điểm này, rõ ràng, là có thân thuộc với chủ nghĩa thực dụng.

Sự không tin tưởng vào sự thật khách quan làm đa số, cho những mục đích thực tiễn, những người trọng tài phân xử về phần những gì để tin vào. Từ nơi đây, Protagoras đã được dẫn tới một bảo vệ của pháp luật, và quy ước, và đạo đức truyền thống. Trong khi đó, như chúng ta đã thấy, ông không biết liệu những vị gót là có hay không, ông đã chắc chắn rằng họ phải nên được thờ cúng. Quan điểm này rõ ràng là một quan điểm thích hợp, đúng cho một người mà chủ nghĩa hoài nghi lý thuyết của ông thì trọn vẹn triệt để và hợp lôgich.

Protagoras trải qua đời sống của tuổi trưởng thành của mình trong một loại tour diễn giảng không ngừng, qua những thành phố Hylạp, giảng dạy, với một lệ phí, “bất kỳ một ai mà ước muốn sự hiệu quả thực tiễn và văn hóa tinh thần cao hơn” (Zeller, p. 1299). Plato phản đối – hơi hợm mình, theo như những khái niệm hiện đại – với sự thực hành thu tiền giảng dạy của những Sophists. Tự thân Plato có những phương tiện cá nhân đầy đủ, và rõ ràng đã không thể nhận ra những nhu cầu thiết yếu của những người đã không có được gia sản may mắn như của ông. Thật là trái khoáy, những giáo sư hiện đại, những người thấy không có lý do để từ chối một lương bổng, đã lặp đi lặp lại quá thường xuyên những lời chỉ trích của Plato.

Tuy nhiên, đã có một điểm khác, trong đó những Sophists đã khác với hầu hết những triết gia cùng thời. Đã là một sự thông thường, chỉ trừ trong những Sophists, cho một giáo sư để thành lập một trường học, trong đó có một số thuộc tính của một hội ái hữu gồm những người cùng chí hướng, đã có nhiều hay ít phần hơn của một cuộc sống chung, đã thường có một cái gì đó tương tự như một quy luật của tu viện, và đã thường có một học thuyết bí truyền không tuyên bố với công chúng. Tất cả điều này là tự nhiên ở mọi chỗ nào có triết lý đã phát sinh ra từ Orphism. Giữa những Sophists không có điều nào trong những điều này. Những gì họ đã phải dạy, trong não thức của họ, đã không kết nối với những tôn giáo và đức hạnh. Họ đã dạy nghệ thuật tranh cãi, và càng nhiều kiến thức càng trợ giúp vào nghệ thuật này. Nói rộng ra, họ đã chuẩn bị, như những luật sư hiện đại, đã cho thấy thế nào là cách biện luận, hoặc thuận, hoặc nghịch với bất kỳ ý kiến nào, và đã không quan tâm để biện hộ cho kết luận của riêng mình. Với những ai, triết lý đã là cách sống ở đời, đã ràng buộc chặt chẽ với tôn giáo, đã là tự nhiên bị sốc; với họ, những Sophists đã xuất hiện như lông bông ti tiện và vô đạo đức.

Đến một mức độ nào đó – dù không thể nói nhiều đến thế nào – những chê bai mà Sophists hứng chịu, không chỉ từ công chúng, nhưng từ Plato và những triết gia sau này, là do giá trị trí thức của họ. Sự theo đuổi sự thật, khi tận lực hết lòng, phải bỏ qua những cân nhắc đạo đức; chúng ta không thể biết trước rằng sự thật rồi sẽ thành ra là tư tưởng gì có tính giáo dục trong một xã hội nhất định. Những nhà Sophists đã chuẩn bị sẵn sàng để đi theo một luận chứng đến bất cứ nơi nào nó rồi ra có thể dẫn họ đến. Thường thì nó đã dẫn họ đến chủ nghĩa hoài nghi. Một trong số họ, Gorgias [5], đã chủ trương rằng – không có gì hiện hữu; rằng nếu bất cứ điều gì hiện hữu, nó thì không thể biết được; và thậm chí cứ cho như là nó hiện hữu, và có thể biết được bởi bất kỳ một người nào, người này không bao giờ có thể thông tri nó với người khác. Chúng ta không biết những lập luận của ông đã là gì, nhưng tôi có thể tưởng tượng rất rõ rằng chúng đã có một sức mạnh lôgich buộc những đối thủ của ông tìm trú ẩn trong sự khai thông trí tuệ. Plato luôn luôn đã quan tâm để cổ vũ những quan điểm, chúng sẽ làm người ta (làm/thành/là) những-gì ông nghĩ là đạo đức; ông hiếm khi trung thực trí thức, bởi vì ông cho tự cho phép mình phán đoán những học thuyết trên những hậu quả xã hội của chúng. Thậm chí ngay về điều này, ông đã không trung thực; ông giả vờ đi theo theo những luận cứ và phán xét theo tiêu chuẩn hoàn toàn lý thuyết, trong khi thực tế, ông là bẻ vặn bẻ vẹo cuộc thảo luận theo cách để dẫn đến một kết quả đạo hạnh. Ông dẫn nhập thói hư này vào triết học, nơi nó đã tiếp tục tồn tại kể từ đấy. Nó có lẽ phần lớn đã từ ác cảm với những Sophists đã đem tính cách này cho vào những đối thoại của ông. Một trong những khuyết tật của tất cả những triết gia từ Plato là những thăm dò của họ vào đạo đức tiến hành trên giả định rằng họ đã biết rồi những kết luận sẽ đạt tới được.

Dường như đã có những người, ở Athens vào cuối thế kỷ thứ năm, những người đã dạy những học thuyết chính trị mà chúng dường như phi đạo đức đối với những người đương thời của họ, và xem ra dường như cũng vậy trong những nhà nước dân chủ của thời nay. Thrasymachus [6], trong quyển sách đầu tiên của tập Republic (Cộng hoà), biện luận rằng không có công lý, ngoại trừ sự quyền lợi của những kẻ mạnh hơn; rằng pháp luật được những chính phủ làm ra cho lợi thế của riêng chúng, và rằng không có những tiêu chuẩn vô tư, với chúng dùng để kháng cáo trong những cuộc thi đua quyền lực. Callicles [7], theo như Plato (trong Gorgias), đã duy trì một học thuyết tương tự. Luật của tự nhiên, ông nói, là luật của những kẻ mạnh hơn, nhưng vì những tiện ích, con người đã thiết lập những tổ chức và những giới luật đạo đức để kiềm chế kẻ mạnh. Những học thuyết loại này đã giành được sự đồng ý lớn rộng hơn trong thời của chúng ta, hơn là chúng đã có được trong thời cổ. Và bất cứ điều gì có thể nghĩ được của chúng, chúng không phải là đặc trưng của những Sophists.

Trong thế kỷ thứ năm – bất kể phần nào của những Sophists có thể đã có trong thay đổi – đã có ở Athens một chuyển đổi từ một đơn giản đạo đức chủ nghĩa kiểu Thanh giáo (Puritan) cứng ngắc nào đó đến một chủ nghĩa nhạo-báng cay-độc (cynicism) khôn-nhanh và khá tàn nhẫn, mâu thuẫn với một khôn-chậm và cũng tàn nhẫn ngang bằng chống đỡ nền chính thống đang đổ gục. Vào đầu của thế kỷ này, những người Athens tiến đến vị thế đứng đầu đấu tranh cho những thành phố của vùng Ionia chống lại người Persia, và khải hoàn ở trận Marathon trong năm 490 TCN. Ở cuối thế kỷ, đã đi đến bại trận của Athens trước Sparta trong năm 404 TCN, và xử tử hình Socrates trong năm 399 TCN. Sau thời gian này, Athens thôi không là quan trọng về chính trị nữa, nhưng đã giữ được, không ngờ gì, ngôi tối cao về văn hóa, nó đã giữ lại cho đến tận chiến thắng của đạo Kitô.

Một vài điều của lịch sử Athens trong thế kỷ thứ năm là thiết yếu để hiểu Plato và tất cả những tư tưởng Hylạp sau đó. Trong cuộc chiến tranh Persiađầu tiên, vinh quang chính yếu đã đến những người Athens, nhờ chiến thắng quyết định ở Marathon. Trong cuộc chiến thứ hai, mười năm sau, những người Athens vẫn là những người Hylạp bậc nhất trên biển, nhưng trên chiến thắng trên đất liền đãchủ yếu là từ những người Spartans, họ đã được công nhận là những người lĩnh đạo của thế giới Hylạp. Người Spartans, tuy nhiên, trong cái nhìn của họ có chất tỉnh nhỏ hạn hẹp, và đã ngưng không chống lại người Persia, khi họ đã bị đuổi ra khỏi Hylạp châu Âu. Quán quân của những người Hylạp vùng châu Á, và giải phóng những đảo đã bị người Persia chinh phục, đã được thực hiện, với thành công lớn lao, từAthens. Athens đã trở thành đứng đầu về sức mạnh trên biển, và đã nắm giữ một kiểm soát đế quốc đáng kể đối với quần đảo vùng Ionia. Dưới sự lãnh đạo của Pericles, ông là một nhà dân chủ ôn hoà, và là một người ủng hộ chế độ đế quốc vừa phải, Athens đã phát triển thịnh vượng. Những đền đài vĩ đại, mà tàn tích của chúng vẫn làm vinh quang cho Athens, đã được xây dựng theo khởi xướng của ông, để thay thế những gì bị Xerxes phá hủy. Thành phố tăng trưởng rất nhanh trong sự giàu có, và cũng trong văn hóa, và, như xảy ra không khác ở những thời điểm loại như thế, đặc biệt là khi sự giàu có là do ngoại thương, đạo đức truyền thống và những tín ngưỡng truyền thống đã phân rã.

Trong thời gian này tại Athens, đã có một số lượng cực lớn những người thuộc hạng thiên tài. Ba kịch tác gia vĩ đại, Aeschylus, Sophocles và Euripides, tất cả đều thuộc về thế kỷ thứ năm. Aeschylus đã chiến đấu tại Marathon và đã thấy trận chiến tại Salamis. Sophocles đã vẫn tôn giáo chính thống. Nhưng Euripides đã chịu ảnh hưởng của Protagoras và tinh thần tư duy tự do của thời đại, và cách ông giải quyết những huyền thoại là hoài nghi và có tính chất lật đổ. Aristophanes, nhà thơ trào phúng, diễu cợt Socrates, những Sophists, và những triết gia, nhưng dẫu gì cũng thuộc vào nhóm cùng với họ, trong Symposium, Plato trình bày ông ta như rất thân thiện với Socrates. Pheidias, nhà điêu khắc, như chúng ta đã thấy, đã thuộc về vòng trong thân cận của Pericles.

Xuất sắc của Athens, ở giai đoạn này, đã là nghệ thuật hơn là trí tuệ. Không một nhà toán học hay triết gia vĩ đại nào của thế kỷ thứ V, đã là dân Athens, với ngoại trừ là Socrates; và Socrates không phải là một tác gia, nhưng một người đã tự hạn chế mình vào chỉ thảo luận vấn đáp bằng miệng.

Sự bùng nổ của cuộc chiến Peloponnesian trong năm 431 TCN, và cái chết của Pericles năm 429 TCN , đã đem đến một giai đoạn đen tối hơn trong lịch sử Athens. Những người Athens đã có ưu thế trên trên biển, nhưng những người Spartans có ưu thắng trên đất liền, và trong mùa hè đã nhiều lần chiếm cứ vùng Attica (trừ Athens). Kết quả là Athena đã quá đông, và phải chịu tổn thương nặng nề vì bệnh dịch hạch. Năm 414 TCN, Athena đã gửi một đoàn viễn chinh lớn đến Sicilia, với hy vọng chiếm Syracuse, vốn đã liên minh với Sparta; nhưng cố gắng đã là một thất bại. Chiến tranh đã khiến những người Athens sôi sục hung dữ, và đàn áp khốc liệt. Năm 416 TCN, họ chinh phục đảo Melos, giết tất cả đàn ông trong tuổi quân sự, và bắt làm nô lệ tất cả dân cư còn lại. Những phụ nữ thành Troy (The Trojan Women) của Euripides là một phản kháng chống lại sự man rợ như vậy. Cuộc xung đột đã có một khía cạnh về ý thức hệ, bởi vì Sparta bênh vực chế độ tập đoàn trị [8] và Athens bênh vực chế độ dân chủ. Những người Athena đã có lý do để nghi ngờ một số quý tộc của chính họ phản bội, vốn đã thường được nghĩ là có can phần vào sự bại trận thuỷ quân cuối cùng, trong trận chiếnAegospotami trong năm 405 TCN.

Khi chiến tranh kết thúc, những người Spartans đã thiết lập ở Athens một chính phủ theo thể chế tập-đoàn-trị, được gọi là Ba mươi Bạo chúa. Một số trong số Ba mươi, bao gồm Critias, thủ lĩnh của họ, đã từng là học trò của Socrates. Họ xứng đáng với sự bất mãn của dân chúng, và đã bị lật đổ trong vòng một năm. Với sự ưng thuận của Sparta, dân chủ đã được khôi phục, nhưng nó đã là một nền dân chủ chua xót cay đắng, đã ngăn ngừa bởi một sự ân xá để tránh báo thù trực tiếp, chống lại những kẻ nội thù của mình, nhưng hài lòng với bất kỳ viện cớ nào, để không được ân xá che chở, để lên án trừng trị họ. Đó là trong bầu không khí này đã diễn ra phiên toà và cái chết của Socrates (399 TCN).

Phần II. Socrates, Plato, và Aristotle
Chương 11. Socrates

Socrates là một đề tài rất khó khăn đối với nhà viết sử. Có rất nhiều người, những gì liên quan đến người ấy, chắc chắn là biết được rất ít, và có những người khác, những gì liên quan đến người ấy, chắc chắn là biết được rất nhiều, nhưng trong trường hợp Socrates, sự không chắc chắn là về phần - không biết chúng ta biết rất ít, hay là biết rất nhiều về ông.


Lê Dọn Bàn tạm dịch- bản nháp thứ nhất
(May/2010)
(còn tiếp...)

http://chuyendaudau.blogspot.com/
http://chuyendaudau.wordpress.com





[1] sophist: trước đây, có vài tác giả dịch từ này là những – nhà nguỵ biện, hay quỷ biện – tôi ngờ là theo từ Tàu: “quỷ biện gia” (詭辯家) , hay dài hơn và rõ ràng hơn – “quỷ biện học gỉa (詭辯學者) – “quỷ” là quỷ quyệt, dối trá.Còn “ngụy” – nếu hiểu ngụy biện như “fallacy” – thì họ không ngụy biện chút nào – lý luận của họ rất vững chắc như bất cứ ai đồng thời, kể cả Plato.

a. Không có tài liệu trực tiếp về họ, những gì – nếu họ có viết – nay đã bị mất gần hết sạch – chỉ còn lại những mảnh vụn, kể lại đó đây qua lời nhắc về họ của các tác giả khác, đồng thời hay về sau. Chủ yếu là qua hai thày trò Socrates, Plato, Nhưng hai người này lại không phải là không có thiên kiến và thiếu ác cảm với họ.
Như Russell trình bày trong chương này, họ là những giáo sư dạy tư, nay đây mai đó, có thể là học giả, cũng có thể là triết gia, tại Hylạp khoảng thời gian giữa và cuối thế kỷ 5 TCN. Người nổi tiếng nhất là Protagoras, một triết gia đúng nghĩa, kế là Gorgias, nhà tu từ hoc là chính, về phần triết học, không chuyên nghiệp.
Nhiều người trong họ kiếm được rất nhiều tiền nhờ thu học phí, và nhận học trò rộng rãi. Họ giảng dạy nhiều môn, trong đó có cả khoa học tự nhiên, nhưng nổi tiếng và “ăn khách” nhất là môn tu từ học (rhetoric) chủ yếu là nghệ thuật nói, hay viết để nói, trước công chúng, như toà án, hay hội đồng chính trị, nhằm khuynh đảo hay gây ảnh hưởng, tạo tác động với mục đích có lợi cho, hay về người nói. Thế nên, Russell còn so sánh họ với các luật sư ngày nay, là ở khía cạnh này.
Và cũng như các luật sư ngày nay, ở bất cứ đâu, họ luôn luôn không được thiện cảm của dư luận.
Do nội dung trên, tôi đề nghị giữ nguyên từ “sophist” (nếu muốn phiên âm sô-phít) để gọi họ, vì từ “quỉ biện” không đúng nghĩa cho lắm, mà lại là một từ Tàu, cũng như , nếu tôi không nhớ lầm, có người dùng từ “khuyển nho” để chỉ những sophists (sai lệch cả hai – về nội dung – “nho” và “sophist”). Chúng ta phải mượn từ để chỉ những ý mới, thì nên mượn thẳng, không phải lên hướng Bắc rồi mới qua hướng Tây.
Như trong chương viết ngắn này của Russell – chúng ta có thể tạm dịch ý là những “giáo sư dạy tư thời cổ Hylạp”, tuy có nghĩa nào đó, nhưng quá dài, thế nên dùng thẳng “sophist” là tiện hơn cả.

b. Sinh hoạt: Họ đi từ thành này qua thành khác, dạy những gì theo nhu cầu và thị hiếu của dân địa phương. Dạy học là nghề kiếm sống, nên thu lệ phí, và một số đã trở nên rất giàu có. Chúng ta có thể nói họ sống bằng trí tuệ của họ, như những nhà chuyên môn trong xã hội chúng ta ngày nay (giáo sư, y sĩ, dược sĩ, luật sư, kỹ sư, chuyên viên điện toán…)
Hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của các “polis” ở cổ Greek, đã tạo điều kiện thuận lợi và làm phát triển “nghề nghiệp” của những Sophists.

Từ Greek “polis”, là từ gốc, đã cho chúng ta từ “politics” (cũng là tên một quyển sách của Aristotle) thường được dịch là thành, hay thành quốc, nhưng không vẹn nghĩa. Đây là một “thành phố” không như ý niệm thành phố chúng ta có hiện nay, và cũng không phải là một “quốc” dù “tiểu quốc” như những gì chúng ta có thể liên tưởng đi kèm từ này. Polis có những tổ chức chính trị, xã hội, và hành chính đặc biệt, có chính phủ, ngân sách, luật lệ riêng (như những thành phố lớn hiện nay ở Âu Mỹ), nhưng cũng có quân đôi, ngoại giao riêng, và hai điều sau đưa đến trường hợp polis có cả thuộc địa, chư hầu riêng nữa. Những công dân tự do (được tham dự vào việc chính trị của thành phố) thường đa số là các nông dân, canh tác trong các vùng lân cận, rồi đến giới thương mại giàu có hơn, sống bằng ngoại thương. Nhà của họ ở trong thành phố, bao quanh “acropolis”, tức là phần “thành cao”, thường là trên đồi, núi; đặc biệt có pháo đài, thành lũy vây bọc bảo vệ các dinh thự, đền đài quan trọng, trung tâm chính trị, hành chính. Thành cao phải có vị thế chiến lược quân sự, vì chiến tranh liên miên giữa các thành phố. Dưới chân khu thành cao là khu chợ, trung tâm thương mại. Dân chúng trong thành gồm những công dân tự do và những nô lệ. Các nô lệ hoặc là bị mua, hoặc phần lớn là nạn nhân chiến tranh, vốn là những kẻ bại trận, bị bắt làm nô lệ (con cái của họ cũng tiếp tục là nô lệ). Dân trong thành có những mối liên hệ với nhau, hoặc vì đa số đến từ cùng địa phương (xung quanh), hoặc vì có liên hệ nghề nghiệp (canh nông hay thương mãi) – Hai yếu tố địa lý và xã hội đó, đưa đến hai yếu tố quan trọng đáng cho chúng ta chú ý: họ có cùng hay muốn có cùng một thể chế chính trị (quân chủ, dân chủ, độc tài – như Russell đã nhắc ở trước – độc tài đối nghịch với dân chủ, chỉ có nghĩa là không tuyển cử, nhưng không/chưa mang ý thiếu/không tự do) và đặc biệt thờ chung một thần, một gót, hay nhiều những gót (vì thế, những ai không tôn thờ các vị gót này của địa phương – bị kết tội – là nghịch đạo, vô đạo, hay không kính tín – impiety – khái niệm xa lạ với chúng ta ở phương Đông) – nghĩa là có cùng tín ngưỡng (và sẽ dẫn đến – phải có cùng tín ngưỡng, chỉ một tôn giáo).

Những thành phố polis như thế thường nhỏ. Plato nói một polis lý tưởng (để quản lý) nên có vào khoảng năm nghìn công dân (kể nam, tự do), và Aristotle bảo các công dân trong cùng polis ít nhất cũng nên biết lẫn nhau cho khắp!, vậy theo như các vị này, polis là một cộng đồng nhỏ. (Athens là một polis đặc biệt.).

Vì nhỏ như vậy, nên tất cả mọi công dân đều có cơ hội, có quyền tham dự vào việc điều hành chung của polis, và trở nên là một vấn đề – làm sao không có ai, hay nhóm nào quá mạnh, có quá nhiều quyền lực quyết định thiên lệch về những vấn đề chung cho cả thành phố. Sự thu gọn, gần gũi đã khiến dần dẫn đến một thể chế chính trị, trong đó ai ai cũng có quyền lên tiếng, tham dự, quyết định vào những vấn đề, công việc chung của cộng đồng, nếu khi có bất đồng chính kiến, thì chọn ý kiến của đa số (dân chủ), không có nghĩa là ý kiến được chọn là đúng, hay giá trị hơn, nhưng có nghĩa nếu thực hành ý kiến của đa số, sự bất mãn trong dân chúng là tối thiểu, ý hướng ở đây là sự đồng thuận trong cộng đồng. Các chức vụ chính trị, hành chánh được rút thăm (cả tướng lĩnh trong quân đội), mọi người lần lượt thay phiên nắm giữ trong một thời gian ngắn.

Nhu cầu của những nhà lãnh đạo, dĩ nhiên đưa đến nhu cầu phải có một số kỹ năng nếu như các vị này muốn thành công, có hiệu quả – điển hình là tài ăn nói, biện thuyết, phân xử, xét đoán chứng cớ – những khả năng này không đến tự nhiên, nhưng có thể học được, và có thể trở nên giỏi được. Những khả năng này có chỗ đắc dụng trong lĩnh vực chính trị, hành chính và tòa án. Như thế chúng ta thấy nguyên nhân chính đã đưa đến tầng lớp những sophists. Những sophist đáp ứng nhu cầu này bằng cách dạy những gì cần thiết để trở nên có khả năng hơn người, cho những ai nhằm đóng vai lãnh đạo trong các polis.

c. Một vài chi tiết về những sophists nổi tiếng:
- Protagoras của thành Abdera: Được kể là ông bắt đầu nghề đi dạy tư từ năm ông ba mươi tuổi, và trong Protagoras (một đối thoại của Plato mang tên ông,) nói rằng ông là người đầu tiên tuyên bố công khai chuyện ông đi dạy, lấy tiền, thu học phí. Tuy học phí cao, nhưng cũng có dư luận rằng ông chỉ thu tiền ở cuối cùng, sau khi học sinh học xong môn học, và nếu ai thất vọng, muốn trả sao cũng được, tùy ý mình đánh giá các kiến thức đã giảng dạy đáng bao nhiêu.
Ông có nhiều bạn trong giới tai mắt ở Athens, như tướng quân Pericles, Gallias và Euripides; khi sang thăm Sicily ông gặp một sophist khác ở đây Hippias. Cũng truyền rằng lần cuối ông đến Athens, Protagoras đã bị đưa ra tòa, bắt giam và tất cả sách ông viết bi đốt hết, vì tội nghịch đạo, không kính tín – nói ở trên. (Như vậy, tục đốt sách, sau đi đến đốt người của các tòa án dị giáo Kitô trong xuốt châu Âu Trung cố đã phần nào có mầm từ cổ Hylạp!)
- Gorgias của thành Leontini: dân gốc thành Leontini, Sicily, Gorgias đến Athens năm 427 TCN, dẫn đầu phái đoàn ngoại giao đi thương thuyết với Athens về một vấn đề cho thành phố ông, và ông thành công. Ông là tác giả – theo truyền thuyết một quyển sách về tu từ học – môn sở trường và nổi tiếng của ông. Ông giỏi đến nỗi người thành Athens đã mời ông viết bài điếu văn đọc trong lễ truy điệu các chiến sĩ của họ, một vinh dự cho một người không là công dân Athens. Ông quen Socrates, và Isocrates một học trò của ông tại Athens. Cũng có chỗ nói ông học với Empedocles, vốn cùng quê ở đảo Sicily với ông, nhưng chỉ là dư luận không chắc.
- Prodicus của thành Ceos: gốc từ Ceos, một đảo nhỏ trong vùng biển Aegean, thường đến Athens vì công vụ. Socrates có kể đã có dịp theo học với Prodicus, nhưng ít tiền ông chỉ kham nổi môn mà học phỉ chỉ có một đồng (drachma)! .
Prodicus giải thích – cách nào mà có thần thánh, các gót – theo ông là vì quan tâm của con người –Những gì mọi người đều cùng thấy là cần thiết và có lợi, họ “biến” chúng thành thần gót. Thế nên, bánh mì thành Demeter, rượu nho thành Dionysius, nước thành Poseidon, Hephaestus, và vân vân (như ngày nay chúng ta có “thần” tự do, thần công lý, thần dân chủ, … trước đây, có giai đoạn vì nhiều quá, lắt nhắt quá, mệt quá (đa thần), đã tóm chung, dồn lại làm một – gọi là “gót” – “dieu” – “Yahweh” – “thượng đế” – “Allah” – “Brahman” (độc thần)).
- Thrasymachus của thành Chalcedon: nổi tiếng và sống tại Athens. Truyền tụng là ông có viết nhiều – trong đó có sách về nghệ thuật hùng biện, cũng truyền rằng ông có cách đánh dậy lòng cảm thương, hay giận giữ trong công chúng – nghe như một luật sư lão luyện ngày nay. Trong Republic của Plato, kể ông nói: “Công lý không là gì hơn ưu thế của kẻ mạnh” – như Russell dẫn trong chương này.
- Hippias của thành Elis: ông được nhắc đếnt trong Protagoras và Apology; không gì xót lại từ những gì ông viết. Hippias xuất hiện như một người đa tài, một thợ chuyên môn, chuyện kể có lần ông đến Olympia, tất cả y phục ông mặc là do ông tự may lấy.
- Antiphon nhà Sophist, gọi như thế để phân biệt ông với một người nổi tiếng khác cùng tên. Sinh quán Athens. Ông có viết sách nhan đề Sự thật(Truth) – nay còn lại khá nhiều phần. Thành ra ông là sophist có tài liệu trực tiếp còn lại nhiều hơn cả. Antiphon như chấp nhận quan điểm Parmenidean – “tất cả đều thực sự là cái-Một, mặc dù chúng xuất hiện với giác quan như những cái-nhiều”.
[2] Tammany Society, thành lập năm 1789 tại NewYork, trụ sở là Tammany Hall, sang đầu thế kỷ 19, đông đảo những người Catô Ái Nhĩ lan nhập hôi, nên có màu sắc chính trị như tác giả đã dẫn.
[3] (431–404 TCN), cuộc chiến giữa Athens và Sparta, hai thành phố dẫn đầu hai phe của cổ Hylạp. Hầu như toàn thể thế giới cổ Hylạp đều can dự. Thucydides, đã chép lại trong bộ sử nổi tiếng Lịch sử cuộc chiến Peloponnesian . Chiến tranh chấm dứt năm 404 TCN với Athens hoàn toàn bị thảm bại.
[4] Protagoras (c.490-c.420 BC): có lẽ là vị đầu tiên và lối lạc nhất trong những Sophists cổ Hylạp. Hoạt động ở Athens, ông đi đầu trong vai trò nhà giáo dục chuyên nghiệp, đào tạo những người trẻ tham vọng muốn giữ những chức vụ công quyền. Ông đã quảng bá một thế giới quan duy lý, ảnh hưởng từ triết lý khoa học Ionian. Nhưng không giống vị đồng thời là Anaxagoras, Protagoras có thái độ hoài nghi những tuyên xưng giáo điều của khoa học mới, trong thời ông .

Trong lời dẫn của Russell, như đoạn ông tuyên bố “Con người là thước đo của vạn vật” khiến có dư luận xem ông là cha đẻ chủ nghĩa tương đối (relativism) và có khi hơn nữa, cha đẻ của chủ nghĩa chủ quan (subjectivism).
Ông cũng còn được xem như là người đầu tiên của thuyết không thể biết (theological agnostic) vì câu phát biểu: “Về phần các gót, tôi không có khả năng để biết liệu họ hiện hữu, hay họ không hiện hữu, hay (giả dụ như họ hiện hữu) hình dạng họ ra sao”.
[5] Gorgias (cuối thế kỷ thứ 5 TCN): Một trong những Sophists quan trong nhất chỉ sau Protagoras, Gorgias là một nhà tu từ học nổi tiếng, ông có ảnh hưởng lớn trên sự phát triển của nghệ thuật viết văn xuôi, và cũng là một triết gia không chuyên nhưng có tài.
[6] Thrasymachus (ca. 459-400 TCN) – sophist, công dân thành Chalcedon, vùng Bosphorus.
[7] Callicles: một sophist khác – như kể trong đối thoại Gorgias của Plato. Công dân Athens, học trò của Gorgias.
[8] oligarchy.