Friday, May 21, 2010

Bertrand Russell - Lịch sử Triết học phương Tây (7)

Bertrand Russell
Lịch sử Triết học phương Tây

Quyển Một – Triết học Cổ thời




Chương 7. Thành Athens trong liên hệ với Văn hóa

Sự vĩ đại của Athens bắt đầu vào thời điểm của hai cuộc chiến tranh với Persia (490 TCN và 480-79 TCN). Trước thời gian đó, Ionia và Đại Hylạp (Magna Græcia – những thành phố Hylạp ở vùng nam Ý và Sicily) sản xuất những con người vĩ đại. Chiến thắng của Athens chống lại vua Darius của Persia ở Marathon (490), và của đội thủy quân liên hợp của Hylạp với con trai ông, và với nhà vua kế tiếp Xerxes (480), dưới sự lãnh đạo của Athens, đã đem lại uy tín lớn lao cho Athens. Những người Ionians tại những đảo, và trên phần đất liền của vùng Tiểu Á đã nổi dậy chống lại Persia, và sự giải phóng của họ đã chịu ảnh hưởng của Athens sau khi người Persia đã bị đẩy khỏi vùng đất liền của Hylạp. Trong hoạt động này, dân Sparta, những người chỉ quan tâm với lãnh thổ của họ mà thôi, đã không dính phần. Do đó, Athens trở thành đối tác chiếm ưu thế trong một liên minh chống lại Persia. Theo hiến pháp của liên minh, bất cứ nhà nước nào trong liên minh cũng buộc phải đóng góp, hoặc một số quy định các chiến thuyền, hoặc tổn phí tương đương của chúng. Hầu hết chọn khoản sau, và vì thế Athens giành được uy quyền ưu thắng về hải quân trên những đồng minh khác, và dần dần đã chuyển liên minh vào thành một Đế quốc Athens. Athens đã trở nên giàu có, và thịnh vượng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Pericles, người đã cai trị, từ sự lựa chọn tự do của những công dân, trong khoảng ba mươi năm, cho đến sự sụp đổ của ông vào năm 430 TCN.

Thời đại Pericles đã là thời gian hạnh phúc nhất và rực rỡ nhất trong lịch sử của Athens. Aeschylus, người đã chiến đấu trong những cuộc chiến tranh với Persia, đã khai mở thể bi kịch Hylạp; một trong những bi kịch của ông, vởPersae, đã bắt đầu rời khỏi tập quán chọn lựa những đối tượng lấy từ Homer, nhưng với sự thất trận của Darius. Sophocles đã nhanh chóng theo chân ông, và Euripides đã theo sau Sophocles, Cả hai còn kéo dài vào đến những ngày đen tối của cuộc Chiến tranh Peloponnesian vốn theo sau sự sụp đổ và cái chết của Pericles, và Euripides phản ánh chủ nghĩa hoài nghi của giai đoạn sau này trong những vở kịch của ông. Aristophanes người cùng thời với ông, nhà thơ trào phúng, chế diễu tất cả những chủ nghĩa (ism) từ quan điểm của ý thức thông thường cường tráng và hạn hẹp; đặc biệt hơn, ông giương Socrates lên để gièm pha như là một trong những người phủ nhận sự hiện hữu của thần Zeus, và học đòi trong những bí ẩn giả khoa học, vô đạo, báng bổ thánh thần.

Athens đã từng bị Xerxes chiếm, và những ngôi đền trên đồi Acropolis đã bị đốt hoại. Pericles đã dành hết mình để tái thiết chúng. Đền Parthenon và những ngôi đền khác mà tàn tích nay vẫn còn, để gây ấn tượng cảm kích với thời đại chúng ta, đã được ông xây dựng. Nhà điêu khắc Pheidias đã được Nhà nước thuê dùng để làm những cột tượng dựng khổng lồ của những gót nam và gót nữ. Vào cuối thời kỳ này, Athens là thành phố đẹp và tráng lệ nhất của thế giới Hylạp.

Herodotus, cha đẻ của lịch sử, là dân sinh quán thành Halicarnassus, tại vùng Tiểu Á., Nhưng sống ở Athens, đã được Nhà nước Athens khuyến khích, và đã viết tường thuật của ông về những cuộc chiến tranh với Persia từ quan điểm của Athens.

Những thành tích của Athens trong thời đại của Pericles có lẽ điều đáng kinh ngạc nhất trong tất cả mọi lịch sử. Cho đến thời điểm đó, Athens đã tụt chậm đằng sau nhiều những thành phố Hylạp khác; không đào tạo được một bất kỳ một người vĩ đại nào, cả trong mỹ thuật hay văn học (trừ Solon, chủ yếu là một nhà làm luật). Đột nhiên, dưới sự kích thích từ chiến thắng và sự giàu có, và nhu cầu trong việc tái thiết, những nhà kiến trúc, nhà điêu khắc, và kịch tác gia, những người cho tới ngày nay vẫn còn là chưa ai vượt trội được họ, đã sản xuất những công trình ưu thắng, có ảnh hưởng lớn lao vào suốt tương lai cho xuống đến thời hiện đại. Đây là chi tiết còn đáng ngạc nhiên hơn, khi chúng ta cân nhắc sự ít ỏi trong dân số đã liên hệ. Athens vào thời điểm tối đa của nó, khoảng 430 TCN, đã ước tính có dân số khoảng 230.000 (bao gồm cả những nô lệ), và vùng nông thôn Attica bao quanh, có lẽ đã chứa một dân số còn khá nhỏ hơn. Chưa bao giờ trước đó, và kể từ đó về sau, có bất cứ một-gì tiến gần đến cùng một tỷ lệ của cư dân của bất cứ một vùng nào, tự nó lại có thể cho thấy có khả năng tạo những công trình thuộc hạng ưu tú xuất sắc thượng đẳng.

Trong triết học, Athens đóng góp chỉ hai tên tuổi rất lớn lao, Socrates và Plato. Plato thuộc về một thời kỳ có phần nào về sau, nhưng Socrates trải qua thời trẻ tuổi và tuổi bắt đầu trưởng thành của mình dưới Pericles. Những dân thành Athens đã đủ quan tâm đến triết lý để hăm hở nghe những bậc thầy đến từ những thành phố khác. Những Sophists [1] được những người trẻ tìm đến để theo học, họ muốn học nghệ thuật tranh luận; trongProtagoras, Socrates như kể trong Plato, cho ra một mô tả châm biếm hài ước về những môn đệ khao khát bám vào những lời của người khách ưu việt. Pericles, như chúng ta sẽ thấy, đã thỉnh Anaxagoras nhập cư Athens, người mà Socrates thú nhận đã học được từ sự ưu việt của não thức trong sáng tạo.

Hầu hết những cuộc đối thoại của Plato được ông đã coi như diễn ra trong thời đại Pericles, và chúng đưa ra một hình ảnh dễ chịu của đời sống trong giới giàu có. Plato thuộc về một gia đình quý tộc Athens, và lớn lên trong truyền thống của thời kỳ trước khi chiến tranh và dân chủ đã phá hủy sự giàu có và an ninh của những tầng lớp trên. Người trẻ tuổi của giới này, những người đã không cần phải làm việc, dành phần lớn thời giờ nhàn nhã của họ trong sự theo đuổi học hỏi về khoa học, toán học và triết học; họ gần như thuộc lòng Homer, và là những quan toà phê phán về giá trị của những nhà đọc thơ chuyên nghiệp. Nghệ thuật lý luận diễn dịch đã được phát hiện mới đây, và đã cho phép có được sự phấn khích về những lý thuyết mới, cả đúng lẫn sai, trên toàn bộ lĩnh vực của kiến thức. Đã là có thể có trong thời đại đó, như trong một số ít những thời đại khác, là vừa thông minh và vừa hạnh phúc, và hạnh phúc qua sự thông tuệ.

Nhưng sự cân bằng của những lực lượng vốn đã sản xuất nên thời đại hoàng kim này đã bấp bênh. Nó đã bị đe dọa cả từ bên trong và từ bên ngoài – dân chủ từ bên trong, và Sparta từ bên ngoài. Để hiểu những gì xảy ra sau Pericles, chúng ta phải ngắn ngủi xem xét lịch sử sớm hơn trước đó củaAttica.

Attica, ở thuở ban đầu của thời kỳ có lịch sử, đã là một vùng nông nghiệp tự túc nhỏ; Athens, thủ đô của nó, đã là không lớn, nhưng chứa một dân số ngày càng tăng của những thợ thủ công và những nghệ nhân, những người muốn đem những sản phẩm của mình ra nước ngoài. Dần dần, đã được tìm thấy là có lợi hơn để trồng nho và ô liu thay vì thóc lúa, và thóc lúa thì nhập khẩu, chủ yếu là từ vùng bờ biển của Biển Đen. Hình thức canh tác này đòi hỏi vốn đầu tư nhiều hơn canh tác lúa gạo, và những nông dân nhỏ đã trở thành mang nợ. Attica, giống như những tiểu quốc Hylạp khác, đã có được một chế độ quân chủ từ thời thơ ca Homer [2], nhưng nhà vua đã trở thành không gì khác hơn một viên chức tôn giáo chính thức, không có quyền lực chính trị. Chính quyền rơi vào tay của những tầng lớp quý tộc, những người này áp bức cả nông dân ở thôn quê và những nghệ nhân ở đô thị.

Một thỏa hiệp theo chiều hướng dân chủ đã được Solon thực hiện vào đầu vào thế kỷ thứ sáu (TCN), và nhiều những gì ông làm đã tồn tại qua một giai đoạn kế tiếp của chuyên chế dưới thời nhà cai trị Peisistratus và các con trai của ông. Khi giai đoạn này đi đến thời chấm dứt, những quý tộc, như là đối thủ của chế độ độc tài, đã có khả năng tự giới thiệu, đề nghị với chính họ chế độ dân chủ. Cho đến khi Pericles sụp đổ, những tiến trình dân chủ đã đem lại sức mạnh cho tầng lớp quý tộc, giống như ở nước Anh trong thế kỷ XIX. Tuy nhiên, vào cuối đời ông, những nhà lãnh đạo của chế độ dân chủ Athena đã bắt đầu đòi hỏi chia sẻ một phần lớn hơn về quyền lực chính trị. Đồng thời vào lúc ấy, chính sách đế quốc của ông, vốn đã ràng buộc với sự thịnh vượng kinh tế của Athens, tăng thêm những xích mích với Sparta, cuối cùng dẫn đến cuộc Chiến tranh Peloponnesian (431404 TCN), trong đó, Athens đã bị đánh bại hoàn toàn.

Mặc dù sự sụp đổ chính trị, uy tín của Athens đã vẫn sống sót, và trong gần trọn suốt một nghìn năm, triết lý đã đặt trung tâm ở đó. Thành Alexandria đã làm lu mờ Athens về toán học và khoa học, nhưng Aristotle và Plato đã làmAthens tối thượng tột đỉnh về triết học. Academy [3], nơi Plato dạy học, đã sống sót vượt trên tất cả những trường khác, và tiếp tục tồn tại, như một hòn đảo của chủ nghĩa ngoại giáo [4], xuốt trong hai thế kỷ sau khi Đế quốc LaMã chuyển sang đạo Kitô. Cuối cùng, vào năm 529, nó đã bị Justinian [5] đóng cửa, vì sự cố chấp mù quáng của tôn giáo của ông này, và thời đại đen tối Trung Cổ phủ màn trùm xuống châu Âu.


Chương 8. Anaxagoras

Triết gia Anaxagoras, mặc dù không sánh bằng với Pythagoras, Heraclitus, hay Parmenides, dù sao vẫn có một tầm quan trọng lịch sử đáng kể. Ông là một người Ionia, và đã tiếp nối truyền thống những nhà duy lý khoa học củaIonia. Ông là người đầu tiên giới thiệu triết lý với dân thành Athens, và là người đầu tiên đề nghị ra giả thuyết – trí não như là nguyên nhân chính yếu của những thay đổi vật lý.

Ông sinh quán ở thành Clazomenae, tại Ionia, khoảng năm 500 TCN, nhưng ông đã dành khoảng ba mươi năm của đời mình tại thành Athens, khoảng 462-432 TCN. Rất có thể Pericles đã dẫn dụ ông đến, vốn vị này đã nhất quyết với việc văn minh hóa những thị dân đồng thành của mình. Có lẽ bà Aspasia [6], người từ Miletus đến, đã giới thiệu Anaxagoras với Pericles. Plato, trong Phaedrus, nói:

Pericles “đã đổ mình vào, có vẻ như với Anaxagoras, một người đã là một nhà khoa học; và thỏa mãn chính ông với lý thuyết về những-gì ở tít trên cao, và có thể đạt đến một kiến thức về bản chất thật sự của trí tuệ và của rồ dại, mà đó đúng là những-gì các luận bàn của Anaxagoras chủ yếu đã nói về, ông đã lôi ra từ cái nguồn đó bất cứ điều gì của thiên nhiên, để đẩy ông xa hơn trong nghệ thuật ăn nói”.

Người ta nói rằng Anaxagoras cũng đã ảnh hưởng Euripides, nhưng điều này đáng nghi ngờ nhiều hơn.

Những công dân của Athens, giống như của những thành phố khác, ở những thời đại khác và những lục địa khác, đã phơi tỏ một sự bất thân thiện nhất định nào đó với những người đã cố gắng giới thiệu một văn hóa ở mức cao hơn với của họ, mà họ đã quen thuộc. Khi Pericles già dần đi, những đối thủ của ông đã bắt đầu một chiến dịch chống lại ông bằng cách tấn công bạn bè của ông. Họ bị buộc tội Pheidias biển thủ một số vàng vốn đã dành cho ông để xây tượng. Họ đã thông qua một đạo luật cho phép đưa ra tòa những người không thực hành tôn giáo và dạy những học thuyết về “những-gì trên cao” [7]. Theo luật này, họ đã truy tố Anaxagoras, người bị cáo buộc đã dạy rằng mặt trời là một hòn đá nóng đỏ, và mặt trăng là (như) trái đất. (Cùng những lời buộc tội tương tự đã được lặp lại từ những công tố viên trong phiên tòa xử Socrates, người đã chế diễu họ là lỗi thời, lạc hậu). Những gì đã xảy ra thì không chắc chắn, ngoại trừ là ông đã phải rời Athens. Có vẻ như có thể xảy ra rằng Pericles đã đưa được ông ra khỏi nhà tù, và xoay sở để ông đi thoát. Ông đã trở lại Ionia, ở đấy, ông đã thành lập một trường học. Tuân theo quy định trong di chúc của ông, kỷ niệm ngày ông mất đã được giữ như một một ngày nghỉ lễ cho học trò.

Anaxagoras đã chủ trì rằng tất cả mọi thứ là có thể phân chia đến vô hạn, và rằng ngay cả những phần nhỏ nhất của vật chất có chứa một vài của mỗi nguyên tố. Những-gì xuất hiện (bên ngoài) là của những (nguyên tố) nó có chứa nhiều nhất. Do đó, thí dụ, tất cả mọi thứ có chứa một số lửa, nhưng chúng ta chỉ gọi nó là lửa, nếu nguyên tố đó trội hơn cả. Giống như Empedocles, ông lập luận chống lại khoảng không, nói rằng đồng hồ nước (clepsydra) hoặc da căng phồng, cho thấy rằng có không khí ở nơi xem có vẻ là không có gì.

Ông khác với vị đi trước ông trong sự đem não thức (nous) nhìn như là một thực thể vốn nhập vào trong cấu phần của những sinh vật sống, và phân biệt chúng với vật chất chết. Trong tất cả mọi thứ, ông nói, có một phần của tất cả mọi thứ trừ não thức, và một số điều cũng có chứ đựng não thức. Não thức có quyền lực trên tất cả những-gì có sự sống, nó là vô hạn, và tự quản trị, và không trộn lẫn với gì cả. Ngoại trừ về phần não thức, tất cả mọi thứ, dẫu nhỏ đến đâu, có chứa những phần của tất cả những đối lập, thí dụ như nóng và lạnh, trắng và đen. Ông đã duy trì rằng tuyết có màu đen (trong một phần).

Não thức là gốc của tất cả chuyển động. Nó gây ra một chuyển động quay vòng, dần dần lan rộng khắp thế giới, và khiến những-gì nhẹ nhất đi ra phía chu vi, và những-gì nặng nhất rơi hướng vào trung tâm. Não thức thì đều đồng dạng, cũng tốt ở trong những động vật cũng như trong con người. Con người có ưu thế rõ ràng là do sự kiện họ có đôi tay; tất cả những sự khác biệt xem như từ trí tuệ thực sự là do những sự khác biệt của cơ thể.

Cả Aristotle và Socrates như kể trong Plato, phàn nàn rằng Anaxagoras, sau khi giới thiệu não thức, chỉ dùng đến nó rất ít. Aristotle đã chỉ ra rằng ông chỉ giới thiệu não thức như là một nguyên nhân khi ông không biết có gì khác. (Còn) mỗi khi nào ông có thể, ông cho một giải thích cơ khí máy móc. Ông đã phủ nhận tất yếu và thay đổi như đem cho những nguồn gốc của những sự vật; tuy vậy, không có “mệnh gót “ (Providence) trong vũ trụ học của ông. Ông không có vẻ có suy nghĩ nhiều về đạo đức hay tôn giáo; có lẽ ông là một người vô thần, như những người lên án ông đã duy trì. Tất cả những người đi trước ông đã ảnh hưởng ông, trừ Pythagoras. Ảnh hưởng từ Parmenides trong trường hợp với ông, cũng giống cùng như từ của Empedocles.

Trong khoa học ông có nhiều đáng khen lớn lao. Chính ông là người đầu tiên đã giải thích rằng ánh sáng của mặt trăng là ánh sáng được phản chiếu, mặc dù có một đoạn khó hiểu trong Parmenides gợi ý rằng vị này cũng đã biết điều này. Anaxagoras đã cho lý thuyết đúng về những thiên thực, và đã biết rằng mặt trăng là nằm dưới mặt trời. Mặt trời và những ngôi sao, ông nói, là những đá cháy nóng, nhưng chúng ta không cảm thấy sức nóng của những ngôi sao, vì chúng quá xa. Mặt trời lớn hơn vùng bán đảo Peloponnesus(Hylạp). Mặt trăng có những núi, và (ông đã nghĩ) có ngụ cư.

Anaxagoras được cho là đã thuộc trường phái của Anaximenes; chắc chắn ông duy trì cho sống truyền thống duy lý và khoa học của những Ionians. Người ta không tìm thấy trong ông những bận tâm về đạo đức và tôn giáo, vốn chuyển từ những Pythagoreans đến Socrates, và từ Socrates đến Plato, nó đã mang lại một thiên kiến tối ám vào trong triết học Hylạp. Ông không hẳn là đứng vào hàng đầu, nhưng ông là quan trọng như là người đầu tiên đem triết lý đến Athens, và là một trong những ảnh hưởng đã giúp hình thành Socrates.


Lê Dọn Bàn tạm dịch  – bản nháp thứ nhất
(Apr/2010)
(còn tiếp…)



[1] Sophists: những người có học thức, triết gia, tại thành Athens, đặc biệt trong thời của Socrates và Plato, họ sống bằng nghề dạy học, từ thành này qua thành khác, đặc biệt dạy các môn “ăn khách” thời đó như môn tu từ, thảo luận và hùng biện.
Vì sự mô tả và phê phán của Plato trong Gorgias và Protagoras, “sophist” đã hàm nghĩa xấu – hiểu là những người không ngay thẳng, đáng ngờ về đạo đức, và nói chung trong dạy học, dùng ngôn ngữ lươn lẹo, không vững chắc, có phần kém lương thiện trí thức.
Đáng tiếc, không có tài liệu nào trực tiếp của họ còn xót lại, để đánh giá cho công bằng. Thí dụ, một điểm đáng chú ý là trường học (về hùng biện) của họ mở của với tất cả mọi người, trái lại của Socrates và Plato chỉ mở ra với một số ít, được lựa chọn. (Điều này, hai thày trò Socrates và Plato lên án họ là bọn tham tiền, nhận học trò bừa bãi)
[2] Homeric age – thời cổ đại Hylạp – phản ảnh trong IliadOdyssey, đó là thời đại trước khi có trận chiến thành Troy, thế kỷ 12 TCN.
[3] Tên khu rừng cây nằm ngoài thành cổ Athens, là địa điểm của trường dạy triết học nổi tiếng của Plato, từ thế kỷ 4 TCN.
[4] Paganism – chỉ chung tất cả những học thuyết, tôn giáo, tín ngưỡng, và văn hóa, phong tục nằm ngoài, và không thuộc vào ba tôn giáo độc thần Ki tô, Islam và Dothái.
[5] Justinian (Justiniānus) (c. 482–565), Hoàng đế Lamã tại Constantinople, người sùng đạo Kitô, đã đóng cửa các trường ngoại giáo tại Alexandria và Athens.
[6] Aspasia: được miêu tả là một trong số những phụ nữ đẹp nhất, và có học thức của thời đại, Aspasia trở thành vợ của Pericles, nhà lãnh đạo củaAthens dân chủ.
[7] Chỉ những đối tượng trên bầu trời – celestial bodies, các tinh thể.