Tương lai của một Ảo tưởng
The Future of an Illusion
Sigmund Freud
VI
Tôi nghĩ rằng chúng ta đã sửa soạn đầy đủ cho đường đi đến một câu trả lời cho cả hai câu hỏi này. Nó sẽ được tìm thấy nếu chúng ta chuyển sự chú ý của chúng ta sang nguồn gốc tâm lý của những ý tưởng tôn giáo. Những ý tưởng tôn giáo này, chúng được đưa ra như những giáo lý, chúng không phải là những kết tinh của kinh nghiệm, hoặc kết quả sau cùng của suy nghĩ: chúng là những ảo tưởng, những đáp ứng cho những mong muốn lâu đời nhất, mạnh nhất và cấp thiết nhất của nhân loại. Bí mật về sức mạnh của chúng nằm trong sức mạnh của những mong muốn này. Như chúng ta đã biết, ấn tượng hãi hùng về sự bất lực, trạng thái không được giúp đỡ ở trẻ em đã làm dấy lên nhu cầu được bảo vệ - vì sự bảo vệ qua thương yêu – vốn đã được người cha cung cấp, và sự nhìn nhận rằng sự bất lực này kéo dài suốt đời đã làm cho có nhu cầu để bám víu vào sự hiện hữu của một người cha, nhưng lần này là một người mạnh hơn nhiều. Như thế, luật về nhân từ của một đấng Thần linh Phù hộ [1] làm lắng xuống sợ hãi của chúng ta về những nguy hiểm của đời sống; việc thiết lập một trật tự toàn thế giới về đạo đức, đảm bảo thực hiện những đòi hỏi của công lý, vốn chúng vẫn thường chưa được thực hiện trong văn minh con người; và sự kéo dài hiện hữu trần gian trong một đời sống tương lai đem lại không gian và thời gian trong đó những ước-muốn-mong-thành sẽ diễn ra. Những trả lời cho những câu đố bí ẩn, vốn chúng cám dỗ sự tò mò của con người, chẳng hạn như vũ trụ đã bắt đầu thế nào, hoặc liên quan giữa thể xác và não thức là gì, được phát triển phù hợp với những giả định cơ bản của hệ thống này. Nó là một sự cứu trợ, làm vơi gánh nặng rất lớn với tâm lý cá nhân, nếu những cuộc xung đột của tuổi thơ của nó phát sinh từ mặc cảm với người cha – những xung đột mà nó không bao giờ hoàn toàn vượt qua được – đã được loại bỏ khỏi tâm lý cá nhân, và đưa ra một giải pháp vốn được chấp nhận phổ quát.
Khi tôi nói rằng những điều này đều tất cả là những ảo tưởng, tôi phải định nghĩa nội dung của từ này. Một ảo tưởng không phải cùng là một điều như một sai lầm, cũng không tất yếu phải là một sai lầm. Aristotle tin rằng loài sâu bọ sinh ra từ phân (một tin tưởng mà người dốt vẫn còn bám vào) là một sai lầm; cũng thế, tin tưởng của một thế hệ những y sĩ trước đây rằng chứng tabes dorsalis [2] là kết quả của sự quá độ tình dục, là một sai lầm. Sẽ là không đúng nếu gọi những sai lầm này là những ảo tưởng. Nhưng về một mặt khác, nó là một ảo tưởng của Columbus khi ông cho rằng đã tìm ra một đường biển mới đưa đến India. Phần mong muốn của ông đóng một vai rất rõ ràng trong sai lầm này. Người ta có thể mô tả như một ảo tưởng sự khẳng định của một số người theo chủ nghĩa dân tộc rằng Ấn-Đức [3] là chủng tộc duy nhất có khả năng có văn minh; hay tin tưởng, vốn đã chỉ bị phá hủy bởi phân tâm học, rằng trẻ em là những sinh vật mà không có tình dục. Đặc tính của những ảo tưởng là chúng bắt nguồn từ những mong ước của con người. Trong chiều hướng này chúng đến gần với những huyễn tưởng tâm thần. Nhưng chúng cũng có những khác nhau nữa, ngoài sự kiện là những huyễn tưởng có những cấu trúc phức tạp hơn [4]. Trong trường hợp của những huyễn tưởng, chúng ta nhấn mạnh như điều thiết yếu là tư cách mâu thuẫn với thực tại của chúng. Ảo tưởng không nhất thiết phải là sai lầm – đó là nói rằng, không thể hiện thực được, hoặc mâu thuẫn với thực tế. Lấy thí dụ, một cô gái tầng lớp trung lưu có thể có ảo tưởng rằng một ngày nào đó, một hoàng tử sẽ đến và cưới cô ấy. Điều này có thể có được, và một vài trường hợp như vậy đã thực xảy ra. Nhưng rằng một đấng Cứu thế sẽ hiện ra và rồi lập nên một thời đại hoàng kim là có rất ít khả năng hơn nhiều. Cho dù một người phân loại niềm tin này như là ảo tưởng hay là một cái gì đó tương tự như huyễn tưởng sẽ tùy thuộc vào thái độ cá nhân của một người. Những thí dụ về những ảo tưởng vốn đã được chứng minh là sự thật thì không dễ tìm thấy, nhưng ảo tưởng của những nhà giả kim thuật rằng tất cả những kim loại có thể được chuyển thành vàng có thể là một trong số chúng. Mong ước có một lượng lớn vàng, thật nhiều vàng đến mức nhiều nhất có thể có được, nó là sự thật, đã bị suy giảm một mức khá nhiều vì kiến thức hiện nay của chúng ta về những yếu tố của sự giàu có, nhưng hóa học không còn xem việc biến hóa những kim loại thành ra vàng như là điều không thể được. Thế nên, chúng ta gọi là một tin tưởng là một ảo tưởng khi một thỏa-mãn-ước muốn [5] là một yếu tố nổi bật trong những động lực của nó, và khi làm như vậy chúng ta không đếm xỉa gì đến quan hệ của nó với thực tại, đúng như ảo tưởng tự thân nó bất cần đến sự xác minh.
Vậy nên, sau khi đã nhận phương thế của chúng ta, chúng ta hãy cùng trở lại một lần nữa với câu hỏi về những học thuyết tôn giáo. Bây giờ chúng ta có thể lập lại rằng tất cả chúng đều là ảo tưởng và không có khả năng để được chứng minh. Không ai có thể bị bắt buộc phải nghĩ rằng chúng là đúng thực, phải tin vào chúng. Một số trong chúng là hết sức không có thể xảy ra được, hết sức không thuận hợp với tất cả mọi thứ chúng ta đã dày công tốn sức khám phá ra về thực tại của thế giới, rằng chúng ta có thể so sánh chúng - nếu chúng ta chịu nhìn cho đúng về những khác biệt tâm lý – với những huyễn tưởng. Về giá trị thực tại của hầu hết chúng, chúng ta không thể phán đoán được, đúng như chúng không thể được chứng minh, vì vậy chúng không thể bị bác bỏ. Chúng ta vẫn còn biết quá ít để thực hiện một cách tiếp cận phê phán đối với chúng. Những câu đố hiểm hóc về vũ trụ chỉ tự hiển lộ ra từ từ với sự điều tra của chúng ta, có rất nhiều câu hỏi mà khoa học ngày nay không có thể trả lời. Nhưng công trình khoa học là con đường duy nhất có thể dẫn chúng ta đến một kiến thức về thực tại bên ngoài chúng ta. Một lần nữa nó chỉ đơn thuần là một ảo tưởng để mong đợi bất cứ điều gì từ trực giác và nội quán, chúng không có thể cho chúng ta không bất-cứ-gì ngoài những cá biệt đặc thù về cuộc sống tinh thần của chúng ta, vốn khó có thể diễn giải, không bao giờ có bất kỳ thông tin nào về những câu hỏi mà học thuyết tôn giáo tìm thấy là quá dễ dàng để trả lời. Nó sẽ là láo xược để cho sự tùy tiện riêng của một người sẽ bước đóng vai thay thế, và theo như ước định cá nhân của một người, tuyên bố phần này hay phần kia của hệ thống tôn giáo là được chấp nhận được nhiều hơn hay ít hơn. Những câu hỏi như vậy là quá quan trọng để làm như thế, chúng có thể được gọi là quá thiêng liêng.
Tại điểm này người ta chắc có gặp một phản đối. “Vậy thì, nếu ngay cả những người hoài nghi sắt đá thừa nhận rằng những khẳng định của tôn giáo không thể dùng lý trí để bác bỏ, tại sao tôi không nên tin vào chúng, bởi vì có quá nhiều đứng về phía chúng - truyền thống, sự đồng ý của loài người, và tất cả những an ủi chúng đem lại cho?”. Thực vậy, tại sao không? Cũng như không ai có thể bị buộc phải tin, do đó, không ai có thể bị buộc phải không tin. Nhưng đừng để chúng ta hài lòng với lừa dối tự chúng ta rằng những lập luận như thế này đưa chúng ta tiến dọc theo con đường của tư duy chính xác. Nếu đã từng có một trường hợp của một bào chữa khập khễnh, chúng ta có nó ở đây. Ngu tối không hiểu biết là ngu tối không hiểu biết, không có quyền nào để tin được bất cứ điều gì có thể bắt nguồn từ nó. Trong những vấn đề khác không có người nào có ý thức sẽ ứng xử thiếu trách nhiệm như vậy, hoặc cứ hài lòng với những nền tảng yếu đuối như thế cho những ý kiến của mình, và cho ranh giới của đời sống mà ông nhận lấy. Chỉ là trong những điều cao nhất và thiêng liêng nhất mà ông cho phép mình làm như vậy. Trong thực tế, chỉ có những nỗ lực giả vờ với chính mình hoặc với người khác là một người vẫn gắn chặt với tôn giáo, trong khi một người đã từ lâu tự cắt mình lỏng lẻo khỏi nó. Chỗ nào có những câu hỏi có liên quan với tôn giáo, người ta phạm lỗi thuộc đủ mọi loại có thể có được thuộc về giả dối và hành xử xấu trong trí thức. Những triết gia kéo căng ý nghĩa của những từ cho đến khi chúng giữ lại chẳng còn có bất cứ điều gì mang nghĩa lý ban đầu của chúng. Họ đem cái tên của “Gót” gán cho một số trừu tượng mơ hồ vốn họ đã tạo ra cho chính họ; sau khi làm như vậy, họ có thể ra đứng trước tất cả thế giới như họ là những người tin vào thần linh [6], như là những người tin vào Gót, và họ thậm chí có thể tự hào khoe khoang rằng họ đã nhận ra một khái niệm cao hơn, tinh khiết hơn về Gót, dù rằng Gót của họ bây giờ không là gì khác hơn là một cái bóng hư ảo, không thực chất và không còn có nhân cách vĩ đại đáng sợ của những học thuyết tôn giáo [7]. Những nhà phê bình vẫn dai dẳng trong việc mô tả như là “có lòng tin tôn giáo sâu sắc” cho bất cứ một ai là người thừa nhận một cảm giác vô nghĩa hoặc bất lực của con người khi đối mặt với vũ trụ, mặc dù những gì tạo nên yếu tính của thái độ tôn giáo không phải là cảm giác này, nhưng chỉ là bước tiếp theo sau nó, phản ứng với nó vốn là tìm một phương thuốc cho nó. Con người nào không đi xa hơn, nhưng khiêm nhường mặc nhận vào cái phần nhỏ nhoi mà con người đóng vai trong thế giới - một con người như vậy, trái lại, là một kẻ phi tôn giáo trong ý nghĩa đúng thực nhất của từ này.
Đánh giá thẩm định giá trị-đúng thực của những giáo lý tôn giáo không nằm trong phạm vi của cuộc điều tra này. Đó là đủ cho chúng ta rằng chúng ta đã nhận ra chúng như chúng là những ảo tưởng, trong bản chất tâm lý của chúng. Nhưng chúng ta không phải che giấu một sự kiện là điều khám phá này cũng ảnh hưởng mạnh mẽ vào thái độ của chúng ta với câu hỏi vốn nó phải xuất hiện với nhiều người là quan trọng nhất của tất cả những câu hỏi. Chúng ta biết vào khoảng những thời kỳ nào, và những giáo lý tôn giáo đã được tạo ra bởi những người thuộc loại gì. Nếu thêm vào đó, chúng ta khám phá ra những động cơ đã dẫn đến việc này, thái độ của chúng ta đối với vấn đề tôn giáo sẽ trải qua một chuyển dịch rõ rệt. Chúng ta sẽ bảo với bản thân rằng nó sẽ là rất đẹp nếu như có một Gót đã tạo ra thế giới, và đã là một đấng bảo trợ linh thiêng nhân từ, và nếu như đã có một trật tự đạo đức trong toàn vũ trụ, và có một đời-sau, nhưng nó là một sự kiện trỗi bật rất đáng chú ý là tất cả những điều này là chính xác như chúng ta rồi chắc chắn sẽ mong muốn cho nó được là. Và nó sẽ là đáng chú ý còn hơn nữa, nếu những tiền nhân của chúng ta thuở vẫn còn bất hạnh khốn khổ, dốt nát ngu tối, và bị đè nén áp bức mà đã thành công trong việc giải quyết tất cả những câu đố hiểm hóc khó khăn của vũ trụ.
Lê Dọn Bàn tạm dịch- bản nháp thứ nhất
(Mar, 2011)
(còn tiếp … )
[1] Từ riêng của đạo Kitô là “Gót quan phòng”.
[2] Tabes dorsalis is a slow degeneration of the nerve cells and nerve fibers that carry sensory information to the brain. The degenerating nerves are in the dorsal columns of the spinal cord and carry information that help maintain a person's sense of position. Tabes dorsalis is the result of an untreated syphilis infection
[3] Indo-Germanic
[4] delusion – tạm dịch là “huyễn tưởng”, còn illusion – “ảo tưởng”.
“ảo tưởng”: một ý tưởng , quan niệm, hay niềm tin sai lầm về một ai hoặc sự-vật-gì đó. Vậy “ảo tưởng” có thể có thực, không nhất định phải sai, không-thực. Nhưng sai lầm nằm trong sự diễn dịch, nhận xét, thông hiểu của chủ thể nhận thức.
“huyễn tưởng” một niềm tin sai lầm dai dẳng bất chấp những bằng chứng mâu thuẫn mạnh mẽ, đặc biệt nếu là một triệu chứng của một tình trạng bệnh tâm thần. Vậy huyễn tưởng là một-gì đó duy chỉ có trong trí não của chủ thể nhận thức mà thôi, và hoàn toàn không thực, luôn luôn sai lầm
Theo gốc Latin chúng ta có: Illusion < Lat. ludere: to play - ảo tưởng- Delusion < Lat. deludere: to play falsely – huyễn tưởng. Theo đó chúng ta thấy mức độ sai lầm ở delusion cao hơn, gần như một bệnh thần kinh.
Trong đoạn trên Freud phân biệt:
Tên gọi | Sai lầm | Mong ước |
Sai lầm | Luôn luôn sai | Không do mong ước |
Ảo tưởng | Thường sai, nhưng có khi đúng | Tất cả do mong ước mà ra |
Huyễn tưởng | Luôn luôn sai | Tất cả do mong ước mà ra |
“sai lầm” theo Freud có nghĩa là “phản nghịch với thực tại” – không thực. Ví dụ của Freud: Giả sử rằng có một cô gái thuộc tầng lớp trung lưu nuôi dưỡng niềm tin rằng một ngày nào đó, một “hoàng tử” sẽ đến và cưới cô làm vợ. Và giả sử chuyện khó xảy ra đã xảy ra: một hoàng tử đã đến thực và đã cưới cô ấy. Niềm tin là một ảo tưởng mặc dù sau cùng xảy ra trong thực tế rằng nó thành sự thật, nghĩa là, nó thuận hợp với thực tế. Nhưng nó vẫn là “ảo tưởng” dù thành sự thật. Niềm tin là ảo tưởng bởi vì sự hình thành và tồn tại của nó có nguồn gốc từ sự mong ước mãnh liệt của cô gái.
Trong chữ Tàu – Cùng một chữ “幻” - vừa đọc là ảo và huyễn (ThiềuChửu) - nghĩa phổ thông là:
- Ảo: “Dối giả, làm giả mê hoặc người” - như CungOán NK: “Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy, Kiếp phù sinh trông thấy mà đaụ - Trăm năm còn có gì đâu, Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì!”.
- Huyễn: “Giả mà làm hệt như thực gọi là huyễn". - như một câu trong kinh Kim Cương (金剛經) : 一切有爲法如夢幻泡影: “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”.
(Một từ khác - 眩 huyễn – bộ mục – hoa mắt)
Ảo tưởng là một nhiễu loạn tri thức, trong khi huyễn tưởng là một sự nhiễu loạn niềm tin (An illusion is a perceptual disturbance, while a delusion is a belief disturbance).
Khi Freud nói một tin tưởng là một ảo tưởng, ông nhấn mạnh vào nguồn gốc hay xuất xứ tâm lý của nó: nó ra đời từ sự thỏa mãn một mong muốn. Vậy tính cách tâm lý là những gì làm cho một niềm tin là ảo tưởng, là sự xuất phát của nó từ một mong muốn. Thế nên, theo Freud, tôn giáo, trong đó có Gót, là một ảo tưởng, vì đến từ mong muốn có một người cha bảo bọc, phát sinh từ tâm lý trẻ con, đã kéo dài qua tuổi trưởng thành.(Nhưng đến gần đây, Dawkins - một tác giả hiện đại, đã lên án “Gót là một huyễn tưởng”, theo nghĩa lừa dối, không thưc và có tác dụng sai lạc, tai hại)
[5] Wish-fulfillment - từ tâm lý - sự thỏa mãn một mong muốn hay sự giải tỏa một bức xúc tình cảm qua những tiến trình như mơ ngủ, mơ ngày, hay những triệu chứng thần kinh.
[6] Deist – deism – những người tin có thần linh tối cao (Gót) tạo ra vũ trụ nhưng rồi bỏ mặc vũ trụ đó.
[7] Gót:
a. Gót và vũ trụ/con người: Nhiều cách nhìn khác nhau:
- Pantheism - Gót là là vũ trụ - là tự thân thiên nhiên (Phiếm thần) - pantheism, Quan điểm cho Gót đồng nhất với tất cả mỗi sự-vật (God is identical with everything).
- Panentheism - Gót bao gồm trong tất cả vũ trụ, nhưng không chỉ là vũ trụ, là phần hồn, bản thế của vũ trụ. Quan điểm cho Gót ở trong tất cả sự-vật (God is in all things). Spinoza là một người pantheist nổi danh nhất trong triết học phương Tây. Một người khác là Hegel đôi khi được xem như pantheist vì ông đồng nhất God với toàn bộ hữu thể (the totality of being).
- Deism – Gót tạo ra vũ trụ, nhưng vũ trụ tự vận hành, phủ nhận “mặc khải” tôn giáo. Gót ở đây giống như một ông chủ đất, để những người thuê đất, những người ngụ cư sống tự do theo ý của họ.
- Theism: tin có thần linh, có gót, gồm: henotheism: chỉ có một gót, nhưng cũng công nhận có những gót khác – polytheism: nhiều gót, các gót quan trọng như nhau – monotheism: chỉ có duy nhất một Gót mà thôi. Trường hợp đa thần - thí dụ các Gót của Hylạp, hay Ấn giáo. Và độc thần, điển hình và tai tiếng nhất là Gót trong các tôn giáo Abraham – được xem là một thần linh duy nhất, tối cao - là một nhân vật tối thượng tạo ra vũ trụ, từ hư không (ex nihilo), là kẻ cung cấp nguồn cho luân lý, nghe những cầu nguyện, toàn năng, toàn trí, toàn thiện, đem cho tín đồ sự bất tử và cứu rỗi.
(Tạm tóm tắt các thuật ngữ phổ thông:
Thuyết lý – (Con người tin tưởng ra sao – có hay không, ở đâu – là gì? )
Pantheism 泛神論 phiếm thần luận
Panentheism 萬有在神論 vạn hữu tại thần luận
Deism 自然神論 tự nhiên thần luận
Theism 有神論 hữu thần luận
Atheism 無神論 vô thần luận
Tôn giáo – (thờ phụng, tôn sùng ra sao? nhiều hay chỉ một? Có các nghi thức khác nhau tùy văn hóa phát triển)
Polytheism 多神教;論,主義 đa thần giáo, luận, chủ nghĩa
Monotheism 一神教[論] nhất thần giáo [luận ]
henotheism 單一神教 đan nhất thần giáo
Henotheism – là chỉ tin một Gót, nhưng Gót ấy có nhiều dạng – thí dụ trinity trong Kitô – hay trimurty trong Hinduism với bộ ba Brahman – Shiva – Víshnu). Cả Yahweh và Indra đều nguyên thủy là những thần chiến tranh, hết sức tàn ác và hung dữ.
b. Khái niệm về Gót:
- Freud xem Gót là một phóng chiếu của thoả-mãn-ước mong về một người cha. Tương tự, Marx xem niềm tin vào Gót như thành quả, dựng lên từ cấu trúc của xã hội tư bản.
- Gót của các nhà thần học (Augustine, Boethius, Anselm), hay triết học (Descartes) – đã bị Freud phê bình:
“Những triết gia kéo căng ý nghĩa của những từ cho đến khi chúng giữ lại chẳng còn có bất cứ điều gì mang nghĩa lý ban đầu của chúng. Họ đem cái tên của “Gót” gán cho một số trừu tượng mơ hồ vốn họ đã tạo ra cho chính họ; sau khi làm như vậy, họ có thể đứng trước tất cả thế giới như họ là những người tin vào thần linh, như là những người tin vào Gót, và họ thậm chí có thể tự hào khoe khoang rằng họ đã nhận ra một khái niệm cao hơn, tinh khiết hơn về Gót, dù rằng Gót của họ bây giờ không là gì khác hơn là một cái bóng hư ảo, không thực chất và không còn có nhân cách vĩ đại đáng sợ của những học thuyết tôn giáo”
Diễn dịch ý của Freud – các nhà triết học và thần học dưới sức nặng của truyền thống văn hoá, và sự gắn bó tình cảm, cộng lẫn niềm tin tôn giáo lâu đời nên đã không thể nào bỏ được, hay không có can đảm công khai tuyên bố không tin vào Gót, đã tạo ra Gót-khái niệm. Trước “sự đã rồi” đó, họ đã tìm cách “gạn lọc” để giữ lại những gì có thể trông mong được chấp thuận. Gạn lọc những gì cho là “tinh tuý” nhất, “siêu nghiệm” nhất – bằng cách thay vì nói đến một nhân vật, một khuôn mặt; họ gắn các thuộc tính siêu hình (“metaphysical attributes”) vào Gót, thường là: giản lược, phi thời, bất biến và phi tình (simplicity, timelessness, immutability, and impassibility). Nhưng vì Gót có thể nhìn nhận là, hay ít nhất đã là nhu cầu rồi sản phẩm của đời sống nhân loại, là những gì trần tục nhất, đầy những ham muốn thế gian, những gì hèn kém yếu đuối nhất của những tình cảm rất đỗi con người – nên trên hành trình tinh luyện đó – gột rửa “quá” sạch, nên kết quả là đã đi đến những gì trừu tượng nhất, mơ hồ nhất, sau khi bỏ mất hết thực chất, nên “Gót khái niệm” không còn sức mạnh quyến rũ quần chúng nữa. Những gì những nhà thần học rao giảng, luận bàn về Gót-khái-niệm đều tương tự cùng một loại như những lời phát biểu nhất thời của những người làm nghề MC giúp vui trong các tiệc tùng, đình đám, nhạc hội... Với những người đã sẵn nghe chờ vui, hay sẵn tin, chờ thêm ý; nên khi họ nghe từng câu cũng có khi gặp dăm điều thú vị, hoặc dường như có chạm một ý thâm trầm nào đó; nhưng chỉ vụn vặt, chắp vá, nhất thời, không thành một toàn bộ có hệ thống chặt chẽ. Cũng như không ai đi chép nhặt những lời của bất kỳ một MC nào - để mong tìm trong đó một nhân sinh hay vũ trụ quan cho đời sống.
Những người đàn bà đầu quấn khăn, bịt gần hết mặt; toàn thân phủ áo dài chấm gót; những người di dân mới đến từ Trung Đông, hay bắc Phi biến động. Tôi vô tình – trong lúc dạo tìm chỗ vắng - đột nhiên thấy dăm ba người quì trước lối mình đang đi; lúc 6 giờ, một chiều nay, phủ phục trong một góc chợ thưa người, dù đang ở bắc Mỹ, nhưng hướng về Mecca, đầu chạm nền đá, hết sức thành kính. Hay những người khác gặp sáng cuối tuần, những người này có chỗ thờ phụng nguy nga, hẳn hoi rồi; lúc họ đương đi đến các synagogue, mosque, hoặc nhà thờ; y phục thuần đen, hay thuần trắng, nhưng đều trang trọng, đẹp đẽ. Gót của họ là một “nhân vật”, nếu hỏi họ - Gót ấy hết sức sống động trong “tâm linh”, nội tâm, trí tưởng, tình cảm của họ - là một khuôn mặt, một chân dung - một người “cha” đáng kính, và rất đáng sợ, và những người này trông mong nhận được yêu thương, bảo bọc, tha thứ, an ủi từ khuôn mặt đáng kính, đáng sợ đó. Khi họ ngâm nga lời kinh, phủ phục, làm dấu, đốt nến, rải hương,... Gót của họ - dù là ảo tưởng – nhưng là một “ảo tưởng” sống động. Trở về những năm xưa của riêng tôi, 10 giờ đêm ở các khu thuần Kitô: Bùi Phát, Ông Tạ, Nghĩa hoà, Tân Sa Châu - Saigon. Tất cả mọi nhà đều dừng hết mọi sinh hoạt, vì đó là giờ cầu kinh hằng đêm. Toàn gia đình, trọn xóm đạo - mọi người từ già đến trẻ, hết lòng thành kính trong những lời nguyện. Lúc ấy, những ngõ hẻm quanh co vắng tanh thành thênh thang, không ai qua lại, hết thanh niên tụ họp, hết trẻ con chơi đùa; mọi âm thanh, tiếng động, như những tiếng xe chạy, nhạc mở, radio hát, ti vi ồn ào trước đó giờ đều tắt ngấm; mọi người đều ở trong nhà mình, qua khe cửa khép, chỉ còn có giọng người rì rầm đồng xướng lúc ê lúc a, lúc bổng lúc trầm. Gót của những bà cụ răng đen, những ông lão tóc bạc, những trẻ em ngồi cạnh gối người lớn, là một “người Cha” cụ thể, hiện hình xương thịt trong tâm tưởng kính tín, để thờ chứ không phải chỉ để nghĩ.
Thế nên, Gót ‘khái niệm” của các triết gia, thí dụ Descartes, Kant, hay gần đây Paul Tillich, chẳng hạn, như một bông hoa ép khô – thường gặp nằm bất động, vô hồn giữa những trang sách - ở những cô cậu học trò thời mới lớn, tưởng biết yêu – dù vẫn là hoa nhưng đã mất hết hương, không còn nguyên sắc. Người ta giữ một đóa hoa khô, vì lịch sử của nó, hay ít nhất vì trước đó nó đã là một đoa hoa tươi đầy hương sắc, sống động. Và trong ý hướng đương bàn ở đây, theo Freud – người ta có bàn về khái niệm Gót, vì trước đó – trong quá trình hình thành của lịch sử tôn giáo của con người – đã có một gót mang hình người - một “người cha” đáng kính, “ông bố” đáng sợ, có từ sự phóng chiếu những khao khát, cầu mong – Cho đến nay và mãi mãi, Gót vẫn là chỗ hướng đến nào đó - để người ta có thể tin rằng từ cái nguồn đó, ơn có thể ban, phúc có thể phát, tội lỗi có thể xoá, đời sau tương lai có thể định đoạt... một khái niệm mà thôi – nó không thể nghe lời cầu nguyện, không thể ban ơn, không thể xóa tội, không thể hứa hẹn, không thể cứu rỗi, … Dù là một “ảnh tượng” của những người quì giữ chợ – một “chân dung” treo trên tường thánh đường cao – hay một “ý tưởng” hay “khái niệm” trong não thức nhà triết học, dù hình dạng thay đổi – cho đến muôn mặt - những trước sau vẫn là nguồn đem lại an ủi, lắng nghe cầu nguyện thầm kín, cá nhân, riêng tư nhất, nên vẫn là một “nhân vật”. Đó là yếu tính của đạo Kitô – Freud đã chỉ ra hai đặc tính vốn nó duy nhất có: quan hệ “cha-con” trong “Gót-tín đồ” – với tình cảm “yêu nhưng sợ” của nó. Người ta thường quì xuống, ngước nhìn lên, lòng kính cẩn, sợ hãi.
“Gót người cha” có trước, rồi “Gót ý niệm” thuần khiết mới đến về sau; không phải ngược lại. Quá trình tạo ra Gót như thế là quá trình thăng hoá, không phải quá trình tục hoá. Thế nên, trong tôn giáo Kitô, ở quê hương của nó là phương Tây, đang có những vận động thay đổi. Nhìn theo những người theo thuyết tiến hoá về văn hoá - Gót là một “meme” – vẫn đang tiến hoá – chưa biết hình dạng sẽ ra sao. Nhưng với Freud ở đây, quá khứ - “ông bố” – “Gót-NgườiCha” mãi mãi vẫn còn đó, nếu chúng ta đi ngược về quá khứ tâm lý nhân loại – thấy chứng tích của nó cho thấy một thời kiến thức ấu trĩ, tâm lý thơ dại của của con người lịch sử mông muội – và như thế rất nhiều câu hỏi đặt ra, với những ai vẫn không bỏ được khái niệm đó – nó có giá trị đến đâu? – có nên giữ nữa hay không - giữ lấy nó với giá nào? – và cho chúng ta, những người không có quá khứ văn hoá vốn bị nó ám ảnh đè nặng dày đặc cho đến ngộp thở như thế, trong một xã hội, nó chỉ mới được nhập cảng vốn đã không hề có chọn lựa tự do, hay bình đẳng về trí thức; nhưng chỉ tuyên truyền áp đặt một chiều với đủ mọi sức mạnh chính trị, kinh tế, và vốn nó vẫn còn là một thiểu số dù ồn ào đe doạ xã hội. Những câu hỏi cấp thiết – nó có đáng giữ hay không cho những người đã ở trong, và cho mọi người trong ngoài – nó có đáng lưu truyền quảng bá nữa hay không?
Hai khái niệm – Gót tạo ra vũ trụ từ hư không “ex nihilo”, nghĩa là Gót đứng ngoài thời gian, không gian, Gót không thuộc vũ trụ này - và trong tín ngưỡng (như Kitô), Gót có tương quan “cha-con” với tín đồ - thậm chí Gót còn cho “con” mình xuống trần chẳng hạn,...Những khái niệm này hoàn toàn không có, và tuyệt đối xa lạ với các khái niệm vẫn đã gắn sẵn với Trời, Thượng đế, Chúa,... có từ trước, trong văn hoá, tư tưởng Việt, nên “Gót” là Gót – tôi không dịch được, vì cho công bằng, không có từ Việt tương đương nào – Trời của người Việt - gần với quan niệm Pantheism chung của nhân loại – Thượng đế, hay Chúa trời – nôm na thường hiểu và đúng thực như thế - là một ông vua trị vì trên thiên đình, là một vị chúa tối thương trên cao, ... Vậy các từ này – vua trên trời cao, chúa trên trời - tương đương với ông vua, vị chúa dưới trần gian - nhưng chúng không mang những ý niệm kể trên - nhất là hai ý niệm hết sức đặc biệt – tạo thiên lập địa nhưng đứng ngoài thiên địa “ex nihilo” – và quan hệ chặt chẽ, cụ thể “cha-con” với con người.
Mượn Freud, chúng ta có thể nói “thượng đế” là sự phóng chiếu của một ông vua từ trần gian lên trời cao. Như thế, thượng đế với con người, cũng như vua với dân chúng, có tương quan khá xa, và ai có việc nấy, phép nước vua giữ, luật trời, trời lo, còn con người, những người Việt sau luỹ tre xanh của họ, có một “tiểu triều đình” với các ông lý ông xã lo việc làng, nên họ theo lệ làng. Trời của họ có lẽ gần với loài vật, nghĩa là với thiên nhiên (pantheism) - hơn với con người. Nên chuyện đã kể rằng - khi trời quên không mưa – họ đã nhờ cóc lên hỏi. Như thế, trời của người Việt có loài cóc hiểu về ông ta nhiều hơn – nó biết ý ông vua trên cao ấy – Thượng đế - nên người ta dạy trẻ con nên để ý - khi thấy nó nghiến răng (đó là nó sửa soạn sắp được một bữa ăn no nê – khi côn trùng bay ra trước cơn mưa bão sắp đến) - là nó báo “trời” sắp mưa. Với tâm lý thực tiễn và hiểu biết thô thiển nhưng rất duy vật và duy nghiệm của người Việt, chúng ta biết con cóc có “họ hàng” với Trời của chúng ta – ông Trời, nếu dùng danh xưng cho văn vẻ, Thượng đế – gọi nó bằng cậu – vậy là Thượng đế có họ về bên ngoại với loài cóc. Chưa kể cóc và các bạn của nó - toàn là các con vật thông thường - có thể ”náo loạn” nhà trời đã không mấy khó khăn, vậy Trời của người Việt cũng không ghê gớm gì cho lắm!.
Trước đây - khi dịch Russell - Có Gót hay không - Tôi đã băn khoăn, không thể dịch Gót thành Thượng đế như các nhà truyền đạo Kitô mong muốn, vì lý do học thuật (có lẽ họ cũng có người đã từng băn khoăn như tôi – nên đã có cố gắng ban đầu dịch là “thiên chủ”, chứ không là “thượng đế”). Thế nên, tôi đề nghị và giữ nguyên từ “God” – đọc là “gót” - thay vì dịch là Thượng Đế (Trời, Tạo Hóa), hay xa hơn chúa Trời – vì cả hai từ này – và tất cả các từ tương tự khác có trong Việt, hay Tàu - đều không hề có chứa khái niệm ”Ex nihilo” (Latin, “out of nothing”) – là khái niệm chủ yếu trong nội dung từ “God” của các tôn giáo Abraham, như đã nói trên. Trong tư tưởng phương Tây, God tạo ra vũ trụ từ hư không, chủ thể này, nếu giả định là có đi nữa, thì ở ngoài vũ trụ này. Trong khi đó, ở phương Đông, Tàu, Ấn và Việt, các vị như Trời, Thượng đế, Brahman,… đều ”thuộc” vào vũ trụ này, ở trong vũ trụ này cùng với con người, dù khác biệt gì gì đi nữa - Nếu gọi vũ trụ này là một tập hợp U (Universal set) – God không phải là một phần tử của U - theo định nghĩa của tôn giáo phương Tây. Còn Trời, Thượng đế, Thiên đế, Brahman,…đều là phần tử - dù đặc biệt - của tập hợp vũ trụ U này ”.
Trở lại với ”ảo tưởng” của Freud, với ”cháu gọi cóc bằng cậu” vẫn có của người Việt, nên tôi không dịch Gót là Trời, hay Thượng đế. Đó không chỉ là công bằng nhưng còn là kính trọng.