Sunday, February 14, 2010

Bertrand Russell - Bertrand Russell - Những Vấn đề của Triết học (2)

Những Vấn đề của Triết học

The Problems of Philosophy
Bertrand Russell







Chương II. Hiện hữu của Vật Chất

Trong chương này chúng ta phải tự hỏi chúng ta, dẫu theo nghĩa nào đi nữa, không biết có một thứ như thế là vật chất không. Có hay không một cái bàn, nó có một bản chất nội tại nào đó, và nó tiếp tục hiện hữu trong lúc tôi không nhìn, hay phải chăng cái bàn chẳng qua chỉ là một sản phẩm của sự tôi tưởng tượng, một cái bàn-trong-mơ trong một giấc mơ đã kéo rất dài? Câu hỏi này là quan trọng bậc nhất. Vì nếu chúng ta không thể chắc chắn về sự hiện hữu độc lập của các đối tượng, chúng ta không thể chắc chắn về sự hiện hữu độc lập của thân thể những người khác, và như thế vẫn còn chưa kể não thức[1] của những người khác, bởi vì chúng ta không có nền tảng để tin vào não thức của họ, ngoại trừ như đã suy diễn ra được từ quan sát thân thể họ. Thành ra, nếu chúng ta không thể chắc chắn về sự hiện hữu độc lập của các đối tượng, chúng ta sẽ bị bỏ lại chơ vơ một mình giữa sa mạc – có thể toàn thể thế giới bên ngoài là không gì cả nhưng chỉ một giấc mộng, và rằng chúng ta hiện hữu một mình. Đây là một điều có thể, dẫu không thoải mái; nhưng mặc dù không thể hoàn toàn chứng minh được nó là sai, không có một lý do dẫu cực yếu nào để giả định rằng điều này là đúng. Trong chương này, chúng ta phải xem tại sao đây là trường hợp như thế.



Trước khi chúng ta dấn mình vào những nội dung nghi ngờ, chúng ta hãy gắng tìm một vài điểm, ít hay nhiều cố định hơn, để bắt đầu từ đấy. Mặc dù chúng ta đang nghi ngờ sự hiện hữu vật lý của cái bàn, chúng ta không đang nghi ngờ hiện hữu của dữ liệu-giác quan vốn làm chúng ta nghĩ đã có một cái bàn; chúng ta không nghi ngờ rằng, đương khi chúng ta nhìn, một màu hay một dạng nào đó xuất hiện với chúng ta, và khi chúng ta ấn, chúng ta kinh nghiệm một cảm giác về rắn chắc nào đó. Tất cả những điều này, chúng có tính cách tâm lý chúng ta hiện không đem ra tra hỏi Thực sự, bất cứ điều nào khác có thể bị ngờ vực, ít nhất một vài những kinh nghiệm trực tiếp của chúng ta xem ra tuyệt đối chắc chắn.


Descartes (1596-1650), người đặt nền cho triết học hiện đại, đã phát minh ra một phương pháp có thể vẫn còn dùng cho được ích lợi – phương pháp nghi ngờ một cách hệ thống. Ông đã nhất quyết sẽ tin không gì hết, nếu như ông đã không xem thấy thật rõ ràng và dứt khoát là đúng. Bất cứ điều gì ông có thể khiến chính mình nghi ngờ, ông sẽ nghi ngờ, cho đến khi ông đã thấy được lý do để thôi không ngờ nó nữa. Bằng cách áp dụng phương pháp này, ông đã trở nên dần dần bị thuyết phục rằng chỉ có duy nhất một hiện hữu ông có thể hoàn toàn chắc chắn về nó, là hiện hữu của chính ông. Ông đã tưởng tượng có một con quỉ chuyên lừa dối, nó đã diễu bày những điều không thực trước những giác quan ông, trong một chuỗi bất tận ảo ảnh [2]; là điều rất khó có thể rằng một con quỉ như thế đã có thực, nhưng cũng vẫn đã có thể nó có, và như thế sự nghi ngờ liên quan với những sự việc nhận biết bằng các giác quan là có thể có được.

Nhưng ngờ vực liên hệ đến chính sự hiện hữu của ông thì đã không thể có được, vì nếu như ông đã không hiện hữu, không con quỉ nào đã có thể lừa dối được ông. Nếu ông đã nghi ngờ, ông phải hiện hữu; nếu như ông đã có bất kỳ kinh nghiệm nào đi nữa, ông phải hiện hữu. Theo cách đó, sự hiện hữu của chính ông đã là một chắc chắn tuyệt đối với ông. “Tôi nghĩ, thế nên tôi hiện hữu”, ông đã nói (Cogito, ergo sum); và trên cơ sở của sự chắc chắn này, ông bắt đầu hăng hái làm việc, xây dựng lại thế giới kiến thức vốn sự ngờ vực của ông đã xô ngã. Bằng cách nghĩ ra phương pháp hoài nghi, và bằng cách cho thấy những sự việc chủ quan là chắc chắn nhất. Descartes đã thực hiện một dịch vụ lớn lao cho triết học, và là một dịch vụ khiến ông vẫn còn hữu dụng với tất cả sinh viên của môn học.

Nhưng một vài thận trọng cần thiết trong khi xử dụng luận chứng của Descartes. “Tôi nghĩ, thế nên tôi hiện hữu” nói có phần quá hơn là chắc chắn hoàn toàn. Nó có lẽ đã xem dường như chúng ta dẫu sao đã hoàn toàn chắc chắn là cùng một người ngày hôm nay, như chúng ta đã là ngày hôm qua, và điều này không ngờ gì rằng đúng trong một vài nghĩa nào đó. Nhưng Tự Ngã thực thì cũng khó khăn đạt đến như cái bàn thực, và xem ra không có cái tuyệt đối, quả quyết chắc chắn như chúng thuộc về những kinh nghiệm đặc thù. Khi tôi nhìn cái bàn của tôi, và thấy một màu nâu nào đó, cái điều hoàn toàn chắc chắn tức thì, là không phải “tôi đang thấy một màu nâu” nhưng đúng ra là, “một màu nâu đang được xem thấy”. Điều này dĩ nhiên liên hệ với một điều gì đó (hay ai đó) mà nó (hay mà người ấy) nhìn thấy màu nâu; nhưng điều này không tự chính nó hàm chứa rằng ít hay nhiều một cá nhân không thay đổi, liên tục, người mà chúng ta gọi “Tôi”. Theo trong mức của sự chắc chắn ngay lập tức có được, nó có thể là cái gì đó, cái nó-đó nhìn thấy màu nâu thì hoàn toàn nhất thời, và không cùng là một với cái gì đó nó có một vài kinh nghiệm khác trong giây phút kế tiếp.

Thế nên, chính là những suy nghĩ và cảm xúc đặc thù của chúng ta, chúng có sự chắc chắn sơ khai. Và điều này áp dụng vào những giấc mơ và những huyễn giác, như thêm vào với những nhận thức bình thường: khi chúng ta mơ, hay chúng ta thấy một bóng ma, chúng ta thực có một cách chắc chắn những cảm giác chúng ta nghĩ chúng ta có, nhưng vì nhiều lý do khác loại, đã hiểu không có đối tượng vật lý nào tương ứng với những cảm giác này cả. Thế nên, sự chắc chắn trong kiến thức của chúng ta về những kinh nghiệm riêng của chúng ta, không phải bị giới hạn trong bất cứ cách nào để cho phép với những trường hợp ngoại lệ. Ở đây như thế, chúng ta có, với dẫu giá nào của nó, một cơ sở chắc chắn, từ đó bắt đầu sự truy tầm kiến thức của chúng ta.

Vấn đề chúng ta phải xét nghiệm là như vầy: Giả thiết là chúng ta chắc chắn về những dữ liệu-giác quan của chúng ta, chúng ta có bất cứ lý do nào không để xem chúng là những dấu hiệu của sự hiện hữu của một cái gì đó khác, mà chúng ta có thể gọi là đối tượng vật lý? Khi chúng ta đã liệt kê tất cả những dữ liệu-giác quan mà chúng ta tự nhiên nên xem như có liên hệ với cái bàn, phải chăng chúng ta đã nói tất cả ở đó, là nói về cái bàn, hay còn vẫn còn có một cái gì khác nữa – một cái gì đó không là một dữ liệu-giác quan, một cái gì đó nó cứ tiếp tục khi chúng ta đi ra khỏi phòng? Nghĩa lý thông thường trả lời không ngần ngừ rằng có đấy. Cái gì đã có thể mua được, và bán được, và đã đẩy đi được, và có một tấm khăn vải phủ trên nó, và vân vân, không thể chỉ đơn giản một tụ hợp của dữ liệu-giác quan. Nếu như khăn vải dấu kín hết trọn cái bàn, chúng ta sẽ rút ra không dữ liệu-giác quan nào từ cái bàn, và như thế, nếu như cái bàn chỉ đơn giản là dữ liệu-giác quan, nó sẽ phải thôi không tồn tại, và tấm khăn phủ sẽ treo trong không gian rỗng không, nằm nghỉ trên, bằng một phép lạ, chỗ nơi cái bàn trước đây đã là. Điều này trắng trợn phi lý; nhưng ai muốn trở thành một triết gia phải học đừng bị sợ hãi trước những điều phi lý.

Một lý do lớn tại sao lại cảm thấy rằng chúng ta phải bảo đảm một đối tượng vật lý, cộng thêm với những dữ liệu-giác quan, là chúng ta muốn vẫn cùng một đối tượng với mọi người khác nhau. Khi mười người đang ngồi quanh một bàn dùng bữa tối, xem ra lố bịch để khăng khăng rằng họ đang không nhìn thấy cùng một cái khăn bàn, cùng những cái dao, và nĩa, và thìa, và cốc uống. Nhưng dữ liệu-giác quan là riêng tư của mỗi người tách biệt; cái gì liền lập tức có ngay với thị giác của một người thì không liền lập tức có ngay với thị giác của một người khác: tất cả họ đều nhìn những sự vật từ những điểm nhìn hơi khác nhau, và do đó thấy chúng có hơi khác nhau. Thế nên, nếu như có những đối tượng trung lập công cộng, nó có thể trong một vài nghĩa nào đó, được nhiều người khác biệt biết đến, phải có một điều gì đó khác ngoài cái dữ liệu-giác quan riêng tư và cá biệt nó hiện ra với nhiều người. Lý do nào, rồi lúc ấy, chúng ta có để tin rằng có những đối tượng trung lập công cộng như thế?

Câu trả lời đầu tiên xảy ra một cách tự nhiên với một người là, mặc dù nhiều người khác biệt có thể thấy cái bàn một cách hơi khác nhau, họ vẫn đều thấy hơn hay kém những sự việc tương tự khi họ nhìn cái bàn, và sự biến đổi trong những gì họ thấy, tuân theo những luật phối cảnh và sự phản chiếu ánh sáng, như thế dễ dàng đi đến một đối tượng thường trực lâu dài nằm dưới tất cả những dữ liệu-giác quan của những người khác biệt. Tôi đã mua cái bàn của tôi từ người trước đây ngụ ở phòng này của tôi. Tôi đã không thể mua dữ kiện giác quan của ông ta, vốn đã chết khi ông đã rời đi xa, nhưng tôi có thể và đã mua sự tự tin trông đợi vào rồi chắc sẽ có ít hay nhiều dữ liệu-giác quan tương tự. Thế nên, là một sự kiện rằng những người khác biệt có dữ liệu-giác quan tương tự, và rằng một người trong một chỗ được chỉ định, ở những thời điểm khác nhau có dữ liệu-giác quan tương tự giống nhau, khiến cho chúng ta giả định rằng thêm ngoài khác dữ liệu-giác quan, có một đối tượng công cộng thường trực lâu dài, nó nằm dưới làm nền, hay là nguyên nhân những dữ liệu-giác quan cho nhiều người khác biệt trong những thời khác biệt.

Bây giờ, trong chừng mức những suy nghĩ kể ở trên tùy thuộc vào giả định rằng có những người khác (tha nhân) bên cạnh chúng ta, chúng nài xin cùng một câu hỏi của vấn đề. Những người khác được trình bày với tôi bằng những dữ liệu-giác quan nào đó, như hình dạng họ, hay tiếng động của giọng nói họ, và nếu như tôi đã không có lý do để tin tưởng rằng đã có những đối tượng vật lý độc lập với những dữ liệu-giác quan của tôi, tôi đã sẽ không có lý do để tin rằng tha nhân hiện hữu trừ khi là phần của giấc mơ của tôi. Thế nên, khi chúng ta cố gắng trình bày là phải có những đối tượng độc lập với những dữ liệu-giác quan của chúng ta, chúng ta không thể trông thể kêu gọi sự làm chứng của người khác, với vì sự làm chứng này tự nó lại gồm trên những dữ liệu-giác quan, và chúng không tiết lộ những kinh nghiệm của người khác, trừ khi dữ liệu-giác quan của riêng chúng ta là những dấu hiệu của những sự vật hiện hữu độc lập với chúng ta. Thế nên chúng ta phải, nếu có thể được, tìm ra, trong những kinh nghiệm thuần túy riêng tư của riêng chúng ta, những đặc tính chúng trình bày, hay có khuynh hướng trình bày, rằng trong thế giới có những sự việc khác ngoài chúng ta và kinh nghiệm riêng tư của chúng ta.

Theo một ý hướng, chúng ta phải thú nhận chúng ta không bao giờ chứng minh được sự hiện hữu của những điều gì khác hơn ngoài chúng ta và những kinh nghiệm của chúng ta. Không có phi lý lôgích như hậu quả từ giả thuyết rằng thế giới bao gồm chính tôi và những suy tưởng, và những tình cảm, và những giác quan của tôi, và tất cả những gì khác chỉ đơn giản là tưởng tượng. Trong những giấc mơ, một thế giới rất phức tạp có thể xem dường như có mặt, và ấy vậy khi tỉnh giấc chúng ta tìm thấy nó đã là một ảo giác; như thế là nói rằng, chúng ta tìm thấy dữ liệu-giác quan trong giấc mộng xem ra đã không tương ứng với những đối tượng vật lý như thể chúng ta đã nên tự nhiên luận ra từ những dữ liệu-giác quan của chúng ta. (Đúng thực rằng, một khi giả định có một thế giới vật lý, là điều có thể để tìm thấy những nguyên nhân vật lý cho các dữ liệu-giác quan trong những giấc mộng: một cánh cửa đập, thí dụ, có thể là nguyên nhân chúng ta mơ một đụng độ hải chiến. Nhưng dẫu rằng, trong trường hợp này, có một nguyên nhân vật lý cho các dữ liệu-giác quan, không có một đối tượng vật lý tương ứng với dữ liệu-giác quan theo cách thức sẽ ứng hợp với một trận hải chiến thực sự trong đó). Không có sự không-thể-có về lôgích khi giả định toàn thể đời sống là một giấc mộng, trong đó tự chúng ta sáng tạo thành tất cả những đối tượng đi đến trước mặt chúng ta. Nhưng mặc dù điều này không phải là bất khả về mặt lôgích, tuyệt không có bất kỳ một lý do nào giả định điều này là đúng; và trong thực tế, nó là một giả thuyết kém đơn giản, được xem như một cách kết toán cho những sự kiện của đời sống riêng của chúng ta - hơn là cái giả thuyết của ý thức thông thường [3], rằng thực có đấy những đối tượng độc lập với chúng ta, hành động của chúng trên chúng ta là nguyên nhân những cảm giác của chúng ta.

Sự đơn giản đi đến trong lối giả định rằng thực có những đối tượng vật lý – thì xem thấy dễ dàng. Nếu con mèo xuất hiện ở một thời điểm tại một góc phòng, và một thời điểm khác tại một góc khác, là điều tự nhiên khi giả định rằng nó đã chuyền động từ chỗ trước qua chỗ sau, đi qua một chuỗi những vị trí ở giữa. Nhưng nếu nó chỉ không gì hơn là một tập hợp dữ liệu-giác quan, nó không thể đã từng có thể ở bất kỳ chỗ nào mà tôi đã không thấy nó ở đó; như thế chúng ta sẽ phải giả định là nó đã không hiện hữu gì cả đương khi tôi không nhìn thấy nó, nhưng thình lình đã bật ra thành một sinh vật tại một chỗ mới. Nếu con mèo hiện hữu dù tôi có hay không nhìn nó, chúng ta có thể hiểu từ kinh nghiệm của chúng ta, như thế nào nó thành ra đói ăn từ bữa này sang bữa khác; nhưng nếu nó không hiện hữu khi tôi không đương nhìn nó, xem ra lủng củng rằng đói ăn lại tăng lên trong khi không-hiện-hữu, cũng nhanh như trong khi hiện hữu. Và nếu con mèo chỉ là gồm những dữ liệu-giác quan, nó không thể thành đói ăn, bời vì không có cái đói ăn nào ngoài cái đói của riêng tôi mới có thể là một dữ liệu-giác quan cho tôi. Như thế cách biểu hiện của dữ liệu-giác quan vốn đại diện cho con mèo với tôi, mặc dù xem rất tự nhiên khi xem đó là cách biểu hiện của sự đói ăn, trở nên tận cùng không thể giải thich được, nếu chỉ xem đó không gì khác hơn là những chuyển động và thay đổi những cụm màu sắc, vốn chúng không thể có khả năng đói ăn, cũng như một khung tam giác không thể chơi túc cầu.

Nhưng khó khăn trong trường hợp của con mèo thì không thấm vào đâu so với khó khăn trong trường hợp của con người. Khi con người nói – nghĩa là – khi chúng ta nghe những tiếng động nào đó mà chúng ta kết nối với những ý tưởng, và đồng thời trông thấy những cử động nào đó của môi và những biểu hiện trên mặt – rất khó khăn để giả định rằng những gì chúng ta nghe thì không phải là sự biểu tả của một ý nghĩ, như là chúng ta biết nó sẽ là thế, nếu như chúng ta đã phát ra cùng những âm thanh như thế. Dĩ nhiên, những điều tương tự xảy ra trong những giấc mơ, trong ấy chúng ta đã nhầm lẫn về phần sự hiện hữu của tha nhân. Nhưng những giấc mộng đã đề xuất ít hay nhiều nên bởi cái chúng ta gọi là đời sống thức-tỉnh, và chúng có khả năng là nhiều hay ít được giải thích trên những nguyên tắc khoa học nếu như chúng ta giả định rằng có thực đấy một thế giới vật lý. Như thế tất cả các nguyên lý của sự đơn giản thúc dục chúng ta chấp nhận cái nhìn tự nhiên, rằng có thực những đối tượng khác ngoài hơn là chúng ta, và những dữ liệu-giác quan của chúng ta có một hiện hữu không tùy thuộc vào sự nhận biết của chúng ta về nó.

Dĩ nhiên không phải qua biện luận mà chúng ta khởi đầu đi đến tin tưởng của chúng ta vào một thế giới độc lập bên ngoài. Chúng ta tìm thấy tin tưởng này sẵn sàng trong chính chúng ta ngay một khi chúng ta bắt đầu hồi tưởng: nó là điều chúng ta có thể gọi là một tin tưởng bẩm sinh. Chúng ta đã hẳn sẽ không bao giờ từng được đưa đến tra hỏi tin tưởng này, chỉ trừ ra sự kiện là, dù với bất cứ chừng mức nào, như trong trường hợp của thị giác, xem ra nếu như thể là cái dữ liệu-giác quan, một cách bản năng chính nó đã được tin tưởng là đối tượng độc lập, trong khi ấy trái lại, biện luận cho thấy đối tượng không thể bị là đồng nhất với cái dữ liệu-giác quan. Sự khám phá này, tuy nhiên - nó hoàn toàn không nghịch lý chút nào trong trường hợp của khẩu giác, khứu giác và thính giác, và chỉ hơi một chút như thế trong trường hợp của xúc giác – để nguyên lại sự tin tưởng có tính bẩm sinh của chúng ta không giảm thiểu, rằng có những đối tượng tương ứng với dữ liệu-giác quan của chúng ta. Bởi vì tin tưởng này không dẫn đến bất cứ khó khăn nào, nhưng ngược lại còn có khuynh hướng đơn giản hóa và hệ thống hóa liệt kê của chúng ta về những kinh nghiệm của chúng ta, xem ra không có lý do chính đáng nào để phủ nhận nó. Thế nên chúng ta có thể thú nhận – dù với một thoáng nghi ngờ đến từ những giấc mộng – rằng thế giới bên ngoài thực có hiện hữu, và hiện hữu của nó toàn bộ độc lập với sự tiếp tục nhìn biết của chúng ta về nó.

Luận chứng đã dẫn chúng ta tới kết luận này thì không hồ nghi là kém mạnh mẽ hơn chúng ta đã mong ước, nhưng nó là điển hình của rất nhiều những luận chứng triết lý, và do đó đáng cho chúng ta xem xét một chút, tính chất chặt chẽ và giá trị tổng quát của nó. Tất cả mọi kiến thức, chúng ta tìm thấy, phải được xây dựng dần trên những tin tưởng có tính bản năng bẩm sinh của chúng ta, và nếu như chúng bị chối bỏ, không gì còn lại nữa. Nhưng trong giữa những tin tưởng có tính bản năng bẩm sinh của chúng ta, một vài điều này mạnh mẽ hơn một vài điều khác, trong khi đó, có nhiều điều do tập quán và liên tưởng, trở nên bị cuốn kết với những tin tưởng khác, chúng không thực sự bẩm sinh, nhưng đã giả định một cách lầm lẫn là phần của những gì đã được tin một cách bẩm sinh.

Triết học nên chỉ ra cho chúng ta cái hệ thống đẳng cấp của những tin tưởng có tính bẩm sinh bản năng, bắt đầu với những gì chúng ta đã nắm giữ chặt chẽ nhất, và trình bày mỗi một chúng thật càng tách biệt, và thật càng không ràng buộc khỏi những thêm thắt không thích đáng, đến mức càng nhiều có thể được. Nó nên cẩn trọng trình bày, trong hình thức vốn chúng cuối cùng được trình bày, rằng những tin tưởng tự nhiên bản năng không va chạm mâu thuẫn, nhưng tạo thành một hệ thống hài hòa đồng điệu. Không bao giờ có thể có bất cứ lý do nào để gạt bỏ một tin tưởng bẩm sinh bản năng, trừ khi nó va chạm mâu thuẫn với những cái khác; thế nên, nếu như tìm thấy chúng hài hòa, toàn thể hệ thống trở thành xứng đáng với sự chấp nhận.

Dĩ nhiên có-thể-có, là tất cả hay bất kỳ một trong những tin tưởng của chúng ta có thể đã sai lầm, và như thế tất cả nên được ôm giữ với ít nhất một vài yếu tổ thật nhẹ của hoài nghi. Nhưng chúng ta không thể có lý do để ném bỏ một tin tưởng trừ khi trên nền tảng của một vài tin tưởng khác. Kể từ đây trở đi, khi xếp đặt các tin tưởng bản năng của chúng ta và những hệ luận của chúng, qua cách xem xét đâu trong chúng là khả hữu nhất, khi cần thiết, sửa đổi hay gạt bỏ chúng, chúng ta có thể đi đến, trên cơ bản của sự chấp nhận như là dữ liệu duy nhất của chúng ta những gì chúng ta tin tưởng một cách bẩm sinh bản năng, một tổ chức hệ thống trật tự của kiến thức chúng ta, trong đó, mặc dù có thể sai lầm vẫn còn, nhưng cơ hội của nó bị giảm thiểu vì sự hỗ tương giữa các phần, và bởi vì sự phê phán xem xét kỹ lưỡng đã đi trước chấp nhận.

Chức năng này, ít nhất, triết học có thể thực hiện. Hầu hết các triết gia, đúng cách hay sai cách, tin tưởng rằng triết học có thể làm nhiều hơn thế này - rằng nó có thể đem cho chúng ta kiến thức, mà không cách nào khác có thể đạt được, có đối tượng vũ trụ như một tổng thế, và có đối tượng bản chất cuối cùng của thực tại[4]. Không biết điều này có phải là trường hợp hay không, nhưng cái chức năng chúng ta đã nói đến khiêm tốn hơn nhiều, chắc chắn triết học có thể thực hiện được, và chắc chắn là đầy đủ, cho những ai đã một lần bắt đầu nghi ngờ sự thích đáng của ý thức thông thường, để biện chính cho những công việc gian khổ và khó khăn mà những vấn đề triết học bao hàm.














Chương III – Bản chất của vật chất

Trong chương trước chúng ta đã đồng ý, mặc dù thiếu khả năng không tìm ra được những lý do chứng tỏ, rằng là hợp lý để tin rằng những dữ liệu-giác quan của chúng ta – thí dụ, những gì chúng ta đã xem như liên hệ với cái bàn của tôi – là những dấu hiệu thực sự hiện hữu của một điều gì đó độc lập với chúng ta và với những tri giác của chúng ta. Đó là nói rằng, thêm vào bên cạnh những cảm giác về màu sắc, cứng chắc, tiếng động, và vân vân, chúng tạo thành dạng ngoài của cái bàn với tôi, tôi giả định rằng còn có một cái gì khác nữa, và từ nó những điều này là những dạng ngoài xuất hiện. Màu sắc thôi không hiện hữu nếu như tôi nhắm mắt tôi lại, cảm giác về cứng chắc thôi không hiện hữu nếu như tôi nhấc cánh tay tôi không tiếp xúc với cái bàn, tiếng động thôi không hiện hữu nếu như tôi không gõ cái bàn với khuỷu ngón tay tôi. Nhưng tôi không tin rằng một khi tất cả những điều này thôi hết, cái bàn thôi không còn. Ngược lại là khác, tôi tin rằng vì cái bàn hiện hữu một cách liên tục, thành ra tất cả những dữ liệu-giác quan này sẽ xuất hiện trở lại một khi tôi mở mắt ra, lại đặt tay, và lại bắt đầu gõ với những khuỷu ngón tay tôi. Câu hỏi chúng ta phải xem xét trong chương này là như vầy: Bản chất của cái bàn thực này là gì? nó tiếp tục một cách độc lập với nhận thức của tôi về nó.

Với câu hỏi này, khoa học vật lý cho một lời đáp, mức nào đó, hơi không hoàn toàn, nó là đúng, và phần nào hãy còn rất giả định, nhưng dẫu thế, cho đến nay, nó xứng đáng được kính trọng. Khoa vật lý, một cách vô thức, ít hay nhiều, đã dạt vào trong một quan điểm rằng tất cả những hiện tượng tự nhiên nên lược giản về chuyển động. Ánh sáng, nhiệt độ và âm thanh tất cả là bởi những chuyển động-sóng, vốn chúng du hành từ thân thể phát ra chúng, tới người thấy ánh sáng, hay cảm độ nóng, hay nghe âm thanh. Cái mà có chuyển động sóng thì hoặc là ê-the [5] hoặc là “vật chất nguyên thô” [6], nhưng dẫu trong trường hợp nào, nó là cái thứ mà nhà triết học sẽ gọi là vật chất. Thuộc tính độc nhất của nó do khoa học gán cho là vị trí trong không gian, và năng lực của chuyển động tương ứng với những định luật của chuyển động. Khoa học không phủ nhận là nó có thể có những thuộc tính khác; nhưng nếu vậy, những thuộc tính khác như thế, không hữu dụng với nhà khoa học, và không cách nào trợ giúp ông trong việc giải thích hiện tượng

Đôi khi nói rằng “ánh sáng một dạng của chuyển động sóng”, nhưng điều này là một đánh lừa, vì ánh sáng chúng ta thấy ngay lập tức, chúng ta biết trực tiếp qua các giác quan chúng ta, không phải là một dạng của chuyển động sóng, nhưng một gì hoàn toàn khác – một gì đó tất cả chúng ta đều biết nếu chúng ta không mù, mặc dù chúng ta không thể mô tả nó theo như cách để chuyển kiến thức chúng ta cho một người mù. Một chuyển động sóng, ngược lại, có thể được mô tả rất rõ ràng cho một người mù, bởi vì ông ta có thể tiếp nhận một kiến thức về không gian qua xúc giác; và ông có thể kinh nghiệm một chuyển động sóng bằng cách đi biển, cũng rõ rệt như chúng ta. Nhưng điều này, người mù có thể hiểu được, không phải là thứ chúng ta hiểu nghĩa ánh sáng: ánh sáng đúng như chúng ta hiểu nghĩa như thế, thì một người mù sẽ không bao giờ hiểu được, và chúng ta không bao giờ có thể mô tả nó được cho ông ta.

Bây giờ đây là một điều, vốn tất cả chúng ta không mù đều biết, theo như khoa học, thì không thực sự có thể tìm thấy trong thế giới bên ngoài: nó là một điều gì đó có nguyên nhân vì những sóng nhất định nào đó trên mắt, thần kinh và óc của người thấy ánh sáng. Khi nói ánh sáng những sóng, điều nó thực có nghĩa là các sóng là nguyên nhân vật lý của những cảm giác chúng ta về ánh sáng. Nhưng ánh sáng tự thân, cái điều mà người sáng thì thấy, nhưng kẻ mù thì không, thì khoa học đã không giả định là nó tạo bất kỳ phần nào của thế giới vốn độc lập với chúng ta và các giác quan chúng ta. Và những ghi nhận rất tương tự cũng sẽ áp dụng với những loại khác của những giác quan.

Không phải duy chỉ có màu sắc, và âm thanh, và vân vân nữa, đã vắng mặt khỏi thế giới khoa học về vật chất, nhưng cũng còn cả không gian như chúng ta nhận được nó qua thị giác hay xúc giác. Điều thiết yếu đối với khoa học, là vật chất của nó nên ở trong một không gian, nhưng cái thứ không gian trong nó đó, không thể là đúng y như thứ không gian mà chúng ta thấy hay cảm. Để bắt đầu, không gian như chúng ta xem thấy, không là cùng như không gian chúng ta nhận được qua xúc giác; chỉ do kinh nghiệm trong thời thơ dại chúng ta học cách sờ mó những sự vật nào chúng ta xem thấy, hay học làm sao có được một cái nhìn những sự vật chúng ta cảm thấy chạm vào chúng ta. Nhưng không gian trong khoa học thì trung lập giữa thị giác và xúc giác, thế nên nó không thể, hoặc là không gian của xúc giác, hoặc là không gian của thị giác.

Thêm nữa, những người khác nhau thấy cùng một đối tượng như có những dạng khác nhau, ứng hợp theo điểm họ nhìn. Một đồng tiền tròn, lấy thí dụ, mặc dù chúng ta luôn luôn phán quyết nó tròn, sẽ thấy hình xoan, trừ khi chúng ta thẳng ở trước nó. Khi chúng ta phán quyết nó vòng tròn, chúng ta đang phán quyết rằng nó có một hình dạng thực, không phải cái dạng ngoài, nhưng thuộc vào nó một cách bản chất, tách biệt với vẻ ngoài của nó. Nhưng cái dạng thực này, nó là điều khoa học quan tâm, phải ở trong một không gian thực, không là cùng với không gian dạng ngoài của bất cứ ai đó. Không gian thực là công cộng (chung), còn không gian dạng ngoài là riêng tư với người cảm thụ. Trong những không gian riêng tư của từng người, cùng một đối tượng xem ra có những dạng khác nhau; thế nên không gian thực, trong đó nó có dạng thực, phải khác với những không gian riêng tư. Không gian trong khoa học, thế nên, mặc dù thông nối với những không gian chúng ta thấy và cảm, thì không đồng nhất với chúng, và cách chúng thông nối đòi hỏi sự điều tra.

Chúng ta đã đồng ý tạm thời, những đối tượng vật lý không thể giống hoàn toàn như dữ liệu-giác quan của chúng ta, nhưng có thể xem như nguyên nhân các cảm giác của chúng ta. Những đối tượng vật lý này ở trong không gian của khoa học, mà chúng ta có thể gọi là không gian “vật lý”. Là điều quan trọng ghi nhận rằng, nếu những cảm giác chúng ta có nguyên nhân là các đối tượng vật lý, phải có một không gian vật lý chứa đựng những đối tượng này, và những giác quan của chúng ta, và các dây thần kinh và não bộ. Chúng ta nhận một cảm giác của xúc giác, từ một đối tượng khi chúng ta tiếp xúc với nó; đó là nói rằng, khi một vài phần của cơ thể chúng ta chiếm hữu môt chỗ trong không gian vật lý khá gần với không gian đối tượng đã chiếm hữu. Chúng ta xem thấy một đối tương (nói một cách tổng quát) khi không có một thân thể đặc dày chắn giữa đối tượng và mắt chúng ta trong không gian vật lý. Một cách tương tự, chúng ta chỉ nghe, hay ngửi, hay nếm một đối tượng khi chúng ta tới nó đủ gần, hay khi nó nếm lưỡi, hay có một vị trí thích hợp trong không gian vật lý tương đối với thân thể chúng ta. Chúng ta không thể bắt đầu phát biểu những cảm giác khác biệt nào chúng ta sẽ tìm thấy nguồn gốc từ một đối tượng cho sẵn, dưới những trường hợp khác biệt, trừ khi chúng ta xem đối tượng và thân thể chúng ta như cả hai ở trong cùng một không gian vật lý, vì chính yếu là từ những vị trí tương đối giữa đối tượng và thân thể chúng ta mà quyết định những cảm giác nào chúng ta sẽ có bắt nguồn từ một đối tượng.

Bây giờ dữ liệu-giác quan của chúng ta đã ngụ trong những không gian riêng tư của chúng ta, hoặc là không gian của thị giác, không gian của xúc giác, hay của những không gian kém rõ rệt hơn như những giác quan khác có thể đem lại cho chúng ta. Nếu, như khoa học và ý thức thông thường giả định, chỉ có một không gian vật lý công cộng bao-gồm-tất, trong đó là những đối tượng vật lý, những vị trí tương đối của các đối tượng vật lý trong không gian vật lý, phải ít hay nhiều, tương ứng với những vị trí của dữ liệu-giác quan trong những không gian riêng tư của chúng ta. Không có khó khăn khi giả định đây là trường hợp. Nếu chúng ta thấy trên một con đường, một cái nhà gần chúng ta hơn là một cái nhà khác, những giác quan khác của chúng ta sẽ mang cùng cái nhìn là nó thì gần hơn, thí dụ, nó sẽ đến (với ta) sớm hơn, nếu chúng ta đi bộ dọc theo con đường. Người khác sẽ đồng ý rằng cái nhà nhìn gần chúng ta thì gần hơn, bản đồ pháo binh sẽ có cùng cái nhìn, và như thế tất cả mọi sự việc chỉ về một liên hệ không gian giữa những cái nhà, tương ứng với liên hệ giữa dữ liệu-giác quan mà chúng ta xem thấy khi chúng ta nhìn những cái nhà. Thế nên chúng ta có thể giả định rằng có một không gian vật lý, trong đó các đối tượng vật lý có những liên hệ không gian tương ứng với những gì vốn có dữ liệu-giác quan tương ứng, trong những không gian riêng tư của chúng ta. Đây là không gian vật lý vốn nó được giải quyết trong hình học, và đã giả sử là trong vật lý và thiên văn học.

Giả sử là có không gian vật lý, và rằng như thế, nó thực tương ứng với những không gian riêng tư, chúng ta có thể biết gì về nó? Chúng ta có thể biết chỉ điều gì là đòi hỏi ngõ hầu bảo đảm sự tương ứng. Đó là nói rằng, chúng ta có thể không biết gì cả - về nó giống như thế nào - trong tự thân nó, nhưng chúng ta có thể biết cái kiểu xếp đặt những đối tượng vật lý, vốn chúng là kết quả từ những sự liên hệ không gian của chúng. Chúng ta có thể biết, lấy thí dụ, rằng mặt đất và mặt trăng và mặt trời nằm trên một đường thẳng khi có một thiên thực, mặc dù chúng ta không thể biết một đường thẳng vật lý là gì trong tự thân của nó, như chúng ta biết cái nhìn của một đường thẳng trong không gian thị giác của chúng ta. Thế nên chúng ta đi đến hiểu biết nhiều hơn về những liên hệ của những khoảng cách trong không gian vật lý hơn là về chính những khoảng cách. Chúng ta có thể biết một khoảng cách này thì dài hơn một khoảng cách khác, hay cái đó, nó ở dọc trên cùng một đường như cái kia, nhưng chúng ta không thể có cái tức thì quen biết với những khoảng cách vật lý, mà chúng ta có với những khoảng cách trong những không gian riêng tư của chúng ta, hay với màu sắc, hay với âm thanh, hay với dữ liệu-giác quan khác. Chúng ta có thể biết tất cả những điều đó về không gian vật lý mà một người mù bẩm sinh có thể biết qua những người khác về không gian của thị giác; nhưng cái loại những điều mà một người mù bẩm sinh không bao giờ có thể biết về không gian của thị giác, chúng ta cũng không bao giờ biết được về không gian vật lý. Chúng ta có thể biết những thuộc tính của những liên hệ đòi hỏi để bảo tồn sự tương ứng với dữ liệu-giác quan, nhưng chúng ta không thể biết bản chất của những đầu mối vốn các liên hệ đã duy trì ở giữa.

Đối với thời gian, cảm giác của chúng ta về sự kéo dài hay sự trôi quá của thời gian, thì nổi tiếng là một hướng dẫn không an toàn, không như thời gian đã trôi qua tính theo đồng hồ. Những thời gian khi chúng ta chán ngán, hay chịu đau khổ đi qua một cách chậm chạp, thời gian khi chúng ta bận rộn một cách thoải mái trôi qua một cách nhanh chóng, và những thời gian khi chúng ta ngủ trôi qua hầu như nếu chúng đã không có. Như vậy, trong chừng mực mà thời gian được cấu thành bằng sự kéo dài, có cùng cần thiết để phân biệt một thời gian công cộng và riêng tư, như trong trường hợp của không gian. Nhưng trong chừng mực mà thời gian bao gồm trong một trật tự về trước và sau, không cần thiết để lập một phân biệt như thế; trật tự thời gian trong đó các biến cố xem ra có, trong mức độ chúng ta có thể xem thấy, cũng là cùng một trật tự thời gian trong đó chúng có. Dù trong bất cứ trường hợp nào, không có lý do nào có thể đưa ra để giả thử là hai trật tự không phải là như nhau. Sự như nhau này thường thường cũng đúng trong không gian: nếu một đội quân đi diễn hành dài trên một con đường, dạng của đội quân sẽ thấy khác từ những điểm nhìn khác, nhưng tất cả những người diễn hành sẽ xuất hiện theo như đã xếp đặt trong cùng một trật tự, từ tất cả mọi điểm nhìn. Do thế, chúng ta xem trật tự cũng thực như trong không gian vật lý, trong khi dạng thì chỉ giả định là tương ứng với không gian vật lý đến chừng mức nó là yêu cầu cho sự bảo tồn của trật tự.

Khi nói rằng trật tự-thời gian vốn các biến cố xem ra có, là cùng như trật tự-thời gian vốn chúng thực sự có, là điều cần thiết để ngăn một hiểu lầm có thể có. Phải không giả định rằng những trạng thái khác loại của những đối tượng vật lý khác nhau có cùng trật tự-thời gian như dữ liệu-giác quan vốn chúng cấu thành những tri giác về những đối tượng đó. Được xem như những đối tượng vật lý, sấm và chớp đã cùng một lúc; đó là nói rằng, chớp thì cùng một lúc với sự biến động của không khí ở chỗ sự biến động bắt đầu, đó là, chỗ có chớp. Nhưng dữ liệu-giác quan mà chúng ta gọi là thính giác, sấm không xảy ra đến khi sự biến động của không khí đã đi xa đến chỗ chúng ta. Tương tự, mất khoảng tám phút để ánh sáng từ mặt trời đến chỗ chúng ta; thế nên, khi chúng ta thấy mặt trời, chúng ta thấy mặt trời của tám phút trước. Theo chừng mức dữ liệu-giác quan của chúng ta có thể có bằng chứng về phần mặt trời vật lý, chúng có bằng chứng về phần mặt trời vật lý tám phút trước; nếu như mặt trời vật lý đã ngưng hiện hữu trong vòng tám phút trước, điều ấy không tạo khác biệt nào với dữ liệu-giác quan mà chúng ta gọi là “xem thấy mặt trời”. Điều này tạo ra một minh hoạ mới về sự cần thiết phải phân biệt giữa dữ liệu- giác quan và những đối tượng vật lý.

Điều chúng ta đã tìm thấy đối với không gian thì rất giống như điều chúng ta tìm thấy trong quan hệ với sự tương ứng giữa dữ liệu-giác quan với đối chiếu tương ứng vật lý của chúng. Nếu một đối tượng xem thấy màu xanh và một cái khác thấy đỏ, chúng ta có thể hữu lý coi như là có một vài tương ứng khác biệt giữa những đối tượng vật lý; nếu cả hai đều xem thấy cùng màu xanh, chúng ta có thể đoán chừng một sự tương đồng tương ứng. Nhưng chúng ta không thể hy vọng được biết quen-biết trực tiếp với phẩm chất của đối tượng vật lý[7] chúng làm nó xem thấy xanh hay đỏ. Khoa học bảo chúng ta phẩm chất này là một loại chuyển động sóng nào đó, và điều này nghe quen thuộc, vì chúng ta nghĩ về những chuyển động sóng trong không gian chúng ta xem thấy. Nhưng chuyển động sóng phải thực sự trong không gian vật lý, với chúng, chúng ta không có quen biết trực tiếp; như vậy những chuyển động sóng thực không có sự quen thuộc mà chúng ta đã có thể giả định rằng chúng có được. Và điều gì đúng với màu sắc thì tương tự chặt chẽ với những gì đúng với những dữ liệu-giác quan khác. Như thế chúng ta tìm thấy rằng, mặc dù những liên hệ của những những đối tượng vật lý có đủ các loại những thuộc tính có thể biết được, nhận được từ những tương ứng của chúng với những liên hệ của những dữ liệu-giác quan, chính tự những đối tượng vật lý, còn lại vẫn không được biết, trong bản chất nội tại của chúng, ít nhất theo như chiều hướng của có thể khám phá được qua các phương cách của những giác quan. Câu hỏi còn lại là - không biết nếu có bất kỳ phương pháp nào khác để khám phá bản chất nội tại của các đối tượng vật lý hay không.

Điều tự nhiên nhất, dẫu tận cùng không là điều có thể bảo vệ được nhất, giả thuyết là chấp nhận trong trường hợp xảy ra đầu tiên, với bất cứ mức độ nào về mặt dữ liệu-giác quan thị giác, sẽ nên là, mặc dù các đối tượng vật lý không thể, bởi những lý do chúng ta cho đến giờ đã từng xem xét, là đúng hệt như những dữ liệu-giác quan, thế nhưng chúng có thể giống thế, ít hay nhiều hơn. Theo như quan điểm này, những đối tượng vật lý sẽ, lấy thí dụ, thực sự có các màu sắc, và chúng ta có thể, nếu may mắn, xem thấy một đối tượng như là với màu sắc thực sự của nó. Cái màu sắc mà một đối tượng xem ra có trong bất kỳ một thời điểm nhất định nào đó, một cách tổng quát sẽ rất tương tự, dẫu không hẳn là cùng như, từ nhiều điểm nhìn khác nhau, chúng ta có thể như thế giả định cái màu “thực” là một của thứ màu trung bình, nằm trung gian giữa nhiều sắc thái đậm nhạt biến đổi xem xuất hiện từ những điểm nhìn khác nhau.

Một lý thuyết như thế có lẽ không có khả năng để bị phủ nhận chắc chắn, nhưng nó có thể bị phơi ra là không có nền tảng cơ sở. Để bắt đầu, điều giản dị là màu sắc chúng ta xem thấy chỉ tuỳ thuộc trên bản chất của sóng ánh sáng chúng đập vào mắt chúng ta, và như thế bị chuyển đổi bởi môi giới nằm chen giữa chúng ta và đối tượng, cũng như bởi phương cách trong đó ánh sáng được phản chiếu từ đối tượng theo hướng nhìn của mắt. Không khí chen giữa thay đổi những màu sắc trừ khi nó hoàn toàn trong xuốt, và bất kỳ sự phản chiếu mạnh mẽ nào sẽ thay đổi chúng hoàn toàn. Thế nên màu sắc chúng ta xem thấy là một kết quả của tia sáng khi nó chạm đến mắt, và không chỉ đơn giản là một thuộc tính của đối tượng mà từ đó tia sáng đi đến. Từ chỗ này, cũng thế, đã cung cấp những sóng nào đó đi đến mắt, chúng ta sẽ thấy một màu sắc nào đó, không biết đối tượng từ nó những luồng sóng khởi đầu có màu sắc bất kỳ nào không. Như thế, thật hẳn là không tốn gì để giả định những đối tượng vật lý có những màu sắc, và do đấy không (phải) có biện minh nào để làm một giả định như thế. Những lý luận tương tự y như thế sẽ áp dụng với những dữ liệu-giác quan khác.

Điều còn lại để hỏi - không biết có hay không bất kỳ những luận chứng triết lý tổng quát nào khiến chúng ta có thể nói rằng, nếu vật chất là thực, nó phải có bản chất như thế và như thế. Một giải thích đã ở trên đây, rất nhiều những triết gia, có lẽ hầu hết, đã chủ trì rằng bất kỳ cái gì nào đó mà là thực, phải là trong một nghĩa nào đó thuộc trí não [8]. Những triết gia như thế được gọi là những nhà theo thuyết “duy ý”[9]. Những nhà duy ý bảo chúng ta rằng cái xem xuất hiện ra như vật chất thì thực sự là một cái gì đó có tính trí não, nói như, hoặc là (như Leibniz đã chủ trì) ít hay nhiều một cách cơ bản những não thức [10], hay (như Berkeley đã dám chắc) những ý tưởng trong não thức vốn chúng, như chúng ta đã bình thường nên nói, “tri giác” – hay “lĩnh hội”[11] vật chất. Như thế những người theo thuyết duy ý phủ nhận sự hiện hữu của vật chất như một cái gì đó có nội tại khác biệt với não thức, mặc dù họ không phủ nhận những dữ liệu-giác quan của chúng ta là những dấu hiệu của một cái gì đó chúng hiện hữu một cách độc lập với những cảm giác riêng tư của chúng ta. Trong chương tiếp sau đây, chúng ta sẽ xem xét vắn tắt những lý do – theo quan điểm của tôi là giả trá nguỵ biện – những người theo thuyết duy ý đã tiến đến chấp nhận lý thuyết của họ.


Chương IV – Thuyết Duy Ý
Danh từ “thuyết Duy Ý” được nhiều triết gia dùng theo những ý hướng có hơi khác nhau. Với nó, chúng ta sẽ hiểu là chủ thuyết nói rằng tất cả cái gì hiện hữu, hay ở bất kỳ mức độ nào bất cứ cái gì có thể biết là hiện hữu, phải là trong một vài ý nghĩa thuộc trí não. Chủ thuyết này được chủ trương rất rộng rãi trong những triết gia, nó có nhiều dạng, và được tán thành trên nhiều nền tảng khác nhau. Chủ thuyết được chủ trương rất rộng rãi như thế, và tự nó rất đáng chú ý, nên nghiên cứu dù ngắn nhất về triết học cũng phải cho vài giải thích về nó.


Lê Dọn Bàn tạm dịch- bản nháp thứ nhất
(Feb/2010)




[1]mind”: “não thức” – trong tập sách này, tôi đề nghị dịch là “não thức “, mặc dù đã thường dịch và quen dùng phổ thông là “tâm trí”.
Ở đây, ít nhất là trong nội dung triết học phương Tây, không có “tâm” , “bụng dạ” - nào cả, đó là dịch theo lối hiểu và nói xưa, của Tàu (?) – thế nên, chúng ta đã thường nói “nghĩ trong lòng”, thay vì “nghĩ trong đầu”, dĩ nhiên có yếu tố tình cảm, nhưng hoạt động suy tưởng chủ yếu xảy ra ở não bộ, không ở tim.
Sự sai lầm này đi xa và sâu – chủ nghĩa duy tâm – chương thứ tư, thực ra phải dịch là chủ nghĩa “duy ý”.
[2] “phantasmagoria”
[3]common-sense” – tạm dịch “ý thức thông thường” – trước đây đã có tác giả dịch là “lương tri”, nhưng “lương tri” mang ý nghĩa đạo đức, mà ở đây không có.
Trong triết học phương Tây, Lúc đầu, khi mới xuất hiện (như trong Descartes), hai thế kỷ trước, chỉ khả năng điều hợp các giác quan, đối tượng của ý thức thông thường, là các điều bình thường ghi nhận qua giác quan.
Dần sau, từ này dùng chỉ một khả năng phán đoán tốt và vững chắc, không bị “ô nhiễm” bởi các lý thuyết, chủ nghĩa (ism) và không bi chủ thuyết hoài nghi (scepticism) xoay chuyển, người có “ý thức thông thường”, giả định là một người không quá triết lý.
Locke có lẽ đã tạo ra từ này, và Russell đã thêm - không ai ngoài dân Anh có “ý thức bình hường” này (so với dân Đức, Nga, Pháp, Ý...). Tạm hiểu là một sự khôn ngoan chiết trung, không quá lý thuyết nên không thiên lệch, cực đoan.
[4] Russell nhấn mạnh – ông đưa chúng ta vào triết học bằng tri thức luận, không bằng siêu hình học, xem lại Lời nói đầu
[5] “aether” – hay ether
[6] “gross matter”
[7] “the quality in the physical object”
[8] “mental” – tôi đề nghị dịch là “trí não” - (thay vì "tâm thần" như thường dịch) - thuộc về não thức (mind)

[9] “idealist” – người “duy ý” - trước đây thường dịch là “duy tâm”. Như tác giả giải thích ở đây và trong chương kế tiếp, không có “tâm” ở đâu cả trong nội dung triết học phương Tây của từ này.
Ngay cả theo từ nguyên: từ “idea” – có nghĩa là “ý tưởng” mà ra.
Tôi tạm dịch là “duy ý tưởng” hay gọn hơn “duy ý” - đề nghị như vậy cho đúng nội dung của nó, và dịch “idealism” là lý thuyết hay chủ nghĩa “duy ý”; như tên gọi các chủ nghĩa lớn trong triết học phương Tây: “duy vật”, “duy nghiệm”.
[10] “mind” – “não thức” – phần “kia’ , phần phi vật chất của bộ óc, biểu hiện như tư tưởng, nhận thức, cảm xúc, ý chí, trí nhớ, và tưởng tượng. Đây là phần mới đây được khoa học và triết học phương Tây bắt đầu nghiên cứu, nó được xem như có nguyên nhân từ các tác động sinh lý, vật lý xảy ra nơi, hay có liên quan với não bộ và hệ thống thần kinh của nó.
[11] “perceive”: biết qua giác quan