Saturday, October 27, 2018

Harari – Huyền thoại về Tự do

Huyền thoại về Tự do
(The Myth of Freedom)
Yuval Noah Harari










Chính phủ và những tập đoàn sẽ sớm biết bạn giỏi hơn bạn biết chính mình. Lòng tin vào ý tưởng ‘ý chí tự do’ đã trở thành nguy hiểm.


Huyền thoại về Tự do [1]

Những học giả nên phục vụ sự thật, ngay cả với sự tổn hại cho sự hài hòa xã hội? Bạn có nên phơi bày một câu chuyện cho thấy nó hoàn toàn là tưởng tượng, ngay cả khi câu chuyện hư cấu đó duy trì trật tự xã hội? Khi viết quyển sách mới nhất của tôi, 21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21, tôi đã phải chật vật với dilemma này, một tình cảnh khó xử của tiến không xong nhưng lùi không xuôi, nhìn theo hướng của chủ nghĩa tự do. [2]

Một mặt, tôi tin rằng câu chuyện nói về tính cách tự do (con người) là sai lầm không đúng, rằng nó không nói sự thật về loài người, và rằng ngõ hầu để tồn tại và thịnh vượng trong thế kỷ 21, chúng ta cần phải vượt qua nó. Mặt khác, hiện nay câu chuyện tự do thì vẫn là nền tảng cho sự vận hành của sự phân bối quyền lực trên toàn thế giới. Hơn nữa, chủ nghĩa tự do hiện đang bị những phái cuồng tín tôn giáo và những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tấn công, những người quay về tin vào những huyễn tưởng của quá khứ, vốn lại còn nguy hiểm và tai hại hơn nhiều.

Vì vậy, tôi có nên cởi mở và thẳng thắn nói những gì tôi nghĩ, sau khi liều lĩnh rằng những lời tôi nói có thể bị lấy ra khỏi ngữ cảnh và bị những nhà chính trị mị đám đông và những nhà cai trị nắm quyền tuyệt đối đem dùng để tiếp tục tấn công trật tự của những thể chế tự do? Hay tôi nên kiểm duyệt chính mình? Đó là một dấu hiệu của những chế độ phản tự do hẹp hòi khiến chúng làm quyền tự do phát biểu khó khăn hơn ngay cả bên ngoài biên giới của chúng. Do sự lan tràn của những chế độ như vậy, ngày càng trở thành nguy hiểm để suy nghĩ một cách phê phán về tương lai của loài người chúng ta.

Cuối cùng tôi đã chọn thảo luận cởi mở tự do thay vì tự kiểm duyệt, nhờ vào tin tưởng của tôi cả về sức mạnh của hệ ý thức lẫn thể chế dân chủ tự do, [3] và vào sự cần thiết phải sửa chữa làm mới nó. Ưu thế lớn của chủ nghĩa tự do so với những hệ ý thức khác là nó linh hoạt và không giáo điều. Nó có thể đón nhận phê bình giỏi hơn bất kỳ trật tự xã hội nào khác. Thật vậy, nó là trật tự xã hội duy nhất cho phép mọi người đặt câu hỏi ngay cả vào những nền tảng riêng của nó. Chủ nghĩa tự do đã sống sót sau ba cuộc khủng hoảng lớn – chiến tranh thế giới thứ nhất, thách thức của chủ nghĩa phát xít những năm 1930 và của chủ nghĩa cộng sản những năm 1950-1970. Nếu bạn nghĩ rằng bây giờ chủ nghĩa tự do đang gặp phải khó khăn rắc rối, chỉ cần nhớ lại đã có bao nhiêu những khó khăn tệ hại hơn nhiều vào những năm 1918, 1938 hoặc 1968.

Thách thức chính của chủ nghĩa tự do phải đối diện ngày nay không phải do chủ nghĩa phát xít hay chủ nghĩa cộng sản nhưng đến từ những phòng thí nghiệm

Vào năm 1968, những hệ thống dân chủ tự do đã dường như là một loài có nguy cơ tuyệt chủng, và ngay cả trong biên giới của chúng, chúng bị rung chuyển bởi những bạo loạn, ám sát, tấn công khủng bố và những trận chiến hệ ý thức khốc liệt. Nếu bạn tình cờ bị vây quanh giữa những đám đông bạo loạn ở Washington ngày sau khi Martin Luther King bị ám sát, hoặc ở Paris vào tháng 5 năm 1968, hoặc ở Hội nghị đảng Dân chủ ở Chicago tháng 8 năm 1968, bạn chắc có thể nghĩ rằng sự kết thúc đã rất gần. Trong khi Washington, Paris và Chicago đang rơi vào những hỗn loạn, Moscow và Leningrad đều yên tĩnh, và hệ thống Xôviết dường như bền gan đứng vững mãi mãi. Thế nhưng, 20 năm sau, đó là hệ thống Xôviết đã sụp đổ. Những đụng độ của những năm 1960 đã làm vững mạnh thêm hệ thống dân chủ tự do, trong khi khí hậu ngột ngạt bên trong khối Xôviết báo trước sự sụp đổ của nó.

Vì vậy, chúng ta hy vọng chủ nghĩa tự do có thể tái tạo lại chính nó. Nhưng thách thức chính mà nó phải đối mặt ngày hôm nay không phải từ chủ nghĩa phát xít hay chủ nghĩa cộng sản, và thậm chí không phải từ những nhà chính trị mị đám đông và những nhà cai trị nắm quyền tuyệt đối đang lan rộng khắp nơi như những con ếch inh ỏi sau những trận mưa. Lần này thách thức chính hiện lên từ những phòng thí nghiệm.

Chủ nghĩa tự do được thành lập dựa trên lòng tin vào tự do của con người. Không giống như loài chuột và loài khỉ, con người có đã được giả định là có “ý chí tự do”. Đây là những gì làm những tình cảm của con người và những lựa chọn của con người là thẩm quyền tối cao về chính trị và đạo đức trên thế giới. Chủ nghĩa tự do cho chúng ta biết rằng những cử tri biết rõ nhất, rằng khách hàng luôn luôn đúng, và chúng ta nên suy nghĩ cho chính mình và tuân theo những tiếng gọi của con tim chúng ta.

Thật không may, “ý chí tự do” không phải là một thực tế khoa học. Đó là một huyền thoại thừa hưởng từ gót học đạo Kitô. Những nhà gót học Kitô đã khai triển ý tưởng “ý chí tự do” để giải thích tại sao một Gót ‘toàn năng toàn thiện’ nhưng phải trừng phạt những người xem là tội lỗi, khi những người này đã hành động theo ý họ nhưng trái với ý Gót, và khen thưởng những ‘thánh chiên’ vì những lựa chọn của họ thì ‘thánh thiện’ vì đẹp ý Gót. Nếu sự lựa chọn của chúng ta không được thực hiện một cách tự do, tại sao Gót lại phải phạt hay thưởng chúng ta? Theo những nhà gót học, thật là hợp lý để Gót làm như vậy, vì những lựa chọn của chúng ta phản ảnh ‘ý chí tự do’ của hồn người cho là vĩnh cửu của chúng ta, vốn nó độc lập với tất cả mọi giới hạn đến từ những ràng buộc về vật lý và sinh lý.

Huyền thoại này không dính líu gì nhiều với những gì khoa học hiện nay dạy chúng ta về Homo sapiens và những loài vật khác. Con người chắc chắn có ý chí – nhưng nó thì không tự do. Bạn không thể quyết định chọn lựa chọn xem bạn nên, phải, hay đừng có những mong muốn nào. Bạn không quyết định để có khuynh hướng tâm lý hướng nội hay hướng ngoại, không câu nệ dễ dãi hoặc khó khăn luôn lo lắng, đồng tính hay không đồng tính luyến ái. Con người làm những lựa chọn – nhưng chúng không bao giờ là những lựa chọn độc lập. Mọi sự lựa chọn đều tùy thuộc vào rất nhiều những điều kiện sinh lý, xã hội và cá nhân vốn bạn không thể tự ấn định được. Tôi có thể chọn để ăn những gì, kết hôn với ai, và bỏ phiếu cho ứng viên nào, nhưng những lựa chọn này được xác định một phần bởi những gene của tôi, cấu trúc sinh hóa của tôi, phái tính của tôi, hoàn cảnh gia đình của tôi, văn hóa dân tộc của tôi, v v ... – và tôi đã không chọn lựa để có những gene nào, hay sinh ra trong gia đình nào.[4]

Đây không phải là lý thuyết trừu tượng. Bạn có thể chứng kiến ​​điều này một cách dễ dàng. Chỉ cần quán sát ý nghĩ kế tiếp sắp sửa nổi lên trong đầu bạn. Nó từ đâu đến? Bạn có tự do chọn lựa để nghĩ nó không? Rõ ràng là không. Nếu bạn quan sát cẩn thận não thức của mình, bạn đi đến nhìn nhận rằng bạn có ít kiểm soát những gì đang xảy ra ở đó, và bạn không tự do lựa chọn để nghĩ gì, cảm giác gì, và muốn gì.

Mặc dù “ý ​​chí tự do” đã luôn luôn là một huyền thoại, trong nhiều thế kỷ trước nó đã là một điều có ích. Nó cho người ta tin tưởng và can đảm để chiến đấu chống lại những tòa án khủng bố tôn giáo của đạo Catô, những quyền cho là thiêng liêng của vua chúa, những tổ chức như mật thám KGB, hay khủng bố người da đen KKK. Huyền thoại cũng mang theo ít nguy hại. Vào những năm 1776 hoặc 1945, tương đối có khá ít nguy hại khi tin rằng những tình cảm và lựa chọn của bạn là sản phẩm của một vài “ý chí tự do” nào đó, chứ không phải là kết quả từ sinh hóa học và thần kinh học.

Nhưng bây giờ tin tưởng vào “ý chí tự do” đột nhiên trở thành nguy hại. Nếu những chính phủ và những công ty thành công trong việc hacking con người, những người dễ dàng để bị thao túng nhất sẽ là những người tin vào ý chí tự do.

Để thành công trong hacking [5]– nghĩa là dùng kỹ thuật đột nhập bí mật – vào con người, bạn cần hai điều: một sự hiểu biết tốt về sinh học và rất nhiều khả năng tính toán. Tòa án khủng bố tôn giáo của Kitô trung cổ và công an chìm KGB của Sôviết trước đây đều thiếu loại kiến ​​thức và khả năng này. Nhưng chẳng mấy chốc, những tập đoàn thương mãi kinh tế và chính phủ đều có thể có cả hai, và một khi họ có thể có kỹ thuật đột nhập bí mật vào bên trong con người bạn, họ không chỉ có thể dự đoán những lựa chọn của bạn, mà còn có thể cấu trúc lại những tình cảm của bạn (làm bạn tự nhiên cảm thấy yêu món hàng này, hay quay ra ghét ý kiến kia). Để làm như vậy, những tập đoàn và chính phủ sẽ không cần phải biết bạn một cách toàn hảo. Đó là điều không thể. Họ sẽ chỉ phải biết bạn tốt hơn một chút so với bản thân bạn. Và điều đó không phải là không thể làm được, vì hầu hết mọi người đều thường không biếtvề chính bản thân họ được gì nhiều cho lắm.

Nếu bạn tin vào câu chuyện tự do theo vẫn kể truyền thống, bạn sẽ bị cám dỗ là đơn giản chỉ gạt bỏ thử thách này. “Không, nó sẽ không bao giờ xảy ra. Không ai sẽ bao giờ thành công trong việc hack tinh thần con người, vì ở đó có một gì đó vượt trên những gene, những nơron và những algorithm. Không ai có thể thành công trong việc đoán trước và thao túng được những lựa chọn của tôi, vì lựa chọn của tôi phản ảnh ‘ý chí tự do’ của tôi.” Thật không may, gạt bỏ thử thách sẽ không làm cho nó đi mất. Nó sẽ khiến bạn càng dễ bị tổn thương hơn.

Nó bắt đầu với những sự việc đơn giản. Khi bạn lướt vội trang internet, một tít báo chạy chữ đậm lớn bắt mắt bạn: “Băng đảng dân nhập cư cưỡng hiếp những phụ nữ địa phương”. Bạn bấm vào nó. Vào đúng cũng thời điểm đó, cô hàng xóm của bạn cũng đang trong Internet, và một hàng chữ chạy tít lớn khác lướt qua, cũng bắt mắt cô: “Trump sẵn sàng dùng võ khí nguyên tử để tấn công Iran”. Cô ấy nhấp mouse vào nó. Cả hai tít báo là những câu chuyện kể những ‘tin giả’, được những kẻ tung tin vịt nào đó ở Russia tạo ra, hoặc do một trang web chú tâm vào việc tăng số lượng người thăm nhằm tăng tiền thu quảng cáo của nó. Cả bạn và cô hàng xóm của bạn đều cảm thấy rằng các bạn đã ‘nhấp’ vào những tít lớn này từ ý chí tự do của các bạn. Nhưng thật ra các bạn đã bị hack.

Nếu những chính phủ thành công để hack được vào trong con người, những người dễ dàng bị thao túng nhất sẽ là những người tin rằng họ có ‘ý chí tự do’

Tuyên truyền và thao túng dư luận công chúng thì không có gì mới, dĩ nhiên. Nhưng trong khi trước đây chúng làm việc như thả bom rải thảm, bây giờ chúng đang trở thành những đạn dược có hướng dẫn chính xác. Khi Hitler phát biểu trên đài phát thanh, ông nhắm vào mẫu số chung nhỏ nhất của khối quần chúng, vì ông không thể điều chỉnh thông điệp của mình đến những điểm yếu cá nhân độc đáo của từng bộ não. Bây giờ đã trở nên có thể làm chính xác viêc đó. Một algorithm có thể biết bạn có một thiên kiến chống lại những dân nhập cư, trong khi cô hàng xóm bạn không thích tổng thống Trump, đó là lý do tại sao bạn thấy một tít lớn này trong khi hàng xóm bạn thấy một một tít lớn hoàn toàn khác. Trong những năm gần đây, một số người thông minh nhất trên thế giới đã làm việc để hacking bộ não con người, để làm cho bạn click vào những quảng cáo và bán cho bạn những món hàng lỉnh kỉnh. Bây giờ những phương pháp này đang được dùng để bán cho bạn những người hoạt động chính trị và cũng cả những hệ ý thức.

Và đây chỉ là khởi đầu. Hiện tại, những hắckơ [6] dựa vào việc phân tích những tín hiệu và những hành động ở thế giới bên ngoài: những sản phẩm bạn mua, những nơi bạn ghé thăm, những từ bạn tìm kiếm online. Tuy nhiên, trong vòng vài năm, những máy dò đáp những thay đổi rất nhỏ của cơ thể con người [7] có thể cho phép hắckơ trực tiếp xâm nhập thẳng vào thế giới bên trong bạn, và họ có thể quan sát những gì đang diễn ra trong quả tim của bạn. Không phải là ‘trái tim’ như một ẩn dụ được những tưởng tượng của lý tưởng tự do yêu thích, nhưng bắp thịt làm cái máy bơm điều chỉnh áp lực trong mạch máu của bạn, và phần lớn những hoạt động trong bộ óc của bạn. Những hắccơ sau đó có thể tương liên nhịp tim của bạn với những con số của thẻ tín dụng của bạn, và huyết áp của bạn với lịch sử tìm kiếm của bạn. Những tòa án đàn áp tôn giáo [8] và công an mật loại KGB rồi sẽ làm gì với những vòng đeo tay là dụng cụ dò tìm và đáp ứng với những đo lường và tính toán trên cơ thể con người, liên tục theo dõi tâm trạng và tình cảm của bạn? Hãy chờ xem.

Chủ nghĩa tự do đã phát triển một kho vũ khí đầy ấn tượng ngoạn mục gồm những lập luận và thể chế để bảo vệ những quyền tự do cá nhân chống lại những tấn công từ những chính phủ áp bức và những tôn giáo mù quáng, nhưng không chuẩn bị cho một hoàn cảnh khi tự do cá nhân bị lật đổ từ bên trong, và khi những khái niệm “cá nhân” và “ tự do “không còn ý nghĩa nhiều nữa. Để tồn tại và thịnh vượng trong thế kỷ 21, chúng ta cần phải bỏ lại sau lưng cái nhìn ngây thơ về con người như những cá nhân tự do – một cái nhìn đã thừa hưởng từ gót học Kitô, cũng nhiều như từ phong trào Khai sáng – và bắt đầu nhận và hiểu những gì con người thực sự là: những động vật có thể hack được. Chúng ta cần biết chính chúng ta tốt hơn.

Tất nhiên, đây không phải là lời khuyên mới. Từ thời xa xưa, những nhà hiền triết và thánh nhân đã nhiều lần khuyên mọi người “hãy biết chính mình”. Tuy nhiên, trong những thời của Socrates, Phật và Confucius, bạn không thực sự có cạnh tranh. Nếu bạn lơ đễnh, bỏ qua việc tìm biết chính mình, bạn vẫn là một ‘hộp đen’ [9] (gói kín, không thấy được bên trong) đói với phần loài người còn lại. Ngược lại, bây giờ bạn đã có sự cạnh tranh. Khi bạn đọc những dòng này, những chính phủ và những tập đoàn đang cố gắng để hack bạn. Nếu họ biết bạn tốt hơn bạn biết chính bạn, họ có thể bán cho bạn bất cứ thứ gì họ muốn (không phải bạn muốn!) – có thể là một sản phẩm hay một nhân vật chính trị.

Đặc biệt là điều quan trọng để tìm biết những điểm yếu của bạn. Chúng là những dụng cụ chính của những người cố gắng dùng kỹ thuật đột nhập để bí mật lẻn vào bên trong bạn. Cômputơ bị hack qua những dòng program đã viết từ trước nhưng vướng lỗi, có chỗ hở. Con người bị hack qua những lo sợ, hận thù, thiên vị và thèm muốn sẵn có trong mình. Hắccơ không thể tạo ra những sợ hãi hay hận thù. Nhưng khi chúng khám phá những gì mọi người đã sẵn sợ hãi và thù ghét, rất dễ dàng để bấm nút làm bật dậy những cảm xúc liên quan và ngay cả nút bấm kích động giận dữ cho thêm lớn hơn.

Nếu mọi người không thể tự biết mình bằng những nỗ lực của chính họ, có lẽ cùng một kỹ thuật mà những hắccơ sử dụng có thể được quay trở lại và phục vụ vào việc bảo vệ chúng ta. Cũng giống như cômputơ của bạn có một program chống vi-rút, có software dò tìm những malware (hay program độc hại), có lẽ chúng ta cần software chống vi-rút cho bộ não. AI đồng bạn của bạn sẽ học bằng kinh nghiệm rằng bạn có một điểm yếu đặc biệt – cho dù là với video con mèo khôi hài, hoặc với những chuyện kể phẫn nộ về tổng thống Trump – và sẽ ngăn chặn chúng dùm cho bạn.

Nhưng tất cả điều này thực sự chỉ là một vấn đề phụ. Nếu con người là động vật có thể bị hack được, và nếu những lựa chọn và những ý kiến ​​của chúng ta không phản ảnh ‘ý chí tự do’ của chúng ta, thì lý do của chính trị sẽ nên là gì? Trong 300 năm, những lý tưởng tự do đã truyền cảm kích cho một dự án chính trị nhằm cung cấp cho cá nhân càng nhiều càng tốt khả năng để theo đuổi những ước mơ của họ và hoàn thành những mong muốn của họ. Bây giờ chúng ta gần hơn bao giờ hết để thực hiện mục đích này – nhưng chúng ta cũng gần hơn bao giờ hết để nhận ra rằng điều này tất cả đều dựa trên một ảo ảnh. Chính cùng những công nghệ mà chúng ta đã phát minh ra để giúp những cá nhân theo đuổi những ước mơ của họ cũng có thể tái thiết kế những giấc mơ đó. Vì vậy, làm thế nào tôi có thể tin tưởng được vào một bất kỳ ước mơ nào của tôi?

Từ một viễn cảnh, khám phá này mang đến cho con người một loại tự do hoàn toàn mới. Trước đây, chúng ta đã xác định rất mạnh mẽ với những ham muốn của mình, và tìm kiếm tự do để hiện thực chúng. Bất cứ khi nào có bất kỳ một suy nghĩ nào xuất hiện trong não thức, chúng ta vội vã chạy đến đòi hỏi của nó. Chúng ta đã trải qua những ngày loanh quanh bận rộn như điên, cuốn đi như bởi một vòng quay, hay đường lượn chạy rất nhanh, hăng máu chóng mặt của những suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn, mà chúng ta nhầm tưởng tượng đã đại diện cho ý chí tự do của chúng ta. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta ngừng xác định mình với cái vòng quay, hay con đường uốn lượn chạy rất nhanh đến chóng mặt này? Điều gì xảy ra khi chúng ta cẩn thận quán sát ý nghĩ kế tiếp nổi lên trong não thức của chúng ta và hỏi: “Nó từ đâu đến?”

Đối với người mới bắt đầu, sau khi nhận ra rằng những suy nghĩ và mong muốn của chúng ta không phản ảnh ý chí tự do của chúng ta, có thể giúp chúng ta ít bị chúng ám ảnh hơn. Nếu tôi nhìn bản thân mình như một tác nhân hoàn toàn tự do, chọn lựa những ham muốn của tôi hoàn toàn độc lập với thế giới, nó tạo ra một rào cản giữa tôi và tất cả những thực thể khác. Tôi không thực sự cần bất kỳ thực thể nào khác – tôi độc lập. Nó đồng thời ban cho mọi ý thích ngẫu hứng bất chợt của tôi một tầm quan trọng to lớn – sau tất cả, tôi đã chọn ra mong muốn đặc biệt này khỏi tất cả những ham muốn có thể có trong vũ trụ. Một khi chúng ta đưa ra rất nhiều quan trọng với ham muốn của mình, chúng ta tự nhiên cố gắng kiểm soát và định hình cả thế giới theo chúng. Chúng ta gây chiến tranh, chặt cây phá rừng và làm mất cân bằng toàn bộ hệ sinh thái trong việc theo đuổi những ngẫu hứng bất chợt của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta hiểu rằng mong muốn của chúng ta không phải là kết quả của sự lựa chọn tự do, chúng ta hy vọng sẽ ít bận tâm với chúng hơn, và cũng sẽ cảm thấy kết nối với phần còn lại của thế giới.

Nếu chúng ta hiểu rằng những mong muốn của chúng ta không phải là kết quả của sự lựa chọn tự do, chúng ta hy vọng sẽ ít bận tâm với chúng hơn

Đôi khi người ta tưởng tượng rằng nếu chúng ta từ bỏ lòng tin của mình vào “ý chí tự do”, chúng ta sẽ trở thành hoàn toàn thờ ơ, và chỉ cuộn tròn ở một góc nào đó và nhịn đói đến chết. Trong thực tế, từ bỏ ảo tưởng này có thể có hai hiệu ứng đối nghịch: đầu tiên, nó có thể tạo ra một liên kết mạnh mẽ hơn với phần còn lại của thế giới, và làm cho bạn chú ý hơn đến môi trường của bạn và những nhu cầu và mong muốn của những người khác. Nó giống như khi bạn trò chuyện với một ai đó. Nếu bạn tập trung vào những gì bạn muốn nói, bạn hầu như không thực sự lắng nghe. Bạn chỉ chờ dịp để cho người khác nghe một mảnh của não thức của bạn. Nhưng khi bạn đặt suy nghĩ của mình qua bên, bạn có thể đột nhiên nghe được người khác.

Thứ hai, từ bỏ những huyền thoại về tự do sẽ có thể nhuốm lửa thắp lên một sự tò mò sâu xa. Nếu bạn mạnh mẽ xác định với những suy nghĩ và mong muốn nổi lên trong não thức của bạn, bạn không cần phải gắng sức nhiều để có được biết chính mình. Bạn nghĩ rằng bạn đã biết chính xác bạn là ai. Nhưng một khi bạn nhận ra “À, đây không phải là tôi. Đây chỉ là một số hiện tượng sinh hóa thay đổi!’ Sau đó bạn cũng nhận ra bạn không có ý tưởng là ai – hoặc là gì – bạn thực sự là. Đây có thể là khởi đầu của hành trình khám phá thú vị nhất mà bất kỳ con người nào cũng có thể thực hiện.

Ở đây, không có gì là mới về sự nghi ngờ ý chí tự do, hoặc về sự thăm dò bản chất đích thực của loài người. Con người chúng ta đã có thảo luận này hàng nghìn lần trước đây. Nhưng trước đây chúng ta chưa bao giờ có kỹ thuật ứng dụng. Và kỹ thuật ứng dụng thay đổi mọi sự vật việc. Những vấn đề cổ xưa của triết học bây giờ đang trở thành những vấn đề thực tiễn của kỹ thuật và chính trị. Và trong khi những nhà triết học là những người rất kiên nhẫn – họ có thể tranh luận về một gì đó không kết luận ngã ngũ trong 3.000 năm – những kỹ sư ít kiên nhẫn hơn nhiều. Những người hoạt động chính trị những người ít kiên nhẫn nhất.

Làm thế nào để dân chủ tự do hoạt động trong một thời đại khi những chính phủ và những tập đoàn có thể hack con người? Những gì còn lại của những tin tưởng rằng “cử tri biết rõ nhất” và “khách hàng luôn luôn đúng”? Làm thế nào để bạn sống khi bạn nhận ra rằng bạn là một động vật có thể bị hack, rằng trái tim của bạn có thể là một ‘tác nhân’ của chính phủ, rằng amygdala [10] của óc của bạn có thể làm việc cho tổng thống Putin, và ý nghĩ tiếp theo xuất hiện trong não thức bạn cũng có thể là kết quả của một số algorithm biết bạn tốt hơn bạn biết chính mình? Đây là những câu hỏi thú vị nhất mà con người hiện đang phải đối mặt.

Thật không may, đây không phải là câu hỏi mà hầu hết mọi người hỏi. Thay vì khám phá những gì đang chờ đợi chúng ta vượt qua ảo ảnh về “ý chí tự do”, mọi người trên khắp thế giới đang rút lui để tìm chỗ trú ẩn với những ảo ảnh còn cũ hơn. Thay vì đối đầu với thách thức của AI và công nghệ sinh học, nhiều người đang chuyển sang những ảo tưởng tôn giáo và dân tộc, thậm chí còn ít liên hệ hơn với những thực tế khoa học trong thời chúng ta hơn là chủ nghĩa tự do. Thay vì những mô hình chính trị mới mẻ, những gì được cung cấp là thức ăn thừa được đóng gói lại từ thế kỷ 20 hoặc thậm chí thời trung cổ.

Khi bạn cố gắng tham gia với những tưởng tượng mang tính hướng về quá khứ này, bạn thấy mình đang tranh luận về những điều như sự xác thực của Kinh Thánh và sự thánh thiện của dân tộc (đặc biệt nếu xảy ra, như tôi, là bạn sống ở một nơi như Israel). Là một học giả, đây là một sự thất vọng. Tranh cãi về Kinh Thánh là những chuyện nóng bỏng trong thời của Voltaire, và tranh luận về giá trị của chủ nghĩa dân tộc là triết học tiên tiến của một thế kỷ trước – nhưng vào năm 2018, nó dường như là một hết sức phí phạm thời giờ. AI và công nghệ sinh học sắp thay đổi tiến trình của bản thân sự tiến hóa, và chúng ta chỉ có vài chục năm để nghĩ ra làm những gì với chúng. Tôi không biết những trả lời sẽ đến từ đâu, nhưng chắc chắn chúng không đến từ một sưu tập những câu chuyện được viết cách đây hàng ngàn năm.

Vậy phải làm gì? Chúng ta cần phải chiến đấu trên hai mặt trận cùng một lúc. Chúng ta nên bảo vệ dân chủ tự do, không chỉ vì nó đã được chứng minh là một hình thức chính trị hiền lành hơn bất kỳ những lựa chọn thay thế nào của nó, mà còn vì nó đặt những giới hạn ít nhất trong tranh luận về tương lai của loài người. Đồng thời, chúng ta cần đặt câu hỏi những giả định truyền thống về chủ nghĩa tự do, và khai triển một dự án chính trị mới tốt hơn, phù hợp với những thực tế khoa học và những quyền lực công nghệ của thế kỷ 21.

Thần thoại Hellas kể rằng Zeus và Poseidon, hai trong những vị thần lớn nhất, đã tranh đấu để dành bàn tay của nữ thần Thetis. Nhưng khi họ nghe lời tiên tri rằng Thetis sẽ có một đứa con trai quyền năng hơn người cha của nó, cả hai đều lo sợ rút lui. Vì những vị thần đều toan tính làm thần và sống mãi mãi, họ không muốn những đứa con quyền năng hơn để cạnh tranh với họ. Thế nên Thetis đã lấy một người thường làm chồng, vua Peleus, và đã sinh ra Achilles. Những con người có sống chết đều thích có con cái họ sáng lạn hơn họ. Huyền thoại này có thể dạy chúng ta một gì đó quan trọng. Những nhà cai trị nắm quyền tuyệt đối có kế hoạch cai trị vĩnh cửu không muốn khuyến khích sự ra đời của những ý tưởng có thể làm mất chỗ của họ. Nhưng những chế độ dân chủ tự do gây hứng khởi cho sự sáng tạo những viễn kiến mới, ngay cả với giá tổn thất của việc đặt câu hỏi về những nền tảng của riêng chúng

Yuval Noah Harari


Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Oct/2018)







[1] Tạm dịch và phổ biến trước như một chú thích cho bản dịch 21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21 – Chương 3. Tự Do – bài báo The Myth of Freedom của tác giả trên Guardian)

[2] Liberalism – chủ nghĩa tự do (không phải chủ nghĩa ‘tự do dân chủ’ như vẫn lầm lẫn gọi chung): Chủ nghĩa Tự do là một học thuyết chính trị và kinh tế nhấn mạnh vào quyền tự chủ, bình đẳng về cơ hội của cá nhân, và sự bảo vệ những quyền cá nhân (chủ yếu là quyền sống, được tự do và có tài sản riêng); ban đầu chống lại nhà nước và về sau chống lại cả nhà nước lẫn những tác nhân kinh tế tư nhân, gồm công thương nghiệp.
Học thuyết chính trị này thừa nhận sự bảo vệ và tăng cường sự tự do của cá nhân là vấn đề chính trị trung tâm. Những người theo chủ nghĩa tự do điển hình tin rằng chính phủ là cần thiết để bảo vệ những cá nhân để không bị những người khác làm hại, nhưng họ cũng nhìn nhận rằng chính phủ tự nó có thể đe dọa sự tự do. Như Thomas Paine (1737-1809), trong Common Sense (1776), chính phủ nếu tốt nhất, thì không gì nhưng là ‘một điều ác cần thiết’. Những pháp luật, quan tòa, và cảnh sát là cần thiết để bảo đảm đời sống và tự do của cá nhân, nhưng quyền lực cưỡng chế của chúng cũng có thể quay sang chống lại cá nhân. Vấn đề, sau đó, là tạo ra một hệ thống trong đó cung cấp cho chính phủ quyền lực cần thiết để bảo vệ quyền tự do cá nhân nhưng cũng ngăn cản người cai trị không thể chi phối và lạm dụng quyền lực đó (‘[chính phủ] trong trạng thái tồi tệ nhất, là một trạng thái không thể chấp nhận.- Paine) Những trí thức sáng lập chủ nghĩa tự do là triết gia John Locke (1632–1704), người đã phát triển một lý thuyết về quyền lực chính trị dựa trên những quyền cá nhân tự nhiên và sự đồng ý của người được cai trị, và triết gia Adam Smith (1723–90), người lập luận rằng xã hội phát triển thịnh vượng khi những cá nhân được tự do theo đuổi lợi ích của họ trong một hệ thống kinh tế dựa trên quyền sở hữu tư nhân của những phương tiện sản xuất và những thị trường cạnh tranh, không bị nhà nước hoặc những tập đoàn độc quyền tư nhân kiểm soát.
Theo lý thuyết của John Locke, sự đồng ý của người được cai trị được bảo đảm qua một hệ thống của cai trị dựa trên đa số, theo đó chính phủ sẽ thực hiện ý chí bày tỏ (qua lá phiếu) của đoàn cử tri. Tuy nhiên, nước England thời của Locke và trong những xã hội dân chủ khác trong nhiều thế kỷ sau đó, không phải mọi người đều được là thành viên của cử tri, cho đến tân thế kỷ 20, phổ thông đầu phiếu vẫnchỉ giới hạn trong người da trắng phái nam. Không nhất thiết có liên hệ tất yếu giữa chủ nghĩa tự do và bất kỳ hình thức cụ thể nào của chính phủ dân chủ, và thực sự chủ nghĩa tự do của Locke đã đặt trên một chế độ quân chủ lập hiến.
Những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển (nay thường được gọi là người tự do) coi nhà nước như sự đe dọa chính đối với tự do của cá nhân,ủng hộ sự hạn chế những quyền hạn của chính phủ với những cần thiết để bảo vệ những quyền cơ bản chống lại sự can thiệp của những người khác. Những người theo chủ nghĩa tự do mới ngày nay (neo-liberalism) đã chủ trương rằng tự do cũng có thể bị đe dọa bởi những tác nhân kinh tế tư nhân, như những doanh nghiệp, chúng bóc lột công nhân hoặc lấn lướt chính phủ, và họ ủng hộ hành động của nhà nước, bao gồm cả áp đặt luật lệ điều hành chỉnh đốn kinh tế và cung cấp những dịch vụ xã hội, để cải thiện những điều kiện sống (thí dụ – quá nghèo khó) vốn có thể cản trở việc thực hiện những quyền cơ bản hoặc làm suy hoại quyền tự chủ cá nhân. Nhiều người cũng nhìn nhận những quyền rộng rãi hơn như quyền có việc làm tương xứng, quyền được chăm sóc y tếquyền hưởng giáo dục miễn phí.

[3] Một sai lầm phổ biến là nhập chung chủ nghĩa tự do với dân chủ. Hai khái niệm này không phải là những từ đồng nghĩa. Đối với hầu hết lịch sử của chúng, chúng thậm chí không được so sánh như tương đương. Từ thời của người Hellas cổ, dân chủ có nghĩa là cai trị bởi dân chúng. Một số người đã giải thích điều này có nghĩa là sự trực tiếp tham gia chính trị của tất cả những công dân phái nam. Những người khác đã hiểu nó có nghĩa là một hệ thống đại biểu dựa trên phổ thông đầu phiếu của tất cả các công dân phái nam. Dù cách nào, tuy nhiên, mãi đến tận thế kỷ 19, phần lớn những người theo chủ nghĩa tự do đã ác cảm với chính ý tưởng dân chủ, mà họ liên kết với hỗn loạn và sự cai trị của đám đông hỗn tạp. Thật khó để tìm được một người theo chủ nghĩa tự do nhưng nhiệt tình với tư tưởng dân chủ trong thời hoàng kim của những gì thường gọi là chủ nghĩa tự do cổ điển. Thật vậy, sẽ không sai khi nói rằng chủ nghĩa tự do ban đầu đã được phát minh là để kềm hãm dân chủ.
Chắc chắn, những người sáng lập chủ nghĩa tự do đã không phải là những người dân chủ. Benjamin Constant (1767-1830) đã chủ trương những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về tài sản cho cả bầu cử và đắc cử những chức vụ công quyền. Cách mạng France đã chứng minh cho những người tự do như ông rằng công chúng hoàn toàn không chuẩn bị cho những quyền chính trị. Quần chúng đã là dốt nát, thiếu lý trí, và dễ nghiêng sang bạo động. Dưới áp lực của những người tự do như ông, luật pháp đã bị đình chỉ, ‘kẻ thù của nhân dân’ lên máy chém, những quyền tự do bị chà đạp. Giai đoạn dân chủ nhất của cách mạng France cũng là giai đoạn đẫm máu nhất.

[4] ý chí tự do: con người có ý chí, hiểu như có những ý muốn tốt lẫn xấu, và toan tính thực hiện ý muốn của mình, nhưng con người không có tự do để chọn lựa chính mình nên/phải/không có ý muốn nào; con người dĩ nhiên có ý chí nhưng điều nhấn mạnh ở đây là chúng ta không có ý chí tự do. Trong một chương của 21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21, tác giả đã giải thích tường tận vấn đề này. Một trong những câu hỏi lâu đời nhất trong tâm lý học, và trong những lĩnh vực khác như triết học, liệu con người có ý chí tự do hay không. Đó là, chúng ta có thể chọn những gì chúng ta sẽ làm với cuộc sống của mình không? Vấn đề ý chí tự do sẽ đặc biệt gai góc vì nó trình bày một xung đột giữa hai quan điểm đối lập, nhưng thoạt nghe, đều có vẻ không kém phần hợp lý. Từ một quan điểm hoàn toàn tâm lý, nếu chúng ta không có ý chí tự do, tại sao chúng ta lại ở đây? Đời sống là gì nếu chúng ta không thể tự do chọn một con đường sống riêng mình? Tuy nhiên, từ một quan điểm thuần túy khoa học, làm thế nào có thể bất cứ gì có thể xảy ra mà không ít nhất do một gì khác (hay nhiều) gây ra? Nếu chúng ta thực sự có tự do lựa chọn, thì những lựa chọn này phải không có nguyên nhân – nhưng một gì đó xảy ra nhưng không nguyên nhân, là một điều không thể nhận hiểu hay giải thích được, trong mô hình khoa học mà chúng ta ngày nay đều dựa vào để sinh hoạt và tiến bộ.
Trước đây, không có đồng thuận, dù trong tâm lý học về câu hỏi –  liệu chúng ta thực sự có ‘ý chí tự do’ như đạo Kitô vẫn nói hay không –  nhưng ngày càng thêm nhiều lĩnh vực nghiên cứu tâm lý dường như đều cho thấy rằng đây là một khái niệm, giống như tự ngã, linh hồn, chúng ta thực sự đều không có, hiểu như những thực thể bên trong mỗi chúng ta. Hai nhà tâm lý học lớn, thế kỷ trước và thế kỷ này – Sigmund Freud và B.F Skinner –  đã có nhiều không đồng ý, nhưng một điều họ đã đồng ý là những hành vi của con người được xác định bởi những ảnh hưởng bên trong hoặc bên ngoài con người. Freud nói về những xung đột và mâu thuẫn bên trong, từ phần tâm lý sâu chìm bao la vốn ý thức không từng, hay chỉ nhận biết lờ mờ, ông nói về tiềm thức và vô thức, cho chúng ta hiểu đây mới là vùng xuất phát những nguyên nhân xa gần của những hành vi con người (xem thêm Freud trên blog này). Sau đến Skinner, nhà tâm lý học hành vi, nói về những hoàn cảnh, trường hợp, những môi trường bên ngoài xã hội con người tác động vào những quyết định, ứng xử đã thể hiện qua hành vi con người. Trước và sau, trong hay ngoài, hai nhà tâm lý học vĩ đại này đều bảo rằng, về tinh thần, hay tâm lý, chúng ta không là một sinh vật có tự do, ý chí tự do như nói trong đạo đức Kitô phương Tây vẫn nói và vẫn tiếp tục dai dẳng đề cao cho đến nay, không vì nó là thực, nhưng chỉ đơn giản vì nó giải đáp cho vấn nạn Tà ác đặt ra trong gót học Kitô. Ở phương Tây, cũng đã đem cho tiện ích xa gần nào đó trong xã hội của những người đã tin theo nó quá lâu đến thành tập quán khó bỏ. Hiện nay, lĩnh vực như khoa học thần kinh và di truyền học đã đóng lại câu hỏi của tâm lý về ý chí tự do. Nhưng về đạo đức học, phủ nhân này có khuyến khích mọi người cư xử như thể họ không chịu trách nhiệm về hành vi của họ? Câu trả lời thực sự khá giản dị, một khi gạt bỏ yếu tố tôn giáo, đặc biệt của đạo Kitô. Con người vẫn sống đạo đức – thực ra còn đạo đức hơn đạo đức một chiều dựa trên một tôn giáo – nếu hiểu đạo đức là những gì đến từ sự thực hành nguyên lý: (a) đừng có hành động khiến sinh vật khác phải đau khổ; và đặc biệt con người nên đối xử với nhau theo nguyên tắc hướng dẫn thực tiễn – (b) đừng làm điều gì mà bạn không muốn người khác làm cho mình – Từ bi (a) và Quy tắc Vàng (b) đã có ở phương Đông hàng nghìn năm nay – đã giúp con người sống đạo đức và tổ chức những xã hội có luân lý cao.
Con người, không có tự do (freedom) như vẫn nói, khi đi đến quyết định hay chọn lựa, lớn đến nhỏ, trong đời sống của mình. Tự Do (Liberty) là một câu chuyện, như Harari xếp loại, một hư cấu, một ảo tưởng. Tôi gọi là nó thuộc một tập hợp gồm những gì không-thực, không là-có. Tất cả giống như ‘chiếc xe’ của tỷ kheo Nāgasena đến gặp vua Menander.
Trong đời sống chính trị, chúng ta biết ngay cả Tự Do chỉ là một lý tưởng, một hư cấu, chỉ là-có trong tưởng tượng chủ quan. Một dân tộc, đã tượng trưng Tự Do (Liberté) qua hình tượng một nữ thần to lớn và đẹp đẽ, đã đổ rất nhiều máu tranh đấu cho Tự Do này (và Bình đẳng, Bác ái!) công khai đầu tiên và lớn tiếng nhất Europe. Dân tộc đó, trong thế kỷ qua đã xâm lăng, cũng chà đạp lên tự do (và cũng tuyệt không bình đẳng lẫn bác ái với người ngoài, khác tôn giáo) của nhiều những dân tộc thuộc địa, trong đó có chúng ta. Chúng ta chỉ có thể giải thích rằng những người France này, những thực dân và ‘thừa sai’, tay cầm súng và cổ đeo ‘thánh giá’, đều không là những con người có ‘ý chí tự do’. Chỉ sự thực này mới có thể giải thích được, dù phần nào, ngay cả chính họ, về những những hành động xâm lăng, truyền đạo với hậu quả diệt chủng, diệt văn hóa tàn ác của họ, ở ViệtNam cũng như nhiều những thuộc địa khác trên thế giới – hành động của họ như vậy rõ ràng không vì ý chí tự do không thực (những con người tôn thờ và đã đổ máu vì Tự Do) nhưng từ động cơ thực, dựng trên tham vọng thực dân, kiêu hãnh đế quốc tự phong trách nhiệm khai hóa ‘ánh sáng văn minh’, và đặc biệt là sự cuồng tín sắt máu của thứ tôn giáo tin chỉ một gót. Tất cả những thiển cận này đã đánh lừa chính họ, không cho họ thấy sự ích kỷ ác độc trong họ đã dẫn đến những huỷ hoại tàn khốc. Tìm mở thị trường – lãnh thổ thuộc địa như thị trường kinh tế để duy trì đế quốc chính trị, dân chúng thuộc địa như thị trường người để rao bán tôn giáo mới. Thêm nữa, cũng khéo léo đánh lừa được hai ba thế hệ người Việt thuộc địa lầm lạc – từ Petrus Ký đến Phạm Quỳnh, và những người hiện nay vẫn biệnhộ cho những nhân vật lịch sử này!

[5] Hacking: tạm dịch ở đây, ‘hack’ nay thành một từ rất phổ thông ngoài lĩnh vực cômputơ. Tôi nghĩ nên dùng nguyên dạng gốc ‘hack’ (như chúng ta mượn những từ 自由, 民主, vốn viết nguyên chữ Tàu – xưa kia và nay phiên âm theo cách đọc tiếng Tàu là ‘tự do’, ‘dân chủ’, ….) vậy hack (động từ) và hacking (danh từ) có thể giữ nguyên. Còn muốn rõ cho người đọc chưa quen  tôi tạm dịch là dùng kỹ thuật đột nhập bí mật như trên.
[6] Hacker – ở đây không thể dịch là ‘tin tặc’ nữa – vì không có ‘tin’, và cũng không là ‘tặc’, thí dụ trường hợp Edward Joseph Snowden, và cũng không là người – nhưng là một algorithm phức tạp, hay một malware nào đó!
[7] biometric sensors
[8] Inquisition: Thực sự, tổ chức này vẫn được hội Nhà thờ Catô duy trì và tiếp tục hoạt động đến ngày nay, dưới tên gọi Bộ Giáo lý Đức tin (trước là Thánh Bộ Tòa án Dị giáo Tối cao của Rôma và Hoàn vũ (sic) – The Congregation for the Doctrine of the Faith). Đây là cơ quan lâu đời nhất của triều đình tôn giáo Roma, có trách nhiệm ban hành và bảo vệ học thuyết Catô.
[9] Black box
[10] Phần não ảnh hưởng đến cách mọi người cảm thấy những cảm xúc, đặc biệt là sợ hãi và vui thích