Wednesday, December 25, 2013

Friedrich Nietzsche – Kẻ Điên



Kẻ Điên
Der tolle Mensch

The Madman
Friedrich Nietzche






Bây giờ, tất cả những nhà thờ này là gì, nếu chúng không là những mồ chôn và mả táng của Gót?”


1.
Gott ist todt”  – Gót đã chết”, đây là phát biểu quen thuộc nhất của Nietzsche, được trích dẫn nhiều nhất, nhưng cả nghe lẫn nhắc đều lạc vào hiểu lầm nhiều nhất, ít nhiều đã không đến thẳng nội dung đơn giản của câu nói thời thượng này. Nietzsche không có ý nói Gót đã từng hiện hữu và giờ đây thôi hiện hữu. Không phải đã có một Gót, vừa mới bị giết chết, đêm qua. Trước sau, Nietzsche không hề tin có Gót như trong Kitô  – từ rất sớm, thế nên, ông không bao giờ lên tiếng phủ nhận sự hiện hữu của Gót (như những người quanh ông, từ lý trí mở mắt cố minh chứng như Kant đến nhắm mắt nhảy liều theo niềm tin như Kierkegaard). Với Nietzsche Gót đương nhiên không hiện hữu, vậy khi ông cho một người ra giữa chợ đời kêu lớn “Gót đã chết”, Nietzsche muốn nói rằng tất cả mọi người, kể cả những người không-tin-có-gót đang cười cợt, nếu như còn có được một chút trí tuệ, bây giờ đã đến lúc phải nhận thức được sự thật rằng trong vũ trụ này, không có thiết kế thông minh, sáng tạo siêu nhiên, không hướng đến một cứu cánh nào cả, đừng nói chi đến trong đó có, hay gắng có lấy được một xếp đặt hợp lý: con người bây giờ phải hiểu lấy điều đơn giản rằng không có lý do tại sao sự việc xảy ra cách này và không cách khác, và rằng hài hòa và trật tự chúng ta đi tìm vì tin chúng tồn tại trong vũ trụ đều chỉ là sản phẩm tưởng tượng của não thức con người, chúng ta lần lượt đã dán những nhãn hiệu giả dối đó lên chúng mà thôi, ngay cả thiện và ác của những kẻ đang rao bán thương yêu và đạo đức cũng chỉ là những nhãn hiệu trống rỗng – Tất cả mọi sự vật việc đều là đối tượng để diễn dịch, và mỗi thời đại, mỗi xã hội, diễn dịch ưu thắng là thể hiện của ý dục quyền lực của thời đại xã hội đó, không phải của sự thực muôn đời vẫn tưởng khách quan!. Không có những sự kiện, chỉ có những diễn dịch!  Trước khi dẫn chúng ta đến công việc ông gọi là phải xét-định-lại tất cả giá trị, ông bảo chúng ta tất cả những giá trị, trong đó có vẫn dai dẳng những giá trị đạo đức Kitô, vốn chúng cho đến nay vẫn mặc nhận Gót như tiêu chuẩn tuyệt đối, tối thượng, như thước đo hay cứu cánh của con người phương Tây. Những thước đo, những cứu cánh, những tiêu chuẩn đó đã chấm dứt, những tuyệt đối đó đã mất hết ý nghĩa, đã chết; con người đã vượt qua chúng, Gót đã chết. Người ta đã bỏ những tiêu chuẩn, tuyệt đối, tối thượng, thước đo, cứu cánh… đó từ lâu rồi, đã giết chết Gót từ lâu rồi, chỉ chưa nghe và nhận biết được điều đó thôi.

Đó là dưới mắt Nietzsche, rất ít người được xem có lấy một chút đòi hỏi trí tuệ để hiểu điều này, và trong thực tế ông đã có một cách như phỉ báng tất cả khối người đông đảo quanh ông. Những người này, Nietzsche nghĩ, với họ Gót chắc vẫn chưa chết, vẫn chưa hiểu những nhà thờ là những nhà mồ. Nhưng những người này, những con vật người không gì hơn những cái máng áo, những túi đựng cơm, phường “tục tử” sống theo bầy đàn, giữa “chợ đời”, theo ý kiến của Nietzsche, là khốn khổ đáng thương, đã bị một thế giới quan khắc sâu mê tín Kitô, khoa học thờ lý trí và triết học theo đuổi chân lý, một thế giới quan mà theo ý kiến của Nietzsche đã làm cho chúng ta thành những kẻ thua thiệt, thất bại, yếu nhược, những kẻ tôn thờ một đạo đức bắt nguồn từ tâm lý phẫn hận (resentement) của giới nô lệ. Họ mơ tưởng thế giới như một nơi pháp luật ngự trị, có mặt trời chân lý, có trật tự hợp lý và tệ hại nhất, vẫn tùng phục một thứ luân lý nô lệ, gọi là đạo đức, trong đó ca ngợi con người yếu nhược, phục vụ đồng loại với nhẫn nhục, và tự hy sinh đời này cho một đời sau tưởng tượng.

Theo ý kiến của Nietzsche, đạo đức tiêu cực, nói-Không-với-đời, của những nô lệ đáng thương này – đám đông nhân loại, con người bình thường  – tất cả phải được định lại giá trị, và thay thế bằng những giá trị khẳng định sự sống, nói-Có-với-đời. Đạo đức mới sẽ được dựa trên sự phát triển của một loại con người mới, Nietzsche gọi là Übermensch (“người-trên-người”). Một người như thế sẽ không chỉ chấp nhận sự sống trong tất cả mọi khía cạnh của nó, gồm tất cả những đau đớn của nó, nhưng cũng làm cho sự sống thành một nghệ thuật.

Không có Gót của Nietzsche và những hệ quả rõ ràng của nó, trong đó cho thấy không có tiêu chuẩn tuyệt đối và tất yếu của đúng và sai,  tốt và xấu, đã được những nhà  triết học hiện sinh sau ông trong thế kỷ hai mươi chấp nhận rộng rãi, đặc biệt thấy trong những tên tuổi quen thuộc với chúng ta: Albert Camus và Jean-Paul Sartre. Đối với những nhà tư tưởng ồn ào này, vấn đề cơ bản của triết học là làm thế nào để sống đời sống của một người, với không có tiêu chuẩn hợp lý tuyệt đối mà theo đó để đánh giá sự lựa chọn và quyết định của một người.

Với Nietzsche, (và cả Kierkegaard, và số đông triết gia hiện sinh) tất cả đều đồng ý rằng những thảo luận khác nhau về sự hiện hữu của Gót là không đi đến đâu và hoàn toàn vô nghĩa.

2.
Gott ist todt”  – Phát biểu này, mặc dù chắc chắn có những khía cạnh tôn giáo của nó, trong yếu tính là loan báo một “biến cố khủng khiếp, hãy còn đương trên đường khai diễn”, tuyên bố về một tương lai khốn khổ của văn minh phương Tây hiện đại. Nói ngắn gọn, 'Cái chết của Gót' đề cập đến sự xụp đổ tất cả những nhân sinh quan và vũ trụ quan, đến từ sự hoàn toàn mất niềm tin vào tôn giáo và siêu hình vẫn được chấp nhận, cùng với hệ thống giá trị nó đề cao, đặc biệt là những giá trị đạo đức. 'Cái chết của Gót' thông báo sự ra đời của thời đại trong đó bóng tối của hư vô bắt đầu tỏa rộng và bao trùm, một thời đại của văn hóa kiệt quệ, mục rỗng, phát sinh từ khủng hoảng niềm tin, và có thể dẫn đến thảm họa, và bất kỳ ai còn quan tâm đến sự tồn tại thực sự của con người (như kẻ điên trong bài), có thể bắt đầu trông thấy những triệu chứng của nó. Heidegger trong Nietzsche's Word, ‘God is Dead.’ Tóm tắt dụ ngôn này như sau:

“Nietzsche sử dụng chủ nghĩa hư vô (nihilism) như tên gọi cho phong trào lịch sử ... đã chi phối thế kỷ trước (19) trong khi đương xác định thế kỷ tới (20). Diễn giải chủ yếu của ông về phong trào này tập trung trong câu ngắn gọn: “Gót đã chết”. Đó là nói, “Gót Kitô đã bị mất quyền năng trên con người và trên sự khẳng định con người. “Gót Kitô” cũng là viết tắt của “siêu thể”, những gì vẫn biện minh là “siêu nghiệm”, “siêu nhiên” nói chung, trong những ý nghĩa khác nhau của nó - cho những “lý tưởng” và “phạm trù, khuôn khổ”, “nguyên lý” và “quy luật”, “cứu cánh”và “giá trị”, … chúng đã được thiết lập “ở trên” hữu thể, để đem cho hữu thể như một toàn thể, một cứu cánh, một trật tự, và  “ý nghĩa”. [1]

3.
Gott bleibt todt!” – Gót chết hẳn rồi”, một câu hỏi có thể nêu ở đây là ai “giết” Gót, và câu này đi với câu hỏi – sao không chống đỡ, hay dựng Gót sống dậy, để tránh hiểm họa hư vô? Nhìn lại, chúng ta thấy đây là một câu hỏi sai lầm, đến từ những hiểu lầm đã nhắc ở trên – cái chết của Gót, trước hết là cái chết của một khái niệm (conceptual death). Tự khái niệm đó mất sức sống đã từ lâu, đã phân hủy, nay đang mục nát bốc mùi thối rữa. Trước Nietzsche, từ thời Phục hưng, có những cá nhân đã tìm đường phục hồi được một gì đó của tư tưởng cổ thời Hy Lạp bị thất lạc, họ đã nhận mặt những huyền thoại, gạt đi những mê tưởng sự thật đến từ “vén lên cho thấy”; thay vào đó, đã tập trung vào những gì con người có thể tự tìm kiếm cho mình, mở rộng câu hỏi làm thế nào chúng ta có thể dùng chính não thức lý trí và giác quan kiểm nghiệm để đi đến nhận định những gì là đúng và sai. Qua thời Khai sáng, câu hỏi đó tiếp tục phát triển táo bạo và tuyệt đối hơn, khoa học đã giải thích chẳng những chỉ những bí ẩn của thế giới vật lý, nhưng như Darwin, cũng đem đến một giải thích mở ra những nhận hiểu mới về thế giới tri giác, về nguồn gốc phát triển của chính sự sống. Nên khi Nietzsche lên tiếng “Gót đã chết,” ông cũng nói tiếp “Gót đã chết hẳn rồi”.

Đi trước những Foucault, Derrida của thuyết giải cấu trúc (deconstructionism), Nietzsche đã giải cấu trúc khái niệm Gót. Và cũng như giải cấu trúc không phải là kéo đổ sự thật hay phá hủy thực tại, nhưng là lật đổ những ảo tưởng trong ngôn ngữ và ý thức hệ của chúng ta. Chúng có tham vọng đem cho, và chúng ta tưởng đã nhận được, những nền tảng tự nhiên không nghi ngờ, hay phổ quát cho những niềm tin và kiến thức của chúng ta. Con người đến thế kỷ này đã “tỉnh ngộ”, nhận ra nó là một huyễn tưởng; chúng ta trước sau đã lần lượt đã vượt qua nó, dẫu nhiều người vẫn còn chưa nhận thức được sự kiện này; tất cả mọi người trong xã hội đã cùng “giết” khái niệm Gót, vì trong nhiều biểu hiện khác nhau, họ đã thôi không còn tin, sống, dựa vào những gì xây dựng trên khái niệm này nữa. Gót không đứng vững nữa, tự quị ngã, bóng của nó không còn che phủ con người được nữa. Cái bóng tối đó từ một ảo ảnh dựng cao, nay ảo ảnh đó xụp đổ, bóng tối đó tan biến, mở ra khoảng trống thực vốn bị chiếm chỗ, cho thấy hư vô bao la, từ chân trời bỗng thành hiển hiện ngay bên cạnh chúng ta. Không thể dựng lại một ảo ảnh, không thể làm sống dậy một huyễn tưởng. “Gott ist todt! Gott bleibt todt! - Gót đã chết. Gót chết hẳn rồi”. Thực không có “ai” chết, không ai bị giết. Chỉ có một ảo ảnh chết, một huyễn tưởng đã qua đời, một khái niệm bị giải cấu trúc.

4.
Triết lý của Nietzsche thì phức tạp và cực đoan, triệt để, nhưng nội dung đoạn văn này khá rõ ràng: con người phương Tây đã đạt đến một điểm mà - khái niệm về Gót - như một nguồn bên ngoài, “trên cao kia”, của những giá trị và ý nghĩa trần gian ở “thấp dưới này”, - đã chết, thôi không tồn tại nữa. Chúng ta không còn có thể tiếp tục tin vào một vũ trụ với trật tự do Gót sáng tạo, hoặc một hệ thống những giá trị đạo đức tuyệt đối, và hơn nữa, chúng ta phải nhận diện một thực tại là chúng ta có tự do lựa chọn những giá trị đời sống của chúng ta. “Gót đã chết” là một phát biểu mô tả thực tại hơn một dự đoán tuyên bố: Nietzsche đẩy chúng ta đến nhìn nhận rằng trong thời đại của chúng ta, những giả thuyết tôn giáo đã thôi không còn dùng được nữa, không hữu ích, hoặc thậm chí có hại, đã hết chính đáng. Gót đã được đem chôn, xác thối rữa, đã bốc mùi hôi thối; mượn cách nói của William James, Gót thì đã thôi là một mệnh đề sống.

Đối với Nietzsche, cái chết của Gót có hai nghĩa: giải phóng và đe dọa. Không-Gót, không có những nền tảng cho sự khách quan tuyệt đối. Con người phải tự lo liệu cho chính mình để tạo ra những giá trị mới và tránh rơi vào chủ nghĩa hư vô (như cách Ivan Karamazov trong Dostoevsky nói, trong một thế giới không có Gót, tất cả mọi thứ đều được cho phép). Đây có lẽ là khía cạnh triết lý quan trọng nhất của dụ ngôn kẻ điên: những gì mở ra cho cuộc sống không-Gót, và viễn cảnh của cuối đường của những niềm tin tôn giáo xụp đổ, những sa lầy của tin tưởng tinh thần và siêu hình sâu xa nhất trong con người phương Tây. 

5.
Tại sao? Kẻ điên báo tin Gót chết với những người không-tin-có-gót. Đây là điểm mọi người thường bỏ sót. Dù đã sẵn không tin vào một Gót như kể trong Kitô (Atheists), nên bọn họ thoạt đầu mới theo nhau nhạo báng người điên (làm gì có Gót mà nói Gót chết!), ấy thế nhưng họ không có khả năng hiểu ý nghĩa của chuyện Gót chết, mặc dù chính họ đã giết Gót, và có lẽ cũng đã là những người đang đào huyệt chôn cái xác thối rữa của Gót, đơn giản không khác gì con chó chết, không đào huyệt chôn sẽ sình thối lên. Tại sao? Bởi vì họ đã thất bại không kinh nghiệm được cái chết của Gót, thất bại không hiểu được ý nghĩa trọng đại của chuyện Gót chết. Đây không phải là chuyện của bàn cãi, đưa ra những luận chứng lôgích, phản biện (refutation) trên lý trí, cũng không phải nội dung của chuyện tin hay không tin (belief/unbelief) trong tâm linh. Nhưng là trải nghiệm cảm nhận sống động từ đời thường ngày của thực tại.

Phải nhận được cái chết của Gót qua những gì không-Gót trong xã hội, những gì xây dựng trên cái nền-Gót, nay đã lỗi thời, suy hoại, móng lở, cột gãy; phải cảm được sự phi-nhân của chính niềm tin lâu nay vẫn đặt vào Gót.

Vì tin vào Gót, là phủ nhận con Người, không tin vào con Người

6.
Kinh nghiệm gì?

Một người phải kinh nghiệm, như Nietzsche, rằng Gót là một câu chuyện dối trá. Bởi vì đã có trong văn hóa, xã hội, tư tưởng, tôn giáo – ở phương Tây – ý niệm Gót là Chân lý, là Sự thực của mọi Sự thực, và là Lý tưởng của đạo đức như đạo Kitô thường tuyên xưng.

Gót chết  – không phải là một ai đã có nay chết  – nhưng là những câu chuyện như thế đó về tôn giáo, đạo đức là dối trá; tất cả những nội dung liên hệ xoay quanh Gót từ lâu đã bị đào thải trong xã hội rồi; như “những nhà thờ này” nay chúng chỉ còn là chứng tích của một quá khứ  – “Bây giờ, tất cả những nhà thờ này là gì, nếu chúng không là những mồ chôn và mả táng của Gót?”

7.
Requiem Aeternam Deo
Gióng chuông báo tử lên đi – và cái chết này mang tên Gót,
Cho những ai trong nhân loại muộn màng vẫn còn chưa nghe đến, – 

Lê Dọn Bàn








Kẻ Điên


Bạn chưa nghe về kẻ điên đó hay sao, hắn đốt một đèn lồng trong buổi sớm bạch nhật, chạy ra bãi chợ và kêu không ngừng: “Tôi tìm Gót! tôi tìm Gót!” – Lúc ấy nhiều người không tin vào Gót đã đương đứng quanh, hắn gây nhiều tiếng cười. Tại sao, Gót đã đi lạc rồi chăng? Một kẻ nói. Ông đã quên đường về như một đứa bé phải không? Một người khác nói. Hay ông đương trốn? Có phải ông sợ chúng ta? Ông đã đi du lịch phải không? hay đã di cư chốn khác? – Như thế, bọn họ lớn tiếng và cười rầm lên. Kẻ điên nhảy vào giữa, như đâm xé họ với những tia mắt nhọn sắc.

“Gót đi mô rồi?” hắn kêu; “Ta đây bảo cho các ngươi biết. Chúng ta đã giết ông ta – các ngươi và ta. Tất cả chúng ta là đám sát nhân đã giết ông. Nhưng cách nào chúng ta đã làm điều này? Cách nào chúng ta đã có thể uống cạn biển lớn? Ai đã cho chúng ta giẻ lau bằng bọt biển để thấm sạch đến trọn chân trời? Chúng ta đã làm gì khi chúng ta gỡ bỏ xích buộc đất này với mặt trời của nó? Giờ đây nó đương lăn về mô? Chúng ta giờ đây đương lăn về mô? Xa tất cả mặt trời? Có phải chúng ta đương không ngừng đâm đầu chúi mũi xuống hay sao? Ra sau, tới trước, xoay nghiêng, đủ mọi chiều? Có lại còn lên và xuống nữa không? Không phải là chúng ta đương lệch đường hay sao? Như băng qua một khoảng không vô tận? Không phải chúng ta cảm được hơi thở của không gian trống rỗng hay sao? Không phải là nó thành lạnh hơn sao? Không phải đêm và nhiều đêm nữa tiếp gần đến trùm tối chúng ta? Không phải là những đèn lồng cần thắp lên trong buổi sớm hay sao? Không phải chúng ta còn chưa nghe bất cứ gì của tiếng ồn những kẻ đào huyệt đang chôn Gót hay sao? Không phải chúng ta còn chưa ngửi được bất cứ gì của mùi gót đang thối rữa đó sao? Gót, cũng thế thôi, cũng thối rữa. Gót đã chết. Gót chết hẳn rồi. Và chúng ta đã giết ông”.[2]

“Làm sao chúng ta sẽ khuyên giải chúng ta đây, những kẻ sát nhân của tất cả những loài sát nhân? [3] Những gì đã là linh liêng nhất và đầy quyền lực nhất mà thế giới đã từng có, đã chảy máu đến chết dưới những mũi dao của chúng ta: Ai sẽ gột bỏ máu này khỏi chúng ta? Có nước nào đó không để chúng ta rửa chúng ta cho sạch? Những lễ hội cứu chuộc nào, những trò chơi linh thiêng nào, chúng ta rồi sẽ phải bày ra? Không phải sự trọng đại của tác hành này là quá lớn vượt sức chúng ta hay sao? Không phải chính chúng ta tự mình phải trở thành những gót, đơn giản chỉ để xem dường bõ công xứng đáng với nó hay sao? Đã chưa từng có một tác hành nào lớn hơn; và bất cứ là ai rồi sinh ra đời sau chúng ta – vì phúc lợi của tác hành này, hắn ta sẽ thuộc về một lịch sử cao hơn tất cả những lịch sử đã có từ trước đến nay”.[4]

Đến đây kẻ điên rơi vào im lặng, và lại nhìn những người đương lắng nghe; và những người này, họ cũng im lặng và chằm chằm nhìn vào kẻ điên với sững sờ kinh ngạc. Cuối cùng, hắn ném đèn lồng xuống đất, vỡ vụn thành mảnh, và tắt ngấm. “Ta đã đến quá sớm”, rồi hắn nói với họ; “thời của ta chưa đến. Biến cố khủng khiếp này hãy còn đương trên đường khai diễn, hãy còn quanh co, – nó hãy còn chưa đến tai con người. Sấm và chớp cần có thời gian; Ánh sáng từ những vì sao cần có thời gian; những tác hành, dù chúng đã làm xong, vẫn cần có thời gian để được xem thấy và nghe đến. Tác hành này thì vẫn còn xa thẳm đối với họ còn hơn những vì sao xa thẳm nhất – và dẫu thế nhưng bản thân họ đã làm điều ấy chính họ.

Sau đó được kể thêm rằng, cũng trong ngày hôm ấy, kẻ điên đã xông vào nhiều nhà thờ ở nhiều nơi khác nhau, và mỗi nơi hắn đã hát lên kinh cầu hồn cho Gót an nghỉ đời đời (requiem aeternam deo) của hắn [5] . Bị lôi ra và hỏi tại sao, được kể là hắn đã luôn luôn đáp không gì khác hơn rằng: “Bây giờ, tất cả những nhà thờ này là gì, nếu chúng không là những mồ chôn và mả táng của Gót?”[6]


Friedrich Nietzsche (1844–1900)
Lê Dọn Bàn tạm dịch  – bản nháp thứ nhất (Sep, 2010)
Đọc lại   – bản nháp thứ hai, Noel 2013

[Dịch từ bản dịch Anh ngữ  – Walter Kaufmann. The Portable Nietzsche. NewYork: Penguin, The Viking Press, 1954. pp. 95 – 96)]
[Trong Die fröhliche Wissenschaft (The Gay Science), đoạn 125 ‘Der tolle Mensch’  – 1882)]






[1] Vài nhận định khác của Heidegger, trích từ Nietzsche's Word, ‘God is Dead.’

a.
Lần đầu tiên Nietzsche đã tuyên bố “Gót đã chết” là trong tập thứ ba của La Gaya Scienza xuất bản năm 1882 (bản văn đã dịch trên đây). Tác phẩm này bắt đầu hành trình của Nietzsche hướng đến sự phát triển vị trí nền tảng của ông về siêu hình học. Đó là giữa tác phẩm này và nỗ lực cực nhọc sau đó của Nietzsche vào việc hình thành kiệt tác dư định của ông đã khiến Thus Spoke Zarathustra (“Gót đã chết - Zarathustra xuống núi”) được chào đời. Kiệt tác toan tính này đã không bao giờ hoàn tất. Dự định nó mang tên The Will to Power, với phụ đề Attempt at a Revaluation of All Values.

Khái niệm kỳ lạ về cái chết của một vị gót và cái chết của các vị gót đã quen thuộc với Nietzsche thời trẻ tuổi. Trong một ghi chú từ thời điểm hoàn thành công trình đầu tiên của mình, The Birth of Tragedy, Nietzsche viết (1870): “Tôi tin vào câu nói Đức thời cổ: Tất cả các vị gót phải chết”. Hegel trẻ tuổi, ở phần cuối luận văn Faith and Knowledge (1802) của ông, đã gọi tên “cảm xúc trên đó tôn giáo của thời hiện đại dựa vào  –  cảm xúc rằng Bản thân Gót thì đã chết ....” Tuyên bố của Hegel mang một ý nghĩ khác với những gì chứa trong những lời của Nietzsche. Tuy nhiên, có giữa hai phát biều một liên kết yếu tính mà chính bản thân nó ẩn dấu trong yếu tính của tất cả siêu hình học. Nhận xét của Plutarch, Pascal dẫn lại – “Gót lớn Pan đã chết”, dù với khác lý do, cũng thuộc về cùng loại phát biểu.

b.
Bốn năm sau (1886) Nietzsche thêm một tập sách cho La Gaya Scienza  tập thứ năm mang tên ‘We Fearless Ones’ (Chúng ta, những người không sợ hãi). Trong phần đầu tiên của tập sách (cách ngôn 343) có ghi ‘Ý nghĩa của sự vui vẻ của chúng ta’. Phần này bắt đầu, “Sự kiện lớn nhất gần đây - đó là Gót đã chết”, rằng niềm tin vào Gót Kitô đã trở nên không thể giữ được nữa  –  bóng tối đầu tiên của nó đã bắt đầu đổ xuống toàn châu Âu”.

Từ câu này, tuyên bố của Nietzsche về cái chết của Gót rõ ràng là có nghĩa là Gót Kitô. Nhưng cũng không kém chắc chắn hơn, và để điều này được xem xét trước, rằng thuật ngữ “Gót” và “Gót Kitô” trong suy nghĩ của Nietzsche được ông sử dụng để chỉ thế giới siêu cảm nghiệm (suprasensory) nói chung. Gót là tên để chỉ vương quốc của những Ý tưởng và Lý tưởng. Lĩnh vực này của siêu cảm nghiệm đã được xem xét, từ Plato, hay nói đúng hơn, từ sự diễn giải của Hylạp sau Plato, và của Kitô với triết học Plato, là đúng, và thế giới thực sự đích thực. Trái ngược với nó, thế giới cảm giác chỉ là thế giới “dưới” này, ở đây, của thay đổi, và do đó chỉ không gì hơn là biểu hiện bên ngoài, thế giới không thật. Thế giới dưới này là thung lũng của nước mắt, trái ngược với núi cao của thế giới bên kia, của hạnh phúc vĩnh cửu. Nếu, như vẫn xuất hiện trong Kant, chúng ta gọi tên cho thế giới cảm giác là thế giới vật lý, trong ý nghĩa rộng rãi hơn, sau đó thế giới siêu cảm là thế giới siêu hình. Tuyên bố “Gót đã chết” có nghĩa là: thế giới siêu cảm thì không có sức mạnh hiệu quả. Nó không đem lại sự sống cho đời sống. Siêu hình học, theo Nietzsche, trong triết học Tây phương, hiểu như lý thuyết Plato đã đến cuối đường của nó, đã chấm dứt. Nietzsche hiểu triết lý riêng của ông như là phản vận động chống lại siêu hình học, và điều đó có nghĩa với ông là một phong trào đối lập với triết học Plato.

Tuy nhiên, chỉ như một phản vận động, nó tất yếu vẫn còn, như tất cả mọi thứ “phản”, được giữ chặt trong bản chất với những gì mà nó chống lai, chuyển động. Phản vận động của Nietzsche chống lại siêu hình học, vì chỉ là bẻ quặt, dốc ngược đầu siêu hình học, vẫn có đó một sự vướng víu không thể tách rời với siêu hình học, theo cách như vậy, quả thực, siêu hình bị cắt từ yếu tính của nó, và vì siêu hình học không bao giờ có thể tự nghĩ về yếu tính riêng của nó. Vì vậy, những gì thực sự xảy ra trong siêu hình học, và bản thân siêu hình học như vẫn còn ẩn dấu bởi siêu hình học và cho siêu hình học.

Nếu Gót là nền tảng của siêu cảm và cứu cánh của tất cả thực tại đã chết, nếu thế giới siêu cảm của những ý tưởng đã bị mất tính bắt buộc của nó, và trên tất cả sinh lực và quyền lực xây dựng của nó, sau đó không còn lại gì nữa mà con người có thể bám vào và do đó có thể định hướng cho mình. Đó là lý do tại sao trong đoạn văn vửa trích dẫn có câu hỏi này: “Không phải là chúng ta … Như băng qua một khoảng không vô tận?” “Tuyên bố “Gót đã chết “chứa xác nhận rằng Không-gì này đang lan rộng ra. "Không-gì” ở đây có nghĩa là sự vắng mặt của một từ buộc phải có - siêu cảm (suprasensory). Chủ nghĩa hư vô , “Kẻ kỳ lạ nhất của tất cả các khách lạ” thì đang đứng ở cửa.

c .
Nỗ lực để làm sáng tỏ lời “Gót đã chết “của Nietzsche, cũng có cùng ý nghĩa quan trọng như công việc thiết lập ra những gì Nietzsche hiểu qua từ “chủ nghĩa hư vô” (nihilism) và như thế cho thấy những chỗ đứng của Nietzsche liên quan đến chủ nghĩa hư vô. Tuy nhiên, vì danh từ này thường được sử dụng chỉ như là một từ thời thượng và khẩu hiệu, và cũng thường như một lạm dụng có chủ ý hướng tới thành kiến, điều là cần thiết để hiểu nó có nghĩa là gì. Không phải bất của một ai là người kêu gọi đến lòng tin Kitô của mình, hoặc một số niềm tin siêu hình hay lập trường khác trên giải thích đó là chắc chắn đứng bên ngoài chủ nghĩa hư vô. Ngược lại cũng thế, tuy nhiên, không phải tất cả những người ai là người tự mang lấy gánh nặng vào mình với những suy nghĩ về Không-gì và bản chất của nó là theo thuyết Hư vô.

Chủ nghĩa hư vô là một phong trào lịch sử, và không chỉ là bất kỳ một quan điểm hay học thuyết của một ai đó đã chủ trương. Chủ nghĩa hư vô di chuyển lịch sử theo sau cách thức của một sự kiện cơ bản đang diễn ra mà hầu như không ghi nhận trong định mệnh của các dân tộc phương Tây. Do đó chủ nghĩa hư vô cũng không phải là chỉ đơn giản là một hiện tượng lịch sử giữa những hiện tượng lịch sử khác - không chỉ đơn giản là một trào lưu trí thức dương thời, cùng với những trào lưu khác, với thế giới Kitô, với chủ nghĩa nhân bản, và với phong trào Ánh sáng - cũng đi tới tiền diện trong lịch sử phương Tây .

Chủ nghĩa hư vô, suy nghĩ trong yếu tính của nó, thì thay vào đó, đúng hơn là phong trào cơ bản của lịch sử phương Tây. Nó cho thấy bề sâu xa thẳm cùng như vậy mà nếu khi mở ra, nó có thể không có gì khác, nhưng là những thảm họa thế giới, như hậu quả của nó. Chủ nghĩa hư vô là sự chuyển động lịch sử có tầm mức thế giới của các dân tộc trên trái đất đã bị hút vào trong lĩnh vực sức mạnh của thời hiện đại. Do đó nó không chỉ là một hiện tượng của thời hiện đại, cũng không phải là chủ yếu là sản phẩm của thế kỷ XIX, trong đó chắc chắn một con mắt sáng suốt cho chủ nghĩa hư vô đã thức dậy và cái tên này cũng đã trở thành hiện tại. Chủ nghĩa hư vô thôi không còn là sản phẩm độc quyền của những quốc gia đặc thù nào mà các nhà tư tưởng và nhà văn của nó có nói về nó rõ ràng. Những ai là người thích tự cho mình đứng ngoài, tránh thoát chủ nghĩa hư vô, có lẽ đã thúc đẩy sự phát triển nền tảng nhất của nó. Nó thuộc về sự kỳ lạ của người khác kỳ lạ này mà nó không thể nói tên nguồn gốc của nó.

Chủ nghĩa hư vô cũng không loại trừ nơi nào chủ yếu có sự chối bỏ Gót Kitô hoặc nơi có đấu tranh chống lại đạo Kitô; cũng không độc quyền loại trừ nơi có chủ nghĩa không tin gót phổ thông được rao giảng trong một khung cảnh thế tục. Vì vậy, miễn là chúng ta chừng nào chúng ta còn tự giới hạn mình để chỉ nhìn vào điều không tin này, đặt ra ngoài khỏi đạo Kitô, và vào các hình thức trong đó nó xuất hiện, ánh mắt của chúng ta vẫn cố định chỉ trên mặt tiền bên ngoài và ít ỏi của chủ nghĩa hư vô. Câu phát biểu của người điên nói cụ thể rằng “Gót đã chết” không có gì chung với ý kiến của những người chỉ đơn thuần là đứng quanh và nói những lời mù mờ lẫn lộn, những người “không tin vào Gót.” Đối với những ai là người chỉ đơn thuần là những tín đồ theo cách đó, chủ nghĩa hư vô đã vẫn chưa khẳng định chính nó gì hết tất cả, như định mệnh lịch sử của riêng họ.

Trong từ “Gót đã chết”, cái tên “Gót", nghĩ về cơ bản, là viết tắt của thế giới siêu cảm nghiệm, của những lý tưởng có chứa các cứu cánh mà chúng tồn tại ngoài cuộc sống trần gian, cho sự sống đó, và rằng theo đó, quyết định sự sống từ trên cao, và cũng trong một cách nào đó, từ bên ngoài. Nhưng bây giờ khi lòng tin thuần khiết vào Gót, được xác định thông qua hội nhà thờ, ngày càng giảm đi, đặc biệt khi giáo lý về đức tin, học về gót (thần học), trong vai trò của nó phục vụ như là lời giải thích quy phạm của những gì mà là như một toàn thể, bị cắt giảm và đẩy sang một bên, sau đó các cấu trúc cơ bản, phù hợp với việc ấn định mục tiêu, mở rộng vào trong sự siêu cảm nghiệm, cai quản cảm giác, đời sống trần gian, là không có cách nào theo đó cũng bị phá vỡ.

Bây giờ chúng ta hỏi Nietzsche, chủ nghĩa hư vô theo ông những gì là, và trước tiên chúng ta hãy để nó mở rộng – là liệu với hiểu biết này, Nietzsche sau tất cả đã chạm vào hoặc có thể chạm vào đến bản thể của chủ nghĩa hư vô hay không. Trong một ghi chú từ năm 1887, Nietzsche đặt ra câu hỏi, “Chủ nghĩa hư vô có nghĩa là gì?” (Will to Power, Aph. 2). Ông trả lời: “Đó là những giá trị cao nhất phá giá chính bản thân chúng. Câu trả lời này được nhấn mạnh và được mở rộng với giải thích: “Mục đích nhắm tới thì thiếu, hỏi ‘tại sao?’ tìm không có trả lời”. Theo ghi chú này Nietzsche hiểu chủ nghĩa hư vô như một sự kiện lịch sử vẫn đang diễn ra. Ông giải thích sự kiện đó như là sự phá giá của những giá trị cao nhất từ trước đến nay. Gót, thế giới siêu cảm như thế giới thực sự là thực, và xác định cho tất cả những lý tưởng và Ý tưởng, mục đích và căn cứ, chúng xác định và hỗ trợ tất cả mọi sự vật việc, đó là đời sống và đặc biệt là con người - tất cả những điều này thì ở đây, trong biểu hiện như mang ý nghĩa những giá trị cao nhất. (xem thêm Ý Dục Quyền Lực – bản dịch LDB).

[2] “Gott ist todt! Gott bleibt todt!” - Gót đã chết. Gót chết hẳn rồi (không có chuyện ‘sống lại’!)
[3] “die Mörder aller Mörder?”
[4] “… Ist nicht die Grösse dieser That zu gross für uns? Müssen wir nicht selber zu Göttern werden, um nur ihrer würdig zu erscheinen? Es gab nie eine grössere That, — und wer nur immer nach uns geboren wird, gehört um dieser That willen in eine höhere Geschichte, als alle Geschichte bisher war!“ —“ Tôi viết nghiêng.
[5] Nguyên văn: “darin sein Requiem aeternam deo angestimmt habe”. – “angestimmt”: hát, xướng lên.
[6] Nguyên văn: “Was sind denn diese Kirchen noch, wenn sie nicht die Grüfte und Grabmäler Gottes sind?” —