Tuesday, March 20, 2012

Sigmund Freud - Ego và Id (7)


Cái Ta và cái Đó
Sigmund Freud (1856-1939)

The Ego and the Id
Das Ich und das Es (1923)




Lời bạt của người dịch bản tiếng Việt 


“Psycho-analysis is a procedure for the medical treatment of neurotic patients.” (Introductory Lectures on Psychoanalysis).

Phân Tâm hay Phân tích Tâm lý là một khoa trị bệnh dựa trên tâm lý học hơn là trên y học – đó là chữa trị những chứng bệnh liên hệ với não thức như lo lắng không dứt, sợ hãi những gì không thực và những chứng tương tự; nhưng cũng, và có lẽ quan trọng hơn, đối với nhiều người là một cách tìm được hiểu biết về chính mình, và sau đó được tự do, thoát khỏi những giới hạn áp đặt trên chính mình từ những bận tâm vô thức hay những chấn thương tâm lý thường gây ra từ tuổi thơ ((hay chiến tranh, đặc biệt với thế hệ có những biến cố loại như Mỹ-Lai).

Nhưng trong khi ngành trị bệnh bằng tâm lý học (psychotherapy) là một ngành tổng quát chỉ chung những trị liệu với những phương tiện không sinh học này (thí dụ gần đây, mở rộng sang những khoa trị bệnh bằng thiền, bằng yoga); nhưng Phân Tâm (PsychoAnalysis) là từ ngữ đặc biệt và chỉ riêng dành để chỉ về một dạng của khoa trị bệnh bằng tâm lý, hoàn toàn đặt cơ sở trên những lý thuyết của Sigmund Freud (1856-1939), và những người đi theo lối mở của ông, và tập Cái-Ta và Cái-Đó này là giới thiệu gần gũi nhất và trực tiếp nhất; The Ego and the Id cho chúng ta vắn tắt và rõ ràng nhất những khái niệm nội dung chủ yếu của lý thuyết – nay quen gọi là lý thuyết Phân tâm học. Và cũng thế, khi chúng ta dùng từ ngữ Phân tâm – lý thuyết (Phân tâm học) hay thực hành (dùng Phân tích tâm lý), chúng ta đều biết là chỉ nói về những gì hiểu theo Freud.

Sigmund Freud, người nước Áo, là một y sĩ, chuyên khoa về thần kinh (neurologist), và là một nhà trị liệu thần kinh (psychiatrist). Ông đã bắt đầu phát triển những quan điểm của ông, những năm 1880 khi thăm dò những lợi ích của phép thôi miên (hypnosis) như một cách chữa trị cho chứng hysteria của phụ nữ, những người này không cho thấy có một nguyên nhân trực tiếp về sinh lý vật lý nào trên cơ thể. Ông đã đi đến quan điểm rằng hysteria có nguyên nhân từ những ký ức không thoải mái đẹp đẽ, vốn đã bị dồn nén trong vô thức của họ. Đầu tiên ông nghĩ là họ đã là những nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục trong thời thơ ấu. Ông gọi đây là lý thuyết về cám dỗ (seduction theory). Sau đó, ông thay đổi và chủ trương rằng những ký ức bị dồn nén, xua đuổi đó là những mong ước loạn luân với cha mẹ khác phái, và điều này đã được lấy làm nền tảng cho quan điểm của ông rằng tất cả những chứng nơ-rô thấy nơi người lớn đều bắt rễ từ những phát triển tâm sinh lý, hoặc đã bất toàn, hoặc bị rối loạn, trong thời thơ ấu.

Trong lý thuyết trưởng thành của ông (vẫn đương phát triển trong hai mươi năm cuối đời ông). Freud chủ trương là có ba cơ cấu trung tâm của não thức  – hay ba khuôn mặt của mỗi nhân cách – ông gọi là  cái-Đó, cái-Ta,cái-Ta-lý tưởng, và có lẽ cả thế giới ngày nay đều biết chúng dưới tên gọi “quốc tế” của chúng là:  Id, Ego, Super-ego, nên chúng ta hãy dùng những thuật ngữ phổ thông này để chỉ những khái niệm đặc biệt này của ông.


Sáng tạo của ông về Phân tâm học, vốn vừa là một lý thuyết về tâm lý con người, vừa là một phương pháp trị liệu những chứng bịnh thần kinh, và vừa là một kính chiếu được dùng trong phân giải những hiện tượng nhân văn trong lịch sử xã hội và văn hóa loài người. Lý thuyết của ông về triebe (vẫn dịch theo bản tiếng Anh – instinct - bản năng, nhưng nguyên nghĩa tiếng Đức là xung lực, thúc đẩy) trong nhiều phương diện là một xây dựng có tính chất triết học siêu hình, có thể so sánh được với élan vital của Bergson, hay với ý chí của Schopenhauer. Những lý thuyết của ông đã có ảnh hưởng sâu rộng vượt rất xa tâm lý học, và cũng chính như ông, ông đã mở những thăm dò, nghiên cứu vừa táo bạo, vừa sáng tạo ra ngoài lĩnh vực hạn hẹp của phòng điều trị một y sĩ. Trên chiếc ghế sô pha dành cho người bệnh phân tâm nổi tiếng ở thành Vienna, cuối cùng Freud đã đi đến đặt cả nhân loại nằm trên đó, hay đúng hơn một con người tiêu biểu cho tất cả chúng ta, nhìn xuốt lịch sử tiến hóa sinh vật.


1.
Não thức trên vật chất

Từ một lập trường khởi-nguyên-từ-tâm lý (psychogenic) trong tâm lý học, nghĩa là những triệu chứng bất thường tâm lý có nguyên nhân trong não thức; nhưng Freud cũng đã là một lý thuyết gia xây dựng lý thuyết của mình chặt chẽ nhất trên cơ bản sinh học; là một nhà khoa học nghiên cứu ngành thần kinh, lý thuyết của ông cũng là một lý thuyết dựa trên thuyết Sinh động-nơ-rô (neurodynamic), có tham vọng giải thích những hành vi ứng của con người bằng những tiến trình nơ-rô, biết được hay chỉ đoán được, trong não bộ. Từ đó ông đi đến lý thuyết tất định sinh lý (biological determinism), tổng quát, chủ trương rằng, tất cả những hành vi ứng của con người có thể truy ngược về những động lực sinh lý, trong đó có thể ngầm, chúng ta không biết, và từ đó dẫn đến lý thuyết của ông về những bản năng vô thức (unconscious instincts). Như ông cho biết, trên những khám phá “đã mở ra trong Beyond the Pleasure Principle”, trong tập “The Ego and the Id” này, xuất bản ba năm sau tập trên, ông đi đến lập thuyết, ông gọi là làm “một tổng hợp hơn là một suy đoán, và xem dường đã có một mục đích tham vọng. Tuy nhiên, tôi ý thức rằng nó không đi xa hơn những phác thảo thô sơ nhất, và tôi hoàn toàn hài lòng trong vòng giới hạn đó”.

Lý thuyết đó nay đã phổ thông và nổi tiếng – thường gọi là Lý thuyết của Freud về não thức – có thể tóm thu trong hai mô hình đơn giản, chúng ta đã thấy trong tập sách này. Mô hình thứ nhất là một “núi băng trên biển” với ba vùng tương ứng với: ý thức, tiền-ý thức và vô thức. Mô hình thứ hai, là – “Não thức ba ngôi” – hay ba cơ cấu não thức: Id (đọc là Ít), egosuper-ego, tôi đề nghị dịch là cái-Đó (tôi muốn cái đó và ngay bây giờ), cái-Ta (gượm gượm đã nào, để xem không biết có được không), và Cái-Ta-Lý-tưởng (tởm thật, sao thèm thuồng xấu xa đến thế! Quên hết cả liêm sỉ!).

Đặc biệt, Id là kho chứa của những bản năng, Freud phân thành hai nhóm, ông gọi là hai “class” – hiểu như hai tập hợp lớn của những bản năng: Những bản năng Sống: chính yếu là những xung lực đòi thỏa mãn đói, khát, tự bảo vệ, tình dục. Ông lấy tên thần ái tình Eros đặt cho chung cho chúng, chính yếu là bản năng khao khát tình dục – vì những bản năng này muốn sống, muốn sinh con đẻ cái, và cũng có nghĩa là muốn được thương yêu. Xung lực của bản năng này cũng được gọi bằng một tên gọi đặc biệt, biết đến nhiều nhất  Libido. Những bản năng Chết: những bản năng này khó thấy, vì thường kết hợp, trộn lẫn với những bản  năng Sống khác, nhưng khi nó quay ra ngoài- sẽ thấy qua tính gây hấn hung hãn, chiến tranh, dai dẳng lập đi lập lại những ép buộc thúc bách phi lý. Ông cũng đem tên thần chết đặt cho nó là Thanatos, xung lực hủy hoại tàn phá của nó là Destrudo, đối lập với Libido

Sau đây nhắc lại một vài điểm quan trọng với những khái niệm vừa kể, dù có thể là thừa thãi.

Vô thức
Freud không phải là người khám phá ra vô thức, nhưng ông là một nhà lý thuyết về vô thức, giải thích vô thức tác động ra sao, ảnh hưởng của nó như thế nào. Qua đó, Freud là người đã sáng tạo ra một hình ảnh mới về não thức, không phải như là trung tâm được lý trí chiếu sáng, nhưng của đen tối đầy những khó hiểu, vô lý. Não thức như một thứ biển lớn. Những gì chúng ta thấy trên mặt mặt và xuống sâu thêm một vài bước cách phần nước bên trên, là phần có ý thức, hay hữu thức. Nhưng từ đó xuống dưới đáy, phần bao la và đầy đen tối, là những chiều sâu vô thức chưa khám phá, chứa đầy những quái vật kỳ lạ. Viễn cảnh này là kết quả dẫn đến từ sự phát triển của khoa “tâm lý học chiều sâu”, chủ yếu là một quá trình thăm dò vô thức, bằng những phương pháp phân tích tâm lý, và còn là trị liệu từ sự nhận diện được một số những quái vật này. Hy vọng của Freud là tìm thấy và xây dựng một khoa học nhân văn, thực nghiệm, khoa học đó sẽ cung cấp cho chúng ta một sự nắm vững hữu thức về phần vô thức. Nhưng đã có một số người phản đối, họ phê phán là ông đã cung cấp một huyền thoại mới cho con người hiện đại, chứ không phải một khoa học mới.

Ngờ rằng con người có những hoạt động tinh thần vượt ngoài tầm hiểu biết tỉnh thức của chúng ta. Đặc biệt là có lẽ là sau những giấc mơ. Thế nên, từ buổi binh minh của văn minh loài người, chúng ta vẫn ý thức là có những gì không ý thức được trong chúng ta – nhưng vẫn nghiêng sang xem chúng là “mộng”, nghĩa là không thực. Vô thức vẫn nằm trong đêm tối, vẫn bị ngờ vực, thực hay hư đây.

Dĩ nhiên ở đây, tôi đương nói về tư tưởng phương Tây mà thôi, vì ở phương Đông, cụ thể trong tầm hiểu biết là Ấnđộ, lấy thí dụ - đặc biệt trong Phật giáo, đã sớm có những công trình nghiên cứu rất thâm sâu về lĩnh vực của những gì chúng ta gọi chung là vô thức (Duy Thức học là một học phái lớn của Phật học). Quay về phương Tây, cái nôi văn hóa của Freud, chúng ta thấy cho đến thế kỷ 17, trong tư tưởng triết học phương Tây, tựu trung có thể thu về hai chủ nghĩa lớn, và mỗi triêt gia nếu không nghiêng về chủ nghĩa này thì đứng về phía chủ nghĩa kia. Chủ nghĩa duy vật - Materialism – về phương diện tâm lý, xem cơ thể và những hoạt động cơ thể - nghĩa là như tên gọi – những gì là hữu hình vật chất - là những thực tại duy nhất để nghiên cứu tâm lý. Chủ nghĩa duy ý - Idealism - (vẫn gọi tên sai là chủ nghĩa duy tâm), thêm vào những gì gọi chỉ có trong ý tưởng, hay tinh thần, xem chúng cũng là những thực thể - ở đây là thực thể tâm lý. Trong số những nhà theo chủ nghĩa Duy ý – Nhóm rất có ưu thế ở lục địa châu Âu, được gọi dưới tên là Cartesian dualism – những người theo thuyết thuyết nhị nguyên của Descartes – những người này chủ trì có hai lĩnh vực độc lập trong con người: những gì vô hình, trừu tượng, tinh thần là res cogitans và những gì không như thế, vật chất, là res extensa. Như thế, chúng ta thấy những gì không ở trong hai lĩnh vực này, đặc biệt là những gì chúng ta không có ý thức – những gì vẫn ngờ là vô thức - thì không được xem là có trong con người. Giải thích và chủ trương như thế vì họ muốn duy trì sự thuận hợp tư tưởng của họ với những khái niệm thần học Kitô.  Thế kỷ 17, đặc biệt ở nước Pháp, nhà thờ giữ thế lực rất quan trọng, gần như vẫn còn độc tôn và khuynh đảo tư tưởng.

Sang đến thế kỷ 18 và về sau, ý tưởng về những tiến trình não thức vô thức dần dần được xác định. Chúng ta thấy Kant (1724-1804) đã gợi ý rằng những hoạt động sáng tạo của những thiên tài chảng han, là được những cứu cánh vô thức hướng dẫn. Trong số những triết gia Đức, đặc biệt F. Nietzsche (1844-1890), ông không bao giờ nghi ngờ sự hiện hữu của vô thức, chính ông mới là người tạo ra từ “Id”, để chỉ những yếu tố tinh thần vô ngã nhưng tuân theo những luật tự nhiên của thế giới vật chất, và cuối cùng đến Freud, như chúng ta biết là người đã hệ thống hóa, khai triển và dựng một lý thuyết hết sức quan trọng và có tầm ảnh hưởng lâu dài và sâu xa – lý thuyết về vô thức.

Nhắc lại, Freud không phải là người khám phá ra vô thức, nhưng sau ông – Vô thức là thực thể tâm lý, và muốn hiểu vô thức “thực” như thế nào, chúng ta có thể bắt đầu từ tập sách The Ego and the Id này.

Ego
Đối với Freud, não thức gồm một cái-ta, ông gọi là ego, Nó là tất cả những suy nghĩ bình thường của một người, và nó xem dường có trách nhiệm chỉ đạo hành vi ứng xử hàng ngày của người ấy; nhưng đó chỉ là phần đóng vai ngoài mặt, dưới sâu là cái-đó, ông gọi là id. Chính Id  trước hết chứa tất cả những bản năng tự nhiên bẩm sinh và sau đó những cảm xúc hay tư tưởng bị xua đuổi dồn nén của chúng ta, Những xung lực khởi từ chúng, từ id mới thực sự là những động lực cho ứng xử của chúng ta. Trên cái-ta còn có cái-ta-lý-tưởng, ông gọi là super-ego, nó duy trì những lý tưởng, những qui luật, những nguyên tắc, tất cả đã tích lũy, chúng đến từ cha mẹ, giáo dục, xã hội, và super-ego này đóng vai canh chừng, cấm đoán, kiểm soát ego qua một thứ cảm xúc về lầm lỗi; từ căng thẳng giữa ego super-ego là những gì xa gần chúng ta thường gọi là lương tâm, hay ý thức đạo đức. Trong các tôn giáo, cảm thức về sai trái này thường được gán cho một nguồn gốc thần linh (tiếng nói của Gót), nhưng với Freud, đó là tiếng nói của super-ego.  Chấn thương tâm lý trong thời thơ ấu có thể phá vỡ sự cân bằng giữa ba cái tôi kể trên, và ego khi ấy trở thành đấu trường nội tâm của cuộc vật lộn giữa một id xâm lấn và một superego đe dọa. Kết quả có thể là những chứng trối loạn thần kinh, những bệnh trầm cảm, những bất an lo lắng trong đời người.

Não thức ba ngôi
Giống Plato, Freud dùng hình ảnh của người đánh xe ngựa:

“Vì vậy, trong mối quan hệ của nó với id, ego giống như một người đàn ông cỡi trên lưng ngựa, người đó phải cố nắm (dây cương) giữ sức mạnh vượt trội của con ngựa, nhưng có sự khác biệt này, là người cỡi ngựa cố gắng để làm như vậy với sức mạnh của mình, trong khi ego sử dụng những sức mạnh vay mượn. Sự tương tự có thể được kéo xa thêm một chút nữa. Thường thì một người cỡi ngựa, nếu ông không phải rời bỏ con ngựa của mình, ông có trách nhiệm hướng dẫn con ngựa đi đến nơi ông muốn đi, do đó, trong cùng một cách ego là trong thói quen chuyển đổi ý muốn của id vào hành động như thể là của riêng của nó” (“The Ego và Id”).


2.
Sức mạnh của vô thức
Freud là người đầu tiên trong lịch sử tư tưởng phương Tây cho thấy sức mạnh to lớn của vô thức – đây là điều chính yếu khiến ông thành nổi tiếng. Trước Freud, “vô thức” chỉ có nghĩa là bản năng, hoặc những phản ứng máy móc có tính cách cơ khí đôi khi thấy nơi con người. Freud là người đã tạo ra một hình ảnh mới của não thức – với vô thức và hữu thức - như nói ở trên – não thức chúng ta là một đại dương mênh mông, mà chúng ta chỉ biết phần trên mặt – có ý thức, còn dưới sâu tối đen rộng lớn, đầy những quái vật kỳ lạ. Cái nhìn này biến đổi tâm lý học, tạo ra một ngành khoa học mới, được gọi là “tâm lý học chiều sâu”.

Lý thuyết về libido
Freud đã chấn động xã hội truyền thống vẫn giữ quan điểm bảo thủ bằng cách giải thích hành vi xã hội và những tổ chức xã hội như dựa trên nhu cầu phải áp chế những xung lực ham muốn trong những bản năng cơ bản của con người – trước tiên là bản năng dục tình – libido-  và gây hấn xâm lược. Freud được biết đến nhiều nhất về lý thuyết liên hệ nhiều những hành vi của con người với bản năng tình dục. Libido là khám phá của Freud, chỉ sau thế chiến thứ I, bản năng gây hấn xâm lược mới được ông đưa thêm vào. Nền tảng và trọng tâm suy nghĩ của ông đã luôn luôn là những gì ông gọi là “lý thuyết tình dục”, với ham muốn tình dục – libido- như xung lực chính yếu và là chìa khóa giải thích hành vi con người. Freud đặt tầm quan trọng lớn trên sự tưởng tượng về tình dục trong thời thơ ấu. Lý tưởng của con người vẫn có trước đây về sự vô tội trong trắng của tuổi thơ đã bị Freud giết chết, và “lý thuyết tình dục” đã ra đời.

Tô tem và Ta bu
Freud không chỉ gắn buộc phát triển tâm lý cá nhân mà cũng còn những hệ thống xã hội vào với nhu cầu phải đàn áp những bản năng cơ bản của con người, như tình dục và gây hấn hung hãn. Ông truy tìm nguồn gốc của xã hội loài người ngược về thời của một bầy đàn nguyên thủy, trong đó những đứa con trai đã có lúc kết hợp chống lại và giết người cha để giành quyền giao hợp với những người nữ trong đàn. Ông thậm chí còn phỏng đoán rằng “trong thời kỳ nguyên thủy của gia đình nhân loại, người cha ghen tuông và độc ác đã thực sự đem thiến những đứa con trai mình khi chúng còn là những đứa trẻ đang phát triển”, và từ đó đã giải thích tục cắt bao quy đầu của tín đồ một số tôn giáo, như là một di tích của sự kiện này. Sự phát triển của xã hội loài người như chúng ta biết, đòi hỏi sự đàn áp liên tục những bản năng cơ bản của con người là tình dục và hung hăng. (“Totem và Taboo” 169).


3.
Định nghĩa lại Con người
Freud là một y sĩ, và nhìn mình như một nhà khoa học, nghiên cứu với những phương pháp khoa học. Nhưng công trình của ông có ý nghĩa triết học hết sức lớn rộng. Freud đã thêm vào một chiều mới cho khái niệm về não thức, và làm như vậy, ông đã định nghĩa lại con người. Não thức thôi không còn là trung tâm của lý trí nữa. Con người nếu không là một nạn nhân, thì cũng là kẻ phần lớn bị động của những tư tưởng và những bản năng trong vô thức, vốn vượt ra ngoài sự kiểm soát của lý trí nằm trong hữu thức của não thức. So sánh mình với Copernicus và Darwin, Freud đã từng nhận xét rằng ông là người cuối cùng của ba cuộc cách mạng hạ thấp con người. Đầu tiên, con người bị mất vị trí của nó như là trung tâm của toàn vũ trụ, sau đó nó lại bị mất đặc tính phân biệt mình và đặt mình trên tất cả những dạng sống khác. Đến Freud, cuối cùng đã cho thấy con người thậm chí còn không làm chủ được những hành động bên ngoài và những tiến trình trong não thức của chính mình.

Dồn nén
Freud tin rằng xung lực chính yếu làm động cơ thúc đẩy hành vi con người từ tuổi sớm nhất là ham muốn tình dục – ông gọi là libido, là sự săn tìm khoái cảm tình dục. Ông vẽ ra tiến trình phát triển tâm lý con người qua một loạt những giai đoạn, bắt đầu với giai đoạn miệng khi trẻ sơ sinh giành được niềm vui từ bú vú mẹ, qua giai đoạn hậu môn đến giai đoạn dương vật. Ở đỉnh cao của giai đoạn dương vật (khoảng 3-6 tuổi), xung lực libido của đứa trẻ tập trung vào cha mẹ khác phái tính, ông đặt tên là mặc cảm Oedipus (hay mặc cảm Electra ở những bé gái). Những điều cấm kỵ xã hội đối với sự loạn luân lên án những khoái lạc tình dục trong của mối quan hệ cha mẹ-trẻ em ở giai đoạn dương vật, do đó cảm giác hoan lạc được đẩy ra khỏi ý thức vào vô thức - tiến trình đàn áp này gọi là xua đuổi dồn nén.

Mặc cảm Oedipus
Tin tưởng của Freud vào mặc cảm Oedipus và sự quan trọng của nó có tính cách cá nhân và đam mê. Trong một bức thư cho người bạn của mình là Fliess, ông thú nhận:

“Tôi cũng đã tìm thấy tình yêu mẹ và ghen tị với cha trong trường hợp của riêng tôi nữa, và bây giờ tôi tin rằng nó là một hiện tượng phổ thông của thời thơ ấu ...” (“The Interpretation of Dreams”, 168)

Ở chỗ khác, ông tuyên bố:
“Số phận của vua Oedipus làm cảm động chúng ta chỉ bởi vì nó có thể đã là của chúng ta - bởi vì lời tiên tri đã cùng một lời nguyền trên chúng ta trước khi chúng ta ra đời của cũng như với Oedipus. Đó là định mệnh của tất ca chúng ta, có lẽ, hướng xung động tình dục đầu tiên của chúng ta về với mẹ của chúng ta và hận thù đầu tiên của chúng ta và mong muốn giết người đầu tiên của chúng ta chống lại cha của chúng ta “. (Thư gửi Fliess, ngày 15 tháng 10).

Huyền thoại Oedipus được Sophocles trình bày mạnh mẽ và sống động trong một bi kịch HyLạp thế kỷ 5, nhưng nó đã tiếp tục chiếm giữ trí tưởng tượng con người phương Tây qua suốt những thế kỷ sau đó. Lévi-Strauss cũng sử dụng nó trong hỗ trợ lý thuyết của ông về phân tích cấu trúc của những thần thoại. Câu chuyện đó rất phổ thông trong cổ điển HyLạp, được khắc vẽ trên những bình lọ cổ. Một trong những bức vẽ này cho thấy con quái vật Sphinx, hoành hành khủng bố dân chúng ở thành Thebes, vào thời điểm đó, một lần đã thách mọi người, trong đó có Oedipus một câu đố. Chỉ bằng cách trả lời câu đố này, Oedipus mới có thể vào thành Thebes và tiếp tục hành trình tìm kiếm sự thật về đời ông. Câu đố chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện Oedipus là một người có định mệnh xếp đặt không thể tránh khỏi là mang số phận phải giết cha và kết hôn với mẹ của mình. Tuy nhiên, với Freud, câu đố có liên quan với con người – là một con vật với những giai đoạn phát triển nó phải trải qua trong đời, và cũng như Oedipus, chúng ta thường mù lòa trước những hành động của chính mình.

Mặc cảm Oedipus được xem là dấu hiệu văn hoá đặc biệt của Freud, trong tập The Ego and the Id này, được ông dẫn lại khi trình bày nguồn gốc của ego và super-ego.


4
Chúng ta biết được những gì về chúng ta?

a.  Con người là một sinh vật vô lý hơn là hữu lý.
Cho dù là chủ nghĩa duy lý hay duy vật, tất cả những khái niệm về việc học tập của con người trước đây nhìn thấy nó như là một quá trình qua lại giữa ý thức với môi trường bên ngoài. Về phương diện hành vi ứng xử. Ít nhất Freud đã xoay tiến trình học tập và phát triển từ bên trong ra bên ngoài. Sự phát triển của hành vi con người được những xung lực nội tại xem dường vô lý thúc đẩy từ bên trong, và cũng bị kiểm soát bởi sự đàn áp của những xung lực tự nhiên bản năng này. Lý thuyết của Freud về đàn áp bản năng và dồn nén có thể giải thích rất nhiều về hành vi của con người bình thường, không chỉ những chứng rối loạn thần kinh. Con người duy lý tìm kiếm sự hiểu biết cao hơn về những chân lý phổ quát như đã các triết gia từ Plato đến Descartes vẽ ra, nay đã nhường chỗ cho một sự hiểu biết mới về con người vô lý, không hợp lý, con người bị thúc đẩy bởi những sức mạnh mà chính cái -Ta, ego của hắn, cũng chỉ có một kiểm soát giới hạn.

b. Thăm dò và Phân tích Nội tâm
Thay vì tìm kiếm sự hiểu biết con người thông qua việc theo đuổi những lý tưởng phổ quát, như các triết gia duy lý; hoặc qua một hữu thể tối cao, như gót trong các tôn giáo Abraham. Những cái ta cá nhân - những ego - có thể trở nên tự nhận thức về chính mình thông qua một quá trình xem xét và phân tích tâm lý. Mục đích chính của phân tâm học là để thăm dò những độ sâu của vô thức. Thường thường với trợ giúp của một ý sĩ đóng vai hướng dẫn. Một quá trình tháo gỡ những liên kết (free association) để khuyến khích những cá nhân nói bất cứ gì mà đột nhiên đến với não thức, được xem là cho phép những suy nghĩ và những cảm xúc trước đây bị áp chế, bị dồn nén, bị xua đuổi nay có thể trồi lên xuất hiện trên mặt nổi của ý thức. Freud tin rằng phương pháp này sẽ không chỉ dẫn đến sự hiểu biết về não thức cá nhân, mà còn cho phép những khám phá lớn lao hơn, trong kiến thức khoa học về những hoạt động của não thức con người. Thực tế là những dữ liệu phân tích tâm lý là hoàn toàn chủ quan, và do đó không thể kiểm chứng trong một chiều hướng khoa học. Như một người đi câu cá, cuối cùng sẽ chỉ thấy cá, nhà phân tâm cuối cùng nếu  thấy sẽ chỉ tìm thấy những gì ông muốn tìm. Vì vậy, tâm lý chiều sâu không bao giờ có thể là một khoa học khách quan. Nhưng là khoa học hay không, nó đã chiếu những ánh sáng mới và làm sáng tỏ hơn về não thức con người.

c. Những tác động của Vô thức
Chúng ta nghe những lời nói hớ, hay lỡ lời – gọi là Freudian slips - khi những rào cản bình thường bị suy yếu và xung lực từ id vượt qua hàng rào áp đảo và đi vào ego. Những giấc mơ cũng tương tự như thế, xảy ra khi những yếu tố vô thức xâm nhập vào ý thức. Giấc mơ có thể hoạt động như sựu thực hiện những mong muốn bị dồn nén, trấn áp, một sự hòa giải những nhu cầu mâu thuẫn nhau trong mỗi chúng ta. Ở một mức độ xã hội, tôn giáo thực hiện một chức năng tương tự, hoạt động như đền đáp, thay thế cho những ước-muốn-được-thành cho những con người  não thức yếu đuối như trẻ em, tôn giáo như thế là một một loại “ loạn thần kinh tập thể”. Nghệ thuật cũng là một ảo giác thần kinh, một sự đào thoát khỏi thực tại cho nghệ sĩ và xã hội, thông qua tưởng tượng. Những hiện tượng tương tự, Freud gọi là thăng hoa, giữ những xung lực nhưng chuyển đối tượng thấp hèn, bị xã hội lên án của nó, sang những đối tượng được xã hội chấp nhận, tán thưởng.


5
Ảnh hưởng của Freud

Vị thày chiếu ánh sáng vào vô thức, đánh thức những giấc mơ của nhân loại.
Freud thích được xem mình như là người tạo ảnh hưởng, không phải là người chịu ảnh hưởng. Ông tự xưng, dùng những lời của chính ông - Tôi là một người “khám phá não thức”, một người “chinh phục đất mới”, (nguyên văn là “Columbus của não thức”, một “Conquistador”), là một người  “quấy động giấc ngủ của loài người”. Ông cũng nói “tôi đã phải vung rìu chém mở từng bước một, trên con đường đi riêng của mình, qua một khu rừng rậm rạp chỉ một mình tôi”. Ông tự hào, tương phản nỗ lực của ông với của những người nổi tiếng đương thời như Einstein. Trong suốt cuộc đời của mình, Freud đã thu hút một nhóm những người hâm mộ mà ông đòi hỏi phải hết lòng tuyệt đối. Hai trong số những người ông đỡ đầu hướng dẫn, A. Adler và C. Jung, sau đã thành lập những trường phái tâm lý mới, tách khỏi phân tâm học của Freud. Những thành công của họ cho thấy ảnh hưởng của Freud trong lĩnh vực tâm lý học, chỉ kể một thí dụ nổi bật là trường hợp Carl Gustav Jung (1875 –1961).

Jung và Vô thức tập thể
Jung vốn một thời đi cùng đường với Freud, nhưng Jung là người đặt câu hỏi về uy quyền của “lý thuyết về tình dục” và đã tách ra khỏi Freud. Ông đưa ra lý thuyết vô thức tập thể (collective unconscious), mẫu người hướng nội, hay hướng ngoại là thuật ngữ của ông (introvert, extrovert). Cuối cùng, Jung dựng một trường phái tâm lý mới của riêng mình, với một cái nhìn rộng hơn về libido - ham muốn tình dục và ảnh hưởng của nó trên hành vi của con người. Jung thấy libido như là một năng lực sống đầy sức sáng tạo, có khả năng được đầu tư theo những chiều hướng khác nhau, vào tôn giáo, hay nghệ thuật chẳng hạn. Đối với Freud, vô thức là vùng sâu thẳm đen tối của não thức, đầy những chất liệu ấu trĩ bị xua đuổi, áp chế. Đối với Jung, nó đầy những sức mạnh huyền bí đem cho sự sống. Nó là kết nối của chúng ta với những suối nguồn của cuộc sống.

Jung thấy vô thức có hai phần - một lớp cá nhân và một lớp vô thức tập thể, lớp này được thừa kế chung cho tất cả nhân loại và gồm những mẫu thức (archetypes). Vô thức tập thể là nguồn gốc của khả năng của chúng ta để tượng trưng hóa cho những tình huống phổ quát của con người. Những mẫu thức là những nội dung của vô thức tập thể, đã cung cấp cơ chế để tạo ra những huyền thoại, nghệ thuật, những hệ thống tôn giáo, chúng giải quyết những băn khoăn muôn thuở của con người, trong đó có cái chết.

Ảnh Hưởng sâu rộng, đặc biệt trong văn hóa, nghệ thuật
“(Psycho-analysis) can be applied to the history of civilization, to the science of religion and to mythology, no less than to the theory of the neuroses, ... What is aims at and achieves is nothing other than the uncovering of what is unconscious in mental life.” (Introductory Lectures on Psychoanalysis).

Trong khi phần lớn của tư tưởng của Freud đã bị từ chối hoặc sửa đổi, ảnh hưởng của ông về tư tưởng hiện đại hết sức lớn rộng và sâu xa. Chúng ta đều mặc nhiên là những người theo Freud, khi nói về vô thức, ego, dồn nén trong tâm lý thông thường hành ngày. Đặc biệt chú ý về văn hóa nghệ thuật, nên tôi phải nhắc qua ảnh hưởng của Freud ở đây.

Ba nguyên lý của Freud có ảnh hưởng sâu xa vào văn học nghệ thuật:

-        Thuyết tất định tâm lý (psychic determinism): chủ trương rằng tất cả những sự kiện não thức, bao gồm mơ, những tưởng tượng, lầm lỗi và những xáo động, nhiễu loạn thần kinh đều có một ý nghĩa.
-        Lý thuyết về vô thức, nhấn mạnh trên những tiến trình não thức nhưng chúng ta không có ý thức, không hay biết gì về chúng, dù chúng vai trò chủ động trong đời sống tinh thần và những ứng xử trong đời sống hàng ngày chúng ta với thế giới bên ngoài.
-        Một quan điểm về sự phát triển tâm lý của đời sống con người, trong đó nhấn mạnh vào những kinh nghiệm thơ ấu, và giải thích nhân cách dựa trên khuôn khổ của khơi chảy, chuyển hướng và làm nguội lạnh những năng lượng của libido.

Ảnh hưởng của Freud, đặc biệt trong văn học nghệ thuật châu Âu, trong hai thế kỷ qua, sau khi ông qua đời, vẫn tiếp tục đến nay. Chúng ta có thể kể những tên tuổi lớn, trong tiểu thuyết như Thomas Mann, M. Proust, J. Joyce, Franz Kafka, William Faulkner, Virginia Woolf, D. H. Lawrence; trong thơ như T.S. Eliot and W.B. Yeats, trong kịch như S. Beckett, trong phê bình văn học như I.A. Richards, William Empson, Edmund Wilson. Trong mỹ thuật như chúng ta thấy trong các tranh vẽ của Dali, Picasso, Beckmann.

Trong tác phẩm của họ, chúng ta tìm thấy những chủ đề của Freud, ngay cả trong khi chính họ từ chối lời giải thích của ông về sự thúc đẩy sáng tạo. “Dòng chảy của ý thức” – chúng ta thường gọi là “độc thoại nội tâm” như là một kỹ thuật văn học có nguồn gốc của nó từ Freud. Ngoài ảnh hưởng về văn học nghệ thuật đã được thừa nhận, chúng ta rất khó có thể tưởng tượng sự phát triển của chủ nghĩa hiện sinh (existentialism) hay chủ nghĩa cơ cấu (structuralism) mà không có Freud.

Mới đây, Jaques Lacan đã kết hợp tư tưởng của Freud với ngôn ngữ học cấu trúc và đã dẫn đến một sự hồi sinh chủ nghĩa Freud-Mới bắt đầu ở Pháp.  Và cũng phải nhắc – một trường phái phê bình văn học – chúng ta vẫn gọi là trường phái phân tâm (Psychoanalytic criticism) có thể nói là bắt đầu với những bài viết của chính Freud – đến nay đã đưa đến những khám phá và khai triển sáng tạo trong những lý thuyết của Jacobson, Lévi-Strauss, Barthes, và Lacan.

6.
Tạm kết

Một người đọc với nhận thức thông thường như chúng ta, đều bảo chúng ta rằng Freud là một nhà bút chiến lỗi lạc và là một khuôn mặt tư tưởng lớn của nhân loại. Những vấn đề ông đưa ra là những vấn đề gây tranh cãi muôn thuở của con người, và có lẽ sẽ không bao giờ đi đến kết thúc. Trong lý thuyết của ông, nếu có bất kỳ bằng chứng nào cho những khẳng định của ông, thì chắc chắn rằng bằng chứng cũng có thể đến từ những lĩnh vực bên ngoài khoa phân tích tâm lý của ông, và khi xem xét những bằng chứng này, chúng ta cũng tìm thấy chúng có nhiều mâu thuẫn với những giả thuyết của Freud.

Ví dụ, những nhà bệnh lý học khẳng định rằng không có kết nối có thể được rút ra từ những sự kiện hay biến cố xảy ra trong thời thơ ấu và chứng loạn thần kinh hay những chứng bện tâm lý khác ở người lớn, hoặc thậm chí là khuynh hướng tình dục của người lớn. Kết quả là, nhiều những luận văn của Freud mất đi ý nghĩa giải thích trong thời đại của nó. Những nhà thần kinh học, chẳng hạn như Edelman, thông báo cho chúng ta rằng ký ức con người nên được hiểu trong những điều kiện của tính dẻo dai và do đó những gì Freud coi như não thức bị áp chế thì có thể đúng hơn xem như quan sát một não thức được tổ chức, dàn xếp lại những chức năng và những kỷ ức của nó. Tuy nhiên, khi nhìn Freud trong triết học, chúng ta chuyển sang một lãnh thổ khác.

Ở đây, con người cố gắng hiểu chính mình và lẫn nhau, thế nên sự hiểu biết, phân tích và kết quả không bao giờ có thể là khách quan. Hãy cứ làm thử, một người – dù là ai - luôn luôn sẽ ít nhiều rút lui vào chủ quan của mình, hiển nhiên vì đây là chỗ dựa vững chắc duy nhất một người có thể có được. Bằng cách này, chúng ta chỉ có thể hiểu Freud là đúng sự thật đến đâu trong những mức độ mà trong đó mọi người tự tìm thấy những gì ông nói có ý nghĩa với cuộc sống nội tâm, trong não thức của riêng họ.

Tôi nghĩ rằng Freud nên được hiểu như là một nhà tư tưởng cách mạng triệt để, cách mạng từ gốc rễ, ông đã nâng cao nghi ngờ về những hoạt động của não thức chúng ta, trên nhiều những vấn đề đã được Nietzsche và Schopenhauer đặt ra, và chỗ đứng của ông trong tư tưởng nhân loại không chỉ là một y sĩ, một nhà tâm lý, hoặc nhà khoa học, nhưng là một nhà tư tưởng vĩ đại. Freud đã thành lập một triết lý văn hóa, triết lý về bản chất con người, giúp chúng ta tự khám phá chính mình. Ông đã để lại một triết lý về đời sống (Lebensphilosophie), ông đi vào văn hóa bình dân, phổ thông (popular culture) –đem cho chúng ta từ ngữ mới và giá trị phán đoán mới đi kèm với chúng. Ông đứng cùng hàng với những triết gia duy lý Đức, từ Kant, qua Fichte, Schelling, đến Hegel. Chỉ khác với họ là ông đưa ra một tri thức luận, một lý thuyết không về lý trí (như Hegel) nhưng về những gì phi-lý trí của tâm lý con người.

Thế nên, danh tiếng của ông trong lĩnh vực khoa học, đã dần bị vượt ngoài và đến nay đã bị bỏ qua; nhưng thay vào đó, Freud có thể được nhìn trước hết và quan trọng nhất - như một con người đã phá vỡ ý tưởng của Descartes, ý tưởng trong cơ bản là lý thuyết nhị nguyên về con người. Ý tưởng của Descartes trong cogito ergo sum về một sự thấu hiểu cái-Tôi, khi hỏi tôi là ai?  Đã trả lời là sum res cogitans, là cái tự ngã tự túc, cái-ta của Descartes, nó tự biết nó cảm thấy như thế nào và tại sao nó cảm thấy như vậy; nhưng tất cả chỉ là ảo tưởng, Dưới mắt nhìn của Freud, nếu Descartes (và những người theo ông) không sai lầm, cũng ít nhất thiếu xót. Trong “tôi suy tưởng nên tôi hiện hữu”, với Descartes, chỗ chúng ta chắc chắn cuối cùng là ý thức và khiến Descartes tin rằng đã chứng minh được chính ông hiện hữu vì như một chủ thể suy tưởng, có ý thức hữu thức. Suy tưởng là ý thức và khi chúng ta suy tưởng chúng ta hoàn toàn hữu thức. Hữu thức của Descartes không có chỗ hở cho nghi ngờ nữa, và đây là chỗ Freud đánh đổ Descartes khi nói rằng hữu thức thì không phải là tất cả, cũng không độc lập, không chắc chắn như chúng ta tưởng. Con người – tạm cho là có một não thức tinh thần tách biệt với thân xác - không thể biết được tất cả não thức tinh thần chính mình chỉ với ý thức hữu thức của mình. Freud cho chúng ta thấy Ego có phần nằm trong vô thức, và trong chúng ta có những tiến trình suy tưởng – hay đúng hơn những vận động tâm lý - hoàn toàn vô thức, và chúng tác động mạnh mẽ vào hữu thức. Freud đã chiếu ánh sáng vào não thức vẫn tưởng sáng sủa minh bạch của Descartes, cho thấy nó vẫn có những phần u tối, không rõ, không ý thức được.

Ảnh hưởng rất lớn lao nữa của Freud là trong tư tưởng, văn học của thế kỷ XX, như tóm tắt ở trên, trong mỹ thuật và phim ảnh, và trong tất cả chúng ta, trong cách mọi người quanh chúng ta suy nghĩ và nói về bản thân mình. Giờ đây có thể nói, chúng ta đều là những “tín đồ” của Freud, với các lý thuyết, hay cũng có thể gọi là tín điều, hay xa hơn là những huyền thoại về những khái niệm được ông dựng lên là vô thức, hữu thức, libido, ego, super-ego; về những bản năng Sống và bản năng Chết - Eros và Thatanos; Và cuối cùng, và có lẽ cũng quan trọng nhất, là cách thức, trong đó ông đã nêu lên từ đây sự nghi ngờ trên tất cả những đặc điểm vẫn thường vẽ vời như đẹp đẽ của con người, ông đã chỉ ra một mặt khác của con người vốn đã cố tình bị lãng quên, hoặc bị bỏ qua trong nhiều thế kỷ, mặt của bản năng thô sống, mặt của vô thức đen tối.  Chúng ta không thể làm ngơ được vì những thể hiện của chúng trong lịch sử loài người. Như bản năng chết, xung lực gây hấn hung hãn; khi con người ném mình vào xã hội của chính nó tạo lập – nó chẳng những không bị mất, nhưng không thể tránh được, và đã bùng nổ từ những mâu thuẫn, dồn nén - giữa cá nhân và tập thể - ông trình bày trong Văn minh và những Bất mãn từ nó (Civilization and Its Discontents). Hay một thể hiện quen thuộc khác – qua niềm tin tôn giáo dai dẳng mà ông gọi là chứng ám ảnh loạn thần kinh phổ quát của nhân loại (“the universal obsessional neurosis of humanity”), khi mong tìm cứu rỗi, đã đặt cứu cánh cuộc sống, giá trị và đạo đức, cho là nguồn gốc đến từ ngoài trần gian này, vào một ảo tưởng mê muội, trong Tương lai của một Ảo tưởng (The Future of an Illusion) –Theo cách đặc biệt của riêng mình, Freud là một nhà tiên phong đứng ngang hàng với những Copernicus hoặc Darwin, và cũng như Marx và Nietzsche, Freud là một bậc thầy nghi ngờ, đặt lại những câu hỏi sau cùng về bản chất con người.

Trở về với con người bình thường, nhỏ mọn của chúng ta, chừng nào trong đời sống, vẫn có những lúc chúng ta tự thấy băn khoăn hay sững sờ, hỏi mình, hay hỏi về người, vì những gì biết từ lý trí sáng xuốt, theo lẽ đời thường vẫn không thể nào giải thích được - tại sao những ứng xử đó? tại sao những lời như vậy? Nếu còn những câu hỏi tại sao loại như thế đó, có lẽ Freud vẫn còn quanh đây, chúng ta  chưa thể bỏ được ông, vì từ chính những khái niệm của ông trình bày trong tập The Ego and the Id này, vẫn có thể tạm cho ngay chúng ta câu trả lời, và nhiều khi đó là câu trả lời duy nhất, về một phương diện nào đó, chúng ta có thể nhận được, lúc này.

Đó cũng là một lý do tôi tạm dịch The Ego and the Id, chúng ta nên có một bản tiếng Việt của tập luận thuyết quan trọng này, xuất bản bằng tiếng Đức năm 1923, The Ego and the Id  là công trình Freud tự tay tóm tắt một cách rõ ràng nhất những khái niệm chủ yếu trong triết lý tâm lý của ông. Bản văn đã thành cổ điển, những khái niệm trong nó đã thành phổ thông của văn hóa và tâm lý học.

Bản tiếng Anh, của nhà xuất bản W. W. Norton & Co. in tại NewYork, tôi dùng để dịch; chỉ có đúng 62 trang của khổ sách loại bỏ túi. Tôi cố gắng giữ bản dịch này cũng xấp xỉ, không dài hơn thế, vì tôi nghĩ (đâu đó từ tiền-ý thức – không có gì rõ rệt chứng minh) rằng nếu bản dịch dài hơn nguyên bản - chắc chắn là có nhiều sai lầm. Nên lời bạt này là cố gắng thêm thắt của tôi, muốn làm sáng tỏ những định nghĩa của Freud về những khái niệm của chính ông, vốn cho đến nay, chúng vẫn bị hiểu lầm, hoặc bị phê phán hết sức bất công, hoặc được đem ứng dụng liều lĩnh, vội vàng, đều trước khi hiểu được đúng những gì ông đã nói.

Lê Dọn Bàn - bản nháp thứ nhất