Monday, March 26, 2012

Sigmund Freud - Tôtem và Tabu

Tôtem và Tabu
Những giống nhau giữa đời sống tâm lý của người sơ khai và của người bệnh nhiễu loạn nơ rô
Sigmund Freud







Totem and Taboo
Resemblances Between the Psychic Lives of Savages and Neurotics
(Totem und Tabu.
EinigeÜbereinstimmungen im Seelenleben der Wilden und der Neurotiker)


Dịch theo bản tiếng Anh của Abraham Arden Brill (1874-1948)
(Freud, Sigmund. Totem and Taboo; Trans. by A. A. Brill. New York: Moffat, Yard & Co., 1918)

Mục Lục
I. The Savage’s Dread of Incest
II. Taboo and the Ambivalence of Emotions
III. Animism, Magic and the Omnipotence of Thought
IV. The Infantile Recurrence of Totemism



“Bữa tiệc tôtem, có lẽ là lễ kỷ niệm ăn mừng đầu tiên của loài người, sẽ là sự lập lại và truy điệu về hành vi tội phạm (giết cha) đáng ghi nhớ này, rất nhiều điều đã bắt đầu với nó: tổ chức xã hội, những ngăn cấm đạo đức, và tôn giáo”. (Chương IV).



Lời nói đầu của Tác giả

Những bài tiểu luận ở đây dưới nhan đề chung của quyển sách này đã xuất hiện trong những số đầu tiên của chuyên san tâm lý “Imago” do tôi biên tập. Chúng trình bày những cố gắng đầu tiên của tôi để áp dụng những quan điểm và những kết quả của phân tâm học vào những vấn đề không giải thích được của tâm lý chủng tộc. Về phương pháp, tập sách này tương phản với của W. Wundt [1] và với những công trình của trường phái phân tâm Zurich. Vị trước cố gắng để hoàn thành cùng một đối tượng nhưng qua những giả định và những thủ tục từ tâm lý học (không dùng) phân-tích-tâm-lý, trong khi những người sau đi theo quá trình ngược lại và cố gắng giải quyết những vấn đề của tâm lý học cá nhân bằng cách dẫn dựa trên tài liệu của tâm lý học chủng tộc [2]. Tôi hài lòng để nói rằng những kích thích đầu tiên cho những công trình của riêng tôi đã đến từ hai nguồn này.

Tôi hoàn toàn nhận thức được những thiếu sót trong những tiểu luận này. Tôi sẽ không chạm trên những gì là đặc trưng của những nỗ lực đầu tiên trong sự điều tra. Tuy nhiên, còn những điều khác, đòi hỏi một lời giải thích. Bốn tiểu luận thu thập ở đây sẽ thuộc quan tâm của một nhóm rộng rãi những người có học thức, nhưng chúng chỉ có thể được thông xuốt thấu hiểu và phán đoán bởi những người thực sự có hiểu biết về phân tích tâm lý trong thực chất. Hy vọng rằng chúng có thể phục vụ như là một kết nối giữa những người học hỏi trong khoa học dân tộc, văn hóa dân gian, ngữ văn cùng những khoa học liên hệ, và những nhà phân tâm học; tuy nhiên, chúng không thể cung cấp cả cho hai nhóm toàn bộ những cần thiết cho sự hợp tác loại như thế. Chúng sẽ không cung cấp cho nhóm trước với cái nhìn sâu sắc đầy đủ vào trong kỹ thuật tâm lý mới, cũng không cho những nhà phân tâm có được sự thành thạo đầy đủ trên vật liệu được khải triển để lập luận. Cả hai nhóm sẽ phải tự hài lòng với dù-gì-chăng-nữa gợi chú ý họ có thể nhận được kích thích rải rác từ chỗ này chỗ kia, và hy vọng rằng những gặp gỡ thường xuyên giữa họ sẽ không còn là không sinh lợi cho khoa học.

Hai chủ đề dẫn đạo tôtem và tabu, vốn cho quyển sách nhỏ này tên gọi, ở đây không được giải quyết giống nhau. Vấn đề tabu được trình bày thấu đáo hơn, và nỗ lực để giải quyết nó được tiếp cận với tự tin hoàn toàn. Điều tra về hệ tin tưởng tôtem có thể được bày tỏ khiêm tốn như: “Đây là tất cả những gì nghiên cứu phân tâm học hiện nay có thể đóng góp với sự giải thích để làm sáng tỏ vấn đề của hệ tin tưởng tôtem “. Khác biệt này trong sự giải quyết hai đối tượng do sự kiện thực tế là tabu vẫn còn tồn tại giữa chúng ta. chắc chắn, nó được hình thành tiêu cực, và hướng thẳng đến những nội dung khác nhau, nhưng theo bản chất tâm lý của nó, nó vẫn không là gì khác hơn “Phạm trù mệnh lệnh đạo đức tuyệt đối” cùa Kant, vốn có xu hướng tác động bắt buộc và phủ nhận tất cả những động cơ có ý thức. Mặt khác, hệ tin tưởng tôtem là một tổ chức xã hội-tôn giáo vốn xa lạ với những cảm xúc hiện tại của chúng ta; nó đã bị bỏ rơi từ lâu và đã bị thay thế bằng những hình thức mới. Trong những tôn giáo, luân lý và tập quán của những giống dân văn minh ngày nay, nó đã chỉ để lại những dấu vết mờ nhạt, và ngay cả trong số những giống dân mà nó vẫn còn được giữ lại, nó đã phải trải qua những thay đổi lớn. Những tiến bộ xã hội và vật chất của lịch sử loài người rõ ràng có thể thay đổi tabu rất ít hơn so với hệ tin tưởng tôtem.

Trong quyển sách này, cố gắng là đánh bạo để tìm ý nghĩa nguyên thủy của hệ tin tưởng tôtem qua những dấu vết ấu thơ của nó, đó là, thông qua những chỉ định trong đó nó xuất hiện lại trong sự phát triển (tâm lý) của trẻ em chúng ta. Sự kết nối chặt chẽ giữa tôtem và tabu cho thấy những lối đi xa hơn nữa đến giả thuyết duy trì ở đây. Và mặc dù giả thuyết này dẫn đến những kết luận có phần nào không chắc có thể xảy ra, không có lý do nào để từ chối khả năng là nó, nhiều hơn hoặc ít hơn, đi đến gần với thực tại, vốn là quá khó khăn để dựng lại.

Sigmund Freud


Tôtem và Tabu (1918)
Sigmund Freud (1856-1939)


Dẫn nhập của người dịch bản tiếng Việt

1.
Tôtem và Tabu xuất bản lần đầu tiên, bằng tiếng Đức, năm 1913. Tập sách gồm 4 bài tiểu luận đã được phổ biến từ trước trên chuyên san Phân tâm “Imago”, 1912-1913. Dựa trên những khảo cứu của Herbert Spencer, J. G. Frazer, Andrew Lang, E. B. Tylor, Wilhelm Wundt và đặc biệt của Darwin và Robertson Smith trong các lĩnh vực khảo cổ, tâm lý, nhân chủng, và dân tộc học, Freud đã ứng dụng phân tâm học, như chúng ta biết, là sáng tạo của ông, vào tâm lý của đám đông - qua hiện tượng đặc biệt của nó thể hiện trong xã hội là tín ngưỡng. Đây cũng là công trình hiếm hoi nghiên cứu về tâm lý tập thể của ông. Từ đấy, phương pháp tiếp cận của Freud, đường lối giải thích những hiện tượng lịch sử văn hóa dưới ánh sáng tâm lý, đã thành nổi tiếng và có ảnh hưởng quan trọng, trong ngành học con người văn hóa và ngành học con người xã hội (cultural và social anthropology) – đặc biệt trong lĩnh vực so sánh xã hội và phát triển xã hội giữa những chủng tộc.


2.
Trước hết, về từ ngữ, từ “taboo” – /ta bu/ – “cấm kị” – thuật ngữ có nguồn gốc Polynesia và lần đầu tiên được thuyền trưởng James Cook ghi nhận, trong chuyến thăm Tonga năm 1771, ông đã giới thiệu nó vào tiếng Anh, sau đó phổ biến rộng rãi. Mặc dù những tabu thường gắn liền với những nền văn hóa Polynesian của Nam Thái Bình Dương, chúng đã chứng tỏ có mặt hầu như trong tất cả những xã hội quá khứ và hiện tại.

Freud dùng trong tác phẩm này để chỉ định tabu như một tính từ với ý nghĩa ngược lại, chỉ một đối tương vừa đồng thời thiêng liêng và thánh hiến, cũng vừa đồng thời nguy hiểm, bị cấm, không tinh khiết. Tabu là tên cho những điều cấm đã được tự áp đặt cùng với những biện pháp trừng phạt đi kèm với chúng trong trường hợp phạm giới, và không có ý nghĩa hay ám chỉ bất kỳ rõ ràng. Bất cứ ai vi phạm một tabu cũng là tabu, minh họa sức mạnh truyền nhiễm của tabu.

Tôtem /tô tem/ có nguồn gốc từ otôteman của dân tộc Ojibwa, có nghĩa là “họ hàng anh chị em của cùng một người.” Gốc ngữ pháp, ote, có nghĩa một quan hệ máu mủ giữa anh chị em có cùng mẹ và là những người không có thể kết hôn với nhau. Trong tiếng Anh, từ tôtem đã được giới thiệu năm 1791. Theo Peter Jones, là một người Ojibwa, “Hồn Linh Lớn” (“Great Spirit”) đã đem toodaims (“tôtems”) cho những thị tộc Ojibwa, và vì hành động này, không bao giờ được quên rằng những thành viên của nhóm có liên hệ với nhau và không thể kết hôn với nhau .

Totemism  là hệ thống tin tưởng trong đó con người được cho là có quan hệ họ hàng, hoặc một quan hệ bí ẩn với một hữu thể-tinh thần, chẳng hạn như là một động vật hoặc thực vật. Thực thể, hoặc tôtem, được cho là tương tác với một nhóm người có liên hệ họ hàng, hoặc một cá nhân, và tôtem được dùng như là huy hiệu hoặc biểu tượng của họ. Totemism đã được dùng để mô tả một nhóm những đặc điểm về tôn giáo và trong những tổ chức xã hội của nhiều dân tộc. Totemism được thể hiện dưới những hình thức khác nhau và những loại trong những nội dung khác nhau và thường được tìm thấy trong số những quần thể dân chúng có nền kinh tế truyền thống dựa vào săn bắn và hái lượm, và canh tác hỗn hợp với săn bắn và hái lượm, hoặc nhấn mạnh trên chăn nuôi gia súc. Ngoài hiện tượng tôtem tập thể, và cũng còn có tôtem cá nhân.

Do đó tôi nghĩ nên mượn từ bằng phiên âm – tabu -  cấm kị hay điều cấm kị, đều không hoàn toàn đồng nghĩa với nội dung hiện tại như chúng ta biết của nó. Hơn nữa, ngay từ đầu, trong những ngôn ngữ Anh, Pháp đã có từ chỉ sự cấm kị rồi, nhưng họ đã không dùng, nhưng phải vay từ gốc Polynesia đặc biệt này, vậy thêm một lý do chúng ta nên dùng từ tabu.

Cũng tương tự như vậy, với tôtem  totem,  Totemism  hệ thống tin tưởng tôtem, hay vắn tắt hệ tin tưởng tôtem,  tôtem không phải chỉ là, hay hoàn toàn là tục lệ,  hay ngay cả tín ngưỡng nữa, nhất là sau những thành quả đến từ những diễn dịch của Lévi-Strauss.


3.
Với thời gian, đến nay Totem and Taboo  đã được xem như một trong những công trình phê bình văn hóa lớn nhất của Freud, nhưng khi xuất bản lần đầu, năm 1913, tập sách mỏng này đã gây chấn động phẫn nộ trong học giới. Freud đã đưa ra những luận chứng rất sáng tạo nhưng cũng rất táo bạo, dù trong đó đã khéo léo kích thích suy nghĩ người đọc. Cuối đời, quan tâm của ông nghiêng sang tôn giáo – và Totem and Taboo trình bày có lẽ trọn vẹn nhất một số những khái niệm quen thuộc của Freud. Đặt tâm lý loài người trên chiếc ghế sofa quen thuộc, nổi tiếng của ông tại thành Vienna, ông đã dẫn chúng ta về nguồn gốc của tôn giáo trong mặc cảm Oedipus quen thuộc của ông.

Lập luận chính của ông là: “khởi đầu của tôn giáo, đạo đức, xã hội, và nghệ thuật gặp nhau trong mặc cảm Oedipus”. Dựa trên suy đoán của Charles Darwin về trạng thái của một xã hội loài người nguyên thủy, đó là hình thức kết hợp bầy đàn với một alpha-nam dẫn đầu, có nhiều phụ nữ bao quanh, (tương tự như các nhóm vượn người gorilla còn thấy hiện nay), thêm với diễn dịch đặc biệt của William Robertson Smith về lễ hy sinh của những sắc dân sa mạc Trung Đông, phân tích lễ tiệc hiến sinh của một cộng đồng để cho thấy yếu tính của mọi giáo phái cổ xưa, và rằng sự hy sinh đó có nguồn gốc truy ngược được về với sự kiện toàn thể một thị tộc đã giết và ăn thịt sống, uống máu tươi con vật tôtem của nó, vốn được xem như là thân thích với thị tộc và là gót của thị tộc, vốn ngày thường vẫn có những  nghiêm cấm không được ăn giết con vật tôtem này. Sau đó, Freud đã đặt câu hỏi - về “ngăn cấm những thành viên của cùng một thị tộc không được kết hôn với nhau, hoặc cấm không được có bất cứ loại quan hệ tình dục nào, dù là gì đi nữa. Đây là sự liên kết nổi tiếng và khó hiểu của hôn chế dị tộc với hệ tin tưởng totem”  - Freud chuyển hướng chú ý của chúng ta về một sự kiện xã hội là khiếp hãi việc ăn nằm với người cùng máu huyết – chúng ta gọi là loạn luân – bên trong thị tộc (là nội dung tiểu luận I - The Savage’s Dread of Incest).

Đến đây, Freud đưa ra giải thích của mình và qua đó xác định nguồn gốc của hệ tin tưởng tôtem trong một biến cố lịch sử độc nhất, xảy ra trong thị tộc người nguyên thủy. Theo đó một đám anh em trai vừa mới lớn, đã bị người cha ghen tị, tham lam và bạo lực - alpha-nam nói trên – trục xuất khỏi bầy đàn. Những đứa con này đã kết bầy, trở lại đàn, và hợp sức giết người cha, người mà chúng vừa căm ghét vừa kính sợ, rồi chuyện phải xảy ra đã xảy ra, là chúng ăn nằm với những người nữ trong đàn, những người mẹ và chị em gái.  Như thế, Freud đã đặt chỗ cho mặc cảm Oedipus – giết cha, ngủ với mẹ - một vị trí xuất hiện trong xã hội loài người nguyên thủy, và đã đưa giả thuyết rằng trong thực tại, tất cả mỗi tôn giáo đã là một hình thức tập thể và mở rộng của xúc cảm hối hận về tội giết cha, và xúc cảm mâu thuẫn (yêu trộn ghét) với người cha - mà ông xem mới thực sự là tội nguyên thủy. Từ những xúc cảm tội lỗi và mâu thuẫn này đã đưa đến hai tabu nền tảng của hệ tin tưởng tôtem: tabu ngăn cấm quan hệ tình dục với người cùng thân tộc, và tabu ngăn cấm giết hại con vật tôtem, vốn là hình ảnh sau đó được đem thay thế vào chỗ của người cha. Bản năng tình dục bị áp chế, đòi hỏi tự nhiên không được thỏa mãn nên giết, nhưng giết xong, ghét hận thỏa mãn xong, thì thương kính lại sống dậy, nên những đứa con quay sang thờ phụng người cha qua hình ảnh thay thế (con vật tôtem), và rồi từ chối những gì dành được (những người nữ trong thị tộc – cấm lấy nhau).

Huyền thoại có những mô típ chung, chúng tồn tại vì đáp ứng những câu hỏi của con người vẫn dai dẳng trong vô thức – những câu đố bí hiểm về đời người – như câu đố con quái vật Sphinx đã hỏi những người dân thành Thèbes – trong đó có Oedipus trên đường đi đến hoàn tất định mệnh chính mình  – Từ chỗ này, Freud tuyên bố về một tôn giáo quen thuộc – đạo Kitô, theo ông Gót chỉ là hình ành người cha phóng lên cao cho lớn, Jesus chỉ là đứa con phỏng theo một huyền thoại hy sinh, và tội nguyên thủy là không gì khác nhưng chính là tội giết cha của loài người khi còn sống theo bầy đàn nguyên thủy. Chẳng phải những tín đồ vẫn gọi “Cha chúng ta ở trên Thiên đàng” – chẳng phải tín đồ vẫn “ăn thịt uống máu” đứa con hy sinh trong mỗi dịp lễ thánh thể hay sao? – ông quả quyết:

“Trong huyền thoại của đạo Kitô, tội nguyên thủy của con người thì chắc chắn là một hành động vi phạm chống lại Gót người Cha, và nếu như Christ cứu chuộc loài người khỏi gánh nặng của tội nguyên thủy bằng sự hy sinh mạng sống riêng mình, ông buộc chúng ta đến kết luận rằng tội này đã là tội giết người. Theo luật của sự trả đũa bắt rễ sâu trong tình cảm con người, một sự giết người chỉ có thể được chuộc tội bằng sự hy sinh của một mạng sống khác; sự tự hy sinh trỏ hướng về một tội lỗi-đẫm-máu người. Và nếu sự hy sinh này của mạng sống riêng một người có mang lại một sự hòa giải với gót, với người cha, sau đó tội phạm phải được chuộc chỉ có thể đã là sự giết chết người cha.”

4.
Một hiện tượng nhân văn phức tạp như tôn giáo – dĩ nhiên nguồn gốc của nó không thể đơn giản như vậy. Đó chính là lời mở đầu của Freud, ông cũng nhấn mạnh là giải thích của ông chỉ là một trong những giải thích có thể có, và cũng không có tham vọng được hơn những giải thích nào khác. Nhưng Sigmund Freud có lẽ cung cấp lời giải thích sáng tạo nhất cho chúng ta, đến nay, về bản chất dường như phi lý của những tabu, giả thuyết rằng chúng đã được tạo ra bởi những thái độ xã hội mâu thuẫn, và chúng thực sự là mặt nổi đại diện cho những hành vi bị cấm kị nhưng dù sao đi nữa vẫn tồn tại một khuynh hướng mạnh mẽ trong vô thức chúng ta. Ông đã nói khiêm tốn – chiếu lên một ánh sáng – lúc ấy là duy nhất - vào một tabu phổ quát, tabu về loạn luân, vốn ngăn cấm quan hệ tình dục giữa thân tộc. Từ tabu đó với lễ tiệc totem, Freud khéo léo đưa ra giải thích tâm lý sáng tạo – tâm lý mâu thuẫn vừa yêu vừa ghét, thái độ vừa kính sợ vừa oán giận, những xung lực libido – những bản năng tình dục tự nhiên và mạnh mẽ không thể dập tắt của những đứa con trai mới lớn –mặc cảm Oedipus vô thức trong nội tâm thực tại tâm lý đưa đến thực tại ngoại cảnh vật lý – là bi kịch giết cha lấy mẹ, rồi từ đó đi đến lễ tiệc hiến sinh ăn thịt tôtem, đến những huyền thoại như Attis, Adonis, Tammuz - để đưa đến thành hình những tôn giáo như Orpheus, Mithra và cuối cùng là Kitô.

Những phi lý ông nêu ra trong hiện tượng tabu và totem – cũng là những phi lý, hay đến nay chúng ta có thể gọi là mê tín, vì chúng là những tin tưởng trên những điều không thể có trong thực tại, bất chấp lý trí; hay nói theo Freud, đó là những thực tại tâm lý – vốn với trẻ con hay với những người bị chứng nhiễu loạn nơ rô - chúng là thực tại. Những người này đặt thực tại tâm lý lên trên thực tại vật lý – chúng ta gọi là đặt niềm tin lên trên khoa học. Đến đây chúng ta hiểu tại sao Freud gọi những tín đồ - những người đáng thương với lòng tin tôn giáo sâu đậm chết người – là những người tin vào những ảo tưởng, xem chúng là như thực – là những người bị bệnh loạn nơ rô – thế nên, Freud xem tôn giáo - những tôn giáo lấy Abraham làm thủy tổ - là một chứng loạn nơ rô tập thể.  Và chúng ta có thể hiểu lý do tại sao một tôn giáo vốn xây dựng chỉ trên những huyền thoại nhưng vẫn dai dẳng tồn tại mãi với đám đông nhân loại. Trong tôn giáo đó, như tôi nhắc ở trên - ẩn chứa những trả lời cho những khát vọng thầm kín, sâu thẳm và cổ xưa nhất của con người – tôn giáo có máu thịt quằn quại với một ý thức về tội lỗi bệnh hoạn luôn luôn đè nén dục tính, khiếp sợ chuyển thành khinh miệt phụ nữ; và với truyền thuyết về tội lỗi nguyên thủy, và bí hiểm đến phi lý hơn nữa về truyền thuyết một người cha, vị này tuy rất đỗi thương yêu, nhưng lại như được thỏa mãn khi chính đứa con mình phải đổ máu mất mạng, với giải thích là để chuộc một cái tội xem ra khá mù mờ – thế nên, theo Freud, tội nguyên thủy đó là tội giết cha, và tôn giáo đó là một dạng trá hình của một khát vọng về một người cha – nay đã đem đặt trên cao vời, thay thế cho người cha nguyên thủy đã bị giết, vốn trong một giai đoạn lịch sử chuyển tiếp của những xà hội với tabu và tôtem, người cha đó đã được thay thế bằng con vật tôtem cho toàn thị tộc. Ngày nay, con người đã tiến hóa, xã hội đã văn minh, chúng ta đã mất xã hội nguyên thủy, hình ảnh con người sơ khai đó không còn nữa; nhưng trong tâm lý con người – hay của một số người, của một văn hóa nhất định - ở đây là xã hội phương Tây, khởi nguyên đã pha trộn văn hóa với các dân tộc Trung Đông; người cha đó vẫn mãi mãi được cảm nhận là một cần thiết, trong vai trò đỡ đầu, tha thứ, hướng dẫn, bảo bọc cho đám con cái khổ đau, chúng sống giữa đời người vẫn tràn đầy những bất công, thất bại, giữa người đời vẫn bệnh tật, bất toàn, trong những tổ chức con người ngày càng phản tự nhiên. Và trước những thất bại, những bất toàn đó, đám con vẫn cần có chốn để đến khóc than, tìm an ủi; hay van xin tha thứ những lỗi lầm cả thực lẫn không thực; hay cầu nguyện những bảo bọc, hy vọng những ân huệ cho những tham lam vốn tự thân không bao giờ thỏa mãn được cho đủ. Và để nhận một lời hứa hẹn linh thiêng về một cõi không thực không thể biết – đằng sau cái chết không thể tránh. Thất bại, bất toàn, cái chết là những thực tại vật lý. Hình ảnh một người cha Gót cao vời, chân dung một đứa con ông xuống trần cứu chuộc anh em - là những thực tại tâm lý, chúng là những ảo tưởng do một hệ thống tôn giáo dựng lên, đáp ứng nhu cầu tâm lý của con người, khiến những nhu cầu tâm lý đó được thỏa mãn, những tín đồ chỉ phải trả với giá đánh đổi là một lòng tin cao thượng tinh khiết thiêng liêng, nhưng thực sự là sự nô lệ tinh thần đen tối, là “Mea culpa” – Như một tội nhân phủ phục xuống thật thấp, thú tội với cuộc đời này “Lỗi tại tôi! Lỗi tại tôi mọi đàng!” để mong được tha bổng, được lên “nước thiên đường” thật cao, ở đời sau – Chúng không thực, nhưng mạnh mẽ, và sống động, và tồn tại, vì thế. Con người rất đỗi tầm thường, rất đáng thương, khiếp sợ cái chết, ở đây chỉ biết ôm lấy ảo tưởng mù lòa của chính mình.

Con người sơ khai không còn, nhưng tâm lý con người sơ khai đó vẫn còn, nên tôn giáo như thế vẫn còn, tâm lý thời mông muội, nếu “ăn thịt uống máu” một ai thì được đồng hóa, sẽ có sức mạnh hay nhiễm được tinh thần của kẻ ấy, tâm lý ấy vẫn còn, vẫn tồn tại đến ngày nay, chỉ chuyển dạng sang hình thức mới là “ăn bánh nếm rượu hiệp thông”; nên tôn giáo như thế thực sự chỉ là hiện tượng xã hội thể hiện tâm lý của những người bị loạn nơ rô tập thể.

Những quan niệm và ngay cả phần lớn những khám phá trong những ngành khảo cổ học, nhân loại học, nhân chủng học trong thời của ông; đến nay, sau gần hai thế kỷ, hầu như đã được đánh giá lại, hoặc thay đổi gần hết; nhưng thành tựu của Freud cô đọng trong một giả thuyết hết sức quan trọng trong tư tưởng của ông, giả thuyết đó vẫn còn sắc bén như lúc đầu ông đã dùng nó ở đây, như một con dao giải phẫu cơ bản để mổ xẻ, phê phán tôn giáo – xem nó là một hiện tượng xã hội – với tâm lý tập thể tương ứng - ông phơi mở cho chúng ta thấy nội dung cốt lõi của nó là khái niệm về Gót:

“Gót trong mọi trường hợp thì được mô hình theo người cha, và quan hệ cá nhân của chúng ta với gót thì tùy thuộc trên quan hệ của chúng ta với người cha bằng xương bằng thịt của chúng ta, luôn biến động và thay đổi với ông ta, và rằng gót, ở dưới đáy cùng, thì không là gì khác nhưng chỉ là một người cha cao vời”.

Chúng ta đều mặc nhiên nhìn nhận những tôn giáo do con người tạo ra, chúng ta nhìn quanh sẽ thấy những tôn giáo khác biệt tồn tại vì những nhu cầu tâm lý khác biệt của con người. Freud nhắc chúng ta thêm – Cốt lõi của tôn giáo – cụ thể là những tôn giáo độc thần Abraham - là một khái niệm  - khái niệm đó là Gót - và Gót cũng là một sản phẩm của con Người. Lịch sử cho chúng ta thấy có những thế lực, những tổ chức, muốn chúng ta quên đi sự kiện này.

5.
Trong tập sách này - Tôtem và Tabu  - có thể nói xoay quanh hình ảnh người cha bạo ngược, ghen tương, dâm dục đó, ông cho chúng ta thấy đã bị đám con lật đổ, giết chết, ăn thịt uống máu như thế nào trong xã hội nguyên thủy, để sau đó kéo dài cho đến nay đã ngàn năm, chúng dựng tượng, lập nhà thờ, thống hối tôn kính ông – Totem and Taboo cho chúng ta giải thích lịch sử của ông về nguồn gốc tôn giáo. Khái niệm đó Freud sẽ mở rộng sau này trong Tương lai của một Ảo tưởng (The Future of an Illusion); trong đó ông đưa thêm một giải thích khác về nguồn gốc tôn giáo, có thể gọi là giải thích tâm lý. Tôn giáo chắn đường tiến bộ của nhân loại, nô lệ tinh thần con người; trong bản chất là sản phẩm của vô thức, phóng chiếu của ảo ảnh. Nên tôi giới thiệu ở đây, trước hết, tiểu luận cuối cùng, Hệ tin tưởng tôtem tái diễn trong Tuổi thơ - dài nhất và quan trọng nhất trong Tôtem và Tabu này, vì sự liên hệ của nó, và để xem như phụ lục cho tập Tương lai của một Ảo tưởng tôi đã dịch và giới thiệu trước đây.

Lê Dọn Bàn
(Mar/2012)





Chương IV.   Hệ tin tưởng tôtem tái diễn trong Tuổi thơ
(The Infantile Recurrence of Totemism)

Người đọc cần phải đừng lo lắng rằng phân tâm học, vốn đầu tiên đã  mở ra cho thấy thấy tính chất thông thường về nhiều-yếu tố xác định của những hành vi và những hình thành tâm lý, sẽ bị lôi cuốn để rút ra bất cứ gì quá phức tạp như tôn giáo từ một nguồn duy nhất. Nếu nhất thiết nó phải tìm kiếm, như trong ràng buộc nhiệm vụ, để được nhìn nhận là một trong những nguồn gốc của tổ chức này, nó tuyệt không tuyên bố loại trừ tất cả để dành độc quyền với nguồn này, hoặc ngay cả xếp vào hạng cao nhất giữa những yếu tố đồng thời. Chỉ có một tổng hợp từ những lĩnh vực nghiên cứu khác loại mới có thể quyết định, trong sự khởi đầu của tôn giáo, tầm quan trọng tương đối nào là được gán cho cơ chế vốn chúng ta sắp thảo luận, nhưng một công việc như thế vượt quá những phương tiện cũng như những ý định của nhà phân tâm học.

 
1.
Chương đầu tiên của quyển sách này đã làm chúng ta làm quen với khái niệm của hệ tin tưởng tôtem. Chúng ta đã nghe nói hệ tin tưởng tôtem là một hệ thống vốn nó giữ vị trí của tôn giáo trong một số chủng tộc nguyên thủy nhất định nào đó ở châu Úc, châu Mỹ, và châu Phi, và cung cấp cơ sở của tổ chức xã hội. Chúng ta biết rằng năm 1869, MacLennan, người Scotland [3], đã thu hút sự quan tâm tổng quát với hiện tượng về hệ tin tưởng tôtem, vốn cho đến lúc đó đã được coi chỉ đơn thuần như những tục lạ lẫm tò mò, bằng phỏng đoán của ông rằng một số lớn của những tập tục và những lệ thường trong những xã hội khác loại cổ xưa cũng như hiện đại đã được nhận xem như là những tàn tích của một kỷ nguyên của hệ tin tưởng tôtem. Khoa học từ đó đã nhìn nhận đầy đủ sự quan trọng này của hệ tin tưởng tôtem. Tôi trích dẫn một đoạn từ “Elements of the Psychology of Races” (“Những yếu tố của Tâm lý học Chủng tộc”) của W. Wundt (1912), như là lời nói gần đây nhất về vấn đề này: “Khi lấy tất cả điều này lại với nhau, nó trở nên rất có thể là một nền văn hóa tôtem đã một thời là giai đoạn mở đầu của tất cả sự tiến hóa về sau này, cũng như một giai đoạn chuyển tiếp giữa trạng thái của người nguyên thủy và của thời đại của những thần linh và anh hùng”.

Là điều cần thiết cho những mục đích của chương này để đi sâu hơn vào bản chất của hệ tin tưởng tôtem. Vì những lý do sẽ thành hiển nhiên về sau, ở đây tôi dành ưu tiên cho một đại cương của S. Reinach, người vào năm 1900 đã phác thảo Luật của hệ tin tưởng tôtem (Code du totémism) sau đây trong mười hai điều, giống như một tập sách tóm tắt giáo lý của tôn giáo thờ tôtem: [4]

  1. Một loài động vật nhất định nào đó phải không được giết chết hay ăn thịt, nhưng người ta nuôi riêng lẻ những con vật của loài này và chăm sóc chúng.
  2. Một con vật nếu chết vì tai nạn ngẫu nhiên thì được làm đám tang thương tiếc, và được chôn cất với cùng những danh dự như một thành viên của bộ lạc.
  3. Việc cấm đoán về mặt ăn (thịt con vật) đôi khi chỉ áp dụng vơi một phần nhất định nào đó của con vật.
  4. Nếu có áp lực cần thiết bắt buộc giết hại một con vật thường được dành riêng ra, nó được thực hiện với những tạ lỗi với con vật, và nỗ lực được thực hiện để giảm thiểu sự vi phạm về tabu, cụ thể là giết chết, qua những mưu mẹo và trốn lánh thoái thác khác loại.
  5. Nếu con vật bị hiến sinh bằng nghi lễ, nó được trang trọng thương tiếc.
  6. Vào những dịp trang trọng đặc biệt, như những nghi lễ tôn giáo, người ta đem khoác mặc da của một loài động vật nào đó. Nơi nào hệ tin tưởng tôtem còn tồn tại, đây là da của loài động vật tôtem.
  7. Những bộ lạc và những cá nhân mang tên gọi của loài động vật tôtem.
  8. Nhiều bộ lạc dùng hình vẽ của loài động vật như huy hiệu (trên khiên đỡ), và trang trí vũ khí của mình với chúng, những người nam vẽ hoặc xâm hình con vật trên cơ thể của họ.
  9. Nếu con tôtem là thuộc một loài động vật đáng sợ và nguy hiểm, được giả định rằng con vật sẽ chừa ra (không làm hại đến) những thành viên của bộ lạc mang tên nó.
  10. Con vật tôtem bảo vệ và báo trước (tai ương, nguy hiểm) cho những thành viên của bộ lạc.
  11. Con vật tôtem báo trước tương lai cho những ai trung thành với nó, và phục vụ nó (xem nó) như là kẻ lãnh đạo của họ.
  12. Những thành viên của một bộ lạc tôtem thường tin rằng họ được kết nối với con vật tôtem bằng ràng buộc của sự có chung nguồn gốc.

Giá trị của bản giáo lý tôn giáo tôtem này có thể được hiểu rõ giá trị nhiều hơn nếu người ta giữ trong não thức rằng ở đây Reinach đã cũng kết hợp tất cả những dấu hiệu và manh mối dẫn đến kết luận rằng hệ thống về tôtem đã từng một lần từng tồn tại. Thái độ khác lạ của tác giả này với vấn đề được cho thấy bằng sự kiện rằng đến một vài chừng mức nào đó, ông sao nhãng những nét yếu tính của hệ tin tưởng tôtem, và chúng ta sẽ thấy rằng trong hai giáo lý chính của bản tóm tắt giáo lý tôtem, ông đã đẩy một vào nền sau, và hoàn toàn bị mất cái nhìn không thấy điều kia.

Ngõ hầu để lấy được một bức tranh chính xác hơn về những đặc tính của hệ tin tưởng tôtem, chúng ta quay sang một tác giả là người đã cống hiến bốn tập sách về chủ đề, kết hợp bộ sưu tập đầy đủ nhất của những quan sát trong câu hỏi với bàn luận thông xuốt nhất về những vấn đề chúng nêu lên. Chúng ta sẽ còn mãi mang nợ J. G.  Frazer, tác giả của “Hệ tin tưởng tôtem và hôn chế dị tộc[5],” vì  những thích thú và thông tin ông cấp cho, ngay cả cho dù sự điều tra phân tích tâm lý có thể dẫn chúng ta đến những kết quả vốn chúng khác biệt nhiều so với của ông [6].

“Một tôtem,” Frazer đã viết trong bài tiểu luận đầu tiên của ông [7], “là một lớp gồm những đối tượng vật chất mà một người man dã [8] xem nhìn với kính trọng mê tín, tin tưởng rằng có hiện hữu giữa hắn và tất cả mọi thành viên của lớp, một quan hệ mật thiết và hoàn toàn đặc biệt. Sự kết nối giữa một người và tôtem của hắn là cả hai cùng được phước lợi; tôtem bảo vệ con người và con người cho thấy sự tôn kính của hắn với tôtem trong nhiều cách khác nhau, bằng không giết nó nếu nó là một động vật, và không cắt hoặc hái nó nếu nó là một thực vật. Như được phân biệt với một vật-đem-thờ [9], một tôtem không bao giờ là một cá nhân đơn lẻ, nhưng luôn luôn một lớp của những đối tượng, nói chung là một loài động vật, hay loài thực vật, hiếm hơn là một lớp của những đối tượng thiên nhiên vô tri giác, rất hiếm là một lớp gồm những đối tượng nhân tạo”.

Ít nhất, có thể phân biệt được ba loại tôtem:
  1.  Tôtem bộ lạc mà toàn thể một bộ lạc có chung, cùng chia nhau, và nó được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác,
  2. Tôtem tính dục vốn thuộc về tất cả những thành viên nam hoặc nữ của một bộ lạc, với sự loại trừ người khác phái tính, và
  3. Tôtem cá nhân thuộc về cá nhân và không truyền xuống với những con cháu của người ấy.

Hai loại tôtem sau cùng tương đối ít quan trọng hơn so với tôtem bộ lạc. Trừ khi chúng ta nhầm lẫn, chúng là những hình thành mới đây, và ít quan trọng nhìn theo mức quan tâm về bản chất của tabu.

Tôtem bộ lạc (tộc tôtem) là đối tượng của sự tôn thờ của một nhóm đàn ông và phụ nữ, những người có tên của họ lấy từ của tôtem, và tự coi mình là con cháu cùng máu mủ của một tổ tiên chung, và là những người liên kết chặt chẽ với nhau qua những nghĩa vụ chung với nhau, cộng thêm bởi tin tưởng vào tôtem của họ.

Hệ tin tưởng tôtem là một tôn giáo cộng thêm một hệ thống xã hội. Về mặt tôn giáo của nó, nó gồm những quan hệ tôn trọng và quan tâm lẫn nhau, giữa một người và tôtem của mình, và về mặt xã hội của nó, nó gồm có những nghĩa vụ của những thành viên của thị tộc với nhau và với những bộ lạc khác. Trong lịch sử về sau của hệ tin tưởng tôtem, hai mặt này cho thấy một khuynh hướng tách ra khỏi nhau; hệ thống xã hội thường sống sót hơn tôn giáo, và đảo lại những tàn dư của hệ tin tưởng tôtem vẫn còn lại trong tôn giáo của những xứ sở, trong đó hệ thống xã hội dựa trên hệ tin tưởng tôtem đã biến mất. Trong trạng thái hiện tại của sự thiếu hiểu biết của chúng ta về nguồn gốc của hệ tin tưởng tôtem, chúng ta không thể nói với chắc chắn hai mặt này ban đầu đã kết hợp thế nào. Nhưng trong toàn bộ có một xác suất lớn rằng trong buổi ban đầu, hai mặt của hệ tin tưởng tôtem đã không thể phân biệt được với nhau. Nói cách khác, càng xa hơn nữa chúng ta đi ngược trở về quá khứ, càng rõ ràng hơn nó trở nên rằng một thành viên của một bộ lạc nhìn chính mình như một sinh linh thuộc cùng chủng loại như tôtem của mình, và không phân biệt giữa thái độ của hắn với totem, và thái độ của hắn đối với người sống cùng trong bộ lạc của mình.

Trong mô tả đặc biệt về hệ tin tưởng tôtem như một hệ thống tôn giáo, Frazer đặt nhấn mạnh trên sự kiện là những thành viên của một bộ lạc mang tên gọi của tôtem của họ, và cũng như một quy tắc, tin rằng họ là hậu duệ của nó. Đó là do tin tưởng này nên họ không săn bắt động vật tôtem, hoặc giết, hoặc ăn thịt nó, và rằng họ tự từ chối không cho mình dùng tất cả những cách dùng khác của tôtem, nếu nó không phải là một con vật. Những cấm đoán không được giết chết hoặc ăn thịt con tôtem không phải là những tabu duy nhất ảnh hưởng đến nó, đôi khi cũng bị cấm không được sờ nó, và thậm không được chí nhìn nó; trong một số trường hợp tôtem phải không được gọi bằng tên đúng của nó. Vi phạm những cấm đoán của tabu vốn chúng bảo vệ tôtem thì tự động bị trừng phạt bởi bệnh tật hiểm nghèo hoặc cái chết.

Những con vật giống thuộc loài vật tôtem đôi khi được thị tộc nhốt giữ nuôi dưỡng và chăm sóc [10]. Một con vật thuộc loài tôtem tìm thấy bị chết thì được thương tiếc và chôn cất như một thành viên của thị tộc. Nếu một con vật tôtem phải bị giết, điều đó được làm theo một nghi lễ được quy định của những tạ lỗi và những nghi thức của sự chuộc tội.

Bộ lạc mong đợi sự bảo vệ và khoan thứ từ tôtem của nó. Nếu đó là một động vật nguy hiểm, (một con thú săn, hay một rắn độc), được giả định rằng nó sẽ không làm hại, và nơi nào giả định này đã không trở thành sự thật, người bị (con vật) tấn công bị trục xuất khỏi bộ lạc. Frazer cho rằng những tuyên thệ đã ban đầu là những thử thách, nhiều thử nghiệm về phần nguồn gốc và tính xác thực được theo cách này để lại cho sự quyết định của tôtem. Tôtem giúp đỡ trong trường hợp của đau ốm, và cho bộ lạc những điềm báo trước và những cảnh cáo đề phòng. Sự xuất hiện của động vật tôtem gần một căn nhà đã thường được coi như một thông báo về cái chết.  Tôtem đã đến để lấy bà con của nó [11].

Một thành viên của một thị tộc tìm cách để nhấn mạnh liên hệ của mình với tôtem trong nhiều cách ý nghĩa khác nhau; hắn bắt chước một tương tự bên ngoài bằng cách mặc che thân cho mình bằng da của động vật tôtem, bằng cách có hình vẽ của nó xâm trên mình, và bằng những cách khác. Vào những dịp trang nghiêm, của sinh ra đời, bắt đầu vào làm người nam trưởng thành, hay những nghi thức đám ma, sự đồng hóa nhân cách này với tôtem được thể hiện ra trong hành động và lời nói. Những điệu múa trong đó tất cả những thành viên của bộ lạc cải trang mình như là tôtem của họ, và có hành vi giống như nó, phục vụ những mục đích magích và tôn giáo khác nhau. Cuối cùng có những nghi lễ trong đó động vật tôtem bị giết một cách thức trang nghiêm.

Mặt xã hội của hệ tin tưởng tôtem chủ yếu thể hiện trong một lời răn truyền phải tuân thủ nghiêm ngặt và trong một sự ngăn cấm kinh khủng dữ dội. Những thành viên của một thị tộc tôtem là những anh em và chị em, cam kết giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau; nếu một thành viên của thị tộc là bị một người lạ giết, toàn bộ bộ lạc của kẻ giết người phải trả lời về tội giết người, và thị tộc của người bị giết cho thấy sự đoàn kết của nó trong sự đòi hỏi cho sự đền tội với máu đã bị đổ. Những ràng buộc của tôtem mạnh hơn so với những ý tưởng của chúng ta về những ràng buộc gia đình, vốn chúng không hoàn toàn trùng khớp với nó, vì chuyển giao của tôtem diễn ra như một quy luật qua thừa kế bên mẹ, thừa kế bên cha có thể không được đếm kể gì cả trong thời bắt đầu.

Nhưng ngăn cấm tabu tương ứng bao gồm trong sự ngăn cấm những thành viên của cùng một thị tộc kết hôn với nhau, hoặc cấm không được có bất cứ loại quan hệ tình dục nào, dù là gì đi nữa, với nhau. Đây là sự liên kết nổi tiếng và khó hiểu hôn chế dị tộc với hệ tin tưởng tôtem. Chúng ta đã dành toàn bộ chương đầu tiên của tập sách này với nó, và do đó chỉ cần nhắc ở đây là hôn chế dị tộc này nảy lên từ những khiếp hãi dữ dội về loạn luân [12] của những giống dân nguyên thủy, rằng nó trở nên hoàn toàn có thể hiểu được như là một bảo đảm chống lại loạn luân trong những hôn nhân (cùng) nhóm, và rằng thoạt đầu nó thành công  được trong sự ngăn tránh về loạn luân cho thế hệ trẻ hơn, và chỉ trong tiến trình phát triển xa hơn nữa trở thành một chướng ngại đối với thế hệ già hơn.

Với trình bày này về hệ tin tưởng tôtem của Frazer, một trong những tài liệu có sớm nhất về đề tài, bây giờ tôi sẽ thêm một vài đoạn trích từ một trong những tóm lược mới nhất. Trong “Elements of the Psychology of Races[13] ra đời năm 1912, W. Wundt nói: “Động vật tôtem được coi là con vật tổ tiên. ‘Tôtem’ do đó vừa là một tên nhóm và một tên khai sinh, và trong khía cạnh kể sau, tên này đã cùng một lúc có một ý nghĩa thần thoại. Nhưng tất cả những cách dùng này của khái niệm đã làm lợi cho lẫn nhau, và những ý nghĩa đặc thù có thể lùi về phía sau lu mờ đi, thế nên trong một số trường hợp, những tôtem đã trở thành gần như chỉ là một thuật ngữ phân nhóm của những nhóm đã phân trong cùng bộ lạc, trong khi ở những trường hợp khác, ý tưởng về gốc gác, hoặc về sùng bái vẫn còn giữ lại ở phía trước ....Khái niệm của tôtem xác định sự xếp đặt bộ lạc và tổ chức bộ lạc. Những khuôn thước này và sự thiết lập của chúng trong tin tưởng và những cảm xúc của những thành viên của bộ lạc giải thích cho sự kiện là khởi thủy con vật tôtem đã chắc chắn không chỉ được coi đơn thuần là một tên cho một nhóm (trong bộ lạc) nhưng nó thường đã được coi là vật tổ-tạo-sinh của nhóm tương ứng.... Điều này giải thích cho sự kiện là những động vật tổ tiên này đã được hưởng một sự sùng kính tôn thờ.... Sự sùng kính này tôn thờ con vật tự nó thể hiện chủ yếu trong thái độ đối với con vật tôtem, hầu như ngoài những nghi lễ và lễ hội đặc biệt: không chỉ với mỗi con vật cá nhân, nhưng với tất cả mỗi đại diện của cùng một giống vật, là đến một mức độ nhất định nào đó là một con vật đã được tách riêng thánh hoá; thành viên của tôtem bị cấm ăn thịt của động vật tôtem, hoặc hắn được phép ăn nó chỉ trong những hoàn cảnh đặc biệt. Điều này là phù hợp với hiện tượng mâu thuẫn quan trọng được tìm thấy trong lĩnh vực này, cụ thể là trong những điều kiện nhất định, đã có một loại nghi lễ ăn uống với thịt tôtem....”

  “... Nhưng mặt xã hội quan trọng nhất của sự xếp đặt bộ lạc theo tôtem này gồm trong sự kiện là nó đã được kết nối với một số luật lệ ứng xử cho những liên hệ của những (phân) nhóm (trong bộ lạc) với nhau. Quan trọng nhất trong số đó là những quy luật của quan hệ vợ chồng. Sự phân chia bộ lạc này là như vậy đã kết nối với một hiện tượng quan trọng vốn nó đã đầu tiên xuất hiện trong thời đại của những tôtem, cụ thể là với hôn chế dị tộc”.

Nếu chúng ta muốn đi đến những đặc tính của hệ tin tưởng tôtem nguyên thủy bằng cách sàng lọc qua tất cả mọi thứ vốn có thể tương ứng với phát triển hoặc suy thoái về sau này, chúng ta tìm thấy những sự kiện chủ yếu sau đây: Những tôtems nguyên thủy đã chỉ là những động vật và đã được xem như tổ tiên của những bộ lạc đơn nhất. Tôtem đã được di truyền chỉ qua dòng mẹ, đã là bị cấm kị không được giết tôtem (hặc ăn thịt nó, vốn trong điều kện sinh hoạt nguyên thủy – cùng là một điều tương tự); những thành viên của một tôtem, bị cấm không được ăn nằm  với nhau[14].

Bây giờ xem ra có vẻ lạ lùng với chúng ta rằng trong bộ Luật của Hệ tin tưởng Tôtem [15] mà Reinach đã vẽ lên, một tabu chính yếu, cụ thể là hôn chế dị tộc, đã không xuất hiện gì cả, trong khi những giả định của những tabu thứ hai, cụ thể là dòng dõi hậu duệ của động vật tôtem, không chủ định chỉ tình cờ đề cập đến. Thế nhưng Reinach là một tác giả có công trình trong lĩnh vực này mà chúng ta mang nợ nhiều, và tôi đã phải chọn trình bày của ông để sửa soạn cho chúng ta về những khác biệt trong quan điểm giữa những tác giả, vốn bây giờ sẽ chiếm sự chú ý của chúng ta.



2.
Chúng ta càng trở nên bị thuyết phục bao nhiêu rằng hệ tin tưởng tôtem đã thường xuyên hình thành một giai đoạn của mọi nền văn hóa, càng cấp bách hơn bấy nhiêu về sự cần thiết phải đi đến một sự hiểu biết về nó, và chiếu ánh sáng lên sự bí ẩn của bản chất của nó. Điều là chắc chắn, tất cả mọi thứ về hệ tin tưởng tôtem thì trong bản chất thuộc về một bí ẩn, những câu hỏi quyết định là nguồn gốc của tôtem, động lực của hôn chế dị tộc (hay đúng hơn là của tabu loạn luân mà nó biểu hiện) và sự liên hệ giữa hai, cơ chế tôtem và sự ngăn cấm loạn luân. Sự hiểu biết sẽ đồng thời vừa lịch sử và vừa tâm lý; nó sẽ cho chúng ta biết cơ cấu đặc thù này đã phát triển dưới những điều kiện nào, và nó đã biểu lộ những nhu cầu tâm lý nào của con người.


Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất
(Mar/2012)
(còn tiếp ...)
http://chuyendaudau.blogspot.com/
http://chuyendaudau.wordpress.com




[1] Wilhelm Maximilian Wundt (1832 - 1920) là một y sĩ người nước Đức, nhà tâm lý học, sinh lý học, triết học, và giáo sư, ngày nay được biết đến như một trong những nhân vật sáng lập ngành tâm lý học hiện đại. Ông được coi là “cha đẻ của tâm lý học thực nghiệm”. Wundt thành lập phòng thí nghiệm chính thức đầu tiên cho nghiên cứu tâm lý tại Đại học Leipzig.

Những chú thích trong ngoặc vuông [ ]: của bản tiếng Anh, hoặc của Freud hoặc của dịch giả bản tiếng Anh – giáo sư A. A. Brill
Những chú thích khác, như chú thích này - là của tôi LDB, người dịch bản tiếng Việt.

[2] Freud muốn chỉ C. Jung và tác phẩm: Wandlungen und Symbole der Libido (Transformations and Symbols of the Libido).
[3] John Ferguson McLennan (1827 –1881) – hành nghề luật sư, nhưng là một nhà dân tộc học nổi tiếng.
[4] [“Revue Scientifique,” October, 1900, in lại trong bộ sách 4 quyển của tác giả, “Cultes, Mythes et Religions”, 1908, Quyển I, p.17.]
[5] J. G.  Frazer. Totemism and Exogamy
[6] [Nhưng điều có thể là tốt để cho người đọc thấy trước sẵn sàng về thiết lập những sự kiện trong lĩnh vực này khó khăn như thế nào.
Trước tiên những người thu thập những quan sát không đồng nhất, là một với những người nghiền ngẫm và thảo luận về chúng, những người trước là những khách du lịch và những nhà truyền đạo, trong khi những người sau là những nhà khoa học, những người có lẽ đã không bao giờ nhìn thấy những đối tượng nghiên cứu của họ. Nó không phải là dễ dàng để thiết lập một sự hiểu biết với những người sơ khai. Không phải tất cả những quan sát viên đã đều quen thuộc với những ngôn ngữ, nhưng đã phải dùng đến trợ giúp của người thông dịch, hoặc không thế, đã phải truyền thông với những người mà họ đặt câu hỏi bằng ngôn ngữ phụ trợ - loại tiếng Anh bồi (pidgin-English). Những dân sơ khai không phải là giao tiếp về những vấn đề mật thiết nhất của văn hóa của họ, và không quản ngại mình chỉ với những người ngoài đã trải qua nhiều năm cùng sống giữa họ. Từ những động cơ khác nhau, họ thường cung cấp thông tin sai hoặc gây hiểu nhầm. (So ​​sánh Frazer, “The Beginnings of Religion and Totemism Among the Australian Aborigines” (Khởi đầu của tôn giáo và hệ tin tưởng tô tem giữa những thổ dân Australia), Fortnightly Review, 1905, “Totemism and Exogamy”(Hệ tin tưởng tô tem và hôn chế dị tộc), Vol I, trang 150). Phải không được quên rằng những chủng tộc nguyên thủy không phải là những chủng tộc trẻ (dù mới được biết) nhưng thực sự là cũng xua cũ như những chủng tộc đã văn minh nhất, và rằng chúng ta không có quyền mong đợi rằng họ đã bảo tồn những ý tưởng ban đầu và những tổ chức của họ cho thông tin của chúng ta mà không có bất kỳ tiến hóa hoặc biến dạng nào.  Ngược lại, điều là chắc chắn rằng những thay đổi sâu rộng trong tất cả những chiều hướng đã diễn ra giữa những chủng tộc nguyên thủy, khiến chúng ta có thể không bao giờ không ngần ngại quyết định những điều kiện hiện tại nào và những ý kiến hiện tại nào của họ là đã được lưu giữ như quá khứ ban đầu, vẫn còn bất biến hóa đá, như nó đã là, và điều gì là tiểu biểu cho một biến dạng và thay đổi với bản gốc. Do điều này mà người ta gặp nhiều tranh luận giữa những tác giả về phần tỷ lệ nào của những đặc biệt khác lạ của một nền văn hóa nguyên thủy thì được nhận như sơ khai, và những gì như một biểu hiện là về sau và thứ yếu. Để thiết lập những điều kiện ban đầu, do đó, luôn luôn vẫn còn là một vấn đề xây dựng. Cuối cùng, người ta không phải là dễ dàng tự thích ứng với những cách suy nghĩ của những chủng tộc nguyên thủy. Vì giống như trẻ em, chúng ta dễ dàng hiểu sai họ, và luôn có xu hướng giải thích những hành vi và xúc cảm của họ theo như những tụ hội tâm lý của chúng ta.]
[7]Totemism,” Edinburgh, 1887, đã in lại trong quyển đầu tiên của bộ nghiên cứu vĩ đại của ông, “Totemism and Exogamy.
[8] Chữ cổ - trong nguyên văn – ngày nay chúng ta dùng – người sơ khai.
[9] Fetich: Vật-đem-thờ; vật-thiêng: một đối tượng được xem là có năng lực tinh thần hay có sức mạnh huyền diệu, đực biệt trong những tín ngưỡng sơ khai thờ vật linh (animistic) hay thày mo, thày phù thủy (shamanistic).    
[10] [Cũng đúng như ngày hôm nay, chúng ta vẫn có những con chó sói trong chuồng trên những bậc thềm Capitol ở Rome, và những con gấu nhốt trong hố ở thành phố Berne.]
[11] [Giống như truyền thuyết về người phụ nữ trắng (white lady) – hoặc là bóng ma- hoặc khoác áo trắng - trong nhiều gia đình quí tộc.]
[12] Incest: từ này dùng ở đây, không hoàn toàn có nghĩa như “loạn luân” chúng ta thường hiểu – nghĩa là không có nghĩa về luân lý của ngày nay – một cách tổng quát nó chỉ quan hệ tình dục giữa những người có liên quan máu mủ thân tộc quá gần gũi.
Thực tại - giao phối cùng huyết thống dẫn đến một xác suất cao hơn về những dị tật bẩm sinh. Trong ngắn hạn, nó ​​sẽ đưa đến sự gia tăng về hủy thai tự phát, thai phôi chết sớm trong vòng vài tuần, và nhiều dị tật bẩm sinh hơn những trường hợp thông thường, sau khi sinh. Cũng có thể có tác hại khác, do những yếu tố di truyền từ cả hai cha và mẹ. Thí dụ, kết hợp từ hai hệ thống miễn dịch tương tự, đứ con càng có khả năng cao dễ bị những bệnh truyền nhiễm – những thực tại này là nguyên nhân chính đưa đến sự ngăn tránh giao phối cùng huyết thống. Đạo đức và phong tục, luân lý cùng giáo dục đều đến sau những thực tại tai hại này. Chúng ta đi ngược về tời gian, khi con người mới bắt đầu có những kinh nghiệm như thế, và tìm cách đối phó, trong những văn hóa khác nhau, nhưng kinh nghiệm về phương diện sinh lý phải giống nhau.
[13] Những yếu tố của Tâm lý học chủng tộc
[14] [Kết luận mà Frazer đã vẽ về hệ tin tưởng tôtem trong công trình thứ hai của ông về chủ đề (Nguồn gốc của hệ tin tưởng tôtem -The Origin of Totemism,” Fortnightly Review, 1899) đồng ý với câu văn này: “Thế nên, hệ tin tưởng tôtem đã thường được đối xử như một hệ thống nguyên khai cả về tôn giáo lẫn xã hội. Như một hệ thống tôn giáo nó ôm lấy sự hợp nhất huyền bí của người sơ khai với tôtem của hắn; như một hệ thống xã hội, nó bao gồm những liên hệ trong đó nam và nữ của cùng một tôtem nhận lấy hành động giữa lẫn nhau, và với những thành viên của những nhóm tôtem khác.  Và tương ứng với hai mặt này của hệ thống là hai thử nghiệm thô sơ và sẵn sàng hay những kinh điển của hệ tin tưởng tôtem: trước tiên, luật định rằng một người không được phép giết hay ăn thịt động vật hay thực vật tôtem của người ấy, và thứ hai, luật định rằng hắn không được phép lấy làm vợ hay sống chung với một người đàn bà cùng chung tôtem” (p. 101.) Frazer sau đó thêm vào một điều này đem chúng ta vào trong chính giữa của thảo luận về hệ tin tưởng tôtem: “Không biết hai mặt – tôn giáo và xã hội – đã luôn luôn cùng tồn tại chung, hay chúng yếu tính là độc lập, là một câu hỏi vốn đã từng được trả lời khác biệt”. ]
[15] Code du totémisme