Wednesday, February 1, 2012

Roman Jakobson - Về những Khía cạnh Ngữ học của Phiên dịch


Về những Khía cạnh Ngữ học của Phiên dịch

On Linguistic Aspects of Translation
Roman Jakobson (1959)







1.
On Linguistic Aspects of Translation là bài luận văn được trích dẫn nhiều của Roman Jakobson, viết vào năm 1959.

Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng người Nga Roman Jakobson có quan hệ chặt chẽ không chỉ với chủ nghĩa Hình thức trong văn học (Formalism), mà còn với ngôn ngữ học, nhân chủng học, và phân tâm học. Ông được biết đến như là người sáng lập của Nhóm ngôn ngữ học ở thành Prague (Prague Linguistic Circle). Ông cũng được biết là người đã đặt ra thuật ngữ Structural Linguistics (Ngôn ngữ học Cơ cấu).

2.
Trong bài này, Jakobson phát biểu quan điểm nổi tiếng của mình về dịch thuật – đó là ý nghĩa của một từ là một hiện tượng ngôn ngữ [1]. Sử dụng Ký hiệu học (semiotics), Jakobson tin tưởng ý nghĩa là nằm trong cái-chỉ (the signifier), trong ngôn ngữ; và không trong cái-được-chỉ (hay được-hiểu – the signified)[2], ở ngoài ngôn ngữ. Thế nên, dấu hiệu ghi lời nói của ngôn ngữ đã cung cấp cho một đối tượng ý nghĩa của nó [3]. Diễn dịch một dấu hiệu của lời nói (verbal sign), theo Roman Jakobson có thể xảy ra trong ba cách: cùng ngôn ngữ, khác ngôn ngữ, và khác dấu hiệu (intralingual, interlingual và intersemiotic).
Phân loại nổi tiếng của Roman Jakobson cố gắng để giảm thiểu sự bất định vốn có trong việc sử dụng những ký hiệu của lời nói trong ngôn ngữ. Jakobson phân dịch thuật thành ba lớp (class):

1.  Intralingual: diễn thuật – thay ký hiệu này bằng ký hiệu khác, trong cùng một ngôn ngữ. Đây là trường hợp chúng ta gọi là “thuật”: diễn đạt cùng ý nhưng dùng những từ khác, là một cách giải thích các dấu hiệu của lời nói bằng các dấu hiệu khác của lời nói trong cùng một ngôn ngữ. Thí dụ, một người thuật lại một bản văn viết bằng ngôn ngữ “pháp lý rắc rối” – cả từ ngữ lần cú pháp - sang cách nói thông thường – như trường hợp một luật sư, hay của một chuyên viên trong một ngành chuyên môn, khi giải thích, thuật lại một câu, hay đoạn nào đó trong tài liệu kỹ thuật với người nghe, dùng những từ ngữ không chuyên môn, nhưng của cùng ngôn ngữ – là thực hành một bản dịch intralingual.
2. Interlingual: dịch thuật - dịch thuật đích thực - là một giải thích những dấu hiệu lời nói bằng các phương tiện những dấu hiệu lời nói của một ngôn ngữ khác. Ở đây có hai ngôn ngữ: ngôn ngữ nguồnngôn ngữ đích.
3. Intersemiotic: chuyển dịch - hay chuyển hoá là sự giải thích các dấu hiệu bằng các phương tiện của những dấu hiệu khác thuộc các hệ thống dấu hiệu không lời nói. Thí dụ như khi một người bình phẩm hội họa, diễn giải những ký hiệu vẽ trong một bức tranh cho công chúng, sang ký hiệu lời nói - đó là một bản dịch intersemiotic. Nhưng hai trường hợp (1) & (3) trên, không phải là “phiên dịch” đúng nghĩa. Chỉ có một người dịch một văn bản từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mới đúng gọi là phiên dịch (2). 

Trong trường hợp của bản dịch cùng ngôn ngữ - intralingual - những chuyển đổi diễn ra trong cùng một ngôn ngữ. Vì vậy, một dấu hiệu của lời nói (word) thuộc về một ngôn ngữ cụ thể được thay thế bằng một dấu hiệu khác (word) thuộc cùng một ngôn ngữ. Trong phiên dịch khác ngôn ngữ - Interlingual, là trường hợp chúng ta chú ý ở đây, có thể được xem như thay thế một dấu hiệu của lời nói với một dấu hiệu khác, và dấu hiệu này cũng nằm trong một ngôn ngữ khác.  Trường hợp này là phiên dịch đích thực.

Giải thích cuối cùng về dấu hiệu của lời nói là về bản dịch khác dấu hiệu - intersemiotic. Ở đây thay vì tập trung vào những từ, sự nhấn mạnh là vào thông điệp tổng thể cần phải được truyền đạt. Vì vậy, người phiên dịch, thay vì chú ý đến những dấu hiệu lời nói, tập trung nhiều hơn vào những thông tin sẽ được trao chuyền. Roman Jakobson dùng thuật ngữ “tính phiên dịch hỗ tương” (mutual translatability) và nói rằng khi nào hai ngôn ngữ đang được so sánh, điều tiên quyết nhất cần phải được cân nhắc là liệu chúng có thể được phiên dịch từ tiếng này sang tiếng khác hay không. Đặt sự nhấn mạnh trên ngữ pháp của một ngôn ngữ cụ thể, ông cảm thấy rằng có thể sẽ xác định được - một ngôn ngữ này khác với ngôn ngữ khác như thế nào.

3.
Như vậy, theo Jacobson, khi chúng ta phiên dịch, chúng ta chuyển những dấu hiệu từ một hệ thống này sang một hệ thống khác. Những dấu hiệu đó là chữ viết, ông xem những chữ viết là những ký hiệu của ngôn ngữ, chúng được xếp đặt trong một hệ thống, qui luật của hệ thống đó là ngữ pháp, ý nghĩa của ký hiệu là ngữ nghĩa – cái-chỉ - chứ không phải cái-được-chỉ.

Lấy thí dụ - khi chúng ta dịch một từ của tiếng Pháp hay Anh, sang tiếng Viêt – “fromage” thành “phó mát” – chúng ta nói “phó mát”, rồi viết xuống hai từ “phó mát” – hai từ này là những ký hiệu ngôn ngữ. Trong ngôn ngữ nói, và trong ngôn ngữ viết, ghi lời nói bằng những ký hiệu, tương tự người Anh, Pháp, Ý, Tàu, ghi là, dùng ký hiệu là:  “cheese”, “fromage”, “formaggio”, ‘乾酪”.

Ý nghĩa của nó không phải là miếng phó mát thực ngoài chợ, hay trong nông trại nuôi bò sữa; hay phải cầm lên ăn mới hiểu được, đó là cái hiểu về bản thể luận. Ý nghĩa trong tiếng Việt (với người Việt) của từ “phó mát” không nằm trong miếng “fromage” - “phó mát” thực của người Pháp, ở bên Pháp; cái được-chỉ trong tiếng Pháp nữa, nhưng trong cái-chỉ  là “phó mát” hiểu như thế nào trong tiếng Việt, vốn sẽ tìm thấy trong từ vựng hay từ điển tiếng Việt, trong đó giải thich có thể giống như “pho mát là một loại thực phẩm làm bằng sữa bò,….” Thế nên, một người dù chưa ăn, chưa thấy miếng phó mát thực bao giờ (cái-được-chỉ) nhưng chỉ biết “phó mát” như một dấu hiệu ngôn ngữ, nếu người ấy hiểu đó là - một thức ăn được, làm bằng sữa (bò hay dê), để lên men chua, ép cứng,… người ấy hiểu “phó mát” là gì , hoàn toàn không cần phải thực sự cầm một miếng fromage hay cheese lên cắn ăn, nếm mùi (như Russell nói) nhưng chỉ dựa trên những ký hiệu ngôn ngữ khác trong từ vựng của tiếng Việt [4]. Một thí dụ đặc biệt của Jacobson để chúng ta suy nghĩ thêm - khi chúng ta vào chợ, qua dãy bán thực phẩm gốc từ sữa chẳng hạn, chúng ta thấy những miếng pho mát và ngay đó một tấm bảng viết phó mát”; đây là một dấu hiệu - nó có nghĩa phó mát bán ở đây” - và cạnh đó có giá tiền. Và giá tiền đó dù là gì, có nghĩa tuy không ghi, nhưng ai cũng hiểu là - giá tiền ngày hôm nay, giờ đây mà thôi.


4.
Roman Jakobson cũng đề cập về vấn đề “thiếu hụt” trong một ngôn ngữ cụ thể. Qua nhiều thí dụ của ông, dựa trên những trường hợp trong tiếng Nga, Jakobson đưa ra một xác định rất quan trọng rằng - tất cả những kinh nghiệm nhận thức có thể thể hiện được trong ngôn ngữ, và bất cứ khi nào trong dịch thuật nếu có sự thiếu hụt, hoặc “thiếu về từ”, khi ấy, những “từ vay” (loan words), “từ ghép mới” (neologisms) và “từ giải thích dài dòng” (circumlocutions) đều có thể được sử dụng để giải quyết sự thiếu hụt này. Đây là điểm đáng chú ý, khi dịch các văn bản triết học, tôi đã đi đến những thực tiễn này một cách tự nhiên, chúng là những giải quyết khá đơn giản đến từ những nhu cầu cụ thể. Nhưng sự xác quyết của Jacobson, tôi nghĩ đã làm những người như tôi vững tâm hơn.

Bài học cụ thể - khi thiếu từ tương đương, dùng:

(a). Nếu trong ngôn ngữ đích không có từ nào tương đương, hay không có từ nào chỉ một khái niệm hoàn toàn mới, chúng ta mượn thẳng từ gốc - Thí dụ, thay vì dịch “god” là “thượng đế’, tôi không dịch, vì “thượng đế” không nói đến một yếu tính của “god” nên tôi mượn từ “god” phiên âm thành “gót”, chứ không dịch– như trước đây với các từ “buddha” là “bụt”; hay “fromage” là “phó mát”, “auto” là xe ô tô. Đây là một hiện tượng rất phổ biến. Khi vay từ, chúng ta có thể chuyển dạng, phiên âm cho hợp với ngữ pháp hay cách viết. Thi dụ, như mới đây, năm 2011, người Pháp phải miễn cưỡng vay từ “babysitter”của Anh nhưng Pháp hóa thành “babysiteur” (người giữ trẻ em thay cha mẹ). Các khái niệm trừu tượng mới, hay những sản phẩm mới chúng ta không có, chúng ta nên mượn từ, thay vì dịch vòng vo.
(b). từ ghép mới” (neologisms): trong Anh lẫn Việt: “Wuthering Heights” – “đỉnh Gió hú”; Thí dụ trong tiếng Anh: Bữa ăn cả sáng lẫn trưa - "Brunch" (breakfast + lunch) – blackhole: hố đen, cyberspace: không gian xi be, genocide,: diệt chủng; blog (a web + log).

(c). Và nếu hai thực hành trên không giải quyết được khó khăn, chúng ta nên mạnh dạn dùng những “từ giải thích dài dòng, thay thế” (circumlocutions): thí dụ trong bài này – “specimen” tôi dịch dài dòng là “mẫu để xét nghiệm” – hay tạm dịch “a lexical code” là một tập hợp gồm những từ hiệu có kèm nghĩa.

Nhấn mạnh vào sự kiện là một trong những yếu tố mà người dịch phải quan tâm cẩn thận là cấu trúc ngữ pháp của ngôn ngữ đích - hay ngôn ngữ mục tiêu, Jakobson tin rằng nó sẽ trở thành tẻ nhạt nếu cứ cố gắng và duy trì sự trung thành với văn bản gốc, trong khi ngôn ngữ mục tiêu có một khuôn khổ ngữ pháp cứng chặt vốn nó không có trong ngôn ngữ gốc. Jakobson cũng nêu lên các vấn đề lien hệ và cho những thí dụ cụ thể như sự quan hệ giữa giới tính và ngữ pháp của một ngôn ngữ cụ thể.

Nghĩa là ông hô hào - chúng ta hãy dịch cho thoát, đừng câu nệ về những màu sắc của bản văn gốc.


5.
Những kinh nghiệm phiên dịch Jacobson nêu lên trong bài đều là giữa những ngôn ngữ phương Tây; và trên đó, ông đưa ra nhận định tổng quát “Ngôn ngữ khác biệt chủ yếu là ở những gì chúng phải truyền đạt và không phải những gì chúng có thể truyền đạt”, nói khác đi – khi dịch thuật từ ngôn ngữ A sang một ngôn ngữ B – nghĩa là hai hệ thống ký hiệu của tiếng nói A và B, chúng ta gặp khó khăn không vì trong B thiếu không có từ để diễn ý đến từ A, nhưng khó khăn là có những đòi hỏi (ý nghĩa) nằm trong những từ ngữ của hệ thống ký hiệu A, mà B không có hay không có tương đương. Thí dụ điển hình là về giống và số. Trong những trường hợp này, ông cũng đề nghị những biện pháp cụ thể - đã nhắc trên như: mượn thẳng từ (nhập cảng), ghép đặt từ mới, và dùng cả cụm từ dài dòng nếu cần, trong B, để phiên dịch.

Tuy nhiên, quay về ngôn ngữ chúng ta – tiếng Việt, và ngôn ngữ phương Tây, cụ thể như Anh, Pháp; chúng ta gặp những khó khăn khác loại, không như của Jacobson. Tôi thu tóm kinh nghiệm của tôi vào hai điểm vắn tắt:

(a). Trong đặc tính diễn đạt của ngôn ngữ:
Điển hình là trong cách xử dụng những từ trừu tượng: Lấy thí dụ - dịch “la fraîcheur du soir” sang tiếng Việt; “cái lạnh của buối chiều” – tạm hiểu nghĩa của fraîcheur  là lạnh lẽo (thay vì tươi mát, chẳng han), nếu thế, khi dịch là - “lạnh chiều” hay “chiều lạnh” - đều không thật đúng nghĩa. Vì “lạnh chiều” không đúng và rõ rệt như “cái lạnh của buổi chiều”, chưa kể có thể nhầm sang “làm lạnh buổi chiều” – và “chiều lạnh” - là một chiều nào đó lạnh (lạnh là thuật ngữ); không phải cái lạnh của buối chiều (lạnh là chủ ngữ). và trong trường hợp “tươi mát” – chúng ta cũng sẽ ặp lúng tùng nếu dịch “sự tươi mát của buổi chiều”. Lúng túng nằm ngoài ngôn ngữ, nhưng trong tư tưởng.

Chúng ta đều biết là đôi lúc có người bật lên nhận xét là chúng ta không có nhiều từ trừu tượng, điều này chúng ta có thể và vẫn âm thầm giải quyết bằng cách vay mượn, hay đặt thêm (có khi rất hay – thí dụ - “illiterate” – không biết đọc viết - thành “nạn mù chữ”) và chúng ta đã bắt đầu tạo những từ trừu tượng bằng cách đặt các từ “cái”, “sự”, “việc”, “chất”,…  trước các thuộc từ, động từ (sự đi lại, việc đau lòng, cái nhớ nhung, chất say sưa); Nhưng vấn đề trong thí dụ kể trên có nguyên nhân sâu xa hơn – nguyên nhân có thể là - ngôn ngữ của chúng ta không diễn đạt những ý tưởng trừu tượng cùng một cách thoải mái như ngôn ngữ Anh, Pháp. Tại sao? Có thể vì chúng ta không quen với suy nghĩ trừu tượng. Khi chúng ta nói “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” – chúng ta thực sự nói “ở gần mực thì bị đen, ở gần đèn…” – chứ không phải nói “sự gần gũi với mực,.. sự gần gũi với đèn,..” chẳng hạn.

Trong động từ - chúng ta không có thể thụ động: Khi dịch, nếu giữ thể thụ động từ câu văn Pháp sang Việt, câu văn nghe rất Tây; dĩ nhiên! Và rất nhiều ca thán về trường hợp “vụng về” đó của người dịch; nhưng khi người dịch nếu có cố chuyển sang thể chủ động, có nhiều trường hợp có thể làm cho: hoặc màu sắc hoặc ý nghĩa có khi bị thay đổi, hoặc không còn trung thực phản ảnh nghĩa trong nguyên bản. Nhiều khi có những câu phải dịch bằng thụ động, vì không có chủ ngữ trong trường hợp tác giả đang nói đến – thí dụ: “những ý tưởng không được xã hội chấp thuận, bị đẩy vào trong vô thức” – chúng ta không thể chuyển sang chủ động, mà không toan tính làm thay nghĩa ở đây – vì chúng ta không biết nhiều về vô thức, và không thể nói “vô thức nhận một gì đó”, hay “vô thức đem chứa một gì đó” – có tính cách chủ động; chúng ta chỉ biết và còn chưa rõ lắm, những ý tưởng một cách nào đó, chúng miễn cưỡng xuất hiện trong vô thức, và đoán là chúng đã bị đẩy, bị dồn nén, chúng hoàn toàn thụ động,..Khi chúng ta gặp câu thuộc loại - x bị một gì đó của/từ y - chúng ta có thể chuyển sang - y làm gì đó cho x; nhưng có trường hợp không có y, nhưng chỉ có x, như - x bị một gì đó - chúng ta gặp khó khăn.

Thế nên, chúng ta có thể nghe đã quen “tôi bị một cú trời giáng”; thế nhưng khi nói “tôi bị đẩy vào một hoàn cảnh mới, hết sức lúng túng” vẫn không thuận tai – có lẽ vì chúng ta đâu đó có thể tạm nói “hoàn cảnh mới làm tôi hết sức lúng túng”, hay rơi vào hoàn cảnh mới, tôi hết sức lúng túng”– thế nhưng có phần nào mất bớt ý, chẳng hạn - tôi không tự ý lao vào hoàn cảnh đó,…vv.

(b). Trong cách tạo từ mới:
Từ ngữ của chúng ta không có cùng cách cấu tạo như từ Anh, Pháp – prefix– root – suffix: gốc từ, tiền tố và hậu tố. Điều này là cho từ ngữ của chúng ta mất đi nhiều khả năng diễn đạt. Các từ cùng một họ trong tiếng Anh, khi sang tiếng Việt – chúng mất liên hệ họ hàng về ý nghĩa, thế nên khi đứng đơn lẻ, khả năng diễn đạt ý tưởng của mỗi từ bị suy yếu.

Và đặc biệt vì thiếu khả năng này, trong trường hợp dịch thuật, tạo từ; chúng ta không nhanh chóng tạo được những từ mới; trong khi tiếng Anh chẳng hạn, những từ tạo ra rất nhanh từ một từ gốc, chỉ thay hay thêm tiền và hậu tố, prefix suffix; là có ngay từ mới.

Có cách nào chúng ta đi đến làm như vậy, hay tương tự như vậy không?

Tôi tạm ghi vội ở đây nhân dịch bài văn này - sẽ trở lại cùng Jacobson.

Lê Dọn Bàn




Về những Khía cạnh Ngữ học của Phiên dịch

On Linguistic Aspects of Translation [5]
Roman Jakobson (1959)




Theo Bertrand Russell, “không ai có thể hiểu từ ‘pho mát’ [6] trừ khi người này có một kiến thức quen biết, không ngữ học (nonlinguistic) với pho mát.”[7]. Tuy nhiên, nếu chúng ta tuân theo theo phương châm cơ bản của Russell và đặt sự “nhấn mạnh trên những khía cạnh ngữ học của những vấn đề triết học truyền thống” của chúng ta, sau đó chúng ta buộc phải phát biểu rằng không ai có thể hiểu được từ cheese trừ khi người này có một có một kiến thức bằng quen biết với ý nghĩa được gán cho từ này trong một tập hợp gồm những ký hiệu ngôn ngữ kèm ý nghĩa (lexical code) [8] của tiếng Anh. Bất kỳ một người nào đại diện cho một văn hóa ăn uống không pho mát sẽ hiểu từ tiếng Anh cheese, nếu ông nhận biết rằng trong ngôn ngữ này, nó có nghĩa là “thức ăn làm từ sữa đông đem ép”, và nếu ông ít nhất có một quen biết ngôn ngữ với curds (sữa đông). Chúng ta không bao giờ ăn thứ thức ăn gọi là ambrosia, hoặc mật hoa và chỉ có một quen biết ngôn ngữ với những từ ambrosiamật hoa, và những gót - tên gọi của những người trong thần thoại ăn những thức đó; dù sao đi nữa, chúng ta hiểu những từ này, và biết trong nội dung nào mỗi từ đó có thể được dùng.

Ý nghĩa của những từ “pho mát”, “quả táo”, “mật hoa”, “sự quen biết”, “nhưng”, “chỉ”, và bất cứ từ hoặc cụm từ nào nhất định là một sự kiện ngôn ngữ học - hoặc chính xác hơn và ít thu hẹp hơn - một sự kiện thuộc ký hiệu học [9]. Phản lại những ai là người gán định ý nghĩa (signatum) không phải với dấu hiệu, nhưng với tự thân sự vật, lập luận đơn giản nhất và đúng thực nhất sẽ là không ai đã từng bao giờ ngửi mùi hoặc nếm vị ý nghĩa của “pho mát” hoặc “quả táo”. Không có ngữ nghĩa signatum mà không có ngữ hiệu signum [10]. Ý nghĩa của từ “pho mát” không thể được suy diễn ra từ một quen biết không-ngữ-học với thứ pho mát gọi là cheddar hoặc pho mát gọi là camembert [11], mà không cần sự trợ giúp của tín hiệu của lời nói [12]. Một loạt những dấu hiệu ngôn ngữ là cần thiết để giới thiệu một từ không quen thuộc. Chỉ đơn thuần chỉ-về (một sự vật nào đó) sẽ không dạy bảo chúng ta – liệu không biết “pho mát” có phải là tên của thứ vật mẫu nhất định nào đó đem cho hay không, hoặc của bất kỳ một hộp pho mát camembert nào, hoặc loại pho mát camembert nói chung, hoặc của bất kỳ thứ pho mát nào khác, hoặc bất kỳ thứ sản phẩm sữa, bất kỳ thứ thức ăn, bất kỳ thứ giải khát, hoặc có lẽ là bất kỳ thứ hộp nào không phân biệt nội dung. Cuối cùng, có phải một từ chỉ đơn giản là gọi tên sự vật trong câu hỏi, hay có phải nó bao hàm một ý nghĩa loại như đem cho, đem bán, cấm, hoặc sự chửi rủa (Chỉ ngón tay thực sự có thể có nghĩa là sự chửi rủa; trong một số nền văn hóa, đặc biệt là ở châu Phi, nó là một cử chỉ đe dọa [13]).

Đối với chúng ta, vừa như những nhà ngôn ngữ học và như những người bình thường dùng-từ, ý nghĩa của bất kỳ dấu hiệu ngôn ngữ nào là phiên dịch của nó vào trong một số dấu hiệu có thể thay thế, xa thêm hơn nữa, đặc biệt là một dấu hiệu “trong đó nó được phát triển đầy đủ hơn”, như Peirce, người thăm dò sâu xa nhất vào yếu tính của những dấu hiệu, đã trước sau khăng khăng phát biểu [14]. Từ ngữ “người chưa vợ” có thể được chuyển đổi vào thành một chỉ định rõ ràng hơn, “người nam chưa lập gia đình”, bất cứ khi nào có đòi hỏi về sự rõ ràng cao hơn. Chúng ta phân biệt ba cách diễn dịch một dấu hiệu của lời nói: nó có thể được dịch sang thành những dấu hiệu khác của cùng ngôn ngữ, hoặc sang một ngôn ngữ khác, hoặc sang một hệ thống những biểu tượng không-dùng-lời. Ba loại này của dịch thuật được dán nhãn hiệu khác nhau:

1. Dịch cùng ngôn ngữ (Intralingual translation): diễn thuật, diễn lại bằng những từ khác (rewording), là một diễn dịch những dấu hiệu của lời nói bằng những phương tiện dùng những dấu hiệu khác của cùng ngôn ngữ.

2. Dịch khác ngôn ngữ (Interlingual translation): hay dịch thuật đúng nghĩa, là một diễn dịch những dấu hiệu của lời nói bằng những phương tiện của ngôn ngữ khác nào đó.

3. Dịch khác ký hiệu (Intersemiotic translation): hay chuyển dịch (transmutation) là một diễn dịch những dấu hiệu của lời nói bằng những phương tiện của những dấu hiệu của những hệ thống dấu hiệu không-dùng-lời-nói.

Sự phiên dịch sang ngôn ngữ khác của một từ, sử dụng hoặc là một từ khác, đồng nghĩa ít hơn hay nhiều hơn, hay dùng đến một cách nói quanh co dài dòng. Thế nhưng sự đồng nghĩa, như một quy luật, không phải là tương đương hoàn toàn: lấy thí dụ, “mọi người độc thân là một người chưa vợ, nhưng không phải tất cả những người chưa vợ là một người độc thân” [15]. Một từ hoặc một cụm từ thành ngữ, nói vắn gọn là một đơn vị tín hiệu [16] ở cấp cao nhất, có thể được diễn dịch toàn vẹn chỉ bằng những phương tiện của một sự kết hợp tương đương của những đơn vị tín hiệu, tức là, một thông điệp đề cập đến đơn vị tín hiệu này: “mỗi người chưa vợ là một người nam chưa lập gia đình và mỗi người nam chưa lập gia đình là một người chưa vợ”, hoặc “mỗi người sống độc thân là buộc không kết hôn, và tất cả mọi người là người buộc không kết hôn là một người độc thân”.

Tương tự như vậy, trên mức độ của thông dịch khác ngôn ngữ, bình thường không có tương đương trọn vẹn giữa những đơn vị tín hiệu, trong khi những thông điệp có thể phục vụ như những giải thích thỏa đáng của những đơn vị tín hiệu ngoại lai hoặc của những thông điệp. Từ tiếng Anh “cheese” không thể được xác định hoàn toàn với từ-đồng-dạng-khác-âm-khác-nghĩa [17] trong tiếng Nga tiêu chuẩn của nó “syr”, bởi vì pho mát thôn quê [18] là một thứ pho mát, nhưng không phải là một сыр.  Những người Nga nói: “prinesi syru i tvorogu” nghĩa là “mang pho mát lại và [sic] pho mát thôn quê.” Trong tiếng Nga tiêu chuẩn, thực phẩm làm từ sữa đông đem ép chỉ gọi là syr nếu có dùng men.

Thường xuyên nhất, tuy nhiên, bản dịch từ ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác thay thế những thông điệp trong một ngôn ngữ, không phải với những những đơn vị tín hiệu riêng biệt, nhưng với toàn bộ những thông điệp trong ngôn ngữ khác nào đó. Một sự phiên dịch như thế là một bài nói tường thuật, người dịch tín hiệu lại, và truyền đi một thông điệp đã nhận được từ một nguồn khác. Thế nên, phiên dịch liên quan đến hai thông điệp tương đương trong hai hệ thống tín hiệu khác nhau.

Tương đương trong sự khác biệt là vấn đề số đếm của ngôn ngữ, và mối quan tâm then chốt của ngôn ngữ học. Giống như bất kỳ người tiếp nhận nào của những thông điệp bằng lời nói, nhà ngôn ngữ học hoạt động như người thông dịch của chúng. Không có mẫu-xét-nghiệm ngữ học nào có thể được giải thích bằng khoa học của ngôn ngữ mà không có một sự thông dịch của những dấu hiệu của nó sang qua những dấu hiệu khác của cùng hệ thống, hoặc sang qua những dấu hiệu của một hệ thống khác. Bất kỳ sự so sánh nào của hai ngôn ngữ hàm ý một sự tra xét về tính thông dịch qua lại lẫn nhau của chúng; sự thực hành phổ biến của sự thông tin khác ngôn ngữ, đặc biệt là những hoạt động thông dịch, phải được giữ dưới sự xét duyệt kỹ lưỡng liên tục của khoa học ngôn ngữ. Khó để mà đánh giá quá đáng về nhu cầu cấp thiết, và tầm quan trọng lý luận và thực tiễn của, của những từ điển song ngữ khác biệt với định nghĩa so sánh cẩn thận của tất cả những đơn vị tương ứng trong độ sâu mạnh và độ mở rộng của chúng. Tương tự như vậy những ngữ pháp song ngữ khác biệt cần xác định những gì thống nhất và những gì khác biệt giữa hai ngôn ngữ trong việc lựa chọn và phân định giới hạn những khái niệm ngữ pháp.

Cả hai, thực hành và lý thuyết của sự phiên dịch nhiều nhan nhản những điều phức tạp, và thỉnh thoảng lại có những nỗ lực được thực hiện để cắt đứt những nút thắt Gordian [19] bằng cách công bố tín điều của sự không-thể-phiên-dịch. “Ông bình thường hàng ngày, nhà lôgích tự nhiên”, B. L. Whorf tưởng tượng một cách sinh động, được giả định là đã đi đến những mẩu của lý luận sau đây: “Những sự kiện là không giống với những người phát ngôn vốn quá trình cơ sở ngôn ngữ của họ đem cho sự phát biểu hệ thống không giống về chúng ” [20]. Trong những năm đầu của cách mạng Nga, có những nhà viễn kiến cuồng tín, đã lập luận trong những tạp chí định kỳ của SôViết cho một sự duyệt lại căn bản của ngôn ngữ truyền thống, và đặc biệt là đối với việc loại bỏ những diễn tả sai lệch như  “mặt trời mọc” hoặc “mặt trời lặn”.  Tuy nhiên, chúng ta vẫn sử dụng hình ảnh theo như lý thuyết vũ trụ của Ptolemy mà không ngụ ý một sự từ chối với học thuyết vũ trụ của Copernicus, và chúng ta có thể chuyển đổi dễ dàng lối nói chuyện thành tập quán về mặt trời mọc và lặn vào trong một hình ảnh của sự quay của trái đất của chúng ta, đơn giản chỉ vì bất kỳ dấu hiệu nào được phiên dịch được sang một dấu hiệu, trong đó nó xuất hiện với chúng ta phát triển đầy đủ hơn và chính xác hơn.

Một khả năng nói một ngôn ngữ nhất định tiềm ẩn một khả năng để nói về ngôn ngữ này. Một thao tác “ngôn ngữ nói về ngôn ngữ” [21] giống như thế cho phép rà soát lại và xác định lại vốn từ vựng được sử dụng. Sự bổ sung của cả hai tầng mức - ngôn ngữ đối tượng và ngôn ngữ nói về ngôn ngữ - đã được Niels Bohr đem ra: tất cả những bằng chứng thực nghiệm đã được xác định hay đẹp phải được diễn tả bằng ngôn ngữ bình thường, “trong đó việc sử dụng thực tế của mỗi từ là đứng ra như trong quan hệ bổ sung cho những nỗ lực về sự định nghĩa chặt chẽ của nó” [22] “.

Tất cả những kinh nghiệm nhận thức và xếp loại của nó là có thể truyền đạt được sang trong bất kỳ một ngôn ngữ nào hiện có. Bất cứ khi nào có sự thiếu hụt thuật ngữ, có thể làm thành đủ khả năng và thành mở rộng bằng những từ-vay [23], hoặc những phiên-dịch-vay [24], những từ-mới [25] hoặc thay-đổi-ngữ-nghĩa, và cuối cùng, bằng những cách nói dài dòng hay quanh co [26]. Thế nên, trong ngôn ngữ văn học sơ sinh của dân Chukchees ở Đông Bắc Siberia, “ốc vít” diễn tả là “móng tay quay”, “thép” là “sắt cứng”, “nhôm” là “sắt mỏng”, “phấn viết bảng” là “xà phòng đem viết”, “đồng hồ tay” như là “tim đập như búa đóng”. Thậm chí có những cách nói dài dòng quanh co nghe ra mâu thuẫn hiển nhiên, như “xe-ngựa-kéo chạy điện” (электрическая конка), tên tiếng Nga đầu tiên gọi xe có toa dài trên đường sắt kéo bằng ngựa, nay chạy điện không dùng ngựa, gọi là xe-điện [27], hay “tàu-hơi-nước bay” (jena paraqot), tên gọi của dân vùng Koryak cho máy bay, chỉ đơn giản là chọn và chỉ ra sự tương tự về điện của xe ngựa kéo, và sự tương tự về bay của tàu chạy hơi nước [28], và không cản trở sự thông tin truyền đạt, giống như là không có “tiếng ồn” ngữ nghĩa và xáo trộn trong lối nói nghịch hợp [29]  “dồi-nóng bằng thịt bò và lợn cắt lát để nguội” [30].

Không phải sự thiếu những dụng cụ ngữ pháp trong ngôn ngữ dịch sang (ngôn ngữ đích), làm cho không thể nào có một bản dịch theo nghĩa đen, từng chữ một, của toàn bộ khái niệm thông tin chứa trong bản gốc. Những liên từ truyền thống “và,” “hoặc”, giờ đây được bổ sung bởi một liên kết mới - “và/hoặc” [31]– vốn đã được thảo luận một vài năm trước đây trong cuốn sách thông minh dí dỏm Federal Prose How to Write in and/or for Washington [32]. Trong ba liên từ này, chỉ từ cuối cùng (và/hoặc) thấy xuất hiện ở một trong những ngôn ngữ của dân Samoyed vùng đông bắc Russia [33]. Mặc dù có những khác biệt trong bảng danh sách kiểm kê về liên từ, tất cả ba loại khác nhau của thông điệp được quan sát trong “Federal Prose” có thể được phiên dịch rõ ràng sang cả hai: tiếng Anh truyền thống và ngôn ngữ dân Samoyed.

Văn xuôi trong chính phủ liên bang: 1) John và Peter, 2) John hay Peter, 3) John và/hoặc Peter sẽ đến [34].
Tiếng Anh truyền thống: 3) John và Peter hoặc một trong số họ sẽ đến [35].
Tiếng Samoyed: 1) John và/hoặc Peter cả hai sẽ đến. 2) John và/hoặc Peter, một trong số họ sẽ đến. [36]

Nếu một vài hạng mục ngữ pháp [37] bị vắng mặt trong một ngôn ngữ nhất định, ý nghĩa của nó có thể được dịch sang ngôn ngữ này bằng những phương tiện từ vựng. Những hình thức kép như tiếng Nga cổ “брата” được dịch với sự giúp đỡ của chữ số: “hai anh em”. Là khó khăn hơn để trung thành với bản gốc khi chúng ta dịch sang một ngôn ngữ được cung cấp với một hạng mục ngữ pháp nhất định từ một ngôn ngữ không có loại như vậy. Khi dịch những câu tiếng Anh “Cô ấy có những anh em” (“she has brothers”) [38] sang một ngôn ngữ vốn nó không phân biệt sự đi-cặp-đôi và số nhiều, chúng ta bắt buộc phải - hoặc làm sự lựa chọn của chúng ta giữa hai phát biểu “Cô ấy có hai anh em” - “Cô ấy có hơn hai anh em”, hay để quyết định lại cho người nghe, và nói: “Cô ấy có hai, hoặc nhiều hơn hai anh em”. Lại nữa, trong khi dịch từ một ngôn ngữ mà ngữ pháp không có số nhiều sang tiếng Anh, người ta bắt buộc phải chọn một trong hai điều có thể xảy ra: - “anh em” hoặc “những anh em” [39], hoặc để người nhận thông điệp này đối đầu với một tình huống có hai lựa chọn: “Cô ấy có, hoặc là một, hoặc là nhiều hơn một anh em trai”.

Như Boas đã quan sát gọn gàng, mô hình ngữ pháp của một ngôn ngữ (như trái ngược với kho chứa từ vựng của nó) xác định những khía cạnh đó của mỗi kinh nghiệm vốn phải được thể hiện trong một ngôn ngữ nhất định: “Chúng ta phải lựa chọn giữa những khía cạnh này, và một hay một khác phải được chọn” [40]. Để dịch chính xác câu tiếng Anh “tôi đã thuê một người thợ” (“I hired a worker”), một người Nga đòi hỏi thông tin bổ sung, như – liệu hành động này đã hoàn tất hay chưa, và liệu công nhân là một người nam hay nữ, bởi vì ông phải lựa chọn giữa một động từ có khía cạnh hoàn tất hay không hoàn tất - нанял hoặc нанимал, và giữa một danh từ giống đực hay giống cái - работника hoặc работницу. Nếu tôi hỏi người phát ngôn câu tiếng Anh này - không biết người thợ là nam hay nữ, câu hỏi của tôi có thể được phán đoàn là ăn nói không liên quan, hoặc ăn nói không kín đáo, trong khi câu này ở phiên bản Nga, một trả lời cho câu hỏi này là bắt buộc. Mặt khác, dù là sự lựa chọn nào đi nữa trong những hình thức ngữ pháp Nga để dịch những thông điệp tiếng Anh trích dẫn, bản dịch sẽ không cung cấp trả lời cho câu hỏi liệu tôi “đã thuê” (hired) hoặc “đã có thuê” (have hired) người thợ, hoặc không biết ông/bà (thợ) ấy là một người thợ xác định hay không xác định (“a” hay “the”). Bởi vì những thông tin theo yêu cầu của mô hình ngữ pháp tiếng Anh và tiếng Nga là không giống như nhau, chúng ta phải đối mặt với những tập hợp của những tình huống có hai-lựa-chọn, do đó một chuỗi những bản dịch của một và cùng một câu đứng riêng lẻ từ tiếng Anh sang tiếng Nga và ngược lại, có thể hoàn toàn tước đi một thông điệp giống như thế, nội dung ban đầu của nó. Nhà ngữ học S. Karcevski của trường phái Geneva đã thường so sánh sự mất dần dần như thế với một chuỗi chạy quanh những chuyển dịch tiền tệ không thuận lợi. Nhưng rõ ràng nội dung một thông điệp càng phong phú hơn bao nhiêu, sự mất mát thông tin càng nhỏ hơn bất nhiêu.

Ngôn ngữ khác biệt chủ yếu là ở những gì chúng phải truyền đạt và không phải những gì chúng có thể truyền đạt. Mỗi động từ của một ngôn ngữ nhất định bắt buộc nêu lên như mệnh lệnh một tập hợp những câu hỏi cụ thể loại có-hay-không, như lấy thí dụ: có phải sự kiện được kể có hình thành trong óc với sự ám chỉ tới sự hoàn thành của nó hay không? Có phải biến cố được tường thuật được trình bày như là xảy ra trước khi có sự kiện nói kể hay là không? Một cách tự nhiên, sự chú ý của người nói và người nghe tiếng bản xứ sẽ được liên tục tập trung vào những đề mục như thế như là bắt buộc trong tín hiệu của lời nói của họ.

Trong chức năng nhận thức của nó, ngôn ngữ là phụ thuộc tối thiểu vào mô hình ngữ pháp bởi vì định nghĩa của kinh nghiệm của chúng ta đại diện cho mối quan hệ bổ sung cho những hoạt động ngôn ngữ nói về ngôn ngữ - mức độ nhận thức của ngôn ngữ không chỉ thừa nhận nhưng trực tiếp yêu cầu sự diễn dịch viết lại mã hiệu, tức là, dịch thuật. Bất kỳ sự giả định nào về khả năng hoặc không thể nói ra được hoặc không thể dịch được về những dữ liệu nhận thức sẽ là một mâu thuẫn trong những điều kiện. Nhưng trong lời giễu cợt, trong những giấc mơ, ảo thuật, nói vắn gọn, trong những gì người ta sẽ gọi là thần thoại về lời nói của hàng ngày, và trên tất cả, trong thơ ca; những phạm trù ngữ pháp chuyên chở một cho biết cao về ngữ nghĩa. Trong những điều kiện này, câu hỏi về sự phiên dịch trở nên chằng chịt rắc rối hơn nhiều và gây tranh cãi.

Ngay cả một phạm trù giống như giới tính trong ngữ pháp, thường được trích dẫn là chỉ đơn thuần là hình thức, đóng một vai trò rất lớn trong những thái độ thần thoại của một cộng đồng nói cùng ngôn ngữ. Trong tiếng Nga, giống cái không có thể chỉ định một người nam, giống đực cũng không chỉ định một người nữ. Những cách nhân cách hóa hoặc ẩn dụ hóa khi giải thích những danh từ chỉ những tĩnh vật bất động được thúc đẩy bởi giới tính của chúng. Một thử nghiệm tại Viện Tâm lý Moscow (1915) cho thấy rằng người Nga, ngả về nhân cách hóa những ngày trong tuần, luôn luôn trình bày Thứ hai, thứ ba và thứ năm như nam giới, và thứ Tư, thứ Sáu và thứ Bảy như là phụ nữ, mà không nhận ra rằng phân phối này là do những giới tính giống đực của ba tên gọi đầu tiên (понедельник, вторник, четверг) so với giới tính giống cái của những tên gọi khác (среда, пятница, суббота). Sự kiện rằng từ gọi ngày thứ Sáu là giống đực trong một vài ngôn ngữ Slavic, và giống cái trong một số khác, thì phản ánh trong những truyền thống dân gian của những dân tộc tương ứng, vốn có sự khác biệt trong nghi lễ ngày thứ Sáu của họ. Tục mê tín dị đoan Nga phổ biến là một nếu một con dao rơi báo trước sẽ có một khách nam, và một phuốc-xét rơi là báo một khách nữ, thì được xác định trong giới tính trong tiếng Nga: giống đực của từ “нож”, con dao;  và giống cái của từ “вилка”, phuốc-xét. Trong những ngôn ngữ Slavic và những ngôn ngữ khác, trong đó “ngày” là giống đực, và “đêm” giống cái, ngày được những nhà thơ trình bày như người yêu của đêm. Họa sĩ Nga Repin đã sững sờ không thể hiểu lý do tại sao “tội lỗi” (sin) đã được những nghệ sĩ Đức mô tả như một người phụ nữ: ông đã không nhận ra rằng “tội lỗi” là giống cái trong tiếng Đức (die Sünde), nhưng giống đực trong tiếng Nga (грех). Tương tự như vậy, một đứa trẻ Nga, khi đọc một bản dịch những truyện cổ của Đức, đã kinh ngạc thấy rằng cái Chết (Death), rõ ràng là một phụ nữ (Nga, смерть, giống cái), nhưng đã được vẽ hình như một ông già (Đức, der Tod, giống đực.). My Sister Life, là tên gọi của một tập thơ của Boris Pasternak, là khá tự nhiên trong tiếng Nga, trong đó “life” – “cuộc sống” là giống cái (“жизнь”), nhưng cũng đủ để thu xuống thành thất vọng cho nhà thơ Czech Josef Hora, trong nỗ lực của ông để dịch những bài thơ này, bởi vì trong tiếng Czech, danh từ này là giống đực (“život”).

Câu hỏi đầu tiên đã xuất hiện trong văn học Slavic buổi ban đầu của nó là gì? Thật là đủ lạ lẫm, sự khó khăn của người dịch gặp phải trong việc bảo tồn những biểu tượng của giới tính, và những râu ria chẳng liên hệ gì từ sự nhận thức của khó khăn này, đã hiện ra là chủ đề chính của công trình gốc Slavic đầu tiên, lời nói đầu của bản dịch đầu tiên của tập Evangeliarium, được thực hiện trong những năm đầu của những năm 860, của Constantine Nhà triết học; người sáng lập những chữ cái Slavic và những nghi lễ thờ phụng, và gần đây đã được A. Vaillant khôi phục và giải thích [41] “Tiếng HyLạp, khi dịch sang ngôn ngữ khác, không thể lúc nào cũng được tái lập giống y như cũ , và điều đó xảy ra với mỗi ngôn ngữ được dịch”, nhà tông đồ Slavic đã tuyên bố. “Những danh từ giống đực 'sông' và 'sao' trong tiếng Hy Lạp, là giống cái trong ngôn ngữ khác, như “река” và “звезда” trong Slavic.” Theo bình luận của Vaillant, sự khác nhau tách biệt này xóa đi những nhận dạng biểu tượng của những con sông với ma quỷ, và những ngôi sao với những thiên thần, trong bản dịch Slavic của hai câu của bản kinh trong quyển Matthew (7:25 và 2:9). Tuy nhiên, đối với chướng ngại thi ca này, Constantine Nhà-Triết học đã kiên quyết phản đối phương châm của Dionysius Areopagite, người đã kêu gọi cho sự chú ý chủ yếu  đến những giá trị nhận thức (силе разума) và không với bản thân những từ ngữ.

Trong thơ ca, những tương đương cân bằng trong lời nói trở thành một nguyên tắc xây dựng của văn bản. những phạm trù cú pháp và hình thái học, ngữ căn, và phụ tố, âm vị và thành phần của chúng (những tính năng đặc biệt) – nói vắn gọn, bất kỳ thành phần nào của mã lời nói – là được đối đầu, xen kẽ, đưa vào mối quan hệ liền kề nhau theo như nguyên tắc về tương tự và về tương phản, và chuyên chở sự biểu hiện ý nghĩa riêng của chúng. Tương tự trong âm vị được cảm nhận như mối quan hệ ngữ nghĩa. Chơi chữ, hoặc sử dụng một thuật ngữ thông thái hơn, và có lẽ chính xác hơn - phép chơi chữ [42], ngự trị trên nghệ thuật thơ ca, và cho dù sự cai trị của nó là tuyệt đối hoặc hạn chế, thơ theo định nghĩa là không thể dịch được. Chỉ có sự chuyển vị sáng tạo là có thể được [43]: hoặc chuyển vị cùng ngôn ngữ - từ một hình dạng thi ca sang một hình dạng khác, hoặc chuyển vị khác ngôn ngữ - từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, hoặc cuối cùng, chuyển vị khác ký hiệu - từ một hệ thống ký hiệu này sang hệ thống ký hiệu khác, lấy thí dụ như, từ nghệ thuật dùng lời nói sang âm nhạc, khiêu vũ, phim ảnh, hoặc tranh vẽ.

Nếu như chúng ta dịch sang tiếng Anh công thức truyền thống “Traduttore, traditore” là “the translator is a betrayer” – “người dịch là một người phản bội” - [44], chúng ta sẽ tước đi mất hết vần điệu dí dỏm của tiếng Ý cùng tất cả những giá trị trào phúng của nó. Thế nên từ đây, một thái độ nhận thức sẽ buộc chúng ta thay đổi câu cách ngôn này vào một phát biểu rõ ràng hơn và để trả lời những câu hỏi: người dịch của những thông điệp nào? Kẻ phản bội của những giá trị nào?

Roman Jakobson (1959)

Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất
(Jan/2012)
http://chuyendaudau.blogspot.com/
http://chuyendaudau.wordpress.com


  


[1] meaning of a word is a linguistic phenomena
[2] meaning lies with the signifier and not in the signified
Theo Saussure, một dấu hiệu (ngôn ngữ) có hai phần:
a.       Signifier (signifiant): In the Saussurean tradition, the signifier is the form which a sign takes. For Saussure himself, in relation to linguistic signs, this meant a non-material form of the spoken word - 'a sound-image' ('the psychological imprint of the sound, the impression it makes on our senses'). Subsequent semioticians have treated it as the material (or physical) form of the sign - something which can be seen, heard, felt, smelt or tasted (also called the sign vehicle).
b.       Signified (signifié): the signified was one of the two parts of the sign (which was indivisible except for analytical purposes). Saussure's signified is the mental concept represented by the signifier (and is not a material thing). This does not exclude the reference of signs to physical objects in the world as well as to abstract concepts and fictional entities, but the signified is not itself a referent in the world (in contrast to Peirce's object). It is common for subsequent interpreters to equate the signified with 'content' (matching the form of the signifier in the familiar dualism of 'form and content').
[3] it is the linguistic verbal sign that gives an object its meaning
[4] Tôi nghĩ – “hiểu” như Russell, khác với “hiểu” như Jacobson. Ở đây, như Jacobson dẫn Russell không phải để phản bác, nhưng chỉ để mở đầu, đưa vào quan điểm của ông – đó là ông chỉ nói đến “hiểu” một từ trong văn bản, nghĩa là về phương diện ngữ học, hay đúng hơn phương diện ký hiệu học, một từ trong kho từ vựng, một dấu hiệu trong kho dấu hiệu ngôn ngữ. Như khi chúng ta gặp “phó mát” trong một câu nói, hay câu văn, chúng ta có thể “hiểu” từ “phó mát” – hiểu một ký hiệu ghi lời nói – là gì; không nhất thiết phải theo tìm cái-được-chỉ là miếng phó mát thực, hay phải ăn cái-được-chỉ là miếng phó mát, mới có thể “hiểu” theo như Russell, phó mát là gì. Lĩnh vực Russell muốn nói là bản thể luận, không phải như Jacobson dừng lại ở tri thức luận.
[5] Written in 1958 in Cambridge, Mass., and published in the book On Translation (Harvard University Press, 1959).
In lại trong Roman Jakobson Selected Writings, II: Word and Language. The Hague: Mouton,1971. pp 262-266
[6] Cheese - fromage
[7] Bertrand Russell, Logical Positivism”, Revue Internationale de Philosophie, IV  (1950), 18; cf. p. 3
[8] lexical code – tín hiệu từ vựng.
[9] Semiotics - Trong Ký hiệu học (Semiotics), một dấu hiệu (a sign) là một gì đó là đại diện của (thay mặt cho) một gì đó khác. Một dấu hiệu bao gồm bao gồm hai phần:
-          Cái-chỉ  - phần hữu hình của dấu hiệu
-          Cái-được-chỉ - khái niệm hay ý tưởng mà dấu hiệu đại diện, thay mặt cho
 Charles Sanders Peirce who defined a sign as 'something which stands to somebody for something.' He grouped signs into three main types: Các loại dấu hiệu:
1. Icon – hình tượng: mối quan hệ giữa cái-chỉ  và cái-được-chỉ là sự giống nhau (thí dụ hình tượng nam hay nữ trên cửa phòng vệ sinh, những dấu hiệu chỉ đường)
2. Index – biểu thị: mối quan hệ giữa cái-chỉ  và cái-được-chỉ là "chỉ về hướng", hoặc liên quan với (Khói chỉ lửa cháy)
3. Symbol - Biểu tượng - mối quan hệ giữa cái-chỉ và cái-được-chỉ là tùy tiện, giao ước . Biểu tượng là hàm hồ và trừu tượng – từ viết là những biểu tượng.
[10] signatum & signum
Sign: A sign is a meaningful unit which is interpreted as 'standing for' something other than itself. Signs are found in the physical form of words, images, sounds, acts or objects (this physical form is sometimes known as the sign vehicle). Signs have no intrinsic meaning and become signs only when sign-users invest them with meaning with reference to a recognized code. Semiotics is the study of signs.
Signum: tức là sign – từ Jacobson thích dùng, có nghĩa là ký hiệu. Signum có hai phần Signans và signatum.
Signans: trong Jacobson là signifier – hay perceptible form của signum – nó là “hình thức âm thanh” của từ ngữ
Signatum: Trong mô hình hai lớp của Jacobson, signatum là cái-được-chỉ (signified) hay ý nghĩa mang tính khái niệm của ký hiệu, trong ngôn ngữ, nó là ý nghĩa ngữ học, khác biệt với denotatum
[11] Cheddar: loại phó mát phổ thông gốc Anh, - camembert là thứ phó mát phổ thông gốc Pháp (dân Anh Mỹ có phó mát tương tự gọi là “brie”); cả hai có mùi vị, màu sắc khá đặc biệt và khác nhau, cheddar hơi cứng thường màu trắng hay trắng ngảvàng nhạt, nhưng camember khá mềm, thường có màu trắng.
[12] Verbal code : tín hiệu của lời nói
[13] Có lẽ cũng giống như chúng ta, chỉ ngón tay vào mặt ai, thường có thể có ý răn đe đọa dẫm, trách mắng hay nguyền rủa, hay ít nhất bình thường không là cử chỉ lịch sự.
[14] Cf. John Dewey, “Peirce’s Theory of Linguistic Signs, Thought, and Meaning”, The Journal of Philosophy, XLIII (1946), 91.
[15] Bachelor – người (nam) chưa vợ; celibate: người sống độc thân: (nam hay nữ) không lập gia đình và không có quan hệ tình dục (trên nguyên tắc, như các tu sĩ)
[16] Code-unit: đơn vị tín hiệu, ở đây là đơn vị ngữ hiệu.
[17] heteronym
[18] Cottage cheese: loại phó mát đơn giản – cũng làm bằng sữa bò để đông nhưng giữ lỏng, không ép cứng, không ủ già, và không pha thêm vị hay màu.
[19] Gordian knot - any very difficult problem; insoluble in its own terms.
[20] Benjamin Lee Whorf, Language, Thought, and Reality (Cambridge, Mass., 1956), p. 235.
[21] metalinguistic
[22] Niels Bohr, “On the Notions of Causality and Complementarity”, Dialectica, I (1948), 317f.
[23] loanwords
[24] loan-translations
[25] neologisms
[26] circumlocutions
[27] streetcar: ban đầu ngựa kéo, sau mới chạy điện, khi sang nước ta là khi đã chạy bằng điện, nên ở HaNoi gọi là xe điện, ban đầu chỉ có nghĩa là xe chạy trên đường sắt, hay xe gòng lấy điện từ dây treo trên không (tram-car)
[28] flying steamship
[29] oxymoron
[30] “cold beef-and-pork hot dog” – hót-đóc hay dồi-nóng bằng thịt bò và thịt lợn cắt-lát-để-nguội.
[31] and/or
[32] James R. Masterson and Wendell Brooks Phillips, Federal Prose (Chapel Hill, N. C., 1948), p. 40f.
[33] Samoyed languages – ngôn ngữ những sắc dân Samoyed ở vùng Siberia: người Enets, người Nenets, người Nganasans, và người Selkups
Cf. Knut Bergsland, “Finsk-ugrisk og almen språkvitenskap”, Norsk Tidsskrift for Sproavidenskap, xv (1949), 374f.
[34] Dùng cả ba – “và”, “hoặc”, và “và/hoặc”
[35] chỉ dùng hai liên từ thông thường – “và”, “hoặc”.
[36] Chỉ có “và/hoặc”.
[37] grammatical category
[38] She has brothers: vì có từ hai trở lên là nhiều, nên chúng ta biết cô ấy có ít nhất là hai người anh em, nhưng có thể là ba hay bốn, v.v... không rõ, và cũng không rõ bao nhiêu là anh và bao nhiêu là em – đó là vấn đề của ngôn ngữ nói-cặp và số nhiều. 
Tương tự, là trường hợp “cô ấy có nhiều chị em” (she has sisters). Trong tiếng Anh, chúng ta biết cô ấy có từ hai trở lên những chị em gái; nhưng trong tiếng Việt chúng ta biết cũng biết cố ấy có nhiều (ít nhất là hai, sau khi chúng ta quen thuộc với tiếng Pháp số nhiều) những chị em, và thêm một vấn đề - trong số em của cô ấy, có thể có cả chị lẫn em gái, vậy bao nhiêu là chị và bao nhiêu là em, những nội dung đó đều không rõ. Thế nên, nếu muốn rõ – chúng ta thường nói – thí dụ “cô ấy có một chị, ba em gái”.
[39] Trong tiếng Việt, khi chúng ta nghe nói “cô ấy là con một hả? - Không! Cô ấy có anh em đấy chứ” – chúng ta không biết rõ, ở đây, nhân vật đương nói đến có:  một người anh, hay một người em, hay một anh và nhiều em; trong trường hợp có nhiều hay một em – em gái hay trai, và nếu nhiều em, họ là em gái, hay trai hay cả gái lẫn trai, rồi bao nhiêu em là gái bao nhiêu trai – điều này cho thấy chúng ta không quan tâm với số nhiều, bao nhiêu - chỉ quan tâm với sự “có” anh em. Có hay không, khác với có và có bao nhiêu.
Trong trường hợp chúng ta gi nhận số lượng, chúng ta thường dừng lại ở mức tổng quát - ít hay nhiều, (ông ấy có nhiều con) nhưng không bao nhiêu.
[40] Franz Boas, “Language”, General Anthropology (Boston, 1938), FP, 132f.
[41] Andre Vaillant, Le Préface de l’Évangeliaire vieux-slave”, Revue des Études Slaves, XXIV (1948), 5f.
[42] paronomasia
[43] Nguyên văn - poetry by definition is untranslatable. Only creative transposition is possible
[44] “Người dịch là một người phản bội”, hay chúng ta vắn tắt vẫn nói - “dịch là phản”.