Sigmund Freud
(1856 – 1939)
Das Unbehagen In Der
Kultur (Vienna ,
1929).
Civilization and Its
Discontents (1930)
(tiếptheo)
Lời bạt của người dịch
1.
Có một điểm tôi muốn làm rõ rệt với
nhan đề Das Unbehagen in der Kultur của
Sigmund Freud. Theo sát nghĩa “Unbehagen” là “Sự lo lắng”, hoặc “Sự khó
chịu”. Còn “Kultur” (Latin - cultura), chính
Freud định nghĩa, hay đúng hơn cho chúng ta biết
ông dùng với nghĩa là “mô
tả toàn bộ tổng số những thành tựu và những quy định vốn chúng phân biệt đời
sống của chúng ta với của những động vật tổ tiên của chúng ta”, và chúng phục
vụ hai mục đích - đó là để bảo vệ con người chống lại thiên nhiên, và điều
chỉnh những quan hệ hỗ tương của họ. Nên Kultur
được dịch rộng rãi hơn – theo bản Anh ngữ - là Văn minh.
Thông thường, chúng ta vẫn hiểu văn
minh là những thành tựu về vật chất, còn văn hóa là những thành tựu trong lĩnh
vực tinh thần. Ở đây, Freud không dùng từ “văn minh” để chỉ những thành tựu của xã hội, hay dân tộc như
thế; nhưng ông dùng với nghĩa chỉ mức độ,
hay trình độ tiến hóa của con
người. Trình độ tiến hóa tìm thấy trong những cơ cấu tổ chức cộng đồng của nó
(gia đình, thân tộc, xã hội, tôn giáo) và cũng trong những gì nhằm quản lý tự
nhiên, vì những công trình thành tựu trong sự chế ngự thiên nhiên cũng có thể
được xem là kết quả, hay mức chỉ trình độ
tiến hóa. Như thế, Freud dùng từ “Kultur”;
để chỉ cả hai: văn minh và văn hóa, nhưng về trình độ tiến hóa của chúng.
Khi đảo thứ tự hai danh từ trên sẽ
nhấn mạnh hơn về nguồn gốc của sự lo lắng, bất an, bất mãn – thành Civilization and Its Discontents –
và tôi tạm dịch - Văn minh và những bất
mãn từ nó – nghe hơi Tây như vậy vì theo sát bản tiếng Anh, nay đã thành cổ
điển của James Strachey, mặc dù nhan đề của bản tiếng Pháp có lẽ sát với ý tác
giả hơn - Malaise dans La Civilisation.
(Nếu không phải đổi thứ tự hai danh từ chính, và không phải nhấn mạnh như bản
Anh ngữ nổi tiếng – đã có thể dịch gọn ghẽ là “những Bất mãn của Con người trong nền Văn minh”).
Sau khi viết xong tập The Future of an Illussion vào mùa thu
1927, Freud bị bệnh, sức khỏe suy yếu, nên mãi đến năm 1929 ông mới bắt đầu
viết tập sách này. Nhan đề đầu tiên
Freud chọn là “Das Unglück in der Kultur”
(Bất hạnh trong Văn minh); nhưng từ Unglück sau đó đổi sang thành “Unbehagen” – một từ khó tìm được tương
đương trong tiếng Anh. Freud đã tự đề nghị nhan đề bản tiếng Anh là “Man’s Discomfort in Civilisation”. Từ “Malaise” trong tiếng Pháp sát hơn với “Unbehagen”.
– Bản tiếng Đức, xuất bản tháng Nov/1929, tại Vienna (mặc dù trên bìa sách ghi
năm 1930), từ đấy đến nay vẫn luôn được tái bản liên tục, và trở thành tác phẩm
tiêu biểu nhất, phổ thông nhất của Freud.
2.
Civilization and Its Discontents là nỗ lực của Freud để bàn đến những
căng thẳng mà ông nhìn thấy giữa những bản năng qua những xung lực trong mỗi cá
nhân trước những đòi hỏi phải thuận hợp với xã hội lớn rộng hơn đã được phát
triển đến một mức độ chính con người tự hào gọi là là văn minh. Truy tìm nguyên
nhân những căng thẳng đó, Freud đưa về một bản năng cơ bản nhất, hiện diện
trong con người, là bản năng gây hấn hung hãn (aggression), tự thân bản năng đó là bất ổn định và bốc đồng bất
thường, có thể tóm thu vào một từ là bản năng phản-xã hội. Đối phó, kiểm soát, hoặc chuyển hướng bản năng hiếu
chiến này là rất quan trọng để có thể hình thành các mối quan hệ tốt đẹp với
những con người khác; làm như thế sẽ giảm nhẹ một trong ba lĩnh vực của những
điều kiện sống của con người mà Freud tin rằng chúng ngăn chặn tất cả chúng ta không
ai có được hạnh phúc (hai lĩnh vực kia là tư cách chúng ta phải phơi mở ra với
thế giới bên ngoài [tức là, chúng ta là những đối tượng của thiên nhiên– với
những bất thường như của của thời tiết – thiên tai], và sự yếu đuối của cơ thể
con người trước – lời Freud, như lấy từ đạo Phật - bệnh, lão và tử). Sự ràng
buộc này từ mỗi cá nhân với cộng đồng văn minh – cá nhân trong xã hội văn minh
bị ràng buộc với xã hội của nó, tuân theo những qui luật của xã hội đó; không
phải sâu xa, và không phải lúc nào cũng rất mạnh mẽ - điều này được minh chứng,
ví dụ, bởi số lượng những người sẽ vi phạm các tiêu chuẩn của xã hội nếu họ
nghĩ rằng họ có thể che dấu hay trốn thoát, không bị nó trừng phạt. Tuy nhiên, não
thức con người đã đi đến một phương tiện có tính cách nội tại và chủ quan để “thực
thi” văn minh – đó là sức mạnh của cảm xúc về lầm lỗi, vốn đạo Kitô đặt tên là
“tội lỗi”, trong đạo đức gọi là lương tâm; mà Freud đặt tên cho khía cạnh đó của
nhân cách là super-ego.
Theo Freud, xung đột liên tục giữa những
bản năng và super-ego trong quan hệ
của con người với xã hội văn minh, là nguyên nhân đích thực của hầu hết những
bất mãn, không hạnh phúc của con người. Một trong những căng thẳng xã hội lớn
nhất, ông nói, đến từ lời răn hết sức sai lạc của một tôn giáo trong nền văn minh (phương Tây),
điển hình là “hãy yêu người khác như yêu chính mình” - một đòi hỏi không chỉ
mâu thuẫn với những bản năng cơ bản gây hấn xâm lược của chúng ta, mà còn có
xu hướng vô cùng khó khăn để đưa vào thực hành. Và khi super-ego khiển trách chúng ta đã thất
bại không sống với những kỳ vọng loại như thế đã được nội tâm hóa ...chúng ta sẽ thấy dẫn
đến những bệnh nhiễu loạn thần kinh, Freud dựa trên khá nhiều tâm lý học của
ông về những gì có thể xảy ra khi cá nhân không muốn hoặc không thể hòa giải được
bản năng của mình với những đòi hỏi xã hội.
Có một mặt khác trong những lập luận của
Civilization and Its Discontents, những suy nghĩ xa thêm nữa về quan hệ
thường xuyên căng thẳng giữa các cá nhân và xã hội. Đáng nhắc lại rằng Freud đã
viết tập sách này trong cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930, một thời
gian của bất ổn lớn lao của xã hội phương Tây, trong bối cảnh giữa hai cuộc thế
chiến, cuối cùng sẽ dẫn đến hàng loạt các sự kiện lịch sử, trong đó có Freud phải
rời bỏ Vienna, nước Áo, nơi sinh trưởng của mình, sang London nước Anh vào giữa
năm 1938; nơi ông qua đời vào tháng 9/1939. Thế nhưng, ngay cả khi chúng ta lấy
đi màu sắc khá bi quan – do ảnh hưởng của thời đại – trong những giải thích chủ
yếu xây dựng trên cơ sở tâm lý, Civilization and Its Discontents vẫn cung
cấp một bản tóm tắt khá chính xác những suy nghĩ của Freud về mối quan hệ giữa
cá nhân và xã hội, và cho thấy lớp men tráng hào nhoáng bên ngoài nhưng khá
mỏng manh của văn minh hiện đại.
3
Freud xem điểm khởi đầu của văn minh xảy
ra tại khoảnh khắc nào đó khi con người nguyên thủy đi đến quyết định, sau một
cân nhắc bất thường và thận trọng, đã đột nhiên thôi không dập tắt ngọn lửa đang
cháy bằng cách vẫn làm là đái nước tiểu rưới lên trên nó, nhưng giữ cho nó tiếp
tục cháy sáng. Ông viết “Nếu chúng ta quay về ngược đủ xa, chúng ta thấy rằng
những hành động có văn minh đầu tiên là việc sử dụng những dụng cụ, đạt được sự
điều khiển lửa và sự xây dựng những cư trú. Trong số này, sự làm chủ được lửa
nổi bật lên như là một thành tựu hoàn toàn khác thường và một dẫn chứng không
gì sánh bằng.” và Freud đưa ra giả thuyết nổi tiếng của ông – ông gọi là một
phỏng đoán - về nguồn gốc của sự kiện con người đi đến làm chủ ngon lửa qua sự
kiềm hãm, từ từ chối xung lực bản năng là đái lên ngọn lửa để dập tắt nó: “con
người nguyên thủy có thói quen muốn làm thỏa mãn một ao ước trẻ con vốn liên
kết với lửa, khi hắn đến tiếp xúc với lửa, là dập tắt ngọn lửa bằng cách đái
lên nó. .... Người đầu tiên từ bỏ ham muốn này, và giữ lửa lại đã có thể mang
nó đi với anh ta và điều phục nó cho sử dụng riêng cho mình. Bằng cách dội tắt ngấm
ngọn lửa của sự kích thích tính dục của riêng mình, anh ta đã thuần phục được
sức mạnh thiên nhiên của lửa. Sự chinh phục văn hóa lớn lao này như vậy đã là
phần thưởng cho sự từ bỏ về bản năng của anh ta”. Đưa ra hình ảnh này, Freud
nhấn mạnh với chúng ta là khi con người bắt đầu biết kiềm chế nhu cầu bản năng,
để cho đòi hỏi từ bên ngoài (tự nhiên) thắng đòi hỏi bên trong (bản năng), là
khi con người bắt đầu có văn minh. Nhìn theo cách khác, con người phải hy sinh
những đòi hỏi thỏa mãn bản năng của mình. Văn minh bắt đầu từ sự áp chế bản
năng tự nhiên. Áp chế đó có thể là cần thiết, nhưng không phải là không đau lòng.
Và như thế những bất mãn trong lòng
người nằm trong lòng văn minh con
người.
Tất cả những gì khác theo điều này
kéo đến, và đây là lý do tại sao, ngay cả trong thời đại chúng ta, con người
đạt được những thành tựu lớn lao, chưa từng có trong lịch sử, trong khoa học và
kỹ thuật; nhưng nó vẫn không hạnh phúc hơn so với trước đó. Là một y sĩ, thực vậy,
Freud tự hỏi tại sao văn minh chỉ dường như có khả năng đẩy con người vào những
rối loạn tâm thần, một hiện tượng hết sức phổ thông trong phần thế giới phương
Tây của Freud, và đã xảy ra trong trình tự tương đối ngắn. Ông lưu ý vắn tắt
“chúng ta phải cẩn thận để đừng đồng tình với định kiến rằng văn minh đồng nghĩa với một khuynh
hướng đi đến hoàn hảo”. Đối với ý tưởng về tôn giáo có ảnh hưởng đến văn minh,
điển hình như vai trò của đạo Kitô trong lĩnh vực đạo đức, ông dành cho nó sự
khinh miệt tinh tế nhất của ông: “Thật bất hạnh, tất cả các vụ thảm sát người
DoThái diễn ra trong thời Trung Cổ đã không làm thời đại đó an toàn hơn và hòa
bình hơn cho các tín đồ Kitô. Sau khi Paul đã làm cho bác ái phổ quát là nền
tảng đạo đức của cộng đồng Kitô, sự thiếu khoan dung cực đoan đến cuồng tín của
đạo Kitô đối với những người còn lại bên ngoài nó là một hậu quả không thể
tránh khỏi”.
4
Tập sách mỏng nhiều những suy tưởng ủ
ê, thất vọng về tương lai con người, đã giáng thêm một đòn chí tử vào quan điểm
lạc quan về con người và xã hội, cùng tiến bộ gọi là văn minh nhân loại. Những
suy nghĩ của ông chảy theo cùng một dòng với hai tư tưởng vĩ đại khác cùng
thời. Trước tiên là Darwin, với thuyết Tiến hóa – đã đem con người về gốc thực
của nó là mặt đất này – con người chỉ là một rong những sinh vật, dù đã phát
triển tiến hóa, nhưng vẫn chỉ là một sinh vật; sinh vật ấy cũng chỉ mới có đây
trong lịch sử trái đất mà thôi. Marx giải quyết câu hỏi về tương lai xã hội
loài người với biện chứng duy vật lịch sử, và giải quyết khổ đau của con người
– vong thân – bằng giải pháp kinh tế (như Adam Smith), nhưng qua đấu tranh
chính trị. Trong khi đó, Freud – qua Civilization and Its Discontents cho thấy ông
không hoàn toàn đồng ý, Freud muốn đi xa hơn, theo ông giải pháp của những
người theo chủ nghĩa xà hội sẽ không thành công – vì nó bỏ qua những bản năng –
nghĩa là bản chất con người. Con người bị đè nén, áp bức, nhưng không chỉ đơn
giản về phương diện kinh tế; nhưng giải thích độc đáo của Freud là trong lĩnh
lực văn minh – với mô hình tâm lý của ông về não thức con người. Ông nói “Tôi
cũng nghĩ là điều khá chắc chắn rằng một thay đổi thực sự trong những quan hệ
của con người với sở hữu tài sản sẽ giúp được nhiều hơn trong hướng này, hơn
bất kỳ những mệnh lệnh đạo đức nào”. Chúng ta hiểu – ông muốn nói, chủ nghĩa xã
hội khi tìm cách giải quyết hạnh phúc nhân sinh, dù sao cũng thực tiễn và gần
sự thật hơn – con người khổ đau, hiển nhiên và không ai phủ nhận vì những
nguyên nhân liên quan đến dạ dày, vì đói, vì công ăn việc làm, và những bất
đồng quyền lợi kinh tế đưa đến chiến tranh giữa người và người. Tôn giáo, hay
đạo đức tôn giáo, nếu xưa không thiển cận ấu trĩ, thì nay là lừa dối hão huyền,
nên Civilization and Its Discontents cũng trinh bày tóm tắt một quan điểm miệt
thị của Freud về tôn giáo, điển hình ở đây là đạo Kitô trong xã hội phương Tây,
trước đây trong The Future of an
Illussion, ông đã cho thấy nó chỉ là một ảo tưởng, hứa hẹn đời sau, không
đem lại được hạnh phúc cho con người, chỉ là một món thuốc tâm lý giả mạo, có
tác dụng an thần, loại “cao đơn hoàn tán” bày bán giữa chợ, giữa những hàng cá
hàng thịt. Món thuốc này hoàn toàn vô công hiệu, dù “trong uống ngoài thoa”. Sau
đó, Freud tiếp tục đi đến thách thức những lời nhàm chán vô vị vẫn tồn tại lâu
dài về xã hội loài người: rằng văn minh đã nổi lên như một dấu mốc, đơn giản cho
thấy tiến bộ của nhân loại, bảo vệ chúng ta chống lại thiên nhiên, và phát
triển các quyền tự do chính trị và xã hội, đem lại hạnh phúc cho chúng ta. So
sánh sự phát triển của văn minh với sự phát triển của tâm lý cá nhân, ông nhìn
thấy trong cả hai, một xung đột tất yếu giữa Eros và Thanatos, giữa
mong muốn được thương yêu, sống cùng những người khác, và bạo lực tác hành
(hoặc mong muốn) muốn hủy diệt người
khác.
Nhận định rằng văn minh là một tiến
trình thương thảo giằng co và cấu trúc những cộng đồng, nó phải cũng là một
cách để kiểm soát và đè nén cả hai bản năng bạo lực và dục tính, nó làm như
thế không chỉ qua pháp luật của xã hội, nhưng bằng cách xâm nhập vào tâm lý của
chúng ta, mà Freud bàn luận thông qua màng lọc của lý thuyết cấu trúc tâm lý
của ông (nơi những xung lực bản năng và vô thức của id đã được ego kiềm chế
dưới sự giám sát khốc liệt của super-ego
hướng nội và gây hấn hung hăng). Quan điểm tâm lý của Freud là cố gắng trên cơ
sở tâm sinh lý, để giải thích về cảm xúc lầm lỗi, lương tâm, và hối hận ở mỗi
cá nhân trong các bối cảnh xã hội rộng rãi nhất, chúng là các sản phẩm của sự thỏa
hiệp giữa Eros và Thanatos, giữa muốn được yêu thương và
muốn phá hoại, hủy diêt; giữa cá nhân và nhóm, và giữa sự thỏa mãn những xung
lực bản năng của một người và những nhu cầu của cộng đồng lớn hơn, trong đó con
ngừoi là một thành viên. Trong khi một số những quan điểm của ông nhuốm đậm màu
của nhân loại học ở thế kỷ trước, nhưng sự tập trung của ông vào cảm giác lầm
lỗi, tính hung hăng gây hấn, và những bản năng giết người dẫn đến sự diệt chủng,
mang rất nhiều tính cách tiên tri, tất cả như vẽ trước biểu đồ cho mười lăm năm
kế tiếp, trong đó đã xảy ra những giờ phút đen tối nhất của văn minh nhân loại.
Châu Âu, từ trên những thành quả của cuộc cách mạng kỹ nghệ, đã bị ngã quị, hủy
hoại và kéo cả thế giới vào cuộc đại chiến thứ hai khốc liệt.
5.
Những chủ đề chính của tập sách này,
đều xây dựng trên lý thuyết đặc biệt của ông về cấu trúc tâm lý con người:
Bản năng gây hấn hung hãn (aggression)
Freud nêu giải thích về bản năng sơ khai
của loài người là hành động hung hãn, gây hấn lẫn nhau. Trong những xã hội nguyên
thủy, người đứng đầu gia đình hoàn toàn tự do biểu hiện bản năng gây hấn này của
mình, bất kể và bất chấp những tổn hại cho tất cả những người xung quanh; nhưng
trong xã hội văn minh, chúng ta đã phải kiềm chế khuynh hướng này, qua sự kiện
tự đặt mình dưới các quy định pháp luật và quyền lực áp đặt (cả bên trong và
bên ngoài), để đảm bảo an ninh tối đa và hạnh phúc cho tất cả mọi người. Lý do
ban đầu, khi chúng ta gia nhập vào những cộng đồng xã hội, chính xác là để
thoát khỏi các sức mạnh hiếu chiến gây hấn lẫn nhau và tự hủy diệt, nhưng sự
cần thiết phải ngăn chặn bản năng hiếu chiến của chúng ta đã là một nghịch lý,
nó trở thành nguyên nhân gây những bất hạnh lớn lao. Khi bị dồn nén, những bản
năng không bị dập tắt, dù bị pháp luật, giáo dục hay tôn giáo trói tay trong
hành động, nhưng chỉ là nhất thời; trong chúng ta vẫn giữ lại những ý tưởng hay
dự định xuất phát từ bản năng này, thế nên một cảm giác về lầm lỗi thành hình, ngày
càng đề nặng, và trong các trường hợp cực đoan nhất, các hình thức khác nhau
của chứng loạn thần kinh tâm lý xuất hiện. Hệ quả là có những cá nhân bắt đầu
nổi loạn chống lại văn minh với mức độ gây hấn hung hãn lại còn vượt quá mức độ
chính nó lúc ban đầu, trước khi bị dồn nén,đàn áp, sự kiện này đe dọa sự tan rã
của xã hội, cho thấy văn minh xây dựng với vỏ ngoài khá mỏng manh và dễ vỡ.
Cá nhân và văn minh
Freud vẽ một tương tự rộng rãi giữa sự
phát triển tâm sinh lý (chủ yếu là phát triển tính dục - libidinal development) của cá nhân và sự tiến hóa của văn minh, xác
định ba giai đoạn song song trong xảy ra: 1) hình
thành nhân cách (có được một bản sắc riêng biệt); 2) thăng hoa (chuyển dịch, uốn nắn những xung lực bản năng nguyên thủy
vào những dòng sinh lực khác, thành những hoạt động thể chất hoặc tâm lý, được
xã hội chấp nhận và tôn sùng); 3) không thỏa mãn/dồn nén bản năng (chôn lấp những bản năng nguyên thủy vốn không
được xã hội chấp nhận, trong mỗi cá nhân, tự đặt mình dưới các quy định của qui
luật trong xã hội). Freud cũng xác định sự khác biệt chính giữa hai tiến trình:
chương trình nhắm đến lạc thú, trong đó bao gồm nguyên tắc trong việc tìm kiếm
và đạt hạnh phúc, được giữ như là mục
tiêu trung tâm của sự phát triển cá nhân, trong khi trong bối cảnh của văn
minh, hạnh phúc cá nhân thường bị bỏ qua, phải hy sinh cho lợi ích của sự đoàn
kết và sự gắn kết xã hội.
Eros và Xung-lực-Chết (Eros and the Death Drive)
Khái niệm về một “xung lực lao đến
cái Chết” của con người được Freud xây dựng trong Beyond the Pleasure
Principle (1927), nó được xem là bản năng Chết, trái ngược với Eros, hoặc bản năng Sống. Freud đưa ra
giả thuyết rằng tất cả các đối tượng đều duy trì trong một mức độ tăng giảm
thiệt hơn (kinh tế) trong libido của
họ một quân bình giữa hai bản năng, hay “xung lực” này. Freud xử dụng khái niệm
này rất rộng rãi trong thảo luận của ông về văn minh, đặc biệt là trong việc dẫn
chỉ những thí dụ trong lịch sử của những hành vi bạo lực và phá hoại. Ông kết
luận rằng toàn bộ câu chuyện của nền văn minh con người, tự nó có thể được định
nghĩa, mặc dù trong những điều kiện rất rộng, như một cuộc đấu tranh liên tục
và còn chưa phân thắng bại giữa Eros và kẻ thù chính của nó, là xung lực lao
đến cái Chết. Đoạn cuối cùng của tập sách – ông bi quan, rằng chúng ta còn chưa
thể biết vật lộn giữa hai “sức mạnh trời cao” này rồi sẽ ngã ngũ ra sao, “Eros vĩnh cửu, sẽ làm một nỗ lực để khẳng
định mình trong cuộc đấu tranh với địch thủ cũng bất tử ngang như mình. Nhưng
ai có thể lường trước được với thành công gì và với kết quả nào?”
Văn minh và hạnh phúc
Freud lập luận rằng văn minh tự trong
bản chất là kẻ thù của hạnh phúc con người. Tiến trình “văn minh” của con người
liên quan đến thắt chặt ngột ngạt các xung động tình dục vốn dẫn trực tiếp đến
thỏa mãn lạc thú. Freud cũng lưu ý rằng việc tham gia vào đời sống văn minh đòi
hỏi phải từ bỏ các xung lực gây hấn tích cực của một người. Như vậy, để làm một người văn minh, chúng ta phải buông
bỏ hai tuyên đòi mạnh mẽ nhất của chúng ta, bản năng tình dục và bản năng bạo
lực. Hai bản năng đòi này tìm thỏa mãn trong những lối thoát trong các hoạt
động khác nhau, hiện tượng Freud gọi là thăng
hoa – thí dụ thi đấu thể thao thay vì bạo hành, chẳng hạn - nhưng thực hiện
này không thể thay thế kinh nghiệm trực tiếp của sự thỏa mãn bản năng được tìm
thấy trong các tổ chức xã hội sơ khai đơn giản. Như Freud viết, “Nếu nền văn
minh đòi hỏi phải có những hy sinh như vậy, không chỉ về tình dục nhưng cũng
những khuynh hướng gây hấn hung hãn trong nhân loại, chúng ta có thể hiểu được nhiều
hơn lý do tại sao nó thật là quá khó khăn như vậy để con người có thể cảm thấy hạnh phúc trong đó. Trong thực tế,
con người nguyên thủy được may mắn hạnh phúc hơn về phương diện này, vì hắn
không biết gì đến bất kỳ một hạn chế nào với bản năng tự nhiên của mình.
Người Cha nguyên thủy và Di sản tâm lý của ông
Trong Totem and Taboo (1913), lần đầu tiên Freud giới thiệu
một trong những suy đoán văn hóa gây tranh cãi nhất của ông: ông giả định rằng
các xã hội con người nguyên thủy được tổ chức giống như của các loài vượn người,
trong đó có một con đực giữ ưu thế (người cha nguyên thủy), đặc biệt con đực
này nắm độc quyền về sinh hoạt tình dục với những con cái trong bầy. Freud cho
rằng cuối cùng những đứa con trai đã hợp nhau lại, giết chết người cha, đóng
vai tộc trưởng áp bức của họ, tuy nhiên, hành động này đã tạo chấn thương tâm
lý sâu xa và lâu dài. Theo Freud, hối hận đến sau hành động này đã đưa đến cảm
giác sai phạm, lầm lỗi đầu tiên, và người cha nguyên thủy đã được nội tại hóa trong
mỗi cá nhân, thành tác năng ông gọi là super-ego
cấm đoán. Người cha nguyên thủy này, khi phóng thể ra xã hội bên ngoài, được thể
hiện trong hình ảnh Gót, một người cha toàn năng, thấy trong những tôn giáo
Abraham, trong các vị vua được thần thoại hóa của các nền văn minh cổ đại, và
trong các nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn mê hoặc đám đông của lịch sử gần đây
hơn. Thật vậy, lý thuyết của Freud dường như dự đoán những khuôn mặt lĩnh tụ
trong những năm sau đó - Mussolini, Hitler và Stalin.
Lương tâm và Super-Ego
Freud xác định một cảm giác bao trùm
về lầm lỗi như là một trong những vấn đề trung tâm đe dọa nền văn minh hiện
đại, và cho rằng nó đến từ super-ego,
có thể tạm xem như một tác năng nội tại, hoạt động trong não thức, giám sát
những ý định và hành động của ego,
giữ cho bản năng hiếu chiến của ego
trong vòng kiểm soát. Một thuật ngữ khác để gọi super-ego là lương tâm.
Freud đi ngược thời gian dõi tìm dấu vết sự hình thành của super-ego trong hành động nguyên thủy, một gải thuyết nổi tiếng nhất
của ông – mặc cảm Oedipus – sự nổi
loạn của đám con trai giết chết người cha nguyên thủy, những người con này bị
bỏ lại bị đè nặng với một cảm giác hối hận, sau đó họ nội tại hóa những cấm
đoán của uy quyền cùng những luật lệ cấm đoán trước đây do người cha đại diện,
vào bên trong chính mình thành Super-ego.
Super-ego thường đặt những đòi hỏi
nghiêm trọng, những tiêu chuẩn khắt khe, những lý tưởng cho mỗi cá nhân, thường
không thực tế, không dễ thực hiện, và gây ra những bất hạnh lớn. Freud cũng cho
rằng có sự tồn tại của một super-ego tập
thể, kết tập thể hiện qua hình ảnh các nhà các nhà lãnh đạo chính trị hay tôn
giáo mạnh mẽ, hay những con người có thành tựu lớn, super-ego tập thể này hoạt động trên một quy mô lớn hơn trong một
nền văn hóa hay xã hội.
Phê phán các Tổ chức Tôn Giáo
Phần lớn con người (trong xã hội phương Tây) điều chỉnh hành vi ứng
xử của họ theo các nguyên tắc của giáo lý tôn giáo, những tín đồ đặt ý chí và số
phận của mình trong bàn tay của một gót linh thiêng, người mà Freud xem không
gì khác hơn một hình ảnh người cha đã được bơm cho phồng lớn thành cao vời. Tôn
giáo là dựa trên “Tương lai của một Ảo tưởng”,
bởi vì nó trả lời câu hỏi trọng tâm về cứu cánh của cuộc đời chúng ta trên mặt
đất, bằng cách chỉ về một thế giới bên kia, sau cái chết. Trong khi vạch một
con đường đơn giản và giả tạo như thế để đi tìm hạnh phúc, tôn giáo đã tránh
được cho đám đông tín đồ chứng rối loạn thần kinh cá nhân, vì khi phục tùng đức
tin tôn giáo của họ, họ đã bị một chứng nhiễu loạn thần kinh tập thẻ rồi. Nhưng
Freud khinh miệt thứ “hạnh phúc” mê sảng này - tìm qua sự phủ nhận sự sống, và phục
tùng mê tín – thứ đức tin đó phủ nhận lý trí, và buộc phải tuân phục vô điều
kiện những phi lý.
6.
Lý
thuyết của Sigmund Freud trong Civilization and its Discontents là sự xung
đột giữa các nhu cầu bản năng cá nhân và tập tục luân lý của toàn bộ xã hội là
nguồn gốc giải thích trạng thái của con người về sự bất an, bất mãn, không
thoải mái hạnh phúc, rồi gây hấn, thù nghịch và cuối cùng, đi đến bạo lực. Đối
với Freud, cuộc vật lộn lớn nhất trong đời sống thoát ra từ sự liên kết giữa
thế giới nội tâm của chúng ta và xã hội trong đó chúng ta sinh ra. Chúng ta,
như mỗi cá nhân – do bản năng sinh tồn - phải kết hợp với những cá nhân khác,
tạo dựng những cộng đồng; chúng ta phải sống
chung để sống còn. Nhưng khi kết hợp như vậy, chúng ta phải hy sinh, kềm
chế rất nhiều những bản năng, mất đi sự thỏa mãn toàn vẹn vốn con người sơ khai
có lẽ đã có. Trong xã hội văn minh, chúng ta luôn luôn như một đứa trẻ ấm ức, tuy được dắt vào nhà
hàng, cho ăn món ưa thích, nhưng phải chịu những giới hạn nào đó, chẳng hạn phải
nhai nuốt, cầm thìa cầm đũa theo một cách thức gò bó, chưa kể trước đó phải ăn
mặc chỉnh tề, phải ngồi trên ghế, bên bàn ăn như thế nào, không được thích thú
cười to, nói lớn, thức ăn nếu có xương, không được nhè xương, ném xuống gầm bàn
…Thế nên, hài hòa với bên ngoài và bình an bên trong chỉ có thể đạt được khi
chúng ta học được cách kiểm soát những xung lực năng nổ của chúng ta bằng cách
giải quyết tình trạng trái nghịch này. Tuy nhiên, vì Freud tin
rằng những sức mạnh hủy hoại hiện diện trong tất cả các cá nhân, và do đó con
người bởi bản chất tự nhiên là thiết yếu phản-xã hội và phản-văn hóa. Đây là
những tiền đề của Freud khó được nhiều người chấp nhận Sau cùng tất cả, Freud mô
tả con người như sinh vật có bản năng gây hấn hung hãn và thực sự không thể
kiểm soát được, cũng khó phù hợp với hình ảnh đẹp đẽ cao thượng vốn con người
xưa nay vẫn tự vẽ về mình. Hơn nữa, khi Freud nhắc nhở về sự gây hấn hung hãn
như là “bản năng gốc tự-tồn tại trong con người…. là trở ngại lớn nhất với văn
minh”, ông đã xác định hiệu quả được vấn đề, nhưng ông không đưa ra giải pháp
hợp lý nào về phần kiểm soát bản năng gây hấn hung hãn và bản năng phản-xã hội này
của chúng ta.
Tuy
nhiên, sự đối địch giữa các đòi hỏi bản năng và những kiềm chế của văn minh làm
cho quan điểm của Freud về tính gây hấn hay bản năng phá hoại của con người
thành đặc biệt phức tạp. Một phần là vì những xung lực của hận thù, tức giận và
hung hãn là, từ quan điểm của Freud, chính nó bắt nguồn từ sự tự bảo tồn để sống
còn. Trong cái nhìn của Freud về con người và xã hội, bạo lực như một gì không
thể thoát khỏi và được như là cơ sở của chính sự tồn tại của chúng ta. Nó xuất
hiện trong hai cấp độ; sự bạo hành trong bản năng hoang dã nơi mỗi cá nhân, và
sự bạo hành mà văn minh thực hành với chúng ta, như để cân bằng. Vì nếu không
có ít nhất một số lượng cưỡng bách và ít nhất một số lượng các hạn chế sao cho ngang
bằng với những xung lực đòi thỏa mãn trong mỗi cá nhân, hòa hợp xã hội không
thể đạt được, văn minh cũng không thể duy trì được. Sự quân bình giữa đòi hỏi
bên trong và áp chế bên ngoài lúc nào cũng tạm thời, mỏng manh trong xuốt dòng
lịch sử loài người.
Lê Dọn Bàn -
bản nháp thứ nhất
(Jan/2012)
(Còn tiếp)
http://chuyendaudau.blogspot.com/
http://chuyendaudau.wordpress.com