Tuesday, February 14, 2012

Sigmund Freud - Ego và Id (2)

Cái Ta và cái Đó
Sigmund Freud (1856-1939)

The Ego and the Id
Das Ich und das Es (1923)





Chương I

Hữu thức và những gì là Vô thức

Trong chương giới thiệu này không có gì mới để nói, và sẽ không thể nào tránh lập lại những gì đã thường được nói trước đây.

Việc phân chia tâm thần vào thành những gì là hữu thức và những gì là vô thức [1] là tiền đề nền tảng của phân tích tâm lý [2]; và nó một mình làm khả hữu cho phân tích tâm lý để hiểu những tiến trình bệnh lý trong đời sống tinh thần, vốn chúng cũng phổ biến như chúng là quan trọng, và để tìm một chỗ cho chúng trong cấu trúc cơ bản của khoa học. Nói về nó một lần nữa trong một lối khác: phân tích tâm lý không thể đặt định bản thể của tâm thần trong hữu thức, nhưng bị buộc phải xem tính hữu thức như là một phẩm tính của tâm thần, vốn có thể hiện diện cộng thêm với những phẩm tính khác, hoặc có thể vắng mặt.

Nếu tôi có thể giả sử rằng mọi người quan tâm đến tâm lý học sẽ đọc cuốn sách này, tôi cũng nên sửa soạn để tìm thấy rằng tại điểm này, một vài người đọc của tôi đã sớm bỏ cuộc dừng lại rồi, và sẽ không đi xa hơn nũa; vì ở đây chúng ta có khẩu hiệu đặc thù đầu tiên của khoa phân tích tâm lý. Đối với hầu hết mọi người, những người đã được giáo dục trong triết học, ý tưởng về bất cứ điều gì thuộc tâm thần mà lại cũng không có ý thức, thì hết sức không thể mường tượng được khiến với họ nó có vẻ phi lý, và có thể phản bác chỉ đơn thuần bằng lôgích. Tôi tin điều này là chỉ vì họ chưa bao giờ nghiên cứu những hiện tượng liên quan đến sự thôi miên và những giấc mơ – hoàn toàn ngoài những biểu hiện bệnh lý – vốn tất yếu đi đến quan điểm này. Tâm lý học về hữu thức của họ không có khả năng giải quyết những vấn đề của những giấc mơ và của thôi miên.

“Là có ý thức” [3], đầu tiên là một thuật ngữ thuần túy mô tả, khi dựa trên nhận thức của một nhân vật nào đó và tức thời nhất. Kinh nghiệm tiếp tục cho thấy rằng một yếu tố tâm thần (lấy trường hợp cụ thể, một ý tưởng) không phải như là một quy luật, phải có ý thức trong một thời gian được kéo dài. Ngược lại, một trạng thái của sự có ý thức thì có tính cách đặc trưng rất tạm thời; một ý tưởng vốn nó là ý thức bây giờ thì không còn là như thế một lúc sau đó, mặc dù nó có thể lại trở thành như vậy một lần nữa trong những điều kiện nhất định vốn có thể dễ dàng gây ra. Trong khoảng đứt quãng thời gian, ý tưởng đã là - chúng ta không biết là gì. Chúng ta có thể nói rằng nó đã tiềm ẩn, và như thế, chúng ta hàm nghĩa là nó có khả năng trở thành hữu thức bất cứ lúc nào. Hoặc, nếu chúng ta nói đó đã là vô thức, chúng ta cũng sẽ đưa ra một mô tả chính xác về nó. Ở đây, “vô thức” trùng hợp với “tiềm ẩn và có khả năng trở thành hữu thức”. Những triết gia, không nghi ngờ gì, sẽ phản đối: '“Không, thuật ngữ ‘vô thức’ thì không áp dụng được ở đây; miễn là cho đến chừng nào ý tưởng đã trong một trạng thái tiềm ẩn, nó đã không là bất cứ điều gì thuộc về tâm thần hết cả”. Để nói ngược lại với họ ở điểm này sẽ chỉ dẫn đến một cãi vã thuần lời qua tiếng lại, không ích lợi gì hơn.

Nhưng chúng ta đã đi đến thuật ngữ, hoặc khái niệm về vô thức dọc theo lối khác, bằng xem xét những kinh nghiệm nhất định, trong đó những động lực tinh thần đóng một vai trò. Chúng ta đã tìm thấy - đó là, chúng ta đã bị buộc phải giả định – rằng có hiện hữu những tiến trình tâm thần rất mạnh mẽ hoặc những ý tưởng (và ở đây là một yếu tố định lượng hoặc kinh tế lần đầu tiên đi vào câu hỏi thảo luận), vốn chúng có thể sản xuất tất cả những hiệu quả trong đời sống tinh thần mà những ý tưởng thông thường có thể sản xuất (bao gồm cả những hiệu quả vốn chúng có thể cso khi đến phiên chúng trở thành hữu thức như những ý tưởng), mặc dù chính bản thân chúng không trở thành hữu thức. Nó là không cần thiết phải lập lại chi tiết ở đây những gì đã được giải thích quá thường xuyên trước đây [4]. Là đủ để nói rằng ở điểm này, lý thuyết Phân tích tâm lý bước vào, và xác định rằng lý do tại sao những ý tưởng như vậy không thể trở thành hữu thức là vì có một sức mạnh nào đó chống đối chúng, rằng nếu không thế, chúng đã có thể trở thành hữu thức, và rằng sau đó sẽ thành rõ ràng rằng chúng ít khác biệt đến chừng nào với những yếu tố khác vốn được thừa nhận là thuộc tâm thần. Sự kiện rằng trong kỹ thuật của khoa phân tích tâm lý, một phương tiện đã được tìm thấy, qua đó sức mạnh chống đối có thể được gỡ bỏ đi, và ý tưởng trong vấn đề nghiên cứu thành nên hữu thức, đã khiến lý thuyết này không thể bị bác bỏ được. Trạng thái trong đó những ý tưởng đã hiện hữu trước khi được làm thành có ý thức được chúng ta gọi là sự dồn nén [5], và chúng ta khẳng định rằng sức mạnh vốn thiết lập sự dồn nén và duy trì nó thì được nhận thức như sự đề kháng lại trong công tác của phân tích tâm lý.

Thế nên, chúng ta thu nhận được khái niệm của chúng ta về vô thức từ lý thuyết của sự dồn nén. Cái bị dồn nén đàn áp là dạng thức ban đầu của vô thức với chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng chúng ta có hai loại vô thức – một loại là tiềm ẩn nhưng có khả năng trở thành có ý thức, và một loại vốn nó bị đàn áp, dồn nén, và trong tự thân nó và không thêm nhiều rắc rối, nó không có khả năng trở thành có ý thức. Mảnh thị kiến này nhìn vào trong những động lực tâm thần không thể không tác động đến thuật ngữ và sự mô tả. Cái tiềm ẩn, vốn là vô thức chỉ trong ý nghĩa mô tả, không phải trong ý nghĩa năng động, chúng ta gọi là tiền-ý-thức [6]; chúng ta hạn chế thuật ngữ vô thức chỉ dùng để chỉ vô thức năng động bị dồn nén; như thế bây giờ chúng ta có ba thuật ngữ, Ý thức (Cs.), Tiền-ý thức  (Pcs.), và Vô thức (Ucs.) [7], có ý nghĩa của chúng thôi không còn thuần túy là mô tả.  Pcs. được giả định là rất nhiều gần gũi với Cs. hơn là với Ucs., và vì chúng ta đã gọi Ucs. là thuộc tâm thần, chúng ta sẽ thậm chí còn ít do dự hơn khi gọi Pcs. tiềm ẩn là thuộc tâm thần. Nhưng thay vì điều này, tại sao chúng ta lại không cứ giữ thỏa thuận với những triết gia, và trong một cách nhất quán, phân biệt Pcs. cũng như Ucs. với hữu thức của tâm thần? Những triết gia sau đó sẽ đề nghị rằng Pcs.Ucs. nên được mô tả như là hai loại, hoặc hai giai đoạn của “psychoid[8], và sự hòa hợp sẽ được thiết lập. Nhưng những khó khăn bất tận trong triển khai sẽ đến theo; và một sự kiện quan trọng, rằng hai loại này của psychoid trùng hợp trong hầu hết mọi khía cạnh khác với những gì là được thừa nhận thuộc tâm thần, chúng sẽ bị đẩy vào nền phía sau, vì những lợi ích của một thành kiến ​​có niên đại từ một giai đoạn mà trong đó những  psychoids này, hoặc phần quan trọng nhất của chúng, đã vẫn còn chưa biết.

Bây giờ chúng ta có thể thoải mái dùng ba thuật ngữ của chúng ta, Cs., Pcs., và Ucs., miễn là chừng nào chúng ta đừng quên rằng trong ý hướng mô tả có hai loại vô thức, nhưng chỉ có một trong ý hướng năng động. Đối với những mục đích trình bày, sự phân biệt này trong một số trường hợp có thể được bỏ qua, nhưng trong những trường hợp khác, nó là tất nhiên không thể thiếu. Đồng thời, chúng ta đã ít hay nhiều hơn trở thành quen thuộc với sự mơ hồ này của vô thức, và xoay sở được khá tốt với nó. Theo như tôi có thể nhìn thấy, nó là không thể nào tránh được sự nhập nhằng này, sự phân biệt giữa ý thức và vô thức là phương sách cuối cùng một câu hỏi về nhận thức, nó phải được trả lời “có' hoặc 'không”, và hành động của nhận thức tự thân nó không nói gì với chúng ta về lý do tại sao một sự việc là có, hoặc không được nhận thức. Không ai có quyền than phiền vì những hiện tượng của thực tại diễn tả yếu tố động lực một cách hàm hồ, không trắng đen rõ ràng [9].

Tuy nhiên, trong tiến trình tiếp tục xa hơn của công việc phân tích tâm lý, ngay cả những phân biệt này đã chứng tỏ là không thỏa đáng, và cho những mục đích thực tế, không đầy đủ. Điều này đã trở nên rõ ràng trong nhiều cách, hơn là chỉ một cách; nhưng trường hợp quyết định là như sau. Chúng ta đã hình thành ý tưởng rằng trong mỗi cá nhân có một tổ chức mạch lạc của những tiến trình não thức; và chúng ta gọi đây là Ego  [10] của người ấy. Đó là với Ego này mà tính có thức được gắn buộc vào; Ego kiểm soát những tiếp cận với tính vận động – đó là, với sự thải hồi những kích động vào trong thế giới bên ngoài, nó là cơ quan não thức giám sát tất cả những tiến trình tạo lập riêng của nó, và ban đêm nó đi ngủ, mặc dù ngay cả sau đó nó vẫn hành xử sự kiểm duyệt trên những giấc mơ. Từ Ego này cũng tiến hành sự đàn áp dồn nén nữa, bằng những phương tiện qua đó nó tìm để loại trừ những khuynh hướng nhất định nào đó trong não thức, không chỉ đơn thuần là từ hữu thức, nhưng cũng còn cả từ những hình thức khác thuộc về tính có hiệu quả và tính hoạt động. Trong phân tích tâm lý, những khuynh hướng này vốn đã bị chặn đóng, đứng đối lập với Ego, và phân tích tâm lý thì đối mặt với nhiệm vụ loại bỏ những đề kháng vốn Ego trưng bày chống lại trong liên quan chính nó với cái-bị-đàn áp. Bây giờ, chúng ta tìm thấy trong tiến trình phân tích rằng, khi chúng ta đặt những nhiệm vụ nhất định nào đó trước người bệnh, ông ta vướng vào những khó khăn, những liên kết [11] của ông bị thất bại khi chúng đáng lẽ nên đi đến gần với cái bị dồn nén. Sau đó chúng ta bảo với ông rằng ông bị một sức đề kháng chi phối, nhưng ông là hoàn toàn không biết gì về sự kiện, và ngay cả khi ông có dự đoán từ những cảm xúc khó chịu, không thoải mái, rằng có một đề kháng hiện làm việc trong ông ta, ông ta không biết nó là gì, hoặc mô tả nó thế nào.  Tuy nhiên, vì có thể là không có câu hỏi ngoại trừ rằng sự đề kháng này xuất phát từ Ego của ông ta và thuộc về nó, chúng ta tìm thấy chính chúng ta trong một tình huống không lường trước. Chúng ta đã đi đến một gì đó trong tự thân Ego vốn cũng là vô thức, vốn nó cư xử giống y như cái-bị-đàn áp - nghĩa là, nó sản xuất những hiệu quả mạnh mẽ mà tự nó là không có ý thức, và nó đòi hỏi việc làm đặc biệt trước khi nó có thể được làm thành là có ý thức. Từ điểm nhìn này của thực hành phân tích tâm lý, hậu quả của khám phá này là chúng ta bước lên bờ trong những mờ tối bất tận và những khó khăn bất tận, nếu chúng ta giữ lấy những hình thức quen thuộc trong diễn tả của chúng ta, và cố gắng, lấy thí dụ, để diễn dịch được chứng loạn thần kinh từ một xung đột giữa hữu thức và vô thức . Chúng ta sẽ phải để thay thế cho phản đề này bằng một phản đề khác, lấy từ thị kiến sâu sắc của chúng ta vào trong những điều kiện cấu trúc của não thức – phản đề giữa Ego chặt chẽ và cái bị đàn áp vốn được tách rời từ nó [12].

Đối với khái niệm của chúng ta về vô thức, tuy nhiên, những hậu quả của khám phá của chúng ta thậm chí lại còn quan trọng hơn. Những xem xét động lực là nguyên nhân khiến chúng ta thực hiện sự điều chỉnh đầu tiên của chúng ta; thị kiến sâu sắc của chúng ta vào trong cấu trúc của não thức dẫn đến điều chỉnh thứ hai. Chúng ta nhìn nhận ra rằng Ucs. không trùng hợp với những gì bị dồn nén, đàn áp; điều vẫn là đúng rằng tất cả những gì bị dồn nén, đàn áp là Ucs., nhưng không phải tất cả những gì là Ucs. là bị đàn áp. (Nhưng có) một phần của Ego nữa, và Trời biết một phần quan trọng đến như thế nào - có thể là Ucs, chắc chắn là Ucs.Ucs. này thuộc về Ego không phải là tiềm ẩn như Pcs., vì nếu như nó đã là thế, nó không thể được kích động mà không trở thành Cs., và tiến trình làm cho nó có ý thức sẽ không gặp phải những khó khăn lớn như vậy. Khi chúng ta tìm thấy chính mình do đó phải đối mặt với sự cần thiết của giả định một Ucs. thứ ba, vốn nó không bị đàn áp. Chúng ta phải thừa nhận rằng những đặc tính của vô thức bắt đầu mất đi ý nghĩa đối với chúng ta. Nó trở thành một phẩm chất mà có thể có nhiều ý nghĩa, một phẩm chất mà chúng ta không thể, như chúng ta nên hy vọng để làm thế, làm cơ sở cho những kết luận sâu rộng và không thể tránh đươc. Tuy nhiên chúng ta phải đề phòng cẩn thận khi bỏ qua đặc điểm này, vì thuộc tính của tính cách là hữu thức hay không hữu thức, thì trong phương sách cuối cùng của một ngọn đèn hiệu dẫn đường giữa đen tối của tâm lý học chiều sâu.

Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất
(Feb/2012)
http://chuyendaudau.wordpress.com



[1] Conscious: ý thức, hữu thức (hữu ý thức -有意識); unconscious: vô thức (vô ý thức: 無意識). Khi chúng ta nói một ai có ý thức  – có nghĩa là một ai có ý thức về một điều gì đó. Cũng đồng nghĩa với hữu thức, vậy hữu thức và đối lập của nó là vô thức là hai trạng thái tâm lý, hay hai trạng thái của não thức – tạm hiểu như danh từ, và ý thức, có ý thứckhông có ý thức, vô ý thức, vô thức có thể dùng như thuật từ chỉ tình trạng có những trạng thái tương ứng đó.

Những chú thích trong ngoặc vuông [..] là từ bản Anh ngữ, những chú thích khác – như trên là của tôi - LDB.

[2] Psycho-analysis, hay psychoanalysis: phân tích tâm lý – thường dịch tắt là phân tâm, và môn học tương ứng là Phân tâm học, hoặc theo đúng cú pháp Tàu, là Tâm phân học. Tôi dịch theo nguyên văn là Phân tích tâm lý.
Nhưng người Tàu dùng “Tinh thần phân tích học” (精神分析學) để chỉ môn học này.  
[3] [“Bewusst sein” (trong hai từ) trong nguyên văn. Tương tự như thế trong Chương II của Lay Analysis (1926e), Standard Ed., 20, 197. “Bewusstein” là từ Đức ngữ thông thường cho “ý thức”, và in nó trong dạng hai từ, nhấn mạnh sự kiện “Bewusst” ở thể thụ động quá khứ - “là có ý thức”. Trong Anh ngữ “conscious” có khả năng dùng trong cả hai cách thụ động hay chủ động. Nhưng trong thảo luận này, nó luôn luôn là thụ động.]
Nên có chỗ, tôi dịch dài dòng là “có ý thức” hay “được ý thức” - thay vì chỉ - “ý thức”.
[4] [Xem, thí dụ, “A Note on the Unconscious” (1912g), Standard Ed., 12, 262 và 264.]
[5] Repression.
[6] tiền ý thức
[7] Cs., Pcs., và Ucs. = viết tắt cho gọn những từ trong bản Anh ngữ - conscious, pre conscious, và unconscious.
Conscious: (Cs. ,  das Bewusste): Ý thức: Nội dung thực sự của sự nhận biết; đó là những gì một người có ý thức về chúng tại một thời điểm nhất định nào đó. Hiểu theo cách của Freud khi ông nói về “hữu thức” hay “có ý thức” thì tương tự như những nhà tâm lý học về nhận thức gọi là có chú ý (attention).
Preconscious: (Pcs., das Vorbewusste): Tiền-ý thức: Toàn thể tập hợp gồm nội dung của não thức vốn hữu thức có thể tiếp cận được, nhưng không nằm trong vùng có ý thức trực tiếp trong một thời điểm nhất định nào đó. Nó có thể được mô tả là vô thức, nhưng không bị những rào cản tâm lý ngăn chặn, hay không bị đàn áp dồn ép. Đôi khi Freud so sánh sự chú ý có ý thức với một tiến trình giác quan, và tiền-ý thức như  đa số lớn rộng gồm những chất liệu vốn giác quan của hữu thức không hướng về chúng.  Tiền-ý thức, trước đây vẫn dịch là tiềm thức, như thế cõ lẽ không đúng với Freud, vì tiềm thức được hiểu như phần nằm giữa hữu thức và vô thức, phần này cũng được xem như gần với hữu thức, đó là phần chìm dưới nước - sát gần với phần nổi trên mặt nước, hữu thức. cái nhìn đó có tính cách định vị trí, không phải như Freud muốn chúng ta hiểu – chúng là những gì vốn đã là ý thức, nhưng nay không còn chú ý đến, nên không nằm trong vòng ý thức nữa, nhưng chúng có thể trở nên có ý thức bất cứ lúc nào chúng ta muốn. Như vậy Freud nói về tiến trình thời gian hơn là phân bối vị trí cấu trúc.
Unconscious: (Ucs., das Unbewusste): Vô thức là những tiến trình não thức mà ý thức không tiếp cận được bằng những phương tiện trực tiếp. Nghĩa là quay chú ý về chúng. Sự hiện hữu của chúng phải được diễn dịch từ những khoảng cách trong hữu thức, triệu chứng, giấc mơ,.. v.v. Nhưng vô thức – tuy chúng ta không “biết” nhưng được xem là năng động, không phải chỉ là mô tả tĩnh. Động vì nội dung của nó bị cản trở, che dấu không hiện ra với ý thức vì sự dồn nén, đàn áp.
[8] Psychoid: Nguyên lý sống: chỉ nguyên lý về sự sống, nguyên lý này được giả định là đứng sau, điều khiển tất cả những sinh hoạt ứng xử của một sinh vật sống.
[9] [Điều này cho đến nay có thể được so sánh với bài “Ghi chú về vô thức trong Phân tích tâm lý” (1912g) của tôi. (Cũng xem những phần I và II của bản văn nghiên cứu tâm sinh lý của tôi về “Vô thức” (1915e)). Một chuyển hướng mới được những nhà phê bình về vô thức thực hiện xứng đáng xem xét tại điểm này. Một số những nhà điều tra, những người không từ chối nhìn nhận những sự kiện của khoa phân tích tâm lý, nhưng là những người không sẵn sàng chấp nhận vô thức, tìm một cách thoát khỏi khó khăn trong sự kiện, vốn không có ai phản đối, rằng trong sự có ý thức (coi như một hiện tượng) có thể phân biệt được một loạt những tỷ lệ lớn rộng về cường độ hoặc sự rõ ràng. Cũng đúng như có những tiến trình rất sinh động, chiếu sáng, và hữu hình ý thức, vì vậy chúng ta cũng có kinh nghiệm về những tiến trình khác mà chúng chỉ mờ nhạt, hầu như ngay cả khó lòng cho ý thức chú ý đến; đối với những gì mờ nhạt nhất với ý thức, được lập luận, là những gì những người phân tích tâm lý muốn áp dụng tên gọi không phù hợp là “vô thức”. Tuy nhiên, những điều này (theo lý luận tiếp tục), là có-ý thức hoặc là “trong hữu thức”, và có thể được làm thành có-ý thức đầy đủ và mạnh mẽ, nếu đem trả cho chúng sự chú ý đầy đủ.
Cho đến nay điều có thể làm được để ảnh hưởng bằng những lý luận đến quyết định của một câu hỏi thuộc loại này, vốn tùy thuộc hoặc là trên qui ước, hoặc trên những yếu tố cảm xúc, chúng ta có thể đưa ra những ý kiến ​​sau đây. Tham chiếu về sự mức độ tỷ lệ thăng giảm dần dần của sự rõ ràng trong ý thức là không có cách nào đi đến kết luận ngã ngũ, và không có giá trị chứng cứ nhiều hơn so với những phát biểu tương tự như: “Có như vậy rất nhiều những tỷ lệ thăng giảm trong sự chiếu sáng - từ ánh sáng rõ ràng và sáng chói đến tia sáng mờ nhạt nhất - do đó không có điều gì giống như là đêm tối tất cả”;  hay “Có nhiều những mức độ khác nhau của sự sống, do đó không có điều gì như cái chết”, Những phát biểu loại giống như vậy, trong một số cách thức, có thể có một ý nghĩa, nhưng cho những mục đích thực tiễn, chúng là vô giá trị. Điều này sẽ được nhìn thấy nếu người ta cố gắng rút ra những kết luận cụ thể từ chúng, chẳng hạn như, “do đó không cần bật diêm thắp lên một tia sáng”, hoặc, “do đó tất cả những sinh vật là bất tử”. Hơn nữa, để bao gồm “những gì là không thể chú ý”  dưới khái niệm của “những gì là có ý thức” thì đơn giản chỉ là để đùa nghịch tàn phá với một, và là một mảnh duy nhất của kiến thức trực tiếp và chắc chắn mà chúng ta có về não thức. Và sau cùng tất cả, một ý thức trong đó một người không biết gì xem ra với tôi phi lý nhiều hơn rất nhiều so với một gì đó thuộc tâm thần vốn là vô thức. Cuối cùng, nỗ lực này để đánh đồng những gì là không được chú ý với những gì là vô thức rõ ràng được thực hiện mà không tính toán đến những điều kiện năng động tham gia, vốn đó là yếu tố quyết định trong việc hình thành quan điểm tâm lý phân tích. Vì nó bỏ qua hai sự kiện: thứ nhất, rằng đó là cực kỳ khó khăn và đòi hỏi nỗ lực rất lớn lao để tập trung đầy đủ sự chú ý vào một cái gì đó không được chú ý thuộc về loại này; và thứ hai, rằng khi điều này đã đạt được, những suy nghĩ mà trước đây vốn đã không được chú ý thì không được ý thức nhìn nhận, nhưng thường có vẻ hoàn toàn xa lạ, và trái ngược với nó, và ngay tức thời bị nó chối bỏ. Vì vậy, tìm kiếm ẩn náu từ vô thức trong những gì hầu như hiếm không được chú ý, hay không chú ý, sau cùng chỉ là một dẫn xuất rút ra từ niềm tin đã có định kiến vốn nó ​​liên quan đến sự nhận diện của tâm thần và hữu thức như giải quyết một lần và cho tất cả.]
[10] Ego: (das Ich, nghĩa đen trong Anh ngữ là “I”): cái Ta - Freud giới thiệu từ ngữ này lần đầu tiên năm 1895 trong “Project” để chỉ một tập hợp của những tế bào thần kinh có kết đọng lâu dài năng lực tinh thần (a set of permanently cathected neurons), nó có chức năng ngăn cấm trực tiếp sự lưu truyền về số lượng của kích thích dọc theo những đường (vận động tâm lý) nguyên thủy. Chúng đạt được điều này bằng cách cung cấp một kênh phụ, thông qua đó năng lượng này được chuyển hướng. Một hệ thống như vậy là khó để hình dung chính xác từ mô tả của Freud, nhưng ông rõ ràng hình thành vai trò của nó, tạm có thể kể một vài để mường tượng như - làm giảm xác suất của những liên kết đau đớn, cho phép sự cấm đoán về buông xả trực tiếp qua hành động, và cho phép một sự phân biệt chọn lọc với ký ức.
[11] Association: là sự tiến trình tâm lý liên kết những ý tưởng, khiến từ một ý tưởng này chúng ta tự động nhớ, hay gợi lại được ý tưởng khác; chúng ta từ A nhớ đến B, vì chúng ta liên kết A với B, hay giưa A và B có sự liên kết nào đó - ngược lại là free association là một phương pháp thăm dò vô thức trong Phân tâm học. Nhà phân tâm đưa ra một, từ, một hình ảnh, thí dụ x và bảo chúng ta tránh do dự, suy nghĩ đưa ngay ra một y nào đó, bất kỳ y nào đến ngay trong trí, mặc dầu trước tiên xem ra y không có liên kết nào với x.
[12] [Cf. Beyond the Pleasure Principle (1920g).]