Tuesday, August 31, 2010

Lugwig Wittgenstein - Tractatus Logico-Philosophicus (trích)



Lugwig Wittgenstein
Tractatus Logico-Philosophicus 
(trích)






1.
Tôi phải có một chú thích – đưa đến Wittgenstein.


Có một vài đoạn, trong đó Russell đương nói về liên hệ giữa thực tại và tư tưởng, nếu tư tưởng là triết lý, yếu tính của nó là lôgích. Thế nên những sai lầm, hay thiếu xót trong lôgích (như quá khứ) đưa đến ngộ nhận về thực tại, sai lầm về bản thể, không nhận thực được thế giới.


Wittgenstein, đi thêm một bước nữa, liều lĩnh xác định sự tương hệ giữa ngôn ngữ và thực tại.




1. The world is everything that is the case.
2. What is the case, the fact, is the existence of atomic facts.
3. The logical picture of the facts is the thought.
4. The thought is the significant proposition.
5. Propositions are truth-functions of elementary propositions.
(An elementary proposition is a truth-function of itself.)
6. The general form of truth-function is: [p, E, N(E)].
This is the general form of proposition.
7. Whereof one cannot speak, thereof one must be silent.



Tạm dịch


1. Thế giới là tất-cả-những-gì vốn là nên-sự.
2. Những-gì là cái nên-sự, sự kiện, là sự sinh tồn của những sự-kiện-lõi
3. Hình ảnh hợp lôgích của những sự kiện là tư tưởng
4. Tư tưởng là mệnh đề có nghĩa lý
5. Những mệnh đề là những hàm số sự thật của những mệnh đề sơ yếu
(một mệnh đề sơ yếu là một hàm số sự thật của chính nó)
6. Dạng tổng quát của hàm số-sự thật là: [p, E, N(E)].
đây là dạng tổng quát của hàm số-sự thật
7. Chốn nào người ta không thể nói, chốn ấy người ta phải im lặng.


2.
(“Có lẽ quyển sách này sẽ được hiểu chỉ bởi một ai tự mình đã có những suy nghĩ vốn được trình bày trong nó - hoặc ít nhất có những suy nghĩ tương tự - Vì vậy, nó không phải là một quyển sách giáo khoa. Mục đích của nó sẽ đạt được nếu như nó đã có đem niềm vui đến với một ai đọc và hiểu nó. Quyển sách đề cập những vấn đề của triết học, tôi tin thế, và cho thấy rằng lý do tại sao những vấn đề này đã được đặt ra là vì lôgich của ngôn ngữ của chúng ta thì bị hiểu sai lầm. Toàn bộ ý hướng của quyển sách có thể tóm tắt được trong những lời sau đây: những-gì vốn có thể nói được tất cả đi nữa, có thể nói rõ ràng được, và những gì chúng ta không thể nói về được, chúng ta phải bỏ qua trong im lặng. Như vậy, mục đích của cuốn sách là nhằm vẽ một ranh giới cho tư tưởng, hay đúng hơn - không phải cho tư tưởng, nhưng cho sự biểu tả của tư tưởng: bởi vì ngõ hầu có thể có khả năng vẽ một ranh giới cho tư tưởng, chúng ta phải nên tìm ở cả hai bên của giới hạn có thể nghĩ được (tức là chúng ta phải nên có khả năng suy nghĩ về những-gì vốn không thể suy nghĩ được). Do đó, sẽ chỉ là trong ngôn ngữ mà giới hạn có thể được vẽ ra, và những gì nằm ở phía bên kia của giới hạn sẽ đơn thuần là vô nghĩa”.


Lugwig Wittgenstein. Vienna, 1918

(Xem thêm Lê Dọn Bàn, Nhân Đọc Thơ Ức Trai )



3.


Đó chỉ là 7 câu-chủ của Lugwig Wittgenstein, Tractatus Logico-Philosophicus. Mỗi câu mở ra những câu phụ, rồi câu-phụ của câu-phụ, thí dụ câu 1, thành 1.11, 1.12 ,1.21, v.v. Dĩ nhiên là còn rất dài nữa…dù tập văn này rất ngắn, hết sức ngắn.
Lúc này, tôi cũng chưa sẵn sàng giới thiệu Lugwig Wittgenstein, ngoài những-gì hết sức liên hệ với Bertrand Russell.

Nếu có đọc Wittgenstein, hay ít nhất muốn đọc Tractatus Logico-Philosophicus, có lẽ nên đọc bản tiếng Anh, tham khảo nguyên bản tiếng Đức (Logisch- Philosophische Abhandlung). Nhân phải nhắc đến, nên phải dịch dăm câu thử sang tiếng Việt, vì không biết đã có ai đã thử chưa (và cũng vì kính trọng tiếng Việt), nhưng đọc lên chính tôi đã thấy có phần nào ngớ ngẩn. Đáng lẽ phải chú thích, nhưng như thế, không biết đến đâu cho cùng!
Có lẽ là trót dại, cũng nên.

Vậy xem đây chỉ là phụ chú cho Russell, Kiến thức của Chúng ta về Thế giới Bên ngoài, chứ tuyệt không phải dịch Wittgenstein, Tractatus Logico-Philosophicus.


4.
Mục tiêu của Wittgenstein là để giải quyết những vấn đề của triết học, và ông toan tính làm như vậy bằng cách trình bày ngôn ngữ hoạt động như thế nào.

Những-gì là cơ bản của Tractatus là ý tưởng rằng ngôn ngữ có một cấu trúc thuận lý tiềm ẩn, nên một sự hiểu biết về nó sẽ cho thấy giới hạn về những-gì có thể nói được rõ ràng và có ý nghĩa. Sự quan trọng của điều này, trong quan điểm của Wittgenstein, là những-gì có thể nói cũng là một với những-gì có thể nghĩ, thế nên một khi người ta nắm được bản chất của ngôn ngữ, và do đó đồng nghĩa với biết được những-gì có thể suy nghĩ được cho rõ ràng và có nghĩa lý, người ấy đã cho thấy giới hạn mà vượt quá khỏi nó, ngôn ngữ và tư tưởng trở thành phi-nghĩa.

Ông đặt điểm này ở câu đầu và kết thúc của Tractatus , giờ đây thành hai khẳng định nổi tiếng:


3. Hình ảnh hợp lôgích của những sự kiện là tư tưởng
7. Chốn nào người ta không thể nói, chốn ấy người ta phải im lặng.



(đúng không? chắc không? nếu không – tất cả Tractatus đổ).


Khởi đi với Russell, và phần nào Frege, Tractatus chở rất nhiều Theory of Descriptions của Russell và chỉ trong chương 2 của Kiến thức của Chúng ta về Thế giới Bên ngoài, tôi tạm dịch ở đây, cho thấy những gì Tractatus đã lấy để bắt đầu. Đó cũng là điểm quan trọng để hiểu Tractatus của Wittgenstein. Sự liện hệ và ảnh hướng của Russell trên Wittgenstein (Tractatus và tác phẩm thứ hai sau này Philosophical Investigations ) được soi sáng thêm với The Philosophy of Logical Atomism của Russell

Những mệnh đề trong Tractatus gần gũi với những mệnh đề (định lý, hệ luận) trong toán học hơn, truth-table chúng ta quen biết trong Computing science hay Discrete mathematics là từ Tractatus. (Không nên đọc hay dịch Tractatus như đọc hay dịch Đạo Đức Kinh, đừng biến những mệnh đề trong Tractatus thành sấm truyền, hay rất dễ dàng thành những ảo ngôn, ẩn ngôn, hay dụ ngôn). Và có lẽ cũng không thể hiểu Tractatus nếu không bắt đầu với Theory of Descriptions của Russell – Sự bàn luận về cơ cấu luận lý hay những dạng luận lý chúng nằm tiềm ẩn trong ngôn ngữ thông thường hàng này của con người, một khi hiểu chúng, thăm dò chúng sẽ hứa hẹn với chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa triết học của bản chất của ngôn ngữ và rồi của chính tư tưởng con người.



Vài dòng về Ludwig Wittgenstein  và  Logisch-Philosophische Abhandlung


1.
Ludwig Wittgenstein (1889–1951) ra đời trong một gia đình thuộc hạng giàu có nhất thành Vienna, đầu thế kỷ XX. Cha ông tạo dựng được một gia sản lớn lao từ những thành công trong những cơ sở kỹ nghệ, và khách của gia đình gồm những tên tuổi trong giới văn hoá nghệ thuật Vienna thời ấy như Brahms, Mahler, và Gustav Klimt. Wittgenstein không phải là một học sinh xuất chúng, nhưng đủ khả năng để sang Anh theo học ngành kỹ sư hàng không ở University of Manchester. Nhưng ngành học kỹ sư đã nhanh chóng đưa ông tới một sự quan tâm với môn toán học, vốn là nền tảng của kỹ thuật, rồi từ toán học đưa ông tới triết học, vốn liên hệ mật thiết với toán học.  

Do Gottlob Frege giới thiệu, năm 1911 Wittgenstein về Cambridge theo học triết với Bertrand Russell, vị giáo sư triết gia hàng đầu thời ấy. Luận văn triết học đầu tiên, "Notes on Logic," (1913) Wittgenstein ghi tặng Russell.

Thế chiến thứ I bùng nổ, Wittgenstein gián đoạn việc học, về nước, ông tình nguyện nhập ngũ trong quân đội nước Áo, ngành pháo binh, và liên tục yêu cầu phái về những vùng nguy hiểm nhất, ông có  ước muốn bệnh hoạn thích chạm mặt với cái chết. Trong thời gian này, ông làm việc hết sức miệt mài, cô đọng những suy nghĩ của mình về những vấn đề nền tảng của triết học lô gích vào số tay. Áp dụng những kết luận từ suy nghĩ kể trên, có thể kể, vào bản chất của ngôn ngữ, thực tại, và đạo đức. Cuối cuộc chiến, ông hoàn thành bản thảo của Logisch-Philosophische Abhandlung, tập này được xuất bản lần đầu năm 1921, dịch sang tiếng Anh năm 1922 với nhan đề  Tractatus Logico-Philosophicus. Trức khi chiến tranh chấm dứt, ông bị quân Ý bắt làm tù binh. Bản thảo này ông gửi từ trại giam đến Russell.

Sau khi tập sách mỏng Tractatus xuất bản, Wittgenstein tự cho rằng ông không còn gì nữa để cống hiến với triết học. Trong những năm 1920 ông làm nhiều nghề, như dạy học ở một làng quê nước Áo,  thợ làm vườn, làm kiến trúc sư  tài tử; thời gian này, ông vẫn giữ liên lạc dù ít ỏi, với giới triết gia, đặc biệt là những đối thoại với Frank Ramsey bàn về Tractatus, dần dần đưa chính Wittgenstein đến nhận ra những khuyết điểm của nó về một số phương diện. Cuối những năm 1920, Wittgenstein cũng tiếp xúc với nhóm Vienna Circle, là những logical positivists, những người này tìm được nhiều hứng khởi từ Tractatus.

Có phần miễn cưỡng, Wittgenstein nhận một chân giảng dạy tại Cambridge (không có văn bằng đại học nào cả, nên tập Tractatus được chấp nhận như luận văn tiến sĩ của ông). Tài sản đã đem cho hết, nơi đây, ông sống đạm bạc cho đến hết đời mình. Ông vẫn giữ thái độ hoài nghi với triết học, và dẫn dụ nhiều sinh viên của ông bỏ triết sang học những ngành khác “hữu dụng” hơn, như y khoa chẳng hạn, ở những trường khác. Trong xuốt những năm 1930 và 1940, ông viết nhiều về triết lý, trưởng thành hơn, nhưng không cho xuất bản. Chỉ có một tập, ông cảm thấy thích hợp cho phổ biến được, đó là phần đầu của Philosophical Investigations, nhưng ông nhất định bắt chỉ được cho in sau khi ông chết. Ông chết vì cancer năm 1951, và hai  năm sau  tập Investigations được cho xuất bản (1953). Sau đó, một số những ghi chép từ sổ tay của ông, hoặc những bài giảng của ông do những sinh viên Cambridge ghi lại, cũng được đem cho phổ biến.

2.
Như vậy, Wittgenstein chỉ chính thức có 3 tập sách; Tập đầu tiên Ghi chú về Logic như là một loại tóm tắt những suy nghĩ của ông trong hai năm học đầu tại Cambridge.  Russell  phê rằng “cũng hay như bất cứ công trình nào đã được thực hiện trong khoa lôgích”. Nhưng sau đó những học giả có khuynh hướng xem nó như một mở đầu, và dựa vào nó như trợ giúp để tìm hiểu tập Tractatus, chứ không xem nó tự đứng một mình như là một tác phẩm triết học.

Tập thứ  hai, Tractatus, nhưng đối với công chúng triết học, vẫn chính thức coi là tập sách đầu tiên của ông, được biết đến nhiều nhất, và thành gắn với tên tuổi của ông.  Viết từ những chiến hào tại châu Âu, trong thế chiến thứ I, có lẽ nếu không thế, Wittgenstein đã chỉ chuyên bàn về lô gích, chứ không có thêm những suy tưởng về đạo đức và cái chết như ở gần cuối tập sách.

Vài điểm đáng ghi nhận về hoàn cảnh xã hội của Wittgenstein. Vienna nơi ông ra đời là trung tâm văn hóa tư tưởng của đế quốc Austro-Hungarian, tuy nó đang suy tàn, nhưng vẫn còn rực rỡ với những tên tuổi như những nhạc sĩ Brahms, Mahler, họa sĩ Klimt và Schiele, và những nhà tư tưởng lớn như Sigmund Freud và Robert Musil. Gia đình Wittgenstein, như nhắc ở trên, là chỗ gặp mặt của hầu hết những tai mắt trong giới trí thức nghệ thuật Vienna, chính Wittgenstein cũng được giáo dục từ thơ ấu về âm nhạc. Ông được tiếp xúc rất sớm với triết lý Schopenhauer, triết gia duy ý, tác giả The World as Will and Representation sẽ đem lại một ảnh hưởng để cân bằng với ảnh hưởng của những nhà duy lý luận lý Frege và Russell.

Một khía cạnh khác nữa là phong trào Modernism ở đầu thế kỷ 20 trong văn học nghệ thuật, kể những khuôn mặt tiêu biểu: Pound, Eliot, và Joyce trong văn chương, Picasso và Kandinsky trong hội họa, Webern và Schonberg trong âm nhạc. Chủ nghĩa Modernism dấy lên từ sự sự bất mãn với những gì là trật tự, những lối cắt ngay xén thẳng trong suy tưởng, và sự khát khao tìm những phương cách diễn tả vừa mới, vừa phá đổ. Khát khao nhiều về hình thức hơn là nội dung: cách thức sự vật được xếp đặt ra sao để nói lên, đề biểu tả, thì cũng quan trong ngang như là chính sự vật, hay có phần còn hơn là chính sự vật. Dẫu sao đi nữa, chịu cơn gió của thời đại thổi mạnh, Wittgenstein có thể được xem như không tránh khỏi có phần nào thấm nhiễm tinh thần của thời đại, xét nỗ lực của ông – đổi mới suy tưởng – suy nghĩ lại bản chất của lô gich, có thể xem như chung dòng khát vọng tương tự với những người đồng thời, muốn hủy bó phương cách suy nghĩ theo đường thẳng, cũ mòn, và hệ thống ông nhắm xây dựng, và hình thức ông dùng nó để trình bày,  có mang kiến trúc chặt chẽ, cô đọng và có phần khắc khổ khác trước.


3.
Để có thể hiểu Tractatus cho đúng nội dung, ít nhất là gần nhất có thể được, theo như Wittgenstein, và sau đó nhận xét về nó cho cho công bình, chúng ta phải đối chiếu Tractatus với những lý thuyết triết học của Frege và Russell.

Gottlob Frege (1848–1925) vốn thường được xem như người đã sáng lập analytic philosophy.  Khích lệ trước sự chính xác chăt chẽ của toán học trong thể kỷ 19.  Frege khởi dựng những nỗ lực để cho thấy rằng những đúng thực trong toán học tất cả có thể rút ra từ lôgích, và chúng đã không phải dựa trên “trực giác thuần túy” như Kant đã biện luận. Chứng minh điều này, Frege đã khai mở ra khoa lôgích mới. Trong khi lôgích của Aristotle, không thay đổi gì xuốt hơn 2400 năm qua, đã chỉ dựa trên dạng thức chủ ngữ-thuật ngữ (subject-predicate) của ngữ pháp trong những mệnh đề. Lôgích của Frege phân tích mênh đề, giữa những khái niệm và đối tượng, cho phép một sự uyển chuyển rất lớn. Lấy thí dụ, lôgích cổ điển sẽ phân tích mệnh đề như “tất cả những con ngựa là loài có vú”, bằng cách phân nó thành chủ ngữ “ tất cả những con ngựa” và thuật ngữ “là loài có vú” . Frege phân tích thành đối tượng “ngựa” và khái niệm “có vú”. Phân tích theo Frege mệnh đề trên sẽ thành: “Với tất cả x, nếu x là một con ngựa, vậy x là một con loài có vú”.

Theo như Frege, những khái niệm là những hàm số (function) như trong toán học, nhưng áp dụng có phần rộng rãi hơn. Trong thí dụ trên, khái niệm “loài có vú” có thể được diễn tả như là hàm số “x là một loài có vú”, trong đó, bất kỳ đối tượng nào có thể được thế chỗ của x.  Bất kỳ hàm số nào cũng sẽ có nghĩa là một trong hai: hoặc là “đúng” (thí dụ, khi thay thế x bằng “cá voi”, “con bò”) hoặc là “sai” ( nếu x là “chợ Đông Ba”, “chim sẻ”).

Một trong những đóng góp đáng kể của Frege là quét sạch tâm lý học ra khỏi lôgích, và sự phân tích câu theo lối của Kant, với phân loại phán đoán phân tích và phán đoán tổng hợp tùy theo phương cách những phán đoán đó được tạo dựng như thế nào trong trí não. Frege nhấn mạnh sự phân biệt phân tích/ tổng hợp không có dính líu gì với tâm lý, hay não thức; nhưng đúng hơn là với sự biện chính. Một phán đoán có thể biện chứng bằng những phương tiện của lôgich mà thôi, là phán đoán phân tích, nhưng nếu biện chứng mà phải lấy dẫn chứng từ thế giới thì là phán đoán tổng hợp. Một cách thuyết phục, Frege cãi rằng ý nghĩa của câu phát biểu không có liên hệ với những gì xảy ra trong đầu chúng ta, nhưng tất cả là có liên hệ với cấu trúc lôgích nội tại của chúng.

Ảnh hưởng chính yếu thứ hai với Wittgenstein là có phần còn trực tiếp hơn, từ Bertrand Russell (1872–1970), vốn Wittgenstein đã theo học với vị này tại Cambridge. Chính Russell đã là một người ngưỡng mộ Frege, và đã khởi đi trên những thành quả của Frege với một chừng mức khá rộng. Công trinh chính của Russell lúc ấy, Principia Mathematica, soạn cùng với Alfred North Whitehead, đã là được hứng khởi từ những nỗ lực của Frege nhằm khai triển tất cả toán học từ những định đề lôgích.

Russell tìm thấy trong lôgich của Frege một nghịch lý cơ bản về lý thuyết tập hợp và đã trao đổi với Frege năm 1902, sau đó nghịch lý này thành nổi tiếng – được gọi là “Russell's Paradox[1], và “Theory of Types” của Russell là để giải quyết nghịch lý này. Không giống như Frege trước ông, hay Wittgenstein sau ông, Russell ngày càng ngả sang triết học duy nghiệm (empirical philosophy). Lý thuyết “Theory of Descriptions” của ông có ảnh hưởng rất lớn trên Wittgenstein. Vắn tắt Russell nói rằng chúng ta thông thường xử dụng ngôn ngữ thuần túy dựa trên những mô tả, những nói về (descriptions) – lấy tạm thí dụ, khi tôi nói “ vị nữ hoàng nước Anh”, tôi chỉ đưa ra một mô tả, một nói-về một người phụ nữ mà tôi không bao giờ được gặp, hay quen biết. Do đó trong “On denoting” nổi tiếng, ông đưa ra một lối phân tích ngôn ngữ để làm sạch đi những hàm hồ, cụ thể như trong trường hợp người ta nói về những cái không có (thí dụ nổi tiếng “Nhà vua đương thời nước Pháp thì hói đầu”), đưa đến tin tưởng vào những cái không có thực, vì có thể nói về chúng được, nghĩa là đưa đến những sai lầm. Để tránh, Russell đề nghị một cách phân tích, rồi đưa những phát biểu, thường là về những mệnh đề đơn giản hơn, qua đó thay thế chúng với những đối tượng chúng ta thực sự có quen biết với (acquainted with). Chỉ những dữ liệu giác quan, tức là những dữ liệu chúng ta tri giác được là những gì chúng ta có thực sự quen biết. Như thế, tất cả ngôn ngữ cuối cùng sẽ được phân tích xuống đến những nhận xét về dữ liệu trong hiện tại, hay trong quá khứ vốn chúng ta, qua một cách nào đó có quen biết trực tiếp.  Tôi diễn giải như thế, cũng để cho thấy rõ ràng khuynh hướng duy nghiệm của Russell về tri thức luận.

Frege và Russell cùng chia xẻ một quan điểm phổ quát về logich. Cả hai cùng xem logich như tập hợp nền tảng nhất bao gồm những luật lệ, chúng có thể áp dụng phổ quát, cùng khắp. Trong khi những luật của vật lý chỉ đối phó với những hiện tượng vật lý, luật của ngữ pháp chỉ đối phó với ngôn ngữ, những luật của logich đối phó và đáp ứng với tất cả.  Cả hai xem logich như cung cấp một khung dàn dựng cho tư tưởng trên đó xây dựng được sự hợp lý. Thứ lôgich này có thể được chuẩn hóa vào một số ít những tiên đề đơn giản, tự-hiển nhiên, và những qui luật để suy luận cũng không kém phần tự hiển nhiên. Những mệnh đề của logic sau đó có thể được suy ra từ những tiên đề này bằng những phương tiện của những luật  suy luận, và tất cả những mệnh đề này sẽ đứng vững như những luật của tư tưởng,  tất cả những suy tưởng phải tuân theo chúng, nếu muốn là hữu lý.

Một ảnh hưởng nữa với tư tưởng Wittgenstein đến từ một hướng hoàn toàn khác lạ, đó là từ triết gia duy ý người Đức Arthur Schopenhauer (1788–1860). Trong The World as Will and as Idea, Schopenhauer phân biệt hai tư thế của con người với kinh nghiệm. Một mặt là “thế giới như ý tưởng” – nghĩa là thế giới qua tri giác, hiện ra như những gì kinh nghiệm giác quan của chúng ta đem lại.  Về mặt kia, “thế giới như ý dục” nó bao gồm ý thức của chúng ta về chính chúng ta, với tư cách là một hữu thể, con người có thể định nghĩa thế giới theo như ý chí của mình. Và theo Schopenhauer, chỉ qua sự cảnh tỉnh này về chính mình, chúng ta mới có thể nắm bắt được bản chất chân thực của thực tại. Ơ cuối Tractatus, chúng ta mới thấy ảnh hưởng của Schopenhauer, nhưng toàn thể tập sách, vẫn có toát ra một viễn kiến đượm tính huyền bí, vốn không tìm thấy trong cả Frege lẫn Russell.

Tractatus là một tác phẩm gây nhiều tranh cãi ngay từ khi mới xuất bản, chỉ không hơn 75 trang cô đọng nhưng dành được dư luận và ảnh hưởng cho đến nay rất lớn lao – sự kiện này không thôi cũng là một hiếm họa trong lịch sử triết học. Nhóm những triết gia Logical positivism (hay logical empiricism, hay neo-positivism) qui tụ ở trường đại học Vienna – được gọi chung là Vienna Circle, phát triển ồn ào trong những năm 1920, 1930, là những người theo Tractatus nối tiếng nhất. Tuy nhiên, theo như đánh giá hiện nay được phần đông đồng ý, có một số điểm trong Tractatus nhóm này đã hiểu lầm, và thực sự họ đã vay mượn rất nhiều từ những lý thuyết duy nghiệm của Russell

Ảnh hưởng của Wittgenstein không chỉ trong giới triết học, ông là một trong những triết gia trong thế kỷ 20 đã thu hút được sự tưởng tượng rộng rãi của quần chúng. Người ta đọc ông nhiều, bàn cãi nhiều, lẫn lộn nhiều, và đặc biệt tác phẩm của ông đã gây hứng khởi cho nhiều văn gia, nghệ sĩ, và những nhà tư tưởng trong nhiều lĩnh vực.



[1] Let  R be the set of all sets which are not members of themselves. Then R  is neither a member of itself nor not a member of itself.

Symbolically, let  R =  {x : x  x }. Then  R R  iff  R R
  




Lê Dọn Bàn tạm dịch- bản nháp thứ nhất
(Aug, 2010)
http://chuyendaudau.blogspot.com/
http://chuyendaudau.wordpress.com