Nhân Đọc Thơ Ức Trai
斿山寺
短棹繫斜陽,
匆匆謁上方。
雲歸禪榻冷,
花落澗流香。
日暮猿聲急,
山空竹影長。
箇中真有意,
欲語忽還忘。
Du Sơn Tự
Đoản trạo hệ tà dương
Thông thông yết thượng phương
Vân quy thiền tháp lãnh
Hoa lạc giản lưu hương
Nhật mộ viên thanh cấp
Sơn không trúc ảnh trường
Cá trung chân hữu ý
Dục ngữ hốt hoàn vương (vong)
Nguyễn Trãi (1380–1442)
Ức Trai thi tập (1480)
Nghĩa chữ:
Trạo : mái chèo - Thông thông: vội vàng – yết: vào hầu chuyện, yết kiến – tháp: giường hẹp mà dài –giản: khe suối – lưu: nước chảy - Hốt: chợt – hoàn: nhanh chóng- vong (đọc vương cho nhập vận) : quên.
Dịch Nghĩa:
Đi chơi chùa trên vùng núi – Buộc mái chèo ngắn (lúc ấy đã) nắng chiều - Vội vàng lên (chùa trên) chốn cao để bái yết - Mây bay về phủ đầy trời, giường chùa lạnh lẽo- Hoa rơi giòng nước trôi mùi thơm.- Chiều xuống tiếng vượn kêu nhanh - Núi vắng bóng trúc in dài -Trong cảnh này thật có ý – (Nhưng) toan nói (bỗng) chợt quên hết sạch.
Dịch thơ:
Thăm chùa núi
Chèo ngắn buộc nắng chiều
Nhanh lên cao dâng hương
Mây về giường chùa lạnh
Hoa rụng giòng nước thơm
Ngày tàn tiếng vượn gấp
Núi vắng bóng trúc dài
Trong cảnh có thật ý
Muốn nói, chợt quên sạch
Phụ chú:
Hai câu 5-6: "Nhật mộ viên thanh cấp - Sơn không trúc ảnh trường" - Chúng đối nhau (ngũ ngôn luật thi) nên:
Nhật mộ v/s Sơn không > thời gian v/s không gian > ở đâu, lúc nào?
viên thanh v/s trúc ảnh > tiếng vượn (kêu) v/s bóng trúc (in) > chủ ngữ - cái gì? ai?
cấp v/s trường > thế nào?
đây là chỗ có cách hiểu khác biệt:
a. cấp và trường là thuật ngữ – thêm ý cho chủ ngữ, nhưng chúng là động từ - hay chỉ là trợ động từ ?
Nếu hiểu là động từ thì cả hai phải cùng là động từ, nhưng chữ cấp không thể là động từ đươc, chỉ là trợ động từ (trạng từ hay tĩnh từ - gọi chung là thuật từ) - có một động từ ngầm ở đây – (etre , to be ): tiếng vượn kêu ”thì” nhanh
Vậy trường cũng phải là thuật từ (trạng từ, hay tĩnh từ ) - bóng trúc “thì” dài.
Vậy tôi chỉ dịch: Ngày tàn tiếng vượn gấp - Núi vắng bóng trúc dài - Mà không dịch với ý chuyển động - (động từ) – là kéo dài, hay bò dài (ra).
Một cách hiểu theo tôi là “bóng trúc đổ dài trên lối đi – dài mãi cho đến cuối ngày thì bóng tự xóa lẫn vào cùng màu của đêm.” – Phút trước còn đó, phút sau đã mất, chỉ là hình với bóng!
b. Còn ý “sơn không” – trong tiếng Việt, cái gì “trống” có ý nó có thể chứa đựng (contenir) - dùng từ "trong", (nếu không có ý chứa - thì dùng "trên" - trên núi ). Thí dụ “vườn không nhà trống” - có ý "trong" vườn, bây giờ "trống" vì không còn .. Thơ tàu hay nói – “thư trung” (thư trung hữu nữ nhan như ngọc) hay “sơn trung”, trong sách, trong núi.
Ở đây “sơn không” có thể xem là vắn tắt của “sơn trung không” - trong núi, lớn rộng nên “chứa” cây, thú và người, nay chiều tàn, thú và người ra về, chỉ còn cây (tác giả dạo ngang rừng trúc) nên "trong" núi thành vắng vẻ, lối đi trống trải. Tôi dùng chữ “vắng”.
Một chữ, biết bao gốc gác, và phải chọn lựa. Dĩ nhiên, chỉ là một trong những chọn lựa và chọn lựa nào cũng chủ quan.
Lai lịch:
Bản dịch của nhóm Đào Duy Anh – có tựa 仙遊寺 (Tiên Du tự) – cho bài thơ này vịnh cảnh chùa Phật Tích (佛跡寺); còn gọi là chùa Vạn Phúc (萬福寺) ở núi Phật Tích, sườn phía nam (còn có tên: Lạn Kha, non Tiên), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Trong chùa này có tượng đức Phật bằng đá thời nhà Lý, lớn nhất Việt Nam.
Các bản khác – chỉ ghi là Du Sơn Tự: Đi thăm (một cảnh) chùa (ở trên) núi.
Tôi chép theo bản của:
Mai Quốc Liên, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Khuê & Kiều Thu Hoạch, Nguyễn Trãi Toàn Tập Tân Biên, tập I. TTNC Quốc Học & nxb VănHọc, HàNội, 1999, pp.29-31.
1.
Vào thơ: Lên núi và lên chùa:
Cả hai cùng đi lên – giữa không gian và trong tinh thần. Cho đến nay, trong tiếng Việt, bao giờ cũng là ‘lên’ chùa[1]. Một hành trình tâm linh. Nến thắp sáng trí, hương tẩy sạch tâm. Tâm và trí cùng đi lên.
Đi từ đâu, lên đến đâu? - Đi thuyền: bước xuống thuyền – xa đất, xa bờ. Xuống thuyền là bắt đầu chuyển sang một không gian khác lạ - Trên cao, mây như cao hơn và trời như rộng hơn. Trên bờ bỏ lại, thấy những gì quen thuộc như cây cối, đường xá, xe cộ, nhà cửa và cả đồi núi đều thay khác, vì nhìn qua góc độ khác. Không có gì thay đổi, chỉ mới có góc độ nhìn chuyển khác. Bước đầu của tu tập là thay cách nhìn sự vật, không phải thay đổi sự vật.
Đi thuyền còn là một khởi đầu của “sang sông” – quen thuộc trong Phật học, để qua bờ kia - đáo bỉ ngạn, vậy xuống thuyền là bước đầu của một hành trình. Ở đây, tác giả “xuống” thuyền, để “ghé” bến núi , “qua” rừng, rồi nhanh nhanh đi thẳng “lên” hướng cao, có chùa trên ấy.
Hình ảnh? Lên cao, nên lạnh và mây như gần hơn. Hoa rụng xuống giòng – sắc trôi hương tan. Bóng trúc in dài ngang lối đi, giữa núi vắng. Âm thanh? Tiếng vượn gấp gọi nhau vì ngày đang đi dần đến chỗ hết. Âm thanh không là tiếng chim, tiếng nước, tiếng cây lá lay động, hay tiếng gió qua rừng trúc, nhưng lại là tiếng vượn, phải chăng tiếng vượn kêu thì buồn? Tiếng sự sống từ đời tục lụy? Nước trôi, ngày đi, bóng trúc đổ dài – dài mãi cho đến cuối ngày thì bóng tự xóa lẫn vào cùng màu của đêm.
Trong thơ: đi giữa những gì đang đi, đến chốn lời mất đi:
Tất cả, diễn ra trong nhật mộ và tà dương – tất cả đậm dấu thời gian - là di và hành - là đi: vào thơ, chiều đang tàn, ngày đang đi, vội vàng đi lên, trên cao mây bay đi, dưới suối nước trôi đi, quanh đây hương đọng rồi sẽ tan đi, trong rừng, tiếng vượn kêu gấp gáp nhanh đi, bóng trúc đổ dài trên lối người đi. Giữa tất cả trong trạng thái đi, chính bản thân định nói, lời cũng chợt mất đi.
Cảnh ấy, tác giả thấy có “chân ý”. Ý gì vậy? Vô thường? Chắc không giản dị như vậy. Chúng ta không bao giờ có được câu trả lời chắc chắn. Một quân vương, cũng là một thiền giả trước Nguyễn Trãi, đã viết: "Cá trung tư vị vô nhân thức" về cảnh gió lộng sân chùa núi đêm trăng vằng vặc. "Chân ý" của Ức Trai, hay "tư vị" của Trần thái Tông [2] mãi mãi là của riêng hai vị. Với các thiền giả, thiên nhiên mở ra như những trang sách, một thứ sách ước, không chữ. Họ đọc thấy trong ấy, những gì đang tìm, đang quán chiếu, suy tưởng.
Sách không chữ, vì ghi những chân ý và tư vị không có lời để nói.
2.
Thiền ngữ: Cảnh và chân - ngữ và vong ngữ - tiệm tiến và đột nhiên.
Quan sát, sống trong hiện tượng vật giới, “trong cảnh” - thấy “chân” – thấy xong, “mất” lời. Là nhà thơ, nhưng cũng là một thiền giả, ông “đột nhiên” không thể dùng lời thường của nhà thơ để nói về cái thấy của nhà thiền được. Hốt - chợt quên sạch – quen thuộc với ngôn ngữ giác ngộ Thiền. Ngộ đến ngay, vượt thời gian, và đẩy người ta vào trạng thái “vong” – mất, ở đây là mất lời – khi đối diện trực tiếp với “chân ý”.
Hai câu mở, xuống thuyền, ghé bến núi, lên chùa cao, bái yết. Để lửng lơ, phải đợi đến câu cuối, mới hiểu đối tượng bái yết của tác giả: Chân Lý. Đối diện với “chân ý” trong “cảnh”, đây không phải lần đầu, tác giả đối diện chân lý, không phải lần “ngộ” đầu, dù lần nào cũng quên mất hết chữ nghĩa. Nên tác giả nhanh nhanh đi lên phái trên cao kia, để bái yết biểu tượng của chân lý, bái yết chân lý tối thượng: bái yết con người chứng ngộ chân lý tối thượng: đức Thế Tôn. Vậy hai câu 1-2 đã trọn ý "lên chùa lễ Phật".
Xuống thuyền, qua sông rồi buông bỏ thuyền, nếu không sẽ không bao giờ có bờ kia ! Ngôn ngữ trước hết là phương tiện như cái thang dùng để lên cao, nhưng đến một mức nào đó - quá cao, thang không thể với đến, thì phải bỏ thang. Lúc đối diện với “chân”, với “thực” mà còn nói, như còn cố bước trên những bậc ngoài-thang, sẽ ngã chết!
Đi chơi chùa vùng núi, bài thơ không đưa ra điều gì mới lạ về cảnh vật: trên cao mây tụ đầy, dưới dòng trôi hoa rụng , chiều xuống, bóng trúc in dài, tiếng vượn gọi đàn gấp gáp,…tất cả khá quen thuộc, và có chút phần ước lệ. Còn phần tác giả - cũng không nói về mình có điều gì độc đáo. Có chăng là cái nhìn, nhưng cái nhìn - ở câu cuối – trong cảnh có chân ý - Cái nhìn ấy cũng quen thuộc: thiền giả sau khi “ngộ” nhìn sông thấy vẫn là sông, hoa vẫn là hoa, “chân ý” có đến từ thực tại nhưng không thay đổi thực tại, còn ngôn ngữ để diễn tả chân lý? Nó bất lực, đừng cố gắng, vô ích. Mỗi người phải tự “chứng nghiệm” chân lý – sống-với nhưng không nói-về, dĩ nhiên đừng hài lòng với nghe-đến.
Duy tâm trong Phật học, không có nghĩa là phủ nhận thực tại hiện hữu–không nói rằng ngoại giới không có thực – chỉ chủ trương rằng – ngoại giới chúng ta nắm bắt được trong đời thường chỉ là sự tái tạo của tâm thức – là giả hợp của ngũ uẩn.
Từ Cảnh đến Chân – từ ngữ đến vọng ngữ - một hành trình không tiệm tiến nhưng đột nhiên. Thế còn từ thuyền đến chùa? Tác giả, chỉ cho biết là đi lên cao để bái yết – không thấy mấy cảnh chùa, chỉ nhắc qua giường chùa lạnh (tác giả dừng nghỉ?). Sau đó (câu 4-6) là cảnh vật quanh chùa núi, cho đến hai câu cuối - tác giả như đã thật đến “chùa” – đến được không gian tâm linh, trong cõi ấy, "chân ý" không nói bằng ngôn ngữ ước lệ thường tục được.
Khi một nhà thơ xác định sự bất lực của ngôn ngữ nói chung - ở đây là một nghịch lý - ông thôi không còn là nhà thơ, nhưng là một triết gia - ở trường hợp Nguyễn Trãi - xác định trước "chân ý" ngôn ngữ thành không, vô nghĩa, một cách thản nhiên - như lập lại một chân lý trong một truyền thống - ông là một thiền giả, như bao nhiêu những người trước và sau ông:
đi qua trần gian, sống, nhìn, nghe, nói - rồi hiểu và từ đó im lặng
Nhưng dẫu sao tác giả cũng đã nói đôi điều - Vậy tác giả nói gì? Có chăng ông chỉ xác định ông thuộc vào số đông các thiền giả đó. Không có gì độc đáo, mới lạ.
Đây là một quan niệm thơ – có hơi các bài kệ chứng ngộ của Thiền.
3.
Thiền và giới hạn của ngôn ngữ
Trong Phật học, cảnh giác về giới hạn của ngôn ngữ đã thành một nguyên lý chỉ đạo trong tu tập. Con người khi xử dụng ngôn ngữ, như một hệ thống ước định kết hợp các âm thanh và ý tưởng, trong nguyên ủy tự thân đã chấp định quan niệm lưỡng nguyên phân biệt Ngã và Tha và đó là gốc lớn của các mê vọng. Nagarjuna đã cặn kẽ trình bày cho thấy nếu một mệnh đề đưa ra để trình bày cái “chân” trong thực tại, nó không thể nào tránh được dẫm chân lên chính nó, trước sau rồi cũng dẫn đến nghịch lý. Theo Nagarjuna ngôn ngữ không thể “chỉ” trực tiếp vào chân lý sống động và biện chứng của sự vật, mà chỉ “trỏ” “gợi” “nhắc” những ý tưởng chết cứng. Do đấy, Nagarjuna đưa ra hai khái niệm chân đế và tục đế. Bởi ngôn ngữ là sản phẩm của con người dùng làm khí cụ truyền thông nên nó không bao giờ nắm bắt được sự vật tự tại. Candrakỉrti khi bàn về Nagarjuna (Prasannapada) nói thêm về tính bất chính xác và thiếu chân thực của ngôn ngữ. Truyền sang đất Tàu, Thiền tiếp tục tinh thần này, đẩy nó lên thành một truyền thống, trong đó nhấn mạnh sự kiện ngôn ngữ không thể trình bày được sự thực tuyệt đối. Chúng ta thường quên rằng chúng ta có tập quán suy nghĩ bằng ngôn từ, như thế ý tưởng của chúng ta vì vướng vào ngôn từ nên không thể đi đến hết con đường của nó. Các thiền sinh thường thực tập phá chấp ngôn ngữ. Trong nhiều công án, đối đáp giữa thày và trò, cho thấy sự lố bịch, bất lực của ngôn ngữ, và muốn nắm bắt chân lý, phải bỏ qua ngôn ngữ. Con đường đi đến giác ngộ có nhiều bước, một trong các bước đó, trước hết là phá chấp về ngôn ngữ.
Như đã viết ở trên, Thiền nhấn mạnh chân lý phải được “chứng thực” –sống-với chứ không nói-về, hay nghe-đến.
4.
Cuối bài thơ là sự im lặng
Trở lại bài thơ - buộc chèo vào nắng, bỏ thuyền lên bờ. Chiều của ngày hay của cả cuộc đời? thuyền của một chuyến đi, hay của tất cả những gánh nặng của gần hết đời người? Buộc chèo vào nắng, buộc những gánh nặng đời vào thời gian đang tàn, bỏ thuyền lên bờ, bỏ gánh, khởi một hành trình mới, đi lên, trên cao ấy.
Bờ là hoa rụng, hương tan theo giòng trôi, vượn kêu sầu, bóng trúc dài đổ vào đêm – tất cả trôi, chảy, tàn – mây (tạm) tụ trên cao, ở chốn lạnh lẽo chân lý không thể nói bằng lời.
Mây bay, hoa rụng, chiều tàn, núi vắng, hãy buộc chèo vào nắng.
Và lên bờ im lặng.
Bờ chưa phải là bờ kia – như nhưng đã là bờ im lặng – từ đây đến bờ chứng ngộ còn xa?
Cuối bài thơ là sự im lặng, dẫu năm trăm năm sau, đến từ những lối nhân sinh khác, trong một phương trời khác, giữa một truyền thống triết lý khác, ở cuối Tractatus Logico-Philosophicus, Wittgenstein cũng thốt lên tương tự:
5.
Sau Lệ Chi Viên - không còn ai:
Bảng tóm tắt các thoại tố trong Thị Lộ Nguyễn Trãi:
(click - mở lớn)
(click - mở lớn)
Nhắc đến Nguyễn Trãi, không thể quên Thảm án vườn Vải (Lệ Chi Viên) và huyền sử Rắn báo oán. Tôi phân tích cơ cấu của câu chuyện thành:
- Chuyện rắn báo oán là chuyện huyền thoại (legend)
- Chuyện Thị Lộ, có nhiều yếu tố không chắc là thật (dã sử)
- Chuyện Nguyễn Trãi chết với án tru di là lịch sử có thật (lịch sử)
Ba phần này lồng vào nhau. Cần tách ra khi phân tích để thấy cái hư được dùng để giải thích cái thật, hư và thật nối với nhau qua cái nửa-hư-nửa-thật.
Xem biểu đồ các thoại tố, sẽ thấy vì sao có chuyện rắn. Không ví Thị Lộ với rắn, mà là rắn là oán cừu hiện thành người, qua Thị Lộ, để báo phục:
rắn > chết đi sống lại > tái sinh > báo thù
Đói tượng của báo oán là:
nam > rắn là nữ
tướng công > rắn là hầu thiếp
thi hào > rắn biết thi phú
nòi tình > ả bán chiếu gon xinh đẹp
Chuyện Thị Lộ là sáng tạo tài tình của dân gian. Trước cái chết oan khốc của người anh hùng họ Nguyễn, họ tìm một lời giải đáp, chọn những biểu tượng để có thể kể đi truyền lại giữa công nhiên. Trong điều kiện lịch sử của họ, chỉ có thể mượn việc "nghiệp báo, rắn trả thù" làm cái cớ để kể câu chuyện, để giải thích cho lòng ngậm ngùi được tạm yên. Khéo dùng cái motif rắn báo oán phổ thông, họ đã đem đến người nghe và chúng ta cái tin về chung cuộc của dòng Nguyễn Nhị Khê.
Chuyện là rắn báo oán, nhưng dấu trong đó là thông điệp với dữ kiện về cái chết của Nguyễn tướng công. Cái chết của ông được truyền đi khắp chốn dân gian cho mọi người cùng biết. Nhờ nghệ thuật của huyền thoại, dân gian đã thách đố chế độ phong kiến, viết bia miệng, sử miệng . Truyền lại cho đời sau chẳng những sự thảm khốc của cái chết, nhưng còn sự xúc động của dân chúng đương thời.
Cái chết này không là cổ tích, nó là sử, là chuyện thật, đã xảy ra, dù chúng ta không có trọn vẹn những chi tiết [4]. Lệ Chi Viên đến nay vẫn còn là một nghi án lịch sử. Nhưng với những gì được biết, Cuộc giết hại này là hậu quả của những chanh chấp quyền lực và tư tưởng trong triều đình nhà Lê thời mới dựng. Ý tưởng muốn phục hồi lại tư tưởng tam giáo Nho Phật Lão rộng rãi đời Trần[5] của Nguyễn Trài gặp sự chống đối mạnh mẽ của nhóm Tống Nho mới lớn mạnh từ thời Lê. Uy tín của tác giả Quân Trung Từ Mệnh Tập tuy lớn lao nhưng những đề nghị cải cách của ông về tư tưởng, văn hóa sau khi nước nhà độc lập không được nghe theo, ông đã trả ấn tể tướng, lui về ở ẩn tại Côn Sơn:
Chiếc thuyền lờ lững bên sông
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay
Chắc chi thiên hạ đời nay
Mà đem tâm sự làm rầy chiêm bao [6]
Nguyên nhân trực tiếp khiến ông bị giết còn có thể vì có liên hệ hoặc bị nghi là có liên hệ với việc tranh ngôi giữa các hoàng tử chốn triều đình lúc đó. [7]
Thị Lộ không phải là "người yêu" của Nguyễn tướng công, ít nhất không theo như lối hiểu của vài tác giả ồn ào ngày nay. Gặp nhau ở Đông Đô, Nguyễn còn là văn nhân hàn vi, Thị Lộ (tương truyền) là cô gái bán chiếu, Khi cùng vào Lam Sơn (1420-23), Nguyễn mới ở tuổi 40, Thị Lộ đã ở tuổi 20. Duyên thi ca văn tự, rồi cảm ngộ tài năng, và cùng chí hướng đưa hai người gần nhau thành bạn đời.
Qua Lệ Chi Viên, Người nghe nhận ra thông điệp của câu chuyện là cái chết của Nguyễn Trãi. Câu chuyện là bài ai điếu của người dân Việt khóc vị anh hùng Việt! Trong các ẩn tượng, ẩn ngữ của nó.
Lê Dọn Bàn
(Sep/01/2009)
[1] “Đi” chùa có nghĩa “đi lên” chùa. “Vào” chùa: thường là chùa nhỏ, nếu lớn thì lên chùa rồi vào chánh điện . Chùa lớn , có thể lên chùa (ngoạn cành) mà không vào (chánh điện, lễ lạy, dâng hương) – có “xuống núi” (nghĩa khác), nhưng không bao giờ có “xuống chùa”.
[2] Ký Thanh Phong am tăng Đức Sơn
Phong đả tùng quan, nguyệt chiếu đình,
Tâm kỳ phong cảnh cộng thê thanh.
Cá trung tư vị vô nhân thức,
Phó dữ sơn tăng lạc đáo minh.
Dịch nghĩa:
Gửi nhà sư Đức sơn ở am Thanh phong
Cổng tùng gió đập, đình sáng trăng,
Lòng với cảnh cùng lạnh trong.
Ở trong có vị riêng không ai hay,
Giao hết cho nhà sư ở núi vui đến sáng.
Trần Thái Tông (1218-1277)
[3] Tractatus Logico-Philosophicus (1921) là văn bản triết học đầu tay của Ludwig Wittgenstein (1889-1951), rất cô đọng, chỉ có khoảng 75 trang. Điểm nổi bật nhất của tác phẩm này là sự xác định giới hạn của ngôn ngữ khi diễn bày tư tưởng, nhìn trong tương hệ giữa “lời” và “sự vật” – hay đúng hơn giữa Logos và thể dạng của sự vật (ousia). Theo W, ngôn ngữ, tư tưởng, và thực tại có chung một nền tảng cấu trúc logic, vì thế các từ logic có thể hoàn toàn dùng để biểu tả tư tưởng và thực tại. (Language, thought, and reality share a common structure, fully expressible in logical terms). Mỗi mệnh đề trong ngôn ngữ là một “hình ảnh của thực tại” ("a picture of reality.")
Học triết với Bertrand Russell tại Cambridge, Wittgenstein trở thành khuôn mặt nổi tiếng nhất của phái triết học phân tích (analytic philosophy), và cũng được đánh giá là triết gia lớn nhất của thế kỷ XX, W đem các thành tựu mới của khoa luận lý (modern logic) áp dụng vào ngôn ngữ, đưa ra một cái nhìn mới về sự tương hệ giữa thực tại, tư tưởng và ngôn ngữ, và soi chiếu vào chính bản chất của triết học, nhất là siêu hình học. Dựa trên logicism, Wittgenstein có tham vọng giải quyết một lần cho xong các vấn đề của triết học - ông đánh đồng tư tưởng và ngôn ngữ, rồi gạt qua một bên các vấn đề về thiện/ác, đẹp/xấu và siêu hình (hiện hữu, tri thức, giá trị), vì những "thứ đó" không "nói" (saying) được, bởi chúng không là sự kiện (facts) của thực tại. Có chăng chỉ có thể chỉ ra (showing) mà thôi. Câu dẫn trên là câu cuối cùng của bảy câu chính - kết thúc Tractatus Logico-Philosophicus:
Whereof one cannot speak, thereof one must be silent
(Wovon man nicht sprechen kann, darüber muss man schweigen.) That which you cannot talk about you must be silent about.
Cuối thế kỷ XX của truyền thống duy lý phương Tây, Wittgenstein đã chạm đến bờ giới hạn của ngôn ngữ.
Như thế, sau Nagarjuna hai nghìn năm, Wittgenstein nói đến một thứ “chân đế” mà ngôn ngữ thông tục không thể diễn tả - đến chỗ đó, thì im lặng (a realm about which one can say nothing).
[4] Nguyễn Triệu Luật, Rắn báo oán, Bốn Phương, Saigon. không nhớ năm in.
[5] Thân phụ Ng Trãi là Nguyễn Phi Khanh đỗ thái học sinh đời Trần, ngoại tổ là Trần Nguyên Đán (dòng dõi Trần quang Khải) tư đồ (tể tướng) triều Trần - Cha ông vốn là thầy học tại gia của chính mẹ ông, hai người yêu nhau, có thai, bỏ trốn, đã được ông ngoại là quan tư đồ gọi về tha thứ, cho làm lễ thành hôn. Đó là tình và chuyện thày lấy trò. Không có trong lễ giáo Khổng Mạnh! Chuyện này cho thấy ông sinh trưởng trong một gia đình có tư tưởng rộng rãi, vượt khuôn hình giáo điều Nho giáo.
[6] Tương truyền là của Ng Trãi.
[7] Hoàng tử (thứ 4) Tư Thành, cùng mẹ (Ngô Thị Ngọc Dao) vốn trước được chính Ng Trãi và Thị Lộ cứu giúp, sau lên ngôi là Lê Thánh Tôn. Năm 1464, Thánh Tôn xuống chiếu giải oan, truy dụng con cháu Ng Trãi, nhưng các trước tác của ông, sau 25 năm bị hủy, cấm, đã mất gần hết. Riêng phần thơ chữ hán, Trần Khắc Kiệm thu tập trong 12 năm, chỉ được 100 bài, xếp thành 3 tập, đặt tên Ức Trai Thi Tập - đề tựa năm 1480.