Wednesday, June 30, 2010

Bertrand Russell - Lịch sử Triết học phương Tây (13)

Bertrand Russell
Lịch sử Triết học phương Tây
(tiếp theo)

Quyển Một – Triết học Cổ thời

Phần II. Socrates, Plato, và Aristotle




Chương 16. Lý thuyết của Plato về sự Bất tử.


Bản văn đàm thoại được gọi theo tên của Phaedo [1] đáng chú ý về nhiều phương diện. Nó có mục đích mô tả những giờ phút cuối trong đời của Socrates: cuộc trò chuyện của ông liền trước khi ông uống thuốc độc hemlock, và ngay sau đó, đến khi ông lịm đi, mất hữu thức. Đàm thoại này trình bày lý tưởng của Plato về một con người, người ấy vừa khôn ngoan vừa tốt lành ở mức độ cao nhất, và người ấy hoàn toàn không sợ cái chết. Socrates trước cái chết, như được Plato trình bày, đã là quan trọng về đạo đức, cả trong cổ đại và trong hiện đại. Những gì Phúc âm giải thích về sự thống khổ và sự đóng đinh hành hình đã là với những tín đồ Kitô, thì Phaedo đã là với những người ngoài đạo Kitô, hay những triết gia tự do từ chối không tin [2]. Nhưng sự bình tĩnh không nao núng của Socrates trong giờ cuối cùng của ông đã buộc với niềm tin của ông vào sự bất tử, và Phaedo là quan trọng như đã nói rõ ra, không chỉ cái chết của một kẻ tuẫn đạo, nhưng cũng nhiều những học thuyết vốn về sau đã thành của đạo Kitô. Thần học của St. Paul và của những vị dựng đạo (Kitô) đã phần lớn bắt nguồn từ nó, trực tiếp hoặc gián tiếp, và khó có thể hiểu được, nếu bỏ qua Plato.

Một đàm thoại trước đó sớm hơn, Crito, kể lại như thế nào một số những bạn bè và học trò của Socrates đã sắp xếp một kế hoạch hầu ông có thể trốn thoát đến Thessaly. Có lẽ những nhà chức trách thành Athens đã rất vui mừng nếu như ông đã trốn thoát, và kế hoạch đã đề nghị có thể được giả định là đã rất có khả năng thành công. Tuy nhiên, Socrates đã không muốn dính với nó một chút nào. Ông đã tranh luận rằng ông đã bị lên án theo như luật định, và rằng sẽ là sai nếu làm bất cứ điều gì bất hợp pháp để tránh sự trừng phạt. Ông tuyên bố trước tiên nguyên tắc mà chúng ta liên kết với Bài giảng trên Núi [3], rằng “chúng ta không nên lấy ác trả ác cho bất kỳ một ai, dẫu bất cứ điều tai ác nào mà kẻ ấy làm chúng ta phải chịu đau khổ”. Sau đó ông tưởng tượng mình tham gia vào một cuộc đàm thoại với những luật lệ của thành Athens, trong đó chúng chỉ ra rằng ông nợ chúng một thứ kính trọng loại như của đứa con trai với người cha, hoặc của một nô lệ với chủ mình, nhưng lại ở một mức độ còn cao hơn nhiều; và hơn nữa, mọi công dân Athens được tự do di cư nếu anh ta không thích nhà nước Athens. Những luật lệ kết thúc một bài diễn văn dài với những từ:

Vậy nghe đây, Socrates, với chúng ta, những người đã nuôi dưỡng bạn lớn lên. Đừng nghĩ về cuộc đời và con cái trước, rồi mới công lý sau đó, nhưng về công lý trước tiên đã, rằng bạn có thể được biện minh trước những quân vương của chốn thế giới bên dưới này. Bởi vì sẽ không phải bạn, cũng không phải những gì thuộc về bạn sẽ được hạnh phúc hơn, hay thánh thiện hơn, hay công chính hơn trong cuộc đời này, hoặc hạnh phúc hơn trong một đời khác, nếu như bạn làm như Crito đề xướng. Bây giờ, bạn ra đi trong sự trong trắng, một người chịu khổ đau nhưng không phải là một kẻ làm khổ ác; là nạn nhân, không phải của pháp luật, nhưng của con người. Nhưng nếu bạn tiến lên trước, trả ác cho ác, và gây thương tật cho thương tích, phá vỡ những giao ước và những thỏa thuận mà bạn đã làm với chúng ta, và tạo bất công với những người mà trên tất cả, bạn nên ít nhất đừng nên bất công, đó là nói đến, bản thân bạn, những bạn bè của bạn, đất nước bạn, và chúng ta, chúng ta sẽ tức giận với bạn trong khi bạn sống, và anh em của chúng ta, luật pháp trong chốn thế giới bên dưới, sẽ đón nhận bạn như một kẻ địch; bởi vì họ sẽ biết rằng bạn đã làm hết mọi cách của bạn để phá hủy chúng ta.

Tiếng nói này, Socrates nói, “Tôi dường như nghe vo ve trong tai của tôi, giống như âm thanh tiếng sáo trong tai của sự thần bí”. Ông quyết định, theo với như thế, rằng đó là nhiệm vụ của ông để ở lại, và chấp hành bản án tử hình.

Trong Phaedo, giờ cuối cùng đã đến; ông được tháo bỏ xích trói, và ông được cho phép tự do trò chuyện với những bạn bè của mình. Ông gửi vợ ông đương khóc đi khất, để đau buồn của bà không thể chen vào quấy rầy thảo luận.

Socrates bắt đầu bằng duy trì rằng, mặc dù bất kỳ một người nào có tinh thần của triết học sẽ không sợ chết, nhưng trái lại, sẽ chào đón nó, nhưng ông sẽ không tự tử, vì điều ấy đã được chủ trương là trái pháp luật. Bạn bè của ông hỏi lý do tại sao tự tử được chủ trương là trái pháp luật, và trả lời của ông, vốn nó thuận theo với giáo lý của của đạo Orphic, là gần như chính xác những gì một người đạo Kitô có thể nói. “Có một học thuyết đã thì thầm trong bí mật rằng con người là một tù nhân, người đó không có quyền mở cửa và chạy đi, đây là một điều bí ẩn hết sức lớn lao mà tôi không hoàn toàn hiểu được”. Ông so sánh quan hệ của người với Gót như của gia súc với chủ của chúng, bạn sẽ tức giận, ông nói, nếu con bò của bạn dành lấy cái quyền tự do tự làm nó mất đi, và như thế “có thể có lý do để nói rằng một người nên chờ đợi, và không tự mình hủy đời mình cho đến khi Gót triệu gọi anh ta, giống như ông ta bây giờ đương triệu gọi tôi”. Ông không đau lòng lúc sắp chết, vì ông đã được thuyết phục “ở chỗ đầu tiên, là tôi sắp đi đến những vị gót khác, những vị khôn ngoan và tốt lành (với họ, tôi chắc chắn như tôi có thể được về bất kỳ những vấn đề nào loại như vậy), và thứ hai (mặc dù tôi không chắc chắn lắm về điều cuối này) đến với những người đã ra đi, tốt hơn so với những người mà tôi bỏ lại đằng sau. Tuy nhiên, tôi có hy vọng khá tốt đẹp rằng sẽ có một điều gì đó còn lại cho người chết, một số điều có lắm phần cho sự tốt lành hơn là cho cái ác độc”.

Cái chết, Socrates nói, là sự tách biệt của hồn người và thân xác. Chỗ này, chúng ta đến dưới thuyết nhị nguyên của Plato: giữa thực tại và biểu hiện, những ý tưởng và những đối tượng cảm giác, lý trí và nhận thức-từ-giác quan, hồn người và thân xác. Những cặp đôi này kết nối với nhau: cái đầu tiên trong mỗi cặp là cao cấp hơn cái thứ hai, cả trong thực tại và trong sự thiện hảo. Một đạo đức khổ hạnh đã là hệ quả tự nhiên của thuyết nhị nguyên này. Đạo Kitô đã thụ nhận học thuyết này một phần, nhưng không bao giờ toàn trọn. Đã có hai trở ngại. Điều đầu tiên là sự sáng tạo của thế giới hữu hình, nếu như Plato đã đúng, có thể đã là một hành vi tà ác, và như thế, đấng Sáng tạo không thể là thiện. Điều thứ hai là Kitô chính thống đã không bao giờ có thể đem tự nó đến lên án hôn nhân, mặc dù nó chủ trương sống độc thân là cao thượng hơn. Những tín đồ của đạo Mani [4] đã nhất quán hơn nhiều về cả hai phương diện.

Sự phân biệt giữa não thức và vật chất, vốn đã trở thành phổ biến trong triết học và khoa học và tư tưởng phổ thông, có một nguồn gốc tôn giáo, và đã bắt đầu như là sự phân biệt của hồn người và thân xác. Orphic, như chúng ta đã thấy, tuyên bố mình là con của đất và trời đầy sao, thân xác đến từ đất, hồn người đến từ trời. Đó là lý thuyết này mà Plato tìm cách biểu tả trong ngôn ngữ của triết học.

Socrates, trong Phaedo, ngay lập tức tiến tới phát triển ý nghĩa khổ hạnh trong chủ thuyết mình, nhưng chủ thuyết khổ hạnh của ông thuộc một loại ôn hoà và thanh lịch. Ông không nói rằng những triết gia nên hoàn toàn kiêng tránh những lạc thú thông thường, nhưng chỉ nên đừng làm một nô lệ cho chúng. Triết gia không nên bận tâm về ăn và uống, nhưng dĩ nhiên nên ăn cho đủ mức cần thiết, không có đề nghị nhịn ăn. Và chúng ta đã nghe kể rằng Socrates, mặc dù dửng dưng với rượu, gặp dịp, có thể uống nhiều hơn bất kỳ ai khác, mà không bao giờ trở thành say sưa. Không phải ông lên án sự uống rượu, nhưng sự lạc thú trong uống rượu. Theo cách như thế, triết gia phải không quan tâm đến những lạc thú của tình yêu, hoặc của y phục tốn kém, hoặc săng đan, hoặc những đồ trang sức cho thân thể. Ông phải là hoàn toàn quan tâm với hồn người, và không với thân xác. “Ông mong thích, nhiều đến mức ông có thể, bỏ thoát xa khỏi thân xác, và để quay sang hồn người”.

Hiển nhiên rằng học thuyết này, nếu đã được phổ biến, đã sẽ trở thành khổ hạnh, nhưng trong chủ định của nó, nói cho đúng, không phải là khổ hạnh. Triết gia sẽ không kiêng với một nỗ lực chối từ khoái lạc từ giác quan, nhưng sẽ nghĩ đến những thứ khác. Tôi đã được biết nhiều triết gia, những người quên bẵng bữa ăn của họ, và mải đọc một cuốn sách, đến cuối cùng họ cũng đã ăn. Những người này đã hành động như Plato nói họ nên làm: họ đã không kiêng cữ thói tham ăn, bằng một nỗ lực đạo đức, nhưng đã quan tâm nhiều hơn với những vấn đề khác. Rõ ràng là những triết gia nên lập gia đình, và có con, và nuôi dạy con trẻ, cũng trong cùng cách đãng trí như thế, nhưng bởi vì sự giải phóng phụ nữ, điều này đã trở thành khó khăn hơn. Chả trách Xanthippe [5] đã là một người đàn bà đanh đá.

Những triết gia, Socrates tiếp tục, cố gắng cắt đứt hồn người khỏi sự hiệp thông với thân xác, nhưng trái lại người khác nghĩ rằng đời sống là không đáng sống nếu như một người “không có cảm giác về khoái lạc và không dự phần chi với khoái lạc thân xác”. Trong câu này, có vẻ như Plato, có lẽ vô tình – để ủng hộ quan điểm của một tầng lớp nào đó của những nhà luân lý, rằng cái đáng xem kể là chỉ những khoái lạc thân xác. Những nhà luân lý này chủ trương người nào không tìm kiếm những khoái lạc của giác quan phải hoàn toàn kiêng tránh hết thảy mọi niềm vui, và sống đạo hạnh. Đây là một sai lầm vốn nó đã gây hại không kể xiết. Xa đến mức có thể chấp nhận được về sự phân chia não thức và thân xác, những khoái lạc tồi tệ nhất, cũng như tốt nhất, là thuộc về trí não – thí dụ, ghen tị, và nhiều những hình thức đối xử tàn ác, và yêu thích quyền lực. Satan của Milton trỗi cánh vượt cao khỏi đày đoạ thân xác, và dành hết sức mình vào một công việc của phá hủy, từ đó ông rút ra một khoái lạc vốn nó hoàn toàn thuộc về của não thức. Rất nhiều người nổi tiếng trong giới thày chăn chiên nhà thờ, sau khi đã từ bỏ những lạc thú của cảm giác, và đã không cảnh giác về những thứ khác, đã trở nên bị tình yêu quyền lực thống trị, vốn nó đã dẫn họ đến những tàn ác kinh hoàng, và những sự đàn áp bạo hành, trên danh nghĩa vì tôn giáo. Trong thời đại của riêng chúng ta, Hitler đã thuộc mẫu người này; bằng tất cả những kết toán, những vui thú của giác quan đã có tầm quan trọng rất ít ỏi với ông ta. Giải phóng khỏi sự khống chế độc đoán của thân xác góp phần vào sự lớn lao, nhưng cũng đúng bằng như thế với lớn lao trong tội lỗi và đúng bằng như thế lớn lao trong đức hạnh.

Tuy nhiên, đây là một ngoài đề, từ bỏ nó, chúng ta phải trở về với Socrates.

Bây giờ chúng ta đi đến phương diện trí thức của tôn giáo mà Plato (đúng hay sai) qui về cho Socrates. Chúng ta được bảo rằng thân xác là một chướng ngại trong sự thu tập kiến thức, và rằng thị giác và thính giác là những chứng nhân không chính xác: hiện hữu chân thực, nếu như có tiết lộ với hồn người chăng đi nữa, tiết lộ qua suy tưởng, không phải qua cảm giác. Chúng ta hãy xem xét, ở đây một chút, những nội dung hàm ngụ trong học thuyết này. Nó bao gồm một phủ nhận hoàn toàn kiến thức thực nghiệm, bao gồm tất cả lịch sử và địa lý. Chúng ta không thể biết được rằng đã có một chốn như Athens, hoặc đã có một người như Socrates, cái chết của ông, và sự can đảm của ông trong cái chết, thuộc về thế giới của biểu hiện. Nó chỉ là qua thị giác và thính giác mà chúng ta biết được một bất-kỳ-gì về tất cả những điều này, và triết gia đích thực bỏ qua những gì xem thấy và nghe thấy? Thế vậy, cái gì còn lại cho ông? Đầu tiên, lôgích và toán học, nhưng đây là những giả thuyết, và chúng không biện minh cho bất kỳ một phạm trù khẳng định nào về thế giới thực tại. Bước kế tiếp – và đây là một mấu chốt rất quyết định – phụ thuộc vào ý tưởng về sự tốt đẹp. Sau khi đã đi đến ý tưởng này, nhà triết học được giả định là biết rằng cái tốt là cái thực, và do đó có khả năng để suy đoán rằng thế giới của những ý tưởng là thế giới thực. Những triết gia về sau đã có những lập luận để chứng minh khuôn mặt nhận diện của cái thực và cái tốt, nhưng Plato xem dường đã giả định là chúng tự hiển nhiên. Nếu chúng ta muốn hiểu ông về mặt giả thuyết, chúng ta phải, cho rằng giả định này đã được nhận là đúng.

Tư tưởng là tốt nhất, Socrates nói, khi não thức là tập trung vào chính nó, và không bị những âm thanh, hoặc những cảnh tượng, hoặc đau đớn, hoặc khoái lạc, chúng quấy nhiễu, nhưng buông bỏ thân xác và bay lên với tồn sinh đích thực; “và trong điều này, triết gia rẻ rúng thân xác”. Từ điểm này, Socratesr tiếp tục đi đến những ý tưởng, hay những thể dạng, hay những yếu tính. Có công lý tuyệt đối, cái đẹp tuyệt đối, và cái tốt tuyệt đối, nhưng chúng không nhìn thấy bằng mắt được. “Và tôi nói không chỉ về những điều này mà thôi, nhưng về sự vĩ đại tuyệt đối, và sức khỏe, và sức mạnh, và về yếu tính hay là của bản chất chân thực của tất cả mọi thứ”. Tất cả những điều này chỉ có thể được nhìn thấy bằng thị kiến của trí tuệ. Thế nên. trong khi chúng ta còn trong thân xác, và trong khi hồn người còn bị ô nhiễm vì những xấu ác của thân xác, khao khát về sự thật của chúng ta sẽ không được thỏa mãn.

Quan điểm này loại trừ quan sát khoa học và kinh nghiệm như những phương pháp để đạt được kiến thức. Trí não của người làm thí nghiệm thì không phải là “tập trung vào chính nó”, và không có mục đích nhằm tránh những âm thanh hoặc những cảnh tượng. Hai loại hoạt động não thức có thể được theo đuổi với phương pháp Plato đề nghị là toán học và sự nhìn thấu thần bí. Điều này giải thích làm sao cả hai đã đi đến được kết hợp hết sức mật thiết như thế trong Plato và phái Pytagoras.

Với những người theo chủ nghĩa duy nghiệm, thân xác là cái mang đến cho chúng ta sự tiếp xúc với thế giới thực tại bên ngoài, nhưng với Plato nó là là tà ác đến hai lần, như là một phương tiện truyền thông xuyên tạc, làm cho chúng ta như nhìn qua một cái cốc tối đen, và như một nguồn của những dục vọng vốn nó phân trí chúng ta khỏi sự theo đuổi kiến thức và thị kiến về sự thật. Một vài trích dẫn sẽ làm sáng tỏ điều này:

Thân xác là nguồn gốc khốn khổ bất tận của chúng ta, chỉ lý do đơn thuần đòi hỏi về cái ăn uống; và cũng chịu nguy hiểm những bệnh tật, nên chúng vượt chiếm và cản trở chúng ta trong việc dõi tìm bản thể đích thực: nó tràn chúng ta ngập với những yêu thương, và những tham dục, và những sợ hãi, và những mộng tưởng thuộc đủ mọi loại, và sự cuồng dại vô tận, và trong thực tế, như là người ta nói, tước chúng ta mất hết sạch tất cả sức mạnh của suy tưởng. Do đâu những chiến tranh xảy đến, và đánh nhau, và những chia rẽ phe phái? Do đâu nếu không phải từ thân xác và những dục vọng của thân xác? Đã có những chiến tranh từ yêu thích tiền bạc gây ra, và tiền bạc đã phải vơ vét chỉ vì mục đích và phụng sự cho thân xác; và vì lý do của tất cả những chướng ngại này chúng ta không có thì giờ dành cho triết học, và cuối cùng và tệ nhất hết thảy, ngay dẫu khi chúng ta nhàn nhã dấn mình vào một vài suy tưởng, thân xác luôn luôn chen vào, gây hỗn loạn và lẫn lộn trong những tra cứu của chúng ta, và chúng ta đã bị ngăn khỏi, không nhìn thấy sự thật, cái cách lạ lẫm như thế. Kinh nghiệm đã chứng minh cho chúng ta rằng nếu chúng ta rồi sẽ có kiến thức thật sự về bất cứ điều gì, chúng ta phải bỏ thân xác đi – hồn người tự nó phải ngắm nhìn những sự vật trong tự thân của chúng: và sau đó chúng ta sẽ đạt được khôn ngoan mà chúng ta mong muốn, vốn chúng ta nói chúng ta là những người yêu thích khôn ngoan ấy, không phải là khi chúng ta đương sống, nhưng là sau khi chết: vì nếu trong lúc còn đồng hành với thân xác, hồn người không thể có kiến thức thuần khiết, kiến thức phải đạt được sau khi chết, nếu như có được chút nào tất cả.

Và như thế, sau khi thoát khỏi sự ngu dại của thân xác, chúng ta sẽ thuần khiết và trò chuyện với sự thuần khiết, và biết với chúng ta cái ánh sáng rõ ràng ở khắp mọi nơi, mà là không gì khác hơn ngoài ánh sáng của sự thật. Bởi vì vẩn đục là không được phép tiếp cận thuần khiết.... Và cái gì là sự thanh lọc nếu không là sự tách biệt hồn người khỏi thân xác? ....Và sự thanh lọc và giải thoát này của hồn người khỏi thân xác được gọi là cái chết... Và những triết gia thật sự, và chỉ họ mà thôi, đã vẫn từng tìm cách giải thoát hồn người.

Chỉ có một đồng tiền đích thực mà tất cả mọi thứ nên dùng nó để trao đổi, và đó là khôn ngoan trí tuệ.
Những người sáng lập của những chủ thuyết huyền bí hiện ra có một ý nghĩa thực sự, và đã không nói chuyện vô nghĩa khi họ đã gợi cho biết trong một hình ảnh đã xưa lắm, rằng ai trải qua không thánh hoá và không khải nhập  [6] kẻ ấy đi xuống thế giới dưới đây sẽ nằm trong một bãi lầy sa đoạ, nhưng ai đến đó sau sự khải nhập và thanh lọc sẽ ngụ cư với những vị gót. Như họ nói trong những bí ẩn, có nhiều người là những người mang cây thyrsus [7] , nhưng ít người là những nhà thần bí, theo như tôi hiểu nghĩa những từ ngữ, chỉ những triết gia đích thực.

Tất cả ngôn ngữ này là huyền bí, và có nguồn gốc từ những bí ẩn. “Thanh tẩy” là một khái niệm trong đạo Orphic, chủ yếu có một ý nghĩa nghi lễ, nhưng đối với Plato, nó có nghĩa là tự do khỏi ách nô lệ của thân xác và những nhu cầu của nó. Thật thú vị khi thấy ông nói rằng những chiến tranh gây ra bởi yêu thích tiền bạc, và tiền bạc là cần thiết chỉ cho những dịch vụ của thân xác. Nửa phần đầu của quan điểm này là tương tự như của Marx đã chủ trương, nhưng nửa phần thứ hai thuộc về một viễn cảnh rất khác biệt. Plato nghĩ rằng một người có thể sống bằng rất ít tiền, nếu như có những nhu cầu mong muốn giảm xuống mức tối thiểu, và không nghi ngờ gì điều này là đúng. Tuy nhiên, ông cũng nghĩ rằng một triết gia nên được miễn lao động chân tay; như thế, ông phải sống trên sự giàu có do những người khác tạo ra. Trong một nhà nước rất nghèo có thể sẽ không có những triết gia. Đã là chủ nghĩa đế quốc của Athens trong thời đại của Pericles nó đã làm thành có-thể-được cho những người Athens nghiên cứu triết học. Nói cho rộng ra, những phẩm vật trí tuệ đúng là cũng đắt tiền hơn nhiều những hàng hóa vật chất, và đúng là chỉ hơi độc lập với những điều kiện kinh tế. Khoa học đòi hỏi những thư viện, những phòng thí nghiệm, những kính thiên văn, những kính hiển vi, và vân vân, và những nhà khoa học phải được lao động của những người khác nuôi dưỡng. Nhưng đối với chủ nghĩa thần bí tất cả những điều-này là ngu dại. Một “ông đạo” ở Ấn Độ hay Tibet không cần những dụng cụ, chỉ mặc một miếng khố vải, chỉ ăn gạo, và được lòng từ thiện rất đạm bạc nuôi dưỡng, vì ông được cho là khôn ngoan. Đây là sự phát triển một cách lôgích từ quan điểm của Plato.

Để trở về với Phaedo, Cebes phát biểu nghi ngờ về sự tồn tại của hồn người sau khi chết, và thúc giục Socrates cung cấp những luận chứng. Ông tiến đến thực hiện điều này, nhưng phải nói là những luận chứng rất nghèo nàn.

Luận chứng đầu tiên là tất cả những-gì vốn có những đối nghịch là đã được gây ra từ những đối nghịch của chúng – một phát biểu nó nhắc chúng ta đến quan điểm của Anaximander về công lý vũ trụ. Bây giờ sống và chết là những đối nghịch, và do đó mỗi cái này phải gây ra cái kia. Nó tiếp dẫn đến rằng những hồn người người chết tồn tại ở đâu đó, và trở lại trái đất một khi đến lúc. Saint Paul's tuyên bố, “hạt giống thì không hồi sinh trừ khi nó chết,” dường như thuộc về một số lý thuyết loại như thế này.

Luận chứng thứ hai là kiến thức là sự hồi tưởng, và như thế hồn người phải tồn tại trước khi sinh. Lý thuyết cho rằng kiến thức là sự nhớ lại, được chống đỡ chủ yếu bởi sự kiện là chúng ta có những ý tưởng, chẳng hạn như sự bình đẳng chính xác, mà không thể được bắt nguồn từ kinh nghiệm. Chúng ta có kinh nghiệm về sự bằng nhau thật chính xác vốn không thể nào rút ra được từ kinh nghiệm. Chúng ta có kinh nghiệm về bằng nhau gần đúng, nhưng sự bình đẳng tuyệt đối là không bao giờ được tìm thấy giữa những đối tượng của cảm giác, thế nhưng chúng ta biết cái gì chúng ta hàm nghĩa khi nói đến “sự bình đẳng tuyệt đối”. Bởi vì chúng ta đã không học được điều này từ kinh nghiệm, chúng ta phải đã phải mang theo kiến thức với chúng ta từ một hiện hữu trước đó. Một luận chứng tương tự, ông nói, áp dụng cho tất cả những ý tưởng khác. Thế nên, sự tồn tại của những bản thể, và khả năng của chúng ta hiểu được chúng, chứng minh sự hiện hữu có từ trước của hồn người với kiến thức.

Luận điểm rằng tất cả kiến thức là sự hồi tưởng được khai triển dài rộng hơn trong đàm thoại Meno (87 ff.) [8]. Ở đây Socrates nói “không có giảng dạy, nhưng chỉ có hồi tưởng”. Ông tự nhận tin chứng minh điểm này của ông bằng cách cho Meno gọi vào một em bé trai nô lệ mà Socrates tiến đến đặt câu hỏi về những vấn đề hình học. Những câu trả lời của em bé đã giả định là cho thấy em thực sự hiểu rõ môn hình học, mặc dù em từ trước cho đến nay đã không ý thức được mình có những kiến thức này. Cùng một kết luận được rút ra trong Meno như trong Phaedo, rằng kiến thức là do hồn người đem lại từ một hiện hữu từ trước.

Về phần này, một người có thể quan sát, ở vị trí đầu tiên, rằng luận chứng hoàn toàn không áp dụng vào kiến thức thực nghiệm. Đứa trẻ nô lệ đã không có thể được dẫn dắt đến “nhớ” khi nào những kim tự tháp đã được xây, hoặc không biết cuộc vây hãm thành Troy thực sự đã có xảy ra hay không, trừ khi xảy ra là đứa trẻ đã có mặt tại những biến cố này. Chỉ có loại kiến thức mà được gọi là tiên nghiệm – đặc biệt là logic và toán học – mới có thể là có-thể-được giả định là hiện hữu trong tất cả mỗi người một cách độc lập với kinh nghiệm. Trong thực tế, đây là loại độc nhất của kiến thức (ngoài cái hiểu thấu thần bí) được Plato thừa nhận là kiến thức thực sự. Chúng ta hãy cùng xem làm thế nào luận chứng có thể được đáp ứng đối với toán học.

Hãy lấy khái niệm về sự bằng nhau. Chúng ta phải thừa nhận rằng giữa những đối tượng của cảm quan, chúng ta không có kinh nghiệm về sự bằng nhau chính xác, chúng ta chỉ thấy sự bằng nhau gần đúng. Vậy nên, làm thế nào chúng ta đi đến ý tưởng về sự bằng nhau tuyệt đối? Hay chúng ta, có lẽ, không có ý tưởng loại như vậy?

Chúng ta hãy cùng lấy một trường hợp cụ thể. Mét được định nghĩa như là độ dài của một thanh kim loại nào đó ở Paris, ở nhiệt độ nào đó nhất định. Nên có nghĩa là gì nếu chúng ta nói, về một thanh nào khác, là chiều dài của nó chính xác một mét? Tôi không nghĩ chúng ta nên hàm nghĩa bất cứ điều gì. Chúng ta có thể nói: rằng tiến trình đo lường chính xác nhất khoa học biết được ở ngày nay thất bại không cho thấy thanh của chúng ta là hoặc dài hơn, hoặc ngắn hơn cái mét tiêu chuẩn ở Paris. Chúng ta có thể, nếu chúng ta đủ cẩu thả thiếu suy nghĩ, thêm một lời tiên tri rằng không có những cải tiến tiếp theo trong kỹ thuật đo lường sẽ làm thay đổi kết quả này. Nhưng điều này vẫn còn là một tuyên bố duy nghiệm, theo ý nghĩa là bằng chứng thực nghiệm có thể bác bỏ nó bất cứ lúc nào. Tôi không nghĩ rằng chúng ta thực sự sở hữu cái ý tưởng về sự bằng nhau tuyệt đối mà Plato giả thiết chúng ta có được.

Nhưng dẫu ngay cả cho chúng ta có đi nữa, rõ ràng là không trẻ em nào sở hữu nó, cho đến khi đạt đến một độ tuổi nhất định, và rằng ý tưởng là đã được khơi lên bằng kinh nghiệm, mặc dù không trực tiếp xuất phát từ kinh nghiệm. Hơn nữa, trừ khi sự hiện hữu của chúng ta trước khi sinh đã không phải là một hiện hữu của nhận thức giác quan, nó đã là cũng không có khả năng tạo ra những ý tưởng như trong cuộc đời (của nhận thức giác quan) này, và nếu sự hiện hữu trước đây của chúng ta là đã giả thử có một phần siêu giác quan, tại sao không làm cùng một giả thiết về sự hiện hữu của chúng ta hiện nay? Trên tất cả những nền tảng này, lập luận đã thất bại.

Học thuyết về sự hồi tưởng sau khi xem như được thiết lập, Cebes nói: “Khoảng một nửa những gì đã được đòi hỏi đã được chứng minh, đó là nói, rằng những hồn người chúng ta đã tồn tại trước khi chúng ta đã được sinh ra: – rằng hồn người sẽ tồn tại sau khi chết, cũng như trước khi sinh, là một nửa kia vốn với nó chứng minh vẫn còn chờ đợi”. Socrates tương ứng áp dụng việc này vào chính ông. Ông nói rằng nó tiếp dẫn từ những gì đã được nói về tất cả mọi thứ được gây ra từ đối nghịch của nó, theo đó phải chết phải gây ra sống, cũng giống như sống phải gây ra chết. Nhưng ông thêm một luận chứng khác nữa, vốn nó có một lịch sử lâu dài hơn trong triết học: rằng chỉ những gì là phức tạp mới có thể bị giải thể, và rằng hồn người, giống như những ý tưởng, là đơn giản và không là kết hợp từ những thành phần. Cái gì là đơn giản, nó được nghĩ, là không thể bắt đầu, hoặc kết thúc, hoặc thay đổi. Bây giờ những yếu tính là không thay đổi: cái đẹp tuyệt đối, lấy thí dụ, luôn luôn là như nhau, trong khi đó những-gì đẹp đẽ thì thay đổi liên tục. Thế nên, những điều nhìn thấy được là tạm thời, nhưng những thứ không nhìn thấy được là đời đời. Thân xác nhìn thấy được, nhưng hồn người là không thấy, vô hình, vì vậy hồn người được xếp loại vào trong nhóm của những-gì vốn chúng là vĩnh cửu.

Bởi vì hồn người là vĩnh cửu, nó “ở nhà” trong sự chiêm ngắm những điều vĩnh cửu, đó là, những yếu tính, nhưng nó bị lạc và lẫn lộn, như trong nhận thức từ cảm quan, khi nó chiêm ngắm thế giới vô thường của những sự vật thay đổi.

Hồn người khi sử dụng thân xác như một dụng cụ của nhận thức, đó là nói rằng, khi sử dụng giác quan về nhìn, hay nghe, hay về một vài giác quan khác (vì ý nghĩa của nhận thức qua thân xác là nhận thức qua những giác quan)... thì rồi bị thân xác kéo lê vào khu vực của những thay đổi, và lang thang và lẫn lộn; thế giới quay tròn quanh nàng, và nàng giống như một người say nghiện, khi nàng chạm vào thay đổi... Nhưng khi trở lại vào trong chính nàng, ngẫm nghĩ, rồi sau đó nàng đi vào thế giới khác, khu vực của tinh khiết, và của vĩnh cửu, và của bất tử, và của sự bất biến, vốn là thân thích của nàng, và với chúng, nàng sống mãi mãi từ đó, mỗi khi nàng với chính nàng, và không bị ngăn cản hoặc chịu trở ngại; khi sau đó nàng chấm dứt thôi không lạc lối, và thành nên hiệp thông với sự bất biến, là mãi mãi không thay đổi. Và trạng thái này của hồn người được gọi là trí tuệ khôn ngoan.

Hồn người của những triết gia thực sự, trong đời sống vốn nó đã được giải thoát từ tình trạng áp chế của xác thịt trói buộc, sau khi chết, sẽ lên đường đi đến thế giới vô hình, sống trong cực lạc, cùng hội cùng thuyền với những vị gót. Nhưng hồn người không tinh khiết, vốn đã yêu thương thân xác, sẽ trở thành một con ma ám không rời cổ mộ, hoặc sẽ nhập vào thân xác của một con vật, như một con lừa, hoặc con chó sói, hay con chim ưng, tuỳ theo cá tính của mình. Một người đã từng là đạo đức mà không là một triết gia sẽ trở thành một con ong, hay con tò vò, hoặc kiến, hoặc một số động vật khác thuộc một loại thích sống bầy đàn và có tinh thần xã hội.

Chỉ có những triết gia thực sự lên thiên đàng khi họ chết. “Không-ai là người đã không nghiên cứu triết học, và người không hoàn toàn tinh khiết ở thời điểm lên đường của mình là được phép nhập vào đoàn của những vị gót, nhưng chỉ người yêu của kiến thức mà thôi”. Đó là lý do tại sao người đích thực sùng mộ triết học kiêng tránh những dục vọng xác thịt, đó không vì sợ đói nghèo hoặc ô nhục, nhưng vì họ “có ý thức rằng hồn người chỉ đơn giản là buộc hoặc dán chặt vào thân xác – cho đến khi triết lý đón nhận nàng, nàng chỉ có thể ngắm nhìn hiện hữu chân thực thông qua những chấn song của một nhà tù, không ở trong và thông qua bản thân nàng,.. và bởi lý do dục vọng đã trở thành đồng lõa chủ yếu trong sự giam hãm chính nàng”. Triết gia sẽ giữ có chừng mực, vừa phải, điều độ bởi vì “mỗi vui thú và đau đớn là một thứ đinh chúng đóng và tán chặt hồn người vào thân xác, cho đến khi nàng sẽ trở thành như thân xác, và tin rằng là đúng những gì mà thân xác khẳng định là đúng”.

Tại điểm này, Simmias [9] đã đem nhắc lại ý kiến của Pythagore rằng hồn người là một hòa âm, và thúc giã nhấn mạnh: nếu cây đàn lyre bị vỡ, hòa âm có thể sống sót được không? Socrates trả lời rằng hồn người không phải là một hòa âm, vì một hòa âm thì phức tạp, nhưng hồn người thì đơn giản. Hơn nữa, ông nói, quan điểm cho rằng hồn người là một hòa âm không tương hợp với trước sự tiền-tồn-tại của nó, vốn đã được chứng minh bằng học thuyết về sự nhớ lại; bởi vì hòa âm không tồn tại trước khi cây đàn lyre.

Socrates tiếp tục đi đến đem cho một giải thích cho chính về sự phát triển triết lý của riêng chính ông, vốn rất thú vị đáng chú ý, nhưng không thuận hợp với luận chứng chính. Ông đi tiếp đến khai triển chi tiết lý thuyết về những ý tưởng, dẫn đến kết luận “rằng những ý tưởng tồn tại, và rằng những thứ khác tham gia cùng có phần vào chúng và những tên gọi của những thứ khác xuất phát từ chúng”. Cuối cùng ông mô tả số phận của hồn người sau khi chết: cái tốt đẹp lên trời, cái xấu xuống địa ngục [10], những vừa vừa, giữa hai mức độ, xuống chốn luyện ngục để ăn năn hối lỗi, chuộc tội [11].

Cuối cùng của ông, và lời vĩnh biệt của ông, được mô tả. Những lời cuối cùng của ông là: “Crito, tôi nợ một con gà sống với thần Asclepius, anh sẽ nhớ mà trả nợ đấy nhé?” Người ta cúng dâng một con gà trống với gót Asclepius khi họ được hồi phục sau một cơn bệnh, và Socrates đã hồi phục từ cơn sốt thất thường của đời sống.

“Trong số tất cả những người của thời ông,” Phaedo kết luận, “ông là người thông thái nhất và công chính nhất và là bậc nhất”.

Socrates theo như Plato, đã là một mẫu thức cho những triết gia tiếp nối sau đó qua nhiều thời đại. Chúng ta suy ngẫm những gì về ông về mặt đạo đức? (Tôi chỉ quan tâm với con người như Plato miêu tả ông). Nhũng giá trị xứng đáng khen ngợi của ông là hiển nhiên. Ông dửng dưng với những thành bại thế gian, do đó, tuyệt không chẳng chút sợ hãi nên ông vẫn giữ bình tĩnh, và thanh nhã, và hài hước đến phút cuối cùng, quan tâm nhiều hơn với những gì ông tin là sự thật hơn là bất cứ điều gì khác. Tuy nhiên, ông đã có một số lỗi rất nghiêm trọng. Ông là không trung thực và ngụy biện trong luận chứng, và trong suy nghĩ riêng tư của ông, ông sử dụng trí tuệ để chứng minh những kết luận vốn chúng dễ chịu thích hợp với ông, hơn là một truy cầu không thiên vị cho kiến thức. Có cái gì đó tự mãn và trơn tuột ngọt xớt về ông, vốn nó gợi nhắc một một loại giáo sĩ xấu. Can đảm của ông khi đối mặt với cái chết sẽ nhiều phi thường đặc biệt hơn nếu như ông đã không tin rằng sẽ vui hưởng cực lạc đời đời trong tập đoàn cùng với những vị gót. Không giống như một số người đã đi trước mình, ông đã không được khoa học trong tư duy của ông, nhưng đã chủ định để chứng minh rằng vũ trụ thích hợp với những tiêu chuẩn đạo đức của ông. Đây là sự phản bội với chân lý, và là tồi tệ nhất trong những tội lỗi về triết lý. Như là một con người, chúng ta có thể tin rằng ông đã được chấp nhận được hiệp thông với những vị thánh, nhưng như là một triết gia, ông cần một nơi cư trú lâu dài trong một lò luyện ngục khoa học để ăn năn chuộc tội.



Chương 17. Thuyết nguồn gốc vũ trụ của Plato

Thuyết nguồn gốc vũ trụ của Plato được trình bày trong Timaeus [12], được Cicero [13] dịch sang tiếng Latin, và hơn thế nữa, đã độc nhất là một trong những đàm thoại được biết đến ở phương Tây trong thời Trung cổ. 



Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Jun/2010)
(còn tiếp...)

http://chuyendaudau.blogspot.com/
http://chuyendaudau.wordpress.com




[1] Phaedo of Elis (hay Phaedon, Greek: Φαίδων; Thế kỷ 4 TCN) triết gia Hylạp. Người xứ Elis, trong chiến tranh ông bị bắt và bán làm nô lệ. Sau đó tiếp xúc với Socrates ở thành Athens, và đã được Socrates đón nhận nồng hậu và cởi phận nô lệ cho ông. Lúc Socrates chết, ông có mặt và Plato lấy tên ông đặt cho một đàm thoại của mình. Sau đó, ông về Elis, và thành lập trường phái triết học Elean (Elean School of philosophy). Xem bản tạm dịch Phaedo của tôi (LDB)
[2] CTTG – Ngay cả đối với nhiều người Kitô, nó chỉ đứng hàng thứ nhì sau cái chết của Christ. “Không có gì trong bất kỳ thảm kịch nào, cổ đại hay hiện đại, không có gì trong thơ ca hoặc lịch sử (với một ngoại lệ), giống như những giờ phút cuối cùng của Socrates kể trong Plato”. Đây là những lời của Benjamin Jowett, một học giả, thày chăn chiên Kitô, chuyên dịch Plato (nhưng nhiều sai lạc vì nhìn Plato theo lăng kính Kitô.)
[3] Của Jesus về sau này, như đã kể trong Tân Ước.
[4] Manichaeism: đạo Mani: một tôn giáo cổ, gốc từ Persia, do nhà tiên tri Mani, sáng lập khoảng thể kỷ thứ 3, có nội dung triết lý nhị nguyên cực đoan – (Mani giáo ( ) – phổ biến rộng rãi khắp đế quốc Lamã, cực thịnh khoảng thế kỉ 6 và 7, truyền sang tận đất Tàu (tồn tại cho đến thế kỉ 14, nhà Minh), tại châu Âu và Trung Đông, đã là một tôn giáo lớn rộng đông đảo nhất, nhưng sau những khủng bố và đàn áp của những tôn giáo độc thần Islam, và đặc biệt rất tàn khốc của hội nhà thờ Kitô nên đã bị tiêu diệt, đến khoảng sau thế kỉ 10 thì mất.
[5] Vợ Socrates 
[6] Initiate: nghi lễ thường nhắc là của đạo Orphic, qua đó tín đồ chính thức nhập đạo, được chấp nhận và có lẽ được “khai thị” với kiến thức bí nhiệm.
[7] Cây gậy làm bằng cây thyrsus – Dionysus và những người theo vị gót này thường có. Tạm hiểu là tín đồ của đạo Orphic.
Plato nối đặt những người mang cây trượng thyrsus (thyrsus –bearers) – là những người mang gậy vua giả (sceptre) – với những người chưa thực sự sống hiểu triết học, và với những ai còn bị mắc trong thế giới của sự thật giả hiện. Ngược lại, chỉ một ít người chân chính Bacchus, là những người đã thanh tẩy, nhập đạo, được Trí tuệ và Ánh sáng chữa lành, và được nâng lên đến ngang tầm thần linh.
[8] Meno có lẽ là một trong những đàm thoại sớm nhất của Plato. Đàm thoại bắt đầu với Meno, là một người Thessalian nổi tiếng lỗi lạc lúc ấy đang thăm viếng Athens, khoảng năm 402 TCN, hỏi Socrates đức tính tốt có thể dạy được không, và câu hỏi này cùng những câu hỏi nền tảng về phẩm hạnh là nội dung của đàm thoại.
[9] Một trong các nhân vật xuất hiện trong Phaedo: Ngoài Socrates, những nhân vật kia là: Simmias và Cebes – hai người đàm thoại đều là những triết gia theo phái Pythagoras, đã đến gặp và nói chuyện với Socrates trước giờ chết. Ngoài ra một triết gia theo phái Pythagoras khác nữa là Echecrates, Crito là bạn già của Socreates, nhân vật chính trong Crito. Cũng xuất hiện: Xanthippe, vợ Socrates và người coi ngục.
Riêng nhân vật Phaedo – là người kể chuyện và tên làm nhan đề cho toàn đàm thoại. Ông là một người đẹp trai, còn trẻ, người thành Elis, vốn là nô lệ được Socrates cứu chộc, theo học với Socrates và thương mến ngưỡng mộ thày mình vô cùng.
[10] Hell – tạm dịch là địa ngục. Hiểu như cõi chết do Hades cai quản. Đừng lẫn lộn với hoả ngục của Kitô sau này.
[11] Purgatory.
[12] CTTG – Đàm thoại này chứa đựng nhiều phần tối tăm và đã tạo nên những tranh luận giữa những nhà bình chú. Trong toàn thể, Tôi thấy mình đồng ý hầu hết với tác phẩm đáng ngưỡng mộ của Cornford, Plato’s Cosmology (Vũ trụ học trong Plato).
[13] Marcus Tullius Cicero (106 – 43 TCN). Thời ông sống là giai đoạn La mã suy tàn. Là một triết gia, học giả, nhà hùng biện, luật gia và chính trị gia.