Tuesday, June 29, 2010

Bertrand Russell - Lịch sử Triết học phương Tây (12)

Bertrand Russell
Lịch sử Triết học phương Tây


Quyển Một – Triết học Cổ thời
Phần II. Socrates, Plato, và Aristotle






Chương 15. Lý thuyết về những Ý tưởng

Ở giữa tập Republic, từ phần sau của quyển V đến cuối quyển VII, chiếm chủ yếu với những câu hỏi triết học thuần túy, hiểu như đối nghịch với chính trị. Những câu hỏi này được giới thiệu bởi một tuyên bố hơi đột ngột:

Cho đến khi nào những triết gia làm vua, hoặc những vị vua và những vương hầu của thế giới này có tinh thần và sức mạnh của triết học, và sự cao cả của chính trị và của trí tuệ gặp nhau thành một, và những bản chất thường dân đó là những kẻ đều theo đuổi sự loại trừ kẻ khác, bị bắt buộc phải đứng sang một bên, những thành phố sẽ không bao giờ được yên khỏi những tà ác này – không đâu, loài người cũng chẳng được, như tôi tin – và sau đó, chỉ với thế, Nhà nước của chúng ta sẽ có cơ được sống và được ngắm ánh dương quang. [1]

Nếu điều này là đúng, chúng ta phải quyết định những gì tạo nên một triết gia, và những gì chúng ta hàm nghĩa là “triết học”. Những cuộc thảo luận nối theo là phần nổi tiếng nhất của Republic và có lẽ là đã có ảnh hưởng lớn nhất. Trong những phần của nó, có vẻ đẹp văn chương trác tuyệt; người đọc có thể không đồng ý (giống như tôi) với những gì được nói, nhưng không thể nào giữ không bị nó làm xúc động.

Triết lý của Plato nằm dựa trên sự phân biệt giữa thực tại và biểu hiện, vốn đầu tiên đã được Parmenides trình bày ra; trong suốt thảo luận về nó mà giờ đây chúng ta đang quan tâm, những câu văn và những luận chứng của Parmenides không ngừng được lập lại thường xuyên. Có đó, tuy nhiên, một giọng điệu tôn giáo về thực tại, nó khá Pythagoras hơn là Parmenides; và có nhiều về toán học và âm nhạc vốn truy nguyên trực tiếp về những môn đồ của Pythagoras. Sự kết hợp này của logic của Parmenides với thế giới vượt-trần tục bên kia của Pythagoras và những gì trong đạo Orphic đã sản xuất một học thuyết đã làm cả trí tuệ và những tình cảm tôn giáo cảm thấy được thỏa mãn; kết quả đã là một tổng hợp rất mạnh mẽ, trong đó, với những biến cải nhiều loại khác nhau, đã ảnh hưởng hầu hết những triết gia vĩ đại, xuống đến và bao gồm cả Hegel. Nhưng không chỉ những triết gia chịu ảnh hưởng của Plato. Tại sao những người Thanh giáo đã phản đối âm nhạc và tranh vẽ và nghi lễ huy hoàng của hội Nhà thờ Catô? Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời trong quyển sách thứ mười của Cộng hoà. Tại sao những trẻ em trong trường học buộc phải học môn số học? Những lý do được đưa ra trong quyển sách thứ bảy.

Những đoạn văn sau đây tóm tắt lý thuyết của Plato về Ý tưởng [2].

Câu hỏi của chúng ta là: một triết gia là gì? Câu trả lời đầu tiên là theo từ nguyên: một triết gia là một người yêu sự khôn ngoan. Nhưng điều này không giống như một người yêu của kiến thức, theo ý nghĩa mà trong đó một người tò mò hay dọ hỏi có thể nói là yêu kiến thức; tò mò thông tục không làm nên một triết gia. Do đó định nghĩa được sửa đổi cho tốt hơn: triết gia là một người yêu “thị kiến về sự thật”. Nhưng thị kiến [3] này là gì?

Hãy xem xét một người yêu những gì đẹp đẽ, người có chủ định có mặt trong những bi kịch mới, xem những phim cinê mới, và nghe nhạc mới. Người loại như vậy không phải là một triết gia, bởi vì ông yêu chỉ những gì đẹp đẽ, trong khi những triết gia yêu chính cái đẹp tự thân. Người chỉ yêu thích những gì đẹp đẽ là mơ mộng, trong khi người hiểu biết cái đẹp tuyệt đối là người hoàn toàn tỉnh. Người trước chỉ có ý kiến; người sau có kiến thức.

Sự khác nhau giữa “kiến thức” và “ý kiến” là gì? Người có kiến thức có kiến thức về một cái gì, nói thế là, về một-cái-gì-đó nó tồn tại, bởi vì những-gì không tồn tại là không-gì cả. (Đây là nhớ gợi lại từ Parmenides) Như vậy kiến thức là không sai lầm, bởi vì về lôgích là nó không thể để cho bị nhầm lẫn. Nhưng ý kiến có thể bị nhầm lẫn. Làm sao có thể là thế được? Ý kiến không thể là về những-gì vốn nó là không, bởi vì như thế là không thể, cũng không phải là về những gì là (có), vì thế vậy, nó sẽ là kiến thức. Vì vậy ý kiến phải là về những gì là cả hai, vừa là và không là.

Nhưng điều này sao có thể có được? Câu trả lời là những-gì đặc thù cụ thể luôn luôn tham dự vào cùng những tính chất đối lập: những gì là đẹp, trong một số khía cạnh, là xấu xí, những gì là công chính, trong một số khía cạnh, là bất công; và vân vân. Tất cả mọi đối tượng cụ thể cảm thức được, Plato do đó, dám chắc rằng, có tính cách mâu thuẫn này, chúng như vậy, là trung gian giữa là và không-là, và thích hợp như những đối tượng của ý kiến, nhưng không của kiến thức. “Trừ những ai là người thấy sự tuyệt đối, và vĩnh cửu, và bất biến, mới có thể nói là biết, và không chỉ có ý kiến mà thôi”.

Thế nên, chúng ta đi đến kết luận rằng ý kiến là của thế giới được trình bày cho những giác quan, trong khi đó kiến thức là của một thế giới giác quan siêu việt, vĩnh cửu, lấy thí dụ, ý kiến là quan tâm đến những điều đẹp đẽ cụ thể, nhưng kiến thức là quan tâm với cái đẹp tự thân.

Chỉ có một phản chứng đã đưa ra là nó tự mâu thuẫn, khi giả sử rằng một điều-sự-vật-gì có thể là cả hai, vừa đẹp và vừa không đẹp, hoặc vừa công chính vừa không công chính, và rằng tuy nhiên như những-gì đặc thù xem dường kết hợp những tính chất trái ngược loại như thế. Thế nên những-gì đặc thù là không thực. Heraclitus đã nói: “Chúng ta bước vào và không bước vào trong cùng những dòng sông, chúng ta là và không là”. Nhưng kết hợp điều này với Parmenides, chúng ta đi đến kết quả của Plato.

Tuy nhiên, có môt cái gì đó thuộc tầm quan trọng rất lớn lao trong học thuyết của Plato mà không truy nguyên về những người đi trước ông, và đó là lý thuyết về “ý tưởng” hoặc “thể dạng” [4]. Lý thuyết này thì một phần có tính lôgích, một phần có tính siêu hình. Phần lôgích có liên quan với ý nghĩa của những từ ngữ tổng quát. Có rất nhiều những động vật cá biệt mà với chúng, chúng ta thực sự có thể nói “đây là một con mèo”. Với chúng ta dùng từ “mèo” có nghĩa gì? Rõ ràng là một cái-gì đó khác biệt với từng mỗi con mèo cá biệt. Một động vật là một con mèo, sẽ xem ra, vì nó cùng có phần, tham dự vào một bản chất tổng quát chung cho tất cả những con mèo. Ngôn ngữ không thể tiếp tục mà không có những từ tổng quát loại như “mèo”, và những từ loại như vậy là hiển nhiên không phải vô nghĩa. Nhưng nếu từ “mèo” có nghĩa là bất cứ một cái gì, nó có nghĩa là một cái gì đó mà không phải là con mèo này, hay con mèo kia, nhưng một vài loại nào đó của mèo-tính phổ quát. Điều này không sinh ra khi một con mèo cá biệt được sinh ra, và không chết đi, khi nó chết. Trong thực tế, nó không có vị trí trong không gian hay thời gian, nó là “vĩnh cửu”. Đây là phần có tính lôgích của học thuyết này. Những luận chứng tán thành ủng hộ về nó, cho dù cuối cùng có hợp lệ hay không, chúng rất mạnh mẽ, và khá độc lập với phần mang tính siêu hình của học thuyết.

Theo như phần mang tính siêu hình của học thuyết, từ “mèo” có nghĩa là một con mèo lý tưởng nào đó, “cái mèo,” Gót sáng tạo ra, và chỉ có một, đơn nhất. Những con mèo cá biệt lấy phần của bản chất của cái mèo, hoặc ít hơn hay nhiều hơn, nhưng không toàn hảo, chính là chỉ do từ sự không toàn hảo này nên có thể có nhiều những chúng. Cái mèo là thực; những con mèo cá biệt chỉ là biểu hiện.

Trong quyển cuối cùng của tập Cộng hòa, như là một sơ bộ cho một sự lên án những họa sĩ, có một khai triển rất rõ ràng về học thuyết của những ý tưởng hoặc những thể dạng.

Chỗ này, Plato giải thích rằng, bất cứ khi nào có một số những cá biệt có một tên chung, chúng cũng có một “ý tưởng” hay “thể dạng” chung. Lấy thí dụ, mặc dù có nhiều giường nằm, chỉ có một “ý tưởng” hay “thể dạng” của một cái giường. Cũng giống hệt như một phản ánh của một cái giường trong một cái gương rõ ràng chỉ là một biểu hiện và không “thực”, thế nên nhiều những cái giường khác loại là không-thực, chỉ là những sao chép của cái “ý tưởng”, vốn nó là một cái giường thực, và được Gót tạo thành. Từ cái giường thực, và được Gót tạo thành này, mới có thể có kiến thức, nhưng còn về phần nhiều những cái giường của những thợ mộc làm nên, chỉ có thể có ý kiến. Triết gia, như vậy, sẽ chỉ quan tâm với một cái giường lý tưởng, mà không với nhiều những cái giường trong thế giới cảm quan. Ông sẽ có một sự lãnh đạm nhất định nào đó với những công việc trần tục bình thường: “làm thế nào một người có não thức chói lọi và là khán giả của tất cả mọi thời và mọi hiện hữu, có thể suy nghĩ nhiều về đời sống con người được?”. Những người trẻ tuổi có khả năng trở thành một triết gia sẽ được phân biệt ra giữa những đồng bạn của anh ta như là công chính, hiếu học, có trí nhớ tốt và não thức hài hòa tự nhiên. Một người loại như vậy sẽ được giáo dục thành một triết gia và một người giám hộ.

Tại điểm này, Adeimantus chen vào với một phản kháng. Khi ông cố gắng tranh luận với Socrates, ông nói, ông cảm thấy mình đã mỗi bước mỗi đi lạc một chút, cho đến khi, vào lúc cuối cùng, tất cả những ý niệm trước đây của ông bị đảo lộn ngược. Nhưng dẫu bất cứ điều gì Socrates có thể nói, nó vẫn còn là trường hợp, như bất kỳ ai có thể thấy, rằng những người dính vào triết lý là họ trở thành những quái vật kỳ lạ, nếu không phải nói là hoàn toàn lừa đảo; thậm chí những kẻ tốt nhất của bọn họ cũng bị triết học làm thành vô dụng.

Socrates thừa nhận rằng điều này là đúng trong thế giới như nó hiện là, nhưng chủ trương rằng chính những người khác mới là những người được đáng đổ lỗi, không phải là những triết gia, trong một cộng đồng khôn ngoan, những triết gia sẽ không bị xem là điên rồ, nó là chỉ giữa những kẻ điên rồ mà khôn ngoan được phán xử là thiếu thốn kiến thức thông thái.

Chúng ta sẽ gì làm trong dilemma này? Đã từng có hai cách để khai mở Cộng hoà của chúng ta: bằng những triết gia trở thành những nhà cai trị, hay bằng những nhà cai trị trở thành những triết gia. Điều thứ nhất xem ra có vẻ không thể có được như một khởi đầu, bởi vì trong một thành phố đã chưa được triết lý, những triết gia không được quần chúng ưa chuộng. Tuy nhiên, một người sinh ra làm hoàng tử có thể là một triết gia, và “một là đủ, hãy để cho có được một người, người ấy có một thành phố tuân phục theo ý chí của ông, và ông có thể mang chính thể lý tưởng vào thành hiện thực, vốn thế giới hoài nghi quá đỗi về nó”. Plato đã hy vọng rằng ông đã tìm thấy một hoàng tử loại như thế trong Dionysius trẻ tuổi, bạo chúa của thành Syracuse, nhưng con người trẻ đó cuối cùng hóa ra chán ngán, không được như mong mỏi.

Trong quyển thứ sáu và thứ bảy của tập Cộng hoà, Plato có bận tâm với hai câu hỏi: Thứ nhất: triết học là gì? Thứ hai, làm thế nào – một người trẻ, nam hoặc nữ, với tính khí phù hợp – có thể được giáo dục như thể để trở thành một triết gia?

Triết học, đối với Plato, là một loại thị kiến, “thị kiến về sự thật”. Nó không thuần tuý là trí thức; nó không chỉ đơn thuần là sự khôn ngoan, nhưng yêu chuộng sự khôn ngoan. “Tình yêu trí thức với Gót” của Spinoza là nhiều phần cũng giống như sự hợp nhất mật thiết giữa tư tưởng và cảm giác. Mỗi một ai, người đã làm bất kỳ một công việc thuộc loại sáng tạo nào, đã có kinh nghiệm, trong một mức độ nhiều hơn hoặc ít hơn, trạng thái của não thức, trong đó, sau lao động dài lâu, sự thật, hoặc vẻ đẹp, xuất hiện, hoặc có vẻ như xuất hiện, trong một vinh quang bất ngờ – nó có thể được chỉ là về một số vấn đề nhỏ, hoặc nó có thể là về cả vũ trụ. Kinh nghiệm là, tại khoảnh khắc này, rất thuyết phục; nghi ngờ có thể đến sau, nhưng lúc ấy là hoàn toàn chắc chắn. Tôi nghĩ rằng hầu hết những công trình sáng tạo bậc nhất, trong nghệ thuật, trong khoa học, trong văn học, và trong triết học, đã từng là kết quả của một khoảnh khắc loại như vậy. Không biết nó đến với những người khác có giống như đến với tôi hay không, Tôi không thể nói. Về phần tôi, tôi đã tìm thấy rằng, khi tôi muốn viết một cuốn sách về chủ đề nào đó, trước hết tôi phải ngâm đẫm mình trong chi tiết, cho đến khi tất cả những phần riêng biệt của nội dung vấn đề thành quen thuộc, sau đó, một ngày nào đó, nếu tôi may mắn, tôi nhận thức được toàn bộ, với tất cả những phần của nó kết nối với nhau đâu vào đấy thuận hợp. Sau đó, tôi chỉ có phải viết xuống những gì tôi đã thấy. Chuyện tương tự gần nhất là trước hết đi bộ khắp các nơi trên một ngọn núi trong sương mù, cho đến khi tất cả những lối mòn, và sống núi, và thung lũng thành quen thuộc từng cái một, và sau đó, từ xa, nhìn thấy ngọn núi trong toàn bộ và rõ ràng dưới ánh nắng tươi sáng.

Kinh nghiệm này, tôi tin rằng, đó là cần thiết cho công trình sáng tạo tốt, nhưng nó không phải là đủ; thực vậy, sự chắc chắn chủ quan mà nó mang lại với nó có thể là gây hiểu nhầm tai hoạ. William James mô tả một người, người này đã có kinh nghiệm của thuốc mê [5], bất cứ khi nào ông bị tác dụng của nó, ông biết bí mật của vũ trụ, nhưng khi ông tỉnh, ông lại quên mất nó. Cuối cùng, với nỗ lực lớn lao, ông đã viết xuống những bí mật trước khi thị kiến phai mờ. Khi hoàn toàn bình phục, ông ta vội vàng xem mình đã viết những gì. Đó là: “Một mùi dầu hỏa chiếm hoàn toàn từ đầu đến cuối”. Những gì có vẻ như cái nhìn sâu sắc đột ngột có thể là lầm lạc, và phải được kiểm tra tỉnh táo, khi sự say nhiễm thần thánh đã qua rồi.

Thị kiến của Plato, mà ông hoàn toàn tin cậy vào thời điểm ông viết Cộng hòa, tận cùng cần sự trợ giúp của một dụ ngôn, dụ ngôn cái hang, để truyền đạt bản chất của nó tới người đọc. Nhưng nó đã dẫn dắt đến bằng nhiều những thảo luận sơ bộ khác nhau, được thiết kế để làm cho người đọc thấy sự cần thiết của thế giới của những ý tưởng.

Trước hết, thế giới của tri thức được phân biệt với thế giới của những giác quan, sau đó trí thức và nhận thức-từ-giác quan được lần lượt mỗi thứ chia thành hai loại. Hai loại nhận thức giác quan chúng ta không cần phải quan tâm; hai loại của trí thức tương ứng được gọi là “lý trí” và “sự hiểu biết”. Trong số này, lý trí là loại cao hơn, nó là quan tâm với những ý tưởng thuần túy, và phương pháp của nó là phép biện chứng. Hiểu biết là loại trí tuệ được sử dụng trong toán học, nó kém hơn lý trí là lý do ở chỗ nó sử dụng những giả thuyết không thể kiểm nghiệm. Trong hình học, thí dụ, chúng ta nói: “Hãy gọi ABC một tam giác thẳng”. Nếu hỏi ABC có thực sự là một tam giác thẳng hay không, là chống lại những quy tắc, mặc dù, nếu như nó là một hình vẽ mà chúng ta đã vẽ, chúng ta có thể chắc chắn rằng nó là không, bởi vì chúng ta không thể nào vẽ được những đường tuyệt đối thẳng. Theo như đó, toán học không bao giờ có thể bảo chúng ta biết những-gì là gì được, nhưng chỉ những-gì sẽ là được, nếu. . . . Không có đường thẳng tuyệt đối trong thế giới cảm quan, thế nên, nếu như toán học là có hơn là sự thật giả định, chúng ta phải tìm bằng chứng cho sự hiện hữu của những đường thẳng siêu-cảm-giác trong một thế giới siêu-cảm-giác. Điều này không thể làm được được bằng sự hiểu biết, nhưng theo như Plato, nó có thể thực hiện được bằng lý trí, trong đó cho thấy rằng có một tam giác thẳng ở trên thiên đường, từ trong đó những mệnh đề hình học có thể được khẳng định một cách dứt khoát, chứ không một cách giả thuyết.

Có đó, tại điểm này, một khó khăn mà nó đã không thoát khỏi ghi nhận của Plato, và nó đã là hiển nhiên với những triết gia duy ý hiện đại. Chúng ta thấy rằng gót chỉ làm có một cái giường, và sẽ là điều tự nhiên để giả định rằng ông ta chỉ làm tạo có độc nhất một đường thẳng. Nhưng nếu như đã có một tam giác trên thiên đường, ông đã phải tạo ít nhất là ba đường thẳng. Những đối tượng của hình học, mặc dù lý tưởng, phải hiện hữu trong nhiều những thí dụ, chúng ta cần sự khả hữu, có thể có của hai vòng tròn giao nhau, như vậy và vân vân. Điều này gợi lên cho thấy hình học, theo trong lý thuyết của Plato [6], đã không nên là có khả năng có được chân lý tối cùng, nhưng phải nên được bắt buộc như thuộc phần của việc nghiên cứu về biểu hiện. Tuy nhiên chúng ta sẽ bỏ qua điểm này, vì về phần nó, Plato trả lời có hơi lờ mờ.

Plato tìm cách giải thích sự khác biệt giữa thị kiến trí thức rõ ràng và thị kiến nhầm lẫn lộn xộn của nhận thức-giác quan, bằng một so sánh tương đồng từ cảm giác của thị lực. Thị lực, ông nói, khác với những giác quan khác, bởi vì nó đòi hỏi không chỉ đôi mắt, và đối tượng, mà cũng cả ánh sáng. Chúng ta nhìn thấy rõ ràng những đối tượng, mặt trời chiếu sáng trên chúng, trong tranh tối tranh sáng, chúng ta thấy một cách lờ mờ lẫn lộn, và trong bóng tối-đen, không thấy gì tất cả. Bây giờ, thế giới của những ý tưởng là những gì chúng ta nhìn thấy khi đối tượng được mặt trời chiếu sáng, trong khi thế giới của những gì đi qua là một thế giới hoàng hôn tranh tối tranh sáng lẫn lộn. Mắt được so sánh với hồn người, và mặt trời, vì là nguồn của ánh sáng, như với sự thật hoặc sự thiện.

Hồn người giống như một con mắt: khi nằm nghỉ ở trên đó, mà trên đó sự thật và tồn tại sáng ngời, hồn người nhận thức và hiểu biết, và là rạng rỡ với trí tuệ thông minh, nhưng khi đã quay về phía hoàng hôn chập choạng của sự trở thành và diệt vong, sau đấy, nó chỉ có ý kiến mà thôi, và đâm ra nhấp nha nhấp nháy, và đầu tiên là có của một ý kiến, và sau đó là của ý kiến khác, và dường như không có thông minh. . . . Bây giờ cái điều đem chia phần sự thật đến sự biết, và sức mạnh của hiểu biết với người biết, là cái điều tôi muốn có các bạn mệnh danh là ý tưởng của cái tốt, và điều này bạn sẽ thấy nó là nguyên nhân của khoa học.

Điều này dẫn đến câu chuyện so sánh nổi tiếng về cái hang, hoặc cái hầm, theo như trong đó, những người không có triết học là những người có thể được so sánh với tù nhân trong một cái hang, những người chỉ có thể nhìn theo một hướng, vì họ bị trói, và những người này có một đám lửa cháy phía sau và một bức tường ở phía trước họ. Giữa họ và tường không có gì cả; tất cả những gì họ thấy được là những cái bóng của chính họ, và của những đối tượng phía sau họ, ném lên tường bởi ánh sáng của ngọn lửa. Chắc chắn, không thể nào khác được, họ xem những cái bóng này là thật, và không có khái niệm nào về những đối tượng là gốc của chúng mà ra. Ít nhất, cuối cùng có một vài người thành công trong việc thoát khỏi hang ra ánh sáng của mặt trời; vì là lần đầu tiên anh nhìn thấy những-gì trong thực tại, và trở nên ý thức rằng cho đến nay anh đã bị những cái bóng đánh lừa. Nếu anh là người thuộc loại triết gia vốn thích hợp để trở thành một giám hộ, anh sẽ cảm thấy là nhiệm vụ của mình đối với những người là bạn tù của mình trước đây, để lại một lần nữa đi xuống, vào trong hang, hướng dẫn họ về phần sự thật, và chỉ cho họ lối đi lên. Tuy nhiên, anh sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục họ, bởi vì, đã ra với ánh sáng mặt trời, anh sẽ thấy những cái bóng kém rõ ràng hơn là như họ thấy, và đối với họ, anh xem ra có phần lai ngu hơn trước khi anh trốn thoát.

“Và bây giờ, tôi đã nói, hãy để tôi tỏ rõ cho thấy trong một hình ảnh minh hoạ bản chất của chúng ta được soi sáng, hay không được soi sáng xa đến đâu: – Hãy nhìn kìa! Những con người sống trong một cái hang dưới đất, nó mở rộng – như một cái miệng – về phía có ánh sáng, và kéo dài hết chiều dọc cái hang; những người này đã ở đây từ thời họ thơ ấu, chân và cổ họ bị xiềng khiến không thể di chuyển, và chỉ có thể nhìn thấy thẳng về phía trước mặt họ, vì xiềng quanh cổ đã ngăn họ không thể xoay đầu. Phía trên và sau họ, cách một khoảng xa, có một đám lửa cháy sáng, và giữa lửa cháy và các người tù có một lối đi nâng cao; và bạn sẽ thấy, nếu bạn nhìn, một bức tường thấp được xây dọc con đường đi, giống như màn hình mà người chơi rối có trong trước mặt họ, trên đó, họ trình bày những con rối.

[Glaucon:] Tôi thấy.

Và bạn thấy không, tôi đã nói, những người đi dài theo bức tường, mang đủ loại những bình, chậu, lọ vại, và những tượng cùng khuôn hình làm bằng gỗ và bằng đá, và bằng nhiều loại chất liệu khác loại của những động vật, chúng xuất hiện trên tường. Một vài người trong đám họ nói năng, những người khác im lặng.

Ông đã cho tôi thấy một hình ảnh lạ lùng, và họ là những người tù lạ lùng.

Giống như chính chúng ta, tôi trả lời, và họ chỉ thấy những cái bóng của chính họ, hay những cái bóng của người này hoặc người kia cùng bọn, vốn ngọn lửa chiếu hắt lên bức tường đối diện của cái hang?”. [7]

Địa vị của cái thiện, hay cái tốt trong Plato là đặc biệt khác thường. Khoa học và sự thật, ông nói, cũng giống như cái thiện, nhưng thiện có một vị trí cao hơn. “Cái thiện không phải là bản thể, nhưng vượt xa bản thế về phẩm cách và quyền lực”. Biện chứng dẫn đến sự kết thúc của thế giới trí tuệ trong sự nhận thức về cái thiện tuyệt đối. Chính là là bằng những phương tiện của cái thiện mà biện chứng có thể phân phát cho những nhà toán học với những giả thuyết. Sự giả định nằm chìm ở dưới là thực tại, như đối nghịch với biểu hiện, thì tốt đẹp trọn toàn và tuyệt đối; do đó lĩnh hội được cái tốt, là lĩnh hội được thực tại. Trong suốt triết học của Plato, có cùng sự hợp nhất của trí tuệ và huyền bí như trong của thuyết Pythagoreanism, nhưng ở cao điểm cuối cùng này, huyền bí rõ ràng có nắm tay trên.

Học thuyết về những ý tưởng của Plato chứa đựng một số những sai lầm hiển nhiên. Nhưng bất kể những sai lầm này, nó đánh dấu một bước tiến rất quan trọng trong triết học, bởi vì nó là lý thuyết đầu tiên đã nhấn mạnh đến vấn đề của những ý niệm phổ quát, vốn chúng, với những hình thức khác nhau, đã tồn tại dai dẳng cho đến ngày nay. Những bước đầu có khuynh hướng là thô thiển, nhưng không nên bỏ qua tính chất độc đáo sáng tạo của chúng trên đánh giá kết toán này. Một-gì đó giữ lại từ những-gì Plato đã phải nói, ngay cả sau khi đã thực hiện tất cả những sửa chữa điều chỉnh cần thiết. Tối thiểu tuyệt đối của những gì còn lại, ngay cả trong quan điểm của những chống đối nhất với Plato, là như vầy: chúng ta không thể diễn tả tự chúng ta trong một ngôn ngữ bao gồm hoàn toàn chỉ những tên riêng, nhưng cũng phải có những từ tổng quát như “người đàn ông”, “chó”, “mèo” , hoặc, nếu không những từ này, vậy phải những từ chỉ quan hệ, loại giống như “tương tự”, “trước” , và vân vân. Những từ như thế đó không phải là những tiếng ồn vô nghĩa, và là điều khó khăn để xem làm thế nào chúng có thể có nghĩa, nếu như thế giới bao gồm hoàn toàn chỉ những-gì cá biệt cụ thể, như những-gì được chỉ định bởi những từ chỉ tên riêng. Có thể có những cách đi vòng tránh luận chứng này, nhưng với bất kỳ tỷ lệ nào, nó có đủ khả năng là một trường hợp giá trị tiên khởi ủng hộ những phổ quát. Tôi sẽ tạm chấp nhận nó như trong một vài mức độ là hợp lệ. Nhưng khi quá nhiều giả dụ cứ nhận cho là như vậy, phần còn lại của những gì Plato nói, không hẳn là xuông sẻ thuận hợp.

Ở điểm đầu tiên, Plato không có sự hiểu biết về cú pháp triết học. Tôi có thể nói “Socrates là người”, “Plato là người,” và vân vân như vậy. Trong tất cả những phát biểu này, điều có thể giả định được là từ “người” có chính xác cùng một nghĩa. Nhưng bất cứ nó có nghĩa là gì, nó có nghĩa là một-cái-gì đó mà không phải là cùng một loại như Socrates, Plato, và tất cả phần những cá nhân còn lại, những người tạo nên giống người. “Người” là một thuộc từ (tính từ) nó sẽ là vô nghĩa để nói “người là người”. Plato phạm một sai lầm tương tự khi nói rằng “người là người”. Ông nghĩ rằng cái đẹp thì đẹp, ông nghĩ rằng “người” phổ quát là tên của một người mẫu thức được Gót tạo ra, từ cái người này, những con người thật là không toàn hảo và là những bản sao không thực. Ông hoàn toàn thất bại không nhận ra khoảng cách những giữa những phổ quát và những cụ thể lớn rộng đến chừng nào; những “ý tưởng” của ông thực sự chỉ là những cụ thể khác, có tính đạo đức và tính thẩm mỹ vượt trội cao hơn hẳn những cụ thể loại thông thường. Chính ông, ở một thời điểm về sau này, đã bắt đầu nhìn thấy khó khăn này, như xuất hiện trong Parmenides [8], vốn nó có chứa đựng một trong những trường hợp đáng chú ý nhất trong lịch sử về tự phê bình của một triết gia.

Bản văn Parmenides được xem là liên quan đến Antiphon (anh-em cùng mẹ khác cha với Plato), vốn là người độc nhất còn nhớ cuộc trò chuyện, nhưng hiện nay chỉ quan tâm đến ngựa. Họ tìm thấy ông lúc đang vác một cương ngựa, và với khó khăn mới thuyết phục ông ta thuật lại cuộc thảo luận nổi tiếng giữa Parmenides, Zeno, và Socrates. Cuộc thảo luận này, chúng ta được kể, đã diễn ra khi Parmenides đã già (khoảng 65), Zeno lúc trung niên (khoảng bốn mươi), và Socrates là một người khá trẻ. Socrates trình bày chi tiết lý thuyết về những Ý tưởng, ông chắc chắn rằng có những ý tưởng của sự giống nhau, công bằng, sắc đẹp, và sự thiện; ông không chắc chắn rằng nếu có một ý tưởng của “người” không; và ông bực dọc bác bỏ đề nghị rằng có thể có những ý tưởng về những-gì loại giống như tóc, và bùn, và đất – mặc dù, ông nói thêm, có những lúc ông nghĩ rằng không có gì mà với không có kèm một Ý tưởng. Ông chạy xa khỏi quan điểm này vì ông sợ rơi xuống một cái hố không đáy của vô nghĩa.

“Đúng thế, Socrates, Parmenides cho biết; đó là bởi vì ông vẫn còn trẻ, rồi thời sẽ đến, nếu như tôi không nhầm, khi triết lý trong ông sẽ vững chặt hơn, và lúc ấy, ông sẽ không khinh thường ngay cả những điều thấp xấu nhất”.

Socrates đồng ý rằng, trong cái nhìn của ông, “Có một số những ý tưởng từ chúng tất cả những thứ gì-khác cùng có phần, và từ chúng những thứ gì-khác rút ra những tên gọi của chúng; rằng những tương tự đó, lấy thí dụ, trở thành tương tự, bởi vì chúng cùng có phần sự tương tự, và những điều vĩ đại trở thành sự vĩ đại, bởi vì chúng cùng có phần sự vĩ đại, và rằng những-gì công lý và những-gì xinh đẹp trở thành công lý và cái đẹp, bởi vì chúng cùng có phần công lý, và cái đẹp”.

Parmenides tiến thêm đến nêu lên những khó khăn.

(a) Có phải những cá biệt cùng có phần từ toàn bộ Ý tưởng, hay chỉ từ của một phần? Với bất cứ điều nào trong hai, cũng có những bất bình. Nếu là điều trước, cùng một điều-gì nhưng một lúc cùng ở nhiều nơi, nếu điều sau, Ý tưởng bị phân chia, và một điều-gì nó vốn có một phần của sự nhỏ-bé, sẽ là nhỏ hơn sự nhỏ-bé tuyệt đối, thành ra phi lý.

(b) Khi một cá biệt cùng có phần của một Ý tưởng, cái cá biệt và ý tưởng là tương tự, thế nên sẽ phải có được một Ý tưởng khác, nó bao gồm cả hai, những cá biệt và cái ý tưởng nguyên thủy. Và thế rồi sẽ lại phải có môt cái khác nữa, bao gồm cả hai, những cá biệt và hai Ý tưởng, và cứ như vậy cho đến vô cùng tận. Như thế nên, mỗi Ý tưởng, thay vì là một, trở thành một chuỗi vô hạn những ý tưởng. (Điều này cũng giống như lý luận của Aristotle về “người thứ ba”) [9].

(c) Socrates đề nghị có lẽ những Ý tưởng chỉ là những suy tưởng, nhưng Parmenides chỉ ra rằng những suy tưởng phải là suy tưởng về một-cái-gì đó.

(d) Những Ý tưởng không thể giống với những đặc thù vốn cùng có phần từ chúng, với lý do được đưa ra trong (b) ở trên.

(e) Những Ý tưởng, nếu như có bất kỳ cái nào, chúng ta phải không biết đến được, bởi vì kiến thức của chúng ta không phải là tuyệt đối.

(f) Nếu như kiến thức của Gót là tuyệt đối, Ông sẽ không biết chúng ta, và do đó không thể cai quản chúng ta.

Dù sao đi nữa, lý thuyết về những Ý tưởng không bị bỏ rơi hoàn toàn. Nếu không có những Ý tưởng, Socrates nói, sẽ có không có gì mà trí não con người có thể dựa vào, và như thế sự lý luận sẽ bị phá huỷ. Parmenides bảo ông rằng những rắc rối của ông là từ thiếu huấn luyện trước đó mà ra, nhưng không kết luận minh bạch nào đã đạt đến được.

Tôi không nghĩ rằng những phản đối mang tính lôgích của Plato với thực tại của những cụ thể cảm giác sẽ chịu đựng nổi sự tra xét. Ông nói, lấy thí dụ, rằng bất cứ điều gì là đẹp đẽ cũng có – trong một số những hướng nhìn nào đó – là xấu xí; những gì tăng gấp đôi cũng là một nửa; và vân vân. Nhưng khi chúng ta nói về một vài công trình mỹ thuật vốn nó đẹp trong một số khía cạnh và là xấu xí ở những khía cạnh khác, sự phân tích sẽ luôn luôn (ít nhất trên mặt lý thuyết) cho chúng ta có khả năng nói “một phần hoặc khía cạnh này là đẹp, trong khi đó một phần hoặc khía cạnh kia là xấu xí”. Và về phần “gấp đôi” và “một nửa”, đây là những từ ngữ tương đối, không có mâu thuẫn trong sự kiện rằng 2 là gấp đôi của 1, và là một nửa của 4. Plato liên tiếp không ngừng vướng vào trong rắc rối, qua sự không hiểu biết những từ ngữ chỉ sự tương đối. Ông nghĩ rằng nếu A lớn hơn B, và bé hơn C, vậy thì A là đồng thời vừa lớn và bé, mà nó dường như đối với ông là một mâu thuẫn. Những rắc rối loại như thế là thuộc trong số những tật bệnh ấu trĩ của triết học.

Sự phân biệt giữa thực tại và sự biểu hiện không thể có những tầm quan trọng mà Parmenides và Plato và Hegel. gán cho nó. Nếu như biểu hiện thực sự hiện ra, nó không phải là không-gì, và do đó là một phần của thực tại, đây là một luận chứng thuộc loại mang tính Parmenides chính xác. Nếu biểu hiện không thực sự hiện ra, tại sao chúng ta để đầu rắc rối về nó? Nhưng có lẽ một số người nào đó sẽ nói: “Biểu hiện không thực sự hiện ra, nhưng nó xem dường như hiện ra”. Điều này sẽ không giúp gì thêm, vì chúng ta sẽ hỏi lại: “Liệu nó có thực sự xem dường như hiện ra, hoặc chỉ có vẻ xem ra dường như hiện ra?” Sớm hay muộn, nếu biểu hiện dẫu như xem ra dường như hiện ra, chúng ta phải đạt đến một-cái-gì đó nó thực sự hiện ra, và như thế là một phần của thực tại. Plato sẽ không mơ tưởng sự phủ nhận rằng có hiện ra là có nhiều những cái giường, mặc dù chỉ có một cái giường thực, mệnh danh là cái do Gót tạo. Nhưng ông xem ra không có vẻ như đã phải đối diện với những hàm ngụ của thực tại là có nhiều những biểu hiện, và rằng cái tính-nhiều này là phần của thực tại. Bất kỳ cố gắng nào nhằm chia thế giới thành những phần, trong đó một phần là “thực” nhiều hơn phần khác, là phải chịu số phận thất bại.

Kết nối với điều này là một quan điểm lạ lùng khác của Plato, rằng kiến thức và ý kiến phải lien quan đến những nội dung-vấn đề khác nhau. Chúng ta nên nói: Nếu tôi nghĩ rằng trời sẽ có tuyết, đó là ý kiến, nếu muộn sau đó, tôi nhìn thấy trời tuyết rơi, đó là kiến thức, nhưng nội dung-vấn đề cùng là một như nhau trong cả hai dịp xảy ra. Plato, tuy nhiên, nghĩ rằng những gì có thể ở bất kỳ thời gian nào, nếu là một vấn đề của ý kiến, sẽ không bao giờ có thể là một vấn đề của kiến thức. Kiến thức là chắc chắn và không sai lầm; ý kiến không chỉ đơn thuần là sai lầm, nhưng nhất thiết phải là nhầm lẫn, vì nó giả định là thực tại của những gì chỉ là biểu hiện. Tất cả điều này lặp đi lặp lại những gì đã được Parmenides nói.

Có một phương diện trong siêu hình học của Plato là hiển nhiên khác với của Parmenides. Đối với Parmenides có duy nhất chỉ cái Một; với Plato, có nhiều những ý tưởng. Không phải chỉ có cái đẹp, sự thật, và sự tốt lành, nhưng, như chúng ta đã thấy, có cái giường trên thiên đàng [10] được Gót tạo ra; có một người trên thiên đàng, một con chó trên thiên đàng, một con mèo trên thiên đàng, và cứ như vậy, xuyên hết mọi thứ đầy một thuyền Noah. Tất cả điều này, tuy nhiên, dường như, trong Cộng hòa, đã không từng được suy nghĩ cho thật tận tường đầy đủ đến mức. Một ý tưởng hoặc thể dạng kiểu Plato không phải là một ý nghĩ, mặc dù nó có thể là đối tượng của một ý nghĩ. Là điều khó khăn để tìm xem làm cách nào Gót có thể đã tạo ra nó, bởi vì hữu thể của nó là phi thời gian, và vị Gót không thể đã quyết định sáng tạo ra cái giường trừ khi tư tưởng của vị này, khi ông đã quyết định, đã có như đối tượng của nó, đích xác cái giường y như theo Plato, vốn nó là cái giường mà chúng ta được bảo cho biết là vị gót đã tạo nên đưa vào hiện hữu. Cái gì nếu là phi thời gian phải là không được sáng tạo. Ở đây, chúng ta đến một khó khăn vốn đã làm rắc rối nhiều những nhà gót học triết lý. Chỉ có cái thế giới ngẫu nhiên tình cờ, thế giới trong không gian và thời gian, mới có thể được sáng tạo, nhưng đây lại là thế giới của mọi ngày thường, vốn đã bị lên án là ảo ảnh [11] và cũng là xấu xa [12]. Vì thế nên vị Sáng thế, xem ra như thể, đã sáng tạo ra chỉ ảo ảnh và cũng cả xấu xa nữa. Một số những giáo phái Gnostics đã hết sức kiên định về phần chấp nhận theo quan điểm này, nhưng trong Plato, sự khó khăn vẫn còn chìm dưới bề mặt, và xem dường như, trong Cộng hòa, ông đã chưa bao giờ trở nên biết đến được về nó.

Triết gia, người là sẽ thành một giám hộ, theo như Plato, phải, trở lại vào hang động, và sống giữa những người chưa bao giờ thấy mặt trời của sự thật. Xem ra đã có vẻ như rằng chính Gót, bản thân ông nếu như có muốn sửa đổi sản phẩm sáng tạo của Ông, cũng phải làm giống như vậy, một tín đồ Kitô theo thuyết Plato có thể giải thích về sự hiện thân xuống trần theo cách như thế. Nhưng nó vẫn còn là hoàn toàn không thể nào có thể giải thích được – tại sao Gót đã không bằng lòng với thế giới của những Ý tưởng [13]. Triết gia tìm thấy cái hang trong hiện hữu, và lòng nhân từ đã thúc đẩy về sự trở lại với nó, nhưng Đấng Sáng Tạo, nếu Ông đã tạo ra tất cả mọi thứ, một người có thể sẽ nghĩ rằng, ông đã có thể tránh tất cả cái hang hoàn toàn [14].

Có lẽ khó khăn này phát sinh chỉ từ khái niệm của đạo Kitô về một Đấng SángTạo, và không kết buộc vào với Plato, người nói rằng Gót không tạo ra tất cả mọi thứ, nhưng chỉ những-gì là tốt đẹp. Tính phồn tạp của thế giới cảm thức, trên quan điểm này, sẽ có một vài nguồn gốc khác hơn ngoài Gót. Và những ý tưởng sẽ, có lẽ, không quá nhiều phần được sáng tạo bởi Gót nhưng là những thành phần của yếu tính của Ông. Sự đa dạng biểu hiện bao gồm trong sự liên quan đến tính phồn tạp của những ý tưởng như vậy sẽ không là cuối cùng. Cuối cùng chỉ có một mình Gót, hoặc sự Thiện, vốn những Ý tưởng là thuộc tính của Nó. Điều này, với bất kỳ mức độ nào, là một giải thích có thể có đươc cho Plato.

Plato tiến đến một phác họa lý thú về một nền giáo dục thích hợp cho một người trẻ, người này sẽ là một người giám hộ. Chúng ta đã thấy rằng người trẻ tuổi đã được chọn lựa với vinh dự này trên nền tảng của một sự kết hợp cả trí tuệ và những phẩm chất đạo đức: anh ta phải công chính và hiền hòa, ham thích học tập, với một trí nhớ tốt và một trí não hài hòa. Người trẻ tuổi, những người đã được chọn vì những ưu điểm này, sẽ dành những năm từ 20 đến 30 tuổi trên bốn ngành học theo như Pythagore: số học, hình học (phẳng và không gian), thiên văn học, và hòa âm âm nhạc. Những môn học này không được theo đuổi trong bất kỳ một tinh thần hữu dụng nào cả, nhưng để chuẩn bị trí não của mình cho tầm nhìn đến với những-gì vĩnh cửu. Trong thiên văn học, thí dụ, anh không phải để mình gặp rắc rối quá nhiều với những thiên thể thực có trên trời, mà đúng hơn là với toán học của sự chuyển động của những thiên thể lý tưởng trên trời. Điều này nghe có vẻ vô lý với tai nghe thời hiện đại, nhưng, lạ lùng mà nói, nó đã chứng tỏ là một điểm có kết quả trong kết hợp với thiên văn học thực nghiệm. Cái cách điều này đã xảy ra là lạ lùng, và đáng được xem xét.

Những chuyển động biểu kiến của những hành tinh, cho đến khi chúng đã được phân tích rất sâu xa, xem ra là bất thường và phức tạp, và không giống chút nào như một vị Sáng tạo theo kiểu Pythagore nếu đã lựa chọn. Là điều đã hiển nhiên đối với tất cả mọi người Hylạp, là những gì trên trời phải nên được miễn trừ cho cái đẹp của toán học, mà đó sẽ chỉ là trường hợp nếu như những hành tinh đã di chuyển theo vòng tròn [15]. Điều này sẽ đặc biệt là hiển nhiên với Plato, do ở sự nhấn mạnh của ông trên cái tốt đẹp. Thế nên vấn đề phát sinh: là có bất kỳ một giả thuyết nào mà nó sẽ giảm thiểu tính chất vô trật tự biểu kiến của những chuyển động hành tinh thành vào với trật tự, và vẻ đẹp, và đơn giản? Nếu như có, ý niệm về cái tốt lành sẽ chứng minh với chúng ta, qua sự xác nhận giả thuyết này. Aristarchus của đảo Samos đã tìm thấy một giả thuyết loại như thế: rằng tất cả những hành tinh, bao gồm cả trái đất, quay vòng quanh mặt trời theo những vòng tròn. Quan điểm này đã bị phủ nhận trong xuốt hai ngàn năm, một phần vì uy tín của Aristotle, người đã qui một giả thuyết đúng ra rất nhiều tương tự cho những người “phái Pytagoras” (De Coelo, 293 a). Nó đã được Copernicus hồi sinh, và sự thành công của nó có vẻ có thể để biện minh cho thiên kiến mang tính thẩm mỹ của Plato trong thiên văn học. Tuy nhiên, thật không may, Kepler đã phát hiện ra rằng những hành tinh di chuyển theo những hình bầu dục, không phải theo những hình tròn, với mặt trời ở tiêu điểm, nhưng không phải ở trung tâm; rồi sau đó Newton phát hiện ra rằng chúng không di chuyển, ngay cả theo những hình chính xác bầu dục. Và như thế, tính đơn giản hình học Plato tìm kiếm, và dường như Aristarchus người đảo Samos đã tìm thấy, cuối cùng đã được chứng minh là huyễn ảnh.

Mẩu lịch sử của khoa học này minh họa một châm ngôn tổng quát: rằng bất kỳ một giả thuyết, nào, cho dẫu phi lý đến đâu, có thể sẽ là hữu ích trong khoa học, nếu như nó làm cho một người khám phá có khả năng hình thành trong óc những-gì trong một cách thức mới, nhưng mà, một khi nó đã phục vụ mục đích này nhờ may mắn, nó có khả năng trở thành một chướng ngại để tiến xa hơn. Sự tin tưởng vào sự tốt đẹp như là chìa khóa dẫn đến sự hiểu biết khoa học về thế giới đã là hữu ích, ở một giai đoạn nhất định, trong thiên văn học, nhưng ở mọi giai đoạn sau đó đã là có hại. Những thiên kiến đạo đức và thẩm mỹ của Plato, và lại còn nhiều hơn của Aristotle, đã làm rất nhiều để giết chết khoa học Hylạp.

Cũng đáng ghi nhận rằng những triết gia theo thuyết của Plato hiện đại, trừ một ít những ngoại lệ, không biết gì về toán học, bất kể tầm quan trọng lớn lao Plato đã gắn vào số học và hình học, và ảnh hưởng bao la chúng đã có trên triết lý của ông. Đây là một thí dụ về những cái tai độc của sự chuyên môn: một người phải không viết gì về Plato, trừ khi ông đã dành rất nhiều thời tuổi trẻ của mình về Hylạp đến đã không có thì giờ cho những-gì vốn Plato đã nghĩ là quan trọng.


Chương 16. Lý thuyết của Plato về sự Bất tử.

Bản văn đàm thoại được gọi theo tên của Phaedo [16] đáng chú ý về nhiều phương diện. Nó có mục đích mô tả những giờ phút cuối trong đời của Socrates: cuộc trò chuyện của ông liền trước khi ông uống thuốc độc hemlock, và ngay sau đó, đến khi ông lịm đi, mất hữu thức. 


Lê Dọn Bàn tạm dịch- bản nháp thứ nhất

(Jun/2010)
(còn tiếp...)

http://chuyendaudau.blogspot.com/

http://chuyendaudau.wordpress.com




[1] Xem bản dịch Republic (Cộng Hoà) của tôi (LDB)
[2] Theory of Ideas, or Theory of Forms (Platonic Forms). Tôi dịch là Thuyết về những Thể Dạng (Forms), như các học giả thời nay (thế kỉ XXI), nhưng trong tập sách này, vẫn giữ nguyên văn của Russell (từ thế kỉ XX trước)
[3] vision of truth
[4] Theory of Ideas or Forms: Lý thuyết về những Ý tưởng, hay “lý thuyết về những Thể Dạng”, tôi dùng từ “Thể Dạng” hiểu như những khuôn dạng bất biến, vĩnh cửu, phi thời gian, phi không gian, và chúng mới là những thực thể, tất cả những biểu hiện ở trần gian này, chỉ là những hiện tượng đặc thù, là những sao chép không toàn vẹn của chúng. Đó là nội dung của Plato theo tôi được hiểu.
[5] N2O – Nitrous oxide
[6] “đường thẳng”, “vòng tròn”, hay “giường” không chỉ tuyệt đối thẳng, tròn, thể dạng-giường, nhưng duy nhất, chỉ có một mà thôi, theo như Plato, vì duy nhất nên tuyệt đối.
[7] Xem Plato, “Dụ Ngôn Cái Hang” – bản tôi tạm dịch.
[8] Một đàm thoại được xem như khó hiểu nhất của Plato, xem bản tạm dịch của tôi (LDB)
[9] “third man argument” – “luận chứng người thứ ba”: Vắn tắt, nếu một người cụ thể (trong thực tại), theo như Plato, là tạo thành qua cách cùng có phần từ một ý tưởng, hay gọi theo danh từ ngày nay là một “Thể dạng Plato”, như thế một Thể dạng khác sẽ phải cần có để giải thích cho cả hai – “người cụ thể” và Thể dạng Người – làm sao chúng có thể được gọi là “người”.
Thể dạng Người này – khác với thể dạng đầu tiên (vì đã có thêm phần “tổng hợp”) – là “người thứ ba”, và cứ thế, một Thể dạng Người khác nữa – “người thứ tư” – sẽ phải có để giải thích làm sao tất cả ba đối tượng này có thể gọi là “người”, và như thế, sẽ thành một chuỗi trở ngược vô tận (an infinite regress). 
[10] “Cái giường” ý tưởng tuyệt đối trên thiên đàng! dĩ nhiên là không nằm được vì nó không chỉ ở ngoài thời gian, nhưng ngoài không gian.
[11] Những bóng in trên tường Dụ ngôn cái Hang của Plato.
[12] Phê bình của Russell, chủ yếu về đạo Kitô ở đây, gợi nhắc những gì Nietzsche đã phê bình đạo Kitô, lên án nó là một chủ nghĩa hư vô, vì nó phủ nhận cuộc đời này, xem cuộc nhân sinh là tội lỗi, và hướng mọi tín đồ về một cõi sông ngoài trần gian này, mệnh danh là thiên đường, hy sinh tất cả hiện sinh cho một huyễn ảo, ảo ảnh, không tưởng.
Xem – Friedrich Nietzsche, Phản Kitô, bản tôi tạm dịch.
Và về thiên đường, xem – Michael Martin, Thiên đường dậy sóng hoài nghi? bản tôi tạm dịch.
[13] Muốn cứu chuộc nhân loại, Gót đã có thể chỉ cần sửa chữa thế giới lý tưởng, vốn theo như Plato là những Lý tương, hay Khuôn mẫu, hay Thể dạng phổ quát cho tất cả những-gì biểu hiện trên trần gian này, không cần phải – thí dụ trong đạo Kitô – có con xuống trần chịu chết. Nhưng có lẽ phải như thế mới có thần tượng để tôn thờ và thành lập tôn giáo với giai cấp tu sĩ đặc biệt.
[14] Nếu trần gian với con người là “tội lỗi”, phải “cứu chuộc” – sao không ngay từ đầu tạo ra một trần gian, giả định là có Gót, và Gót tạo trần gian, sao không tạo một trần gian hoàn hảo, cho khỏi rắc rối, khổ cả con Gót lẫn tất cả con người!, sao phải rắc rối tạo ra hai thế giới – thế giới cái hang và thế giới mặt trời soi sáng ngoài kia, Russell muốn nói, Gót đã có thể tránh hoàn toàn không phải tạo ra cái hang làm gì!
[15] Thời ấy, chưa biết quĩ đạo các thiên thể rõ rệt ra sao, nhưng trên tổng quát, không nghĩ là những vòng tròn.
[16] Phaedo of Elis (hay Phaedon, Greek: Φαίδων; Thế kỷ 4 TCN) triết gia Hylạp. Người xứ Elis, trong chiến tranh ông bị bắt và bán làm nô lệ. Sau đó tiếp xúc với Socrates ở thành Athens, và đã được Socrates đón nhận nồng hậu và cởi phận nô lệ cho ông. Lúc Socrates chết, ông có mặt và Plato lấy tên ông đặt cho một đàm thoại của mình. Sau đó, ông về Elis, và thành lập trường phái triết học Elean (Elean School of philosophy). Xem bản tạm dịch Phaedo của tôi (LDB)