Wednesday, September 21, 2011

Plato - Phiên Tòa và cái Chết của Socrates (2)

Plato
Phiên Tòa và cái Chết của Socrates

Lời Socrates cãi trước tòa 
(Apology) 

(tiếp theo)






Lời Socrates cãi trước Tòa (The Apology of Socrates) là một trong những tài liệu sớm nhất hiện có của triết học Hylạp - tất cả những gì trước đó hầu hết đã bị thất lạc và chỉ còn được biết qua những đoạn trích dẫn trong những tác phẩm về sau này. Lời Socrates cãi trước tòa, cho ta biết gần trọn những gì xem như thường được biết về Socrates, qua lời kể của Plato, học trò của ông, và là một triết gia có vị trí rất đặc biệt và duy nhất do ảnh hưởng lớn lao và lâu dài của ông trên toàn bộ triết học phương Tây. Thế nên, Lời Socrates cãi trước Tòa, vẫn còn là một dẫn nhập lý thú, đưa vào nền triết học quan trọng đó, và là văn bản truyền thống hoàn chỉnh đầu tiên vẫn phải đọc để nghiên cứu Hylạp cổ điển.

Mặc dù ý nghĩa đã thay đổi qua thời gian, từ “apología“ trong tiếng Hylạp, đơn giản và chính xác chỉ có nghĩa là bào chữa, hay là một bài phát biểu để bào chữa. Trong phiên tòa xử ông, khoảng năm 399 TCN, Socrates làm thính giả của mình ngạc nhiên, sau những lời cãi trước tòa hùng hồn của ông, xem ra như ông có ý tự để mình bị buộc tội, và chịu xử chết bằng độc dược sau đó.

 như thế, những câu hỏi sẽ mở ra cho người đọc, bắt đầu với Socrates, nghĩa là bắt đầu với vị triết gia được xem như đã chính thức khai mở triết học phương Tây, đưa chúng ta vào triết học, ở thuở bình minh của nó, tại thành Athens, và cũng có thể như thế, nói rằng triết học phương Tây đã mở đầu bằng một cái Chết, cái chết của Socrates.

Như vẫn được tin tưởng, bốn trăm năm sau, thêm một cái Chết nữa, khai mở một tôn giáo mới;  Như thế cả toàn bộ tư tưởng phương Tây, đều mở đầu với những cái chết đậm dấu từ hai nhân vật có thân thế lịch sử, một mù mờ, và một đầy huyền thoại.

Lê Dọn Bàn





Giới thiệu



1.  Xung quanh vụ án xử Socrates

Theo chính lời Socrates, ông đã bị đem ra xét xử hai lần tại Athens: một lần trên sân khấu của vở kịch khôi hài Clouds của Aristophanes, và một lần trong tòa án của quan archon trưởng, với hội đồng bồi thẩm gồm khoảng 500 công dân thành Athens của ông (Plato, Apology). Trong phiên tòa thứ hai, hoặc chính xác hơn, trong bài phát biểu của Socrates tự cãi trước phiên tòa này – chúng ta cũng có hai phiên bản. Đầu tiên là của Plato, người tự cho biết là có mặt tại phiên tòa. Thứ hai là Xenophon, tuy không có mặt nhưng tường thuật một số những gì ông đươc nghe Hermogenes kể lại, người này có thể đã có mặt tại phiên tòa. Về vở kịch khôi hài Clouds, chúng ta không còn văn bản như Socrates nhắc trong Apology, nhưng một văn bản đã sửa chữa muộn hơn về sau. Dù sao đi nữa, trong chủ yếu nội dung vẫn là một, như chúng ta có thể thấy so với tự mô tả của Socrates trong đó.

Hai đàm thoại khác của Plato - EuthyphroCrito liên quan chặt chẽ và soi sáng thêm Apology theo những cách khác nhau. Euthyphro diễn ra khi Socrates trên đường đến tòa án của quan archon trưởng cho một buổi điều trần sửa soạn cho phiên tòa chính thức, và Euthyphro bàn về một chủ đề - lòng đạo hạnh - vốn là trọng tâm của phiên tòa. Crito xảy ra tại nhà tù nơi Socrates bị giam sau khi bị kết tội không-đạo hạnh và đã bị kết án tử hình, Crito bàn về những lý do của ông khi chấp nhận những gì ông tin là một phán quyết và kết án bất công. Trong cả hai đàm thoại, chúng ta thấy Socrates tham dự vào những hoạt động triết học mà chúng ta chỉ được nghe mô tả trong Apology.

Phaedo, cũng như Crito, chúng ta thấy Socrates trong tù, bây giờ đang chờ đợi án tử hình sắp xảy ra. Ông nói về cái chết, về triết lý của ông, và về thế giới bên kia. Sau đó, “với đặc tính bình tĩnh của ông trong nghịch cảnh, và trong  sự trung thành hoàn toàn với những nguyên tắc của mình, ông uống nước cây hemlock và chết”.

Ở trên là những gì qua ngòi bút tài hoa của Plato. Trong Clouds của nhà viết kịch Aristophanes, người được xem là cha đẻ của hài kịch, hoàng tử của hài kịch Hylạp, chúng ta thấy một chế nhạo gây cười về một Socrates, người được trình bày như là một sophist, kẻ lật đổ của những giá trị truyền thống của Athens - gồm những giá trị tôn giáo.

Trong Apologia Socratous (Socrate bào chữa trước hội đồng bồi thẩm) của Xenophon, một người có thân thế khắc hẳn hai tác giả kể trên, thuộc giới điền chủ bình dân, từng là một tướng quân, bạn của Socrates, sau cùng về già là sử gia. Trong Xenophon, chúng ta gặp một Socrates rất khác với Socrates cả của Plato và của Aristophanes. Ở đây, Socrates là một người hoàn toàn chính thống trong những vấn đề tôn giáo, và là người đã khiêu khích ban bồi thẩm đi đến bất công kết án ông tội không-đạo hạnh, bởi ông muốn (chọn cái chết để) tránh những đau đớn của tuổi già.


2.  Đôi dòng về Socrates

Socrates sinh tại Athens trong năm 470/69 TCN. và qua đời năm 399. Ông là con trai của bà Phaenarete (một bả mụ đỡ đẻ) và ông Sophroniscus (một người thợ khắc tượng), chồng của bà Xanthippe (về sau này, hoặc có lẽ trước đó, và của bà Myrto); Socrates có ba con trai, hai đứa vẫn còn là trẻ thơ vào lúc ông chết. Trong Euthyphro, ông kể tổ tiên ngược về nhà điêu khắc thần thoại Daedalus, vì vậy có thể cho rằng lúc còn trẻ ông cũng học và thực hành nghề thợ chạm của cha mình. Ông đã phục vụ như là một lính pháo thủ súng nặng trong quân đội Athens, trong cuộc chiến Peloponnesian với Sparta (Apology), ở đây người ta đã chú ý ông về sự can đảm, khả năng chịu đựng đói, khát, và lạnh, và năng lực tập trung tư tưởng khiến có thể giữ ông chôn chân một chỗ cho đến hết ngày (Plato, Symposium). Bởi vì theo luật lệ của Athens, những người đăng lính pháo thủ súng nặng phải là người có tài sản và cung cấp vũ khí riêng của mình, Socrates có thể không không phải luôn luôn là một người nghèo. Tuy nhiên, ông dường như có thói quen đặc biệt hết sức tiết kiệm. Ông thường đi chân đất, ít khi tắm, và mặc cùng một áo choàng mỏng cả trong mùa đông lẫn mùa hè (Plato, Symposium). Trong một xã hội vẻ đẹp nam giới được tôn thờ, và tình yêu giữa nam giới là tự nhiên; ngươi ta chú ý sự xấu xí của ông. Ông đã có mũi vọc, mắt phồng, môi dày, và bụng to (Xenophon, Symposium). Tuy nhiên, dường như đó lại một quyến rũ cá nhân của ông, khiến nhiều thanh niên trẻ đẹp bao quanh theo chân ông.

Năm 406 TCN, Socrates trong hội đồng chỉ đạo (prytaneis) của nghị viện Athens, ông một mình bỏ phiếu chống lại một đề nghị bất hợp pháp nhằm đưa ra tòa một nhóm những tướng quân đã thất bại không thu được xác những người chết trong trận hải chiến tại Arginusae (Apology). Sau đó, bất chấp đe dọa tính mạng riêng mình, ông đã bất tuân một mệnh lệnh bất công của nhóm Ba mươi Bạo chúa đi bắt Leon của thành Salamis về để xử tử (Apology).

Năm 423 TCN, Aristophanes đã đem Socrates vào thành nhân vật của hài kịch Clouds, trong đó ông xuất hiện như là một trí thức điển hình của thời đại, dạy một hỗn hợp gồm những lý luận ngụy biện phi luân lý và lý thuyết cơ học vô thần về vũ trụ. Chúng ta có thể suy luận rằng Socrates phải có phần nào giống như những sophists – những giáo sư dạy tư những môn học ăn khách kiếm sống nay đây mai đó, vốn phổ biến thời ấy - để Aristophaes vẽ chân dung ông như thế.

Năm 399 TCN, dù là với tư cách Socrates nào, Socrates đã bị đưa ra tòa xét xử về tội danh là làm hư hỏng giới trẻ bằng những dạy họ không tin vào những vị gót. Ông bị tòa kết luận phạm tội - một phần lớn, ông tuyên bố, bởi vì những thành kiến ​​chống lại ông do Aristophanes thổi phồng lên và bằng một số phiếu thuận rất suýt soát, ông bị lên án tử hình, phải chết bằng uống thuốc độc cây hemlock, vốn vẫn là một lối xử tội tử hình ở cổ Hy lạp, nhưng sau đó, tên ông gắn liền với loài cây độc này, Socrates là một tội nhân nổi tiếng nhất của nó. Trọng tâm câu chuyện có vẻ như, trường hợp truy tố ông là một trong những khía cạnh khó hiểu nhất về thân thế Socrates; như chính ông cho biết trong ông luôn có một daimonion – tạm gọi là một thứ tiếng nói tâm linh quen thuộc – chúng ta có thể hiểu như lương tâm nhưng pha thần bí (của thời đại ông) vì được thần linh hướng dẫn, daimonion này tránh cho ông hay giữ ông lại bất cứ khi nào ông định hay sắp làm điều gì đó sai. Mặc dù điều này trên thực tế, có thể không khác gì với những hình thức chấp nhận khác của thực hành tôn giáo, nhưng trong một người nào đó bị nghi ngờ và lên án là sophist vô thần, chắc chắn hay có thể khó không nghi ngờ rằng đằng sau vụ án nổi tiếng này có nhiều đen tối và âm mưu lật đổ sâu xa hơn.

Những đặc điểm cá nhân của Socrates đóng và tiếp tục đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thu hút những học trò đến với ông. Ông chứng minh – như tất cả những nhà giáo đều biết - rằng uy tín thu hút có thể cũng quan trọng như nội dung được giảng dạy. Nếu Socrates đã không có một cái gì đó hấp dẫn nhất định, ai là người đã bõ công lắng nghe những gì ông nói? Như nó đã xảy ra, tuy nhiên, ông có rất nhiều người theo nghe. Và bởi vì tự thân Socrates đã không viết gì cả, những gì ông nói là những gì chúng ta chuyển thành nội dung mang tên ông. Thế nhưng, điều này không phải dễ dàng, vấn đề là:

(1) Những bài viết của nhiều người trong số những người quen biết ông - Antisthenes, Phaedo người thành Elis, Eucleides người thành Megara, Aristippus người thành Cyrene, Aeschines người thành Sphettos đã bị mất hoặc chỉ tồn tại trong những mảng rời rạc.

(2) Văn bản còn lại của những người khác biết ông - Aristophanes, Plato, và Xenophon trong khi khá toàn vẹn hơn, nhưng trình bày ông với những chân dung rất khác nhau.

(3) Chân dung Socrates của chính Plato, người viết về ông nhiều nhất - ít nhất là có hai - một Socrates của những đàm thoại ban đầu (Apology, Charmides, Crito, Euthyphro, Hippias Minor, Hippias Major, Ion, Laches, Lysis, Menexenus) được cho là có dựa trên một mức độ nào đó về một nhân vật lịch sử (vì lý do này thường được gọi là những Đàm thoại của Socrates). Socrates, người xuất hiện trong những đàm thoại Plato viết muộn hơn về sau, tuy nhiên, dường như ngày càng được xem chỉ như một phát ngôn cho những khai triển các học thuyết của chính Plato. Do đó, khi chúng ta nhìn vào Socrates, chúng ta nhìn vào nhiều khuôn mặt có khả năng rất khác nhau. Với một số, là những chân dung có ảnh hưởng từ Socrates lịch sử, một số chân dung của ông đến từ những phần vỡ vụn của những tổng thể đã mất, một số người đến từ con người và cá tính của ông, và một số qua học thuyết cụ thể của ông.

Tuy nhiên, một ý tưởng đáng kể được xem là gần như gia sản chung của những chân dung khác nhau kể trên:

(1) Kiến thức hay lý thuyết (logos) là rất quan trọng cho đức hạnh. (không có đức hạnh nếu không có kiến thức – người ta phạm điều xấu vì vô minh, không hiểu biết)

(2) Đức hạnh thì quan trọng cho hạnh phúc. (Không có hạnh phúc nếu không đức hạnh)

(3) Cách sử dụng bằng đặt câu hỏi dựa trên epagoge (qui nạp, tranh cãi từ những trường hợp song song) là rất quan trọng liên quan đến việc sở hữu kiến ​​thức, và như thế, của đức hạnh.

(4) Những loại tự chủ (enkrateia), tự lấy làm đủ (autarkeia), và sự kiên trì đạo đức (karteria) Socrates đã trưng bày về phần liên hệ đến khoái lạc và đau đớn là quan trọng đối với hạnh phúc.

(5) Eros and tình bạn có vai trò quan trọng trong triết học và triết học, và trong cuộc sống, vì các điều (l - 3), kể trên

(6) Những người được truyền thống (Hylạp) xem là thày dạy của đức hạnh – những nhà thơ - cũng như những người đựo xem là có được sự khôn ngoan - những chính trị gia – lại là những người nhiều thiếu xót những tính chất này. Được tiết lộ qua điều (3) kể trên.

Những ý tưởng này khá mơ hồ, tất nhiên, và như vậy có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau.Socrates khó có thể có đã có ảnh hưởng với nhiều hạng người như vậy. Nếu như chúng đã không có nội dung rộng rãi như thế.


3. Socrates và Plato

Plato sinh tại Athens trong năm 428 TCN. và qua đời năm 348 / 7. Cha của ông, Ariston, có nguồn gốc từ Codrus, vị vua cuối cùng của Athens; mẹ ông, bà Perictione, có họ hàng với Solon, nhà kiến ​​trúc hiến pháp của thành Athens. Khi Plato còn là một đứa trẻ, cha ông mất và mẹ ông tái hôn với Pyrilampes, một người bạn của Pericle, nhà chính khách vĩ đại và nổi tiếng của Athens. Plato do đó quen thuộc với chính trị Athens từ ấu thơ và đã được dự kiến sẽ theo chân cha ông, ​​gia nhập chính trường, tạo một sự nghiệp chính trị cho bản thân mình. Tuy nhiên, kinh hoàng trước những biến cố chính trị thực tại, sau khi Sparta đánh bại và quản trị Athens, đặc biệt là vụ án Socrates trong năm 399 TCN, ông quay sang triết học, nghĩ rằng chỉ có giáo dục mới có thể cứu nhân loại khỏi nội chiến và những biến động chính trị và cung cấp một nền tảng vững chắc cho đạo đức và chính trị (Lá Thư thứ bảy 324b-326b). Ông lập một trường dạy học (387 TCN) – mang tên Academy, ở ngoại ô Athens, tên gọi này trở thành danh từ chỉ những học viện khắp thế giới.

Như Plato trình bày triết lý của Socrates, nó bao gồm gần như hoàn toàn trong việc đặt câu hỏi mọi người về đức tính đạo đức thông thường được công nhận. Thí dụ “Công lý là gì?”, Socrates hỏi, hoặc lòng đạo đức? hoặc can đảm? hoặc khôn ngoan? Hơn nữa, Socrates có cho rằng là có câu trả lời chính xác cho những câu hỏi này - rằng mỗi đức hạnh có một số đặc tính xác định, hoặc dạng thức (eidos, ý tưởng). Và mặc dù ông không thảo luận về bản chất của những dạng thức này, hoặc phát triển bất kỳ một lý thuyết rõ rang nào về chúng hoặc về kiến thức của chúng ta về chúng, ông khẳng định rằng chỉ có chúng – những thể dạng – mới có thể dung như những tiêu chuẩn đáng tin cậy để phán đoán xem điều gì là đạo đức, và rằng chúng có thể nắm bắt được trong những định nghĩa khai triển rõ ràng (Euthyphro 6d-e, Charmides 158e-159a).

Socrates quan tâm đến những định nghĩa của những đức hạnh, Aristotle nói với chúng ta, là kết quả từ suy nghĩ về chúng như những nguyên lý đạo đức đầu tiên (Metaphysics 1078b, 12—32). Đó là lý do tại sao, nếu người ta không hiểu biết về chúng, người ta có thể không biết bất cứ điều gì nào khác về bất cứ hậu quả nào về đạo đức (Hippias Major 286c-d, 304d-e; Laches 190b-c;  Lysis 212a, 223b;  Protagoras 361c; Republic 354c). Tự tuyên bố chính mình cũng không biết gì nhiều về chúng, Socrates cũng khẳng định đã có ít hoặc không có kiến ​​thức đạo đức khác (Apology 20c, 21b). Những lời phủ nhận về kiến ​​thức này thường được mô tả như là không đúng, hay nói để mỉa mai, nhưng Aristotle đã nói với nghĩa thông thường của phát biểu (Refutations Sophistical 183b 6-8).

Cách thức đặc biệt Socrates đặt câu hỏi với mọi người bây giờ được gọi là một elenchus (từ động từ tiếng Hy Lạp, elegchein – là xem xét hay bác bỏ): Socrates hỏi những gì là đức hạnh, một người trong đàm thoại đem cho một định nghĩa mà họ chân thành tin là đúng, Socrates sau đó bác bỏ định nghĩa này bằng cách cho thấy nó mâu thuẫn với những tin tưởng khác, của chính người đàm thoại này cũng chân thành tin theo, và không muốn từ bỏ (thường là một xem xét về những như trường hợp song song hoặc tương tự, đóng một vai trò quan trọng trong việc gợi ý, hay khơi dậy  những tin tưởng này). Trong trường hợp lý tưởng, vốn không bao giờ thực sự được mô tả trong những đàm thoại Socrates, tiến trình này tiếp tục cho đến khi một định nghĩa thỏa đáng xuất hiện, một định nghĩa không mâu thuẫn với tất cả những tin tưởng chân thành khác vẫn được duy trì, và đến khi như thế, định nghĩa này mới có thể chịu được và đứng vững trước sự tra xét những hệ quả của nó (elenctic). Bởi vì nhất quán với tin tưởng sai lầm là không thể bảo đảm về sự thật, và định nghĩa không đúng sự thật là không thể làm cơ sở cho kiến thức, cách Socrates sử dụng elenchus dường như giả định rằng một số tin tưởng chân thành là đúng sự thật.

Những định nghĩa Socrates gặp trong những khảo sát elenctic của ông từ những người khác đã chứng tỏ là không đạt được thỏa mãn. Nhưng qua những khảo sát này, luôn luôn đồng thời biến thành Socrates tự khảo sát (Charmides 166c-d; Hippias Major 298b-c; Protagoras 348c-d), ông đi đến chấp nhận một số đề tài tích cực đã chống trả lại sự bác bỏ. Trong số này có ba “nghịch lý” Socrates nổi tiếng:

(1) Những đức hạnh vẫn được tôn trọng và thông thường nhìn nhận tất cả động nhất với trí tuệ khôn ngoan hay kiến ​​thức (Charmides 174b-c; Euthydemus 281d-e; Protagoras 329b-334c, 349a-36Id)

(2) Kiến thức này thì cần thiết và đủ cho hạnh phúc hay thậm chí có thể là một, đồng nhất với nó (Crito 48b, Gorgias 471e).

(3) Không bao giờ có những cá nhân hành động trái với những gì họ biết, hoặc tin tưởng là tốt nhất, như thế sự yếu đuối của ý chí là không thể có  (Protagoras 352a-358d).

Gộp chung tất cả ba học thuyết tạo thành một loại đạo đức rất nghiêm ngặt của chủ nghĩa trí thức (ethical intellectualism): chúng ngụ ý rằng tất cả những gì chúng ta cần để có đạo đức và hạnh phúc chỉ là kiến ​​thức.

Mục tiêu của một elenchus, tuy nhiên, không phải chỉ để đạt được định nghĩa đầy đủ của những đức hạnh, hay học thuyết có vẻ như nghịch lý về yếu kém của ý chí và đức hạnh, nhưng về giáo dục đạo đức và cải cách đạo đức. Đối với Socrates, ông tin rằng thường xuyên tra vấn triết lý – sống một đời sống phải luôn luôn tra hỏi, tự vấn - làm cho người ta hạnh phúc hơn và nhiều đạo đức hơn bất kỳ điều nào khác, bằng cách chữa họ khỏi tự mãn, nghĩ họ biết trong khi họ không biết (Apology30a, 36c-e, 38a, 41b-c). Sống triết lý như vậy là quan trọng cho sự lành mạnh của con người, và chính như vậy, tuy có thể bỏ trốn, hay chịu án tù, ông đã sẵn sàng chấp nhận cái chết vì không buông bỏ triết lý (Apology29b-d).

Thông điệp qua câu nói thường được nhắc nhở của ông vẫn vang vọng từ ApologyThe unexamined life is not worth living”. – “Một đời không suy nghiệm thì không đáng sống”.

(Theo giáo sư  C. D. C. Reeve)





LỜI SOCRATES CÃI TRƯỚC TÒA

Dẫn nhập

Apology [1] tự nhận là một biên bản chính bài phát biểu Socrates thực sự đã cãi khi bào chữa cho mình tại phiên tòa. Điều này làm cho những câu hỏi về sử tính của nó nghiêm trọng hơn so với những đàm thoại trong đó tự thân những bàn luận chủ yếu là hư cấu, và câu hỏi về giá trị lịch sử chỉ là bận tâm với những lý thuyết mà Socrates trình bày trong đó về đến mức độ nào là của một Socrates lịch sử. Ở đây, tuy nhiên, chúng ta đang giải quyết một bài diễn văn vốn Socrates phát biểu được xem như một thực tại lịch sử.  Ghi chép của Plato chính xác đến đâu? Chúng ta luôn luôn nên nhớ rằng người xưa đã không mong đợi chính xác lịch sử giống cách của chúng ta. Mặt khác, Plato viết rõ ràng rằng ông đã có mặt tại phiên tòa (34a, 38b). Hơn nữa, nếu như người ta đã thường tin, Apology được viết không lâu sau biến cố. Nhiều người Athens hẳn sẽ nhớ bài phát biểu thực, và sẽ là một cách vụng về nếu muốn minh oan cho người Thầy, vốn đó là chủ đích rõ ràng, mà lại đặt một bài phát biểu hoàn toàn khác vào miệng của người. Một số tùy tiện rộng rãi không nghi ngờ là có thể có được, nhưng những lập luận chính và giọng điệu chung của bài bào chữa chắc chắn phải trung thành với nguyên bản. Vẻ đẹp của ngôn ngữ và văn phong chắc chắn là của Plato, nhưng tinh thần trong sáng và vẻ đẹp đạo đức của nhân vật thuộc về Socrates. Một kết hợp tuyệt vời mạnh mẽ.

Bồi thẩm đoàn Athens rất lớn, trong trường hợp này gồm 501 người, và họ kết hợp nhiệm vụ của bồi thẩm và của thẩm phán như chúng ta biết khi họ hành xử cả hai, vừa kết án và tuyên án. Rõ ràng, sẽ hầu như không thể nào cho một cơ quan quá lớn như thế để thảo luận về những hình phạt khác nhau và quyết định chọn một. Vấn đề đã được giải quyết khá gọn gàng, tuy nhiên, bằng cách sau khi kết án, có công tố viên, thẩm định hình phạt ông nghĩ tương xứng, tiếp theo là phản-thẩm định từ bị cáo. Ban bồi thẩm sau đó sẽ quyết định giữa hai. Thủ tục này thường được thực hiện để gia giảm cân bằng ở cả hai bên.

Như thế, Apology gồm ba phần. Phần đầu và quan trọng là bài phát biểu chính (lla-35a), tiếp theo là phản-thẩm định (35a-38c), và sau cùng những lời cuối với ​​ban bồi thẩm (38c-42A), cả với những người đã bỏ phiếu thuận án tử hình và những người đã bỏ phiếu trắng án.


G. M. A. Grube





Lời Socrates cãi trước Tòa

Socrates:
Các công dân Athens, tôi không biết những người buộc tội tôi đã tác động quí vị như thế nào, về phần tôi, tôi hầu như đã bị cuốn đi mất chính mình, không tự cưỡng được, vì đã họ đã nói đến thuyết phục làm sao. Tuy nhiên, hầu như khó có bất cứ một điều nào trong những gì họ nói được là sự thật. Trong số những dối trá đã kể, một điều đặc biệt làm tôi ngạc nhiên, cụ thể là quí vị nên cẩn thận đừng để bị lừa dối bởi một người ăn nói khôn khéo như tôi. Rằng họ không xấu hổ vì bị những sự kiện chứng minh ngay lập tức là sai, khi tôi cho thấy bản thân tôi không phải là một người ăn nói khôn khéo gì hết tất cả, mà tôi nghĩ là đáng xấu hổ nhất về phần họ, trừ khi thực sự họ gọi một ai ăn nói khôn khéo là người nói sự thật. Nếu họ định nói thế, tôi sẽ đồng ý rằng tôi là một nhà hùng biện, nhưng không phải theo lối của họ, thực vậy, như tôi nói, thực sự không có gì họ nói là sự thật. Từ tôi, quí vị sẽ nghe toàn bộ sự thật, có Zeus chứng giám, thưa quí vị, mặc dù không diễn tả trong những câu thêu thùa hoa mỹ và kiểu cách giống như của họ, nhưng mọi sự việc nói một cách ngẫu nhiên và những gì nảy đến đầu trước tiên sẽ nói trước, vì tôi đặt tin tưởng vào công lý của những gì tôi nói, và không để cho một ai trong quí vị mong đợi bất cứ điều gì khác. Nó sẽ không phù hợp ở tuổi của tôi, dù nó có thể hợp với một người trẻ tuổi, đùa nghịch với lời với chữ như khi tôi xuất hiện trước quí vị.

Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất
(Sep/2011)

(Còn tiếp...)

http://chuyendaudau.blogspot.com/
http://chuyendaudau.wordpress.com.


[1] Các chú thích trong bài – giữ trong ngoặc vuông [..] là của G. M. A. Grube, dịch giả bản tiếng Anh, là bản chính tôi dùng để dịch sang tiếng Việt. Một trong những bản Anh ngữ khác giúp đỡ tôi trong việc tìm hiểu bản văn là của C. D. C. Reeve.
Những từ ngữ Hylạp dựa trên bản ngữ Hylạp-Anh ngữ của Louis Dyer, Apology of Socrates and Crito: edited on the basis of Cron's edition – from Ginn & company, 1895- Original from Harvard University – bản này thực ra có cả Crito, Phaedo, SymposiumMemorabilia của Xenophon – và bản của Harold North Fowler - trong Loeb Classical Library edition – để đối chiếu vài từ Hylạp tôi cho là quan trọng.
Các chú thích khác là của tôi – hướng đến giới độc giả Việt phổ thông. Như thường lệ, sai lầm là của tôi.

[Từ apology là từ phiên âm, không phải một từ dịch ý, của từ Hylạp apologia có nghĩa là biện hộ. Trong bài diễn văn tuyệt nhiên không có gì là ý xin lỗi].