Sunday, July 31, 2011

Sigmund Freud - Văn minh và những Bất mãn từ nó (2)


Văn minh và những Bất mãn từ nó
 Sigmund Freud 
(1856 – 1939)

Das Unbehagen In Der Kultur (Vienne, 1929).
Civilization and Its Discontents (1930)

Văn minh và những Bất mãn từ nó



Chương I

Không thể nào thoát khỏi ấn tượng rằng người ta thông thường dùng những tiêu chuẩn sai lạc để đo lường - rằng họ tìm quyền lực, thành công và của cải cho chính họ, và ngưỡng phục những điều này thấy trong những người khác, và rằng họ lượng giá non thấp những gì có giá trị chân thực trong đời sống. Và tuy thế, trong khi làm bất kỳ một phán đoán tổng quát nào thuộc loại này, chúng ta ở trong nguy cơ quên mất thế giới con người và đời sống tinh thần của nó muôn màu muôn vẻ như thế nào. Có một số ít người được những người đương thời của họ không kềm được ngưỡng mộ với họ, mặc dù sự lớn lao của những người này nằm trên những cống hiến và những thành tựu hoàn toàn xa lạ với những mục đích và lý tưởng của đám đông quần chúng. Người ta có thể dễ dàng nghiêng sang để giả định rằng sau rốt chỉ có một thiểu số tán thưởng những con người lớn lao này, trong khi phần lớn đa số chẳng quan tâm gì đến họ. Nhưng sự việc có lẽ không đơn giản như thế, nhờ vào những bất đồng giữa những suy nghĩ và những hành động của người ta, và vào sự đa dạng nhiều loại của những thôi thúc ước mong của họ.

Một vị trong số hiếm hoi khác thường này, tự xưng là bạn tôi trong những thư từ của ông với tôi. Tôi đã gửi ông quyển sách mỏng của tôi, trong đó luận giải tôn giáo như một ảo tưởng [1], và ông trả lời rằng ông hoàn toàn đồng ý với phán xét của tôi về tôn giáo, nhưng ông đã lấy làm tiếc rằng tôi đã không hoàn toàn hiểu thấu nguồn gốc đích thực của những tình cảm tôn giáo. Điều này, ông nói, bao gồm trong một xúc cảm khác thường vốn bản thân ông không bao giờ thiếu vắng, vốn ông tìm được nhiều người khác xác nhận, và ông có thể giả định là nó hiện diện trong hàng triệu người. Đó là một xúc cảm mà ông muốn gọi là một cảm giác về “vĩnh cửu”, một xúc cảm như về một gì đó không cùng tận, không giới hạn - nó đã giống như, là “đại dương” mênh mông. Xúc cảm này, ông nói thêm, là một thực tế hoàn toàn chủ quan, không phải là một tín điều của lòng tin tôn giáo; nó mang theo với nó không bảo đảm nào về bất tử của cá nhân, nhưng nó là nguồn của năng lượng tôn giáo vốn được những Nhà Thờ và những hệ thống tôn giáo khác nhau đã nắm lấy, chúng hướng dẫn nó vào những băng tầng đặc biệt, và không nghi ngờ gì cũng bị chúng làm cạn kiệt. Một người, ông nghĩ rằng, có thể đúng đắn tự gọi mình là có tôn giáo trên nền tảng của chỉ một mình xúc cảm đại dương này mà thôi, ngay cả nếu người ấy bác bỏ mọi tin tưởng và mọi ảo tưởng.

Quan điểm được bày tỏ từ người mà tôi hết sức vinh dự được xem là bạn, và chính ông là người một lần đã ca ngợi sự kỳ diệu của ảo tưởng trong một bài thơ [2], gây cho tôi không ít khó khăn. Tôi không thể khám phá ra được xúc cảm “đại dương” này trong chính tôi. Không phải là điều dễ dàng để đối phó một cách khoa học với những xúc cảm. Người ta có thể cố gắng để mô tả những dấu hiệu sinh lý của chúng. Chỗ nào điều này là không thể được - và tôi sợ rằng xúc cảm đại dương cũng sẽ thách thức lối mô tả về đặc điểm này - không có gì còn lưu lại, chỉ trừ rơi trở về trên nội dung có tính ý tưởng vốn nó là sẵn sàng nhất được liên kết với xúc cảm. Nếu tôi đã hiểu người bạn tôi cho đúng, với nó ông có ý chỉ về cùng một điều, giống như sự an ủi được một nhà viết kịch sáng tạo và có phần nào lập dị, đem cho người anh hùng của mình là người đang đối mặt với cái chết tự gây ra. “Chúng ta không thể rơi ra ngoài thế giới này” [3]. Đó là nói rằng, nó là một xúc cảm về một sự ràng buộc không thể tháo gỡ, trong tư cách là một với thế giới bên ngoài như một toàn bộ. Tôi có thể nhận xét rằng với tôi điều này có vẻ đúng hơn như một gì đó trong bản chất thuộc về một nhận thức trí thức, vốn nó không phải, nó là sự thật, là không có một giai điệu xúc cảm đi kèm, nhưng chỉ giống như thể sẽ có mặt với bất kỳ hành động khác nào của tư tưởng thuộc cùng phạm vi bằng nhau. Từ kinh nghiệm của riêng tôi, tôi không thể thuyết phục bản thân tôi, về bản chất nguyên thủy của một xúc cảm loại giống như vậy. Nhưng điều này không cho tôi quyền phủ nhận rằng trong thực tế nó xảy ra trong người khác. Câu hỏi duy nhất là liệu nó được thông dịch một cách chính xác hay không, và không biết nó có nên được xem như là fons et origo [4] của toàn bộ nhu cầu về tôn giáo hay không.
 
Tôi không có gì để đề nghị hầu có thể có một ảnh hưởng quyết định trên giải pháp của vấn đề này. Ý tưởng về sự tiếp nhận của con người về một điều báo cho biết sự nối kết của họ với thể giới quanh họ qua một xúc cảm trực tiếp, vốn nó từ khởi đầu được hướng về mục đích đó, nghe ra rất lạ và gắn vào quá lệch lạc với dàn khung kết cấu của tâm lý chúng ta – khiến người ta thì có lý do chính đáng trong cố gắng để khám phá một giải thích phân tâm - đó là, một giải thích di truyền - về một xúc cảm loại như vậy. Dòng suy nghĩ nối sau tự nó nảy ra trong trí. Bình thường, không có gì chúng ta chắc chắn về nó hơn là xúc cảm về tự ngã của chúng ta, về ego [5] riêng mỗi chúng ta [6]. Ego này xuất hiện với chúng ta như một gì đó có tính tự trị và nguyên khối đơn nhất, đánh dấu tách biệt rõ rệt với mọi thứ khác. Một dạng ngoài như thế là một đánh lừa, và rằng về mặt ngược lại, ego thì tiếp tục hướng nội, không có bất kỳ phân định nào rõ nét, vào thành một thực thể trí não [7] vô thức vốn chúng ta chỉ định như là cái id , và nó dùng như là một loại mặt tiền cho id - đây đã là một khám phá được khảo cứu phân tích tâm lý thực hiện đầu tiên, vốn sẽ vẫn còn nhiều hơn nữa để nói với chúng ta về sự quan hệ của ego với id. Nhưng hướng ra phía bên ngoài, ở bất kỳ mức độ nào, ego dường như duy trì những đường dây phân giới rõ ràng và sắc nét. Chỉ có duy một trạng thái - đã thừa nhận là một trạng thái không bình thường, nhưng không phải một trạng thái có thể dán nhãn hiệu như bệnh lý được - trong trạng thái đó nó không làm điều này. Ở đỉnh cao trong tư cách của yêu đương, ranh giới giữa ego và đối tượng có cơ đe dọa bị tan chảy đi mất. Ngược với tất cả chứng cớ từ những giác quan của mình, một người đang yêu tuyên bố rằng “tôi” và “nàng” là một, và sẵn sàng xử sự như thể đó là một thực tại [8]. Những gì có thể được tạm thời bỏ đi với một chức năng sinh lý (nghĩa là bình thường) tất nhiên, cũng phải chịu để bị quấy nhiễu bởi những tiến trình bệnh lý. Bệnh lý học đã làm chúng ta quen thuộc với một số lượng lớn của những trạng thái trong đó những đường ranh giới giữa ego và thế giới bên ngoài trở nên bất định, hoặc trong đó chúng thực sự không được vẽ chính xác. Có những trường hợp trong đó những phần của cơ thể riêng một người, ngay cả những phần của đời sống trí não của chính ông ta - những nhận thức, những suy nghĩ và những xúc cảm của ông ta -, xuất hiện xa lạ với ông ta và như thể không thuộc về ego của ông ta; có những trường hợp khác, trong đó ông gắn vào thế giới bên ngoài những sự việc rõ ràng bắt nguồn từ ego riêng của ông ta và đáng lẽ phải được nó thừa nhận. Thế nên, ngay cả những xúc cảm của ego riêng của chúng ta là đối tượng của những nhiễu loạn, và những ranh giới của ego không phải là không thay đổi.

Suy nghĩ cân nhắc thêm nữa, bảo chúng ta biết rằng cảm-giác-ego của người trưởng thành không thể đã vẫn cùng là một kể từ khi khởi đầu. Nó đã phải trải qua một tiến trình phát triển, tất nhiên, không thể chứng minh được, nhưng nó thừa nhận là được xây dựng với một mức độ xác suất có thể tin được [9]. Một trẻ sơ sinh còn ngậm vú mẹ hẳn vẫn chưa phân biệt được ego của mình với thế giới bên ngoài như nguồn của những cảm giác tuôn chảy vào nó. Nó dần dần học để làm như vậy, khi đáp ứng với những thúc giục khác nhau [10]. Nó phải bị ấn tượng rất mạnh mẽ bởi sự kiện là một vài nguồn kích thích, vốn sau này nó sẽ nhận ra như những cơ quan cơ thể chính nó, có thể cung cấp cho nó những cảm giác bất cứ lúc nào, trong khi những nguồn khác thỉnh thoảng lại lẩn trốn khỏi nó - trong đám đó, những gì nó mong muốn hơn tất cả, là bầu vú của người mẹ - và chỉ xuất hiện trở lại, như một kết quả của việc nó la khóc đòi giúp đỡ. Trong cách này, lần đầu tiên có gán đặt một “đối tượng” phản ngược với ego, trong hình thức của một gì đó tồn tại “bên ngoài”, và nó chỉ có thể buộc xuất hiện bằng một hành động đặc biệt [11]. Một khuyến khích xa hơn nữa đi đến một tháo gỡ ego khỏi khối lượng tổng quát của những cảm giác - đó là, đi tới sự nhận thức về một “bên ngoài”, một thế giới bên ngoài - được cung cấp bởi những cảm giác không thể tránh, thường xuyên, và nhiều lớp của đau đớn và khó chịu, bực bội; vốn sự loại bỏ và lẩn tránh chúng được nguyên tắc lạc thú  [12]  ra lệnh, trong sự thực tập của sự thống trị không hạn định của nó. Một khuynh hướng nổi lên để tách biệt khỏi ego, tất cả mọi thứ có thể trở thành một nguồn của khó chịu loại giống như thế, để ném nó ra bên ngoài, và tạo ra một ego-lạc-thú thuần khiết, vốn nó đương đầu với một “bên ngoài” lạ lùng và đe dọa. Những ranh giới của ego-thuần-lạc-thú nguyên thủy này không thể thoát khỏi sự sửa đổi qua kinh nghiệm. Một số trong những điều mà người ta không muốn buông bỏ, vì chúng đem lại lạc thú, tuy nhiên không phải là ego, nhưng là đối tượng; và một vài đau khổ mà người ta tìm cách trục xuất lại quay ra là không thể tách rời được khỏi ego vì tư cách của nguồn gốc bên trong của chúng. Người ta đi đến học một tiến trình, qua một chiều hướng có chủ ý của những hoạt động giác quan của một người, và qua tác động bắp thịt thích hợp, người ta có thể phân biệt giữa những gì là ở bên trong - những gì thuộc về ego - và những gì là ở bên ngoài - những gì bắt nguồn từ thế giới bên ngoài. Trong cách này người ta làm bước đầu tiên hướng tới sự dẫn nhập của nguyên tắc thực tế [13] vốn nó là thống trị sự phát triển trong tương lai [14]. Sự phân biệt này, tất nhiên, phục vụ mục đích thực tiễn là làm cho một người có khả năng để bảo vệ mình chống lại những xúc cảm không thích thú, mà một người thực sự cảm thấy hoặc một người thấy bị nó đe dọa. Ngõ hầu chống đỡ được những kích thích không thích thú nào đó phát sinh từ bên trong, ego có thể sử dụng không những phương pháp nào khác hơn là những phương pháp nó sử dụng chống lại không-thích-thú đến từ bên ngoài, và đây là điểm khởi đầu của những nhiễu loạn bệnh lý quan trọng.

Trong cách này, sau đó, ego tách rời chính nó với thế giới bên ngoài. Hoặc, nói cho đúng hơn, ban đầu ego bao gồm tất cả mọi thứ, sau đó nó phân tách một thế giới bên ngoài ra khỏi từ chính nó. Xúc cảm về ego hiện nay của chúng ta, do đó, chỉ là một dư-thừa đã tóp nhỏ lại của một bao gồm lớn rộng hơn nhiều - thực vậy, một xúc cảm ôm-lấy-tất-cả - xúc cảm đó tương ứng với một kết buộc mật thiết hơn giữa ego và thế giới xung quanh nó. Nếu chúng ta được phép giả định rằng có nhiều người, trong đời sống tinh thần của họ có xúc cảm ego chính này, ở một mức độ nhiều hoặc ít hơn, vẫn dai dẳng tồn tại trong họ bên cạnh xúc cảm ego hẹp hơn nhiều và phân giới sắc rõ hơn nữa của sự chín chắn trưởng thành, giống như một thứ đối ứng của  nó. Trong trường hợp đó, những nội dung ý tưởng thuận hợp với nó sẽ chính xác là của những gì của sự vô hạn và của một kết buộc với vũ trụ - cùng những ý tưởng vốn với chúng, người bạn của tôi đã diễn giải là xúc cảm “đại dương”.

Nhưng chúng ta có hay không một quyền để giả định sự tồn tại của một cái gì đó mà ban đầu đã có ở đó, bên cạnh của những gì đã về sau vốn bắt nguồn từ nó? Chẳng nghi ngờ gì. Không có gì lạ trong một hiện tượng như vậy, dù là trong lĩnh vực trí não hoặc nơi nào khác. Trong thế giới động vật, chúng ta giữ quan điểm rằng những loài phát triển cao nhất đã được tiến hành từ những loài thấp nhất; và dẫu thế chúng ta tìm thấy tất cả những thể dạng đơn giản vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Loài của những giống bò sát [15] vĩ đại đã tuyệt chủng, và đã mở đường cho loài của những động vật có vú, nhưng một đại diện đích thực của nó, giống cá sấu, vẫn còn sống giữa chúng ta. So sánh tương tự này có thể là quá xa, và nó cũng bị yếu đi vì trường hợp những loài thấp hơn còn tồn tại hầu hết không phải là tổ tiên thực sự của loài phát triển cao hơn ngày nay. Như một nguyên tắc, những nối kết trung gian đã tuyệt giống và chúng ta chỉ biết được qua sự tái dựng. Trong lĩnh vực của não thức, về mặt khác, những gì là nguyên thủy là quá thông thường được gìn giữ bên cạnh của những phiên bản chuyển đổi vốn đã phát sinh từ nó rằng đến nỗi không cần thiết phải cung cấp những trường hợp như bằng chứng. Khi điều này xảy ra, nó thường là hậu quả của một sự tách rẽ ra trong phát triển: một phần (trong ý nghĩa định lượng) của một thái độ, hay thôi thúc bản năng vẫn giữ nguyên không thay đổi, trong khi một phần kia đã trải qua phát triển xa hơn nữa.

Điều này đưa chúng ta đến vấn đề tổng quát hơn của sự bảo tồn trong lĩnh vực của não thức. Vấn đề hầu như còn chưa hề được nghiên cứu [16], nhưng nó thì quá hấp dẫn và quan trọng khiến chúng ta có thể được phép chuyển chú ý của chúng ta sang nó một lúc, dẫu cho lý do của chúng ta là không đủ. Bởi vì chúng ta đã vượt qua được sai lầm của giả định rằng sự quên lãng mà chúng ta quen thuộc với, là biểu hiện một sự phá hủy của vết tích-ký ức - đó là, một sự hư vô hóa nó - chúng ta đã có khuynh hướng nhận quan điểm ngược lại, rằng trong đời sống trí não không có gì từng một lần thành hình mà có thể diệt vong – rằng tất cả mọi thứ, một cách nào đó được bảo tồn, và trong những hoàn cảnh thích hợp (lấy thí dụ, khi hồi tưởng ngược về quá khứ cho đủ xa) nó có thể lại một lần được đưa ra ánh sáng. Chúng ta hãy cùng cố gắng nắm bắt những gì liên quan đến giả định này, bằng cách lấy một tương tự từ một lĩnh vực khác. Chúng ta sẽ chọn lịch sử của Thành phố Vĩnh Cửu [17] như một thí dụ. Những sử gia kể cho chúng ta biết rằng Rome cổ xưa nhất là Quadrata Roma, một địa điểm định cư có tường rào trên đồi Palatine. Sau đó, tiếp theo giai đoạn của Septimontium, một liên đoàn của những khu định cư trên những ngọn đồi khác nhau; sau đó đến thành phố giới hạn bởi những bức tường Servian; và vẫn sau đó nữa, sau tất cả những biến đổi trong những thời kỳ của nền cộng hòa và những Caesars đầu tiên, là thành phố mà Hoàng đế Aurelian xây tường thành của ông bao quanh. Chúng ta sẽ không truy nguyên những thay đổi mà thành phố đã trải qua xa hơn thêm nữa, nhưng chúng ta sẽ tự hỏi chúng ta, nếu như có một du khách, người mà chúng ta giả sử sẽ được trang bị kiến thức lịch sử và địa hình đầy đủ nhất, vẫn có thể tìm thấy được bao nhiêu xót lại của những giai đoạn đầu này trong Rome của ngày nay. Ngoại trừ một vài khoảng trống, ông sẽ thấy những bức tường của Aurelian gần như không thay đổi. Ở một vài chố, ông sẽ có thể tìm thấy những phần của bức tường Servian nơi chúng đã được khai quật và đưa ra ánh sáng. Nếu ông biết cho đủ - nhiều hơn khảo cổ học ngày nay biết - ông có lẽ có thể truy ra vết tích trong đồ thị của thành phố, toàn bộ dãy tường đó chạy, và nét chính của Quadrata Roma. Về những tòa nhà mà có thời đã chiếm khu vực cổ xưa này, ông sẽ không tìm thấy gì cả, hoặc chỉ có rất ít vẫn còn, vì chúng thôi không tồn tại nữa. Những tài liệu tốt nhất về Rome trong thời đại cộng hòa sẽ chỉ có thể cho ông khả năng nhiều nhất là chỉ ra những vị trí nơi những đền thờ và những dinh thự công cộng của thời đại đó đã đứng. Địa điểm của chúng hiện nay bị những tàn tích chiếm chỗ, nhưng không phải những tàn tích của chính chúng, nhưng của những phục hồi đã làm sau khi chúng bị cháy hoặc tiêu hủy. Hầu như không cần thiết phải nhận xét rằng tất cả những gì còn lại này của LaMã cổ đại được tìm thấy lồng khớp chặt chẽ vào mớ lộn xộn của một thủ phủ vĩ đại đã lớn lên trong vài thế kỷ vừa qua kể từ thời Phục hưng. Chắc chắn không phải là có một ít vốn là cổ đại vẫn còn chôn vùi trong đất của thành phố, hoặc dưới những tòa nhà hiện đại của nó. Đây là cách qua đó quá khứ được được giữ lại trong những địa điểm lịch sử giống như thành Rome.

Bây giờ chúng ta hãy cùng, theo một chuyến bay của tưởng tượng, giả sử rằng Rome không phải là một cư trú của con người nhưng là một thực thể thuộc về tinh thần với một quá khứ lâu dài và phong phú tương tự - một thực thể, đó là nói rằng, trong đó không có gì đã một lần đi đến hiện hữu mà đã mất đi, và tất cả những giai đoạn đầu của sự phát triển vẫn tiếp tục tồn tại song hành với những gì mới nhất. Điều này có nghĩa rằng trong Rome, những cung điện của Caesars, và Septizonium của Septimius Severus sẽ vẫn dựng lên như chiều cao xưa của chúng trên đồi Palatine, và lâu đài S. Angelo sẽ vẫn có những bức tượng đẹp tiếp tục đứng trên những lỗ châu mai làm dáng cho chúng như cho đến khi có cuộc vây hãm của những người Goths, và vân vân như vậy. Nhưng còn hơn thế này. Tại nơi Caffarelli Palazzo đã chiếm chỗ, một lần nữa sẽ đứng - mà Palazzo không phải bị gỡ bỏ - đền thờ của Jupiter Capitolinus; và đền này không chỉ ở hình dạng mới nhất của nó, như người LaMã thời Đế quốc đã nhìn thấy nó, nhưng cũng trong một hình dạng sớm nhất của nó, khi nó vẫn cho thấy những dạng Etruscan và được trang trí với những hoa văn mái ngói bằng đất nung. Ở chỗ Coliseum bây giờ đang đứng, chúng ta có thể cùng lúc chiêm ngưỡng Golden House đã biến mất của của Nero. Trên Piazza của Pantheon chúng ta nên tìm thấy không chỉ Pantheon của ngày nay, như Hadrian đã để lại cho chúng ta, nhưng trên cùng một địa điểm, dinh thự Agrippa đã dựng lên ban đầu; quả thật vậy, cùng một mảnh đất sẽ chống đỡ cả nhà thờ Santa Maria Sopra Minerva, và cả ngôi đền cổ vốn nó được xây dựng trên đó. Và người quan sát sẽ có lẽ chỉ phải thay đổi hướng nhìn, hoặc vị trí của mình để gọi lên một cảnh quan này hay một cảnh quan khác.

Rõ ràng là không cần phải quay đẩy mơ tưởng của chúng ta tiếp tục xa hơn nữa, vì nó dẫn đến những điều không thể tưởng tượng và thậm chí vô lý. Nếu chúng ta muốn trình bày lại diễn tiến lịch sử trong những điều kiện không gian, chúng ta chỉ có thể làm điều đó bằng sự đặt kề cạnh nhau trong không gian: vì cùng một không gian không thể có hai nội dung khác nhau. Nỗ lực của chúng có vẻ là một trò chơi vô hiệu. Nó chỉ có một biện minh. Nó cho chúng ta thấy chúng ta đã xa như thế nào khỏi việc nắm vững những đặc điểm của đời sống tinh thần bằng cách tái trình bày chúng trong những thuật ngữ hình tượng.

Có một phản đối xa thêm nữa phải được xem xét. Câu hỏi có thể được nêu lên – tại sao chúng ta lại chọn đúng ngay quá khứ của một thành phố để so sánh với quá khứ của não thức. Sự giả định rằng tất cả mọi thứ quá khứ thì được gìn giữ - đứng vững, ngay cả trong đời sống tinh thần, chỉ với điều kiện là cơ quan của não thức vẫn giữ nguyên vẹn, và những mô tế bào của nó không bị hư hỏng do chấn thương, hoặc viêm nhiễm. Nhưng những ảnh hưởng tàn phá vốn có thể so sánh được với những nguyên nhân của bệnh tật như thế này không bao giờ thiếu trong lịch sử của một thành phố, ngay cả khi nó có một quá khứ ít phức tạp hơn so với Rome, và như London, ngay cả khi nó đã hầu như không bao giờ phải chịu đựng những sự đột nhập của một thù địch. Những phá hủy và thay thế những tòa nhà xảy ra trong tiến trình phát triển hòa bình nhất của một thành phố. Một thành phố do đó là tiên nghiệm không thích hợp cho một so sánh loại này với một cơ cấu trí não.

Chúng ta cúi đầu trước điều phản đối này, khi từ bỏ nỗ lực của chúng ta để vẽ một tương phản ấn tượng, và thay vào đó, chúng ta sẽ quay về những gì sau cùng có liên quan gần gũi hơn với đối tượng so sánh - cơ thể của một con vật hay một con người. Nhưng ở đây, cũng vậy, chúng ta tìm thấy cùng điều tương tự. Những giai đoạn đầu của phát triển thì không trong ý hướng nào vẫn được gìn giữ; chúng đã được hấp thụ vào những giai đoạn sau vốn chúng đã cung cấp vật liệu cho những giai đoạn đó. Thai phôi không thể được khám phá ở người trưởng thành. Tuyến thymus của tuổi thơ được thay thế sau tuổi dậy thì bằng mô liên kết, nhưng tự thân nó thôi không còn hiện diện nữa; trong tủy xương của người trưởng thành tôi có thể, là đúng thực vậy, truy nguyên những phác thảo của xương của đứa trẻ, nhưng chính nó đã biến mất, sau khi kéo dài và dày lên, cho đến khi nó đạt được hình dạng cuối cùng dứt khoát của nó. Thực tế vẫn còn là chỉ trong não thức là một bảo tồn như thế của tất cả những giai đoạn trước đó song song với hình thức cuối cùng có thể có, và rằng chúng ta đang không ở trong một vị trí để trình bày hiện tượng này trong những thuật ngữ tượng hình.

Có lẽ chúng ta đang đi quá xa trong việc này. Có lẽ chúng ta nên tự hài lòng với khẳng định rằng những gì là quá khứ trong đời sống tinh thần có thể được bảo quản và không nhất thiết phải bị tiêu huỷ. Nó luôn luôn có thể có rằng ngay cả trong não thức một số của những gì là cũ là bị xòa nhòa hoặc bị hấp thụ - cho dù trong tiến trình bình thường của những sự vật, hoặc như là một ngoại lệ - cho đến một mức mà nó không thể phục hồi, hoặc làm sống lại được bằng bất kỳ phương tiện nào; hoặc sự bảo quản nói chung là phụ thuộc trên một số điều kiện thuận lợi nào đó. Có thể, nhưng chúng ta không biết gì về nó. Chúng ta chỉ có thể giữ chặt vào sự kiện - nó đúng hơn là quy luật hơn là ngoại lệ - để quá khứ được bảo tồn trong đời sống tinh thần.

Thế nên, chúng ta là hoàn toàn sẵn sàng thừa nhận rằng xúc cảm “đại dương” hiện hữu trong nhiều người, và chúng ta có khuynh hướng truy nguyên nó về một giai đoạn đầu của xúc cảm-ego. Câu hỏi nêu lên sau đó là - tuyên xưng gì để đòi xúc cảm này phải được xem như nguồn của những nhu cầu tôn giáo.

Đối với tôi tuyên xưng thực không có vẻ mạnh mẽ. Sau tất cả, một xúc cảm chỉ có thể là một nguồn của năng lượng nếu chính nó là biểu hiện của một nhu cầu mạnh mẽ. Những dẫn xuất của những nhu cầu tôn giáo từ sự bất lực của trẻ sơ sinh, và sự khao khát về người cha vốn nó dựng dậy, có vẻ như với tôi không thể chối cãi, đặc biệt là vì xúc cảm thì không đơn thuần chỉ kéo dài từ những ngày thơ ấu, nhưng là vĩnh viễn duy trì bởi sự sợ hãi về sức mạnh vượt trội của Số Phận. Tôi không thể nghĩ được bất kỳ một nhu cầu nào trong thời thơ ấu cũng mạnh như sự nhu cầu về sự bảo vệ của một người cha. Do đó, phần đóng của xúc cảm đại dương, vốn nó có thể tìm kiếm một cái gì đó tựa như khôi phục lại quá-yêu-chỉ-mình [18] vô hạn, là bị lật đổ khỏi một nơi trên chính diện. Nguồn gốc của thái độ tôn giáo có thể được truy ngược trở lại trong những nét đại cương rõ ràng xa cho về đến những xúc cảm của sự bất lực ấu trĩ trẻ con. Có thể có một cái gì đó thêm xa hơn nữa sau đó, nhưng với hiện tại, nó bị gói trong tối tăm.

Tôi có thể tưởng tượng rằng xúc cảm đại dương đã trở thành kết nối với tôn giáo muộn hơn về sau. Sự “đồng nhất với vũ trụ” vốn dựng thành nội dung ý tưởng của nó nghe giống như một nỗ lực đầu tiên ở một sự an ủi tôn giáo, dường như thể nó đã là một cách khác để tuyên bố phủ nhận sự nguy hiểm mà ego nhận ra như đe dọa nó từ thế giới bên ngoài. Hãy một lần nữa để tôi thú nhận rằng, rất khó khăn cho tôi làm việc với những số lượng mơ hồ không thể nắm bắt này. Một người bạn khác của tôi, người có lòng khao khát kiến thức vô độ đã dẫn ông đến làm những thí nghiệm khác thường nhất, và đã kết thúc bằng đem cho ông một kiến thức bách khoa, đã đảm bảo với tôi rằng qua những thực hành Yoga, bằng cách rút mình khỏi thế giới, bằng cách sửa chữa sự chú ý của những chức năng cơ thể, và bằng những phương pháp đặc biệt của phép thở, một người trong thực tế có thể khơi dựng dậy những cảm giác mới, và một kết hợp những cảm giác hữu cơ bao gồm nhận thức về sự hiện hữu của cơ thể [19] trong tự thân một người, mà ông xem như là những hồi quy về với những trạng thái nguyên sơ của não thức vốn bị che phủ từ đã lâu rồi. Ông nhìn thấy trong chúng một cơ sở sinh lý học, như nó đã là, thuộc nhiều về trí tuệ của chủ nghĩa thần bí. Là điều sẽ không khó để tìm thấy những kết nối ở đây với một số những biến cải mờ khuất của đời sống tinh thần, chẳng hạn như những nhập định và xuất thần. Nhưng tôi xúc động để kêu lên trong những lời của người thợ lặn của Schiller: -

“. . . Hãy để hắn cùng vui,
với những người thở trên kia trong ánh sáng hồng” [20]


Lê Dọn Bàn tạm dịch- bản nháp thứ nhất
(Jul/2011)



Nguyên văn tiếng Đức: Sigmund Freud. Das Unbehagen In Der Kultur (Vienne, 1929).
Dịch từ bản tiếng Anh: Sigmund Freud. Civilization and its Discontents. Translated & Edited:  James Strachey. W.W. Norton &  Company. NewYork, 1961.
Có đối chiếu và tham khảo với một vài bản tiếng Anh hiện có khác, và bản dịch tiếng Pháp: Sigmund Freud. Malaise Dans La Civilisation. Traduit de L’Allemand par Ch. Et J. Odier. Presses Universitaires De FranceParis, 1971



[1] [The Future of an Illusion (1927c)]  - Tương lai của một Ảo tưởng – bản dịch Lê DọnBàn:
Dịch theo bản : Sigmund Freud, Civilization and its Discontents, Ed. & Tr. James Strachey, Norton &Co., New York, 1961
Ở trang 36 – Freud định nghĩa “văn minh”: “Kultur”: tổng số những thành tựu và những quản thúc làm đời sống chúng ta khác biệt với đời sống thuần sinh vật trước đây của tổ tiên chúng ta, nó phụng sự hai mục đích – nêu tên là: bảo vệ con người chống lại thiên nhiên và điều chỉnh quan hệ tương hỗ giữa chính con người với nhau.

Những chú thích trong ngoặc vuông [ ] là của dịch giả bản Anh Ngữ của James Strachey.
Những chú thích khác, không trong ngoặc vuông – là của tôi - LDB.


[2] [Cước chú thêm 1931: Liluli (1939) – Kể từ sự xuất bản hai tập sách La vie de Ramakrisna (1929) và La vie de Vivekanada (1930), tôi thôi không dấu sự kiện là người bạn đã nói trên trong bài văn là Romain Rolland. (Rolland đã viết cho Freud về “xúc cảm đại dương” trong một lá thư Dec 5, 1927, không lâu sau khi The Future of an Illusion  xuất bản)]
[3] Christian Grabbe, Hannibal : “Ja, aus der Welt warden wir nicht fallen. Wir sind einmal darin.”
[4] tiếng Pháp trong nguyên văn – “gốc và nguồn”
[5] Ego (“I” hay “Ich”), id (“it” hay “Es”), super-ego (“over-I” hay “Über-ich”) – Trong bản dịch này và những bản dịch khác của những tác phẩm của Freud – tôi đề nghị giữ nguyên những từ đặc biệt này của ông, trong tiếng Anh, như libido, ego, id, … lý do nếu dịch là gì đi nữa, cũng sẽ là phiền phức và quanh co hơn để tìm một ký hiệu khác thay thế cho chúng, mà sẽ không trọn nghĩa (thí dụ - ego không phải là bản ngã, id không là căn cước, libido không đơn giản là nhục dục,..). Chúng có những nội dung rất đặc biệt “Freud”, chúng ta nên để nguyên khi đọc ông.
Id là chỗ trụ của thèm muốn và bản năng, nó hoàn toàn vô thức. Ego, vốn phần lớn là hữu thức, bắt đầu như một cơ cấu tâm lý không phân biệt – như Freud trình bày ở chương I, Khi đứa trẻ học phân biệt giữa chính nó (ta) và những đối tượng nó ham muốn (cái khác), ego phát triển như là một cơ cấu phân tách với id. Sự phân biệt này kết quả từ những thất vọng ban đầu - khi những thàm muốn không được thỏa mãn của chúng ta. Khi Freud nói đến ego, ông nói về một thứ gì đó tự hiểu nó là ai. Còn super-ego là sự tự phê phán được chủ quan hóa. Sự chủ quan hóa như tiếng nói của người cha, hay của uy quyền.
- Lương tâm: Super-ego (Uber-Ich): Qui luật đạo đức xã hội
- Hữu thức: Ego (Ich):  Tư tưởng, suy nghĩ, ý tưởng, hình ảnh (kể cả giấc mơ) trong hữu thức
- Vô thức: Id (Est): Những dục vọng không được chấp nhận, những bản năng xấu xa dơ bẩn đáng khinh.
[6] [Một vài chú thích về cách Freud dùng những thuật ngữ “ego” và “self” sẽ tìm thấy trong bài giới thiệu của người biên dịch tập The Ego and the Id (1923b), Standard Ed., 19,7. ]
[7] mental entity.
[8] [Cf. một cước chú ở Phần III của câu chuyện về trường hợp Schreber (1911c) Standard Ed., 12,  69. ]
[9] [Cf. nhiều bài viết về chủ đề phát triển-ego và cảm xúc-ego ghi năm tháng từ luận văn của Ferenczi trong ‘Những giai đoạn trong sự Phát triển của Xúc cảm và Thực tại’, (1913) đến những đóng góp của Federn những năm 1926, 1927 và muộn hơn.]
[10] [Trong đoạn văn này, Freud lập lại trên một mảnh đất quen thuộc. Ông đã bàn về vấn đề không lâu trước đó, trong luận văn về sự ‘Phủ nhận’ (1925h), Standard Ed., 19, 236-8. Nhưng ông đã bàn luận về nó trong nhiều dịp sớm hơn nữa. Xem, thí dụ, ‘Những bản năng và những thăng trầm của chúng’ (1915c), ibid, 14, 119 vad 134-6, và Sự diễn giải những giấc mộng (1900a), ibid., 5, 565-6. Nội dung cơ bản của nó, thực vậy, đã được tìm thấy trong ‘Project’ của năm 1895, những mục 1, 2, 11 và16 của phần I (Freud, 1950a).]
[11] [“hành động đặc biệt” của ‘Project’ ]
[12] Pleasure Principle – Nguyên tắc lạc thú: khái niệm của Freud, trình bày trong Beyond the Pleasure Principle, 1921, của ông. Id tuân thủ nguyên tắc này, vốn nó là những nỗ lực nhằm thỏa mãn những ước muốn đã thiết lập từ thơ ấu
Nguyên tắc lạc thú/không lạc thú, thường được gọi ngắn là nguyên tắc lạc thú, đòi hỏi bộ máy tâm lý tự động buông xả những kích thích khi chúng tích lũy đến cao hơn một ngưỡng cửa nhất định nào đó, và có kinh nghiệm như không lạc thú. Nguyên tắc này điều hành sự hoạt động của những quá trình chính yếu và là cơ sở cho quan điểm kinh tế trong triết lý tâm lý (metapsychology).
Lustprinzip” trong tiếng  Đức, được dịch sang tiếng Anh là “pleasure principle”, chúng ta tạm dịch là “Nguyên tắc lạc thú” . “Lust” trong tiếng Đức thực sự có hai nghĩa: một nghĩa của niềm vui, nhưng còn có nghĩa là ao ước, hoặc muốn. “Lust haben auf” là thành ngữ phổ thông nhất cho “muốn, ao ước có”. Nên nguyên tắc lạc thú cũng là nguyên tắc ao ước: Bộ máy tâm lý không có thể làm gì khác hơn ngoài mong muốn, Freud nói vậy. Tương tự như vậy, đối với “Unlustprinzip” là “nguyên tắc không lạc thú”. Trong The Interpretation of Dreams (1900a) - “Unlust” cũng có nghĩa là không thích, không muốn, ác cảm. Có những dịp, hữu thức chúng ta quay đi, làm ngơ, và tránh né trước những gì mình có ác cảm, không thích,
Bản chất hai mặt của nguyên tắc lạc thú:
  1. Trong biểu hiện tích cực của nó, nguyên tắc này đơn giản là xung lực nội tại ích kỷ đòi thỏa mãn tất cả những đòi hỏi của chúng ta; nó là một xu thế săn đuổi chạy theo sau lạc thú. Nhưng chúng ta nhanh chóng nhận ra rằng thế giới bên ngoài và những người khác cũng có những đòi hỏi, hoặc chúng can thiệp, hoặc ngăn chặn trực tiếp hay gián tiếp không cho chúng ta thỏa mãn nhiều những đòi hỏi của chúng ta – nên xuất hiên nguyên tắc thực tế, đây là chỗ và lúc chúng ta ý thức rằng những mong ước của chúng ta không có thể thỏa mãn tất cả, và nếu thỏa mãn cũng không trọn vẹn, như ý.
  2. Điều này dẫn tới biểu hiệu thứ hai, tiêu cực của nguyên tắc lạc thú: cố gắng tránh thất vọng, bất mãn càng nhiều càng tốt – Từ chỗ này, chúng ta học được từ chối những đòi hỏi, mong ước vốn tự thấy trước không thể thỏa mãn, thành công; khi tự từ chối chúng như thế, chúng ta sẽ bớt chịu bất mãn, ít đau khổ hơn là đuổi theo chúng rồi đi đến tan vỡ thất bại không tranh khỏi.
Những biện pháp xoa dịu giảm nhẹ: Những chiến lược giúp chúng ta tránh những đau khổ của cuộc sống:
  1. Chuyển hướng: chúng ta chuyển dòng chảy những nhu cầu và mong muốn của chúng ta vào những khu vực nơi chúng có thể dễ dàng được thỏa mãn. Trong phạm trù này, Freud bao gồm những hoạt động khoa học hoặc những hình thức khác của thành tựu chuyên môn. Đây là những đường lối  gặp kháng cự ít nhất (Liên kết nhất với thực tại.)
  2. Thay thế những hỏa mãn: đây là những hình thức đền bù cho sự thiếu niềm vui ở những nơi khác. Freud liệt kê ở đây tất cả những hình thức của ảo giác, ảo tưởng, bao gồm nhiệt tình tôn giáo, tưởng tượng, trốn thoát vào nghệ thuật, v.v.
  3. Say sưa, nhiễm độc: chúng ta thoát khỏi sự khó chịu, bất hạnh của chúng ta bằng cách quên chúng đi, tránh chúng sang một bên, và chúng ta quay sang tự nhiễm độc bằng rượu, ma túy, v.v Ở đây chúng ta xử lý những triệu chứng, kết quả (bất hạnh của chúng ta), không phải nguyên nhân (những lý do của bất hạnh). Như những chiến lược né tránh và từ chối, Tự nhiễm độc có thể làm tăng bất hạnh thực sự chúng ta vốn muốn phá vỡ. (Xa thực tại nhất).
Những phản ứng điển hình của nhu cầu của lạc thú này và tự bảo vệ trước sự bất mãn:
1) rút lui = những người sống ẩn dật, sống khổ hạnh, như cuộc sống của những đạo sĩ,  tu sĩ trong những tôn giáo;  giết chết bản năng;
2) tiếp tục tấn công = những con người của hành động, như những chính trị gia, những nhà cải, vv; kiểm soát bản năng;
3) hoán chuyển hoặc thăng hoa = tìm kiếm lạc thú thông qua những nguồn thay thế mà trong đó người ta có kiểm soát hơn, chẳng hạn như khảo cứu khoa học, truy tầm kiến thức..vv, thay thế hoán chuyển thỏa mãn, đổi những con đường ức chế với những lối dễ dàng đạt được hơn;
4) thoát vào ảo tưởng = tưởng tượng, tôn giáo, những thuốc có dược tính tác dụng não thức, vv;
5) áp dụng một thái độ "thẩm mỹ" = nuôi dưỡng một tình yêu với vẻ đẹp (thực chất là một sự hài lòng thay thế), nghệ thuật, một cách thức cụ thể cho việc tìm kiếm sự hài lòng = tìm những gì đẹp trên thế giới, nhìn thấy khía cạnh “tích cực” của tất cả mọi thứ; - thái độ “cốc rượu không bị vơi một nửa, nhưng còn đầy một nửa”.
6) ôm lấy hoặc thay đổi thế giới: chuyển sang hoạt động từ thiện và những hình thức tham gia vào sự chăm sóc thế giới và xã hội = chuyển Eros vào Caritas, tình yêu đại đồng và quan tâm phụng sự nhân loại; làm việc đẻ cải thiện thực tại, để làm bớt đi những cơ hội và điều kiện gây bất hạnh cho tất cả con người.
[13] Reality principle – nguyên tắc thực tế - Nguyên tắc thực tế: Một khái niệm khác nữa của Freud: nguyên tắc thực tế là vị thống đốc thực sự của những hành động được ego thực hiện, và luôn luôn phản đối lại nguyên tắc lạc thú của Id. Vai trò của nó có thể xem như áp đặt một điều chỉnh trên nguyên tắc lạc thú, thường là cố gắng hòa giải những ham muốn của id với thực tế; do đó nó có tính toán đến những ảnh hưởng của thế giới bên ngoài.
Nguyên tắc thực tế là một trong hai nguyên tắc chính chi phối hoạt động của não thức. Nó chỉ định nhận thức cần thiết của tâm lý về những thông tin liên quan đến thực tại và đứng tương phản với nguyên tắc lạc thú tìm kiếm việc buông xả hoặc loại bỏ những căng thẳng bằng mọi giá. Mặc dù những nguyên tắc thực tế được chính thức đưa vào vốn từ vựng của Freud vào năm 1911 (“Formulations on the Two Principles of Mental Functioning” nó có thể được tìm thấy ở dạng tiềm ẩn trong những suy nghĩ của ông từ sớm hơn (“Project for a Scientific Psychology” - 1895) 
Sự cần thiết cho một khái niệm như vậy phát sinh tại thời điểm như là một kết quả của một mâu thuẫn nội bộ trong nguyên tắc lạc thú, hoặc cụ thể hơn, trong khái niệm hoàn thành mong muốn bằng ảo giác, có xu hướng đánh lừa bộ máy tâm thần và làm nó tổn thương khi tạo ra một sự thỏa mãn hư ảo giả tạo, chứ không thực tại.
[14] [Cf. ‘Formulations on the Two Priciples of Mental Functioning’ (1911b), Standard Ed., 12 222-3]
[15] saurians
[16] [một cước chú về vấn đề đã được Freud thêm vào năm 1907, trong đoạn F của chương cuối của The Psychopathology of Everyday Life (1901b), Standard Ed., 6, 274-5]
[17] [Dựa trên The Cambridge Ancient History, 7 (1928): ‘The Founding of Rome’, Hugh Last]
[18] Narcissism: Thuật ngữ narcissism, như nội dung câu chuyện Narcissus trong thần thoại HyLạp, chỉ tình yêu với chính mình, tự-yêu-mình. Khái niệm này đã được giới thiệu trong công trình của Freud một thời gian ngắn trước khi xuất bản “On Narcissism: An Introduction” (1914c). Bài viết này là một phản ứng với bốn vấn đề liên quan: những khó khăn gặp phải trong phân tâm học trong khi làm việc với neurotics, những tranh cãi với Jung, người bảo vệ ý tưởng về sự hiệp nhất của năng lượng tâm lý (unity of psychic energy), tranh luận với Adler về vai trò của “phản đối nam tính” (masculine protest) trong sự hình thành triệu chứng, và trên tất cả là sự quan tâm ngày càng tăng của Freud về những bệnh rối loạn tâm thần (psychoses), mở đường cho việc nghiên cứu ego (1923a).
Đưa ra khái niệm của quá-yêu-chỉ-mình, Freud (1914c) có ý định cho thấy bốn hiện tượng khác nhau có liên quan như thế nào: narcissism như sự suy bại, lầm đường về tình dục; narcissism như một giai đoạn phát triển tâm lý; narcissism là sự truyền nghị lực cho libido; và narcissism là sự lựa chọn đối tượng. Ông cũng mô tả một ego lý tưởng là người thừa kế của narcissism trẻ con và như một cơ năng tâm linh tự-quan sát. Hai khái niệm này sẽ được Freud về sau khai triển chi tiết.
Trong trường hợp của narcissism là sự lựa chọn đối tượng: một người yêu thương “(a) những gì là chính hắn (tức là chính người ấy), (b) những gì hắn đã là, (c) những gì bản thân hắn muốn giống như, trở nên, sẽ là, (d) người nào đó đã từng là một phần của chính hắn”.
[19] Coenaesthesias – hay coenesthesia, coenesthesis, cenesthesia, cenesthesis
[20] tiếng Đức trong bản Anh ngữ:  “. . . Es freue Sich. Wer da atmet rosigten im Licht”.  Schiller - ‘Der Taucher’