Wednesday, July 13, 2011

Những tôn giáo có đáng kính trọng không?



Nhng tôn giáo có đáng kính trọng không?
Are Religions Respectable?



A.C. Grayling




Thử nhìn những người quanh chúng ta – sẽ thấy một ai đó, hoặc đeo một thập giá trước ngực (hay gài một mảnh vải nhỏ phủ đỉnh đầu, hay mang tấm khăn bịt miệng, che nửa mặt) – hiện tượng khá thông thường này có ý nghĩa gì? Trước hết, đó là những người muốn xác định họ là những tín đồ của một tôn giáo nào đó – nhưng đó chỉ là ngoài mặt, xem chừng vô hại, thế nhưng nội dung có thể khai triển thành khá phức tạp.

Khi một người bước ra sinh hoạt nơi công cộng – chợ búa, trường học, xí nghiệp, …nghĩa là một cá nhân quay ra thế giới bên ngoài của nó – mang thái độ “bảo cho mọi người khác xung quanh biết” rằng mình khác biệt (vì có tôn giáo khác biệt) như thế ít nhất là phân rẽ (ta khác người); và thường khi không phải là không ngầm mang ít nhiều ý hướng như muốn tỏ ra mình là cao thượng, hay đạo đức – và như thế là khiêu khích, thách thức (ta hơn người). Họ còn mặc nhiên đòi công chúng – những đồng loại, những con người khác nhưng sống trong cùng cộng đồng xã hội, phải – hoặc ít là tôn trọng, hoặc nhiều là kính trọng họ. Phải đối xử hết sức tế nhị với họ, họ phải được pháp luật, tập quán bảo vệ, đòi hỏi không được phê bình hay nhạo báng diễu cợt họ.


Triết gia A.C. Grayling gạt bỏ những đòi hỏi này, theo ông, xã hội không tôn trọng một ai, không chừa một ai khỏi sự phê bình hay diễu cợt, chứ đừng nói đòi phải tôn trọng hơn người, nếu chỉ trên cơ sở là kẻ ấy có một tôn giáo, nghĩa là thuộc về một đoàn thể nào đó, dù đặc biệt đến đâu. Chúng ta có phải tôn trọng một ai vì người ấy thuộc về một tổ chức nào đó – như đảng phái chính trị, công đoàn, tổ chức tình nguyện nào đó hay không? Đương nhiên là không! Chúng ta có phải làm ngơ trước những sai trái của một đảng phái, tổ chức nào đó hay không? Đương nhiên là không! Chúng ta có phải bịt miệng cấm cười trước những lố bịch của một ai, chỉ vì kẻ đó thuộc về một tổ chức, đảng phái, đoàn thể nào đó hay không? Đương nhiên là không!  - Nói thư thế không phải là chúng ta gạt bỏ sự kính trọng trong xã hội con người – nhưng chỉ có nghĩa là – để cho sự kính trọng có ý nghĩa - chúng ta nếu có kính trọng một ai, một tổ chức, đoàn thể nào – vì những gì cá nhân, tổ chức, đoàn thể đó “làm” được những gì nào đó cho đồng loại, cộng đồng con người – chứ không chỉ đơn thuần vì những cá nhân, đoàn thể, tổ chức đó “” một gì đó, hoặc có mang nhãn hiệu đặc biệt, hoặc vác lá cờ lạ, hoặc đeo trên cổ một lôgô khác thường.

Tôn giáo – như những tôn giáo nhận Abraham làm thủy tổ – chỉ đơn thuần là “những nhóm người có chủ đích đặc biệt”, những người này tự làm mình khác biệt với đồng loại, bằng cách “chọn lựa để tin tưởng vào một tập hợp những mệnh đề” nào đó; thế nhưng nội dung những mệnh đề đó, chúng “khinh miệt bằng chứng và phản lại lý trí”; người ta tin vào chúng bằng một lòng tin mù quáng, được đề cao nên gọi là “đức tin” – theo giáo sư Grayling – đức tin là “đê tiện, vô trách nhiệm, và dốt nát”, và nếu có xứng đáng hưởng một đối xử đặc biệt của xã hội – phải là những gì “đối nghịch của sự kính trọng”.

Tại sao lại không? Trong thời đại ngày nay – dưới ánh sáng của lịch sử cho thấy các tổ chức tôn giáo đó – gọi là nhà thờ, là “giáo hội”, và những tín đồ của các tôn giáo đó, đã tuân hành những mệnh đề lấy từ tập sách tự gán cho là linh thiêng đó – đã gây bao nhiêu tội ác với nhân loại, phản tiến bộ, phản đạo đức, đã từng kéo con người xuống hàng động vật mê tín, tàn ác, cuồng bạo, đã vẫn chia rẽ với đồng loại, đã đàn áp, triệt hạ, giết hại và ngay cả đốt sống đồng loại. Những kẻ đó, khi có quyền lực chính trị, đã bao lần áp bức tư tưởng, hủy diệt tự do con người, tổ chức đó trước sau vẫn mang nội dung hoàn toàn phủ nhận thế giới con người này, bỏ qua đời sống này – đặt cứu cánh của nhân sinh ở những điểm nào đó không bao giờ  chứng minh là hiên hữu được – gọi là thế giới bên kia, là đời sống về sau – mơ hồ bên kia và mập mờ đằng sau cánh cửa mịt mù của cái chết vốn chỉ nó là tất yếu, cụ thể, là cuối cùng của đời sống hữu hạn; và chính sự hữu hạn của đời người, sự tất yếu của cái chết – đã khiến những tôn giáo đó xử dụng chúng như vũ khí hiệu nghiệm nhất để khủng bố con người đáng thương vì yếu đuối – thế nên không làm lạ là tôn giáo đó không ngừng kêu gọi đạp đổ lý trí, ca ngợi mù quáng - qua sự đề cao “đức tin” mà một tín đồ lỗi lạc của tôn giáo đó – Kierkegaard – đã phải tự nhận “đức tin” chính là “phi lý trí”.

Dĩ nhiên, con người có tự do, và một trong những tự do đó là quyền tin những gì mình cho là đúng, hợp với mình – nhưng thường họ đi xa hơn, quên mất hay cố tình làm ngơ - điều kiện “với mình, cho mình” – nghĩa là những gì mình tin, mình thích, mình ứng dụng, … chỉ hoàn toàn có tính cách cá nhân, tuyệt đối riêng tư, chỉ là “cho mình”. Thế nên, nơi công cộng họ vẫn trâng tráo phô trương “tôn giáo” hay đúng hơn chưng bày một số mệnh đề nào đó đáng lẽ là phải nên giữ trong góc nhà của riêng mình – và đòi hỏi sự tôn trọng – lớn lối hay kêu gào rằng không ai được phê bình, chỉ trích, diễu cợt. Đi xa hơn, họ còn áp đặt, gò ép những người khác phải chấp nhận, tin theo, tôn kính những mệnh đề này, những lôgô này qua hình thức – tượng “Trinh vương” dựng trên đồi, tượng “Cứu thế” trên mỏm núi – toàn những chốn công cộng, toàn những không gian không phải chỉ có riêng họ – hay mạnh bạo chủ quan hơn, vẫn xông xáo, len lỏi đi “truyền đạo”, hay ngấm ngầm dụ dỗ “cải đạo”, hay mánh khóe giảo quyệt lôi kéo thêm hội viên nhưng trâng tráo dùng từ hoa mỹ loại như “trở lại đạo” từ những người xung quanh khác. Đối với hiện tượng này, Greyling nhận xét “những chọn lựa và ưa thích cá nhân của họ trong những nội dung phi-lý trí và thường là quá nguy hiểm”, ông kêu gọi những tín đồ cuồng tín này nên “lui về trong lĩnh vực riêng tư, cũng giống như với những khuynh hướng tình dục của họ vậy”. Nói khác đi, họ nên giữ cho họ - mớ tin tưởng đó, tha hồ thực hành cho riêng mình, trong những nơi chốn kín đáo cá nhân; nhưng đừng và không nên được phép đem đi reo rắc, lan truyền, gây tai hại cho đồng bào, đất nước và nhân loại.

Họ là những người đã mắc bệnh nan y, phải ngăn họ lại, đừng để họ reo rắc bệnh nan y này cho đám đông lành mạnh còn lại của nhân loại. Đừng nghe họ đòi hỏi phải được kính trọng, chỉ vì họ thuộc vào một đoàn thể - vốn tự họ làm thành khác biệt, vốn yếu tính của đoàn thể đó là tính chất phủ nhận lý trí. Những hội viên của đoàn thể đó – hay thường gọi là tín đồ, đều là những bệnh nhân thuộc một loại bệnh tâm thần, và những người đã mắc bệnh loại này, dĩ nhiên không bao giờ biết là mình mắc bệnh – vì trong người đã mang thứ vi trùng đức tin, vốn A. C. Greyling lên án – lập lại ở đây - “đê tiện, vô trách nhiệm, và dốt nát”. Hãy nhìn quanh, họ vẫn ngấm ngầm tự kiêu hãnh – đeo trên cổ cái lôgô khác thường, dù đã khéo chùi để không còn dính máu con người nữa.

Người dịch 

Lê Dọn Bàn





Những tôn giáo có đáng kính trọng không?







Bây giờ là lúc đảo ngược lại khái niệm ưu thắng rằng tự nguyện tôn giáo có trong bản chất của nó tính xứng đáng được kính trọng, và rằng nó nên được đối xử hết sức tế nhị và cẩn trọng, và phải được tập quán bảo vệ, và trong một số trường hợp đòi hỏi có luật pháp chống lại sự phê bình và nhạo báng diễu cợt.

Bây giờ là lúc từ chối thôi không đi rón rén quanh ai là người tuyên đòi phải tôn trọng, quan tâm, đối xử đặc biệt, hay bất kỳ loại miễn nhiễm nào, trên nền tảng rằng họ có một đức tin tôn giáo, cứ làm như nếu có đức tin là một đức hạnh được phú cho đặc quyền, cứ làm như là cao thượng nếu tin vào những tuyên xưng không chứng cớ hỗ trợ và những mê tín dị đoan cổ thời. Chẳng điều nào là đúng cả. Niềm tin tôn giáo là một tự nguyện để tin tưởng trái ngược với bằng chứng và lý trí, như giữa chúng là Kierkegaard [1] và câu chuyện tông đồ Thomas Nghi ngờ [2], gắng sức chỉ cho thấy, với thí dụ của họ, là nên đem chôn sâu xuống mồ những nỗ lực của một số người (từ giáo hoàng cho đến giáo phái Southern Baptists) biện luận rằng đức tin là một thứ gì khác, ít nhất khác với phi-lý trí, sau khi nhận rằng như với Kierkegaard, hiệu năng giá trị của nó nằm chính ở chỗ nó là phi lý trí.

Về mặt ngược lại: tin vào một điều gì trong sự khinh miệt bằng chứng và phản lại lý trí – tin vào một điều gì bởi đức tin – là đê tiện, vô trách nhiệm, và dốt nát, và xứng đáng hưởng đối nghịch của sự kính trọng.

Bây giờ là lúc đòi hỏi những người có tin tưởng tôn giáo rằng họ đem hết những chọn lựa và ưa thích cá nhân của họ trong những nội dung phi-lý trí và thường là quá nguy hiểm, lui về trong lĩnh vực riêng tư, cũng giống như với những khuynh hướng tình dục của họ vậy. Mỗi người đều có tự do tin tưởng vào những gì họ muốn, miễn là họ đừng có làm phiền nhiễu (hay gò ép, hay giết hại) những người khác, nhưng không có ai tự có quyền tuyên xưng những đặc quyền chỉ đơn thuần dựa trên những nền tảng họ là những người sùng đạo, tín đồ của tôn giáo này, hay của tôn giáo kia, trong số nhiều những tôn giáo trên thế giới.

Và như điều cuối vừa kể ngầm định, bây giờ là lúc đòi hỏi và thực thi một quyền cho tất cả chúng ta những người còn lại – đó là quyền không bị những tổ chức và những tín đồ tôn giáo xen vào quấy rầy – một quyền được tự do tránh khỏi sự truyền đạo, dụ dỗ đổi tín ngưỡng, thay tôn giáo và những cố gắng của những nhóm tự chọn thiểu số để áp đặt những chọn lựa của riêng họ về luân lý và thực hành vào những ai là người không chia sẻ cùng một quan điểm với họ.

Chắc chắn là những người sùng đạo sẽ yêu sách rằng họ bị những lựa chọn đạo đức (hay phi đạo đức) của số đông quần chúng tống xả vào họ, dưới hình thức những quảng cáo khêu gợi, ngôn ngữ thô tục và trắng trợn dục tình trên ti vi, và những thứ tương tự như thế; họ cần được nhắc nhở rằng máy tivi của họ có một nút bấm điện để tắt. Có sẵn sàng đó một số nhiều những đài truyền hình có chương trình chuyên tôn giáo, cái này buồn nôn hơn cái kia, nhưng tôi không phản đối chúng trên nền tảng sự có mặt của chúng: tôi chỉ đơn giản không xem chúng. 

Những nhận xét này dĩ nhiên sẽ làm bốc lửa những người trong giới có tin tưởng tôn giáo, người tự dành cho mình đương nhiên có một quyền chắc chắn là phải kính trọng cái tôn giáo họ bám chặt hay tín ngưỡng mà họ đeo dính, và một quyền thúc đẩy mở rộng tôn giáo đó, nếu không nói, thực sự là áp đặt những quan điểm của họ trên những người khác (bởi vì họ tuyên xưng rằng họ “biết” chân lý, nhớ không). Dưới ánh sáng của lịch sử và của ngày nay, những nội dung vấn đề có lẽ nên là ngược lại; nhưng khi phát biểu rằng tự nguyện tôn giáo không bởi tự nó là một lý do để được kính trọng, thì cũng không phải là yêu sách rằng nó là một lý do để bị khinh miệt. Đúng hơn, như đâu đó đã viết, “nếm quả của chúng, ngươi sẽ biết chúng ra sao”; Nó là điều này vốn thường cung cấp hết sức quá nhiều những cơ sở cho sự không kính trọng tôn giáo và những tín đồ của chúng.

Điều muốn nói ở đây để chống lại phản ứng đoán trước được của những người có tin tưởng tôn giáo là – những cá nhân con người xứng đáng được kính trọng – trước hết và trên hết – như là những cá nhân con người. Cùng chia sẻ tính nhân loại là cơ sở cho tất cả những quan hệ giữa người-với-người và nhóm-với-nhóm, và những quan điểm lập tiền đề trên sự khác biệt giữa con người như là cơ sở cho cân nhắc quan tâm đạo đức, nhất là đặc biệt với những gì bao gồm tuyên xưng rằng có sở hữu về chân lý vĩ đại hơn, thánh thiện linh thiêng hơn, hay những thứ tương tự của một nhóm nào, đều tuyệt đối khởi hành từ chỗ hoàn toàn sai lầm.

Chúng ta có thể làm tăng sự kính trọng của những người khác đối với chúng ta nếu chúng ta tử tế, có lòng chu đáo quan tâm đến người khác, yêu hòa bình, can đảm, chân thực, trung thành với bạn bè, thương yêu gia đình chúng ta, khát khao kiến thức, là những người yêu nghệ thuật và thiên nhiên; là những người tìm kiếm cái tốt đẹp của nhân loại, và những thứ tương tự như thế; hay chúng ta có thể bị tước mất kính trọng đó, nếu như chúng ta thành ra không tử tế, không độ lượng, tham lam, ích kỷ, ngoan cố chủ tâm bám lấy ngu xuẩn, hay dốt nát, tâm trí nhỏ mọn, đạo đức chật hẹp, mê tín dị đoan, bạo động, và những thứ tương tự như thế. Chẳng tập hợp nào gồm những cá tính kể trên có bất kỳ liên hệ nào với sự hiện hữu, hoặc thiếu vắng những hệ thống tin tưởng đặc biệt nào cả, khi thừa nhận rằng có những tín đồ Kitô tử tế và khó chịu đáng ghét, những tín đồ Muslim tử tế và khó chịu đáng ghét, những người vô thần tử tế và khó chịu đáng ghét.

Đó là lý do tại sao sự kính trọng một người nên có với một người đồng loại phải được dựng trên tính nhân loại của chúng ta, bất kể và không can dự gì với những gì họ không có chọn lựa nào với chúng cả - chủng tộc, tuổi tác, phái tính, tài năng tự nhiên, không hay có tật nguyền  - và một cách điều kiện (nghĩa là không phải do những lý do nội tại) trên những gì họ chọn lựa – đảng phái chính trị, hệ thống tin tưởng, lối sống – tùy theo trường hợp mà có thể làm được với chọn lựa, và sự bào chữa có thể được đưa ra từ hành động dẫn theo là hậu quả của chọn lựa đó.

Đó là bởi vì tuổi tác, chúng tộc, và tật nguyền không phải là những nội dung của chọn lựa, vì thế người ta nên được bảo vệ chống lại những kỳ thị đặt tiền đề trên chúng. Ngược lai, không có gì người ta chọn lựa về đường lối chính trị, lối sống hay tôn giáo lại nên được miễn nhiễm, tránh khỏi sự phê phán và diễu cợt, (khi nó bị, như nó thường bị, nó xứng đáng chịu như thế).

Ai là người tuyên bố bị “tổn thương” hay “xúc phạm” vì những phê bình hay nhạo báng của những người không cùng quan điểm với họ, thế nhưng lại là người tìm cách bịt miệng những người khác bằng pháp luật, hay bằng hết sức đe dọa dùng bạo lực, là những người sai lầm khúng khiếp hết sức: họ làm hao mòn giá trị trung tâm và nền tảng của tự do ngôn luận, tự do phát biểu, vốn thiếu nó, không một quyền nào của những tự do công dân khác có thể thành khả hữu; họ tuyên đòi, không trên nền tảng được biện chính nào, một quyền có tư thế pháp lý đặc biệt, và đối xử đặc biệt chỉ trên nền tảng duy nhất là họ đã chọn lựa để tin tưởng vào một tập hợp những mệnh đề; và họ đòi hỏi rằng ai là người không chấp nhận những tin tưởng và thực hành của họ, nên đối đãi với những tin tưởng và  thực hành này trong những đường lối vốn ngầm chứa sự chấp nhận sự thẩm giá (đề cao) mà những người nắm giữ có với chúng.

Một trường hợp đặc biệt của kế hoạch đòi kính trọng do những tín đồ tôn giáo thực hiện, liên quan đến sự chưng bày nơi công cộng về tư cách thành viên tín ngưỡng của họ. Khi người ta bước vào lĩnh vực công cộng, mặc y phục hay chưng diện như những phát biểu thị giác hiển nhiên rằng họ thuộc một tôn giáo nào đó, ít nhất một trong những lý do khiến họ làm như vậy là đồng nhất với cá tính bao trùm của một tín đồ của tôn giáo đó, với đòi hỏi ngầm đi kèm là do như thế nên phải cho họ một vài hình thức đối xử đặc biệt bao gồm sự tôn trọng.

Nhưng tại sao họ lại nên được tự động cho sự kính trọng vì lý do như thế? Sự khẳng định đó của một cá tính tôn giáo như mặt chính của một người quay ra thế giới thì – ít nhất là phân rẽ, và tệ nhất là khiêu khích – thì nhanh chóng đương trở thành quan điểm của số đông, mặc dù trước đây nếu có y phục và tin tưởng khác thường không giống xung quanh, đã một thời có rất ít ý nghĩa trong xã hội chúng ta, khi tự nguyện tôn giáo của cá nhân đã được dành riêng vào lĩnh vực riêng tư nhiều hơn – nơi chúng đích thực thuộc về - hơn là tính chất rêu rao chính trị chúng đã làm gần đây. Từ suy nghĩ này, những đạo đức lớn rộng có thể phác vẽ cho những bất mãn hiện tại của chúng ta.

Nhưng một phần của một giải pháp cho những bất mãn này chắc chắn phải là nói cho ai là những người hò hét đòi một mảng lớn hơn của đặc ân công cộng, ngân quĩ công cộng và kính trọngcủa công chúng, rằng những tin tưởng và thực hành tôn giáo cá nhân của họ có ý nghĩa rất nhỏ bé với thành phần chúng ta còn lại, mặc dù đôi khi chúng là nguyên nhân cho khinh miệt và diễu cợt; và rằng tất cả chúng ta còn lại cũng xứng đáng có quyền không bị họ quấy rầy, bị làm bực mình; cũng như họ, những người ôm giữ tin tưởng tôn giáo, có quyền như thế. Nhưng không có tôn giáo có tổ chức nào, như một thể chế, đã có một tuyên đòi lớn hơn với sự chú ý của những người khác trong xã hội, hơn là tuyên đòi của những công đoàn lao động, đảng phái chính trị, tổ chức tình nguyện, hay bất kỳ một nhóm có chủ đích đặc biệt nào khác – bởi vì “những nhóm có chủ đích đặc biệt” là những gì hội Nhà thờ và những cơ chế tổ chức tôn giáo đích xác đúng thực là.

Không ai có thể mơ tưởng đòi hỏi rằng những đảng phái chính trị phải được kính trọng đơn giản chỉ vì chúng là những đảng phái chính trị, hay phải bảo vệ chúng khỏi sự nhạo báng của ngòi bút những nhà vẽ tranh hí họa;  những hội viên của chúng cũng chẳng thể có đặc quyền như thế. Nhưng ngược lại - không có gì - mới phải. Và như thế đó là điều dành cho tất cả những nhóm có chủ đích đặc biệt, và những hội viên của chúng, không ngoại lệ, không trừ ra nhóm nào cả.

A.C. Grayling.

Lê Dọn Bàn tạm dịch- bản nháp thứ nhất
(Jul, 2011)

(Trích trong - A.C. Grayling. Against All Gods: Six polemics on religion and an essay on kindness. Oberon Books, London, 2007)


Anthony Clifford Grayling (1949-)  là triết gia thời danh người nước Anh. Ông hiện là giáo sư triết học tại Birkbeck College, University of London, và là Supernumerary Fellow của St Anne's College, Oxford. Ngoài ra còn có thể kể thêm: ông là Thư ký danh dự của hội các triết gia Anh - the Aristotelian Society. Hội viên các hàn lâm viện the Royal Society of Literature và the Royal Society of Arts. 


[1] Leap to faith –nhảy đến đức tin – của Søren Kierkegaard – ông không phủ nhận nhưng thừa nhận có những nghịch lý trong đạo Kitô, chúng là những gì không cụ thể để nắm bắt được, không chứng minh được, và không có bằng chứng thực nghiệm nào cả - nhưng ông nói đến cái nhảy đến “đức tin” – như một cái nhảy khỏi lý trí, và chính giá trị của “đức tin” là ở chỗ dó – nó bất chấp lý trí, gạt bỏ lý trí. Nói khác đi – đức tin trong Kitô chính là phi-lý-trí.

[2] Doubting Thomas: chỉ một người hoài nghi và từ chối không tin vào một điều gì nếu không có bằng chứng – gốc là từ câu chuyện kể trong thánh kinh – về một học trò của Jesus là Thomas (John 20: 24–29). Ông này ban đầu không tin khi nghe những bạn khác nói rằng Jesus sau khi bị giết chết nhưng đã sống lại – cho đến khi ông thấy Jesus xuất hiện trước mắt ông.