Saturday, January 8, 2011

Bertrand Russell - Lịch sử Triết học phương Tây (20)

Bertrand Russell
Lịch sử Triết học phương Tây
Quyển Một – Triết học Cổ thời





Phần II. Socrates, Plato, và Aristotle 
Chương 22     Lôgích  học của Aristotle


Ảnh hưởng của Aristotle, vốn rất lớn lao trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đã là lớn nhất tất cả trong khoa lôgích. Trong thời cổ về sau, khi Plato vẫn là tối cao trong siêu hình học, Aristotle là thẩm quyền được thừa nhận trong lôgích, và ông đã giữ địa vị này suốt thời Trung cổ. Phải cho đến thế kỷ thứ mười ba, những triết gia Catô đã thỏa thuận ông là tối thượng trong lĩnh vực siêu hình học. Vị trí tối thượng này đã phần lớn bị mất sau thời Phục hưng, nhưng thế tối thượng của ông trong lôgich đã sống sót. Ngay cả ngày nay, tất cả những thày giáo Catô trong triết học và nhiều người khác vẫn còn bướng bỉnh phủ nhận những khám phá của lôgích hiện đại, và tuân thủ với một sự bám chặt lạ lùng vào một hệ thống vốn nó dứt khoát đã cổ lỗ cũng như thiên văn học của Ptolemy [1]. Điều này làm cho công bình với Aristotle như xứng cùng tài năng của ông nhìn theo lịch sử là khó khăn. Ảnh hưởng ngày nay của ông như vậy là hết sức độc hại với sự suy nghĩ sáng sủa, thành ra khó để nhớ rằng ông đã thực hiện một tiến bộ lớn lao đến chừng nào so với tất cả những người đi trước ông (bao gồm cả Plato), hoặc công trình lôgích của ông sẽ vẫn được xem như là đáng ngưỡng mộ đến chừng nào, nếu như nó đã là một giai đoạn trong một tiến bộ liên tục, thay vì với tư cách (như trong thực tế nó đã) là một ngõ cụt, không lối ra, theo sau bởi hơn hai ngàn năm trì trệ. Trong khi tiếp cận với những người đi trước Aristotle, không phải là cần thiết để nhắc nhở người đọc rằng họ không còn gây hứng khởi bằng ngôn từ nữa; Thế nên, một người có thể khen ngợi về khả năng của họ mà không phải chịu giả định là đồng ý với tất cả những học thuyết của họ. Ngược lại, với Aristotle, đặc biệt là trong lôgich, thì vẫn còn là một chiến địa, và không thể đối xử với nó trong một tinh thần thuần túy lịch sử.


Công trình quan trọng nhất của Aristotle trong lôgích là học thuyết về syllogism (tam đoạn luận) [2]. Một tam đoạn luận là một lý luận gồm có ba phần, một tiền đề lớn, một tiền đề nhỏ, và một kết luận. Những tam đoạn luận thuộc về một số những loại khác nhau, mỗi một trong số đó có một tên gọi, được những nhà kinh viện đặt cho. Quen thuộc nhất là loại được gọi là “Barbara”:

Tất cả mọi người thì chết (tiền đề lớn)
Socrates là một người (tiền đề nhỏ)
Thế nên: Socrates thì chết (Kết luận)

Hoặc: Tất cả mọi người thì chết
Tất cả những người Hylạp là người
Thế nên: Tất cả những người Hylạp thì chết

(Aristotle không phân biệt giữa hai hình thức này; điều này, như chúng ta sẽ thấy ở sau, là một sai lầm).

Những hình thức khác là: Không có loài cá là có lý trí, tất cả những con cá mập là loài cá, do đó không có những con cá mập là có lý trí. (Được gọi là “Celarent”).

Tất cả những con người là có lý trí, một vài động vật là những con người, do đó một vài động vật là có lý trí. (Được gọi là “Darii”).

Không có những người Hylạp là da đen, một vài người đàn ông là người Hylạp, do đó một vài người đàn ông không là da đen. (Được gọi là “Ferio”) .

Bốn dạng tam đoạn luân này tạo nên “dạng thứ nhất” [3]; Aristotle thêm một dạng thứ hai và thứ ba, và những nhà kinh viện đã thêm một dạng thứ tư. Đã được cho thấy rằng ba dạng sau này có thể qui giảm về dạng thứ nhất bằng những phương sách khác nhau.

Có một số những suy diễn có thể làm được từ một tiền đề đơn độc. Từ “một vài người thì có-chết”, chúng ta có thể luận ra rằng “một vài có-chết là người”. Theo Aristotle, điều này cũng có thể được suy ra từ “tất cả mọi người là có-chết”. Từ “không có những gót là có-chết” chúng ta có thể suy luận “không có những có-chết là những gót”, nhưng từ “một vài người đàn ông không là người Hylạp” nó không dẫn đến theo rằng “một vài người Hylạp không là đàn ông”.

Ngoài những suy luận như trên, Aristotle và những người theo ông đã nghĩ rằng tất cả những suy luận diễn dịch, khi phát biểu chính xác chặt chẽ, là tam đoạn luận. Bằng phân định ra tất cả những loại hợp lệ của syllogism, và phân định ra bất kỳ luận chứng nào làm nảy ra trong trí trong hình thức của tam đoạn luận, do đó, sẽ có thể tránh được tất cả những nguỵ biện.

Hệ thống này đã là sự bắt đầu của logich hình thức, và như thế, đã vừa là quan trọng và đáng ngưỡng mộ. Nhưng nếu được xem như một hoàn tất cuối cùng, không phải khởi đầu của logich hình thức, nó bị mở ra với ba loại phê bình:

(1) Những khiếm khuyết hình thức bên trong chính hệ thống.
(2) Đánh giá syllogism quá mức, khi đem so với những hình thức khác của suy luận diễn dịch .
(3) Đánh giá diễn dịch quá mức như là một hình thức của lý luận.

Về mỗi một trong ba chỉ trich trên, có một vài điều phải nói.

(1) Những khiếm khuyết hình thức. Chúng ta hãy cùng bắt đầu với hai phát biểu “Socrates là một người” và “tất cả người Hylạp là người”. Nó là cần thiết để thực hiện một sự phân biệt rõ ràng giữa hai, vốn đã không thực hiện trong lôgích Aristotle. Phát biểu “tất cả người Hylạp là người” thông thường được diễn giải như có hàm ý rằng – có những người Hylạp; mà với không có điều ngụ ý này, một số tam đoạn luận của Aristotle là không hợp lệ. Lấy thí dụ cụ thể như:

“Tất cả người Hylạp là người, tất cả người Hylạp là da trắng, do đó một vài người là da trắng”. Điều này là hợp lệ nếu như có những người Hylạp, nhưng không hợp lệ nếu là khác. Nếu như tôi nói:

“Tất cả những núi bằng vàng là núi, tất cả những núi bằng vàng là vàng, do đó một số núi là bằng vàng” [4]. Kết luận của tôi sẽ là sai lầm, mặc dù trong một số ý hướng, những tiền đề của tôi sẽ là đúng thật. Nếu chúng ta muốn được rõ ràng, thế nên chúng ta phải chia một phát biểu “Tất cả người Hylạp là người” ra thành hai, một phát biểu “có những Hylạp”, và một phát biểu khác nói “nếu có bất cứ sự-vật-gì là một Hylạp, nó là một người” [5]. Phát biểu thứ hai là hoàn toàn là giả thuyết, và nó không bao hàm ngụ ý rằng – có những người Hylạp.

Phát biểu “tất cả người Hylạp là người” như vậy, là phức tạp hơn nhiều trong hình thức hơn so với tuyên bố “Socrates là một người”. “Socrates là một người” có “Socrates” là chủ ngữ của nó, nhưng “tất cả những Hylạp là người” không có “tất cả những Hylạp” là chủ ngữ của nó, vì không có gì về “tất cả những Hylạp”, hoặc trong tuyên bố là “có những Hylạp”, hoặc trong tuyên bố là “nếu có bất cứ sự-vật-gì là một Hylạp-gì đó, nó là một người”.

Sai lầm hình thức thuần túy này đã là một nguồn của những sai lầm trong siêu hình học và trong tri thức luận. Hãy xem xét trạng thái kiến thức của chúng ta về phương diện liên quan đến hai mệnh đề “Socrates thì chết” và “tất cả mọi người thì chết”. Để có thể biết sự đúng thật của “Socrates thì chết”, hầu hết chúng ta hài lòng dựa vào lời khai làm chứng, nhưng nếu lời chứng là đáng tin cậy, nó phải dẫn chúng ta ngược trở lại với một số người, là người biết Socrates và đã nhìn thấy ông ta chết. Cái người trông thấy sự kiện – xác chết của Socrates – cùng với kiến thức rằng – cái này đây được gọi là “Socrates”, đã đủ để đảm bảo chúng ta về cái chết của Socrates. Nhưng khi đi đến nói “tất cả mọi người thì chết”, nội dung là khác nhau. Câu hỏi về kiến thức của chúng ta về những mệnh đề tổng quát giống như vậy là câu hỏi hết sức khó khăn. Đôi khi, chúng chỉ là do lời nói: “tất cả người Hylạp là người” được biết đến vì không có gì được gọi là “một Hylạp”, trừ khi đó là một người. Những mệnh đề tổng quát loại như vậy có thể được xác định theo từ điển; chúng bảo cho chúng ta không một điều gì về thế giới, ngoại trừ những từ được sử dụng như thế nào. Nhưng “tất cả mọi người thì chết” không phải là thuộc loại giống như thế này, không có gì là tự mâu thuẫn trong lôgích về một người không chết, một-người-bất-tử [6]. Chúng ta tin vào mệnh đề trên cơ sở của quy nạp, bởi vì không có trường hợp xác thực minh bạch nào về một người sống hơn (nói tạm) 150 năm, nhưng điều này chỉ làm cho những mệnh đề là có thể xảy ra, nhưng không là chắc chắn. Nó không thể được là chắc chắn, cho đến chừng nào những sinh vật người hiện hữu [7].

Những sai lầm siêu hình nổi lên qua sự giả định rằng “tất cả những người” là chủ ngữ của “tất cả những người thì chết” trong cùng ý nghĩa giống như trong đó “Socrates” là chủ ngữ của “Socrates thì chết”. Có thể là có được để chủ trương rằng, trong một số ý nghĩa, “tất cả những người” biểu thị một thực thể thuộc cùng một loại như cái đã biểu thị bởi “Socrates”. Điều này dẫn Aristotle đi đến nói rằng trong một ý nghĩa, một loài là một thực thể [8] Ông thận trọng chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho tuyên bố này, nhưng những người đi theo ông, đặc biệt là Porphyry [9] đã cho thấy ít thận trọng hơn.

Một sai lầm khác Aristotle đã rơi vào trong đó, thông qua lầm lẫn này là nghĩ rằng một thuộc tính [10] của một thuộc tính có thể là một thuộc tính của chủ ngữ nguyên khởi. Nếu tôi nói “Socrates là người Hylạp, tất cả người Hylạp là con người,” Aristotle nghĩ rằng “con người” là một thuộc tính của “Hylạp,” trong khi “Hylạp” là một thuộc tính của “Socrates”, và hiển nhiên là “con người” là một thuộc tính của “ Socrates”. Nhưng trong thực tế, “con người” không phải là thuộc tính của “Hylạp”. Sự khác biệt giữa những tên gọi và những thuộc tính, hoặc, trong ngôn ngữ siêu hình học, giữa những cụ thể và những phổ quát, như vậy, là bị nhòe nhạt đi, với những hậu quả tai hại cho triết học. Một trong những nhầm lẫn đưa đến trong kết quả là giả định một classs (lớp) với chỉ có một thành viên là đồng nhất với một thành viên đó. Điều này làm cho không thể nào có được một lý thuyết chính xác về con số một, và dẫn đến bất tận tệ hại siêu hình học về tính đơn nhất.

(2) Đánh giá syllogism quá mức. Tam đoạn luận chỉ là một loại của lập luận diễn dịch. Trong toán học, vốn nó toàn bộ là diễn dịch, những tam đoạn luận hầu như không bao giờ từng xuất hiện. Dĩ nhiên, sẽ có thể là viết lại những lý luận toán học theo hình thức tam đoạn luận, nhưng điều này sẽ rất giả tạo và sẽ không làm cho chúng có bất kỳ vững chắc nào hơn nữa. Lấy số học làm thí dụ. Nếu tôi mua hàng trị giá 16 shilling, 3 pence, và đem trả một tờ giấy bạc 1 pound để thanh toán, phần thối lại của tôi bao nhiêu? Đặt tổng số đơn giản này dưới hình thức của một syllogism sẽ là phi lý, và sẽ có xu hướng che giấu bản chất thực sự của luận chứng. Lại thêm nữa, trong phạm vi lôgích có những suy luận không-tam-đoạn-luận, chẳng hạn như: “Một con ngựa là một động vật, do đó một đầu của một con ngựa là một đầu của một động vật”. Những tam đoạn luận hợp lệ, trong thực tế, chỉ là một số trong những diễn dịch hợp lệ, và không có ưu tiên lôgích với những diễn dịch khác. Nỗ lực đem tính ưu việt cho syllogism trong diễn dịch làm cho những triết gia mê muội, lạc lối về phần bản chất của lý luận toán học. Kant, người đã nhận thức rằng toán học không phải là thuộc tam đoạn luận, suy ra rằng nó sử dụng những nguyên tắc ngoại-lôgích, tuy nhiên, với chúng, ông giả định là cũng chắc chắn như những nguyên tắc của lôgích. Giống như những người đi trước ông, mặc dù trong một lối khác, ông đã bị lầm đường vì sự kính trọng trước Aristotle.

(3) Đánh giá diễn dịch quá mức. Trong tổng quát, so với những triết gia hiện đại, người Hylạp gắn nhiều quan trọng hơn với lý luận diễn dịch như là một nguồn của kiến thức. Về phương diện này, Aristotle ít chịu lỗi hơn so với Plato; ông nhiều lần thừa nhận tầm quan trọng của lý luận qui nạp, và ông đã dành sự quan tâm đáng kể với câu hỏi: làm thế nào để chúng ta biết được những tiền đề đầu tiên từ đó lý luận diễn dịch phải bắt đầu? Dù sao đi nữa, giống như những người Hylạp khác, ông đã dành cho diễn dịch sự đề cao đặc biệt quá đáng trong tri thức luận của ông. Chúng ta sẽ đồng ý rằng ông Smith (tạm nói thí dụ) là sẽ-chết, và chúng ta có thể, một cách rộng rãi, nói rằng chúng ta biết điều này, bởi vì chúng ta biết rằng tất cả mọi người đều sẽ chết. Nhưng những gì chúng ta thực sự biết không phải là “tất cả mọi người đều sẽ chết”; nhưng có phần đúng hơn là chúng ta biết một-điều-gì như “tất cả mọi người đã ra đời hơn một trăm năm mươi năm trước là đã chết, và cũng như vậy với gần như tất cả mọi người sinh ra hơn một trăm năm trước đây”. Đây là lý do của chúng ta để nghĩ rằng ông Smith sẽ chết. Nhưng lập luận này là một lập luận qui nạp, không phải là diễn dịch. Nó kém vững chắc, có ít sức thuyết phục hơn diễn dịch, và đem lại chỉ một xác suất có thể có, không phải là một sự chắc chắn, nhưng về mặt khác nó cho kiến thức mới, vốn diễn dịch thì không. Tất cả những suy luận quan trọng ngoài lôgích và toán học thuần túy là quy nạp, không phải diễn dịch, chỉ có ngoại lệ duy nhất là trong pháp luật và gót học, mỗi môn học này rút ra những nguyên lý tiên khởi của chúng từ những văn bản không thể nghi vấn, tức là những bộ luật, hoặc những sách thánh.

Ngoài The Prior Analytics ra, trong đó bàn luận về syllogism, có những bài viết lôgích khác của Aristotle vốn có tầm quan trọng đáng kể trong lịch sử triết học. Một trong số đó là công trình ngắn về The Categories . Porphyry, một người trong phái NeoPlaton đã viết một bài bình luận về tập sách này, nó có ảnh hưởng rất đáng chú ý trên triết học trung cổ, nhưng cho thời hiện nay, chúng ta hãy cùng bỏ qua Porphyry và giới hạn chúng ta vào Aristotle.

Đích xác từ “category” [11] có nghĩa là gì, dù là trong Aristotle, hay trong Kant và Hegel, tôi phải thú nhận rằng tôi đã chưa bao giờ có khả năng có thể hiểu được. Bản thân tôi, tôi không tin rằng thuật ngữ “category” trong bất kỳ đường lối nào là hữu ích trong triết học, như là đại diện cho bất kỳ một ý tưởng rõ ràng nào. Trong Aristotle, có mười category: thực thể, số lượng, chất lượng, quan hệ, thời gian, vị trí, tình trang, hành động, và tình cảm. Định nghĩa duy nhất của “category” được cung cấp là: “những diễn tả vốn chúng là không trong cách nào kết hợp biểu hiện” [12] – và sau đó kèm theo danh sách trên. Điều này dường như có nghĩa là tất cả mỗi từ vốn với nó có ý nghĩa thì không phải là được kết hợp của những ý nghĩa của những từ ngữ khác biểu thị một thực chất, hoặc một số lượng, hoặc vv… không có đề nghị về bất kỳ nguyên tắc nào nhờ đó danh sách mười category đã được biên soạn.

“Thực thể” [13] thì chủ yếu là những gì không phải là điều khẳng định được của một chủ đề và cũng không hiện diện trong một chủ đề. Một điều được gọi là “hiện diện trong một chủ đề” khi nào, mặc dù không phải là một phần của chủ đề, nó không thể hiện hữu mà không có chủ đề. Những trường hợp cụ thể được đem cho là một mảnh kiến thức ngữ pháp vốn nó hiện diện trong một não thức, và chất trắng nào đó vốn nó thể hiện diện trong một cơ thể. Một thực thể trong ý nghĩa cơ bản nêu trên là một sự-việc cá nhân, hoặc một người hoặc động vật. Nhưng trong ý hướng thứ hai – là một species (loài) hay một genus (loài nhánh) – lấy thí dụ, “người” hay “động vật”- có thể được phép gọi là một thực thể. Ý nghĩa thứ hai này có vẻ như không có thể bênh vực được, và đã mở cửa ra, trong những cây bút sau này, cho quá nhiều siêu hình học xấu tồi.

The Prior Analytics là một tác phẩm quan tâm phần lớn với một câu hỏi vốn nó phải gây khó khăn cho bất kỳ lý thuyết diễn dịch nào, cụ thể là: Làm thế nào những tiền đề đầu tiên được thu tập? Bởi vì diễn dịch phải bắt đầu từ một chỗ nào đó, chúng ta phải bắt đầu với một-cái-gì-đó không đã đượcchứng minh, vốn nó phải được biết đến cách khác hơn là bởi sự chứng minh. Tôi sẽ không đưa ra lý thuyết của Aristotle trong chi tiết, bởi vì nó tùy thuộc trên khái niệm về yếu tính [14] . Một định nghĩa, ông nói, là một phát biểu về bản chất yếu tính của một sự-vật. Khái niệm về yếu tính là một phần sâu cận thân thiết của tất cả mọi triết lý tiếp theo sau Aristotle, đến tận khi chúng ta bước vào thời hiện đại. Nó là, trong quan điểm của tôi, một ý niệm của đầu óc lộn xộn vô vọng [15] , nhưng tầm quan trọng lịch sử của nó đòi hỏi chúng ta nói một vài điều về nó.

“Yếu tính” của một sự-vật xem ra dường như có nghĩa là “những gì đó trong những thuộc tính của nó vốn nó không thể thay đổi mà không mất đi bản sắc nhận diện [16] của nó”. Socrates có thể là đôi khi vui vẻ, đôi khi buồn, đôi khi được khỏe, đôi khi bị ốm. Bởi vì ông ta có thể thay đổi những thuộc tính này mà không phải thôi không còn là Socrates, chúng không là phần của yếu tính của ông. Nhưng điều đã được giả định là thuộc về yếu tính của Socrates rằng ông là một con người, mặc dù một người theo phái Pythagore, người tin vào tái sinh đầu thai  [17] , sẽ không thú nhận điều này. Trong thực tế, câu hỏi về “yếu tính” là một câu hỏi về phần cách dùng của những từ ngữ. Chúng ta áp dụng cùng một tên gọi, trong những dịp khác nhau, với những xuất hiện có phần nào khác biệt nhau, mà chúng ta coi như là biểu hiện của một “sự vật” hay “người” duy nhất. Trong thực tế, tuy nhiên, đây chỉ là một tiện lợi ngôn từ. Cái “yếu tính” của Socrates, thế nên bao gồm của những thuộc tính đó, trong trường hợp không có chúng, chúng ta không nên sử dụng tên gọi “Socrates”. Câu hỏi là thuần túy là về mặt ngôn ngữ: một từ có thể có một yếu tính, nhưng một sự-vật thì không thể.

Khái niệm về “thực thể”, cũng giống như của “yếu tính”, là một sự chuyển dịch vào siêu hình học của những gì chỉ là một tiện lợi ngôn từ. Chúng ta tìm thấy nó tiện lợi, trong việc mô tả thế giới, để mô tả một số nào đó nhất định về những việc việc xảy ra, như những biến cố trong cuộc đời của “Socrates,” và một số nào đó nhất định của những người khác, như những biến cố trong cuộc đời của “ông Smith”. Điều này dẫn chúng ta đến nghĩ rằng “Socrates” hay “ông Smith” như biểu thị một cái gì đó vẫn vẫn cứ tồn tại dai dẳng qua một số nào đó những năm tháng, và như trong một vài đường lối nào đó “cứng chắc” và “thực” hơn những sự kiện xảy ra với ông ta. Nếu Socrates bị ốm đau, chúng ta nghĩ rằng Socrates, vào những thời điểm khác, là mạnh khỏe, và vì vậy sự tồn sinh của Socrates thì độc lập với bệnh tật của ông; mặt khác, bệnh tật đòi hỏi phải có một-ai-đó bị ốm đau. Nhưng mặc dù Socrates không cần phải bị ốm đau, một cái gì đó phải là xảy ra với ông ta, nếu ông ta là được xem như là hiện hữu. Do đó, ông không thực sự là “cứng chắc” hơn những sự-việc vốn đã xảy ra với ông ta.

“Thực thể”, khi chấp nhận một cách nghiêm túc, là một khái niệm không thể nào thoát khỏi những khó khăn. Một thực thể thì giả định là chủ thể của những thuộc tính, và là một gì đó khác biệt với tất cả những thuộc tính của nó. Nhưng khi chúng ta lấy đi những thuộc tính, và cố gắng tưởng tượng đến thực thể bằng tự thân chính nó, chúng ta thấy rằng không có gì còn lại. Để đặt nội dung trong một lối khác: Cái gì phân biệt một thực thể với một cái khác? Không phải sự khác biệt của những thuộc tính, bởi vì theo như lôgích của thực thể, sự khác biệt của những thuộc tính thì bao hàm tính phức loại về số lượng giữa những thực thể có liên quan [18]. Hai thực thể, do đó, phải là đúng hai, mà không với tư cách, trong bản thân tự chúng, là trong bất kỳ lối nào có thể phân biệt được. Thế nên sau đó, là sao chúng ta có bao giờ tìmra rằng chúng là hai ?

“Thực thể”, trong thực tế, chỉ đơn thuần là một lối thuận tiện để thu thập những biến cố vào thành những bó. Chúng ta có thể biết được gì về ông Smith? Khi chúng ta nhìn vào ông ta, chúng ta thấy một mẫu hình của những màu sắc, khi chúng ta lắng nghe ông nói chuyện, chúng ta nghe được một chuỗi những âm thanh. Chúng ta tin rằng, giống như chúng ta, ông có những suy nghĩ và những cảm xúc. Nhưng cái gì là ông Smith ngoài tất cả những xảy ra này? Chỉ đơn thuần một cái móc tưởng tượng, trên đó những xảy ra được giả định là được treo lên. Trong thực tại, chúng không cần phải có cái móc, bất kỳ nào nhiều hơn là trái đât cần một con voi để nằm nghỉ dựa trên [19]. Bất kỳ ai có thể thấy, trong trường hợp tương tự về một khu vực địa lý, rằng một từ như “France” (nói ngẫu nhiên) chỉ là một tiện lợi ngôn từ, và rằng không có một sự-vật-gì gọi là “France” nằm trên và ở cao trên những phần khác nhau của nó. Cũng như thế đúng với của “ông Smith”; nó là một tên gọi chung cho một số những gì xảy ra. Nếu chúng ta lấy nó như bất cứ gì nhiều hơn, nó biểu thị một cái gì đó hoàn toàn không thể biết được, và do đó không cần thiết cho sự biểu hiện của những gì chúng ta biết.

“Thực thể”, nói gọn trong một từ, là một sai lầm siêu hình, do chuyển dịch cấu trúc của những câu gồm có một chủ ngữ và một vị ngữ vào cấu trúc thế giới.

Tôi kết luận rằng, với những học thuyết Aristotle mà chúng ta đã quan tâm trong chương này, là hoàn toàn sai nhầm, không thật, với ngoại lệ là lý thuyết hình thức của syllogism, mà vốn nó là không quan trọng. Bất kỳ ai trong thời nay là người muốn tìm học lôgích, sẽ phí thời giờ của người ấy, nếu người ấy đọc Aristotle hoặc bất kỳ gì của những môn đệ của ông. Dù sao đi nữa, những gì Aristotle viết về lô gích cho thấy khả năng tuyệt vời, và có thể đã được hữu ích cho nhân loại nếu chúng đã xuất hiện vào thời điểm mà tính sáng tạo của trí thức vẫn còn sống động. Thật không may, chúng đã xuất hiện vào cuối thời kỳ sáng tạo của tư tưởng Hylạp, và do đó đã đi đến được chấp nhận như thẩm quyền. Đến thời gian khi tính sáng tạo của lôgích đã hồi sinh, một triều đại của hai ngàn năm đã làm việc truất ngôi Aristotle rất khó khăn. Trong suốt thời hiện đại, mọi tiến bộ trong khoa học, trong logich, hoặc trong triết lý, một cách thực tiễn, đã phải được thực hiện trong sự đương đầu, và bất chấp chống đối của những môn đồ của Aristotle.


Chương 23.  Vật Lý học của Aristotle

Trong chương này, tôi đề nghị xem xét hai của tập sách của Aristotle, một gọi là Physics


Lê Dọn Bàn tạm dịch  – bản nháp thứ nhất
(Jan, 2011)





[1] Claudius Ptolemy (90-168): nhà thiên văn và địa lý cổ Hylạp. Ông đại diện cho thuyết địa cầu là trung tâm vũ trụ (geocentric) vốn đã lưu hành và phổ biến trong 1400 năm.
[2] A syllogism (Greek: συλλογισμός – syllogismos – "conclusion," "inference") – syllogism theo như Aristotle chính thức chỉ là categorical syllogisms (hay sau này gọi là modal syllogisms).
Định nghĩa của Aristotle: “a syllogism is an argument in which, certain things being posited (the premises), something other than the premises necessarily results from their being true."
[3] Figure; dạng hình.
[4] Theo lôgích Aristotle, nếu những tiền đề đúng + hợp lệ = kết luận đúng – thì sai lầm. Lấy thí dụ: “All golden mountains are mountains, all golden mountains are golden, therefore some mountain are golden” – Vấn đề nằm trong tiền đề đầu tiên “Tất cả những núi bằng vàng là núi”- hàm ý rằng có “núi bằng vàng” – có trong thiên nhiên thứ núi toàn bằng vàng ! – theo nghĩa “núi non”, không phải theo nghĩa “ngồi ăn núi vàng cũng lở”.
Theo cách của Russell – chúng ta phân tích tiền đề (1) thành (1a) và (1b). Có thể tạm phân thành như sau:
(1a) Có những núi
(1b) Có những khối toàn bằng vàng, nếu những núi = những khối toàn bằng vàng; thì nó là những núi vàng
(2) Tất cả những núi vàng là núi
(3) Do đó, có một số núi là vàng.
(dùng quantifiers của lô gích mới – Russell & Frege: the universal () and existential () quantifiers) .
Như Russell nói trên – chúng ta đều biết (3) là sai lầm; nhưng sai lầm ở đâu? Vì sao? – phân tích như trên , giúp chúng ta trả lời câu hỏi này: Tuy (1a) đúng, nhưng tiền đề (1b) không đúng (không có trong thực tại vật lý), nên (3), nay thành có có tiền đề sai nên không thể đúng được. 
[5] Nguyên văn “Greek” chỉ chung những gì thuộc Hylạp, dù phần đông dùng như “người Hylạp” , nhưng đó không phải là nghĩa duy nhất, vì cũng có nghĩa là “tiếng” hay “dân” Hylạp.
Nguyên văn “All Greeks are men, All Greeks are white, therefore some men are white” và thành:
“There are Greeks – if anything is a Greek, it is a man” – có thể hiểu là “có những Hylạp-gì-đó” và “nếu có bất kỳ một sự-vật gì là Hylạp-gì-đó, nó là một người”.
Tôi tạm dịch “mở” ra như trên, để chỉ cái ý Russell đương bàn ở đây, vốn rất quan trọng; từ chỗ này, Russell chỉ ra sự sai lầm, lẫn lộn tai hại, trong ngôn ngữ, vào lôgich, rồi đưa sang siêu hình:
“Sai lầm hình thức thuần túy này đã là một nguồn của những sai lầm trong siêu hình học và trong tri thức luận”
[6] Hai mệnh đề “Tất cả mọi người thì chết” và “tất cả mọi người thì không-chết” – chúng có giá trị lô gich như nhau. Chúng ta tin vào cấu đầu vì kinh nghiệm (giới hạn) của con người, và đã suy luận theo qui nạp, nhưng câu thứ hai, vẫn có thể đúng, vì vẫn còn con người trong tương lai, và đó là giá trị của suy luận qui nạp cũng như của toàn thể các khoa học chính xác. Tất cả chỉ là những giả thuyết về thế giới vật lý để làm việc, và cho đến nay vẫn còn đúng, những ứng dụng vẫn có hiệu lực như mong đợi.
[7] Biết đâu có ngày – con người có thể không-chết, một cách nào đó kéo dài sự sống mãi mãi – thực hiện giấc mộng bất tử thật, trong tương lai.
[8] A species is a substance.
[9] Porphyry (234?–305? TCN.) triết gia Neoplatonism, sinh quán Tyre, Phoenicia. Porphyry viết một bình luận về Categories của Aristotle, nay còn giữ lại và một bài bình luận khác dài hơn, nhưng nay chỉ còn xót vài mảnh. Sau đó, ông viết Isagoge, là một dẫn nhập tổng quát những công trình lôgích của Aristotle, qua đó Porphyry thành một khuôn mặt quan trọng trong lịch sử khoa lôgích The Isagoge được dùng như văn bản dẫn nhập phổ thông ở Byzantium, trong thế giới Arabic, và trong thế giới Latin West, qua bản dịch và bình luận của Boethius. Những văn bản này, được xem như sách giáo khoa lôgích học trong xuốt ít nhất 1000 năm.
[10] Predicate: vị ngữ trong một câu, chỉ thuộc tính của chủ ngữ trong câu.
[11] Category – hạng, loại. – thí dụ “Logical Categories”.
[12] “expressions which are in no way composite signify”.
[13] Substance – một “thực thể” có những cá tính xác định nào đó. Nó thì bền vững, phân cách và đồng nhất (durable, separable, and identical). identical có nghĩa là nó tồn tại với thời gian. Nó chịu đựng và kéo dài được. Nó có thể sinh ra, hoặc thôi không hiện hữu (như trong Aristotle), hay nó có thể không thể bất sinh, bất hoại (như trong Plato, Descartes, Spinoza, or Leibniz), nhưng cách nào đi nữa, nó có sự hiện hữu được kéo dài trong thời gian. Một thực thể là “phân cách” có nghĩa là sự hiện hữu của nó thì không lệ thuộc vào những sự vật khác. Nó tồn tại độc lập, và nó có thể phân cách tách biệt với những sự vạt hiện hữu khác. Một thực thể là “đồng nhất” có nghĩa là nó có một đồng nhất tính (identity), vốn là tự thân chính nó, hay nó có một tính đồng nhất như là thành phần của một thứ loại nào đó – cùng là như cái nó trường tồn bền vững với thời gian – cùng là như cái nó phân cách, khác biệt, không lẫn lộn với những sự vật khác.
[14] Essence – “yếu tính”, là những gì làm cho một sự-vật-điều-gì đó là những-gì nó là, nghĩa là sự-vật-điều-gì nào là một sự-vật-điều-gì nào không phải một sự-vật-điều-gì nào khác. Nghĩa là nó thuộc một loại đặc thù khác biệt, thí dụ – con chó, computer, con số, hành tinh, etc.
[15] “A hopelessly muddle-headed notion”.
[16] identity: bản sắc đặc thù của một sự-vật đủ và có thể dùng để nhận diện nó, phân biệt nó với những gì khác không phải là nó.
[17] Transmigration – tin tưởng phổ quát của con người – về sự đầu thai tái sinh – có một hồn người chuyển từ kiếp sống này qua kiếp sống sau. Các dân tộc và các tôn giáo khác nhau trong chi tiết.
[18] Nghĩa là khác nhau về mức độ, số lượng không được coi là khác nhau, vậy hai thực thể, có cùng những thuộc tính, chỉ các thuộc tính là hoặc nhiều hơn hay ít hơn, làm sao chúng ta phân biệt và xem chúng là hai thực thể?
[19] Russell, ở một chỗ khác, đã nói rằng tư tưởng tôn giáo Hindu tin rằng quả đất nằm trên lưng một con voi.
Có lẽ ông đã lập lại theo John Locke, trong An Essay Concerning Human Understanding (1690), Locke đã so sánh một người nói những thuộc tính thừa hưởng trong thực thể với một người Ấn nói răng thế giới thì nằm trên lưng một con voi, và con voi này nằm trên lưng một con rùa.