Friday, December 25, 2009

Phản-kitô - The Antichrist



Phản-kitô
Lời nguyền rủa đạo Kitô

Friedrich Nietzsche (1844 – 1900)
Der Antichrist (1895)
Fluch auf das Christenthum.




Lời người dịch bản tiếng Việt

Có thể nói gì thêm về con người tên tuổi đã gắn liền với lời cáo tri chấn động thế kỷ qua – “Gót đã chết” – “Gott ist todt”?

Với những dụ ngôn và ảo ngữ, Nietzsche viết những luận văn triết học đọc như thơ xuôi, như sấm dụ. Lên án đạo Kitô đại diện cho “tất cả những hèn yếu, thấp kém và vụng hỏng”, và toàn thể truyền thống Kitô-Dothái què quặt tác hại, Nietzsche muốn phá hết tật nguyền, để dựng lại toàn bộ văn minh phương Tây từ những giá trị đạo đức cơ bản.

Phản-kitô [1]  là tác phẩm đem tranh luận không ngừng đến những tiếp nối thế hệ người viết và đọc triết học.

Dịch từ những bản tiếng Anh, tham khảo thêm bản tiếng Pháp, vì bản thân người dịch, hắn không biết tiếng Đức.
Thử thôi, dẫu chút sai cũng chỉ như muối bỏ biển, không đổi được vị đã mặn đắng những lời sâu thẳm.

Và, không sao đi chệch được những dòng thác cuộn tràn bờ dũng mãnh của vị thiên tài phá hủy thánh tượng; của Nietzsche, đắm say cuồng nộ rồi lặng im loạn trí giữa nhân gian.

Người dịch
Lê Dọn Bàn
(Noel – 2009)





Lời mở đầu


Sự Xét định lại Tất cả những Giá trị





Quyển sách này thuộc về một số hiếm hoi nhất. Có lẽ chưa một ai trong họ đã từng sống. May ra họ sẽ là những người đọc hiểu Zarathustra [2] của tôi: Làm sao chính tôi có thể  lẫn lộn với một ai trong những người ngay cả bây giờ có tai đang vểnh lên lắng nghe? – Chỉ có ngày sau ngày mai thuộc về tôi. Có một số người ra đời tử hậu.

Những điều kiện cho bất kỳ ai hiểu tôi, và nhất thiết hiểu tôi – tôi biết chúng tất cả rõ lắm. Ngay cả để chịu đựng sự nghiêm trọng của tôi, nồng nhiệt của tôi, hắn ta phải cưu mang trí thức toàn vẹn đến tận bờ của vực khắc nghiệt, Hắn phải quen sống trên những đỉnh non cao – và nhìn đám tồi tệ bát nháo chính trị và dân tộc chủ nghĩa như ở thấp dưới hắn. Hắn ta phải đã thành lãnh đạm, hắn phải không bao giờ hỏi xem sự thật rồi có đem lợi lộc hay họa hại đến cho hắn hay không. Hắn phải có một khuynh hướng, phát sinh từ cường lực, để hỏi những câu không ai đã có can đảm hỏi; can đảm trước những cấm kỵ; tiền định đưa tới mê đồ. Trải nghiệm đến bảy tầng cô quạnh[3]. Tai mới cho nhạc mới. Mắt mới cho những gì xa thẳm nhất. Một lương tâm mới cho chân lý từ trước đến nay vẫn chưa bao giờ nghe đến. cái ý chí để tiết giảm trong cung cách uy nghi – để buộc chặt gói trọn sức mạnh của hắn, nồng nhiệt của hắn... Tôn thờ chính tự ngã, yêu lấy tự ngã, tự do vô điều kiện về phần tự ngã....

Tốt lắm, vậy thôi! chỉ những người giống thế là những độc giả của tôi, những độc giả chân chính của tôi, những độc giả tiền tấn phong của tôi: đám còn lại sao đây? Đám còn lại đơn thuần chỉ là loài người thôi – một kẻ phải làm tự ngã mình cao hơn loài người, trong sức mạnh, trong sự cao ngạo của linh hồn, – trong khinh miệt.

FRIEDRICH W. NIETZSCHE.
(1844 – 1900)





Phản-kitô

Lời nguyền rủa đạo Kitô




1.
Chúng ta hãy nhìn nhau tận mặt. Chúng ta là những người Hyperboreans [4];  – chúng ta biết rõ chốn ở chúng ta hẻo lánh đến đâu. “Không bộ, mà cũng chẳng thuỷ nào bạn sẽ có thể tìm được lối đến những người Hyperboreans”: thậm chí Pindar [5], trong thời của mình, biết được chỉ đến thế về chúng ta. Đi cho đến hết, quá khỏi hướng Bắc, quá khỏi băng hà, quá khỏi cái chết – đời chúng ta, hạnh phúc của chúng ta ... Chúng ta đã tìm ra được hạnh phúc ấy; chúng ta đã tìm được lối ra, thoát khỏi những nghìn năm của mê đồ. Ai nào khác đã tìm thấy nó? – con người hiện đại, có lẽ?  “Tôi không biết rẽ lối nào; Tôi là – tất cả mọi thứ không biết rẽ về đường nào; “ – cái con người hiện đại thở dài như thế.

Đây là cái thứ hiện đại đã làm chúng ta lâm bệnh. Chúng ta phát ốm vì êm ả lười biếng, thỏa hiệp hèn nhát, toàn bộ đạo đức dơ dáy của “dạ Có” và “thưa Không”. Sự bao dung và lớn rộng [6]  của con tim “tha thứ” tất cả mọi thứ vì nó “Cảm thông” mọi thứ này – là một thứ hoả nhiệt phong[7]  với chúng ta. Cầm bằng chúng ta sống giữa băng hà hơn giữa các đức hạnh thời nay và các thứ khác như gió nam cực nóng!

Chúng ta can đảm đã có đủ; chúng ta không chừa mình mà cũng chẳng chừa người, nhưng trong một thời gian dài, chúng ta đã không biết đem can đảm của chúng ta áp dụng vào đâu. Tuyệt vọng chúng ta đã càng tăng; họ gọi chúng ta là những kẻ theo thuyết định mệnh [8]. Số phận của chúng ta – đó là sự tràn đầy, sự căng thẳng, sự tích trữ đến cùng sức mạnh của chúng ta. Chúng ta khát khao tia chớp loè sáng và những hành động lớn lao, chúng ta tránh cho thật xa tận mức có thể tránh được, cái hạnh phúc của con người nhu nhược, từ “cam thuận” [9]. Có sấm sét trong không gian chúng ta, sức sống tự nhiên chúng ta thể hiện đã trở thành u ám – vì chúng ta đã không thấy đường. Công thức cho hạnh phúc chúng ta: một Có, một Không, một đường thẳng, một mục tiêu.





2.

Tốt là gì? Là bất cứ gì làm tăng cảm giác có quyền lực, ý dục đến quyền lực [10], bản thân quyền lực, nơi con người ta.

Xấu là gì? Là bất cứ gì nảy sinh từ sự yếu kém.

Hạnh phúc là gì? – Là cảm giác khi quyền lực tăng lên – khi vượt thắng chống cự .

Không thoả mãn, nhưng thêm quyền lực; không nhận hòa bình bất cứ giá nào, nhưng chiến tranh; không đức hạnh, nhưng hiệu quả (đức hạnh theo nghĩa thời Phục Hưng, virtù đức hạnh không trộn nhiễm cường toan luân lý[11]).

Yếu và vụng sẽ bị chết: nguyên tắc đầu tiên của lòng từ thiện chúng ta. Và người ta sẽ nên giúp thêm vào đấy. Đâu là cái mà còn tai hại hơn bất kỳ thói xấu nào? – Sự thực hành thương cảm cho cái vụng và cái yếu – đạo Kitô ...



3.
Vấn đề mà tôi đặt ra ở đây không phải là rồi tôi sẽ thay thế loài người với cái gì theo tiến trình thứ bậc các tạo vật (--con người đứng ở cuối--): nhưng cái loài người như thế nào phải được dưỡng, phải được muốn, như sinh vật đáng giá nhất, sự sống đáng giá nhất, bảo đảm chắc chắt nhất cho tương lai.

Cái thứ đáng giá hơn đã có xuất hiện đến thường trong quá khứ; nhưng luôn luôn là một ngẫu nhiên vui vẻ, như một ngoại lệ, chưa bao giờ đã là một mong muốn chủ định. Rất thường là nó đã thành thực đúng y một cái gì đáng hãi nhất; cho đến nay nó đã là cái kinh hãi của những kinh hãi; – và thoát ra từ sự kinh hãi đó cái loại người ngược lại đã được mong ước, vun trồng và đạt đến; giống gia súc, giống thú nuôi bầy đàn, cái con người thô lậu – bọn Kitô...



4.
Loài người chắc chắn không là đại biểu cho một tiến hoá đi lên một mức độ tốt đẹp hơn, hay mạnh hơn, hay cao hơn, như tiến bộ giờ đây được hiểu. Sự “tiến bộ” này chỉ đơn thuần là một ý tưởng hiện đại, đó là muốn nói, một ý tưởng sai lầm. Châu Âu ngày nay, trong yếu tính giá trị của nó, rơi thấp xa dưới châu Âu Phục Hưng; tiến trình của tiến hoá không nhất thiết có nghĩa cao lên, đẹp vào, mạnh thêm.

Cũng đúng vậy, nó thành công trong những trường hợp lẻ loi và cá nhân trong các vùng khác biệt trên mặt đất và dưới các văn hoá khác biệt thật đa dạng, và trong những trường hợp này, một giống cao hơn chắc chắn có thể tự biểu hiện; một thứ mà, so sánh với loài người xét trong đám đông đảo, xem dường ra như là một loại người trên người [12]. Những cú giáng may vui của thành công cao đẳng như thế đã luôn luôn có thể xảy ra, và sẽ còn có thể xảy ra, có lẽ, trong suốt tương lai sắp đến. Ngay cả nếu tính hết chung mọi giống, mọi bộ tộc, và mọi dân tộc có cơ may đôi khi xảy ra những ngẫu nhiên may mắn như thế.



5.
Chúng ta không nên chưng diện và chắp thêm giả hình vào đạo Kitô: nó đã tiến hành một cuộc chiến quyết tử, chống lại cái giống người-trên-người này, nó đã đè xuống dưới cấm cản của nó, tất cả bản năng sâu xa nó linh cảm được về giống loại này, nó đã phát triến cái khái niệm của nó về tà ác, về chính cái Tà Ác thứ Nhất, từ những bản năng này – cường nhân, con người mạnh như cái mẫu gian tà, cái “kẻ bị ruồng rẫy giữa đám người”. Đạo Kitô đã lấy phần của tất cả sự yếu, sự thấp, sự vụng; nó đã tạo ra một lý tưởng thoát từ đối kháng với hết thảy tự bảo toàn bẩm sinh của đời sống tráng kiện; nó đã làm ung thối ngay cả những khả năng của những gì vốn sẵn tự nhiên có trí thức cường tráng nhất, bằng cách trình bày các giá trị trí thức cao nhất như tội lỗi, như lầm lạc, như đầy cám dỗ. Một thí dụ thảm thương nhất: sự hư hỏng của Pascal [13] , ông đã tin rằng trí thức của ông đã bị tội tổ tông phá huỷ, trong khi thực ra, nó bị đạo Kitô phá huỷ!



6.
Một cảnh tượng đau lòng và bi thảm dựng lên trước mặt tôi: Tôi đã kéo ngược cái màn ra khỏi sự mục rữa của con người [14]. Từ này, trong miệng tôi, ít nhất nó thoát khỏi một ngờ vực: rằng nó liên hệ với một sự lên án đạo đức chống lại nhân loại. Nó đã được dùng – và tôi muốn nhấn mạnh sự kiện lần nữa –không đính kèm bất kỳ ý nghĩa đạo đức nào: và điều này đến nay đúng, rằng sự mục rữa tôi nói về, thì hiển hiện nhất với tôi chính ngay trong những phương vị, nơi ấy đã vẫn có khát vọng nhiều nhất, từ trước đến nay, hướng về “phẩm hạnh” và “thiện hảo”. Như bạn đã ngầm đoán, tôi hiểu mục rữa theo cái nghĩa của băng hoại suy đồi: luận chứng của tôi là tất cả những giá trị trên đó loài người giờ đây dán chặt những khát vọng cao nhất là giá trị-suy đồi [15].

Tôi gọi một con vật, một giống thú, một cá nhân hư hỏng, khi nó đánh mất các năng khiếu cuả nó, khi nó chọn, khi nó ưa thích hơn, cái gây thương tổn cho nó. Một lịch sử của “những cảm xúc cao thượng”, “những lý tưởng của nhân loại” và có thể đến rồi tôi sẽ phải viết nó sẽ hầu như giải thích tại sao con người lại suy đốn đến như thế. Sự sống tự nó hiện ra với tôi như một bản năng để lớn dậy, để tồn sinh, để thu tập những sức mạnh, để có quyền lực: hễ chỗ nào ý muốn có quyền lực thất bại, chỗ ấy có thảm hoạ. Luận điểm của tôi là tất cả những giá trị cao nhất của nhân loại đã trống vắng không có cái ý chí này – rằng các giá trị của suy đồi, của chủ nghĩa hư vô  [16], giờ đây thắng thế dưới những danh xưng linh thiêng nhất.



7.
Đạo Kitô đã được gọi là tôn giáo của lòng thương xót. [17] thương xót đứng chắn nghịch tất cả mê đắm say sưa vốn tăng thêm sinh lực của cảm xúc về thực sống: nó có tác dụng của một thuốc an thần. Chúng ta bị tước mất sức mạnh khi chúng ta cảm thấy thương xót. Sức mạnh mất đi đó vốn do khổ đau tác hành như thế vào đời người, thì vẫn lại còn tăng lên và nhân lên gấp nhiều lần hơn. Thương xót làm khổ đau tự nó thành truyền nhiễm; trong những hoàn cảnh nào đó, nó có thể đem đến một toàn bộ hy sinh cả sự sống và sinh lực sự sống – một mất mát hoàn toàn ngoài tất cả tỷ lệ cân xứng so với mức độ của nguyên nhân (như trường hợp cái chết của Nazarene  [18]). Đó là cái nhìn đầu tiên về nó; tuy nhiên còn có, một cái khác quan trọng hơn.

Giả thử chúng ta đo lường thương xót bằng giá trị của phản ứng nó thường tạo nên, lúc ấy bản chất đe doạ sự sống của nó hiện ra dưới ánh sáng còn rõ ràng hơn nhiều. Khá tổng quát, thương xót nằm chắn ngang luật của phát triển, là luật của thuyết tự nhiên đào thải tiến hoá. Nó duy trì những gì đã chín mùi chờ tiêu huỷ; nó bảo vệ cho những ai đã là bất xứng di truyền và đã bị sự sống lên án; và qua không biết bao nhiêu những thất bại vụng hỏng đủ mọi loại, nó đã cưu mang, nó đã giữ cho sống xót, nó đem cho chính đời sống một cảnh tượng thảm đạm và nghi ngờ, bất trắc.

Vài người đã dám gọi thương xót là một đức hạnh (trong tất cả mọi hệ thống đạo đức cao thượng nó được xem là một sự yếu đuối); và nếu như điều này đã không là đủ đi, nó đã được gọi là sự đức hạnh, nền tảng và nguồn gốc của tất cả mọi đức hạnh khác. Cho chắc chắn, và một người nên luôn luôn nhớ điều này – điều này đã do một triết gia vốn đã theo chủ nghĩa hư vô, và đã khắc sự phủ nhận sự sống trên khiên chắn của nó. Schopenhauer đã kiên định đến đủ: thương xót phủ định đời sống và thương xót làm đời sống lại càng xứng thêm với sự phủ nhận.

Thương xót là thực hành của chủ nghĩa hư vô. Hãy để tôi lập lại: cái bản năng suy nhược và truyền nhiễm này đứng chắn ngang đường tất cả những bản năng nhắm đến sự bảo toàn sự sống và đến sự nâng cao những giá trị của sự sống. Nó nhân các bất hạnh lên và bảo hộ cho những tất cả những gì là bất hạnh, và như thế nó là tác nhân đứng đầu trong sự thúc đẩy sự suy đồi: thương xót thuyết phục con người đến hư vô[19]. ...Dĩ nhiên, người ta không nói “hư vô”; người ta nói “thế giới bên kia”, hay “Gót” hay “sự sống thực” hay Nirvana [20] , cứu rỗi, ân sủng.

Thứ tu từ vô hại này, từ lĩnh vực của phương cách riêng trong đạo đức-tôn giáo, xem ra rất đỗi không vô hại đi nhiều ngay khi chúng ta nhận ra đâu là khuynh hướng của nó khi tự che dấu dưới cái màng vải liệm những từ cao siêu: sự thù nghịch với đời sống. Schopenhauer đã thù nghịch đời sống: thế nên thương xót với ông là một đức hạnh.

Aristotle, như tất cả mọi người đã biết, xem thương xót là một điều kiện bệnh lý và tình trạng nguy hiểm, mà một người được khuyên rất rõ là thỉnh thoảng nên chống cự lại nó với sự thanh lọc: ông đã hiểu thảm kịch như một sự gột rửa. Đứng trên vị trí của bản năng sự sống, một phương thuốc xem ra cần thiết cho một bệnh lý như thế và cho sự tích luỹ nguy hiểm những thương xót như đã được đại diện trong trường hợp Schopenhauer (và cũng, bất hạnh thay, trong toàn thể thế giới văn chương và nghệ thuật suy đồi của chúng ta, từ St. Petersburg đến Paris, từ Tolstoi đến Wagner), để đâm thủng nó và làm nó vỡ tung.
Giữa toàn bộ hiện đại ốm đau của chúng ta, không có gì bệnh hoạn hơn là lòng thương xót trong đạo Kitô. Để là những y sĩ ở đây, đóng vai không xiêu lòng ở đây, sử dụng con dao mổ ở đây đó là phần việc của chúng ta, đó là lòng thương nhân loại của chúng ta, đó là cách chúng ta là những triết gia, chúng ta những Hyperboreans!



8.
Cần thiết để nói người nào chúng ta xem đúng là những phản đề của chúng ta: những nhà thần học và tất cả những ai có bất kỳ chút máu thần học nào trong huyết quản – đây là toàn bộ triết lý của chúng ta.

Một ai phải đã kề cận đối mặt với hiểm nguy đó, hay hơn nữa, một người đã phải có kinh nghiệm trực tiếp về nó và gần như ngã gục trước nó, để nhận ra rằng đó không phải là chuyện đùa (--cái gọi là suy nghĩ tự do của những nhà khoa học tự nhiên và các nhà sinh lý học đáng kính của chúng ta, xem ra với tôi là một trò diễu cợt – họ không có nhiệt tâm về những chuyện như thế; họ đã chưa phải chịu cay đắng--). Sự đầu độc này xảy ra xa rộng nhiều hơn phần đông người ta thường nghĩ: tôi tìm thấy bản năng ngạo mạn của những nhà thần học mỗi khi bất cứ ai ngày nay tự xem họ là một nhà “duy ý” – chỗ nào nhận lấy một quyền như thế, trên cơ bản của một vài gốc gác cao, nhìn thực tại hợm hĩnh và xa lạ từ một điểm ưu thế.

Nhà duy ý, y hệt như nhà chăn chiên [21], giữ trong tay tất cả những ý niệm cao cả (và không chỉ trong tay ông ta thôi đâu nhé!); ông ta đem chúng chơi đùa bằng một khinh thường nhân từ với “hiểu biết,” “giác quan,” “danh dự,” “sống sung túc,” “khoa học”; ông ta xem những thứ như thế ở dưới ông, cũng như bao nhiêu những sức mạnh nguy hiểm và cám dỗ, trên ấy “tinh thần” xoã cánh trong một trạng thái thuần khiết tự thân, làm như nếu sự khiêm tốn, sự trinh bạch , sự nghèo khó, tắt trong một chữ, sự thiêng liêng,đã không từng đem tai hại vô lượng đến cho sự sống hơn tất cả những khinh hoàng và các thói xấu. Tinh thần thuần khiết là một nói láo thuần khiết.

Chừng nào mà thày chăn chiên , cái kẻ từ chối, chuyên phủ nhận nhà nghề đó, kẻ vu khống và đầu độc sự sống đó, được nhận xem như là một loại cao hơn của con người, không thể có câu trả lời cho câu hỏi này: sự thật là gì? Vì sự thật đã đứng chổng ngược dựng trên chính đầu nó, khi kẻ tỉnh táo biện hộ cho hư không và cho phủ nhận được chấp nhận là đại diện của “sự thật”.



9.
Chống lại cái thứ bản năng có nơi những nhà thần học này, tôi phát khởi chiến tranh: Tôi đã tìm thấy dấu của nó ở khắp nơi. Ai mang máu của những nhà thần học trong huyết quản, xem tất cả mọi sư vật, khởi trước hết là trong một viễn cảnh bị bóp méo và lừa dối [22]. Sự cảm thương [23] phát triển khỏi từ điều kiện này gọi nó là đức tin [24]: Người ta nhắm mắt mình lại một lần và mãi mãi, vì sợ người ta phải chịu đau đớn với cảnh tượng của sai lầm không chữa chạy được. Viễn cảnh sai lạc về mọi sự vật này được nâng lên cao, đưa vào thành một đạo lư, một phẩm hạnh, một sự linh thiêng; cái lương tâm tốt lành bị buộc chặt với viễn kiến sai lầm; và không viễn cảnh nào khác rồi còn được nhường nhận với bất cứ giá trị nào xa hơn nữa, một khi chính bản thân người ta đã làm vật hy sinh với những cái tên của “Gót”, “cứu chuộc” và “vĩnh cửu”. Tôi đã đào được cái thứ bản năng của các nhà thần học ở khắp mọi nơi: nó là dạng phổ biến nhất, đích thực ẩn dấu ngầm sâu nhất của hoang ngôn lừa dối đã từng thấy trên địa cầu.

Mỗi mỗi điều gì mà một nhà thần học cảm thấy là đúng, nó phải là sai: điều này hầu như là một tiêu chuẩn của lẽ phải.  Bản năng cơ bản nhất của ông ta về tự bảo toàn cấm cản ông tôn trọng thực tại trong bất cứ vị thế nào, hay ngay dẫu nếu có cho vào đó được một lời. Chốn nào bản năng của nhà thần học vươn tới, những phán đoán giá trị đã đứng chổng ngược trên đầu chúng và các khái niệm “đúng” và “sai” đã nhất định phải đảo lộn ngược: bất kỳ điều gì là tai hại nhất cho sự sống thì gọi là “đúng”; bất kỳ điều gì nâng cao sự sống lên, làm nó giàu thêm, xác quyết nó, minh chứng nó, và làm nó khải hoàn, thì đã gọi là “sai”.  Khi những nhà thần học vươn ra nhắm  lấy quyền lực qua “lương tâm” của các bậc vương hầu (hay của quần chúng), chúng ta không cần phải ngờ vực điều gì thực sự xảy ra ở dưới đáy: ý chí muốn đi đến tận cùng, cái ý chí hư vô , nó muốn quyền lực.



10.
Giữa những người Đức, người ta hiểu ngay khi tôi nói triết học đã bị máu những nhà thần học làm thối nát, thày chăn chiên [25] Tin lành là ông nội của triết học nước Đức; còn chính đạo Tin lành là tội tổ tông của nó [26]. Định nghĩa đạo Tin lành: đạo Kitô tê liệt bán thân bất toại – của lý trí. Người ta chỉ cần nói “trường dòng Tübingen[27]  để hiểu triết lý nước Đức ở dưới đáy cái gì: một nền thần học nham hiểm. Những người Swabians [28] là những người nói dối giỏi nhất nước Đức: họ nói dối hồn nhiên vô tội.

Tại sao sự xuất hiện của Kant được các nhà học giả nước Đức chào đón tưng bừng – vốn ba phần tư bọn họ là con cái những thày chăn chiên và thày giáo – và do đâu đã đi đến sự xác quyết ở nước Đức, đã còn vang đến ngày nay, rằng một đổi thay cho tốt đẹp hơn thì khởi đầu từ Kant? Cái bản năng của những nhà thần học đã thánh đoán cái gì lại một lần nữa có thể làm được thành khả hữu.  Một lối đã tìm thấy qua đó người ta có thể lén lút vòng về lại những lý tưởng cũ. Khái niệm về một “thế giới thực[29], khái niệm về đạo đức như là một yếu tính của thế giới (đây là hai sai lầm độc hại nhất của mọi thời!), đã lại một lần nữa, nhờ một chủ nghĩa hoài nghi quỉ quyệt và sắc sảo, nếu không chứng minh được, thì ít nhất cũng không còn là có thể phủ bác được nữa. Lý trị, cái lý trí đúng đắn chân chính, không kéo xa đến chừng ấy. Thực tại đã bị thu giảm lại chỉ còn là “biểu hiện” [30] và một thế giới điêu ngoa do bịa đặt mà thành, thế giới của những tồn tại, đã được tôn vinh là thực tại. Thành công của Kant chỉ là thành công của một nhà thần học: giống như Luther, giống như Leibniz, Kant là cái chướng ngại, lại một lần nữa , cho tính trung thực của nước Đức, vốn khởi đầu nó chẳng có gì vững vàng cho lắm.



11.
Một lời nữa với Kant như một nhà đạo đức. Một đức hạnh phải là tự tạo của chúng ta, tự biểu hiện và tự vệ cần thiết nhất của chúng ta; bất cứ một thứ đức hạnh nào khác chỉ là một nguy hiểm, không gì khác hơn. Bất cứ gì không phải là một hoàn cảnh của cuộc sống chúng ta sẽ làm hại sự sống. Một đức hạnh nảy ra đơn thuần chỉ từ cảm giác tôn trọng khái niệm đức hạnh, như Kant rồi sẽ có nó, là có hại. “Đức hạnh”, “bổn phận”, cái “thiện tự thân”, cái thiện khách quan và giá trị phổ quát – những ảo tưởng và những biểu hiện của suy tàn, của sự kiệt sức cuối cùng của đời sống, của cái giai đoạn vô nghĩa[31] của Königsberg[32]. Những luật cơ bản của tự bảo toàn và tăng trưởng đòi hỏi những đối nghịch – đó là tất cả mỗi người tự sáng tạo đức hạnh cho hắn ta, phạm trù sai khiến[33] của tự hắn ta. Một dân tộc bại vong khi nó lẫn lộn trách nhiệm của nó với trách nhiệm nói tổng quát.  Không cái gì phá huỷ chúng ta thâm sâu hơn, mật thiết hơn là tất cả mọi bổn phận “phổ quát”, tất cả mọi hy sinh cho thần Moloch[34] của sự trừu tượng. Làm sao người ta lại thất bại không cảm thấy được phạm trù sai khiến của Kant gây nguy hiểm cho chính đời sống đến ra sao! Chỉ độc mỗi cái bản năng của nhà thần học đã bảo vệ nó mà thôi!

Một hành động do bản năng của sự sống đòi hỏi mà có đã chứng minh là đúng bởi thích thú đi kèm với nó; ấy đã thế mà ruột gan giáo điều Kitô của ông ta đã xem thích thú là một lý do phản đối. Cái gì có thể phá huỷ chúng ta nhanh chóng hơn là làm việc, suy nghĩ, và cảm xúc mà chẳng từ bất kỳ cần thiết nào tự trong chúng ta, không có bất kỳ chọn lựa cá nhân thâm sau nào, không có thích thú – cứ như một cái máy tự động của “bổn phận”? Đây đích thị đúng là công thức cho sự suy đồi, ngay cả cho sự ngu xuẩn cũng vừa.  Kant đã trở thành một tên ngu xuẩn. Và cái con người này đã là một kẻ sống đồng thời với Goethe ! cái con nhện (giăng lưới) thảm khốc này đã được xem là triết gia nước Đức – ông ta vẫn còn là!

Tôi đề phòng mình nói những gì tôi nghĩ về của dân tộc Đức. Có phải là Kant đã không tìm được trong cách mạnh Pháp sự chuyển dịch từ dạng vô cơ của một quốc gia sang dạng hữu cơ? Có phải ông đã không tự hỏi chính mình không biết đã từng có bất kỳ biến cố nào mà có thể giải thích chỉ bằng vào những điều kiện giả định của khuynh hướng đạo đức [35] của loài người, một biến cố qua đó sẽ chứng minh một lần cho mãi mãi mai sau, cái “khuynh hướng của nhân loại về cái Thiện”. Kant đáp: “Đấy là Cách mạng”. Cái bản năng nó sai lầm nhưng không thất bại, phản-tự-nhiên như bản năng.  Nước Đức suy đồi trong triết học – đó chính là Kant!



12.
Tôi chừa ra một ít những người hoài nghi – cái loại đứng đắn trong lịch sử triết học: đám còn lại đơn giản là không ngờ biết đến có những đòi hỏi cơ bản nhất của lương thiện trí thức. Tất cả những vị say mê nhất và những thần đồng này, cư xử giống như những đấng phụ nữ nhỏ bé của chúng ta: họ đánh giá “những tình cảm đẹp” là ngang đủ như những lý luận, xem một bộ vú nặng phồng như là ống bễ của thần thánh, và xác quyết (là) một tiêu chuẩn của chân lý. Cuối cùng, với sự ngây thơ của “nước Đức, Kant đã cố gắng đem đến cho sự thối nát này, sự thiếu vắng bất kỳ một lương tâm trí thức này, một địa vị khoa học với khái niệm của ông là “lý trí thực tiễn”:  Ông đã sáng chế, bịa ra một loại lý trí đặc biệt cho những trường hợp, trong đó người ta chẳng cần phải bận tâm với lý trí nữa – đó là, mỗi khi đạo đức, khi mệnh lệnh siêu phàm “nhà người sẽ”[36], cất cao giọng.

 Khi chúng ta nhớ lại, trong hầu hết tất cả các dân tộc, triết gia chỉ gần như là một bước phát triển kế tiếp của loại thày chăn chiên, vậy nên cái truyền thống này của thày chăn chiên, cái sự giả mạo tự lừa gạt này, thôi không còn là ngạc nhiên nữa. Mang những trọng trách thiêng liêng, loại như cải tiến, giải cứu hay chuộc tội cho nhân loại – mang thánh thần trong ngực và làm người phát ngôn những mệnh lệnh từ cõi bên kia – với sứ mệnh như thế, một người tự nhiên đứng ra ngoài tất cả mọi tơ hào phán đoán tri thức: ông, tự ông là thánh đạo vô tội vì công việc như thế, ông, chính ông là một thứ của đẳng cấp cao hơn! khoa học là gì với thày chăn chiên? Ông ta ở trên cái đó! Và cho đến nay, thày chăn chiên thống trị! Ông ta đã chỉ định những khái niệm về “đúng” và “không đúng”.



13.
Chúng ta hãy đừng lượng giá thấp hơn thực điều này: chính chúng ta, chúng ta là những tinh thần tự do, là không gì khác nếu như thấp hơn một “đánh giá lại tất cả những giá trị”, là hiện thân một tuyên ngôn của chiến tranh và toàn thắng trên tất cả những khái niệm cổ lỗ của “sự thật” và “không đúng sự thật.” Những sự thấu hiểu giá trị nhất được khám phá sau cùng, nhưng những sự thấu hiểu giá trị nhất là những phương pháp. Tất cả những phương pháp, tất cả những tiền giả định của viễn tượng khoa học đương thời của chúng ta, đã bị chống đối hàng nghìn năm với sự khinh miệt sâu xa nhất.  Những người dựa vào chúng đã bị tách khỏi khối những người “đứng đắn”, và bị xem là “kẻ thù của Gót”, những kẻ phỉ nhổ vào chân lý, và những kẻ bị “quỉ ám”. Bất kỳ ai có khuynh hướng khoa học đã là một chandala [37].

Chúng ta đã có cả trọn một buồn thảm nhân loại chống lại chúng ta – mọi ý niệm của họ về sự thật phải nên ra sao, những dịch vụ của sự thật phải nên là gì – tất cả mỗi “nhà ngươi sẽ phải” đã từ xưa đến nay chĩa vào chúng ta. Những mục tiêu của chúng ta, những thực hành của chúng ta, phong thái lặng lẽ, cẩn thận, nghi ngờ của chúng ta – tất cả đã bị xem là hoàn toàn không có chút giá trị gì và đáng khinh bỉ.

Cuối cùng, một người có thể hỏi không biết có phải hay không – một khiếu mỹ thuật thực sự đã giữ nhân loại trong mù loà dài đằng đẵng như thế: một hiệu quả gợi hình đã đòi sự thật trả lời, và đã mong đợi những kẻ yêu sự hiểu biết tạo một ấn tượng mạnh mẽ trên những giác quan. Sự khiêm tốn của chúng ta xúc phạm thị hiếu của con người lâu dài nhất. Họ đoán được điều đó tường tận biết bao – những con gà tây trống [38] của Gót này!



14.
Chúng ta đã học được khác hơn. Chúng ta đã trở nên thêm khiêm tốn trong mọi phương diện. Chúng ta thôi không còn tìm dấu gốc con người từ “tinh thần”: hay “thần linh” nữa, chúng ta đặt nó trở lại giữa những con thú. Chúng ta xem nó là con thú mạnh nhất vì nó là con ranh mãnh nhất; tinh thần của nó là hậu quả của điều này. Mặt khác, chúng ta chống lại sự kiêu căng lại muốn vểnh mặt lên nữa ở đây – rằng cứ như con người đã là mục tiêu ngầm tối hậu của sự tiến hoá các sinh vật. Không thể nào con người là đỉnh cao của sự sáng tạo: tất cả mọi sinh vật đứng cạnh nó trên cùng mức độ toàn hảo. Và nếu như đây là phát ngôn quá nhiều: tương đối mà nói, con người là con vật vụng về nhất trong mọi loài sinh vật, bệnh tật nhất, và con vật hay lệch lạc nguy hiểm nhất xa khỏi bản năng của nó. Nhưng với tất cả những điều đó, dĩ nhiên nó là con vật thú vị đáng chú ý nhất!

Về mặt các sinh vật, Descartes là người đầu tiên đã dám, với táo bạo đáng phục, tìm hiểu sinh vật như một bộ máy: toàn thể khoa sinh lý học của chúng ta là nhằm chứng minh cho điều này. Và chúng ta đủ nhất quán để không chừa con người ra, như Descartes vẫn đã, kiến thức của chúng ta về con người ngày nay, đi xa đến mức nào mà chúng ta có thể hiểu nó theo cái nhìn là một bộ máy. Trước đây, con người được cho một “ý chí tự do” [39] như của hồi môn từ một đấng thượng đẳng; ngày nay chúng ta lấy sạch cái ý chí này bằng hết, theo cái nghĩa chúng ta không còn chấp nhận ý chí lựa chọn như là một khả năng. Cái từ  cổ “ý chí” ngày nay dùng để ghi chú một hậu quả, một thứ phản ứng cá nhân, nó cần thiết tiếp sau một số kích động, những phần thuận có, những phần nghịch có, “ý chí” không còn “tác hành” hay “chuyển động”.

Trước đây, bằng chứng nguồn gốc cao hơn của con người, sự thiêng liêng của nó, đã tìm trong ý thức của nó, trong “tinh thần” của nó. Để trở nên “toàn hảo”, nó được khuyên nên dùng giác quan mà vẽ, cái lối rùa bò, ngừng mọi giao hoan với những gì trần gian, xé bỏ đi cái khung người có màng hữu sinh hữu tử, đến độ đấy, còn lại thực tính của nó, là cái “tinh thần thuần khiết”. Ở đây một lần nữa, chúng ta đã xem xét lại, sự phát triển của ý thức, của “tinh thần”, đối với chúng ta thì không gì ngoài khác hơn là những triệu chứng của một cơ cấu sinh vật, tương đối còn chưa toàn hảo, có nghĩa là đang thử nghiệm, đang dò dẫm, đang lầm lẫn, – một nỗ lực tiêu sạch một khối lượng thặng dư những năng lực thần kinh. Chúng ta phủ nhận bất cứ cái gì có thể làm được cho đến hoàn toàn, chừng nào nó vẫn còn làm bằng ý thức.  Cái “tinh thần thuần khiết” là cái ngu xuẩn thuần khiết; nếu chúng ta trừ bỏ hệ thần kinh và những giác quan, cái màng hữu sinh hữu tử – thế là chúng ta tính sai bét [40]– có thế thôi!



15.
Trong đạo Kitô, cả đạo đức lẫn tín ngưỡng không cái nào có bất kỳ lấy một điểm tiếp xúc với thực tại. Không có gì khác ngoài những nguyên nhân thuần tưởng tượng (“Gót”, “linh hồn”, “bản ngã”, “tinh thần”, “ý chí tự do”— về vấn đề đó, cả “phi-ý chí tự do”), Không có gì khác ngoài những hiệu quả thuần tưởng tượng (“tội lỗi”, “cứu chuộc”, “ân sủng”, “trừng phạt”, “tha thứ cho những tội lỗi”). Giao cấu giữa những nhân vật thuần tưởng tượng (“Gót”, “tinh thần”, “linh hồn”); một lịch sử về tự nhiên tưởng tượng (lấy con người làm trung tâm[41] – không một dấu vết của bất kỳ khái niệm nào về nguyên nhân tự nhiên), một khoa tâm lý tưởng tượng (không gì ngoài tự-ngộ nhận về bản ngã, giải thích sai lạc về những cảm giác thông thường dễ chịu hay không dễ chịu – thí dụ những trạng thái của thần kinh nervus sympathicus – với trợ giúp của ngôn ngữ ra dấu của phong cách riêng trong tôn giáo-đạo đức: “ăn năn”, “dằn vặt lương tâm”, “cám dỗ của quỉ dữ”, “sự hiện diện của Gót”) một cứu cánh luận [42] tưởng tượng (“vương quốc của Gót”, “Phán xét cuối cùng”, “sự sống đời đời”).

Thế giới hoàn toàn hư cấu này, đem so với thế giới của những giấc mộng cũng còn quá thấp kém, ít nhất thế giới sau còn phản ánh thực tại. Trong khi thế giới trước dối gạt, phá giá, và phủ nhận thực tại. Một khi ý niệm về “tự nhiên” đã được sáng chế như đối nghịch của “Gót”, “thiên nhiên” đã trở nên đồng nghĩa với “đáng trách”. Toàn bộ cái thế giới của hư cấu này bắt gốc trong thù ghét những gì là tự nhiên (của thực tại!) Nó là sự diễn tả mối bực mình sâu thẳm trước bóng hình thực tại.

Nhưng điều này giải thích tất cả mọi thứ. Ai là kẻ một mình có lý do được đây, để gian dối lối hắn trốn ra khỏi thực tại? Ai là kẻ phải chịu thiệt hại vì nó? Nhưng chịu đau khổ từ thực tại là một mảnh của thực tại mà thành ra tai hoạ.  Ưu thế của những xúc cảm của bất hạnh đè trên những xúc cảm của hạnh phúc là nguyên nhân của cái đạo đức giả tưởng này và của tôn giáo; nhưng một ưu thế như thế cung cấp một công thức đích xác cho suy đồi.



16.
Một phê bình khái niệm về Gót của đạo Kitô bắt buộc chúng ta đến cùng một kết luận. Một dân tộc vẫn tin tưởng vào chính mình, giữ lại không bỏ vị gót của riêng nó. Trong vị ấy, dân tộc đó tôn thờ những điều kiện làm nó thắng thế, những phẩm giá của nó:  nó phóng chiếu những lạc thú của nó trong chính nó, xúc cảm về quyền lực của nó, vào thành một hữu thể, với vị này người ta có thể dâng những cảm tạ. Những ai giàu có muốn đem của cải của mình ra cho; một dân tộc kiêu hãnh cần một vị gót: nó muốn giết người cúng thần. Dưới những điều kiện như thế, tôn giáo là một hình thức của lòng biết ơn. Để được tự cảm tạ cho chính mình, con người cần một vị gót. Một vị gót như thế phải có khả năng giúp và có khả năng hại, có thể là bạn hay là thù – bất kể hiền lành hay tàn hoại, vị ấy được ngưỡng phục. Sự thiến hoạn[43] phản tự nhiên một vị gót, để làm vị ấy trở thành gót chỉ biết hiền lành thôi, ở đây sẽ đi ngược lại tất cả những gì mong ước. Gót tàn độc huỷ hoại cũng cần không kém gì gót hiền lành phúc hậu: sau nữa, chúng ta có mang nợ hiện hữu của chúng ta với lòng khoan dung và chủ nghĩa nhân đạo[44] đâu.

Đâu còn là mục đích gì nữa của một gót không biết chút gì thế nào là tức giận, trả thù, ghen tị, khinh miệt, xảo quyệt, và bạo lực? Một vị đã có lẽ không bao giờ có kinh nghiệm ngây ngất của lửa nóng bừng bừng trong chiến thắng và hủy diệt? Không ai sẽ hiểu một vị gót như thế: sao có vị ấy vậy nhỉ?

Chắc chắn, khi một dân tộc đang diệt vong, khi nó cảm thấy tin tưởng của nó về tương lai và hy vọng của nó về tự do đang tàn đi không cưỡng lại được, khi phục tùng bắt đầu hiện ra với nó như sự cần thiết chính yếu, và nó bắt đầu nhận biết về các phẩm hạnh của kẻ bị thống trị như những điều kiện để tự gìn giữ sống còn, lúc ấy, gót của dân tộc đó cũng phải biến đổi nữa. Bây giờ vị ấy trở thành lén lút,  nhút nhát và khiêm tốn; vị ấy khuyên “bình an của linh hồn”, thôi đừng oán ghét nữa, khoan dung, ngay cả “yêu” bạn lẫn thù. Ông lên giọng đạo đức không ngưng nghỉ, ông bò vào trong hang của tất cả mọi trinh tiết riêng tư, ông ta thành gót cho mọi người, ông ta thành một con người tầm thường ngu xuẩn[45], một công dân của thế giới.
Trước đây, ông đã đại diện cho một dân tộc, sức mạnh của một dân tộc, tất cả mọi thứ mạnh mẽ và khát khao quyền lực trong linh hồn của một dân tộc; giờ đây, ông chỉ đơn giản là gót tốt lành.

Thật vậy, không có lựa chọn nào khác cho những vị gót: hoặc họ là ý chí cho quyền lực, và họ vẫn còn là những gót của một dân tộc, hoặc bất lực vô quyền lực – lúc ấy, họ nhất thiết phải trở nên tốt lành.



17.
Chỗ nào ý dục quyền lực suy giảm dưới bất kỳ dạng nào, chỗ ấy không tránh khỏi cũng có một sự thoái lùi sinh lý, một suy đồi. Các thần linh của sự suy đồi, đã bị thiến mất những đức hạnh và những bản năng cương cường nhất, nhất thiết trở thành gót của sự thoái lùi sinh lý, của cái yếu. Dĩ nhiên, họ không tự gọi họ là cái yếu; họ tự gọi họ là “cái tốt”.

Không phải cần gợi ý thêm nữa để chỉ ra những thời điểm trong lịch sử lúc ấy sự giả tưởng sóng đôi của một gót tốt lành và một gót ác độc lần đầu tiên trở nên khả hữu. Cũng là cùng một bản năng đã thúc đẩy những kẻ bị nô dịch giảm thiểu gót của họ thành “cái tốt tự thân”, cũng thúc đẩy những người này loại bớt tất cả những phẩm chất tốt ra khỏi vị gót của những anh hùng chiến thắng của họ; họ báo thù những chủ thày của họ bằng cách xoay gót của họ thành ra quỉ. Gót thiện lành và quỉ dữ ác độc, đều là những phá thai sự của suy đồi.

Làm sao bất kỳ một ai ngày nay vẫn còn có thể chịu phục tùng sự ngốc nghếch của những nhà thần học Kitô cho tới cái điểm nhấn mạnh với họ rằng sự phát triển của ý niệm về Gót, từ “Gót của Israel”, gót của một dân tộc, thành nên Gót của Kitô, tinh hoa của tất cả những gì là tốt đẹp, tiêu biểu tiến bộ? Đã thế, đến ngay Renan [46] làm điều này. Như Renan đã có quyền được ngốc ngếch! Sau cùng, sự ngược lại nhìn bạn chăm chăm vào mặt. Khi giả định về đời sống thăng tiến, khi tất cả mọi thứ  mạnh, can đảm, oai phong, và kiêu hãnh đã bị loại ra khỏi khái niệm về Gót; khi vị này bị kéo thấp xuống từng bước, lần lần chỉ còn là biểu tượng, một nhân viên cho sự âu lo, cái neo lớn cho sự chìm đắm; khi vị này thành gót thượng hạng của những kẻ nghèo khổ, của những kẻ tội lỗi, và của những kẻ bệnh tật, và phẩm chất “ kẻ Cứu rỗi” hay “vị Chuộc tội” giữ lại ở lúc cuối như một yếu tính phẩm chất của thần linh – một sự chuyển hoá như thế có ý nghĩa đúng là cái gì? cái gì là, một sự giảm thiểu của thần linh như thế?

Cho chắc chắn, “vương quốc của Gót” như thế đã trải lớn rộng. Trước kia, ông chỉ có mỗi dân tộc của ông thôi, cái dân tộc “được chọn”. Rồi ông, như dân tộc ông, đã thành một kẻ lang thang và đã đi vào các xứ xa lạ, và kể từ đấy, ông đã không định cư ở bất cứ đâu – đến cuối cùng, ông đã đi đến cảm thấy ở nhà trong bất kỳ đâu, vị công dân toàn cầu vĩ đại này – đến khi “một số đông đảo” và một nửa trái đất đã về phía ông ta. Dẫu gì đi nữa, vị gót của “một số đông đảo”, nhà dân chủ giữa các vị gót, đã không trở thành một gót ngoại giáo kiêu hãnh: Ông vẫn là một người Do thái, ông vẫn là gót của những xó xỉnh, gót của tất cả những góc và chốn mờ tối, của tất cả những khu phố bệnh hoạn trên toàn thế giới. 

Vương quốc toàn cầu của ông ta, trước sau, là một một vương quốc chìm của những kẻ ngoài lề xã hội, một bênh viện, một vương quốc sousterrain [47] , một vương quốc ghét tô. Và ông, chính ông ta: nhợt nhạt quá, yếu đuối quá, sa sút quá. Ngay cả những kẻ nhợt nhạt nhất trong đám nhợt nhạt cũng đã có thể làm chủ nhân của ông: những nhà siêu hình danh dự của chúng ta, những kẻ bị bệnh bạch tạng nhận thức. Họ quấn ổ lưới của họ quanh ông cho đến khi, chóng mặt vì bọn họ quay quanh, chính ông trở thành một con nhện, một nhà siêu hình học khác. Giờ đến phiên ông, quấn thế giới bao quanh ngoài chính ông – sub specie Spinozae [48]. Bây giờ ông biến dạng chính ông thành một thứ còn mỏng hơn và nhợt nhạt hơn; ông thành “lý tưởng”, ông trở thành “tinh thần thần tuý”, thành “Tuyệt Đối”, “sự vật tự thân”. Sự suy đồi của một gót: Gót trở thành “sự vật tự thân”.



18.
Khái niệm Gót của đạo Kitô – Gót như là thần linh của kẻ bệnh tật, Gót như là một con nhện, Gót như là tinh thần – là một trong những khái niệm đốn mạt nhất về thần linh đã từng chạm đất này. Nó có thể còn tiêu biểu cho vệt báo mức nước thấp nhất trong sự phát triển chiều đi xuống của giống thần linh. Gót đã thoái hoá thành ra sự đối nghịch với sự sống, thay vì là thăng hoa và vĩnh cửu sự sống! Đúng thế! Gót như là lời tuyên chiến chống lại sự sống, chống lại tự nhiên, chống lại ý chí muốn sống! Gót – cái công thức cho tất cả mọi phỉ báng chống lại “thế giới này”, cho tất cả mọi nói dối về cái “thế giới bên kía”! Gót – sự thần hoá hư vô, ý chí đến hư vô đã tuyên xưng linh thiêng!



19.
Những giống dân cương cường ở bắc châu Âu đã không gạt bỏ đạo Kitô, điều đó chắc chắn không làm vẻ vang cho thiên tài tôn giáo của họ – chưa nói đến thị hiếu của họ. Không thể nào tha thứ dẫu cách gì, trước sự thất bại của họ, đã không ném bỏ một sản phẩm bệnh tật và dãy chết như thế từ sự suy đồi. Nhưng do sự thất bại này, một lời nguyền giăng lên họ: họ đã hấp thụ bệnh tật, già lão, và mâu thuẫn vào trong tất cả bản năng của họ.  Và kể từ đó, họ đã không sáng tạo ra được một gót nào khác. Gần hai nghìn năm – và không có lấy dẫu chỉ một gót mới! Thế nhưng vẫn chưa hết, cứ như hiện hữu của Ông ta là chính đáng, cứ như Ông ta đại diện cho tối thượng và tối đa của quyền lực gót-tạo, của tinh thần sáng tạo[49] trong con người, cái gót đáng thương hại này của đạo Kitô lại là gót đơn độc, gót của tín ngưỡng độc thần! cái sản phẩm lai căng này của sự thối rữa, cái pha trộn của zero, ý niệm, và mâu thuẫn, trong đó tất cả các bản năng của suy đồi, tất cả hèn nhát và ưu sầu của linh hồn, tìm thấy sự chấp thuận [50] của nó!



20.
Tôi hy vọng kết án của tôi về đạo Kitô đã không kéo tôi vào bất kỳ bất công nào với một tôn giáo liên hệ có tín đồ còn đông đảo hơn: đạo Phật [51]. Cả hai cùng đứng chung như những tôn giáo của hư vô – chúng là những tôn giáo của sự suy đồi – nhưng chúng khác nhau rất đặc biệt đáng kể. Bây giờ ở trong một vị thế đem cả hai ra so sánh, người chỉ trích đạo Kitô biết ơn sâu xa những môn đồ xứ Ấn.

Đạo Phật một trăm lần thực tại hơn đạo Kitô: đặt những vấn đề một cách khách quan và lạnh lùng là phần trong gia tài của nó, vì đạo Phật đã đến sau một vận động triết học trải dài hàng thế kỷ. Khái niệm “Gót” đã bị vứt bỏ từ lâu khi đạo Phật ra đời [52]. Đạo Phật là tôn giáo thực nghiệm đích thực độc nhất có trong lịch sử [53].Điều này áp dụng cả vào ngay trong nhận thức luận của nó (một hiện tượng luận chặt chẽ): nó không nói “tranh đấu chống lại tỗi lỗi” nữa, nhưng chính đáng tôn trọng thực tại, “tranh đấu chống lại khổ đau”. Đạo Phật khác biệt sâu xa với đạo Kitô trong sự kiện là sự tự dối mình trong các khái niệm đạo đức (bị vượt qua bỏ) nằm xa đằng sau nó. Trong những thuật ngữ của tôi, nó đứng vượt trên cả thiện lẫn ác.

Hai sự kiện tâm sinh lý  [54] đạo Phật lấy làm nền và giữ trong trí là: thứ nhất, một độ nhạy cảm thái quá, tự nó biểu hiện trong một cảm thức tế nhị với đau đớn, và thứ hai, một sự tinh thần hóa quá độ, một bận tâm quá dài lâu với những khái niệm và những phương cách lôgích, đã làm hại bản năng của cá nhân qua cách phục tùng nó với cái “vô ngã” [55] (cả hai phát biểu mà ít nhất một vài trong những độc giả của tôi, những ai “khách quan” như tôi, sẽ hiểu từ kinh nghiệm). Những điều kiện tâm sinh lý này đã dắt đến một chán nản tinh thần, và đức Phật đối phó với nó bằng những biện pháp tẩy uế. Chống lại nó, ngài đề nghị một đời sống ngoài trời, một đời sống không định cư [56]; tiết giảm về ẩm thực và chọn lựa thức ăn cẩn thận; cảnh giác về tất cả các thức có chất kích thích, cũng cảnh giác về tất cả những xúc cảm làm động mật và nóng máu;  không lo lắng cả cho bản thân mình lẫn người khác. Ngài liệt kê những tư tưởng hoặc an ủy hoặc cổ vũ, và ngài phát kiến những phương cách để một người cắt đứt, không nuôi [57] mình, không nương tựa mình vào tất cả những người khác. Ngài thấu hiểu sự tốt lành và lòng từ ái như cách thúc đẩy lành mạnh tinh thần. 

Cầu nguyện là sai nguyên tắc, và hành xác khổ hạnh [58] cũng thế. Không có phạm trù sai khiến [59] không bất kỳ cưỡng bách nào [60] ngay cả trong tăng đoàn (ai muốn trở lại đời cũng được). Tất cả những điều này sẽ chỉ làm tăng thêm sự nhạy cảm thái quá chúng ta đã ghi nhận. Cũng cùng lý do đó, ngài không đòi các tín đồ tranh đấu với những ai không nghĩ giống họ: tuyệt không có điều gì đã bị chống đối nhất trong học thuyết của ngài  hơn là tình cảm hận thù, ác cảm, sự căm phẫn (“lấy oán báo oán, oán không tiêu tan” – đó là điệp khúc xúc động trong toàn bộ đạo Phật). Và tất cả những điều này thực rất phải:  những cảm xúc (oán giận) này, cuối cùng sẽ thực sự không lành mạnh, nhìn trong quan điểm có mục đích làm trong sạch lành mạnh tâm trí.

Chống lại với sự kiệt quệ tinh thần ngài gặp phải, vốn tự nó biểu hiện trong một “sự khách quan” quá đáng, (nghĩa là, trong sự mất đi nơi cá nhân sự quan tâm về chính nó, trong sự mất đi một tâm điểm trọng lực, một “chủ nghĩa duy cá nhân” [61]), ngài chống trả với một nỗ lực nghiêm khắc để dẫn trở lại ngay cả những điều quan tâm tinh thần nhất về với cá nhân. Trong học thuyết của Phật, quan tâm về chính mình –  chủ nghĩa duy cá nhân  là một trách nhiệm: cái “một cần thiết duy nhất”, câu hỏi “Làm sao bạn có thể thoát khỏi khổ đau?” điều hành và giới hạn toàn bộ chế độ dinh dưỡng tinh thần (Có lẽ, một người ở chỗ này có thể nhớ lại những người Athens, họ đã khởi chiến chống lại “bất kỳ chủ nghĩa khoa học” thuần túy nào – Socrates, người nâng vị kỷ cá nhân [62] lên thành một luân lý, còn ngay ở giữa lĩnh vực này của những vấn đề)



21.
Đạo Phật bao hàm một khí hậu (tinh thần) rất khoan hòa, những tập quán hết sức thuần nhã và rất tự do. Và hoàn toàn vắng mặt một chủ nghĩa quân phiệt. Vận động tôn giáo đó hẳn đã phải bắt nguồn từ giữa những giai cấp xã hội cao hơn, và ngay cả từ giai cấp học giả.  Sự an nhiên, tĩnh lặng và giải phóng khỏi các dục vọng là những mục đích cao nhất, và mục đích thì đạt tới được. Đạo Phật không phải là một tôn giáo trong đó một người chỉ đơn giản khao khát sự toàn hảo mỹ mãn: toàn hảo mỹ mãn là trường hợp bình thường [63]

Trong đạo Kitô, đưa ra tiền diện là những bản năng của bị-đè-nén và chịu-áp-bức: nơi đây những giai tầng xã hội thấp kém tìm sự cứu rỗi của họ. Các lý luận lừa dối, ngụy biện [64] về tội lỗi, xưng tội, giảo hình tra tấn  lương tâm, được theo đuổi như trò tiêu khiển, như một liều thuốc chữa sự tẻ nhạt; phản ứng xúc cảm về một vị, vị có quyền năng, đã mệnh danh “Gót” đã liên tục đươc chống giữ (bằng cách cầu nguyện); và điều cao nhất được xem là không thể đạt đến (tự mình, nhưng là) một món quà, một “ân sủng”. Những hành động công nhiên giữa trời thì bị ngăn ngừa, loại trừ, chốn ẩn nấp, cái phòng đen tối [65], đó là đạo Kitô. Thân xác con người bị khinh rẻ, sự sạch sẽ bị khiển trách là gợi thú nhục dục; Hội Nhà Thờ đến còn chống lại sự sạch sẽ (hạn chế đầu tiên của đạo Kitô sau khi trục xuất những người Moors [66] đã là đóng của các phòng tắm công cộng, trong đó chỉ riêng tại Cordova, có hai trăm bảy mươi phòng). Đạo Kitô cũng là một khả năng ý thức nào đó, tàn bạo ác nghiệt chống lại mình và chống lại những người khác; ghét tất cả những ai suy nghĩ khác biệt: cái ý chí muốn hành hạ, khủng bố. Những khái niệm đen tối và kích động đóng vai ưu thế, chủ chốt. Những trạng thái cao nhất được ao ước có, được gán cho những tên gọi cao nhất, là động kinh [67] Khẩu dưỡng chọn lựa sao cho hạp vị với những hiện tượng bệnh tật và kích thích quá độ thần kinh. Đạo Kitô cũng là kẻ thù sống chết với những vị chúa tể của trần gian, chống lại  sự “cao thượng” – song song với  một kình địch mánh lới quỷ quyệt; giả nhân nghĩa; ngấm ngầm  (kẻ để “thân xác” lại cho họ, kẻ chỉ muốn cái “linh hồn”). Cuối cùng, đạo Kitô, là sự căm ghét với tinh thần, với sự tự hào, với sự can đảm, với sự tự do, với sự giải phóng tinh thần. Đạo Kitô là sự căm ghét những giác quan, niềm vui trong những giác quan, ghét chính sự hân hoan vui sướng.



22.
Khi đạo Kitô rời mảnh đất bản quán của nó, những giai cấp xã hội thấp nhất, cái tầng cặn bã, trộm cắp ngoài vòng pháp luật [68] của thế giới cổ thời, lúc nó bắt đầu tìm kiếm quyền lực giữa đám các dân tộc kém văn minh [69], nó không còn đương đầu với những con người mệt mỏi nhưng với giống dân tàn bạo ác độc trong nội tâm – những người mạnh mẽ nhưng đoảng vụng [70]. Ở đây, bất mãn với bản thân, đau khổ với chính mình, không do một tính nhạy cảm quá độ hay một mẫn cảm với đau đớn, như trong những người đạo Phật, nhưng trái ngược lại, vì một khát vọng quá sức mạnh mẽ muốn giáng đau đớn và tìm một phương tiện thoả mãn những căng thẳng nội tâm qua các hành động và ý tưởng thù địch. Đạo Kitô đã cần những khái niệm và các giá trị dã man để trở thành chủ nhân ông của những người còn man rợ dã man; thí dụ, sự  hy sinh giết đứa trẻ con đầu lòng để cúng, sự uống máu người trong “tiệc Ly Biệt” [71], sự miệt thị dành cho tinh thần và văn hóa, sự khảo hành trong mọi dạng thức của nó, cả vửa khoái lạc dâm dục, lẫn vừa không khoái lạc dâm dục, và sự phô trương tráng lệ những cúng bái rình rang.

Đạo Phật là một tôn giáo của những con người lớp đến sau [72], của những giống người hòa nhã và nhân từ, họ đã trở  nên quá đỗi tinh thần và dư thừa mẫn cảm trước đau đớn. (Châu Âu còn xa mới chín mùi với đạo Phật): nó là một cách hướng dẫn họ trở lại vói an bình và vui vẻ phấn khởi, đến một dinh dưỡng cho tinh thần và một sự tập luyện nào đó cho thân xác. Đạo Kitô đã trở nên chủ nhân ông, trên những con mồi dã thú: phương pháp của nó là làm chúng bệnh tật, làm cho yếu đuối đi là ngón nghề nấu nướng của đạo Kitô, trong sự thuần hoá chế ngự con người, trong sự “văn minh hóa”. Đạo Phật là một tôn giáo cho sự tận cùng và cho sự mệt mỏi của văn minh. Đạo Kitô đã còn chưa thấy cái văn minh như thế ở đâu – dưới một vài hoàn cảnh, nó may ra có thể đặt nền tảng được cho một (văn minh).



23.
Đạo Phật, tôi nhắc lại, thì một trăm lần lạnh lùng hơn, chân thực hơn, khách quan hơn. Nó không còn đối diện nữa với sự cần thiết phải làm đau khổ và sự nhạy cảm với đau khổ thành đáng kính trọng, bằng cách lý giải chúng trong những điều khoản của “tội lỗi” (sin) – nó chỉ đơn giản nói điều nó nghĩ: “Tôi đau khổ”.  Với kẻ kém văn minh, đau khổ kiểu như thế không có gì đáng tôn trọng; hắn đòi một thứ bàn luận tôn giáo kiểu bàn kinh thánh [73] trước khi hắn ta sẽ thú nhận với chính hắn là hắn ta thực đang đau khổ (bản năng của hắn sẽ nhanh hơn, dẫn hắn ngay tới phủ nhận hắn đau khổ, và chịu đựng nó trong im lặng). Chỗ này, từ “ma quỉ” đã là một ân sủng: con người đã có một kẻ địch mạnh mẽ đến mê mẩn khôn cưỡng và kinh khủng – con người không cần phải lấy làm xấu hổ vì chịu đau khổ dưới những bàn tay của một kẻ thù như thế.

Dưới đáy nền đạo Kitô có một vài điều tinh khéo vốn thuộc về phương Đông. Trên tất cả, nó biết là một vấn đề hoàn toàn không quan trọng – không biết một điều là đúng hay là không đúng. Trong khi lại là điều cực kỳ quan trọng khi một điều gì được tin là đúng, tin là chân lý. Sự thật và niềm tin rằng một điều gì đó là sự thật: là hai lãnh vực hoàn toàn khác biệt của sự quan tâm – hầu như hai lãnh vực hoàn toàn đối nghịch nhau – đến với chúng, người ta qua những lối hoàn toàn khác biệt. Có được kiến thức về điều này – điều đó gần như là sự định nghĩa về một con người khôn ngoan ở phương Đông: Những thày tu Brahmin hiểu điều này, Plato hiểu điều này, và tất cả những môn đệ của (các học phái) bí truyền (dạy) khôn ngoan. Lấy thí dụ, nếu muốn làm con người thành vui sướng khi họ tin tưởng rằng họ đã được cứu chuộc khỏi tội lỗi, là điều không cần thiết những người ấy trong thực tế, thực có tội lỗi, như là điều kiện cho sự kiện này. Nhưng chỉ đơn giản là anh ta cảm thấy mình tội lỗi. Và thông thường, trên trước mọi điều, nếu đức tin là đúng mới thực là cần thiết, vậy thì lý trí, kiến thức và sự tìm hiểu phải nên thành mất tín nhiệm, không đáng tin tưởng: con đường dẫn đến chân lý, đến sự thực thành ra con đường bị ngăn cấm, thành lối bị cấm cửa .

Hy vọng lớn lao đóng vai tác nhân cho đời người mạnh mẽ nhiều hơn bất kỳ một nhận thức lẻ loi nào về hạnh phúc có thể từng có được. Những ai chịu khổ đau phải được nâng đỡ bởi một hy vọng mà nó không thể bị bất kỳ thực tại nào cãi nghịch lại, hay bị bất kỳ đáp ứng nào ném bỏ – một hy vọng về cái “bên kia” (Chính là như thế, vì khả năng giữ kẻ bất hạnh trong thường trực thấp thỏm, người Greek đã xem hy vọng là yêu quái nhất của các loài yêu quái, con quỉ thực sự quỉ quyệt: nó còn bị giữ dưới đáy thùng đã đựng đầy ma quỉ [74])

Để làm yêu thương thành có thể, Gót phải là một con người; để cho phép những bản năng thấp nhất tham dự, Gót phải trẻ trung. Để khích đông nhiệt tình của những giống cái [75], một vị thánh dung mạo đẹp đẽ phải đặt ra tiền diện, và để kích động mọi giống đực, một “Mary” – giả định ngay từ ban đầu đạo Kitô muốn trở thành chủ nhân ông những vùng đất, nơi ấy có một vài thờ cúng thần kích thích tình dục [76] hay thờ Adonis [77] hoàn toàn đã thiết lập thành tựu cái khái niệm tổng quát về một tín ngưỡng. Sự đòi hỏi giữ trinh tiết làm tăng thêm sự mãnh liệt và sự hướng nội của bản năng tôn giáo; nó làm tín ngưỡng ấm áp hơn, nồng nhiệt hơn, có hồn hơn.

Tình yêu là trạng thái trong đó con người nhìn sự vật dứt khoát nhất như không phải là chúng. Sức mạnh đánh lừa của ảo ảnh ở đỉnh cao nhất của nó tại đây, cũng như sức mạnh làm dịu ngọt và chuyển hình đổi dạng; trong tình yêu, con người kham chịu được nhiều hơn, con người có thể chịu đựng tất cả mọi thứ. Một tôn giáo phải được sáng tạo ra trong đó một người có thể yêu; những gì tồi tệ nhất trong ðõi sống thì như thế được khắc phục – ngay còn chẳng nhìn thấy nó đâu nữa.

Thật quá chừng quá đỗi cho ba phẩm hạnh Kitô: đức tin, yêu thương, hy vọng [78] – Tôi gọi chúng là ba khôn ngoan xảo quyệt Kitô.  Đạo Phật thì xa quá về sau, tích cực quá, nên không thể khôn xảo trong cái lối này [79].


24.
Ở đây, tôi chỉ mới chạm vào vấn đề nguồn gốc của đạo Kitô.

Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Dec/2009)
(còn tiếp . . .  )




[1]
1.
Dịch từ những bản tiếng Anh của:
a. Friedrich Nietzsche. The Portable Nietzsche. Walter Kaufmann dịch và hiệu đính. New York: The Viking Press, 1954. Reprinted 1969.
b.  Friedrich Nietzsche. Twilight of Idols and the Anti-Christ. Bản dịch của R. J. Hollingdale. London: Penguin Classics 1990
c. The AntiChrist. Friedrich Nietzsche. Published 1895. H.L. Mencken dịch, Published 1920.
d. The Nietzsche Reader. Keith A. Pearson và Duncan Large biên dịch. London: Blackwell Publishing, 2006.

Bản của Mencken phổ thông, có thể tìm thấy dễ dàng trên Web – trong Project Gutenberg, đây là bản quen thuộc với độc giả tiếng Anh, có từ trước thế chiến II.
Bản Kaufmann, mới và được đánh giá là đầy đủ, trung thực hơn. Kaufmann là một học giả, triết gia, khi gặp những câu tối nghĩa, dùng bản (b) này. Đây là chính bản tiếng Anh để dịch sang tiếng Việt.
Bản (b) và bản (c) và bản không trọn (d), dùng tham khảo thêm.
Cũng tham khảo bản tiếng Pháp: L’Antéchrist, Friedrich Nietzsche/ traduits par Henri Albert / Paris : Mercure de France , 1899.
Và dĩ nhiên không thể thiếu nguyên bản viết bằng tiếng Đức Der Antichrist – (có thể tìm tại đây – 
Friedrich Nietzsche, Digital critical edition of the complete works and letters, based on the critical text by G. Colli and M. Montinari, Berlin/New York, de Gruyter 1967–, edited by Paolo D’Iorio.

Các chú thích của dịch giả bản tiếng Anh có đánh dấu hoa thị (*)
Các chú thích khác trong bài dịch, và các sai lầm nếu có, là của người dịch bản tiếng Việt, hướng đến một độc giả Việt ngữ phổ thông. – LDB.


2.
Der Antichrist viết trong khoảng từ 3 đến 30 Sep/1888, ngay sau khi Nietzsche viết xong Twilight of the Idols. Theo dự định trước đó của ông, Der Antichrist sẽ là phần đầu của một bộ sách có tên Revaluation of all Values, một dự định cho tập sách đó còn giữ được, viết: “Revaluation of all Values. Quyển 1: The Anti–Christ. Nỗ lực trong một Phê bình đạo Kitô. Quyển 2: The Free Spirit: Phê bình Triết học như một phong trào Hư vô. Quyển 3: The Immmoralist: Phê bình loại Tai hại chết người nhất của không–Hiểu biết, Luân lý. Quyển 4: Dionysos. Triết học về sự Tái phát Vĩnh Cửu”.

Có hai bản thảo trang bìa của Der Antichrist còn giữ được:
(a) Bìa sách sớm hơn theo như dự định kể trên: The Anti–Christ, An Attempt at a Critique of Christianity. Book One of Revaluation of all Values, và đoán là viết ngày 3/Sep/1888
(b) Bìa sách sau, chữa lại là: The Anti–Christ. Revaluation of all Values A Curse on Christianity. Tôi theo bìa này:  Phản–kitô – Lời nguyền rủa đạo Kitô.

Tập sách được cho in lần đầu năm 1895 trong tập VIII của bộ Gesamtausgabe in Grossoktav (Naumann, Leipzig)
Một ít những bỏ xót trong tập trên đã được bổ xung và cho in lại trong ấn bản của Karl Schlechta Werke in drei Banden, tập II, 1955.

(Friedrich Nietzsche, handschriftliche Titelblätter zu „Der Antichrist”, 1888)

3.
Der Antichrist – dịch sang tiếng Anh “The Antichrist” (Kaufmann), “The Anti–Christ” (Hollingdale, bản của nxb đại học Cambridge), hay tiếng Pháp “L’Antéchrist” là một từ khó dịch.
Đây là một từ có trong kinh thánh – Phản Chúa, hay Giả Chúa, hay nghịch Chúa. Nên nhắc lại ở đây – Christ, hay Messiah, là nhân vật huyền thoại được báo trước trong Tanakh (Cựu ước), có nghĩa là “kẻ được chọn”. Riêng Tân ước chép truyện Jesus ở Nazareth đã tự xưng mình, và sau được các tín đồ gọi là “Christ”, là một trường hợp, cho đến nay những người Jews vẫn phủ nhận.

Ở đây, từ “Phản-kitô” có thể có cả hai nghĩa – Phản chúa–Kitô “The Anti–Christ” và Phản đạo–Kitô “The Anti–Christian”. Khi đọc xong trọn tập sách sẽ rõ ý tác giả; nội dung bài văn cho thấy tựa đề của nó mang cả hai nghĩa: Phản chúa và đạo Kitô. Nietzsche tấn công cả hai – nghĩa là tất cả.
Vậy: Der Antichrist – Fluch auf das Christenthum. Tôi tạm dịch là:  ”Phản–kitô – Lời nguyền rủa đạo Kitô”.
Có nghĩa là  ”Sự Phê Bình – phản kháng chống lại, lên án, nguyền rủa – tất cả những gì làm nên đạo Kitô (Critique of Christianity)
Đặc biệt là nội dung đạo đức của nó (ông cho là của Paul, thứ luân lý sinh ra từ trạng thái tâm sinh lý – phẫn hận – Ressentiment – đặc biệt của nô lệ Dothái).

[2] Zarathustra tên nhân vật trong tiểu thuyết triết lý Thus Spoke Zarathustra (Zarathustra đã nói như thế):của Nietzsche, ông nhại theo kinh thánh, để trình bày những luận thuyết và tư tưởng căn bản chống cả hai đạo Kitô và Dothái.
[3] Seven solitudes: Số bảy dùng với nghĩa bóng bẩy, cũng là cách hay thấy trong ngôn từ tôn giáo, Nietzsche thường lấy các hình ảnh trong kinh thánh, vặn bẻ, dùng theo lối của ông. Thí dụ có lý thuyết Catô về 'Seven Sacraments' hay dĩ nhiên , nhưng có lẽ 'Seven Sorrows' [ngược với 'Seven Joys'] có lẽ gần nhất với ý Nietzsche. Tranh ảnh Kitô thường có “The Seven Sorrows of the Virgin”.
[4] Hyperboreans: là giống dân tương truyền sống ở phía cực bắc châu Âu. Trong Sử ký của Herodotus có nhắc đến. Pindar (ca. 522–443 BC) – thi sỹ cổ đại Hylạp – còn truyền ại những bài thơ tụng (odes – tụng thi) cũng có nhắc đến Hyperboreans.
Ở đây, Nietzsche ám chỉ – dùng một giống người ẩn kín, bí mật của huyền thoại Hylạp như giống người tài năng và văn minh nguyên thuỷ của nhân loại. Nietzsche cũng lấy Hyperboreans để tán dương cái gia sản tiền-Kitô, ngoại giáo của dân Ấn Âu (Indo-European) có truyền thống săn bắn, xem là cao quí hơn dân Nam Âu đã bị “vụng, hụt” vì nhiễm nặng Judeo-Christian, có truyền thống canh nông
[5] (*) Cf. Pythian Ode thứ mười. Cũng xem quyến sách thứ Tư của Herodotus. Hyperboreans là một giống dân kể trong huyền thoại, sống bên kia rặng núi Rhipaean, ở phương Bắc xa thẳm . Họ vui hưởng hạnh phúc không dứt, không sứt mẻ và cứ trẻ mãi.
[6] Nguyên văn  Fr. larguer:
[7] Sirocco: gió cực nóng từ Sahara qua biển Mediteranian, thổi ngược lên Nam Âu, lên nước Đức.
[8] Fatalists: người theo thuyết tiền định, hay thuyết định mệnh.
[9] Schopenhauer – theo nhà triết học Đức này, hiểu biết về nội tại của thiên nhiên và đời sống đem lại “cam thuận toàn hảo, đó là tinh thần sâu kín nhất của đạo Kitô”.
[10] Nguyên văn: “den Willen zur Macht” – “will to power” – ý dục quyền lực: khái niệm đặc biệt của tác giả.
[11] Nguyên văn:  moralinfreie Tugend
[12] theo tiếng Anh ”overhuman” – từ này thường dịch là ”siêu nhân”, vì cũng có khi dịch là ”overman” hay “superhuman”. Trong tiếng Đức “Übermensch” là từ đặc thù của Nietzsche  vì đây là con người hay mẫu người ông đề cao, “siêu nhân” là giống sẽ có những lý tưởng và giá trị mới mà ông đang hô hào thay thế.
Nếu muốn giữ cho đúng ý tác giả hơn, phải dịch là “giống người trên người” hay “ người trên người” – là khái niệm của Nietzsche – từ “Zarathustra đã nói như thế” là một sinh vật đã tự vượt thắng trong chính nó tất cả những gì đã là đặc tính xác định con người chúng ta. Đó là một giống người mới, vẫn là người, nhưng khác vì thể hiện được những giá trị ở trên những giá trị của con người tầm thường chúng ta.
Sau mười năm độc ẩn nơi hoang dã, Zarathustra trở lại nhân gian, đem đến cho con người món quà: dạy rằng loài người không phải là một cứu cánh hay đã là một cuối cùng, nhưng chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp, bắc cầu lên một loại sinh vật cao hơn: “overhuman – giống trên người
Mặc dù các nhà lý thuyết Nazi đã cố gắng liên hệ từ này dùng vào các mục đích của họ, các học giả ngày nay đều công nhận Nietzsche đã minh bạch phủ nhận, trước sau ông rõ ràng ghét cả hai: chủ nghĩa quốc gia cực đoan nước Đức và chủ nghĩa bài Dothái.
[13] Blaise Pascal (1623-1662) – nhà toán học, triết gia Pháp
[14] Nguyên văn “der Verdorbenheit des Menschen” – chú ý đây là một trong những  ý niệm chủ chốt của tác giả
[15] Nguyên văn “decadence”  – từ Pháp trong nguyên văn – “décadence – Werthe” > “giá trị suy đồi”.
[16] Nihilism – (< latin nihil = không, trống rỗng.) Là chủ nghĩa triết học tiêu cực của phủ định, bác bỏ, hay từ chối với một vài hay toàn thể khía cạnh của tư tưởng hay cuộc đời.
[17] Nguyên văn trong bản tiếng Anh “pity” – từ nguyên văn – bản tiếng Đức “Mitleiden” (nghĩa từng chữ: “khổ đau + cùng”), nguyên câu trong nguyên bản “Christenthum die Religion des Mitleidens”, tiếng Pháp la pitié, Latin “pietat-, pietas – tiếng Tàu dịch là “liên mẫn” 憐憫 hay “đồng tình” 同情.
Tôi dùng từ ”thương xót” để dịch pity – thay vì lòng từ (từ tâm) vì không thể lẫn lộn với lòng từ. Mặc dù “lòng từ” hay “từ bi ”khi dịch ngược sang tiếng Anh – có thể là “compassion”, và “compassion” là một từ có ý tương cận với pity. (vậy – pity: thương xót, thương hại – compassion: lòng thương, lòng trắc ẩn – commiseration: lòng ái ngại – condolence: sự chia buồn, xẻ đau – sympathy: mối đồng tình, lòng thương cảm)
pity” và “lòng từ”” khác nhau như sông với biển, cùng chứa nước, nhưng bên nhỏ hẹp bên bao la. Và nội dung cũng hoàn toàn khác – như ngọt với mặn. Thương xót là nước sông, phân biệt, rộng hẹp, trong, đục, ngọt, chát, tanh,... tuỳ chỗ; nhưng lòng từ, từ tâm như nước đại dương, liền khắp bao la và chỉ một vị. Một giọt nước sông mỗi hoàn cảnh mỗi khác, như lòng thương xót. Nhưng một giọt nước đại dương? luôn luôn một vị của bao la.
Thương xót – hay thương hại – là tình cảm có trước một người (thân thích, cùng bộ tộc, hay đồng loại) gặp bất hạnh, chịu đau khổ. Điển hình cho lòng thương xót của đạo Kitô là tranh tượng “pieta” hay vẽ Mary ôm Jesus chết sau hành hình, trên đùi mình. Trong đó, nổi tiếng nhất là tượng Pietà của Michelangelo, đặt tại Vatican. Đây là chính thương xót hiện thân trên ngọc, là định nghĩa của pieta đạo Kitô, qua dáng điệu và nét mặt, diễn tả tuyệt vời lòng người mẹ ôm đứa con chết thảm.
Đây là một cảm xúc có tính chọn lọc và giới hạn, tạm kể điển hình: có đối tượng là con người mà thôi (a), và đối tượng đó có liên hệ xa gần với mình (b), đối tượng đó gặp hoạn nạn, hay và khổ đau (c).
Suy nghĩ thêm về (a), (b) và (c) sẽ thấy những giới hạn khác của nó.
Về triết học – phải chăng thương xót là một trong những bản năng tốt của con người? Ngang cùng với: yêu, trắc ẩn và tha thứ (love, compassion, forgiveness)? Hay thương xót thực sự là một trong những cảm xúc cơ bản của chúng ta như ghen tị, thèm muốn hay thù ghét (jealousy, envy, hatred) vì thương xót có thể chứa đựng sự coi rẻ, thái độ nhìn xuống đối tượng?
Nietzsche tin thương xót làm một người lành mạnh bình thường, cảm thấy đau khổ với một cường độ bất xứng và một cách vong thân. “Thương xót làm khổ đau thành truyền nhiễm” ông nói ở đoạn này – điều quan trọng là người thương xót đừng để mình cảm – dù trong tiềm thức – là cao hơn, là ở trên người đang hoạn nạn, đau khổ, đừng để sự bất cân xứng về năng lực như thế (cao/thấp – trên /dưới) phản lại sự giúp đỡ đang đem cho.
Bao nhiêu lần, cho, hay giúp kẻ khác, chúng ta đã tự nghĩ “trông người lại nghĩ đến ta” hay/và “trông lên rồi trông xuống” – để “hạnh phúc” vì mình tự thoả mãn, tự đắc ngầm?
Xa hơn nữa, làm sao chúng ta biết kẻ đau khổ muốn gì? đau khổ ra sao – hiện nay có vấn đề những người bị bệnh nan y, hay tật nguyền không thể chữa chạy, chỉ chờ chết, hoặc không còn cảm xúc, hay còn nhưng là đau khổ cùng cực về tâm sinh lý, và những trường hợp, có lẽ tốt hơn nên để cho họ chết, để tự nhiên đến với họ. Cưỡng lại tự nhiên, cưỡng lại sự đào thải của sinh vật tiến hoá, không để cho tự nhiên làm công việc, Nietzsche gọi, và dẫn Aristotle, là “tẩy rửa”. “Thảm kich là tẩy rửa”, những sinh vật không còn thích hợp để sống, nên để cho tự nhiên làm việc! Đây là những điểm đẩy đến cực đoan của Nietzsche, nhưng không phải là không đáng suy nghĩ.
Chúng ta cứu giúp người – vì chính ta thương xót? Vì chúng ta? hay vì họ? – thực vì họ không?
Không thương xót thì không cứu người nữa?
Nếu thương xót – theo như trong đạo Kitô – dù tốt đẹp nhưng vẫn còn những thiếu xót, hạn hẹp. Trong khi đó, chúng ta vẫn muốn giữ lòng nhân ái, lòng từ với chẳng những chỉ con người, mà với tất cả mọi dạng, mọi hình thái của sự sống, chúng ta lấy gì làm nền tảng cho đạo đức nhân loại? lấy gì làm tiêu chuẩn cho đạo đức con người?
Phê bình của Nietzsche trong đoạn này – không phải là không có vấn đề, những cũng không phải là không đóng góp vào các lời đáp, nếu có, cho các câu hỏi kể trên.
Sau cùng chúng ta có thể nhìn thẳng vào chính sự khổ đau của con người – từ đó sẽ mở ra những viễn lộ khác, những triết lý và tôn giáo lớn rộng khác, trong đó có những lối thật giàu có thâm sâu, đưa chúng ta đến bờ của sự hiểu biết, đến chân lý về đời sống, bản thể của sự sống.
Và cũng có cả một lòng thương nhân loại đích thực, lòng thương người đưa đến giải thoát cả chủ thế lẫn đối tượng khỏi khổ đau vĩnh viễn.
[18] Chỉ cái chết của Jesus. Thông thường  Nietzsche phân biệt hai Jesus, một Jesus “thật”, ông gọi là “Jesus của Nazarene”. Còn Jesus the “Christ” (Jesus cứu thế) ông cho là Paul, học trò Jesus “bịa” ra.
[19] Trong nguyên văn “Mitleiden überredet zum Nichts!” – bản tiếng Anh, Pháp dịch là “nothingness” , “néant”
[20] Nirvana ở đây là Nirvana của Nietzsche, theo ông hiểu biết, nó như là một cõi “cực lạc” – tương đương với thiên đường của đạo Kitô, Ông “khinh bỉ” con người yếu đuối, luôn đòi thương xót. Nên cũng khinh bỉ các đối tượng cầu xin của hắn, như ông kể “thế giới bên kia”, “Gót” hay “sự sống thực” hay “cứu rỗi”, “ân sủng”
Dĩ nhiên đây là lý luận đúng những trên cách hiểu sai lầm về Nirvana.
[21] Nguyên văn “priest” – dịch đúng ý tác giả là “thày chăn chiên” hay “nhà chăn chiên” chỉ giới tu sĩ trong các nhà thờ Kitô, cả Catô (Vatican) lẫn Tinlành.
Xem chú thích tiếp sau – về các từ tiếng Việt, dùng dịch các từ chỉ các vị hoạt động cho Nhà thờ Kitô.
[22] Hay xuyên tạc và bất lương.
[23] Pathos
[24] Faith: lòng , niềm tin vào, sự sung bái, hết lòng, hay sự tin cẩn vào người nào hay điều gì, có đặc tính là không qua chứng minh, không cần có chứng cớ  – từ đặc biệt trong tôn giáo – tín tâm, lòng tin, đức tin.

[25] Parson – thường dịch là  “mục sư”, hay gọi là tu sĩ đạo Tinlành – theo tôi chữ mục sư, hay tu sĩ, không đúng lắm, họ chỉ là “thày chăn chiên”, không “tu” mà cũng không là kẻ “sĩ”, chỉ có chữ “mục”, là kẻ chăn dắt (người chăm dắt, trông coi súc vật, như trâu bò – mục đồng) thì đúng, và vì thế họ không là “sư”, chỉ “chăn dắt” chứ không “dạy”.
Người Tàu tự tin và khách quan hơn – họ dịch đúng hơn chúng ta: “mục sư”– “” (牧師 – Pastor). Còn thày chăn chiên Catô, thường gọi là linh mục (靈牧) – người Tàu dùng từ “giáo sĩ” – 教士.
Vậy “mục sư” hay “linh mục” – đều là tự xưng và xem như sứ mạng của mình, nên tên gọi những chức vụ nghề nghiệp đó nên giữ những từ mang nội dung “kẻ chăn giắt” (“mục”) tín đồ (con chiên) – vậy có thể dịch là ”thày chăn chiên”. Vừa sát nghĩa (trong trường hợp “mục sư”) vừa có tính Việt, đậm đà ngôn ngữ dân tộc. Tôi cung cấp – miễn phí – cho giới trí thức Kitô những từ mới, giúp các vị đang cố gắng ”Inculturation” đạo Kitô vào Việt nam.
Danh xưng cho các vị hoạt động cho Nhà thờ Kitô:
a. Vậy chúng ta có thể gọi: “thày chăn chiên” để chỉ những người chăm sóc “con chiên” (tín đồ đạo Kitô). Khi phân biệt, có thể dùng nguyên cả cụm từ “thày chăn chiên Kitô”, và tương tự “thày chăn chiên Catô” cho những vị nằm trong các dòng đạo Catô theo Vatican, và các giáo phái Tin Lành là “thày chăn chiên Tinlành”.
b. Pope? – từ này phổ thông – có thể dùng nguyên “pope” như tiếng Anh hay nếu muốn dịch – tôi đề nghị , vừa đúng, vừa sát nghĩa: “Thày chăn chiên Vua” hay gọn hơn “Vua Chiên” (vị vua tất cả các con chiên)
c. Cardinal: “thày chăn chiên áo đỏ”
d. Archbishop: “thày chăn chiên cấp vùng”.
e. Bishop: “thày chăn chiên cấp tỉnh”.
Các danh xưng khác – với những người không hoạt động rao giảng:
f. brother, frere > “frere”
g. sister – sœur > “sơ chị”
h. Mother, mere > “sơ bà” hay “sơ mẹ”
Và các tín đồ Kitô, chúng ta nên gọi – đúng như họ tự gọi – những “con chiên Kitô”. Nghe vừa hiền lành, ngoan đạo, tốt đẹp.

[26] Nguyên văn “peccatum originale”
[27] Tübingen  tên một thành phố ở Baden-Württemberg, Tây Nam Germany, Tübingen nổi tiếng vì trường đại học mang cùng tên, thành lập từ năm 1477, đặc biệt trường thần học Tübingen School, trong các sinh viên lỗi lạc, có thể kể nhà thiên văn Kepler, thi sĩ Friedrich Hölderlin, triết gia Friedrich Schelling và Georg Wilhelm Friedrich Hegel. “Bộ ba Tübingen” chỉ Hölderlin, Hegel và Schelling, đều theo học trường thần học Tübingen.
[28] Swabia, Suabia, hay Svebia (Schwaben) vùng đất lịch sử Tây Nam Germany. Có trường Tübingen nói trên.
[29] true world – đây là Kant mà Nietzsche đã chỉ trích trong Twilight of the Idols Nietzsche “How the “true world” finally became a fable:”
Theo quan niệm siêu hình học của Kant về thực tại, triết học của ông phân biệt thế giới hiện tượng và thế giới thực – Phenomenal và Noumenal Reality (“thế giới thực”) – Theo Kant, thế giới mà chúng ta có kinh nghiệm, thế giới khả tri, khả giác, khả luận và cả khoa học, dựng trên những thứ vừa kể (senses, perceptions, reason) không phải là “thế giới thực”. Thế giới thực không bao gồm các khái niệm của con người như: không gian, thời gian, thực thể, nhân quả (space, time, entity, causality) và vân vân. Kant cho rằng thế giới hiện tượng (mà chúng ta thông thường cho là thực), về quan điểm siêu hình thì thấp kém hơn thế giới những tự thân, thế giới chân thực tại.
Thế giới chân thực tại (noumenal world) là thế giới của những chủ thể tự thân, ở tầng “chân” cao hơn, và nó là thực tại, là “thế giới thực”, Nietzsche phê bình ở đây.
Như Nietzsche viết trong đoạn này – Kant cho thế giới hiện tượng, do tâm trí con người nhận thức, là một sự bóp méo (xuyên tạc) hay đại biểu sai lạc thế giới thực. Kant giải thích sự sai lạc này là do chính khả năng (giới hạn) của nhận thức của con người.
Tâm trí con người tiếp thụ và tạo nhận ra một thế giới (hiện tượng) – thế giới đó là “giả”, nó hiện ra , “méo mó” như thế vì khả năng của cấu trúc nội tại của khả năng – gọi là lý trí – của con người.
[30] appearance
[31] Nguyên văn bản tiếng Anh: “Chinese phase” – nói Chinese, nói tiếng Tàu, “xí xa xí xô”, vô nghĩa, không ai hiểu.
[32] Königsberg – thành phố – trường đại học – là nơi Kant (1074-1804) ra đời, sống, dạy học, và suốt đời không rời xa, không đi đâu khác.
[33] The categorical imperative: Từ có trong hệ thống đạo đức học phức tạp của Immanuel Kant, trọng tâm là một nguyên tắc đơn giản: phạm trù sai khiến đạo đức có gốc từ luận lý.
Phạm trù sai khiến – tạm hiểu ở đây – chỉ qui luật đạo đức vô điều kiện, áp dụng cho tất cả các cá nhân có lý trí, và độc lập với bất kỳ ước muốn hay động cơ cá nhân nào.
Immanuel Kant (1724 – 1804) là triết gia duy ý lớn của nước Đức. Ông nổi tiếng với Critique of Pure Reason, có tham vọng phân định những giới hạn của chính lý trí. Về triết lý đạo đức, Groundwork for the Metaphysics of Morals, là tác phẩm ông cố gắng lấy nguồn cho những nguyên tắc đạo đức từ chính lôgích. Động cơ chính lý thuyết đạo đức của ông là Categorical Imperative.
Nietzsche đang “chửi rủa” Kant ở đoạn này – vì Kant và những người như Kant, đã lấy những gì không từ đời sống, gọi cho đẹp đẽ là siêu hình, cao thượng, phổ quát, siêu thế,.. gì gì đi nữa, đem áp đặt vào cách nhìn cuộc đời, cách hiểu sinh hoạt nhân văn, sống giữa thế giới tự nhiên, chỉ có làm nghèo nhân gian, làm hại đời sống! và làm khổ con người.
Để hiểu Nietzsche, ở đây, cũng như nhiều chỗ trong bài văn này, đừng quên ông lần lượt đứng trên các quan điểm duy vật, vô thần, duy nghiệm, duy thực,.. chống lại duy ý, duy thần, duy linh, cả duy trí nữa. Ông gần với những gì là, và ca tụng Dionysus.
Các quan điểm đó nằm lẫn lộn hàm ngụ trong các thuật ngữ rất sống động đặc biệt không lẫn được với ai của ông: “kẻ vô luân” – immoralist, “người trên người” overman, master morality, slave morality, “vượt trên cả thiện lẫn ác.” – beyond good and evil, “ý dục quyền lực” – will to power, “tái thẩm tất cả mọi giá trị” – revaluation of all values, và “triết lý với cái búa tạ” – philosophizing with a hammer”.
Nietzsche còn dùng hai concepts: “Apollonian” và “Dionysian” để chỉ hai nguyên lý trung tâm của văn hoá Hylạp (trong The Birth of Tragedy). Apollonian và Dionysian là hai lực đối nghịch,  vì Apollo, là thần mặt trời, là ánh sáng, minh bạch, và khuôn dạng (light, clarity, and form), trong khi Dionysus, là thần rượu, là say sưa, và hứng khởi (drunkenness and ecstasy) và có thể thêm đột phát, ngẫu hứng, vô khuôn.
Một bên là Chopin, cổ điển , một bên là Miles Davis, Jazz
“Apollo” liên hệ với, tựng trưng cho: Sun, ego, psyche, Stoic, mind, reason, thinking, order, restraint, male, hierarchy, science, system, compulsiveness, city, classicism, civilization
“Dionysus” liên hệ với, tựng trưng cho: earth, id, eros, Epicurean, heart, emotion, feeling, chaos, excess, female, equality, art, spontaneity, impulsiveness, country, romanticism, nature
[34] Moloch: thần kể trong kinh thánh, god của dân Canaanites và dân Phoenicians, cha mẹ phải giết con làm vật hy sinh để dâng tế Moloch.
[35] Moral disposition: ý hướng đạo đức – khái niệm trong triết lý đạo đức của Kant – là một tác động chủ quan trên qui luật đạo đức và là nguồn gốc giá trị của hành động đạo đức.
Dùng từ của Kant: ý hướng: là “noumenal” gốc của động cơ đạo đức trong mỗi cá nhân. Nó có thể, hoặc xấu (thí dụ – propensity) hoặc tốt (thí dụ – predisposition), nhưng không thể đồng thời là cả hai.
[36] Nietzsche nhại thánh kinh – Trong mười điều răn, lời Gót dạy dân Dothái, đều mở đầu “Thou shalt...”
[37] Những người ti tiện – trong nguyên văn – Chandala hay Chandal là một từ lăng mạ, dành riêng chỉ một nhóm người hay giai cấp cùng mạt hạng, bị khinh rẻ trong xã hội India – đã có từ cổ thời.
[38] Nvbdta – turkeycock –  Còn có nghĩa là một người kiêu căng ngạo mạn
[39] Free will – theo nghĩa triết học và thần học phương tây – tự do chọn lựa của con người do Gót cho
[40] Nghĩa là không còn gì nữa, không có “tinh thần” với “ý chí” ở đâu. Nietzsche đứng trên quan điểm duy vật và duy nghiệm, “chửi rủa” những khái niệm duy ý, đưa đến duy thần của Kant.
[41] Anthropocentric- Anthropocentrism: Qui nhân luận, hay Nhân trung thuyết. Học thuyết đã lỗi thời, lấy con người là trung tâm của vũ trụ, trên đó mọi loài khác tùy thuộc.
Học thuyết này nay còn giữ trong đạo Kitô – Gót tạo dựng loài người và và phát sinh mọi loài khác, và tất cả lệ thuộc vào Gót. Thuyết này cũng chủ quan xem vũ trụ như được tạo thành để phục vụ lòai người.
[42] Teleology: Cứu cánh luận – thuyết cho rằng trong thế giới, không có gì xảy ra một cách tình cờ, tất cả có đều có mục đích hay cứu cánh. Thuyết này vẫn còn giữ và là chủ yếu của đạo Kitô, vì đạo Kitô đặt cứu cánh cuối cùng là Gót. Tất cả đều đi đến vị này để có thể có ý nghĩa.
[43] Castration – nguyên văn “Die widernatürliche Castration eines Gottes zu einem Gotte bloss des Guten läge hier ausserhalb aller Wünschbarkeit”. Tác giả chơi chữ – có hai nghĩa là: thiến, hoạn (trực tiếp, thông thường) và cắt giảm.
Môt dân tộc đem gót ra thiến – khiến vị gót thành không có nối dõi nữa (thành độc thần), và thành hiền lành, dễ bảo (dễ cầu xin), ít bệnh tật như những con vật bị thiến (bớt dâng cúng, ít chạy chữa, vì nếu gót bị bệnh, hay cáu kỉnh là có thể có thiên tai, dịch tễ, chiến tranh). Chúng ta hiểu Nietzsche dẫn chúng ta đến dân tộc và Gót nào.
[44] Humanitarianism
[45] Nguyên văn “Gott für Jedermann, wird Privatmann, wird Kosmopolit” .
Nietzsche – theo học xuất sắc môn classical philology và thành giáo sư môn này – dạy khoa cổ ngữ (lúc mới có 24 tuổi tại đại học Basel) đang chơi chữ: từ ‘Privatmann” trong tiếng Đức, có gốc, dịch theo chữ – là từ “Idiot” tiếng Hylạp “ἰδιώτης, idiōtēs” (“người không có nghề chuyên môn”, “một công dân”, “một cá nhân”), có gốc từ  ”ἴδιος, idios” (“riêng tư”, “những gì của riêng một người”)
Nhưng với Nietzsche, nghĩa gần nhất của “idiot” là của tác phẩm “The Idiot” của Dostoevsky, là cá tính của nhân vật chính Lev Nikolaievich Myshkin, đó là: chân thực, tin cậy, tử tế và khiêm tốn, hơn là kém thông minh, hay bị bệnh tâm thần.
Ở đoạn 29, Nietzsche cũng gọi Jesus là một “idiot”.
[46] Ernest Renan (1823 – 1892) triết gia người Pháp, sử gia, học giả về tôn giáo. Tác giả History of the Origins of Christianity trong đó có Life of Jesus, History of the People of Israel.
[47] Sousterraindưới hầm từ lấy trong l’esprit sousterrain, nhan đề một tiểu thuyết của Dostoevsky.

[48] sub specie Spinoza: chỉ Baruch de Spinoza (1632-1677) và quan niệm của ông về Gót– vắn tắt, Spinoza xem God và Tự Nhiên là cùng một thực thể, chỉ mang hai tên khác nhau, thực thể đó là một “substance” (không có nghĩa “vật chất” hay “thực chất” như thường hiểu, nhưng có nghĩa “cái đứng + “bên dưới”). Ông nổi tiếng – và bị giáo hội Dothái từ bỏ – vì quan điểm của ông về God chỉ hiện hữu như khái niệm triết lý trừu tượng và không phải là một hữu thể (exists only philosophically – abstract and impersonal)

Theo tôi hiểu – Nietzsche lại chơi chữ ở đây – Gót là cái giống phụ (ở dưới) của Spinoza
[49] creator spiritus 
[50] Từ “sanction” – “Sanktion” – có hai nghĩa đối nghĩa – có thể hiểu hoặc chấp thuận hay trừng phạt – muốn hiểu sao cũng thuận ý của đoạn này.  Linh hồn con người (nếu có) đã “nộp mình” cho một Gót, để tất cả ưu sầu, hèn nhát, suy đồi của nó, được vị Gót này dung tha, chấp nhận (“Gót tha thứ”) hay để vị Gót này thưởng phạt theo những luật Gót định! (từ “sanction” – trong luật pháp – là áp dụng luật, trừng phạt!)
Tôi nghĩ Nietzsche đã tài tình – cố ý dùng từ này vì nó có hai nghĩa nhưng lại đối nghịch (trường hợp hiếm trong tiếng Anh) – và nghĩa nào, như tôi hiểu ở trên – cũng đúng với văn mạch.

[51] Nietzsche có rất nhiều hiểu nhầm bắt đầu từ đoạn này, khi nhận xét về đạo Phật, với ông, và các trí thức, triết gia ở thế kỷ ông, trong đó có  – trước hết, về dữ kiện; đạo Phật không có liên hệ gì với đạo Kitô, và số tín đồ, trong lịch sử, ít nhất kể từ thế kỷ XIX, không bao giờ nhiều hơn đạo Kitô Những điều này có lẽ đúng với đạo Islam – cả hai đều là tôn giáo của Abraham, độc thần, đông đảo tín đồ.
Cũng như Schopenhauer, Nietzsche trong thời đại của cả hai, châu Âu mới bắt đầu tiếp xúc, đơn lẻ và phiến diện với các tôn giáo phương Đông, như Ấn giáo, Phật giáo; các kiến thức của cả hai ông  có rất nhiều giới hạn. Khi họ phê bình, dựa trên những giới hạn này của thế kỷ trước.
Nietzsche và Schopenhauer hiểu lầm, hay hiểu chưa tới Buddhism, cả hai trình bày Nirvana như phi-hữu (non-existence) Nietzsche hiểu nhầm  “dukkha” là  “khổ đau (“suffering”) ở mức đơn giản thông thường – thân xác (pain) và tâm trí (distress).
Nietzsche cũng hiểu khái niệm của Phật giáo ngưng tạo nghiệp là “vô vi” gần đạo đức kinh hơn (inaction as a cessation of all action) do đó Nietzsche trình bày – ở đây – Buddhism là một con đường thoát, hiểu theo nghĩa trốn chạy thực tại, cuộc đời, và vì thế ông gọi là là một ý hệ mệt mỏi ('weary' ideology).
Thực ra, những gì Nietzsche đi tìm không thấy trong Judea-Christian – ông đã có thể tìm thấy và còn có được nhiều hơn mong muốn, nếu như ông đã hiểu đạo Phật – xin đọc thêm: Robert G. Morrison. Nietzsche and Buddhism, A Study in Nihilism and Ironic Affinities, Oxford University Press, 1997. Theo Morrison, Nietzsche ngưỡng phục Buddhism, nhưng nhìn thấy trong nó một tôn giáo theo chủ nghĩa hư vô, nghĩa là phủ định cuộc đời, nên phản ứng của ông là sợ nó như chủ nghĩa hư vô lan tràn châu Âu.  Morrison chứng minh, dĩ nhiên – ngày nay với đầy đủ các thư tịch, kinh điển phiên dịch, Phật giáo không phải là một chủ nghĩa hư vô, và còn cống hiến rất nhiều cho chính tham vọng của Nietzsche đang nói ở tác phẩm này –  “transvaluation of all values”. Chuyển hóa, đánh giá lại mọi giá trị giả nhân, giả nghĩa, hư vô của văn hóa châu Âu, vì bị thần học và triết lý duy ý làm sa đọa, đang xuống dốc.
Một tác giả khác; Richard Welborn, trong The Buddhist Nirvana and Its Interpreters, Chicago, University of Chicago Press, 1968; xác nhận Nietzsche chịu ảnh hưởng rất nhiều tư tưởng tôn giáo của Ấn. Thí dụ – ngay nhan đề “Thus spoke Zarathustra” vang âm hưởng các kinh pali – mở đầu “Như vầy tôi nghe” – “evam me sutam” và trong quyển đó, các đoạn giòng gợi nhắc các kinh điển Pa li . Ông cũng nêu 3 điểm:
a.      Khái niệm của Nietzsche về “trở lại miên viễn” – “eternal return” và khái niệm đi kèm về tiềm năng sáng tạo của nó – có thể liên hệ với khái niệm “samsara”
b.     Hình ảnh Zarathustra là hình ảnh một bồ tát: giác ngộ, xuống núi, cứu đời
c.      Ý niệm transvaluation liên hệ với những gì Nietzsche hiểu về Nirvana.

[52] Dĩ nhiên – không đúng – cả triết lý Bà la môn (Brahmanism) đương thời , và kế tục của nó triết lý đạo Ấn (Hinduism); đều chủ trương một đấng tối thượng sáng tạo vũ trụ, dưới hình thức này, hay tên gọi khác, và dù không hoàn toàn tương đồng với Gót của các tôn giáo Trung Đông Abraham.
Ngay thời đức Phật tại thế, rất nhiều tôn giáo và trường phái triết học hữu thần tại xứ Ấn,
[53] Nếu có lời khen nào – dù trên các kiến thức hạn hẹp sai lạc – thì đây là một lời khen. Và cũng đặc biệt,Nietzsche nhận ra ngay sự tích cực của đạo Phật, không phủ nhận cuộc đời.
Trái với những người sống trong môi trường văn hoá Phật giáo, vẫn ngộ nhận, hay chỉ lập lại một phê bình dễ dài – đạo Phật yếm thế, tiêu cực, lánh đời.
[54] Nguyên văn – “physiological” – nhưng tôi tác giả muốn nói tới “tâm sinh lý” hơn là sinh lý. Nên nhớ thời Nietzsche, còn chưa có Freud!
[55] Nguyên văn “impersonal” – tôi đoàn tác giả chỉ “vô ngã”, khái niệm rất “exotic” với người phương Tây khi bắt đầu tiếp xúc với đạo Phật. Có thể kể Arthur Schopenhauer, Friedrich Nietzsche và Helena Blavatsky là những người nổi tiếng sớm tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của đạo Phật. Thời đó, hạ bán thế kỷ XIX,  lối dùng nguyên các từ  pali hay sanscrit gốc để chỉ các khái niệm Phật học, còn chưa phổ thông như ngày nay. 
[56] Tác giả chỉ tăng đoàn – thượng tọa bộ các nước nam Á.
[57] Nguyên văn : “weaning” – cắt bú sữa, cai sữa
[58] Trên triết lý – dĩ nhiên  (Prayer is ruled out, and so is asceticism)
[59] Xem chú thích – đoan 11 về – Kant – categorical imperative
[60] Lại  Kant ! –  Quan điểm đạo đức của Kant:  trách nhiệm cưỡng bách (“duty by compulsion”)
[61] Egoism  – tác giả muốn nói đến “duy cá nhân chủ nghĩa “ hơn là “chủ nghĩa vị kỷ”
[62]Ethical egoism” is a normative theory that states that our actions ought to be done from the perspective of self-interest. One of the problems with this position is that it might not be in one's self-interest to have eveyone act from the perspective of self-interest. This 'state of nature' would not be desirable (in Hobbes' terms, life would be “beastly, brutal, and short”) and so it might ultimately be in one's self-interest to enter into a contract with others that would place restraints upon self-interested actions.
[63] Tác giả muốn nói đến ý – Ai cũng có Phật tính, ai cũng có tất cả mọi điều kiện ắt có và đủ để thành một người giác ngộ.
[64] Nguyên văn “casuistry
[65] Phòng xưng tội của tín đồ, con chiên. 
[66] Moors là tên gọi chung những người theo đạo Islam có gốc khác nhau, trong đó có các sắc dân bắc Phi – đã sống tại vùng Iberia, Tây Nam châu Âu – hiện nay là Spain và Portugal (710-1400 AD)- Văn minh Moors  đã chiếu sáng châu Âu, và dắt châu Âu ra khỏi thời Trung Cổ Kitô đen tối (“Light of Europe’s Dark Age”). Tại Iberia, dưới thời Moors, khoa học, nghệ thuật, thương mại phát triển rực rỡ và đặc biệt khoan dung với những văn hoá và sắc tộc khác biệt.

[67] Nguyên văn – “epileptoid”  – lên cơn động kinh, mất trí , mê sảng dãy dụa (sudden brief episodes of altered or diminished consciousness, involuntary movements, or convulsions)
[68] Nghĩa của từ , viết nghiêng, nhấn mạnh – trong nguyên văn “underworld” 
[69] Nguyên văn “barbarian
[70] Tác giả nói về các dân tộc – bắc Âu – ở ngoài cương vực văn hóa La Hy – nam Âu – trong đó có chính dân tộc Đức của tác giả. – thường gọi với  tên “barbarian”.
[71] Lord Supper
[72] Nietzsche có một quan niệm ở thế kỷ trước về tiến hóa Darwin – theo như các đoạn mở đầu – ông cho rằng con người tiến hóa theo chiều đi lên – lớp sau cao hơn lớp trước, như con người theo Phật giáo ở đây. Hiểu theo nghĩa tinh thần mà thôi – trong thực tế lịch sử, đạo Phật đã xuất hiện trước đạo Kitô hơn 600 năm.
[73] “exegesis” phê bình phân tích văn bản tôn giáo, đặc biệt với kinh thánh
[74] The Pandora box – Pandora mở hộp – nhanh chóng tất cả các ma quỉ, yêu quái bay ra, nàng đóng vội lại , chỉ còn giữ được “hy vọng” trong hộp – vậy – theo Nietzsche,  hy vọng còn nguy hiểm hơn tất cả mọi thứ (yêu quái, ma quỉ) đã bay ra, vì nó nằm dưới đáy hộp! – hy vọng có thể thành hão huyền lừa dối – hy vọng về cái bên kia, về thiên đường, về cứu chuộc, … đưa đến hư vô, đưa đến phủ nhận thực tại – như Nietzsche lên án đạo Kitô ở đây.
[75] Một nữ tu Kitô – xem như có “hôn phối” với Jesus (married to Jesus) – và là người “phối ngẫu” của Jesus (spouse) và phải giữ trinh tiết cho vị này.
[76]aphrodisiac” : làm gợi hay tăng xúc cảm tính dục xác thịt  < Aphrodite : nữ thần tình yêu và sắc đẹp
[77] Adonis: Huyền thoại Greek: Một thanh  niên trẻ và tuyệt đẹp, Aphrodite rất yêu.

[78] Tin nên nhắm mắt trước chân lý, yêu nên không thấy sự thực, quên đau khổ, và hay vào đó là hy vọng – để quên thực tại – dẫn tới cái bánh vẽ trên trời – tới hư vô – tới thế giới trên kia- nước thiên đàng hư ảo, đằng sau sự chết, bên kia sự sống.
Những ai phê phán đạo Kitô sau Nietzsche, đa số chỉ khai triển những ý tưởng ở đoạn này.

[79] Trong bốn đoạn – 20-23, Trước hết Nietzsche có nhiều điểm tích cực ca ngợi đạo Phật – dù với hiểu biết còn giới hạn và nhiều sai sót của ông:
Nietzsche đã cẩn thận không lẫn lộn Buddhism và Christianity trong các phê bình của ông. Ông nhấn mạnh ngay nhận thức của mình – trong đạo Phật có những nội dung và nền tảng hoàn toàn khác lạ, không cùng loại với đạo Kitô ông quen thuộc. Dù không quen thuộc và có hiểu biết sau sa với Phật giáo, nhưng nội dung triết học của nó phải là đối tượng cho Nietzsche suy nghĩ. Và về phần đạo Kitô, không thể nói ông sai lầm, là con một thày chăn chiên Tinlành, chính ông cũng sửa soạn học than học và rồi nối nghiệp cha làm thày chăn chiên Tinlành, chỉ đến phút cuối ông bỏ theology và theo chuyên philology. Vậy những phê phán của Nietzsche về Kitô, là phê phán của kẻ nằm trong chăn và biết chăn đầy rận, đầy rệp hút máu. Và đã nằm trong chăn Kitô đó hàng mấy đời, ăn, thở, sống trong môi trường văn hoá, thần học Kitô châu Âu kể từ khi nó ra đời.
Nói khác đi, khi Nietzsche phê phán các ý niệm “Gót”, “Sin”, “heaven”, “redeem”,... ông không phải là kẻ “ngoại đạo”. Ông biết những gì ông nói, ông sống những gì ông nói. Không như một thày chăn chiên Việt, tuy viết luận án về Nietzsche, cao giọng phê phán những người Việt khác khi họ phê phán đạo Kitô của ông, là những người này không đặt được vào trong, và không hiểu được những ý niệm này vì ở ngoài không gian văn hoá và địa lý của nó. Vậy trường hợp các tác giả như Nietzsche, Freud hay Russell phê phán Kitô, Judaism; các vị này không hiểu Kitô? môi trường văn hoá châu Âu? như vị thày chăn chiên Việt, đóng vai giáo sư dạy triết?
Nhìn chung, Nietzsche chống lại tất cả các tôn giáo duy ý. Vì chúng là sự sa đọa, sự suy đồi (“decadence”) – tại sao? Vì chúng là ý thức đưa đến hư vô – hiểu như phủ định sự sống, chối từ thực tại. Ông đề cao một mẫu người, loại người, sống hùng, sống mạnh, bám chặt trần gian này (do đấy, ông còn được coi là đã mở đường cho chủ nghĩa hiện sinh)

Thế nên, dù xếp đạo Phật đứng cùng hàng tôn giáo hư vô và phát sinh từ suy đồi (nihilistic and decadent) ông vẫn đánh giá đạo Phật lành mạnh hơn nhiều và thực tại hơn nhiều. Ông nêu rõ, đạo Phật không “đổ tội” mọi khổ đau bất hạnh trần gian vào tội lỗi (sin) – nhưng thực nghiệm phân tích thực tại, tìm cách giảm, thắng, vượt khổ đau. Đạo Phật lại còn không dùng tới các phạm trù đạo đức (“moral presuppositions” của Kant mà ông khinh ghét). Vì nó đã vượt qua – như ông nói “Trong những thuật ngữ của tôi, nó đứng vượt trên cả thiện lẫn ác.” –  đoạn 20 – Do đó, trong đạo Phật là một chủ nghĩa “duy cá nhân” tuyệt đối – thuật ngữ của ông –  Quay về mình – không dựa và cũng không phán xét người khác.

Một người theo đạo Phật, đi đến được sự giảm thiểu khổ đau bằng cách sống thụ đông, không ép buộc (A passive, non-compulsive lifestyle – chữ của ông). Anh ta không tức giận mà cũng không oán hận, bất kể sự, việc, người, vật – tạo, đem đến, bất thuận nhưng đối nghịch với anh ta.  Tiết chế đời sống, giữ cả tinh thần lẫn vật chất khoan hòa, điều độ, đặc biệt tránh xúc cảm quá độ, anh ta đạt được một đời sống an bình cho mình và giúp cho người. Trong khi ấy, những tín đồ Kitô hoàn toàn làm những gì là ngược lại, luôn luôn kích thích xúc dộng, luôn luôn duy trì sự thấp thỏm, lòng bất an về tội lỗi, luôn luôn ngóng trông trên cao một Gót đang quan sát, ngày đêm không rời mắt, luôn luôn cầu xin (prayer) – mối liên hệ của con người với Gót Kitô là một mối liên hệ ma quái nhất trong những ma quái – dựng bằng tin, yêu, hy vọng mà ông gọi là ba xảo quyệt Kitô (đoạn 23 này).
Lên án sự suy đồi của con người và trí tuệ châu Âu – do văn hóa, tín ngường Kitô – Dothái, mặc dù xem đạo Phật cũng là tôn giáo của suy đồi – ông vẫn còn nói – nguyên văn “Châu Âu còn xa mới chín mùi với đạo Phật”) – đó là một sự đề cao trang trọng.
Và “Đạo Phật là tôn giáo thực nghiệm đích thực độc nhất có trong lịch sử” – “Der Buddhismus ist die einzige eigentlich positivistische Religion,” “die uns die Geschichte zeigt, auch noch in seiner Erkenntnisstheorie (einem strengen Phänomenalismus -),

Cuối cùng, tôi thêm một nhận xét nữa, cuối cùng – nếu không sẽ thành một đoạn viết ngớ ngẩn, thiếu xót về Nietzsche và đạo Phật, ông rất thông minh – dĩ nhiên, là hơn tôi – thấy ngay trong đạo Phật – con người thực sự đạt đến và tin là sẽ đạt đến được những giá trị – trong đoạn 21 – “mục đích thì đạt tới được. Đạo Phật không phải là một tôn giáo trong đó một người chỉ đơn giản khao khát sự toàn hảo mỹ mãn: toàn hảo mỹ mãn là trường hợp bình thường” – “Der Buddhismus ist keine Religion, in der man bloss auf Vollkommenheit aspirirt: das Vollkommne ist der normale Fall.

Nói nôm na, nó không là “cái bánh vẽ trên trời”, nhưng đạo Phật có những cái bánh ở ngay trần gian này, có điều chúng ta phải tìm bột, kiếm đường, làm lấy mà ăn! Và trước hết phải học cách làm bánh, rồi chẳng những phải rửa tay, mà còn đi đến chuyện rửa tâm lẫn tẩy trí nữa, không dễ,  và đặc biệt, bánh người khác mình ăn không được, Khó đấy, nhưng công bằng!
Nói một cách triết lý – Những đối tượng trong đạo Phật không phải để thờ phụng, nhưng để đạt đến, ngay cả ngôi vị giác ngộ cao quí – Phật – ai cũng đạt đến được, dĩ nhiên sau quá trình tu học.

Và câu nói sau đây của ông – thường bị bỏ qua – “Đạo Phật là một tôn giáo cho sự tận cùng và cho sự mệt mỏi của văn minh.” – trong khi “đạo Kitô còn chưa thấy văn minh ở đâu” –  “Der Buddhismus ist eine Religion für den Schluss und die Müdigkeit der Civilisation, das Christenthum findet sie noch nicht einmal vor”.
Mọi văn minh nhân loại xây đắp – sẽ không đi đến đâu trước khổ đau – chân lý thứ nhất – khổ đế – của loài người – và chỉ đạo Phật mới có câu trả lời cuối cùng cho nhân loại – phải Nietzsche muốn nói thế không – chỉ đạo Phật mới đưa nhân loại sang bờ bên kia ?